PDA

View Full Version : Cá quẫy ao nhà



giavui
10-23-2010, 03:20 AM
Vũ AM

Người đàn ông ngồi trên chiếc xe lăn, ôm cậu bé chừng 2 tuổi, lượn vài vòng trong nhà, chờ cho chiếu trải ra, mâm hạ xuống thì xe vào bến. Bữa cơm nhanh chóng dọn ra nhờ bàn tay của hai người đàn bà một già, một trẻ. Khi được thả, thằng bé sắn lăn vào lòng mẹ. Chị ngồi đầu nồi luôn tay đơm xới, sắp đặt. Thôi, dằm cơm cho nó ăn đi, để đó mẹ làm. Bà Thư nhẹ nhàng nhắc con dâu rồi nhận đôi đũa cả từ tay chị.

Nhà có bốn người!

Cơm quê giản dị, truyền thống: một bát canh cua rốc nấu rau đay, một đĩa cá đồng kho riềng, một đĩa dưa cải vàng ươm và một bát mắm cáy. Cua cá đi làm đồng bắt về. Rau thì vườn nhà mùa nào thức ấy, tươi xanh. Lâu lâu có đi đâu ghé qua chợ mua vài ba miếng đậu, lạng thịt đã gọi là tươm.

Mặt trời vừa đứng bóng. Nắng như lửa ở lò sấy bánh mỳ phả ra. Cơm nóng, canh nóng vừa mới ăn vào đã toát mồ hôi. Sau tiếng bát đũa va chạm, đã thấy con Mực ở đâu chạy về. Nó gõ móng như có ai rãi hạt na trên sân gạch. Thằng bé ngậm đầy mồm cơm, từ lòng mẹ cầm cái đũa tre chui ra, chập chững, quật lấy quật để con chó. Mực ta vẫy tai, cái đuôi ve vẩy, chừng hiểu ý, quyện một vòng hẹp, khiêm nhường nằm xuống chân cột, đảo mắt phía mâm cơm, chờ ngóng.

Có tiếng cá đàn quẫy dưới ao, ao nhà sâu và rộng nên nước còn mát. Bà Thư nói dóng dả: Chiều ăn cá thì cất vó, hết mẻ này đi mẹ thả lứa khác. Mỗi con dễ cũng hơn cân rồi. Vâng ạ! - Tiếng người con trai. Tuy cụt hai chân nhưng anh Thắng nhiều mưu mẹo lắm. Để cất được vó, anh cắm ba cọc tre xuống sát bờ ao như vó bè. Còn cái cần vợt lưới làm thật dài để khi bắt cá không phải nhoài người ra mép nước.

Sang đây bà bón cơm nào. Cu Từ vòng qua lưng Thắng đến ngồi bên bà miệng há ra như cá hớp mồi. Thằng bé thật lạ, trong bữa ăn nó đi qua mặt mẹ, mặt bà có khi làm đổ cả thức ăn nhưng không bao giờ đi qua mặt Thắng. Điều thắc mắc ấy, cuối cùng anh cũng tự hiểu. Bà đỡ cháu, hai người rảnh tay lo cho nhau đi, ý bà thế. Đưa bát cho chị xới, anh nhìn đôi má rựng đỏ, có lẽ do lửa bếp. Khi trao lại bát cơm, hai bàn tay chạm nhau. Cơm nóng. Tay nóng. Chị ngước lên. Ánh nhìn thiện cảm. Anh trước đó chưa vợ, vẻ hiền lành, trẻ hơn tuổi 30 - người mà chị được gọi là chồng hơn mười hôm nay. Cái chạm này mới lần đầu, nghe có gì rân rân khắp người chị. Ngày biết yêu, anh Thư (bố cu Từ bây giờ) có lệnh nhập ngũ. Anh không trong diện đi vì gia đình có bố là liệt sĩ, nhà lại con một. Nhưng anh tình nguyện. Ngoài Bắc thì tổng động viên. Trong Nam thì tấn công thần tốc. Thế ta như chẻ tre, thanh niên ai không nhanh chân thì mất cơ hội. Đêm chia tay, bên anh chị dâng hiến tất cả chỉ mong vừa lòng người ra trận.

Đầu năm, đã ối kẻ xin chết vì chị. Dưới con mắt họ gái một con có sự lôi cuốn kỳ lạ. Toàn những ông bỏ vợ, mất vợ mắt la mày lét, ra vào nhẵn ngõ đến chó cũng quen hơi làm bà Thư rực ruột. Sự hấp dẫn của chị làm no nê những con mắt đói khát nhục dục. Mới tháng trước đây có ông thợ đóng cối qua ngõ. Bà Thư gọi vào. Miệng ông ta trả lời chủ nhà mà mắt cứ dán chặt vào thân thể chị Lếnh. Người ấy ở làng bên, nghe đồn thổi, đi tìm cái thớt dưới chứ cối chày gì hắn. Từ ngày có anh Thắng về, tự dẹp. Giờ, nhà thêm người đàn ông, thêm sự tin cậy, thêm bàn tay đỡ đần, nhờ vả. Con người chị khởi sắc dần qua từng cử chỉ, lời nói. Nhìn rõ nhất từ những nụ cười kín đáo. Nghe rõ nhất từ những câu nựng con có nhựa: Mẹ yêu ở chỗ nào? Đêm nay con ngủ với ai?

Cơm xong, thằng bé không chịu ngủ. Nó đòi bố Thắng dùng xe lăn kéo xe mây rơ moóc của nó vòng vèo hết nhà ra tận bờ ao. Đầu hồi nhà phía Đông có trổ cửa. Lối đi xuống ao vạ đất thoai thoải để xe lăn lên xuống dễ dàng. Phía bên đó là phòng ngủ của Thắng. Xe lăn đi được khắp nơi: Trong nhà, ngoài sân, ngoài ngõ, bờ ao; trừ buồng phía Tây nơi mẹ con chị ngủ có ngưỡng gỗ. Ở quê, buổi trưa mọi nhà thường xay thóc, buổi tối giã gạo. Máy xay sát hợp tác có đấy nhưng chờ đợi, quá chết; với lại, nhà tự làm, cám lợn ngon hơn. Có rơi vãi hạt nào con gà, con cá còn kiếm tí mồi. Nghe tiếng rù rù, rì rì của cối xay thóc biết Lếnh đã ở trong bếp. Bà Thư thì đang đứng trên bờ ao dùng sào tre vớt từng vạt bèo làm thức ăn cho lợn; cũng là để thoáng mặt nước cho cá dễ thở. Vì vậy, ngủ trưa cu Từ thường theo Thắng. Thằng này nó có cái tật cứ luồn tay vào ngực anh vậy vọ núm vú một lúc mới ngủ được. Từ trước đến giờ anh không để ý đến hai đầu vú của mình, kể cả lúc tắm. Có khi nghĩ bậy còn độc thoại: Ông trời rỗi hơi, vô duyên. Thì ra, trời đã sinh cái gì đố ai vứt đi được, nhất là những cái đã gắn vào cơ thể mình. Thắng nhắm mắt, anh cố nghe tiếng xay thóc rù rì để kéo mình vào giấc ngủ. Nhưng, trong tíc tắc anh phát hiện cái dao động của vòng xoay rù rì cối xay dưới bếp trùng với tần số xoay núm vú ở chỗ tiếp xúc với hai ngón tay nhỏ bé, xinh xắn của thằng Từ trên nhà. Ồ, mà lạ chưa, người anh tự dưng nóng dần lên. Lẽ nào mẹ nó đang truyền cái năng lượng sinh học đặc biệt cho nó, đánh thức những gì vốn có sẵn trong anh.

giavui
10-23-2010, 03:20 AM
Những ngày ở trại an dưỡng thương binh nặng Thắng mặc cảm với thương tật của riêng mình, mặc cảm sự mất mát của gia đình, người thân; và mặc cảm cả sự phản bội của người con gái từng yêu, từng thề thốt với anh những lời có cánh. Và rồi, có lúc, anh cho đời như một chiếc lá bay, vô cảm. Nặng nghĩa lắm với mẹ Thư, người đã nâng anh đứng dậy bằng chính sự thương yêu, sẻ chia, sự mất mát của người có chồng và con trai hy sinh trong cuộc chiến anh có mặt. Cũng may, con trai mẹ còn để lại trên đời một mầm sống, thế rồi bà vực lại một gia đình như hiện nay từ hai bàn tay trắng.

Tiếng xay thóc dưới nhà bỗng ngưng bặt. Cái cối tre tự dưng giở chứng rung lên xòng xọc, lẽ nào mới đóng đã hỏng. Lếnh ngừng tay, bước lên nhìn vào ngõng cối; chết rồi, trong ngõng không còn lấy một hạt thóc.

Nghe gọi “bố” mãi rồi cũng quen tai. Có lúc Thắng còn nhắc cu Từ: Ra đây bố bảo. Vào ngủ với bố đi. Mới đầu thằng Từ còn lưỡng lự, về sau thì… Như hôm nay, bú xong mẹ Lếnh bảo ra với bố Thắng đi, nó mút núm vú mẹ nó đánh cái chụt rồi ngoắt mặt ra cười toe toét với Thắng. Sau đó mới giơ hai cánh tay lên cho anh bế. Hơn 2 tuổi vẫn còn bú mớm, nhà hiếm hoi vẫn thế. Trao con cho Thắng, Lếnh tỏ ra vội vàng kéo vạt áo xuống. Cái vội vàng cố tình đủ thời gian cho anh nhìn thấy cái gì cần nhìn. Thì ra, sau làn vải thân hình Lếnh tròn trịa, da trắng mịn hơn gương mặt thường ngày rất nhiều; mới hiểu hết câu “hai sương một nắng” của người làm ruộng.

Thằng Từ là gạch nối thần diệu giữa hai người. Mỗi lần họ trao con cho nhau ít nhiều đều có đụng chạm. Lúc đầu là vô tình, sau thì cố tình nhiều hơn, sát hơn, mạnh hơn. Sự cố tình ấy đều từ Lếnh mà ra. Ai cũng bảo họ hạnh phúc vì nhà có hai người phụ nữ khéo hàn gắn. Chị là người con gái 3 năm trước tình nguyện về ở với mẹ chiến sỹ cô đơn không nơi nương tựa. Anh là thương binh nặng, không gia cư mẹ nhận từ trại thương binh về nuôi dưỡng. Rồi như ta đã biết.

Động trời thì cá hay quẫy. Những đêm như vậy bà Thư nhắc Lếnh bế con sang cho nó ngủ với bà. Trộm nhìn mặt con dâu tươi sắc, lại làm như không nghe thấy gì, bà Thư cũng tạm cho qua. Chả lẽ lại hành sự như các cụ xưa: nhốt hai đứa vào buồng khoá trái cửa lại. Ấy thế rồi ra con đàn cháu đống cả. Nhưng đây đầu to như cái sọt chứ đâu còn tuổi 13 – 14 nữa. Nhiều đêm giữ ý bà sang nhà hàng xóm chơi rõ khuya. Về nhà, vẫn giường nào, giường nấy. Những đêm động trời Thắng ngủ ít hơn. Một phần vì vết thương tái phát. Một phần anh lan man nghĩ về loại động vật sơ đẳng: Loài cá. Nó sống theo đàn, thần kinh thô sơ mà phản xạ cực nhanh, sức bật cực mạnh. Tiếng cá quẫy cắt đôi giấc ngủ bao người. Anh nhớ có nhà thơ viết: “Trở mùa cá quẫy rung cây”. Tồn sinh nào mà ghê gớm vậy. Anh tự lục vấn: Lúc bị thương dập cả hai ống chân, máu chảy đầm đìa, đau đến chết giấc. Thế nhưng, khi tỉnh dậy anh vẫn cố nhoài mình ra khỏi vòng nguy hiểm. Ánh sáng nội quán nào soi chiếu cho anh tìm ra sức mạnh ấy… thắp lên!!

Mỗi ngày sau anh mỗi vui lên. Bố con anh phát minh thêm một trò chơi mới. Nhặt xung quanh nhà những hòn đá, hòn sỏi bỏ vào túi nilon treo ở càng xe. Chẳng ai biết họ có ý tưởng gì. Chỉ biết thằng Từ thi thoảng lại reo lên khi cá quẫy.

Bà Thư về bên ngoại một tuần lo việc xây mồ, đắp mả cho các cụ. Trước khi đi bà gọi cả hai vợ chồng ra dặn dò, cắt đặt các đầu việc: Từ cho lợn ăn, cá ăn; từ lúa ngoài đồng, ngọn rau trong vườn… mọi nhẽ. Cúi xuống, hai tay xốc nách thằng Từ giơ lên ngang tầm đầu, bà nựng: “Cháu bà ở nhà ngoan này, ăn nhiều chóng lớn này, từ nay không được bú mớm nữa nhá. Nào, giờ thì hôn má bà đi, má này, má này nữa. Nào hôn bố Thắng đi, hôn mẹ Lếnh đi”. Xong, bà thấp thằng bé xuống vừa tầm Thắng ngồi trong xe lăn rồi chỉ vào má thằng bé bảo Thắng: “Hôn!”. Chỉ má bên kia của thằng bé bảo Lếnh: “Hôn!”. Bắt cả hai người hôn cái “chụt” thật to, thật đều mới được. Hai cái “chụt” to ghê. Thằng Từ sướng quá cười như nắc nẻ, phô hết cả mấy chiếc răng cửa trắng ởn. Bà đi, con mực theo chân đến cuối làng, đuổi mãi mới về.

giavui
10-23-2010, 03:21 AM
Trưa hôm ấy, trời đang nắng gắt, bỗng nổi giận. Mây đen ùn ùn kéo tới đổ trận mưa như trút. Hai anh chị vội ra bờ ao đắp cao máng nước đề phòng cá vượt vũ môn. Sấm chớp xé rách bầu trời bằng những tia lửa ngang dọc, chói loá và những tiếng nổ bốn phía ong tai nhức óc. Trong nhà, còn lại một mình trên chiếc xe mây song thằng Từ hoảng quá khóc thét lên. Thế là xe đổ. Chị bổ nháo nhào về. Thằng bé không sao cả, chỉ có tiếng khóc của nó khiến không gian tao tác. Ngoài trời, cây cối đẫm nước, ngả nghiêng. Mặt ao duềnh lên. Gió tạt mạnh từng đợt đuổi theo từng lớp sóng trắng loá. Bèo tạt vào một góc ao. Lũ cá trôi, cá mè hết quẫy, giờ chắc đang rung vây, ngơ ngác dưới chân bèo. Xong việc, chiếc xe lăn vừa bò qua cửa trổ đầu hồi anh đã thấy chị ngồi trên giường mình, áo xống xổ hết. Miệng chị la rày: “Anh thay quần áo nhanh đi, cảm đấy!” Cu Từ đã nằm trong lòng mẹ vẫn còn run vì chưa hết sợ. Nó bú một vú, tay vân vê vú kia. Anh đỏ chín mặt, ngỡ ngàng trước nửa phía trên người phụ nữ đã quá gần mà không hề che đậy. Chị cười: “Lính mà nhút nhát thế!” Tự ái, anh cởi phăng chiếc áo sơ mi rồi thả chồng lên chiếc áo của chị sũng nước dưới chân giường. Bộ ngực đàn ông nổi hết hình khối, đường nét. Chiếc quần cũng ướt sũng dán lên bộ đùi kê trước khung xe lăn hình khối, đường nét trinh nguyên, trai trẻ. Với tư chất thông minh và một lần “từng trải” cũng đủ cho chị cảm nhận ở anh cái bản ngã giới tính. Phải kéo anh về đời thường. Trời vẫn mưa to, chị ôm con đứng dậy, ra nhà ngoài, trả lại không gian cho anh, cái không gian của kẻ tự trói mình. Chị không nói được thành lời nhưng đầu chị nghĩ được vậy. Có điều gì anh làm phật ý chị. Nhưng khi quay lại, chị nhẹ nhàng: “Mẹ dặn em phải chăm sóc anh, luôn để ý đến anh. Còn anh, anh phải làm theo ý em đấy. Thôi thay quần áo đi còn ra ôm con cho em nấu cơm”. Con Mực đi đâu về gặp mưa ướt lướt thướt, đang rũ lông ngoài hiên nhà, nhìn thấy chị nó cứ ư ử như muốn giãi bày, hay chê bai cái gì.

Trăng mười tám bò dần lên đỉnh trời. Sau trận mưa ánh trăng trong trẻo lại. Cây vườn hồi sinh. Đất mát rượi dưới chân người. Thắng mang võng mắc vào hai cây hồng bờ ao. Chiếc võng cói dóc dày dặn mẹ Thứ mua cho thật thuận tiện cho việc di chuyển từ xe lăn qua. Anh nằm lắng nghe mọi động tĩnh quanh nhà, thấy lòng thư thái. Lếnh ra bảo: con ngủ rồi, anh vào ngủ đi, mẹ bảo đêm ngủ giường ngoài để trông coi nhà cửa. Nói vậy, nhưng chị lại ngồi vào chiếc xe lăn của anh đặt bên võng rồi lăn qua lăn lại. Vẫn chị nói: “Mẹ đi, ai làm chủ gia đình, anh chứ?” Tiếng Thắng: “Sáng nay em nói những gì, quên nhanh vậy!” “Thôi thì thế này (chị dứt khoát) một tuần chia đôi mỗi người ba ngày rưỡi, em nhận xuất trước để làm mẫu cho anh được chứ. Anh nói đi!” Chẳng còn cách nào khác Thắng đành trả lời một âm gọn lỏn: “Được” Ngay sau tiếng được, Lếnh đưa chiếc xe lăn vào trong nhà. Khi bước ra, Lếnh ngồi chen vào chiếc võng, miệng ghé sát tai Thắng: “Cho bà chủ ngồi với nào”. Vừa nói xong bà chủ quàng hai tay ôm ngang vai anh. Ngửa mặt lên nhìn trăng. Đầu dúi vào cổ anh ngúc ngoắc. Hai chân buông thõng, tung tẩy. Miệng hát nhỏ nhẹ như chỉ để cho riêng mình nghe: “Trăng ơi trăng sáng ngời, em hát cười, cho đêm nay...” Bỗng: Phựt! Bịch! Bịch! Võng đứt. Hai thân xác rơi tự do. Mấy giây trôi qua, tĩnh tâm lại. Anh đã ôm chặt chị từ lúc nào. Hai người đều nghe rõ nhịp tim của nhau. Anh nói nhỏ: “Em có sao không?”. “Không sao! Nhưng mà…”. Nhưng mà sao (Anh lo lắng). “Nhưng mà… cá quẫy anh ạ!”. “Ừ cá quẫy” (Anh công nhận). Với tiếng rơi như thế, đàn cá hoảng hồn. Chị đứng nhanh dậy, bế thốc anh vào nhà, đặt lên chiếc giường có cu Từ đang nằm ngủ. Cửa đóng, đèn tắt. Chỉ còn nghe tiếng nói: “Mẹ bảo (lại mẹ bảo) đời mẹ không biết tuần trăng mật là gì? Em và anh cũng vậy. Mẹ không thể làm lại, còn chúng mình chưa muộn phải không anh?”. Không có tiếng anh trả lời, chỉ còn nghe hai nhịp thở mỗi lúc một gấp gáp…

Chẳng ai quên cái đêm ấy, có những ba người cùng ngủ trên một chiếc giường. Điều ít thấy ở ngôi nhà này suốt thời gian hai cuộc chiến tranh đi qua. Những người đàn ông phải ra trận.



Vũ AM