PDA

View Full Version : Biệt Thự Oan Hồn



giavui
10-25-2010, 03:27 AM
Tác giả
Phạm Phong Dinh


......o0o......


Trong vòng năm năm, ba bà vợ của ông Vĩnh Hảo đều chết một cách rất bí mật. Khi người vợ thứ nhất qua đời, một năm sau ông Vĩnh Hảo tái giá với người vợ thứ hai, là một thiếu phụ góa chồng, nhưng được một thời gian thì bà vợ này cũng theo chân bà trước. Nhà triệu phú lấy cô thư ký trẻ hơn ông đến gần hai mươi tuổi làm người vợ thứ ba. tuy là chồng già vợ trẻ, nhưng họ sống hạnh phúc trong những chuỗi ngày ái ân mặn nồng. Ông Vĩnh Hảo ngụp lặn trong bể tình ái, tưởng chừng ông đã được sống lại trọn vẹn những ngày thanh xuân cũ của một thời trai trẻ hừng hực nhựa yêu đương, thì lại cũng một ngày ông phải đau đớn khóc tiễn đưa người vợ thứ ba về bên kia thế giới. Ba cái chết mờ ám chỉ trong vòng năm năm buộc nhà chức trách phải đặt nghi vấn, là liệu ông Vĩnh Hảo có dính líu hay không. Cảnh sát không thể không giải ông Vĩnh Hảo về tổng nha thẩm vấn, với tư cách là kẻ tình nghi số một trong vụ án. Những tờ nhật báo lớn có uy tín như Tiếng Chuông, Tiếng Dội, Tiếng Dân đều có đăng những bài tường thuật rất tỉ mỉ về gia thế và cuộc sống của gia đình ông Vĩnh Hảo qua ngòi bút của những phóng viên tên tuổi thời đó. Nhưng trong thực tế, với kỹ thuật phóng đại của nghệ thuật làm báo câu khách, những người viết đã vẽ vời thêu dệt những chuyện gần như là hoang đường. Họ đã tưởng tượng rằng ông Vĩnh Hảo là một con quỷ râu xanh giết vợ không gớm tay, chán bà vợ cũ thì giết và cưới vợ mới trẻ đẹp hơn. Rồi cứ thế, khi con ong đã hút hết vị thơm ngọt của nhụy hoa, nó đi tìm đóa hoa hương sắc khác. Vấn đề tiền bạc không được nêu lên trên báo, vì cả ba người vợ của ông Vĩnh Hảo đều không có tài sản gì đáng giá trước khi họ về ở với ông.
Nhưng lần này thì báo chí đã hố to. Tạm giam triệu phú Vĩnh Hảo được vài ngày, thẩm vấn không tìm thấy bằng cớ nào chứng tỏ ông đã giết vợ, nhà chức trách đã thả ông về, ông khỏi phải xin đóng tiền tại ngoại hầu tra gì cả. Chi tiết duy nhất mà cảnh sát có thể công bố một phần cho báo chí cùng biết, là bác sĩ khám nghiệm đã cho rằng ba bà vợ của triệu phú Vĩnh Hảo chết vì bị trụy tim vậy thôi. Không có một dấu vết hành hung nào trên thân thể của ba người đàn bà để cho rằng họ đã bị ông chồng đánh chết, cũng không tìm thấy chất độc nào trong máu để gọi là bị đầu độc. Như vậy ông Vĩnh Hảo hoàn toàn vô tội, ít nhất là cho tới lúc ấy. Bản thân ông Vĩnh Hảo thì tiều tụy thấy rõ, hình ông đăng trên trang đầu các báo cho thấy một con người suy sụp, tóc tai rũ rượi, đôi mắt thâm quầng đau khổ. Chỉ một người vợ chết cũng đã đủ là một cú sốc nặng nề lắm rồi, thế mà ở đây ông phải chịu đựng đến ba lần như thế. Trong ba người vợ, thì ông yêu bà vợ trẻ thứ ba nhiều nhất, có lẽ nàng còn trẻ quá, ngây thơ và vô tội quá mà định mệnh tàn nhẫn không cho nàng được sống để cùng hưởng giàu sang và hạnh phúc với ông. Dân Sài Gòn thì thầm cho rằng ông có số sát thê. Nhưng tại sao cả ba người vợ đều chết vì chứng trụy tim. Chẳng lẽ ông Vĩnh Hảo đều thích lấy những bà bệnh tim như cô nàng Hàn Ni của nữ sĩ Quỳnh Dao cả hay sao. Đấy là một câu hỏi không có lời giải đáp.
Vụ án Vĩnh Hảo phai nhạt dần theo thời gian. Giữa lúc người Sài Gòn gần như đã quên lãng câu chuyện đó, thì đùng một cái, tờ Tiếng Chuông may mắn vớ được nguồn tin nhà triệu phú lấy vợ lần thứ tư, lập tức cho mẫu tin đó lên trang nhất, làm khuấy động dư luận quần chúng lần nữa. Tờ Tiếng Chuông thường ngày chỉ in 200,000 tờ, nhưng với tin tức sốt dẽo này, ông chủ nhiệm cho in thêm 100,000 tờ nữa mà vẫn bán vèo một cái là hết. Những tờ Buổi Sáng, Tiếng Dân, Tiếng Dội đâu có chịu thua, các phóng viên được lệnh phải điều tra thân thế của bà phu nhân thứ tư, và dĩ nhiên xào nấu vẽ rắn thêm chân cho ly kỳ để câu độc giả. Đi xa hơn nữa, nhiều phóng viên còn đưa ra lời tiên đoán, xem lần này bà tư có đột ngột từ trần như những bà trước hay không.
Ngôi biệt thự của ông Vĩnh Hảo tọa lạc tại vùng Ngã Tư Bảy Hiền gần bên khu đất thánh Tây. Hồi đó người ta thường gọi những nghĩa trang của người Pháp với cái tên như thế, chắc là vì những cây thập tự giá cắm trên đầu những ngôi mộ xây bằng xi măng theo kiểu Gothic trông thật trang nghiêm và đầy nét thiêng liêng kỳ bí. Nghĩa trang được bao quanh bằng một hàng rào sắt cao phải gần ba thước để phòng người đột nhập vào. Hai cánh cửa sắt lớn bao giờ cũng đóng im ỉm vì hiếm khi có người vào thăm. Khu đất thánh rộng phải mấy chục mẫu đất, hàng trăm ngôi mộ nằm im lìm, thấp thoáng giữa những cây cổ thụ mọc rải rác khắp nơi. Nhiều tấm bia đá đã lâu không có người chăm sóc, thăm viếng, ngã xiêu vẹo lẩn trong những bụi cỏ um tùm. Có những cây sao già cao đến mười mấy thước, hàng năm vào độ cuối hè đầu thu, những hột sao nhỏ bằng đầu đũa được bọc trong một cái vỏ có hai cái cánh như cánh chuồn chuồn rời cành bay xuống lả tả, trông ngoạn mục giống như những cái chong chóng.
Một con đường nhỏ trải đá sỏi từ cổng đi vào trong, nó tẻ ra làm nhiều nhánh và mất hút vào chốn sâu thẳm tận cùng của nghĩa địa, hai bên đầy lùm bụi rậm rạp. Ở chỗ ngã ba con đường, người Pháp đặt một cái bệ đá cao khoảng một thước, bên trên đúc tượng thiên thần Gabriel có đôi cánh sau lưng, tay cầm gươm đè lên gáy con quỷ Satan đang quì cúi gằm đầu. Tượng thánh Gabriel đã đẹp và sinh động lắm rồi, nhưng tượng của Satan càng sắc sảo hơn. Không biết bằng niềm ngẫu hứng nào mà người điêu khắc gia đã gắn vào được đôi mắt của con chúa quỷ cái nhìn trừng trừng đầy thứ ánh lửa của hủy diệt. Đôi mắt long lên dữ tợn, mà những người từng vào thăm mộ không mấy ai dám đứng nhìn lâu vào. Chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, người ta có cảm giác rằng đôi mắt đó đang chuyển động, nó phóng ra những tia thôi miên ma quái, trong đầu của người ngắm nó rền rền một tiếng vọng kinh dị như từ tận đáy địa ngục. Hãy theo ta... Hãy theo ta... Cái miệng của con quỷ há to đầy vẻ đau khổ vì đang chịu sự trừng phạt của thượng đế từ sức mạnh lưỡi gươm của thiên thần Gabriel. Nhưng hai bàn tay đầy móng vuốt của nó chống xuống mặt bệ trong tư thế đầy dọa nạt. Người Pháp lúc lập nên cái nghĩa địa này không hiểu tại sao lại cho đúc tượng quỷ Satan làm gì, nó làm cho toàn cảnh nghĩa trang trông có vẻ nặng nề ma quái hơn là thánh thiêng.
Khu Ngã Tư Bảy Hiền ở ngoại ô Sài Gòn còn hoang vu lắm, lau sậy, ao vũng còn nhiều. Mỗi buổi chiều chạng vạng, lúc không gian đã mờ tối, nghĩa trang thánh Tây chìm trong cõi âm u trầm mặc, không ai dám lảng vảng đến hay đi qua. Lũ trẻ con thì càng tránh xa hơn cả. Trong trí óc non nớt đầy dẫy những sự tưởng tượng, chúng hình dung những cái xác chết khô trỗi dậy từ dưới đáy mộ bay đi tìm con người sống để hút máu tươi, mà chúng một đôi lần có xem những cuốn phim Dracula hay do người lớn đi xem kể lại. Những tưởng ở giữa một khung cảnh hoang vắng đìu hiu đầy những linh ảnh ma quái như vậy, không có sự hiện hữu của con người, nhưng thật ra thì có một ông già gác nghĩa trang sống trong một căn nhà nhỏ gần cổng ra vào. Người Pháp rút về nước đã lâu, đâu có còn ai trả lương cho ông gác đất thánh nữa. Nhưng có lẽ cư ngụ đã lâu, quen nơi quen chốn, ông già không phàn nàn gì. Mãi về sau này, thành phố Sài Gòn cho phép cả người Việt chôn cất thân nhân trong khu đất thánh Tây này, ông già được tuyển làm nhân viên thành phố ăn lương. Ông là ứng viên duy nhất, vì chẳng ai dám tranh với ông để vào ở cái nơi âm u đó.

giavui
10-25-2010, 03:28 AM
Bọn trẻ con quanh khu đất thánh nhìn ông bằng cặp mắt nửa nễ phục nửa ghê sợ. Nễ phục vì ông dám ở giữa nghĩa trang một mình năm này qua năm khác, mà có cho vàng cũng không ai dám vào trong đó dù chỉ một đêm. Ghê sợ vì cái hình dáng cục mịch, cái đầu hói lơ thơ tóc và cái mũi khoằm khoằm trông chẳng khác gã người hầu của Dracula bao nhiêu. Mỗi buổi sáng ôm cặp đi học ngang qua, mỗi buổi chiều tan học đi về, bọn trẻ con thường thấy ông già ngồi cặm cụi đan rỗ thúng, đôi mắt đục ngầu đầy những sợi chỉ máu của ông già ngước lên chằm chằm nhìn ra, khóe miệng ông nhếch lên, chẳng biết là cười hay là dọa. Bọn học trò co giò bỏ chạy. Vừa chạy vừa la. Ông già nhìn theo lắc đầu ngơ ngác.
Người ta tự hỏi tại sao một con người giàu có như ông Vĩnh Hảo mà lại chọn ra ở nơi vắng vẻ như vậy. Thiếu gì ngôi biệt thự đẹp đẽ trong thành phố để cư ngụ và vui hưởng những thú vui vật chất của một ông triệu phú. Có một lý do có thể trả lời được nghi vấn nầy. Ông Vĩnh Hảo kinh doanh ngành nhà đất và thầu khoán xây cất, có thể ông tiên đoán được tương lai phát triển của khu Bảy Hiền, nên ông đã mua hàng trăm mẫu đất ở đây và cho cất một ngôi biệt thự để thu hút người mua đất và cất nhà. Dẫu biết rằng trong ngôi biệt thự từng đã có ba người chết, nhưng trước sức quyến rũ quá mạnh của vật chất, những cô gái hay những người đàn bà khó có thể cưỡng lại được cái giàu có và danh vọng của ông Vĩnh Hảo, nên ông đã dễ dàng tìm được bà vợ thứ tư cho mình. Cuộc hôn nhân này dường như do định mệnh dun rủi hay sao, mà có một ngày người tài xế lái xe chở ông đi công việc đã tông phải một cô gái đang lơ đễnh băng qua đường. Ông Vĩnh Hảo nhảy xuống xe cùng anh tài xế vực cô gái lên chở đến bệnh viện. Dù không phải lỗi của mình, ông Vĩnh Hảo tự thấy có trách nhiệm và bổn phận chăm sóc cho cô gái. Hàng ngày dù bận công việc đến mấy, ông vẫn dành thì giờ vào thăm viếng tặng hoa cho nàng. Cô gái là một nữ sinh viên Văn khoa năm thứ tư ở độ tuổi không còn trẻ, mà chưa phải đã quá thời, chỉ khoảng trên dưới hai mươi lăm. Ông Vĩnh Hảo mới trên bốn mươi. Sự cách biệt tuổi tác không ngăn cấm được nhịp đập của tình yêu, nên khi nàng xuất viện thì ông Vĩnh Hảo đã quì xuống dâng cho nàng một chiếc nhẫn hột xoàn lóng lánh, thiết tha mời nàng về làm bà chủ cái tài sản khổng lồ của ông.
Theo thông lệ, ông Vĩnh Hảo dắt người vợ mới cưới của mình vào nghĩa trang đặt những bó hoa tưởng niệm lên bia mộ của ba bà vợ trước, để trình diện người vợ trẻ thứ tư, mà chắc là cũng để cầu xin sự thông cảm từ linh hồn của các bà, hãy cho phép ông được đi bước nữa. Ông Vĩnh Hảo đã tặng cho ông già gác nghĩa trang một số tiền khá hậu để nhờ chăm sóc giùm mồ mả của những người vợ quá cố được tươm tất sạch sẽ. Ông già cảm kích lắm. Ba nấm mộ nằm phía sau khu đất thánh Tây cùng với nhiều ngôi mộ người Việt khác nên ông Vĩnh Hảo phải dìu vợ đi xuyên qua khu rừng thưa mờ mờ ánh sáng. Lúc giữa trưa mà nghĩa trang sao im vắng tịch mịch quá, cả đến tiếng chim hót cũng không. Chỉ có năm ba con quạ đen đậu chót vót trên những ngọn cây cây sao. Thỉnh thoảng chúng cất tiếng kêu khàn khàn đượm đầy vẻ thê lương. Bà Vĩnh Hảo rùng mình ôm chặt lấy cánh tay chồng, làm ông Vĩnh Hảo đâm ra hối hận. Lẽ ra ông không nên đem bà vào những chỗ buồn thảm lành lạnh mùi tử khí như thế này.
Hiếm có một người đàn ông nào phải mang mễn trong lòng nỗi đau đến ba lần mất vợ như ông Vĩnh Hảo. Cũng hiếm có một người chồng nào phải ngậm ngùi đặt nhiều bó hoa tưởng niệm trước những nấm mộ của những người vợ quá cố như ông. Cùng với bà vợ thứ tư, nhà triệu phú u sầu đặt ba bó hoa huệ trắng tựa vào những tấm mộ bia. Ba ngôi mộ cao to xây bằng xi măng nằm song song nhau trên một cái gò đất, bên ngoài được phủ lên bằng loại đá mài màu hồng rất đẹp. Những tấm bia làm bằng đá cẩm thạch trắng, những hàng chữ khắc được phủ kim nhũ đắt tiền vàng lóng lóng lánh. Nhưng đặc biệt hơn cả, hình chân dung của những bà vợ quá cố của ông Vĩnh Hảo rọi lớn và được cẩn sâu vào tấm bia, được bảo vệ bằng một tấm kính thủy tinh dầy hình bầu dục ánh màu xanh biếc. Hình vẫn còn mới, nụ cười của những người đàn bà rất tươi tắn, vì đã được chụp trong thời kỳ hạnh phúc, nên khi ngồi bên mộ và nhìn vào tấm bia cẩm thạch, bà vợ thứ tư không bị cái cảm giác nặng nề của sự chết và cái không khí huyễn hoặc thâm u của nghĩa trang đè nặng lên tâm tưởng của bà. Bà chăm chú nhìn vào đôi mắt hiền từ của bà vợ thứ nhất, khuôn mặt phúc hậu của bà thứ hai và đôi môi nhỏ hình trái tim của bà thứ ba. Một đám mây lớn màu xám che khuất chiếc dĩa mặt trời đang tỏa nhiệt chói chang, làm cho khoảng không gian bao phủ nghĩa trang bị tối sầm lại. Mấy con quạ trên ngọn cây xòe rộng đôi cánh đen cất tiếng kêu oang oác tạo thành chuỗi âm thanh ngân nga kỳ dị trong buổi trưa hè tịch mịch. Khuôn mặt nhìn nghiêng của bà thứ ba bỗng xoay lại nhìn bà Vĩnh Hảo, đôi môi của nàng chợt há to trong một trạng thái kinh hoàng, như đang kêu thét cầu cứu. Bà Vĩnh Hảo hoảng hốt lùi lại tựa vào tấm bia của bà hai, khuôn mặt vô tình áp sát vào cái chân dung của ngưới chết, thì trời ơi, bà trông thấy đôi mắt trên tấm bia hấp háy, con ngươi mở to hết mức, như đang trông thấy một hình ảnh kinh khiếp nào đó. Bà Vĩnh Hảo kêu rú lên:
- Anh ơi...
Ông Vĩnh Hảo đang trầm mặc trước tấm bia của người vợ thứ nhất, ông giật mình bước sang nắm lấy tay vợ hỏi dồn:
- Chuyện gì vậy em?
Đám mây đã trôi xa, không gian sáng hừng lên, bà Vĩnh Hảo dụi mắt nhìn lại những khuôn mặt trên bia đá. Chẳng có gì cả. Có lẽ bà đã trải qua một cơn ảo giác không có thật. Bà Vĩnh Hảo run giọng:
- Không... không có gì... có lẽ em hoa mắt...
- Em thấy gì?
- Không... không, chẳng có gì cả.
Lúc ra về, bà Vĩnh Hảo đã dừng lại đứng bên cái bệ ngắm nghía tác phẩm điêu khắc “Thiên Thần Và Ác Quỷ”. Thánh Gabriel nhìn nàng bằng đôi mắt từ ái, một tia ánh sáng huyền nhiệm lóe lên từ đó. Nhưng khi dời mắt sang quỷ Satan, thì đột nhiên bà Vĩnh Hảo có cái cảm tưởng rờn rợn, rằng dường như bà thoáng bắt gặp đôi mắt của nó mới vừa hấp háy. Từ ánh mắt của nó lấp loáng một thứ ánh sáng màu xanh kỳ dị, có lẽ là do phản ảnh từ chất đồng thau, tia nhìn của con quỷ xoáy sâu vào mắt người thiếu phụ. Bà Vĩnh Hảo giật mình lùi lại níu chặt cánh tay chồng hơn. Ông Vĩnh Hảo ôm lấy vợ lo lắng:
- Gì vậy em?

giavui
10-25-2010, 03:29 AM
Bà Vĩnh Hảo tái mặt lắp bắp đưa tay lên:
- Đôi mắt... đôi... mắt của... nó nhìn... em..
Nhà triệu phú nhìn theo ngón tay của vợ đang hướng vào khuôn mặt nhăn nhó đau khổ của Satan, nhưng ông nào có thấy gì đâu. Nó chỉ là một bức tượng đồng vô tri vô giác và vô hại. Ông Vĩnh Hảo nhún vai:
- Có gì đâu, chắc là em bị chói nắng đó... Để anh đưa em về.
Bà Vĩnh Hảo đưa hai tay lên vò hai bên thái dương cau mày:
- Em nhức đầu quá...
Tình thực thì trong đầu bà đang rền rền một chuỗi âm thanh kỳ bí, mơ hồ như vọng từ một đáy vực sâu lạnh lẽo nào đó:
- Hãy theo ta... Hãy theo ta...
Buổi cơm chiều hôm ấy, vẫn còn bần thần vì ánh mắt ma quái của bức tượng đồng, bà Vĩnh Hảo đã bỏ ăn và nằm lì trong phòng. Trong một ngày mà bà phải trải qua hai cơn ảo giác ghê rợn như vậy, thần kinh bị xáo động dữ dội, bà Vĩnh Hảo có cảm giác hàng ngàn cái vòng nước đang liên miên bủa vào não bộ của mình, giống như mặt hồ thu bị khuấy động vì những viên đá. Những dĩa thức ăn của chú Năm Robert, một người đầu bếp mẹ Việt cha Pháp, nấu rất ngon nằm câm nín trên chiếc bàn gỗ bóng loáng, vì ông Vĩnh Hảo chỉ gắp qua loa vài miếng, rồi ông cũng theo vào phòng để chăm sóc vợ. Chú Năm Robert cùng với anh Nên tài xế và chị Bông giúp việc đành phải dọn hết xuống nhà dưới ăn với nhau.
Ông Vĩnh Hảo âu lo ngồi một bên người vợ đang nằm úp mặt xuống chiếc gối, đưa tay vuốt nhẹ mái tóc óng ả thơm ngát của nàng nhẹ giọng:
- Liễu em, hết nhức đầu chưa ?
Liễu xoay người mở mắt nhìn lên cảm động:
- Đỡ nhiều lắm rồi... Có lẽ em bị cảm anh à.
Ông Vĩnh Hảo cúi xuống hôn lên trán vợ:
- Em nằm nghỉ để anh kêu chú Năm nấu chút cháo nóng cho em nghe?
Liễu nắm tay chồng:
- Thôi anh, em chỉ muốn nằm nghỉ, chắc một chút xíu là hết mà.
Đến giờ ngủ, ông Vĩnh Hảo lấy một cái gối ôm dài chận giữa hai người, trong lúc Liễu nhìn lạ lùng:
- Anh làm gì vậy?
Ông cười cười:
- Em bệnh, anh không muốn quấy rầy em!
Liễu không thể không bật cười khúc khích, dù nàng vẫn còn nhức đầu lắm:
- Nhưng nếu em muốn anh quấy rầy em thì sao?
Hai cánh tay tròn lẳn mát rượi của Liễu vòng lấy gáy của chồng kéo ghịt xuống, đôi môi nhỏ áp chặt vào miệng ông. Ông Vĩnh Hảo rủn người đê mê. Ôi, đôi môi của nàng thơm ngọt quá chừng. Chiếc lưỡi mềm mại của nàng quấn lấy lưỡi ông xoắn xít như một con rắn quấn mồi. Liễu đá tung chiếc gối ôm văng khỏi chiếc giường nệm, đôi môi nàng thì thầm bên tai chồng:
- Anh quấy rầy... em đi... anh...
Hơi thở thơm như hương hoa của Liễu phả nhẹ vào mũi chồng:
- Em yêu anh!
Đến đây thì ông Vĩnh Hảo hoàn toàn chịu thua. Cái thân thể mơn mởn của Liễu áp sát vào, ông có thể cảm nhận được hơi ấm nồng nàn từ khuôn ngực săn chắc của nàng truyền sang làn da của mình. Ông Vĩnh Hảo run người trong một trạng thái khoái cảm lâng lâng, ông nhìn mê đắm vào cái thân thể trắng ngà của vợ mờ ảo ẩn hiện sau lớp áo ngủ mỏng dính bằng đôi mắt háo hức. Nhưng Liễu đã hóm hĩnh mĩm cười và đưa tay bấm cái nút của chiếc đèn ngủ trên chiếc bàn nhỏ đầu giường. Trong bóng tối, những bàn tay cuống quít sờ soạng đan vào nhau, để đến một lúc ông Vĩnh Hảo thấy mình đang ôm chặt trong vòng tay một tấm thân nóng như lửa nhưng trơn tuột như một con bạch tuộc, với những chiếc vòi hối hả uốn éo cuốn quanh người ông...
Nửa khuya, bà Vĩnh Hảo chợt thức giấc. Cơn nhức đầu buổi chiều đã tan biến đi mất. Bây giờ thì Liễu thấy đói, nàng thèm ăn một chút gì đó cho đỡ xót ruột, vì cái dạ dày của nàng đang sôi lục ục. Dưới ánh sáng mờ của vầng trăng hắt vào khung kính cửa sổ, Liễu tìm nhặt chiếc áo ngủ khoác lên. Sợ chồng giật mình, Liễu nhẹ nhàng trèo xuống giường rón rén mở cửa phòng bước ra ngoài. Cái hành lang dẫn xuống nhà bếp tối om, dài hun hút. Liễu bỗng thấy ớn lạnh, nàng tìm cái công tắc đèn. Ánh đèn vàng sáng bừng lên làm cho nàng thấy yên tâm. Căn biệt thự rộng mênh mông lức giữa khuya im vắng không một tiếng động, chỉ có tiếng của bọn dun dế rỉ rả ngoài cõi đêm. Từ phòng khách vọng vào tiếng gõ trầm buồn của chiếc lắc đồng hồ. Đã một giờ khuya rồi. Liễu ngần ngừ, nửa muốn đi tìm cái ăn, nửa muốn trở vào. Nhưng đã gần một ngày nhịn đói, nàng không thể không ăn. Liễu chặc lưỡi. Ăn cái đã, rồi tính sau. Khi nàng đi đến gần nhà bếp, thì đột nhiên cánh cửa sổ đối diện với cái nghĩa trang đánh sầm một cái cực mạnh làm Liễu tái mặt ôm ngực lùi lại nhìn trừng trừng về hướng khung cửa. Trong bóng tối mờ, nàng trông thấy hai cánh cửa đang từ từ mở rộng, như có một người nào đó đã dùng tay đẩy ra, nhưng chẳng thấy ai cả. Rồi đột ngột hai cánh cửa đập ầm ầm vào khung gỗ, như người ta khép mạnh nó trong một cơn giận dữ. Trái tim của Liễu đập thình thịch trong lồng ngực. Đôi mắt màu xanh biếc của bức tượng Satan ngoài nghĩa địa chợt hiện lên trong ý nghĩ của Liễu làm nàng xoay người định bỏ chạy về phòng, nhưng một cơn gió lạnh từ khung cửa ùa vào thổi tung cái vạt áo ngủ của Liễu, tiếp theo với tiếng đập đánh ầm của hai cánh cửa sổ. Hóa ra chỉ là cơn gió từ khu đất thánh Tây đã đánh vào kính cửa sổ đã tạo nên thành hiện tượng dị thường đó. Có lẽ chị Bông hay chú Robert đã quên cài chốt rồi.

Liễu bật công tắc đèn nhà bếp lên. Ánh sáng trắng của chiếc đèn néon dài đã xua tan nỗi sợ hãi xốn xang của Liễu, nàng khép hai cánh cửa kính và cẩn thận cài chốt. Bên kia đường, có tiếng chó tru đêm. Liễu áp sát mặt vào tấm kính nhìn sang. Dưới ánh trăng, bóng một chó hoang nổi đen lên trên một ngôi cổ mộ đang ngước cái mõm dài của nó tru một hơi dài. Cái thiên tính tru trăng của loài chó rừng vẫn còn tiềm đọng trong từng sớ thịt của loài chó hoang, nên ở giữa đêm khuya trong đám cây cổ thụ, cái thiên tính đó đã trỗi dậy. Tiếng tru của con chó áo não, rờn rợn như tiếng kêu hú của những âm hồn từ dưới đáy mộ sâu. Liễu rùng mình không dám nhìn nữa, nàng quay người mở tủ lạnh chọn một dĩa đồ nguội ngồi quay lưng về cửa sổ ăn nhanh. Dẫu biết rằng đằng sau nhà bếp là dãy nhà của anh Nên tài xế và chú Năm Robert, chị Bông thì cư trú trong cái phòng sát bên cánh cửa dẫn ra cái vườn nhỏ chỉ cách nhà bếp một cái nhà kho, nhưng giữa đêm trường tịch mịch, thỉnh thoảng con chó gớm ghiếc tru lên một tràng dài, Liễu thấy lạnh cả người và không khỏi tưởng tượng những chuyện ghê rợn từ khoảng bóng tối đen đặc đó. Người ta nói rằng, một khi con chó nó tru, thì chắc nó đã trông thấy... ma. Những âm hồn nửa đêm trồi lên khỏi mộ kéo nhau đi lang thang từng đoàn, mà chỉ có loài chó mèo hay cú đêm mới nhìn thấy.

giavui
10-25-2010, 03:29 AM
Liễu cố ăn cho xong để có thể trở về nằm trong đôi cánh tay bảo bọc của chồng. Đột nhiên, Liễu có cái cảm giác lành lạnh trên gáy, linh tính bảo cho nàng biết dường như, có một... người nào đó đang nhìn nàng từ phía sau. Cái cảm giác đó càng lúc càng dậy lên mãnh liệt cùng với cơn sợ hãi đang rùng rùng kéo trở về. Liễu tê cứng người vì sợ. Nàng biết chắc, trời ơi, có một người đang chằm chằm nhìn nàng từ phía... Liễu run bắn người, tay chân lạnh cóng, rờn rợn, nàng từ từ đứng lên... rồi chầm chậm quay người lại... Con chó trong nghĩa trang bỗng tru lên một tiếng dài kinh dị. Cùng lúc, Liễu trông thấy ba khuôn mặt đen nhẻm đang áp sát vào khung kính cửa sổ từ phía ngoài nhìn vào. Liễu kinh hoàng ôm cứng cái dĩa đồ nguội trong lòng. Cũng may là Liễu đang đứng giữa vùng ánh sáng, chứ nếu ở trong bóng tối, thì chắc nàng đã đứng tim ngã ra chết rồi. Ba cái mặt con người nhe hàm răng trắng nhỡn cười với vẻ hiền lành, một người đưa tay lên gõ cành cạch vào cánh cửa ra dấu muốn nói chuyện. Liễu hoàn hồn thở phào một cái thật dài. Nàng cứ tưởng họ là những âm hồn từ bên phía nghĩa trang sang đây hù nhát mình, hóa ra không phải. Có lẽ là mấy người hàng xóm ở gần đâu đây. Nàng biết có mấy cái xóm dệt của người Bắc di cư vào sinh sống trong khu vực này. Đến bây giờ thì nàng đã nhận rõ, chỉ là một người đàn ông, một đàn bà và một thằng nhỏ chừng mười tuổi. Có lẽ là một gia đình. Liễu đặt cái dĩa xuống bàn và đi đến mở cánh cửa sổ ra hỏi:
- Ai đó?
Người đàn bà mặc chiếc áo bà ba nâu, tóc búi củ hành chìa tay rên rỉ:
- Dạ bà chủ cho xin chút thức ăn, đói quá bà chủ ơi...
Liễu kinh ngạc:
- Chú thiếm ở đâu vậy?
Người đàn ông chấp tay:
- Dạ thưa bà chủ, chúng tôi cũng ở gần đây thôi, nghèo đói quá bà chủ, cực chẳng đã mới đi xin ăn!
Là người có từ tâm, Liễu thấy mủi lòng ngay, nàng sốt sắng gật đầu:
- Được, được, chú thiếm chờ một chút nha.
Liễu tìm thấy một cái gà mên, nàng trút hết thức ăn trong tủ lạnh trao cho người đàn bà, ân cần:
- Chú thiếm nhận đỡ cái này, khuya quá chỉ còn bấy nhiêu thôi.
Người đàn bà cúi đầu cảm động nhận cái gà mên:
- Bà chủ tử tế quá, chúng tôi đội ơn...
- Không có chi, chú thiếm cứ giữ lấy cái gà mên mà xài. À... hay là chú thiếm chờ ở đây tôi vào lấy cho chú thiếm ít tiền.
Người đàn bà lật đật nói:
- Dạ, khỏi bà chủ, chúng tôi không cần tiền!
Thằng nhỏ ngước đôi mắt ngây thơ nhìn Liễu cười. Liễu trở vào cái tủ chứa đồ khô, nàng tìm thấy một hộp bánh biscuit còn nguyên chưa lột giấy kiếng, nàng thò tay ra ngoài khung cửa xoa đầu thằng nhỏ và đưa hộp bánh cho nó:
- Em ngoan, chị cho em cái hộp bánh nè.
Thằng nhỏ khoanh tay lễ phép:
- Dạ con cám ơn cô. Cô tốt quá, mấy bà chủ hồi trước không được như...
Người đàn bà nạt ngang:
- Tí, không được nói bậy...
Bà quay sang Liễu cười xuề xòa:
- Cám ơn bà chủ nhiều lắm, thôi bà chủ vào nghỉ kẻo khuya, xin cầu Trời Phật phò hộ bà chủ.
Đôi vợ chồng chấp tay cúi đầu chào Liễu, người đàn bà nắm tay thằng nhỏ dẫn đi. Thằng Tí xem chừng mến Liễu lắm, đi được chục bước, nó quay lại nhìn Liễu vẻ tha thiết. Liễu bần thần đứng trông theo ba cái bóng đen khuất dần trong màn đêm.
Đến khi đã nằm êm ấm bên cạnh chồng rồi mà Liễu vẫn chưa nghĩ ra được những điều lạ thường. Tại sao nhóm người ăn xin đó tìm đến giữa khuya, mà không phải là giữa ban ngày. Tại sao họ xuất hiện ở cửa sau, mà không phải là ở cửa trước. Và lại đúng vào lúc nàng đang ăn. Mí mắt nặng chình chịch, Liễu xoay người quàng tay lên ngực chồng và chìm rất nhanh vào giấc ngủ. Nàng cũng đã quên không tự hỏi, cái sân vườn phía sau được xây kín bằng vòng tường cao và không có cửa ra, vậy thì ba cái con người đó họ đi đâu.
Trưa hôm sau, nhân lúc cùng ông Vĩnh Hảo nắm tay đi dạo dưới những bóng râm trong vườn, Liễu sực nhớ chuyện ba người ăn xin đêm qua, nàng kéo chồng đi lại cái cửa sổ. Liễu cúi người nhìn xuống chân tường. Ủa lạ chưa kìa, sao không thấy dấu chân nào hết. Đất không cứng lắm, nếu họ đứng ở đây thì phải có dấu chân chứ. Liễu ngước mặt nhìn lên khung cửa cổ, nàng đưa thẳng cánh tay lên mới với tới. Đột nhiên Liễu rùng mình ôm lấy cánh tay chồng lẩm bẩm:
- Cao quá, cao quá... làm sao có thể như thế được nhỉ?
Ông Vĩnh Hảo thấy thái độ lạ lùng của vợ, ông ngạc nhiên hỏi:
- Chuyện gì vậy em?
Liễu lắc đầu ngơ ngác:
- Lạ thật!
Liễu đẩy ông Vĩnh Hảo đứng ngay dưới khung cửa hấp tấp bảo:
- Anh đứng ở đây chờ em một chút nha...
Trong lúc ông Vĩnh Hảo lắc đầu chẳng hiểu gì cả thì Liễu đã chạy vào trong nhà bếp nhìn xuống qua khung cửa sổ. Ông Vĩnh Hảo cười khì:
- Em định chơi trò trốn núp với anh hả?
- Anh nhảy lên thật cao cho em xem...
Ông Vĩnh Hảo ngỡ là vợ muốn ông làm trò vui, ông nhún mình lên nhìn vợ cười. Liễu vẫn lắc đầu:
- Anh nhảy cao chút nữa được không?
Ông Vĩnh Hảo cố sức nhảy thêm mấy cái rồi đưa hai tay lên chịu thua:
- Thôi anh đầu hàng, anh già rồi, hì hì...
Liễu bước ra ngoài, trong lòng bần thần dậy lên nhiều câu hỏi. Nếu những người ăn xin đó đứng chạm mặt vào khung kính, thì ít nhất họ phải bắt ghế đứng, chân ghế phải lún sâu vào đất chứ. Dù họ có nhảy cao đến thế nào, thì cũng vẫn không thể ngang tầm với cánh cửa như đêm qua được.
Đến buổi chiều, trong lúc ông Vĩnh Hảo có công việc đi vào Sài Gòn, Liễu xuống nhà dưới tìm chị Bông. Bông đang hứng nước vào một cái thùng sô rửa rau tiếp chú Robert. Thấy bà chủ, chú Robert và chị Bông đứng dậy chào:
- Thưa bà chủ.
Liễu gật đầu, nàng kéo chị Bông ra một chỗ hỏi:
- Đêm hôm qua chị có thấy ai vào sân nhà mình không?

giavui
10-25-2010, 03:29 AM
Chị Bông ngơ ngác lắc đầu:
- Dạ..., không có ai. Cửa rào lúc nào cũng khóa, không ai vào được đâu.
Liễu cắn môi:
- Lạ thật!
- Dạ, bà chủ nói gì?
- Chị, chú Robert với anh Nên có bà con nào tới thăm không?
- Dạ không.
- Thôi được rồi, chị làm việc tiếp đi.
Khuya đêm đó, trong lúc ông Vĩnh Hảo ngủ say, Liễu lại rón rén đi xuống nhà bếp. Mặc dù trong lòng rờn rợn, nhưng Liễu muốn có câu giải đáp cho những nghi vấn lạ lùng của nàng. Liễu bắt đầu diễn lại tấn tuồng ăn uống. Liễu lắng nghe tiếng tru dài của con chó trong nghĩa trang. Nó đã tru thì chắc là nó đã thấy những hình ảnh ma quái nào đó. Có lẽ những âm hồn dưới đáy mộ đã trỗi dậy rồi. Đột nhiên cái cảm giác bị nhìn ùn ùn dậy lên từ sau gáy, sống lưng Liễu lạnh buốt, rần rật. Chắc là “họ” đã đến. Lấy hết can đảm, Liễu đứng lên và từ từ xoay người lại nhìn về khung cửa sổ, đôi mắt hấp háy chờ đợi sẽ trông thấy đôi vợ chồng và thằng bé. Dù đã chuẩn bị tinh thần và biết chắc những người ăn xin rất hiền lành, nhưng khi trông thấy hai khuôn mặt hoàn toàn lạ áp mặt vào cửa kính nhìn nàng, Liễu vẫn giật mình thảng thốt, chiếc dĩa trên tay nàng rơi xuống đất vỡ tan. Chị Bông đang quấn quít rên rỉ cùng với anh tài xế Nên, nghe tiếng động chát chúa bên nhà bếp, chị hoảng hốt tròng áo quần vào chạy sang, trong lúc Nên phóng vù về căn phòng của mình. Chị Bông trông thấy bà chủ của mình tái mặt đứng sững người nhìn trừng trừng về hướng cửa sổ, chị kêu lên:
- Bà chủ, có chuyện gì vậy?
Liễu lắp bắp:
- Có... có... người... lạ...
Bông nhìn theo, nhưng chị chẳng thấy gì hết, chị hỏi dồn:
- Ai vậy bà chủ?
Liễu lắc đầu:
- Tôi không biết.
Hai cái khuôn mặt đàn ông đã nhanh chóng biến mất sau tiếng bể vỡ của cái dĩa. Ông Vĩnh Hảo nghe ồn, ông mặc pyjama đi xuống đưa mắt nhìn chị Bông hỏi:
- Chuyện gì vậy chị Bông?
Chị Bông ấp úng:
- Dạ, bà chủ trông thấy có người lạ...
Ông Vĩnh Hảo nắm tay vợ dịu dàng:
- Chuyện gì vậy em?
Liễu bối rối chỉ vào cánh cửa sổ:
- Em mới vừa thấy có người đứng bên ngoài nhìn vào.
Ông Vĩnh Hảo lạ lùng bước tới mở toang hai cánh cửa thò đầu nhìn ra ngoài. Dưới ánh trăng mờ, cảnh vật chập chờn kỳ dị, nhưng ông chẳng thấy gì cả. Chị Bông trao cho ông chủ cây đèn pin, ông bật lên rọi vào khắp khu vườn sau bếp. Cũng chẳng có gì lạ hết. Trong lòng thầm cho là vợ mình đã tự tưởng tượng, thần hồn nhát thần tính, ông quàng tay ôm vợ dáng che chở và trấn an:
- Không có gì đâu em, thôi mình lên nghỉ đi.
Liễu nằm co rúm trong lòng chồng, nàng thủ thỉ kể lại câu chuyện đôi vợ chồng và thằng bé ăn xin đêm qua, và hai người đàn ông lạ khác đến đêm nay. Ông Vĩnh Hảo nhíu mày suy nghĩ, trong lòng ông dậy lên một nỗi âu lo bứt rứt. Ngày mai ông phải dẫn vợ đi khám bác sĩ tâm thần mới được.
Bác sĩ cho toa mua thuốc an thần, Liễu ngủ yên được mấy đêm, nhưng biết uống thuốc ngủ mãi sẽ gây ra hiện tượng “lờn thuốc”, có hại hơn, nên nàng lén chồng không uống nữa. Liễu đã giả vờ ngủ say để ông Vĩnh Hảo được an lòng. Bác sĩ đã nói riêng với ông Vĩnh Hảo, rằng rất có thể bà Vĩnh Hảo mắc chứng hoang tưởng. Những người bị bệnh này cho là họ đã nhìn thấy những người, thú hay cảnh vật kỳ dị, thậm chí ma quỷ nữa, trong khi người lành mạnh chẳng hề nhìn thấy như vậy bao giờ. Nhưng cho dù người thân hay bác sĩ trấn an và giải thích đến như thế nào, người mắc chứng hoang tưởng vẫn khăng khăng là mình đúng. Thật ra Liễu có bệnh hoạn gì đâu. Nàng đâu có tưởng tượng, chính nàng đã trông thấy, đã trò chuyện với “họ”. Trong ý nghĩ của Liễu, nàng vẫn còn muốn thử lại lần nữa, nhưng thấy sờ sợ, Liễu lại không dám. Thôi thì đừng có xuống bếp lúc nửa đêm và hãy để cho những con người đó chìm vào quên lãng là tốt hơn cả. Ông Vĩnh Hảo rất thương yêu vợ, thấy vợ mình mãi băn khoăn những chuyện vớ vẫn không đâu, ông quyết định giao công việc cho một người thân cận, rồi dẫn vợ đi du lịch một vòng châu Âu.
Ở châu Âu về, bà Vĩnh Hảo trông hồng hào xinh đẹp hẳn ra. Khí hậu miền ôn đới có lẽ đã kích thích từng tế bào trong cái thân thể tràn trề nhựa sống của Liễu, cùng với tình yêu nồng nàn của chồng đã khiến cho nàng mơn mởn, phơi phới như một đóa hoa hồng buổi sớm. Một hôm Liễu thẹn thùng kéo chồng vào phòng riêng, nàng ngồi vào lòng ông cuộn tròn như một con mèo nhỏ, hai cánh tay vòng quanh cổ chồng âu yếm:
- Anh ơi, làm một ông nhà giàu thừa mứa vật chất, anh còn ao ước một điều gì nữa không?
Ông Vĩnh Hảo hôn lên má vợ:
- Thượng đế đã ban quá nhiều ân sủng cho anh. Địa vị, danh vọng, xe hơi, nhà lầu, và vợ đẹp..., anh không còn dám ao ước gì nữa.
Liễu nũng nịu:
- Có mà, anh ráng nhớ đi!
Đôi mắt lóng lánh của nàng nhìn chồng khuyến khích. Ông Vĩnh Hảo gãi đầu suy nghĩ:
- Thật mà, đâu còn gì để ao ước nữa.
- Thật không?
Ông Vĩnh Hảo chu môi:
- À, à, coi chừng cái cô Liễu này đố mẹo tôi đây...

giavui
10-25-2010, 03:30 AM
Bỗng một ý nghĩ lóe lên trong đầu ông, giống như một tia chớp cắt ngang bầu trời, ông lẩm bẩm:
- Người ta nói vợ đẹp và...c...
Ông Vĩnh Hảo reo lên:
- Em nói đúng, anh còn một điều ước cuối cùng nữa.
Liễu hóm hĩnh nhìn chồng:
- Điều ước thì phải có bà tiên với chiếc đũa thần ban cho.
Ông Vĩnh Hảo mường tượng đã đoán ra được đến năm mươi phần trăm vợ muốn dẫn dắt mình đi đến đâu, ông đặt tay lên bụng vợ:
- Vậy thì bà tiên ban cho anh cái ân huệ đó đi, có phải em đã...
Liễu nép đầu vào ngực chồng thủ thỉ:
- Bà tiên cho anh một đứa... con, anh có chịu không?
Ông Vĩnh Hảo thét lên điên cuồng và ghì chặt vợ vào lòng:
- Anh nhận, anh nhận... Em đã mang thai rồi phải không?
Năm ngón tay của Liễu bấu vào ngực chồng thay cho câu trả lời.
Gần đến ngày sinh, Liễu thấy mỏi mệt lắm. Không muốn quấy rầy vợ, ông Vĩnh Hảo cho kê một cái giường nhỏ sát vách phòng để ngủ riêng, nhưng ông vẫn có thể tỉnh giấc khi có chuyện cần. Ông mướn hẳn một cô hộ sinh nhiều kinh nghiệm cư trú luôn ở biệt thự trong hai tháng cuối cùng để theo dõi sức khỏe của vợ. Giữa mùa hè, tuy Sài Gòn có nhiều cơn mưa lớn, nhưng cái nóng nhiệt đới vẫn hừng hực phủ trùm lên thành phố, ông Vĩnh Hảo muốn gắn máy lạnh nhưng Liễu không thích tiếng sè sè của chiếc máy, nó làm nàng khó ngủ. Mỗi đêm ông vẫn thường mở rộng cửa sổ để đón gió mát của đêm lùa vào. Không hiểu sao đêm nay Liễu thấy trăn trở trằn trọc mãi không ngủ được, cứ mơ mơ màng màng. Bụng nàng ngâm ngẩm đau, có lẽ đã gần đến lúc rồi chăng. Cô y tá đề nghị ngày mai đưa nàng vào nằm trước trong bệnh viện để ngừa mọi tai biến ngoài ý muốn. Đứa trẻ cứ đạp liên hồi trong bụng Liễu, nàng đau nhưng sung sướng lắm. Con cứ quấy phá mẹ mãi nhé. Hư lắm. Liễu âu yếm đặt tay lên bụng, trái tim tràn ngập tình thương yêu.
Đột nhiên một cơn gió lạnh thốc vào từ khung cửa sổ thổi tung một góc tấm mền mỏng đắp trên người Liễu. Thật lạ, giữa mùa hè mà cơn gió lại lạnh buốt như là gió bấc mùa đông. Liễu tìm cái công tắc đèn để bật lên. Bỗng từ phía cái nghĩa trang mà Liễu đã quên mất từ một năm nay, trời ơi, có tiếng chó tru vọng vào rền rền như tiếng vọng từ dưới đáy địa ngục. Con chó kêu hú như đang trong một cơn kinh hãi nào đó, tiếng tru của nó thỉnh thoảng bị tắt nghẽn bằng những âm thanh ăng ẳng, như là nó đang bị một người nào đó siết sợi dây thòng lọng vào cổ. Liễu ngồi dậy lắng tai nghe ngóng. Con chó nó tru lớn và ghê rợn đến thế mà ông Vĩnh Hảo và cô y tá phòng bên vẫn ngủ say, cứ như là họ không nghe thấy gì cả. Tiếng tru từ trong nghĩa trang dường như xê dịch dần về hướng ngôi biệt thự, mỗi lúc một gần. Trái tim trong lồng ngực Liễu đánh thình thình. Con chó chắc là đã chạy băng qua đường. Liễu đã có thể nghe tiếng tru của nó rền rĩ phía bên ngoài tường rào, và đã văng vẳng vọng vào cái cửa sổ. Liễu rụng rời muốn kêu chồng, nhưng miệng nàng nghiến chặt và cứng ngắt như đã bị hóa đá. Nàng gào ằng ặc trong cổ họng kêu cứu, nhưng ông Vĩnh Hảo vẫn ngủ say sưa. Hình như ông chẳng nghe thấy gì hết. Cả cô y tá cũng vậy. Liễu rùng mình. Chẳng lẽ cơn hoang tưởng đã trở về. Nhưng rõ ràng tiếng tru của con chó đang xoáy sâu vào tai Liễu:
- Hú...u... hú... u...hú... u...
Liễu nghe trong âm hưởng tiếng tru thống thiết của con chó hoang không phải muốn hù nhát, mà dường như nó muốn báo cho nàng biết một nỗi nguy hiểm chết chóc đã cận kề. Đột nhiên con chó kêu lên một chuỗi âm thanh nấc nghẹn, nhỏ dần, nhỏ dần:
- Ẳng... ẳng... ẳng...
Vài giây sau, chỉ còn có tiếng dun dế rỉ rả trong cõi tịch mịch của đêm trường. Liễu thở ra một hơi dài nhẹ nhõm, nàng thầm nghĩ có lẽ nàng bị bệnh hoang tưởng thật. Liễu nằm xuống kéo cái mền lên đắp ngang ngực. Được chừng một lúc, có lẽ năm ba phút, trong lúc chập chờn, bỗng Liễu nghe tiếng động lạ trong hành lang, nàng mở bừng mắt ngay và ngồi bật dậy lần nữa. Lần này cái ảo giác đó đã xuất hiện ngay trong nhà nàng. Liễu ôm ngực thở dồn dập, trong lúc một chuỗi âm thanh cồm cộp dộng trên sàn nhà, giống như tiếng... bước chân của một người nào đó. Liễu đưa mắt nhìn về phía ông Vĩnh Hảo, trời ơi ông vẫn nằm thiêm thiếp. Cả cái cô y tá hằng đêm rất tỉnh ngủ cũng mê man đâu rồi. Tiếng bước chân khô khan, chầm chậm tiến dần, tiến dần đến căn phòng của vợ chồng Liễu. Liễu ú ớ kêu chồng, nhưng ông Vĩnh Hảo đã xoay người sang một bên, mặt hướng vào vách. Liễu nhìn trừng trừng vào cái nắm tay cửa. Cái con người nào đó nó đã bước đến ngay phía bên kia. Có lẽ “nó” đang đứng ở đó. Một khoảnh khắc im lặng rùng rợn. Trái tim của Liễu đang nở to dần, chỉ một cơn kinh hoàng nữa là nó sẽ bể tung ra thành hàng trăm mảnh.
Cái nắm cửa bỗng nhè nhẹ xoay một vòng. Liễu đưa tay lên miệng nấc nghẹn. “Nó” đang mở cửa. Nàng biết chắc, nếu cái ảo hình kia bước vào phòng, thì cũng chính là giây phút nàng sẽ chết ngất và vĩnh viễn ra đi. Trong lòng Liễu thầm mong “nó” không phải là một con ma hay con quỷ, mà chỉ là một trên trộm, là một con người bình thường như nàng, và mẹ con nàng sẽ được sống. Cánh cửa thường ngày mở đóng rất nhẹ nhàng, nhưng giờ đây nó kêu kèn kẹt như là đã rỉ sét từ lâu lắm rồi. Liễu run run nhìn cánh cửa từ từ mở, nàng thấy một cái bóng đen thấp thoáng phía sau.

giavui
10-25-2010, 03:31 AM
Cánh cửa mở lớn dần...
Đột nhiên “nó” đẩy mạnh cánh cửa đánh sầm vào vách rồi cồm cộp bước vào. Ánh trăng hắt vào từ khung cửa sổ chiếu lên hình dáng một con người nhỏ thó, gồ ghề và trần trụi... Cái bóng đen ném xuống chân giường Liễu một cái khối gì đó đánh phịch. Liễu cúi nhìn, nàng ôm ngực hét lên một tiếng kinh hoàng. Cái vật đó chính là con chó hoang mà nó chắc là đã bị giết chết. Cái cổ con chó ngoẹo sâu xuống ngực, có lẽ nó bị bẻ gãy cổ. Bóng đen nặng nề tiến đến gần Liễu, bước chân nặng nề và vụng về... Đôi mắt Liễu như đã trợn trừng và trồi ra hết mức. Nàng đã kinh hoàng nhận ra, “nó” chính là bức tượng con quỷ Satan trong khu đất thánh Tây. Đôi mắt xanh lè của nó lấp loáng chiếu thẳng vào mặt Liễu đầy vẻ hăm dọa. Trái tim của Liễu dường như đang nứt bể, nàng có cảm giác thân thể đang chìm dần vào một khối nước đá, cái lạnh dâng phía chân dần lên, từ từ. Thấp thoáng phía sau con quỷ, Liễu trông thấy ba khuôn mặt quen thuộc dưới những tấm áo chùng đen lạnh lẽo, họ nhìn nàng bằng ánh mắt u uất thê lương. Liễu thảng thốt rú lên. Ba con ma đó chính là ba người vợ trước của ông Vĩnh Hảo. Phía sau nữa là hàng chục cái bóng đen khác. Có phải tất cả đều là nạn nhân của con quỷ Satan lạc loài này không. Chẳng biết bằng cách nào, có những lúc nó đã thoát khỏi lưỡi gươm của Gabriel và đi tìm những linh hồn người sống làm tôi tớ nô lệ cho nó. Trong cái tích tắc cuối cùng trước khi đứt hơi, Liễu đã có thể biết chắc rằng, ba người vợ trước của ông Vĩnh Hảo đã bể tim chết vì sợ.
Trong cơn sợ hãi khủng khiếp, Liễu ngã vật người xuống, hơi thở yếu dần, trái tim nàng thoi thóp, lồng ngực nàng nhói đau như bị một mũi dao nhọn đâm mạnh vào. Cái tượng con quỷ cồm cộp bước tới, nhe răng... Mười cái móng vuốt sắc nhọn của nó đưa tới như muốn quấu mạnh vào cổ Liễu để nắm lấy linh hồn của nàng. Nhưng đột nhiên Liễu mơ màng cảm nhận một bàn tay nhỏ bé nắm lấy tay nàng, cùng một giọng trẻ thơ thì thầm:
- Bà chủ...
Liễu giật mình mở choàng mắt ra. Thằng Tí đang nhoẻn miệng cười nhìn nàng, vợ chồng người ăn xin chấp tay chào Liễu, mắt ánh lên niềm thân ái. Liễu nhận ra nhiều cái bóng đen đang đứng chắn trước mặt nàng giang tay che chở, những ánh thép lóe sáng loang loáng trong bóng đêm. Con quỷ lùi lại mấy bước... Một cái bóng đen cao to hùng dũng tiến tới, lưỡi mã tấu trong tay vung lên như một ánh chớp, cái đầu của Satan rớt xuống đất đánh ầm một tiếng. Con quỷ cuống cuồng cúi xuống nhặt cái đầu đặt lên cổ quay mình bỏ chạy. Những oan hồn nô lệ của nó cũng tan biến mất. Một tiếng sấm rền nổ đùng trên bầu trời khuya, tiếp theo một tia chớp ngoằng ngoèo đánh xuống cõi thế gian. Những cái bóng đen cứu mạng như những con dơi đêm vút mất qua khung cửa. Vợ chồng người ăn xin tần ngần nhìn sâu vào mắt Liễu trước khi chia tay, người chồng trầm giọng nói:
- Chúng tôi là nghĩa quân và gia đình bị Pháp chặt đầu chôn ở vùng này, xin ông bà chủ thương tình chay đàn siêu độ...
Người cha xoa đầu thằng nhỏ:
- Thôi cha mẹ đi nghe.
Thằng Tí dùng dằng, mếu máo:
- Cho con đi theo với.
Người mẹ ôm con vào lòng nghẹn ngào:
- Con ở với bà chủ cũng như là ở với mẹ mà!
Thằng nhỏ quẹt tay lên mắt, nhưng nó đã nhanh chóng quay lại nhìn Liễu bằng ánh mắt thiết tha. Liễu mĩm cười, bất giác nàng giang tay ôm nó vào lòng.
Ngày hôm sau, báo chí xôn xao loan tin, trong cơn mưa giông đêm qua, cái đầu của tượng quỷ Satan trong khu đất thánh Tây đã bị sét đánh bể nát. Một thời gian sau, nhận thấy bức tượng “Thiên Thần Và Ác Quỷ” đã bị hư hại nhiều và mất tính mỹ thuật, người ta đem xe cần trục đến chở đi đâu không rõ. Toàn khu đất thánh Tây từ đó chợt sáng bừng lên. Lũ chim chóc từ bốn phương trời bay về ríu rít hót ca trên những chòm cây sao.
Dù cho những cảnh tượng hãi hùng mà nàng là nhân vật chính trong đó hoàn toàn là sự thật, nhưng Liễu cố tin rằng chúng cũng chỉ là những ảo giác mà thôi. Nhưng Liễu biết chắc, hồn oan của ba người vợ trước của ông Vĩnh Hảo và của những nạn nhân khác, đã được linh khí bất khuất của nghĩa quân kháng Pháp giải thoát khỏi sự đày đọa của Satan. Nàng giữ kín sự thật đó trong lòng, dù có nói ra thì cũng không mấy ai tin.
Nhưng có một điều dị thường mà nàng không thể chối bỏ và cho là ảo hình được. Nụ cười của thằng bé Vĩnh Hưng con nàng hoàn toàn giống hệt thằng bé Tí. Ông Vĩnh Hảo sẽ không bao giờ biết được chuyện này.


Phạm Phong Dinh