PDA

View Full Version : Các bậc thầy văn chương thế giới: Pearl Buck



khieman
06-13-2015, 06:55 PM
.


Các bậc thầy văn chương thế giới:
Pearl Buck


(VietNamNet) - Pearl Buck, nữ nhà văn Mỹ, được tặng giải thưởng Nobel Văn học vì các tác phẩm mô tả cuộc sống đa diện mang tính sử thi của người dân Trung Quốc trong những biến động dữ dội đầu thế kỉ XX và vì những kiệt tác tự truyện. Bà là nhà hoạt động xã hội tích cực, được coi là một chiếc cầu nối văn hóa Đông-Tây.

PEARL BUCK (26/6/1892-6/3/1973)

Giải Nobel Văn học 1938

* Nhà văn Mỹ

* Nơi sinh: Hillsboro, West Virginia (Mỹ)

* Nơi mất: Danby, Vermont (Mỹ)


http://a5.files.biography.com/image/upload/c_fill,cs_srgb,dpr_1.0,g_face,h_300,q_80,w_300/MTIwNjA4NjMzNzU2OTQzODg0.jpg (http://a5.files.biography.com/image/upload/c_fill,cs_srgb,dpr_1.0,g_face,h_300,q_80,w_300/MTIwNjA4NjMzNzU2OTQzODg0.jpg)

Pearl Buck (1892-1973)


Pearl Buck (tên thật là Pearl Comfort Sydenstricker, có tên Trung Quốc là Trại Chân Châu) là con một nhà truyền giáo người Mỹ. Sau khi ra đời chưa đầy 5 tháng, bà đã được cha mẹ đưa sang Trung Quốc sinh sống. Từ nhỏ và suốt cả cuộc đời bà yêu mến và thích tìm hiểu cuộc sống của người dân Trung Quốc, cảm thông với những người dân địa phương bị nhiều tầng áp bức.

Năm 15 tuổi, bà được gửi trọ học tại một trường dạy Anh văn ở Thượng Hải. Năm 17 tuổi, cha mẹ cho Pearl Buck về Mỹ, học tại Trường Đại học Randolph Macon (tiểu bang Virginia). Năm 1917 bà kết hôn với một mục sư và theo chồng đi truyền giáo tại miền Bắc Trung Hoa. Từ năm 1922, bà dạy ở Đại học Nam Kinh và Kim Lăng.

Năm 1925, Pearl Buck bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên Gió Đông, gió Tây (do chạy loạn Quốc dân đảng, năm 1930 mới xuất bản được). Sau đó hàng loạt tiểu thuyết nổi tiếng khác về đề tài Trung Quốc ra đời, như Đất lành, Những người con trai, Một nhà chia rẽ, Người mẹ, Những đứa trẻ chậm lớn..., trong đó tiểu thuyết Đất lành được nhận giải Pulitzer năm 1931. Năm 1933, bà được Đại học Yale tặng bằng Cử nhân Văn chương Danh dự. Năm 1938, bà được Đại học West Virginia và Đại học St. Lawrence trao tặng bằng Tiến sĩ Văn chương Danh dự.

Năm 1938 Pearl Buck nhận giải thưởng Nobel vì các tác phẩm mô tả đời sống nông thôn Trung Hoa một cách phong phú và xác thực (chủ yếu với tiểu thuyết Đất lành và hai cuốn tự truyện Người tha hương (1936) viết về người mẹ và Thiên thần chiến đấu (1936) viết về cha của bà). Sau khi nhận giải, Pearl Buck tiếp tục sáng tác rất nhiều, ngoài văn xuôi bà còn viết kịch, kịch bản phim, tiểu luận và sách cho thiếu nhi. Bà cũng là người đã dịch Thủy Hử (All men are brothers) và một số tác phẩm văn học Trung Quốc sang tiếng Anh.

Trong Thế chiến II, Pearl Buck viết nhiều sách báo chính luận chống chủ nghĩa phát xít. Những năm 50, bà xuất bản một số tác phẩm về đề tài gia đình và xã hội Mỹ, kí bút danh I. Sedge. Năm 1951, Pearl Buck được bầu làm thành viên Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Văn học Hoa Kỳ. Năm 1955, bà li dị chồng và tục huyền với giám đốc một hãng quảng cáo.

Cuối đời, bà quan tâm đến đề tài các nhà bác học nguyên tử buộc phải chế tạo vũ khí giết người hàng loạt. Đồng thời, bà tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội như: sáng lập ra tổ chức không vụ lợi Hiệp hội Đông Tây (The East and West Association, 1941) nhằm truyền bá những hiểu biết giữa các dân tộc trên thế giới; cùng chồng lập nên tổ chức Căn nhà tình nghĩa (Welcome Home, 1949) giúp trẻ mồ côi; lập ra Quỹ Pearl S. Buck (The Pearl S. Buck Foundation, 1963) và tặng cho quỹ này 7 triệu đô la.

Sách của Pearl Buck đến nay đã được dịch khá nhiều ra tiếng Việt.

* Tác phẩm:

- Gió Đông, gió Tây (East Wind, West Wind, 1930), tiểu thuyết.

- Đất lành (The good earth, 1931), tiểu thuyết.

- Những người con trai (Sons, 1932), tiểu thuyết.

- Vợ cả và những câu chuyện khác (The first wife and other stories, 1933), tiểu thuyết.

- Mọi người là anh em (All men are brothers, 1933), bản dịch tiểu thuyết Thủy Hử.

- Người mẹ (The mother, 1934), tiểu thuyết.

- Một nhà chia rẽ (A house divided, 1935), tiểu thuyết.

- Nhà tranh vách đất (A home of earth, 1935), tiểu thuyết.

- Lưu đày (The exile, 1936), tự truyện.

- Thiên thần chiến đấu (Fighting angel, 1936), tự truyện.

- Trái tim kiêu hãnh (This proud heart, 1938), tiểu thuyết.

- Bay vào Trung Hoa (Flight into China, 1939), kịch.

- Người yêu nước (The patriot, 1939), tiểu thuyết.

- Những thần minh khác (Other gods, 1940), tiểu thuyết.

- Hạt giống của rồng (Dragon seed, 1942), tiểu thuyết.

- Tinh thần và thể xác (The spirit and the flesh, 1944), tự truyện (do in gộp 2 cuốn Người tha hương và Thiên thần chiến đấu làm một quyển).

- Cá hóa rồng (The dragon fish, 1944), tiểu thuyết.

- Chân dung một cuộc hôn nhân (Portrait of a marriage, 1945), tiểu thuyết.

- Câu chuyện về nước Nga (Talk about Russia, 1945), tiểu luận.

- Gian riêng của phụ nữ (Pavilion of women, 1946), tiểu thuyết.

- Mẫu đơn (Poeny, 1948), tiểu thuyết.

- Tình ruột thịt (Kinsfolk, 1949), tiểu thuyết.

- Người vợ giận dữ (The angry wife, 1949), tiểu thuyết.

- Những đứa trẻ không bao giờ lớn (The child who never grew, 1950), tiểu thuyết.

- Cánh hoa e ấp (The hidden flower, 1952), tiểu thuyết.

- Thế giới của riêng tôi (My several worlds, 1954), tự truyện.

- Người cung nữ (Imperial women, 1956), tiểu thuyết.

- Những lá thư từ Bắc Kinh (Letters from Peking, 1957), tiểu thuyết.

- Tiếng nói trong nhà (Voices in the house, 1958), tiểu thuyết.

- Người thành phố (The townsman, 1958), tiểu thuyết.

- Tình yêu lâu dài (The long love, 1958), tiểu thuyết.

- Một sự kiện ở sa mạc (A desert incident, 1959), kịch.

- Hãy ra lệnh cho buổi sáng (Command the morning, 1959), tiểu luận.

- Quỷ không ngủ (Santan never sleeps, 1962), truyện phim.

- Đông phương huyền bí qua truyện cổ thần tiên (Fairy tales of the Orient, 1965), truyện thiếu nhi.

- Bây giờ là thời điểm (Time is now, 1967), tiểu thuyết.

- Năm mới (The new year, 1968), tiểu thuyết.

- Ba người con gái của Lương phu nhân (The three daughter of madame Liang, 1969), tiểu thuyết.

- Hứa hẹn (The promise, 1943), tiểu thuyết.

- Mục đồng (Water buffalo children, 1943), truyện thiếu nhi.

- Một ngày đẹp trời (One bright day, 1950), truyện thiếu nhi.

- Con ma đêm Noel (The Christmas ghost, 1966), truyện thiếu nhi.

- Những người đàn bà trong gia đình Kennedy (1970), tiểu thuyết.

- Chuyện Kinh Thánh (The story Bible, 1971).

* Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:

- Gió Đông, gió Tây (tiểu thuyết), Huyền Kiêu dịch, NXB Hàn Mặc, 1945; 1964.

- Gió Đông, gió Tây (tiểu thuyết), Nguyễn Sĩ Nguyên dịch, NXB Long An, 1989.

- Sống vì đất (nguyên tác: The good earth, tiểu thuyết), Nguyễn Công Phú, NXB Như Nguyện, 1959.

- Tiếng gọi đồng quê (tiểu thuyết), Vũ Bá Hùng dịch, NXB Á Châu, 1965.

- Lá thư Bắc Kinh (nguyên tác: Letters from Peking, tiểu thuyết), Vũ Minh Thiều dịch, NXB Gió Bốn Phương, 1966.

- Tình yêu sau cùng (nguyên tác: Letters from Peking, tiểu thuyết), Vũ Minh Thiều dịch, Đường Bá Bổn giới thiệu, NXB Thanh Niên, 2003.

- Người mẹ (tiểu thuyết), Vũ Minh Thiều dịch, NXB Gió Bốn Phương, 1967.

- Người mẹ (tiểu thuyết), Thái Huy Quang dịch, NXB Đà Nẵng, 1990.

- Nhớ cảnh nhớ người, Nguyễn Thế Vinh dịch từ bản tiếng Pháp La Chine que j'ai connue, NXB Gió Bốn Phương, 1967.

- Yêu muộn (nguyên tác: Pavilion of women, tiểu thuyết), Văn Hòa - Thiên Long dịch, NXB Sống Mới, 1969; NXB Phụ Nữ, 1989; NXB Văn Học, 1997; NXB Văn Nghệ TP. HCM, 2001.

- Nạn nhân buổi giao thời (tập truyện ngắn), Vũ Minh Thiều dịch, NXB Gió, 1969.

- Mấy người con trai Vương Long (nguyên tác: Sons, tiểu thuyết), Nguyễn Thế Vinh dịch, NXB Tự do, 1961; NXB Gió Bốn Phương, 1970; NXB Khai Trí, 1971; NXB Văn Nghệ TP.HCM, 2001.

- Đứa con người yêu (nguyên tác: The new year, tiểu thuyết), Văn Hòa dịch, NXB Sống Mới, 1971; NXB Văn Học, 1997; NXB Văn Nghệ TP. HCM, 2001.

- Một phút một đời (nguyên tác: Portrait of a marriage, tiểu thuyết), Văn Hòa - Thúy Sơn dịch, NXB Sống Mới, 1971; NXB Văn Học, 1998; NXB Văn Nghệ TP. HCM, 2001.

- Một lòng với em (nguyên tác: Portrait of a marriage, tiểu thuyết), Nguyễn Thế Vinh dịch, NXB Gió Bốn Phương, 1972.

- Một cuộc hôn nhân (nguyên tác: Portrait of a marriage, tiểu thuyết), Quang Vinh dịch, NXB Công An Nhân Dân, 2003.

- Lưu đày (tiểu thuyết), Nguyễn Thế Vinh dịch từ bản tiếng Pháp L'Exilée, NXB Gió Bốn Phương, 1972.

- Lưu đày biệt xứ (nguyên tác: The exile, tiểu thuyết), Nam Trinh dịch từ bản tiếng Pháp L'Exilée của Delamain, NXB Đất Mới, 1973.

- Cánh hoa e ấp (tiểu thuyết), Vũ Minh Thiều dịch, NXB Gió Bốn Phương, 1972.

- Đông phương huyền bí qua truyện cổ thần tiên, Dương Trường Sơn dịch từ bản tiếng Pháp Contes d'orient, NXB Chân Trời Mới, 1973.

- Đông phương huyền bí qua truyện cổ thần tiên, Phi Sơn dịch, NXB Văn Nghệ TP.HCM, 1996.

- Truyện Đông phương, Nguyễn Quốc Hùng dịch từ bản tiếng Pháp Contes d'orient, NXB Đồng Nai, 1989.

- Người vợ tiên (truyện cổ Đông Phương), Dịch từ bản tiếng Pháp Contes d'orient, NXB Văn Nghệ TP.HCM, 1997.

- Những người đàn bà tuyệt vời trong gia đình Kennedy (tiểu thuyết), Nguyễn Á Châu dịch, NXB Kỷ Nguyên Mới, 1973.

- Những người đàn bà trong gia đình Kennedy (tiểu thuyết), Nguyễn Á Châu dịch, NXB Văn Nghệ TP. HCM, 1996-2003; NXB Thanh Niên, 2003.

- Tà áo xanh, Trần An dịch, NXB Sống Mới, 1973.

- Nỗi buồn nhược tiểu, Tâm Vũ dịch, NXB Thùy Dương, 1973.

- Người yêu nước (tiểu thuyết), Vũ Kim Thù dịch, NXB Đất Sống, 1973.

- Ngoài chân mây (nguyên tác: The promise), Văn Hòa - Nhất Anh dịch, NXB Trăng Sao, 1973.

- Hứa hẹn (tiểu thuyết), Văn Hòa - Nhất Anh dịch, NXB Văn Nghệ TP.HCM, 2001.

- Bão loạn (nguyên tác: Dragon seed), Văn Hòa - Nhất Anh dịch, NXB Trăng Sao, 1973.

- Mẫu đơn, Thanh Chi dịch, NXB Tự Lực, 1974.

- Quỷ địa ngục chẳng bao giờ ngủ (nguyên tác: Satan never sleeps, tiểu thuyết), Văn Hòa - Phương Tân dịch, NXB Trăng Sao, 1974.

- Yêu mãi còn yêu (nguyên tác: The long love, tiểu thuyết), Sao Nam dịch, NXB Chân Trời Mới, 1974.

- Ba người con gái của Lương phu nhân (tiểu thuyết), Văn Hòa - Phương Tân dịch, NXB Trăng Sao, 1974; NXB Văn Học, 1995; NXB Văn Nghệ TP. HCM, 2002.

- Trái tim kiêu hãnh (tiểu thuyết), Trịnh Thúy Nga dịch, NXB Mũi Cà Mau, 1989.

- Một trái tim tự hào (nguyên tác: This proud heart, tiểu thuyết), Viễn Nguyên dịch, NXB Lao Động, 2001.

- Biên giới tình yêu (tiểu thuyết), Văn Hòa dịch, NXB Thanh Niên, 1989; NXB Văn Nghệ TP.HCM, 2001.

- Tình cõi chân mây (tiểu thuyết), Nguyễn Đức Lân dịch, NXB Hội Nhà Văn, 1991.

- Nô tì Mẫu Đơn (nguyên tác: Imperial women, tiểu thuyết), Thu Nga dịch, NXB Hà Nội, 1993.

- Đóa hoa ẩn mình (tiểu thuyết), Viễn Nguyên, NXB Hội Nhà Văn, 1996.

- Trang (nguyên tác: Peony, tiểu thuyết), Văn Hòa - Nhất Anh dịch, NXB Sống Mới, 1970; NXB Văn Học, 1997; NXB Văn Nghệ TP.HCM, 2001.

- Người thành phố (tiểu thuyết), Phạm Đăng Phụng dịch, NXB Văn Nghệ TP.HCM, 1998.

- Bí mật đời nàng (tiểu thuyết), Văn Hòa dịch từ bản tiếng Pháp Le roi fantome, NXB Văn Học, 2000.

- Người yêu nước (tiểu thuyết), Văn Hòa - Nhất Anh dịch, NXB Văn Học, 2000.

- Thiên Hậu (nguyên tác: Imperial women, tiểu thuyết), Trần Tử dịch, NXB Hành Trình, 1973.

- Người cung nữ (tiểu thuyết), Lương Thị Thận - Hồng Thẩm dịch, NXB Long An, 1989.

- Từ Hi Thái hậu (nguyên tác: Imperial women, tiểu thuyết), Tôn Thất Hạnh dịch, Trung tâm Học liệu Bộ Văn hóa - Giáo dục, 1968.

- Từ Hi Thái hậu (nguyên tác: Imperial women, tiểu thuyết), Nguyễn Thế Vinh dịch, NXB Văn nghệ TP. HCM, 2000.

- Từ Hi Thái hậu (nguyên tác: Imperial women, tiểu thuyết), Lương Thị Thận - Hồng Thẩm dịch, NXB Văn hóa - Thông tin, 2003.

- Con rồng linh diệu (gồm 2 truyện ngắn Con rồng linh diệu và Sóng thần), Minh Quân dịch, NXB Trẻ, 1996; 2000.

- Hạt giống của rồng (tiểu thuyết), Văn Hòa - Nhất Anh dịch, NXB Văn nghệ TP. HCM, 2001.

- Vương Nguyên (nguyên tác: A house divided, tiểu thuyết), Nguyễn Thế Vinh dịch, NXB Văn Nghệ TP.HCM, 2001.

- Đất lành (tiểu thuyết), Hoàng Quân dịch, NXB Trẻ, 2001.

- Đất lành (tiểu thuyết), Nguyễn Thế Vinh dịch, NXB Văn Nghệ TP.HCM, 2001.

- Chuyện Kinh Thánh, Nguyễn Ước dịch, NXB Văn Học, 2001; 2003.

- Những người con của tiến sĩ Lương (nguyên tác: Kinsfolk, tiểu thuyết), Văn Hòa - Nhất Anh dịch từ tiếng Pháp Liens de sang, NXB Văn Nghệ TP.HCM, 2001.

- Tiếng nói trong nhà (tiểu thuyết), Văn Hòa dịch, NXB Văn Nghệ TP.HCM, 2001.

- Tử thần và rạng đông (tập truyện ngắn), Nguyễn Khắc Trừng dịch, NXB Chi Lăng, 1973.

- Người mẹ già, Vũ Minh Thiều dịch, in trong Tuyển tập truyện ngắn Mỹ Nhà lãnh tụ, NXB Gió Bốn Phương, 1966.

- Những mảnh hồn sầu xứ, Phạm Viêm Phương dịch, in trong Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Văn Học, 1997.

© Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây


***


Tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển
Per Hallström,
Thư ký Thường trực Viện hàn lâm Thuỵ Điển


Pearl Buck có lần kể bằng cách nào bà đã nhận ra sứ mệnh của mình là diễn dịch thiên nhiên và bản tính Trung Hoa cho thế giới Phương Tây. Bà không coi điều đó như một công việc đặc thù văn học; nó đến với bà một cách tự nhiên.

"Chính con người đã luôn mang lại cho tôi niềm vui lớn nhất,” bà nói, "và bởi tôi sống với người Trung Quốc, con người ở đây là người Trung Quốc. Khi được hỏi người Trung Quốc là người thế nào, tôi không thể trả lời. Họ không thế này hay thế khác, họ đơn giản là người. Tôi không thể định nghĩa họ khác hơn cách định nghĩa bà con thân thích của chính mình. Tôi quá gần gũi với họ và đã sống với họ quá đỗi thân thiết nên không thể làm điều đó".

Pearl Buck đã sống cùng nhân dân Trung Quốc trong mọi lúc thăng trầm, hồi sung túc cũng như khi đói kém, trong những xáo động đẫm máu của các cuộc cách mạng cũng như trong cơn mê sảng về những điều không tưởng. Bà giao thiệp không những với tầng lớp trí thức mà cả với những nông dân chất phác, những người chưa hề nhìn thấy người phương Tây trước khi gặp bà. Là một người lạ nhưng không bao giờ tự coi mình là người lạ, bà thường gặp những tình huống nguy hiểm đến tính mạng; nói chung, quan điểm của bà thể hiện tính nhân văn nồng ấm và sâu sắc. Một cách khách quan thuần túy, bà đã thổi sức sống vào tri thức của mình và tặng chúng ta một thiên hùng ca về người nông dân, Đất lành (The good earth, 1931), tác phẩm đã khiến bà nổi tiếng trên toàn thế giới.

Để xây dựng nhân vật, bà chọn một mẫu người sống cuộc sống mà tổ tiên đã sống đời đời kiếp kiếp, và cũng mang tâm hồn chất phác như của cha ông. Đức hạnh của nhân vật xuất phát từ một cội nguồn duy nhất: mối ràng buộc với đất đai năm này qua năm khác mang lại những vụ mùa để đền đáp cho lao động của con người.

Wang Lung được tạo ra cũng từ thứ đất màu vàng nâu trên cánh đồng, và với một niềm vui thành kính, anh hiến dâng cho đất mọi sức lực của mình. Từ cội nguồn, hai bên thuộc về nhau, và sẽ lại hòa với nhau làm một cùng cái chết mà Wang Lung sẽ đón nhận với niềm thanh thản. Công việc của anh cũng là một nghĩa vụ đã làm tròn, và do vậy lương tâm của anh yên ổn. Bởi sự bất lương chẳng ích gì trong những mưu cầu của anh, Wang Lung đã trở nên trung thực. Đó là tóm tắt quan niệm của anh về đạo đức, và quan niệm về tôn giáo của anh cũng đơn giản như thế, gần như chỉ thu gọn vào việc thờ cúng tổ tiên.

Anh hiểu rằng đời người chẳng khác gì một tia sáng giữa hai khoảng tối; từ khoảng tối sau lưng là một xâu chuỗi tổ tiên, cha truyền con nối, và xâu chuỗi ấy, anh không được làm đứt đoạn chừng nào còn le lói hy vọng vào sự sống còn trong một xứ sở bất định và xa lạ. Bởi như vậy sẽ không còn ngọn lửa của giống nòi mà mỗi người đều phải giữ gìn.

Vì thế, câu chuyện bắt đầu với đám cưới của Wang Lung và mơ ước của anh về những đứa con trai. Anh không mơ đến vợ mình, O'Lan, bởi lẽ - do môn đăng hộ đối - chưa bao giờ gặp cô ta. O'Lan là con ở trong một gia đình giàu có ở thị trấn bên cạnh, mua rất rẻ bởi cô rất xấu, người ta bảo vậy. Có lẽ vì lý do này mà cô bị đám con trai trong nhà bỏ rơi, và điều này đối với Wang Lung rất có giá trị.

Họ sống bên nhau hạnh phúc, O'Lan tỏ ra là một người bạn đời tuyệt vời, thế rồi con cái lần lượt ra đời. O'Lan luôn thỏa mãn mọi yêu cầu đặt ra cho cô mà không đòi hỏi cho riêng mình bất cứ điều gì. Đằng sau đôi mắt thinh lặng của cô ẩn chứa một tâm hồn thầm lặng. Bề ngoài O'Lan có vẻ phục tùng, nhưng thực ra cô rất khôn ngoan và mau lẹ trong hành động; một người vợ ngay trong sự kiệm lời, xuất phát từ một triết lý sống học được từ trường đời khác nghiệt.

Thành công chờ đợi hai vợ chồng. Họ có thể dành dụm được chút vốn liếng. Niềm khao khát lớn nhất của Wang Lung, sau việc làm cha, là mua thêm ruộng để canh tác, bây giờ có thể không chỉ ở trong tâm tưởng nữa. Wang Lung có thể mua thêm ruộng, mọi thứ đều hứa hẹn hạnh phúc và thịnh vượng.

Thế nhưng số phận đã giáng một đòn trí mạng xuống đầu họ: hạn hán xảy ra trong vùng. Mảnh đất màu mỡ hoá thành thứ bụi vàng quay cuồng trong gió lốc. Nếu bán ruộng, họ có thể thoát khỏi nạn đói, nhưng điều đó cũng có nghĩa là mọi cánh cửa tới tương lai của họ sẽ đóng chặt. Vợ chồng không ai muốn thế, bởi vậy họ lên đường gia nhập vào đội quân hành khất ngày càng đông tại một thành phố miền nam, sống nhờ cơm thừa canh cặn của người giàu.

Trước đây O'Lan đã từng phải ra đi như vậy một lần khi còn nhỏ, và cuối chuyến đi đó cô bị bán làm nô lệ để cứu cha và các em.

Nhờ kinh nghiệm của O'Lan, cả gia đình đã làm quen được với cuộc sống mới. Wang Lung làm việc quần quật như trâu ngựa bởi anh là trụ cột của gia đình, còn những người khác thì đi xin ăn nhờ khả năng học được. Thế rồi mùa thu và mùa đông cũng qua. Khi mùa xuân đến, niềm khao khát được trở về cày cấy trên mảnh đất của mình lại cháy bỏng, nhưng bất hạnh thay, họ không đủ tiền để trở về.

Một lần nữa số phận lại can thiệp - ở Trung Quốc, điều đó cũng tự nhiên như hạn hán, lũ lụt và dịch bệnh. Chiến tranh, điều lúc nào cũng hiện diện một nơi nào đó trong đất nước rộng lớn này, theo những cách thức bí hiểm tựa như sức mạnh của không khí, đã lan tràn tới thành phố nơi họ đang sống gây nên những xáo trộn về trật tự và luật pháp: Người nghèo cướp của người giàu.

Wang Lung đi theo đám đông chẳng phải với động cơ rõ rệt nào, bởi tâm hồn nông dân của anh ghê tởm những hành vi bạo lực, mà chỉ bởi nó là cơ hội anh có thể giành giật được ít đồng vàng. Giờ đây, anh có thể trở lại quê nhà bắt đầu công việc mùa xuân trên mảnh đất ngập úng của mình. Hơn thế nữa, anh có thể mua thêm đất; anh giàu có và hạnh phúc.

Wang Lung càng trở nên giàu có, mặc dầu không hẳn hạnh phúc hơn, nhờ số của cải mà O'Lan lấy cắp được. Từ những ngày còn là nô lệ, O'Lan đã biết một số nơi cất giấu đồ quí trong các cung điện. Ngay sau khi nhìn thấy một vốc đá quí, cô vội vàng nhặt lấy một cách hầu như không chủ tâm như con chim ác là ăn cắp những vật lấp lánh, và giấu đi theo bản năng. Toàn bộ thế giới của Wang Lung thay đổi khi anh tìm thấy những viên đá quí này trong ngực O'Lan. Anh mua hết trang trại này đến trang trại khác. Anh trở thành kẻ giàu có bậc nhất trong huyện, không còn nông dân nữa mà là một lãnh chúa, và tính cách của anh thay đổi. Sự giản đơn và hòa hợp biến mất cùng với đất. Thay vào đó, chậm nhưng chắc chắn, một lời nguyền tai ương đến với gia đình họ.

Wang Lung không còn cảm giác yên ổn thực sự trong cảnh thư nhàn của một lãnh chúa. Sự xuất hiện của người thiếp trẻ trong nhà khiến O'Lan bị thất sủng, cô tàn tạ cho đến chết.

Lũ con trai chẳng phải là những nhân vật đáng yêu. Đứa lớn nhất sống một đời vô nghĩa đắm mình trong thú vui phù phiếm. Đứa thứ hai hám vàng, sống cuộc đời thương nhân và kẻ cho vay nặng lãi. Đứa thứ ba trở thành một trong những “lãnh chúa thời chiến” bòn rút cái xứ sở vốn đã đầy bất hạnh. Xung quanh họ, cái đế chế thời trung cổ bị xé nhỏ trong hỗn loạn của sự sáng tạo mới, điều trở nên đau đớn xiết bao trong thời đại chúng ta.

Tuy nhiên, tác phẩm bộ ba này không đưa ta đi quá xa; nó được kết thúc bằng một kiểu hòa giải giữa thế hệ thứ ba với đất lành. Một trong những đứa cháu trai của Wang Lung, được giáo dục ở phương Tây, trở lại điền trang của gia đình, áp dụng những kiến thức đã được học để cải thiện điều kiện làm việc và sinh sống của người nông dân.

Những thành viên còn lại trong gia đình sống không nguồn gốc, trong mối xung đột giữa cái cũ và cái mới mà Pearl Buck miêu tả trong những tác phẩm khác, hầu hết với giọng điệu bi thảm.

Vị trí người phụ nữ Trung Quốc là vấn đề quan trọng và ảm đạm nhất trong những vấn đề của tiểu thuyết này. Ngay từ đầu, chính ở điểm này cảm xúc của tác giả phơi bày mạnh mẽ nhất; cảm xúc đó vẫn không ngừng nổi bật giữa sự êm đềm của tác phẩm sử thi. Một đoạn ngay đầu tác phẩm đã thể hiện một cách chua xót vị trí thực của người phụ nữ Trung Quốc từ ngàn xưa. Điều đó được lột tả với một sự nhấn mạnh đầy ấn tượng, đồng thời với một chút hài hước hiếm thấy trong tác phẩm.

Trong giây phút hạnh phúc, bế đứa con trai đầu lòng bọc tã lót trên tay, nhìn về tương lai tươi sáng của nó, Wang Lung sắp sửa thốt lên những lời huênh hoang, nhưng kìm được trong một nỗi kinh hoàng chợt đến. Đâu đó, dưới bầu trời này, suýt nữa anh đã thách thức những quỷ thần vô hình và thu hút cái nhìn độc ác của chúng vào mình. Anh cố gắng tránh mối đe doạ bằng cách giấu con dưới áo khoác và hét to lên: "Tiếc thay! Con của chúng ta lại là gái, có ai muốn thế đâu chứ! Lại còn cái mặt lỗ chỗ vì bệnh đậu mùa! Cầu Trời cho nó chết phứt đi." Và O'Lan tham gia tấn hài kịch đó, đồng tình với nó mà có lẽ hoàn toàn không suy nghĩ.

Trên thực tế, quỷ thần chẳng cần phí thời gian vào một đứa bé gái làm gì, bởi trong mọi trường hợp số phận của nó cũng khổ lắm rồi. Chính những nhân vật nữ của Pearl Buck gây ấn tượng mạnh mẽ nhất. Có một O'Lan ít nói, điều này lại càng có sức nặng hơn. Toàn bộ cuộc đời của cô được miêu tả bằng những lời ít ỏi nhưng hiệu quả.

Nhân vật chính trong tác phẩm Người mẹ (1934) lại là một nhân vật hoàn toàn khác. Tác giả không hề gọi bà bằng một cái tên nào khác, dường như muốn ngụ ý rằng toàn bộ số phận bà được thể hiện trong cái từ đó. Tuy nhiên, bà là một nhân vật được khắc họa cá tính sinh động, dũng cảm, đầy nghị lực, mạnh mẽ, có lẽ là một mẫu người có phần hiện đại hơn O'Lan, và không có tính nô lệ như O’Lan. Người chồng bà sớm bỏ gia đình, nhưng bà giữ lấy nó vì con.

Toàn bộ câu chuyện kết thúc trong đau buồn, nhưng không phải trong thất bại. Người mẹ không gục ngã ngay cả khi đứa con trai bị xử trảm vì tội làm cách mạng và bà đã phải tìm một ngôi mộ của người lạ để khóc con bởi nó không có được lấy một nấm mộ. Ngay sau đó một đứa cháu trai ra đời, và một lần nữa người mẹ lại có một ai đó để yêu thương và để hi sinh.

Người mẹ là tác phẩm thành công nhất của Pearl Buck nói về phụ nữ Trung Quốc, nó cũng là một trong các tác phẩm hay nhất của bà. Nhưng trong việc miêu tả nhân vật và nghệ thuật kể chuyện, Pearl Buck thành công hơn cả khi viết về tiểu sử của bố mẹ mình trong hai tác phẩm: Lưu đày (The Exile, 1936) và Thiên thần tranh đấu (Fighting Angel, 1936). Những tác phẩm này cần phải gọi là cổ điển trong ý nghĩa đầy đủ nhất của từ. Chúng sẽ mãi tồn tại, bởi chúng tràn đầy cuộc sống. Dưới góc độ này, những khuôn mẫu mà từ đó chân dung các nhân vật được xây dựng có ý nghĩa rất lớn.

Người ta hiếm khi có cảm giác biết ơn sâu sắc những nhân vật trong các tác phẩm đương thời và thường vui vẻ quên bẵng chúng. Các nhân vật thường chẳng có bao nhiêu phẩm chất; tác giả vận dụng toàn bộ sức lực để giảm nhẹ những phẩm chất đó, thường bằng cách phân tích dông dài với những kết quả mà ai cũng biết.

Tuy nhiên, ở đây ta gặp hai nhân vật hoàn hảo, trọn đời hành động một cách không vị kỉ, hoàn toàn không ủ dột, không dao động. Họ khác nhau một cách sâu xa, và việc họ cùng bị ném vào một cuộc đấu tranh chung trong một thế giới khắc nghiệt và xa lạ thường dẫn đến bi kịch lớn - nhưng không phải đến chỗ bị khuất phục: họ đứng vững đến phút cuối cùng. Có một tinh thần của chủ nghĩa anh hùng trong cả hai câu chuyện.

Người mẹ Carie, nhiều tài năng, can đảm và đôn hậu, với bản tính chân thật, hòa hợp giữa những thế lực luôn căng thẳng. Bà bị thử thách đến tận cùng trong bất hạnh và nguy hiểm; nhiều đứa con của bà lần lượt ra đi vì điều kiện cuộc sống khắc nghiệt, và đôi khi, cái chết khủng khiếp đe dọa bà trong những thời loạn lạc. Phải chứng kiến những khổ đau không dứt xung quanh mình hầu như cũng khó khăn với bà như thế. Bà làm mọi điều có thể nhằm giảm nhẹ những khổ đau đó; và điều bà có thể làm hoàn toàn không nhỏ, nhưng không một sức mạnh nào là đủ cho một công việc như vậy.

Thậm chí cả trong tâm khảm bà cũng phải trải qua một cuộc đấu tranh gian khổ không bao giờ dứt. Trong thiên hướng của mình, và với bản chất của mình, bà cần một cái gì đó lớn hơn đức tin. Chỉ hiến mình cho Chúa, đối vói bà chưa đủ; bà cần phải cảm thấy sự hy sinh đã được chấp nhận. Nhưng dấu hiệu của điều đó, cho dù bà cầu khẩn van xin, lại chẳng bao giờ đến. Bà buộc phải kiên trì trong nỗ lực không mệt mỏi tìm kiếm Chúa và tạm bằng lòng trong việc trở nên người tốt mà không có sự giúp đỡ của thần thánh.

Tuy nhiên, Carie vẫn giữ được tinh thần lành mạnh, tình yêu với cái cõi đời đã phô bày cho bà quá nhiều điều khủng khiếp, và con mắt nhìn thấu cái đẹp mà thế gian dâng tặng cho con người. Thậm chí bà vẫn giữ nguyên niềm hạnh phúc và tính hài hước. Bà như dòng suối mát lành tuôn chảy từ trái tim sự sống.

Tác giả, con gái của bà, kể lại câu chuyện bằng một sự minh bạch hiếm có và sinh động. Cuốn tiểu sử được trình bày một cách nghiêm nhặt theo dòng sự kiện, nhưng tưởng tượng sáng tạo góp phần quan trọng trong nhiều đoạn và trong việc miêu tả cuộc sống nội tâm của nhân vật. Không có gì giả tạo, bởi sự tưởng tượng này xuất phát từ trực giác và sự thật.

Ngôn ngữ trong tác phẩm có tính tự nhiên sinh động; nó rõ ràng, tràn ngập một sự hài hước dịu dàng, đầy cảm xúc. Tuy nhiên tác phẩm cũng có một thiếu sót. Sự hết lòng của tác giả dành cho người mẹ đã khiến bà không thể đánh giá công bằng về người cha. Trong cuộc sống gia đình, những hạn chế của ông là hiển nhiên, những hạn chế gay gắt và đôi lúc thật đau đớn. Là một thầy tu, một chiến binh của Chúa, ông không có một tì vết nào, trong nhiều phương diện thậm chí ông là một nhân vật vĩ đại. Nhưng ông phải sống cô đơn, không ràng buộc bởi bổn phận với gia đình, bổn phận mà chẳng mấy khi ông có thì giờ nhận ra, bổn phận mà trong bất cứ trường hợp nào cũng chẳng có ý nghĩa gì so với cái công việc đã thu hút toàn bộ con người ông. Bởi vậy ông không đỡ đần gì được cho vợ con và, trong cuốn tiểu sử về người mẹ, tác giả đã không thể hiểu đầy đủ về ông.

Tuy nhiên, điều này đã được giải quyết trong một tác phẩm khác mà tựa đề của nó là chìa khóa để hiểu cuộc đời và bản chất của người cha: Thiên thần tranh đấu. Andrew không có bản tính đầy phức hợp của người vợ. Ông hẹp hòi nhưng sâu sắc, và rực sáng như một lưỡi gươm lấp lánh. Ông dành hết tâm trí vào mục đích của mình: mở con đường cứu rỗi linh hồn cho những kẻ ngoại đạo. Mọi thứ đều vô nghĩa so với điều đó. Cái mà Carie cầu khấn hoài công, sự liên lạc với Chúa, Andrew có trong mình một cách trọn vẹn không thể lay chuyển, với nhận thức kiên định về đức tin Kinh thánh.

Với đức tin này, ông đi như một kẻ chinh phục, xa hơn bất cứ ai khác trong đất nước rộng lớn ngoại đạo này, ông chịu đựng mọi gian khổ mà không hề để tâm đến chúng, và ông chạm trán với những đe dọa và hiểm nguy cũng một cách y như vậy. Ông thương cảm và yêu mến những người nghèo, mù loà, những người xa lạ. Gặp họ, bản tính nghiêm khắc của ông đơm hoa kết trái. Khi đã thu phục được linh hồn họ để họ chịu xưng tội, ông không nghi ngờ sự thành thật của lời thú tội; với sự ngây thơ của một đứa trẻ, ông chấp nhận nó như điều thiện.

Trước đây cánh cửa đến với Chúa luôn luôn từ chối họ, giờ đây đã mở ra cho họ; và giờ đây việc cân nhắc và phán xét họ là nằm trong tay Chúa, Người biết tất cả. Chúa đã cho họ khả năng cứu rỗi linh hồn, và đối với Andrew, việc khẩn thiết là mang khả năng đó đến cho tất cả những người ông có thể gặp trong đất nước rộng lớn đó, nơi hàng giờ có hàng nghìn người chết. Nhiệt huyết của ông bùng cháy, và công việc của ông có cái gì đó vĩ đại trong sự rộng lớn và chiều sâu của nó.

Ông vắt kiệt sức mình cho hoạt động không bao giờ dứt này, và sự nghỉ ngơi ông tự cho phép mình hưởng là buông mình như một nhà thần bí vào cõi vô hạn giữa những kẻ nhiệt thành cầu nguyện. Toàn bộ cuộc đời ông là một ngọn đuốc vươn thẳng và rực cháy mặc cho bão táp mưa sa; những quan niệm tầm thường không thể phán xét nó. Tác giả, tuy không che giấu những nét xấu của cha mình, vẫn giữ vẹn niềm kính trọng trước sự cao quý của cái tổng thể. Chúng ta biết ơn sâu sắc cả hai bức tranh hoàn hảo này, mỗi bức, theo cách riêng của mình, đều thật hiếm có.

Bằng việc trao giải thưởng Nobel Văn học năm nay cho Pearl Buck, người có những tác phẩm nổi tiếng mở đường cho sự cảm thông của con người vượt qua mọi giới hạn chủng tộc, và cho việc nghiên cứu những lí tưởng của con người vốn là một nghệ thuật tạo dựng chân dung tuyệt diệu và sinh động, Viện Hàn lâm Thuỵ Điển nhận thấy điều này phù hợp với mục đích trong ước mơ cho tương lai của Alfred Nobel.

Bà Pearl Buck thân mến! Như vậy tôi đã trình bày tóm tắt những tác phẩm của bà, điều này thực sự không cần thiết, bởi những người có mặt ở đây đã quá quen với những tác phẩm nổi tiếng này rồi. Dù sao, tôi hi vọng mình đã có thể cung cấp thêm một số ý kiến về xu hướng của chúng nhằm mở ra một thế giới xa lạ và khác biệt, làm sâu sắc hơn sự sáng suốt và lòng cảm thông trong thế giới phương Tây của chúng ta. Đó là một nhiệm vụ vinh quang nhưng cũng đầy khó khăn; nó đòi hỏi toàn bộ lòng nhiệt huyết và lí tưởng như bà đã làm.

Bây giờ, chúng tôi xin mời bà lên nhận giải thưởng của Viện Hàn lâm Thụy Điển từ tay Hoàng Thượng.


Tân Đôn dịch, Trần Tiễn Cao Đăng hiệu đính