PDA

View Full Version : Tuấn , Chàng trai nước Việt



giavui
06-25-2014, 05:07 PM
Tuấn Chàng Trai Nước Việt

Nguyễn Vỹ


http://www.vietfreefun.com/extras/upload/images/1403715911_vietmessenger.com.jpg



BẠN ĐỌC THÂN MẾN!

Bộ sách này không phải một tiểu thuyết.

Cũng không phải là một ký ức cá nhân.

TUẤN là một nhân vật điển hình, tiêu biểu những chàng trai Việt Nam sinh trưởng trên Đất Nước từ đầu thế kỷ. Chàng lớn lên giữa một bối cảnh lịch sử và xã hội cổ kính đang bắt đầu biến chuyển dần dần theo định mệnh do sự xâm nhập của người Pháp hoàn toàn xa lạ từ Tây phương đến đô hộ xứ ta. Họ đã đương nhiên để lại những dấu tích sâu đậm của một Văn minh mới, và tạo ra một vận mệnh mới cho Dân Tộc Việt Nam. Với tư cách một nhân chứng vô tư của Thời Đại, TUẤN thuật lại rất khách quan và chân thật, không màu mè chải-chuốt, tất cả những biển đổi phi thường ấy, về lịch sử, xã hội, phong hóa, tập tục, kinh tế, trong đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân Việt Nam từ 1900 đến nay. Một đời sống dồi dào sinh lực, đầy thử thách và kinh nghiệm. Những người Việt sinh trưởng vào đầu Thế kỷ có thể chứng nhận rằng những sự kiện, thấy, nghe, sống, những phong trào, nhân vật, biến cố lớn hay nhỏ, ghi lại trong tác phẩm này đều hoàn toàn xác thực. Ở đây, không có chỗ cho tưởng tượng, cũng như cho chủ quan, thành kiến. Những thế hệ hôm nay và hậu lai sẽ tìm nơi đây những yếu tố để suy nghiệm về Lịch Sử Dân ta.

Saigòn,11-12-1969
Nguyễn Vỹ.


CHƯƠNG 1. 1900-1910

- Chữ Hán còn rất thịnh hành, và được gọi là " chữ ta ".

- Chữ "quốc ngữ" được rất ít người học.

- Vì sợ Tây bỏ tù, thằng Chuột phải đi học.

- Cậu nho sĩ 19 tuổi mới bắt đầu xin vào lớp Năm, học ABC, và 24 tuổi mới đậu bằng Tiểu Học.

- Lần đầu tiên một người Việt Nam bỏ búi tóc cổ truyền, để "cúp tóc" theo như Tây. Làm lễ tạ tội với Ông Bà trước khi hớt tóc.

- Một đám rước học sinh đậu bằng Tiểu Học "Vinh Quy Bái Tổ".


Một đám cưới Việt Nam.

Anh Bốn nhát quá!

Ảnh lớn rồi mà thấy mấy ông Tây bà Đầm là chạy trốn vô nhà làm tụi mình cũng sợ chạy ba chân bốn cẳng trốn không kịp!

Thằng Chuột và thằng Đít, hai đứa trẻ nít 9 và 10 tuổi xúm nhau ngạo cậu Bốn, 18 tuổi, chàng thanh niên đẹp trai nhất ở phố Cửa Bắc.

Sự thật thì hai đứa nó còn sợ hơn cậu Bốn nữa, cũng như hầu hết các thanh niên và thiếu niên Việt Nam thời bây giờ, hễ trông thấy "Ông Tây Bà Đầm" là thất kinh hồn vía. Hai đứa núp sau Miếu Cây Da, đợi ông Tây bà Đầm đi qua khỏi rồi mới thò đầu ra. Còn cậu Bốn thì ở luôn trong nhà. Thằng Chuột cười, nói với bạn nó:

- Ảnh sợ Tây vậy, chớ hôm trước gặp cô Ba Hợi con gái ông Bá Hộ đi chợ về, ảnh cứ đeo theo chọc hoài, không sợ đâu mầy ơi! Cô Ba không thèm nói gì hết, để cho ảnh cứ đi theo cho tới gần ngõ cổ mới quay lại bảo ảnh: "Nhà tôi có con chó dữ lắm, cậu đừng xớ rớ đây, tôi xịt nó ra cắn thì chịu đấy". Vậy mà anh Bốn cũng không sợ con chó Vện của cô Ba Hợi, mầy ơi!

- Ảnh cứ đứng ngoài ngõ hả?

- Ừ, mầy biết ảnh mê cô Ba Hợi lắm. Mẹ tao nói thế đó. Tại cô Ba Hợi có nhan sắc hơn hết thẩy ở đây.

- Cô Ba Hợi có xịt chó ra cắn ảnh không?

- Không. Nhưng không biết cổ có méc với ông Bá Hộ làm sao mà ông cầm cây roi mây chạy ra ngõ... Anh Bốn thấy cái roi của ổng, sợ quýnh cắm đầu cắm cổ chạy thẳng một mạch về nhà, mầy ơi.

Thằng Đít cười như nắc nẻ.

Lúc bấy giờ là năm 1910. Cậu Bốn, tên thật là Lê văn Thanh, là con ông Xã Quý, ở làng Chánh Lộ, ngay tỉnh lỵ. Ông Xã có ngôi nhà tranh ở Cửa Bắc, không giàu cũng không nghèo. Cậu là học trò của ông Tú Phong, một nhà nho học có tiếng tăm ở tỉnh. Tuy là sinh trưởng ở thành thị và đã 18 tuổi đầu, mà chàng thanh niên Lê Văn Thanh như hầu hết các bạn trai trẻ khác đều rủ nhau đi học chữ Hán ở nhà ông Tú, chứ ít có cậu nào chịu đi học "trường Nhà Nước Bảo Hộ"

Ở xóm Cửa Bắc, chỉ có thằng Chuột là đi học trường Nhà Nước. Vì thầy giáo cứ đến nhà năn nỉ mãi với cha mẹ nó cố xin cho nó đi học. Mỗi lần thầy có đem cho nó một xấp "giấy tây" thật trắng, một quyển vở ngoài bìa có in "bà Đầm xoè" thật đẹp, một cây bút, một ngòi bút, một bình mực, một cây thước, một cây bút chì, một cục "gôm".

Tuy vậy thầy giáo Năng đã dụ dỗ nó ba lần bảy lượt, mà thằng Chuột nhất định không đi học "Trường Nhà Nước", nó muốn học "chữ ta" tức là chữ Hán, - như cậu Bốn con trai ông Xã Quý.

Sau cùng, một hôm thầy giáo đến hăm doa cha mẹ nó: "Chú thím không cho thằng Chuột đi học thì Quan Tây bỏ tù, đừng có trách tôi, nghe không?". Vì sợ Quan Tây bỏ tù, mà rồi cha mẹ thằng Chuột phải đành lòng cho Thằng Chuột đi học "Trường Nhà Nước" vậy. Thầy giáo cũng nói thật rằng thầy được lịnh Quan Đốc và Quan Sứ bảo phải đi kiếm con nít tới học cho đông, vì Trường Nhà Nước chưa có học trò. Thầy giáo bảo thằng Chuột đổi tên khác. Cha mẹ nó không biết đặt tên gì, nên nhờ thầy giáo. Thầy đặt tên nó là TRẦN ANH TUẤN. Nhưng mấy ngày đầu Trần Anh Tuấn chỉ muốn trốn học, vì thầy giáo bắt học "chữ Quốc Ngữ" A.B.C. nó thấy kỳ cục quá không giống những chữ "Thiên trời, Địa đất, Thất mất, Tồn còn, Tử con, Tôn cháu, Lục sáu, Tam ba..." như thằng Đít học ở nhà ông Tú nghe dễ hơn, và hay hơn. Thầy giáo bắt nó học Ba, Bă, Bâ, Bi, nó vừa học vừa tức cười. Nó mắc cở, nhưng vì nó sợ ba mẹ nó bị bắt bỏ tù nên nó phải đi học Ba, Bă, Bâ, Bi... đó thôi. Vả lại, trường tỉnh mà vẫn ít học trò quá. Lớp Năm mà chỉ có 7 đứa, lớp Tư cũng 7 đứa, lớp Ba 6 đứa. Lớp Nhì, lớp Nhất chưa có trò nào. Thầy giáo bảo thằng Chuột về nhà dụ dỗ những đứa trẻ khác đi học, Nhà Nước phát cho giấy bút, mực, khỏi phải mua, lại còn phát cho nó một cái mũ trắng nữa. Nó rủ thằng Đít, con chú thợ mộc. Nhưng thằng Đít không chịu đi. Thằng Đít nhất định ở nhà học chữ "Thánh Hiền". Cha nó, chú thợ mộc, muốn thế.

Trong tháng đầu, mỗi lần thằng Chuột đi học là nó cứ khóc thút-tha thút-thít, tuy nó đã 9 tuổi rồi, cái chởm tóc trên đỉnh đầu đã dài xuống đến ót.

Nhưng học được một năm, nó biết chút ít "tiếng Tây". Nó lại hãnh diện, làm phách quá xá. Nó khoe với cậu bốn Thanh, với thằng Đít, với tất cả bà con cô bác, rằng nó là "Lắc-léo-mê-dòng-lô". Cậu Bốn hỏi nó:

- Lắc léo mê dòng lô là cái gì,mầy?

- Là chữ Tây: l'élève maison l'eau.

- Là cái gì chớ?

- Là "Học Trò Nhà Nước " chớ cái gì!

Nó cười xoà, có vẻ chê mấy người không biết chữ Tây.

Từ hôm nó nói được câu tiếng Tây đầu tiên ấy, ở Cửa Bắc ai cũng phục nó sát đất. Họ đồn rùm lên là thằng Chuột giỏi tiếng Tây lắm, mới học một năm mà đã nói được chữ Tây "Lắc léo mê dòng lô". Nó vô tình quảng cáo chữ Tây và Trường Nhà Nước cho cả dãy phố Cửa Bắc. Nhờ nó, mà tháng 9 năm 1910, sau kỳ nghỉ hè trường Nhà Nước có thêm học trò khá đông.

Nhưng mà cậu Bốn nhất định chê chữ Tây không có nghĩa lý cao thâm bằng "chữ ta", tức là chữ Hán. Vả lại, cậu đã 18 tuổi rồi, chữ Hán cậu đã giỏi, cậu đã thuộc hết Tứ Thư Ngũ Kinh, còn học chữ Quốc Ngữ và chữ Tây làm chi nữa?

Không dè rốt cuộc cậu cũng phải học chữ Quốc Ngữ. Nguyên do là tại cô Ba Hợi, con gái ông Bá Hộ ở bến Tam Thương. Không biết ai bày vẽ cho cổ từ hồi nào, mà cô ở nhà đã học chữ Quốc Ngữ, thuộc vần xuôi, vần ngược, bắt đầu đánh vần và viết được rồi. Cô đi chợ, mua một đồng tiền bột phẩm tím về nhà bỏ trong một cái ve, đổ nước sôi vào, hoà thành ra mực. Cô đến một tiệm lớn của khách trú mua một "manh giấy Tây" giá là một tiền, cô bọc lá chuối thật kỹ, cho khỏi nhớp. Cô cũng mua một cán bút, một ngòi bút. Những lúc rảnh, cô tập viết chữ Quốc Ngữ một mình. Kể ra ở tỉnh cô Ba Hợi là một cô gái "tân tiến" nhất lúc bấy giờ trong giới phụ nữ, nghĩa là chỉ có mình cô là con gái học chữ Quốc Ngữ mà thôi. Cô học lén ở nhà, sợ chúng bạn ngạo. Cái bí mật là ai dạy cô Ba Hợi học chữ Quốc Ngữ, và học hồi nào? Mãi về sau trong xóm người ta biết được, mới xầm xì là cô học thầy giáo Năng. Ông Bá Hộ chỉ có 2 người con, mà cô Ba Hợi là con gái độc nhất, và cô đã lớn, nên ông chiều cô lắm. Theo ý cô muốn, ông có mời thầy giáo Năng đến nhà dạy lén cho cô học chữ Quốc Ngữ đã ba tháng từ sau ngày hạ cây nêu Tết.

Một hôm, cô Ba đi chợ tình cờ gặp lại cậu Bốn Thanh, khăn đeo áo dài (cậu còn giữ nguyên cái búi tóc trên đầu, cũng như hầu hết các thanh niên Việt Nam lúc bấy giờ và đi chưn không). Đến chỗ vắng, chàng thanh niên chận cô Ba Hợi giữa đường, để tán tỉnh. Đây là cách tán gái của chàng thanh niên Nho học:

- Cô Ba ơi! cô nỡ lòng nào chê bai kẻ tiện sĩ này sao? Tôi không thấy mặt cô một ngày thì nhớ cô lòng thắt ruột đau. Sách có chữ "Nhất nhật bất kiến như tam thu hề", mà cô không thương xót tôi sao đành! Cô ơi, sách lại có chữ "Xuân bất tái lai", thì giờ chạy mau như bạch câu quá khích, hay là cô còn chọn đá thử vàng mới kết duyên Tần Tấn?

Cô Ba đội nón, còn cúi mặt xụp xuống nữa, không dám ngó cậu Bốn, nhưng cô la lớn:

- Cậu không để tui đi, tui la làng la xóm bây giờ đây.

Câu Bốn sợ cô Ba la làng, nên phải đứng né qua một bên để cô Ba đi, nhưng cậu cứ lẽo-đẽo theo sau nói lải-nhải hoài. Cô Ba làm thinh không trả lời một tiếng. Tối hôm ấy, dọn dẹp bếp núc xong, cô lấy một tờ giấy Tây, bình mực tím và cây viết, cổ vừa đánh vần Quốc Ngữ, vừa viết thật kỹ:

CẬU BỐN

Chừng nào cậu đọc được bức thư này,thì tôi mới nói chuyện với cậu. Còn cậu không đọc được thư này, thì cậu đừng có nói chuyện với tui mất công. Thư bất tận ngôn.

Nguyễn Thị Hợi

Hôm sau, cô Ba đi chợ dắt thằng em trai 6 tuổi đi theo. Đi khỏi nhà được một quãng, gần chỗ ngã tư rẽ ra Cửa Bắc, cô gặp cậu Bốn Thanh đứng câu cá nơi mương. Cậu giả vờ câu cá mà thực ra là mong được gặp cô Ba đi chợ như mọi ngày. Chàng thanh niên chấp tay chào cô Ba, theo lễ phép hồi bấy giờ:

- Thưa cô Ba đi chợ.

Cô cũng lễ phép trả lời rất khẽ:

- Dạ

Chàng cầm cần câu lẽo-đẽo theo sau:

- Cô Ba ơi. Thầy Mạnh Tử nói: "Sĩ vi khả di ngôn nhi ngôn..." tôi biết là tôi...

Nhưng cô Ba không muốn nghe. Cô thò tay trong yếm (năm 1910, cô Ba mặc yếm cũng như các bạn gái ta đời nay mặc coóc-xê vậy) cô rút ra phong thư bằng giấy Tây, mà cô đã viết đêm qua, và đã gấp lại thật nhỏ. Cô đút thư trong bàn tay bé xíu của đứa em trai và nói thầm gì với nó. Cô bước đi thật nhanh, để em bé đứng lại sau, đưa thư cho cậu Bốn Thanh. Nó sợ sệt nói ấp úng:

- Chị tui đưa cho chú cái này nè.

Chàng trai vui mừng và ngạc nhiên cầm giấy thì đứa bé đã chạy thật lẹ để theo kịp chị nó gần đến Cửa Bắc.

Chàng mở thư ra coi, đứng tần ngần một lát, mắc cở đỏ mặt tía tai. Vì chàng không biết chữ Quốc Ngữ. Chàng không đọc được bức thư của cô Ba Hợi, tức quá, không biết là cổ viết gì?

Chàng thanh niên về nhà xấu hổ, cuốn tờ thư đút trong một ống tre, dấu kín trên mái tranh. Rồi chàng nhất định phải tìm người dạy chữ Quốc Ngữ.

Thầy giáo chỉ cho chàng học A,B,C, Ba, Bă, Bâ...không ai xa lạ: chính là thằng Chuột "lắc léo mê dòng lô".

Thằng Chuột thật là quái ác. Thanh đã dặn nó đừng tiết lộ cho ai biết câu chuyện "bức thư quốc ngữ " của cô Ba Hợi gửi cho chàng, thế mà thằng nhỏ "lắc léo mê dòng lô" cứ quen tính bép-xép, đi mách lẻo cùng cả dãy phố, làm cho ai nấy ôm bụng cười.

Bỗng dưng cô Ba Hợi nổi danh khắp Cửa Bắc,rồi dần dần khắp tỉnh lỵ, vì mấy dòng "thơ bất tận ngôn" của cô viết bằng chữ Quốc Ngữ để thách đố cậu Bốn Thanh. Chàng thanh niên Nho sĩ đã nổi tiếng thuộc làu kinh sử của Khổng Mạnh không dè lại bị con gái của ông Bá Hộ chế nhạo là không được vần A.B.C.

Từ hôm đó, cả ngày Thanh không dám bước chân ra phố. Chàng lén đưa tiền bảo thằng Chuột mua dùm cho chàng một "manh giấy tây", "một cán bút sắt", một viên phẩm tím để hoà thành mực, và nhờ thằng Chuột cứ tối tối đến dạy cho chàng học "chữ Quốc Ngữ". Thằng Chuột đâu phải giáo sư. Nhưng năm 1910, tìm đâu cho ra cả xóm Cửa Bắc một ông thầy giáo dạy chữ Quốc Ngữ! Hầu hết thanh niên trong vùng cũng như khắp nơi còn trung thành với Khổng Học, và không dám từ bỏ nề nếp Nho phong. Chỉ có mỗi một mình thằng Chuột, con chú thợ nề là "lắc léo mê dòng lô" mà thôi. Cả xóm đều biết rằng vì vợ chồng chú nghe thầy giáo hăm doạ nếu không cho thằng Chuột đi học Trường Nhà Nước thì sẽ bị Quan Sứ bỏ tù nên cực chẳng đã chú thím phải cho thằng con trai đi học "chữ Quốc Ngữ" và "chữ Tây" đó thôi.

Thằng Chuột học hết vần xuôi vần ngược, và đã tập viết, tập đọc, ba tháng sau khi đến trường. Bây giờ nó dạy lại cậu Bốn Thanh ABC.

Nhưng thân sinh của chàng là ông Xã không bằng lòng. Một hôm ông rầy với giọng bực tức:

- Mầy đã 18 tuổi, thằng Chuột 9 tuổi mà nó làm Thầy mầy, thiệt ốt nhột quá.

Chàng trả lời:

- Thưa cha, ở xóm mình không ai biết chữ Quốc Ngữ, con phải học nó.

Ông Xã ngồi trong nhà nhai trầu, đôi mắt rầu-rĩ ngó ra ngoài trời, ông than thở:

- Sách Thánh Hiền có dạy: Quân, Sư, Phụ. Trên hết là Vua, rồi đến Thầy, dưới hết mới đến Cha. Mầy để cho thằng Chuột làm Thầy, chẳng khác nào mầy để nó ngồi trên đầu tao.

Chàng thanh niên Nho học nghe cha nói có lý, không dám cãi. Chàng rưng-rưng nước mắt:

- Thưa cha, hôm nay con đã thuộc hết vần xuôi, vần ngược. Con đánh vần được rồi. Vậy con vâng lời cha, từ nay con không học thằng Chuột nữa.

- Ừ, thôi con à. Người "An Nam" học chữ "An Nam", chứ học chữ Tây làm gì.

- Thưa cha, chữ Quốc Ngữ không phải là chữ Tây.

- Tao nghe mày học A.B.C., đó là chữ Tây chứ đâu phải "chữ Ta".

- Thưa cha, chữ Tây nhưng đánh vần thành ra chữ Ta. Thí dụ như con muốn viết chữ "cha", thì con đánh vần ch.a.cha.. Chữ "mẹ" thì đánh vần M-e-me-nặng-mẹ.

Ông Xã lại hỏi:

- Còn "lắc léo mê dòng lô" là gì?

- Thưa cha, đó mới là chữ Tây, như thằng Chuột học trong trường tỉnh.

Tối hôm ấy, thằng Chuột đến như mấy đêm trước. Nhưng lần này cậu Bốn Thanh bảo nó:

- Tao đánh vần chữ Quốc Ngữ được rồi. Vậy từ nay mầy đừng đến nữa.

Thằng Chuột cười hóm-hỉnh:

- Anh đánh vần chữ... Chuột cho tôi nghe có trúng không đã nào?

- Chuột, thì: ch.u.chu.u.o.t.uốt là chuốt nặng chuột.

- Chữ Mèo?

- Mèo thì M.e.me.o.meo, huyền mèo.

- Bây giờ tôi đố anh ba chữ, anh đánh vần được hết ba chữ, thì anh giỏi.

- Ba chữ gì, đố đi.

- Ba chữ: cô Ba Hợi.

Thanh cười ha hả, đỏ cả mặt, tía cả tai:

- Ba chữ đó dễ ợt: C.ô.cô, B.a.ba, H.o,hơ,ơ.i.ơi., là hơi nặng Hợi.

Thằng Chuột khoái chí, cười sặc-sụa:

- Tui cho anh đỗ Cử nhân đó.

Thanh vào nhà giữa xin cha một quan tiền, để trả ơn cho thằng Chuột. Ông Xã bảo:

- Tiền, cha cất ở dưới rương, con vô lấy.

Thanh cầm một quan tiền ra để trên bàn trước mặt thằng Chuột:

- Tao trả ơn mày dậy chữ Quốc Ngữ cho tao đó.

- Thôi, tui không lấy tiền đâu.

- Sao vậy?

- Tui đây chơi cho vui mà anh Bốn.

- Tao đọc, tao viết được chữ Quốc Ngữ, cũng nhờ ơn mày. Tao đền ơn mày.

- Ơn với nghĩa gì, anh Bốn nói kỳ quá.

- Bậy nà! Nhất tự vi sư, bán tự vi sư, dù sao mày cũng là thầy tao.

- Nhất tự vi sư bán tự vi sư là gì, anh Bốn?

- Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy, huống chi mầy dạy tao hết vần xuôi, vần ngược, rồi đánh vần, tập viết, tập đọc. Tao phải biết ơn mầy chứ.

- Thôi anh Bốn, tui không lấy tiền đâu. Tui mà lấy tiền, về cha tui ổng đánh chết.

Thằng Chuột nói xong, bỏ chạy một mạch ra về.

Thanh ăn cơm tối xong, pha trà cho cha, rồi lấy sách Mạnh Tử ra đọc chương Lương Huệ Vương. Hết canh một, ông Xã ngủ, chàng mới xếp sách Mạnh Tử để trên đầu giường, và len lén lấy tờ "giấy tây", "cán bút sắt" và bình mực tím ra ngồi bàn. Dưới ngọn đèn dầu phọng, chàng vừa đánh vần vừa viết sau đây:

CÔ BA HỢI
Sách Thánh hiền có dạy : Quân tử chi học dã, dĩ vi kỳ thân, tiểu nhân chi học dã, dĩ vi cầm độc 1 Tôi phải học chữ Quốc Ngữ cũng vì cô, nói thật ra cũng nhờ cô khích lệ mà nay tôi mới khỏi thua sút một người yểu điệu thục nữ, tôi mới được dĩ vi kỳ thân, chứ không đến nổi dĩ vi cầm độc. Thật là muốn tạ ơn cô,vạn bội, vạn bội.

Ba tháng trước đây, khi cô trao cho tôi lá thư đầu tiên bằng chữ Quốc Ngữ, nếu là người con trai nào khác thì chắc có lẽ họ giận cô lắm. Nhưng kẻ tiện sĩ này thật không dám giận cô, vì tôi trộm nghĩ : huyết khí chi nộ bất năng hữu, nghĩa lý chi nộ bất năng vô 2 nhưng tôi không có cái huyết khí chi nộ mà cũng không có cái nghĩa lý chi nộ. Tôi cho rằng lá thư khinh thị của cô chính là một lời khích lệ, cô đã khuyến khích tôi học chữ Quốc Ngữ đó chăng !

Cho nên tôi đã không giận cô, mà còn tuân theo tôn ý của cô nữa. Phù chí, khí chí suý giã, khí thể chi sung giã 3.Thưa cô Ba, có phải vậy không ? Chính nhờ cô, mà tôi rèn luyện được chí khí vậy.

Nay tôi tự viết thư Quốc Ngữ này, trước là để xin đền đáp ơn cô, sau là để xin hồi âm những lời vàng ngọc của cô đã dạy cho ba tháng trước đây.

Lê Văn Thanh

Chàng thanh niên viết bức thư dài hai trang giấy tây, chữ thật to (vì mới tập viết) từ đầu canh hai cho đến đầu canh ba mới rồi (tức khoảng 9 giờ đến 12 giờ khuya).

Suốt ba tháng trời cậu Lê văn Thanh không dám gặp mặt cô Nguyễn thị Hợi. Chàng xấu hổ vì một thanh niên Nho học thuộc lòng chữ nghĩa của Thánh Hiền, đầu óc đầy những câu sách của Khổng Tử, Mạnh Tử, mà phải chịu thua một cô gái học A.B.C. Chàng lại tức giận vì cô Ba mới viết được chữ Quốc Ngữ mà đã "làm phách" khoe chữ Quốc Ngữ với chàng, và còn thách đố chàng nữa.

Nhưng bây giờ chàng sắp trả được mối hận, quyết cưới cho được cô Ba Hợi. Nếu không lấy được cô, thì chàng sẽ "ở vậy" suốt đời. Chàng thanh niên Nho sĩ thật không dè chữ Quốc Ngữ học dễ quá, chỉ ba tháng là đọc được, viết được, trả lời được bức thư của cô con gái đẹp "chim sa cá lặn" kia.

Nhưng bức thư viết rồi mà chàng không biết làm sao gửi đến tận tay người phụ nữ.

Mãi nữa tháng sau, nhằm có lễ tế Thần hôm Rằm tháng Bảy rất long trọng ở Đình làng, và ban đêm có đốt pháo bông, chàng mới có cơ hội gặp cô Nguyễn Thị Hợi.

Trước sân đình đông nghẹt những thanh niên thiếu nữ kéo đến coi "Múa Đèn" tưng bừng rộn-rịp. Tất cả thanh niên ở hàng phố ngay tại tỉnh lỵ, cũng như ở các xóm thôn quê lân cận, đều mặc áo dài đen, đầu để búi tóc và chít khăn đen, trông chàng nào cũng đạo mạo, nho nhã. Ai nấy đều lễ phép, dạ dạ, thưa thưa. Có nghịch ngợm chăng nữa thì cũng chỉ lén lút nô đùa với nhau, dỡn cợt kín đáo, không dám cười to nói lớn.

Lê Văn Thanh được cử vào đoàn "Lễ Sanh", là đoàn thanh niên được chọn lưa độ 12 người, mặc áo rộng xanh, đầu đội mão, chân mang hia, được hân hạnh tham gia nghi lễ tế Thần. Cô Nguyễn thị Hợi đứng chen trong đám các cô gái chưa chồng hoặc có chồng, và các bà già, trẻ con, say mê coi múa đèn, 12 chàng "Lễ Sanh" tay cầm đèn "bánh ú" và đèn "hoa sen" phất bằng giấy mỏng đủ màu, vừa múa vừa bước đi chậm rãi, nhẹ nhàng, theo nhịp kèn nhịp trống, với những bộ điệu ly kỳ, huyền bí, học tập từ lâu, trông rất đẹp mắt.

Hết canh một (vào khoảng 8 giờ) thì xong lễ Múa Đèn, đến lượt đốt pháo bông. Lê văn Thanh đã cởi lễ phực trao trả lại làng, và được thảnh thơi ra ngoài đường, trước cổng đình, coi đốt pháo bông. Chàng len lỏi trong các đám phụ nữ đứng hoặc ngồi từng nhóm, tụm năm tụm ba chung quanh đám đất trống. Chàng cố tìm cho được cô Ba Hợi. Cô đứng một mình bên gốc cây sầu đâu trên lề đường, tay dắt đứa em trai của cô, 6 tuổi. Lê văn Thanh nhận được bóng dáng của cô, chàng mừng quá đỗi, nhưng chưa dám đến gần. Cô Hợi vừa liếc thấy chàng, liền ngoảnh mặt ngó chỗ khác, vờ như không đễ ý đến "Cậu Bốn Thanh".

Nhờ có bóng tối,và cô Hợi đứng tựa vào gốc cây sầu đâu, xa chỗ không người, nên không ai trông thấy rõ. Lê văn Thanh bạo dạn, nhưng vẫn rụt rè, bước... bước... bước nhè nhẹ... còn xa cách cô Hợi độ một khoảng dài, chàng không dám tiến tới nữa. Chàng chỉ sợ cô Ba Hợi la làng hoặc cất tiếng chửi "ông bà ông vải" thì mắc cỡ cho chàng biết bao nhiêu.

Thiếu nữ thời bấy giờ, đối với bọn con trai lân la chọc ghẹo, nhất là các cậu lì lợm, nếu được nàng ưa nàng ưa thì nàng lặng lẽ nghe lời ong bướm, hoặc đối đáp dịu dàng, tình tứ. Còn nếu cô gái không ưa mà chàng cứ đeo theo gạ gẩm thì thế nào chàng cũng bị cô ấy chửi ngay cho một trận, hoặc la làng la xóm rùm lên. Chàng trai xấu hổ, chỉ có nước cút đi một mạch.

Lê văn Thanh do dự, biết cô Hợi chưa bao giờ tỏ vẻ thương yêu chàng. Nhưng chàng lấy cớ là trả lời bức thư Quốc ngữ của nàng gửi ba tháng trước, nên chàng tiến đến bóng cây sầu đâu.

Chàng lễ phép chấp hai tay, khẽ cúi đầu chào theo tục lệ xưa:

- Thưa cô Ba đứng chơi.

Nàng quay lại cũng chấp hai tay, cúi đầu đáp lễ:

- Dạ thưa cậu Bốn.

Chàng liền moi trong túi áo cụt mặc dưới chiếc áo dài đen, bức thư mà chàng định trao nàng. Đó là một "tờ giấy tây" gấp lại làm tám, không có phong bì, chỉ được cột lại bằng một rẻo lá chuối xanh. Chàng cầm thư trong tay nói:
- Thưa cô Ba hồi tháng tư cô Ba có gởi tôi một lá thư bằng chữ Quốc ngữ. Ngày tháng như thoi đưa, tính đi tính lại thế mà nay đã bốn tháng rồi, sẵn hôm nay tôi gặp cô đây, đó cũng là cái duyên tao ngộ, xin gửi lại cô lá thư hồi âm, dám mong được cô để cặp mắt xanh đến, thì thật là vạn hạnh.

Cô Nguyễn Thị Hợi mỉm cười, làm thinh. Cô mắc cở, cúi đầu, không dám ngó chàng trai. Lê văn Thanh chìa thư ra:

- Xin quý nương nhận cho, tôi rất lấy làm thâm-cảm.

Cô Ba Hợi vẫn cúi mặt, bảo:

- Cậu muốn đưa cái gì thì đưa cho em tui.

Lê văn Thanh nhét gói thư vào bàn tay cậu em, tên là Tý, nhưng Tý ngó chị:

- Cái bánh hay cái gì đây, chị Ba!

Cô Hợi cười không đáp. Lê văn Thanh nói tiếp:

- Thưa cô Ba, thầy Tử Tư có nói rằng "Tự thành minh vị chí tình, tự minh thành vị chi giáo, thành tắc minh hỷ, minh tắc thành hỷ" là nhờ thành thực mà sáng tỏ, ấy là tính, nhờ sáng tỏ mà thành thực, ấy là học. Hễ thành thực là sáng tỏ, hễ sáng tỏ là thành thực. Thưa cô, tôi xin thề với thần thánh, ma quỷ, là tôi giữ một tấm lòng thành thật, tôi cũng mong cô được một niềm sáng tỏ.

Cô Nguyễn Thị Hợi chưa muốn trả lời vội, và cũng chưa muốn nói chuyện gì với cậu Bốn Thanh. Vì trước hết cô muốn xem chàng nói gì trong bức thư của chàng. Cô bảo:

- Cậu Bốn để tui về nhà coi thư thì tui trả lời cậu Bốn.

-Chừng nào cô Ba trả lời?

- Hổng biết. Tui rảnh thì tui trả lời.

- Vậy thì mỗi ngày đi chợ buổi sớm mai, có tôi chờ cô ở bụi tre thổi kèn.

Cô Hợi làm thinh. Cậu Thanh cũng không dám đứng đó lâu.

Cây pháo bông "Bát Tiên" vừa nở sáng rực nửa lưng trời, giữa tiếng reo mừng của trẻ con. Công chúng đàn ông cũng như đàn bà, đều trầm trồ khen ngợi, nhưng không vỗ tay ầm ỹ, không hoan hô náo nhiệt như công chúng ngày nay.


Cả khu phố Cửa Bắc, và cả làng Chánh Lộ, ở ngay tỉnh lỵ, không ai ngờ cậu Bốn Thanh học trò chữ Nho của ông Tú Phong, bây giờ lại cắp vở đến trường Nhà Nước học chữ Tây. Ai hỏi: tại sao? Thì cậu trả lời: Tại Nhà Nước Đại Pháp bắt buộc, không đi học thì bị tù.

Nhưng không đúng thế đâu. Trước đây, trong tỉnh ai cũng biết rằng cậu học chữ Quốc Ngữ (học lén) là tại cô Ba Hợi. Nhưng bây giờ không ai biết rằng cậu đi học chữ Tây - học công khai, làm "lắc léo mê dòng lô" cũng là tại cô Ba Hợi.

Cho cuộc tình duyên âm thầm lén lút của nàng và chàng đã khắn khít bởi một lời thề "Thệ Hải Minh Sơn" ở bụi tre "thổi kèn", cách Cửa Bắc ba trăm thước, không biết từ hồi nào. Nhưng có điều chắc chắn, là cô Ba Hợi, 16 tuổi, con gái ông Bá Hộ, một nhà giàu nhất ở Phố Cửa Bắc, không muốn cậu Bốn học chữ Nho nữa. Cô thấy thời thế đã đổi thay, có mấy người trong tỉnh đã bỏ bút lông, cầm bút sắt, mới học trường Nhà Nước không bao lâu, nay đã làm thầy giáo, làm thông ngôn, thầy Ký lục, được ăn lương Nhà Nước, được địa vị sang trọng, được chức Bát phẩm, Thất phẩm của vua ban. Cô yêu cậu Bốn Thanh, nhưng cô chỉ bằng lòng làm vợ của cậu với một điều kiện nhất định, là người yêu của cô phải đi học chữ Tây ở trường Nhà Nước, phải thi đậu làm thầy Thông, thầy Ký. Đôi trai gái thề thốt với nhau trong lúc trường Nhà Nước - gọi là trường Sơ Học Pháp Việt - đang lúc nghỉ hè niên khoá 1911-1912.

Thằng Chuột, từ nay tên chánh thức là Trần anh Tuấn, hết kỳ nghỉ hè, đã được lên lớp ba. Nó đi khoe với mọi người là nó học cua "ê lê măng te" và cuối niên khoá nó sẽ đi thi bằng cấp "tuyển sanh". Nó đã 11 tuổi, nói tiếng Tây "bông bốc".

Ngày nhập học, chàng thanh niên Lê văn Thanh, vẫn để búi tóc trên đầu, vẫn bịt khăn đen, mặc áo dài đen, chân mang guốc, cặp hai quyển vở và cây bút sắt, cây bút chì, thước gạch, bình mực tím, bẽn-lẽn đến trường. Đây là một mái trường lợp tranh, vách tường bằng phên tre quét vôi, nền tô xi-măng. Ông Đốc, người Việt Nam, đã già, nói tiếng Hà Tĩnh bảo cậu:

- Trưa nay về nhà, cậu phải cúp tóc ca-rê, bỏ cái búi tóc kia đi và đừng bịt khăn... Chiều nay cậu cúp tóc rồi Nhà Nước sẽ cho cậu một cái mũ trắng để đội.

Chàng khúm núm, chắp hai tay cúi đầu:

- Dạ, bẩm Quan lớn, con xin tuân lệnh Quan lớn.

Quan Đốc dắt cậu xuống Lớp Năm, giao cậu cho thầy giáo. Quan Đốc và các thầy giáo đều mặc áo dài Việt Nam nhưng đầu cúp rê, chân mang giầy Hạ.

Tất cả các thầy công chức làm việc cho Nhà Nước ở trong tỉnh đều mặc áo quần Việt Nam, đầu cúp ca-rê, hoặc rẽ một bên. Không có ai mặc áo Tây cả.

Trưa hôm ấy, chàng thanh niên Lê văn Thanh về nhà thưa với cha, là ông xã Quý, về việc cúp tóc. Ông Xã không chịu. Ông đập bàn, đập ghế, la hét om sòm:

- Con có cha, như cái đầu có tóc. Theo phong tục nước An-Nam, con phải để tóc, ấy là để thờ Cha Mẹ, ấy là có hiếu. Cắt tóc đi cũng như là từ bỏ cha mạ. Tao theo sách Thánh hiền dạy lễ giáo từ xưa đến nay của nước An Nam như thế. Tao đây đã 50 tuổi, ông Nội bà Nội mầy đã quá vãn rồi, mà tao còn búi tóc, để giữ đạo làm con cho trọn chữ Hiếu. Huống chi ngày nay tao còn sống mà mầy lại cắt cái búi tóc bỏ đi sao được! Chiều nay vô trường thưa với Quan đốc như thế.

Nói xong, ông Xã ngồi khóc ròng rã. Chàng con trai Lê văn Thanh, cũng khóc nức nở. Bà Xã, ở dưới bếp chạy lên nghe câu chuyện của chồng vừa nói, cũng ngồi xuống ngạch cửa khóc hu hu. Ông Xã nói tiếp, với giọng tức tối:

- Làm con, có cái búi tóc ở trên đầu để thờ Cha kính Mẹ mà cắt bỏ đi, thì còn gì là Cha con, Mẹ con nữa!... Mầy mà nghe lời người ta cắt bỏ cái búi tóc, thì là tao nhẩy xuống giếng tao tự tử!

Ông lại khóc to lên, hu! hu! hu!

Ông Xã khóc, bà Xã khóc, chàng thanh niên Lê văn Thanh cũng khóc, nhưng rốt cuộc rồi cái búi tóc trên đầu chàng cũng phải cắt bỏ đi, tóc phải cúp "carré", và Quan Đốc học trường Nhà Nước đã truyền lịnh như thế. Nhưng năm 1910, tận nơi tỉnh lỵ mà ta nói đây - cũng như các tỉnh khác ở Trung Việt, chỉ mới có một vài người làm nghề hớt tóc mà thôi. Chú Bảy theo ghe nước mắm vào Đồng Nai học nghề cúp tóc trước đó một vài năm. (Lúc bấy giờ, cho đến khoảng 1920, ở các tỉnh Trung Việt, người ta vẫn gọi Saigon là Đồng Nai. Danh từ "Saigon"chưa được thông dụng). Chú mua kéo, toon-đơ, dao cạo, cũng ở tại Đồng Nai, đem về mở tiệm cúp tóc ở tỉnh lỵ. Nói là mở tiệm, nhưng chú chỉ thuê một xó hè của một tiệm buôn khách trú, đặt một cái bàn con, một chiếc ghế đẩu, và treo một tấm kiếng trên vách tường, thế là đủ cho chú hành nghề. Chú treo tấm vải trắng phía ngoài đường, trên vải chú viết bằng mực Tàu, một chữ Tây "COIFFEUR", và chua ở dưới hai chữ Hán (Thế Phát: Cắt Tóc). Chữ Quốc Ngữ vì chưa được truyền bá, ít người biết, nên chú thợ hớt tóc chỉ viết quảng cáo bằng chữ Hán và chữ Tây, mặc dầu chữ Tây cũng chưa mấy người học đến. Chú để chữ Tây cho oai, bắt chước chữ Tàu học lỏm trong Đồng Nai, và thỉnh thoảng chú nói với vài bác lính tập: "Tui làm cốp phơ cho quan Công Sứ".

Vì vây mà trong tỉnh, người ta gọi chú là "chú Bẩy cốp phơ".

Chiều hôm ấy, chàng thanh niên Lê văn Thanh đến tiệm hớt tóc, nét mặt rầu rĩ, nói với chú Bẩy cốp phơ:

- Chú Bẩy đem đồ qua nhà tôi, cúp tóc cho tôi được không chú? Vì ông già tôi còn phải cúng Ông Bà để cho tôi cắt tóc.

Chú Bẩy cốp phơ gật đầu lia lịa:

- Thầy Xã nói phải. Cái búi tóc trên đầu mình là của Ông Bà cha mẹ. Cắt nó đi là có tội, cho nên phải cúng Ông Bà. Cúng một lần rồi sau khỏi cúng chớ sao.

- Quan Đốc học bắt học trò phải hớt tóc, tôi tuân lệnh Quan, chớ nói thiệt với chú, người An Nam mình có cái búi tóc để thờ Ông Bà cha mẹ, cắt đi phạm tội bất hiếu.

- Phải, cậu Bốn có học sách Thánh Hiền cậu nói tôi nghe được.

Cậu Bốn cốp phơ gói dao, toon đơ, gương, lược vào trong một gói vải đỏ rồi xách tòn-ten đi theo cậu Bốn Thanh đến nhà ông Xã. Trên bàn thờ Ông Bà, có bầy một hộp trầu cau, một nải chuối chín và một con gà luộc. Một mâm gỗ lớn đựng mười chén cháo và mười đôi đũa, đặt trên bộ ván kê trước bàn thờ. Ông Xã thắp đèn hương, đứng khấn vái hồi lâu. Ông khấn như sau đây:

"Bữa nay, thằng con bất hiếu Lê văn Thanh, tuân lệnh Quan, phải cắt tóc để đi học trường Nhà Nước, nên có lễ vật để cáo với liệt vị tiền nhân, các bậc Cao tằng Tổ khảo với Tổ phụ, Tổ mẫu, chứng giám. Xin vong linh liệt vị phù hộ cho con cháu, để nó học hành, công danh hiển đạt"

Khấn xong, ông lạy ba lạy. Đến lượt Lê văn Thanh áo dài, khăn đen với cái búi tóc trên đầu, cũng lạy ba lạy. Xong nghi lễ cáo với ông bà, ông Xã đưa tay vẫy gọi chú Bẩy cốp phơ đứng khúm núm ngoài hè. Chú vào kéo một chiếc ghế để ngay trước bàn thờ, bảo Lê văn Thanh ngồi. Thanh gỡ cái khăn đen trên đầu ra, cung kính đặt nó trên chiếc khay bên cạnh mâm cháo gà, vái thêm ba vái nữa rồi mới ngồi ghế. Chú Bẩy bảo chàng xổ búi tóc ra. Một lọn tóc đen mượt chảy lòng thòng xuống đến nửa lưng. Chú Bẩy cốp phơ tự thấy mình đang đóng một vai trò trọng đại, nên chú làm ra vẻ oai vệ, lấy vạt áo lau lại hai lưỡi kéo trước khi lùa lọn tóc nắm vừa vặn trong bàn tay, rồi tay kia cầm kéo cắt sát trên đỉnh đầu. Tóc dài quá, kéo thì lụt, chú Bẩy phải xáp đến bốn năm lượt búi tóc mới rơi hết xuống đất thành một đống đen ngòm.

Bà Xã đứng gần đấy, oà lên khóc, thê thảm, quay lưng đủng đỉnh vào nhà trong. Ông Xã rưng rưng hai ngấn lệ. Trên bàn thờ, ba que nhang cùng toả ra một làn khói thơm nồng, cuồn cuộn lên cao. Ngọn đèn dầu phọng cháy tỏ như thể có vong hồn các đấng tiền nhân đang chứng minh nghi lễ "thế phát" của đứa con trưởng nam trong gia đình.

Chú Bẩy cầm "toon-đơ" ủi một đường từ ót lên tới đỉnh đầu. Một luống tóc theo lưỡi toon-đơ bị hất ra hai bên, rụng tơi bời xuống ghế. Nhiều mớ tóc còn muốn bám chặt vào cổ áo của Lê văn Thanh, chưa chịu rời xa.

Thanh cúi đầu ngồi yên lặng, không quảy cựa. Chàng có cảm tưởng đang cam chịu một thay đổi lớn lao trong đời chàng, và mỗi mớ tóc xác xơ rơi xuống đất là một chút dĩ vãng đang rơi khỏi đầu óc của chàng trai nước Việt đương buổi giao thời.

Nén nhang trên bàn thờ vừa tắt, thì tóc của Lê văn Thanh cũng vừa hớt xong, theo kiểu ca-rê (vuông). Chú Bẩy lấy dao, cạo tém xung quanh gọn gàng, sạch sẽ, xong đưa tấm kiếng cho Thanh coi, và cười đắc chí, bảo:

- Cậu Bốn thấy không, cái đầu của cậu cúp ca-rê như vậy có khác gì cái đầu của thầy Thông, thầy Ký đâu nè.

Lê văn Thanh soi gương, tủm tỉm cười. Nghe chú Bẩy cốp phơ khen cái đầu giống thầy Thông, thầy Ký, chàng khoái lắm, nhưng không dám nói ra. Chàng chỉ nghĩ rằng, mai hay mốt cô Ba Hợi trông thấy đầu chàng chắc sẽ mê chàng ngay.


Lê văn Thanh đã cúp tóc, nhưng vẫn còn bịt khăn đen, cắp sách đi học. Đến trường, quan Đốc bảo chàng bỏ khăn ra, và quăng cho chàng chiếc mũ trắng, để đội lúc đi ngoài đường. Quan Đốc còn căn dặn cẩn thận:

- Ngồi trong lớp học hay trong nhà, không được đội mũ. Đi ngoài đường, khi gặp Quan Đốc hay thầy giáo phải dở mũ ra để chào.

Chàng đã 18 tuổi, mới vào học lớp Năm. Nhưng chàng không ngượng, vì thời bấy giờ theo học chữ Hán học trò toàn là 17, 18 sắp lên. Cho đến 40, 50 tuổi vẫn còn có thể là học trò. Tụi con nít như thằng Chuột chưa phải là học trò chánh hiệu. Vả lại, trường Nhà Nước mới mở, học trò còn hiếm lắm. Ngay ở trong tỉnh nầy, trong niên khoá 1911-1912, lớp Năm được mười trò, trong số có 4 trò từ 8 đến 10 tuổi, còn 6 trò trai tráng từ 18 đến 20.

Bỏ chữ Hán qua học chữ Quốc Ngữ và chữ Tây. Lê văn Thanh vẫn tỏ ra một thanh niên cần mẩn, rất thông minh và chăm học, 20 tuổi học hết lớp Ba, có một kỳ thi gọi là "Thi Tuyển Sanh". Các môn thi gồm có một bài "ám tả" Pháp ngữ, mấy bài luận Pháp văn và một bài luận Quốc Ngữ. Vào "khẩu vấn" chỉ hỏi về cửu chương. Riêng về cửu chương, thầy giáo lại cho học chữ Hán để cho dễ nhớ. Mấy ngày trước hôm thi, đêm nào Lê văn Thanh cũng đọc to bản cửu chương đại khái như sau đây:

Cửu cửu bát nhất (9,9,81)
Bát cửu thất nhị (8,9,72)
Thất cửu lục tam,
Lục cửu ngũ tứ
Ngũ cửu tứ ngũ
Tứ cửu tam lục
Tam cửu nhị thất
Nhị cửu nhất bát
Nhất cửu như cửu
v.v...

Cho đến khi nào chàng nhắm mắt đọc trôi chảy, thật nhanh và không vấp một chữ, từ số 9 đến số 1 chàng mới đi ngủ. Kỳ thi Tuyển Sanh, Lê văn Thanh đậu thứ nhì. Về nhà, ông Xã bà Xã vui mừng giết một con gà nấu cháo, cúng tạ Ông Bà.

Mỗi năm mỗi lên lớp, đến năm 22 tuổi Lê văn Thanh học hết lớp Nhất, được đi thi "Khoá Sanh", nói theo tiếng Pháp là thi "Ri me" 4. Thi Ri me rất khó khăn, vì có "ông Tây" chấm thi, và hầu hết các môn thi bằng chữ Tây. Lê văn Thanh bây giờ đã hoàn toàn là một cậu học trò "Trường Pháp Việt", học chữ Tây, nói tiếng Tây, tuy chưa phải là thứ tiếng Tây đứng đắn, nhưng cũng cứ nói được hiểu được khá nhiều, và có thể bập bẹ đối đáp với: "Ông Tây bà Đầm" được lắm.

Thí sinh vỏn vẹn có 10 người, cả 10 đều thi đậu. Thí sinh trúng tuyển bằng cấp "Ri me" được gọi là "Cậu Khoá".

Để khuyến khích học trò các khoá sau đi học cho đông, "Nhà Nước Bảo Hộ" truyền lịnh các làng sở tại phải rước các "Cậu Khoá" về làng một cách long trọng, như rước các ông Nghè, ông Cống của Nho học vậy.

Một tuần lễ sau khi tuyên bố kết quả kỳ thi Ri me năm 1915 là ngày cậu Khoá Lê văn Thanh được rước về làng, 8 giờ sáng, cậu mặc áo dài đen mới may bằng "vải trăng đầm" mang đôi guốc cùn, đội mũ trắng, được quan Đốc học dẫn đến chào "Quan Công Sứ" Pháp và Quan Tuần Vũ. Trước cổng dinh Quan Tuần, chức sắc và dân làng sở tại, quê quán của cậu Khoá đã về tựu rất đông với cờ quạt, trống chiêng, và một chiếc xe kéo gỗ, bánh bọc bằng niền sắt. Lúc bấy giờ, từ khoảng năm 1910 đến 1920, chưa có bánh cao su.

Từ trong dinh Quan Tuần Vũ, cậu Khoá Lê văn Thanh được ông Hương Cả trong làng mời lên ngồi trong xe. Trống và chiêng đánh ba hồi, thêm ba tiếng. Đám rước bắt đầu đi. Trống và chiêng đi trước, vừa đi vừa đánh ba tiếng đều đều, kế đến một người dân cầm một bức trướng thêu bốn chữ Hán "Tân Học Khoá Sanh", rồi hai dẫy cờ đuôi phụng, đủ các màu rực rỡ xanh đỏ tím vàng, phất phơ trong gió. Chiếc xe "cậu Khoá" đi giữa, do một người phu kéo bước thong thả, theo một nhịp với mấy người dân cầm cờ. Niền sắt của bánh xe lăn chầm chậm từng vòng kêu kẽo cà kẽo kẹt trên con đường tỉnh mới nện đá còn gồ ghề, chưa tráng nhựa.

Dân thành phố đứng hai bên để coi đám rước cậu Khoá nhất là đàn bà, con gái và trẻ con, đông nghẹt. Lê văn Thanh đội mũ trắng trên đầu, chân vẫn mang đôi guốc cũ đã mòn, bộ mặt hơi mắc cỡ hơn là hãnh diện. Đám rước đưa thẳng về đình làng để cậu Khoá vào tế Thần, cũng như làm lễ trình diện với vị Thành Hoàng sở tại.

Ông Xã phải giết một con bò và một con heo để đãi làng, đãi dân và từ đây, chàng thanh niên Lê văn Thanh được lên địa vị "khoá sanh" khỏi xâu, khỏi thuế, lại được đứng vào hàng chức sắc Hương Cả.

Sáng hôm sau, Lê văn Thanh dậy thật sớm ra chỗ bụi tre Thổi Kèn 5, đón cô Ba Hợi.

Từ ngày chàng nghe lời cô Ba, bỏ học chữ Hán, học chữ Tây, hy vọng sẽ làm thầy Thông, thầy Ký để được cưới cô về làm vợ, chàng vẫn ít gặp mặt cô. Con gái ông Bá Hộ, ỷ mình có nhan sắc "chim sa cá lặn", lại con nhà giàu, cô tính làm cao, nhất định đóng cửa kén chồng. Đã bao chàng trai rấp ranh bắn sẻ, nào ai đã được lọt vào cặp mắt xanh của cô đâu. Lê văn Thanh đã nhẫn nại may mắn trao đổi cùng cô mấy bức thư tâm tình, nhưng cô đã nói trước:" Khi nào chàng làm thầy Thông thầy Ký, thiếp sẽ xin gá nghĩa cùng chàng."

Gặp nơi hẹn hò cũ, chàng nhắc lại lời hẹn hò cũ năm xưa. Cô Ba Hợi rất duyên dáng nhưng vẫn bẽn-lẽn như ngày nào. Khẽ hỏi :

- Anh thi đỗ Ri me, chừng nào mới làm thầy Thông thầy Ký ?

- Quan Sứ có lòng thương tôi, nói với tôi rằng nếu tôi không muốn đi Huế học Collège de Koccoc thì Quan Sứ cho tôi làm xê-cờ-rê-te ở Toà, khỏi đi đâu xa.

Cô Ba Hợi cười ngặt ngoẹo, hỏi:

- Cô le Cồn cốc là cái gì! Sao nghe tức cười quá vậy!

Lê văn Thanh hãnh diện muốn khoe một mớ chữ Tây với cô Ba :

- Collège de Quốc Học, Tây đọc là Collège de Koccoc, học thi Diploma.

- Thi gì mà lại đít lom!

- Là đặng Diploma, ta làm thầy Trợ Giáo, hay là thầy Thông thầy Ký, được ăn lương nhiều.

- Còn bằng Ri me!

- Bằng Ri me cũng được làm trợ giáo, hay là làm chức secretaire, nhưng ăn lương ít hơn.

- xê rê te là gì!

- Là thầy Thông thầy Ký.

Cô Ba Hợi suy nghĩ một lúc, rồi nói:

- Làm xê rê te ở tỉnh mình cũng sang trọng rồi, chớ đi Huế chi nữa!

giavui
06-25-2014, 05:08 PM
- Tôi đi học trường Nhà Nước, cũng là chìu theo ý cô Ba, nay cô Ba muốn sao, tôi cũng chìu theo, miễn là cô ưng làm ma femme thì cô biểu gì tôi cũng nghe hết.

Cô Ba lại cười, giọng cười của cô lần này đã có vẻ lả lơi:

- Ma phăm là ma gì. Tui sợ ma lắm, làm ma tui không chịu đâu.

- Ma femme là... nội trợ của tôi.

Cô Ba ửng đôi má, nhoẻn một nụ cười tình tứ, liếc chàng thanh niên. Nhưng hai người vẫn đứng cách xa hai ba thước, không dám lại gần. Lê văn Thanh nói :

- Sách Tây có nói vouloir c'est pouvoir...

Cô Ba làm bộ ngạo chàng :

- Hồi học chữ Nho anh ưa nói chữ Nho, bây giờ anh lại ưa xổ chữ Tây không nghe anh nhắc tới chữ Thánh Hiền nữa.

- Chữ Nho nghe quê mùa lắm.

- Anh mới nói câu chữ tây gì loa loa gì đó!

- Vouloir, c'est pouvoir, nghĩa là muốn thì được.

- Muốn gì?

Thanh yên lặng nhìn say mê khuôn mặt kiều diễm của con gái ông Bá Hộ... Nhưng tình yêu bồng bột ngây ngất của chàng thanh niên thời bấy giờ chỉ đến thế thôi, không dám táo bạo hơn nữa.

Cô Nguyễn Thị Hợi cũng đã hiểu Thanh muốn gì. Cô hiểu từ lâu rồi. Cô hỏi chơi thế thôi, vì lần này cô đã tỏ ý ưng thuận. Vâng, muốn thì được. Cô muốn làm cô Thông cô Ký, thì rồi đây cô sẽ làm cô Thông cô Ký...

Hai hôm sau, vào buổi chiều chủ nhật, ông Xã đi với Lê văn Thanh, và một người dân làng gánh theo một quả nếp thật trắng và đầy vun, một thúng đựng 20 trứng gà tươi, một quả đường phèn, một thúng đường bông, hai chai mật ong, bốn chai rượu Mai-quế-lộ và hai lọ lộc bình xưa, đến dinh thự riêng của Quan Công Sứ.

Chàng thanh niên kia đi với cha đến đằng "quan sứ" mấy món lễ vật kia là để xin Quan một chức thông ngôn ở Toà.

Quan Sứ xuýt xoa, vui vẻ cảm động:

- Oh! C'est trop cà! Vous êtes beaucoup gentil! Tốt! Tốt! Thanh! Viens demain à mon bureau! Tu seras secrétaire à la Résidence! Dis à ton père, Monsieur le Residence merci! Si ton père veut du cuu-pham. il l'aura...

Ông Xã quay lại hỏi Thanh:

- Cụ lớn nói sao con?

- Cụ lớn nói cho nhiều quá. Cụ lớn khen tốt lắm. Cụ biểu con sớm mai tới Toà, cụ sẽ cho con làm thầy thông ngôn. Cụ lớn cám ơn đồ lễ vật. Nếu cha muốn được chức Cửu-phẩm, thì sẽ có.

Ông Xã cụp xương sống cúi đầu vái ông Quan Tây ba bốn vái:

- Dạ, con xin tạ ơn cụ Lớn.

Ông Sứ bắt tay:

- Tốt! Tốt! Beaucoup tôtt!


Thì giờ thoáng qua rất nhanh chóng. Nhất là trong giai đoạn giao thời, bao nhiêu cái văn minh do "Nhà Nước Đại Pháp" mang sang truyền bá trong xã hội Việt Nam đang dần dần thay đổi mới, mọi sự biến chuyển xẩy ra rất mau lẹ, và đa số dân chúng mặc nhiên "công nhận" và hùa theo tán thưởng. Trừ ra một số Nhân sĩ Cựu học, có đầu óc ái quốc nồng nhiệt, gọi là Văn Thân, ngấm ngầm phản đối, và tuyên truyền chống Pháp về phương diện chính trị, còn thì đa số dân chúng gần như thụ động "sợ Tây" và dần dần làm quen với tình trạng mới, ưa chuộng những thay đổi mới của "ông Tây".

Nhất là giới thanh niên. Một lẽ dễ hiểu, là lớp người trai trẻ vừa mới lớn lên chưa kịp thâm nhiễm cựu học đã tiếp xúc ngay với hoàn cảnh mới và sự hiện diện chính thức của người Pháp, đại diện "Nhà Nước Bảo Hộ".

Cho nên các lớp thanh niên Việt Nam từ 1910 đến 1925 đều hùa theo phong trào "bỏ chữ Hán, học chữ Tây" để theo đòi nếp sống "văn minh tiến bộ" do người Pháp tạo ra.

Cho đến một số các ông Tú, ông Cử nhà Nho "cựu học" cũng bắt đầu nhảy qua "tân học", và "Nhà Nước Bảo Hộ" mở rộng cửa trường Quốc học Huế, trường Hậu Bổ (Collège des Interprètes) Saigon, Hanoi, để tiếp đón niềm nở các nhà Nho học trẻ tuổi ấy, cùng với các thanh niên Tây học, khởi điểm của giới "trí thức thượng lưu" sau này.

Ở các tỉnh, trừ một số rất ít thanh niên được ưu đãi, con các quan, thi đỗ bằng "ri me" rồi được ra Huế học trường Quốc Học, còn hầu hết được bổ dụng ra làm việc ngay ở các sở, làm "thầy Thông","thầy Ký".

Lê văn Thanh, chàng thanh niên của chúng ta, con nhà bình dân, ở vào lớp này. Sau khi thi đỗ bằng "Sơ Học Pháp Việt", bằng "Ri me", và được quan Công Sứ cho vào làm Thầy Ký ở Toà Sứ, lương tháng 10 đồng, chàng đã nghiễm nhiên được một địa vị sang trọng ở tỉnh nhà. Thân sinh của chàng là ông Xã Quý, bây giờ được lên chức "Hương Cả" liền giết hai con bò và 5 con heo để làm tiệc ăn mừng.

Tiệc khao này kéo dài suốt ba ngày đêm, toàn thể dân phố ở Cửa Bắc và Cửa Tây, tức là dân làng sở tại ở tỉnh lỵ đều nô nức vui mừng, và khen ngợi nhà "ông Hương cả có phước". Bây giờ không ai dám gọi cậu Bốn Thanh nữa, mà cung kính cúi đầu, xá: "Thầy Ký Thanh".

Hôm đầu cuộc lễ ăn mừng, ông Hương Cả làm lễ "Tế Thần", có các hương chức trong làng tham dự, tức là lễ tạ ơn vị Thành Hoàng ở đình làng. Trong đình, có trống lớn, trống nhỏ, chiêng, phèn la, có nhạc bát âm, ngoài sân có cờ, có lọng, có dân chúng, đàn ông, đàn bà, con trai, con gái, bà già, con nít, tụ hợp đông đủ để coi.

Thầy Ký Thanh bây giờ không còn mang đôi quốc cùn như hồi đi học nữa. Thầy được mang đôi "giầy Hạ", thứ giầy bằng da đen bóng, chỉ có các quan và các thầy Thông thầy Ký, thầy giáo, mới được mang mà thôi. Giầy này do người Bắc làm ở Bắc, đem vào bán tại các tỉnh. Lúc bấy giờ, giầy tây chưa có ai mang.

Tính ra, từ hồi cậu Bốn Thanh còn để cái búi tóc trên đầu, trông thấy ông Tây bà Đầm đã vội chạy trốn, hoặc giả vờ đứng câu cá ở đường mương, ngoài Cửa Bắc để đợi cô Ba Hợi đi chợ mà lẽo-đẽo theo sau tán tỉnh bằng một câu chữ Nho "nhất nhựt bất kiến như tam thu hề..." cho đến bây giờ là thầy Ký Thanh chân mang giầy Hạ, đầu đội mũ trắng, đi làm việc trên "Toà Sứ" với chức "Thông ngôn Ký lục" cả sự biến đổi lớn lao àv mới mẻ ấy chỉ xẩy ra trong khoảng 5 năm, từ 1910 đến 1915. Thực ra, sức hiểu biết chữ Pháp trong 5 năm sơ học ấy có là bao, nhưng thầy Ký Thanh bây giờ hãnh diện được "nói tiếng Tây" với tất cả mọi người. Thầy không còn xổ những câu trong sách "Thánh Hiền" của Đức Khổng, Đức Mạnh nữa. Ở nhà thầy khoe tiếng Tây với bà con hàng xóm, thiên hạ lại ùa nghe đông nghẹt. Ai cũng tò mò muốn hỏi thầy cái nầy cái nọ gọi bằng tiếng tây như thế nào. Nhiều chữ dễ, thầy trả lời thông suốt cả. Gặp những chữ khó, thầy chưa học tới, thì thầy nói bậy bạ, thì họ cũng nghe mê.

- Cái chén, chữ tây gọi là gì thầy Ký?

- La tách-xờ.

- Cái bình điếu?

- La píp-pờ.

- Cái áo?

- La rốp-bờ.

- Cái quần?

- Lơ Pang ta lông.

Đó là những cái dễ. Đến lượt bà Xã hỏi:

- Cái yếm, tây nói sao?

Thầy Ký chưa học chữ "cái yếm" liền trả lời:

- Ông Tây bà Đầm có đeo yếm đâu mà thím Xã hỏi kỳ vậy?

Cả đám thính giả cười rộ lên. Thầy Ký được thể, phê bình:

- Thím Xã hỏi nhà quê quá!

Cô Hai Nghĩa, con bà Hương Kiểm em họ của thầy Ký Thanh hỏi:

- Anh Ký ơi, tây họ gọi cơm là gì?

- Lơ ri.

- Rau muống?

Chữ này thầy Ký chưa học tới, nhưng không lẽ thầy chịu dốt nên thầy bịa đặt, nói bố láo:

- Rau muống, tây gọi là legume ramper dans l'eau.

- Chữ rau muống sao mà dài thượt vậy?

- Tại rau muống nó dài, nó bò tràn lan, cho nên Tây đặt cho nó cái tên vậy chớ sao!

- Con... con bò?

- Bớp.

- Con heo?

- Cô son.

- Con heo sao gọi bằng "cô"?

- Cô son là con heo cái.

- Con heo đực?

- Heo đực là... cu son.

Cô Hai Nghĩa và mấy người đàn bà mắc cở, đỏ mặt.

Bọn đàn ông con trai thì cười ầm ỹ ả lên. Ông Hương Bổn nói:

- Tiếng Tây cũng có chữ "cu" he. Giống tiếng ta quá há!

Thằng Đít, con chú thợ mộc hỏi:

- Con heo kêu ụt ịt, tây nó nói sao thầy Ký!

- Le cu son út xờ, ít xờ.

Thầy Ký Thanh sợ người ta hỏi nhiều chữ khó quá, trả lời không được, thầy đứng dậy bảo:

- Thôi, đừng hỏi nữa. Muốn biết chữ Tây thì đi học trường nhà nước, đừng học sách Khổng Tử, Mạnh Tử nữa.

Ông Hương Cả quý cưng cậu con trai "Ký Lục", cũng bảo bà con hàng xóm:

- Để anh Ký nó đi nghỉ cho khoẻ, sáng mai còn đi làm việc trên Toà.

Thầy Ký Thanh vào nhà, đi ngủ. Ông Hương Cả còn nói với bà con:

- Nó giỏi chữ Tây, cho nên quan Sứ ngài thương nó lắm...

Sự thật, thì cái tiếng Tây của thầy Ký Thanh là loại "tiếng bồi", nhưng trong buổi sơ giao, người Pháp cần gấp một số thông ngôn tạm hiểu chút ít tiếng của họ, một cậu "lắc léo mê dòng lô" nói tiếng Tây "ba xí ba tú" như thầy Ký Thanh vẫn được nhà nước Bảo Hộ trọng dụng.

Nhưng Ký Thanh vào sở, chạm trán phải một "quan Phán đầu Toà" rất khó chịu. Ông này, cũng là thanh niên, chỉ lớn hơn Thanh độ 6, 7 tuổi, nhưng nguyên là con một Quan Án Sát ở Hà Tĩnh, và tốt nghiệp trường Quốc Học Huế, học giỏi hơn và được bổ làm "Thông Phán", chức vị cao nhất ở Toà Sứ.

"Quan Phán Đầu Toà" biết thầy Ký Thanh mới có bằng sơ học, tiếng Tây còn kém, nên thường tỏ vẻ khinh khi thầy. Chỉ tại thầy Ký được "cụ Sứ" thương vì thầy giỏi khoa nịnh bợ - nên Quan Phán phải nể đôi chút đó thôi. Có điều phân biệt hẳn, là Quan Phán đến sở thì đi bằng xe kéo, loại xe kéo bánh sắt do Quan Phán mua riêng một chiếc làm "xe nhà", và do một người "cu li" kéo ngày hai buổi đưa quan đi đến Toà và rước quan về. Còn thầy Ký Thanh vẫn phải đi bộ. Xe máy (xe đạp) lúc bấy giờ cũng chưa có. Bắt đầu từ 1919, mới có lưa thưa vài chiếc xe máy bánh sắt, những nhà giàu mới mua nổi. Sự thù ghét và ganh tỵ nhỏ nhen giữa hai chàng thanh niên công chức địa vị khác nhau. Quan Phán Đầu Toà và thầy Ký Thanh, chỉ ngấm ngầm mà thôi. Nhưng luôn luôn, Ký Thanh vẫn hãnh diện được "Cụ Sứ" tin cậy hơn. Quan Phán ỷ mình là con Quan Án và tốt nghiệp trường Quốc Học Huế, và chút lòng tự ái không thể bắt chước nịnh nọt như thầy Ký Thanh, con nhà bình dân, mới đỗ bằng "bờ ri me".

Vì thế mà "cụ Sứ" đi đâu cũng bảo Thanh đi theo để làm thông ngôn.

Biết bao nhiêu lần Thanh thông ngôn sai lạc hẳn những lời nói của viên Công Sứ Pháp, và dịch ra tiếng Pháp sai lầm những lời của đồng bào Việt.

Có lần, vào khoảng giữa mùa hè, trời nắng bức oi ả, ông sợ có hoả hoạn vì hầu hết các nhà quanh tỉnh đều lợp tranh, nên ông cho gọi hương chức làng sở tại đến, căn dặn phải coi chừng củi lửa để phòng nạn cháy nhà. Ông còn bảo 8 giờ sáng mai ông sẽ thân hành đi thăm các xóm để xem xét về vấn đề thiếu vệ sinh. Nhưng không rõ thầy Ký Lê văn Thanh hiểu tiếng Pháp như thế nào, mà thầy thông ngôn lại cho các vị hương chức như thế này:

- Cụ lớn bảo trời nóng nực mà các nhà An Nam không có vệ sinh nên 8 giờ sáng mai cụ Sứ sẽ thân hành đến đốt các nhà tranh trong làng cho cháy hết.

Các vị hương chức sợ hoảng, run cầm cập. Ông Xã khúm núm thưa:

- Dạ thưa thầy Ký, nhờ thầy bẩm lại với cụ Lớn, cụ Lớn dạy vệ sinh như thế nào thì dân làng xin tuân lệnh làm theo, chứ cụ Lớn đốt nhà chúng tôi thì tội nghiệp quá.

Lê văn Thanh thông ngôn lại cho viên Công Sứ Pháp bằng tiếng tây đại khái ý nghĩa như thế này:

- Thưa cụ Sứ, dân làng xin tuân lệnh cụ Sứ nếu cụ Sứ biểu họ đốt nhà cho có vệ sinh họ cũng chịu.

Ông Sứ cười ha hả, rồi bảo:

- Tôi không biểu họ đốt nhà. Tôi chỉ biểu họ đề phòng mùa nắng, kẻo cháy nhà. Tôi sẽ thân hành đến thăm từng xóm, và sẽ tự tôi bày cho cách thức vệ sinh.

Lê văn Thanh thông ngôn lại cho các vị hương chức như sau đây:

- Cụ Sứ nói cụ Sứ sẽ thân hành đến tận tay cụ châm lửa đốt từng xóm rồi cụ bày cho cách thức làm nhà có vệ sinh.

Sợ nói nhiều, khó thông ngôn, Lê văn Thanh liền đuổi các công làng:

- Thôi, các ông đi về, đừng xin xỏ gì nữa, cụ Lớn bỏ tù đấy.

Các ông Hương chức về làng, lập tức nổi mõ nổi trống lên vang động cả xóm, gọi dân làng đến báo tin cho biết rằng 8 giờ sáng mai, cụ Sứ về đốt hết nhà cửa cho có vệ sinh. Dân lành không hiểu rõ lý do, nhưng ai nấy đều hoảng hốt, chạy về dọn hết đồ đạc trong nhà ra ngoài vườn, ngoài sân, ngoài đường cái. Suốt buổi chiều và đêm hôm ấy, cả làng đều rối loạn, đàn ông,đàn bà, người già, trẻ nít đều lo sợ, kêu khóc ầm ĩ cả lên, bên cạnh những đống giường, phản, nồi niêu, bàn ghế, chum, vại chất đống lổn ngổn ngoài các đồng ruộng mía, chung quanh tỉnh thành... Suốt đêm đều có tiếng kêu la thảm thiết. Nhiều người bàn rằng: "Có lẽ quan Sứ đốt nhà tranh, rồi cho tiền cất nhà ngói cho có vệ sinh."

Nhưng một số khác lại quá sợ sệt nghĩ rằng: "Nhà Nước đốt nhà dân, chắc là phạt dân chuyện gì đây". Và họ với nhau sáng ngày mai cụ Sứ đến thì họ sẽ sụp xuống lạy cụ Sứ và kêu khóc xin cụ tha tội...

8 giờ sáng mai, Quan Sứ và Quan Tuần Vũ đi bộ đến làng có thầy Ký Lê văn Thanh và Quan Phán Đầu Toà đi theo. Viên Công Sứ Pháp và cả Quan Tuần Vũ đều hết sức ngạc nhiên thấy một đám đông dân làng, cả đàn bà con nít sụp xuống lạy và kêu khóc rất thê thảm, bên cạnh những đồ đạc trong nhà dọn ra ngổn ngang ngoài đường. Nhờ Quan Phán Đầu Tỉnh hỏi kỹ mới biết có sự hiểu lầm. Ông Sứ phì cười rồi ông lắc đầu tỏ vẻ thất vọng, truyền lệnh cho mọi người dọn đồ đạc vào nhà, rồi ông buồn bực trở về toà Sứ.

Ông gọi Lê văn Thanh vào văn phòng của ông, đập bàn đập ghế, mắng một trận nên thân.

Hai hôm sau, dân làng hùn tiền mua một con bò và một con heo, cúng tạ Thành Hoàng để ăn mừng vụ "khỏi bị cụ Sứ đốt nhà"

Thầy Ký Lê văn Thanh lại nói với làng rằng:

- Cụ Sứ có lòng nhơn đức, thấy làng khóc xin, nên cụ tha cho không đốt nhà của dân.

Dân làng biết ơn thầy Ký Lê văn Thanh nhiều lắm.

Một tháng sau. Lê văn Thanh cưới cô Nguyễn thị Hợi, con gái ông Bá Hộ.


Lê văn Thanh muốn đám cưới của chàng với cô Ba Hợi phải được long trọng vì ba lý do: thứ nhất, vì cô Nguyễn thị Hợi là cô gái đẹp nhất trong tỉnh - ai ai cũng công nhận như thế - và chàng hãnh diện được cưới cô làm vợ. Cô Ba vừa đẹp, lại vừa là con một ông Bá Hộ, nhà giàu. Chàng được cả tình lẫn tiền. Thứ hai, chàng không quên rằng chính cô Ba đã xúi chàng bỏ chữ Nho, học chữ Tây, và bắt buộc chàng phải thi đỗ làm chức thầy Ký, cô mới chịu làm vợ chàng, cho nên bây giờ chàng mới thành đạt được "công danh" chàng làm một thầy Ký "văn minh", chứ không còn là anh Nho sĩ "quê mùa" nữa. Lý do thứ ba - là từ hôm làm thông ngôn dịch sai lầm cái lịnh của cụ Sứ truyền cho làng xã về việc đề phòng hoả hoạn, chàng bị cụ Sứ tức giận la mắng, không tin cậy chàng nữa, và lại bị ông Phán đầu Toà càng chê cười, khinh bỉ, chàng muốn thừa dịp chàng cưới vợ, mời cụ Sứ dự tiệc lấy lại chút cảm tình của Quan Thầy "Đại Pháp", dể làm oai với làng xã, và để rửa cái nhục với bạn đồng nghiệp "quan Phán đầu toà".

Đám cưới đã sắp đặt từ lâu. Việc chọn "ngày lành tháng tốt" và mọi thủ tục về hôn lễ, đã có ông Hương Cả lo. Lê văn Thanh nghĩ đến việc mời các quan khách. Lúc bấy giờ, trừ ở Hà Nội và Saigon mới có 3, 4 cái nhà in - và giá in rất đắt - còn ở Huế và các tỉnh khác của Việt Nam chưa đâu có một "ấn quán".

Những đồ in, không nhiều, hầu hết là của Nhà Nước - tư nhân chưa biết xử dụng các tiện nghi của ấn loát. Như in thiệp mời, hoá đơn, danh thiếp, v.v... Lê văn Thanh ghi số quan khách phải mời dự tiệc, trên một tờ giấy sau đây:

- Quan Công Sứ và bà Đầm.

- Quan Phó Sứ và bà Đầm.

- Quan Thầy Thuốc (Bác sĩ Pháp giám đốc nhà thương tỉnh).

- Quan Tuần Vũ (Tỉnh trưởng Việt Nam).

- Quan Án Sát (Chánh Án Việt Nam).

- Quan Đốc Học.

- Bốn thầy Trợ giáo (thầy học cũ của chàng).

- Phán Bích, đầu toà.

Những thầy Thông thầy Ký làm việc tại các sở khác, tất cả chỉ độ 5 thầy. Lê văn Thanh chưa quen biết, nhưng cũng cứ mời.

Vì không có lệ gửi thiệp mời, Lê văn Thanh phải thân hành đến mời miệng từng vị quan khách một. Riêng đến "Quan Sứ" và "Quan Phó Sứ", hai vị chủ tỉnh Pháp Lang Sa thì một buổi sáng chủ nhật, được nghỉ, Lê văn Thanh đi với ông Hương Cả. Hai cha con đem theo hai chai rượu tây và hai gói trà tàu, đặt trong chiếc khay nạm xà cừ. Viên đại diện "nhà nước bảo hộ" rất đỗi ngạc nhiên, hỏi Lê văn Thanh bằng tiếng Pháp, ý nghĩa như sau đây:

- À, mày hả Thanh! Mầy đến có việc gì!

Thanh cũng trả lời bập bẹ bằng tiếng tây, thứ tiếng tây trật mẹo luật và người Pháp thường ngạo là "tiếng tây của thằng mọi da đen con". Dịch ra như sau:

- Bẩm Quan Sứ, thân phụ của con đến trình quan lớn hay rằng con sắp cưới vợ.

Ông Sứ cười đưa tay bắt tay ông Hương Cả:

- Tôi mừng cho anh và cho con trai anh. Nhưng tại sao có rượu và trà như thế này?

Ông Hương Cả khúm núm:

- Bẩm quan lớn, ngày 14 tháng chín An Nam, tôi định cưới vợ cho thằng Ký, nên xin có cặp rượu và cặp trà tới để trình cho quan lớn biết, và cúi xin quan lớn và bà lớn bữa đó dời gót ngọc tới tệ xá uống rượu lạt mừng cho hai cha con chúng tôi.

Nói xong ông Hương Cả xá ba xá. Ông Công Sứ gật đầu hỏi Thanh:

- Cha mày nói gì?

Lê văn Thanh thông ngôn lại, bằng mấy "câu tiếng tây ba rọi":

- Mon père, il dit que le 14 ème jour du 9 ème mois annamite, il marie une femme pour moi. Il vous offer en cadeaux deux bouteilles d' alcool et deux... thé pour vous faire connaitre respectueusement. Il vous prie de venir assister le festin, avec Madam la Residence ce jour là pour feliciter puor nous.

Ông Sứ vẫn hiểu được và niềm nở, nói bập bẹ vài tiếng Việt mới học, chêm với tiếng Pháp:

- Tốt lam! Tốt lam! Je viendrai. Dis à ton père, quan su cam on (tốt lắm! tốt lắm! Ta sẽ đến, nói với cha mầy rằng quan Sứ cám ơn).

Đến Viên Phó Sứ Pháp, hai cha con Lê văn Thanh cũng đóng trò lố lăng ấy...

Ngày 14 tháng 9 âm lịch là ngày Thanh cưới vợ, trúng chủ nhật. Lúc bấy giờ đồng hồ chưa được thông dụng, chính Thanh đi làm việc nhà nước mà cũng không có đồng hồ. Người Việt Nam hãy còn theo giờ "Ta" Tý, Sửu, Dần, Mẹo... Giờ lành đã được ông Hương Cả chọn để xuất hành rước dâu là giờ Thìn "mặt trời đã lên cao một chân đòn gánh", nghĩa là vào khoảng 9 giờ sáng.

Từ sớm, Lê văn Thanh đã thuê hết tất cả các xe kéo ở tỉnh, toàn xe bánh sắt, chỉ vỏn vẹn có 5 chiếc. Thành thử, hôm ấy tại tỉnh lỵ không còn một chiếc xe nào nữa cả. 5 chiếc xe kéo đã chờ trước cổng nhà ông Hương Cả. Ông Hương, bà Hương ngồi chung một chiếc đi đầu tiên. Anh phu mặc áo cụt vá vai, quần rách ống, đầu đội chiếc nón cời (nón rách), khom lưng kéo ì à ì ạch, vì ông Hương quá mập lại đèo thêm bà Hương ngồi trên một bắp vế của ông. Chiếc xe thứ hai chở ông mai-dong, chiếc thứ ba chở ông chú và bà thím. Chiếc thứ tư, thứ năm chở hai ông cậu và hai bà mợ. Trai chưa vợ, gái chưa chồng, dù là anh em chị em ruột cũng không được đi trong đám rước dâu. Không có tục lệ phù dâu, phù rể. Lê văn Thanh thì cưỡi ngựa đi sau cùng, con ngựa hoe, mượn của ông Chánh tổng sở tại, cậu ruột của chàng. Chàng mặc quần lụa trắng, áo gấm xanh, ở trong còn mặc lót một áo dài trắng nữa, và mang giầy Hạ. Đáng lẽ chàng phải bịt khăn đen - khăn đóng - nhưng chàng muốn làm oai, nên đội mũ trắng, vì lúc bấy giờ chỉ có mấy thầy làm việc nhà nước mới đội mũ trắng mà thôi - trừ ra học trò - toàn thể dân chúng hãy còn đội nón lá hoặc che dù đen.

Từ nhà Lê văn Thanh ở xóm Cửa Bắc đến nhà cô Ba Hợi, chỉ xa chừng một cây số. Nhờ mùa thu mát trời, năm anh "cu li kéo xe" cũng không mệt lắm, nhưng vì xe nào cũng chở hai người nên mấy anh kéo đi chậm rì chậm rịt. Phần thì đường cái gồ ghề, đầp đất chỗ trồi chỗ lũng, bánh xe niền sắt dồng lên thụt xuống, nghiêng qua ngả lại, thật hết sức nhọc nhằn. Một lần xe qua là một làn bụi bay tung mù mịt, mấy người ngồi trong xe phải đưa vạt áo lên che mặt. Gặp chỗ có đá sỏi hoặc đất cục còn cứng, hai bánh xe sắt đè nghiến xuống, kêu kẽo cà kẽo kẹt. Dân chúng ở các nhà hai bên đường kéo nhau ra đầy sân chật ngõ để xem. Vì các đám cưới thường dân thường đi bộ, đây là lần đầu tiên có đám cưới sang, nhà trai đi rước dâu toàn là ngồi xe kéo. Chú rể cưỡi ngựa, đội mũ, mang giầy Hạ, mặc áo gấm sang trọng là thầy Ký làm việc trên toà Sứ. Từ trước đến giờ họ chưa thấy đám cưới nào sang trọng như thế. Họ trầm trồ khen ngợi và chờ chốc nữa rước cô dâu về xem cô dâu đi bằng gì. Ai cũng biết cô dâu là cô Ba Hợi có nhan sắc nhất ở tỉnh là con gái trưởng của ông Bá Hộ Thành, giàu nhất ở đây. Người ta đồn rằng cô có học chữ Quốc Ngữ thật là một chuyện hiếm hoi, mới lạ.

Một lũ trẻ con đông chừng vài ba chục đứa, quần áo bẩn thỉu, nhiều đứa đã 7, 8 tuổi mà chưa mặc quần, rủ nhau đi coi đám cưới. Cha mẹ các em cũng cho chúng đi, chứ không rầy la ngăn cản. Sẵn dịp, mấy anh "cu li xe kéo" nhờ các em giúp sức đẩy xe dùm. Các em nô nức, cười đùa, chia ra từng đoàn theo sau hăng hái đẩy 5 chiếc xe.

Cha mẹ các em và bà con cô bác đứng đông nghẹt ngoài đường, nhìn theo cũng vui cười hoan hỉ. Duy có thầy Ký ngồi yên trên ngựa, làm nghiêm không cười. Lê văn Thanh, chàng thanh niên 22 tuổi, đã làm bực thầy, làm thông ngôn Ký lục cho "Quan Công Sứ" trong tỉnh, tuy lúc làm việc ở toà bị Quan Sứ gọi luôn luôn bằng "mầy", và bị quan la mắng hoài, nhưng chàng vẫn được dân chúng sợ hãi, kính trọng, cho nên trước mặt đồng bào Việt Nam mà chàng cho là "quê mùa", chàng rất tự cao tự đại.

Hôm nay đi cưới vợ, được sánh duyên với cô Ba Hợi, chàng thanh niên Lê văn Thanh lại càng kiêu hãnh hơn.

Họ nhà trai đã đến trước ngõ nhà gái. Năm chiếc xe ba gọng, để khách bước xuống. Lê văn Thanh cũng xuống ngựa. Trong sân ông Bá Hộ nổ liền ba tiếng pháo tre kêu chát chúa "Ầm!..Ầm!.." y như ba tiếng súng đại bác. Thời bấy giờ các phong pháo bọc bằng giấy chưa được lưu hành và thông dụng như ngày nay. Ba tiếng pháo tre chào mừng vừa dứt thì họ nhà trai bước vào ngõ. Đàn ông đi trước, đàn bà đi sau, hàng một, theo thứ tự như đây: trước hết là ba người dân làng gánh đôi xiểng đựng các lễ vật, gọi là sính lễ, rồi đến ông mai-dong, ông Hương Cả, thân sinh thầy Ký, ông chú, hai ông cậu, bà Hương Cả, bà thím, hai bà mợ. Sau cùng là Lê văn Thanh.

Họ nhà gái ra sân đến mừng và mời vô nhà. Sính lễ được bầy ra trên phản chiếu lác, trước bàn thờ ông bà, một cái đầu heo luộc (ngoài Bắc nhiều nơi để nguyên một con heo quay), trên hai tai heo có dán hai miếng giấy hồng đơn, đỏ tươi và vuông vức, một quả đựng gạo nếp trắng tinh, một quả đựng 200 trứng vịt, 4 chai rượu tây (rượu chát đỏ), 4 chai rượu "an nam", một chục gói trà tàu, một quả đựng đậu xanh, một quả đựng 4 cục đường bông trắng mịn, một quả đựng 200 lá trầu tươi, một buồng cau tươi độ 60 trái, bốn quả bánh gồm đủ các thứ bánh in, bánh dẻo, bánh đậu xanh, bánh khảo, bánh hột sen, bánh thuẩn, bánh da lợn, bánh bò, bánh ít.

Đồ nữ trang thì đã trao trước, theo sự đòi hỏi của nhà gái, một chiếc kiềng, một đôi hoa tai, một đôi xuyến, tất cả đều bằng vàng y, một chuỗi ngọc và một chiếc trâm bằng bạc nạm vàng. Lúc bấy giờ phụ nữ Việt Nam chưa đeo nhẫn. Mốt đeo "cà rá" và nhẫn bắt chước theo Tây, mới thịnh hành từ khoảng năm 1920 - 22, trong giới trưởng giả, từ 1930 - 31, trong các giới bình dân. Từ 1935 - 1936 nhiều người bắt đầu đeo plaque (chiếc lắc) vàng hay bạc.

Một người trong họ nhà gái đã thắp đèn, hương, trên bàn thờ ông bà. Xong, ông Bá Hộ Nguyễn Văn Thành mặc áo rộng xanh, trịnh trọng ra trước bàn thờ khấn vái. Ông khấn lẩm nhẩm trong miệng như sau đây:

- "Bữa nay là ngày lành tháng tốt, con là Nguyễn văn Thành, xin dâng lễ mọn, cáo với vong linh Ông Bà cha mẹ, cho tiện nữ là Nguyễn thị Hợi, gá nghĩa trăm năm với Lê văn Thanh, thông ngôn ở toà Quan Công Sứ, xin lạy Ông Bà cho hai đứa nó tác thành gia thất. Xin vong linh hiền thê cũng chứng giám cho và phù hộ cho vợ chồng nó được thuận thảo, vui vầy duyên cầm sắt".

Ông bá hộ lạy bốn lạy. Xong, ông gọi con gái ở trong buồng nhà giữa:

- Con Ba đâu, ra đây con.

Trong buồng the có tiếng đáp run run, và nhỏ nhẹ:

- Dạ.

Tất cả những cặp mắt đều đổ dồn ra cửa giữa ngó cô dâu. Cô từ trong buồng bước ra, chậm rãi và "e lệ". Cô đẹp lộng lẫy, tuy đẹp rất tự nhiên, không má phấn môi son, không kẻ lông mày, vì phụ nữ 1910 - 1920 chưa dùng son phấn và bút chì than. Cô mặc ba lớp áo lụa, dài không quá đầu gối, ngoài lá hàng áo xanh lục, trong là áo màu hồng, trong hết là áo hàng màu xanh da trời. Toàn là hàng trơn, không có dệt hoa như ngày nay. Mầu vàng của Vua, ở thời đại Quân Chủ, bị cấm hẳn quan cũng như dân, đàn ông như đàn bà, không ai được dùng trong y phục. Cô mặc quần hãng vải "trăng đầm". Quần trắng lúc bấy giờ đàn bà con gái đứng đắn không được mặc. Trên búi tóc xức dầu dừa, láng mướt và thoảng một mùi thơm mát dịu, cô Ba cài chiếc trâm bạc nạm vàng. Cô đeo chiếc kiềng vàng (các cô nhà nghèo đeo kiềng đồng hoặc bàng bạc) quanh cổ, chuỗi ngọc thòng xuống đến ngực, hai cổ tay đeo hai chiếc xuyến vàng. Ngực của cô vì mang chiếc yếm bó chặt vào mình nên không phồng lên như ngực các cô thời nay. Cô nhuộm hàm răng đen nhánh như những hột mãng cầu. Cô đi chân không. Thời bấy giờ, phụ nữ ít mang giầy. Năm 1924 - 1925, đa số nữ sinh đã lớn tuổi, học lớp nhất, đến trường vẫn còn đi chân không.

Nhưng cô Ba Nguyễn thị Hợi "đẹp chim sa cá lặn" "đẹp đổ nước nghiêng thành" theo lời khen ngợi của mọi người trong tỉnh. Cô thẹn thùng e lệ thong thả bước gót sen vào. Lê văn Thanh đứng vòng tay cạnh hương án, cúi đầu, không dám ngước đầu lên nhìn vợ. Ông bá hộ bảo cô chào ông cha chồng, bà mẹ chồng và hết thảy mọi người bên họ nhà chồng hiện diện. Cô cúi gục đầu xuống, chấp hai tay trước ngực, nói rất nhỏ:

- Thưa Cha... thưa Mẹ... thưa Chú...

Xong, ông bảo:

- Bây giờ con với chồng con lạy Ông Bà.

Lê văn Thanh và Nguyễn thị Hợi, cả hai đều cúi đầu, không ai dám ngó ai, cùng bẽn-lẽn, bước đến trước hương án, và cùng lạy. Trong lúc chàng phủ phục, bình thân, bốn lần như vậy, thì nàng ngồi xuống chiếu, hai chân co lại để một bên, cúi mình xuống lạy bốn lạy, đứng dậy vái bốn vái.

Rồi lễ Ông Bà, hai vợ chồng mới còn phải lạy cha mẹ vợ và cha mẹ chồng. Ông Bá Hộ, ông Hương Cả, và bà Hương Cả, ngồi trên ba chiếc ghế kê hai bên hương án. Cô dâu và chú rể cùng lạy mỗi vị phụ mẫu ba lạy.

Lễ rước đã xong, họ nhà trai chỉ ăn bánh uống nước rồi xin rước dâu đúng giờ Mùi, lúc mặt trời vừa xế bóng.

Trong buồng, cô Ba thút-thít khóc trên chiếc phản gỗ của cô nằm từ nhỏ đến giờ, cô khóc vì cô sắp từ giã nhà cô. Thằng em trai độc nhất của cô, cũng ôm chân cô khóc nức nở. Nó còn bé lắm, chẳng hiểu chuyện gì, nhưng thấy chị của nó khóc, nó cũng mủi lòng khóc theo thế thôi. Cô Ba Hợi lấy cho nó một nắm xôi vò cho nó ăn, và vuốt ve đầu nó. Nó ăn xôi ngon quá, hết khóc nhưng mũi dãi còn chảy lòng thòng...

Ngoài sân có tiếng ông Bá Hộ gọi to:

- Con Ba đâu, ra đi con.

Một bà thím chạy vào buồng, thúc giục cô:

- Ra đi con, người ta chờ ngoài ấy.

Bà dìu dắt cô đi giữa đám đông, đàn bà con gái đứng chật ních trong nhà, ngoài cửa, nói cười vui vẻ trầm trồ khen cô đẹp.

Cô vẫn mặc ba lớp hàng dài, quần "trăng đầm" đen, đi chân không, ngập ngừng mỗi bước... Ra sân,cô tiến đến trước mặt ông bá hộ. Cô vòng tay cúi đầu, nói lẩm nhẩm:

- Thưa cha... con đi...

Bỗng cô oà ra khóc. Tất cả mọi người, nhà trai lẫn nhà gái đứng xúm xít chung quanh, đều cười rồ lên. Cô bẽn-lẽn nâng vạt áo dài lên chùi nước mắt. Đôi ngấn lệ vui buồn lẫn lộn càng tô điểm thêm gương mặt kiều diễm lệ của giai nhân.

Thành thật mà nói, cô Nguyễn thị Hợi hôm nay có duyên làm sao! Mỹ miều làm sao! Cô Bốn Hiếu, con bà Hương Bộ Mẫn, nói với mấy bạn gái đứng gần:

- Cha, cô Ba xinh đẹp như vậy, lấy chồng làm thầy Ký mới xứng.

Bà Hương Chánh Bốn nối lời:

- Chớ sao! "Lấy chồng cho đáng tấm chồng, bõ công trang điểm má hồng răng đen".Tụi bay làm sao cũng lấy chồng được như nó, thì có phước.

Chị Hai Lợi, vợ anh Lợi thợ rèn, xen vô:

- Thầy Ký Thanh nhờ đi học trường Nhà Nước từ năm kia năm kìa rồi thi đỗ ri me làm được thầy Ký. Chớ bốn năm về trước, hồi còn học "chữ ta", còn để búi tóc, thầy đeo đuổi cô Ba hoài, cô có thèm đâu.

Cô Bốn Hiếu nói rất khẽ:

- Ông bá hộ còn xịt chó ra cắn thầy nữa đó.

Cả đám phụ nữ cười rồ lên, nhưng cô Ba đã ra đến cổng, không nghe câu chuyện bông đùa lén lút sau lưng cô.


Ðám rước dâu đi về nhà trai lẽ phải đi theo thứ tự họ hàng, và cô dâu phải đi bộ cùng với những người khác, vì phải nhường 5 chiếc xe kéo cho các bậc lớn tuổi của hai họ. Nhưng nhà trai đã có lời xin bên nhà gái cho phép để cô dâu đi một chiếc xe kéo.

Toàn thể họ nhà gái cũng đã bằng lòng. Vì vậy, cả hai họ đều thoả thuận sắp đặt trong số 5 chiếc xe kéo, hai chiếc chở hai ông kỳ-lão họ nhà trai, 2 chiếc chở hai ông kỳ-lão họ nhà gái, 1 chiếc chở cô dâu.

Còn hết thảy đều đi bộ. Chàng rể một mình một ngựa, thong dong đi sau cùng. Về nhà chồng, cô dâu và chú rể cũng phải lạy trước bàn thờ Ông Bà, xong rồi lạy các ông bác bà bác, ông chú bà thím, và vái chào tất cả những người khác trong họ nhà chồng. Có một lễ riêng biệt để trình diện với làng. Trên một chiếc bàn, họ nhà trai đã đặt một mâm trầu độ 200 lá trầu tươi, sắp từng xấp để quay tròn một mâm, và giữa mâm để một buồng cau. Bên cạnh là một bình vôi, một khay đựng 4 chai rượu, một khay đựng 4 gói trà. Toàn thể hương chức kỳ cựu trong làng đều có mặt. Ông Hương Cả đứng trước, sau lưng là cô dâu chú rể. Ông Hương thưa cho làng biết, chính thức là ngày hôm nay ông cưới vợ cho con trai. Ông nói dứt lời, ông Xã đứng dậy đáp : - Anh em hương chức xin chúc cho hai họ, và lại chúc thầy Ký, cô Ký được bách niên giai lão. Ông Hương Cả đứng né ra một bên để thầy Ký và cô Ký vòng tay cúi đầu vái ba vái tạ ơn làng. Lễ hôn thú như thế là xong xuôi mỹ mãn. Bây giờ hương chức trong làng và hai cha con thầy Ký Thanh vội vàng sửa soạn đón tiếp " cụ Sứ ". Tại vì Lê văn Thanh đã mời " Quan Công Sứ " đến dụ tiệc, và " quan lớn " cùng với "bà lớn " đã nhận lời, cho nên không những gia đình Lê văn Thanh hãnh diện được đón tiếp vị thượng khách chủ tỉnh, mà cả làng xã cũng phải có bổn phận tiếp rước trọng thể "quan Cai Trị Đại Pháp " dời gót ngọc đến làng. Nào ai dám phàn nàn việc ấy ? Trái lại, các ông hương chức trên dưới đều lo lắng tổ chức cuộc tiếp rước thế nào cho khỏi bị " Quan Lớn " khiển trách. Nếu lỡ sơ sót điều gì, sợ "Quan Lớn Đại Pháp " la mắng, hoặc bỏ tù thì chết cha. Lại nghe thầy Ký cho biết rằng tối nay " Quan Lớn Công Sứ " sẽ đến với " Bà Lớn Sứ " và " Quan Lớn Phó Sứ, Bà Lớn Phó Sứ, Quan Tuần Vũ và Bà Lớn Tuần Vũ ". Quả là một biến cố thật to lớn trong làng, từ xưa đến nay chưa từng có, và cũng chưa làng nào có được " hân hạnh " to lớn ấy ! Ôi thôi, làng xã ai nấy đều lăng-xăng lít-xít, trên từ ông Hương, ông Xã, qua chú Trùm, chú Thập, dưới đến mấy " thằng dân ngu khu đen " ( danh từ thông dụng trong giới Quan lại Việt Nam chỉ người dân dưới thờ Quân chủ ) rộn rịp lo xanh mặt xanh mày. Riên Lê văn Thanh rất là hãnh diện. Mảnh bằng " bờ ri me " và chức vị " thông ngôn, ký lục " của chàng kể đã vinh quang lắm rồi, còn oai hơn cả các ông Đồ Nho thi đỗ Cử nhân, Tiến Sĩ lúc bấy giờ đã không còn được trọng dụng nữa. Nhưng đối với Thanh, sự chàng mời được " Quan Công Sứ Đại Pháp " mà chàng gọi bằng tiếng Tây là " Mơ-sừ Lơ Rề-si-đăng đờ Phờ răng xờ " đến dự tiệc của chàng đó mới là một vinh dự quý báu tuyệt trần. Ai mà dám mời quan Công Sứ ? ông Tiến sĩ, ông Phó bảng, dù có được ăn yến tiệc của nhà Vua chăng nữa, cũng đâu có dám mời " Quan Công Sứ " ở tỉnh. Chỉ có chnàg. Phải, cả tỉnh này chỉ có chàng, là Lê văn Thanh thông ngôn của "cụ Sứ ", là dám mời cụ sứ đến tận nhà chàng để ăn tiệc cưới của chàng mà thôi ! " Mơ-sừ-Lơ-rê-si-đăng " đã hoan hỉ nhận lời. Cả Bà Đầm nũa ! Cả Quan Phó Sứ và bà Đầm Phó Sứ nữa ! Hãnh diện xiết bao ! Vẻ vang xiết bao ! Cho nên chàng thông ngôn trẻ tuổi Lê văn Thanh đã gọi dân làng từ năm hôm trước, dựng lên một nhà khách, ngay trước mái hiên nhà chàng, để làm nơi tiếp đón " Quan Công Sứ Đại Pháp ", và " Quan Phó Sứ, Quan Tuần, với quý bà Đầm, quý phu nhân, quý cụ, quý quan, quý thầy... Chàng mua chiếu hoa trải kín mặt đất nhà khách, và mua vải xanh, vải trắng, vải đỏ về mượn người may hai chục lá cờ tam tài của nước "Đại Pháp ", để cắm từ ngoài cổng vào đến khắp nhà. Vì lúc bấy giờ không có máy may (cả tỉnh không có một bàn máy may nào ) cho nên chàng phải mượn năm người đàn bà trong xóm may bằng tay trong ba ngày mới xong. Làng, thì sai dân đào lổ đóng cờ đuôi phượng loè loẹt đủ mầu, hai bên lề đường từ ngoài phố vào đến cổng nhà thầy Ký Thanh.Theo lời thầy Ký Thanh cho biết thì " Quan sứ " có nói với thầy là " Quan " sẽ đến hồi 20 giờ. Các ông làng hỏi thầy để cho rõ : - 20 giờ là mấy giờ, thầy ký ? Chính Lê van7 Thanh cũng không biết 20 giờ là mấy giờ. Từ lúc đi học đến khi đi làm việc ở toà sứ, chàng chỉ biết theo kiến thức thông thường là mặt trời mọc vào khoảng 6 giờ sáng, đúng ngọ là 12 giờ trưa, mặt trời lặn khoảng 6 giờ chiều. Lần đầu tiên chàng nghe quan công sứ bảo quan sẽ đến dự tiệc lúc 20 giờ, chàng cũng " uỷ, uỷ, mơ-xừ " mà chàng mù tịt, chẳng hiểu : 20 giờ là mấy giờ. Nhưng không lẽ chàng tỏ cho các ông làng thấy rằng chàng không hiểu "giờ tây ", nên chàng cứ trả lời ẩu, ra vẻ thông thạo : - 20 giờ là vanh-tờ-rờ. - Vanh-tờ-rờ là mấy giờ an nam ? Giờ Dậu, giờ Tuất hay giờ Hợi ? thầy làm ơn cho làng chúng tôi biết để đón rước " Quan Công Sứ ". Lê văn Thanh nổi quạu : - Vanh-tờ-rờ là giờ Dậu.

giavui
06-25-2014, 05:09 PM
Khổ nổi không ai có đồng hồ để coi "giờ tây ".

Thầy Ký Thanh làm việc nhà Nước mà còn không có đồng hồ nữa là. Đồng hồ là một vật quý chỉ các quan Tây có mà thôi. Mấy phố lớn của khách trú ở tỉnh cũng không có bán. Thầy Ký Thanh nói ẩu 20 giờ là giờ Dậu, rồi ông Tú Phong, nhà Nho thông thái nhất trong làng, chỉ tính ra giờ Dậu, là lúc mặt trời vừa lặn. Cho nên từ giờ Thân, vào khoảng 4 giờ chiều, toàn thể các ông hương chức trong làng đã lo khăn đen áo dài ( riêng ông xã mặc áo rộng xanh ) đã đứng chực từ ngoài đường phố. Dân đinh thì kẻ khiâng trống, khiêng chuông, người cầm hèo, cầm lọng. Có hai cây hèo và sáu cây lọng hết thẩy.

Nhưng mặt trời lặn đã từ lâu, trời đã tối, mà các Quan chưa đến. Ông Xã hết sức lo lắng, lật đật sai dân phải đi kiếm xác mía, hoăc rơm, bó làm hai chục cây đuốc, để thắp lên cho sáng. Hôm ấy là ngày 18 âm lịch. Các ông hương chức tính theo phong dao Việt Nam, để biết chừng nào có trăng :

17, nẩy lửa
18, nám đống trấu
19, nín một canh
20, tuất rốt
21, nửa đêm

(đêm 17,vừa nẩy lửa, nghĩa là vừa đốt đèn thì có trăng.
đêm 18, đốt đống trấu vừa nám thì có trăng.
đêm 19, nín một canh qua canh hai có trăng,
đêm 20, thì cuối giờ Tuất có trăng,
đêm 21, đến nửa đếm có trăng. )

Đêm nay 18 ư, "nám đống trấu ". Mấy ông làng căn cứ theo câu phong dao rất thông dụng ấy mà đoán chừng rằng vừa đốt đống trấu vừa cháy nám thì sẽ có trăng. Có lẽ quan Công Sứ đợi có trăng lên thì quan sẽ tới chăng ? Nhưng quan Công Sứ bảo với thầy Ký rằng quan sẽ đến lúc 20 giờ. Thầy Ký Thanh nói lại với làng rằng 20 giờ là giờ Dậu, ông Tú Phong cho biết giờ Dậu là lúc mặt trời lặn. Thế mà bây giờ trời đã tối đen, tối thui, ông Xã lật đật chạy đi hỏi ông Tú Phong, ông bảo giờ này là giờ Tuất.

Hay là quan Công Sứ không đến ? Lê văn Thanh cũng bồn chồn lo ngại. Chàng cứ sợ rằng " Mơ-sừ-lơ-Rê-di-đăng " không đến thì... chàng mắc cỡ với làng xóm biết bao.

Nhưng sự thật 20 giờ là mấy giờ ? Chàng băn khoăn suy nghĩ mãi. Trong nhà khách, đèn bánh ú phất bằng giấy ngũ sắc và các ngọn đèn " toạ đăng ", đèn " huyền đăng " cái thì thắp bằng dầu phọng, cái thì thắp bằng dầu dừa, có đến hai chục ngọn, toả ra ánh sáng vàng hoe, lúc tỏ lúc mờ. Người ta kẻ ra người vào đông nghẹt, ai nấy đều nóng ruột đợi chờ, bàn tán thì thầm -- không ai dám cười to nói lớn. Bỗng từ ngoài ngõ, có tiếng xôn xao :

"Cụ lớn tới ! Cụ lớn tới !"

Rồi tiếng trống, tiếng chiêng nổi dậy : "Thùng !..thùng !...thùng !.. Boong..boong...boong ".Trên hai chục bó đuốc thắp lên sáng rực cả một gốc trời.

Những đám người đông nghẹt ngoài hè, ngoài sân, ngoài hàng rào, đều thấy ahi ông Tây, hai bà Đầm và một ông quan An Nam đeo thẻ ngà tòn-ten trước ngực. Ông Xã và các hương chức đều sụp xuống đất lạy " "Quý Quan ". Chàng thanh niên Lê văn Thanh với ông Hương Cả đã chạy ra đến nơi, cúi đầu cung kính vái chào. Ông Sứ gật gật đầu... bà Đầm cũng gật đầu... Lê văn Thanh mời quí vị quan khách vào nhà. Tuy trời tối và gió mát, nhưng dân làng cũng phải theo nghi lễ, cầm sáu cây lọng che sáu vị thượng quan : " Quan Sứ và bà đầm " đi trước, kế đến là Quan Phó Sứ và bà đầm phó sứ ", rồi mới đến Quan Tuần và bà lớn ". Tất cả các quan khách khác đi theo sau không có lọng. Tiếng trống tiếng chiêng Thùng ! Thùng ! Thùng ! Boong ! Boong ! Boong ! còn vang rền, cho đến khi " Quý Quan " đã an toạ trong nhà khách.


Phía sau nhà, mặt trăng sáng rực từ từ trồi trên mấy ngọn tre xao xác gió, dội ánh sáng mát dịu tràn ngập trên vườn cau. Mọi người đều nô nức hân hoan, nhưng vì sợ "Quý Quan " nên ai nấy đều im lặng...đi nhón gót, và nói thì thầm. Chỉ nghe tiếng nói tiếng cười xí lô xí la của "quý Quan Tây " và " quý bà đầm "...Lê văn Thanh đứng hầu, thỉnh thoảng trả lời câu tiếng Tây " Uỷ, Mơ sừ lơ rê si đăng ".

Quan Công Sứ vui cười bảo Lê văn Thanh :

- Vợ mày đâu ? Mầy không giới thiệu với chúng tao à !

Bà đầm cũng hỏi Thanh :

- Chắc vợ mầy đẹp lắm hả ?

Thanh không biết khiêm tốn, thật thà khoe với bà đầm bằng thứ tiếng "bồi ba rọi " :

- Oui, madame,ma femme est plus jolie, elle est la première plus jolie que dans cette province.

(Dạ, thưa bà, vợ tôi là đẹp hơn, đẹp thứ nhất trong tỉnh nầy ).

Các ông tây bà đầm đều cười rộ lên. Họ cười vì chàng nói chữ tây trật bậy, trật bạ, vì câu trả lời khoe khoang ngớ ngẩn. Nhưng Lê văn Thanh tưởng là họ khen, nên chàng tỏ vẻ hãnh diện. Chàng quay ra đám bà con, họ hàng, làng xã, dân chúng, đứng xúm xít chung quanh, đông nghẹt cả sân, cả hè, để coi ông tây bà đầm.

Chàng nói lớn với họ :

- Vô biểu vợ tôi ra đây để ra mắt cụ Sứ, các quan lớn bà lớn.

Tức thì có hai ba người chạy vào trong nhà, nói to :

- Cô Ký đâu ? Cụ Sứ và cụ lớn, bà lớn kêu cô ra để chào các quan ! Ra mau ! ra mau !

Tò mò nhất là bà đầm vợ viên công sứ, một thiếu phụ Pháp, trẻ đẹp, chạc 30 tuổi, bà muốn thấy lần đầu tiên một cô thiếu nữ Việt Nam con gái một nhà giàu nhất tỉnh mà bà nghe nói có học chữ Quốc Ngữ, lại là vợ một ciên thư ký, nghĩa là vào hạng "văn minh " nhất thời bấy giờ, xem nhan sắc, lối ăn mặc, điểm trang, cử chỉ, ngôn ngữ của cô như thế nào.

Cô Ba Hợi từ trong nhà bước ra, cô vòng tay trước ngực, có vẻ thẹn thùng và rất sợ sệt. Cô ăn mặc ba lớp áo mầu dài đến đầu gối, quần đen, đi chân không, đầu búi tóc sức dầu dừa mặt đẹp tự nhiên không son phấn.

Trình diện với các quan khách, cô vòng tay trước ngực, luôn luôn cúi mặt xuống và không cử động nảo. Cô đứng yên như pho tượng. Viên Công Sứ cười bảo Thanh :

- Mầy bảo nó ngước mặt lên xem nào. Nó có vẻ đẹp lắm.

Thanh quen mồm đáp cụ Sứ :

- Uỷ mơ-sừ Lơ-rê si-đăng

Rồi chàng khẽ bảo vợ :

- Cụ Sứ bảo ngước mặt lên.

( Thời bấy giờ thanh niên nói với vợ mới cưới hay là nói với người yêu chưa biết gọi bằng "em " thường gọi trống không )

Cô Nguyễn thị Hợi ngượng nghịu, bẽn-lẽn, khẽ ngước mặt lên một tý thôi. Bà đầm gật đầu, nói nhỏ với chồng :
- Nó đẹp đấy nhỉ

Ông Tây cũng gật đầu :

- Không xấu.

Viên Công Sứ theo lễ độ của người Pháp, đứng dậy, nghiêm nghị nói với vợ chồng Lê văn Thanh :

- Chúng tôi thành thật cám ơn cha mẹ anh và anh đã có lòng tốt mời chúng tôi đến dự buổi tiệc rất đẹp hôm nay, để mừng đám cưới của anh, và nhân dịp vui nầy chúng tôi có lời chúc anh và vợ anh một hạnh phúc lâu dài một trăm năm.

Lê văn Thanh tại vì không thông thạo chữ tây lắm, nên chỉ biêt đáp lại một câu cám ơn cụt ngủn :

- Mẹc xì, Mơ-sừ Lơ-rê-si-đăng.

Xong, chàng bảo vợ vái chào "cụ Sứ " và các quan. Nàng làm theo lời của thầy Ký Thanh.

Khi cô Nguyễn thị Hợi đi rồi, bà đầm hỏi Lê văn Thanh:

- Sao coi bộ nó buồn thế? Không có một tý nụ cười nào cả.

- Dạ thưa bà nó sợ lắm.

Bà đầm hỏi "tại sao?", Thanh không biết trả lời.

Các quan đều phì cười, nhưng cũng khen Thanh cưới được vợ đẹp lắm và có vẻ hiền lành.

Buổi tiệc vui vẻ, kéo dài đến lúc trăng lên trên nóc nhà, vào buổi giờ Hợi (11 giờ khuya). Lê văn Thanh không ngồi bàn, luôn luôn vòng tay đứng bên cạnh "ông Sứ" để "hầu hạ" và đối đáp những lúc các ông tây bà đầm hỏi chuyện về phong tục Việt Nam.

Làng xã và dân đều chầu chực ngoài sân, ngoài vườn, ngoài ngõ, đông như buổi chợ. Họ phải đợi khi quan Sứ về, họ lại đánh trống, đánh chuông, và đốt ba chục bó đuốc, tiển các quan ra đến ngoài đường. Quan Sứ, quan phó Sứ, và hai bà đầm, lên ngồi xe hơi, chiếc xe hơi độc nhất hiệu Delahaye, cao ngồng, và kêu rầm rầm, mà dân chúng không dám đến gần, sợ nó "hút chết". Quan Tuần vũ lên xe song mã, bánh sắt, hai con ngựa kéo. Các quan tây khác đều cưỡi ngựa, mỗi con ngựa đều có đeo lục lạc quanh cổ, kêu leng keng... leng keng khi ngựa chạy. Quan Phán Bích đầu Tòa ngồi trên chiếc xe kéo nhà của ông, do một người "cu-li" kéo, và một người dân làng đẩy phía sau, cho xe chạy êm. Còn các quan khác đều đi bộ về tỉnh, nhưng có dân làng cầm đuốc hộ tống về đến Cửa Bắc.

Tính ra tiệc cưới của Lê văn Thanh tốn hơn 300 quan tiền kẽm. Ðám cưới, và nhất là bữa tiệc, vì bữa tiệc này quan trọng hơn đám cưới, được dân làng, dân tỉnh, và bà con cô bác xa gần, bình phẫm cả tháng chưa hết chuyện. Ðại khái họ nói về cô Nguyễn thị Hợi và Lê văn Thanh:

- Cô Ký được bà Sứ khen là Xinh.

Cô Hai Nghĩa, em họ của Thanh:

- Chị Ký mặc áo đẹp quá, răng đen bóng cũng đẹp quá.

Chú Trùm Trương tắc lưỡi:

- Thầy Ký nói tiếng tây hay ghê! Mình biết vậy, hồi đó mình học tiếng tây chơi, bây giờ cũng làm thầy Ký rồi.

- Thầy xổ tiếng tây đóp-đóp, quan Sứ, bà Sứ hỏi gì thầy cũng trả lời trôi chảy hết. Thiệt là giỏi!

Mấy bà già và mấy cô gái ưa phê bình bà Sứ không ngớt:

- Nè bà đầm có hai cái vú to bằng trái bưỡi lận, bà con ơi.

Cả đám đông phụ nử cười sặc sụa. Bà Hương Bộ nói chêm vào:

- To hơn trái bưỡi đó! To hơn cái đầu thằng Tý đây nè.

Bà chỉ cái đầu thằng Tý bà ẵm trong tay, con bà vừa mới thôi nôi. Mấy bà mấy cô cười nghiêng ngả.

Cô Bốn Định, con gái bà xã Bảy, hỏi :

Sao đầm họ để vú tròn vo vậy mà họ không mắc cỡ thím Hương he !

- Ờ sao họ không mắc cỡ ! Người An Nam mình thì lo ép cái vú cho nhỏ bớt, đầm họ cứ để vậy, vậy mà văn minh gì đâu ?

- Họ để răng trắng nhờn, không nhuộm, coi cái miệng trơ quá há ?

Bà Xã Bảy khám phá một điều ghê gớm hơn nữa, nhưng bà nói nho nhỏ, sợ đàn ông nghe :

- Nè, đầm họ không mặc quần !

Cả đám phụ nữ cười lăn lộn, cô Hai Bình té ho sù sụ và cười sặc sụa. Thím Hương Kiểm vừa nhai trầu vừa hỏi :

- Sao chị biết họ không mặc quần ?

Câu hỏi không có câu trả lời, chỉ toàn là tiếng cười ồn ào, ầm ỹ cả nhà. Thím Hương Kiểm nhổ một bãi nước trầu đỏ ngòm trên hè, lấy tay chùi miệng rồi nói tiếp :

- Tui, thì tui thấy họ không biết ăn trầu. Hồi anh Ký nó bưng khay trầu ra mời, bà đầm hỏi gì đó rồi bả lắc đầu. Chỉ có Quan Tuần Vũ và các quuan khách An Nam ăn thôi. Tây với Đầm không ai ăn cả.

Cô Bốn Định hỏi :

- Thím xã có thấy đôi giày của bà Đầm không ? Giầy gì mà cái gót cao nghệu, vậy mà họ đi không té, tài thật !

Bà Xã làm ra vẻ thông thạo :

- Tại đầm họ bước đi thì hai cái mông đít lắc qua lắc lại, họ không té chớ sao !

Trong lúc phụ nữ phê bình bông lơn về y phục của bà đầm, thì đàn ông cũng phê bình ông tây. Hầu hết dư luận dân chúng, từ lão thành đến thanh thiếu niên đều có tính cách vừa sợ sệt, vừa khôi hài. Họ sợ sệt vì ông tây to lớn, lưc lưỡng "oằm xừ " và " Nhà Nước Đại Pháp văn minh ". Nhưng họ vẫn khôi hài, chề nhạo vì những cử chỉ phong tục của người tây phương không giống với người mình. Họ vẫn mỉa mai, đặt lên những câu ca dao và những bài vè trào phúng để ngạo ông tây. Nhưng đó là lén lút. Chứ giữa đời sống mới của nước nhà công khai đặt dưới quyền ông tây, thì Lê văn Thanh được dịp "oai " vớ làng xã, và bà con cô bác. Bây giờ ai cũng sợ chàng. Cô Ba Hợi cũng được dân làng kính nể. Cô đi ra phố, ai gặp mặt cũng cúi đầu, chấp tay chào " thưa cô Ký "..." thưa chị Ký "..."thưa dì Ký ". Cho đến ông Tú Phong, nhà Nho học lão thành, và được dân chùng kính phục, thầy học cũ của Lê văn Thanh, gặp hai vợ chồng Ký Thanh cũng chào hỏi niềm nở : " Thầy Ký ở tên toà về đấy à ? "..." thầy Ký lên toà đấy hả ? "..." cô Ký đi chợ hay đi đâu đó ? ".

Nhất là từ năm 1915, thì tất cả kỳ thi Hương, thi Hội và Nho học ở Trung Kỳ đều bị bãi bỏ hẳn, do sắc lệnh của " Hoàng Đế An Nam " tuân theo chính sách của Nhà Nước Bảo Hộ, ông Tú Phong coi bộ buồn bã, tức giận, nhưng không thốt ra một lời.

Từ khi có sắc lệnh mới của Vua năm 1915, bãi bỏ khoa cử theo lối xưa, học trò ít đi học ông Tú Phong nữa. Một số đông thanh thiếu niên trong tỉnh bắt đầu nộp đơn xin học trường " Nhà Nước ", gọi theo danh từ là " Trường Pháp Việt "---Ecole Franco - Annamite, hay là Ecole Franco Indigène ".

Nhưng chúng ta hãy tạm gác lại những sự kiện lịch sử này, trong một chương sau tôi sẽ nói tiếp. Bây giờ chúng ta trở lại đêm tân hôn của Lê văn Thanh, chàng thanh niên mới cưới vợ, năm 1915.

Sau khi các quan khách ra về rồi. Ông Hương Cả, thân sinh của chàng, gọi chàng vào nhà trong để nói nhỏ với chàng một giọng rất nghiêm nghị :

- Cha đã chọn giờ tốt cho con " động phòng " trong đêm tân hôn của con. Con phải đợi đúng giờ Tý, ước chừng mặt trăng lên đến giữa sân, con mới được vô buồng làm lễ " hoa chúc " với vợ con.

Lê văn Thanh hí hởn sung sướng lắm. Chàng chạy ra sân ngó lên trời, thấy trăng lơ lửng trên nóc nhà còn một xí nữa mới lên đến giữa sân. Chàng vào nhà khách chờ đợi rất ngoan ngoãn.

Một lát sau trăng lên gần giữa sân. Thanh không kịp hỏi cha, mùng quýnh, len lén chạy trước cửa buồng của chàng và đẩy cửa bước vào. Chàng cài then lại. Cô Nguyễn thị Hợi bẽn-lẽn, đang ngồi trên một góc giường. Cô vẫn mặc y nguyên cả ba chiếc áo lụa dài, không cởi ra. Thanh thấy một chiếc bàn mà ai đã kê sẵn nơi đầu giường lúc nào chàng không được biết. Trên bàn đã để một dĩa trầu cau têm rồi, một bình rượu với hai cái chén nhỏ. Hai cây đèn bạch lạp cháy hiu hiu... Thanh đến trước mặt cô Hợi, nhưng không đứng gần. Với một giọng run run, gần như không ra tiếng, chàng nói ấp úng, nàng ngồi cúi mặt xuống nghe :

-....Ơ....Ơ...làm lễ động phòng...hoa chúc....

Nói mấy lời đó, chàng cũng rụt rè e lệ. Nàng khẽ đáp :

- Thầy 6....ông lạy trước Nguyệt...hai...đứa...mình phải lậy một lượt chớ.

Nàng đứng dậy. Chàng bước đến bàn thờ Nguyệt lão 7, lấy bình rượu rót ra hai chén, rồi thắp hai que nhang, đưa cô Hợi một que, chàng cầm một, Hai người đồng lạy. Xong chàng lấy một chén rượu đưa cô Hợi :

-...Ơ...Ơ...uống rượu...

Nàng đưa hai tay lễ phép nhận chén rượu, và nâng lên uống cạn một lượt với chàng. Chén rượu nhỏ thôi, chắc là uống không say lắm.

Chàng lại lấy một miếng trầu cau, trao nàng :

- Ơ...Ơ...ăn trầu....

Nàng cũng đưa hai tay lễ phép nhận miếng trầu tươi cau tươi và đưa vô miệng nhai. Nàng nhai nhò nhẹ chầm rãi, rất có duyên. Chàng vừa ăn trầu, vừa cởi chiếc áo gấm và áo dài trắng treo trên tường, chỉ còn mặc chiếc áo cụt. Chàng lên giường nằm, miệng còn nhai trầu mỏm mẻm. Cô Nguyễn thị Hợi vẫn cứ mặc nguyên ba áo hàng mầu, ngồi ghé một bên mép giường, cúi mặt xuống ra chiều bối rối, hai tay mân mê tà áo.

Tuy đã lên giường, nhưng Lê văn Thanh còn mắc cỡ nằm quay mặt vào vách đất, làm thinh, miệng cứ nhai trầu không ngớt. Một lát khá lâu, chàng cất tiếng nói, nhưng không dám ngoảnh mặt ra ngó cô vợ mới cưới :

- Cô Ba không cởi áo đi nằm, kẻo mệt ! Khuya rồi...bây giờ là giờ...Tý...

Nàng khẽ đáp : " dạ " nhưng không dám cởi áo, cứ để nguyên ba lớp áo hàng mầu, nằm ghé xuống bên lề giường.

Rồi mạnh ai nấy ngủ.

Gà gáy hết canh năm ( vào khoảng 5 giờ sáng ), chàng chợt tỉnh dậy, thấy vợ nằm sát cạnh giường sắp té xuống đất, mới nằm lại gần nàng, nắm tay lung lay :

- Cô Ba...cô Ba...nằm xít vô, kẻo té...nằm xít vô....

Nàng vẫn nhắm mắt như ngủ mê, nhưng cũng nghe lời chàng, nằm xít vào một tý, một tý thôi. Chàng hồi hộp sung sướng, khẽ đặt bàn tay lên cánh tay cô vợ trẻ mà chàng nhìn thấy xinh đẹp như nàng Tiên giáng thế...

Lê văn Thanh hồi hộp khẽ đặt bàn tay lên cánh tay áo hàng mầu lục của cô vợ trẻ...cô Ba để yên, không nói gì nhưng khi chàng bạo tay hơn một tý, khẽ đưa bàn tay dần dần lên ngực cô, thì cô Ba hất tay ra, rồi co cánh tay của cô lên để che ngực, mặc dầu cô đã mặc ba lớp áo hàng mầu, chưa kể áo cụt trắng ở trong cùng chiếc yếm đen của cô cột chặt vào cổ à lưng.

THấy cô vợ mới cưới còn giữ gìn e lệ, Lê văn Thanh không dám làm ẩu, vội vàng rút bàn tay, nằm im phăng phắc.

Gà gáy lần thứ hai... rồi lần thứ ba, àvo khoảng 6 giờ sáng. Trong cảnh vật còn mơ màng lặng lẽ, mọi vật như còn ngái ngủ, tuy trời đã hừng sáng, tiếng kèn rạng đông ở trại lính khố xanh bổng vang lên thánh thót, cả tỉnh thành đều nghe :
tò te tí tò tí te
tí tò tí te, tí tò te tí
te tò te tí, tò tí te
tí tò tí te, tí tò tò te...

Cô Nguyễn thị Hợi vội vàng ngồi dậy, không nói năng một lời, ra mờ cửa buồng, đi thẳng xuống bếp. Cô đến chum nước lạnh, lấy gáo dừa múc một gáo nước, trút nước ra bàn tay đưa lên rửa mặt. Rửa xong, cô đưa vạt áo dài lên lau. Cô hớp một hớp nước để súc miệng. Lúc bấy giờ không có thuốc đánh răng. Vả lại, răng các bà, các cô đã nhuộm đen ( cả một số đàn ông theo Nho giáo cũng nhuộm răng đen ) thì làm sao đánh răng được ?

Trái lại, lâu lâu cách năm bảy tháng, cô Nguyễn thị Hợi còn phải nhuộm lại hàm răng cho đen thêm, đen ánh như hột mãng cầu ( tiếng bắc : hạt na ). Trong mấy ngày nhuộm răng, để cho thuốc nhuộm thật khô, cô Ba Hợi phải nhịn ăn các đồ nóng và các đồ cứng rắn, chỉ ăn cơm nguội hoặc cháo nguội, và các món ăn mềm.

Cô Ba Hợi -- từ nay người ta gọi là cô Ký Thanh -- vào nhúm bếp nấu nước sôi để pha trà. Thầy Ký đã thức dậy, ngồi ghế tràngh kỷ ở nhà trên, uống trà với ông Hương Cả, thân phụ của chàng.

Tội nghiệp cho chàng thanh niên mới cưới vợ ! Đêm tân hôn đáng lẽ là đêm thơ mộng xiết bao, là đêm tràn trề hạnh phúc của tình yêu son trẻ, mà sau khi làm lễ hợp cẩn với vợ, chàng vẫn chưa được gần vợ, bởi cô còn quá thẹn thuồng chua dám gần chàng ! Cho đến đêm thứ hai, nàng vẫn còn xa cách...chàng phải rủ rĩ bên tai nàng vài câu chuyện bâng quơ,gợi nói chuyện sao cho nàng mỉm cười, nàng vui vẻ, bạo dạn, hết còn bẽn-lẽn, sợ sệt như đêm đầu. Ký Thanh không quên xử dụng vài câu chữ Nho trong các sách Khổng giáo để quyên dụ người đẹp đêm tân hôn. Chống tay trên chiếc gối gỗ, nửa nằm nửa ngồi khép nép bên lề giường, chàng run đùi khẻ nói, cố gắng giọng hùng hồ như Thầy Đồ dạy học :

- Đức Thánh, Ngài nói rằng : "Thiên hạ chi đạt đạo ngũ viết quân thần giã, phụ tử giã, phu phụ giã, môn đệ giã, bằng hữu chi giao giã, ngũ giã, thiên hạ chi đạt đạo gãi..." ( ở đời có 5 đạo : đạo vua tôi, đạo cha con, đạo vợ chồng, đạo anh em, đạo bạn bè giao hảo : ấy là 5 đạo thiên hạ phải thực hành ). Tôi tự xét tôi đi làm việc Nhà Nước, ấy là tôi đạt được quân thần chi đạo. Tôi ăn ở có hiếu với cha, ấy là tôi đạt được ọhu tử chi đạo...Nay tôi đã gá nhgiã cùng cô Ba, thì tôi trộm xét cái thân bảy thước này không đến nổi vô ích với đời, tôi đã thành đạt cái nam nhi chi khí. Tôi thương cô Ba bao nhiêu, tôi lại nhớ câu trong Kinh Thi bấy nhiêu: "Thê tử hảo hợp, như cổ sắt sắc cầm, nghi nhĩ thất gia lạc nhĩ thê noa...Phụ mẫu kỷ thuận hỹ hồ..." (Vợ con hoà hợp, như tiếng đàn sắt đàn cầm, nhà của đoàn tụ vợ con vui vẻ...cha mẹ được hoan hỹ lắm thay...)

Ký Thanh ngâm mấy câu sách Nho, khoái chí gật đầu, rồi cao hứng xổ một mớ tiếng tây ba rọi :

- Tục ngữ An Nam mình nói : "Thuận vợ thuân chồng, tát biển đông cũng cạn". Tây thì nói "Unis la femme et le mari, puisserde l'eau...dans le mer de l'Est...est vidé aussi..."

Thanh vừa nói vừa nhai trầu mỏm mẻm, vừa cười tủm tỉm. Chàng nuốt nước trầu một cách ngon lành trong lúc cô Ba ngồi nghe như vịt nghe sấm, thầm phục ông chồng tài hoa cùa cô. Chàng khẻ bảo :

- Cô Ba nằm xuống nghỉ, kẻo khuya rồi, cô Ba. Đã quáu giờ Tý rồi đó.

- Dạ thầy ngũ trước đi.

Lê văn Thanh nằm xuống giả vờ ngủ và ngáy khò khò... Chàng chỉ giả vờ thôi, sự thực thì chàng vẫn thức, để rình lúc cô Ba ngủ.
Một lúc sau, cô Ba đứng dậy nhẹ nhàng, cởi áo dài ra, chỉ còn mặc áo cụt trắng. Cô nằm xuống, nhưng vẫn nằm riêng bên lề giường. Cô không dám đụng chạm vào da thịt người đàn ông, chồng của cô. Một lúc khá lâu, cô nghe ở nhà trên, nhà cầu, nhà bếp, ngoài hè toàn những tiếng ngáy của những người đã ngủ say, mệt mỏi. Trên đất, tiếng thằn lằn chặc lưởi. Tiếng ếch nhái kêu ột...uệch...ngoài sân..Cô nằm lim dim một lúc, không cựa quậy. Thanh tưởng cô đã ngủ rồi, mới len lén nằm kề bên cô.

Chàng khẻ đặt mủi lên đôi má âm ấm của nàng mịn và thơm như hai cánh hoa đào, chàng say sưa hít liên tiếp hai ba hơi. Đó là những nụ hôn đầu tiên của cặp thanh niên âu yếm hồi đầu thế kỷ này. Nàng làm bộ ngủ mê để chàng muốn làm gì thì làm. Đêm nay, nàng không chống cự, từ chối một tí gì cả.


Một buổi sáng, trong lúc Ký Thanh ngồi uống nước trà trên tràng kỷ với ông Hương Cả, ông bảo chàng :

- Tiệc cưới của con, tất cả bà con cô bác trong tỉnh ai cũng có tới dự vui vẻ. Nhưng cha không thấy mặt chú thợ Ba, cha thằng Chuột. Tại sao vậy kìa ?

- Chú thợ mộc ấy không ưa nhà mình.

- Cha nghĩ chắc rằng có lẽ thằng Chuột được Nhà Nước cho học bổng đi học trường Quốc Học ở Huế, nên chi chú thợ Ba làm phách, không thèm tới dự tiệc cưới của con đó.

Ký Thanh nổi giận :

- Tiệc cưới của con, trên có cụ Sứ, cụ Phó Sứ, cụ Tuần, dưới có làng xã đông đủ hết, như vậy đã danh giá biết bao. Chú thợ Ba làm phách với ai, chớ làm phách với nhà mình sao được ?

- Chắc có lẽ chú ỷ thằng Chuột học giỏi hơn con ?

Ký Thanh làm thinh, ganh ghét thằng Chuột nhưng không làm sao được.

Ông Hương Cả đoán như có phần đúng hẳn. Thằng Chuột -- từ nay chúng ta gọi tên chính thức của chính nó là Trần Anh Tuấn -- đã cắp vờ đi học trường Nhà Nước sớm hơn Lê văn Thanh hai năm. Các bạn còn nhớ hồi đó nó mới 8 tuổi chưa biết mặc áo quần, vì thầy giáo quen với cha nó, doa nạt nếu nó không đi học trường Nhà Nước thì cha mẹ nó sẽ bị quan tây bỏ tù, cho nên nó phải cắp vở đi học A, B,C...

Hai năm sau, Lê văn Thanh nhờ thằng Chuột dạy lại A, B, C... cho chàng, rồi chàng xin vào học lớp Năm "trường Nhà Nước ", thì giờ bà con trong tỉnh và ở cửa Bắc, không gọi nó là thằng Chuột nữa, mà gọi nó đỗ bằng "ri-me", vì Trần Anh Tuấn là người học trò đầu tiên ở cửa Bắc học chữ tây đã thi đổ cấp bằng ấy. Đáng lý ra, Tuấn được danh vị mới là " Tân Học Khoá Sanh ". Nhưng theo lệ làng đã có từ thời Nho học, người nào thi đỗ một cấp bằng mới, được chức mới, phải giết bò giết heo " khao làng " ( đãi làng ) thì dân chúng trong làng cũng như trong tỉnh, mới chính thức gọi kẻ tân khoa bảng chúc vị mới. Không phải thi đỗ Tú Tài, Cử Nhân là được người ta gọi " ông Tú ", " ông Cử " đâu. Phải làm tiệc khao làng, đãi toàn thể dân làng ăn uống rồi mới được dân làng gọi " ông Tú ", "ông Cử ". Tục lệ " xôi thịt " ấy có từ thời khoa cử cựu học, thời đại phong kiến của chế độ quân chủ, vẫn cứ duy trì với trào lưu tân học.

Vì Tuấn con nhà nghèo, gia đình chú thợ mộc không có tiền để khao làng xã, cho nên Trần Anh Tuấn thi đỗ "ri-me ", vẫn bị dân làng gọi là " trò Chuột ", chớ không ai gọi là "cậu Khoá ". Vả lại, Tuấn, mới 12 tuổi, nên bị coi như là con nít, không được người ta trọng vọng.

Trái lại, hai năm sau Tuấn, Lê văn Thanh thi đỗ bằng "ri-me ", nhờ nhà nước hạ lệnh "đón rước tân khoa " và nhờ ông Xã Quý giết bò, giết heo, để đãi làng ăn uống phủ phê suốt hai ba ngày, cho nên Thanh được dân làng tâng bốc. Kế đó, Thanh được bổ làm thông ngôn ký lục ở toà Sứ, lại khao lần nữa, mới được làng gọi là thầy " Ký ".

Trần anh Tuấn, con chú thợ mộc, nghèo, không có ruộng đất, tuy học giỏi hơn Thanh, thi đỗ sớm hơn Thanh hai năm, àv được nhà nước bảo hộ cấp học bổng cho đi học trường Quốc Học ở Huế, vẫn cứ bị làng xã gọi là " trò Chuột ", cái tên ấy không vinh dự tí nào.

Chính ông Hương Cả cũng khinh miệt thằng Chuột là con nít và coi rẻ chú thợ mộc là dân nghèo. Tức giận vì sự cách biệt khinh khi ấy, nhưng hãnh diện vì con mình được đi học ở Huế, sẽ đỗ đạt cao hơn và sẽ làm chức tước lớn hơn, nên cha "trò Chuột" không thèm đến dự tiệc cưới, chú thợ Ba cũng đến mừng xã giao ông Hương Cả và " thầy Ký ". Chú mặc bộ quần áo vải ta, thứ vải thô sơ rẽ tiền nhất do người trong xóm dệt bán, mà chú thường mặc thường ngày, một chiếc khăn vắt vai, chú đi lửng thửng đến nhà ông Hương Cả. Trong câu chuyện bãi buôi, ông Hương Cả mời chú Ba thợ mộc ăn trầu, rồi hỏi :

- Thằng Chuột bây giờ học lên lớp mấy, chú Ba ?

- Dạ, thưa ông Cả, nó mới học lớp đệ nhị niên.

- Mấy năm nữa mới thi lận ?

- Dạ thưa, nó nói còn hai năm, đệ tam niên, đệ tứ niên, rồi thi đít-lôm.

- Tôi cũng muốn cho thằng Ký ra Huế học đít-lôm, nhưng cụ Sứ thương nó, biểu nó đi làm việc ở toà, nên nó vâng lệnh cụ Sứ...Thiệt cụ Sứ thương thằng Ký lắm...Cụ khen nó giỏi chữ Tây.

- Dạ, thưa ông Hương Cả, bửa trước tôi cũng tính đến mừng thầy Ký, nhưng tôi nghe nói cụ Sứ tới, tôi sợ cụ Sứ, nên tôi không dám đến.

- Cụ Sứ thương thằng Ký, cụ mới tới dự tiệc cưới của nó, chớ đời nào cụ tới nhà An Nam. Có bà lớn Sứ nữa. Cụ lớn ông và cụ lớn bà đều có bắt tay "bỏ sua " tôi.

- Dạ, tôi có nghe nói

-Sao chú không cho thằng Chuột đi làm việc như thằng Ký của tôi, có phải danh giá không ! Nhà chú nghèo mà cho nó đi học Quốc Học ở Huế làm chi vậy ? Chữ tây khó lắm, thằng Chuột nó còn nhỏ nó học sao nổi ?

- Dạ thưa ông Cả, cũng vì con tôi còn nhỏ tuổi, nên ra làm việc sao được. Với lại, nó có học bổng của Nhà Nước, chớ tôi làm gì có tiền cho nó đi Huế...Ôi, thưa ông, tôi để thây kệ nó, nó muốn học gì thì nó học. Phận tôi nghèo hèn dốt nát, tôi đâu dám nghĩ chuyện cao xa...

- Ừ, chú nói phải, châu chấu đá voi sao nổi.

Chú thợ mộc nói qua loa vài câu chuyện nữa, rồi đứng dậy lễ phép xin cáo từ. Bề ngoài, cha " trò Chuột " làm ra vẻ khiêm nhường, ty tiện trước mặt ông Hương Cả nhưng trong thâm tâm chú cười thầm, tự bảo : " Hai năm nữa, thằng Chuột thi đậu bằng đít lôm. rồi hai cha con ông sẽ biết hai cha con tôi.

--------------------------------
1 Người quân tử học là để làm cho thân mình. Kẻ tiểu nhân học là để làm trâu ngựa.
2 Cái giận vì nóng nảy không nên có, cái giận vì nghĩa lý không nên không.
3 Mình phải có chí, cái chí khí là đưa đường cho mình đi, có chí khí thì thể phách của mình mới nẩy nở đầy đủ vậy.
4 Certificat d' Primaires France-Indigènes (Bằng Sơ Học Pháp Việt).
5 Nơi bụi tre mát mẻ, lính Khố Xanh thường ra đây tập thổi kèn cho nên dân chúng gọi là bụi tre thổi kèn.
6 Chồng làm quan có chức tước như Ký Thanh thì vợ gọi chồng bằng "thầy".
7 Bàn thờ này chỉ để tạm trong phòng hoa chúc trong đêm tân hôn mà thôi.

giavui
06-25-2014, 05:10 PM
CHƯƠNG 2. 1910-1916

- Những kẻ nịnh Tây, tâng bốc "Quan Lớn Đại Pháp".

- Trường Quốc Học Huế đến năm 1907 mới có kỳ thi Tiểu-học đầu tiên.

- Trường Nữ-học Đồng Khánh Huế mở năm 1917.

- Năm 1910, toàn xứ Trung-kỳ tổng cộng chỉ có 1595 học sinh.

- Chiếc xe hơi đầu tiên. Dân chúng hoảng sợ.

- Saigòn năm 1910 tổng cộng dân số : 70.000 người, trong đó chỉ có 40.000 người Việt.

- Có chiếc "xe máy " (xe đạp ) là "văn minh " nhất.

- Saigòn năm 1910, chỉ có tất cả là 5 chiếc ôtô của Pháp.

- Thanh niên Saigòn mang giầy "ma mị".

- Vụ Vua Duy-tân, tháng 5 năm 1916, Huế.

- Ảnh hưởng của Vua Duy-tân (16 tuổi) đối với thanh niên Việt Nam hồi đó.

- Vụ giặc Đồng Bào năm 1908.

Một đám cưới Việt Nam.

Thanh niên Việt Nam theo tân trào tây học,vào khoảng 1910-1916, không phải tất cả đều như Lê văn Thanh. Nhưng Thanh là một nhân vật điển hình của một lớp trẻ mới tiếp xúc lần đầu tiên với uy quyền của nước Pháp bảo hộ, khiếp sợ trước binh lưc hùng cường của người Pháp, và khâm phục văn minh cơ khí của Pháp, cho nên họ hùa theo đám quan lại nịnh tây mà tôn kẻ chiến thắng bằng những danh từ tâng bốc thông dụng từ Bắc đến Nam : "Quan Thầy Đại Pháp" "Nhà Nước Đại Pháp"..."Mẫu Quốc Bảo Hộ" v.v... Mà chính người Pháp cũng không ngờ. Những khẩu hiệu chính thức ấy không phải do người Pháp đặt ra. Phải nhìn nhận một sự thật rõ ràng là ngay từ Pháp mới sang đô hộ xứ ta, họ chỉ tuyên truyền và đề cao văn minh của họ mà thôi, chớ không khi nào họ bắt buộc ngừoi Việt Nam phải suy tôn họ bằng những câu nịnh bợ như trên kia. Họ chỉ gọi xứ họ là "nước Pháp" La France chớ không bao giờ tự đề cao là "Đại Pháp", là "quan thầy Đại Pháp" v.v... cũng như họ gọi Viên Toàn Quyền hoặc viên Khâm Sứ của họ là "Ông Toàn Quyền" "Ông Khâm Sứ" v.v...như người Việt Nam suy tôn họ. Cái lối tâng bốc phong kiến tạo nên là do các quan lại " An Nam " xướng ra đầu tiên, rồi các quan Pháp, các thầy Thông, thầy Ký hùa theo xưng hô thành ra thông lệ. Hạng thanh niên "An Nam" làm việc cho Nhà Nước Bảo Hộ thời bấy giờ, hầu hết là hãnh diện được làm tôi tớ cho "Quan Thầy Đại Pháp" và tranh đua nhau nịnh bợ "quan thầy" để được ban bố ân huệ, tước vị, phẩm hàm, "thăng quan tiến chúc".

Đa số lớp thanh niên tây học thời bấy giờ chỉ có một mục đích duy nhất là thi đậu dể làm việc cho Nhà Nước tức là "làm Quan" :bên Nam-triều từ Quan Huyện, quan Phủ, đến quan Tuần Vũ, quan Tổng Đốc, quan Thương Thư, bên chính phủ Bảo Hộ thì quan Tham, quan Phán, quan "còm mi ", quan Đốc. Dưới một bực là thầy Trợ giáo, thầy Thông, thầy Ký cũng ao ước được làm ông quan nho nhỏ. Cho nên lúc bấy giờ người Pháp nhận xét mỉa mai rằng : " TRONG ĐẦU ÓC MỔI NGƯỜI VIỆT NAM ĐỀU CÓ MỘT ÔNG QUAN " nghĩa là người An Nam nào cũng có tham vọng " làm Quan " cả. Sự nhận xét tổng quát ấy kể ra cũng đúng một phần nào. Vả lại lúc ban sơ người Pháp cần đào tạo cấp tốc một số công chức để giúp việc cho họ trong các cơ sở mới thiết lập : Tòa Sứ, Kho Bạc, nhà Giây Thép, sở Lục Lộ, nhà Thương, nha Thương Chánh,v.v... Mà số thanh niên theo học " chữ Tây " tại các trường Pháp - Việt mới mở còn rất ít oi, cho nên sự học rất được khuyến khích, thi cử rất dễ dàng và học sinh đỗ bằng " tiểu học " đã được bổ dụng ngay trong các công sở, làm " thông ngôn ký lục".

Riêng ở Trung Việt chẳng hạn, (từ 1900 đến 1945, gọi là Trung Kỳ, trường Quốc Học, ở Kinh thành Huế, được mở từ năm 1896, nhưng mãi đến năm 1909 mới bắt đầu mở kỳ thi " Certificat d' Etudes Primaires Franco-Indigenes ". Lúc bấy giờ bằng cấp này còn gọi là bằng Sơ Học, trong dân chúng gọi là bằng "ri-me ". Trong làng dạy hai lớp Đồng Ấu và Dự Bị ( lớp Năm, lớp Tư ), trường Huyện, Phủ có lớp Sơ Đẳng (lớp Ba ), trường Tỉnh có thêm lớp Nhì, lớp Nhất. Sau, từ 1917, các trường tỉnh đều đặt thêm lớp Nhì đệ nhị niên, và đổi là Tiểu Học Pháp Việt ( École de Plein Exercise ), trường Quốc Học đổi thảnh trường Cao Đẳng Tiểu Học ( Primaires Supérieures ) Cũng năm 1917 mở thêm trường Cao Đẳng Tiểu Học Đồng Khánh, riêng cho con gái. Năm 1920, trường Cao Đẳng Tiểu Học Vinh, năm 1921, trường Cao Đẳng Tiểu Học Qui Nhơn.

Năm 1910, các "trường Nhà Nước " cả Trung Kỳ, tổng cộng chỉ có 1595 học sinh.

1915 có 2.442 học sinh.

1920 có 30.349 học sinh.

1925 có 41.062 học sinh.

1930 có 62.558 học sinh.

Năm 1930, sự học đã phát triển mạnh mẽ khắp xứ, mà số nữ sinh toàn xứ Trung-kỳ cũng mới chỉ có 1986 người, trong số đó có 47 cô ở các lớp Sư phạm và 494 cô ở các lờp Cao đẳng tiểu học ( thi bằng diplôme), tức là bằng Thành Chung., gần như Trung Học Đệ Nhất Cấp ngày nay.


Lê văn Thanh bắt đầu học ABC hồi 19 tuổi. Năm 1911, 20 tuổi cậu xin vào trường Nhà Nước, học lớp Năm, 24 tuổi chàng thi đỗ bằng " ri-me ", hai tháng sau được vào làm "thầy Ký " ngay trong tòa Sứ và làm thông ngôn cho ông Công Sứ, tuy sự hiểu biết vể tiếng Tây trong bốn năm sơ học chưa bao nhiêu.

Trong lúc đó, Trần anh Tuấn thằng Chuột nhỏ hơn Thanh 10 tuổi, lại học trước hơn Thanh 2 năm. Năm 12 tuổi nó đã đỗ bằng ri-me và được Ông Công Sứ ở tỉnh cho học bổng đi Huế học trường Quốc Học.

Trần anh Tuấn đi Huế bằng cách nào ?

"Đường Cái Quan" đã có rồi, mới đồ đá, nền đất bằng phẳng. Hai bên đường đã bắt đầu dựng cột giây thép. Tuy đến mùa mưa, nhiều đoạn đường bị nước mưa làm trôi cả đất lẩn đá, và cầu cống chỉ được bắt qua các con sông nhỏ, các con sông lớn còn phải dùng đò, nhưng " đường cái quan " mà người Pháp gọi là " đường thuộc địa số 1 " để nối liền các tỉnh, từ Saigòn ra Huế, ra đến Hà Nội. Riêng ở các tỉnh Trung Việt, đường sá đã có nhưng xe cộ chưa có. Xe ô tô (ở Nam kỳ gọi là xe hơi, ở Trung kỳ gọi là xe điện), ở ngay tại tỉnh lỵ chỉ có ông Công Sứ Pháp có một chiếc mà thôi, xe hiệu Delahaye, cao ngồng, máy nổ kêu rầm rầm, xịt khói phía sau, dân chúng sợ hãi không dám lại gần.

Người ta đồn rằng đứng gần" xe điện " sẽ bị nó hít vào trong bụng máy, chết liền không kịp thở. Chính thầy ký Thanh cũng chưa dám đến gần xe "cụ Sứ ". Các ông tây khác, hoặc đi ngựa, hoặc ngồi trên xe kéo bánh sắt, do một người " cu li An nam" kéo. Xe kéo chạy xa nhất chỉ trong khoảng 30 h0ặc 40 cây số ( kí-lô-mét ) một ngày, và chỉ chạy trong giới hạn một tỉnh. Các "quan An Nam " và các bà vợ quan, đi đâu đều đi cáng và đi từng trạm, lính thay phiên nhau mỗi trạm là hai người khiêng chiếc cáng. Ông quan hay bà quan (bà lớn ) nằm trong cáng như nằm trong võng có màn thêu che phủ hai bên.

Dân chúng, đi buôn bán, từ tỉnh này qua tỉnh nọ dỉ nhiên là phải đi bộ rồi. Phần nhiều, họ rũ nhau 5,10 người đi cho có bạn, hàng mấy trăm cây số, mất nửa tháng hoặc 20 ngày, có khi hàng tháng. Họ đi bộ như thế từ Quảng Ngãi ra " Tou-Ranh " ( Tourane, Đà Nẳng ) hoặc từ Hội An vô Nha Trang, Phan Thiết, Đồng Nai,( Gia Định - Saigòn ).

Vì đường sá xa xôi, xe cộ rất hiếm hoi, lại thiếu thốn tất cả những tiện nghi trong cuộc viễn hành, vượt núi băng sông dầm mưa, dãi nắng, cho nên một số người đi buôn bị đau chết dọc đường, một số khác vào đến Đồng Nai rồi ở luôn đấy sinh cơ lập nghiệp, không muốn trở về. Thỉnh thoảng đôi người đi Đồng Nai về, khoe rùm lên rằng ở Saigòn nhà cửa phố xá đông nghẹt, có nhà lầu cao ba tầng, có đường đi rộng ba thước, trên bộ xe hơi chạy "boong boong ", dưới nước tàu thủy chạy " vù vù ", tối đến đèn điện thắp sáng choang như ban ngày, ông Tây bà Đầm ôm nhau " đăng xê " coi vui mắt quá chừng. !

Thật là văn minh quá sức tưởng tượng của người An Nam ta !

Vì thế ở các tỉnh miền Trung, dân chúng thường ao ước được đi Đồng Nai một chuyến." Đi Đồng Nai ", đó là cả một giấc mộng phiêu lưu, như thể đến một thiên đường xa lạ....

Một số đông phụ nữ trẻ đẹp, nhưng buồn duyên tủi phận, giân mẹ chồng hiếp đáp, hoặc bị chồng hất hủi, thường "cuốn gói " đi " Đồng Nai - Gia Định ", mặc dầu phải đi bộ. Rồi năm bảy năm sau trở về thăm bà con cô bác, họ đeo đầy vòng vàng, hột, xuyến, chói lọi trên tay trên ngực, má phấn môi son, đầu tóc thơm ngát mùi nước hoa. Thường thường cô Hai hay cô Ba thích dắt theo về một người chồng Đồng Nai, bận quần áo bằng lãnh đen, chân đi giày Tây, đầu đội mũ Tây, miệng bịt răng vàng, và hút thuốc lá Tây...

Đàn ông đàn bà ở đất " Hòn Ngọc Viễn Đông " đi về đây trông oai như ông Hoàng bà Chúa.

Cho nên hầu hết những thanh niên buôn bán ở các tỉnh miền Trung đều đi bộ theo đường cái quan, hoặc đi ghe bầu theo đường biển, kéo nhau vào Đồng Nai Lục Tỉnh. Nhưng còn đám thanh niên học sinh, sau khi đỗ bằng Tiểu học ở tỉnh nhà, thì lại rũ nhau đi Huế, tiếp tục học trường Quốc Học ở Kinh Đô. Số học sinh đi học trong Saigòn rất ít.

Trần anh Tuấn được học bổng mỗi tháng 2 đồng bạc ( cũng gần 2.000 đồng bây giờ ). Tuấn có đến chào quan Công Sứ ở tỉnh. Ông cho Tuấn đi làm tiền lộ phí. Đổi ra tiền An Nam được 6 quan tiền kẽm. Tuấn xuống bến Thu Xà, chờ ba ngày có " ghe bầu " chở nước mắm và đường bông Quảng Ngãi đi Fai-Foo ( Hội An ). Cha của Tuấn, chú thợ Ba, có quen với ông chủ ghe, gởi Tuấn đi nhờ ghe ông.

Trước ngày Tuấn ra đi, cha mẹ Tuấn có nhờ thầy phù thủy trong tỉnh chọn được ngày lành tháng tốt, là ngày 2 tháng 8 ta xuất hành vào giờ Mẹo. Chú thợ Ba cũng có làm thịt môt con gà nấu cháo cúng Ông Bà, xin phù hộ cho thằng con trai thượng lộ bình yên. Cúng xong chú Ba chặt hai cái giò gà đưa thầy phù thủy xem.

Thầy sáu Chính lật qua lật lại cặp giò, xem xét kỷ lưỡng rồi gật đầu hai ba cái :

- Tốt lắm đây, chú Ba à. Trò Chuột đi Huế học chắc chắn sẽ đỗ đạt thành tài.

Chú Ba vui mừng rót rượu mời thầy sáu Chánh phù thủy. Bà con cô bác trong thân quyến chú thợ mộc, nghe tin " thằng Chuột " đi học tận ngoài Huế, đều có đến chúc mừng. Kẻ cho nó một quan tiền, người cho vài thước vải quyến trắng để may quần, vài thước vải trăng đầm để may áo đen. Có người cho cả một cân đường bông, hoặc một xấp giấy tây, một vài gói bánh ít, bánh thuẩn, bánh bò. Tuấn cảm động nhận lãnh tất cả, nhét tất cả trong một khăn gói nặng trìu trỉu ( lúc bấy giờ ở tỉnh chưa có tiệm nào bán va-li ).

Sáng sớm hôm sau, mặt trời rạng đông, hai cha con chú Ba cột khăn gói vào một đòn gánh, rồi cha một đầu, con một đầu, lặng lẽ khiêng gói ra đi. Họ đi chưn không và đi bộ xuống tận Thu Xà để Tuấn lên " ghe bầu " theo đường biển ra Fai-Foo ( Hội An ). Từ Fai-Foo, Tuấn sẽ đi xe kéo ra Tu Ranh ( Đà Nẳng ), rồi lên xe lửa đi Huế.

Còn hai tháng nữa mới tựu trường, niên khóa 1915-16, Tuấn mới 12 tuổi.

Trong lúc Tuấn đi ghe bầu ra Huế tiếp tục học tại trường "Quốc Học ", thì các lớp thanh niên các tỉnh ở " Bắc Kỳ " và " Nam Kỳ ", cùng lứa với Tuấn, cũng lục tục lên Hà Nội và Saigòn, học để thi bằng " đít-lôm ". Song song với trường Quốc Học Huế, ở Hà Nội có trường Trung Học Bảo Hộ ( collège du Protectorat ) ở làng Bưởi nên thường gọi là trường Bưởi. Ở Saigòn có trường trung học Chasseloup-Laubat.

Chế độ cai trị của người Pháp ở Bắc Kỳ không khác ở Trung Kỳ. Bắc kỳ vẫn là đất của"Đại Nam Hoàng Đế " ( Empereur d'Annam) mà kinh đô chính thức là Huế, lại vừa là xứ Bảo Hộ ( Protectorat du Tonkin ) thuộc đại của Pháp mà thủ đô là Hà Nội. Còn Nam Kỳ thì bị tách hẳn ra làm nhượng địa của Pháp, không còn dính líu gì với ông Vua An Nam nữa, từ thời Tự Đức năm thứ 20 ( 1867 ). Tuy nhiên, về chính trị và hành chính, có sự chia xẻ ba kỳ riêng biệt như thế, nhưng đời sống xã hội, gia đình à luân lý của toàn thể nhân dân Việt Nam, từ Bắc đến Nam, xét về tổng quát vẫn không khác nhau bao nhiêu.

Riêng thành phố Saigòn tiếp nhận văn minh của Pháp trước tiên. Người Pháp chiếm đóng, xây dựng thành phố, và củng cố vị trí nơi đây đã trên 40 năm về trước,và ảnh hưởng trực tiếp của họ đến các từng lớp dân chúng được sậu rộng hơn, và đã tràn lan khắp " Đồng Nai Lục Tỉnh "

Thanh niên Việt Nam ở "Nam Kỳ " đã quen nếp sống mới của văn minh Pháp cũng sớm hơn và bồng bột hơn, kể cả hai phương diện vật chất và tinh thần.

Tuy thế, trong giai đoạn thiết lập cơ sở Đông Dương, từ đầu thế kỷ đến Đệ nhất thế chiến 1914-18, trạng thái "văn minh tiến bộ " của Pháp ở ngay Saigòn cũng chua có gì đặc sắc lắm, hãy còn sơ sài, tạm bợ, không hơn bao nhiêu đối với Bắc kỳ và Trung kỳ.

Mặc dầu người Pháp hết sức khoe khoang và quảng cáo cho Saigon " Hòn Ngọc Viễn Đông " của họ Perle d' Extreme-Orient nhưng xét kỷ lại thì Saigon cũng chỉ có đôi phần hào nhoáng lộng lẫy ngoài mặt mà thôi, với một dân số không quá 70.000 người ( 43.000 Việt nam, 20.000 ngoại kiều: Hoa, Ấn, Xiêm và 10.000 Pháp ) trong năm 1910.

Thanh niên Việt Nam ở Saigon hầu hết còn mặc đồ bà ba đen và đi chưn không, xe máy chưa có nhiều. Gọi là xe máy, vì lần đầu tiên vào khoảng 1908-1909 dân chúng Saigon ngạc nhiên trông thấy một chiếc xe mảnh khảnh, không có ngựa kéo, không có người đẩy, chỉ có hai bánh bánh bằng cao su đặc mà người ngồi trên xe đạp chạy vo vo. Các nhả thi sĩ thời bấy giờ thấy vậy liền đặt tên cho nó là " con ngựa sắt ", danh từ mà ngày nay thỉnh thoảng còn nhiều người dùng khôi hài.

Xe máy năm 1910 là loại xe sang trọng đắt tiền, của các hạng thanh niên giầu có, phong lưu. Một cậu công tử đạp chiếc xe máy đi ngang qua chợ Bến Thành, bai nhiêu người đứng ngó, thèm thuồng, ngơ ngác. Cậu ngừng xe nơi " bồn binh " ( cũng gọi là bồn kèn ), người ta xúm lại coi với cặp mắt tò mò, trầm trồ khen ngợi. Xe hơi ( ô tô ) thì là một sản phẩm bí mât của máy móc tân kỳ, tuyệt xảo. Năm 1910 cả thành phố Saigon mới có 5 chiếc xe hơi của các "quan Tây ". Năm 1920, được 100 chiếc. " Quan Thống Soái Nam Kỳ " từ trong dinh bước ra sân, lên ngồi chiếc xe hiệu Peugeot, một người lính An Nam lật đật cầm " ma-ni-ven" đút vô đầu máy, khom lưng quây ba bốn vòng liên tiếp. Máy nổ ầm ầm xịt khói ra sau đít. Bác lính sốp phơ bóp cái kèn đồng kêu "toe ! toe ! " rồi chiếc xe có cặp mắt kiếng tròn vo phía trước, lù lù chạy tới. Người đi đường lo tránh ra hai bên nhưng bao nhiêu chó, heo, gà, vịt, đi lang thang trên đường Saigon, bị xe hơi cán chết ! Hôm sau, vài tờ báo tây ở Saigon đăng tai nạn ấy trên trang nhất, hai cột.

Xe kéo bánh sắt à bánh cao su đặc mới bắt đầu xuất hiện trong lúc này, do một hảng doanh nghiệp của nước Pháp chế tạo ra.

Đại đa số dân chúng đi xe ngựa, cũng gọi là "xe thổ mộ " bánh sắt, người Pháp gọi là xe hộp quẹt ( boite d' allumettes ) hoặc là tac-à-tac. Các hạng thượng lưu và trung lưu đi xe song mã hoặc xe kiếng, sang hơn xe thổ mộ.

Đồng hồ chưa được thông dụng, nhất là đồng hồ đeo tay. Mới có một số ít các ông, các thầy, và các người giàu sang có đồng hồ trái quít ( montre ) bỏ vào túi áo. Thanh niên chưa được hân hạnh dùng các món quý giá ấy.

Khoảng năm 1920-25, trong số 100 thanh niên, An-nam chỉ có độ một vài người có đồng hồ mà thôi. Nhưng thanh niên Saigon, và nói chung cả Nam kỳ đã cúp tóc sớm hơn thanh niên Trung, Bắc. Khoảng năm 1920, có thể nói rằng hầu hết thanh niên Nam kỳ đã cùp tóc rồi. Trong lúc ấy ở Trung kỳ còn đang lưu hành một câu ca dao bẩn thỉu chế nhạo và "chửi " những chàng trai trẻ bắt đầu hớt tóc :

Cái đầu trọc lóc bình vôi
Tao ngồi tao ỉa, mày ngồi mày ăn.

Cái "đầu trọc lóc bình vôi" vì lúc bấy giờ các học sinh trường Nhà Nước thường hớt tóc theo kiểu "carré " trọc hết hao phần ba cái đầu, chỉ còn để một mái tóc ngắn vuông vức, ở phía trước.

Cùng lứa và "cùng làm việc nhà nước" như chàng Ký Thanh ở Trung Kỳ, các thầy thanh niên làm việc ờ các sở tại Saigon, Lục tỉnh, thường mặc áo xuyến đen dài không quá đầu gối, quần lụa bông, mang giầy "ma mị" (loại giầy của khách trú Chợ Lớn, cũng như giầy Hạ ở Trung - Bắc, nhưng đế lót lông đuôi ngựa), quấn khăn nhiễu đen, tay cầm dù đen.

Một số khá đông các công chức lương tháng 6 đồng hoăc 4 đồng, đã đua nhau diện âu phục : "áo bành tô " (Paletot 0 theo kiểu áo thuộc địa tây, bằng vải bố trắng, cổ đứng, một hàng nút lớn bằng xà cừ kết ở giữa, đội mũ trắng, mang dép da. Các bậc " ông " như commis, thì mang giầy tây do từ bên Tây gởi sang với giá đắt, thường thường là loại giầy bottine da đen, cao cổ.

Hầu hết thanh niên học sinh đều mặc áo quần bà ba, đi chưn không, hoặc đi dép da.

Học sinh các trường lớn của nhà nước, Chasseloup Laubat, hoặc trường công giáo, như Adran, mặc âu phục do nhà trường sắm cho, mỗi cậu ba bộ.

Phụ nữ bình dân và trung lưu, các lớp nữ sinh, cũng mặc quen đồ bà ba. Chỉ có các bà nhà giàu sang mới mặc áo hàng dài, và đeo vòng xuyến, chuổi vàng, đầy tay đầy cổ. Mãi đến khoảng 1930-35, đa số nữ sinh 19-20 tuổi ở Saigon và Lục tỉnh đi học, hoặc đi dạo chơi ngoài phố, đi xem hát, vẫn còn mặc áo bà ba che dù, mang quốc rất tự nhiên.

Sự giao thiệp của phụ nữ Nam kỳ với người Pháp được tự do hơn phụ nữ Trung kỳ và Bắc kỳ. Các gia đình gọi là thượng lưu ở Saigon và Lục tỉnh tự cho là hân hạnh được gả con gái cho tây, và đồng thời cũng có rất nhiều gia đình trong giới " thượng lưu trí thức " An Nam nhập tịch vào dân Pháp.

Trái lại, ở Trung và Bắc, con gái Việt Nam lấy chồng Tây bị coi như là một cái nhục, dù là ở các giới quan lại triệt để thân Pháp. Danh từ "me Tây " ở Bắc và Trung có ý nghĩa xấu xa, khinh bỉ, không thể áp dụng cho các bà vợ tây ở Saigon vì không đúng với hoàn cảnh thực tế, trong suốt thời kỳ Pháp đô hộ.

Hơi khác với thanh niên nam nữ ở Nam Kỳ, thanh niên ở Bắc và Trung còn chịu rất nhiều ảnh hưởng của Khổng giáo. Học sinh thiếu niên từ lớp Đồng Ấu, đã mặc áo dài đi học, con trai cũng như con gái, bất luận giàu hay nghèo. Đối với các thầy giáo, các cô giáo, học trò rất lễ phép, sợ thầy nếu thầy nghiêm khắc, quý mến và quyến luyến thầy nếu thầy hiền lành. Tại các làng, các phủ, huyện, các tỉnh, gặp những ngày kỵ, giỗ, thường thường cha mẹ học trò hay mời thầy giáo "ăn giỗ " để tỏ tình kính mến.

Đến ngày Tết, học trò các lớp lớn, mỗi lớp vui vẻ tự động hùn tiền với nhau mua các món lễ vật, trà, rượu, đường, đậu xanh, hột gà, nếp, bưng đến nhà riêng của thầy để "Tết " thầy và đọc chúc từ tạ ơn thầy đã hết lòng dạy dỗ quanh năm. Thầy giáo cũng cám ơn học trò, và tặng quà bánh, với sự ân cần niềm nở. Tình quyến luyến chân thật giữa thầy trò vô cùng cảm động.

Cho đến đổi học trò ở các lớp Cao đẳng tiểu học ( trung học ) đến ngày " tết Tây ", cũng vui vẻ kéo đến từng đoàn đông đảo tại nhà riêng các giáo sư Pháp mà họ quý mến, để chúc mừng năm mới. Dĩ nhiên, đối với các giáo sư hung dữ, kieucăng, và các giáo sư Pháp hay c" chửi người An Nam ", nói xấu nước Việt Nam, thì học trò tức giận và oán ghét, không bao giờ bước chân tới nhà. Hoặc đau nằm nhà thương họ cũng không bao giờ đi thăm.

Thanh niên Hà Nội, từ 1900 đến 1925, còn chịu ảnh hưởng Khổng giáo rất nhiều.

Trừ ra học sinh phải cắt tóc theo sự bắt buộc của nhà trường, còn số đông các giới khác, nông nghiệp, thủ công, thương mãi v.v... Vẫn chưa muốn cắt tóc, vì để tóc là tượng trưng cho lòng hiếu thảo với Cha Mẹ. Ngay trong đám trí thức thời bấy giờ có ông Nguyễn Văn Tố, phó giám đốc viện bác cổ Viễn Đông, một nhà Nho giả uyên thâm cả Hán học lẫn Tây học, vẫn giữ cái búi tóc, mãi cho đến năm 1939, bị các báo chế nhạo quá ông mới đành lòng cắt bỏ. Cắt bỏ, nhưng ông vẫn không hết thương tiếc nó.

Nhiều nhà trí thức tây học tuy đã cắt bỏ cái búi tóc, và sống theo nếp sống mới, nhưng vẫn nhất định không chịu mặc "đồ Tây" và giữ mãi quốc phục suốt đời họ, như các ông Nguyễn văn Tố, Phạm Quỳnh, Nguyễn đổ Mục, Nguyễn triệu Luật, Nguyễn văn Ngọc, Nguyễn khắc Hiếu, v.v... Và một số đông các thầy giáo ở Trung và Bắc việt mãi đến năm 1945.

Trong các lớp thanh niên học sinh ở Trung kỳ và Bắc kỳ đại đa số còn mặc áo dài, quần vải quyến, đội mũ, mang quốc cho đến năm 1925, sau khi cụ Phan Bội Châu và cụ Phan Chu Trinh ở Hải ngoại về nước. Nhất là sau các phong trào bãi khóa rầm rộ khắp các trường trung học trong khoảng 1925-1927 do trào lưu cách mạng bồng bột nổi dậy trong các lớp thanh niên học sinh ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định,Vinh, Qui Nhơn, Huế.


Huế, nơi đế đô phong kiến nhất và thủ cựu nhất Việt Nam, lại chính là trung tâm điểm của các phong trào cách mạng sôi nổi nhất của thanh niên.

Trần anh Tuấn, cậu học trò con nít từ tỉnh ra học trường Quốc Học Huế, niên khóa 1915-16, mấy tháng đầu còn ngơ ngác giữa cảnh hoa lệ hùng vĩ của đế đô, không nhè rơi nhằm vào một địa điểm bí mật nhất của lịch sử. Vị chúa thượng, ngự trị trên đất này, chính là một chàng thanh niên mảnh khảnh chỉ hơn Tuấn 4 tuổi, là DUY-TÂN hoàng đế.

Ông chủ chiếc ghe bầu đưa Tuấn từ Thu Xà ra Hội An, có lòng thương mến Tuấn và viết thư gửi gấm Tuấn cho thầy thông Vinh, một người cháu gọi ông bằng cậu, làm việc ở ga xe lửa Huế.

Sự thực, với ông chủ ghe có đứa con gái 10 tuổi, vẫn đi theo ghe với. Trông thấy Tuấn là cậu học trò tuy con nhà nghèo mặt mũi khôi ngô, tính nết hiền lành, mới 12 tuổi mà học giỏi, chỉ học mấy năm nữa là đỗ đạt thành tài. Ông mong sẽ gả con gái ông cho Tuấn sau này. Ông cho Tuấn tiền và quần áo và viết một bức thư bằng chữ Nho dăn Tuấn ra đến Ga xe lửa thì tìm thầy Thông Vinh ở tại Ga trao thư cho thầy.

Vì lời giới thiệu ấy mà thầy Thông Vinh ân cần đón tiếp Tuấn và đưa Tuấn về ở trọ nhà thầy, tại Bến Ngự, gần Ga. Tuấn có học bổng của ông Công Sứ tỉnh nhà đáng lẽ được ở nội trú, nhưng thầy Thông Vinh xin với ông Đốc học cho Tuấn ở nhà thầy để được gần gụi săn sóc cậu học trò còn niên thiếu, lại xa nhà, xa cha mẹ.

Tuấn ở nhà thầy Vinh ngày hai buổi đi bộ đến trường Quốc học, cách đấy không xa. Những ngày chủ nhật, nghỉ học, Tuấn được thầy Vinh cho nghe nhiều chuyện rất hay ở Huế, nhất là những chuyện thông minh phi thường của Vua Duy Tân 16 tuổi. Thây Vinh, cũng như hầu hết những người ở Huế, đều kính phục Vua Duy Tân như một bậc thần đồng, lại đăng ngôi Thiên tử. Mỗi lần nói chuyện là thầy thích nói chuyện vua Duy Tân, những mẩu chuyện lặt vặt trong thâm cung của Hoàng Đế, không biết do ai lén lút truyền khẩu ra ngoài, àm hầu hết người ngoài đều biết rõ, nhất là trong đám học sinh. Tất cả thanh niên ở Huế, hồi đó, đều khâm phục vị Hoàng đế trẻ tuổi, vị Hoàng đế của thanh niên.

Nghe thét chuyện vua Duy Tân, rồi cậu học sinh Trần anh Tuấn đâm ra mê vua Duy Tân, ngày đêm cứ ao ước làm sao trông thấy long nhan của Ngài....

Một đêm vào khoảng 7 giờ, cung điện vua Duy Tân và tất cả Thành Nội Huế đang thắp đèn điện sáng choang, bổng nhiên bị chìm trong bóng tối đen mò. Các ông Hoàng bà Chúa trong Cung, Thượng thơ các Bộ, binh lính khố vàng, khố xanh đều hoảng hốt, lật đật thi hành những biện pháp đề phòng chuyện bất trắc. Ngoài thành phố dân chúng xôn xao lo ngại mhưn chỉ một lúc thôi, rồi khoảng 8 giờ, đèn điện trong Nội lại bật lên sáng trưng như mọi đêm. Ai nấy đều vui mừng, yên ổn. Hai hôm sau, dư luận trong thành phố đồn đải về vụ đèn điện tắt như sau đây. Trong Thành Nội có một nhà máy điện nhỏ và riêng biệt để lấy điện thắp riêng trong cung cấm và hoàng thành. Nhà máy điện do kỹ sư Pháp trông nom, tên là Paul Eberhart, ông này cũng là thầy dạy Pháp văn và cách trí cho Vua Duy Tân. Vua Duy Tân lúc bấy giờ chỉ có 16 tuổi, mà tỏ ra một chàng thanh niên rấtham học, và một trí óc thông minh phi thường, lại ưa chơi nghịch.

Bảy giờ tối hôm ấy, ông Eberhart đã về nhà. Vua Duy Tân ngự xuống nhà máy đèn xem chơi, rồi thừa lúc không ai để ý, Ngài lén lấy kềm tháo một chiếc bù-lon nho nhỏ trong guồng máy, và bỏ nó vào một thùng nước kê gần đấy. Ngài làm công việc " phá hoại " ấy rất nhẹ nhàng và mau lẹ, vài ba người lính gác và thợ thuyền không ai trông thấy. Bổng dưng máy điện ngưng chạy và đèn điện tắt hết. Vua Duy Tân cười tủm tỉm thong thả trở về Cung. Ngài truyền gọi ông Eberhart đền gấp, để thử tài ông này một phen. Viên kỷ sư Pháp, cử nhân khoa học, vừa là thẩy học của Ngài, cuống quít, lo sợ, không hiều vì sao máy điện trong hoàng thành đang chạy ngon trớn bổng dưng lại hư.

Vua Duy Tân bảo : "Ông phải sửa máy gấp rút lên nhé ! Đừng để cung điện của Trẩm không có ánh sáng như thế này!" Ông Eberhart chạy xuống nhà máy điện, cầm đèn bạch lạp đi rọi xem hết các máy móc. Ông rất thắc mắc không hiểu nguyên do vì sao máy không chạy. Ông lui cui gần một tiếng đồng hồ, xem xét từng bộ phận không tìm ra máy hư chổ nào. Bổng nghe tiếng Vua Duy-Tân đến. Bốn tên lính cận vệ cầm bốn đèn lồng theo hầu Ngài. Vị Hoàng đế thiếu niên hỏi : "Ông Eberhart, ông không làm sao cho máy chạy được ư ?"...Giáo sư lính quýnh đáp : "Tâu Bệ Hạ...tôi chưa tìm ra...chổ máy hỏng." Vua Duy-Tân mỉm cười : "Ông cho phép Trẩm tìm giúp với ông nhé ?" Giáo sư Eberhart kính cẩn kêu lên : "Ơ, tâu bệ hạ, ngài sẽ bị dầu mỡ dính nhớp tay Ngài..." "Không hề chi" vua Duy-Tân đáp. Thế rồi, trước cặp mắt kinh ngạc của ông giáo sư cử nhân khoa học, cậu học trò hoàng đế 16 tuổi thò tay vào thùng nước, lấy ra một cái bù-lon, đem gắn vào buồng máy, lấy kềm vặn chặt lại. Ngài tủm tỉm cười : "Trẩm tưởng bây giờ máy có thể chạy được rồi." Quả nhiên máy chạy... Và đèn điện sáng rực trở lại.

Giai thoại trên kia, có chổ đáng ngờ, thực hư thế nào chúng ta không thể nào minh xác được.Nhưng chắc chắn là đúng một phần nào, vì hai hôm sau đêm đèn điện vụt tắt trong dân chúng, khắp kinh đô Huế ai mà không biết, và không ai là không tin.

Trần anh Tuấn ở trường Quốc học đã được các bạn cùng lớp kể chuyện ấy trong giờ chơi ngoài sân trường, về nhà lại được thầy thông Vinh cũng thuật lại đầu đuôi đúng y như thế, và còn...hay hơn thế nữa. Thầy kết luận : Vua Duy-Tân thông minh lạ thường. Vua Duy-Tân học một biết mười, Ngài thông hiểu cả máy điện, Ngài hiểu còn hơn Tây nữa ! Vua Duy-Tân có kém gì Tây đâu !

Trần anh Tuấn lại lấy ra một quyển vở đưa thầy thông Vinh xem. Lần này, chính tiấn hãnh diện là đã chép được một bài thơ bằng chữ Pháp, mà một thầy trợ giáo ở lớp Nhất có cho học trò học, bảo tác giả chính là Vua Duy-Tân.

Bài thơ nhan đề :

"Nocturne, sur la Rivière des Parfums". Có thể dịch là Hương Giang dạ khúc.

Bài thơ có 20 câu, chép vừa một trang vở, tuyệt hay, tuyệt đẹp, đọc lên nghe rất du dương, rất buồn, thích hợp với tâm hồn một thanh niên mơ mộng ở xứ Huế.

Thầy Vinh và cậu Trần anh Tuấn cùng nhau ngâm nga nhịp nhàng say sưa :

La barque obéit, endormie
Aux coups réguliers du rameur,
Mon âme tressaille, meurtrie
Au coup de la vie dans mon coeur,
Et mon âme vogue, alanguie
Au rythme alenti de mon coeur,
Et la barque vogue, alentie
Au rythme alangui du rameur

( Etc.. )

Dịch :

Thuyền to thiu thiu ngủ, lênh đênh
Theo nhịp mái chèo bơi êm ái
Tâm hồn ta rên rỉ, buồn tênh,
Theo cơn sóng trần duyên tê tái
Hồn ta bơi lướt qua, buồn tênh
Trên lớp sóng trần, duyên tê tái
Thuyền ta bơi lướt qua, lênh đênh
Theo nhịp mái chèo bơi êm ái.
..........v.v...

Bài thơ diểm tuyệt đó, có phải thật của vua Duy-Tân làm ra không ? 16 tuổi, tâm hồn của nhà vua đã tế nhị đến thế ư ? 16 tuổi nhà vua đã giỏi Pháp văn đến thế ư ?

Tác giả bài thơ chỉ ký có ba mẫu tự F.G.H. Nhưng hầu hết các thầy trợ giáo ở trường Quốc Học Huế, và các thầy làm việc các sở nhà nước đều đồng thanh nói F.G.H chính là vua Duy-Tân. Ai nghi ngờ là không phải của vua Duy-Tân thì các thầy tức lắm, nhất định cãi lại cho kỳ được. Bởi vì vua Duy-Tân không phải là môt thanh niên tầm thường như các thanh niên khác. Ngài là một vì Thiên Tử, Ngài là một vị Thần Thánh. Ngài là khí thiêng nung đúc cả giòng dõi Tiên Rồng.

Trần anh Tuấn, cậu thiếu niên 12 tuổi, năm 1915, được may mắn học tiếng Pháp từ thuở bé, đã bắt đầu ưa chuộng văn chương Pháp, thích lịch sử Pháp, phục khoa học Pháp nhưng sống giữa cố đô Huế trong không khí sùng bái vua Duy Tân, một vị Hoàng Đế thanh niên chỉ lớn hơn cậu 4 tuổi, là cậu nhiệt liệt hoan hô vua Duy-Tân, mê vua Duy-Tân, chỉ thích nghe chuyện và nói chuyện về vua Duy-Tân...cũng như hầu hết thanh niên lúc bấy giờ, nhất là ở Trung Kỳ...Cho đến tháng năm 1916, sắp sửa được nghỉ hè thì ngay kình đô Huế xẩy ra vụ vua Duy-Tân bỏ cung điện một đêm tối trời, thoát ly ra ngoại thành để chỉ huy cuộc khởi nghĩa đánh Tây. Trần anh Tuấn, cũng như toàn thể thanh niên học sinh trường Quốc học nghe tin ấy như một tiếng sét đánh bên tai.

Mấy ngày đầu, người Pháp ở tại Huế muốn dấu kín vụ này không cho dân chúng trong thành phố và học sinh biết. Tuy số lính khố xanh và lính sơn đá ( lính sơn đá là soldat, lính Tây, phân biệt với lính Tập -khố xanh - của An Nam ) được tăng cường canh gác nhiều nơi, nhưng cuộc sống hàng ngày của đế đô Huế vẫn không thay đổi, như không có gì xảy ra.Học trò vẫn đi học, và đến trường các vị giáo sư Pháp cũng như các thầy trợ giáo An Nam, vẫn dạy học như thường lệ, không ai nói gì chạm tới " quốc sự ".

Nhưng ngoài các giờ học, sau khi mãn lớp học, học trò về nhà lại được người nhà hoặc bà con hàng xóm, thầm thì về việc vua Duy-Tân khởi nghĩa đã bị tây bắt, giam ở đồn Mang Cá.

Thầy thông Vinh, trong lúc ngồi ăn cơm với Trần anh Tuấn trên bộ ván ngựa tong nhà, lặng lẽ trở đầu đũa viết trên chiếu " Cậu có nghe gì lạ không ? " Tuấn cũng trở đầu đũa viết đáp :" Dạ có ". Chỉ có thế thôi, rồi cả hai người ngó ra ngoài đườn im lặng. Tự hôm đó, không những trong nhà thầy Vinh mà cả thành phố Huế không còn ai dám nói đến những giai thoại về vua Duy-Tân nữa. Cho đến bài thơ chữ Pháp Nocturne ( Hương Giang Dạ Khúc ) mà ai cũng nói là của vua Duy-Tân, bài thơ hoàn toàn mơ mộng, cũng không còn ai dám ngâm nga nữa.

Một hôm, gần ngày bãi trường nghỉ hè, chương trình niên khoá đã dạy hết rồi, một giáo sư Pháp lớp đệ Nhất niên của Tuấn lần đầu tiên đem vụ vua Duy-Tân ra nói cho học trò nghe. Ông mạt sát vị hoàng đế cách mạng, và chửi rủa Ngài :" Thằng con nít ấy nó tự cho mình là một Đại Hoàng Đế ! Nó dám chống lại nước Pháp, thì đấy, bây giờ nó đi ở tù ! " Trần anh Tuấn hầm hầm nét mặt, ngồi nghe, tức giận lắm. Đến giờ ra chơi, giáo sư và học sinh ra sân. Tuấn lén ở lại trong lớp, lấy phấn viết trên bảng đen hai câu thơ của Corneille trong kịch La Cid mà cả lớp đã học :

giavui
06-25-2014, 05:11 PM
Je suis jeune, il est vrai, mais aux âmes bien nées,
La valeur n'attend pas le nombre des années.

Tuổi ta trẻ nhưng hồn ta khảng khái
Giá trị người không đợi phải nhiều năm !

Ở dưới ký : " Empereur Duy Tân ( Hoàng Đế Duy-Tân )

Hết giờ ra chơi, học trò vào lớp đông đủ. Viên giáo sư ban nảy cũng trở vào bàn của ông. Nhưng ơng đỏ mặt, giận dử, đọc hai câu thơ trên bảng đen, rồi hỏi :

- Ai viết đây !

Trần anh Tuấn ngồi bàn dưới, can đảm giơ ngón tay lên. Giáo sư hằn học nhìn Tuấn :

- Mầy ngu như con lừa, mầy học trong sách nào đó rằng hai câu thơ kia của vua Duy-Tân?

Tuấn làm thinh. Viên giáo sư mắng tiếp :

- Tu es un mauvais esprit....Tu es partisan de Duy-Tân ? Attention à toi !

( Mầy là một đầu óc xấu xa...Mầy theo phe đảng của Duy-Tân hả ? Mầy liệu hồn nhé ! )

Cả lớp im lặng. Giáo sư Dubois đút tay trong túi quần đi qua đi lại trên kệ gỗ trước bảng đen. Ông đứng lại đột ngột, trừng mắt ngó Tuấn :

- Tao đi " xi-nha-lê" với ông Đốc học.

Ông chạy vụt ra cửa.

Trong giờ Sử ký Pháp, và là giờ chót của niên khoá 1915-16, chương trình học đã hết rồi, còn hai hôm nữa là nghỉ hè, học trò lớp đệ Nhất niên đang ngồi nghe một giáo sư Pháp kể chuyện Pháp-Đức chiến tranh... Ông công kích nước Đức thậm tệ, chửi nước Đức là một nước thù địch của cả Âu châu và thề giới, dân Đức là một giống người dã man, tàn bạo, cho nên các nước văn minh không gọi là Allemands, mà gọi là Boches, một danh từ khinh miệt, nguyền rủa... Rồi ông chê quân lính Boches đánh giặc thua Pháp, bị quân đội Pháp giết chết vô số. Ông khoe dân tộc Pháp anh hùng, ái quốc, nhưng vẫn bác ai, nhân đạo v.v...

Bổng có tiếng giày tây đi đọp đọp gần đến lớp Đệ Nhất niên... Giáo sư và cả học trò đã quen tiếng giầy của ông Đốc học Pháp. Đúng là của ông. Nét mặt hầm hầm, ông bước vào lớp. Giáo sư và toàn thể học trò đều đứng dậy. Ông bảo ngồi xuống. Bổng ông lớn tiếng hỏi :

- Đứa nào là Tra-an-Tu-an ?

Trần anh Tuấn tái mặt, đứng dậy. Ông đưa một ngón tay ngoắc Tuấn lên :

- Viens ! (lên đây)

Cả lớp im phăng phắc, ai nấy đều sợ run, cúi mặt xuống bàn, không dám ngó nét mặt sắc đá của ông Directeur ( Đốc học ). Tuấn rụt rè dưới bàn bước lên đứng trước mặt ông. Ông trợn trắng đôi mắt dữ tợn nhìn Tuấn :

- Mày là phe đảng của Duy Tân phải không ? Hả ?

Tuấn bối rối không kịp trả lời thì bị ông đưa bàn tay đầy lông đen xì đánh vào má Tuấn một cái tát nẩy lửa. Tuấn xiểng liểng muốn ngã.

Ông directeur chỉ vào mặt Tuấn :

- Mầy coi chừng ! Nếu mầy nghe lời dụ dỗ của tụi côn đồ, tao sẽ cho mầy đi ở nhà pha ( ở tù ), mầy nghe không ? Tao sẽ viết thư cho ông Công Sứ tỉnh mầy để báo cho ông ấy biết rằng mầy là một cái đầu óc xấu xa ( un mauvais esprit ( có tư tưởng chống Pháp).

Ông đuổi Trần anh Tuấn xuống chổ ngồi. Xong ông diễn thuyết một hồi cho cả lớp nghe :

- Tụi mầy biết Duy-Tân là ai không ? Nó là một thằng con nít ranh, một nhải con kém giáo dục. Nó nhờ nước Pháp đặt nó lên chiếc Ngai vàng của ông bà nó, thế mà nó không biết ơn nước Pháp, nó toan làm giặc đánh lại nước Pháp....

Ông đuổi Trần anh Tuấn xuống chổ ngồi. Xong ông diễn thuyết một hồi cho cả lớp nghe :

- Tụi mầy biết Duy-Tân là ai không ? Nó là một thằng con nít ranh, một nhải con kém giáo dục. Nó nhờ nước Pháp đặt nó lên chiếc Ngai vàng của ông bà nó, thế mà nó không biết ơn nước Pháp, nó toan làm giặc đánh lại nước Pháp....

Ông nói nhiều lắm, nhiều lắm. Ông chửi hoàng đế Duy-Tân rồi kể công ơn nước Pháp, ông khoe nước Pháp là nhân đạo, là bác ái, là bình đẵng là một trong những nước văn minh bực nhất trên hoàn cầu v.v...

Học trò ngồi im lặng, cúi đầu nghe. Vừa có trống trường đánh một hồi " Thùng thùng thùng thùng...", mãn buổi học sáng,11 giờ. Ông còn dừng lại, nói ráng thêm mấy câu hùng hổ, rồi bước ra đi. Cả lớp đứng dậy chào ông.

Ông giáo sư chỉ mặt Trần anh Tuấn :

- Mầy đã hiểu bài học ấy chưa ?

Tuấn làm thinh. Ra về, có năm bảy trò cùng lớp đi theo bên cạnh Tuấn, nói nhỏ bên tai như an ủi Tuấn một phần nào :

- Mầy đừng sợ. Ông directeur doạ mày đó, chứ ông không gửi thư cho ông Công sứ tỉnh mày đâu. Ông không bỏ tù mày đâu.

Nhưng đa số học sinh khác trong lớp Đệ Nhất Niên, bạn thân hay không thân của Tuấn, đều lánh xa, sợ đến nổi không dám đi gần Tuấn, sợ ông directeur để ý, sợ nói chuyện với Tuấn sẽ bị liên can, sợ sẽ đi ở tù, sợ, sợ.... không biết sợ cái gì nữa.

Xét ra tinh thần thanh niên Việt Nam - lấy thanh niên học sinh và trí thức làm điển hình, vì thời bấy giờ, chỉ có lớp thanh niên học sinh và trí thức là đáng chú ý hơn cả, - thì có thể chia làm ba hạng, ở Trung Kỳ, cũng như ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ.

Một hạng, thiểu số như Trần anh Tuấn, cũng học chữ Pháp, hấp thụ say mê văn hoá Pháp, khâm phục văn minh khoa học rất kỳ tài của Pháp, nhưng lòng ham mến và kính phục ấy không bao giờ đè át được tinh thần bất khuất truyền thống của giống nòi. Tuấn, con trai một anh dân nghèo, làm thợ mộc, được theo đòi văn hoá Pháp, nói tiếng Tây đã thông thạo, viết chữ Tây đã trôi chảy, đọc sách Tây đã nghiền ngấm say sưa, thế mà chỉ một hình ảnh của vua Duy-Tân đã in sâu vào đầu óc, chí khí quật cường của vị hoàng đế còn nhỏ tuổi, đủ gợi dậy truyền thống Dân Tộc trong dòng máu, trong tư tưởng, thế cũng đủ thấy rằng tinh thần dân tộc là yếu tố bất diệt của Lịch sử, bất cứ ở thời đại nào.

Nhưng trong thời kỳ người Pháp mới đô hộ xứ ta, nói rõ hơn là từ năm 1900 đến 1924-25, hạng thanh niên ái quốc có tinh thần dân tộc, học sinh như Trần anh Tuấn, công chức như thầy thông Vinh ở sở Hoả Xa, hãy còn ít lắm, ít lắm... Trái lại, đông nhất là hạng thanh niên ham danh vọng, ham chức tước, thích phẫm hàm, theo Tây, lạy Tây, bợ đỡ Tây, " liếm gót giầy cho Tây ", suy tôn Tây là bậc " thầy Đại Pháp ", là bậc "Quí Quan ", " Quí Mẫu Quốc " -- Nước Mẹ -- Hoặc là hạng thanh niên nhút nhát, sợ chuyện " Quốc Sự ", sợ bỏ tù, chỉ lo sống yên thân, ngày hai buổi đi học hay " làm việc nhà nước " sáng xách ô đi, tối xách về. Hai hạng thanh niên trên chiếm đại đa số trong nhân dân.

Cho nên, vụ vua DuyTân hồi tháng 5 năm 1916, ngay thời bấy giờ không có một tiếng vang sâu rộng. Cũng như các vụ Phan đình Phùng, Hàm Nghi v.v.... ngay sau thời gian đã trôi qua. Lịch sử đã lắng xuống, các nhà viết sử mới bắt đầu tham khảo biên chép, chúng ta mới đọc lại được những đoạn sử oanh liệt trước đây năm sáu chục năm. Chờ ngay hồi đó, lúc xảy ra các vụ quan trọng của Lịch Sử nào ai dám viết công khai ? Dám in thành sách ? Dám nói ? Dám bàn tán, phê bình ? Tất cả đều ngậm câm, kín mồm kín miệng, nào ai dám hỡ môi ? Từ trên xuống dưới, từ Triều Đình đến Hương Thôn, đều im lặng. Không khác gì dưới thời Neron của La Mã, một nhà thơ chỉ thở ra ba tiếng :" Roma Vasta Silentio ! " ( La Mã mênh mông im lặng ).Họ sợ gì dữ vậy ?Thì đây, vua Duy-Tân bị tây bắt, bị giam trong đồn Mang Cá, rồi bị đưa xuống tàu thủy của Pháp đi Ô Cấp ( Vũng Tàu ) để gặp vua Thành Thái đang bị giam lỏng tạm tại đây, rồi vua Duy-Tân bị đảy ra đảo La Réunion, thuộc đia Pháp ở gần Madagascar, Phi Châu.


Ông Vua mà còn bị Tây bắt, Tây đày đi xa, huống hồ là Dân. Họ sợ là sợ như thế đó. Đồng thời, như Lịch sử đã chép, các đảng viên trong phong trào Duy-Tân khởi nghĩa đều bị bắt, bị chém, bị đày đi Côn Lôn, bị tù ở các khám đường Quảng trị, Thừa thiên, Quảng nam, Quảng ngãi... Nhưng Lịch sử không chép tên tuổi một số thanh niên, hầu hết là các công chức, tư chức, các Thầy giáo các trường Pháp-Việt, bị liên can vào phong trào này. Một số đông bị tù, trong đó có thầy thông Vinh làm ga xe lửa Huế, chủ nhà trọ của Trần anh Tuấn. Hình như thầy có bí mật giao thiệp với một đảng viên quan trọng ở ngay Đế Đô.

Trần anh Tuấn về quê nghỉ hè, trong lòng không yên vì những biến cố kinh khủng ấy. Tuấn đi xe lửa vào Tu-Ranh, thuê xe kéo vào Faifoo rồi theo ghe bầu đi đường biển về tỉnh nhà. Tuấn lo ngại cho thân phận mình, không dám ghé thăm ông chủ chiếc ghe bầu ở Thu Xà, quen với thân phụ Tuấn, và có con gái muốn để dành gả cho Tuấn sau này. Xuống bến Thu Xà, công việc đầu tiên của Tuấn là kiếm đi mua một chiếc đòn gánh, cột nơi hai đầu hai gói lớn đựng quần áo và các sách vở học ở trường mà Tuấn đem hết về nhà để định học ôn lại trong ba tháng nghỉ hè.

Ngủ tạm tại nhà người chủ ghe vừa đưa Tuấn từ Hội an về, sáng hôm sau, trời vừa hừng đông. Tuấn đã thức dậy đặt đòn gánh lên vai, khởi hành đi chưn không về tỉnh. Cậu học trò đê nhất niên, 13 tuổi, học ở Huế về, gánh hai gói hành lý nặng trĩu, đi đủng đỉnh trên con đường cái quan mới đắp, quanh co, gồ ghề, xa mười mấy cây số dưới ánh nắng oi ả của mùa hè. Trên quan lộ từ Thu Xà lên tỉnh, xe kéo bánh sắt cũng không có. Không có một loại xe nào cả. Tất cả mọi người đều đi bộ, nhưng họ chỉ đi từng chặng, chỉ có một vài người " các chú " đi lên tỉnh buôn hàng mà thôi.

Trời chạng vạng, Trần anh Tuấn mới về tới nhà. Chú Ba thợ mộc đang ngồi ăn cơm với thiếm Ba, mẹ Tuấn và đứa em trai của Tuấn, 5 tuổi, ở trần trùng trục, mũi dãi lòng thòng, bổng thấy Tuân gánh hai gói hành lý trên vai đủng đỉnh bước vào sân. Đứa em trai thấy trước reo to lên :

- Ồ anh Hai về kìa, mẹ !

Tức thì thím Ba, chú Ba, và cả đứ nhỏ đều quăng đũa bỏ cơm, chạy lẹ ra sân đón Tuấn. Trong lúc chú Ba mừng rỡ đở gánh cho Tuấn, thì thím nhào vô ôm lấy thằng con trai, khóc nức nở...Thím mừng quýnh lên, chỉ biết ôm đầu Tuấn và khóc, không nói được một tiếng. Tuấn cảm đông quá cũng rưng rưng nước mắt. Đứa em trai 5 tuổi nắm vạt áo dài của Tuấn, âu yếm ngó Tuấn :

- Anh Hai ơi ! Anh Hai...Mẹ có để dành trái mít chín để anh về ăn.

Một vài người thân thuộc đã gặp Tuấn ban chiều gánh hành lý trên vai, uể oải đi vào tỉnh, họ đều mừng rỡ, săn đón hỏi han. Rồi truyền miệng từ người này qua người khác, chỉ trong buổi tối ấy cả hàng phố đều biết tin Trần anh Tuấn đi học ở Huế đã về. Gặp nhau ngoài đường, người ta bảo nhau :" Thằng hai Tuấn, con chú Ba, đã về nghỉ hè. Coi nó bây giờ trắng và mập quá chừng ! " Mấy ông già bà cả bảo : " Thằng Chuột con chú Ba thợ mộc đã về, đem về một mớ sách Tây ". Bà con cô bác kéo nhau đến thăm Tuấn, vui mừng náo nhiệt, chật ních căn nhà lá lụp xụp của chú Ba.

Vợ chồng chú Ba sung sướng quá, rối rít đi nấu nước, pha trà, têm trầu, bổ cau, mời khách. Dưới ánh sáng vàng hoe của ngọn đèn dầu phọng, chong trên chiếc bàn cũ kỹ kê giữa nhà, ai nấy đều chen chúc ngồi trên bộ ván và chõng tre chung quanh trò Tuấn, đua nhau hỏi những chuyện ở " Đế Đô ". Họ tưởng tượng Huế như một cảnh ở Thiên Đình, rực rỡ oai nghiêm, xinh đẹp như ở xứ thần tiên hoa lệ. Ngồi nghe Tuấn kể chuyện, say mê nhất là đám thanh thiếu niên trong tỉnh. Vì Trần anh Tuấn là người học trò đầu tiên và duy nhất ở tỉnh nhà được đi trường Quốc Học ở Huế. Đối với các thanh niên và dân chúng ở tỉnh lúc bấy giờ, được đi học ở Huế là một vinh hạnh có lẽ còn hãnh diện hơn là sinh viên ta ngày nay được đi du học bên Anh, bên Pháp.

Tuy nhiên, đại đa số thanh niên vẫn còn theo Nho học. Họ còn do dự chưa dám hớt tóc, và chỉ một số ít mới " bắt chước " khởi sự học chữ Quốc ngữ. Những người học chữ Tây dĩ nhiên là còn ít hơn nữa. Vã lại, họ làm sao quên được phong trào lộn xộn vì vụ cắt tóc đã làm bao nhiêu người bị bắt,, bị chém, bị tù, hồi năm Mậu Thân 1908 cách đó mới 8 năm ? Đó là một cuộc hoạt động chính trị mà người Việt gọi là " Giặt Đồng Bào ", tức là vụ " xin xâu "

Đề xướng và hăng hái cổ-võ phong trào lịch sử này là một nhóm thanh niên Nho học có tư tưởng trung quân ái quốc, trung thành với Hoàng Đế, và chống lại nước Pháp bảo hộ. Hầu hết nhóm thanh niên cách mạng này đều là những Nho sĩ đã thi đỗ Cử Nhân, Tú Tài. Người ta không được biết khẩu hiệu cách mạng từ đâu đưa ra, nhưng người ta thấy người vị tân khoa, đầu tóc cắt ngắn, chia hai nhóm đi rảo khắp cả làng. Một nhóm chuyên việc làm thơ và chép thơ trên những tấm giấy nhỏ đễ đi dán các nơi đình chùa, am miếu, hoặc các cửa ngõ tư gia. Toàn là những bài thơ cách mạng hô hào " đồng bào " rủ nhau, do đám thanh niên khoa cử nho học chỉ huy, đi ra tỉnh biểu tình xin bỏ các thứ xâu thuế, vì đồng bào nghèo khổ không có tiền nộp thuế.

Một nhóm khác cũng đi khắp cả làng, chuyên việc cầm kéo cắt tóc những đồng bào tình nguyện theo phong trào. Cuộc vận động cắt tóc trong toàn tỉnh này, đa số dân chúng không dám theo, nhung vẫn có kết quả lớn lao và kinh khủng. Một số " đồng bào " -- cũng có nghĩa là " đồng chí " -- hầu hết là thanh niên Nho học, tụ họp tại tỉnh, có trên năm trăm người, tóc cắt ngắn sát da đầu, ngồi chòm hỏm chật đường từ Cửa Tây tỉnh thành đến trước cổng Toà Sứ. Lúc bấy giờ vào khoãng giờ Thìn (8 giờ sáng ) một buổi sáng đẹp trời, ánh nắng chiếu trên hai hàng cây sầu-đâu và cây dầu-lai-tây ngả rợp bóng xuống đường. Hai vị quan An nam đầu tỉnh -- Tuần vũ và Án sát -- lật đật sang hội thương với " Quan Công Sứ ", để tìm cach đối phó. Một lát sau, Quan Sứ, Quan Phó Sứ, Quan Giám Binh ( chỉ huy đội lính khố xanh ) và mười người lính tập ( lính khố xanh ) cùng với hai vị quan An Nam ra trước cổng. Viên Công Sứ truyền lịnh cho lính nạp đạn sẵn sàng và chĩa mũi súng ngay vào đám dân biểu tình ngồi lặng lẽ. Viên Công Sứ bảo Quan Tuần hỏi :

- Các chú tụ hộp nơi đây để làm chi ?

Mấy người người ngồi hàng đầu dõng-dạc trả lời :

- Bẩm quan lớn, đồng bào nghèo đói không có tiền nộp thuế, xin quan lớn bẩm lại với quan Pháp-lang-sa tha bớt thuế cho đồng bào.

Viên Tuần vũ dịch lại tiếng Tây cho công sứ Pháp nghe. Người ta không biết quan An Nam dịch tiếng Tây có đúng hay không, nhung người thấy viên Công Sứ truyền lịnh cho lính khố xanh bắn ào đám biểu tình.

Một loạt súng nổ. Một số người ngã lăn ra chết, máu chảy lai láng. Tất cả những người còn sống đều hốt hoảng đứng dậy chạy tán loạn thoát ra ngoài Cửa Tây, bỏ lại trên đường gần ba chục xác chết. Quan An Nam còn muốn bảo lính đuổi theo bọn " đồng bào " và bắn nữa...bắn nữa...nhưng viên Công Sứ Pháp khoát tay, không cho. Sau đó mấy hôm, các quan Huyện, quan Phủ, được lính bắt đem nộp về tỉnh một số đông bào các ông Cử, ông Tú, và các đồng bào có đầu tóc ngắn. Hầu hết đều bị ở tù tai nhà lao tỉnh. Một số bị đày đi Côn Lôn. Một số đông khác nhờ vợ ở nhà bán ruộng đất đem tiền ra chuộc tội và lo lót các quan được khỏi tù.

Sự thực, đây chỉ là một cuộc biểu tình " xin xâu " của những " đồng bào " không có khí giới, không bạo động, nhưng quan An Nam gọi là " giặc đồng bào " và trong Sử do người Pháp viết cũng gọi là " Giặt cắt tóc " (Guerre des Tondeux ).

Biến cố xẩy ra từ năm Mậu Thân,1908, cách đấy đã 8 năm rồi. Nhưng đám thanh niên Nho học kế tiếp từ 1910 đến 1918 vẫn còn ghê sợ chuyện" cắt tóc bị tù " đến nổi họ vẫn không dám bắt chước bọn " học trò Nhà Nước " đã hớt tóc " carré " theo kiểu Tây.

Trần anh Tuấn, mới hồi nào là thằng Chuột để một chỏm tóc trên đầu, ở truồng cả ngày đi chơi rong ngoài dường phố, và sợ ông Tây bà Đầm như sợ cọp, mà nay đi học ở Huế và nghỉ hè, đem về một cái đầu tóc " cúp rẽ giữa " " văn minh " quá, mới lạ quá, được bà con trong tỉnh trầm trồ ngắm nghía...

Đám học trò của thầy Tú Phong, luôn luôn giữ đúng theo nề nếp nhà Nho, và trung thành với Khổng giáo. Nhưng ông Tú cũng đã bị bắt và bị tù, nên họ phải đi học một ông thầy khác, ông này nhát gan, không dám theo phe " đồng bào " mà cũng không muốn theo phe Tây. Học trò của ông, những thanh niên từ 11,12,đến 24,25 tuổi -- thường đến chơi với Tuấn, và cứ chê cái học của Tuấn không cao thâm như Khổng học. Nhưng, dù sao nghe Tuấn đọc bài récitation, thuộc lòng những bài thơ chữ Pháp và làm toán Géometrie, toán Algèbre, học bài Physique, Chimie, chưng bày những bản đồ châu Âu, châu Á, châu Mỹ vẽ đủ các màu, bà con cô bác và ngay trong đám học trò chữ Nho, vẫn có nhiều người thèm thuồng, và phục trò Tuấn "sát đất ". Tuấn hãnh diện một phần nào. Tuấn vui vẻ tự thấy mình tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã đóng một vai trò khá đặc biệt trong đám thanh niên và được nhiều người trong tỉnh khen ngợi.

Nhưng Tuấn vẫn áy náy trong lòng. Tuấn rất lo ngại vụ ông Đốc trường Quốc Học hăm viết thư mét với ông Sứ ở tỉnh nhà về chuyện Tuấn bị tình nghi là theo đảng Vua Duy-Tân ở Huế. Tuấn thầm mong ông Sứ không biết gì về chuyện ấy để Tuấn được tiếp tục học ở Huế. Tuấn mới có 13 " tuổi Tây ", 14 " tuổi Ta ", hãy còn bé quá, cho nên có lúc bồng bột hăng hái, nhưng cũng có lúc lo sợ tù tội.

Theo lời nhiều người bà con khuyên bảo, Tuấn phải đến chào ông Công Sứ. Tuấn mặc áo dài bằng vải trang đầm, mang quốc đội mũ, đến toà Sứ một buồi sáng ngày thứ hai, sau khi về nhà được hơn nửa tháng. Tuấn nghỉ rằng đến đây chắc sẽ gặp thầy Ký Thanh, và sẽ truyện trò thích thú lắm. Tuấn sực nhớ chính mình đã dạy thầy Ký Thanh học ABC, hồi Thanh còn là Nho sĩ...chưa đọc được bức thư chữ Quốc ngữ của cô Ba Hợi... Nhưng bây giờ Thanh đã làm thầy Ký Toà Sứ, Tuấn còn là học trò, mặc dầu là học trò trường Quốc Học Huế. Vả lại, Thanh đã 23 tuổi, Tuấn mới có 14 tuổi, hãy còn con nít quá. Tuấn thấy mình hãy còn là thằng Chuột...Tuấn thập thò ngoài cổng Toà Sứ một lúc rồi bạo dạn bước vô. Trông thấy rõ thầy Ký Thanh đang ngồi bàn giấy làm việc. Tuấn cất mũ chào và tươi cười đến gần. Nhưng Tuân mắc cỡ và ngạc nhiên hết sức : thầy Ký Thanh trừng mắt ngó Tuấn, với nét mặt khinh khỉnh, không thèm chào lại, không hỏi một tiếng. Lạ hơn nữa là Thanh nguýt Tuấn một cái rồi đứng dậy quay lưng đến gõ cửa văn phòng " Quan Công Sứ " có vẻ bí mật...lạ lùng. Tuấn tần ngần đứng đấy một lúc thì Thanh từ trong phòng Quan Sứ mở cửa bước ra, đi thẳng tới Tuấn, nghiêm trang bảo :

- Trò Tuấn, trò về nghỉ hè mấy bửa rồi, sao bửa nay trò mới tới chào cụ Sứ ?

Tuấn hơi luýnh quýnh trả lời đại cho êm xuôi :

- Tôi mới về mấy bửa rày anh Thanh à.

Thanh trố mằt bảo :

- Kêu tôi bằng thầy Ký chứ không được kêu tôi bằng " anh ", nghe chưa ? Cụ lớn truyền lịnh trò phải vô hầu cụ lớn để cụ lớn hỏi, lần này trò đi ở tù !

Tuấn hồi hộp lo sợ, đi theo sau Tuấn, Tuấn tự hỏi thầm :

- Sao lại đi ở tù ? Có điều gì nguy hiểm dữ vậy ?

Đến cửa văn phòng trước khi đẩy cửa vào, Thanh đứng lại lấy ngón tay chỉ đôi quốc Tuấn, và truyền lịnh :

- Bỏ quốc ra! Vô hầu cụ lớn Sứ mà trò dám mang quốc à ?

Tuấn nghe lời, bỏ quốc đi chân không. Thanh lại chỉ cái mũ :

- Bỏ mũ xuống đất không được cầm trong tay.

Tuấn cũng nghe lời, đặt mũ xuống một bên cánh cửa gần xó tường.

Thanh lại cho lịnh :

- Trò đứng đây, chừng nào cụ Lớn Sứ cho phép vô mới được vô.

Tuấn làm thinh đứng yên một chỗ.

Thanh khẽ gõ cửa, Tuấn nghe rõ tiếng ông Sứ nói trong văn phòng :

- Fais-l'entrer ( cho nó vào )

Thanh khẽ mở cửa, và dặn Tuấn :

- Đi sau tôi, nghe không ?

Thanh mang giầy Hạ, nhưng đi nhón gót, sợ sệt,từng bước một. Tuấn đi theo sau, Thanh làm cho Tuấn hoảng sợ làm Tuấn cứ tưởng ông Sứ sẽ ăn thịt Tuấn, nếu không thì cũng sẽ đánh Tuấn mấy bạt tai nẩy lửa như ông Đốc học Huế, rồi gọi lính còng tay Tuấn, bắt Tuấn đem đi bỏ tù.

Bàn giấy ông Sứ kê gần cửa sổ sơn xanh, có ánh sáng vàng và các chậu hoa tươi nở rất đẹp. Ông Sứ đang soạn hồ sơ gì trên bàn, Tuấn mới đi vào đến giữa phòng, cách bàn giấy năm sáu bước nữa thì Thanh bảo Tuấn đứng lại. Tuấn hồi hộp quá đứng vòng tay trước ngực như sắp sửa chịu tội.

Nhưng ông Sứ ngước mặt ngó Tuấn và cười nói :

- Ah ! Le voìla, mon mouton...de...Panurge. Appoche-toi ! ( A, nó kìa ! con cừu của Panurge. Lại gần đây ! )

Tuấn khúm núm bước đến gần. Nhưng Tuấn rất không ngờ ông Sứ đưa tay ra :

- Bonjour, mon petit ! ( chào cậu bé của tôi )

Tuấn cúi đầu lễ phép đưa tay để bắt tay " ông Sứ " và lẩm bẩm tiếng Pháp :

- Bonjour, Monsieur le Résident, ! ( xin chào quan Sứ )

Thầy Ký Thanh thấy Tuấn được "cụ lớn " bắt tay chào, thầy càng tỏ vẻ thù ghét Tuấn lắm. Thầy hầm hầm nét mặt nhưng chỉ đứng vòng tay sau lưng " cụ lớn sứ " vì Tuấn có thể đối đáp bằng tiếng tây với ông Sứ, không cần phải thầy ký Thanh thông ngôn, Tuấn nói tiếng Pháp còn trôi chảy hơn Thanh nữa.

Với một giọng dịu dàng gần như thân thiết, ông Sứ hỏi Tuấn về sự học hành ở trường Quốc Học và các giáo sư như thế nào. Tuấn bình tỉnh trả lời từng câu, suông sẻ trong khi ông Sứ ngó hồ sơ trên bàn, và bảo Tuấn :

- Tao biết mầy học giỏi. Tao được ông Đốc học trường mầy gửi về tao các bản báo cáo tam cá nguyệt về các môn học của mầy trong năm. Tao bằng lòng lắm. Mầy xứng đáng với học bổng của tao cho. Nhưng có một điều tao rất không bằng lòng, là cuối niên học, mầy đã bị ông Đốc học cho nốt xấu trong học bạ... Theo công văn của ông Đốc vừa gởi cho tao thì mầy là một " đầu óc xấu ", mầy nghe lời người ta dụ dỗ theo đảng vua Duy-Tân...phải không ?

Nghe đến đây, Tuấn tái mặt, nhưng ông Sứ nhìn Tuấn với cặp mắt khoan hồng :

- Mầy dự vào chuyện đó làm chi thế, hả Trần anh Tuấn ? Mầy còn bé quá...Mầy phải chăm học. Mầy không thể bắt chước vua Duy-Tân được. Ông Đốc học cho tao biết về trường hợp của mầy, nên tiếp tục cho mầy học bổng, hay bắt bỏ tù mầy ? Nhưng tao thương mầy là con nít, vì mầy học giỏi. Và mầy là đứa học trò đầu tiên của tỉnh nầy được học trường Quốc Học. Tao muốn giữ danh dự cho tỉnh nhà. Vậy mầy phải hứa danh dự với tao rằng từ nay mầy đừng làm chuyện bậy bạ nữa thì tao không bỏ tù mầy, và tao tiếp tục cho mầy học bổng để mầy học cho đến thi đỗ bằng Thành Chung. Mầy có hứa với tao không ?

- Dạ, thưa quan lớn, con xin hứa.

- Chắc không ?

- Thưa chắc.

-Được rồi, nếu mầy không giữ lời hứa, thì không những mầy không được học nữa mà mầy còn sẽ bị...bỏ vào nhà pha !

Ông Sứ nói tiếp :

- Thôi bây giờ chúc mầy nghỉ hè vui vẻ, và nhất là không được dự vào những việc quốc sự. Mầy nghe không ?

- Dạ nghe.

Ông Sứ đưa tay bắt tay Tuấn. Tuấn cúi đầu lễ phép bắt tay từ giã ông tỉnh trưởng Pháp.

Thanh đưa Tuấn ra cửa, rồi khép cửa trở vào bàn giấy, ông Sứ bảo Thanh :

- Mầy thấy không ! thằng học trò trẻ tuổi ấy biết nghe những lời khuyên bảo khôn ngoan của tao. Sao hôm nọ mầy lại xin tao bỏ tù một đứa con nít ngây thơ hiền lành ?

- Bẩm cụ Sứ, nó là một đầu óc xấu xa. Nó dám chống lại nước Đại Pháp.

- Chưa chắc. Dù nó có đầu óc xấu xa như ông đốc trường Quốc Học đã phê trong học bạ và viết trong công văn, nó cũng có thể hối cải được nếu người ta biết khuyên răn nó. Như tao đã làm lúc nãy.

- Bẩm cụ Sứ, cha thằng Tuấn là chú thợ mộc dốt nát mà có con học ở Huế...Nó không đáng được học bổng của cụ lớn...

- Mầy ganh ghét với nó hả ? Thế sao mầy không đi Huế học như nó ? Cha mầy làm lý trưởng có nhiều tiền bạc cơ mà !

Ký Thanh ngậm câm. Ông Sứ cầm xấp hồ sơ của Trần anh Tuấn, bảo chàng đem cất lại trong tủ.


Tuấn ngồi bàn, coi theo sách Địa Dư bằng chữ Pháp, vẽ một bản đồ Ngũ đại châu, trên một tờ giấy tây lớn, rồi tô mầu. Một đám thanh niên Nho học năm sáu anh đứng chung quanh coi. Dụng cụ học sinh chưa có đâu bán nhiều, nhất là bút chì mầu mực mầu, chưa có. Tuấn mài củ nghệ làm màu vàng, hái một nắm lá ớt xanh đâm thật nhuyễn trong chén rồi nhỏ vào vài ba giọt nước lạnh để làm mầu xanh lục, lấy năm sáu bao nhang ngâm nước rồi vắt ra làm mầu đỏ. Tuấn đã biết trông mầu xanh và mầu đỏ làm mầu tím và mài son làm mầu gạch. Tuấn lấy bút nho tô lên bản đồ Thế giới có đủ châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ, châu Úc, thành ngũ đại dương rực rỡ năm mầu.

Nhiều người trông thấy đẹp, tuy không hiểu gì cả, nhưng cũng bảo Tuấn vẻ cho mổi người một bản, tô mầu, đề chữ Quốc ngữ, và họ ghi chữ Hán một bên, đem về nhà dán trên vách tường để coi chơi. Như một thầy giáo, trò Tuấn giảng cho mọi người nghe : trên hoàn cầu có năm châu, và nước " An Nam " ở về châu Á... Ai nấy nghe mê.

Mực viết, mà mọi người gọi là "mực tây " cũng rất hiếm. Chỉ có vài nhà hàng " các chú " bán nhưng giá rất mắc, và chỉ có mỗi một thứ mực tím mà thôi. Không hiểu tại sao mưc xanh và mực đỏ không có. Mực tím nước mỗi ve ( mỗi bình ) vuông vức và nhỏ, một bề độ ba phân, giá bán 3 tiền một ve, mực bột, (chưa có mực viên ) thì 1 tiền một gói nhỏ đủ hoà ra được một bình.

Nhà Tuấn nghèo, không có tiền mua mực, Tuấn đi dạo khắp trong tỉnh thành, xem những nhà nào có trồng bông bụt ( tiếng Bắc gọi là hoa dâm-bụt ), lén hái hoặc xin, đầy một thúng. Về nhà, Tuấn ngắt cuống, bỏ bông vào một nồi nước đun trên bếp lửa.

Mẹ Tuấn hỏi :

- Nấu bông bụt làm chi vậy con ?

- Dạ, thưa mẹ, con bắt chước học trò ở Huế nấu mực tím, khỏi tốn tiền mua mực tây.

Tội nghiệp Tuấn. Mùa nắng nực, buổi trưa oi ả mà Tuấn cứ phải ngồi chụm lửa, và cầm ống dang thổi mãi cho lửa cháy phừng phực để nước mau sôi. Tuấn mình mẩy ướt đẫm mồ hôi như tắm mà cứ ngồi lì bên bếp lửa, tay cầm đôi đũa xáo trộn không ngớt những cánh bông bụt cho chín đều, cho thật nhuyễn...Nước sôi sùng-sục, khói toả nghi ngút làm cay mắt Tuấn, nước mắt nước mũi chảy lòng thòng. Một lúc lâu, nước cạn còn độ một tô TUấn mới bằt nồi xuống, đem ra ngoài cửa có gió mát, ngồi chờ cho nước nguội. Tuấn lấy đũa vớt xác bông bụt bỏ đi, rồi nghiêng nồi nước đổ ra tô. Tuấn vui mừng, reo lên :

- Mẹ ơi, mẹ. Ra coi con nấu được mực rồi đây nè !

Thím Ba ở nhà trên đang gọt khoai lang, liền bỏ dao trong thúng chạy xuống cửa bếp để mà coi. Thím cũng vui sướng và ngạc nhiên thấy một tô mực tím, mầu tím-rịm đẹp quá ! Một hơi khói nhẹ còn bay lên từ tô mực phảng phất một mùi thơm. Tuấn cười bảo :

- Mẹ ơi, mầu tím này giống như màu áo của các cô gái Huế !

Thím Ba cười, nhổ một phẹt nước trầu ngoài sân rồi co ngón tay chọi trên đầu thằng con trai một cú, nói đùa với nó :

- M...C...mầy ! Coi chừng chớ làm như câu hát hò :" Học trò trong Quảng ra thi, thấy cô gái Huế mà đi không đành ", thì chết đó, không nghe con !

Tuấn tủm tỉm cười, đưa bàn tay lên xoa trên đầu chỗ mẹ mới cú chơi mà đau điếng. Rồi Tuấn bảo :

- Mẹ ợi, con gái Huế, họ mê con chớ con không mê họ đâu.

- Thiệt không !

- Dạ thiệt.

- Ừ, được đó. Con học sao cho đỗ Trạng Nguyên, Tiến Sĩ, rồi cưới con gái Vua. Chớ ở tỉnh mình đây, thằng Ký Thanh đỗ bằng ri-me lên làm được chức thầy Ký ở Toà Ông Sứ, rồi lấy cô Ba Hợi, con ông Bá Hộ, mà hai vợ chồng nó làm phách quá, nội cả tỉnh với làng phố này ai cũng sợ, mà ai cũng ghét ! Mầy cưới công chúa ở Huế về đây thì nó mới hết hồn.

Tuấn khẽ trút tô mực tím vào một chai không, độ một lít, còn dư một chút đủ rót vào bình mực nhỏ. Tuấn vừa làm vừa nói với mẹ :

- Mẹ muốn con cưới công chúa, thì con sẽ cưới con gái vua Duy-Tân.

Thím Ba hốt hoảng, liền bỏ nhỏ trong tai con :

- Con đừng nói tới vua Duy-Tân, bị bò tù chết cha !

Mẹ Tuấn trở lên nhà trên. Tuấn ngồi ngạch cửa bếp lặng lẽ nhìn mây gió, và nghĩ đến vụ Hoàng Đế Duy-Tân...Mặt Tuấn bổng xầm lại, Tuấn hãy còn nhỏ tuổi, thế mà đa cảm, đa sầu. Nhớ vua Duy-Tân bị bắt đi đày. Tuấn rưng rưng hai ngấn lệ..

giavui
06-25-2014, 05:12 PM
CHƯƠNG 3. 1916

- Người Pháp mộ lính sang Pháp đánh giặc Đức.

- Áp-phích " Rồng Nam phun bạc " của Phạm Quỳnh

- Một vụ ăn hối lộ đầu tiên của công chức làm việc cho Tây

- Có người ăn hối lộ và người bị hối lộ đều làm tiệc ăn mừng

- Ba chàng trai tráng tình nguyện đi lính qua Tây, kỳ Đệ Nhất Thế Chiến 1914-1918

- Ông Ách đi Tây về

- Đồng tiền kẻm của Vua An Nam. Đồng xu và đồng bạc của Bảo Hộ Pháp

- Lính " Phú lít " An Nam. (Cảnh sát)

Tuấn đang học lại bài, nằm trên chiếc chiếu trải ngoài vườn, bên gốc cây mít. Lá mít rụng đầy chung quanh, lá úa đỏ. Trời vừa chạng vạng. Một con chim chìa vôi bay đậu trên sân, nhẩy hai ba bước, đuôi dựng lên, y như chiếc chìa vôi cắm trong miệng bình vôi. Gió mát. Tuy là cảnh phố phường, ở ngay tỉnh lỵ, mhưng yên lặng, vì không có tiếng xe, ít có tiếng người, không ồn ào náo nhiệt. Bổng con chó Vện nằm cạnh chân Tuấn sủa lên mấy tiếng. Tuấn ngó ra cổng. Chú Thập Điều từ ngoài bước vào, vừa đi vừa hỏi to :

- Có cậu Khoá ở nhà hông ?

Tuấn ngồi dậy lên tiếng :

- Gì đó chú Thập ?

- Chú với dượng gì ! Làng mời cậu ra đình, coi dùm tờ giấy của cụ Lớn trên tỉnh gởi về, bằng chữ Quốc ngữ. Không ai đọc được hết trọi hết trơn...Thầy Xã nói hoạ may có trò Chuột hiểu được cái thứ chữ đó, chớ ai mà hiểu. Thầy Xã sai tui vô mời trò ra coi giùm, gấp gấp !

Thím Ba từ trong nhà, bước ra sân, hỏi :

- Gì đó chú Thập ? Sao hổng vô nhà uống nước, ăn trầu đã ?

- Dạ thôi, thím Ba...Có việc gấp, thầy Xã biểu mời cậu Chuột ra đình coi giùm cái tờ giấy gì đó của tỉnh gởi về. Một tời giấy in chữ Quốc ngữ thiệt lớn, có vẽ con Rồng...

Thím Ba gọi Tuấn :

- Con vô mặc áo dài, đi con.

- Dạ.

Đến đình làng, Tuấn đước mấy ông Hương chức niềm nở mời ngồi trên ghế tràng kỷ, và đưa " cậu Khoá " xem hai tờ giấy in to tướng. Một tờ in chữ quốc ngữ dầy đặc, có một tựa thật lớn và một giòng chữ Hán bên cạnh, nhan đề :

" Trung Kỳ Bảo Hộ công báo "

Một tờ in hình một con Rồng vàng phun những đồng bạc trắng, trên đầu bức vẽ có in hai giòng chữ quốc ngữ nét đậm màu đỏ :

" Rồng Nam phun bạc,

Đánh đuổi Đức tặc " ( hai câu này của Phạm Quỳnh ở Hà Nội đặt ra.)

Tuấn đọc to lên cho cả làng nghe. Tờ " Trung Kỳ Bảo Hộ công báo " là một tờ báo của Toà Khâm Sứ ở Huế gởi đi các tỉnh, tỉnh gởi về Huyện, Huyện gởi về các làng. Tờ báo đăng tin Nhà nước bảo hộ Pháp-lang-sa đang đánh giặc với Đức, tức là nước Phổ-lô-si ( phiên âm chữ Prusse, Đức phiên âm chữ Deutsch ). Đức là một nước " dã man, tàn bạo ", bị Pháp-lang-sa đánh thua liểng-xiểng, binh lính Đức chết vô số, có cả hàng ngàn, hàng vạn, v.v... Nhưng trận giặc còn lâu dài, cho nên " dân An Nam nhờ nước Phap-lang-sa bảo hộ, phải quyên tiền và đem binh lính sang Pháp để đánh lũ giặc Đức mọi rợ...v.v... Quyên tiền bạc bằng cách mua " Phiếu Quốc Trái ", nghĩa là dân bỏ tiền ra mua Phiếu quốc trái, cũng như cho Nhà Nước Bảo Hộ vay, mỗi năm tính lời vv... Bức vẽ " Rồng Nam phun bạc " cổ động cho phiếu quốc trái, con Rồng " An Nam " phun bạc ra như thế để " đánh đuổi giặc Đức. Lúc bấy giờ Đức chiếm cứ cả miền Đông nước Pháp, gồm hai tỉnh Alsace - Lorraine, và hăm doạ tiến vào kinh đô Paris.

Dân làng, bất luận giàu, nghèo, đều phải góp tiền để mua Phiếu Quốc Trái. Hơn nữa, làng phải mộ dân tình nguyện đi lính sang Pháp để " đánh đuổi giặc Đức ".

Sự thật, không có dân nào tình nguyện cả. Sau cùng làng xã phải bắt ép hai cậu thanh niên khoẻ mạnh, gọi là tráng đinh. Một người tên là Năm Xin, con Bà Trác goá chồng, nhà nghèo xác nghèo xơ. " không có miếng đất để cắm dùi ". Người nữa là chàng nho sĩ, học trò cũ của ông Tú Phong, bấy giờ thôi học, lo làm ruộng.

Hầu hết lớp " lính tình nguyện " nầy ở khắp xứ Trung Kỳ, cũng như ở Bắc Kỳ, Nam Kỳ đều là thanh niên nho học từ 21,22 đến 24,25 tuổi.

Phong trào mộ thanh niên đi tùng chinh sang " Mẫu Quốc " là một dịp cho các quan An Nam từ quan tỉnh xuống quan huyện, cho đến các ông hương, ông xã trong làng, đòi ăn hối lộ. Một số đông các ông này chơi ác, cứ nhè bắt bọn thanh niên trai tráng con nhà giàu, đi tùng chinh. Thế là các bậc cha mẹ phú hộ phải đem của tiền lo lót, cho con khỏi đi. Phải lo lót Xã một phần, lên lo lót Huyện một phần, rồi lo lót các cụ lớn trên tỉnh nữa. Về thực tế, phải nhìn nhận rằng các quan lại người Pháp không bao giờ ăn hối lộ trong vụ này, và họ hoàn toàn không biết một tí gì về cái thói hối lộ của quan An Nam.

Hối lộ gần như công khai. Nhà giàu đua nhau nhờ cậy chổ này chổ nọ, chạy chọt ông này ông kia, bán cả ruộng đất, nhất là con trai trưởng trong gia đình, khỏi bị bắt " tình nguyện " đi lính sang Pháp.

Thầy Ký Thanh nhờ làm thư ký Toà Sứ, cũng biết chụp cơ hội để làm giàu một vố lớn. Thầy biết trong xóm Cửa Bắc, có một ông nhà giàu, chủ một chiếc ghe bầu thường đậu ở bến Tàm Thương, và tháng nào cũng đi buôn nước mắm và muối ở miệt Phan Thiết. Ông này có ba con trai, mà người con trưởng đã có vợ, lại đỡ đần hết mọi việc gia đình cho ông, vì ông đã già yếu. Ký Thanh cho người mời ông đến nhà, để bảo với ông :

- Cụ Lớn Công Sứ biết ông có ba người con, nên cụ lớn biểu tôi làm giầy bắt cậu Hai đi lính sang Mẫu Quốc đánh giặc.

Chỉ một câu thế thôi. Thế là ông chủ ghe bầu thì-thầm, thì-thụt, khóc lóc năn nỉ thầy Ký, " tay chưn của cụ Sứ ". Suốt nửa tháng trời, hai cha con điều đình, vận động với thầy Ký. Rốt cuộc có kết quả mỹ-mãn : sẽ không có giấy của " cụ Sứ " bắt cậu Hai đi lính. Một buổi tối ông chủ ghe bầu và con trai của ông, khăn đen áo dài, bưng đến nhà thầy con gà mái tơ, một con gà chai rượu, một cặp trà, hai chục trứng vịt, một quả nếp, một trăm quan tiền, và một nén vàng !

Ký Thanh khoe với vợ --Ba Hợi phu nhân, -- vợ nhoẻn miệng cười duyên :

- Đó là Thầy làm ơn làm phước cho người ta. Người ta đền ơn Thầy như vầy là ít đó.

Hôm chủ nhật, hai vợ chồng làm tiệc mời các bạn đồng liêu trong Toà Sứ đến ăn một bửa no say, nói là ngày giổ ông Nội.

Hai cha con ông chủ ghe bầu hú hồn hú vía ! Cha khỏi bị lìa con, con khỏi bị xa nhà, xa vợ, cũng lật đật làm bửa tiệc cúng Ông Bà và cúng cô hồn. Làng xã được mời đến dự tiệc, được một bửa say tuý-luý. Rốt cuộc ai cũng vui vẻ cả ! Chỉ có ông Sứ - cụ Lớn Sứ - hoàn toàn không biết một tý gì về vụ này, và không được ai mời uống rượu !

Trong làng sở tại của Trần anh Tuấn, lúc đầu tiên có hai người thanh niên khoẻ mạnh, gọi là tráng đinh, bị bắt " tình nguyện " tùng chinh sang Pháp. Sau, quan binh buộc làng phải bắt thêm một người nữa. Cả thảy là 3 người :

- Năm Xin, con bà Trác.

- Hai Ngoạn, con chú Đẹp.

- Hai Tạ, con ông Bằng.

Cả ba đều là nhà nghèo, nghèo rớt mồng tơi, nghèo sát đất, nghèo mạt tệ. Vì lớp thanh niên nhà giàu, hoặc nhà khá giả, hoặc con trai các vị hương chức, đều nhờ hối lộ, và nhờ có quyền thế, đã được miễn tùng chinh. Sót lại ba anh chàng này không có miếng đất cắm dùi, cho nên phải đi lính " tình nguyện " qua " mẫu quốc " đánh giặc " Phổ Lổ Sĩ ".

Nói là qua " mẫu quốc " đánh giặc, nhưng sự thật thì qua bên đó nhập vào một đơn vị gọi là " đoàn quân thuộc địa " chỉ dùng riêng vào việc vận tải lương thực ở hậu tuyến mà thôi. Một số bị bắt ra mặt trận, nhưng cũng chỉ là khiêng vác các khẩu súng lớn, đẩy các cổ đại bác và đào hầm trú ẩn. Chẳng có một người " lính thuộc địa " nào, nhất là lính " Tirailleurs Annamites " được cầm súng đánh giặc cả.

Gia đình của ba chàng thanh niên trong làng sở tại của Tuấn bị bắt đi tùng chinh bên Pháp đều có làm cơm cúng ông bà, và cúng ông Thần làng, trước hôm họ từ giã ra đi. Tội nghiệp nhứt là bà Trác. Bà khóc nức nở vì bà đã goá bụa, mà Năm Xin lại là con một của bà, " như hũ mắm treo giàn bí ". Mấy ông hương chức bắt cậu đi tùng chinh qua Tây kể cũng thật là ác ! Họ chẳng thương hại cho hoàn cảnh của bà Trác một chút nào ! Nhưng Năm Xin nói với mẹ : " Mẹ đừng có lo, Nhờ Trời che chở cho con được bình an vô sự, con đi lính sẽ đóng lon Cai, lon Đội, con được hàm Bát Phẩm, Cửu Phẩm, rồi con về làng con được ăn trên ngồi trước, con sẽ bỏ tù hết cả làng cho mẹ coi ! "

Năm Xin không có học chữ Nho, dốt đặc như cán cuốc, cho nên chàng nói nôm na mánh qué như thế, vậy mà mấy ông làng nghe cũng hơi ơn ớn.

Hôm bà Trác mua một con gà giò về làm thịt nấu cháo để cúng ông bà, cậu Năm Xin có nằn -nì mẹ mua cho cậu một tiền rượu, trước là để cúng sau là để cậu uống một bửa cho thoả thích. Uống rượu say, cậu la hét một mình, cả làng xóm đều nghe : " Rồi coi chừng thằng Năm này, nghe không. Tao đi đánh giặc cho Vua nước Đại Pháp, biết đâu chừng Vua Đại Pháp thăng cho tao chức Lãnh binh, Thống chế, rồi tao sẽ cho bà con giòng họ tụi bay đi ở tù hết ! Nghe chưa tụi bay ? Đó là tao nhơn đức đó, không thì tao giết hết không còn một mạng à ! ".

Năm Xin mượn hơi rượu để hăm doạ các ông Hương Xã, trước hôm y ra đi tùng chinh, thế mà đã có kết quả ngay ngày hôm sau : Lúc giờ Mẹo, chàng xách gói ra đi, cả làng cả xóm đều đến vuốt ve, dua nịnh, sốt sắng chúc chàng : " thượng lộ bình an ". Ai nấy cũng nghĩ thầm : biết đâu chừng sau này hết giặc, nó sẽ trở về làm tới Lãnh binh, Thống chế !.

Hai vợ chồng ông Bằng, thì bà khóc nhưng ông không khóc. Vì Hai Tạ tuy cũng là con một trong gia đình, nhưng cậu ngỗ nghịch quá xá, lại cờ bạc rượu chè, bỏ nhà đi chơi luôn. Ông ghét nó lắm. Ông muốn thằng con ông đi lính qua Tây cho khuất mắt ông. Qua bên đó đánh giặc thế nào nó cũng chết, ông nghĩ thế. Ông sẽ cưới bà vợ bé, sanh thằng con trai khác để nối giòng nối dõi.

Trong ba chàng thanh niên tùng chinh, chỉ có Hai Ngoạn là có chút ít học thức. Chàng là học trò của ông Tú Phong, dồi mài kinh sử đã lâu, nhưng số phận hẩm hiu, đi thi kỳ nào cũng hỏng, hoặc phạm trường quy bị đánh rớt. Sức học của cậu có kém gì mấy ông Tú Tài, Cử Nhân, nhưng lều chõng mấy phen mà bạch thủ vẫn hoàn bạch thủ, đành cu rú ở nhà, vô tích sự. Chàng có hơi thất chí, nhưng vẫn kiêu căng tự đắc, lúc nào cũng cho mình là một sĩ phu chưa gặp thời đó thôi. Bị làng bắt đi lính sang Pháp-lang-sa, Hai Ngoạn nghĩ rằng thời của chàng đã đến. Đây là cơ hội đễ chàng tiến thân. Chàng xổ một mớ chữ Nho, nhớ câu trong sách :

" Đại trượng phu xử thế đương tảo trừ thiên hạ, an sự nhất thất ? " (Người trai ở đời phải quét sạch cả thiên hạ, há lẽ chỉ quét một cái nhà thôi ư ?)

Kể ra chàng cũng có cái khí khái của con nhà Nho dở mùa, nhưng chàng rêu rao có hơi sớm.

Ba nhân vật trên đây có thể nói là điển hình. Họ tiêu biểu ba hiện tượng tâm lý của lớp thanh niên An Nam tùng chinh sang Pháp trong trận Đệ nhứt Thế chiến,1914-1918.

Một hạng có mộng làm lớn để trở về hách dịch với đồng bào, và một hạng ưa phiêu lưu, cả hai đều là những kẻ ít học. Hạng thứ ba nuôi đầy triết lý Nho giáo nhưng áp dụng không đúng với tư tưởng, làm nô lệ cho người mà vẫn hãnh diện tưởng đóng vai trò anh hùng của thời thế.

Tất cả thanh niên tùng chinh ở Trung Kỳ, 21 đến 24 tuổi, đều được lịnh đến trình diện tại đồn lính Khố xanh ở các tỉnh, rồi từ tỉnh họ được chở đi tập trung tại Huế, đợi tầu sang Pháp. Đã có một lớp lính mới được đưa ra Huế đầu tiên, mấy tháng trước, và được huấn luyện rồi. Nhưng phần đông số lính này lại được nhà cách mạng Trần cao Vân tuyên truyền bí mật theo phong trào khởi nghĩa của Vua Duy-Tân, và đã sẵn sàng làm nội ứng. Cuộc khởi nghĩa DuyTân thất bại, các đoàn lính tình nguyện kế tiếp đều bị kiểm soát thật chặc chẽ, và bị đề phòng gắt gao.


Sau bốn năm liên tục học ở Huế, và thi đỗ bằng Thành Chung, tháng 6 năm 1918, Trần anh Tuấn về tỉnh nhà được đặc biệt bổ làm thông ngôn ở Toà Sứ. Năm sau, 1919, ba chàng thanh niên đi tùng chinh kia cũng được từ Pháp hồi hương, bình yên vô sự.

Cả ba đều vui mừng và hãnh diện. Tính tình cử chỉ ngôn ngữ của họ đều có nhiều sự thay đổi. Nhưng ba giấc mộng tang bồng hồ thĩ đều không thành đạt như sỡ nguyện.

Năm Xin không được làm quan Lãnh binh, quan Thống Chế, mà chỉ là chú lính binh nhì. Đàn bà con nít trong xóm làng và trong thành phố nghe chú nói tiếng Tây rằng chú là lính " đơ-dèm cờ-lát " (2è classe ) họ cười rộ lên, và gọi ngạo chú là " đơ-dèm cùi bắp". Bọn con nít gọi chú là " đơ-dèm cù-léc ". Nhưng chú vẫn khoe khoang suốt ngày mang " đôi giầy lính tây " đi vênh vang ngoài phố nện gót giầy độp độp... Ba tháng sau, chú xin vô làm " bồi " cho ông Giám binh và nói rặc " tiếng bồi ". Bà đầm sai chú ra chợ mua đồ, chú cũng nói " tiêng Tây " với mấy bà bán ngoài chợ :

- Bán cho tui cách ớp-đờ-cà -na ( 4 trứng vịt ). Tiếng Pháp canard là con vịt đực, cane là con vịt cái, nhưng chú bồi Năm Xin chỉ biết ca-na là con vịt, thành ra chú vẫn quen miệng nói :" ớp-đờ-cà-na, 4 cái trứng vịt.

Mấy ông làng sở tại thấy Năm Xin đi lính bên Tây chỉ là tên lính " đơ-dèm cùi-bắp " nên họ vững lòng khỏi sợ y thù oán. Nhưng Năm Xin vẫn hách dịch như thường. Mỗi khi làng có cúng tế ở Đình, Năm Xin diện bộ đồ " Sơn đá "cũ mèm, đến Đình ngồi ngang hàng với các vị hương chức. Họ vẫn sợ chú, vì chú là " bồi " của quan Giám binh. Chú có thể dựa thế quan Tây để bắt nạt làng xóm.

Hai Tạ, con ông Bằng, thì đước đóng lon cai. Chàng đã 23 tuổi và được ông Công Sứ cho làm cai " Phú-lít " ( Police) lính cảnh sát. Cả ngày chàng cầm cái roi mây đi các đường phố trong tỉnh, ghé vô chợ, vô các tiệm, nạt nộ người nầy, hăm doạ người kia, và mua hàng hoá không trả tiền. Nhưng không một chủ tiệm nào dám đòi, kể các tiệm " các chú " và tiệm An Nam ". Thường dân trong thanh phố hay bị chàng đánh hoài, ít người dám kêu-rêu.

Chàng sả roi mây vào đầu người ta, quất vào vai, vào mông đít, ít người dám kêu-rêu. Vì tội người ta không dở nón chào " thầy Cai " hoặc lỡ miệng gọi chàng là "chú Cai"

Hai Ngoạn, bậc " đại trương phu " môn đệ của Khổng giáo, đi lính cho Tây được đóng lon Ông Ách (Adjudant ), tức là ông Quản. Nhưng chàng ta bị điên, vì có lần chỉ huy một đoàn quân An-Nam-mít vận tải ra mặt trận bị một trái phá đại bác của Đức rơi nổ bên cạnh, chàng xiêu hồn lạc phách rồi từ đó trở thành điên luôn. Về tỉnh nhà, chàng vẫn còn loạn óc, tuy trai trẻ, mạnh khoẻ, và khá đẹp trai. Chàng mới có 24 tuổi. Người ta thường gặp ông Ách vác một cây gậy trên vai, giả làm như cây súng, đi lang thang trong tỉnh, trong làng,vừa đi vừa hô lên một mình :" Ấc, đơ... Ấc, đơ !... Ấc, đơ !...(một, hai ! một, hai ! ). Có khi chàng cột một tấm giẻ rách, màu xanh, hoặc màu đỏ trên đầu cây gậy, làm như lá cờ. Tụi con nít sợ " ông Ách " lắm. Chàng đi tới đâu, tụi nó trốn tới đó, không một đứa nào dám ló mặt ra. Ông Ách không hề sợ một ai hết thẩy. Ông chỉ sợ mỗi một thứ mà thôi : ông sợ tiếng nổ. Mấy ngày Tết, nhiều nhà đốt pháo, Ông Ách nghe tiếng pháo nổ, vội vàng chạy trốn, tìm chổ chui núp, bất cứ đang ở đâu.

Ông Ách thường ưa gặp Trần anh Tuấn, bấy giờ đã thành ra thầy Phán Tuấn. Hể gặp, là ông Ách xổ tiếng bồi :

- Me xừ Phán Tuấn ơi, nè luỷ, tồm-bê côm xà : Bùm ! Bùm !

Tuấn cười hỏi :

- Cái gì bùm, bùm ?

- Cái ô-buýt đại cà-nông luỹ kêu Bùm ! Bùm ! Chớ cái phuy-di thì luỹ kêu : pầng ! pầng !

Rồi ông Ách cười :

- Vậy mà moã ya-na-pa-pơ ! ( tui không sợ ! )

Ông Ách lại cười ha hả, đưa tay lên chào Phán Tuấn theo kiểu nhà binh, rồi đi. Chàng thanh niên loạn óc nầy cứ đi lang thang như thế suốt ngày, ban đêm bạ đâu ngủ đó...

Ông Ách tuy vậy vẫn không làm hại ai. Chỉ có tụi trẻ nít là sợ ông, sợ ông ghê lắm, nhưng sợ vì thấy ông điên điên khùng khùng chứ sự thật ông đâu có doạ nạt con nít. Ông chỉ cầm gậy đuổi đánh đứa nào chọc ghẹo ông.

Chúng nó sợ ông Ách đến nỗi mỗi một khi có đứa nhỏ nào khóc, người lớn chỉ doạ nó một câu : " Nín đi, ông Ách đến kia-kìa ! " là nó nín ngay tức khắc, mắt ngơ ngác nhìn xem ông Ách ở đâu...Hoặc chúng nó đang chơi ngoài đường, vui vẻ, bổng có đứa nào nói gạt :" Ông Ách kìa, tụi bay ơi ! " thế là cả bọn chạy biến đi mất tiêu, đứa vụt vào nhà đóng cửa lại, đứa trốn ngoài bụi, đứa chui xuống gầm giường, đứa nấp sau gốc cây.

Người lớn thì trái kại, thích gặp ông Ách để gợi chuyện cho ông nói nghe chơi. Ông nói cả chữ Tây lẩn chữ Nho. Vì ông xuất thân là con nhà Nho, lại sang Pháp học lỏm được một mớ tiếng Tây ba-rọi đem về làm quà cho bà con trong tỉnh. Điên thì điên, nhưng mỗi tháng đúng ngày, ông Ách vẫn nhớ lên Toà Kho Bạc để lãnh tiền cấp dưỡng của Nhà nước, hình như được đâu một đồng bạc. Thời bấy giờ, trong nước ta thông dụng hai thứ tiền tệ : của " chính phủ bảo hộ ", thì bạc đồng, bạc cắc, và xu ( chưa có giấy bạc ). Vua ta thì có tiền.

Đồng bạc tròn, dầy độ 1 millimètre, đúc bằng bạc thật 9 phần 10, nặng trên 27 grammes, ở giữa có hình nổi một bà Đầm Marianne, tượng trưng cho nước Pháp, trên đầu bà có một vòng tủa ra nhiều tia nhọn. Không hiểu sao dân chúng thường gọi " Đồng Bạc Bà Đầm Xoè ".

Đồng xu thì bằng đồng, ở giữa có lổ nhỏ để xâu, chung quanh cũng có in chữ nổi :" Indochine Francaise " ( Đông Dương của Pháp ) như đồng bạc.

Tiền của Vua có hai loại :" Tiền ăn sáu " và " Tiền ăn ba". Một đồng tiền ăn ba cũng được gọi là " đồng điếu " là đơn vị tối thiểu của đơn vị tiền tệ thời bấy giờ. ( Nghèo không có đồng điếu, nghĩa là nghèo xơ nghèo xác, nghèo mạt tệ ). Mười đồng tiền ăn sáu hay là 20 đồng tiền ăn ba, tức là một tiền. 10 tiền ăn sáu hay là 20 tiền ăn ba cột lại với một lật tre, thành một quan tiền. Hầu hết trong dân chúng đều dùng : Loại Tiền ấy. Tiền đúc niên hiệu Gia Long thông bảo, Minh Mạng thông bảo, Thiệu Trị thông bảo, Tự Đức thông bảo v.v....

Chỉ có một số ít nhà giàu, hoặc khá giả, mới có bạc đồng. Buôn bán tại các chợ, hoặc trong các tiệm, hầu hết là bằng tiền.

Ông Ách lãnh lương của Nhà nước Bảo-hộ cấp dưỡng bằng bạc đồng. Ông đem bạc ra tiệm " các chú " đổi thành tiền. Ông cất tiền trong một cái gói vải nhuộm màu đỏ, mà ông thường đeo lủng lẳng trên vai. Không ai biết số tiền ấy ông đem cho ai, hay ông làm gì, mà tháng nào cũng vậy, cứ vài ba ngày sau hôm lãnh tiền là ông không còn một đồng điếu. Rồi ông cứ đi ăn xin của người ta.

Thầy cai phú-lít Hai Tạ, con ông Bằng, ăn lương cũng một đồng, nhưng chàng ta nhờ tiền hối lộ, và các của phi nghĩa giành giựt của thường dân, nhất là của những người buôn bán nên chàng có rầt nhiều tiền.

Cả tỉnh chỉ có hai thầy cai phú-lít. Gọi là thầy cai cho oai, chớ sự thực là lính, tức là lính cảnh sát. Chân đi đất, mặc áo cụt trắng hoặc đen, quần vải ta, thắt dây lưng đỏ tòn-ten dưới bụng. Y-phục của người lính phú-lít An Nam năm 1900-1924 cũng y như của thường dân. Chỉ khác hai món đề phân biệt : người lính có nón gù đội trên đầu và chiếc roi mây luôn luôn cầm nơi tay. Không có súng lục. Cũng không có dùi-cui. Chỉ có cây roi bổn mạng, dùng để đánh đập người ta. Chú nông dân nghèo và không có học, trước đó hai năm chỉ đi vác cờ, đánh trống, chạy hiệu cho làng, bầy giờ đi " tùng chinh" bên nước Đại Pháp trở về được " quan thầy Dại Pháp " cho làm lính " phú-lít ",cả làng cả tỉnh đều sợ hắn như sợ cọp. Ông Làng, ông Xã đều gọi hắn bằng "Thầy Đội ", "Thầy Cai ". Hắn vào nhà ai, chủ nhân phải mời hắn ngồi trên ghế tràng kỷ, mời trầu, mời nước, dạ dạ, thưa thưa. Hắn, cũng như chàng Năm Xin " đơ-dèm-cùi-bắp " đi lính bên Tây về làm bồi cho ông Giám binh, đều hách dịch như nhau cả. Hai người đều nói tiếng bồi để loè với dân chúng à các cô thôn nữ. Họ chưng " địa vị " bồi Tây và lính Cò để hiếp đáp bà con hàng phố, nạt nộ dân làng dân tỉnh.

Ở trong đồn Lính Tập, bà Đầm và ông Giám binh sai Năm Xin giặt quần, giặt váy ; ở Sở Cò thì ông Cò Tây chửi Hai Tạ là cu-son, con heo,mẹc, xà-lù, con bò...Thế mà về làng, hai chàng thanh niên này nịt bộ đồ lính Tây rách vá, mang đôi giày lính Tây há mồm, ung dung đến Đình làng vẫn muốn ăn trên ngồi trước, ngang hàng với các cụ bô lão, rồi uống rượu say sưa, xổ tiếng bồi làm ngơ ngác cả làng...

Đấy là thành tích của số đông các chàng trai " An Nam " đã tùng chinh bên Pháp được trở về quê nhà sau trận giặc Pháp -Đức 1914-1918.

giavui
06-25-2014, 05:12 PM
CHƯƠNG 4. 1916-1920

- Học trò các trường Nhà Nước đã đông.

- Chữ Quốc-ngữ đã thông dụng. Chữ Hán đã bắt đầu bị chữ Quốc-ngữ và chữ Pháp thay thế.

- 1919, Sắc chỉ của Vua bãi bỏ các kỳ Thi Hương, Thi Hội (Hán-học).

- " Đèn Huê-kỳ ".

- Đèn đá ngoài đường.

- Xe kéo của Quan Tuần-Vũ.

- Học trò đi dự lễ tế Đức Khổng-Tử.

- Dân chúng rủ nhau đi xem chiếc máy bay đầu tiên của Pháp xuất hiện trên vòm trời Việt-Nam.

Trần anh Tuấn đỗ bằng Thành Chung trường Quốc Học Huế tháng sáu năm 1918. Chàng mới có 16 tuổi. Kể từ lúc 8 tuổi cặp sách đến trường tỉnh học lớp Năm, cho đến bây giờ thi đỗ "diplÔme", chàng đã học được chín năm,và sức học Pháp ngữ của chàng cũng đã khá vững rồi. Tuấn chưa đến tuổi trưởng thành, nhưng lúc bấy giờ Tuấn thuộc vào lớp " trí thức " do học trường Pháp mới đào tạo để làm việc cho Nhà nước Bảo-hộ. Riêng ở tỉnh nhà, Tuấn là người đầu tiên thi đỗ bằng " Diplôme" ở trường Quốc học Huế. Cho nên Tuấn được tiếng tăm là một tay " học thức cừ khôi " nhất trong tỉnh, và được ông Công Sứ Pháp, chủ tỉnh, rất thương mến.

Bạn học cũ của Tuấn ở trường tỉnh, thi đỗ bằng sơ học đều được bổ dụng làm việc ngay tại các Sở : Lục lộ, Kiểm lâm, Giây thép, nhà thương, kho bạc, v.v... Với sức học còn ít oi, tiếng Pháp viết chưa đúng mẹo, nói chưa đúng câu, hiểu chưa hết lời, các bạn thiếu niên ấy vẫn được tạm bổ dụng tại các cơ sở mới vừa thiết lập, và vẫn làm được những công việc thường, do các "quan tây " chỉ bảo lần hồi. Riêng Trần anh Tuấn được ưu đãi, nhờ học lực của chàng. Chàng được ông Sứ tin dùng, cho lên ngay địa vị " Thông Phán hạng nhứt ", còn Ký Thanh trước kia là người thân tín của " cụ Lớn Công Sứ ", bây giờ chỉ còn làm thơ ký thường thôi.

Tuấn và Thanh, tiêu biểu cho hai hạng thanh niên " trí thức " Việt Nam thời bấy giờ, tuy cũng là những phần tử trước tiên do học đường Pháp đào tạo,cũng bỏ Hán-học nhẩy qua Tây-học, cũng ra làm việc cho " nhà nước bảo hộ ", cũng dần dần theo nếp sống của " văn minh Pháp ", nhưng " đầu óc " của hai người vẫn khác nhau như mặt trời mặt trăng. Lê văn Thanh, thì các bạn đã biết rồi. Từ tư cách, cử chỉ, hành vi,, ngôn ngữ, chàng đã tỏ ra là một kẻ hoàn toàn xu phụ theo Tây, dựa vào thế lực của Tây để hiếp đáp đồng bào, để ăn hối lộ và hách dịch với mọi người. Cả thành phố, và cả tỉnh, ai cũng sợ, nhưng ai cũng ghét.

Trần anh Tuấn thì khác hẳn. Tuy là con nhà nghèo - cha làm nghề thợ mộc - và tuy được" quan Sứ " tin cậy và thương mến vì học lực của chàng tương đối khá hơn cả trong tỉnh, thông thạo tiếng Pháp hơn, và có nhiều khả năng hơn, nhưng chàng không vì thế mà hãnh diện. Trái lại, Trần anh Tuấn luôn luôn vui vẻ, nhả nhặn với mọi người, làm việc rất thanh liêm, hành vi và ngôn ngữ lúc nào cũng trung thực và sẵn sàng chỉ bảo, giúp đỡ, bao bọc cho dân chúng mỗi khi họ có việc phải đến " hầu Toà ".

Về bề ngoài, ai cũng phải công nhận " thầy thông Phán Tuấn " là một người rất hiền lành, tử tế. Từ " quan Công Sứ ", quan Phó Sứ, các quan An Nam cho đến cả ông Hương, ông Xã khắp các phủ huyện trong tỉnh, và những anh " dân quê ", tất cả đều có cảm tình với Trần anh Tuấn. Được người trên thương, kẻ dưới trọng. Thấy Phán Tuấn vẫn không bao giờ lấy đó làm hiêu-hiêu tự đắc đối với các bạn đồng nghiệp trong Toà, hay là bất cứ với ai.

Hơn nữa, trong đầu óc Trần anh Tuấn, có những ý nghĩ thầm kín mà không mấy khi Tuấn muốn thố lộ ra ngoài. Nhờ có đi học ở Huế, và nghe biết rõ nhiều chuyện về Vua Hàm-Nghi, và Vua Duy-Tân, cả hai bậc Minh quân còn trẻ tuổi, hai đấng thanh niên anh dũng của nước nhà, Trần anh Tuấn được thấm nhuần tư tưởng " ái quốc " của hai nhà Vua ấy. Có những đêm vắng vẻ, một mình một bóng, dưới túp nhà tranh của chàng ở Cửa Bắc, Tuấn nhớ đến vụ Hoàng đế Duy-Tân và nghe người ta kể lại vụ Hoàng đế Thành Thái, Hoàng đế Hàm Nghi, cả ba đều chống lại Tây, rồi bị bắt, bị đày xa Quê hương. Tuấn suy nghĩ, xúc cảm, buồn rầu rồi tự nhiên nằm khóc âm thầm trong đêm tối...

Lúc bấy giờ không ai hiểu được Tuấn. Chung quanh toàn là thế lực và uy quyền của người Pháp, nịnh Pháp sợ Pháp, đa số coi người Pháp như thần thánh, Tuấn vẫn lặng yên, âm thầm nhẫn nại, ngày hai buổi đi làm việc của mình, không tỏ ra một dấu hiệu gì bất mãn cả. Chàng được các quan tin cậy lắm, và các quan " An Nam " kính nể, tuy chàng còn trẻ tuổi quá, mới 17 tuổi, một thiếu niên vừa tốt nghiệp trường Quốc Học ở Kinh đô. Thời kỳ Trần anh Tuấn là một "quan Phán đầu toà " ngoan ngoãn hiền lành, chính là thời kỳ chàng im lặng, âm thầm, chưa tiết lộ tâm chí của chàng còn bao nhiêu bí ẩn...

Nói đúng ra, từ ngày Trần anh Tuấn vào làm việc trong toà Sứ, hoàn cảnh của gia đình Tuấn đã thay đổi khá nhiều. Dĩ nhiên, hoàn cảnh mới cần phải thích hợp với địa vị mới của chàng và chàng đã được công nhận là một thanh niên trí thức Tây học, đứng đầu trong toà Sứ, cũng như đứng đầu trong cả tỉnh, chưa ai so sánh kịp. Chiều theo lời cầu khẩn của Tuấn, chú Ba thân sinh của chàng, không làm nghề thợ mộc nữa.

Không phải Tuấn chê cái nghề ấy là hèn hạ. Tuấn không bao giờ có ý nghĩ trưởng giả như thế. Trái lại, sinh trưởng trong gia đình bình dân. Tuấn luôn luôn có tư tưởng bình dân, và thích thân cận với giới bình dân hơn là giới thượng lưu phong kiến. Nhưng số lương bỗng mỗi tháng của Tuấn có thể cung cấp đầy đủ cho gia đình mức sống hàng ngày có thể tăng lên phần nào, khỏi cần phải ra sức làm việc lao động của người cha già như trước nữa. Tuy đã được thấm nhuần sớm hơn và sâu đậm hơn cái phong trào văn minh tinh thần và vật chất của người Pháp đang lan tràn các từng lớp xã hội Việt Nam, Tuấn vẫn giữ được căn bản tinh hoa của giống nòi mà lúc bấy giờ người ta thường gọi là " Quốc Hồn Quốc Tuý " của dân tộc Việt Nam.

Tuấn thường bảo cha : " Thưa cha, hồi con còn nhỏ dại, cha phải làm việc cực nhọc để nuôi sống gia đình, nay con đã đi làm có tiền, con có thể phụng dưỡng Cha Mẹ và nuôi em con. Cha mẹ cứ nghỉ chơi cho khoẻ, để dưỡng tuổi già ".

Bà con hàng xóm và trong làng, trong tỉnh, đều khen Tuấn là có hiếu. Họ rất tán thưởng ý nghĩ của Tuấn, và cũng khuyên chú Ba nên nghỉ nghề thợ mộc. Chú Ba nể lời ( anh Phán nó ) - chú thường gọi Tuấn như thế - và cũng nghe lời bà con lối xóm làng, không còn xách cái giõ đựng cưa, bào, chàng, đục, ống mực, cây thước, đi làm thuê và cưa cây đóng bàncho thiên hạ, để kiếm vài trăm quan tiền như trước nữa.

Nhưng bây giờ, nhờ lương bổng của Tuấn , có dư dả ít nhiều, và tiện tặn góp-nhóp được và i ba chục đồng bạc, chú Ba đem khả năng nghề nghiệp của mình điều khiển một số thợ mộc em út để xây cất một căn nhà mới cho gia đình của chú, và tự chú đóng thêm bàn, ghế, tủ, giường, toàn mới cả.

Nhà mới vẫn phải lợp tranh, vì giá gạch, ngói còn đắt, nhưng gian nhà mới bằng gỗ đã được rộng lớn hơn túp nhà lụp-xụp thuở trước, sáng sủa hơn, sang trọng hơn.

Và đôi liển thiên hạ đi mừng tân gia, mừng thầy Thông Phán đầu toà, toàn bằng chữ Nho, treo la liệt kín hết các vách tường bằng ván.


Chú Ba và thím Ba chỉ có hai con trai, Tuấn và đứa em của Tuấn. Cậu bé này từ khi sinh ra vẫn chưa có tên.

Thời bấy giờ không có Hộ-tịch, lấy chồng lấy vợ khỏi cần làm giấy hôn thú, miễn có mời làng xã đến ăn uống, chứng nhận cho thế là được rồi. Sinh con cũng khỏi có giấy khai sinh. Chính tên " Trần anh Tuấn " cũng do thầy giáo đặt cho thằng Chuột hồi nó bắt đầu bị nhà nước bắt phải đi học.

Vì chú Ba thím Ba hiếm con, sợ đặt tên tốt đẹp cho con sẽ bị ma quỷ bắt mất, nên chú thím theo tục lệ thông thường lúc bấy giờ, tục lệ này được áp dụng không phải riêng trong giới dân nghèo, mà cả trong gia đình quan lại, quí phái nữa -- cứ tìm những tên rất xấu-xí, để ma chê quỷ hờn, không thèm đụng chạm tới đứa nhỏ.

Em của Tuấn, được đặt tên lúc ra đời là thằng (bọ Hung ). Nhưng bây giờ nó đã được 9 tuổi. Tuấn muốn cho nó đi học trường Nhà nước ở tỉnh, và bàn với cha mẹ, đặt tên chữ cho nó. Chú Ba bảo Tuấn :" Hai anh em mầy mặt mũi giống nhau như đúc. Vậy tên mầy là Tuấn, thì tao cũng đặt cho nó tên Tuấn.

Thím Ba cũng gật đầu. Thím vừa nhai trầu bỏm bẻm vừa cười : " Ừ, sao mà thằng Bọ Hung nó giống mày như hai cái bánh in chung một khuông vậy đó ! Nó giống từ cái mặt, cái tay, cái chưn, cho tới bộ đi, bộ đứng, giọng nói, giọng cười, giống hệt vậy hè ! Nhờ thầy giáo đã đặt tên cho mầy là Trần anh Tuấn, mầy mới làm nên danh giá, vậy thì cũng đặt tên cho em mầy là Trần anh Tuấn, để nó hưỡng cái lộc của mầy."

Tuấn cười bảo :" Thưa mẹ, như thế trùng tên sao được ? "

Chú Ba bảo :" Sợ trùng tên, thì mầy là Trần anh Tuấn, nó là Trần em Tuấn ".

Thím Ba lại vồn vã tán thành ngay :

- Mầy là anh, thì tên mầy là Anh-Tuấn, nó là em thì tên nó là Em-Tuấn, phải đó.

Bọ Hung ngồi ngạch cửa, ở truồng trùng trục, với chỏm tóc trên đầu, cũng nhe răng cười :

- Con cũng muốn tên của con giống như tên anh Hai. Cái gì của con cũng giống anh Hai con mới chịu.

Cả nhà cười rộ lên. Trần anh Tuấn thấy thế, đành chìu theo ý muốn chung của cha mẹ và em.

Thế là thằng Bọ Hung từ đây được đặt tên chữ là Trần Tuấn. Nhưng về thực tế, người ta gọi nó là Tuấn-em.

Sáng hôm sau là ngày nhập học khởi đầu niên khoá 1919-1920, Phán Tuấn giắt Tuấn-em đến trường Pháp-Việt ( Ecole de Plein Exercice ) xin cho Tuấn-em vào lớp Năm.

Cũng kỳ nhận học này thầy ký Lê văn Thanh xin cho đứa em út của thầy vào học cùng lớp với Tuấn-em. Tên nó là Lê văn Lục, 7 tuổi, nhỏ hơn Tuấn em hai tuổi.

Trường Nhà Nước bây giờ đã đông học trò hơn mấy năm trước nhiều. Dân thành phố ở tỉnh, cũng như dân quê ở các phủ, huyện, các làng, đã lần lượt cho con đi học chữ Quốc ngữ và chữ Tây. Lý do thực tế là họ thấy uy quyền của chính phủ Bảo-hộ đã vững, cho con đi học, thi đỗ, làm việc ở các Toà, các sở, như Ký Thanh, Phán Tuấn,v.v...vừa được tiền lương nhiều, lại vừa được danh vọng. Trái lại, họ cũng thấy rằng cựu-học đã tàn, chữ Hán đã bắt đầu bị chữ quốc ngữ và chữ Pháp thay thế.

Các ông Tú, ông Cử, ông Nghè, không được trọng dụng nữa.

Cùng năm 1919, nhà Vua đã ban sắc-chỉ bãi bỏ các kỳ thi Hương, thi Hội ( Hán-học ) trong toàn cõi Trung Bắc kỳ. Hán học đã chính thức bị đào thải. Chính các quan Phủ, quan Huyện của cựu trào trước kia vẫn phản đối chữ Quốc-ngữ, chê nó không phải là chữ của Thánh-hiền, bây giờ cũng phải kiếm mời thầy giáo về nhà dạy cho các quan học A.B.C. Quan Huyện không những tự mình đi tỉnh mua bút, mực, giấy tây, để về nhà học và tập việt chữ quốc ngữ, mà quan còn bắt bà Huyện và các cậu con trai, các cô con gái của nhà Quan cũng phải học vần xuôi, vần ngược. Buổi sáng và buổi chiều, các Quan làm việc ở công đường, còn tiếp tục phê các đơn trương, giấy tờ bằng chữ Hán, nhưng buổi trưa, buổi tối, trong tư thất các quan phủ, quan huyện, vang lên tiếng bập bẹ đồng thanh, ồn ào, vui vẻ của các Quan và cả gia đình những chữ " dị kỳ " : Ba, bã, bâ,be, bê...ác, át, an, ang, áp,am...

Quan ông, quan bà, các cô,các cậu, vừa tập đọc vừa cười rần-rộ. Các chú lính lệ đứng quạt hầu cho Quan Lớn và Bà Lớn, hoặc vòng tay đứng chờ lịnh Quan sai nhưng công việc lặt-vặt, đều cười khúc-khích với nhau, ngơ ngơ ngác ngác chẳng hiểu chi cả.

Trong thời gian ấy, học trò lớp Năm các trường nhà nước đã thuộc vần chữ Quốc ngữ trong môt tháng khai giảng đầu tiên, rồi tiếp đến học cửu chương bằng chữ Hán, để làm toán cộng, toán trừ, và học...vocabulaire tiếng Pháp !

Lên lớp Tư ( lớp Dự Bị ) đã học chữ Pháp nhiều hơn, ở lớp Ba ( Sơ Đẳng ), học chữ Pháp nhiều hơn nữa, lên đến lớp Nhì và lớp Nhứt thì các môn học hoàn toàn bằng Pháp ngữ.

Song-song với phong trào học chữ quốc ngữ và chữ tây được thịnh hành và truyền bá rất nhanh chóng trong các từng lớp dân chúng, đời sống vật chất của xã hội Việt Nam, từ năm 1919 cũng đã thay đổi rất nhiều và rất mau lẹ.


Tuy ở các tỉnh đèn điện chưa có, nhưng dầu hoả đã được bán khắp các phố, các chợ, trong những thùng thiết lớn từ Huê-Kỳ chở qua. " Đèn Huê-Kỳ ", một loại đèn bằng thuỷ tinh, để thắp với dầu hoả, cũng được bán trong các tiệm buôn Tầu và AnNam từ tỉnh đến thôn quê. Chỉ nhà nghèo mới tiếp tục thắp đèn dầu phọng, hoặc dầu dừa, mở heo.

Tại tỉnh, hai bên đường phố, ban đêm chưa có đèn. Nhưng ở các ngã tư đã có những trụ đèn bằng sắt, đúc và chạm rất đẹp, ở bên Tây đem qua, trên ngọn có một thứ đèn chung quanh lồng kiếng, và thắp bằng hơi acétylène. Người ta thường gọi là đèn hơi đá, hay là đèn carbure. Cứ vào khoảng 7 giờ chiều, có một người lính vác chiếc thang trên vai, tay xách một cái đèn carbure, đi đến từng ngã tư thành phố, nơi có trụ đèn. Anh dựng thang vào trụ, rồi cầm một chiếc đèn leo lên thang. Gần đến ngọn, anh đưa tay lên mở một cửa kiếng, đặt đèn vào trong. Trong đèn đã có sẵn bốn năm cục đá carbure và nước. Anh đánh một que diêm ( loại diêm Hoa-Sen rất thông dụng, do một hãng Pháp sản xuất tại Hàm Rồng - Thanh Hoá ).Anh châm lửa kề miệng vòi của chiếc đèn, tự nhiên lửa phực cháy, do hơi acetylène trong đèn phực ra.

Đèn carbure chiếu một ánh sáng xanh dịu, mát mẻ và soi xa một vùng chu-vi bốn năm thước. Xong rồi, anh lính trèo xuống, vác thang lên vai, tay còn xách năm, sáu chiếc đèn nữa, đi lần lượt đến những trụ đèn khác. Cứ cách bốn năm chục thước, nơi các con đường lớn, mới có một trụ đèn carbure.

Tất cả các đường khác đều tối om-om.

Thường thường một chiếc đèn carbure ngoài đường cho cháy lâu được 4 tiếng đồng hồ thôi. Thành thử, chú lính coi về việc thắp đèn phải đi thay carbure mỗi đêm 3 lần, bất kể mưa gió, vào khoảng 7 giờ tối, 11 giờ khuya và 3 giờ sáng. Mỗi lần, anh phải vác cái thang đi và xách theo một thùng đá carbure, và một thùng nước lã. Lương của anh mỗi tháng 2 đồng bạc.

Riêng trong vườn Toà Sứ và chung quanh dinh thự ông Sứ, treo các loại đèn bằng đồng, bóng đèn thắp gọi là đèn tempête giống như loại đèn của thợ mỏ.

Các nhà giàu sang, đều thắp đèn dầu hoả. Nhưng thắp rất là hà tiện, vì giá dầu đắt lắm : nó gần như là xa xí phẩm hồi 1910. Trong các gia đình người Pháp cũng thắp đèn dầu hoả.

Xe máy ( xe đạp ) chưa có ở các tỉnh. Nhưng xe kéo đã có nhiều hơn trước, hầu hết là xe bánh sắt. Đầu năm 1920, mới bắt đầu xuất hiện vài ba chiếc xe kéo bánh cao su. Người dùng xe này trước nhất là Quan Tuần-Vũ, rồi đến các " Quan Tây ". Chỉ có mỗi một mình quan Công Sứ là có chiếc xe hơi (auto) mà thôi, xe kiểu Delahaye. Xe kéo của Quan Tuần-Vũ do một chú lính kéo, chú mặc áo " kẹp nẹp ", đội "nón gù ", đi chưn không. Mỗi lần ông Tuần đi đâu, chú lính kéo xe coi bộ cũng hãnh diện, không kém gì Quan, ra vẻ " ta đây là người tay chưn của cụ Lớn ".

Lê văn Thanh đã sắm được chiếc xe bánh sắt. Kể ra, thầy Ký có dư tiền sắm được chiếc xe bánh cao su, nhưng lúc đầu chàng còn e-dè vì ngồi xe bánh cao su, giống như quan Tuần-Vũ, sợ vô lễ với quan Tuần, chăng ? Nhưng đi làm việc ở Toà Sứ, ngồi trên xe kéo bánh sắt cũng đã được hãnh diện lắm rồi. Chàng vẫn muốn làm cao hơn Trần anh Tuấn, thầy Phán đầu toà mà ngày hai buổi vẫn lóc-cóc đi bộ, mang đôi giầy Hạ xập-xệ cũ mèm.

Ngoài xe kéo ra, không còn phương tiện lưu thông hoặc chuyên chở nào khác. Thường dân đi xe kéo bánh sắt, các Quan Lớn đi xe kéo bánh cao su. Tuy nói là thường dân, nhưng cũng chỉ có hạng thường dân khá giả, nhà giàu hoặc các thầy Thông, thầy Ký, mới có tiền đi xe kéo bánh sắt. Còn hầu hết nhân dân đại chúng đều đi bộ. Họ đi bộ từ làng này sang làng khác, từ huyện này sang huyện kia, từ tỉnh này sang tỉnh nọ. Họ leo đèo vượt núi, lội bến băng sông, đầu đội nón lá chưn đi không, dưới trời nắng chang-chang, hoặc trong đêm khuya mờ-mịt.

Mỗi kỳ nghỉ hè, người ta thấy những đám thanh thiếu niên học sinh trọ học ở tỉnh trở về quê nhà cách xa hàng 40,50 cây số.

Vài ba ngày sau buổi học cuối cùng, thường là những đêm rằm, trăng sáng vằng-vặc, các em rủ nhau từng đám độ 5,10 trò từ chín mười đến mười hai, mười ba tuổi quê quán cùng một huyện hay một phủ. Chúng hẹn gặp nhau tại một nhà trọ nào đó, sau khi cơm nước no-nê, và khởi hành lúc thành phố bắt đầu " đỏ đèn ". Mỗi trò xách một va ly áo quần sách vở. Muốn tiện lợi, đỡ mỏi tay xách, vài ba trò rủ nhau mượn một đòn gánh khá dài, cột chung " va ly " thành một chùm đeo lủng lẳng ở giữa, và vài trò thay phiên nhau khiêng trên vai, đi từng chặng đường. Dưới ánh trăng xanh, trên đường cái quan dài thăm thẳm, hai bên là đồng ruộng mênh-mông nhái kêu ột-ệch, các em thiếu niên vừa đùa nghịch, chuyện trò cười rỡn để quên bớt nỗi đường xa vạn dặm.

Đường quan-lộ vắng tanh vắng teo, không một bóng người lai vãng. Đêm đã gần khuya, các em đi hơn mười cây số, đã mệt mỏi, tiếng cười tiếng nói thưa lần, và bắt đầu hoang mang sợ sệt...Tất cả đều lặng lẽ, âm thầm...

Một vài trò mang quốc, cũng sợ cả tiếng quốc, nên xách quốc trên tay.

Theo lời các bậc cha mẹ đã từng căn dặn trước, mỗi trò đều có đem theo trong mình một con dao bằng sắt, hoặc cầm một nhánh dâu ( loại dâu cho tầm ăn ), để tự vệ trong lúc đi ngang qua nhiều nơi có " ma ". Những khu rừng rậm, những khóm cây, những gò hoang có nhiều mồ mả, những cầu cống... đã nổi tiếng là có nhiều " ma quái ", " yêu tinh ". Cha mẹ thường dặn các trò :" Hễ gặp ma hiện hình ra, thì con lấy "roi dâu " quất nó, nó sẽ chạy mất ! Không, thì con đái ra quần, lấy nước đái lau trên mặt, thì Ma, Yêu, không dám hớp hồn con...Con có dao bằng sắt, Ma không dám tới gần con...".

Đó là những phương pháp trừ ma rất thông dụng mà em bé học trò nào cũng biết, và cũng phòng thủ sẵn sàng trong khi đi học xa, hoặc đi về nghỉ hè, và toàn là đi bộ.

Thời kỳ ấy, "ma quỷ " nhiều lắm. Ở khắp các nẻo đường, các gốc cây, các nghĩa địa, các bến sông, các am miếu, ở ngay trong tỉnh thành đều có vô số những chổ có ma. Nhưng sự thực, nghe đồn đải về ma thì nhiều, mà chưa ai gặp một con ma, hay trông thấy một con ma lần nào.

Các em học sinh đi bộ suốt đêm như thế, cho nên lúc " gà gáy sáng ", hoặc hừng đông thì vừa đến huyện, rồi chia tay ai về nhà nấy. Có kẻ còn đi năm, bảy cây số nữa.

Học trò nhà nước từ khoảng 1910 đến 1920, là con cháu các ông Hương, ông Xã, một số ít nhà giàu, và các quan ở Phủ Huyện và ở tỉnh. Thanh niên nhà nghèo hầu hết đều lo làm ruộng, hoặc các nghề thợ thuyền, chài lưới.

Ngay ở trường làng, học hành không tốn kém chi cả, cũng thường chỉ là con các nhà khá giả mới cập vở đến trường học ABC. Con nhà giàu và con cháu các ông Tú, ông Cử, ông Nghè, còn trung thành với đạo lý Khổng-Mạnh, vẫn chưa theo phong trào Tây-học. Phần đông ở nhà hưỡng thú "điền viên " đá gà, uống rượu, đi bẫy chim, câu cá, đánh cờ... Một số xoay sang học nghề thuốc Bắc và số Tử Vi.


Ban ngày đường quan lộ cũng rất vắng người. Vì xe cộ không có, trừ thỉnh thoảng một vài chiếc xe kéo bánh sắt uể-oải, chậm chạp còn tệ hơn xe ngựa ngày nay. Xe hơi thì mỗi ngày chỉ có một chiếc từ trong Nam chạy ra, một chiếc từ " miệt ngoài " chạy vào : đó là hai chiếc "xe thơ " của một hãng Pháp, tên là S.T.A.C.A, chở hành khách sang, và chở thư bưu điện. Chiếc xe hơi chạy vùn cụt trên quan lộ, kêu như sấm dậy, mỗi ngày một lần, là cả một biến cố quan trọng hàng ngày. Hai bên đường dân chúng sợ sệt, lật đật tránh xa, hai bên đồng ruộng trâu bò hoảng kinh chạy tán loạn.

Ông Tuần Vũ ( tỉnh nhỏ ) hay là ông Thống Đốc ( tỉnh lớn ) là vị "Quan Lớn An Nam " đầu tỉnh, mỗi lần ngồi trên chiếc xe kéo bánh cao su, đi đâu xa ngoài tỉnh, cũng là cả một biến cố lớn lao vậy. Có lính lệ ( lính hầu trong dinh quan ) đi trước dẹp đường. Tay luôn luôn cầm chiếc roi mây, và thái độ hung hăng, hắn rất hách dịch, đối với hết thẩy mọi người hai bên hàng phố.

Nhừng người đi đường đều phải né tránh ra hai bên đường, để trống cả một quãng đường dài trước mặt Quan Lớn, không được có một người qua lại. Người lính kéo xe quan, bước chậm chậm ; như chở Quan đi dạo mát. Một người lính theo sau, dương cao một cái lọng che trên đầu Quan, mặc dầu trời đã gần tối.

Năm 1920, nhân dịp ngày giổ đức Khổng-tử, Quan Tuần có gửi giấy mời Quan Đốc học trường tỉnh và lần đầu tiên Quan yêu cầu cho học trò trường Nhà Nước đi dự lễ.

Tuấn-em về nhà thưa lại với anh Hai và cha mẹ, để được tụ họp với học trò cùng lớp tại nhà thầy giáo lớp Năm, đúng 7 giờ tối, theo lịnh của quan Dốc học. Học trò lớp nào phải tụ họp tại nhà thầy giáo lớp ấy. Tuấn-em ăn cơm vội vàng,rồi được mẹ thay cho quần trắng mới, áo dài đen mới, để đi dự lễ Đức Thánh Khổng.

Đến nhà thầy Trợ giáo, gặp đông đủ bạn bè, đợi thầy giáo ăn cơm xong rồi thầy dẫn học trò đi bộ đến Văn Miếu ( đền thờ đức Khổng Tử ), cách tỉnh lỵ 3 cây số. Phải đi đò qua con sông lớn. Sông thì rộng, nước chảy mạnh, trời thì tối, con đò thì nhỏ, mà học trò thì đông, phải qua đò một lượt với thầy, nên các em sợ té la khóc om sòm ! Thầy giáo rầy la bằng tiếng Tây :" Silence". (im ) ! Qua bên kia sông, còn phải đi bộ hơn hai cây số nữa mới tới Đền thờ Đức Khổng- Tử. Đến đây, toàn thể học trò Nhà nước tụ họp lại 200 cậu và năm thầy Trợ giáo..Không có chỗ ngủ, tất cả phải nằm hai bên lề đường, và trong các đám mía kế cận, đợi đến 5 giờ sáng mới bắt đầu tế lễ.

Gà lối xóm mới gáy một hồi, trời còn tối mù tối mịt, nhưng nghe chuông trống nổi lên, các thầy giáo vội vàng thức dậy gọi học trò tụ họp trước cổng Đền. Lớp nào đứng sắp hàng riêng lớp ấy, dưới sự chỉ dẩn của giáo viên. Hầu hết học sinh còn buồn ngủ, vì không có nước rửa mặt nên nhiều cậu chưa tỉnh hẵn, vừa đứng vừa ngủ gật.

Riêng lớp của Tuấn em, thầy giáo cầm cây đèn bạch lạp nhìn vào tờ giấy danh sách để gọi tên, thì thiếu mất bốn trò. Bốn em này còn ngủ trong đám mía, thầy bảo Tuấn em và hai trò nữa kiếm nhưng trời tối quá, không tìm thấy. Vừa có lịnh quan Đốc học truyền cho các thầy dẫn học trò sắp hàng hai đi vào trước đền. Chiêng trống lại nổi dậy, đèn đuốc sáng trưng. Cuộc tế lễ bắt đầu.

Các quan Tỉnh, quan Phủ, quan Huyện, các thầy Đề lại, tất cả các công chức Nam triều mặc triều phục đứng cúng, kẻ hàng trước, người hàng sau, tùy theo trật tự phẩm hàm của mỗi quan. Sau cùng đến các thầy giáo và học trò. Theo lời thầy dặn, hễ nghe tiếng hô :" Cúc cung hưng...bái " và tiếng chuông trống đệm theo, các quan đứng trước lạy, thì học trò cũng phải bắt chước sụp xuống lạy. Nghe tiếng hô :" Hưng " thì đứng dậy, "Bái " thì sụp xuống lạy v.v... đến khi " Hưng bình thân " thì đứng thẳng người hết lạy.

Tuấn em còn đang giấc ngủ, chưa tỉnh hẳn, khi xụp xuống lạy lần đầu, Tuấn ngủ luôn. Mãi đến khi tế xong, thầy giáo lấy chân đá mạnh vào mông đít Tuấn, Tuấn mới giật mình, lóp ngóp bò dậy, theo đám đông ra về.

Thầy giáo và học trò lại kéo nhau đi bộ 3 cây số về tỉnh và đi đò sang sông.

Đến ngã tư cửa Tây, mặt trời đã lên cao" nữa chặn đòn gánh " ( 7 giờ sáng ).Học trò nghe phía sau lưng có tiếng lính la hét dẹp đường và tiếng chuông, tiếng trống, tiếng kèn bát âm, liền đứng lại để coi "quan Tuần-Vũ ".

" Quan Lớn " chủ tế lễ Đức Khổng Tử, trở về tỉnh, cũng đã gần đến ngã tư. Đường cái quan đã được hai chú " lính lệ " tiền phong xua đuổi, dọn dẹp trống rỗng, không có một người dân qua lại. Vài ba chú cu li xe kéo bánh sắt đã lật đật kéo xe chạy sang các ngả đường khác. Những người đàn bà đi chợ, đàn ông làm thợ, đi buôn bán, đi " làm việc " các sở, đều phải tránh sang một bên, để đường cho " Quan Lớn " đi.

Trước tiên là sáu người lính bận áo kẹp nẹp, cầm cờ đuôi nheo đi hai bên, rồi đến lính khiêng chuông, lính khiêng trống lớn, lính cầm trống nhỏ, tám người lính thổi nhạc bát âm... Quan lớn ngồi trên chiếc xe kéo bánh cao su, có lính che lọng, lính che tàn, lính cầm cờ, lính bưng hộp trầu ( vì quan lớn nhuôm răng đen và ăn trầu ), lính bưng điếu thuốc trà v.v...( thuốc lào -tiếng Bắc, ở Huế và Trung gọi là thuốc trà ).

Thỉnh thoảng quan lớn truyền lịnh đem hộp trầu cau đã tiêm sẳn, hoặc đem bình điếu trà đến, để quan lớn ăn trầu hút thuốc, thì cả đoàn lính hầu hạ tuỳ tùng đều phải đứng lại mộ lát. Quan lớn ăn hút xong truyền lịnh đi, mới lại tiếp tục đi.

Xe kéo quan lớn đi qua các đường phố, hai dãy tiệm buôn " các chú " ở hai bên đường đều thi nhau đốt pháo mừng quan, và mặc áo rộng đứng trước cửa cúi đầu cung kính chào quan. Quan lớn ngồi trong xe kéo, làm nghiêm không chào lại.

Lúc xe quan Tuần vũ đi ngang qua mặt Tuấn em và một lũ học trò đứng xem trên lề đường. Tuấn chỉ vào mặt quan và nói to với mấy đứa bạn nó :

- Mặt ông lớn cũng có ghèn, tụi bây ơi !

Ông lớn quay lại trừng mắt ngó Tuấn, Tuấn và mấy đứa bạn sợ Ông Lớn sai lính bắt, lật đật chạy biến mất trong đám đông người đứng coi chật ních trước các hè phố...

Chúng chạy về nhà lấy sách vở đến trường... Hôm ấy học trò đi trể khỏi bị phạt.


Một buổi sáng thứ ba, Tuấn-em đang ngồi chăm chỉ nghe thầy giáo lớp Năm giảng bài Địa dư, bổng có tiếng giầy tây của quan Đốc học đi lộp độp ngoài hiên rồi bước vội vàng vào lớp, học trò đứng dậy. Quan Đốc ( người tỉnh Nghệ-an ) nói tiếng tây trọ-trẹ với thầy giáo vài ba câu gì đó, rồi quay lại nói tiếng Việt với học trò :

- 5 giờ chiều nay có máy bay tới tỉnh, vậy chiều nay cho nghỉ học để các trò đi coi máy bay. Tất cá học trò đều phải đến trường hồi 3 giờ để thầy giáo dẫn đi. Nghe không ?

Cả lớp đều đồng thanh dạ rân một itếng. Quan Đốc lại nói tiếng Tây với thầy giáo vài ba câu rồi ra đi. Thầy bảo học trò :

- Asseyez-vous ! ( các trò, hãy ngồi xuống )

Học trò ngồi xuống, rồi thầy tiếp tục giảng bài. Dạy xong, gần mãn giờ, thầy mới bảo :

- Các trò nghe quan Đốc dặn lúc nãy, phải nhớ đấy ! Chiều nay nghỉ học nhưng 3 giờ các trò phải đến trường để thầy dẫn đi coi máy bay... Các trò có biết máy bay là cái gì không ?

Cả lớp đồng thanh trả lời :

- Thưa thầy, các con không biết.

Thầy giáo giảng :

- Máy bay là cái máy biết bay. Nó bay như con chim bay vậy, nhưng nó là con chim thật to, trong ruột nó có cái máy, nó ở ngoài Tourane bay vô, nó sẽ đậu gần chợ Ông Bố, cách xa tỉnh 4 cây số.

Tuấn-em ngồi bàn đầu, dơ ngón tay lên. Thầy hỏi :

- Trò Tuấn hỏi gì ?

Tuấn đứng dậy, vòng tay lễ phép :

- Thưa thầy, máy bay nó đậu trên ngọn cây hay nó đậu trên nóc chợ ?

Thầy cười :

- Nó đậu trên đám đất trống phía sau chợ.

Một trò khác dơ ngón tay lên hỏi :

- Thưa thầy, máy bay nó đậu trên đám đất, nhưng chiều nay nó thấy mình tới coi đông quá, nó sợ nó bay mất thì làm sao coi được ?

Thầy trả lời :

- Máy bay có ông quan Ba Tây lái ổng cho nó đậu đấy để người ta tới xem. Sáng mai nó mới bay vô Qui-nhơn.

Tuấn-em lại dơ tay lên hỏi :

- Thưa thầy, thầy đã thấy cái máy bay chưa ? Mình đứng coi, nó có hít mình vô trong bụng nó như xe điên không ?

- Thầy thấy hình vẽ cái máy bay trong tự điển Larousse chớ chưa thấy cái máy bay ở ngoài. Chiều nay thầy dắt các trò đi coi, thầy cũng coi. Từ trước tới giờ, đâu có máy bay mà coi. Bây giờ nhà nước bảo hộ mới đem một chiếc máy bay từ bên nước Pháp qua cho người An Nam xem.Quan Công Sứ tư giấy cho quan Đốc học, để cho học trò đi coi. Vậy chiều nay tới chỗ nó đậu, các trò phải đứng với tôi, tôi đi đâu các trò đi theo đấy, chớ đừng chạy bậy bạ, đừng có lại gần nó mà chết đấy, nghe không ?

- Dạ ( cả lớp đều dạ một cách hồi hộp lo sợ )

Tuấn em về nhà thưa lại với anh Hai nó và cha mẹ nó..Cứ mỗi lần thằng con trai út sắp đi lễ hay đi đâu như thế,là thím Ba, mẹ Tuấn, lo cho Tuấn rất tươm tất, không để thiếu sót một tý gì. Thím mặc áo quần sạch sẽ cho nó ( áo dài đen bằng vải trang đầm, quần vải quyến trắng ), thím lấy chổi lông gà quét bụi trên chiếc mũ trắng của nó, cho nó một tiền ( 60 đồng tiền ăn ba ) để nó đi xa có tiền ăn bánh uống nước. Luôn luôn thím căn dặn nó " Con nắm áo thầy giáo đi theo sát bên cạnh thầy, chớ đừng nô dỡn với bạn bè chạy nhảy tung tăng, cái máy bay nó hít chết nghe không con ! ".

Tuấn-em ngoan ngoãn dạ.

4 giờ chiều, 5 ông thầy giáo dẩn 5 lớp học trò đến đám đất trống sau chợ Ông Bố, thì thiên hạ đã tụ tập nơi đây như một buổi chợ. Nghe đồn có máy bay đến, hầu hết người lớn trẻ nhỏ trong thành phố đều nao nức đến xem. Người ta kéo nhau lũ la lũ lượt đi chật đường chật xá, dân chúng khắp nơi đổ dồn về đông nghẹt. Tất cả sở nhà nước đều nghỉ việc, để cho các thầy Thông thầy Ký, dắt vợ dắt con đi xem máy bay. Con đường hương lộ từ tỉnh lên chợ Ông Bố, ngày thường chỉ lưa thưa vài ba bóng người, nông dân đi cày bừa, thôn nữ đi chợ, hôm nay có hàng muôn nghìn người chen chúc nhau đi, như một ngày đại hội. Đường đấp đất ruộng, bụi bay lên mù mịt...Trừ ra những người giàu sang có tiền đi xe kéo, còn toàn thể đều đi bộ trên đường quanh co giữa thôn quê dài trên bốn cây số. Xe kéo có đeo trái lạc, chiếc xe chở hai ba người, anh phu xe khom lưng kéo, tay rung chiếc lạc kêu leng-keng...leng-keng...người bộ hành phải bước xuống ruộng để cho xe đi vì con đường chật hẹp. Nhiều người bực mình, cứ đi giữa đường, không chịu né một bên, anh phu xe phải năn nỉ :" Bà con làm phước tránh chổ cho xe đi chớ, bà con. ! " Tránh chỗ thì tránh, nhưng không tránh khỏi cãi nhau vì tranh giành nhau đi trước, vì ai cũng sợ tới trễ. Rốt cuộc, tất cả mọi người đều vui vẻ, đến đám đất chợ Ông Bố, mà chờ máy bay chưa tới.

Nếu đếm số người đi đón xem máy bay hôm ấy có lẽ hơn vài ngàn người. Đây là lần đầu tiên người ta nói đến máy bay.

4giờ rưỡi, ai nấy xôn xao. Quan Sứ đi " xe điện "đến. Lính tập đã sắp hàng đứng đón, thổi kèn lên và bồng súng chào. Dưới ánh nắng chiều, hai dẫy lưởi lê cắm trên miệng súng, sáng quắt nom thật là oai hùng...

Các quan tây cũng lục tục kéo tới, người đi ngựa, kẻ đi xe kéo bánh sắt, hay bánh cao su. Một lúc sau, quan Tuần phủ mới đến, có lính lệ cầm trống tiêu-cổ đi trước báo hiệu, đánh trống tum ! tum ! Nhưng quan Tuần có vẻ sợ sệt khi thấy Quan Sứ đã đến trước rồi, quan Tuần vội-vàng xuống xe kéo cao su, đi thẳng đến Quan Sứ, cúi đầu vái...vái...

Người ta thấy Quan Sứ vui vẻ nhã nhặn bắt tay Quan Tuần. Quan tây nói chuyện với quan ta, có thầy phán Tuấn đứng bên cạnh làm thông ngôn.

Quan Tây móc " đồng hồ trái quít " ở trong túi ra xem " đã 5 giờ kém 15 ".Ông liền truyền lịnh đốt rơm và bã mía đã chất sẳn thành một đống to tướng nơi góc ruộng kế đấy. Tuấn-em không hiểu đốt rơm làm gì, hỏi thầy giáo, thầy giáo không hiểu chạy đi hỏi quan Đốc, quan Đốc cũng không hiểu chạy đến hỏi Phán Tuấn. Tuấn bảo : " Dạ thưa quan lớn, đốt để khói lên làm dấu hiệu cho máy bay thấy chỗ đáp xuống, vì máy bay sắp đến ".

Tiềng xì xầm truyền từ miệng này sang miệng khác : " Máy bay sắp đến ! Máy bay sắp đến ! ".

Và không ai bảo ai, muôn nghìn cái đầu ngước lên vòm trời xanh thẳm...Muôn nghìn cặp mắt lục lọi, nhìn đăm đăm tận các làn mây xa...xa tít ngoài hướng Bắc...tìm kiếm bóng dáng chiếc máy bay mà chưa ai biết như thế nào.

Làn khói trắng từ nơi đống rơm và bã mía ngùn-ngụt cháy, vươn mình lên không trung như một nàng Tiên uốn lượn thân hình ảnh khảnh, như say sưa một vũ điệu mê ly, đón chờ con ChimThần của Khoa Học Tây Phương.

5 giờ...5 giờ 15, 5 giờ 30... Nhiều người bắt đầu nói bông lơn. Nói bông lơn, vẫn là đặc tính của người dân quê ta. Kẻ thì tủm tỉm cười, bảo : " Chắc chim bay xa, gãy cánh rớt xuống biễn rồi ! ". Kẻ đáp lại với giọng mỉa mai khác :" Chú mày nói bá láp nè ! Chim Thần Điểu của nước Đại Pháp thì có phép lớn, đâu như chim sẻ của An Nam ! ".

Các Quan Tây coi bộ sốt ruột lắm. Trời đã chạng vạng. Nắng chiều đã tắt sau các luỹ tre xanh xào-xạc gió. Làn khói rơm duyên-dáng cũng đã mỏi mệt, chỉ còn như một hơi thở yếu dần... Một con quạ bay tít nơi xa...hàng trăm ngón tay chỉ chỏ...và bao nhiêu người reo lên :" Máy bay tới kìa ". Các quan Tây, quan An Nam cũng tưởng thật, tất cả những con mắt đều ngó theo con quạ đen...Rốt cuộc con quạ đáp xuống một cành tre. Có lẽ nó mắc cỡ, không dám bay xuống phi trường. Thiên hạ chăm chú ngó con quạ, trong lúc một người lính Tây và một ông tập phi ngựa từ dưới tỉnh lên, lính cỡi ngưa ô chạy trước, ông Tây cỡi ngưa kim chạy theo sau, tức tốc đến " phi trường " mà không ai trông thấy...

Ông Tây phi ngưa thẳng tới chổ quan Sứ rồi hai người bắt tay nhau nói chuyện xí lô xí la, xem giấy tờ nhau, rồi cười ầm ầm.

Thiên hạ không ai chờ đón máy bay nữa, nhưng lại tò mò muốn biết ông Tây nào lạ mới đến đây vội vã bất ngờ như thế, có chuyện chi ? Người ta xôn xao, hay có biến loạn ở đâu ? Bổng từ chổ ông Sứ đứng, quan Đốc học đi nhanh đến các thầy giáo, vừa nói vừa cười :

- Sáng nay Quan Sứ ở Tourane đánh giây thép vào cho Quan Sứ ta, bảo là :" Commandant avion arrivera ce soir ( Quan Ba máy bay sẽ đến chiều nay ).

Ông Tây lạ mới đến kia chính là quan Ba phi công ở ngoài Tourane vào để quan sát phi trường đã, xem diện tích có rộng lớn và bằng phẳng cho máy bay đáp xuống được không, nếu được thì sáng mai ông trở ra Tourane rồi ba hôm sau máy bay mới đến.

Nên kể thêm rằng, ba hôm sau, cũng khoảng 5 giờ chiều máy bay có đến. Một chiếc máy bay lớn sơn màu trắng, bốn cánh hình chữ nhật cũng mầu trắng, hai cánh trên, hai cánh dưới. Phi cơ bay lượn ba vòng trên đám đất trống khá rộng và đã được dọn dẹp sạch sẽ không có một bụi cỏ. Nhưng nó bay tít vào hướng Nam, một cái chấm đen rồi biến mất làm cho khán giả lại thất vọng, tưởng nó bay luôn. Nhưng một lát sau, nghe tiếng ầm ầm trên trời, mà không thấy nó đâu...bổng từ trong làn mây trên rặng tre xanh, nó xuất hiện ra đột ngột, to lớn như một con chim kỳ quặc kinh khủng, bay lượn mấy vòng nữa, tiếng nó vang động cả vòm trời. Rồi nó lù lù hạ thấp xuống tận nơi xa và chạy thẳng đến giữa phi trường, ngừng lại. Một cái chong chóng còn quay tít, gây ra môt làn gió mạnh, làm bay nón,bay khăn của đám khán giả ngơ ngác. Ai nấy hoảng sợ, cả đám học trò, chạy lui xa năm, sáu bước. Người ta thấy rõ mặt ông Quan Ba hôm trước từ trong phi cơ bước ra tươi cười bắt tay Quan Sứ...

Đó là năm 1920. Cũng như tất cả mọi người trong tỉnh, hai anh em Tuấn được trông thấy chiếc máy bay lần đầu tiên.

giavui
06-25-2014, 05:13 PM
CHƯƠNG 5. 1921

- Ông Tú nhà Nho bị tù đày ở Côn-lôn lúc được trả tự do về nhà mở trường dạy chữ Quốc Ngữ, chữ Tây và Toán.

- Sữa hộp con chim ( Nestlé ) là món xa xỉ phẩm chỉ để các quan dùng.

- Học trò " đi Tết " Thầy, và đọc " đít cua " mừng tuổi Thầy.

- Tình hình các trường Nhà Nước khắp ba kỳ Trung Nam Bắc.

- Một bộ đồ Tây gởi vô Saigòn may.

- Một ông Đốc học nịnh " Mẫu quốc ".

- Một ngày lễ Quốc Khánh Pháp. Và những trò giải trí nhục nhả cho người An-Nam.

Chiếc máy bay lần đầu tiên kiểu Farman 1915, đáp xuống một khu đất hoang gần tỉnh lỵ, một buổi chiều thứ Sáu năm 1920, trước một công chúng vài ngàn người đã gây được một uy tín lớn lao cho người Pháp và thêm được một yếu tố tâm lý vũng chắc cho chính sách chinh phục mà họ gọi là "Bảo Hộ ".Thời kỳ này các nhà Văn Thân có đầu óc ái quốc đã hoạt động chống Pháp từ 1906-1908, theo phong trào Duy-Tân, phong trào xin xâu " giặc đồng bào ", hầu hết đã bị đày đi Côn Lôn, Lao Bảo đều đã lần lượt trở về, và sống yên thường thủ phận. Các ông không hoạt đông chính trị nữa, chỉ mơ trường tư tại nhà dạy học trò. Ông Tú Phong thầy học cũ của Ký Thanh và của Phán Tuấn, sau khi bị đi tù ở Côn Lôn về, liền mở trường dạy chữ quốc ngữ và bỏ hẳn chữ Nho. Người ta ngạc nhiên thấy ông Tú sau chín năm đi tù về, đã cúp tóc carré và cách thức ăn ở đã tiêm nhiễm " văn minh Âu Tây ". Ông viết chữ quốc ngữ rất thạo, và có đem về một quyển tập dầy khoảng 200 trang chép bằng mực tím tất cả những gì ông học được trong nhà lao Côn Lôn. Ông đem quyển tập ấy dạy lại cho đám học trò của ông, độ vài ba chục thanh thiếu niên, con những nhà khá giả nhưng không thích đi học " trường nhà nước ". Nhiều cậu đã lớn tuôi sắp làm ông Hương, ông Xã. Đại khái về Toán thì ông Tú dạy cách đo bóng cây để biết cây cao mấy thước, đo ngọn núi cao, và diện tích hình vuông, hình chử nhật, hình tam giác, hình chữ nhật lệch, hình thoi, v.v...

Ông cho học trò làm những bài toán bằng thơ, thí dụ như sau :

Vừa gà vừa chó
Bó một bó cho tròn
36 con
100 cái cẳng

Hỏi mấy gà, mấy chó ?
v.v..

Về địa dư, ông dạy vẽ địa đồ " ngũ đại châu " và bôi đủ các thứ mầu, vẽ bậy bạ không trúng vào đâu cả, nhưng đại khái cũng phân biệt châu Âu, châu Á, châu Mỹ, vv... Về Lịch sử, ông viết ra một quyển sách quốc ngữ nhan đề " Nam Quốc Sử diễn ca " bằng thơ lục bát. Ông cho học trò học thuộc lòng quyển sử của ông, một bản duy nhất, chép bằng tay, thay vì học " Tứ Thư Ngũ kinh " như ông đã dạy trước kia. Quyển " Nam Quốc Sử diễn ca " của ông Tú mở đầu như sau đây :

Nước ta đã bốn ngàn niên
Hồng Bàng lập quốc con Tiên cháu Rồng
Âu Cơ kết với Lạc Long
Sanh ra trăm trứng, chuyện không hoang đường
Mới nghe thì khó tỏ tường
Nhưng dòng Lạc Việt hùng cường biết bao !
Đất nhiều, sông rộng, núi cao,
Dân hăm lăm triệu, dễ đâu thua người !
v.v...

Tuy thế, ông Tú cũng thích chữ Tây lắm. Thỉnh thoảng ông dạy học trò của ông học chơi cho vui vài ba câu tiếng Pháp mà ông đã học lỏm được ở Côn Lôn, thí dụ như Bông-xua Bà Đầm, Bông-xua Mông xừ, v.v...

Mồng một Tết, ông Tú đến nhà ông Cử Phạm, chúc mừng bằng một câu tiếng Tây : " Bon-an-nê ! " điểm theo một nụ cười bông đùa rất có duyên. Đó là triệu chứng chữ Pháp đã bắt đầu thịnh hành vào khoảng năm 1920 trong dân gian vậy.

Ông Tú cũng dạy học trò của ông học chữ số của Tây theo giọng ta :

- On. đơ, toa, cách, xanh, xít, nớp, đít, ông, đui..." Hơn nữa, ông Tú đặt tên cho đứa cháu ngoại đầu lòng của ông là Lê văn On ( theo chữ Un của Pháp ), và đứa cháu nội thứ ba là Trần văn Toa ( theo chữ Trois ).

Ông Tú dạy cả khoa vệ sinh nữa, một môn học mà trước kia chính ông cũng chưa biết. Thí dụ ông dạy rằng sáng dậy phải lấy cục than đen trong bếp, chà trên răng rồi súc miệng, cho sạch miệng và sạch răng. Tất cả học trò ông đều làm đúng theo lời ông dạy.

Ký Thanh là học trò cũ của ông Tú, trước kia rất kính trọng thầy, nhưng từ ngày ông bị bắt vì quốc sự và bị đày đi Côn Lôn, chàng không dám nhắc đến tên thầy nữa. Hôm ông Tú ở tù về, bà con trông phố và trong tỉnh mừng rỡ đến thăm tấp nập, chất nhà cửa, và tỏ lòng quyến luyến cảm phục ông Tú. Duy có Ký Thanh là không dám bước chân đến hỏi thăm thầy một câu. Chàng sợ " liên luỵ " đến bổn thân, tìm cách tránh thầy cũ như tránh người cùi.

Phán Tuấn, trái lại, thường đến thăm thầy luôn, tuy rằng hồi nhỏ " thằng Chuột " mới được ông Tú dạy cho học bập bẽ vài chữ " thiên trời, địa đất " mà thôi, vì nhà nghèo nó đâu có đi học được thường xuyên. Nhớ tình thầy trò cũ, Trần anh Tuấn thường đem " kỉnh " ông Tú một gói trà hoặc một cân đường, một chai rượu hổ cốt, một hộp sữa bò. Thời buổi ấy chỉ có một htứ sữa hộp duy nhất là sữa con chim và là một món xa xỉ. Ai có tiền mới mau được một hộp về nhà để dành pha uống cả nửa tháng mới hết. Trong tỉnh chỉ có các nhà quan và các thầy làm việc Nhà-nước, có lương bổng nhiều mới dám uống sữa bò. Cho nên lâu lâu Phán Tuấn đem biếu ông Tú một hộp sữa Nestlé, ông quý lắm, vui mừng cám ơn " thầy Phán ". Mỗi lần Tuấn đến thăm, chàng thích hỏi ông Tú về đời sống của tù ở Côn Lôn. Chàng thích nghe ông Tú kể chuyện các bạn đồng lao của ông như ông Nghè Huỳnh thúc Kháng, ông Nghè Ngô đức Kế, ông Tây Hồ Phan châu Trinh, ông Tú Tân Hội, vv...

Tuấn nghe say mê. Có lần Tuấn khẽ hỏi :

- Thưa thầy, vua Duy-Tân có ở Côn Nôn không ?

- Không. Nghe nói Tây đày Ngài qua đâu tận bên Phi châu lận.

- Thưa thầy còn vua Thành Thái ?

- Ngài, thì hình như cũng bị lưu đồ qua bên đó.

- Vua Hàm Nghi ?

- Vua Hàm Nghi cũng bị đày qua Phi châu.

Tuấn hỏi cho biết thôi, chứ Tuấn không dám thổ lộ tâm sự riêng tư gì của chàng. Chàng biết chàng đang bị Ký Thanh " dòm ngó " và tìm đủ các cách để làm hại chàng. Tuấn đến thăm ông Tú Phong, đã là một hành động táo bạo và liều lĩnh lắm rồi.

Gần Tết, Tuấn-em xin mẹ một đồng bạc, góp với học trò trong lớp mua các món lễ vật để " Tết " thầy lớp Năm. Lớp nào và trường nào học trò cũng tự đông làm việc ấy, để tỏ lòng biết ơn thầy dạy dỗ. Chính cha mẹ học trò cũng rất sốt sắng về việc ấy nữa. Thầy giáo lúc bấy giờ được học sinh kính mến và trọng vọng lắm.

Vì học giỏi nhất lớp, lại hạnh kiểm tốt, nên Tuấn được bạn bè trao tiền nhờ nẹ mua các đồ vật tết thầy : một quả nếp, hai chai rượu, một cân đường bông, và một cân đường phèn. Mấy lớp lớn ( lớp Ba, lớp Nhì, lớp Nhất ), học trò còn đọc " đít cua " để "mừng tuổi " thầy giáo. Học trò lớp Năm còn nhỏ tuổi quá, chưa làm đước " đít cua ", nhưng cha mẹ cũng dạy cho một vài câu lễ phép mà các em học thuộc lòng ở nhà rồi đến đọc cho thầy nghe. Chiều 27 hay 28 tháng chạp, thầy giáo vừa ăn cơm xong, thấy cả lớp học trò của mình toàn tụi con nít 9,10 tuổi, mặc áo đen dài, quần trắng, đi chưn không, rụt rè tiến vô nhà. Mấy em đi đầu bưng mấy quả " lễ vật " tức là quà Tết, cung kính đặt giữa bàn nơi thầy ngồi uống nước trà. Tất cả đều khúm núm, sợ sệt. Thầy giáo đang mặc áo cụt, cũng vội vàng vào buồng mặc áo xuyến dài ra tiếp học trò.

Các em đứng vòng tay rất lễ phép, rồi một đứa được các em đề cử trước - chính là Tuấn-em - cúi đầu xá thầy ba xá, bập bẹ nói một câu mà em đã đước cha mẹ ở nhà dạy học thuộc lòng :

- Dạ bẩm Thầy, năm hết Tết đến, chúng con xin kính lời mừng tuổi Thầy Cô cùng quý quyến và chúng em kính chúc Thầy Cô sang Năm Mới được Phật Trời phò hộ an khương.

Tuấn nói trôi chảy gọn gàng không vấp một chữ, xong cúi đầu xá thầy ba xá. Toàn thể các em đều cung kính cúi đầu xá thầy ba xá.

Thầy giáo ngồi bàn, rưng rưng nước mắt. Thầy cảm động quá không nói sao được, liền đưa tay kéo Tuấn vào lòng thầy và kéo hết cả ba chục em vào đứng lại hết cạnh thầy. Thầy lấy tay âu yếm vuốt đầu tóc các em.

Thầy giáo hồi xưa nghèo lắm. Lương tháng chỉ được 5 đồng bạc chứ đâu có nhiều. Thầy không có gì đãi các em, chỉ bưng trên bàn thờ xuống một quả bánh in của cô giáo vừa làm để cúng. Thầy gọi cô lấy thêm ra ít bánh cúng cho đủ 30 cái bánh để làm quà cho 30 em học trò.

Mỗi em đưa hai bàn tay non nớt ra lễ phép nhận lãnh quà của thầy.
Nhưng tội nghiệp không em nào ăn cả, bỏ túi để đem về khoe với cha mẹ. Các em học trò năm 1920 đã biết quí cái bánh của thầy giáo cho Tết, không phải bởi nó là cái bánh, mà bởi nó là món quà Tết của thầy. Thầy nói mấy lời cám ơn các em, cảm ơn cha mẹ các em, và gởi lời về " mừng tuổi " các bậc cha mẹ. Cô Giáo cũng vui vẻ tươi cười, âu yêm hỏi chuyện từng em.

Cũng buổi tối ấy, học trò lớp nào cũng đi Tết thầy giáo của mình.

Riêng ở lớp Nhất, trò Hường được toàn thể các bạn cùng lớp cử ra đọc bài " đít cua " bằng chữ Pháp để chúc mừng thầy. Bài tự trò làm lấy, vì trò giỏi chữ Pháp nhất lớp. Trò đã làm xong trước đó mười ngày, và chuyền tay nhau cả lớp cùng xem. Xong, trò Liên, con thầy Thông Lễ làm y tá ở tỉnh, nhờ cha đem vào nhà thương đánh máy giùm trên một tờ giấy thật trắng. Trò Quít, đứng đầu về môn vẽ, được các bạn giao cho công việc vẽ một bó hoa thật đẹp, đủ màu, trên đầu tờ " đít cua ".

Tối hôm ấy, cơm nước xong, vào khoảng 7 giờ, 40 học trò lớp Nhất quần áo tề chỉnh, tụ họp tại nhà cậu Hường. Nơi đây, với tiền đóng góp của tất cả lớp, mẹ cậu Hường đã mua sẵn các món lễ vật đựng trong 5 quả lớn. Năm cậu tình nguyện bưng 5 quả, rồi tất cả cùng đi đến nhà thầy ở một đường hẻm tối om trong thành. Chó sủa vang dậy cả xóm. Thầy giáo lớp Nhất đang nằm võng ru con ngủ, nghiêng mình ngó ra sân thấy lố nhố những bóng đen. Cô giáo cầm chiếc đèn Huê-kỳ đứng cửa rọi ra, quay vào nói với chồng " Học Trò ! ". Cô ôm con ra để cho Thầy được rảnh. Thầy vào nhà trong, mặc áo lương dài kết nút xương, ra ngồi ghế tràng kỷ để tiếp học trò của thầy.

Sau khi 5 cậu đặt 5 quả lễ vật trên bàn, ai nấy đều im lặng vòng tay đứng sau Hường. Cậu Hường cầm tờ giấy đánh máy có vẽ bó hoa vạn thọ, xá thầy ba xá, rồi cung kính đọc. Giọng cậu run run như sợ sệt. Xin chép nguyên văn một bài Pháp-ngữ của học trò lớp Nhất tự làm ra để chúc mừng năm mới thầy giáo, ngày Tết năm 1921 : ( tài liệu của ông Trần văn Tính, thân phụ một học sinh trường Pháp-Việt, năm 1921)

Monsieur et Cher Maître

A l'occasion du Nouvel An qui va venir, nous, vos petits élèves respectueux et obéissants, avons l'honneur de vous adresser, ainsi qu'à votre honorable famille, nos voeux les plus fervents de Bonheur, de Richesse et de Longevité.

Monsieur et Cher Maître,

Vos bienfaits sont comparables à la montagne Thái Sơn, vos Vertus sont immenses comme la Mer de l'Est. Vous êtes au-dessous du Roi mais au-dessus de nos parents que nous aimons et respectons également. C'est pourquoi nous ne pouvons pas vous exprimer toute l'instruction que vous nons donnez.

Nous vous prions de vouloir bien pardonner notre language maladroit. Mais notre respect est grand à votre égard, notre gratitude est profonde. Dans notre vie nous ne pourrons jamais oublier notre Maître bien-aimé.

Veuillez agréer, Monsieur et Cher Maître, l'expression de notre très humble reconnaissance.

Vos élèves très dévoués du Cours Supérieur.

Tết, 1921.

Lời văn quả thật còn ngây ngô, nhung cách đặt câu đã khá vững, văn phạm đã đúng đắn, diễn tả không đến nổi vụng về lắm.

Xin dịch nguyên văn :

Thưa thầy kính yêu,

Nhân dịp năm mới sắp đến, chúng con, bọn học trò của Thầy, cung kính và biết nghe lời, hân hạnh dâng lên Thầy cùng tôn quyến, những lời nồng nhiệt kính chúc Thầy : Phước, Lộc, Thọ.

Thưa thầy kính yêu,

Ơn của Thầy như núi Thái Sơn, đức của Thầy rộng mênh mông như biển Đông. Thầy ở bậc dưới Vua, nhưng ở bậc trên cha mẹ chúng con, mà chúng con cũng yêu kính vậy. Cho nên chúng con không thể nào diễn tả hết được tất cả những sự biết ơn mà chúng con cảm từ trong đáy lòng vì nền giáo dục mà Thầy đã ban cho chúng con. Chúng con xin thầy tha thứ cho lời vụng về. Nhưng sự kính trọng của chúng con rất là sâu xa. Trong đời chúng con sẽ không thể nào quên được bậc Hiền sư yêu dấu.

Kính xin Thầy nhận nơi đây lòng tri-ân hèn mọn của chúng con.

Học trò rất tận tâm trung thành với Thầy ở lớp Nhất.

Tết 1921


Lúc bấy giờ các trường nghỉ Tết được nửa tháng, từ 22 tháng chạp ta đến mồng tám, hoặc mồng mười tháng Giêng. Trong mấy ngày nghỉ Tết, đa số học trò bị nhiễm một tật thông thường của đa số các bậc phụ huynh, là cờ bạc. Ở tỉnh nào và Phủ, Huyện nào cũng thế cả.

Có năm loại cờ bạc trong mấy ngày xuân :

1) giới quý phái, quan liêu, các quan lớn, quan nhỏ, thì đánh tổ tôm, tài bàn ( nhất văn, nhị văn, tam văn...chi chi, cửu vạn, bát sách ) v.v...

2) giới bình dân phong lưu thì đánh Kiệu ( thất kiệu, tam kiệu ).

3) giới bình dân đại chúng, nhất là phụ nữ, thì đánh Tứ sắc ( tướng xanh, tướng đỏ, tướng vàng, tướng trắng, tốt xanh, tốt vàng v.v...) hoặc bài Tam cúc ( ông Ẩm, ba Tiền, tám Tiền, v.v...).

4) giới cờ bạc chuyên môn thì Hốt Me, Xóc đĩa, Bài cào, Xì lác, các tê.

5) sau cùng là học trò và con nít thì đánh lú : Tam Túc Lượng Yêu ( tam là ba đồng tiền, túc bốn đồng, lượng hai đồng, yêu một đồng ).

Trong mấy ngày Tết, hầu hết các gia đình đều tổ chức đánh bài như thế, tuy là để " tiêu khiển " trong mấy ngày Xuân, nhưng cũng ăn thua tiền bạc quá nhiều và rất ham mê.

Cờ bạc công cộng thì có bài chòi, do làng xóm tổ chức. Lối chơi bài chòi công cộng này rất vui, rất dễ quyến rũ ngưởi ta. Thường thường một nơi xa kéo đến, có khi từ Huyện nọ sang Huyện kia, đến vài chục cây số. Hội Bài Chòi thường khai mạc sáng Mồng Một Tết và kéo dài đến Rằm tháng Giêng. Lối chơi này riêng biệt ở Trung Kỳ, rất thông dụng. Ở miền Bắc và miền Nam không có.

Đám thanh niên và học sinh vùi đầu vùi cổ trong các canh bài, đêm nào cũng thức thật khuya, có đêm thức tới sáng. Vì học trò có ít tiền nên mãn canh bạc, ăn thua chỉ trong vòng năm bảy tiền, hay một quan là nhiều.

Phải nhận xét vô tư và xác thực rằng tất cả những cuộc cờ bạc trên kia chỉ thịnh hành trong mấy ngày xuân thôi. Trừ ra một vài gia đình tiếp tục chơi đến hết tháng Giêng, còn hầu khắp các nơi hết Tết là hết cờ bạc. Các bộ bài được gói cất kỹ lưỡng trong tủ, và ai nấy lo làm ăn.

Học trò cũng thế. Hết nghỉ Tết, bắt đầu học trở lại, phần nhiều học sinh lo học, không đánh bài nữa. Dù có muốn chơi cũng không dám chơi, vì bài học và bài làm rất nhiều, đâu có thì giờ rảnh rang nữa.

Trừ một thiểu số lười biếng, phần nhiều là con nhà giàu, được cha mẹ cưng, còn hầu hết học sinh thời trước đều chăm chỉ học tập, sợ thầy phạt, và lo tranh đua với chúng bạn. Học không thuộc bài, bị thầy cho zéro trong sổ điểm, là một cái nhục lớn cho người học trò, đối với bạn bè trong lớp. Học trò thuở trước biết tự trọng, do đó mà biết cố gắng.

Xã hội Việt Nam từ 1910 đến 1950 không có hạng thanh niên lêu lỏng, truỵ lạc, quá nhiều như ngày nay. Chính ở hai đô thị xa hoa rộn rịp nhất là Saigon, Hà Nội, số thanh niên trác táng cũng không có bao nhiêu.Hoạ chăng chỉ là một thiểu số con nhà giàu, mà cha mẹ để cho ăn chơi tự do, bọn công tử, công tôn xài phí hoang đường, cậy quyền, ỷ thế, có những hành động ngang tàng mất dạy. Còn hầu hết thanh niên đều cố gắng học hành thi cử, để kiếm công ăn việc làm. Tuỳ theo khả năng của mình, tất cả đều được tiếp nhận trong các công sở, tư sở, nhà buôn, nhà máy, và các ngành hoạt động khác trong xứ. Luân lý gia đình chặt chẽ, kỷ luật học đường nghiêm khắc, chương trình học vấn điều hoà, có căn bản, và phong độ chung của xã hội Việt Nam được lành mạnh, tốt đẹp, để bảo đảm cho thanh thiếu niên Tiền-chiến một đời sống tinh thần và vật chất thăng bằng, không bê bối, không hỗn loạn.

Thanh niên 1920-1940, có lễ độ, không hỗn láo, không xấc-xược. Đối với thầy họ không lỗ mãng, đối với bạn không lơ là, với mọi người trong xã hội họ giữ được tư cách đứng đắn, gương mẫu của người học trò. Tuy học chữ Tây, nhiễm văn minh vật chất của Âu Tây nhưng họ vẫn điều hoà được cả hai tinh thần đông phương và tây phương. Nhờ đó họ đã xây dựng một thế hệ trung bình, phấn chấn, không rụt rè thoái bộ, mà cũng không hời-hợt, lăng nhăng.

Tuấn-em lớn lên giũa một xã hội mới đang phôi thai trong tiến bộ, hấp thụ một dưỡng khí học đường lành mạnh, tinh khiết và mát dịu. Tinh thần chủng tộc càng nẩy nở mạnh mẽ trong tâm khảm nó. Bao nhiêu những rực rỡ tân kỳ của văn minh Pháp quốc, như tầu bay, xe hơi, giây điện, giây thép, đồng hồ và trăm ngàn máy móc mới lạ, tuy khiến cho nó kính phục, nhưng không sao biến đổi được tính chất thuần tuý của giống nòi đã khắn khít như keo sơn, như cội rễ, trong giòng máu Việt Nam của nó.

Những kẻ "phục Tây sát đất ", và nịnh Tây theo Tây tôn người Pháp là " quan Thầy, tôn nước Pháp là " mẫu quốc ", chỉ có một số rất ít thôi. Đó là những kẻ muốn tăng cường địa vị cá nhân, muốn khuếch trương quyền lợi riêng, muốn dựa thế người Pháp để xây dựng danh vọng, vinh hoa, phú quý cho họ và cho gia đình họ. Những kẻ ấy không ảnh hưởng chút nào đối với đại đa số thanh thiếu niên, nhất là thanh thiếu niên học sinh ở các trường Pháp-Việt.

Nhân vật điển hình của hạng nịnh Tây, năm 1920 ở tỉnh Q., thuộc về giới " thượng lưu trí thức " lại chính là ông đốc học Phạm văn Mỗ. Tốt nghiệp trường Cao Đẳng Sư Phạm Đông Dương ở Hà Nội, ông là người Nghệ An được bổ nhiệm vào tỉnh Q. thay thế cho ông đốc học Pháp đổi đi nơi khác. Ông là một trong số người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp trường Cao Đẳng Sư Phạm ( trường này mới được chính phủ thuộc địa thành lập tại Hà Nội, năm 1914 ), và cũng là người Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm làm Đốc học tại trường Tiểu học Pháp Việt ở tỉnh (Ecole de Plein Exercice ). Ông độ 30 tuổi, người thấp và nhỏ, luôn luôn nói tiếng Pháp, ít khi nói tiếng Việt.

Năm 1920, ở các tỉnh toàn xứ hãy còn ít người An-Nam mặc Âu phục. Các thầy Thông, thầy Phán làm việc các Toà, các sở, các thầy giáo, đều mặc áo dài đen dài, mang giầy Hạ, đội mũ, hoặc chít khăn đen. Ở tỉnh Q. quan Đốc học Phạm văn Mỗ là người đầu tiên mặc âu phục và " quan " chỉ mặc đồ tây, không bao giờ mặc đồ An-nam cả. Ấy thế mà một năm sau, một thầy giáo lớp Tư cũng bắt chước mặc âu phục như quan Đốc thì quan Đốc không bằng lòng và thù ghét tìm cách đuổi thầy đi khỏi trường. Nghe nói thầy đi vô Đồng Nai, Gia Định !

Chỉ tội nghiệp cho thầy giáo lớp Ba. Cũng như thầy lớp Tư, thầy này cũng bắt chước may một bộ đồ tây, sắp sửa mặc đi dạy học. Học trò đến nhà thầy, thầy lấy bộ áo tây mới may đem ra khoe, có vẻ hảnh diện và vui sướng lắm. Học trò cũng thích thầy mặc đồ tây cho oai. Nhưng thấy cái gương thầy lớp Tư như thế, thầy lớp Ba vội-vàng xếp bộ đồ tây cất vô tủ, không dám lấy ra mặc nữa.Đến đổi chủ nhật thầy đi dạo chơi ngoài phố, hoặc đến chơi nhà các thầy khác, thầy cũng không dám mặc đồ tây, sợ có ai mét lại với quan Đốc thì nguy !

Mỗi buổi chiều thứ Năm nghỉ học, Tuấn-em đến thăm thầy, thầy than thở với Tuấn :

- Ở tỉnh mình không có thợ may đồ tây, và cũng không có tiệm nào bán vải may đồ tây, sẵn có người bà con đi Đồng Nai buôn bán, thầy gởi tiền nhờ họ vô Đồng Nai mua vải và mướn thợ may cho thầy một bộ. Không dè ông Đốc không muốn cho thầy giáo mặc đồ tây, thành thử thầy phải bỏ. Thầy tiếc quá !

Tuấn hỏi :

- Thưa thầy, thầy thuê thợ Đồng Nai may hết bao nhiêu tiền ?

- Thầy để dành nửa tháng tiền lương mới đủ mua hàng tissu và may được bộ đồ complet đó.

Tuấn-em nghe thầy nói, thương thầy lắm. Học trò cả lớp đều thương thầy không đứa nào dám chế nhạo về vụ đó. Đối với ông Đốc, các thầy giáo và học trò cả trường đều sợ.

Buổi học cuối niên khoá, trước kỳ nghỉ hè 3 tháng, từ đầu tháng 7 dương lịch, ông Đốc vào từng lớp căn dặn học trò. Dĩ nhiên ông nói tiếng Pháp. Học trò lớp Năm và lớp Tư không hiểu nổi, các thầy giáo dịch lại tiếng An-nam :

- Ngày mai 1 tháng 7, bắt đầu nghỉ Hè. Nhưng các trò ở xa không được về quê vội. Vì ngày 14 tháng 7 là ngày lễ Quốc-khánh của nước Đại Pháp, có quan Công Sứ chủ toạ cuộc diễn binh long trọng. Tôi muốn toàn thể học trò trường tỉnh phải đến đông đủ dự buổi lễ ấy. Vậy sáng ngày mai, và liên tiếp trong 7 ngày, học trò lớp Nhất, lớp Nhì và lớp Ba, phải tới trường để tập hát bài quốc ca Pháp, là bài La Marseillaise. Phải tới đông đủ, học trò nào vắng mặt sẽ bị phạt consigne. Ngoài ra, tất cả học trò các lớp phải nói với cha mẹ mua vải xanh vải đỏ may cho mỗi trò một lá cờ Tam Tài, xanh-trắng-đỏ, lá cờ của Mẫu quốc, để ngày 14 Juillet cầm đi dự lễ. Sáng 14-7, đúng 6 giờ các trò và các thầy giáo phải tề tựu đông đủ tại sân trường, mặc áo dài trắng sạch sẽ, và mỗi trò cầm một cây cờ Tam Tài lớn bằng một tờ giấy tây, sắp hàng tề chỉnh, để các thầy giáo dẫn đi dự lễ Quốc-khánh, và chào mừng quan Công Sứ. Trò nào khiếm diện hôm đó, sẽ bị đuổi luôn.

Ông Đốc học Phạm văn Mỗ truyền huấn lệnh rõ ràng, và nghiêm khắc như thế, rồi ra về.

Tuấn-em về nhà nói chuyện lại cho anh và cha mẹ nghe lời căn dặn củ ông Đốc. Thím Ba, mẹ Tuấn, nói :

- Không lẽ may một lá cờ tam sắc nhỏ bằng tờ giấy tây mà phải đi mua ba thứ vải ba màu sao ! Mẹ cắt một tấm vải trắng ra thành ba, mẹ mua phẩm xanh, phẩm đỏ về nhuộm hai miếng, rồi mẹ may lại, được không ?

Thưa mẹ, không được đâu. Ông Đốc bảo phải mua vải xanh, vải đỏ.

Nhưng Phán Tuấn ngắt lời em :

- Ông Đốc bảo thế, kệ ổng. Mẹ cứ nhuộm vải trắng rồi may. Miễn có cờ ba sắc là được...Nhưng Ông Đốc này làm lố quá. Ngỉĩ hè, không cho học trò về quê thăm cha mẹ, bắt ở lại đến 14-7 để đi chào mừng ông Sứ là nghĩa lý gì ? Lễ Quốc-khánh của Tây, chớ của An-nam sao ? Nếu muốn dẩn học trò đi chào ông Sứ, thì học trò ở tỉnh được hơn trăm đứa cũng đủ rồi, cần gì phải bắt học trò quê ở các Phủ huyện xa phải ở lại ? Ông Sứ có bắt buộc như thế đâu ?

Tuấn-em hỏi anh :

- Lễ 14-7 là lễ gì, anh Hai ?

Phán Tuấn lấy sách Sử Ký Pháp ra giảng cho em hiểu :

- Đấy là một ngày lễ kỹ niệm cuộc Cách mạng Pháp. Dân chúng Pháp uất ức vì bị nhà Vua hà hiếp, thuế má nặng nề, nên họ nổi dậy phá tan ngục Bastille, và đòi bắt chém vua...

Tuấn kể dài nữa, thật dài và thật rõ ràng đầu đủ về cuộc Cách mạng nổi dậy ngày 14 tháng 7 năm 1789, ở Paris...

Tuấn-em nghe say mê lời anh thuật chuyện và sáng hôm sau cũng phải đến trường tập hát bài quốc Pháp, La Marseillaise, theo lịnh của ông Đốc.

Sáng ngày 14-7, Tuấn-em phải cầm lá cờ Tam tài đến trường đúng 6 giờ. Học trò và các thầy giáo đều đến đông đủ, đếm tất cả trường được 415 trò dưới sự chỉ dẫn của 10 thầy giáo. Học trò sắp hàng hai trước sân trường đúng 7 giờ, ông Đốc Phạm văn Mỗ đến. Ông mặc bộ đồ tậy mới, toàn màu trắng, mang giày trắng, đội mũ trắng. Ông bảo học trò lớp Nhất, lớp Nhì, lớp Ba hát bài quốc ca Pháp cho ông nghe. Trò nào hát sai giọng, hoặc sai một chữ, bị ông đánh một tát tai nẩy lửa. Nét mặt giận dữ, ông la hét om sòm làm cho các thầy và toàn thể học sinh hoảng sợ. Đúng 7 giờ 30 phút, ông ngồi trên chiếc xe keo nhà sơn đen, bánh cao su, do một người cu-li mặc quần áo mới kéo ra Sở Cò, trên đường Cửa Tây, là nơi hành lễ. Các thầy dẫn học trò sắp ngay hàng thẳng lối, mỗi trò cầm một cây cờ Tam tài, lặng lẽ đi sau xe ông Đốc. Học trò sắp hàng trên lề đường phố, đối diện khán đài.

Linh khố xanh ( lính Tập ) độ trăm người, mặc lễ phục oai vệ, cầm súng cắm lưỡi lê sáng quắc, đứng sắp hàng trên lề đường bên kia, hai bên khán đài. Dân chúng đứng xem đông nghẹt, chung quanh khán đài và trên các đường phố, chen lấn nhau chật ních, không còn một chổ hở.

Sau khi ông Công Sứ và các quan khách đến đúng 8 giờ 30, và lính thổi kèn, bồng súng chào, ông Đốc học Phạm văn Mỗ bước ra trước mặt ông Sứ, đọc bài diễn văn bằng tiếng Pháp. Bài diễn văn rất dài, đại khái có một đoạn hùng hồn như sau đây :

" Oh France magnanime ! Oh France Bienfaitrice de l' Humanité ! Oh Mère Patrie ! Combien, nous, les Annamites, vos fils adoptifs, vos fidèles protégés, nous sommes fiers ce jour glorieux qui porte la marque sublime de la grandeur francaise !..."

Ông Đốc bảo một thầy giáo đọc bản dịch quốc ngữ cho mọi người nghe :

" Hỡi nước Đại Pháp khoan hồng đại lượng ! Hỡi nước Đại Pháp ân nhân của nhâ loại ! Hỡi Mẫu quốc ! Chúng tôi, người An-na-mít, là những đứa con nuôi của nước Pháp, những con trung thành được nước Pháp bảo hộ, chúng tôi hãnh diện xiết bao trong ngày hôm nay, ngày vinh quang của nước Pháp vĩ đại !..."

Các quan Tây-Nam vỗ tay như sấm dậy. Theo huấn lịnh của ông Đốc dặn trước, ông đọc xong bài diễn văn, lúc học trò phải phất cờ tam tài của Pháp và hát lên bài quốc ca La Marseillaise...

Ông Công Sứ cảm động quá, đứng dậy gắn một chiếc mề đay trên ngực ông Đốc học Phạm văn Mỗ, và ôm hôn ông...

Lễ Quốc-khánh của nước Pháp, ngày 14 tháng 7 dương lịch, được gọi là " lễ Chánh-chung ". Không biết ông quan nào của Nam-triều, hay thầy Thông, thầy Phán nào của chính phủ Bảo hộ, đã đặt ra danh từ lạ lùng ấy mà không ai hiểu ý nghĩa đích xác là gì cả. Có nhiều ông Tú, ông Cử nhà Nho nói rằng đúng chữ là "Chánh - Trung ", nghĩa là ngày lễ đúng vào giữa năm. Ngoài ra, còn có một danh từ khác thông dụng hơn, là lễ " Cách -tót-duy-dê ", phiên âm theo tiếng Pháp.

Trừ ngày Tết Việt-Nam có tính cách nghi lễ gia đình nhiều hơn, người ta có thể nói rằng " lễ Cách-tót-duy-dê " là một ngày đại hội toàn quốc tưng bừng náo nhiệt nhất trong năm, dưới thời đô hộ Pháp ở xứ ta. Sáng sớm tinh sương Tuấn-em vừa thức dậy đã nghe tiếng kèn lính tập thổi một bài quân nhạc đặc biệt vang lừng khắp tỉnh. Ngoài đường phố đã thấy lính khố xanh rộn-rịp, mặc toàn quân phục trắng của những ngày đại lễ. Sau nghi lễ chính thức có ông Đốc học Phạm văn Mỗ đọc diễn văn suy tôn ông Công Sứ, và tâng bốc nước Đại Pháp, và sau một cuộc " diễn binh" có hai anh lính khố xanh thổi kèn đi đầu, Toà Sứ có tổ chức những cuộc vui công cộng mà dân chúng nô nức từ các làng kéo vể tỉnh để xem. Trước sân chợ, có một môn giải trí do Quan Tuần Phủ bày ra. Trên khán đài đông đủ mặt các quan Tây, quan An-nam, và các bà Đầm ngồi hàng ghế danh dự, một thiếu phụ Pháp cầm một cần câu treo một cái chảo dính đầy lọ nghẹ. Dưới đít chảo có dán một đồng bạc trắng. Quan Tuần giảng nghĩa trò chơi cho công chúng nghe :" Ai muốn lấy đồng bạc kia, thì phải lấy khăn cột hai tay sau lưng, đứng dưới cần câu, ngước mặt lên đít chảo và đưa miệng lên cắn lấy đồng bạc ". Nếu cần câu để yên một chổ thì trò chơi không khó khăn gì, nhưng cô Đầm quái ác ngồi trên khán đài cố ý cầm cần câu nhử mồi như cầm cục xương đưa cao lên để nhử con chó vậy. Cô hạ cần câu xuống gần miệng người ham đồng bạc đang dùng mọi cử chỉ lanh lợi để đưa miệng lên táp vào đít chảo sắp sửa thành công, thì cô Đầm lại dựt cần câu lên, cái chảo cũng lắc lư ra xa. Người ham đồng bạc đã không cắn được đồng bạc mà mặt mủi lại bị dính đầy lọ nghẹ.

Các quan Tây, quaun An-nam, và các bà Đầm, cô Đầm đều cười rũ rượi, khoái chí lắm. Khán giả "An Nam " cũng cười rùm lên.Người ham đồng bạc vẫn không thất vọng, cứ chườn cái mặt lọ lem kia ra, cố há miệng cho to táp vào đít chảo, mong táp trúng đồng bạc...

Tuấn-em đứng xem cũng tức cười như mọi người. Nhưng anh nó, thầy Phán Tuấn, sa sầm nét mặt, bảo nó :

- Em muốn xem nữa, cứ đứng đây xem, hay là xem các trò khác. Anh đi về.

Tuấn-em còn con nít, ham vui, đi coi khắp các trò chơi công cộng, như leo cột mỡ, bịt mắt bắt vịt, đua xe kéo, keó thùng nước đừng cho đổ ra ngoaì, v.v...

Phán Tuấn về nhà, nghĩ laị cuộc chơi của " người An-nam liếm đít chảo " trong ngày lễ Quốc khánh Pháp, cho rằng đây là một trò chơi nhục nhã cho ngươì Việt. Nhưng còn biết bao nhiêu caí nhục nhã nữa kể sao cho hết ? Kể cho ai nghe ? Mà ai dám nghe ? Tuấn làm thông phán đầu toà, hàng ngày gần gũi với các ông Công Sứ Pháp và các quan Tây, các quan ta, các ông tổng, ông xã, đã mắt thấy tai nghe biết bao nhiêu những chuyện nhục nhã, đê tiện, khốn nạn, bỉ ôỉ, do chính hạng " An-nam nịnh Tây " nêu gương ra. Họ tưởng làm vui ông Tây, nhưng chính ông Tây chê cười, khinh bỉ. Gặp những viên quan cai trị Pháp biết tôn trọng dân tộc Việt Nam, thì mình xâú hổ, vì họ vẫn theo thành kiến dân chủ và tinh thần bình đẳng. Nhưng một số đông người Pháp đã có kỳ thị chủng tộc, nhiễm thói tự cao tự đaị với dân thuộc điạ, laị gặp những " người an nam mít " tâng bốc họ một cách đê tiện, vô liêm sỉ thì họ càng lên mặt vênh-váo, khinh khi cả giống người Việt và chà đạp lên dân ta như loài trùn dế vậy thôi.

Cuộc vui liếm đít chảo để lấy một đồng bạc, tự nó có thể được coi như một trò chơi bình dân, thật ra không đến nỗi xúc phạm đến quốc thể của một nước, nhưng chính vì do các " quan Đại Pháp - chủ trương, do các " quan An nam " bày đặt, và cả một công chúng " An Nam " đông đảo đứng xem và vỗ tay cười trước mặt Tây và Đầm, cho nên Tuấn thấy thương tổn đến phẩm giá của người Việt, và chạm đến lòng tự ái dân tộc của chàng.

Mặc dầu Trần anh Tuấn đương là một kẻ giúp việc cho Tây, ăn lương của "Nhà Nước Bảo Hộ" nhưng Tuấn đã được thấm nhuần tư tưởng ái quốc của vua Duy-Tân, vua Thành-Thái, lúc Tuấn còn là học sinh trường Quốc Học Huế. Cho nên một cuộc chơi liếm đít chảo bày ra mà đa số đồng bào chỉ biết hùa nhau vỗ tay cười, Tuấn lại cho là nhục nhã.Tuấn bùi-ngùi đau xót, tức giận, mà âm thầm không dám nói với ai.


Năm 1923, ở tỉnh có một đám rước " thầy Tú vinh qui " thật là vui. Người ta nô nức đi xem đông vồ số kể. Đối với đám rước của Lê văn Thanh hồi chàng mới thi đỗ bằng tiểu học " ri-me " ở tỉnh thì đám rước này còn linh đình hơn nhiều.

Thầy Tú tân khoa là con một ông bá hộ có theo đạo Thiên Chúa. Cậu cũng học trường Quốc Học Huế, thi đậu bằng Thành Chung, lúc bấy giờ có một số người gọi là " Tân khoa Tú Tài ". Cũng như Trần anh Tuấn vậy. Kể ra năm 1923, lớp học sinh thi đỗ bằng Thành Chung ở Huế, Vinh, cũng như ở Hà Nội, Nam Định,Saigòn, Cần Thơ v.v...đã nhiều rồi, không phải hiếm hoi như ba, bốn năm về trước, nhưng ở tỉnh Q.., toàn tỉnh chỉ có chừng năm người. Hầu hết chỉ học đến lớp đệ nhị niên, đệ tam niên., (2è Année,3è Année Primarie Supérieur ) đã thi ra làm thầy Thông ở các công sở như Thương chánh, Kho bạc, Bưu điện, Kiểm lâm, hoặc làm trợ giáo.

Một số ít con nhà khá giả mới học thi bằng Thành Chung ( cũng gọi tắt là thi Diplôme).

Lúc mới mở các học đường thì chính người Pháp bày ra việc rước các cậu tuyển sanh và tú tài tân khoa, sau đó vài ba năm họ bỏ lệ ấy. Nhưng ông Bá hộ muốn khoe khoang, nên tự ý tổ chức riêng việc rước con trai của ông mới thi đỗ ở Huế. Cậu Tú mặc áo gấm, mang giầy hạ, đội mũ trắng, ngồi trong chiếc cáng. Có phường nhạc bát-âm và cờ xí loè-loẹt, chuông trông vang lừng. Đám rước phải đi gần mười cây số và đi thật chậm, để cho dân chúng các làng, các tổng ở khắp nơi kéo nhau đi coi mặt " thầy Tú vinh qui ".

Về nhà, ông bá hộ tổ chức một buổi tạ ơn Chúa và tạ ơn Đức Mẹ tại nhà thờ Đạo trong tổng. Các cha sở và gần trăm bà con họ Đạo tham gia. Xong rồi ông giết ba con bò và năm con heo khao đãi dân làng và quan khách liên tiếp ba ngày đêm.

Tiếng đồn gần đồn xa, đến đỗi bọn ăn mày ở khắp tỉnh có đến năm, sáu chục người, già trẻ,lớn bé, đàn ông đàn bà xách bị, chống gậy, bưng nồi, bưng thúng, tổ chức thành một đoàn kéo đến ngồi chật cả sân ông bá hộ để xin một bửa ăn khao mừng thấy Tú tân khoa.

Còn những bà con của thầy Tú, họ nội, họ ngoại, xa lắc xa lơ từ mấy đời cũng lần lượt về mừng " cậu Tú nó ", "anh Tú nó "...Kẻ vuốt ve, người ngắm nghía, trầm trồ khen ngợi không hết lời. Thi đỗ bằng Trung học về làng, chàng thanh niên 1923 vẫn còn được trọng vọng như một vị anh hùng của xóm làng, huyện, tổng.

Quan Tuần, quan Phủ, có con gái lớn 15, 16 tuổi, cũng lăm le muốn gả con cho thầy Tú tân khoa. Thôi thì mai mối tấp nập. Nhiều cô gái trong tỉnh hồi hộp ước muốn làm cô Tú.

Tết năm ấy, làng sở tại có tổ chức một cuộc chơi Bài Chòi, sáng Mồng Một thầy Tú đước mời đến ngồi ghế tràng kỷ với các vị bô lão.

Tuấn-em đi xem về, thèm thuồng, hỏi anh nó :

- Anh Hai, anh cũng đỗ thành chung trước người ta sao anh không làm lễ rước tân khoa ?

Phán Tuấn mỉm cười :

- Ở đời, có người thích thế này, có người thích thế khác. Chừng nào em học giỏi, thi đỗ, em có muốn được đón rước như thế không ?

- Không, em bắt chước anh Hai.Anh Hai làm sao, em làm theo vậy.

giavui
06-25-2014, 05:14 PM
CHƯƠNG 6. 1923

- Hội " Như Tây du học " của các quan.

- Thanh niên Nam-Trung-Bắc du học ngoại quốc từ năm 1900 đến 1930.

- Con gái Quan Thượng Thư đi du học ở Paris về, lấy tên Tây, ghê tởm nước mắm, và không biết cầm đũa ăn cơm.

- Con vua bằng đồng, mừng lễ Tứ-tuần Vua Khải-Dịnh " Đại Nam Hoàng Đế ".

- 20 thanh niên khiêng con voi ra Huế.

- Cả tỉnh chỉ có 4 cô nữ sinh lớp Nhất, học chung với con trai.

- Cô học trò 16 tuổi, xưng "con" với Thầy giáo 20 tuổi.

- Phụ nữ đứng đắn ở Bắc chỉ mặc quần đen để phân biệt với bọn gái điếm quần trắng.

- Y phục phụ nữ Bắc - Trung - Nam.

Các quan Thượng Thư của triều đình Huế nhận thấy rằng các trường Sơ học, Tiểu học và Cao đẳng tiểu học 1 ở khắp ba kỳ, và ngay đến cả trường Cao đẳng Đông Dương ở Hà Nội, chỉ đào tạo các thanh niên trí thức vừa đũ khả năng làm việc cho hành chánh thuộc địa trong xứ, chứ không thể học lên cao được nữa, bèn lập ra một hội tên là " Như Tây Du Học Hội " để tuyển lựa một số thanh niên học sinh, cấp học bổng cho đi du học bên Tây. Cũng như ngày nay chính phủ cấp học bổng cho một số học sinh du học hải ngoại vậy.

Dưới thời thực dân phong kiến, những thanh niên được may mắn xuất ngoại đều là con cháu của các cụ Thượng Thư các Bộ, hoặc trong gia đình bên nội hay bên ngoại. Hoặc là con của các Quan Tổng Đốc, Tuần Phủ, có thần thế " có chưn trong chưn ngoài ", nhờ các cụ Thượng-thơ và các quan Tây gửi gấm, hoạ may mới được đi Tây học. Các " ông lớn " đã giàu có, phần nhiều con cháu của các ông lại học kém thua con nhà bình dân, trung lưu, nhưng họ vẫn được cấp học bổng đầy đủ, có khi dư dã, để sang Pháp học. Họ học về văn minh tiến bộ thì ít mà học cách ăn chơi xa xí thì nhiều. Ấy là nguyên nhân cho ta hiểu vì sao cùng một lúc thanh niên Nhật và Ấn Độ du học bên Âu-Tây mà khi thành tài sau mấy năm chuyên cần học hỏi, họ đem về tất cả những khả năng kỷ thuật mới lạ, những bí quyết văn minh khoa học để mở mang kinh tế, kỷ thuật của xứ sở họ, không kém thua các nước Tây phương bao nhiêu. Còn du học sinh An-Nam đi Tây năm sáu năm trời, chỉ đem về một mớ kiến thức đủ làm công cho người Pháp ở thuộc địa mà thôi.

Người ta có thể đếm trên đốt ngón tay số thanh niên An-Nam đi du học bên Pháp " thành tài " trở về quê hương trong thời gian từ 1900 đến 1930, cả ba kỳ, Nam,Trung,Bắc. Vài ba ông kỷ sư Cầu Cống, kỷ sư Canh Nông, theo dân Tây, lấy vợ Đầm, hoặc chủ trương một đường lối chính trị úp mở, ví quyền lợi cá nhân hơn là quyền lợi Tổ Quốc, Dân Tộc. Một số Bác sĩ Y-khoa, năm bảy ông Tiến sĩ Luật-khoa, vài ba ông Cử nhân, Tiến sĩ văn chương.

Người ta không thấy những ông ấy làm được một việc gì ích quốc lợi dân cả. Họ không để lại được một thành tích gì vẻ vang cho xứ sở. Trừ ra một nhóm vài ba sinh viên ở Nam kỳ đi Tây về hoạt động Cách Mạng, gây ra phong trào sôi nổi, chứng tỏ tinh thần quật khởi của Dân Tộc, còn thì bao nhiêu sinh viên khác chỉ lo Vinh Thân Phì Gia, chẳng góp được một phần xây dựng nào cho xã hội đang vươn lên với văn minh thế giới. Hầu hết thế hệ thanh niên " Như Tây Du Học " của thời Pháp-thuộc, chẳng đem về cho Đất Nước một tiến bộ nào xứng đáng.

Trái lại, người ta đã thấy biết bao nhiêu những điều lố lăng nhục nhã cho đám thanh niên du học ở Pháp về nước, phần nhiều là VONG BỔN.

Một buổi sáng thứ Hai, niên khoá 1924-24, Tuấn-em ngồi học trong lớp Nhất, giờ luận Pháp văn, do chính ông Đốc học Phạm văn Mỗ dạy. Bổng anh cai trường đứng ngoài cửa lớp, lễ phép nói với ông Đốc :

- Dạ bẩm quan, có cậu Ấm con trai cụ Tuần-vũ, đi Tây về, đến thăm quạn

Ông Đốc học ỷ mình là cựu sinh viên trường Cao đẳng Đông Dương Hà Nội, và hiện làm quan Đốc học tại tỉnh, một bậc thượng lưu trí thức nào có kém ai, nên ông tỏ vẻ ganh ghét cậu Ấm, con quan Tuần-vũ, học bên Tây về đã chắc gì hơn ông. Nhưng không lẽ không tiếp, ông bảo người cai trường :

- Cho người ta vào.

Trò Tuấn thấy một chàng thanh niên mặc đồ Tây, tóc chải láng mướt, mang giầy tây đen bóng, không kém gì ông Đốc đeo nơ đen dính vào cổ áo sơ mi dài kín cổ, còn cậu Ấm đi Tây về lại mặc áo sơ mi hở cổ và đeo chiếc cravate nơi giữa ngực.


Ông Đốc chào bằng tiếng Tây :

- Bonjour !

Cậu Ấm mỉm cười vồn vã chào lại cũng bằng tiếng Tây :

- Bonjour, Monsieur le Directeur...Je suis enchanté de faire votre connaissance...
( Tôi hân hạnh được làm quen với ông )

Ông Đốc gật đầu vài cái :

- Moi aussi ( tôi cũng thế ). Qu'est ce-que vous avez fait en France ? ( anh đã làm gì ở bên Pháp ? )

Hình như câu hỏi này làm chột dạ cậu Ấm con quan Tuần, nhưng cậu cũng loè lại ông Đốc :

- J'ai été dans une Ecole Supérieure à Paris.
( tôi đã học trong một trường Cao đẳng ở Ba-Lê.)

- Oui, mais...qu'avez-vous comme diplôme ?
( Ừ, nhưng mà...anh đã đổ bằng cấp gì ? )

- Je suis ingénieur de canne à sucre.
( tôi là kỹ sư mía ),

Ông Đốc cười ngạo nghễ. " Kỹ sư Mía " là kỹ sư quái gì ? Làm gì có trường Cao Đẳng Kỹ Sư Mía ở Paris ?
Thế rồi ông Đốc cắt ngang câu chuyện :

- Bon, je vous remerci de votre visite. Je n'ai pas le temps de vous recevoir plus longuement, je regrette.
(Thôi, được rồi, tôi cám ơn cậu đến thăm tôi. Tôi không có thì giờ tiếp chuyện lâu, tôi rất tiếc ).

Hai người gật đầu chào nhau, rồi cậu Ấm Kỹ sư Mía cầm ba-toong đi ra. Cậu cừa ra đến sân, thì ông Đốc nói với học trò :

- Cái thằng ấy đeo cravate theo kiểu lãng mạn Pháp hồi thế kỷ mười chín. Nó nói nó đỗ kỹ sư Mía là nó nói láo. Tao nghe quan Công Sứ nói rằng cha nó là quan Tuần-vũ đang xin xỏ với Triều đình An-nam cho nó làm Tri-huyện.

Tuấn về nhà học lại với anh nó câu chuyện cậu Ấm con quan Tuần đến lớp học thăm quan Đốc. Phán Tuấn cười bảo :

- Anh chàng ấy có đến thăm ông Sứ, và nhờ ông Sứ tiến cử cho một chổ làm. Ông Tuần cũng có " vận động " với ông Sứ và ông Phó Sứ nhưng ông Sứ bảo anh rằng cậu ta không đỗ bằng cấp gì cả, chỉ biết nhảy đầm là giỏi. Có lẽ ông Sứ sẽ viết thư ra toà Khâm, đề cử cậu Ấm làm sở Mật-thám ở Huế.

Cũng năm ấy, trò Tuấn nghe người ta đồn có cô con gái lớn của một quan Thượng-thơ ở Huế, nhưng quê quán tỉnh nhà, đi du học bên Tây cũng vừa về. Ở Pháp, cô đã nhập tịch dân Tây, 22 tuổi chưa có chồng, và lấy tên tây là Anna.

Vì ở cùng làng, nên trò Tuấn tò mò muốn đến xem mặt. Trưa, tối, hoặc chủ nhật và thứ năm, nghỉ học, Tuấn thường chạy tới dinh cụ Thượng-thư xen lẫn với đám con nít kéo vào nhà bếp cụ Thượng để xem mặt cô Anna. Tuấn thấy sao, về học lại hết cho cha mẹ và anh Hai của nó nghe.

Nó bảo :

- Cô Tỳ-Ty ( tên hồi còn ở nhà ) mới qua Tây có ba năm mà bây giờ về nhà, cô ăn cơm không được. Mẹ ơi, bà cụ phải mua bánh tây cho cô ăn. Cô cầm đũa theo kiểu An-nam mình cũng không được nữa, anh Hai à !

Thím Ba vừa nhai trầu, vừa cười, hỏi :

- Con thấy cổ ăn bằng gì ?

- Cô cầm cái gì mà Tây gọi là cái fourchette đó, với con dao tây. Cổ cắt bánh tây theo kiểu tây mẹ à !

- Bánh tây là bánh gì ? Nó ra sao ?

- Là bánh mì đó. Tây gọi là pain.

- À, panh là bánh đó hả ? Cổ cắt bánh theo kiểu tây là cắt cách sao ?

- Cổ cầm con dao cắt ngược từ ngoài cắt vô, từ dưới cắt lên, chứ không phải như An-nam mình từ trong cắt ra, từ trên cắt xuống dưới.

- Cổ ăn bánh tây với gì ?

- Bà vú Hai dọn cơm có chén nước mắm, cổ la om sòm, cổ bịt mủi, nói cái này thúi, cổ không chịu được, cổ hất chén nước mắm ra ngoài sân. Cổ ăn toàn đồ tây, mua tận ngoài Huế, đem về mẹ ơi !

Ông Ba, ( tức là chú Ba thợ mộc ) hồi Phán Tuấn còn đi học, hỏi Phán Tuấn :

- Cô Hai đi Tây học đỗ tiến sĩ chưa con ?

- Con có xem hồ sơ của cổ ở toà Sứ, cổ thi đậu Brevet Supérieur. Bằng cấp ấy ở bên ta không có.Đỗ bằng ầy sẽ được làm giáo sư dạy trường Quốc Học Huế.

- Nếu con đi tây, thì con cũng đỗ bằng ấy chứ gì ?

- Dạ, nhưng nhà mình nghèo, mình chịu thấp kém hơn họ. Nhờ cổ là con quan thượng thơ, nên cổ là người con gái đầu tiên được nhà nước cho học bổng du học bên Pháp, đỗ bằng Brevet Supérieur, và làm giáo sư dạy collège. Nhưng bây giờ cổ là dân tây, chớ không phải An-nam nữa, cho nên cổ theo nếp sống của người tây...

Nghe người ta đồn cô Anna, con gái quan Thượng thư đi du học ở bên Pháp có 3 năm mà về nước đã quên hết " tiếng An-nam ", Phán Tuấn không tin. Nhưng hàng ngày, Phán Tuấn được bà con trong tỉnh nói lại - những người đã được nghe rõ ràng cô Hai " nói tiếng Tây như Đầm " và quên hết " tiếng An-nam " - Tuấn định chờ một cơ hội gặp cô Anna để xem lời đồn đãi của thiên hạ đúng thật hay không ?

Một buổi sáng thứ hai, Tuấn đang ngồi làm việc nơi bàn giấy toà Sứ, thì cô Anna bước vào. Tuấn lễ phép đứng dậy :

- Chào cô, cô đến có chuyện chi ?

Cô Đầm An-nam trố mắt ngó Tuấn, hỏi lại bằng tiếng tây :

- Qu'est ce-que vous dites ?
( anh nói cái gì ? )

Tuấn điềm nhiên hỏi :

- Thưa cô, cô muốn gặp ai ?

- Voulez-vous parler Francaise ? Je ne comprend pas l'Annamite.
( Anh hãy nói tiếng tây cho tôi nghe. Tôi không hiểu tiếng An Nam ).

Tuấn cười :

- Ah ! Pardon ! Vous êtes Francaise ?
(à..xin lổi cô, cô là người Pháp ? )

- Oui, je veux voir monsieur le Resident.
(phải, và tôi muốn gặp Quan Sứ ).

Một giờ sau, cô Anna ra về, ông Sứ gọi Phán Tuấn vào văn phòng của ông, và khen cô Anna nói tiếng Pháp y như giọng một cô Đầm ở Paris ông thuật lại cho Tuấn nghe lời cô Anna vừa mét với ông rằng lúc nãy cô mới đến nghe Tuấn nói " tiếng An-nam " cô không hiểu gì cả...Rồi ông Sứ hỏi Tuấn :

- Quả thật cô Anna quên hết tiếng An Nam rồi sau ?

- Dạ, chính cô ấy cũng vừa nói với như thế.

Ông Sứ ngồi trầm ngâm một lát, rồi nhún vai, nhìn Tuấn :

- Tôi không hiểu cô gái Annam sinh trưởng ở đất Annam từ nhỏ cho đến 19 tuổi, sang Pháp chỉ ở có ba năm, lúc trở về không nói được tiếng mẹ đẻ của nó nữa, chuyện ấy làm cho tôi ngạc nhiên lắm. Anh có hiểu ra làm sao không ?

- Dạ không.

- Có hai lẽ, một là tiếng an-na-mít là một thứ tiếng rất tồi, hai là cô Anna là một người An-na-mít rất tồi.

Để kết luận, ông Sứ cười hỏi Tuấn :

- Còn anh Tuấn, khi anh nói tiếng Pháp với tôi, anh có quên tiếng an-na-mít không ?

Tuấn mỉm cười, xấu hổ, không trả lời.


Năm 1923, các quan Annam ở tỉnh Q. điều khiển một con voi bằng đồng, để gửi ra Huế dâng lên vua Khải-Định trong dịp Tứ-tuần của ông vua này.

Nơi đúc là khu vườn hoang của Kho tỉnh, ngay trước trường học, phía bên kia đường cái, sau một bức tường dài vuông vức bao bọc chung quanh Kho.

Tuấn-em, cũng như số đông học trò, mê xem công việc này lắm. Buổi sáng, buổi chiều, Tuấn-em thường đến thật sớm trước giờ học, và trong các giờ chơi, Tuấn rũ một bọn học trò cùng lớp, chạy qua Kho để xem đúc tượng voi.

Không biết các đồ đồng lấy ở đâu mà nhiều thế ! Nồi đồng, mâm đồng, chảo đồng, lư đồng, bỏ vào bốn năm cái chảo lớn, nấu thường xuyên trên một đống củi cháy hừng-hưc, suốt mười ngày đêm, cho đến khi đồng chảy ra dể đỗ vào khuôn. Khuôn voi bằng đất sét, do một ngươi thợ hồ Việt Nam xây lên, giống hình con voi, nhưng không đẹp tí nào cả : chân cẳng, thân hình, đầu và đuôi, đều thẳng cứng, cái vòi cũng chỉa ra ngay đơ, hai tai thì nhỏ, cái bụng thì bự. Tuấn-em tò mò hỏi mấy người thợ đúc, mới biết rằng các đồ đồng dùng nấu để đúc tượng voi là do các làng xã thâu nhặt của dân chúng, theo lịnh quan tỉnh và các quan phủ, huyện. Sự thực thì các quan thâu góp của dân nhiều đồ đồng lắm, nhiều gấp ba, gấp bốn số đồng để đúc tượng voi, nhưng các quan lớn lấy bớt một phần, các quan nhỏ lấy một phần. Còn lại bao nhiêu đúc trong kho để đúc tượng, có lính lệ canh giữ. Một đêm tối trời, một chị đàn bà ăn ở gần đây lẻn lấy trộm được một chiếc nồi đồng bị bắt quả tang. Lính dẩn chị qua dinh Quan Án, quan truyền lịnh đánh chị mười roi, rồi đem giam bên nhà Lao.

Tượng voi đúc một tháng mới xong, và phải đúc đi đúc lại ba lần, vì hai lần bị hỏng. Lần thứ nhất con voi không có vòi, vì đồng chảy không đều. Lần thứ hai có vòi, hai ngà, bốn chân, có cả đuôi lớn bằng chiếc đủa, nhưng trên đầu con voi bị sứt một cái tai, nên quan Tuần truyền lịnh đúc lại. Lần thứ ba này, các người thợ phải nấu một nồi xôi, mua một nãi chuối, một bình rượu và đèn hương, cùng cái miểu thờ Thổ thần nơi góc vườn Kho.

Tuấn-em có tính tò mò,cái gì cũng muốn coi, chuyện gì cũng muốn biết, cho nên nó chạy theo ông thợ Cả cúng thần. Nó lễ phép vòng tay đứng dựa vào cột miếu,nghe ông thợ cả khấn vái như sau đây :

- " Con được lệnh của quan Tuần-vũ khuya nay phải đúc cho xong tượng voi đồng để kịp ngày đưa ra Huế dâng lên Ðức Ðại Nam Hoàng Ðế, để mừng lễ khánh thọ Tứ-tuần của Hoàng đế. Vậy con lại xin Thổ-địa linh thần gia hộ cho con đúc tượng voi được hoàn thành, viên mãn, kẻo có tội với Ðại Nam Hoàng đế ".

Cúng lạy xong, ông thợ lấy hai đồng tiền kẽm, một mặt tiền bôi vôi, một mặt không, khẽ thả rõi hai đồng tiền xuống mặt đia sành để gieo quẻ, xem Thổ-thần có ưng thuận và chứng minh cho không ? Nếu tiền rõi xuống đia một đồng ngửa (có bôi vôi ) và một đồng xấp ( không có vôi ) tức là Thần bằng lòng. Nếu trái lại cả hai đồng tiền đêù ngửa hết hoặc sấp hết, tức là Thần nhất định phá phách việc đúc tượng voi đồng dâng lên vua Khải-định.

Chẳng may, khi ông thợ cả gieo quẻ thì cả hai đồng tiền đều nằm sấp.

Gieo lại lần thứ hai, hai đồng tiền đều ngửa. Gieo lần thứ ba, hai đồng tiền nhảy tung ra ngoài đia, rớt xuống đất.

Ông thợ cả rầu -rĩ muốn khóc lên được. Theo lệ gieo quẻ, quá lắm là ba lần, được hay không cũng thôi, chứ không ai gieo lần thứ tư. Ông thợ Cả nhất định xin quẻ lần thứ tư và lạy lục Thổ thần thiếu điều gãy xương sống. Lạy xong, ông cầm cây đèn nến, cúi xuống soi kiếm hai đồng tiền, nhưng chúng văng vào khe tường nào, hay nấp trốn trong bụi cỏ, lùm cây nào, ông và bốn ngưõì thợ đúc lụi cụi tìm mãi không ra. Các ông thợ đành bưng xôi, chuối và cầm bình rượu đi.

Ông thợ Cả lẩm bẩm nói với bốn anh thợ phụ cuả ông :

- Caí ông Thần Thổ-địa này cứng đầu cứng cổ thật " Tượng voi đúc để dâng lên vua, mà ổng cứ theo phá phách mãi, đó là phạm tội khi quân, chứ không phải giởn à ".

Rốt cuộc cái tượng voi cũng đúc xong nội trong đêm ấy. Con voi không đẹp, nhưng cũng may không bị sứt vòi, sứt tai chi cả, xem cũng ra vẻ con voi !

Rôì các bạn có biết, con voi đồng ấy phải chở đi bằng cách nào không từ tỉnh ra Huế ? " Quan An-nam truyền lệnh thợ mộc đóng một cái củi to tướng bằng gỗ, kín mít chung quanh, để đựng con voi. Rồi các làng sở tại phải bắt 40 thanh niên, họp thành hai đoàn, mỗi đoàn 20 thanh niên thay phiên nhau mà khiêng món quà kết -xù âý đi bộ ra đến Huế !

Hôm lễ Tứ-tuần cuả Khải Ðịnh, ông vua chê cái tượng voi xấu-ỉnh.Xấu là tại nó bằng đồng. Giả sử nó bằng vàng thì dù cho nó sức đuôi mẻ vòi, chắc " Ðức Ðại Nam Hoàng đế " cũng khoái chí tử !

Tuy vậy, các quan An-nam chủ tỉnh cũng được vua ban cho một số tiền để thưởng cho mấy " thằng thợ đúc ".

Nhưng mấy "thằng thợ đúc " có được huỡng đồng tiền của vua hay không. Tuấn-em không biết. Còn 40 cậu thanh niên lực lưỡng khiêng con voi đồng từ tỉnh ra đến kinh đô để mừng vua hưỏng thọ 40 tuổi, thì phải đem tiền nhà theo để xài. Hết tiền, bốn cậu ở lại đất thần kinh làm nghề cu-li xe kéo cho các quan, còn 36 cậu đưọc đi xe lửa về đến Tou-Ranh ( Ðà Nẳng ), rôì từ Tou-ranh đi bộ về tỉnh, trên mấy trăm cây số.



Niên khóa 1923-1924, Tuấn -em đã học lớp Nhất. Trường nữ học chỉ có đến lớp Nhì, và ở cách biệt trường Nam. Cả tỉnh, lần đầu tiên mới có 4 cô nữ sinh học lớp Nhất, cho nên phải học chung với tụi con trai ở trường Nam. Bốn cô cùng dãy ghế đầu trong lớp, ngay nơi cửa vào : cô Dư, cô Ánh-Tuyết, cô Yến-Tuyết, cô Tỷ. Tuấn-em ngồi dãy ghế thứ hai, sau lưng cô Nguyễn thị Dư. Cùng một dãy ghế với Tuấn, có Hường, Ái, Tế. Tế là con một quan Phủ nên có vẻ làm nghiêm, còn Hường, Aí, Tuấn, thì chính ba cậu không ngôì dẫy ghế này, vì họ thích ngồi ở phía sau, ở cuối lớp, để thỉnh thoảng lén thầy, ăn kẹo hay lánh mặt trong những hôm không thuộc bài. Nhưng tại vì hôm nhập học trong lớp Nhất có 40 trò con trai, trò nào cung mắc cở không chịu ngồi gần các cô con gái, thành ra dãy sau lưng 4 cô gái bị bỏ trống.

Thâý thế, thầy giáo bèn lôi cổ ba thằng tinh-nghịch nhất chui trốn ở cuối lớp, đem chúng nó lên ngồi dãy ghế thứ hai, sau lưng mấy cô. Tuấn-em, Hường, Aí ngoan ngoãn tuân lịnh thầy, nhưng trò nào cũng mắc cỡ, đỏ mặt tía tai.

Tuổi trung bình của học trò lớp Nhất năm âý là 14 đến 15 tuổi ta. Ðấy là đứa học sinh lớn nhất trong tỉnh. Thế hệ mới, có nhiều triển vọng nhất. Về việc học, có thể nói rằng tất cả đều chăm chỉ, và học trò cũng học thuộc bài, và cố gắng làm bài để khỏi bị thầy cho "zéro ". Ðối với toàn thể học sinh, sự lười biếng, không thuộc bài bị thầy phạt là một cái nhục lớn. Nói đúng ra, bạn bè không ai chê cười mình nếu thầy gọi lên bảng đen, mình trả bài không xuôi, bị ăn trứng gà, nhưng mình tự xấu hổ với lương tâm của mình vì cả lớp đều học thuộc bài.

Về hạnh kiểm, thí dụ có tiếng là tinh nghịch nhất như Tuấn-em, Hường, Aí, cung chỉ là tinh nghịch đùa dỡn với bạn bè mà thôi, chứ đối với thầy giáo, cả với thầy giáo lớp khác, học trò không bao giờ dám vô lễ, hỗn láo, xấc xược. Có thể nói rằng, học sinh của thế hệ 1920-1940 còn giữ được nề nếp nho phong của học trò chữ Hán, theo đúng phưõng châm " Tiên Học Lễ nhi Hậu Học Văn ".

Có điểm đáng chú trọng, là học sinh lớp Nhất vẫn chưa biết gì về chuyện " yêu đương " như một số thanh niên ngày nay. Trái lại, hầu hết hình như là " sợ " con gái và học trò trai ở lớp Nhất vẫn goị 4 cô nữ sinh cùng lớp bằng " chị " mặc dầu cùng lứa tuổi.

Gần Tết bổng dưng có một thầy giáo mới đổi tới dạy riêng về Pháp-văn cho lớp Nhất. Thầy này người Huế, vừa mới đỗ " diplôme ", còn trẻ măng, tuổi chừng 18, 19. Thầy đẹp trai, thường mặc áo xuyến đen, quần thật trắng, và ủi thật phẳng nếp, có vẻ bảnh bao lắm. Thầy hiền lành nhưng Tuấn-em để ý thầy không bao giờ dám ngó bốn cô nữ sinh, và thầy không khi nào gọi bốn cô nữ sinh lên bảng trả bài.Mỗi lần thầy vào lớp, mặt thầy tự nhiên đỏ bừng. Thầy bẽn-lẽn ra chiều bối rối.Ðể giữ uy quyền của nhà mô phạm, thầy làm nghiêm với học trò con trai, không bao giờ thầy cười hay nói đùa một câu với học trò.Ấy thế mà 4 cô nữ sinh lại sợ thầy như sợ cọp ! Một lần, trong kỳ thi lục cá nguyệt, buộc lòng thầy gọi các cô lên bảng để thi bài khẩu vấn. Cô Dư bối rối không trả lõì được.

Thầy nghiêm trang hỏi :

- Cô không học bài ?

Cô vừa run vừa đáp :

- Dạ thưa thầy, con có học, nhưng tự nhiên con quên.

Học trò trai bụm miệng, không dám cười to, học trò gái cúi đầu lấy quyển vở che mặt. Thầy giáo không hề nhếch môi. Thầy nói tiếng Pháp đuổi cô Dư về chổ vì cô không thuộc bài văn phạm :

- Allez-vous-en ! Vous ne savez pas votre leçon de grammaire.

Rồi thầy tặng cô con zéro tròn vo trong sổ điểm. Lúc ra về. Tuấn-em theo sau cô Dư, nghe cô thút-thít.

Mặc dầu có nghiêng chiếc nón bài thơ để che mặt. Tuấn cũng thấy cô thỉnh thoảng lấy tà áo dài trắng đưa lên lau mấy giòng nước mắt lặng lẽ tuôn trên đôi má hồng đào...

Các cô đều 16 tuổi, nhưng xác đã lớn, và vẫn xưng " con " với thầy giáo 18,19 tuổi, vì kính trọng thầy. Nói cho công bằng, không phải riêng thầy giáo trẻ này là làm nghiêm với các cô học trò lớp Nhất, mà tất cả các thầy giáo đều nghiêm. Tất cả bốn cô sợ thầy, chính vì thầy là Thầy Giáo.

Có điều nên nói để khen tặng các cô nữ sinh thuở ấy : tuy là sợ thầy nhưng các cô vẫn kính mến thầy, chớ không phải thù ghét. Trước khi nghỉ hè, thầy giáo trai trẻ được lệnh đổi đi tỉnh khác, học trò lớp Nhất kéo nhau đến nhà thăm thầy để chào tiễn biệt. Bốn cô cùng đến với đám học trò trai. Thầy tiếp niềm nở, hôm ấy thầy rất dễ thưõng - và khi thầy nói mấy lời từ giã, bốn cô đều cảm động, rưng rưng hai ngấn lệ. Chính cô Dư đaị diện cho ba cô bạn, thưa với thầy :

- Thư thầy, chúng con xin kính chúc thầy lên đường bình an mạnh giỏi...

Thầy khẽ cúi đầu đáp lễ. Hôm ấy, lần đầu tiên Tuấn-em cảm thấy quý mến bốn cô bạn gái cùng lớp.Tuấn hối hận vì suốt cả năm Tuấn chuyên môn phá phách các cô. Nào là trong giờ chõi, Tuấn ra sân trường tìm bắt những con cóc, con nhái, con trùn, để lẻn vào lớp bỏ trong cạt-táp các cô. Nào là bỏ cục phấn trong bình mực tím của cô Dư hay cô Ánh Tuyết.

Ba đứa học trò nghịch nhất trong lớp, lại là ba đứa vào hạng học khá nhất, Hường vẫn đứng đầu, hoặc đứng thứ hai, thứ ba, trong bảng sắp hạng hàng tháng. Ái và Tuấn cũng thế. Có lẽ nhờ học khá, nên mấy trò trai tinh nghịch này vẫn được mấy cô bạn gái mến hơn cả. Tình bạn ngây thơ, vô tội, của đám học sinh thời bấy giờ không có hậu ý gì vẩn vơ, bậy bạ. Tôi đã nói tuổi 16,17 của thế hệ 1920-1924, chưa biết tí gì về " yêu đương ", " mơ mộng ". Tâm hồn thanh thiếu niên hãy còn trong sạch, chưa bị tiêm nhiễm, chưa bị cám dỗ, chưa bệnh hoạn, suy đồi. Chỉ có một lần, một câu chuyện " trai gái " của học trò bị đổ bễ, làm xôn xao cả trýờng. Thủ phạm chính là trò A. ở lớp Nhất, Nữ đồng lõa là cô H. con một nhà buôn bán ở phố cửa Tây, mới 16 tuổi. Nhà hai cô cậu này gần nhau. Không biết hai đứa làm quen với nhau hồi nào, mà một đêm, mẹ cô H., vô tình bắt gặp con gái của mình trò chuyện nhỏ to với cậu học trò.Bà lôi cổ con gái về nhà, đánh một trận nhừ tử.Bà lại sang mét với gia đình trò A. Trò A. cũng bị một trận đòn nên thân. Hôm sau cả truờng đều biết vụ ấy.Toàn thể học sinh đều coi A. là một đứa " học trò xấu-xa " và chế nhạo nó. A. laị bị thầy giáo mắng, và bị ông Ðốc trừng phạt gắt gao.Thế là câu chuyện " trai gái " của cặp thiếu niên chưa đâu vào đâu đã bị chấm dứt ngay sau khi chàng bị phạt qùi trong hai tiếng đồng hồ trong cửa lớp học. Thế hệ thanh niên 1920-1925 không chú trọng đến vấn đề tình ái cá nhân và không dùng những danh từ " yêu đương ", "ái tình ", "tình yêu ". Ở miền Trung và miền Nam chỉ gọi là " trai gái " với nhau, hay là " phải lòng nhau " thường bị coi như làm một việc tội lỗi, không tốt đẹp, và bị chê cười.

Một thanh niên Việt Nam trong những năm 1920-1925 không bao giờ viết thư cho gái với những câu " anh yêu em ". Họ chỉ viết lén lút " tôi thương cô ", đã là qúa lắm rồi. Ba chữ rất tầm thường đó đã đã chứa đựng bao nhiêu...mê ly !

Tìm trên các tờ báo văn nghệ cách đây 35 năm, chưa hề thấy đăng những bài thõ loại " anh yêu em "., "em yêu anh" (nhớ nhung ) ( nhung nhớ ) tràn ngập như ngày nay.

Nhưng nói rằng thời bấy giờ thanh niên không biết yêu, laị cũng không đúng, thanh niên nào mà không biết yêu ? chỉ có khác là tình yêu kín đáo, dè dặt, nghĩa là tế nhị hơn. Không bồng bột sôi nổi, không bộc lộ công khai và không trơ-trẻn. Tình yêu trước đây 30 năm, cũng được gìn giữ kín nhẹm như y phục của thiếu nữ không bộc lộ ranh mãnh, không nửa kín nửa hở, và cũng không khiêu khích. Con gái ở các đô thị xa-hoa Saigon, HàNội, Huế...may mặc bằng hàng lụa sang đẹp, nhưng vẫn kín đáo, e-ấp như các cô thôn nữ. Cô Dư, cô Ánh-Tuyết, cô Tạ thị Tỷ, đều là con nhà giàu hoặc con nhà quan.Các cô thuộc giới " văn minh " nhất trong tỉnh và trong xứ. Ðến trường, các cô mặc y phục trắng, đen hoặc tím. Chỉ những ngày chủ nhật, hoặc đi đâu, các cô mõí mặc màu xanh, màu hồng.Tuấn không thấy bao giờ các cô mặc áo đỏ chói, hay màu vàng. Ngày Tết hay các ngày lễ các cô mặc áo gấm, quần sa-tanh mang giầy thêu cườm.

Ở Bắc Việt, phụ nữ mới bắt đầu mặc quần trắng vào khoảng năm 1930 trở về sau. Trước 1930, các bà, các cô đứng đắn mặc toàn quần đen.

Về nữ trang, các cô thường đeo kiềng vàng trơn ( đi học cũng đeo kiềng ) và hoa tai vàng. Không bao giờ đeo nhẩn, trừ khi đã có chồng.Các cô đã để răng trắng và tóc quấn trần theo kiểu Huế. Ở Bắc, vấn tóc trong khăn nhung đen, Ở Nam, để búi tóc sau ót.

Cổ áo cao một phân, tà áo dài xuống vừa đến đầu gối ( ở Trung ) ; hoặc trên đầu gối 1 phân ( ở Nam ) : hoặc dưới đầu gối 1 phân ( ở Bắc ), các cô Hà nội mặc quần ống rộng, ở Huế và các tỉnh miền Trung ống vừa, ở Saigon và Lục tỉnh ống chật hơn, độ hai phân tây. Giày cao gót xuất hiện tại Hà nội và Saigon khoảng năm 1935, nhưng để riêng cho các thiếu nữ đã trưởng thành, theo phép xã giao tân tiến của Âu Mỹ. Nữ sinh các trường và các thiếu nữ dướí 21 tuổi không bao giờ mang giày cao gót.

--------------------------------
1 Các trường Phủ Huyện dạy đến lớp Ba, lúc bấy giờ gọi là Sơ-học (Ecole Elementaire). Các trường tỉnh dạy đến lớp Nhất, gọi là Tiểu-học (Ecole Primaire). Trường Quốc-học Huế và các trường Vinh, Qui-nhơn, Petrus-Ký (Saigòn), Cần Thơ, Nam Định, Hải Phòng v.v... dạy thêm 4 năm (từ đệ nhất niên đến đệ tứ niên) để thi Diplôme d' E.P.S.P) gọi là Cao đẳng tiểu học (Primaires Supérieures).

giavui
06-25-2014, 05:14 PM
CHƯƠNG 7. 1924

- Một ông Quan tỉnh tặng ông Sứ Tây sắp về nghỉ phép ở Pháp một chiếc xe kéo và cả người cu-li để về Pháp ông xử dụng.

- Vua Khải Ðịnh có ý đem theo một chiếc xe kéo sơn son thếp vàng qua Pháp để Vua ngự-du trong kỳ Hội Chợ Thuộc địa ở Marseille.

- Công chức dùng " đồng hồ trái quít "đeo trên túi áo. Chưa có đồng hồ đeo tay.

- Phong trào đi xe máy bắt đầu thịnh hành. Lần đầu tiên thanh niên tập đi xe máy.

- Một bài " Dictée" thi Tiểu-học Pháp-Việt.

- Một kỳ thi vấn đáp : 100 quan tiền 6 cô (San Francisco).

- Bức trướng tặng Thầy trước khi từ giã mái trường, và 10 năm sau.

- Tình bạn giữa đôi nam nữ học sinh.

Năm 1924, ở các thủ đô các tỉnh An Nam đã bắt đầu xuất hiện khá nhiều những món nhật dụng mà trước đây một vài năm còn rất hiếm hoi.Các thầy Thông, thầy Ký đã sắm xe máy ( ngoài Bắc :xe đạp ), mà hầu hết là xe hiệu Hirondelle (chim én ) do hãng Manifactures d' Armes et de Cycles de Saint Etienne ở Pháp sản xuất. Saint Etienne là tỉnh lỵ của tỉnh Loire, ở phía Nam thành phố Lyon cách không xa, là nơi sản xuất nhiều nhất các dụng cụ máy móc về sắt và thép, Tuấn-em để ý thấy hầu hết các đồ dùng văn minh mới lạ, đẹp và bền, của người An nam lúc bấy giờ đều có ghi sản xuất là Saint Etienne. Cho đến nổi dụng cụ học sinh : bút chì, ngòi bút, quyển vở, tẫy, compas, équerre, double-décimètre v.v...Cũng đều gởi mua tận bên Pháp, ở Saint Etienne. Cách gởi duy nhất bằng tàu thủy, ba tháng hàng mới về. Lúc bấy giờ chưa có đường hàng không nào nối liền các xứ Ðông Dương và Pháp.

Xe đạp do Pháp quốc gởi qua đã nhiều, và luôn luôn là các thầy Thông, thầy Ký có trước. Tuy nhiên, nhưng vì mới lạ nên nó vẫn được người chủ nó quý chuộng, nâng niu săn sóc, lắm khi còn hơn đứa con cưng.

Thầy Thông Hồ ở cạnh nhà Tuấn, làm việc ở sở Kiểm Lâm, bắt chước các thầy khác thuê thợ mộc đóng một cái kệ để gác chiếc xe đạp của thầy. Ðường đi từ nhà thầy đến sở, quanh co, gồ ghề ( đường phố trong tỉnh chưa tráng nhựa ) thầy đạp đi rất chậm, sợ hư bánh xe. Ði làm về thầy xuống xe nhè-nhẹ, rồi hai tay nâng chiếc xe lên kệ gỗ. Nghe thầy bấm chuông leng-keng, tức thì vợ thầy, cô Thông Hồ, còn trẻ và đẹp, cầm một nùi giẻ ra lau chùi chiếc xe, từ cặp niềng cho đến bàn đạp. Nhờ hai vợ chồng gìn giữ chiếc xe cẩn thận như thế, mà bốn năm sau, Tuấn thấy chiếc xe của thầy vẫn láng mướt, còn mới tinh như lúc mới mua. Thời bấy giờ không có nạn ăn cắp xe nên xe không khóa, và không cần khóa. Ða số các thâỳ Ký đều có đóng kệ để gác xe như thầy Hồ, và gia đình nào sắm được chiếc xe máy cũng hãnh diện đôi chút, như ngày nay những người làm việc ít tiền rán dành dụm sắm chiếc deux - chevaux...

Nhất là ở thôn quê, xe đạp được coi như là biểu hiện của văn minh tiến bộ. Các nhà thi si ở Trung và Nam kỳ đã đặt cho nó biệt hiệu vinh dự là " con ngựa Sắt " cũng như bên Pháp lúc chiếc xe đạp mới ra đời được công chúng suy tôn là " La petite Reine" ( tiểu Hoàng Hậu ). Một người đạp xe máy chạy trên đường làng, bóp chuông leng-keng...leng-keng, thế là con nít từ dưới các mái nhà tranh chạy nhao nháo ra ngõ đứng xem.

Mấy cậu học trò đi coi mắt vợ ở làng xa, cứ đi xe đạp đến nhà gái là được các cô thôn nữ ưng ý liền.Trai trong làng không biết đi xe máy, và biết bao giờ họ mới sắm được chiếc xe máy ? Các câụ học trò ở tỉnh, ở huyện, ngồi trên yên xe còn oai hơn là ông Nghè ngồi trên yên ngựa vinh quy bái tổ hôì xưa, nghĩa là cách đây chưa qúa 30 năm.

Tuy nhiên, chỉ có thầy Thông, thầy Ký làm việc được ít lương, các nhà buôn bán, tư chức, và học trò là thích đi xe đạp.

Hầu hết các thầy Phán làm được lương cao, và các thầy Trợ giáo laị thích đi bộ. Vì theo quan niệm của các thầy lúc bấy giờ ngồi trên yên xe máy và khom lưng đạp lia liạ cho xe chạy, là mất vẻ đạo mạo, đứng đắn. Cho nên nếu dư tiền, thì các thầy sắm xe kéo nhà, ngồi bệ vệ trong xe để cho người "cu-li" kéo. Nếu ít tiền ( như đa số ) thà đi bộ, với một lũ học trò năm bảy đứa cũng kính đi theo sau, còn oai hơn, và thanh nhã hơn.

Xe đạp, tuy là văn minh, là tiện lợi, nhưng ngay từ lúc mới nhập cảng sang xứ ta, nó đã bị coi như là một loại xe bình dân, mà những người trưởng giả không thích dùng. Vả lại mấy thầy mặc tòan là quốc phục, áo dài đen quần vải quyến hoặc lụa trắng, chưn mang giầy Hạ, mà đi xe đạp thật là bất tiện. Phải kẹp ống quần để nó khỏi vướng vào giây chaîne, phải kéo tà áo ra phía trước và nhét nó vào lưng quần để nó khỏi thòng xuống garde-boue, phải kéo cả tà áo trước lên cao qúa đầu gối, để nó khỏi bị dính dầu mỡ nơi giây chaine, tất cả ngần ấy chuyện đã là rắc rối, mà xem bộ tịch của thầy như thế kia lại không còn vẻ gì oai vệ như nhà mô phạm nữa. Trông chẳng hơn nào chú lính lệ cho quan Tuần, quan Án.

Chính vì những lý do danh dự ấy mà đa số các thầy Trợ giáo cũng như các thầy Thông, thầy Phán làm việc ở các sở các tòa đều không ưa đi xe đạp.

Riêng Phán Tuấn laị nghĩ khác. Tuấn là " quan Phán đầu tòa ", cao nhất trong các ngạch công-chức An-nam toàn tỉnh, và là quan Phán được cụ Sứ tin cậy nhất, nên uy tín còn có khi hơn cả các quan An-nam, nhưng Tuấn lại ghét những gì quan cách, những " trưởng gỉa học làm sang ".Tuấn đã nhất định không sắm xe kéo nhà. Có lần ông già của Tuấn hỏi tại sao, Tuấn bảo :

- Con là thanh niên, con ngồi trên xe để cho một người gìa cả khom lưng kéo như trâu, như ngựa, con không đành lòng.

-Mấy thầy vẫn ngồi xe kéo đó thì sao ?

- Tại mấy thầy không nghe ông Sứ nói...

- Ông Sứ nói sao ?

- Một hôm con hỏi ổng bên Pháp có xe kéo không, ông Sứ trả lời rằng : " Người Pháp đã văn minh lắm, ở Pháp một con người là một con người, chứ không phải là một con ngựa ". Nghe thế là con hiểu ý ổng chê người " An-nam " mình còn dã man, con người mà đi kéo xe như con ngựa. Cho nên con nhất định không đi xe kéo.

- Vậy sao ông Sứ vẫn thường ngồi xe kéo, do người lính An-nam kéo !

- Ông Tây thấy người cu-li An-nam kéo xe như ngựa thì ổng ngại gì mà không ngồi xe cho An-nam kéo, như mấy ông quan An-nam và những người An-nam khác. Một lần trước, ông Tuần-vũ nghe tin ông Sứ sắp về Pháp nghỉ 6 tháng, ông Tuần đến thăm, và nói muốn tặng quan lớn một chiếc xe kéo mới tinh, và cho một người lính lệ theo hầu Quan Lớn để về Paris thằng lính nó kéo xe cho quan lớn đi chơi, thì ông Sứ cười sặc sụa và cảm ơn ông Tuần :" Quan Lớn có lòng tốt, tôi rất cảm động nhưng nếu dân chúng ở Paris thấy một người ngồi trên xe do một người khác kéo, thì họ sẽ cho rằng cả hai người là hai thằng điên... Vì thế nên khi Hoàng Ðế Khải Ðịnh sắp sang Pháp dự cuộc đấu xảo ở Marseille, Ngài tỏ ý với quan Khâm Sứ rằng Ngài muốn đem theo một chiếc xe kéo của Ngài, sơn son thếp vàng thật đẹp, để lúc sang bên Pháp, lính An-nam sẽ kéo Ngài đi xem thành phố, thì quan Khâm Sứ liền kính cẩn khuyên Ngài đừng nên thực hiện ý định ấy..."

Năm 1924, tại các tỉnh miền Trung, xe kéo bánh sắt vẫn còn. Nhưng bánh cao su đã thay thế bánh sắt khá nhiều. Xe bánh sắt chỉ có hạng ít tiền đi thôi. Ở các tỉnh thành lớn cứ độ 10 xe kéo bánh cao su cũng còn 2,3 xe bánh sắt.

Ðồng hồ, thì tất cả các thầy Thông, thầy Ký, thầy Giáo đều có. Vì sự bắt buộc phải có đồng hồ để làm việc đúng giờ, nên mặc dầu đắt giá, các thầy cũng ráng sắm mỗi người một chiếc. Nhưng năm 1924, đồng hồ đeo tay chưa có nhiều. Chỉ được thông dụng loại đồng hồ bỏ túi, gọi là " đồng hồ trái quít ", tuy hình thức nó không phải tròn vo như trái quít, mà tròn dẹp, có sợi giây và cái khoen để đeo vào khuy áo.

Tuấn-em, cũng như tất cả học trò lớn ở trường tỉnh, đều ao ước được xe máy. Phán Tuấn có mua một chiếc, ngày hai buổi đạp đi đạp về, rất tiện lợi. Buổi tối chàng tập cho Tuấn-em đi. Hai đêm đầu, Tuấn-em cứ ngã luôn, có lần té vấp một bụi duối bị gai cào trầy cả mặt mũi. Nhưng đêm thứ ba, trò Tuấn đã đi được một mình, khỏi phải nhờ anh đỡ cái yên chạy theo sau. Từ đấy, cứ buôỉ trưa, mặc dầu nóng oi-ả, trò Tuấn cứ lấy xe máy của anh đạp chạy một vòng quanh các phố. Buổi trưa, các thành phố đều im lặng, không náo nhiệt như ngày nay. Trừ tiếng chuông xe máy và " lục lạc " xe kéo, không có tiếng ồn ào khác. Xe hơi vẫn còn ít, ít lắm. Trừ đôi ba chiếc của quan Tây, còn thì quan An-nam vẫn thích ngồi xe nhà, thường thường là xe sơn đen, bóng loáng, hoặc sơn đỏ sẩm, màu rượu bordeaux. Cũng còn nhiều ông quan An-nam đi xe song mã.

Tư gia không ai dùng xe hơi. Nhà giàu không dám sắm, sợ các quan ghen ghét. Nhất là Hoa-kiều, vì hầu hết các nhà buôn lớn nhất ở các tỉnh đều là của " các chú ", họ dư sức sắm xe hơi, nhưng họ sợ các " quan An-nam " ghét nên họ cứ đi xe đạp, hay là xe kéo. Ði xa thì họ đi xe đò STACA.

STACA là " Société des Transports Automobiles de Centre Annam ", một hãng chuyên chở bằng xe hơi của người Pháp, mà ta có thể nói là hãng xe đò độc quyền lúc bấy giờ chạy từ Tourane ( Ðà Nẵng ) vào Nha Trang và ngược lại. Mổi ngày chỉ có một chuyến duy nhất từ Tourane vào và một chuyến từ Nha Trang ra, gặp nhau khoảng 12 giờ trưa trước cổng nhà giây thép Quảng Ngãi. Xe chở thư tín giao thông hàng ngày, một loại xe " car " không qúa 10 chổ ngồi. Nghĩa là mỗi ngày từ miền ngoài vào miền trong, hay từ miệt trong ra ngoài không qúa 10 hành khách, hầu hết là khách sang, hoặc nhà buôn lớn.

Trò Tuấn cứ khoảng 12 giờ trưa là thích đến vườn hoa trước cổng nhà giây thép để coi hai chiếc xe thơ staca gặp nhau taị đây. Ngừng độ một tiếng đồng hồ, rồi bổng nhiên một chiếc rồ máy, xịt khói, bay hơi, chạy. Nó chạy vùn vụt ra miền Bắc. Chiếc thứ hai cũng rồ máy, xịt khói, bay hơi, chạy bon bon vào hướng Nam, bụi và khói tỏa mịt mù hai bên hàng phố. Trò Tuấn xem mê và cứ nghĩ thầm :" Biết bao giờ mình mới được đi trên chiếc xe điện này xem ra sao nhỉ ? Ồ...biết bao giờ ?".

Riêng gì trò Tuấn ! Hầu hết người " Annam " ở các tỉnh đã mấy ai được đi xe hơi. Mặc dầu là xe thơ ( người ta vẫn bảo là xe chở thơ của nhà nước ), nó vẫn còn hiếm hoi, môi ngày chỉ một chuyến chạy ra, một chuyến chạy vào, ngoài ra không còn xe hơi nào khác nữa.

Nhưng đến năm 1924, đã bắt đầu có vài ba chiếc xe khác, gọi là xe " cam nhông " ( camions )của người An -nam làm chủ. Các loại xe đò này không phải là xe Thơ, chỉ chuyên chở hành khách và hàng hóa tư nhân. Xe cam nhông chạy lhông có giờ phút nhất định, muốn ngừng đâu thì ngừng, hành khách đông nghẹt, ngồi ép với nhau chật ních, không có trật tự đàng hoàng như trong xe thơ Staca.

Lần này, Tuấn-em được mãn nguyện. Cậu học trò tinh nghịch và tò mò hạng nhất, đã biết đi xe máy, muốn trèo lên xe hơi, thì bây giờ đã có dịp được lần đầu tiên ngồi trên xe hơi...Dịp ấy, là cuối tháng năm 1924, sắp sửa nhập học niên khóa 1924-1925tại Qui-nhơn.Trò Tuấn đã thi đỗ bằng " Ri-me " cuối niên khóa 1923-1924 ở Quảng - Ngãi.

Hãy xin nói trước về kỳ thi Tiểu học của Tuấn, thiếu niên nước Việt, năm 1924.

Tuấn thuộc hạng học giỏi nhất lớp. Kỳ thi cuối niên khóa trong lớp Tuấn đứng hạng thứ 2, và được phần thưỡng danh dự, thế mà thi bằng " Ri-me " cậu lại đỗ hạng bét. Và đỗ được là nhờ thầy trợ-giáo đứng ngoài " thổi " dùm cho.

Bài Dictée ( chánh tả ), Tuấn còn nhớ vài đoạn đầu như sau đây :

Les Norias de Quảng-Ngãi,

Aucun spectacle de la province ne renseigne mieux sur l'esprit ingénieux du paysan d'Annam, et ne cause pareille surprise aux yeux curieux du voyageur,

Accouplées par demi-douzaines, elles atteignent parfaits, ces norias géantes, une hauteur de dix mètres...
v.v...

Bài dài hơn nữa trang giấy thi, đầy những mẹo văn phạm lắt-léo khó khăn đaị khái như đoạn trên, nhưng Tuấn chỉ bị 2 lỗi.

Hết giờ ra về, Tuấn đọc lại nguyên vẹn bài dictée cho thầy giáo nghe, thầy mừng rỡ khen Tuấn rối-rít, nhưng thầy căn dặn Tuấn về môn thi Toán, Thầy chỉ sợ Tuấn hỏng Toán, vì Tuấn dỡ Toán nhất lớp. Quả nhiên, hôm thi Toán, chép xong hai đề toán trên giấy thi, Tuấn ngồi rưng rưng nước mắt, sắp khóc to lên. Toán thế này thì có nước trừ chữ " T" ra, còn lại chữ " oán " cọng với chữ " ai " ở trước là tìm ra lời giảỉ !

Mà ai-oán thật ! Hai đề thi toán " Problèmes d' Arithmétique", đọc đi đọc lại ba bốn lượt, Tuấn vẫn thấy bí kinh khủng ! Liếc mắt nhìn qua những dãy bàn kế cận, Tuấn thấy hầu hết các trò khác đều đã bắt đâù làm bài ngay trong giấy thi, không cần làm nháp ở ngoài. Sao tụi nó làm dễ dàng, mau lẹ thế nhỉ ? Sao tụi nó giỏi toán thế nhỉ ? Trò Tuấn tệ qúa, chỉ một mình trò là cùi, cùi thật là cùi, ngồi ngó hai đề toán mà mồ hôi chảy toát ra cả người, mặt mày choáng váng. Tuấn muốn té xiủ xuống, chết giấc luôn. Nhưng ông Trời thương hại mấy học trò dốt toán, nên bổng dưng lúc bấy giờ có một người chết ở nhà thương gần trường học, và đám ma từ trong bệnh viện đi ra, tiến thẳng Cửa Ðông, theo con đường dài ngay sau sân trường...Tiếng ai kêu khóc thật là ai oán thê lương !...ông giám khảo đủng đỉnh bước ra đứng nơi cửa sổ, nhìn xem đám ma, quay lưng vào lớp thí sinh. Thừa dịp tốt hiếm có, trò Tuấn lẹ làng nghiêng đầu thằng bạn giỏi toán ngồi nơi mút bàn ( môi bàn chỉ có 3 thí sinh, Tuấn ngôì ngay giữa ). Tuấn nói thầm với bạn :" tao không làm được một bài nào cả, mầy ơi ! ". Thằng bạn thật qủa có lòng tốt. Lạy trời, ban phước đức cho nó. Nó nháp lia lịa bài toán thứ nhất và lời giải đáp trên một mảnh giấy, rôì lén lút đút ngay dưới bàn cho Tuấn. Trò Tuấn mừng như thể chết đi sống lại, vồ lấy miếng giấy nhanh như chớp, và chỉ có việc chép lại sạch sẽ vào trang giấy thi bài nháp làm phước của thằng bạn giàu lòng bác ái.

Tuấn chép xong, vò viên mảnh giấy bỏ vào miệng nhai rồi nuốt cái " ực " vào trong bao tử. Ðám ma phía sau trường cũng vừa qua khỏi. Tuấn vái thầm :" Xin cầu chúc cho hương hồn ông bà nào chết đó được tiêu diêu miền Cực Lạc ! ". Nhưng ông giám khảo cũng vừa quay mặt vào và đi thẳng đến bàn Tuấn. Ông đứng ngay đối diện Tuấn, nghiêm khắc chỉ vào mặt trò :" Mầy vừa bỏ cái gì vào mồm ? "

- Dạ thưa thầy, con không có gì bỏ vào mồm cả.

- Tao đứng nơi cửa sổ, tuy tao quay lưng vô lớp nhưng tao nhìn trong cửa kiếng, thấy rõ ràng hết, mầy đừng chối.

Tuấn gần luýnh huýnh, nhưng cố cứu vãn tình hình :

- Thưa thầy...con xin...há miệng cho thầy coi.

Nói xong nó làm liền. Tuấn há miệng ra, cái miệng còn hôi sặc mùi cháo lòng mà nó đã ăn vội vàng hồi sáng sớm trước khi đến trường, chưa kịp uống nước. Ông giám khảo phì cười, nhưng xách tai nó đau điếng :

- Attention à toi, hein ! ( mày liệu hồn nhé ! )

Từ phút đó, ông giám khảo cứ liếc mắt rình mò trò Tuấn, Tuấn cắm đầu xuống bàn, giả vờ vhăm chỉ làm bài Toán thứ hai. Nhưng chốc chốc trò laị gãi đầu ( sao hôm nay cái đầu nó hay ngứa thế ? ) rồi rốt cuộc trống trưòng đánh ba tiếng, hết giờ thi Toán. Tuấn nhanh nhẩu nộp bài trước hết thảy mọi người, nhưng trò chỉ " làm " được một bài thứ nhất thôi. Bài thứ hai, Tuấn chịu "forfait ", bỏ giấy trắng. Nhờ đám ma đi qua, Tuấn làm trúng một bài, nhưng không biết trong lúc vội vàng Tuấn chép sai lời giải thế nào mà chỉ được 1/2 điểm. Tuy thế, nhờ các môn Việt văn và Pháp văn cứu vớt, Tuấn vẫn đậu "écrit ", được vào " oral ".

Trước giờ thi vấn đáp, thầy trợ giáo gặp Tuấn trên sân trường, hỏi Tuấn :

- Con đã thuộc hết các bài Sử Ký, Ðịa Dư chưa ?

Tuấn trả lời ấp úng :

- Dạ, thưa thầy, con thuộc hết...Nhưng lỡ họ hỏi con câu nào con " bí " thì con phải làm sao ?

- Thì ăn trứng vịt, chớ sao !

- Thầy làm cách naò " thổi " cho con...?

Thầy trợ giáo cười :

- Tuấn muốn thầy ở tù hả ?

Thầy trợ giáo hồi hộp lo ngại, khi Tuấn vào lớp thi vấn đáp. Ông giám khảo là người Tây, tên là Paul Rivière. Ông này dữ lắm, hay bắt bí học trò, hỏi những câu trẹo họng.

Nhờ ông có giọng nói ồ ồ, vang cả lớp, nên thầy trợ giáo đứng ngoài sân trường nghe rõ các câu hỏi. Ông hỏi trò Tuấn hai câu rồi, Tuấn trả lời trôi chạy, đến câu thứ ba về Ðịa Dư :

- Trò hãy kể tên 5 thành phố lớn nhất của nước Huê-Kỳ ?

Ở nhà Tuấn đã học thuộc lòng 5 tên thành phố ấy rồi, nhưng vào đây Tuấn chỉ kể được 4 :

- Washington, New York, Chicago, Philadelphia....

Còn một thành phố nữa, Tuấn quên mất. Bổng Tuấn nghe ngoài sân tiếng một đứa học trò la lớn :

- " Một trăm quan tiền, sáu "cô" mầy ơi !

Tuấn sực nhớ ngay vừa lúc ông giám khảo lặp lại câu hỏi :

- Còn một thành phố nữa tên gì ?

- San Francisco. ( San Francisco có thể phiên âm ra tiếng Pháp là cent franc six...)

- Giỏi !

Ông Tây cho Tuấn 10 điểm.

Ra sân trường, thầy Trợ giáo cười, cho Tuấn biết là thầy phải bảo một đứa học trò lớp Ba reo lên câu nói mánh lới trên kia để giúp trí nhớ của Tuấn.

Thế là Tuấn đậu bằng " Ri-me " năm ấy, nhờ tiếng kèn ai oán thê lương đưa một vong linh về thế giới của Phật A-di-đà...và nhờ một trăm quan tiền sáu cô của thầy Trợ giáo đứng mặc cả ngoài sân trường.

Phải nói rằng câu " học tài thi phận " họa chăng có áp dụng được hồi thi chữ Nho, chứ trong thời kỳ thi chữ Tây chỉ có thể là một lời an uỉ tạm bợ mà thôi. Vì theo thời ấy, hể học giỏi, thông suốt hết chương trình thì tất nhiên đi thi phải đậu. Thi hỏng, là tại học không thuộc bài. Học trò dở, nếu không có môn nào trội hơn để cứu vớt các môn kém, thì nhất định là " trợt vỏ chuôí ". Ðấy là không kể một vài trường hợp hi hữu mà học trò thừa lúc giám khảo vô ý, lén lút " gà " cho nhau, như trường hợp trò Tuấn. Ngoại giả, việc thi cử thời Tây rất nghiêm ngặt. Không bao giờ các đề thi bị tiết lộ ra ngoài dù là thi Tiểu -học, Trung-học hay Tú-tài. Chưa bao giờ xảy ra một vụ bán đề thi, từ 30,40 nghìn đồng đến 100,200 nghìn đồng.

Không có sự gian lận của các thí sinh thi mướn với sự đồng lõa im lặng của giám khảo. Không có những vụ con em của một số hiệu trưởng, giám khảo, giáo học, học dốt mà thi đậu -- nhiều khi đậu cao – còn học trò ngoài học giỏi hơn, trội hẵn mà lại thi rớt.

Trong các kỳ thi thời trước, bất cứ là thi gì, sự may rủi đã là ít có rồi, sự gian lận lại còn khó khăn hơn. Nói chi đến chuyện ăn tiền, "đút lót, " nhờ cậy "," gởi gấm ", thật hoàn toàn không có, và không thể có. Dù là con em ông giám khảo, ông Ðốc học hay là con cháu ông Tổng Ðốc, ông Thượng Thư, ông Sứ, ông Khâm, hễ học giỏi là nhất định đỗ, học kém là phải rớt, không có đút lót được ai cả, không gởi gấm cách nào được cả.

Bạn của Tuấn-em, sau này cùng Tuấn đi thi Tú-tài ở Hà Nội, có một số đông là con cháu của các vị quan to lớn có uy quyền, và thế lực biết bao. Họ quen thân với các ông giám sư, ăn uống tiệc tùng với các vị giám khảo, thế mà con cháu của họ thi hai ba lần đều hỏng cả, chỉ vì quanh năm chúng ăn chơi phè phởn, nhẩy đầm, nghiện rượu, say mê tình ái, không lo học hành.

Tuấn thi Tú-tài cũng hỏng hai khóa, vì một lần làm sai bài toán Hình-học, một lần không thuộc bài Vật-lý học, chú không phải vì " học tài thi phận ". Những bạn của Tuấn đỗ trước Tuấn một hai năm, đều là học giỏi hơn Tuấn về các môn đó, chứ không phải nhờ đút lót tiền cho các ông giám khảo, hoặc nhờ gởi gấm cho ai.


Năm 1924, cả tỉnh chỉ có một trường Tiểu học duy nhất của Nhà Nước, không có một tư thục nào. Cả trường Tiểu học, chỉ có một lớp Nhất. Trong lớp chỉ có 40 học trò, thi đậu được 21, rớt 19. Riêng trong số 4 chị ngồi bàn đầu, có hai chị thi trợt vỏ dưa. Kết qủa ấy chứng tỏ rằng thi cử đã bắt đầu gắt gao, và thí sinh cần phải có một căn bản vững chắc mới hy vọng có tên trên " bảng vàng ".

Ðậu hay rớt, thi xong rồi toàn thể học sinh đều phải đi học một tuần lễ nữa, vì còn một tuần lễ nữa mới thật là mãn niên khóa. Phát phần thưởng cuối năm học, xong rồi mơí chính thức bắt đầu nghỉ Hè.

Những học trò thi " Primaires " rớt, dù có hơi mắc cỡ với bạn bè, cũng ráng tiếp tục đi học cho hết mấy ngày cuối niên khóa, vì còn hy vọng được ông Ðốc cho học lại một năm nữa. Trừ vài ba trò, vì ký do gia đình, hoặc vì lớn tuổi phải thôi học, buồn rầu từ giã mái học đường để về quê làm ruộng, hoặc đi buôn bán. Mấy trò thi đậu đáng lẽ được nghỉ chơi thỏa thích, nhưng ông Ðốc vẫn bắt buộc phải cắp vở đến trường như thường lệ, tuy chỉ còn 7 ngày nữa là nghỉ hè. Tất cả đều phải tuân lệnh, vì tụi thi đỗ sợ rằng nếu khiếm diện mấy ngày ấy sẽ bị ông Ðốc cho chứng chỉ xấu rồi không được thi vào trường "Collège Quốc Học" ở Huế hoặc " Collège Complémentaire" ở Qui-nhơn.

Nói đúng ra, mấy ngày cuối năm, có học hành gì nữa đâu ! Các học trò thi rớt thì vô lớp ngồi rầu-rĩ tỉ tê, chán cho đến nổi một con ruồi bay đậu trên chop mũi các trò cũng không buồn lấy tay xua đuổi. Ngày trước thi rớt không có nạn tự tử. Chỉ có sự cố gắng thêm để thi đậu khóa sau. Nhưng trông thấy một chị thi rớt ngôì trong lớp khóc sướt mướt vì bị baì Dictée 7 lổi. Tuấn trong lòng nao nao, thấy lòng rung cảm, thương xót người bạn gái đau khổ. Buổi trưa Tuấn đến nhà bạn an uỉ "Ðừng khóc nữa chị Tuyết. Chị giỏi Toán, sang năm chị ráng học them các môn thế nào chị cũng đâụ ". Tuyết đã 17 tuổi, sợ cha mẹ không cho đi học nữa. Nhưng năm sau Tuyết thi đỗ hạng ba, và được học trường Nữ Trung Học Ðồng Khánh - Huế.

Các trò thi đậu thì dĩ nhiên sung sướng, vui vẻ, bàn tán không ngớt chuyện đi Qui-nhơn hay đi Huế. Trò nào trò nấy mặt tươi rói, miệng cười không ngớt.Phần thì được các Thầy khen ngợi, các bạn thèm thuồng, trìu mến, phần thì được cha mẹ cưng, muốn ăn gì cha mẹ cũng mua cho ăn, muốn mặc áo quần đẹp cha mẹ cũng sắm cho laị được họ hang, làng xóm o bế, nâng niu...

Câu chuyện thằng Tuấn-em đã thi đỗ " Ri-me " chỉ trong một buổi sớm cả tỉnh cả làng đều biết.

Mấy ngày cuối niên học, thầy giáo dạy ít mà nói chuyện nhiều. Lớp học tạm vui không đến nổi buồn tẻ lắm.

Nhưng khổ nhất là giờ tập thể thao ( gymnastique ).

Huấn luyện viên là một ông đội và ba người lính Khố xanh do bên đồn Lính Tập đưa sang. Họ tập thể thao cho học trò mà gắt gao không khác nào tập lính. Họ laị hô toàn những tiếng " bồi " khiến học trò không thể nào nín cười được.

Họ hét thật to, bảo : Ðứng ngay thẳng : Ga-ra-vu !

Bảo : Bước đi, một hai...một hai...một hai...

An-na-văng mạc !...Ấc đơ...ấc đơ...ấc đơ...

Xoay bên phải : a oách...oách...

Trò Bông nghe " a oách...oách..." liền cười to lên, bị thầy đội đến đánh một bạt tay nẩy lửa. Các trò khác liền chạy lại níu thầy đội và sừng sộ hỏi :" Sao thầy đánh nó ". Một trò lớn nhất toan đánh lại thầy đội để trả thù cho bạn, nhưng cả lớp cùng bảo nhau :" Ðừng đánh ổng, mà cũng đừng thèm tập nữa. Tuị mình vào thưa với Quan Ðốc". Mấy lớp dưới, từ lớp Nhì A, Nhì B đến lớp Năm, đều một loạt bắt chước lớp Nhất, tức giận không tập thể thao nữa mặc dầu không có ai xúi giục cả. Ông Ðốc đã về nhà, chỉ còn lại một thầy trợ và anh tuỳ phái.

Thầy trợ vội vàng chạy đến nhà quan Ðốc học để tường trình mọi việc. Một lát sau, quan Ðốc đi xe kéo nhà đến, nét mặt hầm hầm, goị trò B, người gây chuyện, đến trước mặt ông. Ông đã không bênh vực danh dự học đường lại còn đánh B. một bạt tay nữa. Toàn thể học sinh đều uất ức, nhưng không dám nói gì, oai danh hung hp63 của quan Ðốc học đã từng làm đám học trò và cả thầy giáo khiếp đởm nhiều phen.

Nhưng đây là buổi tập thể thao cuối cùng trong niên khóa. Năm sau môn thể dục do chính các thầy phụ trách huấn luyện học trò.

21 trò đậu " Ri-me " tự ý rủ nhau hùn tiền thuê thợ thuê một bức trướng tặng thầy làm kỷ niệm trước khi vĩnh biệt nhà trường. Bức trướng thuê bằng kim tuyến bốn chữ Nho " Ngưởng Chi Như Sơn " ( ngước lên nhìn Thầy ơn cao như núi ). Bốn chữ này do ông Tú Phong đặt giùm cho và chính tay ông Tú viết, nét chữ tuyệt đẹp. Tại tỉnh không có thợ thuê, nên học trò phải xuống tận Thu-xà, nơi đây có mấy tiệm thuê của ngươì Bắc Kỳ. Bên trái 4 chữ lớn, có giòng chữ nhỏ :


Quảng Ngãi tỉnh, Pháp-Việt học đường, sĩ tử Nguyễn...Lê...Trần...( vv... tên họ của 21 học trò thi đậu ) đồng bái tặng "


Thầy cảm động nhận bức trướng long lanh các mặt kiến nhỏ, rực rỡ các sắc màu, và thầy treo ngay tại phòng khách của thầy.

Nhưng cảm động hơn nữa là 10 năm sau, Tuấn-em trở lại thăm thầy, vẫn còn thấy nơi phòng khách gió phất phơ trìu mến bức trướng xưa, tuy hàng vãi đã nhạt màu, các viền trướng đã rách xác xơ, màu kim tuyến đã đen, mấy mặt kiến đã vỡ nát hoặc đã rơi mất cả.

Toàn thể học trò lớp Nhất cũng chung tiền nhau lại mỗi trò góp 5 xu, để thuê thợ ảnh đến chụp với Thầy một bức ảnh lớn, ngoài sân trường để làm kỷ niệm. Thầy ngôì ghế giữa, hàng đầu, mặc áo xuyến đen, đầu chit khăn đen, chân mang giầy bốt tin, trông thầy thật đạo mạo. Trò Tuấn cặp vào nách một chiếc mũ trắng, tay cầm mấy quyển sách, mặc áo dài đen, mang quốc, đứng tít ngoài bìa, vì tuy nghịch ngợm nhất lớp, nhưng lại phải cái tính nhút nhát, vào chỗ đông ngươì thì ưa đứng ngoài xa.

Cuộc chụp hình này đánh dấu buổi học cuối cùng niên khóa, thầy trò đều vui vẻ.

Sáng hôm sau, bắt đầu nghỉ Hè, Tuấn được cha mẹ cho phép tắm song với một lũ bạn gần mười đứa đến nhà Tuấn rủ đi. Ðứa nào cũng ôm theo một goí quần áo bẩn để ra song giặt, và một cục xà bông Marseille là loại xà bông duy nhất được thong dụng lúc bấy giờ khắp từ tỉnh đến quê.

Mẹ Tuấn căn dặn :

- Con tắm trong cạn, đừng ra ngoài chỗ sông sâu, nghe con ? Con coi chừng kẻo ma-gia níu cẳng chết đấy !

Cũng như hầu hết con nít lúc bấy giờ -- cả người lớn nữa – nghe nói đến" ma-gia " là Tuấn sợ hết hồn. Lúc tắm song, Tuấn vẫn nhớ lời mẹ dặn, chỉ lội quanh quẩn trong cạn, chổ nước trong nhìn thấy rỏ lớp cát và sỏi dưới đáy song. Tuấn theo bắt một bầy cá lia thia con, đưa hai tai hứng bầy cá đang bơi tung tăng trong nước, nhưng hễ sắp bắt được cá thì cá laị thoát ra ngoài, rất nhanh. Tuấn đuổi theo ra xa xa một chút. Cứ như thế, Tuấn vô ý đi từ trong cạn ra đến chổ sông sâu, mực nước lên đến gần cổ. Bổng Tuấn dẫm dưới chân một vật gì nhơn nhớt, hoảng hốt la lên :

- Ma gia níu tao ! Ma gia níu tao ! Cứu tao với, tụi bây ơi !

Tuấn sụp xuống chỗ nước hơi sâu, bị giòng nước cuốn mạnh, Tuấn la khóc ần ỉ :" Ma gia bắt tao ! ". Trò Diển, lớn tuổi và biết bơi, vội vàng bơi ra kịp, nắm tay Tuấn ì-ạch lôi vào. Diển kéo Tuấn chạy lẽ lên bờ, cùng lúc tất cả mấy đứa học trò đang tắm đều hoảng hốt chạy toán loạn. Tuấn nín khóc, lượm ba bốn cục đá quăng mạng xuống song, và la lên vơí vẻ mặt giận dữ :" Mẹ cha con ma gia, tao ném cho mầy bể đầu. Mầy giỏi lên đây bắt tao ? " Con ma-gia biến đâu mất, không thấy nó thỏ đầu lên. Nhưng tụi học trò vẫn còn hơi sợ sợ, ôm áo quần còn ướt kéo nhau đi về hết.

Tuấn-em bị mẹ rầy một mẻ nên thân. Buổi trưa, đi làm ở Toà Sứ về, Phán Tuấn nghe Tuấn-em mét :" Anh Hai ơi, sáng nay em đi tắm sông, suýt bị con ma-gia bắt.Nó níu chân em rôì, nhưng có trò Diển bơi ra kéo em thoát chết.

Phán Tuấn cười bảo :" Không có ma-gia đâu em ".Phán Tuấn giảng cho em nghe. Dù sao, mẹ Tuấn cũng vội vàng đi thắp hương đèn trẹn bàn thờ ông bà và cúng vái tạ ơn ông bà đã cưú cho thằng Tuấn vừa thi đỗ " Ri-me ", khỏi bị chết đuối.

Chiều tối, Tuấn đến nhà Tuyết, thấy Tuyết nằm võng, mặc áo cụt, gác tay trên mặt, khóc thút-thít. Tuấn đến gần võng. Tuyết nghe tiếng quốc bước nhè nhẹ, lấy tay ra, trông thấy Tuấn.Tuấn bảo :

- Sao chị khóc hoài vậy, chị Tuyết ? Sang năm chắc chắn chị đậu mà. Chị cứ vui đi !

Tuyết lau nước mắt, ngồi dậy, đứng dựa vào cột nhà :

- Anh thi đỗ, sung sướng, tôi đâu có đỗ mà tôi vui ?

- Tôi thấy chị rớt, tôi cũng buồn chứ tôi vui gì ? Tôi đến để chào chị, sáng mai tôi về thăm bà ngoại tôi và ở nghỉ Hè trong làng bà ngoại.

Tuyết không nói gì, nhưng òa ra khóc. Nghĩ cũng kỳ ! Tuấn-em 16 tuổi và Tuyết 17 tuổi chỉ là đôi bạn cùng lớp. Trong lớp, Tuấn ngồi bàn thứ nhì, ngay sau lưng Tuyết, và thỉnh thoảng Tuyết xoay lại mượn Tuấn một cục tẩy, hoặc cây bút chì màu, hoặc hỏi bài toán, hay một vài chữ Tây khó hiểu. Thế thôi. Có lần trong giờ chơi, Tuấn lại ra sân bắt một con cóc, rôì thừa lúc bốn chị đi uống nước, Tuấn lẻn vào lớp bỏ con cóc trong cạc-táp của Tuyết, làm trò tinh nghịch để cười chơi. Ấy thế mà không hiểu sao từ hôm Tuyết thi hỏng, ngồi khóc trong lớp, Tuấn tự nhiên thương xót, cứ theo an ủi Tuyết mãi. Còn Tuyết có mến Tuấn hay không, Tuấn đâu có biết ? Nhưng thấy Tuấn đến thăm và từ giã Tuyết để hôm sau đi về quê ngoại. Tuyết lại tỉ-tê, nỉ-non, buồn rười-rượi. Tình bạn giữa đôi trai gái học sinh cũng có khi thật cảm động ! Tuyết nhìn Tuấn với đôi mắt hiền lành :

- Sao anh không ở tỉnh cho vui ?

- Mẹ tôi bảo về nghỉ hè ở nhà bà ngoại cho khỏe-khoắn, để rôì tháng 8 về đây sửa soạn đi Qui-nhơn thi vô Collège.

- Anh ở tỉnh, mỗi buổi sáng anh tới đọc dictée cho tôi viết...

- Mẹ tôi không cho... Hay là để tôi xin anh Hai tôi...Tôi cũng muốn ở tỉnh chứ không muốn về bà ngoại tôi. Tôi nghe mẹ tôi nói ở gần nhà bà ngoại tôi, có nhà ông Hương Cảnh có con gái học lớp Ba trường Huyện, ông Hương muốn gả cô đó cho tôi, nhưng tôi mắc cỡ, tôi đâu có chịu.

Tuyết cúi mặt xuống, hỏi khẻ :

- Sao anh không chịu ?

- Tôi muốn ở tỉnh, mỗi buổi sáng đến đọc dictée cho chị viết.

Tuyết bổng dưng vui cười, chạy vào nhà lấy một trái mãng cầu chín đem ra cho Tuấn. Vừa lúc mẹ Tuyết trong nhà đi ra. Tuyết giới thiệu :

- Thưa mẹ, anh Tuấn, học trò lớp con, ảnh mới thi đỗ Primaire đấy.

Mẹ Tuyết cười :

- Mầy học giỏi quá vậy ? Con Tuyết, nó thi rớt mấy bữa rày, nó khóc hoài, nó không ăn uống gì hết trọi.

Tuyết khẽ đánh yêu cánh tay mẹ :

- Mẹ cứ nói !

Bà hỏi Tuấn :

- Mầy năm nay mấy tuổi ?

- Dạ thưa bác, con 14 tuổi.

- Chu-cha giỏi qúa, 14 tuổi mà đỗ "ri-me" rồi hả !

- Dạ thưa bác, con nhớ lộn, chớ tuôỉ thiệt của con là 15.

Mẹ Tuyết và Tuyết cười rùm lên. Mẹ Tuyết hỏi :

- Chớ tuổi thiệt của mầy là bao nhiêu mà mầy nhớ lộn ?

- Dạ tuôỉ con 16, mà hồi xin vô học, anh Hai con biểu làm giấy khai sinh rút xuống hai tuôỉ, thành ra trong giấy khai sinh con mơí 14.

- Mầy con ai ?

- Dạ...bẩm bác, cha con làm thợ mộc. Anh Hai của con đi làm việc nhà nước.

- Anh mầy làm gì ?

- Dạ, bẩm bác, anh Hai con là thầy Phán Tuấn làm trong Tòa Sứ.

- Ủa, vậy ne ? Mầy là em thầy Phán Tuấn ne ?

- Dạ.

- Hèn chi mầy học giỏi. Ở nhà có thầy Phán dạy thêm cho mầy. Chớ con Tuyết, ổng làm quan Kinh lịch không biết chữ Tây, tao cũng không biết chữ, có ai dạy thêm cho con Tuyết đâu, hèn chi nó thi rớt.

Tuyết quay sang thưa mẹ :

- Con nhờ anh Tuấn mấy tháng nghỉ hè, mỗi buổi đến đọc dictée cho con viết để con tập cho quen, sang năm con thi chắc đỗ.

Mẹ của Tuyết gật đầu, bảo Tuấn :

- Ừ...Mầy tới đọc đít-tê cho nó viết rồi tao may cho mày cái áo cụt để thưởng công cho mầy. Mầy chịu không ?

Tuyết vội ngắt lời :

- Ảnh tới đọc dictée dùm cho con, chớ đâu phải ảnh đi làm thuê mà mẹ may áo để trả công cho ảnh ?

Nhưng Tuấn cũng vui vẻ đáp :

- Dạ, thưa bác, để con về xin phép cha mẹ của con và anh Hai con...

Kỳ nghỉ hè ấy, Tuấn được gia đình cho ở lại tỉnh, và mỗi sáng, đến giờ ông Kinh-lịch đi làm việc trong dinh cụ Tuần, bà Kinh-lịch đi chợ, hoặc đi đánh bài tứ-sắc, thì Tuấn đội mũ trắng, mang đôi quốc cùn, đến nhà cô Ánh-Tuyết đọc dictée... Ðôi bạn trẻ học chung vơí nhau, viết dictée, làm toán, vẽ bản đồ Ðịa dư v.v... và trao đổi cùng nhau những chuyện ngây thơ êm đẹp. Mãi đến 11 giờ Tuấn mơí về nhà.

2 tháng rưỡi sau, trước hôm Tuấn lên xe đi Qui-nhơn thi vào Trung học, Tuyết trao tặng Tuấn 10 chiếc khăn "mu-soa" do tự tay Tuyết thêu mỗi góc một chữ T và Tuyết khóc sướt mướt tiển Tuấn lên đường...

giavui
06-25-2014, 05:15 PM
CHƯƠNG 8. 1920-1924

- Tình hình chính trị tổng quát ở toàn xứ, sau những vụ Phan-xích-Long ở Saigon (1916), vụ Duy-Tân ở Huế (1916), vụ Ðội Cấn ở Thái Nguyên (1917) và Phạm Hồng Thái ở Sa Ðiện (1923).

- Những ngày tàn của Nho học.

Một lớp học chữ Hán sáng thứ Năm.

- Các cụ nhà Nho còn tôn kính " Hoàng - Thượng ".

- Một lễ " Bái mạng " trước Hành Cung, có sự chứng kiến của các ông Tây bà Ðầm.

- " Văn minh khắp cả hoàn cầu, ông sư cũng cúp cái đầu 3 xu ".

- Sinh viên Cao Ðẳng Hà Nội đã bắt đầu mặc đồ Tây trước tiên.

- Ðá kiện, trò chơi phổ thông nhứt của học sinh.

Từ 1920 đến 1924, tình hình chính trị tổng quát ở toàn cỏi An-nam có thể goị là yên ổn. Từ thành thị đến thôn quê, uy quyền của nước Pháp đã được triệt để tôn trọng, điạ vị của chính phủ thuộc địa đã vững chắc, không có gì làm lay chuyển được.

Tất cả các cuộc vận động cách mạng trong nước hoặc âm mưu khởi nghĩa, đều đã bị thất bại. Ở Saigon, vụ Phan xích Long đánh phá Khám lớn năm 1916, ở Bắc Kỳ, vụ Ðội Cấn và đảng Việt Nam Quang Phục đánh chiếm tỉnh Thái Nguyên năm 1917, cho đến cả ở Quảng Châu, bên Tàu, vụ Phạm Hồng Thái ném bom ở tô giới Sa Ðiện toan giết viên Toàn quyền Merlin năm 1923 – không một cuộc hoạt động nào trên kia thành công, và tất cả những nhà ái quốc khởi xướng đều bị đàn áp, bị bắt, bị giết, hoặc bị đày đi xa. Trong toàn xứ An-nam, hình như không còn ai dám rục rịch nổi dậy đánh Tây, hoặc hô hào cách mạng nữa.

Nước Pháp lại vừa thắng nước Ðức trong cuộc Thế giới Ðại chiến 1914-1918, và cứ hàng năm, đến ngày 11 tháng 11 dương lịch là chính phủ thuộc địa ở Ðông Dương tổ chức ngày lễ Chiến Thắng ( họ gọi là " Fête de la Victorie) rất long trọng, uy nghi, hùng hổ, vừa để mừng một ngày kỹ niêm vẻ vang nhất của họ, vừa để nhắc nhở cho dân An-nam rằng nước Pháp rất hùng cường, vĩ đại, " văn minh bậc nhất trên tòan cầu ". Người dân An-nam lúc bấy giờ cũng nhìn nhận rằng nước Pháp thật là văn minh, hùng cường hơn nước ta trên rất nhiều phương diện.

Phái nhà Nho " từ Tú-tài lên đến Tiến sĩ, Phó Bảng " mà có tinh thần chống Pháp, đã tham gia trực tiếp các phong trào cách mạng từ 1916, thì đã bị giết chết hoặc đi Hải ngoại, phần đông sang Nhật, sang Tàu. Một số bị đày ra Côn Lôn, nhưng lúc mãn hạn tù trở về làng xã, hầu hết là trước 1924, đều lo an-thường thủ phận, không hoạt động gì nữa cả. Một số đông các cụ mở trường tư ngay tại nhà dạy chữ Nho và chữ Quốc-ngữ cho một ít học trò nhỏ để vui qua ngày tháng, hoặc làm nghề Ðông-Y, xem mạch, bốc thuốc, hoặc chuyên về khoa bói, quẻ Dịch, quẻ Lục-nhâm, tử-vi, tướng-số, v.v...theo các sách Tàu.

Còn phái nhà Nho thụ động, không có tham gia một cuộc hoạt động chính trị nào cả, thì hoàn toàn ngưỡng mộ người Pháp và triệt để ủng hộ chính sách thuộc địa, triệt để trung thành với Hoàng Ðế An-nam. Những ông Tú-tài có đôi chút thế lực, đem tiền lo lót -- không có tiền thì bán đất bán ruộng -- để được làm một chức quan nho nhỏ như Ðề-lại, Thư-lại. Mấy ông Cử nhân thì được bổ đi Tri Phủ, Tri Huyện, Tri Châu. Một số Tú-tài, Cử Nhân khác ở nhà làm ruộng, tham gia vào việc làng xã, hoặc sống một cuộc đời nhàn hạ, uống rươụ, ngâm thơ, làm đối làm liễn giùm cho các người ít học, và được dân làng trọng vọng như một bậc danh nhân ở địa phương.

Tuy từ năm 1919 không còn Thi Hương Thi Hội nữa, và Nho-học đã chính thức bãi bỏ ờ toàn xứ An Nam, bị chữ Pháp và chữ Quốc-ngữ hoàn toàn thay thế, nhưng chính phủ Nam triều vẫn còn dung chữ Hán một cách mặc nhiên, người Pháp không ngăn cản. Chữ Nho bị bỏ, chứ không bị cấm. Cho nên, bên Hành Chính THuộc Ðịa, các quan Tây thì dung chữ Pháp ; còn bên Hành Chính Nam Triều các quan An-nam vẫn dung toàn chữ Nho. Các giấy tờ, công văn, từ Bộ về Tỉnh, từ Tỉnh về Phủ, Huyện, từ Phủ, Huyện về làng, đến năm 1924 vẫn còn áp dụng chữ Nho. Ngay ở các trường Tiểu học Pháp Việt, mỗi tuần vẫn còn 2 giờ học chữ Nho buổi sáng thứ Năm.

Theo chương trình tiểu học, lớp Nhất cũng như lớp Nhì A, Nhì B, và lớp Ba, đều phải học hai giờ chữ Hán sáng thứ Năm. Thầy dạy chữ Hán cho lớp Nhất của Tuấn học là một ông Tú-Tài, tên là ông Tú Cẩn. Một hôm đang học, bổng có thanh tra người Pháp, tên là Délétie, ở Huế đi thanh tra các trường đột ngột bước vào lớp học, không báo tin trước cho thầy giáo và học trò biết trước. Ông Tú, khăn đen áo dài đen như thường lệ, đang đứng nơi bảng đen giảng nghĩa bài học về con Hoàng-ngưu ( con bò ). Ông dạy theo nghĩa từng tiếng một theo lối nhà Nho :

" Kỳ nhục sở thực, Kỳ nhũ sử ẩm " nghĩa là " Sửa thịt khá ăn, sửa sữa khá uống ".Ông Délétie mà ai cũng biết là giỏi chữ Nho, trố mắt hỏi học trò :

- Các anh có hiểu lời giảng của ông Thầy không ?

Dĩ nhiên, học trò chẳng ai hiểu cả. Ông Tây hỏi ông Tú :

- " Sửa thịt khá ăn, sửa sữa khá uống " là nghĩa làm sao ?

- Dạ bẩm quan lớn, kỳ là sửa, nhục là thịt, khả là khá, thực là ăn...kỳ là sửa, nhũ là sữa...ông Tây cười xòa, rồi bỏ lớp đi ra.

Tuy nhiên, các ông Tú, ông Cử cuối cùng của mùa Hán-học đã suy tàn, còn có thể hãnh diện là đã có lần được lĩnh áo mão của Vua ban hồi các ông mới thi đậu, mặc dầu những ngày vinh quang ấy đã khá xa rồi.

Họ còn tôn kính Vua, thờ Vua, và luôn luôn, dù ở trong hương thôn, mỗi khi có dịp gì nói đến Vua, họ đều cung kính suy tôn Hoàng Thượng, hay là "Ðức Hoàng Thượng ".

Năm 1924, những ngày mừng vua Khải-Ðịnh được 40 tuổi ( lễ Tứ-tuần ). Tuấn-em có chứng kiến một buổi lễ phi thường, tại " Hành Cung "ở tỉnh. Lễ này được tổ chức khắp tất cả các tỉnh Trung-kỳ và Bắc-kỳ, trừ ra Nam-kỳ là " nhượng địa " của Pháp, không có. Tỉnh nào cũng có một Hành-Cung, là một gian nhà kiến trúc như một Cung điện nhà Vua, phía trước có sân Rồng lát gạch, và một cổng lớn có chạm rồng gọi là " Ngọ Môn ".

Theo nguyên tắc, Hành Cung là tượng trưng Cung Ðiện của Hoàng Ðế, khi nào vua đi kinh lý đến tỉnh, sẽ 'ngự' nơi đây. Nhưng ít khi Vua đến. Vua ngự trị ở Huế, không bao giờ 'Ngự du ' đi đâu xa.

Cho nên Hành cung vẫn bỏ trống luôn luôn giữa ba bức thành bao bọc, cỏ mọc đầy sân, không có ai gìn giữ quét dọn, tuy là ở đối diện ngay trước dinh quan Tuần-vũ, hay quan Tổng Ðốc, hai bên con đường chính nối dài từ Cửa Ðông đến Cửa Tây. Chủ nhật, thứ Năm, bọn học trò tinh nghịch như Tuấn-em, thường rủ nhau đến đây chơi. Bởi không có lính canh gác, nên tuị con nít này tha hồ 'ngự trị ' trong Hành cung đào lỗ đánh bi, đánh đáo, và lấy gạch, lấy phấn viết, vẽ bậy bạ khắp các vách tường.

Thỉnh thoảng có trò đau bụng, ngôì làm bậy ngay một nơi góc tường của Hành cung, mấy trò khác bịt mũi cười la rất là náo động. Các chú lính lệ bên dinh quan Tuần bận uống rượu và đánh bài tứ sắc, và quan Tuần chễm chệ hút thuốc lào trong văn phòng có một chú lính đứng quạt hầu, không một ai hay biết lũ ôn con làm gì bên Hành cung.

Thế rồi, một buổi sáng Chủ nhật, Tuấn với mấy đứa bạn rủ nhau đến Hành cung để đánh bi, bổng thấy cờ xí treo chung quanh, và lính Khố Vàng ( của quan An-nam ), lính Khố Xanh ( của quan Tây) mặc lễ phục toàn màu trắng sắp hang đứng chật ních hai bên sân rồng. Chiếu hoa trải kín hết sân, và Cung điện quét dọn sạch sẽ, kết hoa lá, treo cờ Pháp, cờ An-Nam, giữa cung có đặt một " ngai vàng ". Ðó là một cái ghế fauteuil bằng mây, sơn màu vàng – kê trên một bục gỗ sơn màu đỏ.

Dân chúng không được vào trong, đứng đông nghẹt phía ngoài thành ( thành chỉ cao độ 1 thước ) chen lấn nhau để xem chốc nữa các quan lạy Hành cung, mừng lễ Tứ-tuần của Hoàng đế Khải-Ðịnh. Người ta đã cấm con nít không được vào trong, nhưng Tuấn cũng len lỏi thế nào để vào cho được, nhờ nó bé nhỏ và nó đứng nấp sau lưng một người lính khố xanh, cậu của nó.

Các quan An Nam đã lần lượt kéo đến rất đông và đã sắp hạng trên sân, tùy theo phẩm trật. Các quan nhỏ từ Thất phẩm, Lục phẩm, các thầy đề lại, các ông tú-tài, cử nhân đều mặc áo rộng xanh, đứng phía sau cùng, gần cửa Ngọ môn. Các quan Huyện, quan Phủ, đứng mấy hàng trước. Phía trước hết, các quan Án sát, Lãnh binh, cả các quan đã về hưu râu tóc bạc phơ, và riêng hang đầu là quan Tuần-vũ hay quan Tổng đốc. Mâý ông quan từ Ngũ phẩm trở lên đều mặc triều phục, mang hia, đội mũ cánh chuồn.

Ðúng 9 giờ, các "quan Bảo Hộ " từ bên tòa Sứ đi xe hơi đến trước cổng Ngọ môn, được quan Tuần vũ đón chào và mời vào Hành cung. Tuấn nhận thấy có ông Sứ, ông Phó Sứ, ông Tây Kho bạc (ông này bị một chân thọt, thay bằng chân gỗ, học trò đặt cho ông biệt hiệu là "ông Tây Point-et-Virgule", vì mỗi khi ông đi, chân thật bước một bước thì chân gỗ hất tới, y như thể một dấu chấm và một dấu phết ). Ngoài ra, còn có ông Giám binh đồn lính Khố xanh, ông Tây Lục-lộ, ông Tây GIây thép, ông Tây Thương chánh, ông Kiểm lâm, ông Ðốc-tờ, ông Cò, với mấy bà Ðầm. Tất cả đều được quan Tuần vũ, chủ tỉnh An Nam, mời vào Hành cung. Họ đứng một dãy cách 'ngai vàng' độ ba, bốn bước.

Chuông trống nổi lên, có một ông quan làm xướng ngôn viên, hô lên từng tiếng, nhịp với tiếng kèn tiếng trống theo trong nghi lễ. Các quan An-nam sụp xuống lạy. Nói là lạy Vua để mừng " Thánh Thọ " 40 tuổi, nhưng kỳ thực là lạy mấy ông Tây bà Ðầm đứng trong Hành cung nhìn ra, chứ cái ngai vàng để trống có Hoàng Thượng nào " Ngự Tọa "đấy đâu. Các quan An Nam cúi lạy liên tục bốn lạy, đồng một loạt với nhau, trong lúc lính Khố xanh, Khố vàng bồng sung chào. Các " Quan Bảo hộ " và các bà Ðầm đứng gần bên chiếc ngai vàng nhìn ra với cặp mắt tò mò, ngạc nhiên. Tuy họ vẫn giữ lễ độ đứng đắn nhưng không phải là họ không lộ ra đôi chút kiêu hãnh, khinh khi.

Tuấn-em nhìn thấy trong đám các ông Cử, ông Tú sụp lạy ở đằng sau cùng, có cả ông Tú Cẩn, là thầy dạy chữ Nho của Tuấn mỗi buổi sáng thứ Năm. Ông mặc chiếc quần trắng dơ bẩn và chít áo rộng xanh bạc màu, rách một miếng to tướng nơi cùi chỏ.

Trước khi đi Qui-nhơn để thi lên các lớp Trung-học Pháp-Việt ( Collège Complémentaire francaise-indigène). Tuấn-em muốn hưởng cho hết thời niên thiếu trong ba tháng nghỉ Hè trong năm 1924. Vì bằng Tiểu học " Primaire" có thể được coi như gần dứt thời kỳ niên thiếu của chàng trai đất Việt, thời kỳ mà Tuấn-em đã sống đầy đủ, hăng hái, đôi mắt mở to, hai tai vểnh rộng, để nhìn thấy và nghe ngóng bao nhiêu những mới lạ, trong lúc giao thời của Ðất Nước đang nô nức ùa theo phong trào mới của "Văn minh tiến bộ".

Như các bạn đã biết, phong trào ấy đã bồng bột từ 1910, thế hệ của Trần anh Tuấn – bây giờ là Phán Tuấn – cho đến 1924. Một thời đại mà ngày nay chúng ta có thể gọi là thời kỳ thiếu niên của một nước An Nam mới, đang dần dần cởi bỏ những lốt cũ kỹ nghìn xưa.

Tuấn-em sung sướng và có thể có đôi chút hãnh diện là đã được may mắn sinh nhằm thế hệ này. Chàng khôn lớn cùng một lượt với xứ sở đang vươn lên song song với những tiến triển nhanh chóng của dân tộc mà nếp sống vật chất và tinh thần đã khác nhiều so với thời kỳ trước Thế giới Ðaị chiến thứ Nhất, mở đầu Thế kỷ.

Nhận xét thật đứng đắn, ta thấy rằng tất cả mọi biến đôỉ trong thời kỳ ấy đều xảy ra một cách tuần tự lặng lẽ, gần như tự nhiên, không có một áp lực nào thúc đẩy, và cũng không có một trở ngại nào. Không phải một cuộc cách mạng xã hội, mà chỉ là một định mệnh, một sự kiện dỉ nhiên của Lịch sử mà chính những nhân vật đương thời, dù muốn dù không, cũng mặc nhiên công nhận, sẳn sang để lôi cuốn theo.

Có điều nên lưu ý, là nếu "Ðông và Tây không gặp nhau được " như lời của nhà văn Anh-quốc, Rudyard Kipling – và điều đó cũng đúng một phần nào, -- thì ta ngạc nhiên thấy rằng sự tiếp xúc đột ngột giữa hai văn hóa Pháp và Việt, hai văn hóa cổ truyền của Tây phương và Ðông phương cách biệt hẳn nhau, và trái ngược hẳn nhau, vẫn không gây ra một cuộc chống chọi nào cả. Xin nhắc rằng đây tôi không nói về phương diện chính trị và tôn giáo, mà nói tổng quát về văn hóa mà thôi. Trái lại, đã có nhiều cuộc phối hợp ngẫu nhiên và thuận lơị, nếu không thì cũng có sự dung túng và thông cảm với tinh thần hiểu biết rộng rãi, không nề hà câu chấp.

Nhiều biến đổi trái hẳn với nguyên tắc Khổng – giáo, như dân chúng xem thường ông Vua, trai gái học chung một trường, đàn ông đàn bà giao thiệp thân mật, đàn ông hớt tóc v.v...đã được mặc nhiên công nhận, không bị phản ứng nào mãnh liệt. Hơn nữa, chính các ông Tú, ông Cử Nho học, cũng đã bắt chước cắt bỏ búi tóc tượng trưng cho lòng Hiếu đến với Cha Mẹ, và đã đua nhau " cúp đầu carré ", phong trào đang lan tràn mau chóng nhất lúc bấy giờ. Dân chúng ở hương thôn, thường là thủ cựu 100 phần 100, cũng đã rủ nhau ra huyện, ra tỉnh, để hớt tóc. Nghề hớt tóc đã thịnh hành, thợ hớt tóc đã mở tiệm khắp cả từ thành thị đến thôn quê. Một câu ca dao xuất hiện thời bấy giờ, diễn tả rất vui vẻ và hóm hỉnh sự kiện thực tế ấy :

Văn minh khắp cả hoàn cầu,
Ông Sư cũng cúp cái đầu 3 xu !

Năm 1924, cúp cái đầu đã được coi là " bắt chước theo văn minh ". Sự phối hợp giữa " mới " và " cũ "được biểu hiện rõ rệt ngay trên tấm quảng cáo bằng ba thứ chữ treo trước các tiệm hớt tóc An nam từ năm 1924 như sau đây : (COIFFEUR -- HỚT TÓC -- TIỂN PHÁT )

Tuy nhiên, đến năm 1921, đại đa số thanh niên An nam vẫn chưa mặc âu phục, và chưa chào nhau bằng cách bắt tay. Ngay ở Hà Nội và Huế ( Saigon có khác hơn vì gần gụi với Tây lâu hơn ), chỉ có một thiểu số công chức, tư chức, làm việc trực tiếp với người Pháp -- nhưng cũng chỉ mới có một thiểu số thôi – là mặc âu phục gặp nhau bắt tay" bonjour " và dở mũ. Sinh viên trường Cao đẳng Ðông dương ở Hà nội cũng đã bắt đầu " mặc đồ Tây " theo các giáo sư Pháp.

Phụ nữ, dĩ nhiên chưa có một người nào uốn tóc, độn ngực, đeo xu-chiêng ( Soutien-gorge ), --kể cả các Bà, các Cô " tân thời " nhất. Hầu hết nữ sinh đều đi chưn không,các cô Trợ giáo mang quốc, đội nón

Ở Nam Kỳ, đàn bà thành thị phần đông che dù, ngoài Bắc Kỳ che ô, ở Trung Kỳ đội nón gò găng, hoặc nón lá, thứ đẹp cho các bà các cô nhà giàu, thứ xấu cho phụ nữ bình dân.

Năm 1924, thiếu nữ miền Trung không ăn trầu nữa, nhưng một số đông còn nhuộm răng đen, và chưa dám mặc quần trắng ( thời bấy giờ chỉ có con gái " nhà thổ ", gái điếm, mới mặc quần trắng. Ở Nam Kỳ thì đã để răng trắng từ lâu, và mặc áo quần "bà ba " bằng hàng lụa ngoại quốc.

Về Thể thao, học trò lớn đã chơi ballon ( Foot-ball, đá bóng ). Tennis là môn chơi dành riêng cho hạng trí thức sang trọng và quý phái, phần nhiều chỉ chơi với Tây Ðầm. Bóng rỗ và bóng bàn chưa được thông dụng trong đám thanh niên và học sinh.

Bọn học trò nhỏ, 15,16 tuổi như Tuấn-em, chưa ham chuộng các môn Thể thao và cũng rất ít khi đi chơi lang thang ngoài phố. Môn chơi thịnh hành nhất trong đám học trò Tiểu học là "Ðá Kiện ". Có nhiêù trò đá giỏi, đến 200 cái một lượt. Có khi bốn trò đứng bốn góc sân đá chuyền cho nhau một trái "kiện ", hàng nửa tiếng đồng hồ mà trái " kiện " vẫn chưa rơi xuống đất. Tuấn-em môn nào cũng khoái chơi, đá kiện, đánh bi, đánh đáo, xích đu, bắt cóc, bắt thằn lằn, bắt dế.

Mấy thầy Trợ giáo và thầy Thông làm việc các sở, ngoài những buổi sáng xách ô đi tôí xách về, thường tiêu khiển bằng âm nhạc An Nam ( các cây đờn cổ điển ) hoặc trồng bông, đánh cờ tướng, đi bẩy chim. Ít có ai đi câu cá hoặc đánh Tennis.

Có những thầy dùng cả những sáng Chủ nhật để lau chùi chiếc xe máy, là món đồ được đa số công chức tâng tiu nhất.

Trừ Hà Nội, Huế, Saigon, còn toàn xứ An nam chưa có tỉnh nào có rạp chiếu bóng. Mỗi tỉnh chỉ có một rạp : ở Nam Kỳ là hát cải lương ( còn sơ khai ), ở Trung Kỳ hát bội, ở Bắc hát chèo. Tất cả những tuồng hát đều có tính chất Khổng giáo, Phật giáo, nêu gương đạo đức, luân lý, và luôn luôn đến đoạn kết là kẻ hiền tài được thành đạt vẻ vang, được khán giả khâm phục, còn kẻ dử, kẻ bất lương thì không tránh khỏi bị Trời phạt đích đáng và khán giả phê bình, nguyền rủa.

Nếu thỉnh thoảng một vài cô thiếu nữ đa cảm và nhẹ dạ mê kép hát đến nổi trốn nhà đi theo chàng, thì toàn là những anh kép đóng vai oai hùng, hiệp sĩ. Những vai độc ác, bất nhân, bọn nịnh thần, quân phản chúa, dù cho hát hay thế mấy, cũng không bao giờ được ai khen ngơị, không đời nào được các cô gái say mê.

Ðấy, tình hình tổng quát về tinh thần và vật chất của xã hội An Nam từ năm 1910 đến năm 1924, dưới cặp mắt quan sát tò mò của Tuấn-em, thiếu niên nước Việt.

giavui
06-25-2014, 05:15 PM
CHƯƠNG 9. 1924

- Một cuộc viễn hành xe đò từ sáng sớm đến khuya trên đường cái quan dài 150 cây số.

- Ông Tú-tài nhà nho, đầu " cúp carré "đội mũ trắng làm thơ ca-ngợi chiếc xe hơi.

- Cuộc chiến tranh cân-não giữa chiếc xe đò và con cọp ngồi giữa đèo.

- Cách biệt giữa Tây và Ta trong xã hội.

Giáo sư Pháp với học trò Việt.

- Hai tờ báo " Việt-Nam Hồn " và " Le Paria " lén lút đầu tiên đến tay học sinh 14 tuổi.

- Một bài thơ trong " Việt Nam Hồn ".

- Ảnh hưởng của tờ báo " Việt Nam Hồn " trong đầu óc học sinh.

- Lưu-cầu Huyết-Lệ Thơ, Việt Nam Vong Quốc Sử, Hải Ngoại Huyết-Thư (từ Nhật Bổn đưa về, tới tay học sinh).

- Học trò tổ chức đánh phá một tiệm Hoa-kiều bốc lột.

Giấy xe " cam nhông " ghi bảy giờ sáng khởi hành đi Qui-nhơn. Thím Ba, mẹ của Tuấn, đã lo dậy từ hồi gà gáy đầu, để làm thịt hai con gà nấu cháo. Tuấn-em cũng giật mình tỉnh dậy, coi lại mấy bộ quần áo, toàn là mới may, và các dụng cụ học sinh, sắp xếp thứ tự trong chiếc " va-li " mây. Lần lượt Phán Tuấn và chú Ba cũng thức dậy, thắp đèn trong nhà sáng trưng, và dặn dò Tuấn-em cặn kẽ từng mỗi chi tiết về mọi sự. Tuấn-em chăm chỉ ngồi nghe, ghi nhớ những lời chỉ bảo và hồi hộp lo sợ, vì là lấn đầu tiên Tuấn sẽ lìa cha mẹ, lìa anh, từ biệt quê nhà, để một mình đi học tỉnh xa, bơ vơ còn nhỏ dại.

Thím Ba dọn mâm cháo gà lên cúng Ông Bà. Phán Tuấn thắp đèn, đốt nhang trên bàn thờ. Chú Ba, khăn đen áo dài, khấn vái cho Tuấn-em đi đường bình an vô sự, và được thi đậu vào lớp Ðệ Nhất niên trường Qui-nhơn. Chú cúng xong, Tuấn-em cũng mặc áo dài, cúng kính lạy bốn lạy để xin Ông Bà chứng giám, phù hộ cho đứa cháu út trong gia đình được mạnh khỏe và đi học được đỗ đạt thành tài. Trước khi dọn cháo xuống, chú Ba còn lấy giò gà xem quẻ có tốt không. Chú ngồi ghế tràng kỷ, long trọng đưa hai gìo gà dưới ánh sáng đèn dầu hỏa, xem xét tỷ mỉ mỗi mống chân đã luộc chín quặp lại như thế nào, lớp da teo lại như thế nào, và những đường gân nhỏ trên cẳng, móng cẳng, được sắp xếp như thế nào. Chú Ba trở qua trở lại xem xét hai giò gà, và mỉm cười bảo :

- Quẻ tốt quá ! ông bà phù hộ cho con ra đi được gặp toàn điều đại cát ( rất tốt, rất hay ). Con thi vào trường thế nào cũng đậu.

Xong ông trao cho Tuấn-em cả hai giò gà để ăn lấy hên. Tuấn-em cười chỉ lấy một cái. Nhưng thím Ba rầy con :

- Con phải ăn hết một cặp giò. Ăn một cái không nên.

- Sao thế, mẹ ?

Chú Ba bảo:

- Ăn một cái, sẽ bị " quáng gà " con à.

- Quáng gà là sao, cha ?

Chú Ba tủm tỉm cười, bảo :

- Theo tục lệ của ông bà truyền lại từ xưa, hễ ăn giò gà phải ăn hết đủ cặp, ăn một cái thì buổi chiều tối, sẽ bị lòa mắt, không thấy rõ đường đi, cũng như gà vâỵ.

Tuấn-em sợ hãi, liền gặp hết hai cái giò gà.

Xong bửa cháo tiễn biệt, xem đồng hồ đã 6 giờ hơn, Phán Tuấn giục em ra đi. Nhưng Tuấn-em còn bịn-rịn đứng khóc thút-thít một lúc lâu, tay nắm chặt lấy tà áo của mẹ.

Thím Ba cũng khóc. Thím vừa khóc vừa nói, tiếng nói ấm ức lẫn với tiếng khóc :

- Thôi...con đi mạnh giỏi...Nhờ trời phù hộ cho con...Vô tới trong ấy, con viết thư về, kẻo mẹ trông mong...nghe con ?

Phán Tuấn giục mãi, Tuấn-em mơí chịu đi. Nó chấp hai tay trước ngực, cúi đầu chào mẹ chào cha :

- Thưa cha con đi..., thưa mẹ con đi..., thưa anh Hai em đi...

Nó vẫn còn khóc thút –thít, Phán Tuấn bảo :

- Anh Hai đi với em...Thôi nín đi. Ra đường khóc, người ta cười đấy.

Phán Tuấn xách va li cho em, tiễn em ra đến bến xe.

Chiếc xe " cam nhông "đi Qui-nhơn lớn bằng chiếc xe thơ " Staca " nhưng hành khách đã ngồi chật ních cả.Muốn cho em có chổ ngồi được thong thả một chút, Phán Tuấn đã mua vé hạng nhất là được chỗ ngồi ưu tiên trên ghế trước, cạnh "chauffeur " ( lúc bấy giờ chưa có danh từ " tài xế ", chỉ có tiếng "sốp phơ " là thông dụng khắp nơi ). Không dè trên ghế trước trừ anh " sốp phơ "đã có hai ngươì khhách ngồi đấy rồi, nhét Tuấn-em ngồi kẹt ở giữa. Phán Tuấn than phiền :

- Chà ! Chật qúa, em tôi ngồi ép thế này, làm sao quẩy cựa được ?

Sốp phơ cười đáp :

- Hễ xe chạy, lắc qua lắc lại một lát là rộng chỗ liền, thầy Phán đừng lo.

Trên cửa xe, có ghi mấy giòng chữ trắng 21 places ( 21 chỗ ngồi ), nhưng Phán Tuấn đếm trong xe đã 27 người, dồn ép vào nhau như trong hộp cá mòi. Trên mui xe cột đồ hành lý cao chất ngất, lại còn có ba ngươì ngồi ngất nghểu, kẻ đội nón, người che dù. 8 giờ rồi, trời đã nắng, mà xe vẫn chưa chạy. Phán Tuấn hỏi :

- Sao trong giấy ghi 7 giờ khởi hành ?

Sốp phơ bảo :

- Thưa thầy, còn chờ hai người khách nữa, rồi chạy liền.

Mãi đến 8 giờ 30, mới thấy hai người " các chú " ( Hoa-kiều, cũng gọi là " khách trú " ) đi xe kéo tới, chở hai chiếc va li to tướng và hai giõ hàng hóa. 3 người ngồi trên mui phải leo xuống đất để ngươì ta chất thêm bốn món hành ký kia rồi mới leo trở lên. Nhưng cả ba người đều nói cười vui vẻ. Coi bộ họ thích được ngồi trên mui hơn là ngồi trong xe. Một ông, có lẽ là ông Tú hay ông Cử gì đấy, đầu cúp " carré ", đội mũ trắng, tay cầm dù, miệng nhai trầu, đứng trên bàn đạp phía sau, ngâm bốn câu thơ mà ông vừa cao hứng đặt ra, cho tất cả bà con cô bác nghe chơi. Tuấn-em còn nhớ rõ bài thơ như sau đây :

Gặp hội long vân chuyến viễn hành
Ngồi cao ngất ngưởng tận trời xanh
Văn minh rầm rộ thu đường đất
Tiến bộ còi vang khắp thị thành.

Ông cười ha hả, phẹt một bãi nước trầu đỏ ngòm xuống đất, rồi còn giảng cho người ta nghe, sợ người ta không hiểu hết ý nghĩa hay ho của bài thơ tứ-tuyệt mà ông vừa " xuất khẩu" đã thành :

- Gặp hội Long vân, vì chiếc xe cam nhông này tên là " Long Vân " là Rồng Mây, xe hơi của nhà nước Ðại Pháp sáng chế ra có khác nào rồng bay trong mây, cho nên tôi muốn ngồi trên mui xe, cao ngất ngưỏng như ngồi trong mây xanh vậy đó ! Ha !.Ha!...Câu thứ ba Văn minh rầm rộ là chiếc xe văn minh kêu rầm rầm rộ rộ, thu đường đất xa hóa gần. Tiến bộ còi vang, là xe hơi tiến bộ bóp còi kêu vang khắp cả thành thị thôn quê. Có phải bài thơ này tuyệt không bà con ? Ha ! Ha !

Có mấy người thành thật khen hay, rồi ông Tú mới víu hai tay vào thành xe leo lên mui. Miệng ông vẫn cười đắc chí. Ông nghiêng mình xuống đất nhổ một phẹt nước trầu rồi giương cây dù lên che nắng, cười với tất cả những người đứng dưới ngước lên ngó ông.

9 giờ hơn 10 phút, chiếc " xe văn minh " nổ rầm rầm, xịt khói ra đen nghịt phía sau. Giờ phút long trọng. " Tiếng còi tiến bộ " reo vang lên " oa...oa....oa..." như gào thét cho những kẻ tò mò đứng chật bên đường phải vội vàng chạy tránh ra hai bên lề. Xe chuyển bánh rồi vụt chạy ầm ầm.

Ông Tú " gặp hội Long vân " ngồi trên mui cao, bị lắc qua lắc lại, vẫn còn nghiêng mình xuống đường cái, cười nói thật to để từ giã đám đông :

- Bà con ở lại mạnh giỏi nghe !

Xe đã vụt chạy xa, người ta còn trông thấy tay ông ngoắc ngoắc...

Xe đã biến trong một vùng khói bụi mù cuộn lên như một trận cuồng phong.

Vào gần đến Bồng Sơn thì xe hỏng máy. Phải ngưng để xốp phơ sửa chữa ba tiếng đồng hồ mới chạy được. Sông Bồng Sơn rộng lớn, chưa có cầu, phải qua " phà ". Tất cả hành khách đều xuống, đi một chuyến phà sang trước chờ đơị bên kia song. Chiếc xe cam nhông được chở trong một chiếc phà riêng, đi sau. Nhưng qua bên kia, xe bò chậm chậm lên bờ, chạy được gần 100 thước rồi lại chết máy.

Sốp phơ chui xuống dưới gầm xe, nằm ngửa mặt lên tay cầm các thứ dụng cụ để sửa máy, trong lúc trên 30 hành khách nhẫn nại ngồi chờ hai bên đường, ÔNG Tú ( hay ông Cử gì đấy ) vừa học lỏm được của sốp phơ vài ba danh từ và vài tiếng Pháp mới lạ, liền cao hứng làm một bài thơ nữa để ngâm lên cho bà con nghe chơi. Tuấn em nhớ hết bài thơ như sau đây :

Máy móc văn minh thật khó bì
Hư đâu sửa đó chẳng hề chi
Tắt bình chứa điện, xe ngưng chạy
Nghẹt ống bơm xăng khói hết xì
Kỹ nghệ khéo bày môn tuyệt xảo
Ô tô nào phải vật vô tri
Ni-hoen( manivelle) quay tính kêu như sấm,
Bốn bánh bon bon vụt tốc kỳ.

Ông Tú nhà nho hãnh diện vuốt râu, nhai trầu, đội mũ trắng ngồi trên lề đường, ngâm nga và giảng 8 câu thơ tuyệt bút của ông. Hành khách và thiên hạ chung quanh xúm lại nghe, đều gật đầu, tấm tắc khen ngợi... Tuấn-em nghe cũng mê...


Lúc bấy giờ, không biết là mấy giờ, nhưng đã khuya lắm, chiếc xe ì ạch, nặng nề, leo lên một cái đèo cao, quanhco trên một sườn núi. Hai ngọn đèn pha chiếu hai vệt ánh sáng vàng khè trên mặt đường. Bỗng mấy người ngồi băng ghế đầu, trông thấy hai con mắt sáng ngời đăm đăm nhìn chiếc xe. Người sốp phơ run cầm cập, quay laị nói với hành khách :

- Có "ông " ngồi ở đàng trước kia kìa ! Bà con cô bác coi chừng. Ðừng thò đầu, thò tay, ra ngoài nghe !

Ðồng thời mấy người ngồi trên mui cũng la lên thật to :

- Cọp ! Cọp ! Ê bà con coi chừng ! Có con cọp to lắm đang ngồi nhóc mỏ bên lề đường kìa.

Tất cả đều nhôn nhao, sợ hãi. Tuấn-em nghĩ thầm :" Mình ngồi kẹt ở giữa, không sợ. Nếu cọp có chụp thì chụp cái ông Ba Tàu ngồi ngoài, sát cửa xe.

Chỉ có một con cọp ngồi ngoài đường mà 30 người ngồi trong xe đều hết hồn hết vía.

Tuấn-em tuy ngồi kẹt trong một vị trí tương đối yên ổn hơn, nhưng vẫn hồi hộp run sợ, vì biết đâu !... Lần này là lần đi xe hơi đầu tiên, lại đi xa, và ban đêm gặp cọp trên đèo, thì làm sao biết trước được sẽ xẩy ra chuyện gì ?

Anh sốp phơ chắc đã chạy quen trên đường quan lộ, sao anh cũng sợ quýnh lên thế ! Xem chừng ảnh mất cả bình tỉnh rồi và hai tay anh run run nắm cái tay lái coi bộ không vững. Anh lâm râm khấn vái :" Lạy ông, ông đi chỗ khác để cho xe tôi chạy, ông ơi ".

Con cọp cứ ngồi miết một chỗ. Hai con mắt sáng quắc và đỏ lòm, cứ nhìn chòng chọc lên chiếc xe đang rồ máy ầm ầm. Mấy ông ngồi phía sau thúc dục anh sốp phơ :

- Cứ chạy chứ sợ gì, chú ? Bóp kèn cho vang lên, rồi " phóng nước đại ", ổng không dám làm gì đâu.

Anh sốp phơ nói :

- Bữa trước, đã có một chuyến xe lên đèo ban đêm cũng gặp ổng rồi, ổng rượt theo xe, vồ một thằng "ét" ngôì phía sau.

Mấy ngươì ngồi sau, nghe nói hoảng hốt, ngồi ép dồn vào trong hết. Moị người la lên :

- Sao xe không có cửa sau đóng lại vậy nè ?

- Có cửa, mà bị cọp vồ chuyến trước, thành nó sút ra đành phải bỏ laị Qui-nhơn để sửa, chuyến naỳ vô mới lắp lại được.

Trong xe bàn tán xôn xao, nhưng không ai dám lớn tiếng, vì ai nấy đều lo sợ cọp nhảy tới. Chiếc xe vẫn cứ rồ máy và rung động, hình như chính nó cũng sợ run lên. Có người bảo sốp phơ :

- Chú cứ đạp mạnh ga cho xe vọt mau lên, không được sao ?

- Ðược làm sao được ? Ðèo thì cao, xe vừa sửa máy phải chạy chậm, chứ chạy mau lở hư máy nữa thì chết. Nếu xuống dốc thì còn nói gì.

- Thế thì làm thế nào ? Không lẽ đứng mãi đây à ?

Sau cùng sốp phơ bảo :

- Tôi cho xe chạy nghe ! Bà con la hét rùm lên thật to nghe ! Lạy trời, ổng sợ không dám rượt theo thì mình thoát nạn.

- Ừ, cứ chạy đi. Tuị tui la làng xóm lên, không sao đâu.

Anh sốp phơ sang số xe, cho xe từ từ tiến tơí, rối cố vọt lên đèo. Toàn thể hành khách la hét um sùm, lẫn lộn đủ các tiếng :" Ối làng xóm ơi ! Hù, hù, hù, hù, hù. Cọp, cọp, cọp. Ối làng xóm ơi, Cọp ! Cọp ! "

Xe gần đến cọp, cọp cứ ngồi yên không nhúc nhích, nhưng cặp mắt cọp sáng ngời cứ đăm đăm nhìn theo xe...Xe càng đến gần cọp, tiếng kêu la hò hét càng to lên, càng ồn ào náo nhiệt. Bổng cọp " gầm " lên một tiếng vang dậy cả núi rừng khiến cho tất cả mọi người đều khiếp đảm, im lặng hết. Chỉ còn tiếng xe kêu rầm rầm, khói xịt ra mù mịt đen ngòm và tiếng còi xe kêu điếc óc điếc tai.

Xe chạy ngay đến chỗ cọp, cọp nhổm dậy toan vồ xe, bổng từ trên mui xe hai cái thùng rớt mạnh xuống kêu " Phèng ! phèng ! choảng choảng " ngay trước mũi cọp rồi lăn ra đường cái. Cọp hiảng hốt chạy vọt vào rừng, hành khách chưa kịp hiểu tiếng gì cũng hoảng hốt ôm chầm lấy nhau, dồn ép nhau thành một đống. Xe cứ bò từ từ lên đèo, rầm rầm rộ rộ, còi xe cứ bóp oa, oa, oa ! Vài ba bà hành khách chưa hoàn hồn còn há to mồm la hét :

- Ối làng xóm ơi. Ối làng xóm ơi !

- Cọp, Cọp, cọp !

Lên đèo khoảng 100 thước, xe bắt đầu xuống dốc, chạy êm ru không còn tiếng ồn ào xáo động nữa.
Chạy một khoảng xa, đến đồng bằng, vừa thấy vài chục nóc nhà và các lều tranh ở hai bên lề đường, đèn đuốc, sáng trưng, người ta đông đúc, vui vẻ. Một trại của " cu-li lục-lộ "ở chung vơí xóm làng dân địa phương. Xe ngừng lại, để nghỉ. Ðến đây, toàn thể hành khách xuống xe, mơí bu lại ba ông trên mui cũng vừa leo xuống, kể lại câu chuyện thùng thiết. Ðấy là hai thùng thiết đựng đường cát của ông Tú đem vào Qui-nhơn để bán. Trong lúc xe ngừng trên đèo và hành khách bàn tán những biện pháp lo đối phó với cọp, ộng Tú lặng lẽ cùng hai bạn đồng hành đổ hết đường ra một tấm vải bố lớn của chủ xe ddùng để che đậy hang hóa. Ông nhất định hy sinh hai thùng htiếc ấy để đánh một đòn " chiến tranh cân não " lên đầu cổ "ông cọp " và ông tin chắc chắn sẽ thắng lợi.

Ông Tú nghĩ đúng. Cọp sợ hoảng vụt chạy vào rừng, chính vì bị cái vố hai thùng thiếc bất ngờ ấy rơi ngay trước mũi ông với một tiếng phèng la kinh khủng, chứ đâu phải vì những tiếng kêu :" ối làng xóm ơi ! Hù. Hù ! " "Cọp ! Cọp ", và tiếng còi oa, oa... của chiếc xe ho lao không đủ sức bò lênm đèo !

Câu chuyện gặp cọp trên đèo thành ra một đề tài vô cùng hào hứng cho các anh " cu li lục lộ " và đàn ông đàn bà trong xóm hai bên đường cùng xúm lại bàn tán, vui cười rất là náo nhiêt.

Tuấn chen vào các đám đông góp câu chuyện bi-hài kích thích thú vị ấy.

Nhưng một lúc, Tuấn không thấy ông Tú đâu. Ði ngang qua các căn nhà mở cửa, Tuấn muốn tìm ông Tú. Ông đang ngồi trong một căn nhà chong đèn dầu hỏa. Chung quanh ông có sáu, bẩy người, nét mặt vui cười nghe ông ngâm thơ. Tuấn bước vào. Ông Tú vẫn đội mãi chiếc mũ trắng trên đầu ( tóc cúp carré ), tay vẫn cầm cây dù đen, miệng vẫn nhai trầu mỏm-mẻm, nói rất có duyên. Ông đang ngâm và giảng bài thơ ông vừa làm ra như sau đây, cho bà con cô bác nghe chơi :

ÐI XE GẶP CỌP

Một chiếc xe xanh, một cọp vàng
Nhìn nhau bốn mắt sáng choang choang
Cọp gầm vang động, ôi hồn vía !
Xe hoảng kêu lên, ối xóm làng !
Máy bết, người run, vô diệu kế
Ðèo cao, đêm vắng, thậm nguy-nan !
Kìa đôi thùng thiếc ai quăng đấy !
Cọp nhảy co giò, tưởng sét vang.

Tuấn ngồi nghe, và thuộc lòng mấy bài thơ của ông Tú làm dọc đường, để kỷ niệm cuộc viễn hành đầu tiên của Tuấn giữa buổi giao thơì của Lịch sử, nửa tân nửa cựu.

Ðường cái quan người Pháp goị là "đường thuộc địa số một " ( Route Coloniale N. 1 ) qua các vùng hiểm trở của miền Trung, nhất là từ Bình Ðịnh vào Bình Thuận, đã có tiếng rất là nhiều cọp. Xe hơi đi ban đêm thường gặp cọp luôn, và bởi cọp thời bấy giờ chưa từng thấy xe hơi nên ưa ra ngồi bên lề đường để rình chụp, và hăm he khiêu khích. Cọp ngày nay đã văn minh rồi, nên trông thấy xe hơi thì mau mau lẫn tránh vô rừng.

Dọc đường, thỉnh thoảng có một vài cái " Miểu cô hồn " hoặc " Am bà Thánh Mẫu – không ai biết bà Thánh Mẫu nào ? -- Ở các khúc đường quẹo nguy hiểm.

Nhiều khi ở dưới chân đèo, giữa rừng núi âm u. Ðến gần đấy, xe hơi nào cũng đậu lại. Sốp phơ đốt giấy vàng bạc và đèn hương cúng lại vị Thần linh. Các anh sốp phơ đã truyền miệng cho nhau rằng phai cúng lạy nơi các am ấy để các " ngài " phù hộ cho xe tránh khỏi tai nạn dọc đường, như xe rớt xuống hố, xe hư giữa đèo, hành khách bị cọp chụp v.v...

Hình như ( theo lời họ nói ) đã có những chiếc xe hơi qua đấy không chịu cúng kiến à dâng hoa quả, lên đèo bị tai nạn luôn.

Văn minh khoa học và mê tín dị đoan vẫn dung hòa với nhau trong các chuyến xe vận tải và xe đò dọc theo quan lộ...


Trước cặp mắt tò mò và ngơ ngác của Tuấn, thiếu niên 14 tuổi của nước Việt năm 1924, thành phố mà cậu đến lần đầu tiên để tiếp tục việc học, cách xa tỉnh nhà trên 150 cây số, thật là hoàn toàn mới lạ.

Mới lạ, vì đây là một thành phố rộng lớn, ở ngay trên bãi biển. Mới lạ, vì ở đây nhà cửa cao đẹp, đường phố rộng rãi, người qua lại đông đúc, xe hơi chạy rần rần " văn minh tiến bộ " hơn ở tỉnh cũa cậu nhiều. Mới lạ, vì ở đây cậu thấy đủ các hạng Tây Ðầm : Tây quan, Tây nhà buôn, Tây " cò ", Tây " cố đạo ", Tây " giáo sư ", có đến ba bốn chục ông, chớ không như ở tỉnh nhỏ của cậu chỉ có bốn năm ông quan Tây và vài ba bà Ðầm mà thôi.

Dĩ nhiên, Tuấn còn là cậu học trò con nít, vẫn còn " sợ " các ông Tây, cũng như hầu hết học trò lúc bấy giờ. Cho đến đỗi, trong năm đầu, học Ðệ-Nhất niên, thường gặp các ông Tây"cố đạo " ( danh từ thông dụng thời bấy giờ, để gọi các vị linh mục Gia Tô Giáo ), Tuấn cũng không dám đến gần.

Có thể nói rằng hầu hết thiếu niên Việt-Nam thế hệ 1924-25, cùng lứa với Tuấn đều có mặc cảm rằng người " Tây " khác hẳn người " Ta " về mọi phương diện. Tuy đang học chữ Tây, nói tiếng tây đã khá thạo, viết chữ tây đã hơi thông, các cậu học trò thời buổi ấy vẫn coi Tây là một giống người xa lạ, mà các cậu còn e ngại, ngờ vực, chưa khứng làm quen.

Tuấn lại nhận thấy rằng người Tây ở một khu riêng biệt, nhà cửa cao ráo, sang trọng, có vườn hoa đẹp, có xe hơi, có xẩm giữ con, có bồi, có bếp, có chó " berger". Ði ngoài đường ngó vào thấy có vẻ oai nghiêm lạ. Cả thành phố lớn như thế, Tuấn không thấy được một nhà An-nam nào sang trọng như nhà Tây.

Kể ra người Pháp sang xâm chiếm và cai trị xứ ta đã gần 40 năm rồi mà sự cách biệt giữa Tây và Ta vẫn còn xa lắc xa lơ : cách biệt trong đơì sống hang ngày, cách biệt trong các công cuộc hoạt động hành chánh, xã hội, kinh tế, thương mãi. Cách biệt cả trong phạm vi giáo dục nữa.

Tuấn để ý thấy rằng trường Tây để cho con Tây học riêng, và xây cất đẹp hơn, một tòa nhà đồ sộ, kiến trúc nguy nga, giữa một khu vườn rộng, có bồn cỏ, khóm hoa, ngay trên bãi biển. Trường An-Nam thì sơ sài, thấp lè tè, xây trên một động cát khô khan gần chưn núi. Không những thế, ở trường An-nam -- một truờng duy nhất học đến cấp bậc Cao Ðẳng Tiểu Học ( Enseignement Primaire Supérieur ) – có 5 giáo sư An-nam tốt nghiệp trường Cao đẳng Hà Nội và 5 giáo sư Pháp tốt nghiệp tương đương, bằng Brevet Supérieur ở Pháp, mà sự giao thiệp Pháp-Việt hang ngày vẫn lơ là gượng gạo. Giáo sư Pháp ít nói chuyện và ít giao du thân mật với giáo sư Nam, trừ một đôi trường hợp hiếm hoi. Quen tính tò mò, Tuấn hay để ý thấy trong các giờ chơi, thỉnh thoảng hai ba giáo sư Pháp đứng nói chuyện vơí một vài giáo sư Nam độ 5, 10 phút, rồi Pháp lại cặp kè với Pháp, An-nam bị bỏ rơi đi thơ thẩn trên hành lang, mỗi người một ngã không ai để ý đến.

Tuy nhiên, nói như thế không phải là qủa quyết rằng giáo sư Pháp kiêu căng, phách lối. Trái lại hầu hết giáo sư Pháp đều rất thương mến học trò, và rất vui vẻ với học trò hơn các giáo sư An-nam nữa !

Trừ một giáo sư Toán đáng ghét, còn bốn ông khác đều gây được lòng cảm mến của toàn thể học sinh, Nhất là giáo sư Sử-Ký, mỗi khi ông giảng sử Pháp là học trò nghe mê. Ông là người có chân trong hội Nhân quyền và Dân quyền ở Paris, cho nên trong lúc giảng bài ông luôn luôn công kích kịch liệt chế độ quân chủ thời Louis XVIvà không ngần ngại tuyên truyền cho đám thiếu niên học sinh An Nam những tư tưởng của Cách mạng Pháp 1789 Tự Do, Bình Ðẳng, Bác Ái.

Ông đả kích bọn cầm quyền độc tài, áp chế, ông hô hào tự do, dân chủ, đề cao các nhà Cách mạng Pháp như Jean Jaurès, ông đề cao cả cụ Phan Chu Trinh, mà học trò ngơ ngác chưa biết là ai. Cứ đến giờ Sử ký Pháp, ông giáo Mariani vào lớp là y như thể sắm có cuộc diễn thuyết cổ động chống " chính sách thuộc địa ". Ông lật sách ra, giảng sơ sơ năm mười giòng rồi bỏ sách xuống, nói huyên thuyên, la ầm ĩ, hét thật to, đập bàn, đập ghế, đứng dậy, xăn tay áo, phùng mang, trợn mắt, mặt đỏ như quả gấc, ông nói, ông nói..." Dân là Vua ! Dân là Chúa Trời ! Vâng, đúng thế ! Dân là tất cả ! Dân là Chúa Tể trong nước ! Kẻ nào đè nén Dân, bóc lột Dân, hãy coi chừng !...v.v...

Tuấn ngôì há miệng nghe,như uống ngon lành, say sưa những lời nói aò-ạt, ngào-ngạt, của vị giáo sư Sử ký Pháp. Ðến khi hết giờ giáo sư còn nói...nói " cách mạng là cuộc vùng dậy, cuộc quật khởi của những kẻ yếu, chống lại kẻ bạo tàn. Và luôn luôn kẻ yếu sẽ thắng ! Công lý sẽ thắng ! Tự Do sẽ thắng ! Cường quyền và áp chế sẽ sụp đổ như những tượng ác thần luôn luôn bị ngã gục, đổ nát tan tành dưới lưỡi búa tầm sét của Liịch sử !..." Xong ông đứng dậy ôm cặp đi ra...Tuấn muốn chạy theo ôm lấy chân ông, muốn hôn bàn tay ông, muốn níu ông trở lại, thì vừa ông Gabriel giáo sư Toán bước vào.

Ông này có nụ cười láu cá, đôi mắt ranh mãnh, nét mặt độc ác, trái hẳn với ông Mariani. Ông giảng toán một lúc rồi gọi Tuấn lên bảng :

- Mầy hãy vẽ một hình tam giác hai cạnh đều nhau.

Tuấn cầm phấn vẽ hình tam giác hai cạnh đều nhau. Ông Gabriel mặt đỏ bừng hỏi Tuấn :

- Xong chưa ?

- Thưa ông, xong rồi.

- Ði xuống, zéro !

Ông cho Tuấn trong sổ điểm một con số không tròn vo thật đậm. Tuấn không hiểu sao cả. Ông goị người học trò khác lên bảng. Anh này giỏi toán nhất lớp, và được ông Gabriel cưng nhất. Ông hỏi :

- Thằng Tuấn nó vẻ hình tam giác đấy có đúng không ?

- Dạ, thưa không.

- Thiếu cái gì ?

Trò kia cầm phấn đề 3 chữ A, B, C nơi ba góc. Ông Gabriel gật đầu :

- Giỏi ! Ði xuống.

Ông cho trò ấy 19 điểm. Tuấn ngồi làm thinh. Ông Gabriel nhìn nó và mắng nó :

- Mầy là thằng ngốc ! Thằng ngu ! Crétin, va !

giavui
06-25-2014, 05:16 PM
Tuấn đứng dậy :

- Thưa ông gíáo sư...

- Im cái mồm và ngồi xuống ! Ðồ mọi rợ ! Cả giòng giống An-nam của mầy là đồ mọi rợ. Giòng giống An-nam bẩn thỉu ( sale race annamite ).

Cả lớp ngồi gục đầu, cắn răng, làm thinh, Tuấn cũng làm thinh. Bốn chục chàng htiếu niên âm thầm nuốt hận.

Lớp học lại tiếp tục trong bầu không khí nặng nề. Có lần cũng trong lớp học, ông Gabriel chửi Ðề Thám là" tướng cướp ", chửi vua Duy Tân là " thằng nhải con " và có lần ông lấy một bài của Phạm Quỳnh đăng trong baó France Indochine ở Hà nội, đọc cho học trò nghe, và khen tặng Phạm Quỳnh một câu :" Ðấy là một người An nam thông minh " ( voilà un Annamite intelligent ).

Các ông giáo sư "An Nam " có lẽ không thông minh chăng, vì học trò mét lại cho các ông nghe những lời của giáo sư Pháp kia chửi rủa giòng giống An Nam như thế, mà các ông Giáo Sư An Nam vẫn điềm nhiên. Có ông lại còn cười, cho là những lời nói đùa. Một ông giáo sư Luân Lý lại còn điểm một câu phê bình :" Người mạnh bạo bao giờ cũng có lý. Các cậu không nên phàn nàn ".

Tuấn chia giáo sư Pháp ra làm ba hạng :

1. Giáo sư Toán Gabriel, đáng ghét,
2. Giáo sư Sử Ký Pháp : Mariani, đáng kính phục.
3. Hai giáo sư Pháp văn và giáo sư Ðịa dư : đáng mến.

Tuấn cũng chia giáo sư An nam làm 4 hạng :

1. Ông Tr. Giáo sư Lý-Hóa : đáng sợ (ông này nghiêm quá)
2. Ông Th. Giáo sư Luân-Lý : đáng ghét ( vừa làm phách, vừa dạy dở, lại hay gắt gỏng và ưa nịnh Tây )
3. Ông V. Giáo sư Quốc-Văn : đáng ghét ( vừa làm tang, vừa kém Việt văn, cũng nịnh Tây đôi chút )
4. Ông B. Giáo sư Sử-Ký An-nam : đáng mến, dạy giỏi.
5. Ông D. giáo sư vẽ và viết tập : đáng mến và hiền lành.

Dần dần, quen với giáo sư Pháp, Tuấn thích lân la nói chuyện với họ và bắt đầu có những ngạc nhiên mới lạ. Như thấy có 3 ông trong số 5 ông, sáng chủ nhật không đi nhà thờ, đêm Noel không đi lễ, Tuấn đánh bạo hỏi. Ông Mariani cũng như hai ông giáo sư Pháp văn bảo :" Tôi không tin có Chúa ". Trái lại ông Gabriel là một tín đồ nồng nhiệt, ông giáo sư địa dư cũng là một con chiên trung thành, sáng chủ nhật nào cũng gặo ông đi nhà thờ rất sớm, Tuấn liền có ý nghĩ :

"À, thế ra không phải tất cả người Pháp đều theo đạo Gia-tô ".

Sau nàycó ông Martin và cô vợ trẻ đẹp của ông là con gái ông Ðốc học, cả hai đều là giáo sư Pháp văn và Văn phạm, cũng không khi nào đi nhà thờ. Hơn nữa, ông M. thường công kích đạo Gia-tô kịch liệt, Ông công kích cả đạo Phật cho là tất cả các tôn giáo đều là mê tín. Còn giáo sư An Nam thì không ai theo đạo Gia-tô cũng không ai theo đạo Phật : các ông theo đạo...cờ bạc. Ðêm nào các ông cũng đánh tứ-sắc, hoặc xổ tam-hường. Tuấn biết hết các nơi hội họp đổ bác của các ông, chỉ trừ ông giáo sư Sử ký An – nam, người Bắc, góa vợ, ông này có một đời sống thanh bần giản dị, có hơi " phi-lô-dốp " một chút.

Tuấn ở trọ một thầy Thông Kho Bạc, người Hoàng phái, họ Bửu. Một đêm thứ bảy, có bốn thầy tụ họp trên gác nhà thầy Bửu Vinh để đánh tổ tôm. Tuấn ngồi ngoài hè, chăm chú ngó con thằn-lằn bò trên mặt kiến đèn "carbure" dựng bên lề đường. Bóng nó nằm dài thườn thượt xuốnf đường cái như bóng ma, lúc biến lúc hiện, lẫn với bóng lá bóng cây run run trong gío lạnh.

Bổng có một thầy cùng sở với thầy Bưủ Vinh tên là H. đi xe máy đến. Thầy xuống xe, móc trong túi lấy ra một tờ giấy in gấp lại dầy mo, nhét vào tay Tuấn và khẻ bảo :

- Ði vào nhà, đọc đi, đừng cho ai thấy. Ðọc lẹ, rồi 10 giờ tôi lấy lại.

Nói xong, thầy dắt xe máy vào nhà thầy Bửu Vinh, d0óng cửa lại, rồi trèo thang lên gác, nhập vào sòng bài tổ tôm. Còn một mình Tuấn ở nhà dưới. Tuấn hết sức ngạc nhiên, mở xấp giấy in ra thấy ba chữ to tướng in màu đỏ : " Việt Nam Hồn ".

Lần đầu tiên, cậu thiếu niên Trần Tuấn, cầm trong tay một tờ báo. Cậu ngó kỹ thấy trên đầu trang dưới giòng chữ :" Việt Nam Hồn ", một câu cũng in màu đỏ đại khái như sau đây :" Cơ quan tranh đấu cho nền Ðộc Lập của nước Việt Nam ", dưới có giòng in đen :" Trụ sở Trung Ương ở Marseille, Pháp quốc ".

Tuấn vừa sợ vừa mừng run lên, Cậu lên giường nằm trùm chiếc chiếu, để ló đầu ra và đặt cái đèn dầu lửa gần đầu giường. Cậu xem tờ báo, say mê, như muốn nuốt vào bụng những cột báo đầy rẫy những chữ hô hào Ái quốc, cổ động cách mạng chống Pháp, tranh đấu giành Ðộc Lập, Tự Do.

Những bài thơ in trong báo"Việt Nam Hồn " mà Tuấn còn nhớ sau đây :

Hăm lăm triệu đồng bào nổi dậy
Ðuổi quân thù ra khỏi giang sơn
Chớ sao ngậm oán nuốt hờn
Ðể mang tủi nhục cho Hồn Việt Nam
Bẻ xiềng xích, phá vòng nô lệ
Ðem máu đào rửa hận Non Sông
Hỡi đàn con cháu Lạc Hồng

Chớ mê giấc ngủ còn hòng việc chi !

Bài thơ còn dài lắm...Tuấn nhắm mắt đọc ôn lại hai ba lần cho nhớ từng chữ, từng câu, chớ không dám chép ra giấy, để còn những bài khác, những trang khác, tất cả bốn trang giấy lớn in đầy những lời xúi dục khởi nghĩa, thức tỉnh đồng bào.

" Việt Nam Hồn " là tờ báo bí mật đầu tiên lọt vào tay chàng thiếu niên nước An Nam năm 1924, tuy lúc bấy giờ Tuấn mới 14 tuổi. Tuấn hết sức ngạc nhiên, sau khi đọc hết tờ báo, coi lại thật kỷ nơi trang đầu, thấy có chua một giòng chữ đen mà Tuấn không hiểu :" Chủ nhiệm : Nguyễn thế Truyền ".

Tuấn cứ thắc mắc :" Chủ nhiệm là gì ? Một danh từ mơí lạ mà Tuấn không biết rõ nghĩa, và sau đó hỏi một ông giáo sư Quốc-văn, ông giảng giải :" Chủ nhiệm là một ông chịu trách nhiệm " Còn Nguyễn thế Truyền là ai ? Cậu học sinh 14 tuổi tưởng tượng ông là nhân vật ghê gớm lắm. 10 giờ 30, thầy H., từ trên lầu xuống, đến gầnm Tuấn. Tuấn để ý thấy thái độ thầy H. cũng bí mật lạ lùng. Thầy hỏi rất khẻ :" cậu đọc rồi chưa ? " Tuấn cũng trả lời rất khẻ :

- Dạ rồi... Thầy ơi, tờ báo này ở đâu vậy, thầy ?

- Có ngươì ở bên Tây đem về. Bí mật đấy nhé.Tôi thấy cậu Tuấn có "đầu óc ", tôi mơí cho mượn xem. Xem xong, đừng nói cho ai biết. Nói tùm lum sẽ bị bắt bỏ tù, hay là bị chết chem đấy.

- Dạ, tôi không nói gì đâu.

- Giữ bí mật, rồi tôi sẽ cho mượn tờ khác để coi.

- Dạ...nhưng thầy à, ai gởi Báo cho thầy vậy ? Sao họ đem lén đem về được, thầy ?

- Có anh bồi tầu, cứ mỗi chuyến tâù ở bên Tây về thì ảnh đem báo này về cho tụi mình. Cậu Tuấn nhớ là đừng để lộ bí mật, nghe ? Người nào đáng tin cậy, cậu hãy nói chuyện m và đọc vài câu thơ trong này cho họ nghe. Cậu chỉ nói là cậu nghe lỏm đâu đó, chứ đừng nói là câụ có thấy tờ báo : Việt Nam Hồn ". Nghe không ?

- Dạ.

- Cậu có thích đọc tờ này không ?

- Dạ, thích lắm. Tôi đọc say mê, thầy ơi ! Hay qúa thầy ơi ! Ồ, nếu Tây họ biết được, chắc họ bỏ tù tuị mình

- Ừ, vì thế nên tôi dặn cậu là phải kín mồm kín miệng.

- Thầy có đưa cho thầy Vinh đọc không ?

- Có, thầy Vinh cũng thích lắm. Chính thầy hiểu cậu, biết cậu là học trò có "đầu óc ", nên thầy dặn tôi đưa cho cậu xem.

- Cảm ơn thầy lắm. Hễ chừng nào có " Việt Nam Hồn " thì thầy nhớ cho tôi mượn coi với nhé. Chu cha ! coi sướng quá thầy ơi ! Thơ hay qúa thầy ơi ! Họ chửi Tây, mình đọc thấy lạnh xương sống. Sướng mê !

Thầy Hồ tủm tỉm cười, gấp tờ báo " Việt Nam Hồn " làm bốn, rôì đút trong lưng quần, giấu kín sát bụng, dưới hai lớp áo cụt và áo đen. Thầy ra về.

Tuấn tắt đèn, nằm đọc thầm lại bài thơ lúc nãy :

Hăm lăm triệu đồng bào ! Nổi dậy !
Ðuổi quân thù a khỏi giang sơn
Chớ sao ngậm oán nuốt hờn
Ðể mang tủi nhục cho hồn Việt Nam ?

Ðây là đêm thứ Bảy. Cả ngày Chủ nhật Tuấn cứ đọc thầm bài thơ trên 70 câu. Tội nghiệp Tuấn-em ! Mới 14 tuổi, chưa hiểu quốc sự là gì cả, lần đầu tiên được xem lén một tờ báo " ghê gớm " in từ bên Tây, gởi lén về An Nam, làm xáo trộn cả tâm hồn còn ngây thơ của cậu. Cậu bổng nhớ lại nét mặt nhăn nhó và những lời quyền rủa của ông giáo sư Toán, Gabriel, mà Tuấn thường gọi với các bạn là " Người Mặt Khỉ "

Tại sao ổng dám chửi mình là " nòi giống dã man " " Sale race Annmite " ?

Trong đêm tối, nằm đắp chiếc chiếu ( vì không có tiền mua mùng và mền ), Tuấn âm thầm tức giận ông Tây Gabriel, rồi cảm xúc vì bài thơ trong " Việt Nam Hồn ", bổng dưng Tuấn khóc...Nhưng Tuấn khóc thút thít, không dám khóc to...

Cô Vinh, vợ thầy Bửu Vinh, từ nhà trên cầm cây đèn đi ra sau bếp, chợt đi ngang qua chỗ Tuấn nằm, nghe Tuấn khóc. Cô cười, hỏi với giọng Huế :

- Cậu Tuấn dợ dà hỉ ( nhớ nhà, nói theo giọng Huế ) ?

Tuấn nằm im thin thít giả vờ ngủ, không dám lên tiếng.

Sáng thứ Hai, Tuấn đi học, tìm ngay một ngươì bạn cùng tỉnh mà cậu thân nhất, kéo ra phía sau trường nói thầm :

-Quỳnh ơi, mầy có thấy tờ báo " Việt Nam Hồn " không ?

-Tờ gì ?

- Việt Nam Hồn.

- Ở đâu ?

- Tao có đọc lén được một tờ, mầy ơi. Có bài thơ hay lắm, tao đọc cho nghe...

Thế là Tuấn đọc hết cả bai thơ " Hăm lăm triệu đồng bào, nổi dậy "...

Trò Quỳnh kéo trò Tuấn ngôì xuống cát, dựa lưng vào vách tường, bảo Tuấn đọc lại một lần nữa. Rồi Quỳnh căn dặn Tuấn làm sao hỏi mượn tờ " Việt Nam Hồn " cho Quỳnh xem.

Từ hôm ấy, trong trưòng Cao đẳng Tiểu Học Qui-nhơn lớp Ðệ Nhất Niên ( 1ère Année ) tương đương với lớp Ðệ Thất bây giờ, có một nhóm học sinh năm đứa, cứ trao lén cho nhau xem tờ Việt Nam Hồn đã rách nhèo nát hết và dán lại từng mảnh.

Mỗi khi cho mượn, hoặc trao trả lại, các trò gấp làm tư, dúi trong lưng quần, giấu sát bụng, dưới hai lớp áo cụt và áo dài đen. Lúc bấy giờ học trò chưa dám mặc "đồ Tây ", tất cả đều mặc aó dài ta, đội mũ, mang quốc.

Phải nói rõ rằng, nhóm học sinh âý chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện " cách mạng " hay là " làm hội kín đánh Tây ". Nhưng cái mầm ái quốc đã bắt đầu nẩy nở dụt dè và kín đáo trong tâm hồn ngây thơ của tuổi trẻ. Và không riên gì ở trường Qui-nhơn, mà khắp các trường Cao đẳng Tiểu học trong nước như trường Quốc học và Ðồng Khánh ở Huế, trường Trung học Bưỏi, và Cao đẳng Ðại học ở Hà Nội, các trường " college " khác ở Hải Phòng, Nam Ðịnh, Vinh, Saigon, Mỹ Tho, CầnThơ, v.v...Ấy là do ảnh hưởng đầu tiên của những tờ báo bí mật từ bên Tây gởi lén về do đường tàu thủy trong đó có hai tờ được phổ biến lén lút sâu rộng hơn cả là Việt Nam Hồn bằng Việt ngữ xuất bản ở Marseille, và tờ Le Paria bằng Pháp ngữ xuất bản ở Paris.

( Le Paria, tiếng Pháp gốc tiếng Ấn Ðộ, là kẻ thuộc về giai cấp bần cùng, không có quyền gì cả, bị coi như là lớp người ti tiện, và bị kẻ giàu mạnh chà đạp, khinh khi, hất hủi )

Ðó là tờ báo cách mạng đầu tiên mà Tuấn và nhiều thiếu niên khác cùng thế hệ đã được đọc lén lút từ năm 1924.

Cùng một lúc, một số sách báo, cũng bí mật từ bên Tây và bên Nhật được gởi lén về Việt-Nam, do tầu thủy, nhất là do chiếc tàu S/S Canton, chạy đường Saigon – Tourane (Ðà Nẳng ) -- Hải Phòng -- Hồng Kông. Trong số các sách báo ấy rất tiếc là chỉ một số rất ít viết bằng Việt-ngữ, còn đa số là bằng chữ Nho. Tuấn được thất bổn " Việt Nam vong quốc sử, Lưu cầu huyết lệ thư, Hải ngoại huyết thư ". Nhưng lúc bấy giờ Tuấn chỉ được đọc các bản chép lại bằng tay, không có tên tác giả. Mãi bốn năm năm sau, Tuấn đã ra Hà Nội tìm tòi học hỏi, mơí biết là những sách ấy của cụ Phan Bội Châu. Tuấn trao các sách1 " cấm "ấy cho Quỳnh và các trò khác cùng một chí hướng, nhưng ai cũng phải tự tay mình chép lại, để xem lén, rồi giấu kín dưới va li quần áo.

Một hôm, lần đầu tiên Tuấn đưa một bài thơ chép trong " Viêt Nam Hồn " trên một mảnh giấy, trao cho H.X.T., con một quan Tri phủ đang nhậm chức ở Bình Ðịnh, học cùng lớp vơí Tuấn. Trò T., ngươì Huế, xem xong hoảng hốt xé phăng ngay mảnh giấy. Hắn hỏi Tuấn :

- Mi lấy cái đồ bậy bạ ni ở mô rứa ?

Tuấn cười đáp :

- Tối hôm qua, tao đi bắt còng ( con còng giống như con cua, nhưng nhỏ hơn và chạy rất nhanh, có trên nhiều trên bờ biển, trốn giỏi lắm, nhất là ban đêm ) ngoài bờ biển, lượm được bài thơ đó trong môt cái hang còng, mầy ơi !

T. làm thầy khôn, dặn Tuấn :

- Sau, mầy đừng có lượm những cái giấy như ri, lỡ mà ông Directeur thấy được thì ông đánh mi chết.

- Tao đưa cho mầy coi chơi, chớ tao đâu dám coi.

Trò T. sợ quá, còn lấy tay moi một lỗ khá sâu trên bãi cát sau sân trường, để chon dấu bài thơ ghê gớm mà hắn đã xé vụn ra từng mảnh nhỏ.

Tuấn cười bảo :

- Mi dấu bài thơ nớ còn hơn con còng dấu trứng nó trong hang ! Mi coi chừng chớ tao sợ bài thơ nó sẽ nở ra thành một bầy còng chạy lung tung trong trường mình, thời mặc sức ông Ðìa-réc-tưa chạy theo bắt. Ha ! Ha!

Trò T. con trai cưng của quan Phủ Bồng Sơn không hiểu ý Tuấn, nhưng cũng cười hì hì.

Tưởng cần nhắc lại rằng, trong lúc nhiều phần tử trí thức Nho học, lẫn Tây học, ở Bắc, Trung, Nam vẫn tiếp tục hoạt đông bí mật, hô hào Nhân quyền, Dân quyền, cổ xuý Tự Do, Ðộc Lập, thì trái lại, một số thanh niên hầu như hoàn toàn lãnh đạm, chỉ ham mê học hành tranh đua trên con đường công danh sự nghiệp mà thôi. Tâm trạng ấy không phải là không có nguyên nhân. Một là vì chưa có điều kiện tổng quát để kích thích sự phát huy tư tưởng ái quốc, hai là chưa có một mãnh lực đủ uy tín để giác ngộ tinh thần quốc gia chủng tộc của lớp trẻ ấy. Vả lại phải nhìn nhận rằng thời bấy giờ người ta chưa chú trọng đến thanh thiếu niên cho lắm.

Các sách báo cách mạng từ Hải ngoại gởi về lén lút do các đường tầu thủy, chỉ được lưu hành trong các tầng lớp trung lưu trí thức, nhất là trong giáo giới và một số ít công tư chức có tư tưởng độc lập.

Một vài tờ báo lọt đến tay các bạn thanh niên, là một việc hi hữu và trong những trường hợp vô cùng dè dặt và thận trọng. Chưa có một phong trào chính trị, hoặc xã hội để kích động tuổi trẻ, tuổi trẻ bồng bột hăng hái, mà một việc tức giận nho nhỏ cũng có thể bung lên thành một việc to lớn.

Một vụ " xung đột " sôi nổi như sau đây, giữa học trò và một bọn " các chú " trong thành phố, có thể biểu hiệu tinh thần chủng tộc đang tiềm tang trong đám thiếu niên thời bấy giờ.

Sau một kỳ nghỉ Hè, học sinh tấp nập đến các tiệm " các chú " mua giấy bút, mực v.v... Hầu hết các tiệm buôn lớn có đủ dụng cụ học sinh, cũng như các tạp hóa khác, đều là của " khách trú ". Người An Nam ít vốn chỉ buôn bán nhỏ thôi. Vì thế, có vài tiệm " các chú " thường hách dịch với khách hang, và hay ăn hiếp học sinh. Một em bé lớp tiểu học, độ 10 tuổi, đến tiệm Diêu Ký mua hai cuốn vở 100 trang. Người các chú có lẽ đông khách nên vội vàng lấy trao cho em hai quyển vở 50 trang. Em khờ khạo không xem kỹ, nhưng về nhà cha mẹ thấy sự lầm lẫn liền bảo con đến tiệm đổi lại. Người " các chú " không đổi, lại còn la mắng cậu học trò. Ðứa con nít sợ về nhà sẽ bị cha mẹ đánh, nên nhất định đòi cho được vở 100 trang, vì quả thật nó đã trả tiền theo giá vở 100 trang. Người " các chú " mắng nó là "ăn gian " và đánh nó một bạt tai. Nó khóc thét lên. Vài cậu học trò lớn đứng chứng kiến sự cộc cằn hỗn láo của người Hoa-kiều, và lên tiếng bênh vực đứa nhỏ, liền bị tuị " các chú " chưỉ :" Người An lam ăn cắp à ! " Chỉ một câu nói vô ý thức kia đã gây lên sự công phẫn của mấy cậu học trò và được truyền miệng đi khắp hết các đám học sinh trong thành phố. Thế rôì, do một nhóm bốn người học trò lớn xúi dục 7 giờ tối đêm hôm ấy trên 500 học trò cầm đá và củi, kéo đến ném tung các món ấy vào trong tiệm Diêu Ký, làm bể hết các tủ hang và gây thương tích cho tất cả trên 10 người các chú và á xẩm trong tiệm. Tuấn-em cũng có dự vào cuộc " khích động " này. Năm giờ chiêù nó đang chơi bắt còng ngoài bãi biển, bổng có một đứa bạn đi xe đạp ngang qua, bảo nó :" Mấy thằng các chú ở tiệm Diêu Ký chửi An nam là dân ăn cắp, tối nay tụi mình cầm củi và đá đi đánh cho chết cha tụi nó, mầy đi không ? "

Tuấn đang chơi, tức giận chạy ngay về nhà trọ. Dọc đường, nó hốt hai ba chục hòn đá xám của sở Lục-lộ dùng để lót đường, bỏ đầy nhóc hai tuí áo cụt. Nó ra sau nhà bếp lấy ba thanh củi thật to, đem để sẵn dưới bàn học với đống đá của nó. Bà chủ nhà trọ thấy thái độ khả nghi của Tuấn, hỏi :" Trò Tuấn làm chi mà lấy củi và đá bỏ một đống rứa ? " Tuấn nói rõ cho cô chủ nghe, và tỏ vẻ tức giận mấy người khách trú lắm. Cô chủ la rầy Tuấn, nhưng chồng cô, thầy Thông Vinh Kho bạc, bảo :" Học trò, họ muốn đánh lộn với các chú thì mặc họ. Can cớ chi đến mình mà mình ngăn cản, hỉ ? ". Trong thâm tâm, thầy Vinh cũng tán thành cuộc đả kích kẻ ngoại kiều dám xấc xược với người An Nam, tuy thầy không phải học trò nên không tham gia.

Còn bọn học trò, thì chỉ truyền miệng với nhau, chứ sự thật không có trò nào dám ra mặt chỉ huy trận " chiến tranh đá " này và không ai nghĩ đến hậu quả. Chỉ lo trả thù câu chửi rũa hỗn láo của mấy người khách trú ở tiệm Diêu Ký thế thôi. Chỉ nghĩ đến việc ném đá và quăng củi vào tiệm, cho " chết cha tụi nó ", để hả cơn tức vì câu nói " người An lam ăn cắp ". Có thể gọi là sự bộc lộ " tinh thần dân tộc ", nhưng thật ra chỉ là sự bộc lộ cá tính bồng bột tự nhiên của tuổi trẻ, chứ chưa phải là một cuộc " biểu tình " có tổ chức, có kẻ chỉ huy, vì không có ai chỉ huy cả. Trò Tuấn, cũng như mấy trò khác, chạy đi đến các nhà trọ có bạn bè trú ngụ, kể chuyện mấy người khách trú đánh đứa học trò nhỏ lúc 12 giờ trưa, rồi rủ 7 giờ tối đi ném đá. Trong số 6oo học trò của nhà trường, có độ 100 trò không dám làm việc ấy, còn thì trò nào cũng tức tốc chạy đi kiếm đá, củi để đến 7 giờ tối đem quăng vào tiệm Diêu Ký cho hả cơn giận.

Chưa đến 7 giờ, Tuấn đã cầm ba thanh củi, và bỏ đầy đá xám trong hai túi áo cụt, đi tới tiệm Diêu Ký, ngay trước cổng chùa Quảng Ðông, và đã thấy có sáu bảy chục học trò tụ họp ngay đấy rồi. Một trò tự động đầu tiên ném vào tiệm hai, ba cục đá to bằng trái cà và hai thanh củi. Mấy trò khác bắt chước ném theo, đá và cuỉ tới tấp bay vào tiệm Diêu Ký như mưa, rôì tất cả bỏ chạy. Tuấn ném sau cùng trong lúc trong tiệm tụi " khách trú " chạy ùa ra rất đông, cầm củi và dao, quyết trả thù lại. Tuấn bỏ chạy trong lúc một bọn học trò trên vài chục đứa khác từ ngoài bờ song kéo vào tiếp tục xung kích vào mục phiêu "địch ". Bọn học trò càng đông, tụi đã chạy rồi còn quay trở lại nữa với các cục đá và các cây củi xin ở các nhà An nam kế cận. Cuộc loạn đã kéo dài cho đến 10 giờ. Ðến 11,12 giờ, tiệm đã đóng cửa mà thỉnh thoảng cũng còn những cục đá to tướng ném chan chát vào hai cánh cửa, và trên mái ngói.

Cảnh sát ở đâu ? Cả thành phố to lớn như thế chỉ có 6 người " lính phú lít ", toàn là người An nam. Họ thay phiên nhau ba người ở sở để hầu hạ ông " Cò " Pháp, và túc trực ở văn phòng. Còn 3 ngươì được nghỉ ở nhà đi uống rượu đánh bạc. Thành phố rất yên ổn, không cần có " phú lít ". Bị học trò đánh và đánh nhau với học trò, mấy ngươì " khách trú " không dám đi thưa " bót phú lít " vì ban đêm họ không dám đến phá rầy quan Tây. Mãi 8 gio82 sáng hôm sau, chủ tiệm Diêu Ký cùng cả gia đình khách trú trên 10 ngươì bị u đầu, lỗ trán, chảy máu mắt, sưng mặt, sưng mũi, gãy răng, rách áo, rách quần, kéo đến sở Cò. Họ còn khệ nệ bưng theo bốn chai rượu chat đỏ, một bịch thuốc Méllia và 20 hộp sữa Nestlé để " kỉnh quan lớn " nhờ quan lớn xử giùm, monmg "đèn trời soi sáng " cho họ được nhờ vì họ bị bọn " học trò nhà nước đánh phá tan hoang hết cửa tiệm.

Ông Cò nhận các đồ lễ, rồi điềm nhiên bảo họ cứ đi về buôn bán, ông sẽ xử cho.Tất cả đều cúi khòm lưng vái chào cảm ơn quan lớn. Ông Cò làm bản tường trình đem lên ông Sứ ( chính thức là quan Công Sứ ) ông Sứ chuyển giấy sang ông Ðốc học, cũng người Pháp.

Ông Ðốc cho gọi vài cậu học trò lớn lên phòng giấy, để hỏi về cụ đánh các chú đêm vừa qua. Các trò đồng thanh trả lời :

- Monsieur le Directeur, ces Chinois sont des voleurs. ( Thưa ông Ðốc, mấy người Hoa kiều ấy là bọn ăn cắp ). Ils volent les élèves ( chúng nó cướp tiền của học trò ).

Ông Ðốc cũng tường trình lên ông Sứ :

- Monsieur le Résident, les Chinois sont des voleurs, Ils volent mes élèves.( Thưa Quan Công Sứ, Hoa kiều là tụi ăn cắp. Chúng nó cướp tiền học trò tôi ).

Bảy hôm sau, ông Cò gửi trát đòi chủ tiệm Diêu Ký lên hầu. Ông thân ái khuyên bảo người Hoa-kiều :

- Từ nay không nên ăn cướp tiền của học trò. Chúng nó sẽ không phá phách cửa tiệm của mầy nữa đâu ( người Pháp thời bấy giờ vẫn khinh khi người Hoa-kiều, và gọi họ bằng " mầy ", ít khi họ gọi " anh " hay "ông ".

Qủa thật, vụ " chiến tranh đá và củi " năm 1924 không tái diễn nữa.

Sau vụ này, Tuấn –em sung sướng khoe với các bạn là nó đã ném một cục đá trúng kêu cái "đóp " vào đầu một chị xẩm, tại chị này đứng trước cửa xăn quần lên đến đầu gối, chưỉ lũ học trò :" Mẹ tổ cha mấy đứa học trò A lam à ! ".

Ngoài vụ đánh phá tiệm Diêu Ký, bình nhật " học trò An-nam " vẫn hiền lành như đất cục, ngày tháng chăm lo học hành.

Thiểu số dăm bảy cậu thỉnh thoảng được đọc thường xuyên và không dám nói lại cho nhiều người nghe những bài văn thơ " kinh thiên động địa " mà các cậu đã được đọc, từ nghìn xa lén lút trao về.

Nhưng đó là những món ăn tinh thần nghiền ngẫm mãi trong tiềm thức, thấm nhuần trong đầu óc, bổ dưỡng cho suy tư, để rồi có cơ hội thuận tiện là bộc phát lên như dậy men, như bùng lửa, như sôi máu, sôi gan...

giavui
06-25-2014, 05:16 PM
CHƯƠNG 10. 1920-1924

- Trước 1925 danh từ " Việt-Nam " chưa được thông dụng trong dân chúng.

- Nước gọi là An Nam, Dân gọi là người An Nam, hoặc là Annamite (theo tiếng Pháp).

- Ða số " Thượng lưu trí thức Nam kỳ " nhập tịch dân Pháp, theo đạo Thiên Chúa, và sống theo Tây.

- Hoàng thân Lào, Sinh Viên Cao Ðẳng Công chính Hà Nội, tên là Souphanouvong, lấy vợ An-Nam ở Nha Trang (Nay là lãnh tụ Pathet Lào).

- Nhiều tỉnh Bắc, Trung Kỳ chưa có đèn điện.

- Dư luận xôn xao về vụ một ông Quan Ba tàu thủy Pháp cho học trò nhiều tiền để đánh ông trên đường đèo, đêm vắng.

- Một ông Giám-binh Tây, đi kinh lý, ở ngủ lại ban đêm trong làng.

Trước 1925, hay nói cho đúng là trước tháng 7-1925, hôì cụ Phan bội Châu chưa bị Tây bắt tại Thượng Hải đưa về Hà Nội, danh từ "Việt Nam" chưa được phổ thông trong dân chúng, và chưa được chính thức áp dụng ở xứ ta. Trên các công văn, báo chí, sách vở bằng chữ Pháp cũng như chữ Quốc-ngữ không mấy khi dung đến hai tiếng "Việt-Nam".

Bên Nam triều, theo quốc hiệu đã được sửa đổi từ thời vua Minh-Mạng, các giới quan trường và trên các giấy tờ chính thức, đều dùng hai chữ "Ðại-Nam ". Vua An-Nam được xưng hô là Ðại Nam Hoàng Ðế.

Các nhà trí thức, khiêm nhường hơn, thường viết là " Nước Nam ", hoặc " Nam Quốc ", còn dân chúng, từ Nam chí Bắc, lại quen dùng danh từ đã có sẵn từ nghìn xưa, do chính người Tàu ban bố cho, là " nước An-Nam ". Người Tàu gọi người Việt là Ố-nàm-dàn(An nam nhân). Ở Hà Nội, nhà thơ Nguyễn khắc Hiếu, chủ trương một tờ báo văn nghệ, lấy tên là An Nam Tạp Chí. Ở Saigon, ký giả tài ba xuất chúng là Nguyễn phan Long điều khiển một tờ báo viết bằng Pháp-ngữ, lấy tên là Echo Annamite.

Riêng ở Nam kỳ, phần đông các giới " thượng lưu trí thức ", và các nhà kỹ nghệ, thương mại, đại điền chủ ở Saigon và Lục tỉnh, lại không thích người ta gọi mình là " Annamites". Ða số đã xin vô " dân Tây ", sống theo lối Tây, và hãnh diện được gọi là " Citoyens Français " ( công dân Pháp ). Ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ, trái lại, hạng "An Nam dân Tây " rất hiếm. Ngay những người thân Pháp nhất, triệt để trung thành với Pháp, nhà văn như Phạm Quỳnh, quan lại cao cấp như Hoàng Trọng Phu, ViVăn Ðịnh, Tôn-Thất Hân, Thái văn Toản, v.v...đều giữ nguyên quốc tịch An-Nam.


Về tiếng xưng hô địa danh của ba miền, tuy người Pháp đã đặt riêng ra ba tên khác nhau : le Tonkin ( Bắc-Kỳ ) -- người là les Tonkinois ; L'Annam ( Trung Kỳ ), người là les Annamites du Centre; la Cochinchine ( Nam Kỳ ), người là les Cochinchinois, nhưng tiếng An – nam và Annamites vẫn thông dụng hơn, từ Nam chí Bắc. Ở Hà nội, Hải phòng, cũng như ở Huế, Qui nhơn, Saigon, Cần thơ, Châu đốc dân chúng vẫn quen gọi với nhau là " người An-nam " và nói :hàng hóa Annam, ngày An-nam, các quan An-nam, tiệm buôn An-nam, ngày Tết An-nam, v.v... Chính những người có học thức cũng quen nói như thế trừ những nhà làm cách mạng mà thôi. Những người bình dân ở Saigon và Lục tỉnh, không học Ðịa dư, thường gọi từ Nha Trang trở ra là " xứ Bắc ", hoặc là " xứ Huế "," xứ Nghệ ". Ít khi họ phân biệt là miền Bắc, miền Trung. Thỉnh thoảng họ gọi bằng một danh từ châm biếm và khôi hài là " dân trọ trẹ ". Tại vì tiếng nói từ Nha Trang trở vào Phan Thiết, cũng na-ná như tiếng miền Nam, còn từ Qui-nhơn trở ra Nghệ An, Hà Nội, giọng nói hơi nặng, người miền Nam nghe khó hiểu.

Người miền Trung lại gọi Nam Kỳ là đất "Ðồng Nai Gia Ðịnh ". Người bình dân miền Bắc thỉnh thoảng lại gọi Nam Kỳ là " xứ ở gần mặt trời".

Cho đến năm 1932, đường hỏa xa từ Hà nội vào Trung Kỳ chỉ mơí tới Tourane, mà người Việt gọi là Cửa Hàn ( nay là Ðà Nẳng ). Ðường xe lửa từ Saigon ra, cũng chỉ đến Nha Trang, nơi đây là ga cuối.

Tại Nha Trang năm 1924, có một khách sạn khá lớn ở ngay trước ga xe lửa, mà chủ nhân người An-nam, đặt tên là Hotel Terminus ( Khách sạn Cuối ). Ông chủ Hotel, có một cô con gái khá đẹp và rất lãng mạn, tên là Kỳ Nam. Vào khoảng 1937, có một cậu sinh viên trường Cao đẳng Công Chính Hà nội là một Hoàng tử Lào, nhân dịp nghỉ hè, đi nghỉ mát ở Nha Trang. Cậu sinh viên Hoàng tử đến trọ tại " Khách sạn Cuối " và được dịp làm quen với cô Kỳ Nam, con gái ông chủ. Ðối với cậu Hoàng tử Lào lúc bấy giờ, lấy được môt " tiểu thư Annam " làm vợ là cả một vinh dự lớn lao.

Ðối với cô thiếu nữ lãng mạn ở Nha Trang, lấy một người chồng là Hoàng tử, mặc dầu là Hoàng tử Lào, và không đẹp trai, cũng là một hạnh phúc thần tiên. Thế là cuộc tình duyên thơ mộng đã kết cuộc bằng một đám cưới vô cùng long trọng. Ðôi vợ chồng Việt – Lào đó hiện nay vẫn còn sống và cậu sinh viên Hoàng Tử Lào lúc bấy giờ chính là Souvanna Souphanouvong, lãnh tụ Pathet Lào hiện nay.

1924, nhiều tỉnh chưa có đèn điện, tuy là những thành phố lớn vào hạng ba, hạng tư, ở toàn xứ An nam. Ðường phố vẫn còn thắp đèn acétylène cháy nhờ hơi đá carbure, đựng trong một bình bằng đồng, lồng trong bốn mặt kiếng, trên cột sắt sơn đen và chạm trổ rất đẹp. Thường có những con thằn lằn to lớn không biết từ đâu bò lên trên mặt kiến để đớp những con thiêu thân. Hình bóng những con thằn lằn ấy ngã xiêng xuống mặt đường, lúc hiện ra nằm dài trên đường lộ, lúc rút lại trong bóng tối, như những bóng ma. Nhất là trong những đêm mưa gió và ở các ngã tư vắng vẻ những "bóng ma" ấy thường làm cho những học trò nhút nhát ghê rợn không dám đi qua.

Trừ ba thủ đô Saigon, Huế, Hà Nội, và các thị trấn quan trọng như Nam Ðịnh, Hải Phòng, Vinh, Tourane, Cần Thơ, v.v..., còn hầu hết ở các thành thị khác, đường phố không có tên, và không có số nhà. Dân chúng thường gọi theo những tên địa phương mà không ai đặt ra nhưng moị người đều biết, như : đường Lò Heo, đường Lò Vôi, đường Bờ Sông, đường Cống Kiều, đường Nhà Thờ, đường Miễu Cô hồn v.v...

Tuy thế, trong mỗi tỉnh, đường nào ở đâu, nhà nào ở đâu, nhà ai, ở xóm nào, mấy anh " cu li xe kéo đều biết hết. Vì đường phố hãy còn ít, nhà cửa chưa đông đúc, đất trống còn nhiều, kỹ nghệ chưa thành hình, thương mãi của người An nam gần như không đáng kể.

Hầu hết các hiệu buôn bán lớn là của " các chú ", của " Chà và " của " Ma la bà " ( Chà và là Java – Nam Dương ; Malabar : gốc Ấn Ðộ ). Các hãng xuất nhập cảng là của người Tàu, hoặc Pháp, An nam chỉ đành phận bé nhỏ, nghèo hèn, với những tiệm cúp tóc đơn sơ, tiệm thợ may ( hai ngành này phát triển nhất ) thuốc Nam, thuốc Bắc, hoặc tạp hóa nho nhỏ.

Thỉnh thoảng xen vào một vài tiệm ngườ Bắc, chuyên môn bán đồ đồng ( mâm, lư, đèn ) và một ít lụa Hà Ðông.

Trừ một vài đại lộ đã trải nhựa goudron để cho xe hơi chạy, nhất là xe các quan, còn thì hầu hết các đường phố đều lồi lõm, chổ u, chổ đột, sạn đá gồ ghề, mỗi lần mưa to là nước chảy như đường mương, khe suối.

Cứ chiều chiều, tan giờ học, Tuấn thường ưa đi dạo xem các dãy phố, các tiệm buôn, các nhà cửa vườn tược, chùa miếu ở khắp hang cùng ngỏ hẻm. Tính tò mò, chỗ nào cũng muốn đến, việc gì cũng muốn thấy, chuyện gì cũng muốn nghe, cậu học trò 15 tuổi mặc áo dài đen vá nơi cùi chỏ, mang đôi quốc cùn ba xu, đi lang thang khắp phố, khắp phường.

Gặp các ông giáo, nhất là ông giáo sư Vật Lý học và Hóa Học, cậu vội vàng chạy trốn. Ông này người Huế, mặt nhiều mụn, cái miệng hay dô ra, cặp mắt sáng quắc, thường đi xe máy. Tốt nghiệp Trường Cao Ðẳng Hà nội, ông rất giỏi về Lý-Hóa, nhưng cũng rất nghiêm khắc với học trò. Ðã ba lần rồi, buổi chiều gặp Tuấn đi chơi ngoài phố, là sáng hôm sau giờ Vật-lý hay Hóa, ông gọi Tuấn lên trả bài. Luôn luôn ông cho Tuấn ăn hột vịt. Một buổi chiều chủ nhất, ông trông thấy Tuấn nằm chơi một mình trên bãi biển Gành Ráng, sáng thứ hai ông kêu Tuấn lên trả bài. Trò Tuấn ở nhà học thuộc bài vanh vách, nhưng không biết tại sao khi vào lớp, đứng trước mặt giáo sư trò quên tất cả. Ông giáo thưởng cho trò một con zéro bự rồi trừng mắt nói với cả lớp :

-Ce cancre ne sait jamais ses leçons, parce qu'il s' amuse tout le temps avec les cancres ( Thằng học trò lười biếng ấy không bao giờ thuộc bài bởi vì nó chơi cả ngày với mấy con cua biển ).

Do lối " chơi chữ " của ông Giáo sư, vì chữ cancre có hai nghĩa, mà bạn bè trong lớp gọi đùa Tuấn là " con cua biển " ( hay là thằng lười biếng, theo nghĩa thứ hai ).

Một buổi tối, Tuấn nằm trên bãi cát, nghe tiếng sóng hòa nhịp với tiếng reo vi vu của rặng cây phi lao trên Cầu Tàu. Ngoài khơi, có chiếc tàu Orénoque của Tây đậu cạnh hải đăng. Ông quan ba với mấy người thủy thủ chèo chiếc tam bản ( tây gọi là sampan ) vào cặp bến. Mấy người thủy thủ lên bờ, đi bách bộ vào thành phố, vừa đi vừa hát om sòm. Bãi bể tối om, xa xa có một ánh đèn đá lắt leo trong gío lộng. Tuấn ngạc nhiên thấy ông quan Ba đến gần cậu.Tuấn không lo sợ gì, vì cậu đã biết nói tiếng Tây, sẵn sàng đối đáp. Ông quan Ba vuốt tóc cậu. Và khẽ nói với giọng rất hiền hòa :

- Bonsoir, mon enfant

Tuấn bạo dạn đáp lại, với giọng con nít :

Bonsoir, monsieur...

Ông quan Ba lấy trong túi ra một gói sô-cô-la cho Tuấn, và bảo Tuấn đưa ông đi dạo phố. Lần đầu tiên Tuấn được đi chơi với ông Tây, -- lại là ông quan Ba tàu thủy, -- nói chuyện với ông thân ái và tin cậy như một người bạn lớn tuổi. Dọc đường, ông bảo Tuấn rủ thêm bốn đứa bạn nữa cùng đi cho vui. Ông nói :"Tôi rất yêu thanh niên An nam ". Tất cả có bốn đứa bu theo bên ông đều là bạn học của Tuấn, được ông cho kẹo, cho thuốc hút, cho nhiều tấm hình cartes postales in các thắng cảnh bên Tây rất đẹp. Rồi ông đề nghị :" các em đưa tôi đến một nơi nào thật hoang vắng, ngoài châu thành, nơi không có người qua lại. Ngồi chỗ vắng như thế, chúng ta sẽ xem trăng, xem sao, và nói chuyện thú hơn ". Tuấn và bốn đứa bạn hăng hái đưa ông lên chân núi Xuân Quang, nơi đây không một bóng người, không một túp nhà, cách xa thành phố 2 kí lô mét.

Sau khi tất cả đều ngồi xung quanh ông, trên một bãi cỏ, nghe ông kể chuyện bên Tây, một lúc thật vui, ông quan Ba cười bảo: "Bây giờ các em sẽ xem tôi bày ra một trò chơi rất lý thú nhé ". Cả bọn nôn nao vui mừng. Ông lấy một đồng bạc đưa Tuấn, bảo:"Em xuống phố mua chừng 5 thước dây dừa thứ lớn và thật chắc, 9 hoặc 10 cây roi mây, hoặc roi tre, hay là những khúc củi dài cũng được, và 100grammes ớt thứ thật cay, với 100 grammes muối ". Tuấn hơi lo ngại hỏi :" Trò chơi gì mà phải dùng các món đó ? "Ông quan Ba cười, nụ cười hiền lành đáng tin cậy :

- Em cứ đi tìm các món đó về đây, rồi các em xem tôi làm trò chơi này hấp dẫn lắm.

Tuấn và một đứa bạn theo lệnh ông vội vàng chạy về phố tìm mua một bọc ớt, mốt gói muối, và năm cuộn dây dừa. Còn roi thì các trò không biết mua ở đâu, bèn bảo nhau nhổ đại mấy cây tre cắm hang rào của một căn nhà trống ngoại ô.

Khi Tuấn trở lại núi Xuân Quang với đủ các đồ"chơi" kia, ông quan Ba vui vẻ bảo :" Các em lột hết quần áo của tôi ra, lấy dây dừa cột hai tay hai chân của tôi lại,và trói chặt nhé, và đè tôi nằm xuống đất, đừng cho tôi quẫy cựa. Rồi các em thay phiên nhau mỗi người cầm một cây roi tre đánh vào mông đít tôi. Phải đánh thật dữ tợn. Các em đánh tôi như đánh một kẻ thù, vừa đánh vừa chửi, và đánh thật mạnh, đừng sợ tôi đau. Ðánh mãi chừng nào gãy nát hết mấy cây roi, và đánh sao cho nổi lằn trên đít tôi, cho rơm rớm máu...Nhưng các em nhớ rằng chỉ đánh trên mông đít, đừng đánh trên lưng hay trên đầu, hay các chỗ khác trên thân thể tôi. Ðánh trên mông cho chảy máu rồi gĩa muối ớt cho thật nhỏ, chà xát trên những chỗ lằn roi rớm máu ấy. Xong rồi tôi sẽ thưởng cho mấy em mỗi đứa 2 đồng bạc.

Hai đồng bạc thời bấy giờ giá trị hơn 200 đồng ngày nay. Tuấn và bốn đứa bạn do dự, không đứa nào dám làm công việc lạ lùng ấy mà các trò không hiểu tại sao. Nhưng ông Tây quan Ba cứ năn nỉ, van lơn, và đưa trước cho mỗi trò hai đồng bạc. Sau cùng, Tuấn bảo các bạn :" Tuị mình cứ làm như lời ổng dặn, nếu có xẩy ra việc gì thì chạy trốn. Trời tối, đêm vắng, núi hoang, sợ cóc gì, hè ! "

Nhưng Tuấn hỏi ông quan Ba :

Chơi trò chơi chi mà kỳ cục thế hả ông ?

Ông Quan Ba mỉm cưòi đáp :

Các em làm cái việc ấy xong, rôì tôi kể chuyện cho nghe. Chuyện hay lắm.

Tụi tôi đánh ông, rôì ông có đánh lại tụi tui không ?

Ông quan Ba cười :

Không, tôi là Quan Ba Tàu Thủy, tôi không phỉnh gạt các em đâu.

- Lỡ đánh ông rôì tụi tui bị lính bắt bỏ tù thì sao ?

Nơi đây vắng vẻ, có ai biết đâu ? Chính tôi đề nghị cái trò chơi ấy cơ mà ! Nào ! Bây giờ các em xúm lại lột quần áo của tôi ra đi. Chúng ta bắt đầu cuộc chơi rất hấp dẫn say mê này. Nào ! Các em ra tay đi !

Tuấn cưòi bảo mấy đứa bạn cùng xáp vào thi hành " trò chơi " ly kỳ, bí mật, mặc dầu chưa biết kết cuộc sẽ như thế nào.

Ðể kích thích sự can đảm của năm thiếu niên Annam, ông Quan Ba tự cởi hết áo quần ra.

Tuấn lấy sợi giây dừa, cùng bốn đứa bạn bắt đầu trói tay trói chưn ông Tây...Nói đúng ra năm cậu con nít này đều có cảm tưởng đang làm một việc động trời, cho nên trò nào cùng còn sợ sệt ngại ngùng. Ai mà khi không dám cầm roi quất vào mông đít một ông Tây ? Lại là ông Tây quan Ba ? Nhưng ngẫu nhiên được cơ hội đánh Tây, Tuấn tỏ ra hăng hái nhất. Tuy rằng cậu không có thù oán gì ông Tây quan Ba này, trái lại, từ lúc mới gặo cho đến bây giờ, cậu và bốn đứa bạn đều kính mến ông và được hân hạnh chơi thân với ông, nhưng sẳn " trò chơi " kỳ quái và nguy hiểm này chính ông Tây bày đặt ra, và chính ông van lơn, năn nỉ các trò đánh đập ông. Tuấn bổng nhiên cảm thấy từ trong thâm tâm nổi dậy sự vui thích dã man được đánh một ông Tây cho thỏa lòng "ái quốc hận thù ".Ðó là ảnh hưởng đột ngột và đầu tiên của những bài thơ ái quôc mà cậu đã đọc lén trong hai tờ báo bí mật " Việt Nam Hồn " và " Le Paria ".

Sự " căm thù " hoàn toàn vô ý thức, vì không lý do gì cả đối với cá nhân ông Tây Quan Ba rất hiền lành tử tế kia nhưng Tuấn sung sướng được dịp cầm roi quất trót, trót !... thất mạnh, thất đau, trên hai mông đít trần truồng của ông Tây, vừa chửi đã đơì, vừa đánh đã đời :" Tổ cha thằng Tây ! Tao oánh cho chết mày ! Sao mầy qua lấy nước tao ?... Sao mầy bắt bỏ tù vua Duy-Tân của nước An Nam ?...Mẹ cha mầy !...

Thật là một cơ hội hy hữu, vừa là một dịp đầu tiên trong đời trẻcon của các cậu học trò trường Tây được đánh một ông Tây ! Tuấn đánh nhiều hơn cả, liên tiếp ba cây roi tre đều dập nát hết. Rôì đến phiên ba trò kia cũng thi nhau mà đánh, mà chửi, một trò không dám đánh mạnh, một trò vừa đánh vừa cười. Ông Tây vẫn nằm yên, sắp mặt xuống đất, tay chân bị trói chặt bằng mấy vòng giây dừa to bằng ngón chân cái. Theo đúng lời căn dặn của " khổ chủ " năm trò đánh nát cả chục cây roi tre, để trên hai mông của ông chằng chịt những lằn roi rướm máu, rồi gĩa muối thật cay để xát vào những lằn máu kia. Quái lạ làm sao ! Ông Tây vẫn nằm yên, không hề tỏ vẻ gì đau đớn cả, và không kêu la một tiếng. Nhưng khi năm bàn tay học trò xát mạnh muối ớt lên những lằn roi ứa máu, thì tụi này nghe ông bắt đầu rên rĩ... Ông rên rĩ một giọng khoái trá, một giọng đê mê...như tiếng mèo đực ôm ghì lấy mèo cái trong đêm khuya trên mái nhà.

Năm đứa học trò An nam không hiểu cái lối " chơi " gì lạ lùng quái gở của ông Tây.

Nửa giờ sau, " cuộc chơi " chấm dứt. Mười cây roi tre đã dập gãy xác xơ, nắm muối ớt chà xát trên mông ông Tây cũng đã hết rồi. Ông nằm rên một lúc khá lâu, mắt nhắm riết gần mười phút đồng hồ, không quẫy cựa.Năm cậu học trò ngồi xuống đất, hồi hộp đợi xem.

Tuấn khẽ bảo mấy đứa bạn :

- Nè, nếu ổng ngồi dậy la làng xóm, thì tụi mình chạy trốn hết nhé. Ðứa nào đứa nấy lẻn về nhà nằm. Sáng mai đừng đi ra phố mà cũng đừng nói gì cho ai biết chuyện nầy, tụi bay nghe ?

Tất cả đều băn khoăn lo sợ. Trò Tuấn sợ nhất, vì chính trò cầm đầu vụ này và trò đánh ông Tây hăng hái nhất.

Ông Tây mở mắt mỉm cười, tuy nụ cười hơi mệt nhọc. Ông nói chậm rãi, uể oải, nhưng giọng nói thoải mái :

-Ah, mes enfants ! C'est bien ! C'est très bien ! Merci ! Merci ! (À, các con ơi, Giỏi lắm ! Giỏi tuyệt ! Cảm ơn...cảm ơn...)

Ông bảo tiếp :

-Maintenant, délivrez-moi de cette corde de coco.(Nào, bây giờ các con hãy cởi hộ cái giây dừa ra cho ta ).

Năm đứa học trò xúm lại mở giây trói ra cho ông rôì ông lấy áo quần mặc vào. Ông móc túi áo lấy cho thêm mỗi đứa 2 đồng bạc, vừa nói lâm râm trong miệng :
Merci ! Merci ! ( Cảm ơn ! Cảm ơn ! )

Ông và lũ học trò kéo nhau xuống thành phố. Dọc đường, Tuấn hỏi cuộc " chơi " lạ ấy có ý nghĩa gì, và ở bên nước Tây người ta thích chơi kiểu đó làm sao?

Ông Tây mỉm cười đáp :

- Ðó là một lối chơi riêng của người Âu-châu, nhưng chỉ có số ít người thôi, nhất là những người ở Hải quân, vì họ đi ngoài biển tháng này qua tháng nọ ít được tiếp xúc với đàn bà...nhưng các con đừng nói lại chuyện này cho ai biết nhé !

Mấy cậu học trò vẫn chưa hiểu gì cả, và ông Quan Ba thuyền trưởng chiếc tàu Orénoque, cũng không nói thêm câu nào nữa. hình như ông mắc cỡ, cho nên gặp chiếc xe kéo bánh cao su đáng đi lang thang kiếm khách, rung lạc leng keng...leng keng, ông Quan Ba vội vàng nhẩy lên xe bảo chạy ra bãi biển.

Mấy hôm sau, chiếc Orénoque đã rời bến đi mất rồi. Tuấn mới dám đem chuyện đánh ông Tây Quan Ba ra thuật lại cho một vài vị giáo sư nghe và nhờ quý vị giải thích giùm cho...Nhưng tất cả các giáo sư Tây và Nam và mấy thầy làm việc gần Tây đều không ai tin câu chuyện của Tuấn. Họ còn cho rằng Tuấn đặt chuyện nói láo.

Câu chuyện thắc mắc "đánh ông Tây " vẫn còn in đậm trong đầu óc Tuấn mười mấy năm sau. Một hôm, ngẫu nhiên ở thư viện Hà Nội Tuấn đọc một quyển sách Pháp nói đến các chứng bịnh về tình dục ( maladies sexuelles ), có tả một câu chuyện giống hệt chuyện Tuấn đánh ông Quan Ba. Trong sách bảo lối " chơi " bệnh hoạn ấy gọi là Flagellation (đánh roi ).Nhưng vị bác sĩ, tác giả quyển sách cũng không giảng giải rõ ràng, chỉ phân tích một vài triệu chứng đau thần kinh mà thôi.

Vụ quan Ba tầu Orénoque do Tuấn và bốn đứa bạn nói cho nhiều người nghe, vài hôm sau cả thành phố đều biết. Và sau đó tám tháng, chiếc Orénoque trở lại cập bến, nhưng viên Công Sứ Pháp cai trị thành phố ra lệnh cấm ông Quan Ba lên bờ.

Có lẽ để giữ thể diện và uy tín chung cho người Pháp ở An nam chăng ?

Tuấn và bốn đứa bạn vẫn khoe với mọi người rằng chúng đánh Tây mà được Tây thưởng tiền ! Lơì khoe khoang của con nít còn khờ khạo, nhưng sự ngẩu nhiên được đánh Tây tuy là một hành động máy móc do chính ông Tây kia xúi dục để thỏa mãn một chứng bịnh tình dục của ông, nhưng không dè cũng chính là khởi điểm một thỏa mãn thầm lén được "đánh Tây " và " chửi Tây " của mấy học trò An nam 14,15 tuổi đã đọc " Việt Nam Hồn ".


Tôi muốn đề nghị với bạn đọc, ta nán lại hơi lâu một tí trong năm 1924 nầy. Tôi muốn phác họa bức tranh sinh hoạt của xã hội Việt Nam, và riêng của thanh niên trong năm này đối với nhiều chi tiết nữa, về các phương diện tinh thần và vật chất, để rồi sang năm 1925 chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc thay đổi toàn diện, do một vài yếu tố chính trị gây ra một cách bất ngờ. Các bạn sẽ thấy năm 1924 chấm dứt một giai đoạn của Lịch sử Việt Nam và đồng thời cũng chấm dứt một thời niên thiếu của chàng trai đất Việt mà sau này người ta sẽ gọi là Thế hệ thanh niên 1925.

Thế hệ này sẽ đóng góp một vai trò rất quan trọng trong Lịch sử Dân Tộc cho đến năm 1945...

giavui
06-25-2014, 05:18 PM
1924, sự tiếp xúc với người Pháp ở toàn cõi Việt Nam, trên phương diện chính trị cũng như xã hội, đã được bình thường, sau tám năm thái bình an lạc, kể từ cuộc thất bại gần như âm thầm của phong trào Duy-Tân tháng 5 năm 1916.

Thời kỳ 1918-1924 là thời kỳ an ninh nhất trong Lịch sử đô hộ của Pháp ở khắp ba cõi Nam-Trung-Bắc kỳ, và ngưòi Pháp thường hãnh diện cho là thời kỳ " Thái bình của Pháp ", nhờ nước Pháp tạo nên, họ gọi là " La Paix Francaise ".

Năm xứ Ðông Dương do họ cai trị, gồm có Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Ai Lao, Cao Miên, họ gọi là Indochine Francaise và được dịch ra danh từ chính thức là Ðông Pháp. Uy tín của người Pháp ở đây lúc bấy giờ thật là lớn lao, địa vị củ họ thật là bền vững, xét bề ngoài hình như không có sức mạnh nào làm lung lay nổi uy quyền của họ.

Lá cờ Pháp với ba màu nổi bật, bay rực rỡ một mình trên ngôi bá chủ, ngự trị khắp cõi bờ thuộc địa, uy nghi trện các thành quách lâu đài, phất phới trên mái nhà tranh nhà ngói...

Việt Nam không có cờ, bởi lẽ rất giản dị là không có nước Việt Nam ! Chỉ riêng xứ Trung kỳ có lá cờ của Nam triều, nền vàng với một miếng cờ Pháp chiếm một góc trên bên trái, nhưng cờ này chỉ treo nơi cửa Ngọ Môn ở Huế và tại các tỉnh đường mà thôi. Dân chúng không ai treo cờ Nam triều ( cũng có chỗ gọi là cờ An Nam, có nơi gọi là cờ Khải Ðịnh. Từ 1932, cờ này đổi lại cờ mới, kiểu khác, dân chúng gọi là cờ Bảo Ðại ). Vả lại không ai bắt buộc phải treo " cờ An Nam " cho nên không ai may cờ ấy làm chi cho tốn vải, vô ích

! Ở Nam Kỳ chỉ treo cờ Pháp, mà dân chúng gọi là " cờ Tam Sắc ". Ở Trung Kỳ và Bắc kỳ gọi là " cờ Tam Tài". Trò Tuấn có hỏi vài ông Tú nhà Nho taị sao cờ Pháp ( xanh trắng đỏ ) lại goị là cờ tam tài, các cụ giảng nghĩa :" cờ Ðại Pháp gồm có Thiên Taì, Ðịa Tài, Nhân Tài, nên gọi là cờ Tam Tài ", Tuấn lại hỏi ai đặt ra danh từ ấy ? thì các cụ chịu thua. Một cụ Cử trả lời bông lông :" Chắc là có một ông Quan An Nam nào đặt ra như thế, để quan Tây vui lòng " Một vài ông giáo sư Tây học trả lời cho Tuấn như sau đây :" Mầu xanh là tượng trưng nền da trời, cao siêu tột bực. Màu trắng là trong sạch tinh khiết, quảng đại vô biên. Mầu đỏ là rực rỡ như vầng thái dương rọi khắp hoàn cầu." Nhưng Tuấn tò mò, ham học hỏi, muốn biết đến nơi đến chốn, bèn hởi thẳng một người Pháp, ông Charol, giáo sư Sử ký. Ông này giảng rõ ràng cho Tuấn nghe : "Lá cờ ba sắc của Pháp hồi khởi cuộc cách mạng 1789. Lúc bấy giờ nước Pháp còn là một nưóc quân chủ chuyên chế, lá cờ củanhà vua là màu trắng, dân chúng Paris nổi dậy đòi nhà vua phải chia sẻ quyền hành cho dân, và sau khi phá ngục Bastille, đòi vua phải triệu tập một hội nghị nhân dân. Chính trong hội nghị ấy, nhà lãnh tụ La Fayette đề nghị bỏ lá cờ trắng có hoa huệ ( drapeau blanc fleur delysé ) của vua, mà thay vào cờ của dân chúng thủ đô Paris, kèm hai bên màu trắng của vua. Lá cờ tam sắc được dân chúng hoan hô nhiệt liệt và từ đấy được coi là cờ cách mạng. Ðến khi tòa án nhân dân diệt Vua Louis XVI và Hoàng Hậu Marie Antoinette để thành lập chính phủ Cộng Hòa, lá cờ tam sắc vẫn được chính thức nhìn nhận là lá cờ của Công Hòa Pháp quốc, lá cờ của nhân dân Pháp.

Tuấn nghe ông Giáo sư Pháp giảng rõ lịch sử lá cờ tam sắc, liền nhớ lại những lời giảng qua văn chương triết lý của mấy cụ nhà Nho và mấy vị giáo sư " An nam ". Tuấn nghĩ rằng các ông ấy chỉ muốn đề cao nước Pháp, và những kẻ nào đã đặt ra danh từ "cờ Tam Tài " cũng chỉ có mục đích nịnh bợ người Pháp, không cần căn cứ đúng trên ý nghĩa lịch sử chân chính của nó.

Trừ các nhà Cách mạng An nam đã đi ở tù, hoặc bị đầy nơi xa ( như đã nói ở một chương trên ) còn hết thảy những người trí thức Nho học và Tây học mà trò Tuấn được dịp tiếp xúc, đều khen Tây và phục Tây sát đất. Như thế, xét về tình hình toàn diện đến cuối năm 1924, thì quyền bá chủ của người Pháp ở Ðông dương đã được mặc nhiên công nhận. Không ai chối cãi rằng nước Pháp qủa thật ăn minh tiến bộ về khoa học hơn nước ta nhiều. Một số trí thức Tây-học đã không ngần ngại, trong sách báo cũng như trong các bài diễn thuyết trước công chúng, tán dương vai trò lãnh đạo của nước Pháp, mà họ hãnh diện suy tôn là bậc nhất hoàn cầu. Nhiều nhà báo kỳ cưụ ở Nam kỳ thuộc vào hạng thượng lưu và trung lưu vẫn thường nói :" Thầy Ðại Pháp của chúng ta ". Các nhà Nho-học và Tây-học ở " Trung, Bắc lưỡng kỳ " lại ưa dùng những danh từ mới, mơí đặt ra trong thời kỳ ấy, -- nhữngdanh từ rất thịnh hành mà người ta thường gặp luôn trong các sách, báo do các nhà " Trí Thức An nam viết, và các bài diễn văn, như : Khai hóa, đuốc văn minh, mẫu quốc, nhà nước bảo hộ, quan thầy Ðaị Pháp v.v... và những câu đại khái như :" Nhà nước Ðại Pháp đến khai hóa cho dân An Nam ta ", " dân An Nam ngày nay đã văn minh tiến bộ, ta phải nhớ đến công ơn Quan Thầy Ðại Pháp "v.v... và v.v...

Nhiều người ưa lý sự nhất trong tỉnh, những tay ăn nói cừ nhất, thuộc về hạng trung lưu, nếu không dua nịnh người Pháp, thì cũng cho rằng người Pháp cai trị xứ An Nam là một việc dĩ nhiên, không đem ra làm một đề tài mổ xẻ chỉ trích phê bình gì nữa cả.

Duy có tụi thiếu niên học sinh là ngây thơ chưa biết gì. Chính là học trò trường Nhà Nước, học chữ Tây đã khá, nói tiếng Tây đã trôi chảy, viết chữ Tây đã thông thạo văn phạm, đã biết diễn tả những câu văn bóng bẩy, chính bọn trai trẻ An Nam ấy đang được thấm nhuần văn học và khoa học tiến bộ của Pháp lại có những nhận xét hơn người lớn. Một vài việc mà Tuấn cũng như các bạn cùng thế hệ thanh niên, được mắt thấy tai nghe rõ ràng, đã gieo trong đầu óc của các trò một ý nghĩ không tốt đẹp gì cho người Pháp cả. Như việc ông Gabriel, giáo sư Toán, đã chửi người An Nam là " giống dân bẩn thỉu " – Sale race – là " bọn dã man ", -- sauvages, -- đã gây trong tâm trí các trò môt mối căm hờn ngấm ngầm không dám thố lộ. Hoặc giả như vụ ông Quan Ba tàu Orénoque đã bày ra trước mắt Tuấn và mấy đứa bạn, một " trò chơi " kỳ quái, ngoài sự tưởng tượng của tụi thiếu niên học sinh

. Một buổi chiều ngồi hóng gió trên bải biển Qui-nhơn. Tuấn nhắc lại vụ kia với mấy đứa bạn, rồi phê bình:" Thế thì người Pháp rất văn minh cũng có những cái rất dã man đấy ! Những kẻ nịnh Tây bợ Tây, có lẽ chỉ thấy bề mặt của Tây mà không thấy bề trái của Tây..."

Ðó là một vài ý nghĩ rất giản dị của các cậu học trò đã được tiếp xúc gần gủi với Tây.

. Biết bao nhiêu người Pháp đã làm cho Tuấn thán phục văn chương, tư tưởng, triết lý, khoa học của Pháp. Tuấn đã nghiền ngẫm say mê những tiểu thuyết hấp dẫn của Bernardin de Saint Pierre, của Lamartine, Chateaubriand, Alphonse Daudet, những bài thơ bất hủ của Victor Hugo, Théophile Gauthier, André Chénier, Alfred de Mausset, những bản kịch thâm thúy, cao siêu, xúc động của Corneille, Racine, những thuyết minh khoa học, y học của Lavoisier, Pasteur..., những cử chỉ anh hung, những danh ngôn thâm thúy của Danton, Mirabeau, La Fayette, Napoléon...<

Còn biết bao nhiêu những danh nhân khác nữa, mà Tuấn đã học hỏi say mê trong các sách giáo khoa Pháp của lớp Ðệ Nhất niên!

Ấy thế mà chỉ có vài người Pháp, một giáo sư Toán chửi Tuấn là " giống An Nam bẩn thỉu "," người An Nam mọi rợ ", à một viên Quan Ba tàu thủy cởi trần truồng bảo mấy đứa học trò cầm roi đánh vào mông đít và xoa muối ớt lên những lằn roi rướm máu, hai người Tây điển hình ấy đã làm cho Tuấn tự nhiên mất hết nhiều long yêu chuộng say mê của Tuấn đối với cả một nước Pháp đầy rẫy những danh nhân vĩ đại.!

Tuấn, thiếu niên nước Việt, tâm hồn còn ngây thơ,trong trắng, đã bắt đầu nhìn thấy một vài khía cạnh thực tế khả ố, khả bỉ của nước "Ðại Pháp " văn minh oai vệ kia.

Tuy thế, tụi " lắc-léo-me-dòng-lô", vẫn lo học hành yên ổn, tính nết vẫn ngoan ngoãn giữa một xã hội đầy ngập ảnh hưởng Pháp, mà từ quan đến dân đều một loạt cúi đầu tuân theo Nhà Nước Bảo Hộ. Từ Bắc chí Nam, tuy ba miền sống trong ba chế độ và hoàn cảnh chính trị khác nhau, nhưng trên bình diện tâm lý xã hội, đại để vẫn là một xã hội trưởng giã, nửa tân nửa cựu, nửa An Nam, nửa Tây, riêng biệt hẳn, dưới một tầng thấp kém đối với các lớp" trưởng giã thuộc địa " của người Tây.

Mọi người dân đầu an tường thủ phận, hầu như thỏa mãn trong cảnh sống thái bình, mà các cụ nhà Nho gọi là "quốc thái dân an " dưới quyền đô hộ của " Quan Thầy Ðại Pháp "

Kỳ nghỉ hè năm 1925, trò Tuấn về ở chơi nhà bà ngoại trong một làng ở gần giãy Trường Sơn. Một buổi chiều, mặt trời gần lặn, bổng có một ông Tây đóng lon Quan Một cỡi con ngưạ ô, với bốn người " Lính Tập "đi bộ, từ ở đồn Huyện cách đó 10 cây số, đi thanh tra các làng gần núi. Quan Một ghé ở đêm tại nhà ông Xã. Nửa giờ sau cả làng đều biết tin.

Trẻ con hàng xóm chạy trốn hết. Vài ba đứa ẵm em, thân thể trần truồng, bẩn thỉu, mũi dãi lòng thòng, còn chơi ngoài đường, cha mẹ chúng nó liền gọi chúng vào nhà và rầy la, không cho chúng bước ra khỏi ngõ. Họ sợ ông Quan Tây. Trò Tuấn quen tánh tò mò, mặc áo cụt, mang quốc, đến nhà ông Xã để xem ông Tây làm gì. Các ông Hương chức đều đến đông đủ để chào Quan Một. Ông Quan ăn bánh mì và cá mòi hộp của ông đem trong môt cái sac, rồi uống một tô nước trà tươi do dân làng nấu. Bà Xã và cô con gái nhỏ của bà thì vội vã làm thịt ba con gà mái và dọn một bữa cơm như mâm giổ có hai dĩa cá, ba dĩa thịt, một bánh tráng, với hai chai rượu, đãi bốn " bác lính ". Họ ăn uống say sưa, ở nhà giữa, đòi hỏi đủ thứ, trong lúc ông xã khăn đen áo dài, trải chiếc chiếu hoa trên tấm ván gỗ trước bàn thờ ông bà, để mời Quan Lớn nằm nghỉ. Ðêm ấy, ông Xã và cả gia đình nằm ngủ trên đất nhà bếp, nhường mấy tấm phản và chiếc giường tre kê ngoài hè cho bốn bác lính Tập nằm.

Vào khoảng 9 giờ đêm, có lẽ tại trời nóng nực qúa ông Tây ngủ không được, ông cưỡi ngựa ô đi lang thang trên các đường làng. Ông đi một mình, không có lính nào đi theo hộ vệ cả. Trời sáng trăng, ông đi quanh khắp các xóm, dưới bóng các bụi tre. Ông đi tới đâu, chó sủa tới đó, rồi dần dần tiếng chó sủa vang dậy khắp cả xóm trên, xóm dưới. Chó An nam cũng biết đánh hơi người ngoại quốc hay sau mà Tuấn ngôì ngoài ngõ hóng gió, nghe tiếng chó sủa náo động nhất ở xóm nào thì biết ông Tây cởi ngựa đi qua xóm ấy. Khi ông cởi ngựa ngang qua ngõ nhà bà ngoại của Tuấn, con chó Vện trong sân nhảy vồ ra sủa, bị ông Tây cầm roi cá đuối quất một cú thật mạnh trúng ngay lưng nó. Con Vện kêu ẳng ẳng mấy tiếng, vừa chạy vô bụi sủa ra càng giận dữ hơn. Tuấn cũng phẩn uất đứng dậy nói một câu tiếng Pháp :

Vous avez fait du mal à mon chien, monsieur. (ông đánh con chó của tôi đau điếng đấy, thưa ông ). Viên quan Một quay lại ngó Tuấn, rồi gò cương ngựa hỏi cậu bé :

- Tiens ! Tu parles francaise ? (À, mày nói tiếng Pháp ? )

Tuấn đáp :

-J ' en sais à peine quelques mots. ( Tôi chỉ biết qua loa đôi ba tiếng )

Ông Tây xuống ngựa, cột ngựa vào một gốc cây rồi đến gần Tuấn. Tuấn nhìn kỹ thấy khuôn mặt của ông Tây còn trẻ và na ná giống An nam. Tuy nước da trắng, tóc quăn, nhưng đặc biệt cái mũi không cao, tròng con mắt đen và tóc cũng hơi đen. Tuấn ngạc nhiên, vì tất cả những người Pháp mà Tuấn biết được chục người, kể cả các giáo sư đều mũi cao tóc hoe, mắt thau, hoặc xanh, hoặc đục ngầu. Vả lại giọng nói của ông Tây quan Một cũng không thật là Tây lắm.

Ông hỏi, Tuấn trả lơì bằng tiếng Pháp. Một lúc sau, có lẽ ông thích nói chuyện với một thằng học trò ở nhà quê nói được tiếng Tây chút ít, ông cao hứng bảo nó ( dĩ nhiên là ông nói tiếng Pháp ), nhưng đây xin chép lại bằng tiếng Việt :

- Mẹ tao cũng là người An na mít, nhưng bà không phải là một nhaque. Tuấn không hiểu hai chữ " nhaque ", và hơi thắc mắc sao tiếng Pháp lại có một chữ lạ lùng như thế. Thấy Tuấn trố mắt ngó, ông cười hỏi :

- Mày hiểu một " nhaque " là gì không ?

- Thưa không, tôi chưa thấy chữ ấy bao giờ cả.

- Mày có một quyển tự điển Larousse ?

- Thưa có.

- Thế thì mày thử tra trong đó xem. Mày có tìm hết cả quyển Larousse cũng sẽ không thấy chữ ấy đâu ? Nhaque là nhà quê.

Ông Quan Một nói tiếp :

- Tao, tao cũng nói tiếng an-na-mít giỏi lắm, nhưng tao không nói, bởi vì đó là tiếng nói của những người nhaque. (Ông đọc theo giọng Tây là gnak! )

Trong lúc ông nnói chuyện với Tuấn, con chó Vện cứ chạy ra chạy vào sủa mãi. Nó sủa oang oang lên, hình như muốn đuổi ông Tây đi phức cho rảnh. Ông Quan Một cười, chỉ nó :

- Ngay như con chó của mày, nó cũng là một con chó nhaque. Chó Tây đẹp hơn, và...lễ phép hơn ( les chiens Francaises sont plus jolies et plus...polis ).

Tuấn mắc cỡ, hết muốn nói chuyện vơí ông Quan Một. Bây giờ Tuấn đã biết rõ ông là Tây lai, cha Pháp mẹ An nam, nhưng ông lại khinh miệt người An nam qúa. Ông cho tất cả người An nam đều là "gnak" chỉ trừ ra mẹ ông.

Tuấn hỏi lại, cũng bằng tiếng Pháp :

- Thưa ông, mẹ ông là người An-na-mít, mà bà có ghét người " nhaque " không ?

- Mẹ tao không phải là nhaque. Bà là con gái một vị đại thần ở triều đình An nam. Nếu tao muốn, tao có thể làm một ông Quan Lớn An-na-mít, nhưng tao thích làm ông Quan Tây hơn. Mầy cũng vậy, mầy đi học,sau này mày thi đỗ, mày cũng sẽ là một ông quan nho nhỏ của nhà nước Ðại Pháp Bảo Hộ.

Tuấn cười bảo :

- Nếu tôi thi đỗ sau này, tôi sẽ không làm quan.

- Vậy thì mầy sẽ làm gì ?

- Tôi sẽ làm thằng nhaque.

Ông Quan Một nghiêm nét mặt, tỏ vẻ giận, và mắng Tuấn :

- Imbécile ! ( Mầy ngốc ! ).

Tuấn trả lời :

Que voulez-vous ? Mon père est nhaque, ma mère est nhaque, j ‘ aimerais rester nhaque quand même je serais un licencié ou un docteur-ès-Lettres... (Ông nghỉ coi, cha tôi là nhaque, mẹ tôi là nhaque thì tôi cũng sẽ thích là nhaque, mặc dầu chừng đó tôi sẽ là Cử nhân hay Tiến sĩ Văn chương Pháp...)

- Mầy còn nhỏ quá, mầy chưa biết gì hết. Nhưng mầy nên biết rằng ở Nam kỳ tất cả những người An-na-mites học ở Paris về, đỗ các bằng cấp Ðại học Pháp vô dân Tây hết.

- Mỗi người có một ý thích riêng. Tôi còn nhỏ tuổi, tôi thích học chữ Pháp, tôi rất yêu các Thi sĩ, VĂN SĨ Pháp, các nhà Bác học Pháp, các bậc anh hung Pháp, nhưng tôi vẫn yêu nước An-nam hơn, tôi thích người An-na-mít hơn, mặc dầu họ là nhaque.

Tuấn bực mình vì con Vện nó cứ sủa hoài. Bây giờ nó lại đến đứng dựa vào chân Tuấn và nhìn ông Tây Quan Một mà sủa mãi, sủa mãi. Tuấn cười nói với ông Tây Quan Môt :

- Thưa Quan Một, xin ông cho phép tôi đem con chó vào nhà cho nó ngủ, kẻo nó cứ sủa hoài. Kính chào ộng.

Khi ông Quan Một lên ngựa đi và trò Tuấn cũng quây trở vô nhà, đã 11 giờ khuya, thì Tuấn thấy bà ngoại ngồi nấp sau hàng rào nghe lỏm chuyện của cháu mình đối đáp với Quan Một. Nhưng không phải một mình bà ngoại Tuấn, còn lù lù sau các bụi rậm đứng lên chín mười ngưòi đàn ông đàn bà lối xóm đi ngả sau đến đấy rình nghe tự hôì nào.

Tất cả đều trầm trồ khen Tuấn :

Chà ! Thằng Tuấn nói tiếng Tây vơí ông Quan Một nghe hay qúa, hỉ !

Rồi họ xúm lại hỏi :

- Ông Tây nói chuyện gì vậy, Tuấn ?

Tuấn cười đáp :

- Ổng nói chuyện ba-lăng-nhăng chơi cho vui, chớ có gì đâu.

Ba tháng sau, đúng một tháng sau ngày nhập trường, một buổi sáng thứ Hai, hôì 10 giờ, anh cai trường vào lớpđưa một tờ giấy cho ông giáo sư, ông giáo xem xong bảo Tuấn lên văn phòng quan Ðốc

Ông Ðốc trừng mắt ngó Tuấn : -Mầy là một thằng có đầu óc xấu ( un mauvais esprit ).

Tuấn ngơ ngác chưa hiểu gì, thì ông "Ðìa-réch-tơ ", một nhà mô phạm Pháp rất nghiêm khắc, nói tiếp :

-Trong kỳ nghỉ hè, mầy nói chuyện gì với ông F. trong khi ông đi kinh lý trong làng mầy ?

Tuấn sợ hãi, ấp úng không trả lời được. Vì Tuấn không ngờ câu chuyện phiếm đối đáp với ông Tây-lai Quan Một trong đêm hè trước cổng nhà bà ngoại, đã lọt đến tai ông "Ðìa-réch-tơ ". Chắc là ông Quan Một không bằng lòng một vài lời nói của Tuấn, và viết thư mét ông Ðốc chăng ?

Ông Xã trong làng đã cho Tuấn biết trước rằng, sáng hôm sau ông Quan Một có hỏi ông Xã về "đứa học trò nói được tiếng Tây đó là ai ? ".Ông Xã có nói rõ cả tên họ, học trường nào, và ông Quan Một có ghi trong một quyển sổ mà ông đem theo để biên chép những điều ông nghe thấy trong các hương thôn.

Tuấn bị ông "Ðìa mắng cho một trận nên thân.

giavui
06-25-2014, 05:18 PM
CHƯƠNG 11. 1920-1924

- Thầy giáo " trai gái với học trò " là một việc " động trời " ! Bị hội đồng Kỷ-luật nhà trường khiển trách và đổi đi nơi khác.

- Thanh niên và học sinh nam-nữ không bao giờ biết dùng câu " anh yêu em ", "em yêu anh " và ít dám chơi thân vơí nhau.

- Một thầy giáo " Cộng sản " bị các đồng chí bóc-lột lấy luôn cả vợ thầy làm "của chung ".

1924, thầy giáo mà yêu học trò là một điều hi hữu, một việc "động trời " không những gây ra dư luận xôn xao ở trong học đường mà " tai tiếng " còn tràn lan cả thành phố. Không riêng gì ở Qui-nhơn nơi Tuấn đang trọ học, mà ở khắp các trường học trong nước, ở Trung kỳ cũng như ở Bắc kỳ, Nam kỳ, mặc dù Nam kỳ là thuộc địa của Tây, sống dưới một luật pháp tự do rộng rãi hơn. Tiếng thông thường chưa gọi là "yêu". Người ta bảo :

Thầy giáo " trai gái " với học trò -- tiếng miền Trung.

Thầy giáo " phải lòng " cô học trò -- tiếng miền Bắc.

Thầy giáo "mèo " với học trò -- tiếng miền Nam.

Mối tình ấy bị coi là " vô luân thường ", " vô đạo đức ", bị dư luận của các gia đình phụ huynh học sinh, dưluận của toàn thể xã hội, phê bình nghiêm khắc. Không một ai bênh vực che chở cho cuộc " tình duyên tội lỗi "ấy.

Tuấn còn nhớ hồi học lớp Nhất ở tỉnh nhà, một thầy trợ giáo độ 20 tuổi ở Huế mới đổi tới, dạy học suốt một niên khóa mà không bao giờ dám nói một câu bông đùa với bốn cô học trò, 16, 17 tuổi trong lớp. Nữ sinh và thầy giáo không hề trao đổi một nụ cười, một tia mắt, hoặc hỏi han một câu gì ngoài những bài học trong chương trình. Các cô đề xưng với thầy một tiếng " con " rất cung kính.

Ấy thế, mà khi Tuấn vào học trường Trung-học Qui Nhơn lúc gần mãn niên khóa, bỗng dưng nghe xẩy ra một chuyện thầy giáo " trai gái " với học trò. Không phải ở lớp Tuấn, vì từ lớp Ðệ nhất niên (1ère Année ) trở lên, không có nữ sinh. Những cô thi đỗ bằng " Primaire "ở các tỉnh đều ra Huế học trường Ðồng-Khánh, trường Nữ Trung học duy nhất, lừng lẫy tiếng tăm ở Trung kỳ.

Lớp Nhất trường Qui Nhơn có 6 cô nữ sinh : Yến, Nhạn, Lài, Thục, Trâm, Anh. Trò Tuấn nhớ tên sáu cô là nhờ một đêm trời mưa, trò có đến chơi nhà trọ của bốn cô sau, và làm một bài thơ đùa nghịch tặng các cô :

Yến, Nhạn đa tình,

Trâm, Anh : duyên trinh

Thục : lưng quần đỏ,

Lài, nhỏ xinh xinh.

Yến và Nhạn là hai chị em ruột, con gái một bà Quan Lớn, góa chồng mà học trò đồn là tình nhân của ông "Ðià-réc-tơ " và cả của ông Gabriel, giáo sư Toán. Bà rất đẹp, và hai cô cũng rất đẹp, có vẻ quí phái, trông đa tình ghê. Trâm và Anh độ 15,16 tuổi, duyên dáng mặn mà, lại hay bẽn-lẽn, đi học cứ che nghiêng cái nón gò-găng, sợ học trò con trai nhìn mặt. Thục, nước da ngâm ngâm đen, đi rất chững chạc, và chuyên môn mặc quần trăng đầm đen mà lưng quần thì may bằng vải cầu-kiều đỏ loét. Trò Tuấn cứ chế nhạo cái mầu đỏ ấy hoài, nhưng Thục không bao giờ thay lưng quần màu khác. Cô Lài, con gái bà chủ trọ của các cô, người nhỏ bé xinh xắn, và rất vui tính, cứ theo chọc trò Tuấn hoài. Nói đúng ra, thì cô nào cũng ưa "phá rầy " trò Tuấn, và những đêm trời mưa. Chủ Nhật, thứ Năm, Tuấn thường đến nhà trò chuyện với bốn cô. Tuấn nói chuyện đời xửa đời xưa, chuyện tam hoàng ngũ đế, chuyện rồi ngâm thơ đánh đàn, hoặc chỉ dùm các cô về Pháp-văn, vì cô nào cũng ngán văn phạm. Bốn cô cứ ra phố mua kẹo thèo lèo, một xu được một gói, về lo lót cho Tuấn, để nhờ Tuấn "gà" cho bài Luận Pháp văn.

Lần nào thầy giáo chấm bài luận của bốn cô cũng cho nhiều điểm. Tụi học trò con trai lớp Nhất cứ thua điểm bốn cô con gái, và bị thầy la rầy, tức mình đi rình các cô, nhưng không bao giờ bắt gặp các cô mua kẹo thèo lèo để hối lộ cho Tuấn. Mãi sau này, ba bốn chục tuổi, Tuấn vẫn ghiền kẹo thèo lèo, nguyên do cũng tại các cô ấy. Tuấn đánh đàn không hay, chỉ từng -tứng –tưng một đôi bản hành vân, lưu thủy, thơ thì tập tểnh năm ba vần cóc nhái, nói chuyện thì lung tung thiên địa, nhưng bốn cô học trò lớp Nhất lại thích chơi với Tuấn. Có lẽ vì Tuấn học lớp trên, và chỉ có Tuấn là thường đến nói chuyện vui vơí các cô trong những đêm mưa buồn, ơn-ớn lạnh...

Các trò khác mắc cở, đâu dám bước chân đến căn nhà trọ mỹ miều nghiêm trang ấy. Nhiều đêm trời mua tầm tã, các cô muốn Tuấn ở lại, Tuấn kể những chuyện tình Tây phương rất cảm động, mà Tuấn đã đọc trong các bộ tiểu thuyết Pháp, Graziella chẳng hạn, hoặc Andromaque, Télémaque, La Dame aux Camélia, bốn cô hồi hộp ngôì nghe, bốn cặp mắt huyền mơ cùng uống trên môi Tuấn những lơì ngây ngô thơ mộng. Cho đến hai ba giờ khuya, nghe dứt chuyện, bốn cô say sưa lăn ra ngủ trên giường, trong chiếc mùng trắng xóa. Trò Tuấn cũng buồn ngủ quá rồi, nằm chèo queo trên chiếc ghế dài, lạnh ngắt. mưa dầm dề, gió rít hiu hiu. Trò thiu thiu ngủ, nhưng vẫn cảm thấy như có mấy bàn tay dịu dàng khẽ đắp lên cho trò hai chiếc chiếu hoa. Lúc bấy giờ chưa có mền. Ngọn đèn Huê-kỳ hết dầu đã tắt ngấm từ bao giờ.

Một số đông học trò lớp Nhất và lớp Ðệ Nhất niên đồn đãi rằng trò Tuấn " trai gái " với bốn cô học lớp Nhất, ở trọ nhà bà Mười. Nhưng đấy chỉ là lời đồn xuyên tạc, hoàn toàn " vô căn cứ ". Chứ " trai gái " làm sao được với bốn cô một lúc, và trò Tuấn mới có 16 tuổi, các cô học lớp Nhất cũng mới có 14, 15 tuổi thì biết gì mà trai gái ?

Nói có Trời làm chứng, trò Tuấn với bốn cô bạn gái có giao du thân mật với nhau thật sự, nhưng chỉ thân mật trong cái vòng lẩn quẩn loanh quanh của tình học trò, chứ chưa bao giờ họ trao đổi với nhau một lời hứa hẹn " tơ-lơ-mơ ", hoặc một câu tâm tình say mê rạo rực...

Năm 1924, trong đám học sinh " An nam ", chưa ai được nghe văng vẵng câu :" anh yêu em " hay " em yêu anh ". Mặc dầu là những học trò đã to đầu, lớn xác, học ở các lớp Ðệ Nhị, Ðệ Tam niên, cũng chưa ai biết hôn môi, hôn má là gì. Không bao giờ người ta thấy bóng một cặp thanh niên, thiếu niên nam nữ, đi chung với nhau ngoài phố, hay bất cứ ở đâu. Con gái riêng phần con gái, con trai riêng phía con trai, gặp nhau trước cổng trường, cũng đi né sang bên, trông thấy nhau ngoài đường phố cũng không đứng lại ngó nhau cười, hay nói vài ba câu chuyện.

Chuyện " trai gái " không phải là không có. Ở thời nào, nơi nào mà không có " trai gái "Nhưng " trai gái " chỉ viết một vài lá thư kín đáo gởi lén cho nhau, thêu cho một vài chiếc khăn, gởi cho một vài chiếc bánh... Thế thôi.

Dù có thề non hẹn bể cũng chỉ trên giấy mực, tuyệt nhiên không có cô cậu nào dám cắp tay nhau đi nhởn nhơ ngoài phố, hay đem nhau ra ngồi ngoài bãi biển, hay trên động cát mênh mông.

Ấy thế mà bổng nhiên xảy ra vụ thầy giáo lớp Nhì " trai gái " với cô học trò trong lớp, làm câu chuyện đầu môi cho toàn thể mấy trăm học trò cả trường. Thầy còn trẻ, người Huế, vào khoảng 20,21 tuổi, chưa có vợ. Cô học trò cũng người Huế, độ 14,15 tuổi. Một buổi tối, khoảng 8 giờ, trò Tuấn đi lang thang hóng gió trên con đường vắng vẻ trước trường. Tình cờ trò thấy hai bóng trắng trong một xó tối gần một ngôi mộ vôi. Ðường này xcó tiếng là có nhiều ma, vì trước kia là một nghĩa địa, mồ mả ngổn ngang trên một động cát hoang vắng.


Tưởng hai bóng trắng là hai con ma, Tuấn vụt chạy. Một lúc sau, một cậu học trò khác đi xe đạp ngang qua đấy, trông thấy hai bóng trắng cũng tưởng là ma, cũng cấm đầu khom lưng đạp xe thật nhanh. Hai trò gặp nhau ở trước cửa nhà Lao, cậu nào cũng hớt hơ hớt hãi nói chuyện với một người lính tập :" có hai con ma mặc toàn đồ trắng hiện lên ở chỗ Mả Vôi ngoài gốc sân trường. Người lính tập bảo :" Ma đâu nào ? Các cậu chỉ tôi xem, tôi oán nó chết ngay bây giờ ". Người lính mang súng đi với hai cậu học trò trở lại chỗ Mả Vôi. Hai bóng trắng đứng sát gần nhau, và yên lặng, không nhúc nhích. Người lính nạp đạn vào súng rôì hô lớn :" Có phải ma không ? Tôi bắn chết chịu đấy nhé ". Bổng " ma " cất giọng run run :" Không phải ma. Ðừng bắn tụi tui ". Ma nói giọng Huế. Người lính lại bảo :

- Không phải ma, thì ai ? Xưng tên lên, không thì tôi bắn.

Ma tự giới thiệu :

- Tôi là thầy giáo

Ma đủng đỉnh đi ra...

Tuấn vẫn còn lạnh xương sống, vì trò nghe người ta nói rằng ma thường giả dạng làm người. Bóng ma mỗi lúc mỗi hiện ra rõ rệt với chiếc áo daì trắng, quần trắng, tà áo phất phơ trong gió. Tuấn chăm chú nhìn dưới chân ma, nếu phải là ma thì chân đi lơ lửng trên không khí, còn trái lại nếu chân đạp trên đất thì đúng là người. Tuấn vô cùng ngạc nhiên thấy bóng trắng bước đến gần trò chính là thầy giáo lớp Nhì, thầy L.

Lễ phép, Tuấn và người học trò kia đều khẽ cúi đầu :" Thưa chào thầy ".

Câu chuyện tò mò của bác lính tập và hai cậu học trò đáng lẽ đến đây có thể chấm dứt được rồi. Không dè bác lính tập quái ác, lấy tay chỉ một bóng trắng còn đứng yên bên Mả Vôi trong bóng tôí lờ mờ ghê rợn, vì đường phố không có đèn. Y hỏi :

- Còn con ma nào kia nữa ?

Thầy giáo lớp Nhì lính...quýnh, bập bẹ trả lời :

- Cô em...em của tôi đấy.

- Kêu em thầy ra đây. Sao lại đứng đó ?

Bóng trắng cứ đứng yên một chỗ. Người lính hăm dọa :

- Không ra đây, tui bắn chết chịu à !

Bây giờ trò Tuấn mơí nhận thấy là người lính tập hơi say rượu, giọng nói của y hơi lè nhè. Thầy giáo L. lên tiếng gọi :

- Ði ra, em !

Bóng trắng đủng đỉnh bước ra. Trời tối, Tuấn chưa trông rõ mặt, chỉ thấy thoáng qua hình dáng thiếu nữ, Người lính say rượu hỏi :

- Cô làm gì chỗ cái Mả Vôi đó ?

Giọng cô thiếu nữ Huế trả lời rất nhỏ :

- Dạ...có làm chi mô có...

Tuấn bước kề lại xem, bổng reo to lên :

- Tưởng ai, cô Hoa học trò lớp Nhì đây mà !

Người lính tập say, tay cầm súng lại ngó thầy giáo và tiếp tục hỏi :

- Thầy làm chi trong nớ với cô học trò nhỏ ni ?

- Nó là...em...của tôi...Nó đi tiêu...nó sợ ma..tôi phải đi với nó...

Người lính phá lên một trận cười làm tan vỡ cả bầu trời vắng lặng. Anh ta quay lại ngó thầy giáo :

- Thôi, xin chào thầy, hỉ !

Giọng nói khôi hài, mỉa mai, cay đắng, điểm theo một tràng cười kế tiếp, sặc sụa, vang cả động cát và khu Học đường. Người lính đi xa xa...biến hẳn nơi mút đường tối om, nhưng tiếng cười của anh cứ còn văng vẵng....Hả !...hả !...hả !...hả !...

Hai cậu học trò cũng vụt chạy mất, để lại cho hai bóng trắng còn tần ngần giữa đường, một chuổi cười hăng hắc...

Sáng hôm sau hai cậu phao ra cái tin "động trời " cho cả trường và cả thành phố Qui-nhơn hay : thầy giáo với cô học trò.

Mấy hôm sau, cô Hoa, học trò lớp Nhì không đi học nữa, và anh " planton " ( tuỳ phái ), nhà trường có thóc mách cho học trò biết rằng thầy Trợ giáo lớp Nhì bị Conseil de Discipline ( Hội đồng kỷ luuật ) của các giáo sư và ông Ðốc khiển trách nặng nề. Ít lâu sau thầy bị đổi đi tỉnh khác. Theo mấy cậu học trò ở Huế cho biết thì thầy giáo và cô học trò cả hai đều quê quán ở Ðế Ðô, đã về làm đám cưới tại Huế trong kỳ nghỉ hè năm ấy.

Thà như thế còn hơn ! Vì giá như trò Tuấn không trông thấy hai bóng ma ở Mã vôi trong một đêm tối trời, thì biết đâu cuộc tình duyên vụng trộm của thầy giáo và cô học trò lớp Nhì sẽ có thể đổ bể tùm lum ra nữa mà hậu quả sẽ tai hại biết bao nhiêu.

Vụ Thầy giáo trai gái với học trò làm xôn xao dư luận ở học đường và cả thành phố suốt một tháng trời. Thỉnh thoảng về sau, người ta vẫn còn ưa nhắc lại. Nhưng riêng trong đám nữ sinh, không hề có một lời bình phẩm. Các cô mắc cỡ. Không ai bảo ai, tất cả các cô đều giữ thái độ hoàn toàn im lặng trước tai tiếng ấy. Có lần Tuấn dựa hơi quen thân với bốn cô lớp Nhất, Trâm, Anh, Lài, Thục, đánh bạo hỏi các cô :

- Sao, các cô có bênh vực con nhỏ học trò lớp Nhì với thầy trợ giáo Liên không ?

Tức thì cô Anh đánh vào cánh tay Tuấn một cái đau điếng :

- Anh Tuấn kỳ quá ! Hỏi chuyện chi nớ ?

- Hỏi cho biết chơi !

Nhưng không một cô nào muốn trả lờì, Tuấn mới kể lại câu chuyện gặp ma ( kể lần thứ ba, thứ tư...) và cười giỡn, cố ý tạo ra không khí thân mật hơn để các cô thổ lộ vài câu tâm sự. Mãi khuya gần đi ngủ, cô Trâm mới vừa ngáp vừa nói :

- Có con Hoa nó thành yêu, thành tinh như vậy, chớ con gái gì mà lăng nhăng thế bao giờ .

Cô Lài cắt ngang :

- Ối ! Nói làm chi chuyện xấu xa nớ mà nói hoài !

Tuấn lại hỏi cô Thục, cô lưng quần đỏ và giây lưng đỏ. Cô này theo đạo Thiên Chúa.

- Còn cô Thục, cô nghĩ sao ?

Thục đỏ mặt tía tia, hai mí mắt cứ chớp lia lịa. Cô mắc cỡ không nói, hỏi mãi cô mới trả lời :

- Chúa không tha cho những tội lỗi như vậy đâu.

Tóm lại, thân lắm mơí được nghe các cô nữ sinh tỏ bày " quan điểm " và tất cả đều cương quyết kết tội thầy trợ Liên và cô học trò lớp Nhì.

Cả thành phố không có được một người đàn ông nào lên tiếng bào chữa cho thầy trợ giáo, hoặc một người đàn bà, một cô gái, bênh vực cho cô học trò lớp Nhì.

Trong hoàn cảnh " thuần phong mỹ tục " của xã hôị An nam 1924 như vừa phác họa, thật không có chỗ nào cho một tình duyên tự do lãng mạn. Tôi đã nói " thế hệ ấy chưa dám dùng chữ " yêu " và chưa có ai dám thực hiện " tình yêu " sỗ sàng công khai.

Ðôi " trai gái " chỉ nói " thương " nhau. Chữ " thương "ấy có thể chứa đựng một cảm tình rất thiết tha, nhưng vẫn lén lút, gìn giữ, sợ sệt. Cho nên có câu thông dụng " thương vụng nhớ thầm " và truyền thống tình cảm vẫn chặt chẽ ở Trung kỳ cũng như ở Bắc kỳ và Nam kỳ, ở thành thị trong đám trí thức và thanh niên Tây-học cũng như ở hương thôn.

Bây giờ tôi xin kể chuyện một thầy Trợ giáo lớp Năm, thật là buồn cười. Không phải là một vụ trai gái, mà là một vụ " cộng sản ". Năm 1924, Cộng sản đã bắt đầu tuyên truyền bí mật trong các giới gọi là " trí thức " nhất là giáo giới. Dĩ nhiên là " Quan Tây " và " Quan An nam " không hề biết một tí gì về các sự kiện ấy, cũng như họ chẳng biết gì về hai tờ báo Le Paria và Việt Nam Hồn ( của Ðảng Ðộc Lập Việt Nam ở Pháp hoàn toàn không có dính líu gì với cộng sản cả ).


Trong toàn thể đám Ðốc học ( Giáo sư tốt nghiệp Cao đẳng đại học Hà nội ) và Trợ giáo ở Qui-nhơn, chỉ có mỗi một thầy trợ giáo lớp Năm là theo lý thuyết Cộng sản, và thầy hiểu Cộng sản với ý nghĩa tuyệt đối giản dị là tất cả của cải đều là của chung. Chính trò Tuấn cũng được thầy Trợ giáo lớp Năm rủ đến nhà thầy chơi, và tuyên truyền. Hình như không những riêng ở nhà trường, mà kể cả thành phố Qui-nhơn, chỉ có mỗi một thầy Trợ giáo lớp Năm là theo Cộng sản, nghĩa là theo chủ trương như thầy thường tuyên bố :" của đời muôn sự của chung. Không có vật gì là riêng của ai cả ".

Thế rồi một hôm có một anh thợ chụp hình ( tuy là người thợ chụp hình duy nhất trong thành phố, nhưng tiệm anh vẫn nghèo nàn ) đến xin vô đảng, và nói :" Tôi cũng xin theo làm cộng sản đệ tử của thầy ".

Thầy mừng quá, và khi anh thợ chụp hình đã biết trước rằng thầy có một cái máy chụp hình mới mua, anh hỏi :

- Thưa thầy Trợ, thầy đưa cho em cái máy đó để em dùng được hông ?

Trung thành theo thuyết cộng sản của thầy, thầy Trợ vui vẻ đưa máy cho anh thợ chụp hình. Hai hôm sau, một thầy Thông làm việc ở sở Thương chánh đến nói với thầy Trợ :

- Tôi đến đây xin làm đệ tử Cộng sản của thầy đây.

Thầy Trợ vui mừng nhận người đệ tử mới. Nhưng thầy Thông Thương chánh biết nhà thầy Trợ có một máy hát và 20 đĩa cải lương, liền bảo :" Thầy cho tôi cái phonographe và 20 cái Disques đó về vặn nghe hỉ ? "

Thầy trợ rất sốt sắng trao máy hát và 20 đĩa hát cho người đệ tử Cộng sản mới của thầy, cũng như thầy đã trao máy chụp hình cho anh "đồng chí " thứ nhất.

Dần dần, trong 3 tháng, số người xin " làm cộng sản " với thầy Trợ rất đông. Mỗi người đệ tử mới đến đều xin của thầy một món đồ : từ cái đồng hồ trái quít treo tòn ten trên vách tường, đến cái đồng hồ báo thức đặt trên bàn thờ Ông Bà. Các đảng viên cộng sản của thầy lấy mà không đem trả lại, và họ cũng không đưa cho các đồng chí khác để thay phiên nhau dùng theo thầy trợ căn dặn.

Thầy trợ Tố ( tên thầy ) rất hãnh diện đã kết nạp được một số "đồng chí cộng sản " khá đông. Thầy rất vui vẻ, sốt sắng, thực hành đúng theo đường lối chủ trương cộng sản của thầy, là trao hết các đồ dùng trong nhà cho các đồng chí xử dụng. Thầy thường ưa thuyết cho Tuấn và các trò khác nghe rằng : Cộng sản là như vậy đó, nếu trên đời này ai cũng chia của đồng đều cho nhau, đừng ai tham lam giành giữ làm của riêng mình thì sẽ có " thế giới đại đồng ".

Một hôm, cô Trợ than phiền rằng tất cả quần áo, chén dĩa, nồi đồng, mâm thau, thầy đã chia hết cho hang xóm mỗi người một mớ, để họ đem về nhà làm " của chung ", đến nỗi bây giờ ở nhà chỉ còn mỗi một nồi đất mà thôi.

Thầy Trợ Tố thường giảng dạy :

- Cộng là chung, sản là của. Cộng sản là của chung. Của mình tức là của chung hết thiên hạ. Vợ của tôi, ai xin tôi cũng cho.

Cô Trợ tức mình và xấu hổ, ôm mặt khóc hu hu cả mộ buổi chiều. Thế rồi có một anh chàng đẹp trai, con thứ bảy của một ông thầy thuốc Nam, anh ta đang soạn tuồng cải lương và định lập một gánh hát Bình Ðịnh -- buổi chiều đó lò dò đến nhà thầy Trợ, xin vào đảng Cộng sản. Thầy mừng rỡ đón tiếp và nhận anh làm đồng chí, bảo cô Trợ pha trà đãi người đảng viên mới. Uống xong một tách trà nóng, đồng chí cải lương tủm tỉm cười bảo :

- Thưa thầy, thầy cho em mượn cô Trợ về ở chung với em có được không ?

Thầy Trợ cười hãnh diện :

- Ðược chớ. Của đời muôn sự của chung. Của tôi, tôi phải chia cho người khác dùng. Của anh cũng vậy. Mình là cộng sản, phải thực hành lý thuết đó chứ...Nhưng anh mượn vợ tôi rồi phải trả lại cho tôi nghe không ?

Ðồng chí cải lương cứ tủm tỉm cười :

- Dạ

- Chừng nào trả ?

- Dạ, chỉ vài ba tháng, cô Trợ giúp tôi lập gánh cải lương xong rồi tôi trả lại thầy, vì nghe nói cô Trợ có giọng ca tứ-đại-oán nghe mê.

- Ừ phải, vợ tôi ca tứ-đại-oán thì hay kinh hồn. Anh muốn mượn vợ tôi thì tôi sẵ sàng cho mượn, nhưng ba tháng anh phải trả lại tôi nghe không ?

- Dạ, Thầy Trợ nói đúng quá. Vậy mới là Cộng sản chứ hỉ !

Cô Trợ nằm trong buồng nghe rõ câu chuyện, khóc thút thít, nhưng không biết nghĩ sao, cô vùng đứng dậy, xách nón ra bảo chồng :

- Cơm chưa nấu, nghe ! Cái nồi đất bể rồi. Thầy chịu khó đi ra chợ mua cái nồi khác về nấu cơm. Tôi đi với anh này.

Nói xong, người đồng chí mới của thầy Tố chào thầy rồi cùng với vợ thầy ra đi.

Nhưng câu chuyện đến đây chưa chấm dứt. Vì sáng hôm sau thầy Trợ Tố đến nhà người đệ tử để bắt vợ về. Thế là có cuộc cải lộn rồi đánh lộn. Vợ thầy trợ Tố lại xách nón ra đi, và lần này cô đi mất biệt, không ở với anh bầu cải lương, mà cũng kgông trở về nhà ông chồng " Cộng sản ".

Kế đó, phong trào cộng sản của thầy Trợ Tố tự nhiên giải tán. Thầy Tố cũng bị đổi đi tỉnh khác.

giavui
06-25-2014, 05:19 PM
CHƯƠNG 12. 1920-1924

- Thuốc hút " Mélia ", sản xuất tại Saigon, được thông dụng nhất trong nước, có hình Tây Ðầm hun nhau.

- Một bài ca Hành vân bằng tiếng Pháp, được học sinh hoan nghênh nhất.

- Chưa có " Báo Xuân ", Báo Saigon, Hà Nội, không có báo ở miền Trung và các tỉnh xa.

- Một ông Chủ-bút ở Saigon đến tỉnh, là cả một thần tượng đối với thanh niên, học sinh.

- Một nhóm " học trò lớn " dự định hùn tiền vô Saigon lập một tòa báo.

- Lần đầu tiên một cậu học trò tập-tểnh "viết báo.

Cuối năm 1924 cũng là gần hết năm Giáp Tí. Ðâu đấy đều bắt đầu sửa soạn "ăn Tết ". Học trò các trường đều được nghỉ trước ngày 23 tháng Chạp năm ấy là ngày 17 tháng janvier 1925, và nghỉ Tết được một tháng. Nửa tháng trước, hầu hết học sinh quê quán ở tỉnh xa đều nhận được "mandat" của cha mẹ gửi vào cho để mua vé xe hơi về "ăn Tết "ở tỉnh nhà. Trước khi tạm biệt thành phố, học trò mỗi lớp tự động rũ nhau đi chúc Tết các vị giáo sư. Tuấn bây giờ thuộc về lớp lớn, không như hồi năm trước còn đem qùa bánh đến Tết thầy, và đọc diễn văn mừng tuổi thầy. Chỉ học trò các lớp Tiểu học, từ lớp Nhất xuống lớp Ba, vẫn còn giữ tục lệ tốt đẹp ấy. Học trò lớp lớn từ Ðệ Nhất niên Trung học trở lên, không đọc chúc từ và cũng không dâng Thầy các lễ vật nữa. Không phải vì không có lòng kính Thầy như xưa, nhưng vì một lý do rất dễ hiểu là hồi ở lớp Nhất chỉ có một hai giáo sư, mà bây giờ mỗi lớp có đến 4,5 vị Giáo sư. Học trò làm gì có nhiều tiền mua sắm lễ vật đầy đủ để đi Tết tất cả ngần ấy ông giáo. Sau khi bàn tính kỹ lưỡng, trò nào cũng muốn để dành tiền mua qùa và chơi Xuân, toàn thể đều đồng ý đi tay không đến mừng tuổi suông 5 vị Ðốc học ( giáo sư ) An nam. Ðối với ông Hiệu Trưởng và các giáo sư Pháp thì đã có một số đại diện đi chúc Tết hôm đầu năm Tây rôì ( Tết Tây )

Riêng trò Tuấn được bốn cô lớp Nhất để dành cho một món qùa không ngờ. Trước hôm xách va li lên xe hơi về quê nhà ăn Tết, Tuấn đến thăm một buổi tất niên tại nhà trọ các cô. Ngồi uống trà và nói chuyện vui đùa với nhau một lúc, cô Anh mở rương lấy ra một gói thuốc hút Mélia. Lúc bấy giờ ở Trung kỳ chỉ có mỗi một thứ thuốc gói Mélia đó mà thôi ( Bastos cũng chưa có ). Trong mỗi gói thuốc Mélia đều có một tấm hình chụp một cặp Tây Ðầm hôn nhau rất tình tứ -- và nhiểu kiểu Tây Ðầm khác nhau, tất cả đều say mê âu yếm, chụp ở Paris và in mầu tuyệt đẹp. Học trò thích gói Mélia lắm nhưng không có tiền mua vì bán đắt đến năm cắc bạc một gói, chỉ có các ông Giáo sư và các thầy Thông, thầy Phán có tiền xài bảnh mới hút được thứ thuốc đó. Thỉnh thoảng trò nào xin được của ai một tấm hình Mélia đem khoe, cả lớp xúm kại coi coi vẻ thèm thuồng lắm. Thuốc Mélia lúc bấy giờ hút đắng nghét, còn tệ hơn các loại thuốc bình dân hiện nay, nhưng nó quí là vì có tấm hình in Tây Ðầm hôn nhau, kèm trong bao thuốc bọc giấy bóng, và nó lại là loại thuốc gói đầu tiên quấn bằng máy từ Saigon gởi ra bán mắc tiền, chỉ những người giàu sang mới mua nổi. Kể ra, nó còn quý hơn thuốc thơm Craven A hay 555 hiện nay.

Hôm Tuấn đến nhà trọ bốn cô Anh, Trâm, Thục, Lài để thăm tất niên trước hôm về quê ăn Tết, cô Anh đưa cho Tuấn gói thuốc Mélia, và cười bảo :" Tụi em biếu anh gói thuốc để Tết anh hút chơi ". Tuấn ngạc nhiên và cảm động ngôì làm thinh một lúc Tuấn ngắm nghía tấm hình đôi trai gái Tây Ðầm hôn nhau say mê, với một câu thơ Pháp in dưới bức hình :

Bonne année, parfait amour,
A Toi seul, à Toi pour toujours.

Loại thơ rẻ tiền, nhưng đối với tuổi trẻ thời bấy giờ thật là đầy ý nghĩa thơ mộng :

Chúc mừng năm mớí, tình yêu diễm tuyệt,
Chỉ tặng Anh thôi, của Anh mãi mãi.

Tuấn nghẹn ngào nói không ra lời, nhưng cố nghĩ ra được vài câu thơ, rồi mượn bút viết trên một mảnh giấy :

Một món qùa Xuân, cảm xiết bao !
Lấy chi đền đáp nghĩa thanh cao !
Vái trời phù hộ cùng thi đậu
Lài, Thục, Trâm, Anh, thỏa ước ao !

Thơ học trò chỉ làm được thế thôi, và không biết nói gì hơn nữa. Bốn cô Lài, Thục, Trâm, Anh, cũng sung sướng ngâm thơ, reo cười rộn rã. Tuấn để dành gói thuốc Mélia để Tết hút lén, vì học trò thời bấy giờ không dám hút thuốc. Nhất là để khoe với bạn bè tấm hình Mélia hiếm có.


1924, phong trào hát cải lương ở Nam kỳ mời tràn lan ra các tỉnh miền Trung, được dân chúng hoan hô niềm nỡ. Tất cả học trò Trung học, Tiểu học, và nhiều vị Giáo sư đều thuộc lòng một bài " Hành Vân " bằng tiếng Pháp, trích trong một tuồn Cải lương của mộ đoàn hát Cải lương Saigon đem ra diễn taị rạp Qui-nhơn trước hôm Tết, như sau đây :

Tiếng Pháp :

Chers enfants...
Vous êtes de jeunes gens
Travaillez
Et rappelez-vous
Que le temps qui passe
Marche vite..
Et ne se retrouve jamais
Quand on veut qu' il se rattrape.
Arbres qui poussent,
Sources qui coulent,
Pierres qui roulent
Marquent le temps qui s' écoule,
S' écoule
Un jour fuit,
Une bourse pleine d' or
De notre trésor
Finira alors, alors,
Tout autre bien ira encore
Nous ne devons pas
Perdre ce riche trésor.

Phiên âm ra tiếng An nam thành điệu " Hành Vân " trong tuồng cải lương như sau đây :

Là sẹ cái dâng phần
Vu-dét đờ jơ-nơ-jâng,
trờ ra...mà ra vây đế
Ê-ráp-cái-pờ-lê-vu
Cờ lơ tân ki pạt
Mạc-sờ sờ vít.
Ê nơ xơ rờ-tờ-ru-vờ jă-me
Cân tong vờ kin sơ rất tờ -ráp,
Ác-bờ-rờ-ki-pút
Xuộc-sờ ki cun
Pi-ẹ cái ki-ràn
Mạc-cờ lơ tang ki sệ cun, sệ cun,
Ùn jua fúy
Uyn-buộc-sơ-plen-dò
đờ-nốt-tờ-rê-dò
phi-ni-ra ạ-lo ạ-lo,
tú tốt tờ rờ-biển la-ra ân co
nú nơ... mà đờ-vông-pá
pec đờ-rờ xơ-rít trề-do.

Lấy đờn nguyệt đánh bài Hành vân chữ Tây này nhịp với lời ca nghe vui tai lắm.

Mấy cô học trò con gái cũng đều thuộc lòng, và một buổi trưa thanh vắng Tuấn đã được nghe cô Lài ở lớp Nhất nằm võng ru em bài Hành vân " là sẹ cái dâng phần "...

Tết về tỉnh nhà, Tuấn lại được nghe một bạn đồng hương học ở Quốc học Huế về hát bài " Hò Sông Huơng " như sau đây:
"Tiếng Pháp bồi" :

Depuis que je te connais,
Jusqu' ici six sept années
ở chàng, chàng ơi ! ớ chàng ! chàng ơi !
v.v...

Phiên âm ra tiếng Huế :

Ðờ-puy-cờ-jơ-tơ-cò nét
juịt-ki-xì xịt-xệt tan-nê,
ớ chàng ! chàng ơi !...ớ chàng, chàng ơi...
v.v...

Thế là mấy ngày Tết, Tuấn và mấy bạn học ở Huế về, cùng nhau đánh đờn và hát toàn những bài hò và bản cải lương trên kia, coi bộ khoái lắm. Bà con cô bác trong tỉnh, trong làng, cũng nghe say mê.


Mấy ngày trước Tết từ thành thị đến thôn quê, ai nấy đều rộn rịp lo Tết. Mấy ông Xã, ông Chánh tổng, bưng lễ vật đi "Tết "các quan Huyện, quan Phủ. Lễ vật phần nhiều là trứng vịt, đậu xanh, đường cát, nếp và trà Tàu, rượu Tàu. Ðôi khi có cả gà vịt nữa, hoặc bún bánh tráng, mật ong. Các quan Huyện, quan Phủ, thì lựa trong các món qùa Tết của các hương lý, những món qùa nào đắt tiền hơn và quý gía hơn, đem đi Tết các quan Tuần Vũ, quan Tổng Ðốc trên tỉnh. Các ông này lại đem một ít lễ vật đi Tết các quan Tây Công Sứ, Phó Sứ, v.v...

Mấy thầy Thông, thầy Phán làm việc Nhà Nước Bảo Hộ muốn lấy lòng các quan Tây, cũng bày ra "tết nhứt ".Nhưng riêng từng cá nhân mỗi thầy đem lễ vật Tết đến dâng các quan Xếp ( chefs ) tuỳ theo số lương và địa vị mỗi người. Họ "tết "như thế chỉ có một mục đích là hy vọng được Quan cho tăng lương và được mau thăng quan tiến chức. Duy có Phán Tuấn, anh của trò Tuấn, không đi Tết nhứt ai cả. Theo xã-giao ngày đầu Năm, Phán Tuấn đến chúc Tết hai vợ chồng ông Sứ mà thôi. Thế mà ông chủ tỉnh Pháp lại bằng lòng hơn. Ông bắt tay niềm nỡ chào Tuấn, mời Tuấn một ly rượu sâm banh và khen Tuấn :" Tôi thích anh đến thăm tôi ngày Năm mới với tấm lòng thành thật như thế này hơn là kẻ khác. Như các quan An nam đem đến cho tôi rượu trà và bánh mứt, hang thùng và hành két, tôi và vợ tôi không biết để đâu, và không biết ăn đế nbao giờ mơí hết ! Tôi muốn cấm việc tặng lễ vật, nhưng sợ mếch lòng các quan An nam ! "Thường thường các ông Tây đem các lễ vật kia cho lại bồi bếp, chỉ giữ một vài món quí

Chiều 30 Tết, Tuấn em vác cuốc đi theo cha dẫy mả ( tảo mộ ) Ông Bà. Xong rồi, về nhà giúp cha đào một lỗ sâu trện sân, ngay trước cửa nhà giữa, để trồng một cây nêu. Ðây là một cây tre cao suông đuộc và ngay thẳng nhất, róc hết lá, trên đầu ac6y có cột một túp lông gà và treo một lồng đèn bằng giấy dầu, đêm thắp bằng dầu phọng trong một cái đèn nhỏ, cháy leo lét suốt đêm.

Ðộ 6 giờ chiều, ông Ba thợ mộc, cha trò Tuấn, và con trai trưởng là thầy Phán Tuấn ( Anh Tuấn ) thắp đèn hương trên bàn thờ để cúng Ônb Bà một lễ Tất niên. Mâm cơm cúng đã dọn lên trên bộ ngựa kê ngay trước bàn thờ. Anh-Tuấn đã dọn dẹp bàn thờ sạch sẽ từ buổi sáng và chưng trên đó một bình bông, thường là hoa đuôi phượng hay hoa vạn thọ, hoa cúc, hoa huệ tất cả đều có ý nghĩa tinh khiết thanh cao, hoặc trường cửu. Ít ai cắm hoa hồng hay các loại hoa khác. Ðôi khi người ta cũng đặt một ngọn cây chuối con trên một cỗ bàn và cắm kín chung quanh ngọn chuối những bông trường xuân màu tím, và bóng vạn thọ màu vàng. Cây chuối tượng trưng tình hiếu thảo của con cháu đối với Ông Bà Cha Mẹ...

Anh-Tuấn cũng đã đặt trên bàn thờ một hộp thau đựng sáu miếng trầu têm sẵn, với sáu miếng cau tươi, và một tách nước lạnh thật trong "để Ông Bà súc miệng ", hai ly để đựng rượu và một bình trà với bốn cái tách. Lư trầm đặt ngay giữa bàn thờ, trước bức chân dung của Ông Bà, hay một bài vị nếu không có hình ảnh.

Cúng tất niên xong là đốt pháo. Ðây là một việc mà Tuấn-em thích nhất. Nghĩa là không bao giờ Tuần dám tự mình cầm pháo châm kửa đốt, mà chỉ ngồi xa xa, chờ xem người khác đốt, và bịt tai nghe văng vẵng tiếng pháo nổ chat chúa dồn dập buổi cuối năm và nhìn xác pháo rụng ngập đỏ thềm nhà.

Chiều Ba mươi Tết, tâm hồn Tuấn nôn nao chờ đợi Tết như ai....


Năm 1924, khắp nước An nam không có được một tờ Báo Xuân. Ở Hà nội chỉ có những tờ Thực nghiệp dân báo, Khai Hóa, Hà Thành Ngọ Báo, Trung Bắc Tân Văn...ấn loát tèm lem chữ cùn, giấy xấu, bài vở khô khan, tin tức sơ sài, không được phát triển mạnh mẽ trong quảng quần chúng. Báo chí chỉ lưu hành trong giới trí thức tư sản và tiểu tư sản, và trong một phạm vi nào đó thôi. Bình dân lao động không quan tâm đến, và trong hòan cảnh thực tại thời bấy giờ ở báo chưa phải là món cần thiết cho đời sống hàng ngày của dân chúng. Phạm vi hoạt động của báo chí không được sâu rộng lắm và tờ báo không có liên lạc mật thiết với độc giả. Vì thế, cuối năm các báo chí ra số Tất niên mà không cần hình thức duyên dáng mỹ miều hơn số hàng ngày... Ấn loát bài vở cũng theo như thường lệ, chỉ có rải rác đôi ba bài thơ xuân của các nhà Nho, gọi là có chút hương vị của ngày Xuân thế thôi.

Ở Saigon, phạm vi ảnh hưởng của báo chí được sâu rộng hơn, dân chúng coi báo nhiều hơn. Những tờ nhật báo đương thời như Công Luận, Sài thành, Ðiện tín, Ðuốc nhà nam...đều được phổ biến khắp nơi. Tuy nhiên đến gần Tết, các báo cũng không phát hành những số đặc biệt về Xuân, tưng bừng rộn rịp như ngày nay. Hình thức các báo không màu mè lộng lẫy vì lý do kỹ thuật ấn loát chưa được mở mang. Chỉ đặc biệt về nội dung có đăng các bài thơ Xuân, phần nhiều là những thơ giản dị, bình dân hơn những thơ xuân của các báo ngoài Bắc. Cũng có những bài luận đàm, phiếm đàm, hồi ký về xuân nhưng ý nghĩa về văn chương thâm thúy hơn đa số những bài trong các báo Xuân ở Saigon thời Hậu chiến.

Ðộc giả 1924 ở Nam kỳ mua một tờ báo tất niên cũng như họ mua một tờ báo hàng ngày, không có những đặc điểm gì kích thích họ, không gây cho họ một lòng ham muốn, nô nức hân hoan. Vả lại cũng không có sự ganh đua nào của báo chí thời 1924 về hình thức, về màu sắc. Nhất là không có những hình bìa phụ nữ yêu kiều duyên dáng. Các cô ca nữ Cải lương danh tiếng thời bấy giờ, như cô Năm Phỉ, cô Phùng Há, cô Năm Sa Ðéc, cô Bảy Bạc Liêu, không bao giờ có hình ảnh trên các bìa báo, hay các phụ bản để tặng bạn đọc.

Ngày nay, Báo chí đã khai mạc một mùa Xuân sớm hơn cả mùa Xuân ! Sớm hơn những mười lăm hai chục ngày. Cùng một lúc với các sạp bánh mức rộn rịp quanh chợ Bến Thành, các báo Xuân ở Saigon đã đua nhau phát hành từ ngày 18, 20 tháng Chạp, khiến cho lòng người khắp trong nước đã nôn nao lo Tết, chờ Tết, vội vã mua báo Xuân.

1924, toàn quốc không có cảnh tượng ấy. Mãi đến ngày 23 tháng Chạp, là ngày Ông Táo về trời, báo hiệu mùa Xuân sắp đến, ngày Tết đã kề, mà các báo chí vẫn im lìm, chưa thấy xuất hiện một bài thơ Xuân trên mặt báo.

Ðấy là ở hai thủ đô lớn nhất, Saigon và Hà nội. Còn ở Ðế-đô Huế, nơi Vua An Nam ngự trị, và khắp cả xứ Trung kỳ, tuyệt nhiên chẳng có một tờ báo nào. Thường ngày, ở vài tỉnh lân cận với Bắc Kỳ, từ Thanh Hóa, đến Hà tỉnh,một số ít công chức có dư tiền, mua báo Hà nội về đọc chơi.

Ở các tỉnh kế cận Nam kỳ, từ Phan Thiết đến Nha trang, cũng có một thiểu số, rất hiếm, mua báo Saigon. Ngoài ra, toàn xứ Trung kỳ, ít khi thấy bóng dáng một tờ báo.

Qui Nhơn là thành phố lớn đứng hàng thứ nhì, sau Huế, cũng như Tourane (Ðà Nẵng ) và Vinh ( Nghệ An ). Dân số đến 7000 người, Qui-nhơn có trường Trung học "collège complémentaire franco-indigène ", một trong ba trường Trung học ở Trung kỳ, và một trong chín trường Trung học ở toàn cõi An Nam Trung Nam Bắc. Qui Nhơn là một hải cảng tỉnh lỵ của một tỉnh lớn phì nhiêu nhất ở miền Trung. Thế mà đến năm 1924 vẫn không có một tiệm bán sách báo. Không có một người đọc báo, không có một tờ báo nào của Hà nội hay Saigon đến đây cả.

Có một lần, năm 1924, một ông " Nhà Báo"ở Saigon, tên là Hồng Tiêu "Phụ Bút "hay là Trợ bút, Chủ bút gì đó của một tờ Nhật Báo Saigon đi du lịch ra Trung kỳ, có ghé mấy hôm ở Qui-nhơn. Thật là một biến cố quan trọng, một việc hi hữu, một chuyện vô cùng mới lạ, làm xôn xao cả thành phố. Nhất là trong đám học sinh trường "collège ". ( Lúc bấy giờ chưa dùng danh từ "học sinh ") Tuấn em nghe các bạn kháo nhau :" Có một ông Chủ bút nhà Báo Siagon tới Qui-nhơn, mầy ơi ! "Tuấn nô nức đi xem cho biết mặt. Một Ông Nhà Báo chắc là một ông Thần, ông Thánh, ít nhất cũng giỏi bằng ông Khổng-tử, ông Mạnh-tử, chớ đâu phải là người thường. Tuấn càng nôn nao khi nghe mấy đứa bạn khoe với Tuấn rằng tụi nó đã được thấy mặt ông "Chủ bút nhà Báo Saigon "và nghe ông nói chuyện hay lắm. Tụi nó khen ngợi ông ghê lắm, và mét lại cho Tuấn biết rằng ông chính là người tỉnh Quảng Ngãi, ổng học giỏi lắm, nói toàn là Văn chương,Thơ phú, không ai bì kịp. Ổng có người anh ruột tên là ông Bút Trà, cũng là ông Nhà Báo, và đang làm Chủ bút tờ báo gì lớn lắm ở Saigon. Hai anh em đều là những tay cự phách ít nhất học cũng đỗ bằng Tiến sĩ Phó bảng. Tụi học sinh lại cho Tuấn biết rằng ông Hồng Tiêu có viết một quyển sách nhan đề là "Lá thư rơi "đọc nghe mê và hay hơn chuyện Lục vân Tiên mà mẹ của Tuấn thích ngâm tối ngày. Tuấn rủ một bạn học cùng lớp và cùng tỉnh, đến chỗ nhà ông Trợ bút Hồng Tiêu ở trọ. Hai đứa đều rất hăng hái nhưng cứ do dự và sợ, tuy khộng biết tại sao mà sợ. Sau cùng, Tuấn bảo :" Sợ cái gì ? Tụi mình đến nói với ổng là tụi mình là học trò, quê ở Quảng Ngãi, nghe thiên hạ đồn ổn ở Sgon đi du lịch ra đây, mình đến chào mừng ổng, và để xin ổng diễn thuyết cho mình nghe. Nếu ổng đuổi mình đi ra, thì mình đi ra, chớ hổng lẽ ổng bỏ tù mình sao ? "

Lần đầu tiên nghe nói đến ông Chủ bút ở Saigon thật ra tụi học trò sợ lắm. Nhưng tò mò, Tuấn và thằng bạn là Nguyễn Thiệu, nhất định đi xem thử cho biết mặy "Ông Chủ Bút Nhà Báo Saigon "như thế nào. Hai đứa mặc áo đen dài, quần mới giặt sạch sẽ, nhưng không dám mang quốc, sợ vô phép. Dọc đường, Thiệu hỏi Tuấn :

- Chắc ông Chủ Bút giỏi lắm, Tuấn hỉ ?

- Ừ ổng làm Chủ bút tờ báo ở Saigon thì ổng phải giỏi hơn mấy ông Giáo sư, Ðốc học của mình chớ

- Ổng làm sách nữa...hay lắm.

- Ừ, toa nghe nói mà chưa đọc sách ổng.

- Tao sợ đến ổng rồi, ổng hỏi về Văn chương, mình trả lời không được, mắc cỡ chết, mầy ơi !

- Ổng giỏi như Thần, như Thánh còn mình là học trò thì mình hỏi ổng, chớ hổng lẽ ổng hỏi mình ?

Trò Thiệu vẫn cứ nhút nhát không dám gặp ông Chủ Bút Nhà Báo.

Ông Chủ bút Hồng Tiêu, ở trọ một căn phố hẹp ngay đường chính, giữa thành phố (đường phố không tên), và bên cạnh một tiệm hớt tóc. Trò Tuấn và trò Thiệu vừa đến cửa, thì trò Thiệu sợ quá, bỏ chạy mất. Tua71n hơi ái ngại, nhưng cứ liều bước vô nhà. Cánh cửa đã mở sẵn, Tuấn thấy ông mặc áo quần Tây ( hồi đó ở Qui-nhơn mặc đồ Tây hiếm lắm, trừ mấy ông Giáo sư và mấy ông Thông ông Phán ). Ông ngồi viết gì nơi bàn viết kê sát vách tường. Trên vách tường, có dán những câu câu bằng nét chữ đậm :

Thì giờ là tiền bạc.
Người có học phải có chí.
Thánh hiền có học mà nên,
Văn chương phong nhã, là tiên trên đời.

Tuấn nghĩ thầm ngay rằng, ông Chủ bút nhà Báo là bậc Tiên Thánh, cho nên ổng viết ra những câu Văn chương thật là thâm thúy. Trò Tuấn lễ phép chấp hai tay trước ngực, cúi đầu thưa :

- Dạ bẩm ông !

Ông Chủ bút Hồng Tiêu kéo ghế đứng dậy, đến gần trò, đưa tay vỗ vai trò, ra chiều thân mật. Ông hỏi :

- Trò đến thăm tui hỉ ? Trò học lớp mấy ?

- Dạ thưa ông, tui học lớp Ðệ Nhất Niên.

- À, trò giỏi quá, hỉ.

Trò Tuấn không dám nói câu gì, chỉ cứ làm thinh ngó ông Chủ bút Hồng Tiêu. Ông cười dễ thương, không phải nghiêm khắc như mấy ông Giáo sư và Ðốc học trong lớp. Ông lại hỏi :

- Quê trò ở đâu rứa ?

- Dạ, bẩm ông, quê tui ở Quảng Ngãi.

- Vậy à ? Tui cũng ở Quảng Ngãi. Dân Quảng Nghĩa mình học giỏi lắm, trò ráng học hỉ !

- Dạ.

- Trò định học rồi lớn lên làm nghề gì ?

- Dạ, tui chưa biết làm nghề gì.

giavui
06-25-2014, 05:19 PM
- Học cho giỏi, rôì đừng thèm làm quan ! Ra làm Báo làm Văn sĩ như tui nè.

Trò Tuấn thấy ông Chủ bút Hồng Tiêu thật dễ thương, mới bạo dạn hỏi :

- Bẩm ông, làm Báo có khó hông ?

Ông Chủ bút Hồng Tiêu cười :

- Khó chứ, dễ sao được !

Tuấn đánh bạo hỏi tiếp :

- Bẩm ông, tui học Toán dở lắm, cứ bị ông Giáo sư cho zéro hoài, như vậy sau khi tui lớn lên có làm Báo được hông ?

- Ðược. Hông cần giỏi Toán, nhưng phải giỏi Văn chương. Trong lớp, trò làm luận có khá không ?

- Dạ, mấy cô học trò con gái cứ nhờ tui làm gà bài luận cho họ, rồi họ cho tui kẹo thèo lèo.

Ông Chủ bút Hồng Tiêu cười hả - hả - hả, rôì vổ vai trò Tuấn :

- Vậy thì trò này tài quá nhỉ. Trò ráng học giỏi rồi lớn lên viết Văn cho đàn bà con gái đọc được đó. Tên trò là gì chi ?

- Dạ, thưa ông, tên tui là Tuấn.

Ông Chủ bút liền chỉ cho trò Tuấn thấy mấy câu ông viết dán lên tường;

- Nè ! Trò Tuấn nhớ mấy câu danh ngôn đây ! Thì giờ là tiền bạc, Tây cũng nói : " Le temps, c' est de l'argent ". Người có học phải có chí, không có chí học sao nên được, phải hông, hỉ ! Thánh hiền có học mà nên, Văn chương phong nhã là tiên trên đời ! Phải hông, hỉ ?

Trò Tuấn nở một nụ cười ngây thơ :

- Dạ, phải.

Nói chuyện khá lâu, xong trò Tuấn kính cẩn chấp hai tay trước ngực, cúi đầu chào :

- Thưa ông, tui xin về.

- Ừ, trò này dễ thương quá hỉ !

Tuấn sung sướng hãnh diện, được thấy mặt ông " Chủ Bút Nhà Báo Saigon ", biệt hiệu là Hồng Tiêu quê ở Quảng Ngãi.


Hôm sau vào trường, Tuấn khoe khắp lớp là được ông Hồng Tiêu, Chủ Bút nhà Báo Saigon, vỗ vai và bắt tay...au revoir.

Tuấn cứ nhớ mãi những câu châm ngôn của ông Hồng Tiêu viết trên vách tường phòng trọ của ông. Tuấn rất cảm phục ông Chủ Bút tuy trò chưa bao giờ được dịp đọc tờ báo của ông, hoặc một tờ báo nào khác ở Saigon. Ngay hôm sau, trò nghe có một cuộc nhóm họp của mấy học trò lớn ở lớp Ðệ Nhị và Ðệ Tam niên, ở nhà trọ một chú lái ghe trên sông. Tuấn lò dò đến xem, thấy có một anh, tên là Trọng, cũng quê ở Quảng Ngãi, học Ðệ Tam niên, hô hào học trò góp để vô Saigon lập một Tòa Báo, và mời ông Hồng Tiêu làm Chủ Bút. Câu chuyện làm Báo làm nôn nao dư luận học đường hơn một tuần lễ, tuy chưa ai biết mặt mũi một tờ báo ra sao cả.

Hăng nhất là nhóm anh Trọng, gọi là nhóm mấy anh học trò lớn, thường tụ họp với nhau sau bữa cơm tối tại nhà trọ anh nâỳ, và bàn tán xôn xao đến 11, 12 giờ đêm. Tuy bị coi như là con nít, trò Tuấn vẫn say mê, đêm nào cũng tới dự htính, ngồi nghe mấy anh lớn bàn cãi, tính toán, làm chương trình, sắp đặt, như một việc to lớn sắp sửa thực hành. Nhưng đến khuya, sực nhớ lại bài vỡ ngày mai chưa học, bài luận chưa làm, cuộc nhóm họp tự nhiên giải tán. Rồi ai về nhà nấy, thắp ngọn đèn dầu lưả liu hiu trên bàn, ngồi cắm đầu cắm cổ xuống sách Géometrie plane của Brachet, hay Grammaire của Claude Augé, vừa học vừa ngủ gục cho đến gà gáy sáng.

Rốt cuộc, mấy trò mơ mộng làm Báo thường học không thuộc bài, vào lớp bị các ông Giáo sư cho ăn trứng vịt đã đời. Cũng không trò nào dám viết thư về xin tiền cha mẹ để vô Saigon lập Tòa Báo mời ông Hồng Tiêu làm Chủ Bút.

Trò Tuấn kể chuyện mở Nhà Báo ở Saigon và chuyện trò gặp ông Chủ Bút Hồng Tiêu cho mấy cô học trò lớp Nhất nghe. Cô Anh hỏi :

- Làm Báo là làm gì, anh Tuấn ?

Tuy chỉ được nghe lỏm, trò Tuấn cũng làm ra vẻ thạo, trả lời :

- Làm Báo là viết bài đăng lên tờ Báo, như ông Hồng Tiêu vậy đó.

Cô Trâm hỏi :

- Viết như vậy, thì ai cho đề bài,v à viết rồi ai chấm ?

- Người ta tự đặt bài ra người ta viết để đăng trên tờ Báo cho thiên hạ coi, chứ ai mà chấm bài của họ ?- Mấy anh trên lớp Ðệ Tam niên cũng muốn đặt bài luận để đăng trên Tờ Báo hả ? Tờ Báo là tờ như thế nào hả anh ?

Tuấn không trả lời được, vì Tuấn chưa thấy tờ báo ở Siagon như thế nào. Tuấn đã đọc 2 tờ báo Việt Nam Hồn và Le Paria nhưng báo bí mật ở bên Tây gởi lén dưới tàu thủy đem về, Tuấn không dám nói ra.

Cô Anh lại xúi trò Tuấn :

- Sao anh không đặt ra một bài luận đem cho ông Chủ Bút Hồng Tiêu chấm, coi có đăng trên tờ báo được không ?

Cô Thục lưng quần đỏ, càng cho nước vào :

- Ừ phải đó, anh Tuấn viết bài luận đưa cho cái ông đó coi, chắc được !

Tuấn không bao giờ dám nghĩ đến việc viết một bài rédaction để đưa ông Chủ Bút Hồng Tiêu chấm, may ra được nhiều điểm thì ông ấy đăng trên Báo. Nhưng bốn cô bạn lớp Nhất cứ theo xúi dại trò Tuấn.

Cô Anh nói :

- Bài luận của anh làm trong lớp lần nào cũng được ông Giáo sư chấm tám điểm trên 10, hổng lẽ ông Chủ Bút ở Saigon cho 1 hay 2 điểm sao ? Anh cứ làm đi, tụi tui đem tơí nộp ông Chủ bút Báo đó cho.

Tuấn bị mấy cô kích thích, liền về nhà viết một bài :"Một buổi chiều dạo trên đỉnh núi Phương Mai ". Tuấn viết cả một buổi tối thứ Bảy, gạch, sửa lung tung trong quyển vở nháp. Sáng chủ nhật dậy thật sớm, ăn một tô cháo gà một xu rồi cầm bài luận chạy đến nhà trọ các cô. Bốn cô cũng đã dậy rồi. Cô Lài con bà chủ trọ, đang cầm chổi quét sân, thấy Tuấn lấp ló ngoài cổng, liền cười và cất tiếng gọi :

- Anh Tuấn !

Cô Thục, có lưng quần đỏ, và cô Anh, rửa mặt gần lu nước dưới gốc cây khế. Cô Trâm đứng trong hè chải tóc, xức một chút dầu dừa cho tóc láng. Một con gà cồ gáy o o nơi góc sân.

Các cô trông thấy trò Tuấn, đều tủm tỉm cười. Cô Anh vừa lau mặt, vừa nói :

- Anh làm bài luận để đăng báo rôì phải không anh ?

Tuấn cười, gật đầu :

- Bài tôi dở lắm, tôi làm cho mấy cô coi chơi, chứ tôi không dám đưa ông Chủ Bút Hồng Tiêu đâu. Nghe nói có mấy anh lớn ở lớp trện làm bài đưa ổng coi, ông lắc đầu chê " không được ".

Cô Lài bỏ chổi chạy vô nhà, cùng với ba cô kia chụm đầu lại chung quanh bàn, nghe Tuấn đọc bài luận : Một buổi chiều dạo trên đỉnh núi Phương Nam ". Mái tóc xức dầu dừa của cô Trâm phảng phất bên cạnh Tuấn một mùi thơm dể chịu. Gío sớm ngoài sông thổi vào mát mẻ dịu dàng. Sóng bể xa xa hồi hộp, nhịp nhàng vơí hơi thở của bốn cô bạn trẻ.

Tuấn đọc say sưa...Bốn cô nghe say sưa...Tuấn thức khuya viết bài luận lâu đến 4,5 tiếng đồng hồ là ít, thế mà đọc không đầy 15 phút đã hết. Nhưng cô nào cũng thích, trầm trồ khen hay. Tuấn nở hai lổ mũi. Vừa có bá bán cháo gà đến theo thường lệ. ( Qui Nhơn ) lúc bấy giờ buổi sáng sớm một nửa thành phố đều ăn lót lòng cháo gà, mỗi tô 1 xu ). Sáng hôm ấy, bốn cô mua 5 tô để 1 tô " tặng " Tuấn. Mặc dầu Tuấn đã ăn ở nhà no rôì, các cô cũng ép Tuấn " làm " một tô nữa, Tuấn thấy tô cháo có miếng huyết gà, vài miếng thịt với một lớp nước mỡ vàng lềnh bềnh trên mặt lẩn tương ớt đỏ ngon quá.Tuấn cứ tự nhiên không làm khách.

Nhưng xong việc cháo gà, bốn cô làm Tuấn thất vọng. Không cô nào dám đem bài luận đến nhà trọ ông Chủ Bút Hồng Tiêu. Cô nào cũng mắc cỡ, cô nọ đẩy cô kia đi. Rốt cuộc Tuấn thân hành đi vậy.

Nhưng Tuấn lại bị thất vọng lần thứ hai, lần này nói đúng hơn là tuyệt vọng. Ðến nơi, nhà trọ người ta bảo : ông Chủ bút đã đi ra Huế lúc 3 giờ sáng rôì, 3 giờ sáng là lúc Tuấn chỉ mới viết xong bài luận.

Tuấn thui thủi trở về nhà trọ của bốn cô bạn học trò lớp Nhất. Thấy nét mặt Tuấn buồn, các cô cũng buồn, Tuấn lại càng buồn hơn.Tóc không chảy, Tuấn ngồi ủ rũ trên vỉa hè, tay cầm quyển vở nháp " Một buổi chiều dạo trên đỉnh núi Phương Mai " Tự nhiên Tuấn mắc cỡ, đút quyển vở trong lưng quần, dưới lớp áo dài đen, chào bốn cô bạn lớp Nhất, rôì lê quốc cùn ra bờ song, dọc the oven bờ, đi lang thang...

Xuống đến Cầu Tàu, trước nhà giây thép, Tuấn ra ngồi trên bãi cát, nhìn sóng biển ùn ùn từ ngoài khơi bò vào táp lên chưn trò. Trò ngồi một lúc, thò tay vào túi lấy ra một khúc bút chì đen ( lúc bấy giờ chưa có bút chì nguyên tử, chỉ dùng toàn bút chì Baignol – Farjon của Pháp, rất tốt, viết nét mềm và thật đậm ). Tuấn viết luôn trong quyển tập còn nhiều giấy trắng " Một buổi sáng đi lang thang trên bờ biển ".

Mãi đến trưa, Tuấn mới đi bách bộ về nhà. Dọc đường, gặp anh Trọng, học trò lớp đệ Tam niên, người anh lớn đã cổ động hùn tiền mở Toà Báo ở Saigon. Tuấn nói chuyện hai bài luận cho Trọng nghe. Anh ta bảo :

- Mầy đưa tao coi, nếu thấy được thì tao sẽ gởi vô tờ báo ở Saigon cho.

Tuấn cười :

- Thiệt hỉ ?

Anh Trọng, nói với giọng người lớn :

- Thiệt, chớ tao nói chơi với mầy, ne ? Biết chừng đâu bài luận của mấy sẽ được đăng trên mặt báo Saigon !

Tuấn đưa hết quyển tập nháp cho anh Trọng. Ảnh cầm coi, ra vẻ ta đây thông thạo lắm :

- Mày viết nháp tèm lem thế này thì ma nó đọc cho mầy, chớ ai mà đọc ! Phải viết sáng suốt, rõ ràng, đừng viết tháu, mơí được chứ !

Noí thế, nhưng anh Trọng vẫn chịu khó đọc. Xem chừng anh ấy say mê cái chuyện làm báo nên anh sốt sắng lắm. Ðọc xong, anh bảo trò Tuấn :

- Mầy về viết lại cho sạch sẽ, rôì đưa tao, ngày mai tao gởi giùm vô tòa soạn Saigon cho.

- Toà soạn là Tòa gì, hỉ anh ? Ai biểu anh gởi vô. Toà đó làm chi ? r Anh Trọng cười sặc sụa :

- Thằng này ngu như con bò ! Tòa soạn là tòa báo đó. Tao biết chỗ ở tòa soạn Báo Saigon, ông Chủ bút Hồng Tiêu có dặn tao khi nào muốn viết thư cho ổng thì gởi vô chỗ đó, ổng sẽ nhận được. Tao cứ gơỉ hai bài luận của mầy cho ổng coi. Biết đâu chó ngáp phải ruồi ruồi, hì hì...!

Anh Trọng cười hì hì ra vẻ anh cả. Trò Tuấn cũng cười hì hì tỏ ra đồng ý. Về nhà,Tuấn chép lại sạch sẽ, lấy thước gạch một đường ngang dưới đầu đề :" Một buổi chiều dạo trên đỉnh núi Phương Mai ". Rồi ngay tối chủ nhật ấy, trò đem cái bài luận đưa cho anh Trọng. Chiều hôm sau, tan giờ học về nhà, anh Trọng mơí rủ trò Tuấn đi với anh ta ra nhà Giây thép để mua con tem 1 xu dán trện phong bì gởi vô ông Chủ bút tòa saọn nhà Báo Saigon.

Thật là một việc lớn lao vô cùng, và liều lĩnh vô cùng. Trò Tuấn chạy đi mét với bốn cô bạn lớp Nhất cái việc vĩ đại đã xẩy ra, đưa đến cho trò một hy vọng mênh mông như trởi như biển.

Anh Trọng có nói :

- Nếu như ông Chủ bút Tòa Soạn đăng bài của mày trên mặt báo thì ổng sẽ gơỉ tờ Báo đó về đây cho tao, tao sẽ đưa cho mầy coi.r - Còn nếu ổng không đăng ?

- Không đăng thì thôi, chớ sao. Tao đã bảo mầy là chó ngáp phải ruồi. Tao đọc thì tao cho là được, mà ông Chủ bút, giỏi hơn tao, tao sợ ổng chê dở.

- Bốn cô học trò lớp Nhất khen là hay.

Anh Trọng trố mắt ngó Tuấn :

- Mầy có đưa bài luận của mầ cho bốn đứa nó xem ne ?

- Họ biểu tôi viết, chứ tui đâu có muốn viết. Họ xúi tui viết cho họ đọc.

- Mấy đứa con gaí đó biết gì mà mấy nghe lời tụi chúng nó ? Tuị con Trâm, con Anh, con Thục, con Lài đó phải không ?

- Phải.

- Trời ơi, thằng Tuấn này ! Hèn chi học trò lớp Nhất chúng nó đồn mầy cứ làm gà bài luận cho mâý đứa con gái rồi tuị nó mua kẹo thèo lèo cho mầy ăn, có không ?

Tuấn nhe răng cười, không trả lời. Trọng hỏi tiếp :

- Tụi con Trâm, con Anh, xúi mầy viết bài luận "Ði chơi trên núi Phương mai "đó, ne ? Tuấn gật đầu, Trọng lại hỏi :

- Mầy thường chơi với mấy đứa nó à ?

- Ừ.

- Chơi gì ?

- Chơi nói chuyện, chớ chơi gì !

Trọng chỉ ngón tay vào mặt Tuấn :

- Mầy coi chừng, chớ mấy ông Giáo sư thấy mầy cứ lê-la với tụi con gái, mấy ổng phạt mầy Chủ nhật phải tới lớp viết pensum, thấy mồ tổ, gnhe không mầy !

- Miễn là tui học thuộc bài, tui làm đủ bài, thôi chớ !

- Mầy liệu hồn, ông giáo sư Toán, và ông giáo sư Lý-Hóa, ghét mầy như ghét cứt, mầy biết chứ ?

- Ghét thì ghét, tui hổng sợ.

- Mầy nói bá láp, bá xàm. Học trò mà không sợ thầy thì học sao nên ?

- Ông Chủ bút Hồng Tiêu biểu tui rang học giỏi để lớn viết Văn cho đàn bà con gái xem.

Trọng vỗ vai Tuấn, cười ha hả :

- Ông Chủ bút biểu mầy thế, thật ne ? - Thật. Tui nhớ câu đó hoài, tui hổng quên đâu.

Trọng cười sặc sụa :

- Thôi vậy thì tao chịu thua. Mầy chờ bài luận của mâỳ đăng trên mặt báo, mầy sẽ đưa cho tụi con Trâm, con Lài với con Thục lưng quần đỏ, chúng nó đọc chúng nó khoái hỉ !

Nhưng Tuấn chờ mãi, và Trâm, Anh, Lài, Thục cũng chờ mãi. Một tháng, hai tháng, ba tháng, chẳng thấy mặt mủi tờ Báo ra sao và bài " buổi chiều dạo trên đỉnh núi Phương Mai " cũng theo làn gío biển bay tuốt luốt ra khơi, không thấy bay về !

Gần nghỉ Hè, Tuấn hỏi Trọng :r - Anh Trọng ơi, bài luận của tui hổng được đăng lên Toà Soạn Nhà Báo ở Saigon sao ? Lâu qúa hổng thấy gì hết vậy hỉ ?

Trọng cười tàn nhẫn :

- Chắc là bài của mầy dở qúa, Toà Soạn cho vô giỏ rác hay vứt trong cầu tiêu rồi.

Tuấn thui thủi ra Cầu Tàu ngồi khóc một mình...

giavui
06-25-2014, 05:20 PM
CHƯƠNG 13. 1925

- Cụ Phan Bội Châu bị bắt giam ở ngục Hoả-Lò, Hà nội, và bài thơ của cụ Phan Chu Trinh làm xáo độngtinh thần Nam-Nữ học sinh toàn quốc.

- Đổng-sĩ-Bình, một ông Phán Toà, làm cách mạng.

- Thư cách mạng trao đổi giữa học sinh các trường.

- Điện tín của học sinh các trường gửi Toàn Quyền Varenne xin ân xá cụ Phan.

- "Hiệp -định 1925" giữa Pháp và Triều Đình Huế.

- Quyển "Đông Dương Hôm Qua và Hôm Nay " phát không cho học sinh Trung-Nam-Bắc.

Toàn thể thanh niên trong nước, đến năm 1924, đang sống cuộc đời học sinh yên tỉnh, vô tư, chỉ lo ăn học, và vui chơi trong ngày Chủ nhật với những cuộc giải trí thông thường. Kẻ rủ nhau đi dạo về quê bằng xe đạp, người ở lại thành phố thì đá banh, tụ họp bạn bè trò chuyện, đi tắm sông, giặt áo quần, đi xem các thắng cảnh, viết thư về xin tiền cha mẹ v.v...

Hâù hết tất cả học trò sau ba tháng nghỉ Hè, đều được lên lớp. Năm nàyTuấn lên Ðệ Nhị Niên và đã thấy mình thành một học trò lớn, đã học được nhiều môn Giáo Khoa mới, hấp thụ được khá nhiều những tinh hoa văn học Âu tây. Học sinh đa số đều quen nói tiếng Pháp, vì tự bắt buộc phải nói tiêng Pháp với giáo sư Pháp, cả với giáo sư An nam, vì tất cả các môn học đều bằng tiếng Pháp chỉ trừ mỗi tuần 2 giờ Việt-văn, môn này được coi chính thức trong chương trình là " Quốc văn ".

Ngoài học đường, tình trạng chung của xã hội An nam ở Bắc kỳ cũng như ở Trung kỳ và đời sống hàng ngày dưới chế độ của người Pháp, đã thành ra một sự kiện hiển nhiên, đã được chịu đựng một cách thụ động êm thắm. Không có sự chống đối Nhà nước Bảo hộ. Ở Nam kỳ, giai cấp gọi là thượng lưu trí thức và tư bản ở Saigon và Lục tỉnh, hầu hết đều nhập tịch dân Pháp, sống theo phong tục của Pháp, tiếp xúc thường xuyên với các Quan Cai trị Pháp và các nhà tư bản Pháp.

Quảng đại quần chúng ở thành thị và thôn quê, thì vẫn có thái độ thụ động, lo an cư lạc nghiệp, cũng như ở Trung kỳ và Bắc kỳ. Không ai thù ghét Tây, nhưng cũng không sợ Tây như hôì vài mươi năm về trước.

Nhưng phải khách quan nhìn nhận rằng người Pháp đã gây được một uy tín lớn lao vô cùng và thật sâu rộng, là nhờ họ có một văn minh khoa học tân tiến và cao kỳ mà không một người " An nam " nào chối cãi được.

Sở dĩ họ nắm vững được guồng máy cai trị 25 triệu dân An nam và thao túng được Triều Ðình Vua An nam ở Huế là nhờ uy tín một cường quốc văn minh đứng vào bực nhất nhì trên thế giới.

Bổng dưng tháng Bảy dương lịch năm 1925, gần nghỉ Hè, giữa tình thế đang yên tỉnh và bình thường ây, một cái tin rất mới lạ, kinh dị, như một tiếng sấm sét giữa vòm trơì quang đãng, nổ bùng và không biết từ đâu, và loan truyền khắp nước An nam : Cụ Phan Bội Châu, bị Tây bắt ở Thượng Hải đem về giam tại nhà Lao Hỏa Lò, Hà Nội.

Cụ Phan Bội Châu là ai ?

Lúc bấy giờ chẳng ai biết cả. Cái tên nghe thật kêu nhưng là một cái tên rất mới, lạ, từ trước đến nay chưa hề nghe nói đến bao giờ.

Một buổi chiều thứ Bảy, trò Tuấn đi học về, thấy không khí của thành phố hơi khác hơn mọi hôm. Có nhiều nơi tụ hợp năm ba người nói chuyện xầm xì với nhau, trong các tiệm người An nam.

Trò Tuấn cắp sách về đế nhà trọ -- nhà thầy Bửu Vinh Thông Phán sở Kho Bạc -- thầy cũng vừa ở sở đạp xe máy về.

Thầy gác xe máy lên cái kệ gỗ sơn xanh xong rồi đi vô buồng thay áo. Nét mặt của thầy xem khác hơn mọi hôm. Lần nào ở sở về, trông thấy Tuấn, thầy cũng mỉm cười thay thế cho tiếng chào. Nhưng lần này, thầy Bửu Vinh không cười.

Tuấn nghĩ thầm thầy giận mình vì một chuyện chi đó chăng, hay thầy bị một chuyện gì không vui ở sở ? Thầy đi tắm, vào sửa soạn ăn cơm. Tuyệt nhiên thầy không nói một câu, nét mặt thiểu não khác thường

Cơm xong, 7 giờ tối, một bạn đồng nghiệp của thầy đi xe máy đến, coi bộ vội vàng, băn khoăn. Thầy ngắt nhỏ thầy Bửu Vinh ra nhà sau, chỗ bàn học của Tuấn, gần bếp, và thầy đưa tay ngoắc trò Tuấn, Tuấn chạy theo.

Ra nhà sau, thầy kia rút trong lưng quần ra một tờ nhật báo tên là " Thực Nghiệp Dân Báo "ở Hà nội. Giữa trang báo có in hình một ông già râu xồm xoàm, mặc áo xuyến đen, đội khăn đen, đeo kính trắng. Gương mặt của ông thật là oai nghiêm. Ngay trên hàng đầu, in hai hàng chữ thật đậm, chiếm 6 cột, hết cả bề ngang của tờ báo. Tuấn trố mắt đọc :

"Hội đồng đề hình sắp đem vụ án cụ Phan Bội Châu ra xử. Hai vị trạng sư Bona và Larre sẽ bào chữa cho Cụ".

Thoạt tiên, trò Tuấn không hiểu gì cả. Cụ Phan Bội Châu là ai ? Tại sao ông già này lại bị Tây bắt và đem ra xử tôị ? Taị sao có hai vị trạng sư Tây ra bào chữa cho cụ ? Trạng sư là gì ?

Thầy Bửu Vinh giảng giải cho Tuấn hiểu. Chính thầy và bạn đồng liêu của thầy cũng nhờ coi được tờ Thực Nghiệp Dân Báo ở nhà một người nào đó mới hiểu rõ vụ Phan Bội Châu, và nói cho Tuấn nghe. Tờ Thưc Nghiệp Dân Báo ở Hà nội, khọng biết ai đem vào tỉnh này ? và đem vào hồi nào ? Ai mua ? Khắp cả thành phố không đâu thấy bán, thế mà một tuần lễ sau, Tuấn trông thấy hiều nhà có tờ Thực Nghiệp Dân Báo và hãnh diện cho bà con chuyền nhau mượn coi. Coi xong phải trả lại liền cho đến khi tờ báo rách nát vẫn còn người mượn. Sau cùng, ngươì có báo phải đem giấu tờ báo trong rương, trong tủ, như một vật quý giá vô ngần, sợ ai lấy mất.

Cả thành phố xôn xao, nhưng vẫn lo sợ, chỉ xầm xì trong nhà, không dám nói lớn, không bàn tán công khai. Nhất là bức ảnh của cụ Phan Bội Châu, không dám đễ cho người lạ trông thấy.

Từ đêm đầu tiên – đêm thứ Bảy gần ngày nghĩ Hè⭴hấy ảnh cụ Phan Bội Châu trên tờ Thực Nghiệp Dân Báo và nghe rõ chuyện cỤ Phan Bội Châu, do hai thầy thông phán sở kho bạc kểl lại, trò Tuấn như bị nột sức mạnh gì huyền bí, làm xáo trộn tinh thần. Suốt đêm, Tuấn cũng không ngủ được. " Chân dung Sào Nam Phan Bội Châu tiên sinh ", theo đúng giòng chữ in của tờ báo dưới ảnh cụ Phan, cứ ám ảnh tâm hồn còn ngây thơ non nớt của cậu học trò 16 tuổi.

Sáng chủ nhật dậy thật sớm, Tuấn ăn vội vàng tô cháo gà, rôì chạy đến các nhà bạn bè, nói chuyện cụ Phan Bội Châu. Có vài trò sợ sệt bảo Tuấn :" Mày đừng nói chuyện đó, bị ở tù chết cha !" Nhưng phần đông đều bàn tán say sưa về chuyện cụ Phan Bội Châu, một bậc anh hung ái quốc bị Tây bắt bên Tàu sắp đem ra xử tử. Vì moị người đều nghĩ rằng thế nào cụ Phan Bội Châu cũng sẽ bị Tây xử " chết chém "

Kỳ nghỉ Hè ấy, Tuấn không về quê, viết thư xin phép cha mẹ ở lại học tư lớp Hè.

Sự thực, Tuấn muốn ở lại để được coi tờ Thực Nghiệp Dân Báo Hà nội cho biết chuyện cụ Phan Bội Châu. Về tỉnh nhà làm gì có báo mà coi. Mâý người đi buôn ở Ðồng Nai, cũng có đem về mây tờ Sài Thành Nhật Báo ở Saigon, nói chuyện một bậc chí sĩ khác tên là Phan Chu Trinh, ở bên Tây mới về. Người ta đồn rằng ông này giỏi lắm, người Tây ở Saigon cũng phải sợ ông. Ông đi đâu cũng có hàng ngàn người An nam bu theo ông để nghe ông diễn thuyết chửi Tây, chửi vua An nam, mà Tây không dám bắt bỏ tù ông.

Tuấn đã viết thư về nói dối với cha mẹ là ở lại Qui-nhơn để học tư, nhưng sự thực là suốt ba tháng nghĩ Hè, Tuấn ưa lai vãng đến nhà mấy đứa bạn để đọc lén tờ Thực Ngjiệp Dân Báo. Sau có thêm tờ Khai Hóa Nhật Báo, tờ Trung Bắc Tân Văn cả ba từ Hà Nội gơỉ vào. Từ Saigon gửi ra có tờ Sài Thành Nhật Báo, Ðông Pháp Thời Báo, một tờ Báo Tây Echo Annamite của một người An nam làm chủ bút, tên là Nguyễn Phan Long, và tờ La Cloche Félée cũng của một người An nam tên là Nguyễn an Ninh. Tuấn không biết những tờ baó này do ai ở Saigon gởi ra, và ai ở Qui-nhơn gởi mua ? Chỉ biết rằng cả Qui-nhơn chỉ vài ba người có mà thôi và được chuyền nhau mượn coi lén lút trong một nhóm học trò Ðệ Nhị và Ðệ Tam Niên.

Gaío sư An nam không dám coi báo, trừ một ông giáo người Bắc dạy Quốc văn mà học trò thường gọi là ông Ðốc Bình và thầy trợ Tố dạy lớp Năm mà trong thành phố người ta gọi là " thầy Cộng sản "để ngạo cái chủ trương của thầy là " của đời muôn sự của chung ". Nhưng ông Ðốc Bính thường dặn dò Tuấn đừng chơi thân với thầy Tố vì thầy này là một con " mouton " ( con cừu ) tiếng Pháp có nghĩa là kẻ làm do thám. Do đó, học trò bảo nhau là thầy Tố làm mật thám cho Tây. Ở các sở Nhà Nước, hầu hết các thầy Thông, thầy Phán đều không dám coi báo công khai, trừ hai thầy Kho bạc, và một thầy ở Toà Sứ. Thầy này hăng hái nhất và còn trẻ, lối 23,24 tuôỉ, quê quán ở Huế, à chưa có vợ, tên là Ðồng sĩ Bình. Mặt thầy nhiều mụn, và lúc nào thầy cũng nói tiếng Tây để chửi Tây. Tuấn mê nghe thầy giảng hay, và lạ nhất là Tuấn ít khi nghe thầy nói tiếng An nam. Có lẽ tiếng An nam dùng để chửi Tây không hay bằng tiếng Tây ? Tuấn nghĩ thế nhưng không dám hỏi. Cũng có lẽ nói tiếng Tây đã thành ra thói quen của những người học tiếng Tây đã giỏi. Có lần Tuấn được dự một cuộc hội hợp bí mật tại nhà ông Ðốc Bính. Suốt mấy tiếng đồng hồ, ông Toàn và thầy Ðổng sĩ Bình đều nói toàn tiếng Tây để chửi Tây kịch liệt, và hô hào học trò nên có tinh thần ái quốc và đừng làm nô lệ cho Tây.

Lúc bấy giờ những danh từ "đả đảo " " thực dân " "đế quốc " v..v...chưa thông dụng. Người ta chỉ dùng một chữ thông thường nhất là " cách mạng ".

Ðêm nhóm họp đầu tiên do thầy Thông phán Ðổng sĩ Bình tổ chức, thầy bảo Tuấn chạy đi rủ thêm trò Quỳnh, trò Tố và trò Thu đến nhà ông Ðốc Bính. Lần đầu tiên Tuấn được nghe hai chữ " cách mạng " do thầy Bình lập đi lập lại không biết bao nhiêu lần. Nhóm hợp, để thầy và ông Ðốc Bính giảng báo cách mạng cho tụi này nghe.

Ba tờ báo Hà nội thuât chuyện cụ Phan Bội Châu. Báo Quốc ngữ Saigon thuật chuyện cụ Phan Chu Trinh. Tờ báo Pháp ngữ La Cloche Félée của Nguyễn An Ninh thì chưỉ Tây và hô hào " cách mạng " hăng hái nhất. Mỗi lần thầy Bính trao cho Tuấn một tờ báo mới thầy đều căn dặn xem xong phải chuyền cho mấy trò khác xem. Nhưng Tuấn không bao giờ dám đem báo vào lớp học. Mỗi lần xem xong, trò đút nó dưới lớp áo dài đen, à chạy đến nhà trò Quýnh đưa lén cho trò này xem.

Một buổi tối, Tuấn đến nhà thầy Ðổng sĩ Bình, thầy ở một mình một căn nhà mướn trong một ngõ hẻm gần bờ song. Thầy chỉ cho Tuấn một bài thơ bằng chữ Nho ký tên Phan chu Trinh, do tự tay thầy chép ra bằng nét chữ đậm và thật đẹp, lồng khung kiến treo trên tường. Tuấn không biết bài thơ này do thầy chép ở đâu ra, nhưng Tuấn học thuộc lòng ngay :

Thế sự hồi đầu dĩ nhất không
Giang san hòa lụy khấp anh hùng
Vạn dân nô lệ cường quyền hạ
Bát cổ văn chương túy mộng trung
Trường thử bách niênm cam thóa mạ,
Bất trí hà nhựt xuất lao lung
Chư quân vị tất vô tâm huyết Thích bả tư văn khán nhất thông.

Tuấn đã được học chút ít chữ Hán, nhưng lần đầu tiên nghe nhiều tiếng mới lạ : anh hùng, nô lệ, cường quyền, lao lung, tâm huyết. Tuấn chưa hiểu rõ nghĩa cho lắm. Thầy Bình ngâm từ ng câu, giảng từng ý, rồi thầy ngâm đi ngâm lại nhiều lần. Thầy giảng rộng ra nữa, và nói :

" Nước An nam đã mất, nhà An nam đã tan, dân An nam bị làm nô lệ.

"Ðồng bào như người mê ngủ chưa tỉnh ngộ để cho Tây nó đè đầu, đè cổ, nó áp chế...Một trăm năm nữa cũng đành chịu hay sao? "

Thầy nói bằng tiếng Tây, rất hăng hái, rất say mê. Thầy đập tay xuống bàn, thâỳ dậm chân xuống đất, thầy hét lên :" Trời ơi ! Trời ơi ! Nưóc An nam là con Rồng cháu Tiên, mà dân An nam ngày nay là tôi, là tớ, là mọi, là rợ, bị xiềng xích, gông cùm, áp chế ! Thế có tủi nhục cho Hồn Thiêng của Ðất Nước hay không ?"

Bổng thầy oà ra khóc, thầy gục đầu xuống bàn khóc nức nở...Tuấn bị qúa cảm xúc, cũng rưng rưng nước mắt ngồi khóc ngây ngô. Tuấn nhìn lên bài thơ đóng khung treo trên tường, càng nhìn càng khóc. Mỗi câu thơ như:

Vạn dân nô lệ cường quyền hạ
Bát cổ văn chương tuý mộng trung

Mà thầy Bình đọc đi đọc lại, kêu gào lên, rồi khóc, làm trò Tuấn có cảm tưởng như đây chính là tiếng nói đau khổ, tiếng rên xiết bị thương của một Hồn thiêng hiện về kêu gọi con cháu bằng giọng ai oán lâm ly.

Không khí bi thảm ấykéo dài một lúc lâu. Rồi thầy Ðổng sĩ Bình ngước đầu dậy, mắt còn dẩm lệ, bảo trò Tuấn :

- Tuấn ơi ! Chúng ta là con cháu của Hùng Vương, của Lạc Long Quân, ta phải làm thế nào chứ ! Làm thế nào để phá tan cái xiềng xích nô lệ, để đòi lấy Ðộc Lập Tự Do, để...

Tuấn chỉ biết ngồi cúi đầu, nghe và khóc.

Thầy Ðổng sĩ Bình đứng dậy, đôi mắt thầy đỏ ngầu, tay thầy run lên, thầy chỉ ngón tay lên bài thơ chữ Nho của cụ Phan Chu Trinh, và nói bằng tiếng Pháp có vẻ căm hận, oán than, nhấn mạnh từng câu :

- Notre grand Patriote Phan chu Trinh a dit : nous sommes des esclaves !... Nous sommes des esclaves !

( Nhà đại ái quốc của chúng ta là cụ Phan chu Trinh đã nói đấy : chúng ta là những kẻ nô lệ )

Rồi thầy nói liên tiếp bằng tiếng Pháp,thầy nói thao thao bất tuyệt, thầy nói đến trào nước miếng hai bên mép, đổ mồ hôi trên trán, trên má, thầy hô hào : Cách mạng ! Phải làm Cách mạng ! Il faut faire la Révolution ! Il faut faire la Révolution ! Pour que les Annamites ne soient plus des esclaves, pour que les Francais ne soient plus des oppresseurs,...des tyrans..., il faut faire la Révolution !

Tuấn đã hoàn toàn bị thôi miên bởi giọng diễn thuyết hùng hồn ai oán của thầy Ðổng sĩ Bình, Thông phán đầu tòa của quan Công Sứ Pháp, chủ tỉnh Qui-nhơn...

Ðêm hôm đó, Tuấn đến nhà trọ của mấy cô học trò lớp Nhất. Năm nay, cô Thục lưng quần đỏ đã thi đổ primaire về nhà lấy chồng làm Chánh tổng, cô Lài cũng đã thi đổ được mẹ cho ra Huế học trường Ðồng Khánh. Chỉ còn cô Trâm, cô Anh thi rớt phải học lớp Nhất trở lại một năm nữa. Tuấn đem bài thơ đã học thuộc lòng ở nhà thầy Bình đọc cho Trâm và Anh nghe. Tuấn lập lại những lời hô hào cách mạng của thầy Ðổng sĩ Bình, và Tuấn cũng đã được tiêm nhiễm những giọng say mê ai óan của thầy, nói hùng hồn như thầy, đến nỗi một lúc sau Tuấn cũng bị xúc động gục xuống bàn khóc...Trâm và Anh cũng rưng rưng khóc theo.

Ðêm ấy, Tuấn nói hết những gì Tuấn biết về hai cụ Phan bội Châu và Phan chu Trinh, cho Trâm và Anh nghe say sưa, mãi đến gà gáy sáng.

Sau kỳ nghĩ Hè năm ấy, một số đông học trò ở toàn xứ An nam khắp ba Kỳ, đều thuộc lòng bài thơ của cụ Phan chu Trinh, bài thơ cách mạng đầu tiên đã vang dội trong đầu óc thanh niên thế hệ 1925.

Trong nhiều trường hợp, đại khái như trường hợp của Tuấn, việc cụ Phan bội Châu bị bắt giam ở nhà lao Hà Nội, việc cụ Phan chu Trinh về Saigon diễn thuyết cách mạng, và bài thơ của cụ "Thế sự hồi đầu dĩ nhất không..." được truyền khẩu bí mật đi khắp nước, từ Bắc chí Nam.

Học trò con gái phần đông là nghe theo học trò con trai, cũng được tiêm nhiễm tinh thần cách mạng, và sau này cũng hăng hái, cùng với bạn trai tham gia tất cả các cuộc hoạt động bí mật và công khai làm "phá rối cuộc trị an của Nhà Nuớc Bảo Hộ".

Tuấn viết bức thư đầu tiên cho Lài ở Huế, như sau đây ( Lài ở " Internat " ( ký túc xá ), trường Ðồng Khánh ).Thư phải để gửi cho một cô bạn cùng lớp Ðệ Nhất Niên với Lài, nhưng ở trọ nhà bà cô trong Thành Nội, nhờ cô bạn trao lại cho Lài ).

Le 6 Octorbre 1925

Cô Lài ơi,

Cô ở Huế, mà việc cụ Phan Bội Châu, một bậc anh hùng ái quốc bị Tây bắt ở bên Thương Hải giải về giam trong nhà tù Hà Nội ngoài Bắc kỳ, cô có nghe tin không ? Việc cụ Phan Chu Trinh, bậc anh hùng chí sĩ ở Tây về Nam kỳ, cô có biết không ?

Bài thơ của cụ Phan Chu Trinh :

"Thế sự hồi đầu dĩ nhất không,
giang san hòa lụy khấp anh hùng.
Vạn dân nô lệ cường quyền hạ,
bát cổ văn chương túy mộng trung.
Trường thử bách niên cam thóa mạ,
bất tri hà nhựt xuất lao lung.
Chư quân vị tất vô tâm huyết,
thỉnh bá tư văn khan nhất thông"

Cô có thuộc không ?

Cô trả lời cho tôi mừng kẽo tôi nóng lòng lắm. Còn cô Thục thi đỗ rôì mà không ra Ðồng Khánh tiếp tục học như cô, lại ở nhà lấy chồng, lão Chánh tổng nhà giàu, góa vợ. Tụi tui tức giận lắm đó. Tết này cô có về Qui-nhơn ăn Tết không ? nếu cô về thì tui ở lại chơi trong mấy ngày Tết. Tụi mình đến nghe thầy Bình giảng Les Droits de l' Homme et du Citoyen ( Nhân quyền và Dân quyền ). Tôi có cái hình cụ Phan Bội Châu đẹp lắm, nếu cô không có thì tôi gửi ra cho cô.

Tôi với Anh và Trâm nhắc đến cô hoài. Cô đau mắt hột, đã bớt chưa ? Tôi chúc cô học tiến bộ nhiều.

Thơ bất tận ngôn. Au revoir, mademoiselle.

Votre ami dévoué :
Tuấn.

Hơn mười ngày sau, Tuấn được thư Lài trả lời như sau :

Huế le 18 Octobre 1925

Anh Tuấn ơi,

Em bắt được thư anh sáng thứ tư, chị Tuyền đưa vô cho em mà Tuyền đã xé coi trước. Em giận lắm. Ở Huế, mấy cô trợ giáo và học trò Ðồng Khánh cũng bàn tán lao xao việc cụ Phan bội Châu bị bắt bỏ tù ở Hà Nội. Mấy bữa ni đang làm đơn gởi Quan Toàn Quyền để xin tha cho cụ. Tuị em theo mấy anh học trò trường Quốc Học và cũng hăng hái vận động đánh giây thép ra Bắc kỳ để xin ân xá cụ Phan Bội Châu. Còn trường Qui-nhơn của mình ? Không lẽ mấy anh làm thinh để cụ Phan bội Châu bị tù sao ? Anh nghĩ sao, cho em biết, em mong tin anh lắm. Cụ Phan chu Trinh diễn thuyết ở Nam kỳ, hô hào lập "dân chủ"đánh đổ "quân chủ".Em có một cuốn sách in bài diễn thuyết đó. Anh có không ? Nếu không, thì em gửi vô cho anh.. Hay hạng nhứt. Anh Tuấn ơi em đọc say mê. Làm sao em gửi lén vô cho anh ? Nhưng có một trò trai bị lính của Vua bắt, vì đang ngôì dưới cầu Trường Tiền đọc bài đó. Bài thơ anh chép cho em, em cũng có rồi. Ở Huế, ai cũng thuộc lòng.
Tết, em phải về Qui-nhơn thăm mẹ em. Anh Tuấn ở lại ăn Tết với em hỉ ? Em không có ảnh của cụ Phan Bội Châu nhưng em thấy trong báo "Khai Hóa" ở Hà nội gởi vô cho cô giáo, cô giáo có đưa cho tụi em coi. Cụ đẹp qúa, oai quá, anh hỉ. Anh ơi, dân nước An nam mình bị làm nô lệ cho cường quyền, anh có buồn không ? Nghe tin cụ Phan bội Châu bị tù, tụi em khóc hết.
Tuị em nhứt định xin tha cho cụ. Em đã thuộc lòng bài thơ anh làm tiễn em đi Huế, và thuộc lòng cả bài thơ của cụ Phan chu Trinh, vơí bài " Huyết lệ thơ " của cụ Phan bôị Châu nữa. Tết em về, em đưa cho anh coi bài " Huyết lệ thơ " em không dám viết vô đây, bài đó ghê lắm, anh à.
Em nhớ mẹ em, em khóc hoài.
Em cũng nhớ anh, em gửi lời thăm chị Trâm, chị Anh và chúc hai chị sang năm thi đỗ để ra Huế học với em.
Tết anh ở lại đừng về Quảng Ngãi, anh hỉ. Ông docteur chữa bệnh trachoma cho em đã gần bớt.

Votre affectueuse amie qui pense à vous.
Lài

Tái bút - Nếu chưa lo việc làm đơn xin tha cụ Phan bội Châu thì anh làm thiệt gấp. Ngoài Huế này, mấy chị lớp trên nói : nếu nhà nước kết tội chém cụ Phan bội Châu thì cả trường Ðồng Khánh sẽ làm lễ để tang cho cụ. Em viết tới đây em khóc vì em sợ họ không tha cho cụ đâu. Anh Tuấn ơi nếu cụ Phan bị chết chém thì anh cũng để tang nghe không anh ? Anh cổ động mấy anh học trò trường mình cho đông thì sợ gì. Anh làm đơn gởi đi thật gấp. Nghe nói quan Toàn Quyền mới tên là Alexandre Varenne, gần sang An nam rôì, để xử cụ Phan Bội Châu. Chúng ta làm đơn xin ân xá cho kịp ngày, nếu để trể thì nguy tính mạng bậc chí sĩ anh hùng của nước ta. Tuị em ngoài này mấy tuần chỉ lo có một việc đó thôi. Em chờ thư anh. Au revoir anh..

Votre amie fidèle : Lài


Ðọc thư cô nữ sinh Ðồng Khánh bị xúc động về cụ Phan bội Châu có thể bị chết chém, Tuấn vụt chạy ra sau nhà bếp ngôì khóc một mình. Cũng như nhữn g đám học trò con trai con gái khác đã bị ảnh hưởng về vụ Phan bội Châu, ảnh hưởng tự nhiên, ngấm ngầm nhưng vô cùng mãnh liệt, Tuấn sùng bái cụ Phan bội Châu không xiết kể và cứ hồi hộp lo sợ cụ bị chết chém.

Tuấn chạy đến nhà thầy Ðổng sĩ Bình, và rưng rưng nước mắt nói thầm với thầy :" Thầy ơi, tôi nói dại dột nếu lỡ mà cụ Phan bội Châu bị chết chém thì làm sao ? ".

Thầy Bình đang ngôì ăn cơm tối, vụt ném chén cơm và đôi đũa xuống đất, tiếng kêu choảng choảng...Thầy đập bàn tay thật mạnh trên bàn và la lên giận dữ, bằng tiếng Tây : "Jamais ! Jamais ! Jamais les Annamites laisseront mourir ainsi le Grand Patriote Phan sao Nam ! " ( Không đời nào ! Không đời nào người An nam để cho nhà đại chí sĩ Phan sào Nam chết như thế !)

Nhưng rôì như điên như cuồng, thầy gục đầu xuống bàn khóc, vừa lẩm bẩm như cầu nguyện :"cụ Phan không chết ! cụ Phan không chết !..."

Thầy Ðổng sĩ Bình, Thông Phán tòa sứ Qui-nhơn, cùng một lý tưởng và một chí hướng với Bửu Ðình ở Huế, Nguyễn an Ninh ở Saigon, Nguyễn thái Học ở Hà nội, là những nhân vật điển hình của thế hệ thanh niên tr1i thức cách mạng năm 1925. Một số rất đông học trò các trường Trung học Pháp-Việt, Nam và Nữ, ở ba Kỳ, và sinh viên Cao đẳng ở Hà nội đều chịu ảnh hưởng trực tiếp của mấy bực đàn anh kia. Chính họ đã truyền cảm cho lớp thiếu niên 1925, tinh thần ái quốc,tư tưởng cách mạng, mà haicụ Phan bội Châu và Phan chu Trinh ở hải ngoại mới về, là hai thần tượng tuyệt đối để họ sung bái, tôn thờ, tha thiết thương yêu.

giavui
06-25-2014, 05:20 PM
Tôi nói " thương yêu ", vâng ! Vì lớp trai trẻ có gái lẩn trai của thế hệ 1925, đã để trái tim của họ rung cảm mãnh liệt lần đầu tiên bởi tình yêu Nước mà cả hai nhà chí sĩ Phan bội Châu và Phan chu Trinh là hai hình ảnh thiêng liêng rực rỡ. Những mối tình khác chỉ đều phụ thuộc mà thôi. Lòng ái quốc bộc phát sôi nổi, đột ngột và hăng hái cho đến nỗi họ đã tự động để tang cho cụ Phan chu Trinh khi cụ chết ở Saigon năm 1926, họ lập bàn thờ ở khắp nơi để tế vong linh của cụ, và họ có thể tình nguyện chết theo nếu cụ Phan bội Châu bị án tử hình năm 1925.

Chính trong làn gió cách mạng nồng nhiệt lôi cuốn ấy, trong tình yêu nước thiết tha đầm ấm ấy, đã nẩy nở ra tinh thần hy sinh dũng cảm của cô Nguyễn thị Giang, Nguyễn thị Bắc, và trăm nghìn cô Bắc, cô Giang khác, và trăm nghìn Nguyễn thái Học khác, trong đám thanh thiếu niên nam nữ học sinh.

Không phải riêng một thầy Ðổng sĩ Bình điên cuồng, kêu thét vì quốc hận, không phải riêng một cậu học trò 16 tuổi như Tuấn cũng đau đớn khóc than cho " Vong Hồn Tổ Quốc ", mà hầu hết thanh thiêú niên nam nữ toàn nước "An Nam" đều bồng bột sôi nổi với tinh thần cách mạng tuy hãy còn ngấm ngầm e dè, chưa bùng ra quyết liệt.

Có điều làm vinh dự nhất cho các cô giáo và nữ sinh trường Ðồng Khánh Huế, là trường Nữ Trung Học độc nhất của xứ Trung kỳ, đã hăng hái hơn tất cả các trường khác ở toàn xứ An nam trong việc ân xá cho cụ Phan bội Châu.

Một buổi sáng thứ hai, trong giờ chơi, Tuấn được anh cai trường kêu xuống văn phòng nhận một thư bảo đảm. Tuấn mừng quýnh tưởng là thư nhà gửi măng-đa vô cho. Ra khỏi văn phòng, Tuấn xem nét chữ trên phong bì và dấu bưu điện đóng trên con tem, biết ngay là thư của cô Nguyễn thị Lài, học sinh trường Ðồng Khánh Huế, bạn thân của Tuấn. Tuấn chạy ra phía sau trường, ngôì một mình trên bãi cát, mở thư ra xem. Nét chữ của cô Lài đều đặn, tế nhị, rất dễ thương. Lài viết :

Huế ngày 14-12-1925 tức là ngày 29 tháng 10 năm Ất Sửu,

Mon cher ami Tuấn !

Em muốn viết thư này thiệt gấp gửi vô cho anh, để anh biết rằng ngày 9 tháng 12 vừa qua, các cô trợ giáo trường Ðồng Khánh và học trò tụi em, có đồng ký một giấy phép như sau đây gởi ra Quan Toàn Quyền Alexandre Varenne ở Hà Nội Bắc kỳ: Gougal Hanoi – Nous institutrices et élèves collège Ðồng Khánh, avons honneur demander à votre bienveillance grace pour patriot Phan bội Châu.

Nhưng giấy thép đó không gởi đi được, anh biết taị sao không ? Taị ông Chánh sở Giây thép không dám gởi đi và đưa trình lên ông Khâm Sứ Pierre Pasquier.

Ông Khâm sứ liền sai một ông thanh tra mật thám tới trường Ðồng Khánh ở Huế, kêu hết tất cả các cô trợ giáo và học trò tựu lại trước mặt bà Ðốc ( bà Ðầm ) và hỏi :"Ai viết cái giây thép này ?" Tức thì có cô trợ giáo Mân bước ra đọc cho ông thanh tra mật thám nghe bản chữ Tây như sau :

Je déclare être de celles qui ont decidé l'envoi du télégramme à M. le gouverneur général Varenne, et je vous présente mon amie, Mlle...qui est décidée à supporter avec moi les conséquences de notre acte collectif. Nous n'avons pas à consulter notre Directrice pour une faveur que nous demandions au Chef de la Colonie en debors du domicile administrative. Nous protestons contre le fonctionnaire de Postes qui s'est permis, après avoir recu notre argent, de détourner le télégramme remis à son guichet. Et ceci est d' autant plus grave que ce télégramme était adressé à Monsieur le Gouverneur Général. Nous n' avons pas à rougir de notre acte et n'avons que suivi l'exemple de nos soeurs de Hanoi qui ont arrêté la voiture du gouverneur général pour lui remettre une supplique en faveur de notre héros national et n' avons recu aucune suggestion du dehors. Nous avons agi en femmes annamites et non comme institutrices et élèves du collège.

( Tôi xin nhận là có cùng với các bạn gái quyết định gởi giây thép ra quan Toàn Quyền Varenne, và tôi xin giới thiệu ông đây là cô X. bạn tôi, đã cùng nhau quyết định chịu hết cả những hâụ quả của hành động tập thể này. Chúng tôi vì một ân huệ mà chúng tôi gởi xin quan Toàn Quyền ở ngoài phạm vi nhà trường. Chúng tôi phản đối ông chánh sở Bưu điện đã nhận tiền của chúng tôi để đánh diện tín, mà lại không gởi điện tín ấy đi. Càng trầm trọng hơn nữa, là chính điện tín ấy chúng tôi gởi ra quan Toàn quyền. Chúng tôi không hối hận tí gì về hành động của chúng tôi, chúng tôi chỉ theo gương của các bà chị của chúng tôi ở Hà nội đã chận xe hơi của quan Toàn quyền để đưa lên ngài một bản thỉnh nguyện ân xá cho vị anh hùng dân tộc của chúng tôi. Chúng tôi không bị ai xúi giục cả. Chúng tôi hành động với tư cách là phụ nữ An nam chớ không phải với tư cách là các cô trợ giáo và các học trò trường Ðồng Khánh. )

Anh à, tuị em đều lo sợ cho hai cô trợ sẽ bị bắt bỏ tù nhưng may quá, ông thanh tra đứng im lặng nghe, nghe rôì xin cái tờ khai kia để đem về trình với quan Khâm sứ. Sáng ngày hôm qua, là ngày 13.12.1925, bà Ðốc kêu cô trợ Mân bảo rằng ông chánh sở Giây thép mời cô trợ ra tòa giây thép để lấy lại số tiền gởi điện tín, mà điện tín bị giữ lại, không gởi.

Anh Tuấn à, mấy bữa rày ở Huế xôn xao lắm. Ngày vua Khải Ðịnh chết ( các quan nói là vua băng hà ) là ngày 6.11.1925, dân đế đô Huế chỉ nô nức chờ coi đám tang mà thôi. Ðám tang của nhà vua thì lớn lắm nhưng học trò và các cô trợ giaó không có chút gì cảm động, vậy mà việc cụ Phan bội Châu thì lại làm cho cả trường mất ăn mất ngủ, ngày đêm lo sợ, buồn rầu lạy Trời làm sao cứu cho nhà chí sĩ An nam khỏi chết.

Còn học trò trường Qui-nhơn mình có làm gì không anh Tuấn ? Bửa trước anh có được thư của em chứ ? Rôì anh có nói chuyện với mấy ảnh, có rục rịch gì không ? Em chờ thư anh qúa chừng mà không thấy anh trả lời. Sao vậy ? Chúc anh bình yên mạnh giỏi.

Votre amie qui pense toujours à vous
Nguyễn thị Lài

Tuấn đọc đi đọc lại thư của Lài hai ba, bốn lần. Rôì Tuấn mắc cỡ cầm thư chạy đến nhà mấy đứa bạn Quỳnh, Thu, Tố. Tuấn hỏi :

- Học trò Qui-nhơn mình dở quá ! Thua xa học trò con gái trường Ðồng Khánh. Tao xấu hổ lắm, tao không dám viết thư trả lời cho Lài.

Quỳnh bảo :

- Tụi Ðồng Khánh nhờ có mấy cô trợ giáo có đầu óc. Còn mấy ông thầy giáo của trường mình ông nào ông nấy sợ Tây như sợ cọp, tối chỉ lo xổ tam hường và đánh tứ sắc, còn làm khỉ gì được.

Tố nói thêm :

- Phải có mấy ông cầm đâu thì tụi học trò mới dám làm chớ ! Mầy coi, ông T, thì lo xổ tam hường, ông Thy thì ở nhà ôm vợ, ông V thì đánh tứ sắc, chỉ còn ông đốc Bình thì không nghe ổng nói gì hết.

- Tụi mình chạy lại thầy Ðổng sĩ Bình, hỏi ý thầy xem. Học trò Huế cũng có làm đơn xin ân xá cho cụ Phan. Qui-nhơn mình ngủ gục hết trơn, hết trọi, thế này sao ?

Ðêm ấy, bốn trò liền kéo nhau đến nhà thầy Ðổng sĩ Bình. Thầy Bình nói :

- Tôi đã gửi bài đăng trong báo Saigon để kêu ân xá cho cụ Phan Sào Nam. Còn về phần các học trò, phải tự làm lấy chứ ! Cũng như ở Huế, trường nào làm riêng trường đó mới được.

9 giờ khuya, về nhà Quỳnh, trò Tuấn hăng hái lấy bút viết nháp giây thép để gửi ra Quan Toàn Quyền. Tố, Quỳnh, Thu, chuyền nhau xem. Ðiện tín viết bằng Pháp văn như sau đây :

Gougal Hanoi – Nous, élèves collège Qui-nhon, vous serions reconnaissants accorder grâce à notre Grand Patriote Phan Bội Châu.

Quỳnh bỏ chữ collège, Tố thêm mấy chữ " vouloir bien " Thu thêm très trong câu notre Grand Patriote. Nhưng rôì không lẽ chỉ bốn đứa ký tên ? Phải có cả trường ký chớ ? Làm sao lấy chữ ký cả trường ? Lỡ ông Ðốc biết thì sao ?

Bốn đứa bàn đi bàn lại suốt đêm. Ðến gà gáy sáng Tuấn đề nghị đừng ký tên gì cả, cứ đánh đại giây thép mệnh danh là toàn thể học trò trường Qui-nhơn, rồi lỡ xẩy ra chuyện gì thì bốn đứa mình cùng chịu tội. Nhưng giấu kín đừng cho học trò trong trường biết. Vì đa số học trò trường Qui-nhơn hồi đó còn sợ. Chính bốn đứa này tuy hăng hái làm nhưng vẫn còn ngại...vì không có người lớn đỡ đầu. Dù sao cũng nhất định gởi cái giây thép nhưng lại không có tiền. Bốn đứa đều không có một xu, chưa nào được măng-đa ở nhà. Sáng tinh sương, thành phố còn ngủ, Quỳnh và Tuấn chạy đến ngõ cửa thầy Ðổng sĩ Bình, đưa thầy xem cái giây thép. Thầy gật đầu khen :

- C' est très bien ! C'est très bien ! ( Giỏi lắm ! giỏi lắm ! )

Xong thầy móc túi áo ra cho 1 đồng bạc mới inh. Ðồng bạc tròn chung quanh có răng cưa. trong có khắc hình "bà Ðầm xoè" và có vòng chữ République Française ( cộng hòa Pháp ). Ðể đồng bạc trên đầu ngón tay, cầm cán bút bằng sắt gõ vào, nó kêu " keng ! " rất thanh.

Hai đứa học trò mừng quýnh, cầm đồng bạc chạy về đưa cho hai đứa bạn nằm nhà chờ kết qủa, 8 giờ sán g Quỳnh và Tuấn làm đơn khai dối là " malade " xin phép Giáo sư cho nghỉ một buổi.

Hai đứa rủ nhau đi ra nhà Giây Thép. Tòa bưu điện đông người ra vào. Tuấn gấp tờ giấy điện tín bỏ trong túi áo, không dám lấy ra vội. Ðợi lúc vắng người, hai trò đến đưa cho thâỳ Thông giây thép coi, và trao luôn đồng bạc mới tinh. Nhưng thầy thông giây thép xem xong, trợn mắt lấy tay làm dấu cho hai trò đi vòng sau tòa bưu điện. Hai đứa ra đến đây thì thầy thông đã đứng đấy rồi, tay còn cầm tờ giấy của Tuấn. Thầy trợn mắt ngó Quỳnh và Tuấn và nói khẻ :

- Các trò muốn ở tù phải không ? Ai bảo các trò gởi cái giây thép này ?

Tuấn nhe răng cười ( Tuấn có tật nhe răng cười mỗi khi lính quýnh khó trả lời ).

Quỳnh bảo :

- Hết thảy học trò trường Qui-nhơn

Thầy thông bảo :

- Các trò đừng có làm bậy ! Ðã có lịnh của quan Sứ dặn quan Rờ-xơ-vơ hễ có ai đánh giây thép xin ân xá cụ Phan bôị Châu thì đừng gửi, và đưa giây thép lên cho Quan Sứ coi.

Hai trò nhìn nhau, Quỳnh hỏi Tuấn :

- Sao mầy ?

Tuấn nhe răng cười :

- Sao là sao ?

Thầy thông bảo tiếp :

- Tôi thương hai cậu. Con tôi cũng có học trong trường, nếu có chuyện gì nó cũng bị đuổi như các cậu vậy. Thôi tôi can hai cậu, xé bỏ cái giấy này đi. Nguy hiểm lắm. Nên kín mồm, kín miệng, tôi không có trình lên ông Rơ-xơ-vơ đâu.

Quỳnh lại hỏi Tuấn :

- Sao mầy ?

Tuấn chỉ biết nhe răng cười :

- Sao thì sao, chớ sao ! Thầy thông không cho gửi thì đành vậy.

Thầy thông trao tờ giấy "nguy hiểm" lại cho Tuấn. Hai trò ra bờ biển ngồi, xé vụn từng mảnh giấy nhỏ, và vò cục lại quăng ra đợt sóng. Hai đứa vội vàng về nhà Quỳnh. Tuấn và Quỳnh đều mắc cỡ và buồn, làm thinh không nói gì với nhau. Một lúc sau, Tuấn nằm sấp xuống chiếu, khóc thút thít một mình...

Vụ án Phan bội Châu đang sôi nổi, thì một buổi sáng sau khi vua Khải Ðịnh chết được chừng sáu bảy hôm, ông Daydier, đốc học trường Qui-nhơn, cầm một tờ giấy in, vào các lớp đọc cho học trò nghe. Lớp Tuấn đang học giờ Sử Ký Pháp. Giáo sư Mariani giảng về cuộc Cách mạng năm 1848. Với giọng hùng hồn như diễn thuyết, ông đang kể kại những sự kiện xẩy ra ở Paris, lúc thi sĩ Lamartine cầm cây cờ Tam-tài đứng trước tòa Ðô Chánh hô hào dân chúng, thì ông Ðốc học Daydier đi giầy cộp cộp...từ ngoài mở cửa bước vào. Ông giáo sư ngừng nói. Ông Ðốc đứng ngay giữ lớp, với vẻ mặt trịnh trọng khác hơn mọi ngày, nhìn chăm chăm vào mặt học trò, nói chậm rãi nhấn mạnh từng câu, từng chữ để cho học trò chú ý :

- J ‘ai une nouvelle importante à vous annonncer...( tôi có một tin quan trọng báo cho các trò biết...)

Ông ngưng một phút, rút trong túi áo ra một cặp kiếng lấy gắn vào sống mũi (ông đeo một loại kiếng trắng gắn vào sống mũi chứ không có gọng ) rôì nói tiếp, đại khái, ý nghĩa như sau đây :

- Trước hết tôi báo tin cho các trò biết rằng Hoàng Ðế Khải Ðịnh mới chết, cách đây một tuần lễ...Cái chết ấy thật là một việc đau buồn cho nước An nam và nước Pháp, bởi vì hoàng đế Khải Ðịnh là một người bạn lớn của nước Pháp ( un grand ami de la France ). Con trai của Ngài là hoàng tử Vĩnh Thụy, du học ở Paris, hãy còn nhỏ tuổi qúa không thể nào thay thế Vua Cha để cai trị dân. Tuy vậy nước Pháp có bổn phận bảo vệ nước An nam không thể để trống cái ngai vàng ở Huế, vậy nên nước Pháp đã mời hoàng tử Vĩnh Thụy về để kế vị Vua cha. Ngài sẽ nối ngôi nhà Nguyễn với niên hiệu là Hoàng đế Bảo Ðại. Nhưng vì Hoàng đế còn nhỏ tuổi muốn tiếp tục việc học ở Pháp, ngài là cậu học trò rất thông minh...

Ông Daydier tủm tỉm cười với ông giáo sư Mariani, rồi quay lại nói tiếp với học trò :

- ... và rất chăm chỉ, đáng làm gương cho học trò...ngài về nước để tang cho Phụ Hoàng của Ngài, rôì sẽ trở qua Pháp để tiếp tục việc học. Vì thế, Hội Ðồng Cơ Mật ở Huế mới thỏa thuận ký với nước Pháp một bản thỏa ước, gọi là " bản thỏa ước năm 1925 " ( La Convention de 1925 ) để cải tổ việc cai trị nước An nam cho mỗi ngày mỗi mở mang tiến bộ.

Ðây để tôi đọc xho các trò nghe nguyên văn bản " hỏa ước" đã ký kết giữa viện Cơ Mật Huế, đại diện cho Hoàng Ðế Bảo Ðại, và quan Khâm Sứ Trung kỳ đại diện Quan Toàn Quyền Ðông dương.

Dĩ nhiên bản Thỏa ước 1925 làm bằng tiếng Pháp và có những điều khoản rõ ràng. Ông Daydier đọc hết từ đầu đến cuối trên tờ giấy in dài độ 1 trang rưỡi. Ðây là vài chi tiết quan trọng nhất mà trò Tuấn nhớ rỏ :

1. Trong thời gian vắng mặt Hoàng đế Bảo Ðại du học ở Pháp, triều đình Huế sẽ do một hội đồng Nhiếp chính (Conseil de Régence ) điều khiển.

2. Hội đồng Nhiếp chính gồm các quan Cơ Mật Ðại thần, đại diện Triều đình, vị Chủ tịch Tôn nhơn Phủ đại diện Hoàng Phái, và quan Khâm Sứ Trung Kỳ, đại diện Nhà Nước Bảo Hộ.

3. Hội đồng Nhiếp chính do quan Khâm sứ Trung kỳ chủ toạ

4. Các việc hành chính quan trọng đều do tòa Khâm sứ trực tiếp điều khiển vơí sự thỏa thuận của Hội đồng Nhiếp chính.

5. Hội đồng Nhiếp chính đảm nhiệm về việc cúng tế, việc quản trị các cung điện Hoàng gia, việc cấp phát các sắc Thần,v.v...

Và các chi tiết khác không quan trọng.

Ðọc hết bản Thỏa ước, ông Ðốc học bảo :

- Các trò về nhà nói laị cho cha mẹ của các trò rõ về sự nước Pháp lúc nào cũng chăm lo mở mang và dìu dắt nước An nam trên con đường văm minh tiến bộ. Chỉ những kẻ ngu xuẩn và những kẻ bạc nghĩa vong ơn mơí không biết những ân huệ của nước Pháp. Các trò về hỏi lại cha mẹ của các trò về tình hình của nước An nam trước khi nước Pháp đem văn minh qua đây, trước đây chừng mười năm thôi, rôì các trò so sánh với nước An nam ngày nay thì các trò sẽ biết người An nam mang ơn nước Pháp những gì.

Ông Daydier nói đến đây thì vừa trống đánh ra chơi. ông chào ông giáo. Học trò đều đứng dậy, đợi ông đi ra rồi mới ùa ra sân chơi. Chỉ tội cho lớp Ðệ Tam Niên, cạnh lớp của Tuấn, đến phiên phải ở lại để nghe ông Ðốc.

Học trò ra chơi, không còn nhớ ông Ðốc đã nói những gì. Bản " Convention de 1925 " bằng tiếng Pháp, họ hiểu hết nhưng rốt cuộc không hiểu gì cả. Hiểu nghĩa những câu những chữ, nhưng nào có hiểu được tại sao có cái " Convention "ấy, và tại sao ông Ðốc đem nó đến từng lớp đọc cho học trò nghe ? Chuyện đâu đâu ở Huế, chuyện Vua với Tây, có ăn thua gì đến học trò ?

Ngay như vua Khải Ðịnh chết, trước đó 6,7 hôm mà hầu hết học trò cũng không hay biết gì cả, mấy anh lớn ở lớp Ðệ Tam Niên cũng vậy. Họ còn vui cười hỏi nhau :

- Ủa vua Khải Ðịnh chết hồi nào mà không nghe ai nói he ? Ông Daydier không xuống lớp nói thì tụi mình cũng tưởng ổng còn sống chớ.

Rồi tất cả đều cười, như là câu chuyện diễu. Toàn thể học sinh rất là thờ ơ, không có một xôn xao nho nhỏ, cũng không có lời bàn tán về cái " Convention 1925 " --- một danh từ thật mới lạ mà không ai tìm hiểu cho rõ ý nghĩa và công dụng như thế nào. Không có ai nhắc lại những lời của ông Ðốc học Daydier. Nhiều trò chỉ thích thú được ngồi chơi trong lớp hơn nửa tiếng đồng hồ, khỏi học bài Sử ký. Các trò khác bu lại từng nhóm như thường lệ, để hỏi nhau về bài toán Géométrie hay Physique mà chốc nữa vào lớp phải nộp lên cho giáo sư Gabriel.

Mấy ông giáo sư An nam đi qua đi lại ngoài hành lang với các giáo sư Pháp, nói chuyện với nhau với vẻ mặt vui thích lắm. Cái tin Vua Khải Ðịnh chết do ông Ðốc Daydier long trọng tuyên bố thành ra gần như một tin mừng, hay là một biến cố vui vẻ cho cả nhà trường. Còn bản "Convention " thì tuyệt nhiên không ai nhắc đến.

Kế đến vài tháng sau, cũng trong một buổi học, tự nhiên ông Tổng giám thị An nam ( Surveillant général ) đến từng lớp, theo sau là anh cai trường ôm một gói sách. Ông nói với giáo sư vài lơì rồi quay lại bảo với học trò một quyển sách mới tinh.

- Quan Ðốc vừa nhận được của quan Khâm sứ ở Huế gởi vô cho mỗi trò một quyển sách này. Quan Ðốc khuyên các trò không những là nên đọc hết quyển sách, rất bổ ích, mà về nhà còn phải đọc lại cho cha mẹ nghe nữa.

Nói xong, ông Tổng giám thị đi ra, anh cai trường theo sau còn mang mấy gói sách nặng chĩu để phát cho các lớp khác. Cửa khép lại, ông giáo Gabriel tiếp tục giảng bài Géométrie plane. Học trò không kịp xem quyển sách nói những gì, Ông giáo sư cũng không để ý đến.

Về nhà, trò Tuấn rút sách trong cặp ra xem. Tên sách là L' Indochine d'hier et d'aujourd'hui (Ðông dương ngày xưa và ngày nay ). Tác giả là Cucherousset, chủ báo Eveil Économique ở Hải Phòng, Bắc kỳ. Sách dày, in thật đẹp, chữ in màu sepia, mỗi trang bên trái bằng Pháp ngữ đối chiếu với trang Quốc ngữ bên phải. Người dịch Pháp ngữ ra Quốc ngữ là một nhà Nho An nam, ở Hà nội tên là Vũ công Nghi.

Ngay nơi trang đầu quyển sách có hình ông Toàn quyền Alexandre Veranne ở giữa, phía bên tay trái là ông phó Toàn quyền Pierre Pasquier, tay mặt là " vua Bảo Ðại ", Hoàng đế Annam " phía dưới tay trái là Vua Sisowath-Monivong, Quốc vương Cao Miên, tay mặt là Vua Sisavangvong, Quốc trưởng Ai Lao. Trang trong có hình vợ góa của của Khải Ðịnh, dưới đề Pháp ngữ là " S.M La Reine Douairière " ( Bà Hoàng Thái Hâu ) một thiếu phụ Huế, trạc 24 tuổi, nét mặt ngây ngô, tóc quấn, đeo kiềng vàng, mặc áo gấm thêu hoa.

Trong sách còn in nhiều thắng cảnh Ðông dương như Angkor Watt, Angkor Thom ở Cao Miên, Tháp Chàm ở Qui nhơn, cửa Ngọ Môn Huế, Hồ Hoàn Kiếm Hànội, nhà Hộ sinh Quảng Ngãi v.v...

Có điều lạ, là tuyệt nhiên không có một phong cảnh nào của Nam Kỳ và không có hình của một nhân vật nào của Nam kỳ.

Trò Tuấn đọc hết cả quyển sách. Sách chia ra nhiều chưong, tóm tắt lại là nói về Ðông dưong trước hồi Tây qua, so sánh với xứ Ðông dương năm 1925, với tất cả những cái mà tác giả cho là " văn minh tiến bộ" về các phương diện học đường, y tế, canh nông. hỏa xa, công chánh, kỹ nghệ, thương mãi v.v...Và chương cuôí, kể công ơn của nước Pháp với các xứ Ðông dương là vô lượng vô biên như trời như bể.

Mãi 10 năm sau, Tuấn ở Hà nội, được giao thiệp nhiều với các giới trí thức và được dịp điều tra, mới biết rằng quyển L'Indochine d'hier et d'aujourd'hui (Ðông dương ngày xưa và ngày nay ) của Cucherousset và Vũ công Nghi xuất bản năm 1925 do Phủ Toàn Quyền đặt mua trên 200.000 quyển để phát không cho tất cả các trường Trung học Ðông dương, trường Cao đẳng Hà nội và các trại lính khố xanh, các Thầy Thông, Thầy Phán các sở Nhà nước. Ðó là phương pháp tuyên truyền của Nhà Nước Bảo Hộ để chống lại phong trào Ái quốc và Cách mạng do hai cụ Phan bội Châu và Phan chu Trinh ở Hải ngoại về đã gây ra trong toàn thể quốc dân. Quyển sách kia có mục đích gián tiếp nhắc nhở cho dân An nam những "công ơn của nước Ðại Pháp" đã gây dựng xứ Ðông dương và nhất là xứ Trung kỳ rong thời gian nước Pháp cai trị. Ảnh hưởng của quyển sách L'Indochine d'hier et d' aujourd'hui đối vơí học trò hình như cũng có hiệu nghiệm một phần nào, vì có một số ca tụng nước Pháp ghê lắm.

giavui
06-25-2014, 05:21 PM
CHƯƠNG 14. 1926

- Lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh do học sinh tổ chức lén trên núi.

- Các giáo sư diễn tuồng cải lương mừng lễ "Hưng Quốc Khánh niệm" của Gia Long.

- Truyền đơn của "Dân Việt Cách Mạng Ðảng".

- Ðấu khẩu giữa một nhóm Nam Nữ học sinh chống Pháp và một ông Lý trưởng nịnh Pháp.

Mấy tháng sau, tháng 3 năm 1926 tin cụ Phan Chu Trinh tạ thế ở Saigon bay ra khắp nước, mãnh liệt như một làn thuốc súng. Ðám táng của cụ ở Saigon thành ra một đám tang chung cho toàn quốc. Một số học trò Trường Trung học Qui-nhơn nghe tin ấy một buổi tối thứ sáu, do một người từ Saigon đem về. Tức thì đêm ấy một nhóm độ 10 trò rủ nhau đến nhà thầy Ðổng sĩ Bình để hỏi xem tin kia có đúng không, và phải làm thế nào ?

Thầy Bình đang gục đầu khóc nức nở trước một hương án, trên đó thầy đã treo một bức ảnh của cụ Phan chu Trinh đặt một lư trầm khói bay nghi ngút, một bình hương, một cặp đèn nến cháy đỏ bừng, với một bình hoa phượng. Tụi trò Tuấn bỏ cả quốc ngoài hè, đứng vòng tay lễ phép một bên. Nhìn lên ảnh cụ Phan, trò nào cũng rưng rưng nước mắt. Bổng dưng không ai bảo ai, các trò đến qùy sụp xuống hết trước bàn thờ, sau lưng thầy Ðổng sĩ Bình, và khóc cả lên một lượt, ầm ĩ cả nhà.

Sau đó, thầy Bình cho mấy cậu học trò biết rằng chính thầy cũng mới nhận được giây thép báo tin buổi chiều trong lúc thầy đang làm việc trong Toà Sứ. Ðợi mãn giờ làm việc, thầy vội vàng đạp xe máy về nhà thiết hương án để vọng bái cụ.

Hôm ấy là 26 tháng 3, Cụ Phan chu Trinh tạ thế tại Saigon lúc 9 giờ rưỡi đêm 24.

Gần 2 giờ khuya các trò ra về, mang nặng trong lòng một mối tang chung, và hầm thì với nhau sắp đặt lễ truy điệu cho toàn thể nhà trường.

Lễ truy điệu cụ Phan chu Trinh do một nhóm học trò trường trung học Qui-nhơn tổ chức lén lút trong đêm thứ Bảy 27-3 và sáng Chủ Nhật 28-3-1926 có thể coi mhư là một chứng dẫn cảm động nhất của lòng yêu nước nhiệt thành của thế hệ thanh niên Việt Nam thời bấy giờ.

Tôi nói : Nhiệt thành, vì lòng sùng bái đối với cụ Phan chu Trinh xui họ tự động tổ chức lấy, do một nhóm 10 cậu học trò hăng hái vận động từ hai hôm trước và đa số tán thành. Nhưng họ không dám tổ chức công khai trong thành phố.

Nhóm 10 cậu cầm đầu có 5 cậu ở lớp Ðệ Tam niên và năm cậu ở lớp Ðệ Nhị niên, trong đó có các trò Quỳnh, Tố, Thu, Hảo, Tuấn. Trong số 5 anh lớn ở Ðệ Tam niên có anh Trọng, người đeo kính cận thị, cao lớn nhất và học lười nhất, chỉ thích vô Saigon mở tòa báo để mời ông Hồng Tiêu làm chủ bút.

Sau một buổi nhóm âm thầm bí mật ở nhà trọ anh Trọng hồi 7 giờ tối thứ Bảy, mỗi trò phải lập tức chạy đi từng nhà trọ rủ anh em góp tiền và hẹn sáng sớm hôm sau là Chủ Nhật phải đi lên núi Xuân Quang làm lễ. Căn dặn với nhau đi bằng xe máy hay đi bộ như đi chơi thường đừng để người ta chú ý, và không được đi chung đông người. Tiền góp mỗi trò 5 xu, để mua nhang đèn và nếu có thể được thì mỗi trò sẽ đem theo một miếng vải đen để tang.

Ở trong buổi nhóm ra, Tuấn chạy đến nhà trọ của hai cô bạn gái lớp Nhất, Trâm và Anh. Hai cô rất sốt sắng tán thành ngay. Vì giờ đó không thể mua vải ở đâu được. Anh vội vàng đi lấy chiếc áo dài đen còn mới của cô bằng vải trăng đầm và không do dự lấy kéo cắt phăng một cánh tay áo, làm được ba cái băng tang, cho Tuấn một, Trâm một và Anh một. Trâm thì lấy tiền riêng chạy ra phố mua ba thẻ nhang và sáu cây đèn bạch lạp. Trâm và Anh lại bảo nhau sáng sớm trước khi đi bẻ mấy cành hoa phượng để đem cắm trên bàn thờ cụ.. Hai cô dặn Tuấn đến đi với hai cô, và đi bộ, đi thật sớm, lúc hừng đông, trước khi mặt trời mọc. Lúc bấy giờ hầu hết phụ nữ ở Trung kỳ và Bắc kỳ đều chưa biết đi xe đạp. Ở Saigon và lục tỉnh cũng chỉ có một số rất ít chị em mới tập đi xe máy đầm. Học trò gái đi học toàn đi bộ, mặc dù nhà trọ ở xa trường.

Tuấn còn chạy đi rủ các bạn khác. Giữa đường gặp Quỳnh, Quỳnh hỏi thật khẻ :
- Mầy rủ được mấy đứa rôì ?

Tuấn cũng trả lời rất khẻ :

- Ðược 20 đứa...Còn mầy ?

- Tao rủ được 35 thằng lớp Ðệ Nhất niên. Mày có cho bọn học trò con gái biết không ?

- Có. Trâm và Anh. Anh xé cánh tay áo dài đen làm cho tao cái băng tang.

- Mày sướng quá vậy. Tao chưa có băng tang. Mày trở lại con Anh, biểu nó làm cho tao một cái được không ?

Tuấn gãi đầu :

- Ðược. Ðể tao bảo nó cái băng của tao ra làm đôi, mỗi đứa một nửa.

Theo " chương trình " -- tạm gọi là chương trình, vì sự thực không có chương trình, và chính "ban tổ chức " cũng không có. Chỉ có anh Trọng và 9 đứa với nhau sơ sài rôì mạnh ai nấy đi cổ động riêng. Theo sự dặn dò với nhau thì lễ truy-điệu phải làm ngay lúc mặt trời mới mọc.

Bảo nhau rằng làm lễ truy điệu trên núi Xuân Quang nhưng sự thật Tuấn không biết làm chỗ nào, vì núi Xuân Quang ở phía Bắc trường học Qui-nhơn là một dẫy núi dài. Các trò chỉ biết là đi dọc theo con đường lớn lên miệt nhà quê, rôì đến đấy gặp nhau sẽ liệu.

Tuấn đi với Trâm và Anh, từ lúc gà mới gáy vào khoảng 5 giờ. Thành phố hãy còn ngủ thim thíp. Các anh cu ly kéo xe cũng còn ở nhà ngủ, chưa có một bóng anh nào lảng vảng ở ngoài đường. Trâm và Anh hơi sợ, vì sắp sửa dự vào một việc nguy hiểm. Hai cô học trò lớp Nhất mơí 15 tuổi đã biết gì đâu, tuy là hăng hái, do trò Tuấn xúi giục rủ reng. Hai cô tóc kẹp, đội nón Huế, chân mang quốc, vẫn chưa biết là lén lút như thế này đến dự lễ truy điệu cụ Phan chu Trinh ở một nơi kín đáo trên núi sẽ có hậu quả như thế nào ? Nhưng Trâm và Anh đều hoàn toàn tin tưởng nơi Tuấn, cho nên Tuấn đi giữa, hai cô đi hai bên, kề sát vào nhau như người anh cả 16 tuổi đi với hai cô em gái 15 tuổi, vừa đi vừ thầm thì trò chuyện.

- Anh Tuấn ơi, tụi mình làm lễ đề tang cho cụ Phan chu Trinh, lỡ ông Ðìa-réc-tơ biết, ổng có đuổi không anh ?

- Không lẽ đuổi cả trường à ?

- Nhưng chắc gì bữa nay có cả trường đi lễ ?

- Không có cả trường thì cũng có một nửa. Nội đêm hồi hôm, một mình tôi đi rủ được 30 đứa. Không lẽ còn mấy anh kia không rủ được ba trăm đứa sao ?

- Các ông giáo có dự không anh ?

- Ai mà dám cho ổng biết

- Lỡ thứ Hai vô học các ông biết thì sao ?

- Nếu có chuyên gì, thì tôi với mấy anh kia chịu.

- Không, nói thế chứ các anh bị cái gì, thì tụi em cũng bênh các anh.

Câu chuyện thầm thì đến đậy, xem chừng như nghẹn nơi cổ rôì. Tuấn và Trâm, Anh, đều làm thinh, không ai nói gì nữa.

Ðến đầu làng Xuân Quang đã thấy anh Trọng, Quỳnh, Tố, và 5,6 trò khác tụ họp nơi chân núi đá. Mấy người này đi xe máy đã đến trước. Anh Trọng và hai trò đi vào một nhà tranh gần núi. Không biết họ nói cách nào mà họ mượn được một cái bàn cũ kỹ, khiêng ra đặt ngay trên bãi cỏ xanh. Mặt trời đã rạng đông, và lần lượt học trò kéo tới, hầu hết là đi xe máy, chở nhau mỗi xe hai ba trò. Cũng có nhiều trò đi bộ. Tuấn lăng xăng với Quỳnh, Hảo và anh Trọng, sắp đặt cho anh em dựng xe máy vào các tảng đá, và kê dọn bàn thờ. Ðầu tiên, trò Quỳnh lấy tấm ảnh cụ Phan chu Trinh, cắt trong quyển sách " Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa " của cụ Phan, do một người ở Saigon đem ra bán mấy hôm trước. Tấm ảnh đẹp, gương mặt cụ Pahn thật là oai nghiêm. Anh Trọng trở vào túp lều tranh ban nãy, mượn được chiếc bài vị cúng thần thổ địa. anh em mừng qúa, cười rộ lên. Tuấn và Quỳnh xúm lại lấy cơm nguội trét dán ảnh cụ Phan chu Trinh lên trên bài vị.Bắt đầu có ảnh cụ Phan đặt trên bàn thờ anh em đã thấy rạo rực trong lòng, và nét mặt người nào người nấy tự nhiên buồn rầu, cảm động. Không ai dám cười giởn.

Trâm và Anh đưa ra bó hoa phượng. Tuấn chạy vào nhà anh dân quê kia mượn được chiếc bình mẻ đem ra, để cắm hoa. Các bạn khác cũng vào núi bẻ rât nhiều hoa rừng đặt phủ kín bàn htờ.

Nến và hương thắp thât nhiều, chung quanh ảnh cụ Phan khói bay nghi ngút. Anh Trọng lớn hơn hết, có vẻ ngưòi anh cả thật sự, bảo anh em đứng sắp hàng cho có trật tự. Tuấn và Quỳnh đi sắp đặt chỗ, để Trâm và Anh đứng gần bàn thờ, còn học trò trai, cả thảy gần một trăm người mặc toàn áo trắng dài, đứng sắp hàng hai bên.

Mặt trời vừa mọc, chói rực trên mặt biển Qui-nhơn, chiếu những tia vàng trên sườn núi. Gió thổi hiu hiu mát rượi. Cảnh vật chung quanh hoàn toàn yên tỉnh. Chẳng có một người dự vào, trừ hai vợ chồng dân quê và mấy đứa con tò mò đứng ngó nơi sân nhà. Anh Trọng đứng trước bàn thờ, Tuấn một bên, Quỳnh một bên. Thấy anh Trọng qùi xuống. Tuấn và Quỳnh cũng bắt chước quỳ. Anh Trọng móc trong túi ra một tờ giấy để đọc. Ðó là bài văn tế cụ Phan chu Trinh mà anh soạn lúc nào không ai biết, Tuấn cũng không biết. Giọng anh run run với những câu như :

"...Thưa cụ, chúng con là học trò khờ dại, nhưng nghe tin cụ mất ở Nam kỳ, chúng con cũng đau đớn vô cùng. Chúng con thương khóc cái chết một bậc anh hùng của quốc dân An nam, một bậc đại chí sĩ đã nêu gương ái quốc cho thanh niên chúng con. Trong lúc đồng bào khắp nơi đều khóc cụ, chúng con tụ hợp nơi đây với chút lòng thành, một nén hương, một ngọn nến, chúng con xin vong linh cụ chứng giám cho..."

Anh Trọng đọc chưa hết đã gục đầu xuống khóc. Tuấn và Quỳnh cũng khóc. Rồi tất cả học trò đều khóc.

Lần lượt anh em đến trước bàn thờ cụ, cung kính quỳ xuống lạy. Trâm và Anh khóc nhiều hơn cả. Xong rôì anh Trọng nói :

- Tôi có đem theo đây một vuông vải trăng-đầm đen và cái kéo. Cô Trâm và cô Anh cắt giùm ra làm băng tang cho anh em đeo. Ai có rồi thì lấy ra đeo, để tang cho cụ.

Buổi lễ truy điệu cụ Phan chu Trinh rất giản dị và trọng thể, đã cử hành được hoàn toàn mỹ mãn. Xong kẻ rũ nhau đi chơi núi, một tốp đi về đường Lò Bò, một tốp đi băng đồng cát, còn vài chục trò đi theo đường quan lộ. Trâm và Anh rủ Tuấn cùng về, đi bộ. Nhưng gần đến phố, sợ thiên hạ thấy trai gái đi chung với nhau, Tuấn từ biệt Trâm và Anh, và băng qua động cát, phía sau trường.

Sáng hôm sau, thứ Hai, vào trường học, một số độ chừng sáu bảy chục trò còn đeo băng đen trên cánh tay. Mấy trò khác cất băng ở nhà không dám đeo đến trường.

9 giờ, học trò lớp Tuấn đang ngồi nghe Ông giáo sư An nam giảng Vật lý học, thì anh cai trường xuống, cầm một tấm giấy nhỏ đưa ông giáo sư. Ông trố nhìn giấy, nét mặt nghiêm khắc, gọi :

- Tuấn !. Quỳnh !, Thu !, Hảo ! A la Direction !

Bốn trò tái mặt, đứng dậy ra đi. Cả lớp đều tỏ vẻ lo sợ.

Ðến văn phòng, ông Tổng Giám thị đưa bốn người vào gặp ông Ðìa-réc-tơ.

Tụi này cúi đầu chào. Ông Daydier, với nét mặt hầm hầm hỏi Tuấn :

- Mày để tang cho ai đấy ?

Trò tuấn ấp úng trả lời :

- Dạ...thưa... tôi để tang cho Ông Nội tôi.

Ông Daydier trợn mắt :

- Ông nội mầy đã chết hai chục năm rôì, bây giờ mầy mới để tang hả ?

Tức thì ông Daydier đánh vào má Tuấn một tát tay. Tuấn nghe một tiếng "Pâng !" kinh khủng ! Tuấn xiểng liểng, muốn té xỉu luôn.

Rồi ông quay lại trò Quỳnh :

- Còn mầy ?

Quỳnh chưa trả lời, cũng bị ông tát một tát kinh hồn. Hảo, Thu đều bị như thế. Xong, ông đuổi bốn đứa về lớp, không nói thêm một câu.

Bốn đứa lặng lẽ đi về lớp thì giữa hành lang gặp người cai trường và ba anh nữa ở lớp Ðệ Tam niên xuống văn phòng. Tuấn chỉ cho anh Trọng cái vết tát tay còn đỏ bừng trên má trò, và khẻ bảo :

- 36 ngón nến !

Trông nét mặt anh Trọng y người tù sắp sửa lên máy chém.

Học trò xầm xì hỏi nhau :

- Không biết đứa nào mét với ông Ðốc ? Nếu không có thằng chó nào làm " ráp bo " cho ổng, thì làm sao ổng gọi đúng tên tất cả mấy đứa bày đầu



Người tức giận nhất là anh Trọng. Anh này từ trước đến giờ vẫn hiu hiu tự đắc là người có cái xác cao lớn nhất trong trường, học Ðệ Tam niên cũng lại là lớp cao nhất, với đôi kính cận thị ra vẻ đạo mạo tiên sinh, thế mà bây giờ bị ông Ðìa đánh ba bạt tay nổ đom đóm, làm anh mất hết thể diện với lũ học trò em út. Ðâý là anh nghĩ thế, nhưng sự thất thì học trò cả trường đều thương anh, chớ có đứa nào khinh khi hay chế nhạo anh đâu.

Nói cho đúng, tất cả mấy trò bị ông Ðốc Daydier đánh tát tay đều không có oán giận ông Ðốc, vì học trò thời bấy giờ vẫn còn theo lễ giáo ngày xưa, kính trọng thầy, và sợ thầy, không dám hỗn xược, không dám phản đối...

Mình sùng bái cụ Phan chu Trinh, thì lòng mình cứ sùng bái cụ, nhưng không phải vì thế mà mình oán thù ông Ðốc trường, mặc dầu bị ông đánh chảy máu răng. Anh Trọng lý luận rằng mình làm lễ truy điệu và để tang nhà cách mạng Phan chu Trinh là một việc hãy còn làm lén lút riêng trong đám học trò, chứ đồng bào trong thành phố có ai dám đề xướng ra lễ truy điệu đâu? Ðến cả thầy Ðổng sĩ Bình cũng chỉ lập bàn thờ riêng trong nhà để thờ cụ và khóc lậy cụ một mình.

Nhưng anh Trọng cũng như mấy trò kia tức giận là tức giận cái thằng bạn chó má nào đã đi mét với ông Ðốc vụ lễ truy điệu cụ Phan chu Trinh? Anh Trọng, trò Quỳnh, trò Tuấn, trò Hảo, trò Thu đều nghi cho trò Thức và trò Trâm. Nghi cho trò Thức ở Ðệ Tam niên vì thường nhật trò này được ông Ðìa thương nhất. Nghi trò Trâm vì trò này giỏi toán nhất lớp Ðệ Nhị niên, thường được ông giáo sư toán là Gabriel cưng nhất, Gabriel là ông giáo đã chửi Tuấn một câu :" An-na-mít là giống người bẩn thỉu, giống mọi rợ ".

Hôm lễ truy điệu, Thức và Trâm đều không có đi dự lễ. Ðấy chỉ là điều nghi ngờ, có thể là nghi oan cho hai người bạn vô tội, nhưng từ hôm đó cả trường đều ghét Thức và Trâm.

Cho đến các em lớp nhỏ ở lớp Tư lớp Năm, cũng chỉ trỏ hai người kai mà nói xầm xì với nhau :" Hai cái anh lớn đó vậy mà làm điềm chỉ cho ông Ðốc, mầy ơi ".

Buổi sáng, mấy trò đeo băng đen trên mũ và nơi cánh tay đã bị Ông đìa tát tay cho trò nào trò nấy xiểng liểng, thì buổi chiều không còn trò nàodám đeo băng đen nữa. Tôị nghiệp cho trò Lý ở lớp Ðệ Nhất niên để tang thật sự cho mẹ đã hơn một năm, từ hôm đó đi học cũng không dám đeo băng tang cho mẹ nữa.

Thái độ mấy ông giáo sư An nam, đối với cái tang cụ Pahn chu Trinh, thì hoàn toàn lãnh đạm, cũng như hầu hết các thầy thông, thầy phán làm việc ở các tòa và các sở nhà nước. Ðại đa số dân chúng trong thành phố đều sung bái cụ Phan chu Trinh và cụ Phan bội Châu, nhưng họ sợ tù tôị, không dám thổ lộ công khai. Sau khi nghe vụ học trò làm lễ truy điệu cụ Phan tây Hồ ở trên núi Xuân Quang, nhiều người chủ tiệm buôn trách móc :" Sao mấy trò không cho tui biết với, để tui gởi nhang đèn bánh trái lên cúng Cụ? ". Ðaị khái dư luận dân chúng trong thành phố đều hoan nghênh vụ học trò làm lễ truy điệu cụ Phan, mặc dầu sự hoan nghênh ấy đã muộn.

Trò Tuấn cất cái băng tang trong va li để làm kỷ niệm, mãí 10 năm sau vẫn còn.

Trong lúc ở Qui-nhơn, học trò tự động làm lễ truy điệu cụ Phan chu Trinh lén lút ở trên núi, thì ở nhiều nơi khác lễ truy điệu được tổ chức công khai, như ở Saigon, Ðà Nẵng, Hà nội. Ðặc biệt ở Saigon là nơi cụ Phan chu Trinh chết, đám tang của cụ đã thành ra Quốc Táng của người An nam, trước cặp mắt thù ghét của người Pháp. Cụ Phan mệnh chung tại một căn nhà đường Lagrandière (đường Gia Long bây giờ ) và đám tang của cụ do một Ủy ban tổ chức gồm những nhân vật trí thức có tên tuổi, được dân chúng tín nhiệm. Hầu hết những nhân vật ấy, Trạng sư, Kỹ sư, Giáo sư, Ký giả, lúc bình nhật đều có thành tích hoạt động chính trị công khai, vì Saigon là nhượng địa của Pháp theo chế độ tự do của Pháp. Tuy thế, thanh niên và nam sinh và nữ sinh các học đường, chỉ tham gia một phần nào thôi, dưới sự dẩn dắt của người lớn. Ở đây, mọi việc đều có các giới trí thức lo liệu, thanh niên không có tự động tổ chức như ở các tỉnh Trung kỳ và ở Bắc kỳ.

Lớp trẻ hăng hái hoạt động cách mạng ở Saigon trong lúc này như Nguyễn an Ninh, Trương cao Ðộng, Phan văn Hùm, DIệp văn Kỳ, v.v...và vài năm sau có Vũ đình Dy, Cao văn Chánh...Tuy nói là thanh niên nhưng đã đều xấp xỉ hoặc trên 30 tuổi, và hầu hết là những trí thức đã thi đỗ Tú tài, Cử nhân ở các đại học Pháp. Các lớp trẻ gọi là học trò từ Trung học trở xuống hãy còn là những con chiên hiền lành, ngoan ngoãn, chưa có ý thức rõ rệt về cách mạng, hay là theo đúng danh từ thông dụng lúc bấy giờ, là "quốc sự". Năm 1925-26, hai chữ "cách mạng " chưa được phổ biến trong đại chúng.

Ở Trung kỳ, lễ truy điệu cụ Phan chu Trinh được tổ chức công khai ở Tourane, hay gọi là Ðà Nẵng. Thành phố này cũng là nhượng địa của Pháp, theo chế độ đặc biệt của Pháp, được phần tự do hơn. Ủy ban tổ chức ở đây do một nhóm nhân sĩ Nho học và Tây học, phần nhiều là bạn đồng chí của Cụ Phan tây Hồ, quê quán ở Quảng Nam. Nam nữ học sinh đại diện hai trường Quốc học và Ðồng Khánh ở tận Huế đi xe lửa vào Tourane để dự lễ, vì chính ở Huế, kinh đô của nhà Vua, lễ truy điệu bị cấm. Ai cũng biết rằng cụ Phan chu Trinh là kẻ thù số 1 của Vua Khải Ðịnh, hay là nói ngược lại, vua Khải Ðịnh là kẻ thù số 1 của nhà cách mạng Phan chu Trinh. Khải Ðịnh đã chết ( tháng 11-1925 ), trước cụ Phan mấy tháng ( tháng3-1926 ), nhưng cái chết của Khải Ðịnh, ngoài đám tang theo nghi lễ rầm rộ của triều đình Huế, không được dân chúng, và thanh niên thương tiếc và chú ý đến.

Cụ Sào Nam Phan bội Châu đã được về an-trí ở Huế nhưng cụ chỉ đánh giây thép và gửi câu đối vào Saigon để phúng điếu cụ Phan tây Hồ, chứ cụ không được tòa Khâm sứ Huế cho phép vào Saigon đưa đám cụ. Cụ Phan bội Châu cũng không được vào Tourane để chủ lễ truy điệu cụ Phan chu Trinh, tuy nhượng địa Pháp chỉ cách kinh đô Huế 100 cây số.

Ban tổ chức truy điệu cụ Phan tây Hồ ở Tourane lại còn quyên được một số tiền của các đồng chí địa phương để xây cất một nhà thờ cụ Phan ở đường Verdun.

Ở Hà nội, lễ truy điệu cụ Phan chu Trinh được tổ chức tại Ðền Hai Bà Trưng, ở ngoại ô thành phố khỏang cuối đường Armand Rousseau, thuộc làng Ðồng Nhân. Ủy ban tổ chức Hà nội cũng gồm các nhân sĩ cách mạng, đồng chí của cụ Tây Hồ như cụ Nghè Ngô đức Kế, cụ Cử Dương bá Trạc. Một số sinh viên Ðại học ở trường Cao Ðẳng Ðông Dương ( Université Indochinoise ) và Học sinh trường Lycée du Protectorat ( trường Bưởi --Trường Bưởi, trung học Pháp việt tự đông đến tham gia buổi lễ.

Ban tổ chức lễ Truy điệu cụ Phan chu Trinh tại đền Hai Bà Trưng lúc đầu hơi thắc mắc vì không biết nên đặt bàn thờ cụ Phan ở chỗ nào. Bàn thờ giữa đền thì đã có hai pho tượng cao lớn của Hai Bà, tượng gỗ, nhưng chạm trỗ thật đẹp, bà chị mặc áo vàng chit khăn vàng, bà em mặc áo đỏ chit khăn đỏ, rất là oai vệ. Chẳng lẽ đặt bàn thờ cụ Phan chu Trinh trước pho tượng hai Bà?

Sát bên hông Ðền, có chùa thờ Phật. Chẳng lẽ đặt bàn thờ cụ Phan trong điện thờ Phật ? Sau cùng do đề nghị của đám sinh viên Cao đẳng và Học sinh trường Bưởi, bàn thờ cụ Phan được đặt vào vách tường phía bên trái bàn thờ hai Bà. Thành ra hôm lễ Truy điệu cụ Phan chu Trinh, ban tổ chức Hà nội phải làm lễ tế luôn hai chị em bà Trưng.

Sau lễ truy điệu, bàn thờ cụ Phan được đễ luôn đấy. Nhưng vài năm sau, mỗi năm đến ngày lễ tế hai Bà, mấy Hương chức làng Ðồng Nhân sợ ở tù, chỉ cúng lạy hai Bà mà không dám cúng lạy cụ Phan. Bàn thờ cụ Phan ở bên cạnh không được chút nhang khói. Hai pho tượng hai vị Nữ Anh Hùng, cầm kiếm đứng oai nghiêm trên bàn htờ, chứng giám bọn con dân cung kính quỳ lại hai Bà, còn cụ Phan Tây Hồ trong chiếc ảnh lồng kiếng, với mái tóc chải bồng, hai chùm râu mép giống như Napoléon III, với cái nơ đen xinh đẹp thắt nơi cổ áo sơ mi, ngồi trố mắt nhìn im lặng...Một tấm vải đỏ phủ lên trên khung ảnh, đã bị bụi dính mốc meo, không ai lau chùi.

Nhưng đến ngày giỗ Cụ, có một số người trai trẻ đến cho ông Từ vài ba đồng bạc, đề nhờ ông mở cửa Ðền ( cửa hông ) cho họ vào cúng nhà chí sĩ Việt Nam mà đồng bào hầu như đã quên lãng. Mấy người này lặng lẽ thắp một nén hương, đốt vài ngọn nến, rồi thay phiên nhau quỳ xụp xuống lạy. Mười lăm phút sau, họ ra về lặng lẽ như khi họ đến. Họ là những người trẻ tuổi vô danh, không đại diện cho ai cả. Nhưng họ là những chàng trai của đất Việt, không bao giờ quên ơn bậc chí sĩ bất khuất đã đạo tạo tinh thần bất khuất cho họ. Họ là những người con, cụ là người cha của thế hệ...

Vào khoảng nửa tháng sau lễ Truy điệu cụ Phan chu Trinh, ở Qui Nhơn học trò bàn tán xôn xao về việc mấy ông Giáo sư An nam bỗng dưng hăng hái tập ca cải lương. Thật là một điều mới lạ. Mấy ông Ðốc (Ðốc học, lúc bấy giờ chưa gọi là Giáo sư ) thuộc vào giới thượng lưu trí thức trong thành phố, từ trước đến giờ vẫn có một nếp sống trưởng giả, đêm nào cũng tụ họp nhau lại để cờ bạc, xổ tam hường hoặc đánh tổ tôm, tài bàn, sao bây giờ các ông lại tự nhiên rủ nhau đi học ca cải lương ? Mỗi đêm bắt đầu vào khoảng 7 giờ người ta thấy quý ông Ðốc tụ họp tại nhà một Thầy Trợ Giáo ( nay gọi là giáo viên ) để học đờn và học ca những bản Hành vân, Lưu thủy, Tứ đại oán, Nam ai, Nam bình v.v...của một tuồng cải lương tựa là "Gia Long phục quốc ". Hăng hái nhất trong việc này lại chính là ông Ðốc Tr. giáo sư Lý Hóa, một ông giáo nghiêm khắc nhất và được học trò sợ nhất. Thật không có gì buồn cười bằng một ông Ðốc dữ tợn khét tiếng ở trường, lại tập đóng vai đứa ở trong tuồng cải lương, nhưng vẫn mặc đồ Tây sang trọng, đeo cà vạt, tay cầm cái chổi cau mà hát hteo điệu "Khổng Minh tọa lầu " "



Sáng dậy sớm quét nhà
Quét nhà gánh nước nâú cơm
Ra cái thân ở mướn
Phải cái nghe lời thầy
Miễn cho người yêu chuộng thì thôi
Miễn cho người yêu chuộng thì thôi.... . . . . . . . . . . .



Mấy tối liên tiếp, Tuấn cứ đến nhà thầy trợ Liễn, đứng thập thò ngòai cửa để xem ông Ðốc Tr. tập đóng vai đứa ở và ca bài cải lương trên kia. Trò không nhịn cười được liền cười rồ lên và bị ông Ðốc Tr. chộ mặt. Sáng hôm sau vào lớp, đến giờ Vật Lý học. Trả lời vấp một chữ là Tuấn bị ông Tr. cho "zéro "liền và đuổi xuống chỗ.

Dần dần một tháng sau học trò cả trường mới biết rằng theo lệnh Triều đình và tòa Khâm Sứ Huế, lễ Tết mồng Năm tháng 5 âm lịch năm ấy sẽ bị bãi bỏ và thay thế bằng Lễ Quốc Khánh ngày 2 tháng 5 An nam là ngày vua Gia Long đã tòan thắng Tây Sơn, lên ngôi Hòang Ðế và sáng lập triều Nguyễn. Ðó là Lễ Quốc Khánh đầu tiên của nước An nam và được cử hành rất long trọng ở hai xứ Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Xin nhớ rằng lễ Quốc Khánh chính thức ở tòan cõi Ðông Dương dưới quyền đô hộ của Pháp là "Lễ Chánh Trung "14 tháng 7 dương lịch mà thường dân vẫn gọi là Lễ "Cách tót ruy dê ".



Lần đầu tiên nước An nam được phép tổ chức ngày lễ Quốc Khánh mồng 2 tháng 5 Âm lịch cũng gọi là ngày lễ "Gia Long Phục quốc". Nghe đồn rằng Quan Công Sứ của Pháp đã giao phó công việc tổ chức cho các ông Ðốc An nam ở trường, cho nên mấy ông này sốt sắng lo ngày đêm làm sao cho ngày lễ được long trọng để được Quan Sứ khen. Theo chương trình thì có hai cuộc vui lớn nhất trong đêm mồng 1 tháng 5 ; học trò rước đèn, và các ông Ðốc ( giáo sư ) cùng các thầy trợ giáo ca cải lương. Tuồng cải lương do một anh soạn tuồng chuyên môn tên là anh Tám, vừa dàn cảnh vừa điều khiển các diễn viên tòan là mấy ông Ðốc và mấy Thầy.



Ðúng 7 giờ tối, tòan thể học trò trường Nhà Nưóc, đều phải tụ họp đông đủ tại sân Công quán ( nhà Hội của các quan An nam ) và được giao cho mỗi trò một cây đèn bánh ú. Tất cả đều sắp hàng tư trước cổng ngó ra đại lộ. Ðúng 8 giờ, đám rước đèn bắt đầu khởi hành. Hai người Lính Tập ( Lính khố xanh ) thổi kèn, đi trước một toán lính tập 12 người sắp hàng hai, mặc lễ phục trắng, vai mang súng cầm lưỡi lê. Rồi đến học trò cầm đèn. Toàn thể học trò được lệnh của ông Ðìa-réc-tơ phải tham dự đông đảo cuộc rước đèn. Trò Tuấn và một nhóm độ vài ba chục học trò đã định với nhau là lẻn ở ngoài để coi, nhất định trốn việc cầm đèn. Không dè số đèn thì dư mà số học trò thì thiếu. Thấy thế ông Ðốc T. chạy đi kiếm lũ học trò lười biếng, lén lút lẫn trong đám đông dân chúng đi coi. Trò Tuấn núp sau lưng một người đàn ông, bị ông Ðốc Tr. trông thấy, đánh một tát tay, rôì ông bắt cầm một cây đèn bánh ú đứng sắp hàng vào đám rước. Tất cả các trò lười biếng trốn tránh đều lần lượt bị chộ mặt hết và cũng bị đánh bạt tay như Tuấn.



Ði tiền phong đám rước đèn của học trò, trước cả lính kèn, là một trò cầm cây cờ Pháp, lá cờ thật lớn, mới tinh, ba màu xanh trắng đỏ nổi bật lên rực rỡ dưới ánh đèn và ánh đuốc của mấy người lính cận vệ đi hai bên.



Tuy là ngày "lễ Quốc Khánh An nam "nhưng không có chưng cờ An nam ( nền vàng với một rẻo xanh trắng đỏ ở góc phía trái ), mà chỉ có mỗi một lá cờ Pháp rộng lớn bay phất phới trên hàng đầu đám rước. Dĩ nhiên hai bên hàng phố của người An nam và người Tàu đều treo cờ Pháp. Ðám rước đèn đi từ Công quán ngang qua đường phố chính, thẳng xuống Tòa Sứ, cách xa gần hai cây số. Có thể đoán chừng rằng 4000 dân chúng trong thành phố đều có mặt ở đấy. Họ đứng chen chúc hai bên lề đường để xem đám rước đèn và trầm trồ khen ngơị. Tất cả đều nô nức, hân hoan, cả học trò, giáo sư trợ giáo, thầy thông, thầy phán, binh lính, cai đội, và dân chúng, đàn bà, đàn ông, con trai, con gái.



Chỉ có hai người không đi dự cuộc vui công cộng ấy. Thầy Ðổng sĩ Bình, Thông phán tòa Sứ, người Huế và ông Ðốc Bính, giáo sư Quốc văn, người Bắc. Họ không thèm đi.



Nhà ông Ðốc Bính ở ngay trước Công quán, nơi khởi điểm của tất cả các cuộc vui chơi náo nhiệt.



Tất cả các nhà cùng dãy, đến vài chục căn, đều mở cửa, treo cờ tam tài, người đứng đông đảo hân hoan, xem quan cảnh tưng bừng của dạ hội "Quốc Khánh ", Tuấn để ý thấy duy có mỗi căn nhà của ông Ðốc Bính là đóng cửa kín mít mà không treo cờ.

Thầy phán Ðỗng sĩ Bình thì đem ấy nằm nhà làm thơ "cách mạng "và thắp đèn hương trên bàn thờ cụ Phan chu Trinh. Ngay chiều hôm ấy, ba bốn đứa học trò rủ Tuấn đến thăm thầy. Thầy bảo, với nét mặt hầm hầm, giận dữ :

- Vua Gia Long là một kẻ bán nước. Hắn đem Tây về lấy nước An nam. Hắn rước voi về dày mồ. Tây họ khôn, họ thấy cụ Phan bội Châu và cụ Phan chu Trinh về tuyên truyền cách mạng, họ sợ quýnh cho nên họ bày đặt ra cái lễ Quốc Khánh An nam để vỗ về dân An nam, để lừa gạt dân An nam, và để tăng uy tín cho giòng Vua Triều Nguyễn. Các anh em học trò có hiểu không ?

Sự thật thì học trò đâu có hiểu sâu xa như vậy. Tuấn cũng như tất cả thanh niên đồng lứa, hãy còn khờ dại, tuy đầu óc đã được tiêm nhiễm tư tưởng cách mạng của hai cụ Phan, nhưng đâu có sáng suốt nghĩ ra những chuyện quốc sự thâm thúy như thế.Nghe thầy Ðổng sĩ Bình giảng giải, một số bạn bè của Tuấn và Tuấn mới hiểu rõ ý nghĩa mĩa mai chua chát của lễ Quốc Khánh An nam. Nhưng hiểu là một việc, mà cầm đèn bánh ú đi trong đám rước là một việc khác. Chưa chi mấy trò trốn tránh đã bị mỗi trò môt tát tai rồi đó, thấy không ?

Bị bắt buộc đi rước đèn và bị lôi cuốn trong đám đông người liên hoan nồng nhiệt, mấy đứa bạn của Tuấn và Tuấn không thể tách ra ngoài được và cũng phải chường mặt ra như muôn người.

Ðám rước đến trước cổng tòaSứ thì Tuấn thấy trong Tòa đèn sáng trưng hơn mọi đêm, và tất cả các quan Tậy đều có mặt chung quanh quan Công Sứ. Có cả ông Ðia-réc-tơ và các giáo sư người Pháp, với những nét mặt hân hoan và nụ cười hãnh diện. Học trò cầm đèn, sắp ngay hàng thẳng lối tiến vào Tòa Sứ, cờ Pháp rộng lớn bay phất phơ trên hàng đầu. Rôì theo lệnh của ông Ðốc Tr. hướng dẫn và đã tập dượt mấy đêm trước, đám học trò cầm đèm bánh ú chia ra hàng ngũ dứng sắp thành hai chữ Q.K. Cũng theo huấn lệnh đã dặn trước, ông Ðốc Tr. thổi một tiếng còi síp lê, thì toàn thể học trò hô lên mấy tiếng Tây : Vive la France ! Vive L'Annam ! ( Pháp quốc vạn tuế ! An Nam vạn tuế ! ).

Vài chục ông Tây bà Ðầm đứng chểm chệ trên bao lơn tòaSứ nhìn xuống vỗ tay. Ba ông quan An nam, quan Tổng Ðốc, quan Bố chính, quan Lĩnh binh, đeo thẻ ngà tòn-ten trước ngực, đứng né một bện quan Tây, cũng gật đầu cười, vỗ tay.Nét mặt ông nào cũng tươi vui hoan hỉ.

Xong rôì, theo tiếng síp lê của ông Ðốc Tr. đám rước đèn sắp hàng ngũ lại như cũ, kéo ra về, đi vòng ra dọc theo bờ biển, dưới rặng thùy dương, đến xóm Lò bò, quẹo vô thành phố, đi thẳng lên trường, và giải tán ngay trước cổng trường, cách Công quán chừng hai trăm thước.

Ðến đây, không còn ai bắt buộc nữa, tha hồ tụi học trò cầm đèn múa nhảy lung tung, cười ầm ỹ như quỷ phá nhà chay. Mấy đứa bạn của Tuấn và Tuấn hè nhau đập phá nát tan mấy cái đèn bánh ú có sơn hai chữ Quốc Khánh trên mỗi cây đèn. Bọn này còn chạy đi dựt những cây đèn trong tay các trò khác để đập nát và đốt cháy hết trên mấy nấm mả đá trước cổng trường. Trò Quỳnh hăng hái nhất, la lớn lên : "Ðốt cháy hết đi, tụi bây ! " Trò Tuấn cũng la lên :" Rước voi dày mồ ! Rước voi dày mồ ! Ðốt ! Ðốt ! "Trò Trân là người được ông Ðốc Tr. lựa chọn vầm cờ tam tài của Pháp đi tiền phong, sợ cháy cờ, lật đật vác cờ chạy một mạch về công quán.

Tất cả cũng kéo về công quán để còn xem hát cải lương.

Rạp hát cải lương được dựng ngay trước công quán, để cho dân chúng được đến coi đông đảo và không trả tiền.

Giẫy ghế danh dự của khan đài để dành cho quan Sứ và bà Ðầm, quan Phó Sứ, bà đầm phó Sứ, ông Ðìa-réc-tơ ( goá vợ và sói đầu ) N. Có cả ông Cố đạo nhà thờ Thiên chúa, quan Giám binh, một vài ông Tây bự khác và Quan Tổng Ðốc Bình định.

Hàng ghế thứ hai để cho các quan Tây và các bà đầm khác. Tội nghiệp cho hai ông quan An nam là quan Bố chính và quan Lãnh binh, oai vệ với chiếc thẻ ngà tòn ten trước ngực lại bị sắp ngồi nơi hàng ghế thứ ba, chung với ông quan Một, Tấy Xếp Ngục ( nhà lao ), mấy ông Tây nhỏ, sau lưng cả mấy ông giáo sư Pháp...

Trò Tuấn quen tánh tò mò con nít, tuy không có phận sự gì trong rạp hát cải lương, nhưng cũng len lỏi cho được vào hậu trường sân khấu để coi...Trò thấy ông Ðốc Tr. cùng mấy ông khác, mấy thầy Thông, thầy Phán, và vài anh học trò lớn ở lớp Ðệ Tam niên sửa soạn y phục cải lương và phấn son, áo mão hia, không kém gì các đào kép thật của một gánh hát cải lương. Không có cô nào bà nào chịu đóng tuồng, nên trò Hòang ở Ðệ Nhị niên phải cải trang giả làm con gái để đóng vai Công chúa.Theo chương trình viết bằng đũ thứ mực màu, trên một tờ giấy croquis lớn, một nửa Pháp ngữ, một nửa Quốc ngữ, dán trước cổng Công quán, thì tuồng cải lương bắt đầu mở màn lúc 9 giờ. Ðáng lẽ phải hát sớm hơn, nhưng theo lời ông Ðốc Tr. nói thì phải đợi các quan Tây ăn bữa tối thường lệ lúc 8 giờ, đến 9 giờ các quan mới đi coi hát được.

Khán đài đã chật ních công chúng An Nam từ lúc 8 giờ ngay sau khi coi rước đèn về. Công chúng được hân hạnh ngồi khán đài toàn là các Thầy. Dân thành phố và học trò thì đứng chung quanh, vì sân Công quán thật rộng chứa vài ngàn người.

giavui
06-25-2014, 05:21 PM
Ðám đông người chật ép ấy đang nô nức đợi chờ, nói cười ầm ỹ, thì có ba tiếng chuông dóng lên, báo tin quan Sứ và bà Ðầm đến. Ông Ðốc Tr. khăn đen áo dài, trịnh trọng chạy ra đón rước, mời quan Tây và bà Ðầm vào ngồi hai ghế danh dự.Tòan thể khan giả đều đứng dậy chào.

Các quan kế tiếp đến đông đủ. Trên sân khấu cải lương màn chưa mở. Hai giòng chữ lớn cắt trên giấy kim nhũ rực rỡ màu vàng và dán trên tấm màn đỏ, nổi bật lên như sau đây :

Tuồng cải lương Gia Long Phục Quốc mừng lễ Quốc – Khánh Annam

Khi các quan Tây an tọa, một hồi chuông vang dây rồi tấm màn từ từ được ven ra. Trên sân khấu, toàn thể quí ông qúi thầy, y phục như đào kép cải lương, và độ hai chục đứa học trò đứng sắp hàng hai bên, đồng thanh ca lên bài hát sau đây :

Âu –Á xum vầy
Mừng nay Âu – Á xum vầy :
Pháp Nam liền lạc một dây vững bền
Sực nhớ truyền Sử Ký
Trước trăm năm từng bị gian nan
Vua, tôi, lao khổ muôn vàn
Nhân dân đồ thán giang san tiêu điều.
Ðức Thế tổ ( vua Gia Long ) trăm chiều chóng chỏi,
Giốc một lòng đánh đuổi cường hung
Xiết bao kể nổi khốn cùng
Thế nguy tận lực hãi hùng lắm phen
Lòng trời khéo xui nên gặp gỡ :
Bạn Lang sa ( Pháp ) giúp đỡ mọi đàng
Một tay khôi phục Nam bang :
Tam kỳ thống nhất rõ ràng anh quân
Trên Mẫu quốc trăm phần mến phục
Ngoài lân bang cùng nức tiếng khen
Cơ đồ gầy dựng đã nên
Bình thành công đức lưu truyền muôn năm
Thầy Ðại Pháp nhất tâm khai hóa
Ðạo làm dân tiến bước theo sau,
Non nước một bâù
Mừng nay non nước một bầu,
Mùng 2 tháng Ngọ ( tháng Năm ) cùng nhau nhớ ngày.

( theo tài liệu của một bạn độc giả, Phạm văn Vinh, có nhã ý gửi cho chúng tôi, thì năm 1925, lúc ông học lớp Nhất ở trường Tiểu Học Sơn Tây, Bắc kỳ, học trò cũng bị bắt buộc học thuộc lòng bài hát trên đây để hát trong ngày lễ Quốc Khánh mồng 2 tháng 5 Ất Sửu ( 1925 ). Bài hát này được gởi đi các trường Trung kỳ và Bắc kỳ, trong dịp lễ Quốc Khánh lần đầu tiên )

Sau bài hát là đến tuồng cải lương. Trò Tuấn không thích coi tuồng, chỉ quanh quẩn nơi hậu trường để xem mấy ông, mấy thầy thay đổi áo quần đào kép và vẽ mặt vẽ mày như hát bội.

Tuấn không dám chơi lâu, vào khoảng 11 giờ đã vội vàng chạy về vì nhà trọ của cậu ở hơi xa, phải đi ngang qua cây vông Ma Ðầm, nơi đây có một con ma Ðầm mà ai cũng sợ. Lại có một con ma nhỏ ở ngọn cây đa gốc vườn tòa Sứ, gần đây.
















Con Ma Ðầm thì Tuấn chưa gặp lần nào, nhưng theo lời tất cả học trò và dân chúng trong xóm thì nó ghê lắm. Nhiều người quả quyết đã gặp nó và đã bị nó chụp, sợ chạy hết hơi !

Cây vông đứng ngay trên lề đường. Tục truyền rằng hôì xưa có một cô Ðầm chết chìm trên sông gần đó. Cô biến ra ma, cứ đêm tối trời, hễ có ai đi ngang qua đấy thì cô hiện ra y hệt như một cô Ðầm thật trẻ, đẹp lắm và đưa tay ra chào : Bonjour !

Ðặng văn Chí, một học trò lớp Ðệ Tam Niên, quả quyết rằng có lần anh đã gặp con ma Ðầm bắt tay anh và " Bonjour ", đến khi anh ngó lại kỹ thì cái mặt trắng phết, mà không có mắt. Con ma Ðầm níu anh, anh hoảng hốt chạy té đái trong quần.

Con ma chó thì ở trên ngọn cây đa gốc thành Toà Sứ. Bên cây đa có cái miếu thờ một viên Tướng quân Tây Sơn hồi trước. Vị tướng Tây-Sơn bị quân Nguyẽn Ánh giết tại đây trong một trận đánh xáp lá cà giữa hai quân đội Chúa Nguyễn và Tây-Sơn. Không hiểu sao có nhiều xác chết mà chỉ xác vị Tướng này là linh thiêng, và hóa ra ma. Lại là ma chó. Những đêm tối trời, người yếu bóng vía đi ngang qua đây thường tyhấy một cái đầu chó từ trên ngọn cây đa rớt xuống đất, rồi lần lượt một khúc mình, hai cẳng trước, hai cẳng sau và sau cùng là cái đuôi. Những mãnh rời ấy tự nhiên chấp lại thành ra con chó đen, đứng sủa vang lên và vồ lấy người ta. Ai bị nó " cắn " là chết ngay.

Trò Tuấn chưa chính mắt trông thấy con ma Chó và con ma Ðầm lần nào. Nhưng mỗi khi đi qua hai nơi ấy, là trò nhắm mắt cắm đầu cắm cổ chạy một mạch, chạy khỏi vài trăm thước mới dám đứng lại, quay lại ngó lại đằng sau xem có Ma đuổi theo không.

Tuấn nghỉ rằng, nếu gặp phải Ma, thì trò thích gặp con ma Ðầm trẻ đẹp hơn là con ma Chó.

Một đêm, vào khoảng tám giờ, Tuấn đi chơi lang thang một mình dọc đường bờ sông thật vắng vẻ. Bổng Tuấn trông thấy nơi góc cột đèn hơi đá (đèn thắp đá carbure ) một tấm giấy nằm trên cỏ, với một cục đá nhỏ đè lên. Nghĩ chắc tấm giấy này không phải là ma, Tuấn tò mò lượm lên xem. Tờ giấy lớn bằng một trang vở học trò, in đông sương ( thạch ) mấy câu viết tay bằng mực tím như sau :

Hỡi Ðồng Bào,

Bọn đế quốc Pháp đem xiềng xích nô lệ tròng lên đầu dận An nam, để dể bóc lột. Chúng thu thuế thân của người An nam để đem tiền về Pháp, trong khi quốc dân đồng bào không đủ áo mặc cơm ăn. Chúng ta phải tranh đấu đừng nộp thuế và cương quyết dành cho được cơm áo, tự do. Ðả đảo đế quốc Pháp bốc lột !

Tân Việt Cách Mạng Ðảng.

Tuấn chưa hiểu gì hết, nhưng lo sợ. Không phải lo sợ vì truyền đơn chống Pháp, mà lo sợ vì đang đứng trước một bí mật ghê gớm. Tuấn suy nghĩ : Ai để truyền đơn nguy hiểm này ở chỗ nầy ? Có ai đang rình Tuấn trong bóng tôí chung quanh không ? Nếu mình lượm, có sao không ? Mình bỏ trong túi đem về nhà có được không ? Có ai trông thấy không ? Có ai bắt mình không ?

Tuấn thắc mắc, do dự một lúc, nhình quanh quẩn không thấy bóng người, rồi cúi xuống đặt tờ truyền đơn vào chỗ cũ, lấy hòn đá đè lên y như lúc nãy. Xong Tuấn vội vàng đi nhanh. Nhưng Tuấn không an tâm, đầu óc cứ lẩn vẩn những câu hỏi : Ai để tờ truyền đơn ở gốc đèn ? Họ để đấy từ hồi nào mà lại đè hòn đá lên cẩn thận như thế ? Mình lượm coi như thế có sao không ? Có ai theo rõi mình không ?

Tuấn liếc mắt nhìn kỹ lại một lần nữa trong các bóng tối chung quanh, không thấy một bóng người. Tuấn có cảm giác như đang đi trong một thế giới bí mật rùng rợn. Tuấn ráng đọc lại trong trí nhớ mấy câu trên tờ truyền đơn, nhưng vì lúc xem vội vàng nên Tuấn quên mất một vài đoạn. Tuấn cố nhớ lại mà vẫn không nhớ hết được. Tứcmình, Tuấn quay trở lại để xem tờ truyền đơn. Nhìn cột đèn bằng sắt sơn đen đứng sừng sững bên lề đường, trên ngọn cột có một cái đèn đá lồng kính, tỏa xuống đường một vùng ánh sáng lờ mờ nhợt nhạt, giữa cảnh đêm hôm hoang vắng. Tuấn còn trông thấy tờ truyền đơn phất phơ trong gió. Tuấn mang quốc, nhưng bước rất khẽ, đến gần cúi xuống lấy nhanh tờ giấy in mực tím lờ mờ, đưa ra ánh đèn xem lại thật kỹ một lần để nhớ cho hết từng chữ. Xong, Tuấn để tấm giấy lại chỗ cũ, đè cục đá lên rồi đi thẳng.

Dọc đường, Tuấn đọc thầm lại, và lần nầy Tuấn không quên một chữ, nhớ không sót một dấu phết. Tuấn định đến nhà Anh và Trâm cho hai cô bạn gái này biết. Hai cô đang học bài, ngồi thên ghế tràng kỹ. Giữa bàn chong một cây đèn " mâng sông " lớn, ánh sáng xanh dịu.

Thấy Tuấn vào, Anh nở nụ cười duyên, Trâm đang tra tự điển cũng ngước mắt lên ngó Tuấn với lời chào thân ái. Trông thấy nét mặt của Tuấn hơi khác, Anh hỏi :

- Hôm nay anh Tuấn sao buồn vậy, anh Tuấn ?

Trâm và Anh chờ Tuấn trả lời. Nhưng Tuấn trông thấy một ông " Nhà quê " ngồi đối diện với hai cô bạn, đang xem hai cô học. Tuấn không biết ai, cũng lễ phép cúi đầu :

- Chào bác.

Anh cười bảo :

- Chú của em đấy.

Tuấn vô tình chào lại :

- Chào chú.

Sự ngớ ngẩn của Tuấn khiến cho Anh và Trâm, cả ông " Nhà quê " cười xòa. Anh giới thiệu tiếp :

- Chú của em làm lý trưởng ở làng, hôm nay ra Kho Bạc để nộp thuế.

Tuấn sực nhớ mấy lời trong tờ truyền đơn, liền hỏi ông lý trưởng :

- Thưa chú, chú đi nộp thuế thân, phải không ?

Ông lý-trưởng cười :

- Thuế thân, chớ còn thuế gì nữa.

- Thưa chú, hôm nay làng nào cũng phải ra Kho Bạc nộp thuế thân sao ?

- Ừ, đến mùa thuế các làng phải thâu thuế đem ra nộp cho sở Kho Bạc Nhà nước.

Anh giới thiệu với ông lý-trưởng :

- Thưa chú, đây là anh Tuấn, học lớp Ðệ Nhị Niên đó. Ảnh thường tơí đây chơi để chỉ tụi con làm bài luận Quốc văn và Pháp văn. Ảnh làm thơ hay lắm, chú à.

Ông lý-trưởng gật đầu cười :

- Cậu làm thơ hay thì làm thử một bài đọc nghe chơi.

Tuấn tủm tỉm cười, bảo Anh đưa mượn cây bút chì và xin một tờ giấy trắng.

Tuấn lui cui viết, một tay làm bộ che lại không cho Anh và Trâm xem. Viết xong, bỏ bút chì xuống. Tuấn còn hơi do dự chưa muốn đưa tờ giấy ra. Anh cười :

- Anh làm bài thơ gì mà mau thế ? Cho em xem !

Tuấn vẫn cứ do dự nắm tờ giấy trong tay.

Trâm cười :

- Anh không cho thì tuị em dựt lấy xem đại.

Mọi khi ngồi chơi với Anh và Trâm, Tuấn vui vẻ và tự nhiên lắm, sao hôm nay Tuấn có nét mặt sượng sùng, coi bộ sợ sệt...Nhưng rồi Tuấn cười đưa tấm giấy vừa chép xong cho Anh. Anh và Trâm xúm nhau xem :

Hỡi đồng bào

Bọn đế quốc Pháp đem xiềng xích nô lệ tròng lên đầu dân An nam, để bốc lột. Chúng thu thuế thân của người dân An nam, để đem tiền về Pháp, trong khi Quốc Dân đồng bào không đủ áo mặc cơm ăn. Chúng ta phải tranh đấu đừng nộp thuế cho Ðế Quốc và cương quyết dành cho được cơm áo, tự do. Ðả đảo Ðế Quốc Pháp bốc lột.

Tân Việt Cách Mạng Ðảng.

Anh và Trâm hoảng hốt, cứng họng nói không ra lời. Ông lý-trưởng cười bảo :

- Bài thơ ra sao, đưa chú coi thử, con !

Anh ngó Tuấn, không dám đưa, Tuấn bảo :

- Nếu Anh và Trâm thấy bài Thơ coi được, thì đưa chú Xã coi chơi. Nếu thấy dở, thì xé đi.

Anh hiểu ý, liền đưa " bài thơ " cho chú Xã. Ông Xã mới đọc mấy câu đầu đã chố mắt ngó Anh. Anh cười :

- Thì Chú Xã cứ coi hết đi. Hay lắm mà !

Ông Xã bây giờ không yên lòng, tay cầm tờ giấy mà cứ run lên, ông vừa trố mắt xem, vừa lắc đầu lia liạ. Ông mới đọc được nửa tờ đã hoảng hồn bỏ giấy xuống, miệng lẩm bẩm :

- Các trò nói bá láp...bá xàm... Nhà nước bỏ tù chết cha !

Anh vẫn cười :

- Chú đọc hết đi !

- Thôi mầy ! Tao không dám đọc hết đâu. Nhà nước bắt được thì ở nhà lao, chết ông cố nội ! Tao hổng dám đọc nữa đâu.

Sự thật thì Trâm và Anh cũng lạnh cả xương sống, nhưng vì tình bạn thân yêu nhau từ lâu, mỗi hành đông hay ngôn ngữ gì của trò Tuấn đều được hai Cô bạn tán thành và nghe theo triệt để, dù biết là nguy hiểm, nhưng Tuấn điềm tỉnh nói :

- Không phải tôi đặt ra " Bài Thơ "ấy đâu.

Trâm cười :

- Chứ anh học ở đâu mà viết như htuộc lòng vậy ?

- Ở ngoaì cột đèn bờ sông. Không biết bàn tay bí mật nào đã viết bài đó bằng mực tím, in đông sương trên một tờ giấy, rôì để tờ giấy ở gốc cột đèn, lấy cục đá đè lên cho khỏi bị gió lùa. Lúc nãy tôi đi hóng mát trên bờ sông trông thấy và lấy xem.

Ai nấy đều im lặng, sợ sệt. Tuấn đã vô tình tạo ra một không khí bí mật ghê gớm bao trùm cả gian nhà vắng lặng. Bốn người đều nín thinh. Nhưng Tuấn buồn bã nói tiếp :

- Tây qua đây đè đầu đè cổ dân An nam. Cho nên cụ Phan chu Trinh và cụ Phan bội Châu mới làm cách mạng. Cụ Phan Tây Hồ đã qua đời thì còn cụ Phan Sào Nam . Tuị mình là thanh niên, con trai con gái đều là thanh niên, con của Tổ Quốc, cũng phải làm sao chứ ? Dân An Nam bị xiềng xích gông cùm, bị Tây hiếp đáp cho đến đổi mình để tang cho cụ Tây Hồ mà cũng bị đánh đập tàn nhẫn. Mỗi năm dân mình còn phải nộp thuế thân cho họ nữa là nghĩa lý gì ?

Tuấn rưng rưng nước mắt, nói tiếp :

- Trâm và Anh có thấy không ? Ông Gabriel, Giáo sư Toán của tôi, chửi dân An Nam là mọi rợ, là giống dân bẩn thỉu, sao ông dám chửi dân An nam mình là mọi rợ, bẩn thỉu ?

Tuấn khóc thực sự, đưa tay áo lên chùi nước mắt. Anh vội vàng lấy khăn mu soa đưa Tuấn. Anh và Trâm cũng bị rung cảm bỡi những lời của Tuấn, ngôì cúi mặt xuống bàn, buồn bã.

Ông Xã quấn điếu thuốc quẹt lửa châm hút rồi bảo :

- Nhà nước Ðại Pháp văn minh, dạy bảo ta, ta phải tôn kính. Trò có học mà trò nói như vậy, nghe sao được ?

Anh bèn ngước mắt lên ngó Ông Xã, với vẻ mặt giận dỗi :

- Xí ! Chú sợ Tây, chớ tụi này không sợ đâu.

Tuấn tiếp lời :

- Nếu chú Xã nộp thuế không đủ, thiếu vài chục bạc xem ông Sứ có bỏ tù chú không ?

Ông Xã cười :

- Nộp thuế thì phải nộp đủ chứ ! Tôi làm lý-trưởng ba năm nay, năm nào tới mùa thuế cũng nộp đủ, không thiếu một xu. Các quan Tây chưa quở tôi lần nào.

Tuấn hỏi :

- Dân trong làng chú, những người nghèo, làm không đủ ăn lấy tiền đâu nộp thuế ?

- Ðứa nào không có tiền nộp thuế thì phải bán nhà bán cửa mà nộp. Bổn phận làm dân thì phải...

Anh ngắt lời :

- Hèn chi hồi chiều chú nói trong làng mình có anh Thập Ba không có tiền nộp thuế, chú hăm trình quan Huyện bỏ tù, anh Thập Ba sợ quýnh, phải bán miếng đất hương hoả cho chú. Chú làm như thế là ác đức.

Ông Xã cười :

- Mày là con gái, biết gì. Tao làm Xã, lịnh quan trên đưa xuống sao thì tao làm như thế. Dân nó nghèo thì kệ cha nó, mình làm việc cho quan. Trên dân có quan, trên quan có Vua. Các trò đi học sao không biết câu của Ðức Thánh ngài dạy là Quân-Sư-Phụ. Có vua rồi mới có thầy rồi mới đến cha. Nước ta có Thầy Ðại Pháp, còn vua là Ðức Hoàng Thượng. Còn dân đen là đồ tôi tớ, kể chi.

Trò Tuấn cãi lại :

- Chú Xã có coi quyển sách đăng bài diễn thuyết của cụ Phan chu Trinh ở Saigon không ? Cụ Phan nói : Thầy Mạnh Tử dạy rằng dân vi qúy, xã tắc thứ chi, quân vi khinh. Dân là qúy, rồi mới đến nước nhà, còn Vua thì đáng khinh.

Ông Xã lắc đầu :

- Phan chu Trinh là kẻ loạn thần nói tầm bậy mà ai nghe ?

Trâm từ nãy giờ làm thinh, bây giờ cất tiếng thỏ thẻ :

- Tuị con tôn cụ Phan chu Trinh là bậc anh hùng ái quốc. Cụ nói cái gì là tụi con nghe hết.

Anh tiếp lời Trâm :

- Cụ là một bậc đại Chí Sĩ, Cụ chết cả nước để tang, chú thấy không ?

Ông Xã trợn mắt hỏi Anh.

- Mày cũng để tang cho hắn à ?

- Ba đứa con đều để tang cho cụ

- Mày muốn ở tù hả ?

- Ở tù thì sợ gì.

Ông Xã quay lại ngó Tuấn :

- Trò này xúi con Anh để tang cho Phan chu Trinh phải không ?

Anh vội trả lời :

- Không phải anh Tuấn xúi. Tụi con ba đứa đồng lòng để tang cho cụ đấy.

Ông Xã tức giận chửi Anh :

- Mẹ...Cha...mầy, đồ con gái bất hiếu ! Phan chu Trinh là ông nội mầy hay sao mà mày để tang cho hắn ?

Anh và Trâm nét mặt hầm hầm ngó ông Xã. Anh chống trả lại :

- Sao chú dám gọi cụ Phan bằng hắn ? Chú nịnh bọn Quan lại quen rồi, Chú dám mở miệng kích bác nhà Chí Sĩ An Nam phải không ?

Anh tức quá nói không được nữa, gục đầu xuống bàn khóc. Trâm cũng khóc nức nở, Tuấn tức lắm. Nhưng không biết làm sao, vì Ông Xã là chú ruột của Anh, Tuấn không dám nói câu gì xúc phạm, đành làm thinh. Tuấn nhét vào tay Anh chiếc khăn mù soa của Anh trao Tuấn lúc nãy để lau nước mắt, rồi bảo :

- Anh, Trâm, tụi mình ra ngoài hè ngồi chơi cho mát chút đi. Ở trong nhà nực quá.

Tuấn đi ra. Anh và Trâm đứng dậy đi theo. Ðứng ngoài sân, Tuấn khẽ bảo :

- Thôi, Anh và Trâm đừng cải với ổng nữa, rồi sinh chuyện.

Anh cũng nói khẽ :

- Em ghét ổng quá.

Anh sực nhớ tờ giấy do Tuấn viết lúc nãy, khẽ bảo :

- Chết cha ! Tờ giấy anh viết lúc nãy còn để trong bàn

Anh chạy vào nhà, lấy tờ giấy. Ông Xã chụp lại và hăm doạ :

- Ðưa tờ giấy đó cho tao. Ngày mai tao đem lên trình Quan Sứ.

Ông Xã giành dựt với Anh, Anh la lên :

- Anh Tuấn ơi ! anh Tuấn !

Tuấn chạy vào, liền nhảy lại cắn tay ông Xã, ông Xã đau quá phải buông tay Anh ra lập tức. Trâm cũng chạy vào một lượt với Tuấn, liền chụp tờ giấy bỏ vào miệng nhai và nuốt luôn. Tuấn sợ ông Xã đánh Anh, liền nắm tay Anh và tay Trâm chạy ra sân.

Nhưng ông Xã ngồi bóp cái tay đau lẩm bẩm một mình :

- Mấy đứa học trò nầy dữ quá !

Ðường phố khuya vắng teo, không một bóng người. Tuấn rũ Anh và Trâm đi dạo mát ngoài bờ sông. Hai cô học trò lớp Nhất vui vẻ nhận lời đi chơi với người bạn trai của họ.

giavui
06-25-2014, 05:22 PM
CHƯƠNG 15. 1926

- Ðồng sĩ Bình bị bắt,đày đi Ban mê Thuột.

- Thanh niên các mạng chống Pháp đều bị bắt.

- Phong trào cách mạng tràn lan khắp các học đường.

Một buổi tối trò Tuấn đang ngồi làm bài ở nhà thì trò Quỳnh đến, mặt tái mét, bảo thầm Tuấn :

- Mầy có nghe tin thầy Ðổng sĩ Bình bị bắt không ?

Tuấn ngơ ngác lắc đầu :

- Tao không nghe gì hết. Thầy bị bắt hồi nào ? Thật không ?

- Ba ngày nay rôì. Nghe nói thầy đã bị giải đi ở tù nhà lao Ban mê Thuột.

- Ai nói với mầy thế ?

- Một thầy làm sở Mật Thám, ở trọ nhà thằng Quý trên Lò Vôi. Thầy nói với thằng Quý nói lại với tao, mới lúc nãy đây. Tao đến cho mầy mày biết tin. Mày coi có những bài thơ và tờ báo nào của Thầy Ðồng sĩ Bình cho mày thì phải đốt đi, nghe không ?

- Tao có mấy tờ báo " Tiếng Dân "ở Huế, mấy tờ L' Écho Annamite ở Saigon và 1 tờ L' Argus Indochinois ở Hanoi.

- Mầy cất ở đâu, lấy đốt đi ! hay gởi nơi khác cho chắc chắn.

- Tao giấu dưới chiếc chiếu chỗ giường tao nằm. Rệp nó làm ổ đầy ở trong, tao không dám lấy ra.

Trò Quỳnh ngó trước ngó sau, trong nhà không có ai lẩn quẩn ở đấy, liền chỉ cái bếp đang cháy, ( bà chủ nhà đang nấu cháo đậu xanh ) và bảo thầm Tuấn :

- Mau mau lấy mấy tờ báo đó bỏ vô bếp đốt liền đi bây giờ, nếu mày không muốn đi ở tù Ban mê Thuột.

- Mà tại sao thầy Bình bị bắt đi ở tù ?

- Nghe nói mật thám khám nhà thầy, bắt được truyền đơn của " Tân Việt Cách Mạng Ðảng " in bằng đông sương với mấy baì htơ cách mạng.

Nói xong Quỳnh lật đật đi ra ngay.

Tuấn ngồi im lặng một phút cũng sợ...sợ, lo... lo..., liền đứng dậy đi cuốn chiếc chiếu trên giường nằm, lấy ra tất cả chín mười tờ báo đem bỏ vô bếp. Cả đống báo vừa cháy thiêu hết ra tro thì O Vui, em gái của thầy Bửu Vinh chủ nhà, từ trên nhà mang quốc lẹp kẹp đi xuống bếp để xem chừng nồi cháo đậu xanh. O Vui, một thiếu nữ Huế trẻ đẹp độ 20 tuổi, ngôì chỗ bếp lửa quay lại hỏi trò Tuấn :

- Cậu Tuấn có đốt cái chi trong ni mà có mùi rệp khét dữ rứa ?

Tuấn làm bộ ngạc nhiên, bắt chước giọng Huế của O Vui, trả lời :

- Tôi có đốt chi mô có.

O Vui cứ hỏi mãi :

- Chớ răng có mùi rệp khét dữ ri ?

- Mô ?

O Vui cười ngất vì giọng khôi hài của Tuấn, nhưng lúc lên nhà trên, cô ả bép xép học lại với chị dâu là cô Thông Vinh. Cô này lại mét với chồng là thầy Bửu Vinh đang đánh tổ tôm trên gác với mấy thầy nào đó. Trò Tuấn lắng nghe được, sợ quá vội vàng xếp sách vở, tắt đèn, lẻn đi ra đường không dám ở nhà.

Sực nhớ vụ thầy Ðồng sĩ Bình bị bắt, Tuấn chạy đến nhà trọ của Trâm và Anh.

Tuấn bảo thầm hai cô bạn lớp Nhất :

- Mấy bài thơ cách mạng Trâm và Anh chép từ trước đến giờ để đâu ?

Anh hỏi :

- Chi vậy anh ?

- Ðốt hết đi.

Trâm hỏi :

- Sao phải đốt hả anh ?

- Thầy Ðổng sĩ Bình bị bắt ba bốn hôm rồi, đã bị đưa đi ở tù trên Ban Mê Thuột. Họ có khám nhà thầy, tìm được một đống báo và mấy bài thơ cách mạng. Có cả truyền đơn củ aTân Việt Cách Mạng Ðảng. Chỉ có thế mà thầy bị bắt. Tụi mình dạo nọ có để tang cho cụ Phan chu Trinh chắc mât thám cũng để ý. Sợ họ đến khám nhà bất tử thì nguy. Ðốt hết các bài thơ cách mạng đi thì hơn.

Anh khẽ cười :

- Ðốt thì đốt, tụi mình thuộc lòng hết mấy bài thơ đó rồi cóc cần gì anh hí ?

- Ừ, Anh và Trâm còn cất tờ báo cách mạng nào ở trong rương không ?

- Có mấy tờ Việt Nam Hồn và tờ báo Tiếng Dân tụi em coi xong đã trả lại anh lâu rồi. Ở đây tụi em không còn giữ lại tờ nào. Anh đốt hết chưa ?

- Rôì.

- Tội nghiệp thầy Ðổng sĩ Bình ! Ở tù, chắc chết qúa...

Anh, Trâm và Tuấn ngồi cúi đầu làm thinh. Một lúc lâu.Tuấn đưa ngón tay chỉ cây bút vaò quyển vở của Anh và lấy bàn tay làm dâú hiệu muốn viết...Anh lặng lẽ đưa bút chì và vở cho Tuấn. Tuấn nghĩ một lúc nữa rôì viết :

XUÂN MỘNG

Dẫu ta là gái hay là trai
Ái quốc lòng ta quyết chẳng phai
Nô lệ lẽ nào nô lệ mãi ?
Sơn-Hà chung gánh nhẹ hai vai.

T.A.T

Tuấn trao bài thơ ấy cho Anh và Trâm coi. Trâm coi xong lấy bút chì gạch hai cái ngang và một dấu hỏi sau chữ T.A.T và ngó Tuấn. Tuấn cười làm thinh, đứng dậy nói :

- Thôi mình về học bài...Bonne nuit, mes amies !

Tuấn đã biến ra ngoài đường. Còn lại nơi bàn Trâm và Anh nhìn nhau mĩm cười. Trâm khẽ hỏi :

- Ảnh ký T.A.T là gì nhỉ ?

Anh tủm tỉm cười, bẻn lẽn, lấy bút chì viết :

- T = Tuấn, A = Anh , T = Trâm.

Hai cô gái mắc cỡ cười khúc khích với nhau và đọc lại bài thơ để cho nhớ, rôì Anh xé tờ giấy chép thơ trong quyển tập. Trâm mở bóng đèn manchon để Anh đốt bài thơ, không dám giữ bút tích lại.

Một tháng sau, bà mẹ già và đứa em trai nhỏ của thầy Ðổng sĩ Bình là Ðổng sĩ Hứa vào Qui-nhơn định đi Ban Mê Thuột để thăm thầy. Ðược tin ấy một nhóm học trò các lớp lớn, từ Ðệ Tam đến Ðệ Nhất niên, do anh Trọng đề xướng, bảo lén với nhau hùn được một số bạc khá nhiều để gơỉ giúp thầy ở nơi lao tù. Riêng Tuấn và Trâm, Anh, chung tiền để may gơỉ cho thầy 2 áo cụt và 1 chiếc quần bằng vải ta. Tuấn chép bài thơ " Mộng Xuân " trên kia bằng mưc tím, và cũng ký tên T.A.T trên một mảnh giấy trắng, bảo Anh xếp lại thật nhỏ nhét trong áo ở vạt trước rồi khâu lại, để lỡ lính gác lao có xét cũng không thấy được. Tuấn bảo :

- Mình muốn gởi lén bài thơ đó cho thầy Bình bằng cách bí mật này, mà không biết thầy sẽ thấy bài đó không ? Chỉ sợ thầy không để ý chỗ lai áo này.

Trâm bảo :

- Chừng nào thầy giặt áo, thì mực tím nhòe ra, thầy sẽ biết chứ.

Anh bảo :

- Nhưng sợ thầy nhúng nước rồi vò áo, vô tình vò nát luôn cả bài thơ, thầy chỉ thấy dấu vết mực tím thôi.

Ba người học trò ngồi suy nghĩ một lúc. Rồi Trâm bảo Tuấn :

- Nè anh à, hay là mình chép lại bài thơ trên mảnh giấy dày hơn, thứ giấy carreaux ? Thầy Bình mặc áo sẽ thấy riêng chỗ đó cộm lên và sẽ biết ngay.

Anh cũng bảo :

- Ừ phải đấy. Nếu thí dụ thầy không để ý đi nữa, thì đến khi thầy giặt áo, sẽ thấy vết mực tím ở chỗ lai áo, thầy sẽ hiểu. Thầy sẽ tháo chỗ đó ra, à sẽ còn đọc được bài thơ vì giấy dày không bị vò nát vụn như giấy mỏng. Phải không anh ?

- Ừ, đúng đấy...Hay là riêng chỗ đó mình may bằng chỉ đen vậy, để cho thầy chú ý ?

- Nhưng nếu may bằng chỉ đen thì sợ lúc bà già đưa áo quần vào, lính gác nhà Lao xét kỹ sẽ để ý và sẽ khám phá ra mưu mô của mình, phải không anh ?

- Cũng có lý... Thôi theo cái ý cũa Trâm, viết trên giấy carreaux là được.

Trâm, Anh và Tuấn tủm tỉm cười. Nụ cười bí mật lý thú chỉ riêng có ba người này hiểu thôi, khi họ trao bộ áo quần bằng vải ra cho mẹ thầy Ðổng sĩ Bình để nhờ bà già đưa lại cho thầy ở Lao Ban Mê Thuột.

Hai tháng sau, trò Tuấn được bức thư đóng dấu nhà giây thép Ban Mê Thuột cũng viết bằng mực tím, gởi ngay đến địa chỉ nhà trường. Tuấn hồi hộp mở thư ra xem. Thư như sau đây :

XUÂN MỘNG

Hai cô bạn gái một chàng trai
Nét đậm ân tình mực khó phai
Khát Nước cổ khô thèm thấy Nước
Mong người chung sức đỡ đôi vai.

ÐỒ SĨ

Tuấn mừng quýnh, tối chạy đến đưa cho Trâm và Anh xem bài thơ. Thoạt tiên hai cô học trò không hiêủ. Trò Tuấn bảo :

- Bài thơ này họa lại đúng ba vần của bài thơ tụi mình đã nhét trong lai aó cho thầy Ðổng sĩ Bình và mượn cả đề thơ giấc mộng mùa Xuân...

- Sao thầy hiểu được là " hai cô bạn gái một chàng trai " ?

- Lúc thầy còn ở đây, tôi thường nói chuyện Trâm và Anh cho thầy nghe, thầy biết ba đứa mình là bạn thân với nhau. Bây giờ xem chữ T.A. T chắc thầy đã đoán ra được. Tôi đố Trâm và Anh taị sao thầy ký Ðồ Sĩ. ?

- Em chịu thua.

- Em cũng chịu thua.

- Nghĩ một chút xíu thì thấy liền.

- Ðồ Sĩ là Ðổng sĩ Bình, phải không anh ?

- Trâm đoán giỏi qúa.

- Em cũng hiểu rôì. Ðồ là viết tắt chữ Ðồng, Sĩ là Sĩ.

- Ừ có gì khó đâu.

- Thế là thầy đã lấy được bài thơ của tụi mình nhét trong lai áo ! Ồ thích quá, anh hỉ ! Thích quá hỉ !

- Tuị em không ngờ bài thơ đó lọt được tới tay thầy ! Vui ghê !

- Bài thơ thầy trả lời vừa để cảm ơn tụi mình, vừa nói thầy đau khổ vì Khát Nước...nghĩa là Mất Nước...và mong cho tụi mình ngày sao lớn lên phải chung sức nhau mà gánh nước...nghĩa là phải lo gánh việc Nước đó !

Trâm và Anh không biết tỏ nổi mừng hào hứng và nồng nhiệt bằng cách nào hơn là lấy 5 xu chạy đi mua kẹo thèo lèo và chè hột sen về ăn khao với Tuấn.

Ðêm ấy, Anh và Trâm bắt Tuấn ở lại suốt đêm để chỉ cho hai cô cách làm thơ Ðường Luật bát cú và tứ tuyệt theo những bài Tuấn đã học trong quyển " Quốc văn trích điểm " sách giáo khoa dạy Quốc văn ở các lớp trên.

Cùng một lúc thầy Ðồng sĩ Bình bị bắt ở Qui-nhơn và bị đày đi Ban Mê THuột thì một số đông trí thức cách mạng khắp ba kỳ Trung-Nam-Bắc, hầu hết là lớp thanh niên đàn anh cùng lưa với thầy Bình, cũng bị bắt và lưu đày đi khắp nơi : Côn Lôn ( Nam Kỳ ), Lao Bảo, Ban Mê THuột ( Trung Kỳ ), Sơn La ( Bắc Kỳ ). Ba lao xá sau đây đều ở nơi rừng thiêng nước độc, vơí đảo Côn Lôn là bốn địa ngục trần gian ghê gớm nhất, đặc biệt để giam tù chính trị, mà lúc bấy giờ gọi là " Tù Quốc Sự ". Ngay tiếng Pháp cũng chỉ riêng bốn nơi ấy là Bagnes không gọi là Prisons, và những người bị tù ở đây là bagnards, một danh từ ghê tởm, bỉ ổi, đúng lý ra là để cho bọn du côn cướp của giết người.

Giòng họ nhà vua ở Huế cũng có một ngườitheo phong trào cách mạng. Chàng vào Saigon viết báo đả-kích chế độ quân chủ, về Trung Kỳ thì đi tuyên truyền tư tưởng dân chủ. Tên chàng là Bửu-Ðình. Bị bắt một lượ với Ðổng sĩ Bình, bị người Pháp trao trả cho Hoàng-phái ( giòng họ Vua ), Bửu –Ðình khi6ng những bị Nam-triều kết án lưu đồ, mà còn bị Tôn nhân phủ ( Hội đồng Hoàng gia ) truất quyền mang họ Vua ( họ Bửu ), bắt phải tay htế bằng họ Tạ : Tạ Ðình, theo tên họ của Tạ ôn Ðình. Anh ruột của Tuấn ở tình nhà là Trần anh Tuấn, Phán Sự Toà Sứ cũng bị bắt đày đi Ban Mê Thuột, vì bí mật liên kết với các thanh niên hoạt động chống Pháp.

Ðược tin, trò Tuấn khóc nức nở, bỏ ăn, bỏ học cả tuần lễ, căm hờn người Pháp hơn bao giờ hết. Vụ nắt bớ này xẩy ra khắp nước nhằm mục đích bỏ tù hết những phần tử trí thức chống Pháp, tưởng như thế là không còn ai chống Pháp nữa. Nhưng hậu quả trái ngược lại không ngờ : nó càng làm sôi nổi lòng công phẩn của đám nam nữ thanh niên học sinh mà đại đa số đều cảm phục và trìu mến các bậc trí thức đàn anh do ảnh hưởng còn sâu đậm của hai nhà chí sĩ Phan bội Châu và Phan chu Trinh. Hai cụ là hai bậc Thuỷ Tổ Cách Mạng của thế hệ 1925.

Những người làm " quốc sự " chống Pháp và chống Vua An nam đều bị đày đi đến nơi ngục thất nguy hiểm đã kể trên hoặc bị gông cùm tại các lao tỉnh, bị tra tấn đánh đập tàn nhẫn do lũ " Thanh Tra Mật Thám " An Nam. Hâù hết là những trí thức trung lưu, tuổi từ 20 đến 30, họ thuộc về các thành phần dưới đây :

Một số là Thông Phán các Toà Sứ và các sở Nhà Nước Bảo Hộ. Họ là những công chức giúp việc cho Hành Chánh Pháp đắc lực nhất.

Ðồng sĩ Bình ờ Trung kỳ, Ký Con ở Bắc Kỳ, là những nhân vật điển hình cho lớp người này.

Các thầy Trợ giáo ( nay là giáo sư Trung học ) đã đỗ Diplôme d' Etudes Primaires Supérieures Franco Indigènes ( Cao đẵng TIêủ học Pháp Việt ), hoặc học lực tương đương. Số này rất đông, và là những phần tử ưu tú nhất trong giáo giới An nam lúc bấy giờ. Một vài nhân vật điển hình như : Ðào duy Anh, Tôn quang Phiệt ( Trung Kỳ ), nhà văn Lan Khai, Nhượng Tống ( Bắc Kỳ ), Lê văn Huấn ( Nam Kỳ ) v..v...

Một thiểu số,--tối thiểu --sinh viên Trường Cao Ðẵng Ðại Học Ðông Dương, Hà Nội, là nơi đào tạo các lớp gọi là Thượng lưu trí thức : y sĩ, đốc học, cử nhân Luật, cao đẳng Thương Mãi, v.v..., như : Nguyễn thái Học, Hồ văn Mịch, Ðặng thái Mai, v.v...

Những thanh niên trí thức làm những nghề nghiệp tự do, phần nhiều là giáo sư tư thục, viết báo, viết văn, như Vũ đình Dy (Hà Nội), Nguyễn an Ninh, Tạ thu Thâu, Trần văn Thạch, Phan văn Hùm ( Saigon ), Bửu Ðình ( Huế).

Sau cùng hết là nam nữ học sinh các trường Collèges ( Trung Học Pháp Việt ) ở Hà nội, Nam Ðịnh, Vinh, Huế, Qui Nhơn, Saigon, Cần Thơ.

Các thành phần học sinh ưu tú từ 16 đến 20 đều tập trung ở trường Trung Học Hà nội, gọi là Trường Bưởi ; -- (ở làng Bưởi ) – danh từ chính thức là Collège du Protectorat ( Trường Trung Học bảo hộ ), và hai trường Trung Học Nam định, Hải Phòng. Hầu hết những thanh niên cách mạng Bắc Kỳ sẽ hoạt động hăng hái nhất sau này đều ở ba Học đường ấy mà ra.

Ở Trung Kỳ, Trường Collège de Vinh, là nơi tập trung các thanh niên học sinh ưu tú nhất của ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tỉnh. Ðây là một ở cách mạng theo truyền thống của Phan bội Châu và Nguyễn Ai Quốc mà lúc bấy giờ chưa ai biết là cộng sản.

Trường Collège Quốc Học Huế, và đứng cặp kè ngay một bên, nhưng yêu kiều duyên dáng hơn, là Trường Nữ Trung học Collège Ðồng Khánh, là hai lò hun đúc các lớp thanh niên nam nữ học sinh hăng hái nhất ở Trung Kỳ -- có thể nói là ở khắp ba kỳ. Học sinh ở đó hầu hết là quê quán ở Thanh, Nghệ, Tỉnh, và Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Ở trường Collège de Qui Nhon, thì 80% học sinh quê quán ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh.

Ở Trung Kỳ có một cầu truyền khẩu rất thông thường gồm 4 " Nam Nghĩa Nghệ Tỉnh " chữ, không biết do ai đặt ra từ hồi nào, nhưng thường xuyên được nhắc nhở trong các câu chuyện thời sự cách mạng, để chứng minh rằng bốn tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nghệ An, Hà Tỉnh, là bốn nơi mà dân chúng có tinh thần cách mạng cao nhất, mạnh nhất, mà chánh quyền Bảo Hộ Pháp cũng như Triều Ðình Huế lo ngại nhất.

Thanh niên học sinh, cả nam lẫn nữ, ở bốn tỉnh ấy cũng là kỳ khôi và " ba gai " không đâu bằng. Các biến cố gọi là " quốc sự "ở Trung Kỳ trong thời gian 1925 – 1932 đều được học sinh ba trường Collèges Huế, Vinh, Qui Nhơn, nhiệt liệt ủng hộ, và chính họ cũng tự động gây ra những phong trào bãi khóa vô cùng sôi nổi mà mà tôi sẽ thuật trong các chương sau.

Học sinh Saigon thì chịu ảnh hưởng trực tiếp của các nhóm cách mạng Nguyễn An Ninh và Tạ thu Thâu. Nhưng họ hoạt động yếu ớt, rụt rè với sự hướng dẫn bí mật của các đảng viên cách mạng, rất tiếc là rời rạc và thiếu tổ chức.

Các nhóm chính trị " cấp tiến "ở Saigon chú trọng về tổ chức lao động nhiều hơn, trong lúc vài đảng phái trưởng giả hay tiểu tư sản lại thiên hẵn về các giới trí thức trung lưu, và thượng lưu. Thanh niên học sinh không phải bị bỏ rơi, nhưng không được lãnh đạo thường xuyên và thiếu tổ chức chặt chẽ. Họ không có các động cơ thúc đẩy hăng hái như học sinh ở các Collèges Bắc Kỳ và Trung Kỳ.

Phong trào bắt bớ và lưu đày các nhà cách mạng đàn anh xẩy ra khắp ba kỳ Trung, Nam, Bắc, đã gây ra môt lòng căm phẩn ngấm ngầm trong giới học sinh Trung học của Niên Khóa 1926-27. Sự bảo nhau góp tiền may quần áo, mua các đồ vật dụng để gơỉ lén lút giúp các thanh niên đàn anh bị xiềng xích gông cùm trong các lao xá, chính là sự biểu lộ kín đáo lòng công phẩn của học sinh toàn quốc. Học trò làm gì có dư tiền, thế mà ai nấy cũng tự ý sốt sắng nhịn quà bánh, hà tiện từng cắc, từng xu, để góp vào cuộc lạc quyên được số tiền khá lớn. Ở Qui Nhơn, học trò góp được 100 đồng ( năm 1926 ) trao cho mẹ của thầy Ðổng sĩ Bình ở Huế vào ghé Qui Nhơn để đi Ban mê Thuột thăm con.Tuấn, Trâm,Anh có dự cuộc " hội họp " của một nhóm đại diện học sinh với mẹ thầy Bình tại nhà anh Phạm Ðào Nguyên, thư ký kế toán hang Descours et Cabaud của Pháp, ở ngay Công quán Qui Nhơn. Anh này, người Bình Ðịnh, có thể là tiêu biểu cho hạng thanh niên tư chức, giúp việc cho Pháp, có lương tháng khá giả để sống cuộc đời đầy đủ và an nhàn, nhưng cũng có "đầu óc ". Các tư tưởng aí quốc nồng nhiệt của anh và cảm tình đặc biệt của anh đôí với cách mạng, thường được thổ lộ ra nhiêu lần trong nhiêu trường hợp nguy hiểm. Nhờ sự giúp việc tận tụy của anh vơí người chủ Pháp, nhờ sự giao thiệp rộng rãi của anh về nghề nghiệp vớ rất nhiêu người Pháp khác ở thành phố, và cũng nhờ tính điềm đạm, bình tỉnh khôn ngoan của anh mà các cuộc hộp họp bí mật ở ngay trong nhà anh, không hề bị Mật Thám Tây để ý dò xét. Muốn được kín đáo hơn, hai cô nữ sinh Trâm và Anh được chỉ định ngồi trước hè nhà ngoài với cô em gái của anh Nguyên. Ba cô gái vừa ăn bắp vừa nói chuyện cười ầm ĩ, rất là vui vẻ ngây thơ, trong lúc có họp kín ở nhà sau.

Hơn 11 giờ đêm bọn Tuấn mới lần lượt ra về trong lúc thành phố đã ngủ hết. Hai trò con gái mắc cở không dám về ( thời bấy giờ con gái đứng đắn đâu có dám đi chơi khuya như thế ) phần thì sợ ma, vì thành phố chưa có đèn điện, lại có nhiêù chỗ vắng vẻ tối tăm và nhiều khoảng đất trống đầy những mả mồ.

giavui
06-25-2014, 05:22 PM
Tuấn cũng không thể đưa hai cô bạn thân về nhà, sợ rằng lỡ có ai gặp, họ sẽ nghi ngờ và đồn bậy bạ. Hai cô sẽ mang tiếng thì sao ? Cả thành phố ai còn lạ gì mặt mũi cái cậu học trò nổi tiếng là nghịch ngợm kai và không ai là không biết hai trò con gái thuỳ mị ở lớp Nhất. Vả lại ban ngày, trai và gái không dám đi chung với nhau nữa là ban đêm.

Sau cùng, tụi bạn phải nhờ mẹ thầy Bình và cô em gái của anh Nguyên đưa Trâm và Anh về ở xóm Bờ Sông. Tuấn mang đôi quốc cùn lẽo-đẽo theo sau, làm " gạc đờ co ".

Khi bà cụ và cô em gái của anh Nguyên đưa Trâm và Anh về đến nhà rồi, thì cả bà già lẫn cô gái đều sợ ma không dám trở về Công quán. Trò Tuấn phải đi hộ tống hai người trở lại nhà.

Anh Nguyên bảo Tuấn ở lại ngủ với anh. Anh pha càphê của Tây cho uống. Nhưng trò Tuấn mới nằm xuống giường chưa nóng lưng đã lóp ngóp bò dậy, bảo anh Nguyên mở cửa để cho trò đi về :

- 12 giờ khuya còn đi về à ?

- Ði về ! Tuấn chỉ bảo thế.

Ra đường, Tuấn lê đôi quốc cùn đến xóm Bờ Sông đi ngang qua trước cổng nhà trọ của Trâm và Anh. Hai cô nữ sinh còn thức, ngôì trên sân dưới ánh trăng sáng dịu, ngó ra ngoài cổng. Trông thấy Tuấn đi ngang qua, Trâm và Anh chạy ra,khẽ gọi :

- Anh Tuấn !

Tuấn quay lại, Trâm bảo :

- Tụi em thức đợi anh, biết thế nào anh cũng trở lại.

Anh bảo :

- Ði vào sân ngồi dưới ánh trăng nói chuyện chơi anh Tuấn.

- Trâm và Anh chưa đi ngủ à ?

- Sao đêm nay tụi em không buồn ngủ. Anh buồn ngủ chưa ?

- Chưa.

- Ði vô sân nói chuyện chơi, anh.

Tuấn khẻ bảo :

- Tụi mình đi vô nhà, đóng kín cửa lại.

Trâm và Anh cười hồn nhiên, lật đật chạy vào nhà với Tuấn. Ánh trăng rọi xuyên qua các song cửa, như lọc những tia sáng lờ mờ xanh dịu. Trâm đóng cửa giữa. Tuấn bảo Anh đóng luôn cả hai bên. Trong nhà tối đen, không có gì nữa cả. Giả sử lúc bấy giờ có ai đứng bên ngoài rình xem, họ cũng khó được biết cậu học trò con trai và hai cô bạn gái nói chuyện gì trong căn nhà tôí đen ấy ? Tuấn rất khẽ :

- Anh thắp đèn dầu hỏa lên. Ðừng thắp đèn măng-sông (manchon ) sáng lắm.

Anh và Trâm di sờ soạng tìm hộp quẹt " Bến Thủy ". Ðó là loại hộp quẹt duy nhất của một hãng Tây chế tạo ở Bến Thuỷ, gần thành phố Vinh, được thông dụng khắp xứ Trung Kỳ lúc bấy giờ. Hai phút sau, một ngọn lửa vàng khè cháy trên đỉnh một chiếc đèn gọi là đèn Huê Kỳ.

Trâm và Anh cứ tủm tỉm cười, không nói gì cả. hai cô chưa biết Tuấn định làm gì.

Tuấn khẽ kép ghế ngồi ngay trước ngọn đèn, thò tay dưới lớp áo dài trắng của Tuấn đang mặc, rút trong lưng quần ra : hai tờ báo. Anh và Trâm thoạt tiên rất kinh ngạc và sợ hãi nhưng rôì trở lại vui mừng, kéo ghế ngôì hai bên Tuấn, sát ngay vào cạnh Tuấn. Ba cái đầu xanh ngây thơ âu yếm kề vào nhau dưới ánh đèn, trố mắt xem chung tờ báo :

Việt Nam Hồn

Cơ quan của Ðảng Việt Nam Ðộc Lập ở Paris
Chủ Nhiệm : Nguyễn thế Truyền

Và tờ báo Tây :

L' Argus Indochinois

Organe de combat l' injustice et l' oppression ( Cơ quan chiến đấu chống bất công và áp chế )
Directeur-gérant : Amédée Clémenti ( Chủ nhiệm, Quản lý : Amédée Clémenti )
14 Bd Doudart-de-Lagré Hanoi

và giòng chữ lớn đăng hết cả bề ngang trên trang nhất :

Le Parti de L' Indépendance Annamite ( Ðảng An nam Ðộc Lập )

Anh nét mặt hớn hở, hỏi thăm Tuấn :

- Anh được hai tờ này hồi nào vậy, anh ?

- Lúc nãy. Sau khi nhóm ở nhà anh Phạm Ðào Nguyên. Chính anh Nguyên trao tôi hao tờ báo này. Tôi cũng chưa xem.

Trâm mừng rỡ lấy tay chỉ một câu in nét đậm ba cột trên tờ Việt Nam Hồn và reo thầm lên :

- Bài này hay quá, anh ơi... Ồ thích quá, anh !

Tuấn gấp tờ L' Argus Indochinois lại để xem tờ Việt Nam Hồn trước.

Vai sát vai, ba đầu xanh kề nhau trìu mến, cúi xuống tờ báo in toàn chữ đỏ trên giấy trắng. Hai cặp mắt huyền lónh lánh, mê nhìn theo ngón tay của Tuấn chỉ từng giòng trừng chữ bài thơ sau đây trong lúc miệng của Tuấn đọc rất khẽ, chỉ đủ cho ba người nghe với nhau :

Cảnh Tỉnh

Hãy thức dậy, hởi người say ngủ,
Chuông Tự Do rền ngũ đại châu
Xôn xao khắp cả hoàn cầu
Sao ta cứ chịu vùi đầu giấc mê ?
Chân ta cứ kéo lê xiềng xích ?
Cổ ta mang nặng chịch gông cùm ?
Nào ta trổi dậy vẫy vùng,
Sao cho xứng đáng con Rồng cháu Tiên.

. . . . . . . . . . . . . . . .

Ðọc hết tờ báo Việt Nam Hồn, Tuấn và Trâm, Anh, đều rạo rực vui sướng vì những bài kịch liệt chửi Tây, hô hào cách mạng, đả đảo chế độ thuộc địa, đòi Ðộc Lập Tự Do. Trời ơi ! Sao ở bên Tây, người An nam mình viết báo chửi Tây sướng quá vậy hỉ ! Tuấn nhảy nhổm lên. Tuấn reo cười thoải mái. Tuấn đi qua đi lại. Tuấn đứng một chỗ không yên. Tuấn ngồi xuống.

Tuấn điên mất rồi ! Hai trang báo in toàn chữ đỏ như làm phừng lên những ngọn lửa huyền diệu trong lòng cậu học trò 16 tuổi, mà trái tim bổng dưng sùng sục sôi lên.

Trâm và Anh thì ngồi yên lặng dưới ánh đèn, cúi đầu xuống chép trong quyển vở những đoạn văn và những bài thơ mà hai cô nữ sinh 14 và 15 tuổi đang say sưa trích trong " Việt Nam Hồn " Tên tờ báo đúng làm sao ! Ðêm nay thật như có Hồn Thiêng của Nước Mẹ Việt Nam nhập vào ba linh hồn ngây thơ của ba đứa trẻ, khiến chúng rạo rực lên, say mê lên, hăng hái lên, cười lên, reo lên !...

Trâm và Anh ngồi chép mấy bài thơ trong Việt Nam Hồn, và những giọt nước mắt êm đềm lặng lẽ từ trên hai cặp mắt huyền mơ diễm lệ rơi từ từ xuống hai trang giấy, đọng trên những vần thơ, nhòa ra nét mực. Thơ của Việt Nam Hồn có thần lực gì mà một đứa con trai khờ khạo, và hai cô gái mảnh khảnh nhu mì, đang bị rung cảm mảnh liệt đến trào ra những ngấn lệ ? Họ khẽ hỏi nhau : ông Nguyễn thế Truyền là ai vậy ? Các nhà ái quốc cách mạng khác làm thơ và viết trong tờ Việt Nam Hồn là ai ? Ba trò còn nhỏ tuổi qúa, làm sao biết được ! Nhưng Tuấn nghĩ rằng các ông có ngờ đâu những tư tưởng cách mạng Tự Do, Ðộc Lập in trên hai trang báo nhào nát của các ông từ bên Tây gởi lén về, đã lọt vào ba mái tóc xanh khắn khít bên ngọn đèn leo lét, trong một thành phố nhỏ ở Trung Kỳ. Ðối với Tuấn cũng như với Trâm, Anh, tên Nguyễn thế Truyền là một thần tượng, như Phan chu Trinh và Phan bội Châu vậy.

Ðến khi đọc qua tờ báo tây L' Argus Indochinois, Tuấn kinh ngạc vô cùng. Ðây cũng là tờ báo cách mạng nhưng viết bằng chữ Tây, xuất bản tại Hà nội, mà chủ nhiệm kiêm chủ bút là người Tây, ông Amédée Clémenti. Trâm hỏi Tuấn :

- Tây mà sao cũng viết báo chửi Tây, hả anh ?

Tuấn không trả lời được. Tuấn đã biết gì đâu việc làm báo và làm " quốc sự ". Thấy thế chỉ biết thế thôi, L' Argus Indochinois in trên giấy xanh, bốn trang rộng lớn đăng toàn những bài đả kích kịch liệt chế độ thuộc địa (le régime colorial) -- danh từ thường dùng nhất trong tờ báo này và rất hăng hái bênh vực người An nam được tự do, nước An nam được độc lập. Trên đầu tờ báo này bên cạnh tên báo, có vẻ một con chim Minh Trĩ ( L' Argus ) với hai chữ la-tinh : unguibus et rostro ( dùng mỏ và móng ). Ý hẳn ông Amédée Clémenti mượn con Minh Trĩ làm tượng trưng cho cuộc tranh đấu cách mạng của ông để binh vực quyền lợi của dân tộc An nam và nước An nam. Cuộc tranh đấu dai dẳng dùng mỏ để cắn, dùng móng chân để đá, nghĩa là quyết liệt, không bao giờ nhượng bộ.

Có điều Tuấn và hai cô bạn học trò lớp Nhất cứ thắc mắc mãi là sao lại có một ông Tây ở Hà nội viết báo chửi Tây còn hơn An nam nữa ?

Những bài báo L' Argus Indochinois ở Hà nội và các bài trong Việt Nam Hồn ở Paris đã gieo thẳng vào óc của Tuấn cũng như Trâm, Anh, một tinh thần cách mạng mãnh liệt hơn bao giờ hết.

Sau khi họ xem xong hai tờ báo không sót một câu một chữ, và chép hết những bài văn bài thơ cảm đông nhất thì trời đã sáng. Hai cô học trò vội vàng tìm chỗ kín đáo để giấu cất những giai phẩm văn chương cách mạng ấy.

giavui
06-25-2014, 05:23 PM
CHƯƠNG 16. 1926

- Nghĩ Hè, học sinh góp tiền, nhờ giáo sư đem ra Huế tặng cụ Phan bội Châu.

- Một bà vợ Thành Thái bị Vua chém sứt mất vú.

Với mặt trời đã mọc lên cao trên mặt biển, chiếu ánh sáng ấm áp trên thành phố, đời sống rộn rịp lại tiếp tục như mọi ngày, không có gì thay đổi. Ông Cò Tây với bộ râu cá trê, và một người lính " phú lít " An nam cỡi xe máy đi chầm chậm trên con đường lớn, mắt tròn xoe ngó hai bên hàng phố. Nhiều người đi đường cất nón hoặc dở mũ chào. Sáng nay là Chủ Nhật, trò Tuấn đi về nhà, lê đôi quốc cùn kêu lẹp kẹp...lẹp kẹp..., vừa đi vừa huýt gió. Trò giâú hai tờ báo trong lưng quần, dưới lớp áo trắng dài quá đầu gối độ 10 phân. Ông Cò râu cá trê xoe tròn hai con mắt nhình trò. Trò là bộ cười và chào bằng tiếng Tây :

- Bonjour Monsieur le Commissaire de police ! ( Chào ông Cò )

Ông Tây gật đầu cười :

- Bonjour, jeune home ! ( chào cậu bé ! )

Tuấn mang lén hai tờ báo về nhà trọ, định xem lại một lần nữa rôì đem đến cho trò Quỳnh trò Tố xem.

Muà hè 1925, học trò trường Qui-Nhơn xôn xao vì một cái tin đã gây ra nhiều tai tiếng cho một ông Ðốc ( Giáo sư An nam ) chung quanh một số tiền đóng góp gởi ra tặng cụ Phan bội Châu ở Huế. Vụ góp tiền không hiểu do ai đề xướng ra, nhưng một tháng trước ngày nghĩ Hè, học trò các lớp lớn, nghĩa là Ðệ Nhất, Ðệ Nhị, Ðệ Tam niên, bảo nhau đem tiền đến góp tại nhà ông đốc Bính, người Bắc Kỳ. Ông này, như đã có nhắc đến nhiêù lần ở mấy chương trước, vì có đầu óc cách mạng và đã nhiều lần tuyên truyền tư tưởng ái quốc trong đám học trò, nên rất được học trò tín cẩn và kính phục hơn hết các ông đốc khác. Học trò các lớp lớn cho rằng sự đóng góp tiền để giúp thầy Ðổng sĩ Bình bị tù ở ngục thất Ban Mê THuột và để gơỉ tặng cụ Phan bội Châu ở Bến Ngự, Huế, đều là một bổn phận mà học trò phải hăng hái làm tròn.

Ai cũng biết rằng cụ Phan bội Châu ở Bến Ngự là do tiền của đồng bào nuôi, tiền của những người ở khắp các tầng lớp xã hội, từ Bắc chí Nam, ai có tính yêu nước và có lòng sung bái bậc anh hùng chí sĩ đều tự động gởi đến tặng cụ. Việc ấy dĩ nhiên, vì cụ Phan bội Châu làm cách mạng ở hải ngoại về, làm gì có tiền.

Tuấn có nói việc ấy cho Trâm và Anh nghe, hai cô bạn lớp Nhất cũng tán thành :" Phải chớ ! Cụ làm cách mạng cho ai ! Cho Quốc Dân đồng bào, ( những danh từ này thường đúng nhất lúc bấy giờ ). Cụ là bậc cha già của Quốc Dân phải có bổn phận phụng dưỡng cụ ".

Nghe nói đồng bào ở tỉnh nào cũng có gởi tiền về tặng cụ. THành phớ Qui-Nhơn cũng đã có nhiều người góp tiền đem ra Huế tặng tận tay cụ, vì không dám gởi mănh đa, sợ các quan Tây hay được sẽ bỏ tù.

Về phần trường Qui-Nhơn thì học trò biết rằng đến kỳ nghĩ hè có ông Ðốc Bính về thăm quê nhà ở Bắc kỳ, sẽ Huế thăm cụ Phan. Ðó là cơ hội rất tốt để học trò góp tiền nhờ ông Ðốc trao tận tay cụ. Bọn học trò con nhà giàu thì sẳn tiền, còn tụi nhà nghèo lo nghĩ ngày đêm không biết làm cách nào có tiền để tặng cụ Phan ? Tuy là người nào tuỳ tiện góp riêng người đó, chứ không phải góp chung và không ai bắt buộc ai cả, nhưng trò nào không có tiền thật là đau khổ, lương tâm cắn rứt, tự coi như là chính mình trốn tránh bổn phận đối với " Quốc Dân Ðồng Bào " !

Còn 7 ngày nữa, thì đến nghỉ Hè, mà trò Tuấn không có một xu trong túi, Măng đa ở nhà cha mẹ gửi cho trước đó nửa tháng, trò đã lấy trả tiền cơm, và các món nợ vặt vãnh còn dư được một vài đồng trò mua kẹo thèo lèo đãi Trâm và Anh, hai cô bạn lớp Nhất cuối niên khóa đã thi đỗ "ri-me ". Chợt đến vụ góp tiền tặng cụ Phan bội Châu, Tuấn không còn một đồng xu. Tuấn nằm khóc thút thít một mình.

Bảy ngày liên tiếp, Tuấn tự lấy làm hổ thẹn, biệt có dám bước chân đến nhà hai cô bạn Trâm, Anh. Chờ mãi Tuấn không được, hai cô đến nhà trọ tìm Tuấn, nhưng Tuấn lánh mặt.

Ðến ngày phát phần thưởng cuối niên khóa, trò Tuấn vui mừng được lãnh thưởng 3 quyển sách mới thật đẹp. Tan buổi, Tuấn ôm sách đi gạ bán cho mấy thằng bạn nhà giàu. Trong số đó có thằng Nguyễn văn X., con nhà bá hộ nhưng học kém, không được phần thưởng, Tuấn đến gạ nó :

- Tao bán cho mầy ba quyển sách này có đóng dấu của ông Ðìa-réc-tơ tặng thưởng. Mầy đem về khoe với cha mẹ mầy là chính sách phần thưởng của mầy, chắc ởng bả mừng lắm và cưng mầy lắm.

Con nhà bá hộ nghe bùi tai, bằn lòng lập tức. Tuấn theo giá sách đòi 10 đồng bạc, thằng bạn lấy trao Tuấn đủ số, không mặc cả. Tuấn mừng quýnh, chạy đến nhà ông Ðốc Bính, góp 9 đồng vào số tiền tặng cụ Phan bôị Châu. Còn dư 1 đồng, Tuấn mua kẹo thèo lèo đãi Trâm và Anh. Hai cô cũng đã góp mỗi cô 4 đồng nhờ Tuấn trao lại ông Ðốc Bính.

Sau kỳ nghỉ Hè, xẩy ra chuyện tai tiếng rùm beng cả thành phố. Thầy trợ giáo lớp Ba cũng có đi Huế thăm cụ Phan. Khi trở về Qui-nhơn, thầy mét với học trò rằng ra Huế ông Ðốc Bính đã ăn xén bớt một nửa số tiền của học trò đóng góp, chỉ trao tặng cụ Phan một nửa số thôi. Mặc dầu Tuấn và đa số học trò không tin hành động bất lương ấy của ông Ðốc Bính, nhưng một số khác vẫn tin à nhất là mấy ông Ðốc và mấy thầy Trợ giáo không có cảm tình với ông Ðốc Bính.

Việc thứ hai là một thằng bạn xỏ-lá ở cùng làng với con nhà bá hộ, và cũng không được phần thưởng, đã mét với ông bá hộ là thằng con ông đã mua lại sách thưởng của thằng Tuấn. Ông bá hộ nghe lời trò kia, liền đè con xuống đánh một trận nên thân. Gần ngày tựu trường, trò Nguyễn văn X. trả ba quyển sách lại cho Tuấn và đòi lại số tiền 10 đồng...Tuấn phải bán sách cho đứa khác mới có tiền trả lại cho nó.

1924-1927, ba năm...Biết bao nhiêu là thay đổi trong đầu óc người thanh niên Việt Nam ! Cũng như đại đa số, có thể nói là hầu hết thanh niên học sinh Trung kỳ, Bắc kỳ và Nam kỳ, Tuấn năm 1927 đã khác hẳn Tuấn 1924.

Chàng trai nước Việt 1927 không còn vô tư, ngớ ngẩn, khờ khạo, như chàng trai 1924. Hắn không còn say mê điệu quốc ca La Marseillaise của Pháp nữa. Hắn đã ghét lá cờ tam tài xanh-trắng-đỏ. Hắn đã hết sợ ông Tây bà Ðầm, và đã tức giận Tây là kẻ lấy quyền thế, ỷ văn minh, ỷ mạnh, dày xéo trên đất nước An nam, bốc lột dân An nam, khinh khi Nòi giống An nam.

Tuy vậy, tâm hồn các bạn trẻ này hãy còn chất phác, ngây thơ chưa hiểu biết gì nhiều về chính trị trong nước cũng như chưa có ý thức rõ rệt về vai trò của thanh niên đối với chế độ thuộc địa. Ðại khái là thù Tây, ghét Tây ! nhưng vẫn thích học và thích nói tiếng Tây, viết chữ Tây. Ghét chế độ quân chủ, nhưng lại vẫn tôn sùng các ông Vua ghét Tây và đã chống lại Tây. Những vị Hoàng đế như Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân đều được bọn học trò và toàn thể thanh niên chiêm ngưỡng. Những chuyện gì dính líu đến các vì Vua ấy đều được kể cho nhau nghe, và ai nấy đều tin, nhất là những chuyện hoang đường để chứng minh rằng các vua ấy là minh quân, quả có cái mạng "Ðế vương của Trời ban cho để cứu nước An nam ".

Một ông tú tài Nho học kể cho Tuấn nghe rằng vua Tự Ðức đi tiêu, ẻ ra cục c... vuông, chứ không phải cục tròn như người phàm tục. Tuấn tin ngay và vội vàng đi kể lại cho nhiều người nghe. Học trò đứa nào cũng tin. Nhiều thầy Trợ giáo cũng tin. Dân chúng thành phố thì ai cũng tin cả. Tất cả đều tin. Chẳng ai cần biết rằng lính vua Tự Ðức đánh Tây ở cửa Hàng, ở Hà Nội, ở Lục Tỉnh trận nào trận nấy đều thua liểng xiểng, rốt cuộc để Tây lấy mất cả nước An nam. Nhưng điều đó không quan hệ. Chỉ một việc đánh Tây, cũng đã là một hành động minh quân rồi, có mạng Ðế vương, đáng " vì thiên tử ".

Tuấn khoái đem câu chuyện cục c...vuông của vua Tự Ðức đi nói cùng cả cho mọi người nghe. Ai cũng cười xòa lên cho đến anh " cu li " xe kéo và chú thợ nề cũng biết và trầm trồ kính phục vua Tự Ðức.

Một hôm, ở trường, trong giờ ra chơi, ông giáo sư Pháp văn, tên là Arago, tính ứa khôi hài và thích chọc trò Tuấn, vừa cười vừa hỏi Tuấn :

- Có phải ông Vua An nam ẻ cục c..vuông không Tuấn ?

Tuấn hết sức ngạc nhiên, khôn gdè các ông giáo sư Pháp cũng nghe chuyện đó, và Tuấn tự thấy hơi lố bịch đối với người Pháp, nên Tuấn trả lời :

- Ai bảo với ông thế ? Những ông vua nước Pháp hồi trước như Louis XIV, có ẻ cục c.. vuông không ?

Ông giáo sư cười hà hà, cú nhẹ trên đầu Tuấn một cái.

Ðaị khái có một chuyẹn lạ nữa mà ai cũng tin, là chuyện Vua Thành Thái ra thăm núi Ngũ Hành Sơn ở Ðà Nẵng. Nơi đây, tong một động núi có hai cái vú đá thiên nhiên rất đẹp, giống hệt như đôi vú vun vén đầy đặn của đàn bà. Nguồn nước trong veo từ đôi vú ấy chảy ra thường xuyên từng giọt, nhỏ xuống hai chậu đá cũng thiên nhiên đặt ngay dưới vú. Các vị tu sĩ ở Ngũ Hành Sơn thay phiên nhau ra múc nưóc thiêng âý đem vào cúng Phật. Bổng một hôm đức Vua Thành Thái ngự du ra xem thắng cảnh, trông thấy đôi "vú thần "đẹp quá. Ngài tinh nghịch đưa tay ra bóp một cái, tự nhiên vú tịt ngòi không chảy nữa. Mãi cho đến sau này, cái vú ấy vẫn cứ câm luôn. Chỉ còn một cái tiếp tục htường xuyên chảy nước là cái vú vô duyên không có vinh hạnh được bàn tay đế vương rờ bóp. Lúc mới nghe, Tuấn cho câu chuyện ấy là hoang đường, phi lý, nhưng mấy cậu học trò quê ờ Quảng Nam, đều quả quyết là chuyện thật 100 phần 100. Hâù hết, những bạn này đều nói có đi xem núi Ngũ Hành Sơn và xác nhận sự kiện lịch sử ấy.

Việc Vua Thành Thái bóp vú đá ở Ngũ Hành Sơn cũng được truyền tụng khắp cả thành phố, và cũng do đam học sinh Ðệ Nhất, Ðệ Nhĩ, và Ðệ Tam niên loan ra.

Một hôm anh Phạm Ðào Nghuyên, thư ký hãng Descours et Cabaud, mét riêng cho trò Tuấn biết rằng người vợ An nam hiện tại của ông Tây Delorme, ở cạnh nhà thờ Thiên chúa, trước kia chính là một trong những bà vợ của Vua Thành Thái, và bà này hiện chỉ có một cái vú độc nhất ở bên trái, vì cái vú bên phải đã bị Vua Thành Thái cầm gươm chém đứt, Phạm đào Nguyên nói và cười, nhưng quả quyết là đúng sự thật. Thấy Tuấn lắc đầu không tin, thầy thư ký hãng Descours et Cabaud bảp Tuấn :

- Nếu anh không tin, cứ việc đến hỏi thẳng bà Delorme, Bả sẽ nói chuyện cho nghe.

Tuấn cho là một chuyện khôi hài, nhưng nó vẫn bị ám ảnh kinh khủng bở cái vú " lịch sử " của bà vợ Tây mà Phạm đào Nguyên qủa quyết bảo trước kia là vợ của Vua Thành Thái. Óc tưởng tượng của tuổi thanh niên, và thêm vào đấy cái tính tò mò học hỏi sẳn có của Tuấn, bị căng thẳng đến tột độ, khiến Tuấn cả đêm không sao ngủ được. Ðến khi ngủ mê, Tuấn chiêm bao thấy cái vú của bà vợ Tây bị Vua Thành Thái cầm gươm chém một nhát phun cả máu ra. Tuấn ú ớ hét lên một tiếng kinh khủng rồi giật mình thức giấc. Cả nhà trọ đều hoảng hốt thức dậy hết. Họ thắp đèn lên và hỏi Tuấn. Cậu học trò ướt đẩm mồ hôi điềm nhiên kể lại :

- Tui thấy bà Delorme có hai cái vú thiệt đẹp, bị vua Thành Thái cầm gươm chém một cái đứt ra chảy đẩm cả máu me. Tui sợ quá hồn vía bay đâu mất !

Cả nhà đều cười xòa mà chế nhạo trò Tuấn là mê đôi vú của bà me Tây. Mắc cỡ, nhưng muốn biết rỏ sự thật, sáng Chủ Nhật, mặc áo dài trắng của học trò, đội mũ trắng, lê đôi quốc cùn đến nhà bà Dolerme. Ông Tây chồng bà đi Saigon, bà đang dạo vườn bắt sâu cho mấy khóm hoa. Cái cổng bằng gỗ mở một cánh. Tuấn đi qua đi lại hai ba vòng, mắt cứ lấm lét ngó vào vườn hoa nhưng không dám vào. May thay bà vợ Tây dừng lại nhìn trò Tuấn rồi mĩm cười nói bằng tiếng Huế :

- Câu kia đi mô rứa ? Ngó chi rứa ? Muốn xin bông hỉ ?

Tuấn cười :

- Dạ, bông gì đẹp quá, bà cho tui một cành được không ?

- Ðược, vô trong ni tui cho.

Thế là Tuấn vào. Ðôi mắt tò mò của Tuấn cứ ngó ngay lên bộ ngực bà, vun vèn đầy đặn cả đôi dưới lờp sơ mi mỏng bằng hàng ngoại quốc. Bà trạc độ 40 tuổi, rất đẹp. Tuấn hồi đó 16 tuổi thôi. Bà cười rất tự nhiên hỏi :

- Răng cậu cứ nhìn cái ngực của tui dữ rứa ?

Tuấn bẽn-lẽn hỏi :

- Thưa bà,phải hồi trước bà là vợ vua Thành Thái không ?

- Phải, trước tê tui là cung phi của đức ngài Thành Thái.

- Tui nghe họ đồn là nhà Vua chặt mất một cái vú của Bà, có đúng không Bà ?

- Ðúng như, như rứa đó.

Xong, bà vui vẻ cởi nút áo ra,phanh một nửa chiếc áo sơ mi để hở một nửa ngực cho Tuấn xem. Bà chỉ cái chỗ vú bên phải :

- Cái ni này.

Tuấn thấy không có cái vú ở chỗ đó nữa, da ngực bằng phẳng chỉ còn một vết thẹo lớn mà thôi. Vú bên trái còn nguyên vẹn thì bà vẫn cầm nữa áo che kín, không cho Tuấn xem. Vã lại, trò Tuấn đâu có đòi xem cái vú còn nguyên vẹn. Xong, bà cựu Cung Phi cài khuy áo lại. Tuấn hỏi :

- Sao Vua Thành Thái lại chém cái vú của bà chi rứa ?

- Tại ri nè. Ngài lo việc đánh Tây. Cho nên sáng mô Ngài cũng bắt Cung Phi Cung Nữ ra vườn tập trận. Ngài ra lịnh trồng chuối chung quanh vườn, cứ cách một khỏang trồng một cây chuối. Ngài truyền Cung phi cưỡi ngựa, cầm gươm, rôì phi ngựa chạy ngang qua giây chuối. Ngài Ngự ngồi ghế truyền lịnh chém cây mô thì phải chém cây nớ. Taị con ngựa của tui nó sợ quá, đến gần chỗ Ngài ngôì là nó nhảy vồ lên, làm tui cũng thiếu điều bổ xuống đất, tui đưa gươm ra chém cây chuối mà không trúng. Ngài Ngự nổi giận liền chạy tới đưa gươm chém vô người tui một phát lại trúng cái ngực, đứt cái vú.Tui bổ xuống đất, máu chảy ra lai láng mà tui không dám kêu.Rôì tui chết giấc luôn. Sau đó nhờ dán thuốc dán lâu ngày cũng khỏi, bây giờ thành thẹo như rứa đó.

Tuấn đứng nghe choáng váng cả mặt mày, muốn té xỉu luôn bên bồn hoa của bà Cựu Cung phi...Bà bẻ cho Tuấn một cành hoa, bảo Tuấn vô nhà chơi, bà cho coi nhiều đồ Tây đẹp lắm. Nhưng Tuấn mắc cỡ, cất mũ chào bà rôì chạy biến ra đường.

giavui
06-25-2014, 05:23 PM
CHƯƠNG 17. 1926

- Phong trào học trò mặc Âu Phục bằng vải nội hoá.

- Phản ứng của các giáo sư Pháp.

- Phản ứng của giới thủ-cựu An-nam.

Một buổi sáng thứ Hai, trống đánh tựu trường được một lúc, thì ông "Ðìa " ( học trò gọi tắt ông Ðìa-réc-tơ Deydier ) và các giáo sư PhápNam đều hết sức ngạc nhiên thấy đa số học rò các lớp lớn từ Ðệ Nhất niên lên Ðệ Tứ niên, đi học đều mặc âu phục. Ông Ðìa và các giáo sư đều gọi đó là " một cuộc cách mạng " ! Vì lần đâù tiên học sinh Qui-nhơn, và cùng một lúc cả học sinh toàn quốc, đi học mặc đồ Tây !

Trước đó, từ Bắc chí Nam, học trò chỉ mặc áo dài An nam, và mang quốc, hoặc đi chưn không. Học trò Bắc kỳ mặc áo the thâm hoặc áo vải quyến trắng. Học trò Trung kỳ mặc áo trăng đầm đen, và quần vải quyến trắng. Học trò Nam kỳ mặc đồ bà ba trắng, chỉ có con nhà giàu sang mới mặc đồ Tây, mang giày tây. Ở Trung kỳ và Bắc kỳ, học trò mặc đồ Tây là việc hi hữu, dù là con nhà giàu hay con nhà quan.

Bỗng dưng, sau vụ Phan bội Châu, Phan chu Trinh 1925-1926, học sinh Trung học cả ba Kỳ đều bảo nhau mặc đồ Tây hết, và đồ Tây may bằng vải nội hóa.

Khởi điểm phong trào đi học mặc đồ Tây là học sinh Quốc Học Huế. Còn cuộc vận động may đồ Tây bằng vải nôị hóa lại là do học sinh trường Qui-nhơn. Nói cho đúng với sự kiện lịch sử và xã hội, thì hai phong trào kia đều do ảnh hưởng đời sống "Âu hóa "đã bắt đầu phát triển mạnh mẽ ở Saigon trước tiên, từ ngày cụ Phan chu Trinh bị Tây bắt ở Thượng Hải đưa về Hà nội. Do cuộc tuyên truyền miệng, vì hầu hết những phong trào toàn quốc lúc bấy giờ đều do khẩu truyền mà ra, chứ không phải do nơi cổ động trên báo chí An nam. Suốc cả thời kỳ cách mạng tiền chiến, báo chí đều chỉ đóng vai trò thụ động. Hoặc họ phê bình đã phá các phong trào ái quốc theo mệnh lệnh của Tây. Chưa bao giờ trong thời kỳ sôi nổi 1925-1927, báo chí An nam đóng vai tiền phong hay chủ động, dẩn dắt quần chúng. La Cloche Félée của Nguyễn An Ninh, và La Jeune Indochine của Vũ đình Dy ở Saigon, Tiếng Dân của cụ Huỳnh thúc Kháng ở Huế, L'Argus Indochinois của Amédée Clémenti ở Hà nội, là những cơ quan tranh đâu độc lập, của những nhà trí thức cách mạng An nam và Tây.

Phong trào học trò đi học mặc đồ Tây bằng vải nội hóa, năm 1927, cũng không phải do báo chí cách mạng phát động. Trái lại, có nhiều tờ báo lại còn làm thơ con cóc và đem những triết lý đạo đức vụn ra mà chế nhạo nữa là khác. Mặc kệ, bọn học trò bảo nhau : Tây họ thấy tụi mình mặc áo quần Annam, họ khinh mình là nhà quê, họ chửi mình là " sale race " ( nòi giống nhơ bẩn ), thì từ nay tụi mình mặc đồ Tây đi học để có ý như khiêu khích.

Hôm ấy, trò Quỳnh, trò Hảo, trò Thu, trò Tuấn, trò Ứng, ngôì bàn chuyện tại nhà thầy Phạm đào Nguyên về vấn đề mặc đồ Tây, do mấy anh Quốc Học ở Huế vô đề xướng hôm trước. Lần đầu, trò Hảo còn e ngại :

- Tuị mình mặc đồ Tậy, sợ ông Ðìa với các ông giáo sư cho tụi mình là vô lễ, hay làm phách thì sao ?

Trò Thu chuyên môn giọng cười hài hước :

- Mõa mặc đồ Tây mà mõa cứ học thuộc bài, khỏi ăn hột vịt là mõa " mang phú ". Mấy ông giáo sư mặc đồ Tây có làm phách và vô lễ với ông Ðìa không ?

Quỳnh :

- Tao chỉ sợ xin tiền may đồ Tây, cha tao hổng cho.

Tuấn :

- Tao thì tao năn nỉ anh thợ may cho tao may chịu, rôì nghỉ hè vô sẽ trả tiền.

Hảo cười hì hì :

- Nghỉ hè vô, mày bán bộ đồ Tây đó để trả tiền cho thợ may hả ?

- Nghỉ hè về quê, tao diện đồ Tây, đeo cờ-ra-oách cho oai thì cha mẹ tao khóai mắt, nhứt định là cho tao tiền.

Hảo :

- Ông già bà già tao thì dễ lắm. Ổng mặc đồ Tây, thì ổng cũng thích tao mặc đồ Tây cho giống ổng. Nhưng tao sợ tụi mình mặc đồ Tây đi học thì ông Ðìa cấm, không cho mặc.

Nghĩ đến trường hợp có thể ông Ðìa cấm học trò đi học mặc đồ Tây, trò nào cũng ái ngại. Nhưng Tuấn bảo :

- Tao thì tao hổng sợ ông Ðìa cấm. Cấm là vô lý. Tao chỉ sợ lảo Gabriel càng ghét tao và suốt năm cứ cho tao ăn trứng vịt. Nhưng tao đếch cần !

- Mầy có lảo Arago với lảo Antomachi thương mày. Hễ giờ Toán, Gabriel cho mày zéro thì qua giờ Luận Pháp văn ông Antomachi cho mầy 9 sur 10. Ông Arago cho mầy Lecture cũng 9 sur 10. Cái này bù qua cái kia.

- Ừ, vậy cho nên tao đâu có sợ lão Gabriel !

Rốt cuộc rồi ai cũng tán thành mặc đồ Tây đi học. Nếu xẩy ra chuyện gì, sẽ liệu sau. Nhưng Tuấn đề nghị may bằng vải nội hóa, đừng thèm may vải tây. Cãi nhau một hồi lâu rồi tất cả chịu may bằng vải nội hóa Quảng Nam. Vải dệt ở Qui-nhơn và Quảng Ngãi không đẹp bằng dệt ở Quảng Nam, mấy anh thợ may bảo thế.

Phong trào vận động may đồ Tây được tuyên truyền miệng khắp giới học sinh các lớp Trung học. Học sinh Tiểu học còn nhỏ tuổi, hầu hết các bậc phụ huynh các em không cho mặc đồ Tây. Thế là nửa tháng sau, hai phần ba số học trò lớn đều có mỗi trò một bộ đồ Âu phục bằng vải nội hóa. Họ gọi là là " Nhứt bộ " vì trò nào cũng chỉ kiếm tiền may được một bộ mà thôi. Còn một phần ba, tụi nhát gan nhất, sợ mặc đồ Tây sẽ bị ông Ðìa phạt và giáo sư ghét, thì nhất định tiếp tục áo dài đen, quần trắng, mang guốc.

Sáng thứ Hai ấy, Tuấn dậy thật sớm, tắm rửa sạch sẽ để làm lễ khánh thành bộ đồ tây đầu tiên của trò. Sau khi chãi tóc rẽ trois quarts thật bảnh bao, Tuấn trịnh trọng mặc sơ mi trắng tinh, chiếc sơ mi mới may duy nhất và cẩn thận cài từng nút xa cừ. Thắt cà-ra-óach, thì đã nhờ anh thợ may bày cho, và Tuấn đã tập mãi ngày Chủ Nhật để thắt cho đẹp và cho ngay thẳng giữa cổ.

Xong, không mặc quần đùi vì Tuấn ghét mặc quần đùi, cứ ở truồng như thế Tuấn lấy nhè nhẹ cái quần tây, xỏ nhè nhẹ vào hai ống chân, sợ nó mất plis. Hai tay cầm hai bên lưng quần. Tuấn cúi xuống ngó từ dưới ngó lên xem có ngay thẳng không, rồi mới cài nút. Thắt dây lưng vải, vì hồi đó chưa có tiệm nào bán thắt lưng da ( Anh thợ may giùm cái thắt lưng vải, Tuấn phải trả thêm hai đồng bạc ). Tuấn tròng vô nhè nhẹ cái áo veste...Theo thời trang đời bấy giờ mặc đồ Tây phải mặc complet đủ bộ quân và áo, chứ không ai mặc sơ mi trần. Học trò cũng mặc "đồ lớn " như người lớn vậy. Ðến việc mang giầy, mà không có vớ. Vì mua vớ tốn tiền thêm, và chủ tiệm không bán chịu. Chỉ có anh thợ may là bằng lòng may chịu mà thôi. Dĩ nhiên là trò Tuấn may chịu cả cái cà la oách gía tiền thêm hai đồng nữa, vì chưa có tiệm nào bán cà-la-oách cả.

Xong đâu vào đấy trò Tuấn ngắm nghía trong tủ kiến của ông chủ nhà, tự thấy ngượng ngùng mắc cỡ, muốn cởi ra xếp cất trở vào va li. Người đầu tiên trông thấy Tuấn mặc đồ Tây là cô con gái ông chủ nhà, 14 tuổi, học lớp Nhì. Cô Công Tôn Nữ Thị Linh khen :" Anh Tuấn mặc đồ tây đẹp quá ! " và cứ đứng đó trầm trồ khen mãi. Cô còn chạy xuống bếp gọi :" Mạ ơi, lên coi anh Tuấn mặc đồ tây đẹp quá, nè Mạ ! " Tuấn mắc cỡ, hoảng hồn, chạy vô buồng trốn mất, không dám thò đầu ra...

Thấy Tuấn lần đầu tiên mặc đồ Tây bẽn lẽn, bà chủ nhà và cô con gái cười rồ lên rồi đi tránh xuống bếp. Ðợi một lúc lâu, trong nhà lặng lẽ, Tuấn mơí khẽ cửa buồng và chạy phóng ra ngoài đường. Tuấn rất khổ sở, còn phải rang chịu ái cực hình bị hai bên hàng phố dòm ngó cậu. Phần nhiều dân thành phố tủm tỉm cười và trầm trồ khen ngợi thấy các cậu mặc bộ quần áo tây đi học, như hầu hết học trò lớn trường Qui-nhơn sáng hôm ấy.

Các ông giáo sư Pháp nhìn sự thay đổi đồng phục đột ngột ấy với cặp mắt tò mò đầy cảm tình. Nhưng đa số các ông Ðốc, và giáo sư An nam, thì, trái lại, hình như không tán thành. Vài ông, như ông đốc Th. dạy môn Luân Lý, ông đốc V. dạy Quốc văn, còn có vẻ ác cảm rõ rệt. Ngay trong giờ Luân Lý buổi chiều ở lớp Ðệ Tam niên, ông Th. giảng về " Le respect de soi " ( sự tự trọng ) đã nói bằng giọng mĩa mai :" Thí dụ như người học trò còn đi học mà bắt chước mặc y phục như người lớn, cũng mang giày tây, mặc quần áo tây, chỉ tỏ ra thiếu sự tự trọng, và chỉ đáng khinh khi ".

Toàn thể học trò trong lớp đều hiểu rằng ông giáo sư muọn bài học luân lý để công kích những trò mặc đồ Tây, mang giầy Tây -- nghĩa là gần hết cả lớp, trừ năm ba đứa mà thôi, những đứa nhút nhát còn mang quốc, mặc áo dài đen.

Ông đốc Tr., giáo sư Lý hoá, không nói gì, nhưng hôm ấy ông cho điểm gắt gao hơn thường lệ. Trò Tuấn được gọi lên bảng trả bài. Trò thuộc bài vanh vách, trả lời không vấp một câu một chữ, đáng lẽ như mọi khi trò được 9 điểm, hôm ấy chỉ được ông cho 6 điểm mà thôi. Tuấn đoán chừng tại vì ông ghét bộ đồ tây của Tuấn nên ông trừ mất 3 điểm.Tất cả các trò mặc đồ tây được gọi lên trả bài đều bị sụt điểm như thế.

Trái lại, trò Trân, lên bảng trả lời ấp úng, lại được ông giáo sư cho 8 điểm -- chắc chắn tại vì trò vẫn bảo thủ cái áo dài " trăng đầm "đen, và đi chân không.

Ðại khái phản ứng của một số giáo sư An nam là thế trong lúc chính họ vẫn mặc âu phục, may bằng vải serge bleu marine, hoặc bằng các tissus khác, toàn vải của Tây.

Giáo sư Pháp có những nhận xét công bằng và hợp lý hơn. Chính ông Gabriel, giáo sư Kỷ hà học, là người khó chịu nhất, hay quạu nhất, thực dân hạng nặng, mà vẫn tỏ ý tán thành học trò mặc đồ Tây.

Ông ghét trò Tuấn hơn ai hết, lúc nào cũng gườm gườm gọi Tuấn lên bảng để hỏi những câu bắt bí về Géometrie plane, để rồi thưởng cho trò những con zéro liên tiếp trong các giờ toán. Thế mà hôm đầu tiên Tuấn mặc đồ Tây đi học, ông khen Tuấn một câu : " Hôm nay mầy mặc đồ âu phục, coi cái mặt mày dễ thương hơn " Ông chỉ hỏi Tuấn sơ sài về một định lý, rồi cho Tuấn 8 điểm.

Nhưng quan trọng hơn cả là những nhận xét của ông Ðìa-réc-tơ Henri Deydier. Ông không phản đối sự học trò mặc âu phục đi học, nhưng theo một thông cáo bí mật của Toà Khâm Sứ Huế gửi cho ông Công Sứ Qui Nhơn và chuyển đạt qua ông Ðìa thì sự học trò mặc Âu phục đồng loạt như thế là một cuộc biều tình có tính cách chính trị. Ông Ðià đưa ra những lý do sau đây :

Không phải riêng học trò Qui Nhơn mà đây là một phong trào chung ở tất cả các Trung học Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ.

Cuộc " biểu tình bằng Âu phục " này xẩy ra ngay sau những cuộc xin ân xá Phan bội Châu và truy điệu Phan chu Trinh.

Học trò mặc Âu phục toàn bằng vải nội hóa.

Tuy nhiên những nhận xét của Chính Quyền Thuộc Ðịa Ðông Dương về cuộc " cách mạng quần áo ", danh từ chính thức thông dụng là " revolution vestimentaire " của học trò Trung học toàn quốc, không có hậu quả gì về thực tế. Ông Ðià có cho gọi mấy trò ở các lớp lớn Ðệ Tứ và Ðệ Tam niên hỏi :" Taị sao tự nhiên cả trường rũ nhau mặc đồ Tây ? " tất cả đều trả lời :" taị vì mặc Âu phục rất tiện lợi " ngoài ra không có mục đích gì về quốc sự cả ". Ông Ðìa có hỏi trò Tuấn :

- Tại sao mầy không may đồ Tây bằng vải Tây mà lại may bằng vải An nam ?

Tuấn trả lời :

- Thưa ông Ðốc, tại vì vải An nam rẻ tiền hơn. Tuị tui nghèo, đâu có tiền may vải tây.

Mặc dầu ông Ðià tỏ vẻ hoài nghi nhưng không rầy la, không hăm doạ, không cấm, như nhiều trò đã lo sợ lúc đầu. Rồi từ đấy, các trò mặc Âu phục tiếp tục mặc âu phục mãi, còn các trò nhút nhát dần dần cũng bắt chước theo. Qua năm 1927. sau kỳ nghỉ Hè, toàn thể học trò Trung học tong nước đều mặc Âu phục, trong lúc đi học cũng như đi chơi.

Ở thành phố, các giới đồng bào phản ứng khác nhau.

Ða số tán thành, nhất là giới nhà buôn, công chức và phụ nữ, các cô gái, đều nhiệt liệt hoan nghênh, khen " mấy anh học trò mặc đồ tây coi đẹp quá ".

Trò Tuấn mấy ngày đầu còn hơi mắc cỡ, nhưng sau đó trò thích chí cứ mặc đồ Tây suốt ngày. Cho đến lúc đi ngủ mới cởi thay. Chủ nhật và chiều thứ Năm được nghỉ. Tuấn với vài ba thằng bạn diện đồ Tây nội hóa, nhất bộ, đi chơi rong khắp phố. Ðược mấy cô gái đứng trong cửa sổ nhìn ra, các trò khoái lắm. Hai cô bạn Trâm và Anh vừa thi đậu " xẹc-ti-phi-ca " có làm một bài thơ bát cú tặng Tuấn như sau đây :

Anh mặc đồ tây, coi bảnh trai
Cổ đeo cà-vẹt, chân mang giầy,
Văn minh thế giới đều khai hóa
Học thức An Nam cũng hữu tài
Kinh sử văn chương không kém bạn
Tinh thần vật chất có thua ai ?
Mong anh giữ trọn tình yêu Nước,
Hồ thỉ tang bồng thõa chí trai.

Phạm thị Trâm - Nguyễn thị Ngọc-Anh
( Lớp Nhất, Collège Qui-Nhơn - 12-6-1926 )

Trò Tuấn xem thơ, cảm động, có họa lại như sau :

Nhìn gương hổ thẹn kẻ làm trai,
Đầu đội mũ tây, gót nện giày
Ðèn sách mỗi ngày lo luyện chí
Văn minh bốn bể rang đua tài
Gái trai Hồng Lạc cùng chung sức
Con cháu Tiên Rồng há kém ai
Quần áo đổi thay, lòng chẳng đổi
Bao giờ quên được phận làm trai !

Trần Tuấn

(Ðệ Nhị Niên, Collège Qui-Nhơn - 13-6-1926 )

Hai bài thơ học trò còn vụng về nhưng có một số người truyền nhau chép và đọc đang lúc phong trào mặc đồ Tây thịnh hành.

Nhân kỳ thi " xéc-ti-phi-ca" qui tụ tại Qui-nhơn tất cả học sinh tiểu học toàn tỉnh ( Phù Cát, Phù Mỹ, Bình Ðịnh, Bồng Sơn ) có rất đông các nhà Nho, các ông Tú, ông Cử, đem con đi thi, thành phố Qui-Nhơn rộn rịp lạ thường. Hai bài thơ trên kia cũng đến tai các phụ huynh học sinh Tiểu học. Một ông Tú, tên là Tú Tuyển, ở Gò-Bồi, có họa lại như sau đây :

Ðã được danh gì, các cậu trai ?
Cũng chưng Tây phục, cũng mang giầy ?
Văn minh Ðại Pháp cao vô lượng,
Y phục An Nam khéo đọ tài !
Cà vạt mũ tây coi có vẻ
Xôi kinh nếp sử chửa bằng ai,
Ðua nhau ăn diện làm chi rứa ?
Chỉ khéo trò cười, các cậu trai !

Tú Tài Trần Tuyển.

Bài thơ này khiến cho một số đông học trò dĩ nhiên phẫn uất. Trò Quỳnh chạy đến nhà trò Tuấn, đọc cho Tuấn nghe, rôì đọc luôn cả bài của Quỳnh đáp lại ( Phan Quỳnh và Trần Tuấn là hai trò có tiếng giỏi Quốc Văn trong lớp ). Quỳnh đã thức nửa đêm bỏ bài học Sử Ký, để họa bài thơ của Ông Tú Tuyển :

Ðến trường mang quốc thẹn chân trai
Theo bưóc văn minh nện gót giầy
Hán tự cùn mòn, quăng vứt xó
Pháp văn mới mẻ chạy đua tài.

Quỳnh cười đắc chí, ngó Tuấn :

- Mày coi tao ngạo ông Tú nhà Nho đó như chiếc quốc cùn !

Xong Quỳnh đọc tiếp :

Há giòng giống mọi, không hơn nó ?
Phải áo quần tây chẳng kém ai !
Nô lệ cựu trào sao giữ mãi ?
Tương lai hoài bão mấy thằng trai !

Phan Quỳnh
(Ðệ Nhị Niên, Collège Qui-Nhơn )

Phan Quỳnh tính rất nóng nảy. Ðọc xong bài của mình, Quỳnh hỏi Tuấn :

- Ðược không, mày ?

- Hay lắm rồi mầy ơi ! Nhưng liệu mày ngạo ổng rồi mày có dám đến đọc cho ổng nghe không ?

- Tao sợ gì ! Nhưng mày cũng phải làm một bài trả lời ổng, rôì hai đứa mình đến đọc cho ổng nghe.

- Tao đã làm rồi. Chính là bài của tao đầu tiên họa lại bài của Trâm và Anh, rồi ông Tú họa theo đó chứ.

Phan Quỳnh nổi quạu liền :

- Mâỳ họa bài của con Trâm con Anh tụi nó vuốt ve mầy thì được, còn ông Tú Tuyển họa lại mắng vào mặt mày, mầy làm thinh không trả lời, ốt dột quá !

- Thì đã có bài của mầy trả lời cho ổng rồi, không đủ sao ?

- Nhưng tao muốn có thêm một bài của mầy nữa. Mày làm liền đây cho tao coi. Rồi tụi mình đem ngay sáng nay lên cho ông Tú, chứ tao nghe nói trưa nay ổng về Gò Bồi đấy. Không trả lời được ổng, tao tức lắm. Phải có hai đứa mình trả lời cho ổng cứng họng.

Trò Tuấn băn khoăn hết sức...Phần thì O-Vui em gái ông chủ nhà, đang nấu chè hột sen ở bếp, mùi thơm bay lên ngào ngạt, Tuấn chỉ ngửi mùi thơm ấy mà không muốn làm thơ...Nhưng Quỳnh cứ giục mãi, Tuấn bảo :

- Thôi mày đi ra bờ biển chơi một lát, rôì trở lại đây.

- Tao trở lại, mày phải làm xong bài thơ hỉ ?

- Mầy phải đi lâu lâu mới được. Bây giờ là 8 giờ, 12 giờ mày hãy trở lại.

- Ừ, 11 giờ tao trở lại.

Phan Quỳnh đi xong, Tuấn leo lên cái gác xếp, không ai ở, nằm sấp xuống chiếu để viết. 11 giờ, Quỳnh trở lại Tuấn mới được 6 câu, đọc cho Quỳnh nghe :

Há phải danh gì, một lũ trai,
Vì mang âu phục, phải mang giầy,
Văn minh rực rỡ ông thầy Pháp,
Hủ lậu co ro bác Tú Tài,
Nhục trước ông cha thua kém họ
Mong sau con cháu kịp bằng ai.

- Ðược đấy, còn hai câu nữa, làm luôn đi.

- Mày đi ra chơi ngoài chợ một lát, để một mình tao mới làm được.

Nhưng Quỳnh ra cửa còn đúng đấy, thì Tuấn gọi :

- Rồi rồi, Quỳnh ơi, vô đây !

Tuấn đọc nốt hai câu chót :

Nước nhà nô lệ không mong tiến
Mai mỉa làm chi mấy đứa trai ?

12 giờ trưa, Quỳnh và Tuấn đến nhà thầy Phạm đào Nguyên, nơi trọ của ông tú tài Trần Tuyển : Ông đang ngồi ghế tràng kỷ, rung đùi ngâm bài thơ của ông ra vẻ khoái trá lắm. Quỳnh tiến tới, lễ phép chào rồi trao tận tay ông hai bài thơ họa của hai đứa học trò...Tuấn sợ ông Tú, đứng ở ngoài không dám vào, ông Tú đọc xong, chỉ đưa tay vuốt râu cười.

giavui
06-25-2014, 05:23 PM
CHƯƠNG 18. 1927

- Phong trào Học sinh toàn quốc bãi khóa chống Tây.

Lễ Pâques ( Phục Sinh ) năm 1927 đánh dấu môt giai đoạn quyết liệt nhất trong đời sống của toàn thể sinh viên học sinh An Nam từ Bắc chí Nam. Lần đầu tiên, một phong trào vận động bãi khóa khởi xướng từ Trường Cao Ðẳng Hà Nội và Trường Trung Học Bảo Hộ ( trường Bưởi ) đã lan tràn khắp cả các Trường Trung Học trong nước : Hải Phòng, Nam Ðịnh, Vinh, Huế, Qui Nhơn, Saigon, Mỹ Tho, Cần Thơ.

Tôi nói : Vận Ðộng Bãi Khóa, vì học sinh lợi dụng 7 ngày nghỉ lễ Pâques để vận động ráo riết trong các giới học sinh, đưa các nghuyện vọng lên Nha Học Chính để rồi nếu nguyện vọng không được thỏa mãn, sẽ không đi học sau khi hết lễ Pâques.

Và cuộc bãi khóa toàn quốc đã bắt đầu thật sự, như đã dự định, gây ra lần đâù tiên từ khi người Pháp đô hộ, một phong trào học sinh bãi khóa sôi nổi lớn lao từ Bắc chí Nam.

Tuy cuộc bãi khóa không có mục đích chính trị, nhưng thực ra là do phong trào chính trị mà thành, để tỏ cho nước Pháp và cả thế giới biết rằng toàn thể sinh viên và học sinh An Nam chống lại chánh sách giáo dục của chính phủ thuộc địa, và chống lại một nhóm giáo sư Pháp đã miệt thị người An Nam.

Sau buổi học chiều Thứ Bảy 16-7-1927 ( Hồi đó chưa có lệ nghỉ chiều Thứ Bảy theo " semaine anglaise "), và bắt đầu nghỉ lễ Pâques 7 ngày, trò Tuấn cắp sách vở ra về như những ngày thường. Xong bửa cơm tối, trò sửa soạn ra bờ biển bắt còng chơi với mấy đứa bạn cùng ở nhà trọ, bổng có trò Quỳnh đến bảo thầm :

- Có mấy anh ở trường Quốc Học Huế, vào kiếm tụi mình.

Tuấn ngạc nhiên hỏi :

- Có chuyện chi vậy, hỉ ?

- Mầy đi với tao lên nhà thầy Phạm đào Nguyên, sẽ biết.

Tôi đã nói nhà Phạm đào Nguyên, thư ký hãng buôn Pháp Descours et Cabaud, một bạn trẻ, là nơi tụ họp bí mật của bọn học trò làm " quốc sự "ở Qui-nhơn. Nơi đây có 4 điều rất tiện lơị :

1. nhà thầy Nguyên có một căn nhà sau thật kín đáo, nhóm họp ở đây không ai biết.

2. thầy có nâú cơm tháng cho mấy đưá học trò, cho nên học trò thường ra vào luôn, không ai để ý.

3. thầy không làm cách mạng, nhưng lại thích những chuyện cách mạng và rất vui lòng để cho tụi học trò làm cách mạng ở nhà thầy.

4. thầy được chủ Tây trong thành phố tin cậy hoàn toàn, cho là một người An-nam-mít đứng đắn, ngoan ngoãn, dễ thương.

Tuấn đi theo Quỳnh đến nhà thầy Phạm đào Nguyên vào lúc 7 giờ tối. THầy đang nằm trên ghế xích đu ngoài hè. Tuấn và Quỳnh chào, thầy gật đầu cười làm dấu hiệu bảo đi vào nhà trong.

Ba anh học trò lạ, ở trường Quốc Học Huế, mới vào hồi chiều, đã ngồi nơi bàn với mấy cậu học trò Qui-nhơn : Hảo ( lớp Ðệ Tam niên ), Tố (Ðệ Tam niên ) và 3 anh (Ðệ Tứ niên ), vời Quỳnh, Tuấn (Ðệ Tam niên ) là tất cả 10 người. Ba cậu Quốc Học ( cũng Ðệ Tứ và Ðệ Tam niên ), thay phiên nhau nói cho 7 cậu Qui-nhơn nghe vì sao học trò toàn quốc phải bãi khóa để chứng tỏ rằng thanh niên An Nam năm 1927, đã giác ngộ rồi, đã biết nêu cao tinh thần ái quốc, không chịu để cho Tây hà hiếp, khinh miệt dưới chế độ thuộc địa, và nhất là để thắt chặt tinh thần đoàn kết của thanh niên nam nữ học sinh cả ba kỳ Trung, Nam, Bắc, trong cuộc Tổng Bãi Khóa nhân dịp lễ Pâques 1927.

Cuộc trao đổi ý kiến giữa ba phái viên Quốc Học Huế và 7 đại diện học sinh Qui-nhơn, rất nồng nhiệt và thân ái. Tất cả đều đồng tâm nhất trí, cương quyết thắt chặt tình đoàn kết của học sinh toàn quốc.

Quỳnh, một đại diện hăng hái nhất của Collège Qui Nhơn, với nét mặt gân guốc, giọng nói cứng rắn và mạnh dạn, bảo :

- Các anh cứ tin nơi tụi tui. Ở Huế, các anh các chị được gần gũi cụ Phan bội Châu, được nhờ sự hướng dẫn của Cụ, còn tụi tui ở đây vì xa xôi, đơn độc càng thấy đau khổ hơn, càng bị áp chế hơn. Một viên giáo sư Pháp là Gabriel, dậy Toán, cứ chửi " nòi giống An nam là mọi rợ, nước An nam là dã man " Tụi tui tức lắm, nhưng cứ ngậm câm mà nuốt hận, chưa biết làm cách nào để trả thù. Lần này thì tuị tui phải quyết liệt hưởng ứng phong trào bãi khóa ở đây cho đến thắng lợi mới thôi.

Quỳnh quay sang hỏi Tuấn :

- Mày nghĩ sao, Tuấn ? Mầy có ý kiến gì, nói đi.

Tuấn cưiời :

- Tao cũng nghĩ như mầy. Tao còn muốn chờ đến khuya, rình lão Gabriel đi đánh bạc ở cercle về, mình nấp ở gốc cây phi-lao và ném đá granit vào đầu lão cho bễ đầu lão, thì tao mới khoái. Còn bây giờ tính làm grève, thì làm ! Sợ cóc gì !

Hảo, Tố, và ba anh Ðệ Tứ niên đều hoàn toàn tán thành tham gia cuộc bãi khóa toàn quốc và còn muốn làm hăng hái hơn ở Saigon và Hà nội nữa. Ba anh Quốc Học Huế cười :

- Dân Trung kỳ tụi mình không bao giờ chịu kém Bắc kỳ và Nam kỳ. Lần này mấy anh ở Cao đẳng Hà nội khởi xướng ra trước, thì tụi mình nhất định hưởng ứng theo và cương quyết không bỏ rơi nửa chừng. Làm thì phải làm cho đến nơi đến chốn. Bị tù cũng không cần.

Toàn thể đều hăng hái reo lên :

- Tù thì tù chứ, sợ gì !

Một anh Ðệ Tứ niên Qui-nhơn bảo :

- Tụi mình đâu phải đồ dá áo túi cơm. Tụi mình đi học đâu phải để sau ra làm quan cho Tây. Học là để giúp dân giúp nước chớ. Học để đem tài năng ra phụng sự Ðồng Bào Tổ Quốc, cho xứng đáng là thanh niên nước Việt chứ. Bây giờ anh chị em ở Hà nội, Huế, Saigon, các nơi đều làm grève, hổng lẽ tụi QuiNhơn cứ cắp sách đi học sao ? Nhất định làm " reo " ! Hoan nghênh làm " reo " !

Cuộc hội họp bí mật rất là ồn ào trong căn phòng kín bên cạnh nhà bếp của thầy Phạm đào Nguyên. Mãi đến 1 giờ sáng cuộc hội họp bí mật mới xong, bảy học sinh Qui-nhơn đều tiễn ba phái viên học sinh Quốc học ra bến xe đò để ba anh này còn đi Saigon, cổ động các trường trong Nam.

5 giờ sáng ba anh lên xe đò " Bạch Hổ "đi rồi, tụi Qui-nhơn kéo nhau ra bãi biển ngồi hóng gió, và thầm thì bàn luận về cách tổ chức cuộc Bãi Khóa, bắt đầu ngay từ ngày hôm ấy.

Tất cả đều đồng ý theo kế hoạch sau đây :

Ba anh Ðệ Tứ Niên : thảo bản yêu-sách bằng Pháp văn để gưỉ lên ông Ðìa-réc-tơ.

Tối họp tại nhà trò Hảo để coi lại bản yêu-sách, thêm bớt.

Bản yêu sách đòi 4 điều :

Thêm trong chương trình Trung học mỗi tuần một giờ Sử Ký An Nam ( trước, Sử Việt chỉ có một giờ, Sử Pháp hai giờ. Nay xin hai giờ Sử Việt, một giờ Sử Pháp).

Ðuổi ông giáo sư Gabriel, thay thế giáo sư khác biết kính trọng Dân Tộc An Nam.

Mở thêm các lớp Trung học

Cho phép một phái đoàn học sinh Qui-Nhơn ra Huế thăm Cụ Phan bội Châu.

Tuấn không chịu để điều bốn :

- Trong tụi mình những đứa nào xin được tiền cha mẹ thì cứ đi. Hoặc kêu anh em góp tiền lại cho năm, sáu đứa đại diện rồi sẵn dịp nghỉ hè sắp tới đây, cứ việc mua giấy xe đò đi Huế thăm cụ chớ cần gì phải xin phép ông Ðìa-réc-tơ ?

Ðiều khoản 4 này được bàn cải rất gắt gao và rất lâu. Rốt cuộc được bỏ, và giữ nguyên vẹn 3 điều khoản trên.

Bản yêu sách bằng Pháp văn của học trò trường Qui Nhơn, sau khi cùng nhau sửa chữa thêm bớt, còn lại đúng nguyên văn như sau :

A Monsieur le Chef du service de l ‘ Enseignement en Annam, Huế,

Sous couvert de Monsieur le Directeur de collège de Qui Nhon.

Nous, soussignés, Elèves de Collège Primaire Supérieur de Quinhon,

Avons l'honneur de vous addresser respectueusement la présente requête, tendant à obtenir les faveurs suivantes :

Augmenter une heure d'Histoire d'Annam par semaine, et supprimer une heure d' Histoire de France, dans les programmes des cours primaries supérieurs.

Remplacer immédiatement M. Gabriel, Professeur de Mathématiques par un autre professeur qui n'insulte pas le peuple d' Annam.

Ouvrir de nouvelles classes Primaires-Supérieures au Collège de Quinhon.

Nous espérons que notre requête sera prise en considération pendant les vacances de Pâques. Dans le cas contraire, nous regrettons de vous informer que nous serions obligés de nous mettre en grève afin d'obtenir satisfaction.

Veuillez agréer, Monsieur le Chef de service de l'Enseignement, l'expression de notre humble reconnaissance.

Les élèves de Collège Primaire Supérieur de Quinhon.

Cái đơn viết hăng như thế, nhưng không trò nào ký tên cả. Toàn thể đồng ý ký chung là " Học sinh trường Cao đẳng Tiểu Học Qui-Nhơn "

Thế là bắt đầu ngày lễ Pâques, nhóm Ðệ Tam Niên Quỳnh, Tuấn, Hảo, Tố, được giao phó cho công việc đi tuyên truyền bãi khóa trong giớ học sinh, còn nhóm Ðệ Tứ Niên thì họp tại nhà thầy Phạm đào Nguyên là nơi tập trung tin tức và liên lạc với các Trường Phủ-Huyện. Học sinh ở rải rác các nhà trong thành phố và các xóm ngoại ô. Hảo và Tố đi từng nhà, rủ từng người đến họp một nơi vắng vẻ nào đó, hoặc là nhà một phụ huynh học sinh có thiện cảm với phong trào bãi khóa hoặc ra bãi biển, hoặc lên sườn núi. Ðến đây đã có Quỳnh và Tuấn, được trao phó trách nhiệm diễn thuyết hô hào bãi khóa.

Một buổi chiều Tuấn phải đi cổ động một nhóm học trò Ðệ Nhất Niên gần năm mươi người họp trên một gò đất trống ở bìa núi Xuân Quang. Tuị này nhát lắm, đa số sợ ở tù. Tuấn phải cổ động cho họ hưởng ứng phong trào bãi khóa, cho họ phấn khởi, hăng hái đừng rụt rè do dự nữa.

Trời nắng chang chang như lửa đốt. Trên gò chỉ có và cây cao, bóng mát không đủ che cho một số đông gần 50 thiếu niên. Tuấn không đội mũ, cứ để đầu trần như thế mà ngồi " diễn thuyết " trong đám học trò mồ hôi ướt nhẹp cả áo. Tuấn bị nhiều câu hỏi rắc rối mà Tuấn tìm cách trả lời cho xuôi tai, nhưng đến khi có một câu hỏi :" Bãi khóa, lỡ bị bắt bỏ tù thì sao, anh ? " Tuấn phải trả lời :" Học sinh toàn nước An nam bãi khóa, chớ không riêng gì ở trường mình. Toàn thể học sinh trường Qui Nhơn Bãi khóa, chứ không riêng gì một hai lớp. Không lẽ cả nước ở tù sao ? " Sau cùng, hầu hết học trò đồng thanh bãi khóa, trừ một cậu :" Tui thì tui cứ đi học như thường. Tui ở nhà thì cha tui đánh tui chết ". Tức thì có mấy người bạn của cậu xừng xộ :" Mày đi học thì tụi tao oánh mầy chết ! ". Cậu kia ngồi im.

Công cuộc vận động bãi khóa hồi 1927 kể ra thật là gay go. Vì là lần đầu tiên trong Lịch sử, học sinh An nam bãi khóa chống lại Chính phủ thuộc địa Pháp. Tuy nói là phong trào toàn quốc, nhưng chỉ có một thiểu số bảy tám học trò ở lớp Ðệ Tam, Ðệ Tứ niên biết mà thôi. Ðó là các trò lớn được liên lạc với phong trào ở Huế, còn toàn thể học sinh các lớp Tiểu học và Ðệ Nhất Ðệ Nhị Trung học thì có biết rõ gì đâu. Do đó, cuộc vận động bãi khóa thường gặp nhiều trở lực, nhất là trong đám phụ huynh học sinh ở ngay thành phố.

Buổi chiều, Tuấn bị giải nắng trên gò núi, lúc về bị cơn mưa to. Tuấn nóng lạnh nằm trùm mền. Ðồng hồ điểm 8 giờ, Quỳnh đội nón, mang tơi ( loại áo mưa chằm bằng lá tơi ) đến. Thấy trong nhà có đông người, Quỳnh đứng ngoài hè không dám vào. Tuấn tung chăn chạy ra. Quỳnh bảo :" Có một đám học trò Phù Cát, Phù Mỹ gần 100 đứa ở nhà thằng Thọ trên Lò Vôi. Chúng nó vô đây để thi primaire, hai đứa mình phải tới đó để diễn thuyết cổ động " Tuấn hỏi :" Có phụ huynh không ? " Có, Tuấn ngán có phụ huynh, vì thế nào cũng bị mấy ông bắt bẻ chuyện này,chuyện nọ.

Nhưng Quỳnh bảo :" Tụi mình diễn thuyết luôn cả cho mấy ông phụ huynh nghe, chứ sợ gì ? " Tuấn ngại, phần thì trời mưa dầm dề, mỗi lúc mỗi to, nhưng Quỳnh cứ giục Tuấn đi. Tuấn mượn chiếc áo tơi và cái nón của chị ở nhà trọ, rồi ra đi với Quỳnh. Trong đêm mưa tầm tã, giữa một thành phố vắng tanh vắng teo, hai cậu học trò vừa bước đi vội vàng, vừa thầm thì với nhau. Quỳnh căn dặn Tuấn :

- Vô đó mầy đừng sợ, nghe không ! Mầy nói trước, tao nói sau.

- Mày biểu tao nói gì bây giờ trước 100 thằng học trò lạ, với cha mẹ của tụi nó ? Nhứt là nếu gặp mấy ông Tú nhà nho, họ xổ Khổng Tử, Mạnh Tử ra, thì tụi mình cứng họng.

- Lo gì, mầy ! Họ xổ ông Khổng ông Mạnh, thì mình cũng xổ ra J.J Rousseau, Voltaire, xem họ có ngán không ?

- Thôi, mày nói trước tao nói sau, tao mới chịu. Chứ cái tánh tao sợ, tao hay nói cà lăm.

- Thì mày đừng sợ. Việc gì mà sợ ?

- Tao nói cho mày biết trước, hễ tao cà lăm nói không xuôi thì tao bỏ chạy hỉ ? Mầy ở lại làm sao thì làm, hỉ ?

Hai đứa nói chuyện vừa đi trong cái ngõ hẻm quanh co, hai bên hàng xóm chó sủa vang lên. Qua hai cái lò vôi, mùi vôi khét nghẹt. Tuấn bị nghẹt mũi.

Tuấn bảo Quỳnh :

- Chết cha rồi mày ơi, tao bị nghẹt mũi, chút nữa làm sao tao nói ?

Quỳnh cười hăng hắc :

- Mày nói bằng miêng, chứ nói bằng mũi sao mầy ?

Quẹo mấy đường hẻm nữa thì đến căn nhà của tụi học trò Phù Mỹ, Phù Cát. Tuấn đứng lại, vạch hàng rào dòm vô thấy đông nghẹt những người và tiếng ồn ào. Giữa nhà treo ngọn đèn " măng sông " sáng rực. Tuấn do dự chưa dám vào nhưng Quỳnh nắm tay lôi đi. Vì đã được báo trước, nên tụi học trò đang chờ đợi và xôn xao. Quỳnh và Tuấn bẽn lẽn bước vô. Ði ngoài đường, Quỳnh nói bạo dạn bao nhiêu thì tới đây Quỳnh lại sợ bấy nhiêu. Trên hai chiếc ghế tràng kỹ kê hai bên một cái bàn, có năm sáu ông cụ Nho đang ngồi ăn trầu, hút thuốc. Quỳnh và Tuấn bỏ nón và áo tơi ngoài hè, đủng đỉnh bước tới và lễ phép cúi đầu chào. Một ông cụ thung dung bảo :

- Mời hai cậu ngồi chơi.

Trên một trăm học trò ngồi chật hai căn nhà lớn, ngong ngóng chờ xem hai anh Ðệ Tam Niên sắp sửa nói gì.

Trong mấy ngày lễ Pâques vận động bãi khóa, các giới học sinh đã đồn với nhau về " tài diễn thuyết " của hai anh Ðệ Tam Niên, nên lần này đám học trò Phù Mỹ, Phù Cát tiếp đón hai cậu với những cảm tình đặc biệt đã sẳn có. Nhưng mấy ông phụ huynh nhà Nho coi bộ không bằng lòng, cho rằng : Bãi khóa là muốn làm loạn chống lại Nhà Nước. Tuấn ngôì làm thinh, vì Tuấn có thói quen mỗi khi ai cải với Tuấn, Tuấn để cho họ nói hết, dù họ công kích kịch liệt đến đâu Tuấn cũng bình tỉnh và im lặng ngồi nghe. Xong tôì Tuấn mới trả lời một lần, đả phá hết những lập luận của đối thủ. Quỳnh thì trái lại, rất nóng nẩy, và cãi một lúc thì thế nào cũng đổ quạu.

Mở đầu, Quỳnh kể những lý do tại sao có cuộc vận động bãi khóa toàn quốc. Quỳnh công kích người Pháp, theo những lý luận của những tờ báo cách mạng đã đọc được lén lút từ khi có phong trào ái quốc nổi dậy trong nước. Sau vụ án Phan bội Châu và bài diễn thuyết của cụ Phan chu Trinh. Ðể chận các ông phụ huynh nhà Nho bắt bẻ, Quỳnh khôn khéo đưa ra những danh ngôn của các triết học Pháp thế kỷ XVIII, chủ trương Nhân Quyền, Dân Quyền như Diderot, JJ. Rousseau, Voltaire, và các nhà văn cách mạng Pháp thế kỷ XIX. Cậu học trò Ðệ Tam Niên đã loè được các cụ nhà Nho bằng những câu tiếng Pháp mà các cụ nghe choáng váng, không hiểu gì cả và không dám cãi. Các cậu học trò promaire thì phục Quỳnh như một nhà hùng biện thông thái nhất trên đời.

Nhưng Phan Quỳnh nói xong, không ngờ bị ông Xã mặt rỗ, có bộ râu cá trê và có một cái thẹo lớn trên trán, hỏi :

- Các cậu xúi học trò bãi khóa, vậy tui xin hỏi tại sao các cậu không lên thẳng cụ Sứ, biểu Cụ đóng luôn cửa trường có hơn không ? Cần chi bãi khóa để ở tù, hỉ ?

Rồi ông Xã vuốt râu cười đắc chí. Mấy ông phụ huynh cũng cười và một học sinh cười theo. Quỳnh nói nhỏ với Tuấn :" Trả lời đi mày ".

Tuấn đã chờ đợi những phút gay cấn ấy, biết trước thế nào cũng có, và cũng đã sẵn sàng câu trả lời, rút kinh nghiệm trong lúc đi vận động mấy ngày trước, đã bị nhiều người hỏi câu đó.

Tuấn vẫn ngồi nơi bộ ván kê ngoài hè, trước mặt cử tọa đông đủ. Tuấn nhoẻn một nụ cười điềm nhiên, và chậm rãi nói :

- Dạ thưa Bác, nếu ở Tù thì anh em chúng tôi xin tình nguyện ở tù thay cho 600 học trò trường Qui Nhơn và 2000 học trò Phủ Huyện. Chúng tôi, 8 đứa, đã sẵn sàng chịu tất cả trách nhiệm. Vả lại, không có lý toàn thể học trò đều bị bắt ở tù hay sao ? Nhà tù đâu cho đủ để chứa ba ngàn học trò trai và gái ? Mấy vạn sĩ tử ở khắp xứ Annam, ở khắp các trường Bắc kỳ, Trung, Nam kỳ, đồng bãi khóa một lượt, không có lý riêng học trò tỉnh Bình Ðịnh và Quy nhơn lại lui cui đi học? Bình Ðịnh là một tỉnh lớn, học trò Bình Ðịnh đâu có hèn như vậy? toàn thể học trò Bình Ðịnh và Quy Nhơn bãi khóa, không có lý riêng học trò hai huyện Phù Mỹ, Phù Cát là không tham gia bãi khóa? học trò Phù Mỹ, Phù Cát đâu có hèn như vậy?

Nhưng tại sao bãi khóa? Dạ thưa vì có một ông giáo Tây cứ chửi nòi giống ông cha mình là mọi rợ, là bẩn thỉu, là ngu ngốc. Thí dụ có một người nào chửi ông bà cha mẹ ta là mọi rợ là ngu ngốc, thử hỏi các Bác các Chú có chịu được không? Huống hồ chúng tôi là đám con cháu! Bị chửi như thế chúng tôi tức lắm, nếu cúi đầu làm thinh để nghe chửi mãi thì chúng tôi là lũ con bất hiếu, cho nên học trò bãi khóa là để xin nhà nước Ðại pháp đuổi ông Tây đó đi. Có vậy thôi, thì không lý nhà nước Ðại Pháp bỏ tù bọn học trò An Nam có hiếu với ông bà cha mẹ hay sao?

Các cụ nhà nho nghe đến việc hiếu nghĩa thì đồng lòng hơn là việc chính trị, cho nên sau khi Tuấn nói một hồi lâu, các cụ cũng đồng ý về nguyên tắc bãi khóa "để xin Nhà Nước Ðại Pháp đổi người thầy giáo Tây thường chữi ông cha người An Nam là mọi rợ, ngu ngốc".

Sự thật, như các bạn đã biết, cuộc bãi khóa năm 1927 của học sinh toàn quốc, là có mục đích chính trị hơn là luân lý. Ðề tài luân lý chỉ dùng để thuyết phục các nhà Nho, và các phụ huynh học sinh mà thôi.

Quỳnh và Tuấn ra về giữa lúc trời còn đổ mưa như nước lủ. Hai đứa mang áo tơi đội nón đi đủng đỉnh nói chuyện và cười, phê bình mấy ông "Khổng Tử viết...".

Ði khỏi lò vôi, Quỳnh và Tuấn nghe có tiếng ai chạy thùi thụi phía sau, rồi kế tiếp một bóng trắng xô mạnh Quỳnh và Tuấn ra hai bên để nó vượt tới, và biến mất, Quỳnh và Tuấn sợ điếng người, khẻ bảo nhau: "Ma! Ma!" Hai đứa cắm đầu chạy một mạch ra đưòng cái quan rồi mạnh đứa nào đứa nấy chạy tuốt về nhà.

Hôm sau, cuộc vận động cho phong trào bãi khóa tiếp tục.

Sau mấy ngày đêm liên tiếp đi từng nhóm, từng nhà học sinh, để cổ động lén lút cho cuộc bãi khóa thực hiện ngay sau ngày lễ Pâques, Quỳnh, Hảo, Tố, Tuấn hết sức kinh ngạc gặp mặt bốn vị Ðốc học (giáo sư) An Nam tại nhà thầy Phạm đào Nguyên một buổi sáng, vào lúc 9 giờ.

Bọn học trò đánh bao nhiêu dấu hỏi về sự hiện diện bật ngờ của ông Ðốc Th., ông đốc Tr. và ông đốc Bính. Bốn ông cùng đến đây một lúc vớI mục đích gì? Các trò đoán ngay là vụ vận động bãi khóa đã bị tố giác lên ông Ðìa-réc-tơ Henry Deydier và có lẽ ông sai bốn ông giáo sư Annam đi ngăn cản cuộc bãi khóa.

Ðúng thế. Nhưng ai tố giác?

giavui
06-25-2014, 05:24 PM
Ban vận động bãi khóa nhất định nghi cho trò Th. (Ðệ tứ niên) và trò Tr. (Ðệ tam niên). Hai con chiên ghẻ của nhà trường. Nhưng chuyện ấy được gát một bên, vì các trò cương quyết đeo đuổi cuộc hoạt động bãi khóa cho đến cùng. Một là vì đã cam kết với anh em Quốc học Huế, hưởng ứng cuộc bãi khóa Toàn quốc, hai là vì cuộc vận động ở Qui-nhơn cũng đã có hiệu quả : toàn thể các lớp đều nhất luật nghe theo lời hiệu triệu bí mật của "mấy anh lớn ". Bây giờ phải làm cách nào để đối phó với bốn ông Ðốc An nam đã tuân mệnh lệnh của ông Ðìa để đi phá hoại cuộc bãi khóa ?

Bốn ông ngồi đạo mạo nơi bàn khách giữa nhà. Học trò lễ phép pha trà mời các ông và nghe các ông khuyến dụ. Dĩ nhiên, luận điệu của các ông rất là yếu ớt, không đứng vững, bỡi không ngoài những lời dọa dẫm bị bắt, bị đuổi, bị ghi tên vào sổ đen, bị tù tội, nhất là bị gán cho một danh từ bằng Pháp ngữ rất nguy hiểm ở thời bấy giờ " mauvais esprit " (đầu óc xấu xa ). Trò nào bị hai chữ " mauvais esprit " ghi vào học bạ, thì chắc chắn là sẽ bị Mật Thám chú ý và theo dõi.

Bốn ông Ðốc dùng bốn luận điệu khác nhau. Ông Ðốc Th. Giáo sư Luân lý, khuyên học trò chăm học để vui lòng mẹ cha, đừng làm tầm bậy mà gây họa cho cả Phụ Huynh và Gia Ðình. Ông bảo :" Con dại cái mang, lời tục ngữ đã nói thế. Các trò làm việc phi pháp thì cha mẹ sẽ bị tù tôi."

Ông Ðốc Tr. giáo sư Lý-hoá, bảo các trò đến lớp Ðệ Tam, Ðệ Tứ Niên, chỉ còn vài tháng nữa, hoặc một năm nữa là đi thi, đỗ bằng diplôme rồi ra đi làm việc Nhà Nuớc. Bây giờ bãi khóa, có phải uổng cái công đèn sách mấy năm không ?

Ông Ðốc Bính " nhà ái quốc ", thì khuyên :" Các anh nên ôn hòa, đừng nóng nẩy làm bậy mà sau ăn năn không kịp "

Còn ông Ðốc V., giáo sư Quốc văn, thì trổ hết tài hùng biện để đe dọa học trò "Các câụ còn nhỏ tuổi, đầu óc chưa suy nghĩ cao xa, cho nên hay bồng bột, nghe lời xúi dại, làm việc ngu xuẩn, để rồi mang họa vào thân. Các cậu hãy liệu hồn, nếu không nghe lời chúng tôi, mà gây ra cuộc bãi khóa, thì Quan Sứ sẽ bỏ tù hết, và đóng cửa trường ".

Bốn ông Ðốc An nam khủng bố tinh thần học sinh cả một buổi sáng, đến 11 giờ các ông ra về. Sự can thiệp của các ông đã gây hoang mang lo sợ trong đầu óc của đa số học sinh. Ban vận động bãi khóa phải tăng gia việc tuyên truyền chống lại, để cuộc Bãi khóa nhất định phải được thực hiện theo trào lưu Quốc gia, vì dù muốn dù không nó cũng đã có một mục tiêu chính trị Toàn Quốc mà lớp học sinh lớn đã có ý thức rõ rệt.

Còn hai ngày nữa, ngày thứ Bảy và Chủ Nhật, thì hết nghỉ lễ Pâques. Ban Vận Ðộng phải hoạt động ráo riết để làm sao ngày thứ Hai là ngày tựu trường, đừng có một học sinh nào đi học.

Sáng Thứ Bảy có yết thị dán ở cổng trường, do ông Ðìa-réc-tơ ký tên và đóng dấu đỏ. Yết thị bằng tiếng Pháp đánh máy trên một tờ giấy pelure mỏng đại ý nói :

"Ông Hiệu trưởng thông cáo cho toàn thể học sinh nhớ rằng ngày tựu trường sau lễ Pâques là thứ Hai 11-4-1927, đúng 8 giờ sáng như thường lệ. Trò nào không đi học sẽ bị đuổi."

Ban vận động hồi hộp lo ngại nếu sáng thứ Hai da số học sinh đi học thì...cuộc Bãi khóa sẽ coi như bị thất bại thê thảm. Vì thế, ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật, Ban Vận động phải tức tốc tăng cường : thay vì 8 người lúc đầu, thêm hai người ở hai lớp Ðệ Tam và Ðệ Tứ Niên. Cuộc vận động đã đến lúc sôi nổi nhất, tuy vẫn giữ được âm thầm, lén lút, không có lúc nào công khai. Trời lại cứ mưa gío liên miên, các cậu học trò phải mang áo tơi và đội nón lá suốt ngày chia nhau chạy các xóm và các nhà có học sinh cư ngụ, để hô hào căn dặn giữ vững lập trường. Ðây là cả một âm mưu khá...nguy hiểm vì trong việc hô hào khuyến khích các anh em đã tán thành, còn có những lời hăm dọa các phần tử nhu nhược, lừng khừng.

Mấy ngày mấy đêm ấy, Tuấn chỉ về thoáng qua nhà trọ 5,10 phút để ăn cơm, rồi chạy đến các nhà bạn bè để bàn tán công chuyện.

Thế rồi ngày "đại sự "đã đến...

Theo thường lệ. 7 giờ rưỡi sáng, trống trường đánh ba hồi ba tiếng. Riêng sáng này, tiếng trống thật to, đánh thật chậm vang khắp cả thành phố.

Quỳnh, Tố, Hảo, Tuấn v.v...rủ nhau đến các ngã ba, ngã tư, gần trường để xem xét tình hình. Mọi khi đến giờ này, học trò đã rải rác đi học, từ các ngã đường kéo đến từng đàn, từng lũ, trò chuyện vui đùa, nói la ầm ỹ. Hôm nay, trời lại hết mưa, sáng chói, nắng chói trên động đá chung quanh, Quỳnh và Tuấn đến ngấ sau cái miếu cây đa, gần nhà ông Ðốc Deydier. Tố, Hảo đứng thập thò nơi góc tường bếp sau nhà buôn Huê kiều Hiệp-Lợi, ngó thẳng đến cổng trường. Các trò khác đứng nơi ngã đường lên Xuân Quang.

Trống đánh đã được 15 phút mà chỉ có vài bọn học trò con nít lớp Năm, lớp Tư, đi học. Nhưng các em vẫn rụt rè sợ sệt, đến gần trường thấy vắng qúa, không dám đi nữa, Chúng bảo nhau ngồi bên lề đường, và bên các ngôi mả đá có ý chở đợi. Rải rác đó đây có độ bốn năm học trò khác cũng toàn các lớp Tiểu học từ 7 đến 10 tuổi. Học trò lờp Nhì Nhất và các lớp lớn đều không đến.

Cuộc Bãi khóa đã thành công.

Cổng trường mở rộng, nhưng sân trường vắng tanh không có bóng học trò. Trước hè Văn phòng Hiệu trưởng, tề tựu đông đủ các giáo sư Pháp và An nam. Hảo và Tố đứng sau nhà Hiệp Lợi, trông thấy rõ bộ mặt các ông lộ vẻ băn khoăn lo ngại. Mấy ông giáo sư Pháp đứng trò chuyện với vài giáo sư An nam rất là xôn xao.

Ðúng 8 giờ, như thường lệ, ba tiếng trống đánh vào lớp, nhưng hôm nay không có học trò...

Cuộc Bãi khóa đã thực hiện được 1oo%. Mấy cậu cầm đầu khoái lắm. Về nhà các cậu reo mừng nhảy múa, tha hồ cười to nói lớn, được bạn bè mến phục. Nhưng sự thật trong lòng cậu nào cũng áy náy lo ngại không biết rồi đây tình hình sẽ biến chuyển như thế nào. Ðây là cuộc Bãi khóa lần đầu tiên, có tính cách bồng bột, hơi liều lĩnh, vì ngoại trừ sự liên lạc quá xa xôi với hai trường Quốc Học và Ðồng Khánh ở Huế, tại thành phố địa phương không có một hậu thuẫn nào hay một sự giúp đỡ của ai cả.

Dư luận thành phố rất phân vân, vì đây là lần đầu tiên học trò công khai chống đối lại Nhà Nước. Trong dân chúng một số ít người tán thành cuộc bãi khóa, nhưng chỉ tán thành suông, không triệt để ủng hộ. Còn đại đa số đều cho rằng tụi học trò làm chuyện bậy bạ, và họ chờ xem Nhà Nước sẽ trừng phạt cách nào.

Học trò cũng xôn xao đợi chờ.

8 giờ, trống đánh vào lớp trong phong cảnh học đường vắng teo, thì 8 giờ 30, bốn ông Ðốc An nam cùng đi một lượt đến nhà thầy Phạm đào Nguyên. Ông đốc Th. Và ông Ðổ V. giáo sư Luân lý và Quốc Văn, ngồi chểm chệ trong hai chiếc xe kéo. Ông đốc Tr. giáo sư Lý Hoá thì cỡi chiếc xe máy thường nhật của ông. Ông đốc B. vẫn đủng đỉnh, đi bộ như thói quen hàng ngày.

Học trò biết ngay đấy là bốn sứ giả của Ông Ðìa-réc-tơ.

Tại nhà thầy Phạm đào Nguyên có học trò ra vào thường xuyên, nhưng mấy cậu cầm đầu cuộc bãi khóa thì sáng nay không có.Họ đi tản mạn các nơi để xem xét tình hình và nhất là để phòng hờ ngăn cản những học trò đi học. Bốn ông Ðốc đều có vẻ mặt hơi ngượng ngùng và tức giận. Ngồi một lúc, thấy xung quanh mình chỉ có mấy đứa học trò con nít, ông đốc Th. hỏi :

- Tụi Quỳnh, Tuấn, Tố ở đâu ?

Mấy trò lễ phép trả lời :

- Dạ, thưa ông, mấy anh đó không có đến đây.

Ông đốc V. bảo :

- Ði gọi tụi nó tới ngay. Nói có các ông Ðốc ngồi chờ ở đây.

Mấy em học trò sợ sệt, tuân lệnh chạy đi kiếm tụi Quỳnh, Hảo, Tuấn...Tố nơi mấy nhà quen.

Ðược tin bọn này kéo nhau đến nhà thầy Nguyên, với ý định tuỳ cơ ứng biến. Bốn ông Ðốc An nam thay phiên nhau mà thuyết phục các trò, lấy tình thầy trò mà khuyên bảo. Các ông rầy la giận dữ, nhưng vẫn dỗ dành ngon ngọt, mục đích cuối cùng là khuyên học trò chấm dứt cuộc bãi khóa, và chiều nay nên đi học đông đủ. Các điều học trò yêu cầu, thì ông Sứ và ông Ðìa-réc-tơ sẽ cứu xét sau.

Các ông Ðốc đảm bảo với học trò rằng nếu chiều nay toàn thể học sinh đi học lại, thì sẽ không có sự trừng phạt nào cả. Ông Deydier sẽ khoan dung tha thứ hết.

Trong số 12 trò tham gia chỉ huy cuộc bãi khóa, 8 trò trốn tránh không dám đến nhà thầy Nguyên khi nghe tin các ông Ðốc An nam đến đấy. Chỉ có Quỳnh, Tuấn, Hảo và một anh Ðệ Tứ Niên là nhất định đi thử xem ra sao. Thấy thái độ của bốn ông Ðốc đều hòa nhã, và lời lẽ dịu ngọt, cả bốn cậu đại diện đều có vẻ sẵn sàng nghe lời thầy, tuy vẫn hăng hái giữ lập trường ái-quốc theo luận điệu của anh chị em học sinh Quốc học và Ðồng khánh ở Huế.

Bốn ông Ðốc cố gắng thuyết phục bốn cậu học trò cầm đầu cuộc bãi khóa của toàn thể học sinh cả một buổi sáng. Riêng ông Ðốc Bính đã được sự tín nhiệm và mến phục nhiều nhứt của học trò, gọi riêng Quỳnh và Tuấn ra hè, bảo với giọng thân mật nhỏ nhẹ, bằng tiếng Pháp, đại khái :" Các anh bãi khóa một buổi thế cũng là đủ rôì. Ðối với nhà cai trị Pháp và giáo sư Pháp, thế cũng đã cho họ thấy rằng học sinh An nam đã tỉnh ngộ nhiều rồi...Chiều nay các anh nên bảo nhau đi đến trường, tiếp tục học như không có xảy ra việc gì cả. Nếu có điều chi nguy hại đến các anh, thì tôi sẽ can thiệp cho, tôi sẽ bảo đảm cho..."

Cuộc điều đình giữa bốn giáo sư đặc phái viên của ông Ðốc học Deydier, và bốn cậu học trò đại diên cho học sinh bãi khóa, kéo dài cho đến 11 giờ trưa, suốt 3 tiếng đồng hồ. Rốt cuộc học trò phải nhượng bộ, vì dù sao, học trò không có hậu thuẫn trong các giới, và sĩ số không đông đảo như hai trường Quốc Học và Ðồng Khánh, Huế.

Những nguời ở Huế về cho biết phong trào bãi khóa ở Huế mạnh lắm vì anh chị em ở Ðế-Ðô dựa vào uy tín của cụ Phan bội Châu, và của một số giáo sư An nam triệt để ủng hộ Phong trào. Cuộc bãi khóa ở Huế rất sôi nổi, ồn ào, làm náo động cả Kinh đô, chứ không phải lặng lẽ đơn độc như ở Qui nhơn.

Phong trào bãi khóa ở Vinh, tỉnh lỵ Nghệ An, cũng sôi nổi lắm. Nghe nói ở đây đa số phụ huynh học sinh khuyến khích cuộc bãi khóa.

Ở Hà nội, phong trào bãi khóa ở trường Bưởi và trường Cao Ðẳng Ðại Học cũng làm xôn xao dư luận không ít, nhờ có các nhà cách mạng, lớp lão thành như cụ Nghè Ngô Ðức Kế, cụ Cử Dương Bá Trạc, lớp thanh niên như Nhượng Tống, Hồ văn Mịch đều cổ võ triệt để ủng hộ học sinh bãi khóa.

Trái lại, ở Saigon và Cần Thơ, số học sinh đông hơn ở Huế và Hà nội, nhưng một vài trường đề xướng bãi khóa không được đa số hưởng ứng và phong trào không có tiếng vang.

Phải nhìn nhận rằng cuộc vận động bãi khóa ở Huế là mạnh hơn cả, và có kết qủa nhiều hơn. Chính trong những dịp bãi khóa này mà học sinh các nơi đầu tiên nghe tên thầy Trợ giáo Ðào Duy Anh và cô Như Mân. Ðôi bạn trẻ này rất hăng hái và Như Mân cầm đầu cuộc bãi khóa ở trường nữ học Ðồng Khánh đã khiến cho giới An nam và cả Bảo Hộ đều thán phục. Do cuộc bãi khóa, hai người bạn trẻ quen biết nhau rồi yêu nhau. Ðào Duy Anh đã từ bỏ nghề gõ đầu trẻ để nghiên cứu các sách về Sử Học, và viết bài trong báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh thúc Kháng mới mở. Sau đó ít lâu, Ðào duy Anh và Như Mân thành hôn, và loại sách " Quan Hải Tùng Thư " ra đời, được dân chúng, và nhất là trí thức, học sinh, nhiệt liệt hoan nghênh.

Cuộc bãi khóa trường Qui nhơn chỉ thành công được một nửa, nhưng ảnh hưởng của nó rất sâu rộng, và không ai chối cãi rằng phong trào ái quốc và cách mạng ở thành phố lớn này chính là do bọn học sinh ở đấy gây ra đầu tiên, từ vụ vận động ân xá cụ Phan bội Châu, vụ để tang cụ Phan chu Trinh cho đến vụ bãi khóa 1927.

Cuộc bãi khóa chấm dứt ngay buổi trưa ngày thứ Hai 11-4 và mấy trò cầm đầu Quỳnh. Tuấn, Hảo, Tố v.v...lại phải chạy đi từng nhà, từng xóm, để kêu gọi học trò buổi chiều đi học.

2 giờ chiều, ba hồi trống đánh tựu trường như thường lệ. Cả thành phố đều vui vẻ thất từng đàn học sinh lũ lượt kéo nhau đi học như mỗi ngày, không có triệu chứng gì khác cả. Một anh thợ cúp tóc, vắng khách, ngôì trong tiệm ngó ra cười và hỏi to mấy cậu đi ngang qua trước tiệm anh :

- Sao, hết bãi khóa rồi hỉ ?

Bọn học trò gật đầu cười :

- Ông Ðốc năn nỉ hết hơi, tụi tui mới chịu đi học chớ dễ gì !

Ðó chỉ là một câu nói dốc cho vui, chứ sự thật cậu nào cũng lo ngại, đợi đến trường mới biết được thái độ của ông Deydier...

Vào cổng trường, Tuấn thấy ông Ðìa-réc-tơ và đông đủ các ông giáo sư Tây và An nam, cả ông Tổng giám thị ( surveillant général ), ông Ðốc Gi, đứng trước hè văn phòng hiệu trưởng, lặng lẽ dòm ngó học trò lần lượt đến trường. Tuấn hơi bẽn lẽn, rụt rè, dở mũ chào các ông trong lúc đi ngang qua, và liếc thấy ông Deydier gật đầu chào lại. Vài ông giáo sư Pháp mĩm cười hóm hỉnh, ông giáo sư Toán Gabriel ngó trân trân với nét mặt giận dữ. Mấy ông giáo sư khác làm nghiêm.

Câu chuyện xôn xao khi học trò đến đã đông đủ ở préau ( gian nhà trống để học trò chơi trong giờ nghỉ học ), không phải là sợ sẽ có sự trừng phạt, mà là bàn tán về hai tên "điềm chỉ "đã tố cáo bí mật với ông directeur về cuộc vận động bãi khóa. Hai trò ấy chiều nay lại không đi học : Th. ở lớp Ðệ Tứ Niên và Tr. ở lớp Ðệ Tam Niên, hai trò giỏi toán nhất ờ hai lớp.

Hai giờ rưỡi, ba tiếng trống đánh vô lớp. Ai nấy đều hồi hộp... chờ đợi trận tấn công chửi mắng của Ông Deydier và các giáo sư.

Nhưng lạ thay, chẳng có chuyện gì xẩy ra cả. Giáo sư dạy học như thường lệ. Ở lớp Ðệ Tam Niên của Tuấn, giờ đầu là môn Hóa-Học của ông Ðốc Trừng, một ông giáo sư nghiêm khắc nhất. Ông Trừng vào lớp, đến bàn ngồi, dở sổ điểm ra, điềm nhiên gọi :

- Ðinh tấn Hường !

Ðây là một cậu nghịch ngợm nhất, chuyên môn đập vỡ những chai acide và những ống thủy tinh của phòng thí nghiệm Lý Hóa. Hường đứng dậy, lên bảng đen trả bài. Hường thuộc bài làu làu, chiều ấy hãnh diện được ông Ðốc cho 8 điểm ( trên 10 ). Hường tủm tỉm cười xuống bàn. Kế đến một trò khác được gọi lên... rồi Vài trò nữa, rồi ông đốc dạy bài mới.

Hết giờ, một tiếng trống đánh, đổi thầy. Ông Gabriel giáo sư Kỷ hà học bước vào. Mặt ông đỏ hơn mọi khi. Nhưng ông cũng chẳng làm gì khác hơn là gọi vài trò lên bảng đen trả bài, như thường lệ. Chính ông là một cái đích của cuộc bãi khóa. Học trò bãi khóa tố cáo ông chửi người An nam là mọi rợ, " An-na-mít " là giống dân " bẩn thỉu " và yêu cầu Nhà Nước đổi ông giáo sư khác. Nhưng Nhà Nước không đổi ông, học trò bãi khóa đã đi học, ông vẫn đi dạy, như không có chuyện gì xẩy ra. Riêng Tuấn đã bị ông ghét nhất từ trước ( vì dở Toán nhất ), lần này Tuấn tin chắc sẽ bị ông trả thù. Nhưng ông vẫn thản nhiên. Có lẽ ông khinh Tuấn, cho là trẻ con, không làm gì được ông ! Cũng có lẽ ông xấu hổ, làm ngơ chuyện bãi khóa, cho êm. Hoặc giả ông gượng làm lành để gây cảm tình với học trò An-na-mít, và không muốn gây sự với chúng nó. Nhiều trò đoán chừng rằng ông Gabriel bị ông Ðốc trường Henri Deydier rầy la, nên ông không dám trả thù, và cũng không dám chửi mắng người An-na-mít như trước nữa.

Tình hình nhà trường yên ổn, trái hẳn với những lo ngại và dự đoán của học sinh.

Nhưng nửa tháng sau, Tuấn nhận được thư của cha ( lúc bấy giờ ông phán Tuấn, anh ruột của Tuấn em, đã bị tù vì hoạt động chống Pháp, như thầy Ðổng Sĩ Bình ). Thư của ông thân sinh viết cho Tuấn như sau đây.

Con

Sao con nghe lời người ta xúi giục bãi khóa chi vậy ? Quan Ðốc Học viết thư về trách cha mẹ không dạy bảo con...

Quan Ðốc học biểu cha phải đánh con 100 roi khi con về nghỉ Hè, để từ nay con đừng làm chuyện bậy bạ nữa. Cha mẹ lo cho con ăn học, mong sau này con thi đỗ, đề công thành danh toại thì cha mẹ vui mừng. Sao con không biết thương cha mẹ, vô trong trường làm việc phi pháp, nếu như Nhà Nước bắt bỏ tù con thì khổ cho cha mẹ biết bao. Mẹ con nghe cha đọc bức thư của Quan Ðốc học, thì mẹ con khóc lóc và giục cha phải vô Qui Nhơn mau mau đi xin Quan đốc tha tội cho con. Chắc là tháng sau cha phải vô, cha sẽ đem một qủa đường bông, một qủa gạo nếp, hai chai mật ong và hai miếng quế Thanh quí giá, để kỉnh Quan đốc học, và xin cho con khỏi bị đuổi. Mẹ con lo lắm vì mẹ con đi chợ nghe bá Phán Ðông cho biết là Quan đốc học Qui Nhơn có viết thư cho quan Sứ ở đây nói về mấy đứa học trò quê tỉnh mình xúi học trò Qui Nhơn bãi khóa, sẽ bị đuổi hết. Mẹ con buồn lắm, ngày đêm cứ thúc giục cha phải đem lễ lộc vô lo lót quan Ðốc. Vậy chắc là tháng sau, cha khỏe mạnh sẽ vô Qui Nhơn, chớ tháng này bị đau yếu, chưa đi được đâu.

Cha gởi lởi thăm con, cha khuyên răn con cố lo học hành, đừng làm chuyện chi sái phép, thì cha buồn rầu.

Thơ bất tận ngôn

Ký Tên.

Tuấn xem thư cha, lòng cảm xúc, đau khổ. Trưa, cậu học trò ở trường về không ăn cơm, thui thủi đi ra bãi biển một mình, ngồi khóc nức nở.

Ðã qua, sự hăng hái bồng bột của một cậu học trò ! Bây giờ là sự hối hận đau khổ của một đứa con bị cha mẹ rầy la, thấy cha mẹ buồn rầu lo nghĩ. Nhưng biết làm sao được ? Cùng một lúc, Quỳnh và Tố, người đồng tỉnh với Tuấn, cũng cho biết là có nhận thơ của cha mẹ la mắng về vụ bãi khóa...Ông Ðốc học cũng có viết thư về cho cha mẹ Quỳnh và Tố, bảo phải đánh đòn khi hai trò về quê nghỉ Hè.

Thì ra, hầu hết phụ huynh học sinh bốn lớp lớn đều được thư báo cáo và khiển trách của ông Ðìa-réc-tơ. Mấy kẻ khởi xướng phong trào đều nhận tội với cha mẹ, điều đó đã đành. Chỉ oan ức cho đa số nghe theo lời bạn bè mà bãi khóa, bây giờ cũng chịu hậu qủa chua cay. Có điều đáng khen là các cậu này bị mắng oan, nhưng không hề thù hận tụi khởi xướng, và gặp nhau, trao đổi cho nhau xem thư của cha mẹ, chỉ cười khúc khích với nhau, như đã cùng nhau thông cảm trong cơn nguy biến.

Tuy nhiên, ngoài mặt các trò cố giữ vẻ điềm tỉnh, không sợ sệt, Ông Ðốc và các giáo sư Pháp Nam cũng không tỏ ra triệu chứng gì khác thường, không khí học đường hai tháng sau buổi bãi khóa vẫn yên tỉnh, không chút xao động. Nhưng trong lòng các học sinh -- nhất là mấy cậu thủ phạm cuộc bãi khóa -- đều áy náy không yên.

Ngày cuối niên khóa 30-6-1927 bổng dưng có một chuyện xôn xao kinh hãi : 12 cậu khởi xướng hăng hái nhất cuộc bãi khóa, bị gọi từng người lên văn phòng ông Ðốc học. Quỳnh và Tuấn bị gọi lên trước tiên. Ông Tổng giám thị đưa cho coi biên bản của Conseil de Discipline ( Hội Ðồng Kỷ Luật ) quyết định đuổi các trò. Tuấn được hai ông giáo sư Pháp và một giáo sư An nam bênh vực xin cho ở lại, nhưng những ông khác nhất thiết đòi đuổi ra khỏi trường. Mặc dù kỳ thi lục cá nguyệt, Tuấn đuọc điểm tốt và được sắp hạng 6 trên 40 học trò, Quỳnh được sắp hạng 5, Tố thứ 12, nhưng cả ba đều bị ghi vào học bạ :" Mauvais esprit Renvoyé de l' école par le Conseil de Discipline, pour avoir formenté la grève scolaire en Avril 1924 ) (Ðầu óc xấu. Bị đuổi khỏi học đường do quyết định của Hội Ðồng Kỷ Luật, vì đã khởi xướng cuộc bãi khóa tháng tư năm 1927 ).

Chữ ký của ông Ðốc học Henri Deydier bên cạnh con dấu xanh tròn to tướng nằm dưới trang chót quyển học bạ không khác nào vòng xích sắt trói chặt tương lai của đơì học sinh, khó vẫy vùng ra được.

Ðêm ấy, Tuấn về nhà bỏ ăn, đi lang thang ra bãi bể, chàng ngồi dưới gốc cây phi lao, nghe gió rì rào trên cành cây và sóng biển ào ạt vào bờ, như vang dội triền miên của tiếng lòng nức nở...

giavui
06-25-2014, 05:24 PM
CHƯƠNG 19. 1927

- Thanh niên học sinh bãi khoá bị đuổi khỏi các trường nhà nước phải phiêu lưu đi kiếm việc làm tạm.

- Làm đâu rồi cũng bị chủ Tây đuổi vì "đầu óc xấu".

- Con gái Bình Ðịnh dạy võ.

Tuấn nằm trên bãi cát đến nửa đêm, không muốn về nhà trọ. Ngó lên vòm trời dầy đặc những ngôi sao. Tuấn mơ màng suy nghĩ đến ngày mai, không tìm được lối thoát cho tuổi thơ còn ngu dại. Chưa nghĩ đến tương lai xa vời, chỉ lo đến niên khóa sắp tới, Tuấn sẽ học đâu được nữa vì còn một năm Ðệ Tứ niên mới hết khóa Trung học ? Lẽ nào một chàng trai 17 tuổi đành phải từ biệt mái trường, vơí chút học thức dở dang, đi phiêu lưu vô định ?

Cha của Tuấn có vào trước đó nửa tháng, đem theo nhiều lễ vật để kỉnh quan Ðốc học, lo lót cho con, Tuấn đã xin cha đừng đến ông Ðốc, vì Tuấn đã biết trước ông Ðốc không ăn hối lộ và Tuấn qủa quyết với cha rằng Tuấn sẽ không bị đuổi. Tuấn nói thật với cha tin tưởng rằng Tuấn học khá, sẽ được lên lớp. Cha Tuấn tin con, vui vẻ trở về tỉnh nhà. Không ngờ sự thể hôm nay đã ra như thế !

Tuấn buồn quá, đi trên bãi bể, dưới ánh trăng mờ, mãi đến Gành Ráng, nơi đây Tuấn tìm nột tảng đá bằng phẳng, Tuấn nằm xuống ngủ quên lúc nào không biết.

Tuấn sực tỉnh dậy vừa lúc mặt trời đang ló lên ngoài khơi, một mảnh tròn to lớn, đỏ tươi, long lanh trên mặt bể. Chung quanh, những tia nắng tỏa ra thành hình rẽ quạt, chiếu khắp bốn phương. Tuấn ngồi dậy, ngắm say mê cảnh vũ trụ huy hoàng, quên rằng mình là đứa học trò đã bị đuổi khỏi trường, vì cuộc bãi khóa.

Chiều trở về thành phố, Tuấn đến thẳng nhà Quỳnh, mới biết hầu hết bạn bè ở các tỉnh xa đã mua vé xe về quê từ lúc sáng sớm. Tuấn do dự không muốn về, sợ cha mẹ buồn.

Cậu học trò bị đuổi không dám đi chơi ngoài phố, Cậu muốn đến nhà trọ hai cô bạn Trâm và Anh nhưng mắc cỡ không dám đến. Cậu lại vừa bị bà chủ nhà cũng rầy la về vụ bãi khóa. Ồ, sốt cả ruột...Bãi khóa...Bãi khóa...ai cũng mắng nhiếc cậu về vụ bãi khóa...!

Nhưng ai đó biết đâu rằng cậu làm, cậu chịu, nào có ăn thua gì đến ai, mà ai cũng hành hạ cái tinh thần cậu vì hai chữ bãi khóa...đã cũ rich từ hai tháng qua !

Tuấn nằm co trên ván, ngoài chái sau, trùm chiếc chiếu để đừng ai thấy cậu khóc. Tuấn tức mà khóc, giận mà khóc, buồn cho thân phận mà khóc, chứ thực ra không phải khóc vì bị đuổi sau vụ bãi khóa.

Thình lình có tiếng O-Vui, em gái ông chủ nhà, đến khẽ đập bàn tay trên chiếu, gọi :

- Cậu Tuấn, có cô Trâm, cô Anh tới kiếm cậu kìa.

Tuấn lau khô nước mắt, hất chiếu ra, ngồi dậy. Trâm và Anh bẽn lẽn đứng ngoài hè, không dám vô nhà.

Tuấn vui mừng được gặp hai người bạn gái, nhưng nét mặt hôm nay sượng sùng, mất cả tự nhiên. Tuấn hỏi :

- Trâm và Anh chưa về Phù Cát sao ?

- Tụi em tính sáng mau mới về.Tưởng anh đã về Quảng Ngãi rồi chứ.

Tuấn ngượng nghịu lắc đầu :

- Không muốn về đâu hết.

- Sao vậy anh ?

- Bị đuổi. Về tỉnh, họ cười chết. Cha mẹ rầy la làm sao ?

- Cần gì, anh ! Ðuổi trường này thì anh đi Huế học trường Pellerin của các ông Cố đạo cũng được vậy.

- Trâm và Anh vừa thi đỗ, Nghĩ Hè xong có tính ra Huế thi vào Ðồng Khánh không ?

Anh lắc đầu, buồn :

- Em muốn đi Huế nhưng mà nhà em nghèo, cha mẹ em chỉ cho đi học đỗ Primaire rồi xin làm Trợ giáo đi dạy học ở trong tỉnh, cho gần nhà.

- Còn Trâm ?

- Em cũng vậy

Tuấn càng thêm buồn, lắc đầu khẽ bảo :

- Tôi cũng...lo kiếm việc làm đỡ đâu đó một thời gian, không thèm đi Huế.

- Anh là con trai, cứ đi học nữa đi ! Còn lo cho tương lai, và thực hiện lý tưởng chứ.

- Nếu Trâm và Anh đi ra học Ðồng Khánh, thì tui cũng ráng xin cha mẹ tôi cho đi Huế, học Pellerin...Trâm và Anh không đi tôi cũng không muốn đi. Ra ngoài ấy xa lắc, nhớ nhà nhớ bạn, học gì nổi.

Ba người bạn trẻ làm thinh, cúi mặt xuống đất, suy nghĩ. Bàn tay của Anh mân mê chiếc nón lá. Trâm bảo :

- Chiều anh lại nhà tụi em được không ?

Tuấn gật đầu :

- Ừ, chiều tôi đến

Tuấn nở nụ cười gượng :

- Bửa nay khỏi làm rédaction...

Anh cũng mĩm cười rất dễ thương :

- Làm thơ chơi hỉ !

Chiều Tuấn đến nhà trọ hai cô bạn. Anh và Trâm đang chờ, tóc bỏ xõa hai bên vai. Hình như Trâm và Anh vừa mới tắm, hay gội đầu. Cả hai đều mặc áo cụt trắng quần đen ( nữ sinh đứng đắn thời bấy giờ không bao giờ mặc quần trắng ban ngày ). Hai cô bạn mời Tuấn ăn bánh tráng nướng với đường phổi, rồi Anh đưa Tuấn xem một bài thơ :

- Tụi em dạo này rảnh, tập làm thơ nhiều hơn trước nhưng đọc lên thấy kỳ cục qúa, không hay ho gì hết, anh Tuấn sửa giùm tụi em đi.

Bài thơ : Khuyên bạn

Khen ai khó nhọc đã thành công
Dẫu bị chi chi cũng vững lòng
Ðể lại học đường gương tuấn tú
Rồi đây xa cách, kẻ chờ mong...

Trâm cười :

- Anh coi, hai đứa làm cả buổi mới được bốn câu đó

Anh tiếp lời :

- Dở ẹc, anh sửa lại cho hay đi.

Tuấn :

- Ðể vậy tự nhiên hơn. Sửa chi nữa. Tôi họa lại chơi, hỉ ?

Trâm :

- Dạ, anh họa đi.

Tuấn loay hoay một lúc lâu mới được bốn câu họa vần, trao cho Anh. Trâm và Anh chụm đầu lại đọc :

Bãi khóa hô hào đã mất công
Qui Nhơn cách biệt thật đau lòng
Trường xưa, bạn cũ tìm đâu nữa,
Một bóng từ nay...hai nhớ mong.

Trâm và Anh cười rũ rượi rồi lấy bút chép lại cả hai bài thơ, mỗi người trên mỗi quyển tập riêng, trong đó chép lại nhiều thơ hay trong quyển Quốc văn trích điểm.

Trâm bảo :

- Anh làm một baì nữa đi, bài bát cú, rồi tối nay tụi em thức họa lại.

Tuấn lắc đầu :

- Lo buồn đủ thứ làm không ra thơ đâu.

Anh :

- Kệ mà, cứ làm đi, anh đừng buồn.

Tuấn chán ngán lắm, nhưng muốn làm vui lòng Trâm và Anh. Tuấn bảo hai cô bạn đi ra sân chơi, để Tuấn ở một mình trong nhà, ráng sức làm thử xem, có được khôn g.

Tuấn ngồi viết, sửa, bỏ, viết lại, xóa bỏ, rồi lại viết. Mãi thật lâu, hơn một tiếng đồng hồ, mới nguệch ngoạc xong 8 câu, đem ra sân trao cho Trâm và Anh. Hai cô nữ sinh đang tưới nước cho mấy cây cau, và mấy bụi hồng, vôi vàng bỏ đôi thùng nước, ngồi trên đòn gánh đọc :

Từ nay cách biệt mái trường ơi !
Ta sẽ phiêu lưu một góc trời
Nước mất, thương nòi, lòng uất ức
Tình xa, nhớ bạn, giọt châu rơi
Vắng đôi hình bóng trong non nước
Ngại chiếc buồm đơn giữa biển khơi
Chép mấy vần thơ làm kỷ niệm
Trăm năm còn nhớ chuyện xa xôi !

Tuấn làm xong xem đi xem lại, muốn đổi vài chữ, sửa một vài câu, nhưng rồi rút cuộc, cứ để vậy trao cho Trâm và Anh.

Hai cô bạn, thoạt tiên mừng rỡ đọc to lên, nhưng đến câu thứ ba và câu thứ tư, Trâm tự nhiên ứa nước mắt rồi cả hai không đọc nữa. Hai người vừa xem nốt những câu sau vừa cắn một chéo áo vào môi, nín khóc. Tuấn chàng trai thơ mộng lúc nào hăng hái kêu gọi bãi khóa, bây giờ ngồi gục xuống bàn, khóc thút thít một mình.

Trâm và Anh đứng dậy đi ra giếng, ngồi bên gốc cây khế sùm sề lí ti những chùm hoa nửa tím nửa trắng, rụng lấm tấm trên sân. Hai cô khóc ấm ức. Anh gát cằm trên đầu gối cúi mặt xuống, Trâm dựa vào gốc khế, cầm chéo áo đưa lên cắn trên miệng, một cánh tay chùi nước mắt.

Tuấn ra về, ghé lại gần hai người :

- Thôi, ngày mai Trâm và Anh nên ra về sớm, tôi chúc Trâm và Anh lên đường bình yên, về Phù Cát vui vẻ, hỉ.

Anh ngước mắt nhìn lâu vào Tuấn, không nói được, cả hai cùng ngượng. Anh khẽ bảo :

- Sáng sớm mai, 5 giờ, anh ra bến đưa tụi em lên xe ?

Tuấn gật đầu :

- Vâng, 5 giờ hỉ ?

- Dạ, 5 giờ xe chạy.

Tuấn gật đầu một lần nữa, rồi bước nhanh ra đường

Tuấn ở lại thành phố, không dám về nghĩ Hè ở quê nhà, cậu sợ bị cha mẹ đánh đòn. Vì cậu đã bị đuổi sau cuộc chủ trương bãi khóa. Lần đầu tiên chàng thiếu niên nước Việt biết tình cảnh nước nhà bị một cường quốc Tây phương đô hộ. Tuấn là một thiếu niên đa cảm, cũng như đa số thiếu niên Việt Nam thời bấy giờ, đã chịu những ảnh hưởng trái ngược, một phần thì được thấm nhuần khá sâu đậm Văn Chương Học Thuật Pháp, nhưng phần khác lại được sách báo cách mạng lén lút của các bậc chí sĩ Việt Nam nung đúc tinh thần ái quốc, cách mạng chống Pháp, khiến cho tư tưởng thanh thiếu niên của thế hệ 1925 luôn luôn bị dày vò xâu xé bởi hai ảnh hưởng chống chỏi ấy. Ai đời một học sinh trung học, ở các lớp Ðệ Tam, Ðệ Tứ Niên, đọc say mê các kịch bằng thơ Alexandrius của Corneille, Racine, lại bắt chước làm thơ Pháp theo kiểu đó để hô hào các lớp học sinh bãi khóa, hoặc để ủng hộ cuộc bãi khóa của các trường khác. Thí dụ như dưới đây là mấy câu thơ Alexandrius Pháp của trò Tuấn, cổ võ anh em học sinh trường Quốc học Huế :

En avant mes amis ! Bravo les plus hauts coeur's !
Aimez sans faiblesse nos communes douleurs !
Sachons nous conduire en héros, en fils de braves !
Soyons des enfants fiers, mais pas de vils esclaves !

.....................

Ðó là những câu thơ tập tểnh của một " thi sĩ cỏ "áp dụng những niêm luât Alexanderius mà cậu vừa học trong trường, và bây giờ mò mẫm cách diễn tả những ý nghĩ say sưa nhiệt cuồng của tuổi trẻ.

Tưởng ghét người Pháp thì ghét cả tiếng Pháp mới hợp lý : hoặc là yêu văn chương học thuật Pháp thì thân thiết với người Pháp, nhưng thực tế không phải vậy. Trừ những kẻ có sẵn óc nô lệ quen nịnh hót Tây, cho đến cái gì của Tây họ cũng khen ngợi cả, tôn thờ Tây như bậc thầy, bậc thánh, ngoài ra, đại đa số thanh htiếu niên lãng mạn 1925, đa sầu đa cảm, đều chịu sự trái ngược lạ lùng của hai phong độ trí thức chống chọi nhau : thích học chữ Tây, thích nói tiếng Tây, mà lại ghét Tây, thù oán Tây đã đem ách nô lệ tròng vào đầu cổ dân An nam.

Ðó là tâm lý chung của thế hệ thanh niên tây học của Nguyễn thái Học, Ðặng thái Mai, Phan Thanh, Võ nguyên Giáp, Nguyễn an Ninh, Tạ thu Thâu...

Trò Tuấn 16 tuổi, học sinh Trung học, cũng bị hai ảnh hưởng trái ngược chi phối các hoạt động văn hóa và chính trị mà Tuấn chỉ là một thiếu niên tập sự, vụng về nhưng hăng hái.

Trong hai tháng đầu của mùa nghỉ hè (nghỉ hè 3 tháng ) Tuấn không ôn lại bài vở như các trò không bị đuổi. Tuấn thường ra bãi biển ngồi ôn lại những tư tưởng cách mạng : Việt Nam vong quốc, dân nô lệ, người dân mất nước như đứa con mất mẹ, xiềng xích áp bức ngục tù...

Tuấn tự cho mình là một người dân mất nước, và ngồi khóc sụt sùi thê thảm như một người con mất mẹ

Năm 1925-1927 những danh từ, thành ngữ cách mạng trên kia hãy còn qúa mới mẻ, còn chứa đựng men nồng của nhiệt huyết, có đũ mãnh lực để làm say sưa xúc động những tâm hồn trai trẻ còn đang trong trắng. Dù bị học đường đuổi vì tội chủ trương bãi khóa hay còn được tiếp tục học, thanh thiếu niên học sinh 1925-1927 đều phần đông có tâm hồn vừa lãng mạn theo kiểu Alfred de Musset, Lamartine ( O Temps, suspend son vol !...) vừa cách mạng theo truyền thống Phan chu Trinh, Phan bội Châu.

Những trò bị đuổi sau cuộc bãi khóa, như Quỳnh, Tố v.v...đều tiếp tục đi học " trường Thầy Dòng Pellerin" ở Huế, để thi diplôme. Riêng Tuấn còn do dự, không dám về nhà thăm cha mẹ, và để xin tiền đi học ở Huế, vì sự thật nhà Tuấn nghèo từ khi anh Tuấn làm thông phán Toà Sứ đã bị bắt ở tù ở Ban Mê Thuột. Ngẫu nhiên Tuấn đến thăm ông chủ nhà trọ của vài người bạn đồng lớp, ông này cho biết hãng nấu rượu ở An Thái, Bình Ðịnh, cần dùng một thư ký, học lực Ðệ Nhị hoặc Ðệ Tam Niên. Thầy hỏi Tuấn muốn đi làm không ? Sẵn trong lúc buồn vì bị nhà trường đuổi, chưa biết làm gì, vì lần đầu tiên thấy có một chỗ làm có lương tháng 100 đồng,Tuấn nhận lời ngay. Chiều hôm đó, thầy Dậu dẫn Tuấn vào giới thiệu với ông Bouillon, người Pháp, giám đốc hãng Société des Distilleries de l'Indochine ( Công ty nấu rượu Ðông Dương ).

Thầy Dậu, không dám nói với ông Bouillon là Tuấn vừa bị đuổi vì tội bãi khóa, thấy chỉ nói qua loa rằng Tuấn nhà nghèo không thích tiếp tục đi học nữa nên xin đi làm.

Hôm sau Tuấn được ông Rocca, phó giám đốc cùng thầy Dậu đưa Tuấn đi xe hơi của hãng lên An Thái, một chi nhánh của hãng, do một người Hoa kiều làm quản lý, Tuấn thỏa mãn được giúp việc thư ký cho " chú" quản lý Huê kiều tại một nơi hương thôn có con sông lớn.

Tuấn mới có 17 tuổi.

Chiều hôm ấy, chú quản lý Diệp-Thành đưa Tuấn sang chào ông Tây Thương Chánh tên là Rossignol. Tuấn rất bỡ ngỡ khi ông Tây và bà Ðầm tiếp Tuấn và chú Diệp Thành tại phòng khách. Ðứa con trai duy nhất của gia đình người Pháp này tên là Louis, 4 tuổi, được giới thiệu với Tuấn. Nó đưa bàn tay nhỏ bé ra bắt tay Tuấn với một câu tiếng Pháp :

- Bonjour monsieur le cratère ( chào ông miệng núi lửa ).

Chữ secrétaire ( thư ký ) bị cậu bé Pháp mới tập nói bập bẹ thành ra cratère, ai cũng phì cười, nhưng Tuấn không cười.

Từ hôm ấy, Trần Tuấn, cậu học trò Ðệ Tam Niên bị đuổi vì cầm đầu cuộc bãi khóa, đành bỏ học đi làm cậu thư ký quèn cho một chi nhành hãng rượu của Pháp ở thôn quê, dưới quyền quản lý người Tàu, với lương tháng 100 đồng, ăn và ở ngay trong hãng.

Ðêm ấy, Tuấn nằm trên chiếc giường kê ngoài hè nhà quản lý, Tuấn thao thức suốt đêm, nghĩ ngợi và khóc liên miên.

Lần đầu tiên chàng trai tuấn tú của nước Việt, 17 tuổi, đã phải thôi học để đi làm thư ký, kiếm tiền nuôi thân. Nhưng Tuấn cho rằng đây chỉ là một giai đoạn tạm thời, Tuấn nuôi hoài vọng dành dụm tiền bạc để một vài năm sau sẽ ra Hà nội hoặc vào Saigon, tiếp tục học.

Chú quản lý Diệp Thành là người Tàu Hải Nam, còn trẻ độ 30 tuổi, không thạo tiếng Pháp, mà chú nói được bập bẹ năm ba câu theo kiểu tiếng bồi. Vì vậy chú rất mến Tuấn, và mỗi khi có việc phải qua tiếp xúc với ông Tây Thương Chánh, Tuấn đi theo để làm thông ngôn.

Công việc của Tuấn là mỗi buổi sáng ngồi bàn giấy bán rượu, thu tiền và viết biên lai trao cho người mua.

Có những buổi sáng, giao việc bán rượu cho một người khác, Tuấn ra ngồi sau chiếc cân lớn để mua gạo. Từng đoàn người thôn quê, đàn ông, đàn bà, thiếu niên, thiếu nữ, ở trong làng và các làng kế cận, gánh gạo đến hãng để bán. Người bán đặt bao gạo lên bàn cân, Tuấn ghi số cân trên một mãnh giấy trao cho người bán cầm giấy ấy vào trong phòng kế cận để lấy tiền.

Buổi chiều, Tuấn làm sổ sách. Tối Tuấn dạy chữ Pháp cho chú quản lý huê kiều.

Tuấn sống cuộc đời khắc khổ, noi theo gương các bậc hiền triết mà Tuấn đã đọc tiểu sử và nghiên cứu sự nghiệp trong các sách Pháp. Tự nguyện rằng cuộc đời mình còn phải làm một công việc gì cho xứng đáng với thân nam nhi, không được hoang phí tuổi trẻ trong cuộc chơi bời phù phiếm, Tuấn quyết tâm dùng thì giờ ở hãng rượu An Thái ( người Pháp viết là An tay ), để tu tâm tủ tính, cố giữ được tư cách một thanh niên học thức, đứng đắn.

Một hôm Tuấn mướn người thợ hớt tóc cạo trọc đầu Tuấn, như một ông thầy chùa. Việc ấy làm xôn xao dư luận An Thái.

Chú Hoa Kiều quản lý, và ông Tây Thương Chánh Rossignol ngạc nhiên hỏi Tuấn nguyên nhân gì khiến Tuấn cạo trọc đầu. Tuấn chỉ tủm tỉm cười đáp : " cạo cho mát ".

Và từ đấy, dân làng An Thái cũng như nhân viên và lao động hãng Rượu gọi Tuấn là " Thầy Ký Trọc "

Trong khi Tuấn làm " Thầy Ký "ở hãng rượu An Thái, Tuấn được chút ít tiền lương, món tiền đầu tiên do tự sức chàng làm ra. Chàng nghĩ rằng tuy là món tiền nhỏ mọn, nhưng nó rất quý báu đối với chàng, chàng phải xài nó vào một việc gì xứng đáng với giá đồng lương. Chàng liền xin phép xuống Bưu Ðiện Bình Ðịnh, mua ba bưu phiếu gởi mua :

1 năm báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Huế.
1 năm báo La Jeune Indochine của ông Vũ đình Dy ở Saigon.
1 năm báo L' Argus Indochinois, của ông Amédée Clémenti ở Hà nội.

Cả ba tờ báo đều là báo cách mạng. Có điều rất tiện cho Tuấn, là cậu ăn ở luôn trong nhà người Khách trú quản lý hãng rượu, và tối nào cũng dạy Pháp văn cho người chủ ấy. Vì thế, người chủ không tính tiền cơm, và mọi sự chi phí linh tinh đều do chủ cung cấp cho cả. Trung thành với lý tưởng của đời sống mà chàng thư sinh đã tự vạch ra lúc còn đi học ở Qui Nhơn, tiêm nhiễm tư tưởng ái quốc, chàng may hai bộ quần áo bằng vải nội hóa. Sự chàng cạo trọc, mặc kệ người chung quanh gọi chàng là " thầy ký trọc ", tỏ rằng chàng không thiết gì đến sự phục sức bên ngoài, mặc dầu chàng mới 17, 18 tuổi.

Ngoài những công việc của hãng rượu, chàng đọc say mê các tờ báo cách mạng mà lần đầu tiên chàng mua dài hạn với số tiền do tự chàng làm ra.

Người chung quanh lại cho chàng biết rằng làng An Thái ở gần làng Kiên Mỹ là quê hương của ba anh em Nguyễn Nhạc,Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Một chút hoài niệm lịch sử ấy càng nung đúc chí hướng của chàng trai nước Việt sinh trưởng 150 năm sau nhà anh hùng Tây Sơn.

Chiều chiều Tuấn ra ngồi bên bờ sông An Thái, phóng tầm mắt về dãy núi An Khê, rồi quay vào hướng Nam, quay ra hướng Bắc. Tâm hồn ngây thơ khờ dại của chàng thanh niên bị đuổi khỏi học đường vì vụ bãi khóa chống Tây, rung động xiết bao cảm xúc.

Một buổi tối nóng nực, Tuấn tắm bên giếng như thường lệ. Nhưng lần này Tuấn nghe bên nhà ông Tây Thương chánh tiếng nói nheo nhéo của bà bếp chửi đổng qua :

- Cái dân dơ bẩn như chó !

Tuấn hết sức ngạc nhiên. Bà bếp của ông tây Rossignol chửi ai thế ? Không lẽ chửi Tuấn là dơ bẩn trong lúc Tuấn đang tắm ? Tuấn lặng lẽ chờ bà bếp nói gì nữa, Tuấn thả gàu xuống múc nước lên tắm. Vừa dội xong gàu nước, lại nghe tiếng bà bếp :

- Ai tắm đó ?

- Tôi

- Chứ không biết Quan cấm tắm ở chổ giếng đó ?

- Không...Tại sao cấm ?

Quả thật Tuấn không hề có nghe lịnh cấm tắm ở nơi giếng này. Vả lại ông tây thương chánh lấy quyền gì cấm ?

Tuấn đang thắc mắc về câu chuyện khó hiểu, bổng có tiếng của ông Rossignol nói lớn :

- Tôi cấm đấy. Vì giếng này dùng để lấy nước uống. Tắm ở đây là đổ biết bao vi trùng và bẩn thỉu xuống nước giếng.

Tuấn thấy câu chuyện vô lý và Tuấn thật không ngờ. Từ trước đến giờ người ta vẫn tắm ở đây có sao đâu. Ðây là cái giếng duy nhất của hãng rượu, và Tuấn đứng tắm ở ngoài xa theo đúng phép vệ sinh.

Nhưng Tuấn không trả lời ông Rossignol, và không hiểu tại sao dạo này ông Tây thương chính thường kiếm chuyện " cà khịa " với mình ?

Nhưng Tuấn không trả lời ông Rossignol, và không hiểu tại sao dạo này ông Tây thương chính thường kiếm chuyện " cà khịa " với mình ?

Sáng hôm sau, trong lúc Tuấn đang ngồi làm việc trong phòng giấy, ông Rossignol bước vào với nét mặt hầm hầm, ông gây chuyện với Tuấn :

- Tôi cho anh biết rằng anh là một thằng An-na-mít bẩn thỉu và vô lễ. Tôí hôm qua anh cãi với tôi ở nơi giếng nước hả ? Tôi đã cấm anh tắm nơi đấy, anh biết chưa ?

Tuấn lễ phép hỏi lại :

- Thưa ông, tại sao ông cấm như thế ?

- Taị sao hả ? Tại vì cái giếng đó sản xuất ra nước uống chứ không phải nước tắm. Tôi không cho phép anh tắm nơi đó, và cấm cả những người An-na-mít bẩn thỉu của anh.

giavui
06-25-2014, 05:25 PM
Tuấn nổi giận :

- Người An-na-mít không bẩn thỉu như ông nói. Ông không có quyền chửi người An-na-mít.

Ông Tây thương chính liền xổ một thôi hồi lâu :

- À, tôi biết mà ! anh là một thằng đầu óc xấu xa. Anh đọc những tờ báo bẩn thỉu như L'Argus Indochinois, mà chủ nhiệm là một người dân Pháp ghiền thuốc phiện, tôi biết nó lắm, là một thằng khốn nạn bị con vợ Annamít bỏ bùa mê. Tờ báo Tiếng Dân, tôi cũng biết, chủ nhiệm nó là một lão nhà quê dốt nát và tướng cướp, bị xử án đày ra Côn lôn. Còn thằng Vũ đình Dy, chủ tờ báo La Jeune Indochine, là một thằng An na mít là nhữn gkẻ vong ân bội nghĩa. Học chữ Tây, học văn minh của Tây, rồi chửi lại Tây... Qủa thật là một giống người hèn hạ !

Tuấn không thể nhịn được nữa :

- Tôi xin lổi ông, nhưng ông chính là một người hèn hạ ! Khốn nạn !

Ông Rossignol đang cầm cây can trong tay, liền đưa can lên toan đập vào đầu Tuấn. Tuấn né đầu qua một bên, rồi chụp luôn ái can của ông Tây. Hai người dằn co nhau làm đỗ cả lọ mực trện bàn.

Ông Tây dựt lại được cây can rồi hục hặc bỏ ra về.

Ba ngày sau, hai ông giám đốc và phó giám đốc Công ty rượu ở Qui Nhơn, Bouillon và Rocca, lên thăm hãng An Thái. Tuấn đoán biết có chuyện không lành. Quả nhiên Bouillon gọi Tuấn vào phòng giấy quản lý, bảo :

- Tôi trả lương cho anh và anh đi ra khỏi chỗ này tức khắc.

Tuấn do dự một chút rồi hỏi lại :

- Th ưa ông, tại sao vậy ?

- Không tại sao cả. Tôi đuổi anh ra khỏi hãng của tôi.

- Nhưng ít nhất ông cũng cho tôi biết lý do chứ.

- Lý do : anh là một thằng An-na-mít bẩn thỉu.

Tuấn liền trả đũa lại :

- Chính ông mới là một người Tây bẩn thỉu.

Ông Bouillon đánh Tuấn một tát tay, Tuấn nhỏ người nhưng cũng mạnh, thoi vào ngực ông một thoi rồi bỏ đi ra ngoài. Chàng từ giã luôn hãng rượu An Thái.

Trưa hôm ấy, cả làng An Thái và nhân viên lao công trong hãng đều xôn xao thì thầm với nhau : " Chu choa ! Thầy Ký Trọc oánh lộn với ông Tây chủ công xi, thầy bị đuổi rồi.

Tuấn đi đò qua sông An Thái để sang phố Chợ. Ðò mới qua được nửa con sông thì có tiếng gọi vọng lại trên bến cũ. Tuấn quay lại thấy An, một thiếu nữ xinh đẹp mà chàng quen biết chưa được hai tháng. An là một bạn đồng chí do Tuấn huấn luyện về văn thơ và tư tưởng cách mạng. An khóc nức nở, tay cầm chiếc khăn vẫy Tuấn lia lịa :

- Anh Tuấn ! Qua bên đó chờ em !

Tuấn cũng định chờ. Nhưng chỉ có một con đò. An phải đợi đò trở lại bến mới sang sông được, trong khi ấy người tài xế chiếc xe cam nhông của hãng rượu đã được lịnh chở Tuấn đi ngay về Qui Nhơn, đừng để ở lại An Thái một phút nào.

Ngồi trên chiếc xe gập gềnh chạy kẽo cà kẽo kẹt trên con đường gồ ghề chật hẹp, Tuấn tức giận ông tây thương chính Henri Rossignol và ông tây chủ hãng rượu André Bouillon. Phải công bằng nhình nhận rằng ông phó giám đốc Rocca dễ thương hơn.

Trước khi Tuấn vĩnh biệt hãng rượu, ông Rocca lấy trong túi ra cho Tuấn 50 đồng và bảo :" Anh thông minh, nên tiếp tục đi học nữa, đừng đi làm thư ký quèn, uổng thì giờ. Tôi biếu anh tiền lộ phí ! " Tuấn ứa nước mắt cảm ơn ông tây Rocca.

Tuấn lại băn khoăn nhớ An. Trần thị An, người đẹp An Thái võ nghệ giỏi. Chính nàng đã dạy cho Tuấn học những bài võ Bình Ðịnh đầu tiên. Tuấn nhớ lại những đêm sáng trăng, trước sân nàng, trong lúc mọi người hàng xóm đã đóng cửa ngủ, An mặc áo cụt, quần đen, tóc bới, dạy cho Tuấn những ngón võ lợi hại của xứ An Thái. Làng này trai gái đều giỏi võ. Có lần nàng kể chuyện một cô em bạn dì vì giỏi võ mà bị tù.

Lộc mới có 18 tuổi, nhưng xác cao lớn, đẫy đà. Thân sinh Lộc là một Võ sư danh tiếng cả Bình Ðịnh. Môn đệ của ông nhiều lắm, từ các làng xa đến học. Nhưng biết Lộc có tính nóng và hung hăng. Ông cụ không bao giờ dạy võ cho con gái của ông, và những đêm ông dạy cho môn đệ, ông cấm Lộc không được xem. Ông nhốt cô con gái nghịch ngơm trong nhà. Nhưng đứng sau song cửa sổ gian nhà tối om, Lộc chăm chú ngó bọn con trai học võ ngoài sân. Ðêm nào cô cũng lén cha, đứng sau song cửa sổ, học võ nghệ bằng mắt và bằng trí nhớ. Ông cụ không hay biết gì cả. Một đêm ông cụ có khách, một ông Chánh tổng cởi ngựa đến chơi, đàm đạo uống rượu rồi ở lại nghỉ. Con ngựa ô của ông đẹp lắm, nhốt trong chuồng ngựa sau nhà.

Nửa đêm, hai ông gìa ngủ say, cô Lộc lén ra chuồng ngựa, cô mở cửa chuồng, dắt ngựa ra rồi nhẩy lên lưng ngựa, quất ngựa phi ra cổng. Cổng đã cài then, cô không cần mỡ, cứ ngồi trên lưng ngựa và bay vượt qua cổng. Cô cưỡi ngựa chạy chơi tận làng xa, mãi sáng mới về. Cổng vẫn còn cài then. Cô và ngựa bay qua.

Cha cô và ông khách dậy sớm, ngồi uống trà trên ghế tràng kỷ, đều kinh ngạc chứng kiến kỳ công võ nghệ của cô. Ðem ngựa vào chuồng xong, cô trở ra lạy cha và khách 3 lạy để xin lổi rồi ung dung xuống bếp.

Một đêm, có chàng võ sĩ ở phương xa đến xem môn đệ của Thầy dượt võ. Hắn phách lối, thách hết 5 cậu học trò của ông ra thử tài với hắn. Lần lượt cả năm cậu đều bị đánh liểng xiểng. Ông thầy tức mình, mắc cỡ, chỉ ngồi uống rượu. Nhất định cứu danh dự của cha và của cả trường, cô Lộc từ trong bếp ra, bảo gả kia :

- Chú lại đây thử với tôi.

Hắn cười ngạo mạn :

- Tôi không nỡ chạm ngọc thể của Nữ nhi.

Lộc tiến tới cho vào mặt gã đàn ông vô giáo dục khinh nàng là nữ nhi. Gã kia trả miếng. Thế là hai người hăng máu trổ hết tài nghệ giữa Vũ trường, dưới ánh trăng sáng tỏ. Một lát sau gã kia bị " nhi nữ "đá cho lăn nhào. Nàng đã trả được cái hận cho cha và cho cả năm môn đệ.

Tiếng cô Lộc từ đấy vang khắp cả cứ Bình Ðịnh. Một hôm, vào buổi trưa mùa hè, cha cô đi vắng. Gió mát, Lộc lim dim trong chiếc võng treo ngoài vườn giữa hai cây mít. Một người lính tập ( lính khố xanh ) từ ngoài cổng bước vào. Cô trông thấy lên tiếng hỏi :

- Chú là ai, đi đâu đó ?

Người lính lạ, cười :

- Cô không biết tui sao, cô Hai ? Tui là lính Tập của Nhà Nước, được phép về thăm nhà hai bửa, sẵn đi ngang qua đây ghé thăm cô Hai đó mà !

- Xin lổi chú lính Tập, cha tui đi vắng, chỉ có một mình tui ở nhà, không có ai tiếp chú.

- Thì cô tiếp tui không được sao ?

- Tui là con gái không được phép tiếp người lạ.

Chú lính tập tiến đến gần võng, cười chớt nhã chọc htiếu nữ :

- Nghe thiên hạ đồn cô Hai võ giỏi lắm, đến coi cô giỏi cách nào ! Tui xin phép cô Hai cho tui bóp vú cô một cái, hỉ ?

Vừa nói chú lính vừa dùng võ thuật chụp vào ngực Lộc bị Lộc đá một đá té nhào xuống đất. Hắn nằm trợn mắt dãu dụa mấy cái rồi chết nghẻo luôn.

Cô Lộc bị tù, vì một ngón võ sái nhơn.

Tuấn ngôì trong xe bị dằn lên dằn xuống nhớ lại câu chuyện của Lộc do cô An kể lại cho chàng nghe một đêm trời không trăng Tuấn vừa học xong một ngón bí hiểm. Trong xe cũng có một thiếu nữ buôn bán ở chợ An Thái xin quá giang xuống Qui Nhơn mua hàng. Cô ngồi đối diện với Tuấn, Tuấn nghĩ thầm :

- Biết đâu cô gái đẹp này cũng là môn đệ của cô Lộc ?

Chàng tủm tỉm cười một mình, nhớ chuyện người lính tập gặp giờ xui xẻo đã lam hỗn vơí bộ ngực hấp dẫn của nàng.

Cô gái đẹp hỏi Tuấn :

- Sao thầy ký cười em ?

Tuấn sờ tay lên cằm..., nhoẻn một nụ cười hiền lành :

- Tôi cười người lính tập chứ không phải cười cô.

Cô gái dịu dàng đáp :

- Em không phải là chị Lộc.

Câu trả lời bí hiểm đó đủ cho Tuấn biết giai nhân không thẹn với uy danh gái An Thái.

Về Qui Nhơn, Tuấn vào trọ tạm nhà thầy Phạm đào Nguyên. Kể chuyện bị sa thải cho Nguyên nghe, thầy ký hãng Descours et Cabaud cười :

- Ði học bị nhà trường đuổi, đi làm bị hãng đuổi. Tôi rang sống lâu để coi đời anh ra sao !

Tuấn nằm suy nghĩ suốt đêm. Chàng muốn đi Hà nội, tiếp tục học thi Tú tài, nhưng không có tiền. Muốn vô Saigon để nhập vào đảng Nguyễn An Ninh, nhưng tiền cũng không có. Chàng thấy con đường tiến thủ bị nghẽn, mà máu nóng cứ sùng sục trong tim, chỉ muốn lồng lên như con ngựa hăng máu.

Ba hôm nằm nhà thầy Phạm đào Nguyên đã không làm gì, lại buổi tối nghe Phạm đào Nguyên nói nhỏ cho nghe : Ngoài Hà nội có một đảng tên là " Việt Nam Quốc Dân Ðảng "đang hoạt động mạnh. Anh nên đi Hà nội.

Cũng đêm ấy, đi lang thang ngoài bờ sông, Tua71n gặp một thầy trợ giáo quen thân, tên là Phạm cự Hải, người Quảng Nam.

Thầy Hải nhét vào Tuấn một ot72 truyền đơn in bằng đông sương, ký tên "Ðông Dương Cộng Sản Ðảng ". Thầy hỏi Tuấn :

- Tuấn học lớp Nhì hay lớp Nhất ?

Tuấn không hiểu, ngơ ngác hỏi thầy Hải :

- Tôi sắp học thi tú tài, sao thầy hỏi lạ vậy ?

Thầy Hải cười :

- Lớp Nhì là Cours Moyen. Lớp Nhất là cours superieur. Anh hiểu không ?

- Không hiểu thầy muốn nói bóng cái gì ?

- Cours Moyen viết tắt là C.M là cách mạng. Cours Supérieur, viết tắt là C.S. là cộng sản.

Tuấn cười :

- Tôi là C.M

Thầy trợ giáo Phạm cự Hải cười :

- Anh học giỏi, anh thông minh, anh phải lên Cours Supérieur( C.S) chứ ! Một thanh niên như anh lẽ nào còn trình độ C.M ?

Tuấn ngây thơ đáp :

- Cộng sản hay Cách mạng cũng đều lo cho quốc gia độc lập và dân tộc tự do. Tôi không hiểu sao lại chia ra Cộng sản, Cách mạng Quốc gia, làm chi vậy ?

Thâỳ trợ giáo Hải kéo Tuấn ra bãi biển ngồi. Thầy htuyết một hối lâu về chủ nghĩa Cộng sản. Tuấn thấy rõ ý định của thầy muốn kéo Tuấn vào tỉnh bộ Cộng sản mà thầy đang muốn thành lập ở Qui nhơn. Nhưng Tuấn lắc đầu :

- Tôi thích Cách mạng quốc gia hơn là cộng sản...

Tuy nhiên thầy trợ giáo Phạm cự Hải và Tuấn từ giã nhau lúc 9 giờ tối trước nhà Giây thép Qui-nhơn với lời hứa hẹn sẽ gặp nhau nữa.

Mãi đến năm 1945 ( 18 năm sau ), Tuấn mới gặp lại thầy trợ Hải. Trên đường vào Saigon ghé lại Nha Trang, cuối tháng 8 – 1945, giữa một thành phố rực rỡ cờ đỏ sao vàng. Tuấn được một người bạn cho biết danh sách Ủy ban Kháng Chiến Khánh Hòa mới thành lập ở Nha Trang. Chủ tịch Ủy Ban là Phạm cự Hải.

Trụ sở Ủy ban đặt nơi tòa Công Sứ cũ của Tây. Tuấn đến xin gặp chủ tịch.

Phạm cự Hải rất niềm nỡ bắt tay Tuấn.

Sau vài ba câu chuyện hàn huyên, Phạm cự Hải nhắc lại câu chuyện gặp gỡ trên bãi biển Qui-Nhơn năm 1924 và cười hỏi :

- Nay chắc anh đã lên C.S ?

Tuấn điềm nhiên cười đáp :

- Không. Tôi vẫn trung thành với C.M.

Sau cuộc nói chuyện với thầy trợ Hải trên bãi biển Qui-Nhơn, Tuấn tự cảm thấy rõ rệt không khí cách mạng đang bao trùm trí óc non nớt của Tuấn.

Ðêm ấy, Tuấn hỏi Phạm đào Nguyên :

- Tôi muốn đi Huế, để yết kiến cụ Phan bội Châu. Ðược không anh ?

Nguyên sốt sắng trả lời :

- Ừ, đi thì đi... Nhưng rồi phải làm gì chớ đi chơi không vậy sao ? Và nhớ : đi thăm cụ Phan coi chừng Mật Thám nhé !

- Ra Huế rồi sẽ liệu.

- Anh phải tiếp tục học nữa mới được. Hay là ra Huế xin vào trường Thầy Giòng ?

- Trường Thầy Giòng là trưòng gì ? Dạy đi thi gì ?

- Trường Thầy Giòng ở Huế tức là trường Pellerin của một ông Cố đạo. Họ dạy thi Diplôme.

- À, phải rồi. Tụi thằng Quỳnh, thằng Tố, cũng bị đuổi ở Qui- Nhơn, đều ra học ở Pellerin, Huế. Tôi muốn ra Huế theo tụi nó.

Nguyên cười hỏi :

- Tiền ?

- Ra Huế, tôi sẽ viết thư về nhà xin tiền cha mẹ tôi.

- Thế sao không về thẳng tỉnh nhà, thăm hai bác rồi xin tiền luôn thể ?

- Tôi sợ cha mẹ tôi đánh. Còn một năm nữa thi Diplôme mà bãi khóa bị đuổi, cha mẹ tôi tức giận lắm. Tôi đi làm thư ký hãng rượu An Thái, đã bị cha tôi viết thư vô rầy dữ. Mẹ tôi buồn rầu khóc lu bù.

- Thôi thì tôi giúp anh 200 đồng để anh đi Huế. Mà ra Huế phải đi học, chớ không được đi chơi nghe không ? Chơi hết tiền, tôi không gởi mandat nữa đâu đấy, nghe không ?

- Ừ.

Sáng hôm sau, Phạm đào Nguyên dậy thật sớm, lúc 5 giờ, một mình đun nước pha hai ly cà phê sữa và nướng một chiếc bánh mì. Xong thầy gọi Tuấn dậy, ăn điểm tâm với Tuấn và lo sửa soạn đầy đủ cho Tuấn ra đi. Trong lúc Tuấn rửa mặt, nghe tiếng gà hàng xóm gáy giữa im lặng của thành phố còn say ngủ, Tuấn lo ngại cuộc hành trình sắp khởi diễn, không biết số kiếp mình sẽ phiêu bạt đến đây ? Tiếng gà gáy như tiếng kèn của định mệnh, chàng ra đi tranh đấu với đời, đơn độc, bơ vơ, sức trai trẻ còn non yếu, chàng sẽ thắng những thử thách nguy nan, hay sẽ qụy giữa đường ?

Tiếng Phạm đào Nguyên gọi :

- Mau lên, anh Tuấn, sắp tới giờ xe chạy rôì.

Tuấn vẫn để đầu trọc mặc lẹ bộ đồ Tây nội hóa, xỏ đôi giày Tây rẻ tiền, rồi xách chiếc va li đan bằng tre chỉ cài với một then ngang, không có ổ khóa.

Phạm đào Nguyên đứng nhìn bộ tịch nửa quê nửa thành thị của Tuấn, và nhoẻn một nụ cười :

- Xong chưa ? Ði !... Cả tương lai của anh bắt đầu từ giờ phút này...Sáng nay tôi tiển anh ra bến xe mà không biết anh sẽ đi về đâu ? Nhưng tôi tin anh là người có chí, tôi chúc anh kiên nhẫn, còn thành bại sau này là chuyện của trời !

Tuấn làm thinh vì không biết nói gì. Tim chàng đập mạnh khi đến bến xe. Trước khi bước lên xe, chàng bịn rịn xiết chặt tay bạn và lẩm bẩm một câu mà chắc Nguyên không nghe rõ :

- Cảm ơn anh Phạm Ðào Nguyên...Cám ơn anh nhiều lắm.

Xe rồ máy đã lâu bắt đầu chạy chậm chậm để quẹo ra đường lớn. Thầy Phạm đào Nguyên còn đứng nhìn theo, vẫy tay từ biệt, Tuấn gục đầu xuống thành xe, lặng lẽ khóc.

Xe ra khỏi thành phố, Tuấn lại nghe tiếng gà gáy trổi dậy sau giãy nhà tranh lụp xụp bên chân núi.

Từ Qui Nhơn ra Tourane (Ðà Nẵng ) đưòng thuộc địa số 1 ( Route Coloniale No. 1 ) hãy còn gồ ghề, chưa tráng nhựa, phải xuống xe ba lần để qua đò : bến Bồng Sơn tại Phủ Bồng Sơn, Bình Ðịnh, bến Trà Khúc, cách tỉnh lỵ Quảng Nam 1 cây số, và Bến Ván, phủ Tam Kỳ, Quảng Nam.

Vì chiếc xà lan ( chaland) nhỏ và hẹp, nên phải để cho xe qua trước, hành khách chờ đi chuyến sau. Cũng may là thời bấy giờ ít có xe chạy, nên hành khách khỏi phải đợi lâu. Nhưng đứng trên bờ nhìn chiếc xe nặng trĩu đậu trong chiếc xà lan nghiêng qua nghiêng lại trên dòng sông rộng, hành khách cứ lo ngại...Nó chồng chềnh quá, lỡ nó đổ hoặc chìmxuống sông thì mất hết cả hành lý của mình chất trên mui xe.

Hành khách sang bên kia sông lên bờ gặp một bác Lính Khố Xanh tay cầm cây roi mây, đứng chận lại hỏi :" thẻ thuế thân ". Mỗi người đàn ông An nam thời bấy giờ 18 tuổi trở lên đều phải có luôn luôn trong mình hai cái bùa hộ mệnh : thẻ căn cước và thẻ thuế thân. Thẻ sau này là một biên lai bằng bìa màu ghi số tiền mình phải nộp " thuế bổn thân " trong năm. Mỗi năm có một thẻ thuế thân, thay cho thẻ năm trước, có đóng con triện bằng mực đen và chữ ký của Lý trưởng trong làng. Ða số những ông xã chưa học quốc ngữ, đều ký tên bằng chữ Hán, Tuấn mơí có 17 tuổi, chưa có thẻ thuế thân nhưng căn cước phải có.

Tuấn thấy có một ông hành khách đang năn nỉ bác Lính Tập một cách khúm núm rất lễ phép. Tò mò, Tuấn đến gần xem, ông hành khách đã rủi ro bỏ mất thẻ thuế thân, nên bị bác Lính Tập đòi bắt giam trong đồn. Nhưng ông hành khách móc túi lấy một đồng bạc cầm hai tay khúm núm " kỉnh " bác Lính, để xin bác rộng lượng tha tội cho. Bác Lính Tập bỏ đồng bạc trong túi áo, rồi đòi thêm một đồng nữa. Người hành khách cũng phải chịu thì bác Lính Tập mới tha cho đi.

Từ Qui-Nhơn ra Tourane phải đi xe hơi mất 2 ngày. Ngủ lại ở Quảng Ngãi một đêm. Lần đầu tiên chàng trai 17 tuổi được đi xa 2 ngày đêm liên tiếp như thế. Tuấn cố thu vào trong con người tất cả những phong cảnh, nhân vật, mà chàng trông thấy dọc đường. Nhưng đêm ở Quảng Ngãi, Tuấn không dám đi dạo phố, sợ gặp những người quen, và nhất là sợ gặp Ông Thân Sinh của chàng. Tuấn có mặc cảm của một đứa học trò bị đuổi, mắc cỡ không dám gặp lại những bạn bè cũ hoặc những người quen thuộc ở tỉnh. Tuấn có cảm tưởng chuyến đi Huế lần đầu tiên này là một cuộc lẫn trốn lén lút như người mạo hiểm trong một cuộc hành trình bí mật.

Ðêm ấy, nằm trong phòng ngủ của khách sạn Công ty do hãng xe đò dành riêng cho hành khách đi xe của hãng, Tuấn lắng tai nghe tong phòng kế cận tiếng khóc ấm ức rất là thê thảm của một người đàn ông. Tuấn nôn nao cảm động, muốn biết người hành khách đó là ai vậy, và tại sao họ khóc liên miên như vậy, không lúc nào ngớt ? Tuấn lóp ngóp bò dậy, khẽ bước chân không ra đứng nơi cửa buồng của chàng.Tuấn lắng tai nhưng không nghe được gì cả, ngoài tiếng khóc thút thít, lúc nức nở, lúc rên rỉ, như kẻ đau khổ đang bị một tai nạn gì bi ai thảm thiết lắm. Một lúc lâu Tuấn thấy cửa phòng mở, và một người đàn ông chạc 35, 40 tuổi từ trong bước ra. Tuấn để ý đến đôi mắt của ông tràn đầy những ngấn lệ.

Ông mặc đồ Tây, không biết từ đâu đến, nhưng có lẽ xuống xe lúc 6 giờ chiều. Bây giờ đã 10 giờ khuya ông vẫn chưa thay đồ ngủ. Ông đi ra sân sau một lúc trở vào, Tuấn đánh bạo hỏi :

- Thưa ông, sao ông khóc dữ vậy ? Ông có điều chi đau khổ lắm phải không ?

Người hành khách lạ lại òa lên khóc, vừa ấm ức trả lời :

- Tôi làm instituteur ( Trợ Giáo Trung Tiểu Học ) ở Tourane, hôm qua được giây thép của Mẫu thân tôi ở Nha Trang...báo tin...ông Thân tôi chết tại quê nhà...Tôi buồn lắm cậu à...Tôi thương Song Thân tôi lắm...Tôi mất ông Thân tôi...tức là tôi mất tất cả...( ông lại khóc lớn ).

- Thưa thầy, Bác năm nay bao nhiêu tuổi ?

- Ông thân tôi..thọ 78 tuổi...

- Thưa thầy, Bác đau bệnh gì ?

- Thân phụ tôi...khoẻ mạnh, ổng chết vì bịnh già...

Bây giờ tôi về...để tang...và lo an táng...Thân phụ tôi.

Thâý Tuấn cũng rưng rưng nước mắt, và gương mặt ngây thơ, ông hỏi :

- Cậu ở đâu ?

- Thưa thầy, tôi là cựu học sinh Collège Qui Nhơn.

- Cậu đi đâu đây ?

- Tôi đi Huế, tiếp tục học thi Diplôme.

- Cậu tên gì ?

- Dạ, Tuấn.

- Cậu còn song thân không ?

- Dạ, thưa thày còn.

- Cậu có phước quá...cậu phải thương yêu song thân như trong sách luân lý đã dạy...Mình là con trai được cha mẹ sinh ra nuôi dưỡng cho khôn lớn, phải có hiếu với cha mẹ, phải kính cha mẹ, thương cha mẹ...cha mẹ mình mất tức là mình mất tất cả...

Vừa nói vừa khóc...thầy trợ giáo lại khóc òa lên khiến Tuấn bùi ngùi không cầm được giọt lệ.

Có lẽ tại vì biết Tuấn là học trò collège( trung học ), nên tự nhiên thày trợ giáo sẳn dịp thuyết cho Tuấn một bài học luân lý gia đình bằng tiếng Pháp :

- Sousvenez-vous que vous avez rencontré un soir un instituteur qui pleurait la mort de son père... Vous voyez. Je ne suis plus jeune comme vous, mais devant le deuil cruel qui me frappe, je pleure comme un enfant...Parce que je suis toujours l'enfant de mon père...un père que j'aime, que j'adore, que je chéris le plus au monde...

( Cậu nên nhớ rằng một đêm cậu có gặp một thầy trợ giáo đang khóc vì cha chết. Cậu thấy không, tôi đâu còn trẻ như cậu, nhưng trước cái tang tàn bạo đang dày vò tôi, tôi vẫn là đứa con của thân phụ tôi, một đấng từ phụ mà tôi yêu tôi cưng, mà tôi qúi hơn hết trên đời ).

Nói xong thầy trợ giáo đủng đỉnh bước vào phòng của thầy. Tuấn nhìn theo cái băng tang bằng crêpe đen, dày và to mà thầy đeo trên cánh tay phải...

Là một thanh niên của thế hệ 1927 sống trong một xã hội còn thấm nhuần đạo Khổng, Tuấn rất khâm phục thầy giáo, tự nguyện rằng mình sẽ là một đứa con có hiếu như thầy và sẽ nhớ mãi những lời thầy khuyên bảo về đạo làm con. Cả đêm Tuấn không ngủ được cứ nghe tiếng thầy trợ giáo ở phòng kế cận thút thít khóc cha và Tuấn cứ lập đi lập lại nhiều lần mấy câu tiếng Pháp của thầy : " Souvenez-vous que vous avez rencontré un soir un instituteur qui pleurait la mort de son père..."

Tuấn nhớ lại có lần Tuấn trông thấy dán trên vách tường nhà một người bạn có theo đạo ThiênChúa một bức ảnh màu của bà Maria ngước lên Trơì đôi mắt đẩm lệ, và ở dưới bức ảnh có chua một câu in nét đậm :" Souviens-toi que ta Mère a pleuré " ( con hãy nhớ rằng Mẹ con đã khóc )

Nào là của đạo Khổng, nào là của đạo Phật, đạo Thiên Chúa, những câu danh ngôn về đạo đức, luân lý, đầy những nước mắt đã thâm nhập vào tâm hồn còn ngây thơ của Tuấn, ngay lúc Tuấn đang còn chập chững phiêu lưu vào trường đời.

Sau này, cuộc đời của Tuấn sẽ thay đổi rất nhiều, xã hội Việt Nam cũng không còn phong độ thanh cao khương kiện nữa, nhưng Tuấn vẫn không quên câu chuyện của thầy trợ giáo khóc cha, và mấy lời thầy chỉ bảo cho chàng bằng tiếng Pháp ở một quán trọ trên bước đường phiêu lãng.

giavui
06-25-2014, 05:25 PM
CHƯƠNG 20. 1927

- Nhà tranh ba gian của cụ Phan bội Châu ở Huế.

- Cụ Huỳnh ThúcKháng và Báo Tiếng Dân.

- Phong trào " Nam Nữ bình quyền " của Bà Ðạm Phươngở Huế, và Nữ Sĩ Huỳnh Thị Bảo Hoàở Tourane.

Lần đầu tiên đến Tourane, Tuấn trông thấy một nhà ga và một đoàn xe lửa. Trước mặt cậu học sinh 17 tuổi, thật là một vật đồ sộ và phi thường. Ðứng ngoài một hàng rào xi măng ngăn cách đưòng phố với đường rầy xe lửa. Tuấn nhìn trân trân những chiếc wa-gông nối dài gần một trăm thước, đậu trên đưòng rầy với chiếc đầu máy ghê gớm với hai con mắt lớn bằng kiếng, vàng khè, và một ống khói đen ngòm, to và thấp, đang phùn phụt nhả khói.

Tuấn sung sướng nghĩ rằng sáng sớm ngày mai, Tuấn sẽ đươọc đi trên đoàn xe lửa này, ra đến Huế. Cũng như đếm trước, đêm nay Tuấn không ngủ được, chỉ mơ tưởng đến chuyến tàu hỏa đi Huế, hoặc nhớ lại câu tiếng Pháp của thầy Trợ giáo khóc cha.

Sáng sớm hôm sau, mua vé tàu hỏa xong. Tuấn bắt chước mấy người hành khách cất kỹ tấm vé trong túi áo Tây và lấy một cái kim băng ghim túi áo lại, sợ lỡ rớt tấm vé đến khi ông Tây soát vé không có, sẽ bị ở tù.

f Tuấn theo sau mấy ông hành khách, xách chiếc va li tre ra bến xe lửa. Nhưng Tuấn chưa muốn bước lên toa tàu trước khi đứng ngoài xem cho tường tận các chiếc va gông. Tuấn đang đứng ngó đầu máy, thì một bác lính khố xanh bước đến bảo Tuấn :

- Trò đứng gần, điện nó hút cậu vô máy, chết cha !

Tuấn vội vàng đứng ra xa. Sự thực, lần đầu tiên trông thấy tàu lửa, Tuấn cũng hơi sờ sợ. Tuy ở trường đã học về Vật Lý, và đã hiểu qua loa về nguyên tắc máy chuyển động nhờ hơi nước, nhưng Khoa học là một chuyện, còn tâm lý của trẻ con sợ sệt trước một vật to tướng phi thường, máy móc chằng chịt, gớm ghê, lại là một chuyện khác. Ðứng bên đoàn tàu dài 200 thước, với đầu máy kếch xù đang phun khói, Tuấn cảm thấy mình bé quá, thấp quá, tầm thường quá. Ði dọc theo đoàn tàu để xem qua một lượt, Tuấn để ý trên toa hạng nhất và hạng nhì chỉ toàn là ông Tây bà Ðầm, và cả trẻ con Tây. Không có một người An nam mít nào ở hai toa này. Toa hạng ba, cũng có vài ông Tây và các ông An nam sang trọng giàu có.Tuấn đứng xem có ông Tây Thương Chính ôm cặp bước vào hạng ba. Một ông quan An nam đeo bài ngà " Tri Huyện " tòn ten trước ngực, đang ngồi chễm chệ trên chiếc ghế dài bọc da, vội vàng đứng dậy chấp hai tay :

- Chào Quan Lớn.

Ông Tây Thương Chính gật đầu rôì đi thẳng qua toa hạng nhì. Người lính hầu của Quan Huyện đang đứng chực ở cửa toa thứ tư. Quan Huyện khệ nệ bước ra, hỏi bằng hiọng Huế :

- Thằng Ba mô rồi ?

Người lính kính cẩn đáp :

- Dạ, bẩm quan lớn...

- Ðem bình điếu thuốc trà cho tao hút, mi !

- Dạ.

Người lính lệ ( lính hầu các quan ), rất lanh lẹ bưng bình điếu sang toa hạng ba, cuí xuống nhét cục thuốc lào vào miệng điếu rồi đánh một que fiêm châm lửa cho quan huyện hút. Xong người lính lệ lại bưng cái điếu xuống đứng chỗ cửa hạng tư.

Tuấn xách va lit re bước lên toa hạng tư. Vì cửa chật và đồ hành lý của hành khách chồng chất ngay đấy Tuấn phải nhảy qua đống hành lý, vô tình để chiếc va li đụng phải chưn chú lính lệ.

Chú này trợn mắt mắng Tuấn :

- Trò này không coi trước coi sau gì hết.

- Tại chỗ cửa chật quá, chớ phải tại tôi đâu.

- Chật cậu cũng phải tránh tôi chứ.

- Thôi mà lỡ một chút, cứ kiếm chuyện hoài.

Người lính tập nổi giận quát Tuấn :

- Mày không biết tao là ai à ?

Tuấn không cãi lẫy lôi thôi, làm thinh bước qua đống hành lý để kiếm chỗ ngồi.

Ðối với chàng trai Việt Nam năm 1927, Huế là một thần tượng bao trùm bao nhiêu huyền bí, thiêng liêng...Những danh từ "Ðât Thần Kinh ", "Ðế Ðô ", " Kinh Ðô ", v.v... có một sức hấp dẫn phi thường làm xúc động mãnh liệt trí tưởng tượng của những kẻ ở tỉnh và ở thôn quê.

Ai được đi Huế một lần, được dịp viếng đất Thần Kinh, được trông thấy Ðế Ðô, là một hãnh diện lớn lao vô cùng. Những kẻ chưa được thấy Huế, hằng mơ tưởng đấy là kinh thành, là nơi Vua ở, những cung điện nguy nga, những lâu đài tráng lệ, những nàng Công Chúa đẹp như tiên đi thướt tha trong vườn Thượng Uyển...Xem trong sách diễn tả, hoặc nghe người ta nói rất nhiều về những thắng cảnh của Ðế Ðô : cầu Trường Tiền, cầu Bạch Hổ, cửa Thượng Tứ, chợ Ðông Ba, hồ Tỉnh Tâm, cửa Gia Hội, giòng Hương giang, núi Ngự Bình...Ồ, toàn là những phong cảnh trí thơ mộng làm sao ! Lại thêm vào đấy những tên lâu đài rất...lịch sự : Ðiện Cần Chánh, điện Văn Minh, Tam Toà, Lục Bộ..tòa Khâm Sứ, đồn Mang Cá, đền Nam Giao, chùa Thiên Mụ, chùa Diệu Ðế, và lăng tẩm các Vua...cung điện của ông Hoàng bà Chúa.

Tóm lại, Huế, nơi Ðế Ðô, thiêng liêng, oai vệ, không giống một nơi nào phàm tục trong xứ, và cuộc sống của người Huế, những người ưu tiên được ở đất Thần Kinh không giống như các tỉnh Trung Nam, Bắc, Saigon, Hà nội có rộng lớn, xinh đẹp bao nhiêu đi nữa cũng chỉ là những đô thị thường dân, duy chỉ có Huế là Kinh Ðô của các vị Hoàng đế.

Nhưng chàng trai 17 tuổi lần đầu tiên được đi Hỏa xa sung sướng được sắp sửa đặt chân lên đất Ðế Ðô, và tha hồ được ngắm những cảnh thần tiên thơ mộng của núi Ngự sông Hương.

Ngồi trên xe lửa Tuấn tưởng tượng đến Huế ẽ được xem sông Hương nên thơ như thế nào, núi Ngự oai linh như thế nào và cả đất thần kinh của Vua Chúa có sắc thái đặc biệt như thế nào.

Và nhất là Huế lại có túp nhà tranh của cụ Phan Bội Châu ở Bến Ngự.

Nghĩ đến tất cả những kỳ thú trên Tuấn thấy rạo rực trong lòng. Trái tim của Tuấn đập rộn rịp như tiếng xe lửa chạy rầm rộ trên đường rầy. Tuấn nóng lòng chờ đến Huế, mà xem chừng như chuyến xe lửa cũng cố chạy vùn vụt cho mau đến Huế.

Ðoàn xe đến ga lúc 8 giờ tối. Chữ Huế nét đậm và to lớn, ghi bằng mực đen trên mặt tiền nhà ga.

Tuấn xách chiếc va li tre của chàng theo sau những hành khách xuống Huế. Chàng để ý thấy hầu hết những hành khách đều có người nhà hoặc bạn hữu chờ nơi sân ga và rộn rịp vui mừng, kẻ đón người đưa. Tuấn đi thui thủi một mình tìm nhà trọ của một người bạn ở xóm ga, theo địa chỉ đã có.

Tuấn để ý thấy trên đường Jules Ferry từ trước sân ga đa số người đàn ông ớn tuổi đều mặc đồ An nam aó dài đen quần trắng, đầu bit khăn hay đội mũ, chân mang giày Hạ, hay đi guốc. Phần đông bạn trẻ mặc đồ Tây. Tuấn cũng mặc âu phục may bằng vải nội hóa Quảng Nam, nhưng hình như không mấy ai để ý. Hơn nữa, Tuấn vui mừng nhậnthấy những chàng thanh niên Huế trông dáng điệu có vẻ học sinh như Tuấn, cũng mặc đồ Tây bằng vải nội hóa. Tuấn vừa đi vừa nghĩ rằng : thì ra phong trào mặc âu phục bằng vải nội hóa quả thật đã lan tràn khắp cả học đường, ở Huế cũng như ơ Qui Nhơn. Ðó là một nhận xét đầu tiên lúc Tuấn bước chân trên đường phố kinh đô.

Tuấn ở trọ nhà Quỳnh bạn học cũ ở Qui Nhơn, người cùng Tuấn đã gây ra cuộc bãi khóa ở Qui Nhơn một năm trước, và cũng bị đuổi như Tuấn. Quỳnh bây giờ học lớp Ðệ Tứ Niên tư thục Pellerin của các vị Cố Ðạo Huế. Quỳnh vẫn mặc bộ đồ tây may ở Qui Nhơn.

Bây giờ sáng hôm sau, nhân ngày chủ nhật, Tuấn nhờ Quỳnh đưa Tuấn đến thăm cụ Phan bội Châu, Quỳnh bảo :

- Nhà cụ Phan ở Bến Ngự gần đây. Hai đứa mình đến thăm cụ thế nào cũng có mật thám theo dõi, rình mò. Mầy dám đến không ?

Tuấn hỏi :

- Vậy chớ tụi mầy ở Huế thường ngày không đến thăm cụ sao ?

- Thỉnh thoảng mới đến mà tụi tao phải rủ nhau đi một lượt bốn năm đứa để cho lính mã tà và bọn điềm chỉ ít nghi ngờ. Mầy muốn tao rủ thêm vài ba thằng bạn nữa đi vớ tụi mình cho vui không ?

- Thôi không cần, hai đứa mình đi đến thăm cụ, chớ có làm gì mà sợ.

Ði một đoạn đường ngắn lên một dốc khá cao, đường đất đỏ nhiều bụi chưa tráng nhựa - Quỳnh chỉ một nép nhà ở ngay cuối đường :

- Nhà cụ Phan đấy.

Tuấn trông thấy trước hết một chiếc cổng sơ sài bằng hai trụ gỗ, trên đóng ngang một tấm bảng để một dòng chữ đen :

Nhà đọc sách Phan Bội Châu.

Chiếc cổng dựng ngay giữa một hàng rào cây, và luôn luôn mở rộng. Không do dự, Quỳnh và Tuấn bước vào, đi rón rén, giữ lễ phép, qua một sân hẹp rồi bước lên thềm nhà tô xi măng. Nhà có ba gian rộng rãi, để trống. Tuấn hồi hộp tưởng sắp sửa được trông thấy cụ Phan. Nhưng cảnh nhà thanh vắng, không một tiếng động. Tuấn và Quỳnh đứng yên trên thềm, đợi xem có air a thì xin yết kiến Cụ. Một lát, một em bé học trò độ 7 tuổi, đầu cạo trọc chừa một chỏm tóc ở giữa, từ ngoài chạy vào, nét mặt ngây thơ, nói với hai cậu học trò, bằng giọng Nghệ An :

- Cụ bán gạo ở ngoài nớ.

Bé chỉ một gian hàng gạo rất sơ sài ở góc sân, một cái chòi thì đúng hơn, lợp bằng tranh. Một cụ già mặc áo dài màu nâu, đang đứng bán vài lon gạo cho các chị nhà nghèo. Em bé chạy ra thưa với cụ một vài lời gì đó. Cụ cười giao thúng cho bé trông nom, và chống ba toong đi thủng thỉnh vào nhà. Tim Tuấn đập mạnh.Tuấn được chiêm ngưỡng lần đầu tiên nhà Chí sĩ Phan bội Châu, với một chòm râu phong phú, mắt đeo kính trắng, vòm trán cao vút tận đỉnh đầu. Cụ bước đi thư thả, tay mặt chóng ba toon – cây ba toong của toàn quyền Varenne tặng cụ -- tay trái hơi cong, bàn tay lấp dưới tà áo nâu dài.

Cụ mặc quần trắng bằng vải nội hóa, mang đôi dép da. Trông cụ không khác nào một vị Tiên lão da mặt hồng hào, đang bước thung dung ở dưới bóng cây. Cụ bước lên thềm ngó hai cậu học trò. Tuấn và Quỳnh chấp hai tay trước ngực, cúi đầu chào cung kính. Cụ cười rất tự nhiên, rất hiền lành, đưa tay chỉ gian nhà giữa :

- Mời hai cậu vào.

Tuấn và Quỳnh đợi cụ Phan vào trước, và theo sau cụ. Sau khi mời ngồi, cụ hỏi :

- Học cậu học ở trường Quốc Học ?

Tuấn đáp :

- Dạ thưa Cụ, con ở xa mới tới Huế lần đầu tiên, đến hầu thăm Cụ. Thấy Cụ được khỏe mạnh con rất mừng.

Cụ hỏi Quỳnh :

- Còn cậu nì ?

- Thưa cụ, con học trường Pellerin.

Cụ còn hỏi han nhiều câu về việc học và gia đình của hai cậu học trò, rồi cụ nghiêm trang dạy bảo nhiều lời giáo huấn, về lòng yêu nước yêu dân. Cụ gọi người nhà lấy ra hai quyển sách mỏng do cụ soạn, nhan đề Nam Quốc Dân tu tri và Nữ Quốc Dân tu tri. Cụ trao cho hai đứa hai quyển và bảo :

- Các anh chị Nam Nữ Quốc Dân nên xem hai quyển sách nhỏ này để trở thành người Quốc Gia.

Sau một lúc nói chuyện lâu trên một tiếng đồng hồ, cụ thấy ngoài chòi gạo của cụ có đông đồng bào lao động đến mua gạo, cụ xin lỗi đứng dậy :

- Hai cậu ở đây chơi, một lát tôi vào.Tôi ra bán gạo, kẻo bà con cô bác chờ lâu.

Cụ Phan bội Châu chống ba toong đi ra sân, Tuấn và Quỳnh thừa dịp, đi xem qua ba gian nhà của cụ. Một em bé hướng dẫn, bảo :

- Ba gian nhà là tượng trưng Nam Trung Bắc, cùng nhau như an hem một nhà.

Gian bên trái là phòng tắm của cụ, gian bên phải gọi là " phòng đọc sách ", Tuấn để ý rất kỹ hai bức tranh bằng mực đen do một bạn Nam học sinh trường Quốc học vẽ một chậu nước trong đó có bơi vài con cá. Dưới tranh, đề " Cá chậu ". Một bức tranh khác do một chị nữ sinh Ðồng Khánh vẽ, đề là " Chim lồng ".

Ra ngoài sân, nơi góc bên phải, Tuấn thấy một ngôi miếu nho nhỏ, thờ một Nữ đồng chí của cụ.

Kinh thành Huế chia ra ba khu nhà rõ rệt. Bên tả ngạn sông Hương là Thành Nội, với các Cung Ðiện nhà Vua, với Tam Tòa, Lục Bộ, tất cả ở phía trong mấy lớp thành cao. Ngoài thành là các phố buôn bán và chợ Ðông Ba. Bên kia cầu Gia Hội phần nhiều là dinh thự và nhà cửa của các quan.

Bên hữu ngạn sông Hương, nối bằn gmột chiếc cầu sắt khá rông tên là cầu Trường Tiền là khu Bảo Hộ Pháp với tòa Khâm Sứ và các cơ quan hành chánh của Pháp.

Ngôi nhà tranh của cụ Phan bội Châu, ở xóm Bến Ngự, ngoài châu thành, nơi đây phần đông các nhà đều vào hạng trung lưu và bình dân. Nhà cụ Phan bội Châu có thể gọi là tượng trưng cho tinh thần anh dũng của dân tộc, cho truyền thống bất khuất của nhân dân Việt Nam, mặc dù bị kềm hãm trong hoàn cảnh " cá chậu, chim lồng "

Nhà cụ lợp bằng tranh, ở giữa một xóm nhà tranh, và cao ráo khoáng đãng, tiền của đồng bào toàn quốc khắp ba kỳ, tự đông đóng góp, chứng tỏ lòng nhiệt thành chiêm ngưỡng của đồng bào sùng bái cụ.

Có điều rất lạ, là không có một tờ báo nào ở Hà Nội, Huế, Saigon hô hào lạc quyên công khai, mà chỉ có truyền miệng với nhau người này bảo người kia, thế mà mọi người đều tự thấy có bổn phận gần như thiêng liêng, phải đóng góp một chút tiền với đồng bào, để gửi đi Huế tặng nhà Chiến sĩ cách mạng đã hy sinh tất cả vì Dân vì Nước.

Các nhà ái quốc ở Huế thu góp các số tiền ấy, để cất lên cho Cụ một ngôi nhà ba gian, sắm cho Cụ một chiếc thuyền nan để cụ có nơi nghỉ mát trên sông Hương và một số vốn, để cụ uống rượu, ngâm thơ, vừa cùng một chú tiểu đồng đi Thuận An buôn gạo về bán.

Cụ sống cuộc đời thanh bạch và nhàn hạ, chỉ giao du vớicác bạn đồng chí già, và cũng rất mến bạn trẻ, lao động, trí thức, sinh viên, học sinh ở Huế và khắp Bắc Trung Nam. Mọi người đều tôn sùng Cụ như một thần tượng chói lọi uy danh. Ba tiếng " Phan bội Châu " và cả ba tiếng biệt hiệu Phan sào Nam, gợi lên trong trí óc thanh niên hình dáng rất đáng tôn kính của một cụ già có vòm trán cao, đôi mắt sáng ngời, chòm râu tiên lão, gần như một vị thần sống của Lịch Sử Việt Nam ở đương lim thời đại.

Thế hệ thanh niên của Tuấn rất hãnh diện được một vị thầnsống như thế để sùng bái, để thờ. Cho nên những bạn bè của Tuấn và Tuấn đều triệt để tuân theo những lời giáo huấn của cụ, say mê đọc các thi văn của cụ, coi những bài những sách của cụ viết ra như những lời châu ngọc.

Ðến Huế ngày đầu tiên, Tuấn đến thăm cụ Phan bội Châu, và sau khi đã được chiêm ngưỡng dung nhan của cụ, được vinh dự hầu chuyện trên ba tiếng đồng hồ với cụ, được cụ hỏi han khuyên bảo, Tuấn được hoàn toàn thỏa mãn.

Suốt mấy ngày đi thăm các thắng cảnh ở Huế, Tuấn vẫn không rời khỏi hình ảnh cao siêu lẫm liệt của cụ Phan bội Châu. Sông Hương núi Ngự, cầu Bạch Hổ hồ Tỉnh Tâm, điện Hòn Chén, các lăng tẩm của các vị Hoàng đế quá cố đều chỉ là những cảnh đẹp nên thơ, tuy là hùng tráng, vĩ đại như không thể nào thanh cao tráng lệ bằng túp lều ba gian của cụ Phan ở Bến Ngự.

Tuấn muốn trở lại nhiều lần để được hầu chuyện cụ Pahn, nhưng Quỳnh và Tố bảo :

- Mầy đến đây thường sẽ bị bọn Mật thám và lính mã tà để ý theo dõi có ngày ở tù đấy.

Tuấn ngại không dám đến nữa, nhưng mỗi buổi chiều mát thường rủ vài ba đứa lên Bến Ngự, đi ngang qua trước cổng nhà cụ để nhìn vào.

Nhớ hôm đầu tiên đến viếng cụ, cụ bảo :

- Người Tây không mở nhiều trường để dạy dỗ con dân nước Nam cho nên quốc dân còn thất học nhiều quá. Như thế bảo nước ta tiến bộ văn minh sao cho kịp với các quốc gia trên thế giới ?

Do ý kiến ấy, về nhà trọ, tối Tuấn thử viết một bài luận thuyết nha đề là :" Ở Trung Kỳ, nên cưỡng bách giáo dục ". Trong bài Tuấn đòi hỏi người Pháp bảo hộ phải mở rộng nền giáo dục cho toàn thể quốc dân, cho tất cả mọi người An nam đều phải được đi học. Tuấn đổi một chữ trong câu của chính trị gia Pháp : Après le pain, l'instruction est le premier besoin de people " mà viết lại :" Sau cơm áo, giáo dục là như cầu thứ nhất của dân ". Viết rồi sửa đi sửa lại bốn tiến gđồng hồ mới xong. Tuấn đưa cho mấy đứa bạn ở cùng nhà trọ xem. Ðứa nào cũng khuyến khích Tuấn, và bảo Tuấn chép lại sạch sẽ để sáng hôm sau đem đến toà báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng, thử coi có được đăng không.

giavui
06-25-2014, 05:26 PM
Sáng hôm sau, Tuấn đi với bốn thằng bạn đến toà báo Tiếng Dân, ở đường Ðông Ba. Trước khi đến đây, Tuấn tưởng tượng tòa báo đồ sộ, oai nghiêm, có lính gác, có kẻ chầu người chực, cũng như Toà Sứ, Toà Án vậy.

Nhưng khi đến nơi, Tuấn ngạc nhiên, vì là lần đầu tiên Tuấn mới thấy một " Toà Báo "

Tòa báo Tiếng Dân là một căn phố chật giống như các căn phố cùng một giãy ở trên lề đường Ðông Ba, ngó xuống sông Ðông Ba, một con sông đào, chi nhánh của sông Hương.

Ðây là một căn phố hai từng trên gác có một cửa sổ mở rộng, từng dưới có một cửa lớn, chật hẹp, phía trên có treo một tấm bảng kẽ chữ in :

TIẾNG DÂN

Hai bên có hai chữ nho : Dân Thanh ( nghĩa là TIẾNG DÂN )

Và một dòng ở trên " Huỳnh thúc Kháng công ty "

Tuấn sợ, không dám vào. Nhưng mấy đứa bạn cũng chẳng đứa nào dám vào. Năm đứa đi lại trước cửa Toà báo vài ba lần, thằng này xúi thằng kia, rồi cùng cả năm đứa đều vào. Tưởng là gặp ngay cụ Huỳnh thúc Kháng, chủ nhiệm kiêm chủ bút, nhưng năm cậu học trò thấy một ông mặc y phục An nam, áo dài đen, còn trẻ. Trên tường có tấm bảng đề : Ty Quản Lý. Năm trò không hiểu ty Quản Lý là gì, nhưng Quỳnh cầm bài của Tuấn, đưa bản thảo cho ông ngồi ở đấy. Ông kia lấy xem qua rồi hỏi :

- Bài của cậu muốn gởi đăng báo phải không à ?

Quỳnh chỉ vào mặt Tuấn :

- Dạ, thưa ông, bài của anh này viết, chớ không phải của tôi.

Ông quản lý gật đầu :

- Ðược, để tôi đưa lên gác cho cụ Huỳnh coi, nếu cụ bảo đăng được thì mới đăng, còn không thì bỏ. Các cậu không được đòi lại bản thảo nghe.

- Dạ.

Quỳnh lanh lợi nhất trong đám, chấp hai tay chào :

- Xin chào ông.

Mấy đứa khác cũng bắt chước chào ông "quản lý " như thế rồi kéo nhau ra. Tuấn chào cuối cùng và lo chạy ra trước.

Ði đường năm cậu học trò bàn tán, không biết cụ Huỳnh thúc Kháng sẽ cho đăng bài đó hay là cụ bỏ vào sọt rác ? Tuấn hồi hộp suốt ngày đó, ăn không được, và cũng không làm được gì cả. Ði đâu, ngồi đâu, nằm đâu, Tuấn cũng suy nghĩ vẩn vơ, nửa lo sợ, nửa hy vọng. Lo sợ là nếu bài đó sẽ bị cụ Huỳnh bỏ vào sọt rác, thì Tuấn sẽ mắc cỡ với mấy đứa bạn, hai là nếu đăng được thì sợ mật thám tây sẽ theo dõi. Tuấn viết hơi hăng, công kích người Pháp ở Annam bắt dân nộp thuế mà không chịu mở nhiều trường học để mở mang giáo dục cho dân. Nhưng hy vọng rằng cụ Huỳnh coi bài đó, nếu có câu nào viết hăng quá, cụ sẽ bỏ đi... Ồ, nếu bài của Tuấn được đăng nhỉ ! Ðó sẽ là bài đầu tiên của Tuấn được hân hạnh đăng trên mặt báo mà lại là báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Có lẻ hay lắm thì được đăng trong mục "Ðộc Giả Diễn Ðàn " là cùng. Tuấn tưởng tượng nếu được đăng thì người bạn đã giúp Tuấn ở Qui Nhơn, là anh Phạm đào Nguyên sẽ được đọc và sẽ viết thư khen Tuấn. Và mấy người ở tỉnh nhà cũng sẽ đọc bài đó, thật là một vinh dự lớn lao vô cùng đối với cậu học sinh 17 tuổi lần đầu tiên tập viết báo.

Mấy đêm liên tiếp hồi hộp không ngủ.

Nhất là đêm thứ năm sau đấy, Quỳnh bảo Tuấn :

- Chiều mai thứ sáu, là ngày Tiếng Dân phát hành. Nếu bài của mầy được đăng thì may ra được đăng trong mục "độc giả diễn đàn " trong số đó. Nếu không thì nó cũng sẽ hân hạnh được cụ Huỳnh xé chùi đít !

Các bạn của Tuấn nửa đùa nửa thật, nhưng chính Tuấn cũng áy náy lo bài của mình không được cụ Huỳnh chấp nhận.

Bốn giờ chiều thứ sáu, Tuấn đi ra phố một mình đón mua tờ Tiếng Dân. Ðây là tờ báo duy nhất ở Huế thời bấy giờ, mỗi tuần xuất bản hai lần,. Uy tín của nó rất lớn, do uy tín cá nhân của cụ Huỳnh Thúc Kháng, một đại Nho, một chí sĩ cách mạng đã bị đày đi Côn Lôn cùng một lượt với cụ Tây Hồ Phan chu Trinh, và đã hồi hương sau khi mãn hạn tù.

Uy tín của tờ Tiếng Dân không những riêng ở Ðế Ðô Huế, mà vang lừng khắp trong nước, và là tờ báo đầu tiên được phổ biến sâu rộng từ thành thị đến thôn quê. Riêng ở Trung Kỳ, mỗi làng có vài nhà Nho gọi là " Tân Nho " – danh từ dùng để phân biệt với những " Hủ Nho " – Tân Nho là những ông Tú, ông Cử, hoặc các thanh niên Nho học có óc " mới ", khuynh hướng về văn minh tiến bộ. Họ đều là những người có đóng cổ phần trong Công Ty Huỳnh Thúc Kháng và được biếu Báo Tiếng Dân, hoặc có đóng tiền mua năm Báo Tiếng Dân.

Tuy hầu hết các giớ trí thức " có đầu óc quốc gia " ở khắp nước và riêng ở Huế đều mua báo TIếng Dân, nơi đây họ thích đọc nhất những bài xã thuyết của cụ Minh Viên Huỳnh thúc Kháng, và những bài của cụ Sào Nam Phan bội Châu, nhưng hình như cũng có một số đông người không chịu bỏ tiền ra mua ( giá mỗi số 5 xu ) và chỉ mướn đọc. Có lẽ để tránh cái nạn mướn báo về xem báo cọp, cụ Huỳnh thúc Kháng đã dùng một biện pháp đặc biệt. Những số báo phát hành ở ngay thành phố Huế, giao cho vài chú em ôm báo đi bán dạo, đều được gấp 6 theo chiều ngang rồi gấp đôi theo chiêù dọc, và dán một giấy trắng bịt hai đầu, có dấu xanh của Toà Báo đóng một nửa trên rẻo giấy, một nửa trên mặt báo.

Như thế, tờ báo bị dán lại, chỉ những người nào trả tiền mua báo, mới xé rẻo giấy kia ra và mở tờ báo ra xem. Biện pháp này tránh được những độc giả xem báo cọp vì mọi khi rẻo giấy bị xé ra rồi, người lãnh báo bán dạo trả lại nhà báo không nhận.

Tuấn trao 5 đồng xu cho đứa bé bán báo dạo và lấy một tờ. Ðó là tờ TIếng Dân số 100. Hồi hộp vội vàng, Tuấn xé rẻo giấy có con dâú của ty quản lý tờ báo, và mở ra xem. Tuấn rất đỗi ngạc nhiên và mừng thấy ngay nơi mục xã thuyết ở trang nhất, bài của Tuấn với cái đầu đề in chữ đậm sắp đầy hai cột :" Ỡ Trung Kỳ nên cưỡng bách giáo dục ", Tuấn ngó liên xuống cuối bài, thấy rõ ràng tên của mình, và một bên có giòng chữ " còn nữa ".Tuấn mừng rỡ, không kịp đọc, lật đật cầm tờ báo chạy về nhà. Tụi bạn đi học trường Pellerin chưa về. Tuấn nằm dài xuống bộ ván ngực trãi nguyên tờ báo ra trước mặt và xem bài của mình. Tuấn vô cùng thích thú đọc lại những câu văn chính mình đã viết, nhà báo không thêm bớt một chữ. Những câu văn mình đã nguệch ngoạc bằng mực tím trên trang giấy học trò, bây giờ thành chữ in, đậm đà và sắc sảo trêng trang giấy báo Tiếng Dân ! Tuấn vô cùng sung sướng cảm động vì đây là bài báo đầu tiên của mình.

Cũng y nguyên những câu văn đó, mà lúc còn viết tay trước khi đem đến toà báo, không thấy hay, không thấy đẹp, không thấy thâm thúy bằng khi đã in trong mục xã thuyết hai cột báo Tiếng Dân.

Tuấn đọc đi đọc lại từng đoạn, cả bài, xem lại đầu đề in hai giòng chữ đậm, rồi ngó lại cái tên ký của mình cũng in bằng chữ lớn. Tuấn mĩm cười thỏa mãn, nằm ngữa trên bộ ván bóng mướt, mát lạnh, để tờ báo Tiếng Dân trên ngực, nhắm mắt tưởng tượng tất cả sự sung sướng lần đầu tiên có một bài của mình được đặng trên mặt báo, lại là tờ báo có uy tín nhất của Trung Kỳ, của cả xứ An nam tờ báo của cụ Huỳnh thúc Kháng.

Bài của TUấn được đăng trong mục xã thuyết, là nơi dành riêng cho cụ Huỳnh thúc Kháng mà thôi. Tuấn không ngờ bài của Tuấn được đăng thành hai kỳ, kỳ này trong tờ báo số 100, kỳ sau trong số 101. Tuấn lại tưởng tượng vài hôm nữa số báo Tiếng Dân nầy sẽ được gửi đi khắp nơi trong nước và tất cả những người quen Tuấn ở Qui Nhơn Quảng Ngãi v.v... sẽ đọc bài của Tuấn. Phạm đào Nguyên sẽ đọc bài ngay sau khi cầm tờ báo ở sở về.

Và cha của Tuấn, mẹ của Tuấn ở Quảng Ngãi, các thầy giáo của Tuấn, sẽ ngạc nhiên thấy nới mục xã thuyết của tờ báo cụ Huỳnh một bài của Tuấn ký tên Tuấn.

Tuấn đang thưởng thức một mình sự khoái chí mênh mông không kể xiết, thì các đứa bạn đi học đã về, Quỳnh thấy tờ báo Tiếng Dân nằm trên ngực Tuấn, cất tiếng hỏi Tuấn :

- Báo mới đó phải không Tuấn ?

- Ừ.

- Có đăng bài của bày không ?

- Có.

- Ðâu ?

Quỳnh vội lấy tớ báo tìm mục "Ðọc giả Diễn đàn " nhưng Tuấn hãnh diện bảo :

- Ngay ở mục xã thuyết

Quỳnh ngồi xuống ván gỗ, đọc một mạch hết bài báo, trong lúc ba đứa bạn khác đều chụm đầu vào xem bài báo của Tuấn. Ðọc xong, Quỳnh cười vui vẻ :

- Sướng quá hỉ ! Tuấn mầy viết báo được rồi đấy. Ðược đăng trênTiếng Dân, lại đăng ngay nơi mục xã thuyết của cụ Huỳnh, vinh dự nào bằng.

Xong rồi mấy đứa bạn xúi Tuấn đến toà báo " xin tiền nhuận bút "

Tuấn không muốn đi :

- Tao không dám đến cụ Huỳnh để xin tiền nhuận bút. Miễn cụ đăng cho được là khoái rồi.

Quỳnh bảo :

- Cụ đăng là một chuyện, mà mình lấy tiền nhuận bút là một chuyện chớ.

- Nhưng bài đăngđã hết đâu. " Còn nữa " mà !

- Vậy đợi xem kỳ số 101 đăng hết bài của mầy, thì đến xin cụ trả tiền nhuận bút. Lấy tiền về ăn chè hột sen, mầy phải đãi mỗi đứa tao một chén, chớ tội gì không lấy, mày !

Số 101 ra, Tuấn cũng vội vàng mua một số xem. Bài của Tuấn vẩn giữ y nguyên đầu đề, với hai chữ " tiếp theo " và kỳ này đăng hết, dài hai cột xã thuyết và cũng ký tên của Tuấn.

Gặp lúc túng tiền, chưa có trò nào nhận " mandat" của gia đình gởi cho, bốn đứa bạn nhất định xúi Tuấn đến toà báo Tiếng Dân. Tuấn cùng đi, nhưng đến toà báo Tuấn đứng lấp ló ở ngoài, không dám vào. Quỳnh và ba đứa bạn đánh liều bước vào toà báo.

Tuấn đứng ngoài cửa ngó vào thấy bốn đứa bạn nói gì với ông quản lý tên là Trần đình Phiên.

Một lúc khá lâu, hình như ông Phiên đi lên gác thưa với cụ Huỳnh thúc Kháng, rồi trở xuống một cầu thang chật hẹp, kế phòng quản lý, ông hỏi :

- Tuấn là ai ?

Quỳnh vội chạy ra cửa gọi Tuấn vào. Nhưng Tuấn mắc cỡ và nhút nhát, khẽ bảo Quỳnh :

- Mày cứ lấy tiền đi. Tao không vào đâu.

Một lát sau, bốn đứa bạn đi ra. Quỳnh cười bảo :

- Tao phải ký cái biên lai nhận dùm mầY đó.

- Cũng được chứ sao.

Quỳnh đếm bạc trao lại cho Tuấn 4 đồng, và bảo :

- Ông Trần đình Phiên nói cụ Huỳnh thúc Kháng khen bài mầy viết hay và biểu trà tiền nhuận bút bấy nhiêu đó.

Tuấn vui mừng quá chừng, nở mũi cười hí hởn, 4 đồng bạc ! Ồ chu choa ! Sao nhiều quá vậy ? Tuấn ước độ 4,5 giác thôi ( 1 giác ( tiếng Trung ), một cắc ( tiếng Nam ), một hào ( tiếng bắc ) ) chớ, ngờ đâu được 4 đồng, món tiền to như thế ! Sẳn dịp đi ngang qua phố Ðông Ba, Quỳnh mượnhai xu để mua một quyển vở, ba đứa bạn kia cũng mượn tiền mua viết chì, mực v.v...Tuấn còn 3 đồng 4 giác.

Tối hôm đó cơm xong, nghe thấy cô hàng bán chè hột sen rao trước cổng, mâý đứa bạn chạy ra gọi.Tuấn vui vẻ đãi mỗi đứa hai chén chè hột sen, mỗi chén một xu.

Nghe nhiều đứa bạn bảo cho biết ở Hà nội, thanh niên sinh viên tham gia các cuộc hoạt động " Hội Kín" rất đông. Tuấn muốn đi Hà nội. Chàng viết thư ra hỏi ý kiến một người bạn học cũ ở Qui Nhơn bây giờ học trường Thăng Long, Hà nội. và ở trọ nhà một công chức ở đường Général Bichot.

Trong khi chờ thư trả lời, Tuấn đi thăm các thắng cảnh Ðế Ðô, và xem tình hình sinh hoạt ở đây, với mấy đứa bạn học trường Pellerin. Nhóm học sinh này đưa Tuấn đến thăm Nữ công học hội do bà Ðạm Phương điều khiển.

Ðạm Phương nữ sử là một vị phụ nữ quí phái tiếng tăm lừng lẫy ở Huế. Bà rất thông giỏi chữ Hán và thường viết bài bằng Quốc Ngữ, và Hán Ngữ đăng trong Nam Phong Tạp Chí của Phạm Quỳnh ở Hà nội. Bà là vợ góa của một vị cựu thượng thư Triều đình Huế, giòng họ thế phiệt Nguyễn Khoa. Bà là mẹ của nhà văn trẻ tuổi Hải Triều, cậu con trai quý tộc này lại chịu ảnh hưởng học thuyết mác-xít, và có khuynh hướng đệ tứ quốc tế. Bà, thì trái lại, vẫn là một môn đồ trung thành của Khổng giáo, nhưng vẫn theo trào lưu mới. Bà rất tôn sùng cụ Phan bội CHâu, và tiêm nhiễm tư tưởng ái quốc của cụ. Bà rất được giới nữ trợ giáo và nữ sinh trường Trung học Ðồng Khánh khâm phục lắm. Biệt thự cổ kính của bà là nơi gặp gỡ của các giới nữ lưu " tân tiên " cả nam giới trí thức của đất thần kinh.

Do theo lời hô hào trong quyển " Nữ quốc dân tu tri " của cụ Phan bội Châu, bà có đứng ra lập " Nữ công học hội "để dậy các thiêú nữ ở Ðế Ðô về các môn nữ công, và dạy cả khoa luân lý " tứ đức tam tòng " của Khổng giáo. Bà có mời cụ Phan bội Châu đến khánh thành Hội trong một buổi lễ rất giản dị nhưng rất long trọng với sự hiện diện của hầu hết các giới thượng lưu trí thức và nữ sinh Huế.

Tuấn thắc mắc mãi về hai chữ " nữ sử " kèm theo tên Ðạm Phương của bà, Tuấn hỏi một vị giáo sư giỏi chữ Hán, vị ấy giảng nghĩa " nữ sử " là chức vị của một quan phụ nữ trong Triều đình, chuyên lo về các nghi lễ của Hoàng Hậu.

Bà cũng viết trong Phụ Nữ Tân văn.tuần báo nổi tiếng ở Saigon và đôi khi trong báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh. Ðạm Phương nữ sử có viết một cuốn sách về giáo dục phụ nữ, được các giới nữ lưu Huế hoan nghênh lắm

Nhân tiện nói về báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh thúc Kháng, là tờ báo" cách mạng " ( nhưng chủ trương rất ôn hòa ) của các giới Lão Nho và thanh niên cách mạng ở Trung Kỳ, ở Huế lúc bấy giờ còn có hai tờ báo khác : tờ Thần Kinh tạp chí, của giới quan lại, và tờ Phụ Nữ tân tiến của bà Lê thanh Tường, vợ ông bí thư của quan Khâm Sứ Trung Kỳ, Yves Châtel. Tờ phụ nữ tân tiến trình bày và khuôn khổ cũng na ná như tờ Phụ nữ tân văn ở Saigon, nhưng bán không chạy. Ngay ở Huế cũng chỉ các bà mệnh phụ và một số phụ nữ trí thức mua mà thôi.

Bà Lê Thanh Tường, người Nam Kỳ, cũng là một nữ sĩ hay làm thơ Ðường Luật có danh tiếng ở Huế thời bấy giờ. Sẵn nói đến nữ giới ở Trung Kỳ, Tuấn còn nghe phương danh một nữ sĩ rất có danh tiếng ở Tourane. Tên bà là bà Vương khả Lãm, tác giả một bộ tiểu thuyết khá hấp dẫn, nhan đề là " Tây Phương Mỹ Nhân " thuật chuyện có thật của một cô Ðầm ở Pháp theo chồng An nam về sống cuộc đời thôn quê trong một làng tỉnh Quảng Nam. Người đàn bà đẹp Tây phương ấy rất sung sướng với người chồng An nam quê mùa, nghèo khổ, mặc dầu bà bị các quan Tây ở Tourane hăm dọa và xúi dục bà bỏ thằng chồng An-na-mít vì danh dự và lòng kiêu căng của người Pháp.

Theo gương Ðạm Phương nữ sử, bà Vương khả Lãm cũng có mở một hội nữ công tại thành phố Tourane, và cũng có mời cụ Phan bội Châu ở Huế vào khánh thành. Lễ khánh thành này vì sự có mặt của nhà chí sĩ Bến Ngự và do sự tuyên truyền rầm rộ của bà hội truởng và các hôị viên toàn là các cô gái tân thời, là một biến cố rất long trọng và xôn xao náo nhiệt.

Bà Vương khả Lãm là người tân tiến nhất ở Tourane thời bâý giờ. Bà rất hăng hái chủ trương " Nam nữ bình quyền " do cụ Phan bội Châu đề xướng theo phong trào Âu Mỹ. Bà là người phụ nữ An nam đầu tiên ở Tourane đi xe máy đầm. Bị dư luận dân chúng xầm xì bàn tán quá bà phải để chiếc xe máy đầm của bà cho ông chồng ngày hai buổi cỡi đi đến sở, và cỡi về. Phu quân là ông Vương khả Lãm làm tham tá nhà Douane ( thương chánh ) Tourane. Sau này, vì quá tân tiến, giao du rộng, bà hút thuốc phiện và trở thành người nghiền. Những buổi tối nóng bức, người ta thấy bà nằm bên bàn đèn tự tiêm thuốc phiện lấy va quan tham, chồng bà, cầm chiếc quạt ngồi cạnh quạt cho bà mát. Bà ghiền nặng lắm, có khi nằm hút đến 12 giờ khuya, và ông chồng cũng còn ngôì quạt hầu bà cho đến khi bà dẹp bàn đèn đi ngủ. Bà sẵn sang tuyên bố với mọi người rằng bà cụ thể hoá học thuyết " nam nữ bình quyền".

Về nữ giới, phái trẻ tuổi nhất lúc bấy giờ, có hai cô trợ giáo mới tốt nghiệp bằng Thành Chung ( diplôme d'Études primaires-supérieures franco-indigène) cựu nữ sinh trường Trung học Ðồng Khánh : cô Trần thị Như-Mân và cô Nguyễn thị Du. Hai cô này đều có công lớn trong vụ bãi khóa năm 1927 ở Huế. Sau đỗ tốt nghiệp xong, cô trợ giáo Như-Mân kết hôn với thầy trợ giáo Ðào duy Anh, ông này đã xin nghỉ dạy để làm trợ bút ( nay gọi là ký giả ) báo Tiếng Dân. Ông Ðào duy Anh và cô Như Mân, họp tác dịch các sách về chính trị, kinh tế và tự xuất bản, thành lập " Quan Hải Tùng Thư". Các sách của Quan Haỉ tùng thư hồi đó được các giới trí thức và thanh niên học sinh rất hoan nghênh, và bán rất chạy.

giavui
06-25-2014, 05:26 PM
CHƯƠNG 21. 1927

- Hànội "Kinh đô trí thức" của Ðông Dương.

- Phong trào đi du học Hànội.


- Hai bài thơ cam kết của đôi bạn trẻ cùng chí hướng.

- Một Quan Huyện làm thơ ca ngợi chiếc xe lửa trên đường Hỏa – xa tốc hành Saigòn-Hànội.

- Lần đầu tiên đến Hànội.

- Xe kéo Hànội.

Hànội ! Thăng Long !

Ðối với Tuấn, chàng thư sinh 17 tuổi, quê quán ở một làng hẻo lánh, nhỏ bé, ở miền núi Trung Kỳ, đi Hànội là một việc trước kia không bao giờ chàng dám nghĩ đến.

Dù sao Huế cũng còn gần gũi hơn, Huế mới chỉ là Ðế Ðô của nhà Nguyễn, Huế hãy còn là một thủ đô của xứ Trung Kỳ mà thôi. Chứ Hànội ! Ồ ! Hànội, tên cũ là Thăng Long, đó là cái gì khác xa Huế, lớn hơn Huế, xưa hơn Huế, đồ sộ hơn Huế. Ðó là kinh đô của Lịch sử ! Ði Hànội, tức là đi về cái nguồn gốc của Lịch sử !

Cố cựu hơn Huế, mà tân tiến hơn Huế. Huế chỉ có ông Khâm Sứ, ông vua Annam, Hànội có ông Toàn Quyền, có thành cũ Thăng Long, có trường Cao Ðẳng Ðông Dương, có cầu Doumer, có Hồ Hoàn Kiếm, có đền Bà Trưng, có tượng Paul Bert ! Tất cả bốn nghìn năm lịch sử " An-nam-quốc "đều có mặt ở Hànội, Thăng Long.

Tuấn, chàng trai nước Việt ở thế hệ giao thừa, mới 17 tuổi đã bị đuổi khỏi học đường quá sớm, đã phải tạm biệt thôn quê và tỉnh nhà để đi tìm hoài bão tương lai. Chàng trố mắt nhìn xã hội An-nam với tất cả tâm hồn ngây thơ mơ mộng, lại ngơ ngác trước những cái mới mẻ lạ kỳ, tò mò tìm hiểu bao nhiêu điều cần học hỏi. Tuấn đã thấy thật nhiều ở Huế, nhưng Huế chật hẹp quá, Tuấn mơí ở đây một tuần lễ đã cảm nghĩ rằng mình đã biết gần hết Huế rồi.

Bây giờ lên đường đi Hànội, lòng Tuấn hồi hộp vô cùng. Tuấn rất buồn vì mình không phải con nhà giàu. Sinh trưởng trong một gia đình lao động, cha làm thợ mộc, mẹ không có buôn bán gì, được người anh học giỏi làm việc cho Tây - Trần Anh Tuấn, Phán Sự Tòa Sứ, thì lại bắt bỏ tù ! Anh bị bắt cùng một lúc với thầy Ðổng sĩ Bình, phán sự tòa sứ Qui Nhơn về tội " tạo yêu thơ yêu ngôn ". Theo bản án của triều đình Huế, tội tạo yêu thơ yêu ngôn nghĩa là sáng tạo ra văn chương và ngôn ngữ phi pháp, chống chính phủ.

Hôm ông Phán Tuấn bị bắt và đưa đi Banmêthuột thì Tuấn không hay biết gì cả vì Tuấn đang học ở QuiNhơn. Kỳ nghỉ hè về nhà, Tuấn nghe cha mẹ và hàng xóm kể lại, mới biết rằng ông Phán Tuấn có chân trong một hội kín gọi là " Thanh niên cách mạng đảng " và có góp tiền " mua súng để đánh Tây ". Tuy bề ngoài làm việc ở Tòa Sứ rất chăm chỉ, đối với người Pháp ông rất lịch sự, nhã nhặn, nhưng không ai ngờ ông Phán Tuấn lại là một đồng chí hăng hái nhất của một đảng cách mạng. Ông hoạt động bí mật trong tỉnh nhà đã hai ba năm rồi mà không ai biết cả, trừ những đảng viên.

Nghe các thầy thông thầy ký thuật lại, hôm có lính Tập vây nhà và bắt thầy phán Tuấn, rồi dẫn đến quan Công Sứ Pháp, ông này hết sức ngạc nhiên hỏi Tuấn là người cộng sự đắc lực nhất và quí nhất của ông :

- Taị sao anh vào đảng chống Pháp ?

Thầy Phán Tuấn đáp :

- Thưa ông Sứ, tôi chỉ làm bổn phận của một người dân vong quốc.

- Nhưng anh biết rằng người Pháp đem văn minh qua cho người An nam ?

- Người Pháp làm bổn phận của họ. Chúng tôi làm bổn phận của chúng tôi.

- Anh nghĩ sao khi chính tôi đây đã đối xử rất tốt đối với anh và đồng bào của anh ?

- Vâng, ông nói đúng và tôi xin cảm ơn ông. Nhưng tôi làm cách mạng không phải chống cá nhân của ông, mà chống nước Pháp, chống chế độ thực dân của Pháp.

Ông Sứ làm thinh. Một lúc, ông bắt tay phán Tuấn trước khi truyền lịnh đem giam Tuấn vào lao :

- Dù sao, anh cũng là một người có chí khí ( Quand meme, vous êtes un brave ! )

Khi các quan An nam đem phán Tuấn ra xử theo luật Gia Long, tội của Tuấn là " tạo yêu thơ yêu ngôn " ( tạo ra thơ văn và lời nói phi pháp ) và kết án khổ sai chung thân. Ông Công sứ Pháp phản đối, đề nghị giảm xuống còn 9 năm tù, đày lên Banmêthuột.

Lúc xét nhà phán Tuấn, lính có bắt được một tập thơ do ông phánTuấn làm, nhan đề là " Vần thơ nước mắt ", trong đó có nhiều bài đả kích các quan và vua An Nam. Tập thơ này, chính Tuấn-anh cũng có đưa cho Tuấn-em xem. và Tuấn-em có chép riêng trong một quyển sổ con mấy bài như sau đây:

Quan đi lọng

Khéo trò võng lọng, khéo trò quan !
Chẳng biết hổ ngươi, chẳng ngỡ ngàng !
Mất nước muôn dân còn oán hận,
Làm thân tôi mọi cũng nghêng ngang !

Làm vua thua bù nhìn

Biết nhục không, vua ? Vua hỡi vua !
Bù nhìn còn biết giữ bờ dưa
Ngai vàng chẳng hổ thân nô lệ,
" Hoàng đế An nam " khéo vẽ bùa !

Khuyên cậu học trò

Trò ơi ! ôm sách đi đâu ?
Học bài toán đố, học câu vẹc-bờ
Ngày nay tuổi cậu còn khờ,
Miếng cơm manh áo còn nhờ mẹ cha,
Mai sau khôn lớn, đẩy đà
Làm trai phaỉ nhớ Nước Nhà, mang ơn.
Hai vai gánh vác giang sơn
Bẻ giây xiềng xích, thoát cơn tôi đòi.
Khí thiêng nung đúc giống nòi
Rồng Thiêng muôn thuở muôn đời tự do !

14-7 ( cách-tót-duy-tê )

Cách-tót-duy-dê, đã tới đây
Là ngày Quốc Khánh của ông Tây
Tỉnh thành loe loét cờ ba sắc
Áo mão vêng vang khỉ một bầy
Ðại Pháp câu mồi, vui thích hỉ !
An nam liếm chảo, tức cười thay !
Làng quê kẻ chợ đi xem hội, Cờ bạc, rượu chè, lắm kẻ say !

Khóc cụ Phan chu Trinh

Ôi cụ Tây Hồ, ới cụ ơi !
Nước nhà đau đớn, cụ buông xuôi !
Gông cùm nô lệ, dân còn oán
Quân chủ chuyên quyền, hận chửa nguôi !
Ðất nổi phong ba, trời thảm lụy
Dân không cha mẹ, Nước mồ côi !
Hương lòng một nén, thơ năm vận,
Khóc cụ Tây Hồ, ngấn lệ rơi !

Gởi Tuấn-em

Nhắn nhủ em trai, óc dại non
Ðôi lời mực thước, nhớ châm ngôn
Học làm nô lệ, thà đừng học
Khôn việc Nước Nhà, ấy mới khôn
Cam khổ không sờn, noi lý tưởng
Thanh bần cố giữ, vẹn tâm hồn
Công danh sự nghiệp do mình tạo
Khí khái anh hùng, để tiếng thơm.

TRẦN-ANH-TUẤN

(Vần thơ nước mắt )
1924-1926

Nhất là bài thơ sau đây, như bản chúc thư của người anh ruột yêu qúi, mỗi lần nhớ đến là Tuấn buồn và lo.

Buồn, vì Tuấn đã không làm được việc gì cho có tiền để phụng dưỡng mẹ cha, mà lại còn muốn trốn gia đình để đi Huế, đi Hànội thì thật là một đứa con bất hiếu, một đứa em không nhớ lời kkhuyên dạy của anh. Tuấn biết vậy, nhưng làm sao được khi tính phiêu lưu mạo hiểm, chí khao khát học hỏi, và lý tưởng cách mạng đã được nung đúc từ ba năm qua, như đa số học sinh thời bấy giờ, tất cả những yếu tố ấy mạnh hơn Tuấn, thúc đẩy Tuấn đi tìm một lẽ sống thích hợp cho tâm hồn của chàng trai đang say sưa với thời buổi mới. Tuấn lại lo vì Tuấn không biết rồi đây tương lai của Tuấn sẽ như thế nào ? Có thể giữ được không những ý nguyện thầm kín của Tuấn, theo lời dạy bảo của anh ? Làm sao cho trở thành một Ðất Nước, với Giống Nòi ? Làm sao cho tâm hồn giữ được thanh cao, cho đạt được lý tưởng của đời sống khí khái anh hùng mặc dầu sẽ chịu nhiều cam khổ ?

Tuấn cảm thấy mình hãy còn bé quá, khờ dại quá. Anh cả của Tuấn, cột trụ của gia đình, bây giờ đã đi ở tù tại nhà lao Banmêthuột chính vì lý tưởng cách mạng. Tuấn là con trai duy nhất còn lại với cha mẹ, thì đã bị nhà trường đuổi vì quá hăng say trong cuộc bãi khóa vừa rồi, từ nay làm sao tiếp tục học được nữa ? Ðành rằng anh cả nhắn nhủ :" Học làm nô lệ thà đừng học ", Tuấn cũng quyết định sẽ không bao giờ làm nô lệ, nhưng Tuấn cần phải học giỏi để có căn bản văn hóa vững chắc mới thực hiện được lý tưởng của đời Tuấn, mới đạt được sự nghiệp tương lai.

Tuấn trằn trọc suốt đêm trước giờ rag a xe lửa để đi Hànội, cứ nhớ lại mấy bài thơ của anh cả, từng chữ như những lời khuyên răn, mà cũng là những lời tâm huyết, vừa cản cáo, vừa khuyến khích...vừa đề phòng...Tâm sự của Tuấn đêm nay là tâm sự của một chàng trai của Ðất Nước, đang bơ vơ, ái ngại, lo sợ trên đường đời vô định.

Hầu hết những chàng trai nước Việt, cùng lứa tuổi của Tuấn, trong thời gian 1926-1927 cho đến 1931-1932, tuy hoàn toàn mỗi người mỗi khác, nhưng tâm sự lo lắng cho tương lai, cho đất nước, đều như thế cả.

Bởi đó là thế hệ trai trẻ đang chịu ảnh hưởng sâu đậm của trào lưu cách mạng do hai nhà chí sĩ họ Phan đã gây ra, và do lớp trí thức đàn anh noi theo gương hai cụ, tiếp tục đề cao tinh thần cách mạng trong các giới sĩ phu...

Tuấn chỉ đủ tiền mua vé xe lửa từ Huế ra Hànội còn dư trong túi được vài chục tờ giấy bạc 1 đồng, do vài đứa bạn gom góp cho thêm, mỗi đứa cho mười giác, hoặc hơn nữa.

Chiếc xe lửa cũ kỹ, dơ bẩn từ ngoài đến trong, kéo gần hai chục cái toa, cái gòn ( wagon), thành một đoàn dài đậu sừng sững từ đầu đến cuối sân ga, cao như một bức thành mầu nâu, bẩn thỉu.

Lần đầu tiên được đi Hànội mà đi trên chiếc tàu hỏa ghê tởm như thế kia, Tuấn không được vui lắm, Tuấn mua vé hạng tư, ngồi trong một toa đầy nghẹt hàng hoá, hành khách chen lấn nhau, đủ hạng người. Tuấn chỉ có một hciếc va li nhỏ bằng mây rất đơn giản, trong đó sắp xếp mấy bộ quần áo tây và An nam, toàn đồ cũ và năm bảy quyển sách Pháp, Tuấn đút va li dưới gầm ghế ngay chổ Tuấn ngồi để dể canh chừng, sợ thất lạc. Mấy đứa bạn của Tuấn có mua cho Tuấn để ăn dọc đường : một trái bưởi Huế, một khúc bánh mì và một gói kẹo thèo lèo để ăn tạm với bánh mì.

Nên nhớ rằng ở Huế và cả miền Trung vào khoảng đó ( 1926-1927) bánh mì vẫn chưa được thông dụng trong dân chúng An nam. Nó thuộc về các món ăn của Tây, và phần nhiều những người ở giới thân cận với Tây mới thỉnh thoảng dùng đến. Còn quần chúng An nam chỉ thích ăn các món bánh truyền thống như bánh bèo và bánh hỏi. Bánh mì là một thứ bánh lạ, người An nam ăn một vài lần cho biết thế thôi, chớ không ham chuộng lắm, cho nên nó không được bình dân, và các tiệm ăn An nam ít có bán. Mấy đứa bạn của Tuấn muốn cho Tuấn được món ăn đặc biệt trên xe lửa đi Hànội, đã phải đến nói riêng với anh bồi của nhà hàng Morin là nhà hàng độc nhất của Pháp ở Huế để nhờ anh mua giùm một khúc bánh mì chánh hiệu của Tây. Vì hình như bánh mì bán ra cho người An nam thì có pha bột khoai mì.

Anh bồi của nhà hàng Morin có lòng tốt, nhờ quen với một cậu học trò, bán cho mấy đứa bạn của Tuấn một chiếc bánh mì lớn bằng trái bắp với giá tiền 5 xu ( bằng 50 đồng bạc ngày nay ). Quỳnh hãnh diện trao chiếc " bánh mì Morin " cho Tuấn với mấy lời trịnh trọng sau đây :

- Nè, chiếc bánh mì Morin, mầy cất kỹ trong vali để dành ăn trên tàu hỏa. Trên tàu có bánh mì để bán cho Tây chớ không có đũ để bán cho Annam đâu.

Tuấn nghe lời, cất kỹ khúc bánh mì bằng trái bắp trong va li quần áo. Bánh mì để ăn với...kẹo thèo lèo cũng do mấy đứa bạn mua cho.

Một việc không ngờ cho Tuấn là lúc tàu huýt còi sắp sửa chạy, Tuấn đứng thò đầu ra cửa ngoắc tay từ giã tụi bạn thì Quỳnh chồm lên nhét vào tay Tuấn một miếng giấy, với nụ cười cảm động :

- Ðể tàu chạy rồi hãy coi !

Tàu chạy xong ra khỏi ga Huế. Tuấn mở giấy ra xem, thì là một bài thơ của Quỳnh :

Tiển Bạn Trần Tuấn

Tiển bạn ra đi, dạ thẫn thờ
Chút tình ghi lại mấy vần thơ
Học đường, nhắc bạn đừng xao lãng,
Chí khí làm trai chớ bỏ ngơ
Tổ quốc đang mong bầy tuổi trẻ
Thân tằm phải nhả những giây tơ
Mấy lời tâm nguyện tôi cùng bạn
Non nước ngày mai...há hững hờ ?

Tuấn xem lại bài thơ của Quỳnh hai ba lần và đã thuộc lòng.Từ đó, trên ghế dài của toa xe lửa phần thì bị lắc qua lắc lại với tiếng động rầm rầm của nhữn gbánh xe lăn trên đường sắt, phần bị ép chặt cứng giữa một bà lão ngồi ngủ gục luôn chạm mạnh đầu bà vào đầu chàng, và một ông cụ nhà nho miệng nhai trầu và hút thuốc không ngớt, chốc chốc rung đùi như cảm hứng một mình, Tuấn cũng nghĩ ra được một bài thơ để họa lại bài tiển bạn của Quỳnh.

Mãi khi tàu hỏa ra khỏi Quảng Trị, khỏi ga Ðồng Hới, Tuấn mới nghiền ngẫm xong bài thơ họa, nhưng vẫn âm thầm trong trí óc, không chép ra được vì không có giấy, không có bút, trong lúc xe lửa chạy vùn vụt, rầm rầm, nhức đầu, ù tai, mũi Tuấn hít đầy than và khói.

Thơ của Tuấn họa như sau đây :

Gởi bạn Phan Quỳnh

Xa quê, lạ cản, óc bơ thờ
Thăm thẳm đường đời, ngại tuổi thơ
Văn học trau dồi tuy cố gắng
Non sông tủi nhục khó làm ngơ
Gọi hồn, chiếc hạc bay tung cánh,
Vương kiếp con tằm nhả phím tơ.
Ðất rộng trời cao duyên cát bụi.
Biết đâu thân thế chỉ mong hờ !

Lúc ra Hànội, chép lại bài thơ gưỉ vào Huề cho Phan Quỳnh, Tuấn chua ở dười bài thơ :

"Câu đầu làm lúc tàu băng qua cầu Bạch Hổ, Huế. Câu cuối làm xong sau khi tàu ra khỏi ga Ðồng Hới.
Tuấn, 28 Septembre 1928

Chàng thiếu niên tự cho là thích thú, đọc thầm lại bài thơ của Quỳnh và bài họa của chàng. Ngâm mãi trong miệng một lát, chàng tủm tỉm cười một mình và quên những người ngồi chung quanh, chàng ngâm lớn lên hai câu mà chàng khoái nhất :

Gọi hồn, chiếc hạc bay tung cánh
Vương kiếp con tằm nhả phím tơ.

Ông cụ nhà nho ngồi sát cạnh, ngó chàng :

Cậu ngâm thơ của ai đấy ?

Tuấn giựt mình, như sực tỉnh giấc mộng, lễ phép đáp :

- Dạ, thưa cụ, con ngâm hai câu thơ của thầy con dạy ở trường.

- À, tôi cũng làm thơ. Buồn ngủ quá. làm thơ để khỏi ngủ gà ngủ gật như người ta. Thơ tôi là thơ Ðường luật, bát cú, cậu có nghe không ? Thơ tôi thì xuất sắc lắm. Tôi đọc cậu nghe nhé !

- Dạ.

Ông cụ nói tiếng Quảng Bình, hơi khó nghe một tý đối với Tuấn chưa quen nghe. Nhờ được cái là ông cụ khoái chí, rung đùi, ngâm đi ngâm lại hai ba lần nên Tuấn nghe rõ và nhớ được hết. Ðây là bài thơ cuả cụ :

Chiếc Tàu Hỏa

Khen thầy Ðại Pháp thật văn minh
Tàu hỏa bầy ra, ai cũng kinh
Sức mạnh ầm ầm ghê máy móc
Chạy nhanh vùn vụt, tựa cung tên !
Ăn mây, nuốt gió, tung trời đất,
Trèo núi, băng sông, vượt thác ghềnh.
Huýt tiếng còi vang, rung vũ trụ,
Ðến ga, kẻ xuống có người lên !

Rất tiếc là ông cụ không cho biết tôn danh, và Tuấn không dám hỏi. Nhờ nói chuyện một lúc, cụ mới cho cậu thiếu niên biết cụ làm Tri-huyện ở Do Linh. Tuấn không thuộc địa dư, không nhớ Huyện Do Linh ở tỉnh nào, nhưng Tuấn không dám hỏi nhiều, chỉ thích ngồi nghe.Cụ nói chuyện vui vui. Cụ giảng nghĩa bài thơ của Cụ, từng câu từng chữ cho cậu thiếu niên nghe, để cậu thưởng thức thi vị của bài thơ mà cụ cho là xuất sắc, là kiệt tác trong loại thơ Ðưòng luật bát cú.

Tuấn hơi ngạc nhiên là ông cụ nhà nho làm đến chức quan Tri huyện thì đáng lẽ cụ mua vé hạng ba, hoặc hạng nhì, sao cụ lại mua vé hạng tư ! Có lẽ quan Huyện muốn tiết kiệm tiền, vì thời bấy giờ lương quan Huyện An nam khjông hơn lương một ông quan Phán đầu tòa.

Quan Huyện là nhà nho học, nhưng cũng biết tiếng Tây, nói được tiếng Tây tuy không đúng văn phạm lắm. Quan hỏi chàng thiếu niên một câu tiếng Tây :

- Vous savez pourquoi je parle le Francais comme les Francais, mais je chique toujours du betel aussi ?

Tuấn thấy câu tiếng Pháp của quan không được Tây lắm, nhưng miễn chàng hiểu nghĩa :" Anh biết tại sao tôi nói tiếng Pháp như người Pháp, nhưng tôi vẫn ăn trầu ?".

Tuấn cũng trả lời bằng tiếng Pháp :

- Non

- Parce que le bétel c'est le quốc hồn quốc túy des Annamites.

Tuấn không nhịn cười được nữa, vì cụ nói " trầu là quốc hồn quốc tuý của người An nam ". Có lẽ vì cụ không biết dịch bốn chữ " quốc hồn quốc tuý " ra tiếng pháp như thế nào, nên cụ để nguyên tiếng Việt trong câu tiếng Pháp của cụ. Cụ còn nói thêm, vẫn nói tiếng Pháp, đại ý : người An nam phải giữ quốc hồn quốc tuý của mình, không nên bắt chước người Tây hết, như mặc áo dài, bịt khăn đóng, ăn trầu v.v... là những cái hay cái đẹp mà không nên bỏ...

Nhờ câu chuyện vui vui với quan Huyện Do Linh mà Tuấn không buồn ngủ và quên nỗi mệt nhọc trên tàu. Hình như quan cũng thấy Tuấn ngoan ngoãn, nên quan ưa nói chuyện. Ngồi một mình trên tàu không ai nói chuyện với ai, buồn chịu sao nỗi ? Nhưng nói mãi cũng chán, và Quan Huyện nói nhiều lắm, chắc cũng thấm mệt. Quan thiu thiu ngủ, giục đầu vào thành xe...

Tuấn ra hành lang đứng xem phong cảnh...

Tuấn hồi hộp vô cùng. Trái tim của Tuấn rung động mạnh, giống như chuyến tàu chuyển đi vùn vụt tong đêm khuya. Tuấn lo nghĩ lan man về cuộc viễn du cũng như cuộc đời vô mục đích mà không biết ngày mai sẽ ra thế nào ? Tuấn còn nhỏ, đường còn xa, năm tháng còn dài thăm thẳm, rồi đây Tuấn ra Hànội sẽ làm được gì ? Sẽ đạt được gì ?

Lơ lửng giữa một xã hội nửa cựu, nửa tân, tuổi của Tuấn chưa un đúc được cái cũ, chưa thấm nhuần được cái mới, Tuấn tự cảm thấy bơ vơ lạc lỏng không ai chỉ dẩn. Hầu hết những chàng trai đất Việt đồng lứa với Tuấn, của thế hệ 1925-1932, đều phân vân nơỉ ngã ba đường của Lịch sử. Ghét Tây mà sợ Tây, mà phải học chữ Tây, đọc sách Tây. Một số thi đậu ra làm việc cho Tây để kiếm tiền nuôi mình, nuôi vợ con, giúp cha mẹ để đền ơn sanh thành, báo đáp công ơn dưỡng dục, ôm chữ hiếu để thờ mẹ kính cha, lấy chữ an thường thủ phận để bảo vệ đời mình.

Còn một số khác vẫn âm thầm óan hận, kết bạn kết bè, lê la những bước sống phiêu lưu ở ngoài rìa xã hội. Họ là thanh niên trí thức, học rông biết nhiều. Ngoài những sách vở của nhà trường, họ còn tìm hiểu thêm trong các ngưỡng cửa của trí óc, mở rộng nhãn tuyến của học vấn vô biên, của tư tưởng bao la, của kiến văn vô tận. Tuấn thèm thuồng đời sống tự do bay nhảy của hạng trẻ tài hoa tuấn tú ấy. Nhưng làm sao đây ? Tuấn sợ rằng mình bé nhỏ quá. Mình vô tài ? Mình bất lực ? Mình không có khả năng gì quán xuyến hơn người ? Nên rời ghế học đường, Tuấn đi phiêu lưu nơi " nghìn năm văn vvật" mà lòng ái ngại, trí lan man, chưa có gì ổn định cả.

Tàu hỏa đã qua nhiều ga, đã ghé nhiềutỉnh, nhiều thành phố mà Tuấn đã học thuộc lòng tong sách địa dư của nhà trường : Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Vinh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Ðịnh...

Người ta cho biết 6 giờ chiều tàu sẽ đến Hànội. Khỏi ga Văn Ðiển là ga gần Hànội, Tuấn đã thấy những trụ " giây thép gió " cao ngòng lố nhố tận nơi xa. " Hànội đấy ! Giây thép gió Bạch Mai đấy ! ". Một ông cụ người Bắc giả nhời cho Tuấn, khi Tuấn hỏi cụ.

Trên tầu, hành khách nhộn nhịp, sửa soạn hành lý, khỏi phải dọn dẹp gì cả, nhưng chàng cũng lo sợ, lỡ trong lúc lộn xộn xuống tầu, ai xách chiếc va li của chàng thì nguy... Chàng xách va li đứng nơi cửa sổ, nhìn phong cảnh đất Bắc, gần đến ngoại ô Thăng Long.

Tầu vùn vụt chạy ngang qua một cánh đồng, rồi bắt đầu chầm chậm, rú lên một hồi còi thánh thót...Một ao sen trắng...một ao sen hồng...rồi một dãy phố...một dãy phố...Tàu chầm chậm...chầm chậm...nhả khói...phịch...phịch...phịch...như một người thở hổn hển sau khi đã chạy hết một đường trường xa lắc xa lơ, hết hơi, mệt đứ đừ, vừa đến đích.

Ðối với Tuấn, thiếu niên 17 tuổi, quê ở một tỉnh nhỏ miền Trung, ga Hànội to lớn " ghê hồn ", kiến trúc đồ sộ hơn ga Huế, mặt văn minh hùng vĩ hơn. Ga Hànội làm cho Tuấn sợ, Tuấn thấy mình bé bỏng quá.

Chàng xách va li đứng yên trên bến tàu một lát để ghi vào trí nhớ những giây phút đầu tiên chàng để chân trên đất Thăng Long.

Rồi chàng len lỏi theo sóng người hành khách tay xách, tay cầm, chảy ào ạt ra cửa " sortie"

Ồ Hànội ! Hànội ! Giấc mộng say mê của chàng trai phiêu lãng đã hiện ra trong thực tế rồi đây ! Hànội rồi đây !

Tuấn đủng đỉnh bước xuống mấy bực thềm xi-măng của nền hè ga cao rộng. Xuống đến sân, chàng gọi chiếc xe kéo, hỏi người phu xe một câu ngớ ngẩn :

- Bác ơi bác, bác biết đường Général Bichot không ?

Người phu xe nhanh miệng đáp :

- Phố nào lại chả biết. Mời cậu lên xe, tôi đưa cậu đến nơi ngay.

Tuấn mừng quá, xáxh va li lên ngồi trên chiếc xe kéo không khác gì xe kéo ở Huế hay ở Quảng Ngãi, Qui nhơn. Nhưng bác "cu li " Bắc kỳ lanh lợi hơn và có vẻ sốt sắng hơn. Xe chạy qua mấy đường phố rộng thênh thang, và chạy mãi...Tuấn hỏi :

- Bác ơi, đường Général Bichot tới chưa ?

- Ðường gì cơ ?

- Général Bichot.

- Ở đây có phố Ni-Sô, tiếng An nam tức nà phố Quán Sứ ấy, chứ nàm gì có phố Bi-Sô.

Tuấn rất ngạc nhiên. Ðúng theo địa chỉ trong thư người bạn, thì anh ất ở Général Bichot, mà sao bác phu xe bảo không có. Bác ấy kéo đến đường Richaud ( phố Quán Sứ ) hỏi số nhà 27 thì không đúng. Tuấn bắt đầu phân vân lo sợ. Nhưng bác phu xe vẫn bình tỉnh, điềm nhiên bảo cậu khách trẻ tuổi ở quê xa :

- Cậu đừng có no...Tôi đưa cậu đến phố gì Sô ấy, chả việc gì mà no !

Tuấn cố hiểu lời nói của bác phu xe mà lần đầu tiên chàng nghe nói tiếng " L" thành ra " N". Ngồi trên xe, Tuấn vẫn không yên lòng. Chàng suy nghĩ mãi làm sao cái bác "cu li xe kéo" này không biết đường Général Bichot ở đâu mà cứ bảo chàng đừng lo, thế nào bác ấy cũng đưa chàng đến nơi đến chốn ?

Bác "cu li xe " chạy ba hồi bảy chập, loanh quanh các đường trong thành phố, rồi rốt cuộc, đến một ngã tư đại lộ, bác đặt gọng xe xuống lề đường, để Tuấn ngồi đấy. Bác chạy đến chỗ có hai ông "đội xếp "đứng gác đường, nói gì với họ. Một ông đội xếp tiến đến gần Tuấn :

- Cậu tìm phố nào ?

- Dạ thưa ông, đường Général Bichot.

Ông đội xếp trố mắt nạt bác cu li :

- Bichot, tức là phố Cửa Ðông, không biết à ?

Bác cu li khúm núm trả lời :

- Vâng, thưa thầy con biết ạ.

- Biết sao còn hỏi vớ vẩn ?

Ông đội xếp bỏ đi. Bác cu li kéo Tuấn đến một đại lộ ngắn nhưng rộng lớn. Tuấn ngó lên tấm bảng xanh đề chữ trắng tên đường đóng trên lưng chừng một cột đèn điện nơi góc phố : " Avenue Général Bichot ". Tuấn mừng quýnh, tìm số nhà 27. Ðúng là nhà trọ của anh bạn của Tuấn. Tuấn hỏi phải trả bao nhiêu tiền xe, người bạn nói ngay :

- Từ ga xe hỏa về đây đúng tariff 3 xu.

Bác cu li không bằng lòng :

- Sao nại 3 xu ? Tôi đưa cậu ấy đi chơi mát xuống tận mãi dưới Chợ Hôm, nên đến Yên Phụ rồi về đây, mà 3 xu nà thế nào ?

Bạn Tuấn cãi nhau với bác ấy một lúc khá lâu, dĩ nhiên là bác cu li cãi bướng và dùng rất nhiều lời thô tục. Trẻ con hàng xóm, cả người lớn nữa, bu đến thật đông để nghe câu chuyện. Rốt cuộc bạn của Tuấn lấy gỉa cho bác ấy năm hào. Bác vứt tiền xuống đất quát lên :

- Chạy khắp 36 phố Hànội mà bố thí cho người ta dăm hào ?

Tuấn sực nhớ có đọc trong tác phẩm của một văn hào Pháp chuyện một người Ba Tư tới Paris. Tuấn, cậu học trò ở tỉnh, lần đầu tiên đến Hànội, tay xách chiếc va li mây của nhà quê, đứng ngơ ngác trước đám đông người, y như chàng Ba Tư đến kinh đô Paris vậy...

Sau cùng người bạn phải trả cho bác cu li xe một đồng bạc y như lời bác ấy đòi.

giavui
06-25-2014, 05:27 PM
CHƯƠNG 22. Hà-nội 1927

- Lổ đạn đại bác " Souvenir de 1882 " trên thành Cửa Bắc.

- Các thắng cảnh. Hà-Nội so sánh tổng quát với Saigon.

- Nhà cụ Ngô Ðức Kế ở Bạch Mai. Ðám táng cụ Ngô Ðức Kế.

- Sinh viên, học sinh. Báo chí.

- Toà soạn báo L' Argus Indochinois, báo cách mạng của người Pháp chống thực dân Pháp, hô hào An Nam độc lập.

- "Đảng Ðộc Lập An Nam".

Tuấn quyết định để một tuần lễ, hoặc mười ngày, đi xem cho hết tất cả Hànội về tất cả mọi mặt, nhất là về phương diện lịch sử, phong tục, xã hội, văn hóa.

Tuấn nhờ một người bạn đồng hương, ở Hànội đã lâu học trường Cao đẳng Sư phạm, hướng dẫn Tuấn đi chơi khắp các phố phường nơi " nghìn năm văn vật ". Tuấn tự hứa sẽ tiếp tục lo học sau khi biết qua bộ mặt của kinh đô Thăng Long.

Một di tích làm cho Tuấn chú ý hơn cả ở đại lộ Carnot dọc theo bức thành Hànội cũ, kế cận Cửa Bắc đã bị bịt kín lại, có một lỗ thủng khá sâu và trên độ 5 tấc đường kính, ở phía trên có một tấm biển đồng đóng vào thành, chạm mấy chữ Pháp :

Souvenir de 1882

Vết lủng lớn bên trái cửa thành là do đạn đại bác của Pháp từ chiếc thuyền đậu trên sông Nhị Hà bắn vào thành lúc 5 giờ sáng ngày 8-3-1882, trước khi đổ bộ chiếm thành. Vua Tự Ðức phải ký hòa ước chịu để cho Pháp đô hộ toàn lãnh thổ " An Nam " sau khi thất thủ Hànội Tổng Ðốc Hoàng Diệu thắt cổ tự tử trong thành ngay sáng hôm đó.

Người Pháp giữ y nguyên Cửa Bắc và vết đại bác trên thành để làm kỷ niệm cuộc chiến thắng và đô hộ của họ. Phía dưới lổ đại bác có gắn tấm đồng : SOUVENIR DE 1882

Tuấn hỏi người bạn :

- Nếu tôi nhớ không lầm thì năm 1882, hải quân Pháp của đại tá Henri Rivière đậu ngoài sông Hồng Hà bắn đại bác vào thành Cửa Bắc trong lúc quân Pháp đổ bộ lên chiếm Hànội. Tổng đốc Hoàng Diệu thấy thành Hànội bị thất thủ liền treo cổ tự tử, có lẽ người Pháp đóng tấm biểng đồng nơi đây là đễ kỷ niệm một viên đạn của Pháp đã làm thủng thành Cửa Bắc, và do đó mà thành Hànội bị thất thủ, và vua Tự Ðức phải ký hiệp ước nhìn nhận nước Pháp bảo hộ xứ Bắc kỳ. Tấm biểng bằng đồng đó, theo cảm nghĩ của Tuấn, là một cái nhục lớn cho nước Việt Namvà cho dân Việt Nam. Tuấn không hiểu sao cho đến năm 1927 người Pháp vẫn còn để y nguyên kỷ niệm ấy trên thành Cửa Bắc ? Tại sao các báo và các nhà trí thức Annamở Hànội không có lên tiếng yêu cầu viên Toàn Quyền Pháp cho gỡ tấm biểng ấy đi ?

Có lẽ người Hànội thường qua lại trên đại lộ Carnot ( tục gọi là phố Cửa Bắc ) trông thấy tấm biểng đồng kia đã quen mắt rồi nên không còn cảm thấy chút sỉ nhục nào nữa chăng?

Tuấn ngắm tượng Paul Bert ở vườn hoa ở cạnh tòa Ðốc lý, tên Bờ Hồ, tượng " Bà Ðầm Xoè "ở vườn hoa Cửa Nam, cũng như đài kỷ niệm trận vong chiến sĩ Pháp ở vườn hoa Puginier, chỉ thấy có mỹ thuật mà không thấy có gì là khêu gợi Quốc hận và Quốc sỉ như hai giòng chữ vắn tắt khắc trên tấm biểng đồng Cửa Bắc.

Phong cảnh thiên nhiên ở Hànội theo người bạn cho Tuấn biết thì nghìn năm không thay đổi. Chung quanh Bờ Hồ có vài chục cây dương liễu, từ trước đến giờ vẫn buông rủ những " màn tơ " thơ mộng. Tháp Bút, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, vẫn là nơi gặp gỡ của những khách thừa lương, mà phần đông dĩ nhiên là những bạn trẻ. Buổi chiều, từ khỏang 5-6 giờ, trên một khoảng đất trống trên Bờ Hồ sau ga " tàu điện " ( tramway ), và đầu phố Cầu Gỗ, người ta bày la liệt những bàn vuông nho nhỏ để bán kem và kẹo dừa cho khách nhàn du. Bọn trẻ con chơi trên các bãi cỏ gần đấy thường hát một bài hát khôi hài, theo điệu một bài hát Tây rất được phổ biến trong dân gian hồi đó :

Mình ơi có đi Bờ Hồ
Cùng nhau chén kẹo kem dừa
Xin mình ( là mình) đừng từ chối
Túi ta có mười đồng xanh
Cứ đi là đi mình nhé !
Nếu cô mình muốn sắm cái chi
Áo vàng, ô tây, bít tất phín, giầy cườm, ô đầm !

Tuy là bài hát của học sinh và trẻ em nhưng Tuấn vẫn thường nghe sinh viên vui mồm hát chơi luôn và cả người lớn nữa.

Cũng trên đường Francis Garnier dọc theo Bờ Hồ, gần hiệu sách Nam Kỳ, có một tiệm kem, rất đông khách, nơi hẹn hò của những đôi trai gái có chút ít tiền xốc-xếch trong túi. Ðây là hiệu kem đầu tiên bài trí " vui vẻ trẻ trung " và cũng là tiệm kem độc nhất của cả thành phố Hànội.

Khác hơn Saigon, Hànội có vẻ một thành phố văn hóa nhiều hơn, và không có những tiệm ăn ở khắp các ngã tư đường như ở Saigon. Cả Hànội chỉ có vài tiệm ăn sang trọng của Hoa Kiều ở phố Hàng Buồm, phố Hàng Long, bán toàn các món ăn Tàu. Tuấn chưa có lần nào bước chân vào đây vì lẽ không có tiền. Rải rác có những hàng phở ở các phố gần chợ, như phố Chợ Hôm, Ô Chợ Dừa v.v... Ở Ô Chợ Dừa, có một tiệm con con chuyên bán thịt chó. Ở phố Hàng Cân có vài tiệm bán chả cá. Phố Hàng Nén có một tiệm phở đông khách nhất, là tiệm Nghi Xuân, đặc biệt có phở tái sách.

Sở dĩ Hànội có rất ít tiệm ăn vì người Hanội ít thích đi ăn tiệm. Cơm khách, tiệc tùng, đều đãi ở gia đình. Các món qùa vặt, ngoài các bửa ăn, đều mua của các gánh hàng rong, nhiều nhất là phở, mỗi tô 3 xu.

Sau khi Tuấn đến Hànội một vài hôm, Tuấn bảo một người bạn :

- Tôi muốn đi thăm cụ Ngô Ðức Kế. Anh biết địa chỉ của cụ không ?

Bạn Tuấn biết, nhưng chưa đến thăm cụ lần nào, chỉ nghe danh cụ là bạn thân của cụ Phan bội Châu, Phan chu Trinh, Huỳnh thúc Kháng. Cụ có ở tù ở Côn Lôn với cụ Huỳnh, và sau khi được phóng thích về Hànội cụ mở tờ tạp chí Hữu Thanh.

Bạn Tuấn dắt Tuấn đi ngã tư Bạch Mai. Lên tàu điện từ đầu Bờ Hồ, mua mỗi vé 1 xu, Tuấn được bạn chỉ cho dọc đường đại lộ Francis-Garnier, Ðồng Khánh, Dốc Hàng Gà, Route de Huế ( chợ Hôm ) Ô-cầu đền rồi thẳng xuống ngã tư Trung Hiền, Bạch Mai, nơi cuối đưòng tàu điện. Nơi đây có nhà cụ Nghè Ngô Ðức Kế. Hai cậu học trò quê mùa thấy nhà Cụ đóng kín, đứng mãi một lúc ngoài hè, không dám gọi cửa. Một lúc, một thiếu nữ đi chợ về, hỏi :

- Hai cậu tìm ai ?

Tuấn đáp :

- Thưa cô, chúng tôi từ Trung kỳ ra Hànội học, muốn đến viếng cụ Nghè Ngô.

Thiếu nữ mặc y phục Bắc, đầu quấn vành khăn nhung đen, bỏ thòng xuống một đuôi tóc ngắn sau ót, áo cổ thấp, vạc dài đến quá đầu gối. Dĩ nhiên hai cậu học trò cũng mặc quần áo " Annam" như hầu hết học sinh lúc bấy giờ. Thiếu nữ mở cửa :

- Mời hai cậu vào.

Nhà dưới trống trơn, không có người. Ði thẳng ra sau, cô đưa hai cậu học trò bước cầu thang lên gác. Vào cửa, cô bảo hai cậu ngồi ghế. Ðây là một chiếc bàn khách với bốn chiếc ghế. Trên tường treo bốn bức ảnh lồng kính : hai cụ Phan, cụ Huỳnh và cụ Ngô.

Hai cậu học trò nghe tiếng một ông già ho sù sụ ở phía sau bức bình phong. Cô thiếu nữ vào đấy một lát rồi trở ra khẽ bảo :

- Cụ tôi mệt, phải nằm nghỉ trên ghế xích đu, phía sau bình phong, mời hai cậu vào.

Tuấn và bạn Tuấn đi guốc nhè nhẹ, rón rén vào. Trông thấy một cụ già ốm yếu ngồi trên ghế xích đu bằng mây và đang ho, hai cậu cúi đầu chào :

- Lạy cụ ạ.

Cụ Ngô đức Kế nói tiếng Nghệ An, rất yếu ớt :

- Mời hai cậu ngồi.

Có sẵn hai chiếc ghế kê sát tường.

Tuấn lễ phép :

- Thưa cụ, trước khi ra Hànội con có đến toà báo Tiếng Dân thăm cụ Huỳnh thúc Kháng. Cụ Huỳnh có trao con một bức thư để đưa lại cụ.

Tuấn lâý trong túi áo ra một phong thư có tên và địa chỉ báo Tiếng Dân in nơi góc trên, trao cụ Ngô. Cụ mở ra xem rồi nói :

- Cụ Huỳnh nhờ tôi viết bài cho báo Tiếng Dân, nhưng cụ không biết là dạo này tôi yếu lắm, viết lách gì được đâu.

Xong cụ Ngô hỏi han việc học hành của hai cậu khách trẻ tuổi, và có đôi lời khuyên bảo :

- Các cậu học theo tây học, nhưng nên nhớ rằng ta chỉ học theo cái hay của họ, mà đừng học theo cái dở. Học mà không trọng đạo đức và tinh thần ái quốc, như cái bọn Phạm Quỳnh, thì thà đừng học...

Nói bấy nhiêu đó, xem chừng cụ đã mệt, nên cụ không nói nữa. Cụ cúi đầu xuống ho một hồi lâu, trông rất đáng thương.

Hai cậu học trò kính cẩn cáo biệt, sau khi để lại địa chỉ cho cụ theo lời cụ bảo. Không ngờ hai hôm sau, cô thiếu nữ là cháu gọi cụ bằng bác, đến nhà hai cậu để tin cho biết cụ Ngô đức Kế vừa từ trần. Ðám táng sẽ cử hành ngay chiều hôm đó theo lịnh của Sở Mật Thám bắt buộc.

Tuấn và bạn Tuấn vô cùng xúc động, liền nhờ bà chủ nhà trọ đi mua gấp giùm cho mấy thước vải trắng, hai cậu lấy một que tre lớn chấm vô bình mực viết trên vải mấy chữ :" Khóc cụ Ngô Tập Xuyên "

Tập Xuyên là bút hiệu của cụ.

Phơi nắng vài giờ đã khô, hai cậu học trò cuốn tấm vải rôì đi Bạch Mai để kịp phúng điếu và đưa đám cụ. Theo cô cháu cụ cho biết thì sở Mật thám Pháp bắt buộc đám táng cụ phải cử hành lúc 5 giờ chiều hôm đó ( cụ chết lúc 5 giờ sáng ) nhưng lúc 3 giờ chiều hai cậu học trò đến nhà cụ thì được biết là đám táng đã đi lúc 2 giờ. Vì Mật thám đã trở lại lúc 12 giờ trưa, bắt buộc phải đổi thời khắc biểu, không cho phép cử hành lúc 5 giờ, sợ dân chúng đi đưa cụ đông đảo. Nghe bà u gìa nói lại thì đám táng của cụ Ngô chỉ có nhân viên mật thám đi đưa mà thôi, còn tất cả bạn bè thân thuộc đều không được phép đi theo quan tài cụ. Ba vòng hoa cườm được đem theo. Còn tất cả các vòng hoa tươi, và đôi liễn, trướng, đều phải để lại nhà.

Hai cậu học trò thất vọng và tức tối, chỉ được vào lạy bốn lạy trước bàn thờ của cụ rồi ra về.

Tuấn nghe các cụ đi phúng điếu nói với nhau rằng Mật Thám Pháp bắt buộc gia đình cụ Ngô đức Kế phải tống táng cụ vội vàng, lúc 2 giờ thay vì 5 giờ như đã báo trước, là vì họ rút kinh nghiệm ở đám táng của cụ Lương ngọc Can, cũng là một bậc lão Nho cách mạng trứ danh ở Bắc Hà, cùng một lớp với các cụ Phan bội Châu, Nguyễn thượng Hiền, Ngô đức Kế.

Một nhà lãnh đạo của Ðông Kinh Nghĩa Thục, bị kết án lập " hội kín " mục đích phá rối cuộc trị an của nhà nước bảo hộ, cụ cử Lương ngọc Can cũng bị tù đày, và mãn hạn tù về ở căn phố của cụ, bán tơ lụa phố Hàng Ðào ( rue de la Soie). Vì cụ là một bậc bô lão cách mạng đã nổi tiếng, lại là một nhà nho uyên bác, một Danh nhân có cốt cách quân tử, rất được dân chúng Hà thành kính phục, cho nên hôm cụ mệnh chung, cả thành phố Hànội đều xôn xao xúc động. Trong không khí cách mạng còn đang sôi nổi lúc bấy giờ, đám táng của cụ Lương ngọc Can tự nhiên thành ra một đám táng lớn nhất nước, có cả hàng vạn người tham dự, nhất là sinh viên trường Cao đẳng Ðông Dương (Ðại học Hànội ) và học sinh trường Trung Học Bảo Hộ, tục gọi là trường Bưởi (collège du Protectorat ), trường Trung học Pháp-Việt duy nhất của Hànội thời bấy giờ.

Tuy không được vĩ đại như đám táng của cụ Phan chu Trinh ở Saigon mấy năm về trước, nhưng cụ Lương ngọc Can cũng được đám táng cực kỳ long trọng, mà ý nghĩa chính trị và cách mạng là một thách đố đối với chính quyền Pháp, nhất là sở Mật thám Bắc kỳ.

Ai cũng biết rằng đám táng Lương ngọc Can là một tượng trưng đúng hơn là một sự kiện lịch sử : ban tổ chức gồm những nhà cách mạng lão thành và những sinh viên ái quốc hăng hái nhất của trường Cao đẳng, muốn tỏ cho người Pháp thấy rằng mặc dầu ở dưới quyền cai trị của Bảo hô Pháp, dân chúng Việt Nam vẫn sùng bái những nhà chí sĩ của họ, những bậc lão nho cách mạng đã bị Pháp kết án tù đày. Dĩ nhiên là người Pháp căm giận lắm và sở Mật thám Bắc kỳ tìm cách hăm dọa ban tổ chức sau khi đám táng đã xong.

Rút bài học kinh nghiệm đó, họ đã ngăn cản đám táng cụ Nghè Ngô đức Kế không cho cử hành long trọng. Hơn nữa, họ túc trực ngay tại nhà cụ Ngô và làm xáo trộn hết chương trình các lễ nghi, không kịp để thì giờ cho những ngươì đến phúng điếu. Họ truyền lịnh đem chon cụ vội vàng, tức tốc, sau khi lịm xong, vào quan tài, và buộc con cháu cụ làm lễ phục tang nội buổi sáng ấy.

giavui
06-25-2014, 05:27 PM
Cho nên lúc 3 giờ chiều, Túân đi với ba bạn học sinh quê quán miền Trung đến phúng điếu cụ, thì các cậu ngơ ngác bị một người lính mã tà ngồi gác cửa nhà cụ Nghè Ngô, cho biết đám táng đã đi từ lâu. Ba đứa bạn ở lại đây, còn Tuấn hỏi thăm, người ta chỉ đường, lật đật chạy đến mộ cụ. Tuấn tới trong lúc đã chon xong. Ði đưa đám, trừ con cháu của cụ độ năm ba người chit khăn trắng và khóc nức nở, chỉ còn toàn là nhân viên sở Mật thám Bắc kỳ, người An nam, mặt mũi người nào cũn gdữ tợn, đôi mắt như cú vọ đăm đăm ngó Tuấn. Nhưng Tuấn lì lợm, tự xét rằng mình đi đưa đám ma một ông cụ già, chớ không làm điều gì nên tội, nên cóc sợ.

Thanh niên học sinh thởi bấy giờ hiền lành lắm. Chỉ có đám sinh viên Cao đẳng là hăng hái mà thôi. Cả thành phố Hànội chỉ có một trường Trung học Bảo Hộ của Nhà Nước và trường Nữ Trung học đường Ðồng Khánh. Không kể trường Trung Học Pháp Lycée Albert Sarraut mà đại đa số là học sinh Pháp, còn học sinh An nam toàn là con nhà giàu và con các quan. Ngoài ra chỉ có hai Trung học tư thục An nam : " Thăng Long, Gia Long, và một trường Trung học tư thục Pháp, Lycée Hồng Bàng.

Còn thì toàn là các trường Tiểu học cả. Phải nói ngay rằng toàn thể các học đường ở Hànội cũng như ở các thành phố khác, đều có một kỷ luật rất nghiêm khắc.

Các trường tư cũng thế. Tất cả học trò đều lo chăm chỉ học hành, và luôn luôn giữ gìn hạnh kiểm rất đứng đắn. Phong trào " cao bồi ", " lưu manh " chưa có. Ða số học sinh hãy còn mặc quốc phục : quần trắng, áo dài đen, mang quốc. Số học sinh mặc âu phục cũng bắt đầu khá đông, nhưng hầu hết là mặc nguyên bộ costume, áo veste, đeo cravate, chớ không bao giờ mặc áo sơ mi trần. Lý do là theo phong tục người Bắc, ra đường phải y phục chỉnh tề. không thể cẩu thả được. Cũng vì lý do ấy, các trẻ em thiếu niên 9,10 tuổi ra phố cũng mặc áo dài. Thiếu nữ không bao giờ được mặc áo cánh, áo cụt, áo " bà ba " kiểu Saigon, dù là con nhà lao động nghèo khó.

Trò Tuấn mặc âu phục loại vải rẻ tiền, và tiếp tục học thi tú tài Pháp ( Baccalauréat metropolitain. Gọi tắc là : Bac, Métro ). Trò học thêm Anh ngữ trong quyển sách Anh ngữ tự học dạy bằng tiếng Pháp " L' Anglais Sans Maitre " hơn 30 bài, của giáo sư Xavier de Bouge. Học trong 6 tháng, chuyên cần mỗi ngày 2 tiếng đồng hồ là có thể viết được thông thạo, đọc được, nói được tiếng Anh.

Ngoài ra, Tuấn được giới thiệu với hiệu sách Nam Ðồng thư xã, ở góc phố Hàng Bồ ( rue des Paniers) xế rạp chớp bóng Ciné Moderne. Hiệu sách naỳ là một căn phố hẹp chuyên bán sách Quốc ngữ về các loại Lịch sử và chính trị. Sách mỏng, bìa mỏng đủ các màu và bán rất chạy.

Tuấn mua nơi đây những cuốn sách được dân chúng nhất là những thanh niên học sinh và sinh viên hoan nghênh nhất thời bấy giờ. Sách của Nam Ðồng thư xã được phổ biến sâu rộng về các nhân vật của Lịch sử Cách mạng Trung Hoa Quốc Dân Ðảng, dịch trong các sách Tầu xuất bản ở Thượng Hải như : Hồng Tú Toàn, Tam Dân chủ nghĩa, Tôn trung Sơn, Trình dục Tú, Hồng Hiên đế chế, Ẩm băng của Lương Khải Siêu, Mã chiếm Sơn ; Tưởng giới THạch, Lịch sử HoànG Hoa Cương v.v...

Nhiều câu thơ Tàu, dịch ra thơ Việt. có tính chất cách mạng, được thanh niên An nam học thuộc lòng, như bốn câu thơ in trên bìa Trịnh Dục Tú :

Chàng như mây mùa Thu,
Thiếp như khói trong lò
Cao thấp tuy có khác,
Một thả cùng tuyệt vời.

Có thể nói rằng thanh niên của thế hệ 1927 rất ham đọc những sách của nhà xuất bản Nam đồng thư xã, và hầu hết đều tiêm nhiễm tư tưởng chính trị và cách mạng của Trung Hoa Quốc Dân Ðảng.

Song song với việc học tiếp tục chương trình " tú tài Tây ", Tuấn tìm đọc vồn vập lấy, như khao khát thèm thuồng, các sách của Nam Ðồng thư xã, Hànội, chuyên về chính trị và cách mạng do lớp trí thức đàn anh viết, hoặc dịch ra. Ðồng thời, các sách của Quan Hải Tùng Thư ở Huế, và của Nữ Lưu thư quán ở Gò Công ( Nam kỲ ), đều được các thanh niên học sinh, như Tuấn, dùn glam sách để đầu giường.

Ba loại sách khác hẳn nhau về nội dung cũng như hình thức, nhưng tựu trung vẫnđào tạo cho thanh niên một tinh thần cách mạng, và bồi dưỡng lòng ái quốc hăng say. Loại sách Namđồng Thư xã của Nhượng Tống phần nhiều là dịch thuật theo các sách cách mạng của Trung hoa dân quốc. Sách Quan Hải tùng thư của Ðào duy Anh và Trần thị Như Mân chuyễn dịch, hoặc biên soạn sơ lược, về đại cương cá vấn đề phổ thông, về chính trị kinh tế, lịch sử, theo các tác giả Tây phương. Loại sách này, có lợi ích cho sự giáo hóa chánh trị, được các học sinh Trung Kỳ và Bắc Kỳ hoan nghênh nhiều hơn. Trái lại, sách của Nử lưu thư quán ở Gò Công mỗi tháng xuất bản hai quyển, bìa vàng in chữ đỏ, do cô Phan thị Bạch Vân và một nhóm chủ trương, được bán ở Nam Kỳ chạy hơn ở Trung và Bắc. Ðây là loại sách mỏng khuôn khổ một tờ giấy báo gấp thành 32 trang, và hoàn toàn sáng tác về những đề taì chính trị và cách mạng. Ngoài ba loại sách kể trên, thanh niên học sinh còn ham đọc các báo chính trị như :

L'Argus Indochinois ( Pháp văn ) do ông Amédée Clémenti xuất bản ở Hànội.

Tiếng Dân của cụ Huỳnh thúc Kháng ở Huế.

La Cloche Fêlée ( Pháp văn ) của Nguyễn an Ninh ở Saigon.

Ðó là ba tờ báo nổi danh nhất và được giới thanh niên học sinh " có đầu óc " và một số sinh viên trường Cao đẳng Hànội ham thích nhất.

Nhưng lần đầu tiên, Tuấn bị một thất vọng chua-chát trong lúc tuổi trẻ còn những nhận xét trong trắng, ngây thơ. Vốn là độc giả trung thành từ lâu của tờ báo L' Argus Indochinois, từ lúc còn là một cậu học trò lớp Ðệ Tam Niên ở " Collège de Qui Nhon " Tuấn bây giờ học ở Hànội, tìm đến toà báo L'Argus Indochinois ở số nhà 12 đường Doudart-de-Lagrée, người Việt gọi là phố Hàm Long. Chàng đến đây có hai mục đích : để trả tiền mua tiếp tục 1 năm báo, và để được " yết kiến "ông chủ nhiệm Amédée Clementi mà chàng vẫn tôn kính và khâm phục những bài báo hăng hái đòi độc lập cho nước Annam, và kịch liệt công kích chính sách thuộc địa Pháp ở Ðông Dương. Sở Mật Thám Pháp ở Hànội ghét ông ấy lắm. Ðáng phục hơn nữa vì ông là người Pháp, mà ông viết bài chửi Pháp và bênh vực ngươì Annamcòn mạnh hơn người Annamnữa.

Tuấn đến nơi cổng số 12 đường Doudard de Lagrée thấy cổng cài then, đóng chặt. Nếu không có tấm bảng bắt ngang qua hai trụ ngõ, thì Tuấn không thể biết đó là toà báo. Trên bảng được ghi bằng những nét đậm mấy giòng chữ sau đây :

L'Argus Indochinois
Journal de combat contre l'injustice et l'oppression.
Directeur : AmédéeClémenti.

( Minh Trĩ Ðông Dương, tờ báo chống bất công và áp bức )

Trên trụ cổng bẹn phải, lại còn có đóng chặt một tấm bảng quảng cáo như sau đây :
L'argus Indochinois est un journal d'opposition, car il crie : Vive l' Indochine !

( Minh Trĩ Ðông Dương là một tờ báo đối lập, vì nó kêu lên : Ðông Dương vạn tuế ! )

Tuấn bấm chuông điện. Một lúc lâu, một u già đủng đỉnh ra mở cổng. Tuấn vào sân. U già bảo : " Muốn gặp ông chủ thì cậu cứ đi lên gác. Ði vòng ngã sau có cầu thang ".

Tuấn hơi lo lo... Ai mà chả lo khi tìm đến " yết kiến "ông chủ nhiệm một tờ báo lớn, lại là tờ báo cách mạng, của một ông Tây mà trí thức toàn quốc ai cũng kính phục ?

Tuấn rón rén bước lên cầu thang, mong đừng có ai nghe tiếng bước của chàng. Chàng gõ cửa phòng đang được khép kín. Có tiếng đàn bà từ trong nói vọng ra:

- Entrez ! ( mời vào )

Tuấn khẽ mở cánh cửa ra, thấy một ông Tây đang nằm hút thuốc phiện và một người đàn bà Annamtrẻ đẹp ngồi bên cạnh. Tuấn hết sức ngạc nhiên, và bỡ ngỡ chưa biết là ai, nhưng cũng lễ phép cúi đầu chào. Người đàn bà Annamnhã nhặn đáp lễ rồi hỏi bằng tiếng Pháp - một tiếng Pháp rất lưu loát, giọng nói rất hay, tuy là giọng Bắc :

- Anh đến có mục đích gì ?

Tuấn cũng trả lời bằng tiếng Pah1p. Và từ đây câu chuyện toàn bằng tiếng Pháp giữa ông Tây, người đàn bà Annamkia và Tuấn :

- Thưa bà, tôi đến mua tiếp một năm báo ( Tuấn móc túi lấy tiền đưa cho bà)

- À ra thế ? ( Bà nhận tiền và nói tiếp : Ðể tôi sẽ viết biên lai ngay bây giờ cho anh. Anh chờ một phút )

Ông Tây nằm cạnh bàn đèn thuốc phiện, ngó Tuấn :

- Ðộc giả trung thành mua báo L'Argus Indochinois và trả tiền song phẳng như anh, thật là hiếm lắm. Có khi chúng tôi gửi liên tiếp ba lá thư nhắc nhở, họ mới chịu mua bưu phiếu gửi cho chúng tôi.

Người đàn bà Annamtiếp lời :

- Vì thế nên chồng tôi chán lắm, nhiều khi muốn giải nghệ. Làm báo ở Ðông Dương là một nghề rất bạc bẽo. Cũng may là có tôi ở đây để lên giây tinh thần cho nhà tôi (Ðúng câu của bà : Heureusement que je là pour remonter le moral de mon mari )

Trong lúc ông chồng Pháp tiếp tục hút thuốc phiện, bà vợ Annamtrẻ đẹp đứng dậy, lại bàn ngồi viết. Xong bà trao cho Tuấn một tấm biên lai nhận tiền mua báo 12 tháng, với tên ký rất đẹp :" Mme Amédée Clémenti ".

Bấy giờ Tuấn mới biết chắc rằng ông Tây nghiền á-phiện đích là Amédée Clémenti, và người đàn bà Annamnói tiếng Tây giỏi kia là vợ chính thức của ông.

Tuấn rất phục bà vợ, nhưng grất thất vọng về ông chồng. Một nhà báo Pháp cự phách, thần tượng cả một thế hệ thanh niên cách mạng Annam, lại là một dân nghiện thuốc phiện đáng khinh.

Từ thuở bé, Tuấn đã ghê tởm những người nghiện thuốc phiện. Nguyên nhân là ở ngay trong lòng của Tuấn có một người chú họ làm nghề buôn quế, thường đi tỉnh này tỉnh nọ, mà Tuấn rất ghét và luôn luôn xa lánh vì người ấy nghiện thuốc phiện lại còn đau bịnh "tim la". Mỗi lần về quê nghỉ hè. Tuấn đi dạo chơi trong xóm, hễ trông thấy "ông nghiền "ấy chỗ nào là Tuấn tránh đi chỗ khác. Cho nên Tuấn có thành kiến thực là ngây thơ rằng chỉ hạng người bần tiện, những kẻ ăn chơi, đĩ điếm, bọn thất học mới ghiền thuốc phiện.

Không gnờ ông chủ nhiệm L'Argus Indochinois, một nhà cách mạng Pháp, tranh đấu không ngừng cho nền độc lập của Việt Nam, một người mà Tuấn rất kính phục, tôn sùng mỗi khi đọc những bài xã luận đanh thép trên tờ báo Pháp-văn của ông, người ấy, hôm nay chính mắt Tuấn trông thấy, lại là một tên nghiền thuốc phiện như người chú đau tim-la ở nhà quê.

Ôi, Tuấn thất vọng xiết bao !

Dĩ nhiên là cảm tình của Tuấn đối với ông Amédée Clémenti bị sút đi nhiều, và Tuấn cứ thắc mắc về cá nhân của nhà báo cách mạng ấy. Trẻ tuổi và ngây thơ, Tuấn cứ tưởng rằng một người làm cách mạng, có những tư tưởng siêu việt tất nhiên là một người hoàn toàn đáng kính đáng quí, một vĩ nhân siêu quần bạt chúng.

Tuy nhiên Tuấn vãn tiếp tục đọc tờ báo L' Argus Indochinois. Nhờ đó mà Tuấn hấp thụ được rất nhiều tư tưởng mạnh mẽ, trong sạch, cao siêu, về chính trị, về cuộc tranh đấu chống bất công và áp bức, chống chủ nghĩa thực dân. Tuấn quí tờ báo đó cho đến nổi mỗi tuần nhận được nó, vào lúc 8 giờ sáng mỗi ngày thứ tư, do người phát thư Chà Và của nhà Bưu điện đưa đến tận nhà là Tuấn bỏ buổi học, nằm nhà đọc nghiền ngẫm cho hết bốn trang báo lớn. Cái đặc điểm của báo L' Argus Indochinois là in trên giấy satiné xanh, trong lúc tất cả các tờ báo khác đều in trên giấy trắng.

Mỗi năm xuất bản một lần, và số nào cũng đăng toàn những bài cách mạng chửi Tây lkịch liệt, côn gkích chính sách thực dân Pháp thậm tệ, và luôn luôn hăng hái hô hào cho An nam độc lập. Có một số báo đăng kín cả 8 cột trang nhất một bài dài của ông Amédée Clémenti, nhan đề là " Le Parti de l'Indépendance Annamite" (đảng Ðộc Lập An nam ). Trong bài ấy, ông chủ nhiệm kiêm chủ bút người Pháp đưa ra đề nghị thành lập một chính phủ Ðộc Lập Annamvới những nhân vật sau đây :

Tổng Thống : Phan Bội Châu

Thủ tướng : Huỳnh Thúc Kháng

Và các bộ trưởng : Dương bá Trạc, Nguyễn thế Truyền, Nguyễn An Ninh, Phan văn Trường v.v...

Toàn là những nhà cách mạng ViệtNam, danh tiếng nhất lúc bấy giờ.

Bài báo đó, làm xôn xao dư luận các giới trí thức và sinh viên cả Tây lẫn Nam, không những ở Hànội, mà cả ở Huế và Saigon. Sau đó, xẩy ra hai vụ khíến báo L' Argus Indochinois càng quyết liệt đã kích phủ Toàn Quyền, phủ Thống Sứ và ty Mật Thám Bắc Kỳ.

Vụ thứ nhất là đêm thứ bảy tuần đó có người lẻn đến dán trên cổng tòa báo một tờ " cảnh cáo " của một bọn người vô danh tự xưng là " nhóm người ái quốc " hăm giết Amédée Clémenti.

Ông chủ nhiệm báo L' Argus Indochinois, làm bản kẽm tờ " cảnh cáo ấy "đăng lên báo, và nhất quyết rằng tác giả mạo danh " một nhóm người ái quốc " không ai khác hơn là viên Chánh Mật Thám Bắc Kỳ với sự đồng lõa của Phủ Toàn Quyền và Phủ THống Sứ.

Vụ thứ hai, là một buổi sáng thứ bảy, ông Amédée Clémenti được tin đêm hôm trước người chef typo ( cai ê-kíp thợ sắp chữ ) của báo L'Argus Indochonois bị mẹ mìn dụ dỗ đem đi mất tích. Ông Clémenti loan tin ấy trên báo của ông, và cũng quả quyết rằng " tên mẹ mìn "ấy không ai xa lạ hơn là Chánh Mật Thám Bắc kỳ.

Nên nói thêm rằng lúc bấy giờ Hànội đang xôn xao về phong trào " mẹ mìn". Mẹ mìn là nhữn gco mẹ đàn bà bình dân, đo lang thang các phố và dùng một thứ bùa ngải bí mât gì đó làm mê những người đi đường, khiến những ngươì này đi theo họ. Ðó là một hình thức bắt cóc bằng bùa ngải. Thường thường mẹ mìn hay bắt người lao động đem bán cho các " Hội Ðồn Ðiền Cao Su và Hầm Mỏ " Pháp để các Hội này chở họ qua Tân Thế Giới dùng làm nhân công rẻ tiền.

Nguyên nhân phong trào mẹ mìn, theo dư luận các giới cách mạng Annam là người Pháp mộ phu đồn điền khó khăn lắm, vì bị đi làm phu đồn điền ( các đồn điền cao su của Pháp ở Nam Kỳ ), không khác nào bị đi đày khổ sai chung thân vậy. Ðó chỉ là một luồng dư luận ở Bắc Kỳ. Thỉnh thoảng mẹ mìn cũng bắt trẻ con đem đi bán ở nơi xa. Nhưng chưa ai nghe mẹ mìn bắt đàn bà con gái.

Phong trào mẹ mìn chỉ sôi nổi một dạo, rồi dần dần biến biến mất vì một số " mẹ mìn "đã bị " lính mã tà ", tức là lính mật thám theo rõi, bắt được quả tang, và bị tù.

Ðặc biệt về vụ anh cai thợ sắp chữ của báo L' Argus Indochinois, thì dư luận cho rằng anh ta bị lính mật thám bắt, rồi phao tin là bị mẹ mìn. Có lẽ anh bị mật thám bắc cóc để điều tra về tờ báo L' Argus Indochinois và ông Amédée Clementi.

Nhưng tờ báo này vẫn tiếp tục ra đều đều mỗi tuần, không bị lôi thôi hay thiệt hại gì cả.

Tuấn để dành báo L' Argus Indochinois trọn bộ, không mất một tờ. Vẫn để các bạn bè truyền tay nhau xem, nhưng rồi Tuấn cũng cố đòi lại cho kỳ được, để giử đủ số. Nghỉ hè, Tuấn dồn hết mấy chồng báo ấy vào va li đem về quê, giấu kín trong cái rương lớn của gia đình, rương này mẹ của Tuấn dùng để cất những vật được coi nhu quí giá : tiền bạc, đồ đồng, đồ vàng, quần áo đắt tiền v.v...

Tuấn yên chí rằng cất mấy chồng báo L' Argus Indochinois cũ trong cái rương rộng lớn và đóng kín này, thì chắc chắn không bao giờ mất được, để ngày sau, khi Tuấn lớn lên, sẽ coi lại và sẽ dùng làm tài liệu lịch sử.

Ba năm sau, Tuấn đang học ở Hànội, được giây thép trong nhà gởỉ ra báo tin cha của chàng qua đời. Tuấn vội vàng về quê. Ðến nhà thì gặp ngay lúc người ta đang liệm xác cha. Mẹ chàng vô tình đã lấy tất cả chồng báo L'Argus trong rương, trên 200 tờ, đưa hết cho mấy người dân làng dùng lót trong quan tài và đệm hai bên để cha chàng được nằm " chặc chẽ ấm cúng " trong hòm.

Trông thấy thế, Tuấn không dám phản đối. Nhưng, trong lúc chàng đau đớn khóc cha, gục đầu trên nắp quan tài, chàng khóc luôn cả 200 tờ báo quí của chàng sẽ bị chôn vùi với cha và sẽ mục nát thành ra đất bụi.

giavui
06-25-2014, 05:28 PM
CHƯƠNG 23. 1927-1930

- Thế hệ Nguyễn-Thái-Học.

- Sách báo cách mạng của Việt Nam Quốc Dân Ðảng.

- 9-2-1929, chiều 30 Tết, tiếng súng lục nổ ở đường Chợ-Hôm, giết chết Tây René Bazin.

- Léon-Sanh ở toà báo L' Ami du Peuple Indochinois.

- V.N.Q.D.Ð. khởi-nghĩa.

Thế hệ sinh viên và học sinh Việt-Nam từ ngày cụ Phan Bội Châu về nước, năm 1925, đến ngày khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Ðảng, năm 1930, có thễ gọi là thế hệ Nguyễn thái Học. Mặc dù Tuấn hãy còn là một cậu học sinh quê mùa ngây ngô, nhưng chàng đã bắt đầu lớn lên trong thế hệ đó nên đã chịu rất nhiều ảnh hưởng của các trào lưu ái quốc đang ngấm ngầm xáo trộn các từng lớp tuổi trẻ, hoặc đã vùng dậy, đã bùng lên, trong các lớp đàn anh.

Tuy đa số học sinh, sinh viên chăm lo học hành, chỉ cốt thi đậu ra "làm việc Nhà Nước ", lánh xa các phong trào cách mạng, hầu hết là bí mật, nhưng những phần tử thanh niên được tiêm nhiễm tư tưởng ái quốc đã biết kết hợp lại với nhau mặc dù không tổ chức và thiếu người dẫn dắt. Mạnh nhất và sâu đậm nhất là ảnh hưởng của văn hóa và lịch sử. Hầu hết lớp thanh niên Trung Học ấy đều nghiền ngẫm say sưa các triết học Pháp của thế kỷ XVIII, J.J Rousseau, Montesquieu, Voltaire mà các nhà cách mạng lão thành Việt Nam thường nhắc đi nhắc lại hằng trăm nghìn lần bằng những danh từ phiên âm theo Hán Tự : Lư Thoa, Mạnh Ðức Tư Cưu.

Thanh niên học sinh cũng ưa học lịch sử cách mạng Pháp từ 1789 đến triều đại Napoléon, mà họ say mê những giai thoại hấp dẫn nhất : cuộc đánh ngục Bastille, các cuộc biểu tình của dân chúng Paris, xử tử vua Louis XVI và hoàng hậu Marie Antoinette, các trận chiến thắng vẻ vang của Bonaparte, v.v...

Thanh niên học sinh của thế hệ Nguyễn thái Học còn ham đọc lịch sử cuộc chiến đấu dành độc lập của nhân dân Hoa Kỳ. cũng như tiểu sử của George Washington, lịch sử cuộc cách mạng Trung Hoa 1911 do Tôn dật Tiên cầm đầu, các tác phẩm của nhà học giả cách mạng Lương Khải Siêu, nhất là quyển : "Ẩm băng "lịch sử nước Nhật từ đời vua Minh Trị đến chiến tranh Nhật –Nga 1904-1905, và cuộc chiến thắng vẻ vang của Nhật tại eo biển Tsushima.

Ngoài ra, các loại sách mỏng, bán với giá bình dân, bằng quốc ngữ, của Nam Ðồng Thư Xã, Hànội, của Nử Lưu thư quán, Gò Công, của Quan Hải Tùng Thư, Huế, các báo cách mạng tích cực bằng Pháp văn ở Saigon, do những thanh niên trí thức cách mạng chủ trương, lừng lẫy tiếng tăm, như La Jeune Indochine, của Vũ đình Dy, La Cloche Fêlée của Nguyễn An Ninh, L' Echo Annamitecủa Nguyễn Phan Long, La Lutte của Tạ thu Thâu, cả tờ La Tribune Indochinoise của Bùi Quang Chiêu, chủ tịch "đảng Lập Hiến Ðông Dương "., và sau nữa là tờ L' Argus Indochinois của Amédée Clémenti, ở Hànội, đã tạo ra một không khí sôi nổi trong các giới trí thức thượng lưu và trung lưu, nhất là giới thanh niên trí thức cách mạng ở hai đô thị lớn ở Hànội và Saigon, hai thủ đô hành chánh và chánh trị của Ðông Dương.

Bổng nhiên, giữa không khí náo nhiệt ấy, nổ lên một tiếng súng lục càng làm cho tình hình xao động thêm lẹn. Tiếng súng nổ chiều ngày 30 Tết, tức là ngày 9-2-1929, tại Route de Huế, ( phố chợ Hôm ) ở ngoại ô Hànội, cùng một lúc với vài tràng pháo tất niên lẻ tẻ trong thành phố.

Ngay tối hôm đó, trong đêm Giao thừa Xuân Kỷ Tị, Tuấn nghe vài bạn thầm thì cho biết dư luận đồn rằng hình như kẻ bắn mấy phát súng lục hồi 5 giờ 30 chiều ở phố chợ Hôm là một chàng thanh niên độ 18, 19 tuổi, khá đẹp trai, và nạn nhân đã chết tại chỗ là một người Pháp tên là René Bazin, có người vợ Annam đẹp lắm. Dư luận cho rằng đây chỉ là "cuộc án mạng vì tình "và có lẽ vì giành nhau cô "me tây "kia mà chàng thanh niên Annam bắn chết ông Tây Bazin. Chàng thanh niên có lẽ con nhà giàu và "vào dân Tây "cho nên mới có súng lục.

Nhưng Tết xong, một tháng sau, lại có dư luận trong giới sinh viên, học sinh đồn rằng, thủ phạm đã bị Mật thám bắt, là một học sinh Annam của trường Trung Học Pháp ( Lycée Albert Sarraut ) đã đỗ tú tài 1, tên là Léon Sanh. Nạn nhân, René Bazin, là chủ sở mộ phu đồn điền, nhà ở phố chợ Hôm, ngay nơi xảy ra án mạng bằng súng lục. Hắn là một tên thực dân Pháp bị nhiều người Annam thù ghét vì hắn chuyên môn bốc lột những dân nghèo ở thôn quê Bắc kỳ, lừa gạt bắt họ ký giao kèo đi làm các đồn điền tư-bản ở "Tân thế giới "bằng một gía tiền rẻ mạt. Sự thực, không phải đi Tân Thế Giới, mà là Tân Ðảo, Nouvelle Calédonie một đảo lớn của Úc châu, và thuộc địa Pháp.

Sau đó vài tháng, Tuấn được biết rõ hơn một tin rất quan trọng : Léon Sanh là con trai cụ Cả Mộc, một bậc nữ lưu trí thức có danh tiếng ở Hà thành, hội trưởng một hội Dưỡng nhi ở phố Sinh Từ, và vụ ám sát René Bazin có dính líu với Việt Nam Quốc Dân Ðảng, của anh Nguyễn thái Học.

Lúc bấy giờ giới học sinh Hànội "có đầu óc cách mạng "thường gọi Nguyễn thái Học bằng anh, vì anh là sinh viên Cao đẳng Thương Mại. Anh đã 27 tuổi, Việt Nam Quốc Dân Ðảng hãy còn là một đảng bí mật.

Léon Sanh bị giam mấy tháng rồi được trả tự do vì không có một bằng chứng cụ thể nào tỏ rằng anh là thủ phạm. Sau đó anh ta vào làm ký giả ở một nhật báo Pháp, L'Ami du Peuple Indochinois của ông Tây Michel.

Mặc dầu Léon Sanh được sở Mật thám trả tự do, vụ Léon Sanh vẫn tiếp tục gây xúc động mãnh liệt trong giời sinh viên học sinh.

Tuấn có đến tòa báo L' Ami du Peuple Indochinois để hỏi thăm Léon Sanh. Tuấn muốn biết mặt người bạn thanh niên ấy và hỏi về các chi tiết tong vụ anh ta bị bắt, bị giam như thế nào. Nhưng Tuấn không gặp anh ta.

Không khí Hànội sau vụ ám sát Bazin, rất là nghẹt thở. Bộ mặt của thành phố ban ngày vẫn hoạt động như thường lệ, nhưng ban đêm có vẻ lặng lẽ bí mật. Suốt cả năm 1929, dân Hànội đã có cảm giác rằng có một biến cố gì trầm trọng sắp sửa xảy ra.

Ðồng thời, Chánh phủ thuộc địa Ðông Dương ( gồm 5 xứ : Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Ai lao, Cao miên ), bị các báo Pháp ngữ của các thanh niên cách mạng Saigon tấn công và đả kích hăng hơn lúc nào hết.

Hànội thì lặng lẽ. Báo chí Annam ở Hànội không sôi động như Saigon, nhưng có những hăm dọa ngấm ngầm và trầm trọng, nguy hiểm hơn đối với chính quyền thuộc địa.

Cái Tết năm Canh Ngọ ( 1930 ) vẫn tưng bừng vui vẻ trên khắp lãnh thổ Việt Nam như mọi năm. Phong trào cách mạng sôi nổi do vụ án cụ Phan bội Châu, tại Hànội, các cuộc diễn thuyết của cụ Phan chu Trinh ở Saigon, và sau đó, cái chết và đám tang của cụ, chỉ còn lại một dư luận yếu ớt trong lòng người dân nước Việt. Tuy vài ba tờ báo cách mạng ở Saigon vẫn tiếp tục tung ra những luận điệu hăng say, gây hấn đối với chánh quyền Pháp ở Ðông Dương, nhưng thật ra chỉ có ảnh hưởng phần nào trong một vài giới trí thức trung lưu và vài giới học sinh Trung học mà thôi. Còn đại đa số đồng bào từ Bắc chí Nam, đều thờ ơ, hưởng thụ cảnh thanh bình mà bề ngoài vẫn có vẻ "quốc thái dân an ". Không khí chánh trị đã trở lại hầu như êm dịu.

Ngay ở Hànội, dân chúng "ăn Tết "năm Canh Ngọ với đủ những nghi lễ và tập tục cổ truyền hân hoan, ấm cúng, hỷ lạc trong những tràng pháo rộn rã khắp mấy ngày xuân.

Phần đông, có thể nói là gần hết, học sinh ở các tỉnh Bắc kỳ, cũng như ở Trung kỳ và Nam kỳ ra trọ học ở Hànội, đều theo thường lệ trở về ăn Tết ở quê nhà. Ðáng lẽ Tuấn cũng đã về miền Trung, nhưng đặc biệt năm nay Tuấn và một ít bạn sinh viên đồng chí ở lại ăn Tết ở Hà-thành. Nhóm học sinh này không phải cố tình ở lại để hưởng cái hương vị mấy ngày xuân của đất Bắc, nhưng vì họ đã biết tin bí mật sắp có "đại sự "ở toàn lãnh thổ Bắc kỳ trong dịp Tết Canh Ngọ.

Cho nên lòng Tuấn nôn nao, cùng với các bạn chờ đón những tin ghê gớm tong mấy ngày tân niên ở Hànội. Ðã có liên lạc với anh Hồ văn Mịch, sinh viên Cao đẳng Thương Mại, bạn thân của anh Nguyễn thái Học, và cũng là đảng viện Việt Nam Quốc Dân Ðảng, phụ trách về tuyên truyền và thanh niên học sinh, nhóm "Học sinh cách mạng "của Tuấn thưởng Xuân trong một không khí hồi hợp chờ đợi.

Tuấn năm ấy mới 18 tuổi và các đứa bạn "bí mật "của Tuấn cũng chưa ai quá 20. Lần đầu tiên tham gia vào vài ba việc mạo hiểm ghê sợ, tuy không quan trọng, nhóm học sinh này, nói đúng ra, chỉ có hăng say với lý tưởng cách mạng mà thôi, chứ chưa có một chút kinh nghiệm nào cả, và cũng chưa được huấn luyện đầy đủ trong vai trò đảng viên "hội kín ".

Phần nhiều những gì Tuấn biết với nhóm bạn ấy đều là những tin không chắc chắn, và sự kiện xẩy ra sau đó thường không đúng với sự chờ mong trong hồi hộp lo âu.

Chiều 30 tháng Chạp, có tin đúng ngày Mồng Một Tết sẽ có cuộc khởi nghĩa ngay ở thành phố Hànội, nhưng rốt cuộc không có gì cả. Có điều Tuấn và mấy người bạn ở trên căn gác nhà trọ đường Général Bichot, để ý thấy lần đầu tiên vài tốp lính Tây cưỡi ngựa đi tuần phòng các phố Cửa Ðông, Bichot Henri d'Orléans, hàng Da, hàng Cót, v.v...Nhưng đêm Giao Thừa chỉ có tiếng pháo nổ khắp nơi...Tuấn lạnh người, tưởng như tiếng súng.

Sáng Mồng Một thành phố vắng cho đến 9 giờ mới thấy lác đác những nhóm người y phục ngày Tết, nét mặt tười cười, hoặc trịnh trọng đi "chúc mừng năm mới "các nhà thân thuộc Tuấn không thấy lính Tây cưỡi ngựa đi tuần phòng các phố nữa.

Thế rôì 3 ngày Tết trôi qua...chỉ còn lại những xác pháo ngập vỉa hè.

Bổng đùng một cái, như tiếng sét đánh, sáng ngày 11 tháng Giêng, tin truyền khắp Hànội rằng lúc khuya (đêm 9-2-1930) quân của Việt Nam Quốc Dân Ðảng đã đánh Yên Bái, Phú Thọ, Lâm Thao, cũng khời nghĩa đêm ấy. Người chỉ huy là anh Nguyễn khắc Nhu. Lại có tin là anh Phó đức Chính. Tuấn chạy đến người bạn học Cao đẳng Y Khoa, ở căn lầu 77c đường Maréchal Pétain, gần bờ sông. Anh này mĩm cười kéo Tuấn nằm xuống chiếc chiếu trên sàn gác. Ðôi bạn trẻ đồng chí nói thì thầm cả buổi sáng

Thành phố Hànội hình như vẫn rộn rịp theo nhịp sống hàng ngày, tổng quát không có gì thay đổi, nhưng lính Tây và lính tập đi tuần phòng đông hơn mọi khi. Từ ngày ấy, bộ mặt Hànội đã khác thường, đâu đâu dân chúng cũng xầm xì bàn tán về vụ khởỉ nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Ðảng. Quân của VNQDÐ tiếp tục đánh nhiều nơi, cuộc Tổng Khởi Nghĩa đã nổ bùng ở từng khu.

Nguyễn khắc Nhu đánh Yên Báy, Lâm Thao, Nguyễn thái Học đánh Bắc Ninh, Ðập Cầu, Hải Dương. Vũ văn Giản ( tức Vũ hồng Khanh ) đánh Kiến An. Nhiều nơi khác như Hưng Hóa, Sơn Tây, cũng đã nổ súng.

Dân chúng lúc bấy giờ không dám gọi công khai là "khởi nghĩa "mà gọi là "nổi loạn ". Tuy cuộc dấy binh của Việt Nam Quốc Dân Ðảng đã nổ bùng ra khắp Bắc Kỳ, các báo Hànôị vẫn đăng tin sơ sài của Phủ Toàn Quyền Pháp gọi là "đảng kín nổi loạn một vài nơi ". Dân chúng đọc báo bàn tán thì thầm, không dám có một phản ứng công khai nào cả.

Trong các gia đình, câu chuyện "Việt Nam Quốc Dân Ðảng "nổi loạn, và các tin đồn phần nhiều là bất lợi cho cách mạng, đều được "bảo khẽ" lẩn nhau, và chỉ trong vòng thân mật mà thôi. Những biện pháp đề phòng của quân Pháp bắt đầu thật là ráo riết. Dân chúng bàng hoàng kinh hãi.

Sau đó, có nhiều tin truyền khẩu rằng cuộc khỏi nghĩa thất bại vì một đảng viên, là đội Dương, Phạm thành Dương phản bội, đã tố cáo cho sở Mật thám Pháp biết trước tất cả chương trình khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Ðảng.

Dân chúng lại nghe đồn rằng sở dĩ có cuộc thất bại là vì lệnh ở trung ương đảng bộ truyền ra không được tuân theo nhất trí về ngày giờ. Chỗ thì muốn đánh trước, chỗ thì đánh sau. Quyết định lần đầu tiên là khởi binh ngày Mồng Một Tết Annam (30.2.1930) và do Vũ văn Giản gọi là giáo Giản tức Vũ hồng Khanh, phát động ở Kiến An nhưng bị Mật thám biết, nên đảng dời ngày 12 tháng Giêng ( 10-2-1930). Nhưng Nguyễn khắc Nhu không chịu ngày ấy và đã tự động khởi nghĩa trước một ngày, tức là ngày 9.2.1930. Anh hạ lệnh giết hết các sĩ quan Pháp hồi 1 giờ đêm hôm ấy. Nhưng rồi anh bị đạn và chết vài giờ sau.

Hànội khởi cuộc tấn công sau Yên Báy và Lâm Thao, nhưng đã làm cho nhiều đảng viên thất vọng. Vì thực ra, cuộc khởỉ nghĩa ở Hànội không được chuẫn bị sẳn sàng. Thành phố vẫn hoạt động yên tỉnh như không có gì. Có thễ nói là cuộc cách mạng đã bị chết ngay trong trứng, tại thủ đô Bắc Kỳ. Trái lại, ở huyện Vĩnh Bảo nghĩa quân của VNQDÐ đã dánh lớn và gây được tiếng rộng cũng như ở Yên Báy, tuy rằng cuộc khởi nghĩa trễ hơn 5 hôm sau Yên Báy (14.2.1930).

Bấy giờ dân Hànội mới thật là xôn xao. Cáí tên của Nguyễn thái Học mới bắt đầu được nói đến ở khắp nơi, khắp các từng lớp đồng bào, với một lòng chiêm ngưỡng sâu xa, như một vị anh hùng của lịch sử. Nhưng 8 giờ sáng ngày 20.2.1930 có tin đồn Nguyễn thái Học và ông Sư Trạch, một đồng chí, vừa bị bắt ở trên đường Cổ Vịt, gần đồn Chi Ngãi, tỉnh Hải dương.

Nghe tin ấy, Tuấn và nhóm sinh viên học sinh"Hội Kín "nhao nhao lo sợ, và đau khổ vô cùng. Gỉả vờ nóng lạnh, Tuấn nằm trên lầu đường Général Bichot, trùm chăn kín mít, âm thầm khóc môt mình. Tuấn thấy cả một sự đỗ vỡ kinh hoàng, với cảm giác gần như Lịch sử Việt Nam bị đứt đoạn nơi đây, không còn kế tiếp nữa.

Trưa, một đứa bạn đồng chí của Tuấn hớt hơ hớt hãi đến đến hỏi thầm Tuấn :

- Anh ốm hả ?
- Ừ.
- Tụi mình nên đi ẩn núp một dạo ở nhà chị Hồng trên Bưởi.
- Anh đi trước đi. Chiều tôi mới đi được.

Trưa, Tuấn chỉ giả vờ nóng lạnh, không ngờ đến chiều sau khi người bạn đi rồi, Tuấn bị nóng lạnh thiệt. Cơn sốt rét hành hạ cậu học sinh 18 tuổi lên gần 40 độ, Tuấn nằm run cầm cập, mê man bất tỉnh. Một người bạn cùng ở gác trọ nghe Tuấn trong cơn mê hoảng nói lảm nhảm những câu "dể sợ ":"Anh Học bị bắt rồi...ai cũng bị bắt hết...Hết rồi...chắc Tây nó giết..."

8 giờ tối, có người bạn đến lôi cổ Tuấn ra ngồi xe cyclo đạp, lên đường Quan Thánh để đón tàu điện đi Bưởi. Nhưng Tuấn muốn đi một vòng trong thành phố để xem tình hình, mặc dầu còn nóng liên miên và chỉ xức dầu Khuynh diệp. Ðường phố vắng teo, tuy không có giới nghiêm, không có lính canh gác. Hình như thiên hạ bảo thầm nhau ở nhà, ít ai dám ra đường. Duy có các phố Hàng Ðào, Hàng Gaui, Hàng Bông và quanh bờ hồ phía cầu Gỗ và đền Ngọc Sơn là có người, qua lại, dạo mát hoặc mua bán, nhưng khộng rộn rịp như thường lệ, trái lại có vẻ trầm lặng, bí mật, nặng nề, như có một hiểm họa gì bay lượn trong không khí.

Ðồng bào trong thành phố đều có bộ mặt sợ sệt. Nhưng có điều thật lạ, là chỉ có "lính mã tà", "lính kín" của sở mật thám là đi rảo khắp nơi đông đảo, và lẩn lộn tong đám quần chúng, chứ tuyệt nhiên không thấy có biện pháp quân sự nào cả. Nghe nói tòan thể binh sĩ bị cấm trại, thế thôi !

Khuya và khoảng 1 giờ, có một chiếc xe tank cũ kỹ, kiểu 1918, đi rầm rầm chầm chậm qua các đường phố Cửa Ðông, Bichot, hàng Cót, nhà Hỏa, Boulevard Carnot, rồi trở về thành Cửa Bắc. Ngoài ra, khắp nơi đều yên tỉnh. Ở phố Huế, chợ Hôm cũng vắng người.

Tuấn đi thui thủi một mình khắp các phố phường Hànội, tuy trong người chàng hãy còn sốt. Chàng dòm ngó chung quanh, dưới ánh các trụ đèn điện chỉ có bóng cây, bóng lá rung rinh trong gió buốt. Trời đầu xuân, nhưng còn bao phủ mây đen, sương mù buông rủ trên thành phố một màn tang tẽ lạnh

Rét thấu xương, nhưng may lạ, Tuấn không bị thương hàn. Chàng chỉ nghe mạch máu chảy phừng phừng hai bên màng tang, tai kêu ù ù, môi khô, tay chân bủn rủn. Chàng vừa bước thong thả trở về gác trọ, vừa khóc âm thầm. Nước mắt chảt ròng ròng trên đôi má lạnh...

Chàng nhớ lại hình dáng gây còm của anh Hồ văn Mịch bị bắt torng lúc mang bịnh ho lao, nằm nhà thương Phủ Doãn, đã chết trong một đêm rét mướt Chàng nhớ đến cái tin sét đánh về anh Nguyễn thái Học đã bị bắt ở Hải Dương và anh Viên bị bắt trên gác trọ Gia Lâm...

Tuấn gần như tuyệt vọng.

Tuấn nghe được nhiều chuyện đồn đãi về đời sống của cặp tình nhân Nguyễn thái Học và Nguyễn thị Giang. Có một câu chuyện mà Tuấn nghe vài đồng chí trong "Hội Kín "kể lại, muốn biết chắc là đúng với sự thật hay không, thì chỉ có hỏi anh Nguyễn thái Học, hoặc chị Giang, nhưng không làm sao gặp được hai người ấy. Dù sao, giai đoạn sau đây, cũng là truyền khẩu rất rộng rãi trong đám thanh niên sinh viên Hànội, vào khoảng 1930-32.

Cô Nguyễn thị Giang - nữ sinh - mới 18 tuổi lúc bắt đầu quen biết Nguyễn thái Học, sinh viên trường Cao Ðẳng Thương Mại, và đã là Ðảng Trưởng Việt Nam Quốc Dân Ðảng còn ở tong thời kỳ bí mật tổ chức và tuyên truyền. Giang yêu Học, mặc dầu chàng đã có vợ để ở quê nhà. Giang yêu Học, chính vì lý tưởng cách mạng, cho nên sau khi được chàng chấp thuận vào đảng. Giang quyết chí hy sinh đởi nàng cho hai mối tình thiêng liêng : Tổ Quốc và Ngươì Yêu. Một hôm, hai người họp kín, chàng bảo nàng :"Ðảng chúng ta cần có sự tham gia của binh lính để sau này tính việc khởi nghĩa mới thành công. Nếu anh truyền lệnh cho em phải làm thế nào để quyến rũ được một viên Quản, hoặc một viên Ðội Nhất, Ðội Nhì, có nhiều uy tín nhất trong đám Lính Khố Xanh Yên Bái, để họ gia nhập vào đảng ta, và họ sẽ lôi kép toàn thể hoặc đại đội số binh sĩ gia nhập vào Ðảng, thì em sẽ thi hành được nhiệm vụ ấy không ? "

Nguyễn thị Giang không do dự, trả lời :"Anh là Ðảng trưởng. Anh ra lệnh là em xin tuân theo ngay. Nguyễn thái Học nghiêm nghị nét mặt bảo :"Thế thì anh lấy tư cách đảng trưởng, giao phó cho em công tác sau đây, bất cứ bằng cách nào, dù phải hy sinh cả tính mệnh, cả thể xác, để quyến rũ được đồn lính Khố Xanh Yên Bái, gia nhập vào đảng ta. Anh kỳ hẹn cho em là một thời gian 3 tháng để thành công nhiệm vụ quan trọng ấy. Suốt thời gian công tác, em không được liên lạc với anh, bất cứ ở nơi nào ".

Cô nữ sinh Nguyễn thị Giang mỉm cười, nhưng cương quyết :"Em xin tuân lịnh ".

Bấy giờ là mùa đông. Ở Yên Bái cũng như ở Hànội và các tỉnh ở miền Bắc, mùa Ðông trời rét lắm và ban đêm thường có các chị hàng rong bán mía lùi, một loại mía được chặt ra từng khúc dài độ hai gang tay, và lùi trong than lửa. Hoặc cũng có kẻ bán mía luộc. Hai món quà mía ấy ăn vừa ngọt vừa ấm miệng, cho nên người lớn trẻ con, đều thích. Mỗi khúc mía luộc hay mía lùi chỉ bán 1 xu.

Cô nữ sinh Nguyễn thị Gaing bắt đầu bỏ học đễ làm nghề bán rong ban đêm với một gánh hàng đặc biệt. Một bên là một thùng thiết đựng đầy mía luộc đặt trên một chiếc lò thay cháy ầm ĩ vừa đũ giử nhiệt độ cho nước nấu mía đừng sôi quá. Một bên là một nồi than đỏ hực để cô hàng lùi những khúc mía tươi. Mỗi khi có người mua, cô lùi khúc mía vào than hồng, trở qua trở lại khúc mía độ năm lần là "mía chín ". Cô trao mía cho khách hàng, và lấy 1 xu bỏ vào môt hộp "bích quy "cũ, két tiền của cô.

Cô Giang chuyên môn ngồi bán hàng, nơi một gốc cây cao, cách cổng đồn lính Khố Xanh vài ba chục thước. Cứ 7 giờ tối là đã có cô ngồi đấy, với "gánh mía "đặc biệt của cô.

Hình như cô có bỏ một nắm hoa bưởi trong thùng nước mía, cho nên mía luộc của cô vừa ngọt vừa nóng, lại vừa thơm.

Toàn thể sĩ quan, hạ sĩ quan, và binh sĩ đồn lính Khố Xanh Yên Bái đều ăn mía và mía luộc của cô Giang.

Nhiều người đã nghiện, trong số đó có một thầy Ðội Nhất đã hoàn toàn say mê hương vị của cô Giang và chắc chắn đã say mê cả cô Gaing, vì nhan sắc của cô hàng mía, hơn cả các thiếu nữ ở tỉnh này không ai so sánh kịp.

Dần dà những lóng mía thơm, những lóng mía ngọt, cho đến hết thảy mọi người với một nụ cười duyên dáng, với một ánh mắt ấm áp vương vấn sầu mơ. Cô bắt đầu tuyên truyền khéo léo, kín đáo những tư tưởng cách mạng cho mọi người. Ðặc biệt là thầy Ðội Nhất được cô huấn luyện ráo riết hơn cả, và không quá một tháng, thầy Ðội đã trở thành một đồng chí hăng say nhất của cô, trong số các binh sĩ Khố Xanh.

Dần dần cô hàng mía đã lôi kéo được toàn thể đồn lính vào Việt Nam Quốc Dân Ðảng.

Ba tháng sau, đúng kỳ hạn đã chỉ định của Ðảng trưởng Nguyễn thái Học, và là người yêu của cô, nữ sinh Nguyển thị Giang giới thiệu với thành viên Ðội Nhất : "Thưa Anh, đây là một đồng chí mới của chúng ta đại diện một số lớn đồng chí gồm 350 người của đồn lính Khố Xanh Yên Bái ".

giavui
06-25-2014, 05:28 PM
CHƯƠNG 24. 1930

- Sau cuộc khởi nghĩa thất bại của Nguyễn thái Học.

- Tinh thần dân chúng Hà nội.

- Ðoạn đầu đài Yên Bái.

- Nguyễn thị Giang.

- Dư luận báo chí ở Huế và Sàigòn - Hànội, "cuộc âm mưu của im lặng".

Sau cuộc khởi nghĩa thất bại của Việt Nam Quốc Dân Ðảng ở vài ba tỉnh Bắc Kỳ, dân chúng Hànội lo sợ khi biết tin viên Toàn Quyền René Robin cho lịnh hai chiếc phi cơ Moranebay đi thả bom xuống làng Cổ Am chẳng còn một nóc nhà. Một gia đình đang ăn giỗ, có đông người làng đến dự, nghe tiếng phi cơ bay rà trên các mái nhà tranh, tò mò chạy ra sân ngước cổ lên trời xem. Hai viên phi công tưởng đó là " loạn quân "đang tụ họp, liền thả bom và bắn súng liên thanh, giết chết không còn một mạng.

Ðây là một cuộc tàn sát đầu tiên bằng máy bay, mặc dầu lúc bấy giờ quân đội Pháp ở Ðông Dương chỉ có vài chiếc máy bay cũ kỹ kiểu 1918 mà thôi. Nạn nhân không phải là " quân phiến loạn " mà là những nông dân vô tội, có cả ông già, đàn bà, trẻ nít.

Tàn quân VNQDÐ đã chạy trốn vào rừng núi, tìm đường sang Tàu, về ngả Lào Kay, Lạng Sơn. Các báo Hànội đăng tin, nhưn gkhông dám phê bình vụ tàn sát dã man kinh khủng trên kia, trừ một tờ báo L' Argus Indochinois là có viết bài mạt sát viên toàn quyền René Robin thậm tệ. Vài tờ báo cách mạng ở Saigon cũng nổi lện đả kích kịch liệt vụ tàn sát làng Cổ Am bằng phi cơ.

Sau vụ này, Tuấn được nghe truyền tụng trong khắp các phố phường Hànội, một bài sấm mà người ta cho là rất linh ứng của Trạng Trình, Tuấn chép lại bài sấm để học thuộc lòng :

Kìa kìa gió thổi lá rung cây
Rung Bắc, rung Nam, rung tới Tây
Tan tác kiến kiều an đất nước
Xác sơ cổ thụ sạch am mây
Lâm giang nổi sóng mù thao cát
Hưng địa tràndâng hóa nước đầy
Một ngựa một yên ai sùng bái
Nhắn con nhà Vĩnh bảo cho hay

(Trạng Trình NGUYỄN BỈNH KHIÊM)

Theo các cụ đồ nho giảng dạy, thì trong bài sấm này, Trạng Trình ám chỉ rõ ràng cuộc khời nghĩa của VNQDÐ ở Kiến An, Lâm thao, Hưng Hóa, Yên Bái và cuộc dội bom xuống làng Cổ Am. hai chữ Vĩnh Bảo là nói về Hoàng Gia Mô, cháu nội của Hoàng Cao Khải, làm tri huyện ở Vĩnh Bảo (tỉnh Hải Dương) bị quân VNQDÐ giết. Tuấn nhận thấy câu thơ thứ bảy bị chữ thứ sáu thất niêm, đáng lẽ phải là một chữ vần trắc, theo luật Ðường Thi, nhưng các cụ cho rằng đây là một lời Sấm, không cần phải niêm luật. Trừ một nhận xét nho nhỏ ấy về kỹ thuật thơ Ðường, Tuấn cũng như toàn thể sinh viên học sinh, giáo sư, và các tầng lớp dân chúng Bắc Kỳ, cả Trung và Nam kỳ, đều thán phục bài Sấm thần kỳ linh nghiệm của một bậc "Ðại Thánh " Việt Nam.

Ở Saigon, tờ báo đầu tiên dám đăng bài Sấm của Trạng Trình và giảng nghĩa rõ ràng là tuần báo " Phụ Nữ Tân Văn " của bà Nguyễn đức Nhuận, mà chủ bút là ông Phan Khôi.

Vụ khởi nghĩa Việt Nam Quốc Dân Ðảng bị đưa ra xử tại Hội Ðồng Ðề Hình ở toà án Hànội. Dân chúng không được vào xem. Lính canh gác cẩn mật chung quanh Nhà Hỏa Lò (danh từ thông dụng chỉ nhà lao Hànội) và toà án trên đại lộ Carreau.

Phải nói đúng sự thật rằng, trừ các giới cách mạng nằm trong bí mật là đặc biệt theo rõi vụ án này, còn ngoài ra, công chúng, cả thượng lưu, hạ lưu, cho đến các giới đồng bào bình dân, lao công, đều gần như lơ là, không xôn xao, xúc động. Lý do, có lẽ một là vì Việt Nam Quốc Dân Ðảng chỉ hoạt động thầm lén trong một phạm vi quá nhỏ hẹp, quảng đại quần chúng chưa biết tới, hai là cuộc khở nghĩa bùng ra quá sớm chưa được chuẩn bị đầy đủ các yếu tố tuyên truyền và tâm lý để sách động quần chúng. Cho nên cái tin VNQDÐ nổi dậy đánh Yên Bái, Kiến An, Lâm Thao, hầu như không có ảnh hưởng sâu rộng ở Hànội là nơi trú đóng trung ương đảng bộ VNQDÐ mà lại là nơi tương đối yên tỉnh nhất. Các tỉnh khác như Nam Ðịnh, Hải Phòng, Thái Bình, Phủ Lý, Hà Ðông, Sơn Tây, Vĩnh Yên và các tỉnh ở thượng du Bắc kỳ hầu như hoàn toàn yên ổn, không mấy ai biết tới.

Mặt khác, sở Mật thám Ðông dương tìm cách không cho tiếng vang của cuộc khởi nghĩa lan rộng ra. Các báo ở Hànội đều hầu hết tuân theo mệnh lệnh của Mật thám Ðông dương và của phủ Thống sứ Bắc kỳ. Trên các tờ " Hà thành ngọc báo, "Ðông Báo ", "Trung Bắc Tân văn ", " Thực nghiệp dân báo ", người ta chỉ đọc được những cái tin vắn tắt, đúng 2 cột, hoặc 1 cột mà không có hình ảnh. Ngay tờ " Tiếng Dân " của cụ Huỳnh thúc Kháng ở Huế, cũng không khai thác biến cố cực kỳ quan trọng ấy.

Những gì Tu ấn biết được về vụ khởi nghĩa đều do tin tức truyền miệng của nhóm sinh viên, học sinh của Ðảng, một nhóm thiểu số mà sự tuyên truyền cách mạng thường gặp phải sự lãnh đạm sợ sệt rất đáng chán nản của giới sinh viên học sinh chỉ chăm lo học hành thi cử.

Tin anh Nguyễn thái Học, Ðảng trưởng và 12 Ðồng chí ở các cấp lãnh đạo, bị toà xử trảm, là một tiếng sét đánh vào tai những cậu học sinh và sinh viên của Ðảng, tuy ai cũng đoán trước cái định mệnh kinh hoàng đau đớn ấy.

Lúc đầu nghe nói sẽ xử bắn trong sân nhà Hỏa Lò, nhưng ngay hôm sau đã có tin 13 nhà cách mạng QDÐsẽ bị lên đoạn đầu đài ở Yên Bái. Làm sao đi xem được. Tuấn và mấy bạn học sinh, sinh viên đồng chí đều thiết tha mong muốn được chứng kiến cảnh tượng bi hùng duy nhất ấy, được chính mắt đọc trang Lịch Sử Việt Nam vẻ vang ấy.

Nhưng làm thế nào ? Một tin bí mật và chắc chắn cho Tuấn biết rằng ngày quyết 13 vị Liệt Sĩ VNQDÐ, sẽ là ngày 17.6.1930 tại Yên Bái.

Phải nói rõ rằng nhóm học sinh VNQDÐ, đã được tổ chức riêng biệt thành một lực lượng trừ bị, theo chiến thuật của anh Hồ văn Mịch, vì hình như Trung Ương Ðảng Bộ còn ngại sự trẻ tuổi và thiếu kinh nghiệm của lớ[ thanh niên làm cách mạng tập sự, và không trao cho lớp này những công tác bí mật quan trọng. Học sinh của Ðảng chỉ biết nhau bằng bí danh, và tổ chức chưa được chặt chẻ, chưa có hệ thống, và thật sự chỉ mới bắt đầu họat động hăng hái thì Ðảng đã bị tan vỡ do cuộc khời nghĩa đột ngột ở Yên Bái. Hồ văn Mịch là linh hồn của tổ chức học sinh cách mạng của VNQDÐ và được nhóm trẻ của Tuấn coi như người Anh cả. Mịch bị bắt, và nhờ bị bịnh ho lao nên được nằm nhà thương Phủ Doãn. Và không bị tra tấn nhiều. Vả lại anh có rất nhiều can đảm, không hề tiết lộ một bí mật nào của đảng. Ðó là một điều may mắn cho nhóm học sinh cách mạng không có một người nào bị tình nghi, và mật thám không biết một tí gì về tổ chức học sinh của Ðảng.

Tuấn và hai người bạn thân tín nhất rủ nhau đi Yên Bái ngày 15 tháng 6, hai ngày trước hôm Nguyễn thái Học và 12 liệt sĩ Quốc dân đảng lên đoạn đầu đài. Ðể tránh mọi sự nghi ngờ, ba chàng thanh niên đi bằng xe đò, chứ không đi xe lửa.

Ðến Yên Bái đã gần khuya, Tuấn và hai người bạn lặng lẽ đi đến nhà một cô bạn gái, con một công chức làm tham tá ở Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, ở gần chợ. Ðến đây, công việc đầu tiên của tụi trò Tuấn là nghe ngóng dư luận...Mặc dầu nhà cầm quyền dấu kín, dân chúng tại tỉnh lỵ Yên Bái cũng đã thì thầm với nhau rằng " những người Quốc dân đảng sẽ bị hành hình lúc 6 giờ sáng hôm sau. Nhưng số người tử tội thì không ai biết rõ. Kẻ bảo là 12 người, kẻ bảo 15 người. Có kẻ làm ra vẻ thông thạo quả quyết chỉ có 9 người tòng phạm thôi, còn hai người " chủ mưu ", là Nguyễn thái Học và Ký Con thì đã bị chém trong nhà Hỏa Lò ở Hànội ngay sau phiên toà. Toàn là những lời đồn đại trái ngược những tin tức nhiều khi mâu thuẫn mà ai loan truyền ra cũng đảm bảo tin của mình là chính thức và đúng hơn cả.

Ðêm nay Tuấn và hai đứa bạn không ngủ được và không lúc nào thấy buồn ngủ. Ba cậu học sinh nằm trên bộ ván, trùm trong một chiếc khăn bông. Họ nói thầm thì với nhau những điều thầm thì với nhau những điều ước đoán theo những câu chuyện nghe lõm và nhữn glời đồn đãi ngoài phố,

Yên Bái đêm ấy có cảnh tượng như một thành phố chết. Những ngọn đèn điện thưa thớt và lờ mờ đổ xuống đường những vũng ánh sáng leo lét hoang vu. Không một bóng người qua lại. Không có giới nghiêm, không thiết quân luật, nhưng dân chúng lặng lẽ ở nhà, không dám ra đường. Mới tám giờ tối, hầu hết các nhà và các tiệm buôn lớn của Hoa kiều đều đóng cửa kín mít. Năm ba nhà hàng lớn của Hoa kiều cũng để cửa hé thôi.

Bốn giờ sáng, trời còn mù mịt, thành phố Yên Bái như tê lạnh dưới một vòm sương dầy đặc, trắng lều bều...

Ba cậu học sinh khẽ mở cửa ra đi, cố tình đi sớm một giờ để xem tận mặt tất cả những gì xẩy ra trước giờ hành quyết, tất cả cảnh tượng bi đát và oai hùng mà Tuấn và hai người bạn sẽ được chứng kiến torng một tiếng đồng hồ. Không được lại gần chỗ chiếc máy chém đứng lù lù, bí mật, nghêng ngang giữa khu đất trống. Tuấn dòm đăm đăm cái vật ghê tởm mầu xám xẩm phủ lên một lớp sương đêm làm tăng thêm mầu láng bóng hãi hùng ghê rợn.

Năm giờ hai mươi phút, một toán lính " Khố Xanh " do một viên giám binh Pháp dẫn đầu, và lính " Khố Ðỏ " dưới quyền chỉ huy của một trung uý Pháp lần lượt kéo đến, sắp hàng một, bao vây pháp trường. Công chúng hiếu kỳ kéo đến xem đông độ một trăm người, bị đuổi ra xa. Nhiều người chạy đi tìm chỗ đứng xem cho rõ. Tuấn và hai đứa bạn cũng bị lính đuổi đi, nhưng rồi cả ba cậu học trò vẫn tìm được một chỗ tạm nấp trong bóng tối nhưng ở đây được trông thấy tường tận.

Sau này, có vài quyển sách và bài báo chép rằng chị Nguyễn thị Giang, người vợ đồng chí của Nguyễn thái Học, có đứng trong đám đông người để nhìn thấy mặt của đảng trưởng một lần cuối cùng. Nhưng Tuấn quả quyết rằng chị Nguyễn thị Giang không có đứng trong đám đông người, buổi sáng tinh sương mà nhà chí sĩ trẻ tuổi vĩnh biệt cuộc đời để bước vào lịch sử. Người ta không thấy chị Giang đâu cả. Sự thực, chị đã cải trang thành một người đàn ông, và đứng nép bên một gốc cây, chỉ 10 phút thôi, từ lúc chiếc xe sơn đen của nhà lao Yên Bái đưa anh Nguyễn thái Học ra pháp trường cho đến lúc anh không còn nữa.

Nguyễn thái Học bước lên đoạn đầu đài có hơi khác Nguyễn thái Học lúc hoạt động cách mạng. Lần này đầu anh bị cạo trọc, đôi mắt anh sâu hóm như hai cái lổ thẳm. Má anh cóp và người anh gầy đi nhiều. Anh không ngó ai cả, đăm đăm bước rất mau lên bàn máy chém, hai tay bị trói còng ra sau lưng. Anh đứng trên bục sắt đen ngòm, la lên với một giọng run run mà những kẻ tò mò được chứng kiến đứng ngoài vòng lính, ít người được nghe rõ. Sương còn buông xuống nhiều, Tuấn cố lắng tai nghe tiếng anh " Việt Nam vạn...vạn...tuế. Hai tiếng " Việt Nam " và tiếng " tuế" sau cùng thì hét lớn lên, còn hai tiếng " vạn...vạn " rất nhỏ, chỉ nghe thoáng như hơi thờ cuối cùng. Lưỡi dao sắc bén rơi mạnh xuống cổ anh, kêu một tiếng "phập". Ðầu anh rơi xuống một chiếc thùng mạt cưa kê ở dưới bàn máy chém.

Chính trong phút đó, chị Nguyễn thị Giang dưới lớp áo đàn ông, chùm chiếc pardessus đen, biến đi đâu mất.

Tuấn và hai đứa bạn hình như bị nghẹn cổ, không thở được Tuấn lấy khăn tay lau sương và nước mắt chảy ướt đẩm trên đôi má tái mét rồi nhắm mắt đứng yên, không nhúc nhích, như một pho tượng, và không trông thấy gì nữa. Tuấn không thấy ngững người khác lần lượt chết sau anh Học, 6 giờ 20 phút, là xong. Tuấn và hai đứa bạn đi thật nhanh ra bến xe đò về Hànội.

Ít lâu sau hôm xử tử anh Nguyễn thái Học, Tuấn được tin chị Nguyễn thị Giang tự tử bằng súng lục ở ngay làng quê của người yêu.

Hai biến cố ấy làm đảo lộn tinh thần của đám thanh niên học sinh có theo dõi và tham gia chút ít hoạt động của VNQDÐ. Dư luận dân chúng Bắc Kỳ rất xôn xao, nhất là ở Hànội. Nhưng người ta chỉ bàn tán thầm thì với nhau trong gia đình chớ không dám nói lớn. Các báo Việt ở Hànội chỉ làm nhiệm vụ thông tin hoàn toàn khách quan. Không có một tờ báo nào viết ca ngợi các liệt sĩ VNQDÐhoặc tỏ tình trong lúc viết tin tức, hay bình luận thời cuộc. Thỉnh thoảng một đôi tờ báo có đăng một bài thơ của một cụ nhà nho, nói về Nguyễn thái Học và Nguyễn thị Giang, nhưng đại ý cũng chỉ tỏ lòng thương hại, hay trách móc, chứ không có bài nào tán dương hay khâm phục việc làm VNQDÐ và Nguyên thái Học, lãnh tụ cuả đảng.

Ở Trung Kỳ có hai luồng dư luận trái ngược nhau : đa số trong giới quan lại của triều đình Huế, dĩ nhiên là mạt sát Nguyễn thái Học và VNQDÐ, lại còn cười chế nhạo là " trẻ lòng non dạ ", " châu chấu đá voi ". Giới thanh niên trí thức và trung học thì rất cảm phục lòng ái quốc hăng say và hy sinh cao cả của Nguyễn thái Học và Nguyễn thị Giang. Hầu hết dân chúng miền trung chỉ nghe tin tức qua báo " Tiếng Dân " của cụ Huỳnh thúc Kháng, nhưng chính cơ quan tranh đấu độc nhất ở Trung kỳ, do nhà cách mạng nổi danh làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, vẫn hết sức dè dặt không hăng say mấy.

Duy có Saigon, cả báo Tây lẫn báo Việt đều nói đến nhiều nhất. Nhưng ở đâu dư luận báo chí và dân chúng chia làm 3 phe : một phe gồm toàn các báo thực dân Pháp và một số báo Việt của các nhà tư bản, điền chủ, đốc phủ sứ, công kích việc "phiến loạn" của VNQDÐ. Một phu trung lập nhu báo Phụ Nữ Tân Văn, do Phan Khôi làm chủ bút, thì chỉ nhận xét vụ VNQDÐ theo bài Sấm của Trạng Trình. Tờ tuần báo Phụ nữ tân văn cho rằng biến cố VNQDÐ chỉ là một sự kiện tiền định của Lịch Sử, là không khen không chê.

Trái lại, có một số báo chính trị bằng Pháp văn của những người thanh niên trí thức, thì nhiệt liệt tán thưởng cuộc Khởi Nghĩa của VNQDÐ.

Giới học sinh Hànội, phần đông ở hai tư thục lớn nhất, Thăng Long (của người Việt), Gia Long (của người Pháp) và trường (trung học bảo hộ) của Nhà Nước, xôn xao khá nhiều trong một tháng đầu. Nhưng rồi người ta thấy thấy có nhiều tụi học sinh làm do thám, chuyên môn đi nghe ngóng các câu chuyện thì thầm của bạn bè hoặc thường đi xe đạp rảo qua các nhà trọ của học sinh, hay vờ vĩnh đến nhà bạn chơi để lục soát sách vở vì thế mà dần dần có một cuộc "âm mưu của im lặng" theo chữ Pháp thông dụng lúc bấy giờ trong trường hợp đó " une conspiration du silence".


HẾT