PDA

View Full Version : Hai phụ nữ cứu hơn 200 người trong lũ



giavui
11-01-2010, 01:04 PM
Sau hai trận lũ lịch sử liên tiếp ập đến với mảnh đất Quảng Bình, hàng trăm người được nhắc đến như “những đấng ân nhân” vì họ đã “sinh thành” ra nhiều người lần thứ hai. Trong số đó, hình ảnh hai phụ nữ “chân yếu tay mềm” ở xã Liên Trạch dùng thuyền thúng cứu sống hơn 200 người khiến ai nấy đều khâm phục…
“Nếu như mạ em không đau thì cứu được nhiều người hơn...”

Qua thông tin của Hội LHPN tỉnh Quảng Bình, chúng tôi đã tìm đến nhà chị Mai Thị Đào (27 tuổi), ở thôn Phú Kinh sau hơn 20 ngày cơn đại hồng thủy ập đến. Căn nhà chị sau trận lũ có vẻ đông đúc hơn, trong số đó có rất nhiều anh chị em coi chị Đào như “ân nhân cứu mạng” đến trò chuyện và “cảm tạ”.

Thấy chúng tôi đến, chị Trần Thị Lan nhanh nhảu: “Cánh nhà báo ơi, đêm hôm nước lên to, nhà tui may có chị Đào không thì nguy mất. Nước lũ lên nhanh quá, bố tụi nó thì lo đi đưa ông bà hai bên lên nơi trú ẩn, còn mấy mẹ con tui ở nhà không biết kêu ai. Đến lúc nước lên gần đến nóc, chỉ biết ôm nhau mà khóc, vì chồng lúc đó cũng không về nhà được nữa. Cứ nghĩ đến cái chết thì không ngờ chị Đào chèo thuyền thúng tới cứu mấy mẹ con đến nơi an toàn...”.

Còn với chị Đào, rất điềm tĩnh và không hề khoe khoang về mình, chị tâm sự: “Trong cơn hoạn nạn, thấy bà con, xóm giềng mình như rứa mà không chèo thuyền thúng đi cứu thì lương tâm mình không cho phép. Khi nào cũng vậy, cứ hễ có lụt là tui lại chèo thuyền đi cứu bà con...”.

Theo như chị kể, thì chiếc thuyền thúng là “bảo bối” được bố mẹ tặng trước khi về nhà chồng để đi làm cá kiếm sống. “Mọi năm, mạ tui không đau thì cứ có lụt là hai mẹ con chèo thuyền thúng đi cứu người, năm ni chỉ một mình đi nên cứu cũng không được nhiều...”- chị Đào chia sẻ

http://www.vietfreefun.com/extras/upload/images/1288616530_2hmilmw.jpg
Chị Phương trên chiếc thuyền “bảo bối” cứu gần 100 người

Không chỉ chị Lan, mà có cả trên trăm người làng trên, xóm dưới được chị Đào chèo thuyền đi cứu. Lúc nước lên, thấy nhà nào thấp trũng chị chèo thuyền thúng đi cứu trước, nhà nào cao đi sau hoặc nhà nào có người già, trẻ em thì “ưu tiên”.

Tôi hỏi chị, trong dòng nước chảy xiết chị không sợ nguy hiểm đến tính mạng? chị Đào cho biết: “Từ lúc lớn lên đã làm nghề chài lưới trên sông nên lỡ có sự cố gì tui vẫn bơi được và bám trụ vào mô đó...”.

Ông Nguyễn Văn Doan, Phó Chủ tịch, Trưởng Ban PCLB H.Bố Trạch cho hay: “Chúng tôi sẽ đề nghị UBND tỉnh tặng Bằng khen và chỉ đạo Hội LHPN huyện phát động học tập tấm gương dũng cảm cứu người trong lũ lụt của chị Mai Thị Đào...”.

“Tài sản còn kiếm lại được, mạng người thì lấy mô...”

Theo như chị Hoàng Thị Thơi- Chủ tịch Hội phụ nữ xã, thì dũng cảm như chị Đào, còn có chị Mai Thị Hoài Phương (30 tuổi) cũng ở thôn Phú Kinh. Bởi, vào đêm mồng 4 rạng sáng 5-10, nước lũ đổ về nhấn chìm cả thôn Phú Kinh, chị Phương một mình chèo thúng đi khắp các nhà cứu gần 100 người thoát chết trong gang tấc.


http://i53.tinypic.com/10hvqfk.jpg" border="0"


Chị Đào chỉ nơi mình chèo thuyền thúng cứu người

Tìm đến nhà ông Hoàng Mạnh Huấn (83 tuổi, là thân nhân của 3 liệt sĩ) ở đầu làng để nghe kể về “ân nhân” cứu mạng mới thấu hiểu hết sự dũng cảm của chị Phương. Ông Huấn bị liệt chân, sức khỏe yếu nên ở với con rể là Nguyễn Trọng Hào chân cũng bị thương tích do tai nạn lao động. Lúc nước lũ dâng cao, cố gắng lắm anh Hào mới bế được ông lên nóc nhà “trú ẩn”, ai ngờ nước ập đến nhanh quá khiến hai cha con chỉ nghĩ đến con đường chết và chỉ kịp “ới” vài tiếng, đúng lúc đó chị Phương xuất hiện đưa hai người lên thuyền thúng chèo đến nơi an toàn.

Vốn sinh ra ở miền biển, làm dâu ở xã Liên Trạch, việc chị Phương chèo thuyền giữa nước lũ “là nghề” nên cứ thế, mỗi lần chị cứu được 2-3 người, vậy mà trong một đêm ròng chị đã “hồi sinh” gần 100 mạng sống cho những bà con xóm giềng.

Cảm kích trước sự dũng cảm của chị Phương, vợ chồng chị Phan Thị Hà và anh Hoàng Văn Tám xúc động: “Hôm lũ về, hai vợ chồng đem con đi gửi rồi cùng trèo lên đòn băng ôm cột ngồi tránh lũ do nhà không có gác. Ngồi gần một ngày, nước thì sát đến chân, bụng đói, rét mướt, kêu cứu mãi không thấy ai tới. May có chị ấy, không thì mấy đứa con không biết ai nuôi...”.

Nhìn căn nhà rách nát, xiêu vẹo và trống hoác của gia đình chị Phương khiến chúng tôi không khỏi xót xa, bởi theo chị: “Nếu đêm đó, tui chỉ nghĩ riêng gia đình mình, chỉ lo ở nhà giữ tài sản thì không đến nỗi mất hết như ri. Nhưng mạng người là quan trọng mà, phải không chú...”.

“Chúng tôi đã yêu cầu Hội LHPN các huyện, thành phố lên danh sách những tấm gương dũng cảm như chị Đào, chị Phương để đề nghị T.Ư Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen và có những phần thưởng xứng đáng. Qua đó, phát động đến toàn thể chị em phụ nữ trong toàn tỉnh học tập, noi gương những người phụ nữ anh hùng trong lũ lụt...”- chị Phí Thị Minh Châu, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Bình cho biết.