PDA

View Full Version : Sững sờ trước hàng nghìn cổ vật Thăng Long



NBNTB
10-03-2010, 03:40 AM
Sững sờ trước hàng nghìn cổ vật Thăng Long


Trong không khí hồ hởi mừng ngày Đại lễ, có một "điểm nóng" về văn hóa đang rất được cả người trẻ lẫn người già đặc biệt quan tâm. Đó là khu di tích Hoàng Thành, nơi vừa khai trương và trưng bày hàng nghìn cổ vật quý được khai quật.



Sáng ngày mùng 2/10, di tích Hoàng Thành đã mở cửa đón hàng nghìn lượt khách tham quan vào chiêm ngưỡng những cổ vật tuyệt đẹp từ thời Lý - Trần Lê. Triển lãm cổ vật đã làm nức lòng người dân yêu mến lịch sử thủ đô trong những ngày trọng đại này.

Buổi lễ khai mạc rất trọng thể với sự có mặt của Bà Irina Bokova - Tổng Giám đốc UNESCO, người đã trao bằng Di sản văn hóa Thế giới khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long cho Hà Nội vào ngày khai trương Đại lễ (1/10). Điện Kính Thiên là khu vực chính trưng bày cổ vật. Từ 8 giờ sáng đến 10 giờ là thời điểm người tham quan đông nghìn nghịt. Ai cũng xuýt xoa trầm trồ khi di chuyển qua các khu vực trưng bày cổ vật theo các triều đại

Thời Đại La (618 907)

Thời Đinh Tiền Lê (968 1009)

Thời Lý (1009 1225)

Thời Trần (1225 1400)

Thời Lê Sơ (1428 1527)

Thời Mạc (1527 1592)

Thời Lê Trung Hưng (1592 1788)

Thời Nguyễn (1802 1945)

Tọa lạc ở chính giữa lòng Thủ đô, khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là một bộ phận thiết yếu nhất, trung tấm nhất và được bảo tồn tốt nhất của Hoàng thành Thăng Long xưa. Đó là trục trung tâm của Cấm thành - kinh đô Thăng Long xưa của nước Đại Việt, đã tồn tại trong suốt chiều dài 10 thế kỉ.

Gần 1000 cổ vật đã được khai quật và trưng bày trong khu vực rộng lớn của Hoàng Thành, làm say mê hàng nghìn người dân tham quan trong những ngày đầu Đại lễ.

Ông Nguyễn Đình Giải, 65 tuổi, gương mặt hiền từ với những nếp nhăn thời gian,cho biết: "Khi chứng kiến những hiện vật lịch sử của 1000 năm Thăng Long Hà Nội, tôi cảm thấy rất tự tin và tự hào về lịch sử phát triển của đất nước, của thủ đô ngàn năm. Từ thế kỉ thứ 11 đến thế kỉ 21 này, có thể thấy sức sống, sức kiến thiết của ông cha ta qua các triều đại vẫn còn lưu dấu ấn mạnh mẽ đến tận bây giờ. Xem qua các hiện vậy từ thời Lý - Trần - Lê, các đồ gốm sứ hay tượng rồng, linh thú, càng thấy sự tiến hóa và văn minh đã thể hiện rõ và có sự thay đổi đáng kể qua từng thế kỉ.

Những nhân viên làm việc trong khu vực Hoàng Thành hôm qua cũng tỏ ra vô cùng háo hức, mặc dù giờ nghỉ ăn trưa phải lui lại hơn một tiếng đồng hồ do phục vụ lượng khách quá đông. Nguyễn Trọng Nguyên - sinh viên đại học Dược Hà Nội chia sẻ: "Mình rất bất ngờ khi lần đầu tiên được xem tận mắt những vật phẩm văn hóa, kiến trúc này. Đây là lần đầu tiên chúng được công bố. Trước đây mình chỉ nghe qua trên báo đài nhưng khi tình cờ đi qua Hoàng Thành sáng sớm nay, mình đã nhập vào một đoàn khách và đi theo nghe thuyết minh".

Nguyên cũng cho biết, bộ phận hướng dẫn viên lịch sử lần này khá hiệu quả, hướng dẫn chi tiết, nhiệt tình với giọng nói truyền cảm. Chàng trai 20 tuổi, một dược sĩ tương lai tỏ ra đặc biệt ấn tượng về những chi tiết chạm khắc đầu rồng và gạch hình cánh sen của thời nhà Lý. Nguyên nói: Có thể cảm thấy những yếu tố văn hóa Việt rất sâu đậm như hình rồng thời Lý hay hình hoa sen., thật tự hào. Mình sẽ thông tin ngay cho bạn bè để có thể đến xem những hiện vậy có một không hai này. Nếu có dịp, mình sẽ quay lại và xem thêm lần nữa.

Triển lãm Hoàng Thành Thăng Long tiếp tục mở cửa trong những ngày tới để đón người dân đến chiêm ngưỡng cổ vật Hà Thành.

H. Hương Giang

Bài viết và ảnh các cổ vật tuyệt vời coi ở đây:

http://vietnamnet.vn/vanhoa/201010/Nguoi-Ha-Noi-sung-so-truoc-hang-nghin-co-vat-Thang-Long-939005/

NBNTB
10-08-2010, 11:48 AM
Hoàng thành Thăng Long được công nhận di sản văn hoá thế giới

Kỳ họp lần thứ 34 Ủy ban di sản thế giới của UNESCO họp tại Brasilia, thủ đô của Brasil, đã thông qua Nghị quyết công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội là Di sản văn hóa thế giới.


Nghị quyết này được Ủy ban thông qua vào lúc 20 giờ 30 ngày 31/7/2010 theo giờ địa phương, tức 6 giờ 30 ngày 1/8/2010 theo giờ Việt Nam.

Tham dự kỳ họp lần thứ 34 Ủy ban di sản thế giới, Đoàn đại biểu Việt Nam có Bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng vụ văn hóa đối ngoại UNESCO, Bộ Ngoại giao, Ông Văn Nghĩa Dũng - Đại sứ trưởng phái đoàn thường trực của Việt Nam bên cạnh UNESCO
Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản được ghi nhận bởi 3 đặc điểm nổi bật: Chiều dài lịch sử văn hóa; Tính liên tục của tài sản với tư cách là một trung tâm quyền lực, và Các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú.

Ủy ban di sản thế giới đã công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di sản văn hóa thế giới dựa trên 3 tiêu chí (trong số 6 tiêu chí của UNESCO).

Trước hết, những di tích trên mặt đất và khai quật được trong lòng đất tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại, đặc biệt Phật giáo, Nho giáo, thuyết phong thủy, mô hình vương thành phương Đông, mô hình kiến trúc quân sự phương Tây (thành Vauban), đến từ Trung Hoa, Champa, Pháp, để tạo dựng nên những nét độc đáo, sáng tạo của một Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của một quốc gia vùng châu thổ sông Hồng. Kết quả giao thoa, tiếp biến văn hóa đó được biểu đạt trong tạo dựng cảnh quan, qui hoạch các khu cung điện, trong nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí cung đình với diễn biến văn hóa đa dạng qua các thời kỳ lịch sử.

Kế đến, khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở châu thổ sông Hồng trong suốt lịch sử liên tục 13 thế kỷ và vẫn được tiếp nối cho đến ngay nay. Những tầng văn hóa khảo cổ, di tích kiến trúc và nghệ thuật của di sản phản ánh một chuỗi lịch sử nối tiếp nhau liên tục của các vương triều cai trị đất nước Việt Nam trên các mặt tư tưởng, chính trị, hành chính, luật pháp, kinh tế và văn hoá trong gần một ngàn năm. Trên thế giới rất hiếm tìm thấy một di sản thể hiện được tính liên tục dài lâu như vậy của sự phát triển chính trị, văn hoá như tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Cuối cùng, khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội minh chứng rõ nét về một di sản có liên hệ trực tiếp với nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử của một quốc gia dân tộc vùng Đông Nam Á trong mối quan hệ khu vực và thế giới. Di sản đề cử là bằng chứng thuyết phục về sức sống và khả năng phục hưng của một quốc gia sau hơn mười thế kỷ bị nước ngoài đô hộ. Di sản đề cử còn ghi đậm dấu ấn thắng lợi của một nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc, có ảnh hưởng rộng lớn trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
Từ năm 2006, được sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của Trung ương, Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả của các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, sự quyết tâm cao và cố gắng nỗ lực, hiệu quả của thành phố Hà Nội, đặc biệt là sự tham gia rất nhiệt tình, tâm huyết và trách nhiệm của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã được bảo vệ, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa Thế giới.

Hồ sơ được đăng ký từ tháng 9/2008 và chính thức đệ trình UNESCO từ tháng 1/2009, được UNESCO tiến hành các quy trình thẩm định chặt chẽ thông qua cơ quan tư vấn ICOMOS (Hội đồng Quốc tế về Di tích và Di chỉ), và đến nay đã được Ủy ban di sản thế giới gồm 21 nước thành viên công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Hoàng thành Thăng Long được phát lộ từ tháng 12/2002 và từ đó đến nay đã khai quật trên diện tích hơn 19.000 m2. Đây là quy mô khai quật khảo cổ học lớn nhất ở Việt Nam và cũng vào loại lớn nhất ở Đông Nam Á.

Khu vực khai quật nằm về phía tây của điện Kính Thiên trong Hoàng Thành thời Lê sơ. Đây là di tích của một phần phía tây Hoàng Thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng thế kỷ XI - XVIII, ngược lên thành Đại La thế kỷ VII - IX và kéo dài đến thành Hà Nội thế kỷ XIX.

Khu di tích bộc lộ một bề dày lịch sử từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIX gồm thời tiền Thăng Long, thời Thăng Long và Hà Nội. Các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau qua nhiều thời kỳ lịch sử một cách khá liên tục.

Kim Tân (Dân Trí)

NBNTB
10-11-2010, 04:15 PM
Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội qua báo chí nước ngoài

Nhiều tờ báo lớn của nước ngoài như New York Times, Csmonitor, Bloomberg đã có bài viết về Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.


Phóng viên của tờ New York Times đã có mặt tại Hà Nội vào dịp này để phản ánh không khí lễ hội tưng bừng mừng Thủ đô ngàn năm tuổi.

Một điệp khúc vang lên từ loa phát thanh vào ngày cuối tuần - Hà Nội, Hà Nội, Hà Nội. Trên vỉa hè, cô sinh viên Nguyễn Thị Thúy đang bán những miếng dán má hình trái tim màu đỏ, với ngôi sao vàng ở chính giữa.

Tôi đã chờ đợi ngày này rất lâu rồi. Sự kiện này chỉ diễn ra một lần trong 1.000 năm, cô sinh viên 20 tuổi hào hứng nói.

Hà Nội sẽ kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà nội vào Chủ nhật, 10/10 với một cuộc diễu hành quy mô lớn, các buổi hòa nhạc và đường phố trang hoàng lộng lẫy. Cuộc sống thủ đô như chậm lại để mừng sự kiện trọng đại này.

Cô sinh viên Thúy đang bán những miếng dán quanh hồ Hoàn Kiếm ở trung tâm thủ đô. Gần chỗ Thúy đứng, trên tường của bưu điện trung tâm Bờ Hồ, là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và tấm băng rôn lớn: Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại.

Hà Nội ngày nay đã phát triển nhanh hơn, to đẹp hơn, với dân số hơn 6 triệu người. Những lá cờ đỏ sao vàng, băng rôn tràn ngập các con phố khi Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm lịch sử.

Xét về mỹ quan đô thị, Hà Nội đã thành công trong việc kết hợp giữa phát triển và bảo tồn, trong khi các thành phố châu Á khác không làm được điều này. Các quy định về xây dựng không cho phép xây các tòa nhà cao tầng ở khu vực trung tâm. Các con phố quanh bờ hồ Hoàn Kiếm vẫn còn những cây cổ thụ tỏa bóng mát và vỉa hè rộng rãi. Sự phát triển nóng chủ yếu diễn ra ở khu vực ngoại ô phía tây thủ đô.
Nhiều biệt thự đẹp của phố cổ đã được bảo tồn. Khu vực phố cổ với nhiều cửa hàng đông đúc thu hút khách du lịch vẫn tồn tại. Khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm cho tới nay cơ bản không chịu sự phát triển nóng.

Tôi rất tin tưởng rằng mọi thứ xảy ra trong khu vực trung tâm thủ đô là rất tốt. Đó là lý do tại sao tôi thấy thoải mái khi đi dạo quanh khu vực này, Lawrie Wilson, một nhà quy hoạch đô thị Australia đã sang công tác tại Việt Nam kể từ đầu những năm 1990, nói.

Tối thứ 5 vừa rồi, các nhà chức trách đã cấm xe cộ đi vào một số tuyến phố khi hàng nghìn người đã tham gia buổi tổng diễn tập cho lễ diễu hành tại quảng trường Ba Đình vào Chủ nhật tới. Những người tham gia diễu hành đại diện cho các tầng lớp trong xã hội gồm công nhân, viên chức, sinh viên, nhà báo, bác sĩ, các cộng đồng thiểu số, kiều bào.

Các nhà sư, các nữ tu theo dòng Thiên Chúa giáo và những người Hồi giáo đội mũ chỏm diễu hành theo một nhóm, tay cầm các lá cờ Đảng có hình chiếc búa và lưỡi liềm. Các cựu chiến binh Việt Nam với những hàng huy chương trên ngực cũng tham gia diễu hành.

Cụ Vũ Trọng Thuần, 80 tuổi, một cựu chiến binh từng phục vụ trong quân y, trong bộ đồng phục đi dạo trên các con phố được trang hoàng lộng lẫy của Hà Nội cùng các cháu.

Cụ Thuần cho biết cụ thấy tự hào vì đã tham gia bảo vệ thành phố trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhưng cụ cũng hoài cổ về một Hà Nội xưa. Tôi nhớ rạp chiếu phim cũ, kem Tràng Tiền, chợ Đồng Xuân cũ. Cụ Thuần cũng nhớ âm thanh tiếng xe điện cổ của Hà Nội và nhớ đi bắt châu chấu hồi còn nhỏ.

Tờ Bbloomberg cũng đưa tin, Hà Nội sẽ đón mừng 1.000 năm tuổi vào cuối tuần này và đây sẽ là dịp để chứng tỏ sự phát triển kinh tế của đất nước sau nhiều thập niên chiến tranh.

Một cuộc diễu hành với khoảng 31.000 người tham gia sẽ được tổ chức vào sáng 10/10 tại Quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập năm 1945. Hôm qua, chính quyền thành phố Hà Nội đã hủy bắn pháo hoa tại 29 điểm như đã định để dành tiền hỗ trợ các nạn nhân của trận lũ tại miền Trung.

Hà Nội đang trên đường trở thành một thành phố hiện đại toàn diện, Peter Ryder, tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Indochina Capital, người đã sống tại Hà Nội kể từ năm 1992, nhận xét.

Đối với 6,5 triệu dân của Hà Nội, chất lượng của cuộc sống đã tăng lên đáng kể trong 2 thập kỷ qua, với nhiều thương hiệu lớn của thế giới đã tới Việt Nam. Công ty PricewaterhouseCoopers từng nhận định Hà nội có thể trở thành thành phố có tốc độ phát triển kinh tế cao nhất thế giới trong những năm 2008-2025.
Sự phục hưng kinh tế của Việt Nam đã giúp mang lại các dự án lớn cho Hà Nội. Năm 2007, tập đoàn Keangnam của Hàn Quốc đã xây dựng tòa nhà cao nhất Việt Nam, dự kiến cao 70 tầng. Trung tâm Hội nghị Quốc gia cũng được xây dựng tại Mỹ Đình để phục vụ cho các hội nghị toàn cầu như các hội nghị của ASEAN vừa qua.

Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng hơn 5 lần trong 15 năm qua lên mức 1.068 USD, theo số liệu của Quỹ tiền tệ IMF. Năm 1993, Việt Nam là quốc gia nghèo thứ 5 thế giới xét theo phương diện thu nhập đầu người, sau Mozambique, Tanzania, Ethiopia và Sierra Leone. Nhưng đến năm 2009, Việt Nam xếp trên 36 nước.

Giờ đây, Hà Nội đang sắp kỷ niệm sinh nhật 1.000 tuổi. Vào năm 1010, vua Lý Thái Tổ, người sáng lập vương triều Lý, đã rời thủ đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Hà Nội. Các hoạt động trong lễ kỷ niệm bao gồm việc khánh thành con đường gốm sứ dài gần 4km, được Guinness công nhận là con đường gốm sứ lớn nhất thế giới.

Còn Christian Science Monitor đưa tin, Hà Nội lấy ngày 10/10 là ngày chính thức cử hành Đại lễ quốc gia với cuộc diễu binh, diễu hành quy mô cấp nhà nước. 10/10/10 không chỉ là một con số đẹp, mà khi nhân chúng với nhau còn tạo nên con số 1.000.

Ngoài ý nghĩa quốc gia, đây cũng là dịp để thúc đẩy du lịch và khơi gợi tinh thần yêu nước.

Tuần này, khu khảo cổ Hoàng thành Thăng Long đã chính thức mở cửa đón du khách. Tọa lạc ở trung tâm Hà Nội, di tích được phát lộ năm 2002 trong quá trình xây dựng tòa nhà quốc hội mới. Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long cũng đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới hồi năm nay.

Các cổ vật được khai quật tại khu di tích có niên đại từ thế kỷ thứ 8. Công trình chứa đựng nhiều gốm cổ cũng như các dấu vết đất nung, dấu tích các cung điện cổ và hệ thống thoát nước.

Zan-Hee Oh, nhân viên chương trình tại văn phòng của UNESCO tại Hà Nội, cho hay khu di tích đã chứng minh tuổi đời của Hà Nội.
Rõ ràng di tích Hoàng thành giúp chứng minh rằng Hà Nội đã 1.000 năm tuổi. Công trình có từ nhiều thế kỷ trước, vì thế di tích đã minh chứng cho lịch sử, bà Zan-Hee Oh nói.


An Bình Tổng hợp (Dân Trí)

NBNTB
10-11-2010, 04:27 PM
1.000 năm Thăng Long - Hà Nội giữa nước Pháp

Hôm qua, ngày 10/10, hơn 30.000 người, trong đó có hàng nghìn binh lính, đã diễu hành kết thúc 10 ngày đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sự kiện đã làm sống lại niềm kiêu hãnh của một đất nước đã từng chiến thắng các cường quốc xâm lược.


Theo AFP, đây là lần đầu tiên từ nhiều năm qua, Việt Nam huy động nhiều tầng lớp dân chúng, từ công nhân, thanh niên, cho đến các sắc dân thiểu số, các thành phần tôn giáo tham gia một trong những đại lễ quan trọng nhất.

Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết xác định: "Bao nhiêu thế hệ kế tiếp nhau kiên cường chiến đấu, hiến dâng cho Thủ đô và Tổ quốc cuộc đời mình, cả tuổi trẻ, tình yêu và hạnh phúc, để bảo vệ từng tấc đất của tổ tiên, nguồn cội". Chủ tich khẳng định người Việt yêu chuộng hòa bình nhưng không khuất phục trước bạo lực.

Theo trang Voice of Russia, những ngày này, đoàn ca múa nhạc quốc gia Nga mang tên Piatniski đang biểu diễn tại Hà Nội. Hà Nội được vua Lý Thái Tổ thành lập năm 1010. Tương truyền, khi nhà vua đi chơi thuyền trên sông Hồng, một con rồng xuất hiện từ mặt nước. Theo truyền thuyết, rồng là cha của người Việt, vì vậy Lý Thái Tổ ra lệnh xây thủ đô mới đúng chỗ rồng bay lên và đặt tên là thành Thăng Long.

Tôi đã chờ đợi rất lâu cho ngày này. Đây là ngày một nghìn năm mới có một lần, tờ New York Times dẫn lời sinh viên Nguyễn Thị Thúy tự hào nói giữa dòng người đang đổ về trung tâm thủ đô mừng đại lễ. Còn theo báo Bangkok Post của Thái Lan ngày 10/10, khi Hà nội kỷ niệm 1000 năm tuổi trong tuần này, giới trẻ háo hức hướng tới một tương lai thịnh vượng. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tiếp tục ở‎ mức cao, 6,2% năm 2009 và nhiều khả năng sẽ đạt 6,5% năm 2010.

Một loạt tờ báo nước ngoài còn ghi lại cảm nhận trong mỗi người dân Việt Nam về một lễ hội nhân dân hết sức đông vui, vẻ hân hoan không chỉ có trên gương mặt người dân thủ đô mà cả những người đến từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung và cả trong Nam. Tôi nhìn thấy những người nông dân đi giữa đường phố Hà Nội rất hân hoan, vui vẻ. Cái lớn của lễ hội của nhân dân chính là người đi xem. Họ mới là động lực, sức mạnh và đồng thời cũng là niềm hân hoan của Đại lễ này. Người đi xem đã làm nên lễ hội, hãng tin AFP dẫn lời một người từ miền Trung ra Hà Nội dự lễ nói.

Nhân sự kiện Việt Nam tổ chức đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội đầy màu sắc, tuần san Le Monde của Pháp đã dành hẳn 6 trang viết với tựa đề: Hà Nội, giấc mơ thiên niên kỷ. Bài viết lược lại lịch sử chống ngoại xâm của Hà Nội từ thời Lý Công Uẩn đến nay, và sau những thăng trầm của lịch sử, Hà Nội bắt đầu phát triển vượt bậc từ 20 năm qua.
Hà Nội hiện tại đầy nguyến rũ trong sương buổi sáng bên hồ Hoàn Kiếm, với những con đường rợp bóng cây, những ngõ dân cư đông đúc, những công trình kiến trúc và công viên. Hồ Gươm là trung tâm thu hút của khu phố cổ, với hàng chục ngôi chùa, đình, đền. Khu phố cổ luôn là điểm thu hút du khách đến khám phá những kho báu bình yên, xa những tiếng ồn ào của xe cộ nơi phố thị, tờ báo viết.

Dọc theo các đại lộ được xây dựng thời Pháp là công viên và các khu biệt thư xinh xắn. Việt Nam đã khéo léo khi biết tiếp nhận và bảo tồn di sản này. Khu phố cổ 36 phố phường luôn thu hút nhiều du khách đến tham quan, mua sắm. Chính sách mở cửa của chính phủ và sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam từ những năm 1990 đã làm cho Hà Nội trở thành một thành phố rực rỡ sắc màu.

Đài BBC lưu ý đến thông tin trong động thái hướng về miền Trung, giới chức Hà Nội hôm 8/10 đã quyết định ngừng bắn pháo hoa tại 29 địa điểm trong dịp đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, để dùng số kinh phí này hỗ trợ cho các tỉnh miền Trung chịu thiên tai. Trận lũ lụt kinh hoàng tại miền Trung xảy ra trước đó mấy ngày thực sự là nỗi buồn lớn cho cả đất nước, chứ không phải chỉ riêng cho miền Trung.


Việt Hà Tổng hợp các báo nước ngoài (Dân Trí)

NBNTB
10-14-2010, 11:25 AM
Báo chí nước ngoài và ngày bế mạc đại lễ nghìn năm

Hôm qua, ngày 10/10, hơn 30.000 người, trong đó có hàng nghìn binh lính, đã diễu hành kết thúc 10 ngày đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sự kiện đã làm sống lại niềm kiêu hãnh của một đất nước đã từng chiến thắng các cường quốc xâm lược.


Theo AFP, đây là lần đầu tiên từ nhiều năm qua, Việt Nam huy động nhiều tầng lớp dân chúng, từ công nhân, thanh niên, cho đến các sắc dân thiểu số, các thành phần tôn giáo tham gia một trong những đại lễ quan trọng nhất.

Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết xác định: "Bao nhiêu thế hệ kế tiếp nhau kiên cường chiến đấu, hiến dâng cho Thủ đô và Tổ quốc cuộc đời mình, cả tuổi trẻ, tình yêu và hạnh phúc, để bảo vệ từng tấc đất của tổ tiên, nguồn cội". Chủ tich khẳng định người Việt yêu chuộng hòa bình nhưng không khuất phục trước bạo lực.

Theo trang Voice of Russia, những ngày này, đoàn ca múa nhạc quốc gia Nga mang tên Piatniski đang biểu diễn tại Hà Nội. Hà Nội được vua Lý Thái Tổ thành lập năm 1010. Tương truyền, khi nhà vua đi chơi thuyền trên sông Hồng, một con rồng xuất hiện từ mặt nước. Theo truyền thuyết, rồng là cha của người Việt, vì vậy Lý Thái Tổ ra lệnh xây thủ đô mới đúng chỗ rồng bay lên và đặt tên là thành Thăng Long.

Tôi đã chờ đợi rất lâu cho ngày này. Đây là ngày một nghìn năm mới có một lần, tờ New York Times dẫn lời sinh viên Nguyễn Thị Thúy tự hào nói giữa dòng người đang đổ về trung tâm thủ đô mừng đại lễ. Còn theo báo Bangkok Post của Thái Lan ngày 10/10, khi Hà nội kỷ niệm 1000 năm tuổi trong tuần này, giới trẻ háo hức hướng tới một tương lai thịnh vượng. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tiếp tục ở‎ mức cao, 6,2% năm 2009 và nhiều khả năng sẽ đạt 6,5% năm 2010.

Một loạt tờ báo nước ngoài còn ghi lại cảm nhận trong mỗi người dân Việt Nam về một lễ hội nhân dân hết sức đông vui, vẻ hân hoan không chỉ có trên gương mặt người dân thủ đô mà cả những người đến từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung và cả trong Nam. Tôi nhìn thấy những người nông dân đi giữa đường phố Hà Nội rất hân hoan, vui vẻ. Cái lớn của lễ hội của nhân dân chính là người đi xem. Họ mới là động lực, sức mạnh và đồng thời cũng là niềm hân hoan của Đại lễ này. Người đi xem đã làm nên lễ hội, hãng tin AFP dẫn lời một người từ miền Trung ra Hà Nội dự lễ nói.

Nhân sự kiện Việt Nam tổ chức đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội đầy màu sắc, tuần san Le Monde của Pháp đã dành hẳn 6 trang viết với tựa đề: Hà Nội, giấc mơ thiên niên kỷ. Bài viết lược lại lịch sử chống ngoại xâm của Hà Nội từ thời Lý Công Uẩn đến nay, và sau những thăng trầm của lịch sử, Hà Nội bắt đầu phát triển vượt bậc từ 20 năm qua.
Hà Nội hiện tại đầy nguyến rũ trong sương buổi sáng bên hồ Hoàn Kiếm, với những con đường rợp bóng cây, những ngõ dân cư đông đúc, những công trình kiến trúc và công viên. Hồ Gươm là trung tâm thu hút của khu phố cổ, với hàng chục ngôi chùa, đình, đền. Khu phố cổ luôn là điểm thu hút du khách đến khám phá những kho báu bình yên, xa những tiếng ồn ào của xe cộ nơi phố thị, tờ báo viết.

Dọc theo các đại lộ được xây dựng thời Pháp là công viên và các khu biệt thư xinh xắn. Việt Nam đã khéo léo khi biết tiếp nhận và bảo tồn di sản này. Khu phố cổ 36 phố phường luôn thu hút nhiều du khách đến tham quan, mua sắm. Chính sách mở cửa của chính phủ và sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam từ những năm 1990 đã làm cho Hà Nội trở thành một thành phố rực rỡ sắc màu.

Đài BBC lưu ý đến thông tin trong động thái hướng về miền Trung, giới chức Hà Nội hôm 8/10 đã quyết định ngừng bắn pháo hoa tại 29 địa điểm trong dịp đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, để dùng số kinh phí này hỗ trợ cho các tỉnh miền Trung chịu thiên tai. Trận lũ lụt kinh hoàng tại miền Trung xảy ra trước đó mấy ngày thực sự là nỗi buồn lớn cho cả đất nước, chứ không phải chỉ riêng cho miền Trung.


Việt Hà Tổng hợp các báo nước ngoài (Dân Trí)