PDA

View Full Version : Giá trị châu Âu và những gợi ý cho sự phát triển



Nonregister
10-03-2010, 05:42 AM
Giá trị châu Âu và những gợi ý cho sự phát triển
Hồ Sĩ Quý

Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu

I. Châu Âu già nua

Vài năm gần đây, hình ảnh về một Châu Âu già nua (Old Europe, Secular Europe) thường ám ảnh các nhà chính trị và các nhà hoạt động xã hội xã hội Châu Âu. Thật ra đây là một định kiến thiếu công bằng và không mấy sáng suốt, nhất là đối với những người ở ngoài khu vực Tây Âu tin vào định kiến này. So với Phương Tây ngoài Châu Âu và so với các khu vực khác mới nổi thì đúng là Châu Âu đã già nua. Nhưng già nua đâu có phải là các giá trị Châu Âu đã lỗi thời. Bài viết này cố gắng đưa ra một cái nhìn như vậy. Nhưng trước hết, chúng tôi muốn điểm qua cội nguồn của những quan niệm đã làm nảy sinh định kiến này.

Như mọi người đều biết, từ đầu thế kỷ XX mà đặc biệt là sau Chiến tranh thế giới II, hầu hết những biểu tượng tốt đẹp gắn với những giá trị tưởng như vĩnh cửu của nền văn minh Châu Âu bị hoài nghi sâu sắc.

1. Tại các vùng đất thuộc địa, chủ nghĩa dân tộc cùng với chủ nghĩa quốc tế gia tăng mạnh mẽ đã làm cho phong trào xóa bỏ ách áp bức các dân tộc thuộc địa trở thành làn sóng rộng khắp1. Từ năm 1954, với sự cổ vũ của chiến thắng Điện Biên Phủ, toàn bộ hệ thống thuộc địa của các đế quốc Châu Âu mất hẳn lý do để tồn tại. Toàn bộ tinh thần nghĩa hiệp của các nhà tư bản và giáo sỹ phương Tây dưới ngọn cờ Khai hóa văn minh đem đến những miền đất mới từ thế kỷ XIV đã hoàn toàn sụp đổ và hơn thế nữa còn bị coi là công cụ tham tàn của chủ nghĩa thực dân.

2. Cũng từ đầu thế kỷ XX, Nước Mỹ đã thực sự nổi lên như một thực thể văn minh mới. Các nước Anh, Pháp, Đức mất dần vị thế là những trung tâm văn minh. Những giá trị thực dụng, tự do, dân chủ kiểu Mỹ cùng với một nước Mỹ ngày càng giàu có về kinh tế, hùng mạnh về quân sự, năng động về văn hóa - xã hội đã khiến cho người ta thêm nghi ngờ về một Châu Âu bảo thủ, máy móc, thiếu thiết thực.

3. Rồi chủ nghĩa phi lý (Irrationalism) thịnh hành và phát triển như một đối trọng của lý tính và chủ nghĩa duy lý (Reason, Rationalism): Duy lý hóa ra cũng mang trong nó nhiều điều bất hợp lý. Chủ nghĩa cá nhân (Individualism) bị phê phán là cực đoan, làm hỏng tính cộng đồng, tính xã hội của những nền văn hóa có bề dày truyền thống. Tiếp sau chủ nghĩa cá nhân, đến giữa thế kỷ XX, chủ nghĩa duy con người (Anthropocentrism - con người là trung tâm) cũng bị buộc tội là nguyên nhân gây nên tình trạng chia cắt con người với giới tự nhiên và với thế giới còn lại; làm hỏng môi trường tự nhiên, phá vỡ mối liên kết cố hữu của con người với hệ sinh thái và với vũ trụ

Châu Âu với truyền thống duy lý rực rỡ từ thời đại Phục hưng và Khai sáng, với khẩu hiệu Tự do - Bình đẳng - Bác ái lay động lòng người từ Cách mạng Tư sản Pháp 1789, với nền khoa học và giáo dục hùng mạnh từ thời Newton, Descartes, Kant, Einstein, và với các giá trị văn hóa đã trở thành kinh điển bởi Leonardo da Vinci, Shakespeare, Cervantes, Rousseau, Beethoven, Mozart đã không còn là khuôn vàng thước ngọc cho phần còn lại của thế giới nữa2.

5. Đến cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, trật tự địa chính trị thế giới gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ càng khiến cho Châu Âu đánh mất thêm vị thế của mình. Những tham vọng trong việc mở rộng liên minh Châu Âu, phát hành đồng Euro, làm sống lại khối Pháp ngữ... hóa ra cũng vẫn không đủ để làm mờ đi những sự kiện kiểu như: khối Xô viết tan vỡ, chiến tranh ở Iraq và Apghanistan ác liệt, NATO mở rộng sang phía đông, Trung và Nam Âu rối loạn, hay, châu Á khởi sắc, toàn cầu hóa đột ngột mạnh lên, v.v Châu Âu già nua - tuyên bố không rào đón của một chính khách Mỹ vào năm 2003 khi Mỹ mâu thuẫn với một số nước Châu Âu trong cuộc chiến Iraq đã khiến cho Châu Âu chát đắng khi buộc phải đối mặt với một định kiến mà không ngờ lại nặng nề đến thế3.

Nhưng Châu Âu già nua đâu phải là một phát hiện mới. Hình ảnh ông già Châu Âu đã được người ta nói tới ngay từ cuối thế kỷ XIX. Chỉ có định kiến thiếu công bằng về sự già nua của Châu Âu thì đúng là sản phẩm ngày càng được tô đậm ở nửa sau của thế kỷ XX.

Vậy Châu Âu đã đánh mất những gì? Và, Châu Âu giao nộp những giá trị của mình cho ai?

Còn tiếp.

http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Luan-Ly/Gia_tri_chau_Au_goi_y_cho_phat_trien/