PDA

View Full Version : Lịch Lãm



giavui
09-25-2014, 08:22 PM
Lịch Lãm

Hoàng Ngọc Sơn




Sự am hiểu nghệ thuật cùng những cử chỉ lịch lãm khiêm nhường của ông khách sang trọng khiến người họa sĩ nổi tiếng hết sức thán phục và kính nể. Vậy mà, chỉ một ngày sau, tác giả của bức tranh kiệt tác lại bàng hoàng sửng sốt trước hành động lừa lọc của con người mà ông từng ngưỡng mộ.

Chiều nay, họa sĩ Cần mời khách đến phòng tranh không nhiều, chỉ nhỉnh hơn hai chục người một chút. Ngoài những vị khách có liên hệ tới nghề nghiệp của mình, ông còn mời thêm một số quan chức, đặc biệt có ông Tâm, nghe phong thanh sẽ về làm thủ trưởng cơ quan ông vào đầu tháng tới. Nhân vật này khá có tiếng, ông nghe đã quen tai và đã thấy xuất hiện nhiều lần trên ti vi. Mặc dù khách mời đã đến đầy đủ và đúng giờ, thế nhưng mười lăm phút trôi qua mà vẫn chưa thấy bóng dáng quý nhân đến. Ông Cần bắt đầu lo và trong lòng cảm thấy phân vân nên cứ tự hỏi chính mình. Có thể ông ta bận việc đột xuất hoặc họp hành này nọ, thuyết giáo nơi đâu? Hay cũng có thể tên tuổi ông Cần chưa đủ sức thuyết phục ông ta? Và chẳng loại trừ khả năng ông ta giận mà không đến cũng nên? Điều này dễ xảy ra lắm. Vì chưa một lần nào giáp mặt, nên ông Cần đã mạo muội nhờ một người bạn thân gửi giấy mời cho ông ta và chắc ông ấy sẽ cho rằng việc làm của họa sĩ là thiếu tôn trọng, là khiếm nhã.

Ông Cần cứ thấp thỏm không yên và ruột gan như có lửa đốt. Tuy nét mặt phải tỏ ra vui, miệng vẫn phải tươi cười, vẫn phải nhiệt tình giải thích những khúc mắc của khách về một số bức tranh, nhưng mắt ông thì lại không rời cửa ra vào để ngóng đợi vị khách quan trọng đó. Ba mươi phút trôi qua, khách xem tranh cũng đã nản, họ không còn đứng ngắm tranh nữa, mà túm tụm từng nhóm nhỏ trò chuyện râm ran. Nhiều ánh mắt ngước nhìn lên tầng hai, nơi có những bàn tiệc đã bày sẵn.

Thôi thì việc gì đến rồi cũng sẽ phải đến, không thể cứ vì một người mà làm ảnh hưởng tới nhiều người, nên ông Cần buộc phải mời tất cả các vị khách lên tầng hai để dùng tiệc. Ông dặn dò các cô phục vụ dành riêng một mâm để ông chờ khách. Chưa cần để ông tuyên bố lý do, một số người đã bật bia, đã chạm cốc trăm phần trăm. Họ cười nói vui vẻ và không ngớt miệng khen bia ngon, đồ nhắm tuyệt. Những điều này vượt ra khỏi tầm dự đoán của ông và nó đã làm cho ông cảm thấy chạnh buồn. Ông đến bên tủ lấy chai Cognac Hennessy , rồi xin phép mọi người xuống gác để đợi khách.

Thật may sao, ông vừa bước xuống được dăm phút thì khách quý bước vào, trên tay là một bó hoa tươi thắm. Nhìn vẻ bề ngoài, tuy tuổi đã cao, nhưng tướng mạo của ông Tâm phốp pháp đường bệ, trán rộng và cao, hàm răng hơi khấp khểnh khá duyên, cặp mắt nhỏ nhưng tinh nhanh, khuôn mặt to song lại khá sắc sảo. Khách quý tiến đến bên họa sĩ, lưng hơi chùng xuống, rồi xiết chặt tay ông:

- Anh Cần.. xin được chúc mừng anh.

- Ôi... cảm ơn anh - ông Cần khẽ thở phào nhẹ nhõm.

- Bận quá, giờ mới dứt ra được. Để anh phải chờ, tôi thật có lỗi vô cùng. Thông cảm cho tôi nhé.

Họa sĩ vui quá, đỡ vội bó hoa và không còn để tâm gì việc một vài phút trước đó, ông đã nóng lòng chờ đợi ông Tâm đến mức nào. Và tất nhiên thôi, một vị khách sang trọng như ông ta, đâu có đáng để ông Cần trách móc lấy một câu. Khách quý đến được đã là vinh hạnh lắm cho ông, dù có muộn thế chứ muộn nữa cũng chả sao. Ông Cần thật ngỡ ngàng và hết sức xúc động trước những lời tạ lỗi nhũn nhặn và khiêm nhường của ông ta. Chất giọng ông ấy nghe dịu êm, ấm áp và dễ chịu vô cùng bởi nó có cái gì đó khang khác, vừa pha chút giọng Bắc lại vừa lơ lớ chút giọng miền trong. Chất giọng này chinh phục ông ngay và chắc hẳn cũng dễ dàng làm mềm lòng bất kỳ ai, cho dù người ấy mới chỉ có được tiếp kiến lần đầu. Giờ đây ông Cần có cảm giác như người bị hút mất hồn từ cái bắt tay chặt vừa xong, từ những lời nói lịch lãm. Ông như thấy mình bỗng chốc trở nên nhỏ bé trước con người quyền quý này...

Ông Cần vốn là lớp họa sĩ đầu tiên của trường đại học Mỹ thuật quốc gia, đã có tranh triển lãm ở cả bảo tàng Nga, Pháp, Italy và trong rất nhiều bộ sưu tập tranh của cá nhân ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Lĩnh vực ông thành công nhất trong hội họa là thể loại giấy dó và cho đến nay, chưa ai có thể vượt nổi ông. Khi mà nghệ thuật giấy dó đã đạt tới đỉnh cao, ông lại xoay sang thể nghiệm tranh sơn dầu. Và ở sơn dầu, lại một lần nữa ông khẳng định thêm cho mình. Có thể thấy, người xem cũng như các nhà sưu tập tranh rất chú ý và đam mê tới từng nét vẽ, bởi tranh của ông thường gợi mà không tả, nét nhiều hơn khối, mầu khá tùy hứng với nhiều tầng rung động, luôn dùng tín hiệu để biểu đạt ý tưởng của mình. Vì thế tranh của ông không phải là dễ hiểu chút nào, nó làm cho người xem có lúc phải trở đi trở lại tới vài lần mới ớ người khi mà họ chợt nắm được cái thần của tác phẩm, cái lõi của một phương pháp thể hiện đầy chất trừu tượng. Những lúc thế này, ông cảm thấy phấn khích, tự tin thêm và thường để mắt tới họ, bởi giữa ông với họ đã có chung một điểm nào đó, đã có một cái gì khẽ rung cảm để hòa đồng với nhau. Điều ấy càng được biểu hiện rõ nét hơn qua những bức tranh còn lại hôm nay. Chúng là những bức tranh ông rất thích, mặc dù khách mua vật nài thế nào, ông cũng nhất định không chịu bán. Chưa bao giờ ông cảm thấy mãn nguyện như đợt triển lãm tranh lần này vì khách đến xem tranh khá đông và người mua tranh cũng nhiều không kém. Dường như họ đợi phòng tranh của ông từ lâu lắm rồi, cứ như thể người khát gặp cơn mưa, người đói gặp cơm ăn.

Dù thành công là vậy, nhưng đứng trước ông Tâm lúc này, lạ thay, ông lại trở nên tự ti thế nào ấy. Ông theo sát khách quý và để ý từng cử chỉ của ông ta. Ông Tâm vẫn đứng gần các bức tranh và quan sát rất kỹ từng bức tranh một. Thỉnh thoảng ông lại chau mày, đầu khẽ gật gật và cặp môi hơi mím lại. Có những bức tranh, khi thì ông đứng gần, lúc lại lùi xa. Nhìn dáng vẻ ấy của khách quý, ông Cần ưng lắm và tự nhủ, thế mới là người biết thưởng thức tranh. Chợt ông Tâm quay sang họa sĩ, thả một câu chắc nịch:

- Tranh của anh kén người xem lắm. Xem xong ngẫm lại, tôi mới thấy giật mình.

Ông Cần định đáp lại cho phải lẽ, nhưng lại thôi. Ông nghĩ, lúc này nên yên lặng thì hơn, nói ra nhiều khi lại làm mất đi cái hứng khởi đang có của khách quý, chưa biết chừng trở thành lạc lõng cũng nên. Được một chốc, ông Tâm cùng họa sĩ trở lại bộ xa-lông kê cạnh đó. Ông Cần bóc tem chai Cognac , rót đầy hai chiếc ly nhỏ, rồi đi vội tới cầu thang lên tầng hai. Thấy thế, ông Tâm vội ngăn lại:

- Anh Cần, tôi chỉ có thể ngồi được với anh một lát thôi, xin đừng bầy vẽ làm gì. Anh thông cảm, tôi đang rất bận.

Họa sĩ trở lại bên bàn:

- Tất cả đều có sẵn, anh đừng ngại. Thú thật, uống rượu phải có chút gì đó lai rai thì mới vui, anh ạ...

- Uống rượu cũng như xem tranh - Ông Tâm ngắt lời - có nhấp suông thì mới thấy được cái hương vị rất riêng của nó. Tôi nói vậy, có phải không, anh Cần?

Họa sĩ khẽ gật đầu tán đồng với lời từ chối tế nhị của khách quý. Đợi cho ông Cần tập trung sự chú ý vào mình, ông Tâm đặt tay lên túi áo, lấy ra tấm danh thiếp, trân trọng bằng hai tay trao cho họa sĩ. Sự khiêm nhường đến lịch lãm của khách quý làm cho ông Cần trở nên lúng túng và có phần khúm núm. Ông hơi cúi xuống, hai tay đón lấy tấm danh thiếp. Tác phong nhún nhường, điềm đạm của vị khách tạo cho ông Cần thêm phần kính nể, mặc dù trước đó ông đã được nghe bạn ông ca ngợi hết lời. Tuy ở cương vị cao, nhưng ông ta không bao giờ phân biệt sự sang hèn, địa vị, chỗ đứng thế nào và luôn chìa bàn tay ấm nóng, mềm mại như nhung của mình ra với mọi người. Bởi vậy, ai cũng quý, cũng nể ông Tâm.

Nhấp một ngụm rượu, lẹ làng đặt chiếc ly xuống bàn, ông Tâm nói, giọng nhỏ nhẹ:

- Trước khi tới đây, tôi đã được nghe tên anh từ lâu. Chẳng dám giấu gì, nói thật, tôi rất ngưỡng mộ tài năng của anh. Tôi đã có dịp thăm nhiều phòng tranh và triển lãm tranh cá nhân, nhưng tới đây mới thực sự thấy ưng ý. Phải nói thẳng rằng, tranh của anh vẽ rất kỹ, rất công phu với những đường nét và cách bố cục già dặn - Ông khẽ thở dài - Giờ đây, có quá nhiều tác giả vẽ tranh một cách phóng túng và cố tình cách điệu, đến nỗi chẳng thể hiểu nổi họ định nói gì. Họ làm ra vẻ trừu tượng hóa, tạo cho hình chẳng ra hình, bố cục chẳng ra bố cục. Thật lạ!

Ông Tâm dừng lời rồi hướng mắt về phía bức tranh giấy dó phía trước mặt. Không kịp để họa sĩ nói lên ý tưởng của mình gửi gắm trong bức tranh, ông ta lại tiếp một cách ôn tồn:

- Nhìn bức tranh giấy dó sen này, có thể người khác không ưng, nhưng tôi lại rất thích bởi những gam mầu sáng tối rõ nét. Cho dù bức tranh là cả một đầm sen úa tàn, mầu sắc xám xịt, nhưng bất ngờ từ một thân cây lại chồi lên một đóa sen đầy sức sống với nhụy vàng bao bọc xung quanh. Chi tiết này thuyết phục lắm, nó làm cho bức tranh trở nên rất thực, song không phải vì thế mà mất đi cái vẻ sang trọng, thanh tao của nó.

Ông Cần cứ tròn xoe mắt ngồi nghe và không ngờ vị khách này lại có thể hiểu về hội họa sắc sảo đến vậy. Rõ ràng, ông ta là người rất sành tranh và quá biết về nghệ thuật thể hiện thuốc nước trên giấy dó. Nếu như tay nghề của ông không đạt tới mức thuần thục thì ông đâu có thể hoàn toàn làm chủ được chất liệu này, bởi giấy dó rất mỏng, dễ xước và rách. Có chủ động được với chất liệu khó tính đó một cách tuyệt đối thì ông mới dễ dàng tạo ra một bức tranh chân thật mà vẫn giữ được cái vẻ sang trọng của nó. Chính vì vậy mà đã từ lâu lắm rồi, tới giờ ông mới lại có cảm giác đam mê đến thế này. Ông Cần bỗng trở nên rụt rè:

- Cảm ơn anh đã hiểu tôi - Ông Cần ấp úng - Với tranh sơn dầu, dạ... anh thấy thế nào ạ?

Ông Tâm đưa tay với ly rượu trên bàn, nhấp một ngụm nhỏ, rồi lại trả nó về vị trí cũ. Ông hơi cúi xuống với dáng vẻ suy tư. Một lát, ông ngẩng lên, sôi nổi hẳn:

- Qua một số bức tranh sơn dầu tôi vừa xem, cho thấy rằng, anh khá trung thành với một lối vẽ chân thực và kỹ lưỡng, mặc dầu nền của bức tranh có thể rất huyền và ảo. Còn về mầu sắc, dường như anh không thiên về một mầu nào cả, nhưng khi sử dụng mầu, anh đều có ý nói lên tư tưởng của bức tranh. Chẳng hạn như bức tranh này - Ông chỉ tay về phía bức tranh sơn dầu - vẽ một cô gái khỏa thân đang nằm, phía trên đầu cô là mây trời vần vũ với những gam mầu nóng như đỏ hồng, đỏ tía, đỏ tím. Những gam mầu dữ dội này đã lột tả được cái trăn trở, cái bức bối của người con gái đang ở cái độ tuổi dậy thì.

- Tuyệt quá - ông Cần khẽ buột miệng thốt lên. Nét mặt ông phấn khích và rạng rỡ hơn. Chắc hẳn đó không phải là do những lời khen tinh tế của vị khách mà quả thực ông phục sự thẳng thắn trong nghệ thuật cũng như trình độ thẩm tranh của ông ta. Nếu ông ta là bạn đồng niên thì chí ít hôm nay cũng phải ăn mấy cái phát tay rất mạnh vào đùi hoặc ông phải ép cạn vài ly Cognac mới bõ. Đằng này, tiếc thật, ông ta lại không phải là người bỗ bã cho cam. Phải nói đánh giá của ông Tâm khá tinh vi, vì bức tranh sơn dầu này đã có một số khách nước ngoài và Việt kiều trả tới giá 2.000 USD mà ông cũng chả buồn bán. Ông giữ lại cốt để chơi, để làm kỷ niệm và tạo phông cho các lần triển lãm sau.

Ông Cần với chai Cognac rót đầy hai ly, giọng từ tốn:

- Xin phép anh được cạn hết ly này vì những nhận xét quý báu, vì cuộc gặp gỡ thú vị hôm nay.

Khách quý nâng ly rồi khẽ cụng ly:

- Xin chúc mừng thành công của anh. Cảm ơn anh đã có lời mời tôi hôm nay và cũng rất cảm ơn anh đã cho phép tôi được thưởng thức một phòng tranh đẹp.

Hai người nhìn nhau, cùng cười và cùng cạn hết ly rượu. Ông Tâm đặt chiếc ly xuống bàn:

- Cũng như tôi, vợ và con gái tôi rất thích tranh của anh - Ông ngập ngừng - Xin phép anh...

- Cần gì anh cứ nói - Ông Cần khích lệ.

- Nếu anh không ngại - Ông Tâm đã mạnh dạn hơn - Tôi có thể mượn tạm anh bức tranh sơn dầu này về nhà để có điều kiện xem kỹ hơn và cũng là để cho vợ con cùng thưởng thức, cùng chiêm ngưỡng kiệt tác của anh.

Ông Cần im lặng. Điều này đến với ông quá bất ngờ, nên ông chẳng biết cư xử thế nào cho phải lẽ. Ông cứ phân vân rồi lại tự hỏi chính mình. Không lẽ người ta đã có lòng như vậy mà mình lại tỏ ra thiếu nhiệt tình, quá cẩn tắc, liệu có nên không?

Ông Tâm lại rủ rỉ:

- Tôi biết là rất phiền nên chỉ dám mạn phép được mượn anh đến sáng mai. Rất tiếc, hôm nay lại là buổi cuối cùng, nếu không tôi đã có thể đưa vợ con tới đây để thưởng thức phòng tranh của anh.

Trầm ngâm một lát như để cân nhắc, ông Cần khẽ đáp:

- Được chị và cháu để tâm tới, tôi đã cảm thấy vinh hạnh lắm rồi. Mong anh đừng ngại - Ông trao tấm danh thiếp của mình cho khách quý - Đây là địa chỉ của tôi, nếu khi nào thư thả, tôi rất vui được đón anh chị và cháu tại nhà.

Dứt lời, ông Cần tiến đến bên bức tranh khỏa thân, tự tay hạ nó xuống. Cẩn thận hơn, ông còn lấy khăn lau chùi xuống bụi bẩn bám xung quanh. Ông trao bức tranh đó cho khách quý rồi tiễn ông ấy ra tận xe. Hai ông hơi cúi đầu, lưng chùng xuống vừa phải, cùng chìa tay, xiết chặt.

Sáng hôm sau, mới ngoài tám giờ, ông Cần đang uống dở ly cà phê nóng thì nghe thấy tiếng chuông. Ông vội ra mở cửa. Một người khách đang đứng đó, trên tay là một bó hoa tươi, xế một chút là chiếc xe Toyota Crown mầu trắng sữa đang nổ máy. Nom mặt người khách này nhác thấy quen quen, hình như ông đã gặp ở đâu đó rồi thì phải. Ông hơi sững lại. à... ông nhớ ra rồi. Đúng là trí nhớ của ông dạo này tồi quá! Người này chính là lái xe riêng cho ông Tâm chiều hôm qua.

Ông vội mở cửa, nhưng anh lái xe không vào, cáo lỗi vì bận phải đưa ông Tâm đi họp gấp. Anh ta trao lại cho ông Cần bó hoa, một phong thư nhỏ rồi xin phép đi ngay. Ông Cần trở vào nhà với tâm trạng rất vui vì cử chỉ đẹp của ông Tâm. Ông nghĩ, chắc sáng nay ông ta không đến được như đã hẹn nên viết thư tạ lỗi. Ông Cần với tay lấy lọ hoa trên giá sách, rót nước vào rồi cắm hoa cẩn thận. Ông đặt lọ hoa tươi giữa bàn và lại tiếp tục nhấm nháp ly cà phê còn bốc khói, lần hồi bóc thư. Bất thần, ông khựng lại như điện giật khi nhìn thấy tờ 20USD đặt giữa lá thư và chợt linh cảm như có cái gì đó không ổn trong lá thư này. Tay ông run rẩy lần giở lá thư chỉ vẻn vẹn có mấy dòng.

"Thân gửi anh Cần!

Bận quá, tôi chưa thể tới thăm anh được, mong anh thông cảm. Gia đình tôi cảm ơn anh nhiều vì đã tặng bức tranh. Vợ con tôi rất cảm động về món quà đầy ý nghĩa đó. Bó hoa này do chính tay vợ tôi chọn, nó là tấm lòng của vợ và con gái tôi. Riêng tôi, chẳng có gì ngoài 20 USD gọi là gửi anh tiền khung. Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn anh rất nhiều.

Thân ái
Tâm"

Xem xong bức thư, ông Cần hết sức bàng hoàng và không thể ngờ nổi, một con người mà chỉ ít phút trước đó ông còn ngưỡng mộ là thế lại có thể đang tâm làm cái việc trắng trợn, trớ trêu đến vậy. Ông cứ thừ người với tư thế đờ đẫn hồi lâu và chẳng biết là nên cười hay nên khóc nữa. Có lẽ tâm trạng ông lúc này hẫng hụt ghê gớm, tiếc vì mất bức tranh thì ít mà cảm thấy vừa như đánh tuột khỏi tay một cái gì đó còn thiêng liêng hơn nhiều, nên ông cứ lặng đi một cách xót xa, vì tình cảm của ông đã bị xúc phạm, đã bị thương tổn nặng nề. Bất giác, ông vò nhầu lá thư và dằn mạnh tay xuống ghế, còn tay kia lại vỗ vỗ vào trán, miệng cứ lẩm bẩm như thể tự trách mình, tự mỉa mình, rồi buồn bã trút một tiếng thở dài đánh thượt.


28-4-1997