PDA

View Full Version : Chim Hót Trong Lồng - Nhật Tiến



khieman
12-09-2013, 08:59 PM
.


Chim Hót Trong Lồng
Nhật Tiến


http://pppre.s3.amazonaws.com/2a1a7c8b271371fd/0d4f485a483e4b5fbb13f4bdfe59fe24.jpg (http://pppre.s3.amazonaws.com/2a1a7c8b271371fd/0d4f485a483e4b5fbb13f4bdfe59fe24.jpg)



Truyện viết theo thể Nhật ký của Nhật Tiến
(đã xuất bản 16 lần ở VN và 2 lần ở Hoa Kỳ)

1.Chủ Nhật, ngày16 tháng 11...

Má ơi,

Thế là hôm nay má không đến con rồi. Con bắt đền má đấy. Cả buổi tối hôm qua con gấp áo ở đầu giường, con đi ngủ rồi mà còn nghĩ đến má. Con cũng nằm mơ thấy má dẫn con đi nhặt lá đa ở trên hồ, nhưng không phải hồ Gươm đâu má ạ. Cái hồ mà lại có khói mờ mờ ở trên mặt nước. Con thì mặc cái váy đầm xanh mà má mới mua cho con. Còn má thì bận quần đen, áo đen. Má đánh môi son làm ai cũng nhìn. Con đang mơ thì Masoeur Félicité đến đánh thức con dậy. Bà mắng con đi ngủ mà không buông màn. Con tiếc quá, định nằm mơ nữa thì ngủ quên đi mất. Đến sáng hôm nay thì con chờ má hết hơi. Con bắt đền má đấy. Ở ngoài cổng trường bao nhiêu là người đến đón. Sáng nay lành lạnh nên đứng ở trong hiên nhìn ra có nhiều màu áo lắm má ạ. Có một bà mặc áo vét xanh, mà da cũng trắng như má, đứng ôm cái gì ở ngực. Con tưởng là má, nhưng đến lúc mọi người vào sân trương rồi thì hóa ra không phải. Lũ bạn chúng con tìm được ba má chúng nó, nên hét vang lên rồi chạy nhắng nhít ở trên sân sỏi. Còn con thì cứ nhớn nhác nhìn bà này bà kia, mà chẳng có ai là má cả. Ma soeur Félicité đi tìm hộ con cũng không thấy má. Đến lúc người ta ra hết rồi thì chỉ còn lại mỗi một mình con. Con đứng ở giữa sân nhìn theo mọi người. Con tức má ghê lắm. Nước mắt con chạy vòng quanh, rồi con ngồi ở ghế đá mà khóc. Soeur Félicité lau nước mắt cho con. Bà ấy dỗ dành mà con vẫn thấy buồn, thấy ghét má. Cả một tuần có một ngày Chủ Nhật, mà má lại không đến tìm con. Ma soeur rủ con lên phòng nhưng con vẫn ngồi ở đấy. Con nhìn những chiếc lá bàng đỏ ối rơi ở trên sân sỏi mà nhớ đến giấc mơ đêm hôm qua. Hôm nay con cũng bận váy đầm xanh mặc áo len trắng.

À, dép của con đứt một quai rồi má ạ. Nếu hôm nay mà được ra thì sẽ đem khâu được. Hôm Thứ Năm chơi nhẩy dây ở ngoài sân con bị trẹo chân vì cái quai dép ấy đấy. Nhưng không làm sao má ạ. Con khỏi ngay, chỉ hơi đau đau thôi. Hôm nay má không vào thì con còn phải lê một tuần nữa. Tuần sau đấy má nhé, tuần sau má phải vào với con không thì con khóc đến chiều, đến mai nữa không biết chừng.

Mấy hôm nay hơi rét má nhỉ. Đêm nằm má có lạnh không? Cái cửa sổ có kính vỡ má đã bịt đi chưa? Ở đây, hôm Thứ Sáu các Ma soeur cũng phát thêm chăn rồi. Buổi tối lúc tắt đèn, con rúc vào chăn ấm mà nghĩ đến má thì thích lắm. Giá bấy giờ mà được nằm với má, ôm cổ má mà ngủ thì còn thích bằng mấy. Nhưng bao giờ má lại cho con ngủ với má. Con chỉ cần ngủ với má một tuần một lần vào tối Chủ Nhật thôi. Thế mà dạo này má cũng không cho. Con ghét má rồi. Má hay bắt con về trường từ chiều tối hôm trước, làm con sợ cái buồng vắng vẻ này lắm. Những ngày khác còn vui vui, chứ tối hôm ấy thì chỉ có một mình con. Như thế là chẳng có tối hôm nào con được nằm rúc vào nách má cả. Tại sao thế má? Con đoán là tại tối hôm ấy đang ngủ với con, má bỏ ra đi đến gần sáng, rồi con cứ hỏi mãi má phải không má? Nếu đúng như thế thì con hứa sẽ không hỏi má đi đâu nữa. Má cứ đi, nhưng má cho con ngủ với má mỗi tuần một lần là con bằng lòng rồi. Con không sợ ma nữa. Con không bắt đền má nữa, nhé má nhé. Tuần sau nhé, tuần sau má cho con ở lại nhà một tối nhé. Con nhớ cái mùi thơm thơm ở cổ má, con nhớ làn da mịn mịn ở tay má vuốt vào lưng con. Con cũng gãi lưng cho má. Mẹ con mình nằm với nhau như thế có phải là sướng hơn không.

À, tuần này con nhiều bon point lắm má ạ. Soeur Lucie khen này, soeur Antoine cũng khen này, con nhất về dictée, về vocabulaire, còn géographie thì con được thứ ba. Thế là má nợ con một buổi đi chơi chùa đấy nhé. Tuần này con cũng mới học được kiểu thêu point de chainette. Nếu má mua vải cho con thì con viền và thêu mù xoa cho má. Còn hộp thuốc ho thì con đưa các soeur rồi. Mỗi ngày Ma soeur cho con uống hai viên. Uống ba hôm thì khỏi. Má đừng buồn nhé. Ở trong này ấm bằng mấy ở nhà. Vì chỗ nào cũng có cửa kính, không có gió đâu má ạ. Con chỉ lo cho má thôi. Nếu má giầu thì má thuê nhà khác. Ở đây ghét nhất là phải lội bùn những hôm trời mưa. Mà lại còn buồn nữa. Má ở một mình như thế chắc má cũng nhớ con lắm má nhỉ. Còn con thì khỏi phải nói. Lúc nào con cũng nhớ má. Con chỉ mong cho chóng đến ngày Chủ Nhật để về với má. Lần sau thì má phải vào với con. Con cứ đứng chờ má ở ngoài sân. Nếu má lại không tới thì con cứ đứng cho chết cóng thì thôi đấy.

Lá thư này đến mai thì con gửi đi. Con sẽ chờ đến khi cổng trường mở cho mọi người trở về thì con chạy tọt ra thùng thư chỗ cột đèn mà bỏ vào đấy. Con không có tem nhưng mặc kệ cho má bị phạt. Ai bảo má không yêu con gái, má không nhớ con gái của má. Con hôn má thật nhiều đấy má nhé.

Hạnh

(còn tiếp)

khieman
12-11-2013, 02:02 AM
(tiếp theo)

2.

Thứ Hai, 17-11...

Má ơi,

Con viết cái thư này vào giờ làm bài buổi tối đây má ạ. Sáng hôm nay khi trở về trường, con Hương nó bảo rằng nó gặp má ở trên phố Hàng Gai. Má đi với một người đàn ông to béo ngậm píp, phải không má. Mà hai người lại khoác tay nhau. Ai thế má? Có phải ba, mà thỉnh thoảng má vẫn nhắc rằng ba ở bên Pháp phải không? Hương hỏi rằng:

- Có phải ba mày đấy không ?

Con chưa biết mặt ba thế nào nhưng con cũng đáp:

- Phải rồi, ba tao đấy.

Nhưng nó lại hỏi:

- Sao ba má mày không đến đón mày ra?

Con không biết đáp thế nào mà chỉ tự nhiên nước mắt chạy vòng quanh. Lúc ấy vào giờ ra chơi. Mọi khi thì con chơi nhảy dây, nhưng hôm nay con chán quá. Con ra đứng ở một gốc cây. Soeur Félicité lại hỏi con rằng :

- Sao con khóc?

Con trả lời rằng con nhớ má. Bà ấy beo vào tai mà chế giễu con không bằng những đứa lên sáu, lên bảy. Nhưng bà ấy không hiểu được tại sao con lại buồn như thế. Con nghĩ đến má, đến người đàn ông to béo. Cả đến giờ ngủ trưa con không ngủ được. Con Hương nó nói với con rằng :

- Ba má mày ghét mày rồi. Có ghét thì mới không cho mày đi chơi phố chứ.

Con nghĩ cũng đúng. Nhưng con làm gì mà má ghét con nhỉ. Con không tin như thế. Má yêu con, bao giờ má cũng yêu con, má chẳng nói với con luôn như thế là gì. Phải không má? Bà Félicité biết con buồn, nên giờ ra chơi buổi chiều bà bắt con chơi trò bịt mắt bắt dê với lũ bạn. Chúng nó hò hét om sòm làm con cũng vui lây. Nhưng chỉ vui một tí thôi má à. Con còn giận má vì má đi chơi mà không đến đón con đi. Má coi ông ấy hơn con. Chắc ở nhà má cũng chẳng nhớ gì đến con đấy nhỉ. Nhưng con thì lúc nào cũng nghĩ đến má. Buổi tối ăn cơm ở dưới phòng, có món đậu phụ kho, làm con nghĩ đến bữa cơm ăn với má tuần trước ở nhà. Nhưng má làm ngon hơn và không mặn như ở đây. Hôm ấy má rán đậu ở bếp cồn, má mặc áo len màu xanh nhạt, má buộc túm mái tóc má bằng cái khăn tay của con. Con ngồi xem má ở trên ghế. Hai mẹ con nói chuyện về cái phim vui cười xem hồi sáng, má có nhớ không. Nhưng hôm ấy má cũng không nhắc gì đến ba cả. Nếu ba có ở Pháp về, thì ba cũng phải gửi thư về báo tin cho má chứ.

Hay là ông ấy không phải ba. Hay là ông ấy đi cùng đường với má, mà con Hương trông lầm. Hay là ông ấy là thầy giáo cũ của má, bây giờ má mới gặp lại. Con cho như thế là đúng nhất. Vì Ma soeur Lucie cũng mới kể cho con nghe một chuyện về thầy cũ như thế này: ông Carnot làm đến chức đại tướng một hôm đi xe ngựa về làng cũ. Có bao nhiêu là lính đi dẹp dường hộ vệ. Hai bên đường cũng có nhiều người tụ tập đón mừng. Hôm ấy cũng có một ông cụ già đi xem. Lúc xe đại tướng đi qua thì lính cản đường làm cho ông cụ bị ngã. Ông Carnot trông thấy vội vàng xuống xe, chạy lại đỡ ông cụ lên và nói:

- Thưa thầy, con đây, con là Carnot mà ngày xưa nhiều phen làm thầy mệt trí. Bây giờ có được ngày hôm nay là nhờ được lòng tận tâm dạy dỗ của thầy.

Rồi ông ta không đi xe ngựa nữa. Ông xuống xe, đi bộ dìu thầy mình về đến tận trường làng, với một cử chỉ thật là kính trọng.

Đáng phục thay đại tướng Carnot.

Câu chuyện Ma soeur kể lại làm cho con nhớ đến ông đi với má. Ông ấy có già không hở má? Ngày xưa ông ấy dạy má lớp mấy? Nếu phải là má gặp thầy thì má không vào đón con hôm nay cũng phải. Con không giận má nữa đâu. Con không bắt đền má. Con xin lỗi má. Chắc buổi sáng nay má phải dẫn ông đi xem vườn cây, chắc má lại cho cả ông xem cái ông Tầu bói chim lần nào con chim cũng rút đúng một quân bài đã đánh dấu phải không má?

Viết cho má đến đây thì con hết buồn rồi. Con lại yêu má rồi. Con muốn hôn má. Giá má mà ở đây bây giờ thì con sẽ sà vào lòng má, ngửi cái mùi thơm thơm ở cổ má, còn nhổ cả lông nách cho má mà không đòi tiền của má đâu. À má ạ, con Phụng bạn con thật là không bao giờ sung sướng. Một tuần ở đây đã buồn, khi về nhà nó thì lại buồn hơn. Má nó bắt chia bài suốt ngày Chủ Nhật. Nó oán má nó ghê lắm. Nó gọi má nó là mụ già. Nó gọi ba nó là lão nghiện oặt sà lai. Lão hay túm lấy áo nó lại, bắt nó móc túi lấy ra những đồng bạc tiền hồ mà lúc chia bài, người ta cho nó.

Nghe kể chuyện con lấy làm hãnh diện về má. Má không bao giờ như thế cả. Chủ Nhật nào má cũng chỉ chơi với một mình con. Má dẫn đi ăn phở, rồi đi xem chớp bóng. Buổi trưa hai mẹ con nằm thủ thỉ với nhau đến tận chiều. Má thật đáng yêu. Con yêu má vô cùng. Con kể cho nó nghe, nó cũng thích. Cũng vì thế con lại làm nó ghét má nó thêm. Nó lầu bầu luôn mồm: “Mụ già, mụ già... “ . Những tiếng nghe mà tởm, má nhỉ.

Con thì con hứa rằng dù má thế nào con cũng không bao giờ gọi má như thế. Nếu má muốn đánh bài thì con cũng thích mà chia cho má. Chia suốt ngày, suốt đêm cũng được. Miễn là con được gần má. Cứ gần má cũng đủ sướng mê đi rồi.

Bây giờ thì má đang làm gì ở nhà hả má? Má thêu áo gối hay là đọc sách. Còn con thì sắp đi ngủ đây. Con sẽ nằm trong chăn mà nghĩ đến má. Hễ má thấy sốt ruột là đúng đấy má ạ. Con lạy giời đêm nay lại nằm mơ thấy má. Má cũng cầu như thế đi thì thế nào cũng được, má ạ. Con hôn lên mắt, lên môi và lên cổ má thật nhiều đấy má.

Hạnh
3.

Chủ Nhật 23-11...

Má ơi má,

Sao lúc nãy tiễn con về trường má lại khóc. Ngày hôm nay má khóc bốn, năm lần rồi đấy. Má nhớ ba à? Ba chẳng hẹn với má đi công tác ít lâu rồi lại về, như má nhắc lại với con rồi thôi. Chỉ con là không may thôi.
Nếu ba đi chậm một hôm nữa, thì con được gặp ba. Không biết ba thế nào nhỉ. Ba có béo lắm không? Da ba chắc trắng lắm, vì ở bên tây mà lị, má nhỉ. Sáu ngày vừa qua chắc má nói chuyện về con cho ba nghe nhiều lắm nhỉ. Con được nhiều bon point thế, chắc ba hãnh diện về con gái lắm. Mà ba thì thật tốt. Chưa biết con gái thế nào đã mua tặng một con búp bê thật đẹp. Nhưng sao ba vội đi thế. Đáng lẽ ba phải nhớ đề tặng con mấy chữ thì mới phải. Con ôm con búp bê vào phòng học, cả bọn cùng nhao lên. Đứa nào cũng trầm trồ má ạ. Con sẽ may áo cho nó. Thêu cho nó thật nhiều kiểu. À, má đặt tên cho nó đi. Nó cũng phải có tên chứ má. Từ nay con lại có bạn đi ngủ cùng. Con với nó sẽ đắp cùng một chăn. Không được ôm má thì ôm nó vậy.

Nếu má có viết thư cho ba thì má bảo với ba rằng con gái ba thích lắm, con gái ba gửi ba mấy chữ grand merci papa. Ngày hôm nay thật là vui. Nếu có ba ở nhà thì còn vui nữa. Tuy mới “quen” ba nhưng chắc là con với ba sẽ thân nhau lắm. Tiếng ba nói lên cũng thấy âu yếm như tiếng má.

Bây giờ má nằm một mình ở trong buồng, má đừng khóc, đừng buồn nữa nhé. Má chẳng dỗ con là ba sẽ về thăm luôn là gì. Má ơi, nhất định má không khóc nhé. Má khóc con khổ khổ là. Hôm nay má khóc nhiều nhất. Con thương má lắm. Đáng lẽ ra con nhất định ở lại ngủ với má tối hôm nay, sáng mai mới về cơ đấy. Nhưng vì sợ má khổ thêm nên con phải vâng lời má. Con cũng không hiểu tại sao má lại có ý định buồn cười như thế. Nếu bây giờ con còn ở nhà thì có phải con sẽ nằm bên má, gãi lưng cho má, kể chuyện nhà trường cho má nghe, má đỡ nhớ ba không? Hai mẹ con ủ lấy nhau mà ngủ có sướng hơn không?

Ngày trước má chẳng nói rằng “Cứ được hai mẹ con gần nhau là mẹ chẳng cần gì nữa” là gì?

À, hồi trưa má có bảo con rằng Chủ Nhật nào má đón được thì má sẽ báo trước vào hôm Thứ Bảy. Thế là thế nào hả má? Má không đón được con thường xuyên hay sao? Không, má ơi, dù thế nào má cũng phải đến với con. Dù thế nào con cũng chờ má ở ngoài ghế đá. Chủ Nhật ở đây hiu quạnh và buồn lắm. Ngoài vườn thì chỉ có sỏi trắng với lá vàng. Trên hành lang tất cả các dãy thì có những miếng đá hoa trắng, lạnh. Còn trong phòng lại càng chán. Giường nào của chúng nó cũng xếp gọn gàng. Đứa nào cũng háo hức được đi. Thế mà má lại bắt một mình con ở lại. Sao thế má? Sao thế má? Con van má, con lạy má, cho con được ra với má một tuần một lần. Con không đòi ngủ với má nữa, con sẽ về trường vào tối Chủ Nhật. Má bảo gì con cũng nghe, nhưng má phải cho con đi chơi với má, hay nằm với má buổi trưa, để được ôm lấy cổ má, được gãi lưng cho má, con thích thế, và chỉ cầu mong được như thế. Má có nghe con không, má có bằng lòng không, má có biết con khổ thế nào không, nếu con đợi mà không thấy má. Con sắp sửa khóc cho má xem đây này. Cứ nghĩ đến cái hôm phải đứng một mình ở sân sỏi, đỏ mắt lên chờ má, nhìn ai cũng không phải là má, trông ai cũng muốn người ấy là má, mà cuối cùng phải lủi thủi một mình ngồi ở ghế đá, con lại muốn phát khóc. Như thế thì má biết con gái má mong má như thế nào.

Nhiều đứa, một tuần có bảy ngày, chúng nó được sống với má chúng nó cả bảy. Đằng này con có mỗi một ngày mà má lại định bỏ đi nữa hay sao? Má ơi, má. Má gật đầu nhé, má bằng lòng nhé, tuần sau con cũng sẽ chờ má, Thứ Bảy má đừng đến trường nữa. Con không nghe thấy má nhắn rằng má không tới được đâu. Con cứ chờ. Chờ cho đến khi chết rét ngoài sân thì thôi đấy má. Má cứ trông những nét chữ nhòe đi ở trang giấy này thì đủ thấy con khổ thế nào. Con không muốn khóc nhưng nước mắt cứ trào ra. Vì con nghĩ rằng má sẽ không đến đón con. Chỉ nghĩ đến thôi cũng đủ khóc rồi má ạ.

Bây giờ con ôm búp bê đi ngủ đây. Trong tuần này má nhớ đặt cho nó một cái tên nhé.

Nếu má có viết thư lên cho ba, thì má bảo với ba rằng con gái cũng nhớ ba. Hôm nào ba về ba đến xin phép cho con gái ba đi chơi với ba một hôm. Chắc ba ở Pháp về thì không biết các phong cảnh đẹp ở đây. Con sẽ dẫn được ba đi một mình mà không lạc đâu. Con sẽ chỉ cho ba cái chỗ mà hai mẹ con vẫn giải chiếu lên ngồi chơi và ăn cơm nắm với giò má nhỉ.

Con đi ngủ đây má nhé. Bà Félicité đang đi kiểm soát kia kìa má ơi. Con cù vào nách má đấy.

Hạnh
4.

Thứ Năm 27-11...

Má ơi má,

Con sốt ruột quá không thể chờ Chủ Nhật được nên lại viết cho má thư này. Má có biết chuyện gì xảy ra hay không? Con kể cho má nghe nhé.

Sáng hôm nay Soeur Antoine, Soeur Rosetta, Soeur Félicité, và Soeur Madeleine, bốn bà dẫn hai lớp đi xuống gần Đền Hai Bà để chúng con được xem tận nơi khu tiểu công nghệ ở dưới ấy. Để hôm nào về nhà con sẽ kể cho má nghe người ta chế tạo đồ dùng như thế nào, đúc nồi này, làm khuy này, thổi chai lọ này, nhiều lắm cơ má ạ. Kỳ sau về con sẽ dẫn má đi, con chỉ cần má dẫn con đến nghĩa địa tây là con nhớ lối. .
Về qua phố Gia Long, con Hương chỉ cho con một người to béo mà bảo rằng:

- Ba mày đấy, gọi đi !

Con ngơ ngác nhìn. Ông ấy mặc đồ nỉ xám, đi giày tây đen, nhưng không ngậm píp. Đầu thì hơi hói ra đằng sau, dáng đi gù gù một chút có phải không má. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì con cho ngay là không phải. Ba đi công tác rồi cơ mà má. Mà nếu có về thì cũng phải đi với má chứ. Cho nên con cãi lại, con bảo con Hương là mắt “cập bà lời”. Nó không chịu. Nó nhất định bảo người ấy là cái ông đã đi với má ở trên phố tuần trước. Nó nhầm hay là ba về thật hở má. Nhưng ba về sao ba không đến thăm con? Ba thì chỉ nói một câu là các soeur cho ra ngay lập tức. Cũng vì nghĩ thế nên con lại càng cho là chắc không phải. Con cãi nhau um sùm với nó, làm nó phát tức lên ứ ở cổ. Mà con thì cũng tức như nó. Con cầu mong gặp được ba một lần thì chẳng bao giờ có chuyện cãi nhau lố bịch như thế, phải không má.

Tuần này con về thì má phải tả kỹ mặt ba cho con đấy nhé. Đầu này, tóc này, mắt này, răng này, và cả cách ăn mặc nữa. Có khi hai cha con gặp nhau thật mà lại không nhận ra nhau thì buồn cười lắm. Má đã viết thư cho ba chưa? Má có chuyển lời grand merci papa cho con không. Rồi con sẽ viết cho ba một lá thư để má gửi cùng.

Thư con viết ngày Chủ Nhật, gửi đi ngày Thứ Hai chắc má nhận được rồi. Má có bằng lòng đón con hằng tuần không. Má có giận con không. Con lạy má, má đừng giận gì con cả, nhé má!

Yêu má, yêu ba.

Hạnh

T.B. - Con gửi cho má bài luận tả “buổi tối trong gia đình” cho má xem nhé.

BÀI LÀM:

Cả nhà ăn cơm xong từ chập tối. Mưa buổi chiều hãy còn rả rích trên những ống máng. Má sai cái ở đi đóng cửa ngoài. Khung kính ngăn không cho gió mùa đông lạnh lẽo lùa vào phòng. Nhìn ra ngoài trời chỉ thấy một màu đen vừa sâu, vừa ầm ĩ tiếng sét, tiếng cành cây rung, thỉnh thoảng có cảø chớp nữa. Con mèo cũng rét và em cũng rét. Em ôm con mèo ngồi ở trên giường. Nó thì lim dim ngủ còn em thì xem báo Mickey.

Hôm nay ba không hút thuốc. Ba ngồi vừa xem báo vừa ho ở trên ghế bành. Má nhìn ba, má bảo:

- Ba mặc thêm áo vào.

Rồi má đi mở tủ. Má lấy cái áo len màu xanh giơ lên dưới ánh đèn. Ba xua tay:

- Cái áo này mặc ngứa ở cổ lắm.

Nhưng má cũng cứ mặc cho ba. Má quàng cho ba thêm cái khăn quàng màu nâu bằng lụa. Thế là hết ngứa cổ. Xong xuôi, má quay lại phía giường:

- Con gái thuộc bài ngày mai chưa?

Em đọc cho má nghe bài morale và bài histoire. Má vừa nghe nhưng chắc má vừa nghĩ đến con chó cứ sủa mãi ở ngoài sân, nên má báo con ở ra xếp lại chỗ ngủ cho nó. Thì ra nó bị rét. Con ở bảo thế. Xong việc hỏi bài thì má hôn con gái rồi lại cho đọc tiếp tờ báo Mickey. Em hỏi ba:

- Ba ơi ba, chuột cũng nói tiếng người hở ba?

Ba, má cùng cười. Má trả lời:

- Chứ sao?

Em lại hỏi:

- Sao con không nghe thấy chúng nó nói với nhau ở trong đôi giày trắng của ba?

Má đáp :

- Chuột nói tiếng người là chuột ở bên tây cơ.

Còn ba thì đứng dậy. Ba đi mở cái ngăn tủ dưới ra xem đôi giầy trắng, đôi giầy mà ba đi vào mùa hè, ngoài phố có nắng chói. Ba bảo:

- Má phải xem luôn cái tủ này mới được.

Rồi ba kêu lên:

- Ôi thôi, nó cắn rách cái mũi giày này rồi.

Ba giơ lên cao. Không phải mũi giầy tây trắng mà là mũi giầy của má. Má tiếc ngẩn ngơ, nhưng má bảo:

- Thôi chả cần, cả năm có dùng gì đến đôi giầy nhung ấy đâu.

Nhưng ba hứa Chủ Nhật dẫn má đi phố, mua cho má đôi giày kiểu mới hơn. Ba bảo:

- Cũng lâu lắm má không sắm sửa gì cả.

Má ngồi xuống cạnh ba, vuốt ngực cho ba, rồi má nói:

- Em không cần gì cả.

Hai người chắc hôn nhau. Nhưng đến khi quay lại phía con gái thì nó đã nằm ngủ bên con mèo. Má lẳng lặng đi tìm chăn đắp cho cả hai đứa.

(còn tiếp)

khieman
12-11-2013, 02:40 AM
(tiếp theo)

5
Thứ Ba, 2 tháng 12...

Má ơi má,

Chiều hôm nay má đi đâu đấy? Con trông thấy má cơ. Tại vì chúng con được bà Félicité dẫn sang nhà Chung tập múa để sửa soạn lễ Noel sắp tới. Má mặc áo màu tím than phải không, má đeo sợi dây chuyền màu trắng, tóc má buộc ở đằng sau phải không? Ô tô của ai đấy má? Cái ông ngồi bên cạnh má chắc không phải ba rồi. Con đoán là ông chủ sở của má.

Có phải má đi làm ở sở không? Sở má là sở gì ? À, tuần này gặp má, má phải cho con biết đấy. Không có bọn chúng nó hỏi nhau, đứa thì nói ba tao làm bác sĩ, đứa thì nói ba tao làm thầy giáo, làm hiệu ảnh, hiệu buôn. Mà con thì không biết trả lời ra sao cả. Má nhớ nhé, má nhớ bảo con nhé.

Sở của má giàu thế, có ô tô đẹp thế thì chắc là to lắm má nhỉ. Mà chức má chắc cũng oai lắm. Mà giỏi như thế thì ai mà chả phải nể, phải không má? Lúc ấy con có vẫy má mà má không thấy. Tiếc quá, giá lúc ấy hai mẹ con trông thấy nhau, má lại cười với con, lại hôn con ở xa thì bây giờ con thích biết mấy. Con Huệ nó hỏi con :

- Mày vẫy ai đấy ?

Con bảo :

- Má tao đấy.

- Nhà mày có ô tô cơ à?

- Má tao muốn gì mà chả có!

Có phải thế không má. Má muốn gì chả được. Má giỏi lắm. Chữ má phê ở trong Livret của con đẹp nhất đấy má ạ. Con cố học để ngày sau cũng được giống như má, chữ đẹp như chữ má, má có thích không?

Trong lớp con có hơn bốn mươi đứa, mà chỉ có con và con Huệ được chọn đi múa thôi. Bà Cécile ở bên nhà dòng khen con hát hay má ạ. Con đứng ở trên bục, có bao nhiêu là người vừa đánh đàn, vừa xem. Con xấu hổ quá. Con hát bài Hằng Nga ngủ trong rừng, bài Con chim xanh, cả bài Le matin dans la forêt nữa.

Nhưng hát cho má nghe thì không sao, chứ hát ở đây con cuống quít quá. May là ai cũng khen giọng con tốt má ạ. Bà Cécile cử con hát bài “Chân trời hào quang” hôm lễ Noel này. Bây giờ chiều nào bà ấy cũng bắt con sang nhà dòng vào lúc bốn giờ. Bà ấy hứa sẽ dạy con cả nhạc nữa. Má có thích không má. Con mà giỏi thì con sẽ đánh đàn cho má nghe. Má sẽ ngồi hát ở cửa sổ vào lúc trăng mọc. Lúc đã giỏi rồi thì tắt đèn đi con cũng sẽ đánh đàn được. Trong phòng chỉ có ánh trăng, ngoài vườn cũng có ánh trăng. Như thế sẽ đẹp lắm má nhỉ.

Lễ Noel này con được nghỉ nửa tháng cơ má ạ. Con sẽ về với má. Đi chợ với má. Ồ, đi chợ thì thích lắm. Con sẽ xách giỏ cho má, thế nào má cũng mua thật nhiều rau bắp cải.Con thích ăn canh bắp cải luộc có giầm cà chua đỏ ối má ạ. Mà ở trong này thỉnh thoảng mới có món ấy. Tuần này Ma soeur Juliette dạy chúng con làm trứng gà au-plat. Con sẽ làm cho má ăn sáng với bánh mì, nhé má.

Con vẫn nhớ lời má dặn hôm chủ nhật. Con nhắc lại xem có đúng không má nhé. Con không được ra gió này, không được giầm mưa này, tối đi ngủ phải mặc theo cái áo len nâu. Buổi tối trước khi đi nằm thì xin với Ma soeur cho uống hai viên dầu cá! Lúc nhắm mắt rồi thì không được nghĩ gì cả, mà phải đếm từ 1 đến 200. Có phải thế không má? Có hôm con đếm đến trăm rưởi thì ngủ quên mất má ạ.

Nhưng thường thường thì con cũng cố đếm đến câu cuối cùng mới thôi, mặc dầu mắt con đã ríu lại rồi.
Con búp-bê Gigi đã được mặc áo mới má ạ. Con may cho Gigi một cái váy dài đỏ, một cái áo lót và một cái khăn choàng màu xanh. Buổi tối con bế Gigi vào lòng. Nó bao giờ cũng nhắm mắt trước, thế là không được nói chuyện với nhau. Cho nên con bắt nó ngồi để cho nó mở mắt. Có hôm con ngủ quên đi mất thành ra cô ta cứ mở mắt cả đêm. Nhưng nó không cằn nhằn gì đâu. Lúc nào nó cũng tươi cười như má. Nó giống tính má đấy má ạ.

Tuần sau má nhớ đón hai chị em ra nhé, má nhé.
Hạnh và Gigi
6.
Thứ Hai, 8 tháng 12..

Má ơi, má ơi,

Con trông thấy má rồi. Nhất định là má đứng ở cổng trường nhìn vào trong sân lúc ra chơi. Má mặc quần đen, áo đen, má xách cái ví màu đỏ. Con đang nhảy dây ở gốc cây bàng. Con trông thấy má. Con chạy ra hét ầm ĩ:

- Má ơi, má.

Nhưng làm sao má lại chạy. Làm sao má không ở lại với con. Con khóc đấy. Con giận má đấy. Con leo lên hàng rào. Con nhìn rõ má đội cái nón viền chỉ xanh đang đi vội vã sang bên kia đường.

Má nói dối con rồi. Hôm qua Chủ Nhật má không vào đón con thì má nhắn rằng má phải đi thăm ba ốm. Nhưng sao má về sớm thế. Sao ba mau khỏi thế. Con bắt đền má. Má giấu con. Ngày hôm qua má không đi đâu cả. Má vẫn ở nhà. Má vào ăn mì ở hiệu Tầu với một ông trẻ trẻ. Con Thu bảo thế. Chúng nó bảo con rằng “mày có những mấy ba”. Con không nghe chúng nó. Con cãi rằng chỉ có một ba. Ba đi làm xa. Ba mua Gigi cho con. Nhưng chúng nó lại hỏi :

- Thế người ấy là ai?

Con phải nói dối :

- Đấy là chú tao đấy.

Mình làm gì có chú hả má. Có bao giờ má kể chuyện chú nào đâu. Như thế là má ghét con. Má thích đi ăn mì hơn là đi nhặt lá bàng với con. Làm con cả ngày hôm qua chỉ lủi thủi một mình với Gigi. Con nhớ má mà má không nhớ con. Má có cần gặp con đâu! Má ghét con rồi, má không yêu con rồi.

Quà của má gửi vào, con không ăn đâu, cả Gigi cũng không thèm ăn nữa. Con không cần bánh bằng cần má. Con soạn quần áo ra ngoài từ hôm Thứ Sáu. Con để dành cái váy xanh đẹp nhất để đi chơi với má. Hôm đem xuống bếp nhờ chị Hai ủi hộ, con khoe má với chị ấy. Chị ấy thì không có má đón ra, chẳng có ai đón chị ấy ra cả. Con hứa với chị ấy đến lúc về thì kể chuyện các nơi cho chị ấy nghe.

Thế mà má lại nói dối là đi thăm ba. Ba to béo thế thì ốm sao được. Chỉ có má gầy má mới dễ ốm thôi. Kỳ trước má chẳng ho là gì. Má lại ho ra cả máu nữa. Má có nhớ uống sirop không, đêm má có mặc áo len đi ngủ không, má có nhớ đắp chăn cho kín ngực không? Dạo này đêm rét lắm phải không má?

Bây giờ thì con vẫn còn giận má. Má cất công lên tận trường rồi, mà lại đi về, mà lại chạy. Con khóc đấy nhé. Đến trưa đi ngủ con cũng vẫn khóc nữa. Con ôm Gigi vào lòng rồi nằm nghĩ đến má. Nếu Gigi biết khóc thì nó cũng khóc. Đáng lẽ con định phạt má, không viết thư cho má nữa. Nhưng đến tối như bây giờ thì lại nhớ má ghê lắm. Thương cả má nữa. Con không khóc nữa đâu. Con không bắt đền má nữa đâu. Tuần này con sẽ bế Gigi ra thăm má, bắt cả Gigi hôn má nữa. Má có thích không, má có vui không, chúng con sẽ ngoan cho má khỏi buồn, cho má chóng khỏi ho má nhé.

À, tuần này thì con không bắt má dẫn lên hồ nữa đâu. Gió lắm. Má mà bị cảm rồi lại ho ra máu nữa thì chết. Má phải nhớ uống sirop nghe không, đêm má cũng phải mặc áo len đi ngủ nữa.


Cả hai con gái cùng hôn má.
Hạnh và Gigi
7.
Thứ Năm, 18 tháng 12...

Má ơi, má,

Ồ, quà Noel của má đẹp quá, nhiều quá.

Trong những quà tặng các Ma soeur của lũ chúng nó, chẳng có món nào quí bằng của má. Các soeur thích lắm. Các bà ấy bảo sẽ viết carte chúc mừøng Noel cho má. Con hãnh diện lắm. Con đọc mãi lá thư của má gửi cho con. Thế là má không đón con ra ngoài ngay từ mai rồi. Ở sở má không cho nghỉ Noel hay sao mà lại bắt má đi công tác ở xa hàng bao nhiêu cây số thế ? Nhưng thôi, con sẽ chờ má đến sáng 24. Sáng 24 thế nào má cũng phải đến đấy nhé. Đồ đạc của con đã sửa soạn xong từ đầu tuần rồi. Má cứ đến là đi về ngay. Gigi cũng thích về nữa. À, Noel này ba có được về không? Hộp couleur với bộ sách tập vẽ ba mua tặng con thật là đẹp. Con cũng thích vẽ nữa. Nhưng ba quên mất quà của Gigi. Gigi chẳng có gì cả. Con cho nó cái nơ mà má tặng đấy.

Thích quá, nghĩ đến khi được má dẫn về vùng quê ở một tuần con sướng quá đi mất. Con sẽ được ngủ với má, được ôm vào cổ má mà hôn, được ngủ gọn trong lòng má cả đêm đến sáng. Gigi mà biết sướng thì nó cũng sướng lắm má ạ. Con bày kẹo, bánh của má lên mặt bàn. Gigi ngồi bên mắt mở thật to. Ngồi ngậm kẹo mà đọc thư của má cũng thích mê đi rồi. Chỉ tiếc ngày 22 má không có ở đây mà đi xem chúng con diễn kịch. Con nhảy múa này, phải đơn ca, đồng ca mấy bản nhạc nữa. Bây giờ con không xấu hổ nữa đâu. Các soeur bằng lòng lắm. Bà Cécile hứa tết tây ra thì cho con vào ban đồng ca ở nhà thờ lớn má ạ. Ba mà về con hát cho ba nghe thì ba cũng thích. Má ạ, mỗi đứa chúng con phải viết chúc tụng Noel cho một Ma soeur. Con chép cho má xem bài của con gái má nhé.

Ma soeur Félicité.

Nhân dịp Lễ Chúa Giáng Sinh năm nay con kính mừng Ma soeur bằng tất cả lòng của con.

Trong ảnh Noel mà hàng năm Ma soeur vẫn thưởng cho chúng con, thì ở trên mái nhà thờ và những căn nhà bé xíu có tuyết. Cái chuông mà nhà thờ vẫn rung ở bên Pháp vào dịp Noel là chỗ đậu của mấy con chim. Chúng nó hát mừng Noel: Mừng Chúa giáng sinh ở trong hang Bê Lem. Trên đỉnh nhà thờ con trông thấy cả những vì sao sáng. Sáng hơn cả những ánh lửa màu vàng chiếu ra từ những khung kính của nhiều nhà. Chắc đêm Noel họ đang quây quần vui vẻ ở trong ấy.

Nhà thờ lớn ở Hà Nội đây không có tuyết và đêm Noel thường thường cũng không có sao mọc. Nhưng những ngọn đèn chăng từ nóc xuống tượng Đức Bà cũng đẹp và vui. Nhất là lòng chúng con lại càng rộn ràng khi có những hồi chuông rung từ lúc trời còn sáng cho đến tận lễ mi- sa. Đêm Réveillon, con không nghe thấy tiếng hát của những con chim nhưng có nhiều tiếng hát của đoàn đồng ca. Ánh sáng của những ngọn nến trắng chiếu lên trên những cái áo trắng, trên đầu có vòng hoa trắng. Tất cả xếp hàng dưới chân tượng Chúa. Chúng con sung sướng nhìn các cha, các soeur mà các người cũng nhìn chúng con bằng đôi mắt đen và hiền từø. Chúng con muốn quì xuống chân tượng Chúa, xin ơn trên ban cho Ma soeur phước lành, vì Ma soeur là người vì Chúa, mà quên mình nghĩ đến kẻ khác. Ma soeur cũng vì chúng con mà dạy dỗ chúng con trên đường đến với Chúa. Ma soeur dọn mình cho chúng con gần Chúa.


Chúng con nguyện ân xin vâng lời và biết ơn.
Xin Chúa phù hộ cho Ma soeur đời đời.
8.
Thứ Hai, 5 tháng 1...

Má ơi, má,

Má làm nghề điếm phải không má. Chú con Hằng nói chuyện với nó thế. Con hỏi điếm là gì thì nó cũng không biết. Vì chú nó chỉ nói thế thôi. Có thật không má? Sở điếm của má có to không? Má làm chức gì ở trong ấy? Mà sở điếm thì buôn gì hở má. Sao má cứ giấu con. Nhưng thôi, con không cần hỏi má nữa. Con hỏi Ma soeur cũng biết.

Mấy ngày đi chơi với má vui quá. Bây giờ ngồi nghĩ lại thấy tiếc thời gian đi thật là nhanh. Con chỉ mong có Noel cả năm để được về với má. Sang năm má lại cho con đi như thế nữa nhé. Lần đầu tiên con được ra vùng quê. Bây giờ con hãy còn nhớ những cánh đồng mông mênh, có những con cò trắng bay trên trời xanh. Con có kể cho lũ bạn con nghe, chúng nó cũng thích lắm vì chưa đứa nào được đi cả. Chúng nó chỉ kể được chuyện đi xem đèn ở nhà thờ, đi ăn réveillon ở nhà bạn thôi, chán lắm má ạ.

Má ơi má, sáng hôm nay về, má có đi docteur không. Hôm má ho con sợ quá, mà bây giờ vẫn còn sợ. Dạo này má xanh lắm, má phải chăm uống dầu cá với sirop mới được. Má hứa với con gái má đi nào. Con cũng chả uống đều là gì. Mà dạo này đêm ngủ má hay giật mình lắm đấy nhé. Có hôm má còn nói mê nữa. Sao má không gọi ba về đưa má đi chữa thuốc.

Ba tệ lắm, con ghét ba rồi. Con không thèm hỏi thăm ba nữa đâu. Vì ba có viết cho má lá thư nào đâu. Má nói dối. Hôm má đi chợ, con tìm trong ví, trong va-li của ma, chả thấy lá thư nào cả. Nhưng má đừng giận con nhé má. Con không làm mất gì đâu. Con cũng không tò mò đâu. Nhưng con định ghét ba thì con tìm thư của ba đấy. Cả Gigi cũng ghét ba nữa. Chị Hai bảo chỗ ba làm cách nhà ta mấy chục cây, sáng đi, chiều về được mà ba không thèm về. Má phải viết thư lên trách ba mới được nhé má. Có lẽ tại vì ba, mà má buồn đấy. Má cười không vui nữa. Mà những lúc không nhìn con thì mặt má cứ rầu rầu. Con biết má ạ. Nhưng con chỉ thương má thôi. Nếu má thấy nhớ con thì má cứ đến trường đón con ra. Con bỏ học về với má một hôm cũng được. Con không bắt má dẫn đi xa nữa. Chỉ nằm với nhau thôi. Con kể chuyện cho má nghe, gãi lưng cho má, nhé má.

Má ạ,

Gigi bẹp mất một mảng đầu rồi, vì đêm nằm con đè lên nó. Chắc là nó khóc “tiếng nó” ghê lắm má nhỉ. Con vội vàng đem nó đến đốc-tờ Hương, là con Hương ấy. Này nhé, Gigi có con là chị này, có con Hằng là Ma soeur này, có con Thúy là chị Hai thổi cơm cho nó này, lại còn con Hương là docteur nữa.

Hôm nó bị bẹp đầu ai cũng đến hỏi thăm. Rồi tất cả đem cáng nó xuống bếp tìm chị Hai thật để xin chị ấy bát nước sôi. Chúng con nhúng đầu nó vào đấy. Nhưng nó không khỏi. Con Thu bảo nó chết rồi, định bàn đem nó ra chôn ở vườn. Nhưng đời nào con nghe. Gigi không đau mấy đâu, để nó ngồi mắt nó vẫn mở, mồm nó vẫn cười. Bao giờ thì nó cũng cười má nhỉ. Bây giờ thì Gigi phải nằm ở bệnh viện nhà con Hương. Hương bắt nó phải dưỡng bệnh những một tuần. Đêm Hương ôm nó ngủ, thỉnh thoảng lại cặp sốt cho nó. Thế mà con cũng phải tốn về nó 15 cái bon point tiền chữa chạy rồi đấy má ạ. Kỳ sau má đến con sẽ bế cả nó về cho má hỏi thăm nó.

Yêu má, nhớ má, hôn má thật nhiều.
Hạnh và Gigi

9.
Thứ Tư, 14 tháng 1...

Má yêu quý,

Tuần vừa rồi vì bận má không vào, nên chị Hai xin phép Ma soeur dẫn con đi lễ nhà thờ. Đến chín giờ thì hai chị em con vào ăn bánh cuốn. Bánh cuốn nóng ngon lắm má ạ. Kỳ sau mình đừng đi ăn phở nữa. Con dẫn má đến đấy cho má ăn thử mà xem. Con định dẫn chị Hai về thăm nhà cho chị ấy biết, nhưng sợ má giận, con lại thôi. Con vẫn nhớ lời má dặn rằng nếu má không đến đón thì không được tự tiện về nhà. Đi ở ngoài phố con chỉ toàn nghĩ đến má và kể chuyện về má. Không biết vào giờ ấy má làm gì, đi đâu.

Sao sở của má lắm việc thế. Chủ Nhật cũng bắt người ta làm việc. Bận sau má làm cố ngày Thứ Bảy để Chủ Nhật dẫn con gái má đi chơi, má nhé. Ngoài phố hôm nay vui lắm. Trời không mưa nhưng có nhiều mây. Cây cối trụi hết lá nom đẹp như bức tranh má treo ở nha. Đường Nhà Thờ đông ghê lắm má ạ. Con bận váy vàng, áo len xanh, đi đôi dép đỏ mà má mới mua. Con cũng quàng phu-la ở ngực nữa, má đừng lo. Sáng nay trước khi đi, con cũng uống dầu cá rồi. Con cũng bế cả Gigi đi theo nữa. Chị Hai hỏi má đi làm gì, con đáp rằng:

- Má giữ chức giao dịch ở sở Import-Export bán đồ thêu ra ngoại quốc.

Đúng không má? Con đố má tại sao con biết nào? Con không đoán được đâu. Nhưng con đã hỏi Ma soeur Félicité hôm Thứ Bảy vừa rồi đấy. Hôm ấy sau giờ cầu kinh buổi tối, con chạy lên tìm bà hỏi rằng:

- Thưa Ma soeur, Ma soeur bảo cho con biết điếm là gì?

Bà ấy ngạc nhiên lắm, vội kéo con vào phòng hỏi nhỏ:

- Ai dạy con thế?

Con vội vàng đáp :

- Thưa Ma soeur má con làm ở sở điếm mà con không biết điếm là gì.

Bà ấy vội vàng trả lời:

- À, thế à, sở điếm là sở xuất cảng những hàng thêu ra ngoại quốc. Nhưng người ta không gọi là điếm đâu. Tiếng ấy nhà quê lắm. Con phải nói là Import-Export thì mới đúng.

Rồi bà ấy bắt con nhắc lại hai chữ Import-Export đến hàng chục lần. Cả đến tối hôm qua cũng hỏi lại con nữa.

Có thế mà má cũng giấu con. Sau này nếu con lớn lên con cũng làm điếm như má, cũng cho Gigi đi học như má cho con đi học. Khi ấy thì con kiếm được tiền rồi, má không phải vất vả nữa. Má chỉ ở nhà đọc sách thôi. Chủ Nhật ba mẹ con lại dẫn nhau đi nhặt búp đa ở trên đường ngoại ô má nhỉ. Con sẽ cố học để được như thế. Mà đấy má xem, trong livret tháng nào con cũng nhất đấy nhé.

Buổi chiều hôm Chủ Nhật vì con không ra ngoài nên Ma soeur Lucie gọi lên văn phòng cộng sổ chi tiêu. Đến ba giờ xong thì con và bà ấy ngồi vơi nhau ở bên kính cửa trông ra vườn. Cảnh vật buồn ghê má ạ. Con càng thêm nhớ má. Con lại khóc đấy. Nhưng soeur Lucie lau nước mắt cho con và bảo con gái lớn không được khóc. Rồi bà ấy lên đánh đàn piano cho con nghe. Âm nhạc thật là đẹp và cao quí.

Tiếng đàn thánh thót ở trong phòng, đi ra ngoài cửa sổ, rung rung ở trên kính cửa. Con ước ao cũng chơi đàn được như bà ấy. Con sẽ đánh cho má và Gigi nghe vào những hôm buồn như thế này hoặc những đêm trời có trăng sáng. Má sẽ hát má nhé. Má hát bài Ce n’est qu’un au revoir mọi khi. Còn Gigi thì ngồi ở bên cạnh bản nhạc. Nó chỉ được nghe và vỗ tay thôi.

Tối Thứ Hai con định viết thư cho má nhưng bị hỏng điện nên tất cả phải đi ngủ sớm. Con nằm mơ thấy má bận quần áo trắng toát, đầu đeo vòng hoa trắng đi thướt tha ở trên đỉnh ngọn đồi có nhiều cây xanh. Phía đằng xa là một cái gác chuông nhà thờ có những thằng bé đang đứng rung chuông. Rồi một lát má vẫy chúng nó. Chúng nó cười với má rồi leo qua cửa sổ nhà thờ mà chạy về phía má. Má giang hai tay ra đón cái bọn cũng bận toàn quần áo trắng. Rồi chúng nó họp thành một đoàn vừa đi vừa hát. Má đánh đàn piano cho chúng nó theo nhịp. Má không đi về phía trường con mà lại đi ra đằng xa. Con và Gigi gọi má mà má không nghe thấy.

Gigi khóc, con cũng khóc theo. Cả hai chị em ngồi lủng lẳng ở trên cành cây bàng rụng lá trong sân trường. Chưa lần nào chúng con trèo cao đến như thế...

Tỉnh dậy con khóc mãi. Má đừng bỏ con và Gigi nhé má. Nay mai con học đàn rồi cũng đánh đàn cho má nghe. Chúng con cùng yêu má. Yêu má nhất ở trên đời.

Cắn má một cái.
Hạnh và Gigi
10.
Thứ hai, 19 tháng 1 …

Thưa má,

Lá thư mà má sai con gửi cho bà Félicité ngay tối hôm qua nhưng con không đưa được, vì bà ấy đi vắng. Con nhớ lời má không được mở ra xem, và đem cất ở dưới gối. Nhưng đến tối thì bọn con Hương đã lôi ra xem với nhau từ lúc nào. Khi chúng nó trả con thì con mới biết. Chúng nó hỏi con :

- Má mày làm sao lại phải van xin bà ấy như thế. Má mày làm sao mà lại khóc nhòe cả thư đến như thế.

Con chỉ biết khóc mà không biết trả lời thế nào. Con cũng không đọc thư ấy của má vì con vâng lời má. Má thật khó hiểu. Má khổ như thế mà má không nói cho con biết. Má không yêu con nên mới giấu con như thế. Con trao lại cho Ma soeur Félicité rồi. Nhưng tại sao má khóc. Ai đánh má, ai mắng má? Con không chơi với má nữa đâu. Sao hôm qua má chẳng nói gì với con? À, thôi con nghĩ ra rồi, lúc buổi trưa nằm ngủ với má, má hôn con rồi má khóc. Thế mà má lại bảo rằng có con muỗi mát bay vào mắt má. Má khóc thật hở má. Má buồn lắm phải không má. Thôi, con không học nữa đâu. Má đón con về đi. Con ở nhà với má, nói chuyện với má cho má vui. Học như thế này thì chán lắm má ạ.

Đáng kiếp cho bọn con Hương, lúc con đưa thư cho Ma soeur Félicité rồi con mách chúng nó. Bà ấy bắt chúng nó quì gối suốt cả buổi trưa ở ngoài hiên. Chúng nó ghét con lắm. Chúng nó không làm docteur, và cô giáo cho Gigi nữa. Tội nghiệp Gigi quá. Má ơi, má viết cái gì cho Ma soeur thế. Hay là ông chủ sở của má mắng má, hay là ba ghét má rồi. Con thì con ghét ông ấy, không thèm nhắc đến ông ấy nữa. Chẳng bao giờ ông ấy viết cho con chữ nào.

Má ơi, má đừng khóc nữa. Má đã ho mà lại còn buồn thế thì rồi ốm đấy. Má có thương con và Gigi không?


Hạnh và Gigi
11.
Chủ Nhật, 25 tháng 1...

Má ơi,

Con vừa mới đi thăm má về đây. Con bế Gigi đứng ở đầu giường má mà má không hay.

Nước mắt của con ướt cả ngực má. Mặt má xanh như tàu lá. Áo má hãy còn nhiều giọt máu. Môi má mím chặt. Má không nói. Má không cười. Tóc má cũng không chải gì cả. Má ngất đi nên má không biết có chúng con. Con mặc váy vàng, sơ mi trắng. Gigi bận áo choàng màu xanh. Hai chị em ngồi bên cạnh má nắm lấy tay má. Tay má lạnh và gầy. Má thở không đều. Cổ má khò khè như mắc một đồng xu. Chân má quay về phía kính cửa. Má không nhìn ra ngoài cửa kính. Trời hôm nay bớt rét nhưng có nhiều mây. Cây bàng ở cạnh cửa sổ rụng hết lá rồi.

Sao má không dậy để con hát cho má nghe. Để cho Gigi hỏi thăm má. Mọi lần mấy mẹ con gặp nhau thì má giang hai tay ra, ôm lấy lưng con gái, cho con gái hôn vào cổ thơm thơm của má. Lần này má không nói gì cả, má không mở mắt. Má ngủ từ bao giờ, má đi nằm từ lúc nào. Ai mang má vào nhà thương này hả má.

Cái ví của má người ta vẫn để ở đầu giường. Có những lá thư của con và Gigi. Nhưng không có một lá thư nào của ba cả. Ba không đến thăm má. Bấy giờ bên cạnh má chỉ có bà Félicité, một người nữ khán hộ, con và Gigi. Người nữ khán hộ bảo má nôn ra máu ở ngoài đường rồi bè bạn của má mang vào đây. Đấy, tại má không uống sirop nên má mới bị như thế. Tối má cũng không mặc áo ấm. Má lại hay đi về đêm. Lần này má bỏ sở của má mà làm chỗ khác đi. Má giỏi như thế thì thiếu gì chỗ má làm được nhàn hơn.

Buổi sáng hôm nay con chờ nhưng má không đến. Con ôm Gigi đứng khóc ở gốc cây bàng. Bọn con Hương thì theo bố mẹ chúng nó về từ lúc bảy giờ. Mãi đến gần tám giờ thì Ma soeur mới cho gọi con lên văn phòng. Ở đấy có bà bạn của má mặc áo màu nâu. Bà ấy xin dẫn con đi thăm má. Nhưng bà Félicité dẫn con đi. Nếu không có ai đứng ở đây thì con đã đánh thức má cho Gigi chào má. Nhưng không ai cho làm thế cả. Có phải cả đêm hôm qua má khóc không? Khóc ghê lắm phải không. Má không giấu con được nữa đâu. Những lá thư của con chẳng có cái nào không nhòe nước mắt cả. Nếu con biết má khóc vì thư của con như thế thì con đã không viết cho má. Má ơi, chắc lúc này thì má đã tỉnh rồi. Nhưng con gái má không còn đấy nữa. Con gái má đang ngồi viết thư cho má đây.

Đáng lẽ con đòi ở lại với má, để kéo chăn cho má, đóng cửa cho má, rót nước và pha sữa cho má uống, nhưng bà Félicité không cho con ở lại. Bà ấy bảo phải để má nằm tĩnh dưỡng.

Con khóc mà thương má. Gigi mà khóc được thì nó cũng khóc. Nó ngồi ở cạnh gối của má. Đầu nó bẹp, nhưng nó cũng biết là má ốm. Con kéo cái tay nó lại gần má để cho nó được sờ vào trán má, mắt má, môi má. Con cũng hôn vào môi má mà má không hay. Má ngủ say quá. Má mệt lắm phải không? Hôm nay má đi đâu má lại bị như thế. Má có thương con không? Má có giận con không? Con hứa là từ nay không bắt đền má, không ghét má gì nữa. Má chịu khó uống thuốc để cho chóng khỏi. Rồi má lại dẫn con và Gigi đi chơi. Chúngmình lại xuống ngồi ở trên cỏ xem thuyền buồm màu trắng đi ở trên hồ. Chúng mình lại đi xem người ta câu cá ở trong chùa Trấn Quốc. Buổi sáng Chủ Nhật con sẽ làm cơm cho má ăn. Con biết thổi cơm rồi. Con nhất định lần này thì cơm không khê nữa đâu má. Con sẽ đi chợ với má mua thịt bò về làm bifteck, và chiên với khoai tây. Gigi sẽ lại ngồi ở trên cái hộp sữa cạnh bàn để xem con với má ăn cơm. Nếu má có mệt thì con bón cho má. Má chỉ việc ngồi há to mồm ra thôi, nhé má.

Buổi sáng con mới được ngồi ở bên má có mười lăm phút thì Ma soeur đã bắt đi về. Con đứng ở bên cạnh cái thành giường bằng sắt. Gigi thì đứng giơ tay ở trên cái nệm trắng. Cả hai đứa cùng nhìn má một lần nữa. Hơi thở của mávẫn khò khè. Má vẫn không cười và chào chúng con như những lần trước. Má không hôn lên mắt con và lên mái tóc của Gigi. Nhưng con thì vẫn hôn má. Con hít mãi cái cổ có mùi dầu cù-là của má. Lúc con hôn má con khóc lúc nào mà không biết. Nước mắt của con lại rỏ xuống mặt má. Nếu má liếm môi mà thấy mặn mặn thì đúng là nước mắt của con đấy má. Bà Félicité lấy khăn lau nước mắt cho con. Một tay bà ấy bế Gigi, một tay bà ấy dắt con đi ở trên dãy hành lang của bệnh viện. Những cánh cửa sổ mở rộng trông xuống cái vườn có cây và sân sỏi. Ở dưới ấy có nhiều người mặc quần áo trắng khiêng những cái băng-ca trên đặt người ốm. Con quay trở lại định nhìn má một lần nữa. Nhưng cánh cửa phòng đã khép kín. Má nằm một mình ở bên trong. Không có con và không có Gigi. Nghĩ đến nỗi buồn của má con lại đòi ở lại. Nhưng bà Félicité không cho. Bà ấy hứa với con rằng mai, kia thì má khỏi. Má lại về căn buồng hẹp có những khung kính vỡ của má. Thật thế đấy má nhé. Má phải về để Chủ Nhật mấy mẹ con lại nằm với nhau ở trong chăn. Con lại kể chuyện học đàn cho má nghe và gãi lưng cho má. Má cứ chịu khó uống thuốc đi và đừng khóc nữa nhé má.

Hôn má.
Hạnh và Gigi
(còn tiếp)

khieman
12-11-2013, 03:15 AM
(tiếp theo)

12.
Thứ Sáu, 6 tháng 2...

Má ơi má,

Sao má không cho con ở gần bên má. Sao má lại bắt con ở trong cái nhà này. Con không yêu bà bạn của má. Nếu trường không đóng cửa nghỉ Tết thì con đã về ở với chị Hai còn hơn. Bác Tuyết kê cho con một cái ghế vải ở cạnh bàn ăn cơm. Con nằm ngủ với Gigi không có màn. Nhưng con không cần, con chả ở đây lâu đâu má. Cái phòng này chật lắm. Chỉ có mỗi một cái giường Hồng-kông kê ở sát tường. Rồi đến một cái bàn ăn và một cái tủ gương. Giường của con thì chỉ lúc ngủ mới kê ra thôi, nên cả ngày con chỉ bế Gigi ngồi ở ghế nhìn ra trời mưa mà nhớ má. Năm nay nhà không ăn Tết má nhỉ. Má ốm thế thì làm sao mà dẫn con lên phố mua cành đào và bánh chưng như năm ngoái.

Tội nghiệp Gigi, Tết năm nay Gigi cũng chẳng có gì cả. Con bắc ghế ra ngồi với Gigi ở ngưỡng cửa xem những thằng bé khiêng những lọ cá vàng, còn má chúng nó thì ngồi trên xe xích lô chở những chậu quất đi vào trong ngõ. Có đứa được mua hàng chục bánh pháo. Chúng nó thi nhau vừa ôm, vừa cãi cọ om sòm. Chắc ăn Tết ở đây thì tha hồ mà nghe pháo nổ. Con sẽ ôm chặt Gigi vào lòng cho nó khỏi giật mình má ạ.

Trời mưa bụi mấy hôm nay. Ngõ nhà bác Tuyết cũng hơi lội thôi. Nhưng bác ấy không đi đâu cả. Hình như bác ấy ghét Tết nên không mua sắm một thứ gì. Cả ngày bác ấy chỉ ngồi hút thuốc lá xem báo ở cửa sổ. Thỉnh thoảng có khách đến chơi thì bác ấy đuổi con và Gigi ra ngoài rồi đóng cửa lại. Con và Gigi đứng nép ở dưới mái hiên. Những lúc ấy con chỉ muốn đi về với má. Nhưng nhà thương má nằm ở tận Cống Vọng nên xa quá. Hai chị em đi lạc thì chết. Má nằm ở nhà thương má có nhớ con không? Má có nghĩ đến hồi Tết năm ngoái cũng bằng giờ này con đánh đu ở trên tay má mà đi trên phố xem chợ Tết không?
Trời cũng có mưa như thế này, nhưng con với má cùng mặc áo mưa cả. Má mua cam, mua táo này, cả hạt dưa và mứt nữa. Tay má ôm những gói hàng, còn con thì cầm cành đào mà má mua của cái bà cụ già toét mắt đó má! Trước khi về má còn dẫn con đi xem hoa cúc nở ở dãy hàng hoa nữa. Cúc vàng như mầu áo của má. Có cả thủy tiên nữa. Hồi ấy chưa có Gigi má nhỉ. Năm nay thì chẳng còn có gì cả. Tại má ho nên mất cả vui.

Ông khách của bác Tuyết ở chơi lâu quá, nên mỏi chân hai chị em ra ngồi ở đầu thềm. Con kể cả chuyện Tết cho Gigi nghe :

- “ Gigi mới đẻ ở bên Tây về nên Gigi không biết Tết thế nào cả. Mọi khi Tết chỉ có má với chị thôi. Mồng Một Tết má mặc áo nhung lam, đeo kiềng vàng, còn chị thì không mặc váy xấu xí thế này đâu. Chị mặc quần dài lụa trắng, áo nhung đỏ. Chị cũng đánh môi son như má. Má còn tết nơ hình con bướm trên đầu chị nữa. Bao giờ mình ăn Tết thì chị may cho Gigi quần áo đẹp như thế. Nhưng cấm mày đái dầm cơ. Mặc quần thì nó vướng hơn là mặc váy. Sáng Mồng Một má sẽ mừng tuổi cho cả hai đứa. Gigi một đồng, chị hai đồng. Phải để dành nghe không. Nếu đi ăn kẹo nhảm thì đau bụng đấy. Mà nhà thì thiếu gì kẹo. Kẹo này, mứt này, hạt dưa này, bụng Gigi bé thế này thì chỉ ăn một viên kẹo trứng chim cũng đủ no rồi . . . “ .

Má ạ, hai chị em ngồi kể chuyện với nhau cho đến khi trời sâm sẩm tối. Ông khách đã ra về, còn bác Tuyết đi tắm ở đằng sau. Con trở vào viết thư cho má đến bây giờ đây.

Hôm nay con với Gigi bỏ cơm má ạ. Người con như gây gây sốt. Từ sáng chỉ ăn có mỗi một bát xôi mà vẫn thấy no. Nếu mà ở nhà thì má nấu cháo cho con. Cháo mà có lẫn thịt lợn băm ấy má nhỉ. Nhưng thôi, con cũng chả đói lắm đâu má ạ. Bây giờ giá có ai bảo con ước gì thì con chỉ ước được vào thăm má thôi.
Suốt mấy ngày nay đều buồn quá. Con tưởng như là ở trên đời này chỉ có mỗi một mình con và Gigi. Chị Hai về quê ăn Tết. Bà Félicité cũng đóng cửa trường. Má nằm một mình má ở trong nhà thương. Có mỗi một bác Tuyết thì con lại ghét bác ấy.

Những lúc buồn con chỉ biết ra ngồi nhìn trời mưa xem những cái bong bóng nổi ở chân thềm. Hôm nay là hai mươi tám Tết rồi đó má. Má chóng khỏi đi rồi về với con, nghe má.

Hạnh và Gigi

13.
Chủ Nhật, 8 tháng 2...

Má ơi,

Sắp giao thừa rồi đấy má. Búp bê Gigi nằm ngủ ở trên giường. Bác Tuyết mới đi lúc mười một giờ đêm. Còn có một mình con ngồi viết thư cho má đây. Con kể chuyện hồi trưa cho má nghe. Lúc hai giờ chiều nay có bốn người đàn ông vào chơi với bác Tuyết. Con lại phải ôm Gigi ra đứng ở đầu hè. Họ mở rượu ra uống với nhau, cười nói om sòm. Một lát bác Tuyết ra cho con mười đồng bảo để mà tiêu Tết. Con không biết mua cái gì nhưng cũng đi ra cổng. Có một bà cụ già ngồi bán nước ở ngay xế cửa gọi con vào mà hỏi :

- Họ đuổi mày đi phải không?

Con hỏi lại:

- Sao bà cụ biết ?

Bà ấy đáp:

- Thì làm đĩ mà.

Má ơi má, con biết rồi, bà ấy nói cho con biết rồi. Má không thể giấu gì được với con đâu. Tại sao má lại bắt con ở chung với đồ đĩ như thế. Tại sao má không cho con ở gần với má. Con ghét bác Tuyết là phải. Con bế Gigi quay trở lại nhà vứt tờ giấy bạc vào khe cửa rồi hai chị em ra ngồi khóc ở đầu ngõ.

Lúc ấy má có biết không, má có sốt ruột không. Con gái má chỉ muốn vào ngay với má, và gọi má không biết bao nhiêu lần. Sao má để con khổ như thế. Ai bắt tội má con mình mà bỗng đâu mấy mẹ con phải bơ vơ ở nhà người ta.

Gigi cũng đòi vào với má. Con bế nó đi hỏi thăm lối đến nhà thương. Nhưng ai cũng bảo xa lắm, phải có người dẫn đi mới được. Cho nên hai chị em cứ lang thang mãi ở ngoài phố. Con đi từ nhà bác Tuyết lên tận hàng Bông, hàng Gai, Bờ Hồ. Buổi chiều chỉ có mưa bụi nên chỉ ướt đầu Gigi một ít. Nếu có cả má đi thì con đã vui sướng nhảy lò cò theo má rồi. Nhưng chỉ có mỗi một mình hai đứa. Con bồng Gigi ở tay trái, cầm khăn trắng che mưa ở tay phải. Bùn ở đường phố bắn lên ướt bẩn cả đôi bít tất trắng mà má mới mua cho con. Hôm nay rét lắm má ạ. Gió thổi làm hai chị em lạnh cứng cả mặt. Nhưng con không sợ rét. Con ra đứng ở Bờ Hồ để nhớ đến má.

Những tuần lễ trước má cũng đứng ở chỗ ấy với con. Má bứt những ngọn cỏ rồi thả cho nó trôi ở trên mặt nước. Má kể chuyện con rùa to bằng tấm phản thỉnh thoảng lại nổi lên ở ngoài tháp. Những hôm ấy có nắng chiếu nhấp nháy ở trên mặt nước, có mây trắng trôi ở trên trời. Má hỏi con đám mây ở trên nóc nhà Thủy- tọa hình con gì. Con bảo là hình con chó có cái vòi ở bụng. Má cắn con một cái vào má đau như là kìm cặp ấy. Má có nhớ không?

Bây giờ thì má không có ở đây mà cắn con nữa rồi. Chỉ có Gigi đứng ở trên một viên ngói đỏ. Gigi nhìn ra mặt hồ. Hai tay nó giơ ra vẫy những con chim bay ở trong sương mù buổi chiều. Tội nghiệp Gigi vẫn cười. Gigi không biết khóc để mà khóc cái bơ vơ của hai chị em. Nếu có một đồng thì con đã bế nó lên xe điện. Chắc những xe điện cũng chạy về phía nhà thương của má chứ má nhỉ. Nhưng vì không có tiền nên con chỉ nhìn theo những cái toa màu đỏ đi vào dưới lùm cây. Áo len của con và áo choàng của Gigi đã lóng lánh nước mưa rồi má ạ, nên con nhấc Gigi đi vào dưới một mái hiên. Hai chị em đứng nghe pháo tép nổ đì đẹt ở những cái cột đèn. Bọn trẻ con chơi pháo vui quá. Chúng nó cười ở dưới những cái mũ béret. Chúng nó cho cả pháo vào cái ống bơ rồi làm nổ tung lên cao đôm đốp. Một đứa tinh nghịch vứt cái pháo vào chân con, tiếng nổ mạnh quá làm cả con và Gigi cùng giật mình. Con vội giận dỗi bỏ chỗ ấy mà bế Gigi đi trở về. Càng về tối, đường càng thưa người. Cửa hàng người ta đóng hết cả rồi. Con bảo với Gigi rằng:

“Thôi, thế là hôm nay chị em mình không được ăn Tết thật. Nhưng Gigi đừng vòi, má buồn đấy”.

Gigi ngoan, Gigi vẫn cười má ạ. Nhưng con thì khóc rấm rứt một mình. Con nhớ má quá. Con chẳng cần ăn Tết đâu, nhưng chỉ cần được rúc vào nách má thôi.

Má ơi, chúng con về đến nhà thì khách của bác Tuyết cũng đi rồi. Bác ấy nằm hút thuốc lá ở trên nệm trắng. Bác ấy hỏi con :

- Sao bác cho tiền mày lại không lấy?

Con đáp :

- Tại vì bác làm đĩ.

Bác ấy choàng dậy, chỉ điếu thuốc lá về phía con mà mắng :

- Cha tiên sư nhà mày chứ, tao làm đĩ thì con mẹ mày làm cái gì? Con kia, ai dạy mày ăn nói thế?

Con khóc òa lên, vừa tủi thân vừa thương má. Sao bác ấy khinh má thế. Sao bác ấy không biết rằng má được ông chủ sở kính trọng mời má đi cả ô tô đẹp mà hôm nào con gặp.

Lần này trở đi má đừng chơi với bác Tuyết nữa. Trong quyển album của bác ấy, má đã chụp nhiều ảnh với nhiều bạn của má mà chẳng ai đẹp như má, sang trọng như má cả. Họ chỉ là những người như bác Tuyết thôi má.

Má chơi với con với Gigi còn hơn. Nhé má nhé. Má hứa với con gái yêu của má đi nào. Kỳ sau má về nhà thì con đóng cửa lại không cho bác Tuyết vào nữa. Đừng thèm chơi với đồ làm đĩ má ạ. Má có nghe lời con không?
Yêu má và nhớ má.
Hạnh và Gigi
11 giờ kém 5

T.B. - Đến giao thừa thì con sẽ khai bút để chúc tụng má. Rồi hôm vào thăm má con đưa cho má xem thư này một thể. Gặp má mỗi lần được có mười lăm phút nên chả nói được gì cả. Bệnh má là bệnh gì mà bác Tuyết bảo sợ lây hả má?

14.
Lễ giao thừa.

Má ơi má,

Năm mới con và Gigi chúc má mau chóng khỏi bệnh để về với chúng con. Con sẽ đến đón má ra khỏi căn buồng chỉ có tường vôi trắng và chăn màn trắng. Con sẽ đỡ má đi xuống những bực cầu thang bằng gỗ. Còn Gigi thì sẽ phải ra gọi xe và mặc cả về nhà. Cửa nhà ta sẽ không khóa như bây giờ nữa. Con sẽ mở những cửa sổ để cho nắng mùa Xuân sưởi ấm cái giường của má. Lọ hoa để mốc ở trên bàn salon được cắm hoa hồng màu đỏ và bàn sẽ trải bằng khăn màu xanh. Má sẽ ngồi dựa lưng ở trên giường mà dưỡng sức. Con sẽ đi đun nước lá thơm cho má gội đầu. Gigi thì cắm bàn là là lại những cái áo nhầu nát ở nhà thương. Ba mẹ con sẽ hát ở trong phòng tất cả những bài mà từ lâu không hát. Con sẽ trèo lên ghế để quét màng nhện bám ở trên tường. Gigi bé không giữ được chân ghế thì phải ra lên dây cót cái đồng hồ báo thức mà đã từ lâu không chạy.

Má sẽ không ho nữa. Má sẽ chải đầu, đánh phấn, rồi mặc áo đẹp. Má sẽ dẫn chúng con lên phố mua kẹo và mứt. Mình sẽ ăn Tết lại với nhau. Má sẽ mừng tuổi cho Gigi một đồng, cho con hai đồng thật mới. Hai chị em sẽ tết thành hai con bướm màu xanh đem cài ở trên tóc. Rồi con và Gigi cùng khoanh tay để mừng tuổi má. Má đừng mua pháo vì Gigi không biết bịt tai. Má chỉ mua một cành đào có hoa màu đỏ, có lộc non màu xanh đem về cắm ở giữa nhà. Con sẽ cho Gigi đánh đu ở trên ấy. Đến tối nếu trời mưa thì mình đóng cửa và thắp đèn sáng. Má phải mặc áo len trước khi lên giường vì trời sẽ lạnh. Con sẽ kể chuyện ở trường cho má nghe, sẽ đem sách vở cho má kiểm soát. Lúc ấy thì chắc Gigi đã ngủ ở trên cành đào.

Mồng một Tết - 8 tháng 2...

Con bế Gigi vào nhà thương với bác Tuyết.

Chúng con ngồi ở trên toa tàu điện. Gigi háo hức đứng giơ tay ra nhìn cánh đồng cỏ màu xanh. Một tay con ôm nó, một tay con cầm gói bánh chưng. Quà Tết của má đó má, bác Tuyết mang về từ sáng sớm lúc quá giao thừa.

Bác ấy mừng tuổi cho con mười đồng. Gigi chẳng được gì cả. Nhưng rồi con chia với nó. Cả buổi sáng hôm nay hai đứa náo nức sửa soạn đi vào thăm má. Gigi bận áo choàng xanh, ở trong có váy đỏ và sơ mi trắng. Còn con thì không có áo nhung má ạ. Má khóa cửa ở nhà mất rồi. Nhưng con không cần, con mặc jupe màu cà phê rang với áo len hoàng yến cũng đẹp rồi. Lúc ra đến cửa thì có ông bạn bác Tuyết đến chơi. Ông ấy hỏi:

- Con ai?

Bác Tuyết bảo :

- Con gái Lệ Hà đấy.

Ông ấy hôn vào môi con rồi mừng tuổi cho con năm đồng. Nhưng con ghét ghét là. Con chỉ muốn có một mình má hôn con thôi, phải không má?

Xe điện đi ở trong mưa bụi bay. Gigi đứng ở cửa toa nên tóc của nó bám những hạt nước long lanh. Bác Tuyết thở khói thuốc lá vào trong gió. Hai người đàn bà ngồi ở bên cạnh mừng tuổi nhau bằng những miếng trầu. Thằng bé con mặc quần áo dạ tím cứ ngắm mãi Gigi. Tay nó cầm khẩu súng làm Gigi hết hồn. Con giấu Gigi vào trong áo. Cu cậu tẽn tò quay ra bắn lốp đốp vào đùi mẹ nó. Mẹ nó kêu lên :

- Con giai! Con giai!...

Lúc tàu đỗ, con bế Gigi chạy trước. Con nhớ lối từ sân sỏi lên hành lang. Con gọi má ngay từ đầu cửa sổ. Có những người ốm nhìn ra. Nhưng con chỉ trông thấy cái bảng số ở trên cửa phòng của má. Con chạy vào trong ấy. Chắc Gigi cũng đang reo lên :

- Má ơi, má!

Nhưng căn buồng của má bỏ không. Cái giường của má trống không. Con không nhìn thấy guốc của má nữa. Con ném gói bánh chưng lên tấm lò so không có đệm, rồi ôm mặt khóc òa lên. Lúc ấy Gigi ngã xuống nền đá hoa trắng. Nó ngủ ngay mất rồi, nên chỉ có một mình con. Con chạy lại cửa sổ, con mở những ngăn tủ, nhưng chẳng chỗ nào còn lại di vật của má. Má ơi, má bỏ con rồi, má bỏ con thật rồi. Con chạy về phía người nữ y tá trẻ lúc ấy đang bế Gigi, và đứng nhìn con.

Con kêu nức nở:

- Má em đâu, má em đâu rồi?

Chị ấy khóc. Chị ấy ôm lấy đầu con. Những giọt nước mắt của hai người chan hòa cả những nét phấn hồng hồng ở trên mặt chị. Rồi chị ấy nói :

- Má em mất từ hồi giao thừa đêm qua. Có chị vuốt mắt cho má.

Con khóc thét lên. Con không đứng ở trong vòng tay của chị nữa. Con chạy ra cửa gọi má vang lên ở khắp dãy hành lang. Con vào phòng số 5, số 6, số 7. Ở phòng nào con cũng khóc hỏi người ta:

- Má em đâu rồi ? Má em đâu rồi ?

Chẳng có ai trả lời con cả. Người ta chỉ giương những cặp mắt sâu và ướt át nhìn con.

Con đứng ở cửa sổ mà khóc. Má ơi, sao má lại bỏ chúng con bơ vơ một mình. Sao má không trở về nhà gội đầu bằng lá hương nhu, mặc quần áo mới và ngồi mà xem Gigi đánh đu ở trên cành đào. Má ơi má, má đi mà không nói gì. Má đi mà không hôn con gái má. Má đi mà không cho chúng con được nhìn lại một lần. Bây giờ chúng con đem bánh chưng vào cho má, nói chuyện với má thì má chẳng còn nằm đây. Guốc má đâu rồi? Áo má đâu rồi? Chăn màn của má, ai đã mang đi? Đêm hôm qua con còn nghĩ đến má, còn hy vọng được gặp má. Sáng hôm nay còn hớn hở sửa soạn đi đón má. Má ơi, sao đau đớn thế, sao khổ sở thế? Má bỏ chúng con mà đi được thật hay sao?

Đêm hôm qua con còn mơ thấy má. Còn tưởng rằng hai má con sẽ lại gặp nhau. Ai ngờ trong lúc ấy thì má chết một mình. Chẳng có ai ở gần má. Chẳng có ai rót nước cho má. Chẳng có ai để má cười, má nói. Mẹ con đến phút cuối cùng cũng chẳng được trông thấy nhau. Má làm gì nên tội mà chết đau đớn như thế? Những lời cầu nguyện của con cho má không ăn thua gì. Con ghét Chúa, Chúa thật bất công. Hay là ông ấy chẳng biết cái gì cả.

Má đã toàn mình mà không được che chở. Một đời má, má chỉ nghĩ đến con gái, chỉ thương có một mình con gái, chỉ vì con gái mà má phải vất vả. Thế mà bây giờ, con chưa làm gì cho má cả. Chưa báo hiếu được gì đối với má. Má bỏ con đi rồi thì con còn hát với ai, còn đánh đàn cho ai. Con chẳng còn ai để mà trông ngóng tới ngày Chủ Nhật. Bây giờ thì hôm nào cũng chỉ như hôm nào mà thôi. Sẽ mãi mãi chúng con không còn được đứng ở gốc cây bàng trong sân trường đón má, vẫy má, hét má từ trong mái hiên nhà trường. Đường phố sẽ chẳng bao giờ còn có bóng dáng ba mẹ con chúng mình đi ở dưới lùm cây, ngồi ở trên ghế đá, nhặt những viên sỏi trắng đem ra rửa ở máy nước vườn hoa.

Má ơi, hết rồi, hết thật rồi. Mùa lạnh sẽ không còn có ai mua áo cho con, chọn áo cho con. Mùa lạnh sẽ không còn có ai viết thư căn dặn rằng con phải uống dầu cá và sirop. Làm gì có tiền mà mua sirop nữa hở má. Con khóc cho má, khóc cho mình và cho Gigi. Chẳng có sự gì làm con đau đớn như thế.

Khi ấy bác Tuyết đã lên hết cầu thang. Con bảo rằng :

- Bác ơi, má chết rồi!

Bác ấy ném cái ví xuống đất rồi khóc to lên :

- Hà ơi, mày khinh chúng tao, mày ghét chúng tao, mày bỏ đi thế là mày thoát rồi...

Nhiều người mở cửa phòng ra đứng xem. Chị y tá dẫn hai bác cháu xuống nhà xác. Con gặp má rồi. Má nằm ở đấy. Má không cười. Má không nói. Má không nhìn chúng con. Mắt má nhắm nghiền như người ngủ say. Da mặt má trắng xanh. Môi má mím chặt. Má mặc cái áo len cộc tay màu xanh hoa lý. Chung quanh má chỉ có bóng tối, có tường vôi, có mùi ẩm thấp ở chân tướng, có hơi lạnh lẽo của những người chết. Con ôm lấy má, khóc ở trên ngực má, hôn ở trên cổ má, cào xé lên người má. Bác Tuyết giằng con ra và bế xốc con lên hai cánh tay. Bác ấy vừa đi vừa khóc ở dưới lùm cây trong bệnh viện. Tiếng khóc của con cũng vang lên vọng vào những cửa sổ mở rộng. Có những người mặc quần áo trắng đứng nhìn ra, những người đang đẩy xe băng-ca đứng dừng lại. Họ nói với nhau:

- Tội nghiệp nó! Tội nghiệp nó !

Nhưng con không nhìn ai cả. Con ném Gigi xuống thảm cỏ. Chị y tá phải cúi xuống nhặt lên. Con gục đầu vào cổ bác Tuyết nức nở như chưa bao giờ con nức nở như thế. Bên tai con văng vẳng có tiếng má gọi con gái má.

Có tiếng pháo đầu xuân nổ giòn ở một phía rất xa, và có cả tiếng những ngươi nằm rên trong những căn phòng lạnh lẽo.
Mưa bụi vẫn bay ở lưng chừng trời ...


* * *
Mồng hai Tết - 9 tháng 2...

Quan tài của má để ở trên chiếc xe hai ngựa. Đôi ngựa kéo chiếc xe đi trong mưa bay buổi chiều. Trên nắp quan tài có bát cơm và quả trứng. Bát cơm ấy, quả trứng ấy là lần đầu tiên con làm cho má. Bác Tuyết tặng má một vòng hoa đỏ. Tất cả thật là thảm thương. Đám ma của má chỉ có bốn người: người đánh xe, bác Tuyết, con và Gigi.

Chiếc xe đi chậm chậm ở trên đường phố hàng Bột. Chiều mồng hai Tết có những người áo xanh, áo đỏ đi ở dưới hàng hiên. Pháo nổ ở những cửa hiệu. Đáng lẽ pháo nổ thì vui nhưng bây giờ lại càng buồn. Con để Gigi ngồi ở trên ván gỗ. Tội nghiệp Gigi vẫn cười. Chỉ có con và bác Tuyết là khóc. Chỉ có hai người là khóc trong buổi chiều hôm nay. Chắc linh hồn má cũng nức nở ở trên những cánh hoa, ở trong lần khăn liệm trắng, ở trong linh hồn bé nhỏ của chúng con.

Má ơi má, hôm qua ngủ con lại nằm mơ thấy má. Má ngồi gỡ đầu ở trong nhà xác. Má cười với con. Má vuốt tóc con. Rồi má đi ra đứng ở ngoài hiên. Má ho rũ rượi. Máu má thấm đỏ cả cái áo choàng trắng. Người ta trói má lại, bắt má trở về cái bàn đá, bắt má nằm ngủ ở trong ánh nến màu vàng. Má khóc. Nhưng mắt má nhắm dần dần. Má gọi mơ hồ :

- Hạnh ơi, Hạnh ơi!

Con nắm lấy tay má. Tay má lạnh như tay vịn bằng sắt ở trên tàu điện. Cổ má không còn mùi thơm. Má không nói nữa, không khóc nữa, không thở gì nữa. Má không nghe thấy con gọi, mà chỉ thấy bác Tuyết kêu lên :

- Hà ơi, Hà ơi!

Rồi cả mấy người cùng khóc. Tỉnh dậy con tưởng mình đang nằm trong lòng má. Nhưng không phải. Chỉ có bác Tuyết nằm ôm con ngủ. Con úp đầu vào ngực bác khóc thút thít hỏi :

- Má cháu đâu rồi, má cháu đâu rồi?

Bác ấy thở dài không đáp. Rồi bác ấy kể chuyện về má, về ba. Con không có ba, phải không má. Ba bỏ má từ ngày con lên một. Má làm gái điếm nuôi con. Nhưng con không ghét má, khinh má đâu. Má vẫn là mẹ hiền từ và đáng kính của con. Má vẫn là tấm gương chói sáng dẫn dắt con đi, con sẽ nhớ lòng hy sinh và tận tụy của má vì con, con sẽ nhớ mãi những lời dạy bảo hiền từ của má. Hình ảnh của má vẫn mãi mãi là hình ảnh thân yêu nhất của lòng con. Má chết đi rồi nhưng không bao giờ con quên má. Những ngày ở bên má là những ngày êm đẹp nhất của đời con.

Bác Tuyết nói một lúc thì nằm yên rồi ngủ. Nhưng con thì trở dậy. Gigi vẫn ngồi mở mắt ở trên nóc tủ. Con bế Gigi vào lòng mà ru Gigi. Một lát, con đặt Gigi nằm ở trong mền, và con nghĩ đến má, đến những việc đã vừa xẩy ra...

Má ơi má.

Nghĩa địa chỉ có năm người. Hai người cuốc đất, bác Tuyết, con và Gigi. Cây cỏ ủ rũ trong sương mù. Đất đỏ ẩm thấp lấp lên quan tài trắng của má. Quả trứng cũng rơi xuống hố. Quả trứng được nằm với má. Con bế Gigi đứng ở trên này. Đất đỏ ngăn cách mẹ con chúng mình. Từ nay ai còn được trông thấy má. Ai còn được nghe má nói, má cười. Đường phố không còn hình bóng má nữa. Trong đám những ba, má đi đón trẻ con ở trường vào sáng Chủ Nhật, từ nay sẽ không còn có má. Con không còn mong ai để mà khóc ở trên ghế đá. Chủ Nhật chị em con sẽ ngủ muộn hơn, không dậy sớm, không đánh giày, không xếp quần áo. Vì chúng con mất má rồi. Má nằm một mình ở đây, dưới làn đất lấp kín. Má chỉ còn đi chơi với những người ngủ ở những ngôi mộ chung quanh. Buổi tối má ngủ ở đấy, không có đèn sáng, không có chăn bông, không có cửa sổ để đóng. Nhưng nếu má hiện về thì má ngồi ở trên ghế, ở bên cạnh con, nghe con hát những bài ở trường, con ru Gigi ngủ ở trong màn trắng. Rồi má lau nước mắt cho con, những dòng nước mắt khóc vì nhớ má.

Bác Tuyết cắm một bó hương lên mộ má.

Chung quanh bó hương là vòng hoa. Vòng hoa có những chữ “Hà ơi, mình khóc cho nhau”. Mắt bác Tuyết ràn rụa, bác nói trong tiếng gió thổi từ trên những cành cây cao.

- Hà ơi, linh hồn có khôn thiêng thì phù hộ cho con gái.

Hai người phu đã vác cuốc đi về trên con đường nhựa ướt nước mưa. Con bế Gigi đứng bên cạnh nấm mồ mới đắp. Má của chúng con nằm ở dưới ấy. Con gọi má ở trong ý nghĩ. Rồi con nói thầm với Gigi:

- Gigi ơi Gigi, má không về nữa rồi.

Chắc má nhìn theo chúng con lúc chúng con lủi thủi đi về. Chung quanh thật là im lặng. Chỉ có những mô đất ngơ ngác nhìn nhau không nói. Chỉ có những cây cỏ rì rào và tiếng những giọt nước lóng lánh rơi từ ở trên cao. Ngoài đồng có gió thổi về lạnh ngăn ngắt. Môi bác Tuyết tái ngắt, môi con và Gigi cũng tái. Bác Tuyết châm thuốc hút, thở ra khói màu xanh. Không có ai nói với ai. Nhưng thật ra là con đang nói với má. Con gọi má như lần nào ôm lấy cổ má ở trong chăn ấm. Con hát cho má nghe như lần nào má ngồi đan áo ở cửa sổ. Nhưng không biết má có nghe thấy gì không. Hay là má chỉ ngồi ở trên những cánh hoa, nhìn theo con gái má mà nức nở một mình?

* **

Mồng tám Tết - 16 tháng 2...

Má ơi,

Sau khi bà Félicité đưa cho bác Tuyết xem thư của má, thì bác Tuyết sửa soạn quần áo cho con về trường. Bác ấy cầm lấy tay con mà nói như khóc :

- Mẹ cháu nghĩ cũng phải, cháu chẳng nên ở với bác làm gì.

Con bế Gigi đứng chào bác. Bác tháo ở quyển album ra một tấm ảnh của má. Con xin thêm một tấm ảnh của bác. Bác cho và hôn lên mắt con. Bác tiễn con ra cửa. Bà Félicité đứng chờ ở bên cạnh ô tô của nhà trường. Con hôn bác lúc ô tô mở máy. Xe chạy rồi mà bác còn đứng vẫy mãi. Bác mặc quần dài trắng, áo lụa trắng. Bóng dáng bác nhỏ dần ở trong đường phố có ánh nắng đầu xuân. Bà Félicité ôm lấy con và Gigi mà nói:

- Tội nghiệp, tội nghiệp! Con tôi!

Con gục đầu vào khuôn mặt dịu dàng của bà. Bà cũng hiền từ như má, hay cười như má. Nhưng bây giờ thì bà long lanh những giọt nước mắt.

Con trở về sân trường, nhớ đến những buổi sáng má mặc quần đen, áo đen, đứng vẫy con ở dưới gốc cây. Những hòn sỏi trắng tháng trước còn reo lên ở dưới gót giày của má. Hai mẹ con hay ôm nhau ở đúng chỗ này. Bây giờ thì chỉ có một mình con.

Con đã sống những giờ im lặng ở trong lớp học. Những giờ im lặng bắc ghế ngồi ở cửa sổ nhìn ra vườn có nắng mùa xuân. Ban đêm con ôm Gigi nằm ở trong chăn ấm. Chúng con nghĩ đến má luôn luôn, nhớ đến má nhưng chẳng còn bao giờ có hy vọng để gặp má.

Ma soeur Félicité nhận đỡ đầu cho con. Bà dẫn con đi học đàn piano ở bên nhà dòng. Phút đầu tiên ấn ngón tay trên phím trắng, con rưng rưng mà nghĩ rằng má không còn ở trên đời, không còn ngồi ở trên giường, có ánh trăng chiếu vào sàn đá, để nghe con đánh đànvà hát cho má nghe như má hằng ao ước. Bà Félicité dạy con hát với những lời ngọt ngào. Bà cho phép Gigi được ngồi bên cạnh bản nhạc. Nó nhìn con. Hai chị em cùng mỉm cười. Nếu có má ở đấy, chắc má phải sung sướng mà hôn lên mắt chúng con.

Nhưng bây giờ thì má đã nằm ở ngoài nghĩa địa, ở trong quan tài trắng. Không biết má còn nhìn thấy chúng con hay không?

Những buổi sáng, buổi chiều, hay buổi tối, sau giờ học và giờ ăn, bà Félicité giảng Kinh Thánh cho con nghe. Con yêu tiếng nói dịu dàng của bà, yêu cặp mắt đen và hiền từ, yêu cả nụ cười êm dịu của bà hay nở trên môi.

Có những đêm con nằm ở trong bóng tối khóc nhớ má một mình. Nhưng Ma soeur đã đến bên giường sờ tay lên bộ mặt chan hòa nước mắt của con. Bà bế con trở dậy, và đi đến bàn thờ Đức Mẹ. Bà nói qua tai con:

- Con cầu nguyện cho má đi. Má có linh hồn. Linh hồn của má sẽ được tới gần chân Chúa.

Con quì xuống ở bên cạnh bà. Có ánh nến leo lét cháy trong bóng tối. Có tiếng cầu kinh văng vẳng từ những dãy hành lang, con nghĩ đến má, đến những buổi chiều mùa thu đi nhặt lá bàng ở trên đường Cột Cờ, đến những buổi tối mùa đông hai mẹ con ôm lấy nhau ngủ ở trong hơi ấm, đến buổi sáng Chủ Nhật có nắng vàng tươi, má dẫn con đi ngắm những cửa hàng ở trên phố.

Tất cả đều đã qua đi như một giấc mộng. Trong bóng tối im lìm, bà Félicité lấy khăn chấm lên những giọt nước mắt long lanh trên má con và hỏi dịu dàng:

- Con nghĩ gì thế?

- Thưa, con nghĩ đến má của chúng con.

- Vậy con hãy cầu nguyện cho má đi. Má chắc chắn sẽ được lên Thiên đàng.

Lạy Chúa, xin Chúa hãy vì má, hãy vì nỗi lòng đớn đau và tinh khiết của má mà đưa má về nơi thanh cao như lúc này con đang thành tâm tha thiết nguyện cầu cho má...
NHẬT TIẾN
3-9-1959

khieman
12-11-2013, 03:46 AM
.


Nhà văn Nhật Tiến


http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/writer-nhat-tien-05092012095046.html/nhatTien-305.jpg/image (http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/writer-nhat-tien-05092012095046.html/nhatTien-305.jpg/image)


Nhà văn Nhật Tiến tên thật là Bùi Nhật Tiến, sinh năm 1936 tại Hà Nội. Ông bắt đầu sáng tác từ những năm 50 của thế kỷ 20.Năm 1951, truyện ngắn đầu tay của Nhật Tiến là "Chiến nhẫn mặt ngọc" được đăng trên tờ Giang Sơn. Đây là tác phẩm đầu tiên của ông được đăng trên báo.

Sau 1951, Nhật Tiến cộng tác với tạp chí Văn Hoá Ngày Nay của Nhất Linh. Ngoài ra, ông còn viết cho các báo Tân Phong, Văn, Bách khoa, Văn Học, Đông Phương. Ông làm chủ bút tuần báo Thiếu Nhi từ năm 1971 cho tới 1975 do nhà sách Khai Trí xuất bản.

Năm 1954, ông di cư vào Nam, đầu tiên sống tại Đà Lạt. Hoạt động của ông trong thời gian này là viết kịch cho Đài phát thanh sau đó về Sài Gòn dạy học tại các trường tư thục.

Ông viết nhiều thể loại, truyện dài, truyện ngắn, kịch. Ông đã xuất bản trên 20 tác phẩm trong đó nổi tiếng nhất là Những Người Áo Trắng, Chim Hót Trong Lồng, Thềm Hoang, Người Kéo Màn, Giấc Ngủ Chập Chờn.

Nhà phê bình văn học Nguyễn Mạnh Trinh đã viết về ông :

“Có rất nhiều chân dung nhà văn Nhật Tiến : nhà văn của tuổi thơ bất hạnh, nhà văn của hiện thực xã hôi, nhà văn của lưu lạc xứ người, mà mẫu chân dung nào cũng đều có nhiều cá tính văn chương và trong mỗi dòng chữ, mỗi ý tưởng đếu có những thông điệp trao gửi theo..”

Chúng tôi có cuộc mạn đàm ngắn với nhà văn trong những ngày cuối tháng 4 sau đây, mời quý vị theo dõi:

Kỷ niệm thời thơ ấu

Mặc Lâm :

Trước tiên xin cảm ơn nhà văn Nhật Tiến đã dành cho chúng tôi buổi nói chuyện thân mật ngày hôm nay. Thưa ông, có thể nói tác phẩm đầu tay “Những người áo trắng” đã được xuất bản rất lâu, và từ tác phẩm này nói về những dòng tu kín ở Việt Nam dẫn tới tác phẩm “Chim hót trong lồng” cũng là một câu chuyện bên trong phạm vi bốn bức tường của nhà dòng, xin ông cho biết nguyên cớ nào mà ông thích viết về bốn bức tường trắng của nhà tu kín như vậy?

Nhà văn Nhật Tiến :

Dạ vâng. Cảm ơn anh đã nhắc đến hai tác phẩm gần như là loại đầu tay của tôi. Cuốn “Những người áo trắng” thì tôi sáng tác vào khoảng năm 1955 hay 1956 gì đó. Đấy chỉ là một kỷ niệm của tôi vào thời còn sinh sống ở Hà Nội, khi đó tôi là một hướng đạo sinh.

Quý vị đã biết rằng hướng đạo sinh thì thường hay đi làm các công tác từ thiện, làm những việc gọi chung là giúp ích. Đoàn của tôi cũng làm những công việc như mùa đông thì chúng tôi thường hay đẩy những xe bò đi các đường phố ở Hà Nội để quyên góp quần áo của bà con trong thành phố rồi đem giúp cho những người nghèo. Hoặc giả chúng tôi tình nguyện đứng ở đầu phố Hàng Trống hoặc là Hồ Gươm để bán những cuốn sách của những tác giả thời đó, thí dụ như vở kịch của kịch sĩ Văn Thuật mà tôi còn nhớ, thì tiền tác quyền của kịch sĩ Văn Thuật mà bán được thì lại cho vào một quỹ để đem giúp đồng bào bão lụt hay người nghèo thời đó.

Một công tác khác về vấn đề từ thiện là chúng tôi hay lui tới cái trại mồ côi, và trại mồ côi đó bây giờ gọi là đường Nguyễn Thái Học, nhưng hồi đó gọi là đường Hàng Đẫy rồi đi sâu xuống Phố Hàng Bột. Có một trại mồ côi mà chúng tôi hay lui tới sinh hoạt ở đó. Và chính thời gian tôi sinh hoạt ở trại mồ côi này thì hình ảnh những người áo trắng như trẻ mồ côi mặc quần áo trắng, những bức tường trắng và những cô thiếu nữ ở viện mồ côi lớn tuổi hơn trông nom đàn em nhỏ đã gây cho tôi nhiều xúc động. Và sau này khi sáng tác tác phẩm dài đầu tay thì tôi đã dùng hình ảnh ở trại mồ côi đó để viết cuốn “Những người áo trắng”.

Mặc Lâm :

Mọi người đều công nhận ông là một nhà văn của tuổi thơ bất hạnh, đặc biệt là tác phẩm “Chim hót trong lồng” viết về một cô bé rất cảm động. Từ những nỗi niềm của cô bé đó, ông mang theo trong những chuyến vượt biên sau này… có một sự dính líu nào đó trong những hoàn cảnh của những người vượt biên, chắc chắn ông đã gặp những cô bé bất hạnh trên đường đi, ông có liên tưởng đến nỗi bất hạnh mới từ cô bé trong “Chim hót trong lồng”…?

Nhà văn Nhật Tiến :

Theo tôi thì sự liên tưởng từ cô bé trong “Chim hót trong lồng” đến những cô bé vượt biên thì đó là sự liên tưởng hơi quá xa, bởi vì “Chim hót trong lồng” tôi viết từ thập niên 1960 mà chuyện vượt biên thì mãi sau ngày 30-4-1975, thành ra tôi nghĩ rằng nếu tôi viết cuốn ‘Chim hót trong lồng” thì cũng là dư âm của những hình ảnh đọng lại trong tâm tưởng của tôi khi tôi viết “Những người áo trắng”.

“Chim hót trong lồng” tập truyện bị từ chối

Khi tôi sáng tác truyện “Chim hót trong lồng” thì nó cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ lắm, thành ra tôi viết rất là lẹ, có lẽ cũng là nguồn cảm xúc của tôi trong suy nghĩ những em bé mồ côi, nhất là những buổi chiều mùa thu ở Hà Nội mà nhìn ra trời đầy mây xám với những cành cây trơ trọi, mà các em lại không có ba mẹ nào đến đón ra ngoài cả, nên có nhiều cảm xúc lắm.

Tôi viết trong vòng hơn một tuần là xong cuốn sách đó. Lúc bấy giờ tôi gửi cho nhà văn Nguyễn Thị Vinh làm chủ nhiệm tạp chí Tân Phong để đăng thì chị Vinh ngần ngại, chị thấy nó hơi dài, có thể là vì một phần nó hơi dài cho tân Phong vốn là một tạp chí nên nó chiếm nhiều chỗ quá và thứ hai có thể là cái đề tài đó chị Vinh không thích, thành ra khi đưa bản thảo đó cho chị Vinh thì chị từ chối.

Tôi thấy chắc là hồi đó mình cũng mới viết mà nên chắc là nó không có giá trị gì nên tôi cất đi. Đến một thời gian sau thì anh Trần Phong Giao, tôi nhớ hồi đó ảnh xin ra tạp chí Văn, chắc là vì vấn đề tài chính hay sao đó mà đến lúc giấy phép sắp hết hạn ra báo vẫn chưa đủ tài chính để ra một tờ báo đàng hoàng. Ảnh đến nhà tôi ảnh bảo: “Cậu có truyện nào không? Nó vừa vừa thôi để in trong một xấp giấy để tôi giữ cái giấy phép của tờ Văn.” Tôi bảo: “Tôi có cái truyện vừa vừa mà chị Vinh đã từ chối đấy. Cậu có lấy thì lấy.”

Tôi đưa truyện “Chim hót trong lồng’ và quả nhiên là anh Trần Phong Giao cho in trong cuốn Văn số 1. Cuốn Văn đó thật sự ra nó gần như là một cuốn chưa hoàn chỉnh lắm, nhưng vì giấy phép sắp hết hạn cho nên ảnh đưa vào. Đó là một kỷ niệm. Vâng.

Nhưng không ngờ truyện đó được rất nhiều thế hệ độc giả tiếp đón. Có thể nói là trước sau tôi in tất cả mười bốn – mười lăm lần tái bản cuốn “Chim hót trong lồng”..."...


Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2012-05-09
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/writer-nhat-tien-05092012095046.html (http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/writer-nhat-tien-05092012095046.html)