PDA

View Full Version : Về Tội ác và Trừng phạt - Kahlil Gibran



khieman
12-26-2013, 07:15 PM
.


Về Tội ác và Trừng phạt

Lúc ấy, một thẩm phán trong thành đứng ra thưa, Hãy nói cho chúng tôi về Tội ác và Trừng phạt.

Và ông đáp lại rằng:

Chính khi tinh thần các bạn đi lang thang theo gió,
Khiến các bạn lẻ loi trơ vơ, phạm điều lầm lỗi với người khác, và do đó với bản thân mình.

Và vì điều lỗi lầm đã phạm các bạn phải gõ cửa rồi chờ một lúc, chẳng ai đoái hoài, tại cổng của kẻ được ân phúc.

Y hệt biển, thần ngã nội tại của các bạn,
Vẫn tinh khiết như tự bao giờ.

Và y hệt thanh khí, nó chỉ nâng lên cái được chắp cánh.

Thần ngã nội tại của các bạn cũng y hệt mặt trời,
Nó không biết tới ngách chuột cũng chẳng tìm nơi hang rắn.

Nhưng trong hữu thể của các bạn thần ngã nội tại không ở một mình.

Trong bản thân các bạn, có nhiều cái vẫn là con người và có nhiều cái chưa là con người.

Nhưng yêu tinh nội tại không hình thù của các bạn đi ngái ngủ trong sương mù đang tìm cách thức dậy,
Và con người ấy trong các bạn mà lúc này tôi muốn nói tới.

Vì chính hắn, chứ chẳng phải thần ngã nội tại cũng chẳng phải yêu tinh nội tại, chính hắn mới là kẻ biết tới tội ác và biết tới hình phạt phải đền.

Tôi thường nghe các bạn nói tới kẻ phạm lỗi lầm như thể hắn không là một người trong các bạn mà là kẻ lạ đối với các bạn và là kẻ xâm nhập thế giới của các bạn.

Còn tôi, tôi nói rằng ngay cả người thánh thiện và công chính cũng không thể vươn lên quá mức cao nhất có trong mỗi người các bạn.

Như thế, kẻ độc dữ và kẻ yếu đuối cũng không thể rơi xuống thấp hơn mức thấp nhất cũng có trong mỗi người các bạn.

Và như chiếc lá đơn lẻ không ngã màu vàng nếu không có sự am hiểu thầm lặng của tất cả cây,
Cũng thế, người sai phạm không thể làm điều lầm lỗi nếu không có ý muốn thầm kín của tất cả các bạn.

Như một đám rước, các bạn đi cùng nhau về phía thần ngã nội tại của mình.

Các bạn là đường đi và là kẻ đi đường.

Và khi một kẻ trong các bạn ngã xuống, hắn ngã cho những kẻ đi đằng sau hắn, một lời cảnh báo về hòn đá va vấp.

Và còn nữa, dù lời này làm nặng trỉu tâm hồn các bạn:

Người bị giết không phải không chịu trách nhiệm về vụ giết mình,
Và người bị cướp không phải không đáng bị qui trách trong việc bị cướp.

Người công chính không phải vô tội đối với hành động của kẻ độc dữ,
Và người bàn tay sạch không sạch trước những việc làm của kẻ phạm tội.

Đúng thế, thông thường kẻ có tội là nạn nhân của người bị làm hại.

Và thông thường nữa, kẻ bị kết án là kẻ mang gánh nặng cho người không có tội và người không bị qui trách.

Các bạn không thể tách riêng người đúng với kẻ sai, người thiện với kẻ ác.

Vì họ cùng đứng với nhau trước vầng mặt trời, như sợi chỉ đen cùng sợi chỉ trắng được dệt quyện vào nhau.

Và khi sợi chỉ đen đứt, thợ dệt sẽ xem tất cả khúc vải và đồng thời rà soát khắp cả khung cửi.

Nếu có ai trong các bạn muốn đem xét xử một người vợ bất trung,
Kẻ đó cũng nên đặt trái tim của chồng nàng trên bàn cân và đo lường kích thước của linh hồn hắn.

Và hãy để người muốn đánh đòn kẻ phạm tội nhìn vào linh hồn của người bị xúc phạm.

Và nếu có ai trong các bạn muốn nhân danh công chính mà trừng phạt và đặt lưỡi cưa lên thân cây độc dữ, hãy để kẻ đó xem các rễ cây,
Và quả thật, hắn sẽ thấy rễ của thiện và ác, của sum sê và cằn cổi, tất cả quyện vào nhau trong lòng đất im lặng.

Và các bạn thẩm phán, những kẻ hẳn đúng.

Các bạn sẽ tuyên lời phán quyết nào trên người tuy lương thiện trong thể xác nhưng là kẻ cắp trong tinh thần?

Các bạn sẽ ra hình phạt nào cho kẻ giết người trong thể xác nhưng là người bị giết trong tinh thần?

Và làm thế nào các bạn truy tố kẻ là một tên dối trá và là một gã áp bức đang hoạt động,
Nhưng lại là một người khổ sở và bị sỉ nhục?

Và làm thế nào các bạn trừng phạt kẻ mà sám hối đã lớn lao hơn hành động xấu xa của hắn?

Chẳng phải sám hối là công lý, cái được thực thi bởi chính luật pháp các bạn sẵn lòng phục vụ sao?

Thế nhưng các bạn không thể ra án sám hối cho người vô tội cũng như cất bỏ nó khỏi tâm hồn kẻ phạm tội.

Nó sẽ tự mình cất tiếng gọi trong đêm để con người có thể tỉnh giấc, đưa mắt đăm đăm nhìn bản thân.
Và các bạn, những kẻ am hiểu công lý, các bạn sẽ làm thế nào nếu không nhìn thấy mọi hành động dưới ánh sáng đầy đủ?

Chỉ lúc đó các bạn mới có thể hiểu rằng người kiên định và người sa ngã hoàn toàn chỉ là một con người đang đứng trong trời chạng vạng giữa ban đêm của yêu tinh nội tại và ban ngày của thần ngã nội tại của hắn,

Và hiểu rằng viên đá đặt nền của đền thờ không cao hơn viên đá thấp nhất trong nền móng của nó.


Trích Ngôn Sứ (The Prophet)
Kahlil Gibran - Nguyễn Ước dịch
Lời người dịch:

Kahlil Gibran (1883-1931), thi sĩ và họa sĩ người gốc Li-băng, được xem như một trong các đạo sư vĩ đại của thế kỷ 20. Các tác phẩm của ông chứa đựng thông điệp cao cả, nhất quán và vượt thời gian về một thế giới đại đồng, tôn giáo hòa đồng, loài người huynh đệ và một tình yêu hằng cửu nối kết con người với nhau trong tình yêu Thượng đế, giữa một trần gian hiệp nhất với không gian.

Ngôn sứ (The Prophet), là tác phẩm chủ yếu và tuyệt vời nhất trong cả chục tác phẩm bằng tiếng Anh và tiếng A Rập của ông. Ngôn sứ được xuất bản lần đầu năm 1923, và cho đến nay, đã tái bản hàng trăm lần cùng dịch ra trên bốn chục thứ tiếng. Chỉ riêng với tác phẩm này, Kahlil Gibran được giới xuất bản đánh giá là một trong các tác giả được đọc rộng rãi nhất, có lẽ chỉ sau Shakespeare và Lão Tử.

Ngôn sứ gồm 26 đáp từ bằng lối nói đầy chất thơ chuyên chở những cái nhìn thấu suốt, ứng xử với các chủ đề lớn của cuộc đời trên nền tảng chân thiện mỹ, như hạnh phúc và đau khổ, tình yêu và cái chết, lao động và của cải, hôn nhân và con cái, tình bằng hữu và luật pháp, thiện ác và tôn giáo, ăn mặc và cầu nguyện, v.v...

Tác phẩm này cũng đã được ít nhất năm người dịch sang tiếng Việt, trong đó có Phạm Bích Thủy, Trùng Dương, Giải Nghiêm, Châu Diên, v.v. với nhan đề thường xoay quanh chữ "tiên tri". Trong bản dịch này, tôi dùng chữ "ngôn sứ".

Ngôn sứ (prophet), được hiểu như một sứ giả chuyển giao một thông điệp bằng ngôn từ. Ngôn sứ có mặt trong các tôn giáo lớn như Do Thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo, Bái Hỏa giáo, Hi Lạp cổ đại, v.v. Ngôn sứ tự xem mình hoặc được xem như kẻ có giao tiếp với các hữu thể thiêng liêng hoặc siêu phàm, như Thượng đế hay thần linh. Thông điệp mà họ trung chuyển cho con người thường được gọi là sứ điệp hay lời tiên tri (prophecy), có lẽ vì thế nhiều người thường dịch chữ Prophet là Nhà tiên tri, theo ý nghĩa kẻ biết trước và nói lên con đường tất yếu trong tương lai nếu người đương thời nhất định đi theo chân lý hoặc vẫn không thể từ bỏ những đọa lạc hiện tại.

Hiểu một cách tích cực, ngôn sứ là kẻ cống hiến những cái nhìn thấu suốt cho thời đại, vừa là người quyết liệt phê phán hiện trạng, cất cao lời cảnh tỉnh người đương thời, nhắc lại các giá trị tinh thần bất biến, và vừa là kẻ sẵn sàng hiến thân để làm nhân chứng cho chân lý và bảo chứng cho sứ điệp.

Như thế, về mặt truyền thống, ngôn sứ không phải là kẻ đưa ra lời tiên đoán biến cố hoặc giải đáp cụ thể và tức thời các bí ẩn. Ngôn sứ là kẻ hiện đại hóa bằng ngôn từ nội hàm của chân lý muôn thuở, đưa lời cảnh báo cấp thiết, và được xem là người tích cực cổ vũ cho những đổi thay trong cá thể mỗi người và quần thể xã hội, mang tính tâm linh và cách mạng tận gốc, trong quá trình trở về với cội nguồn uyên nguyên của con người.

Hình ảnh Ngôn sứ Almustafa được thể hiện trong bản dịch này – mà chúng tôi cố làm cho gần gủi với hình ảnh vừa cách biêt vừa thân ái trong nguyên tác của Kahlil Gibran – là một con người bình thường tiềm ẩn trong mỗi chúng ta, được thăng hoa nhờ các trải nghiệm của một quá trình chiêm nghiệm trong cô đơn và thấu suốt, rồi phát biểu với chúng sinh bằng tất cả ý thức trách nhiệm, từ tốn và chân tình... Một hình ảnh thường được nghĩ tới như một chức năng hay một kỳ vọng của giới văn nghệ sĩ, triết gia, tăng lữ, nhà giáo dục, v.v., những trí thức chân chính nói chung và kẻ làm nghệ thuật nói riêng.

Nguyễn Ước
Nguồn: art2all.net (http://www.art2all.net/)