PDA

View Full Version : Thư gửi bạn ta - Bùi Bảo Trúc



khieman
01-19-2014, 08:59 PM
.

Ngày 5 tháng 1 năm 2014

Bạn ta,

Từ hơn một tuần nay, một số báo trong nước như các tờ Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Giáo Dục Việt Nam ... đã đăng tải (nhiều kỳ) một số bài viết về Hoàng Sa nhân sắp đến kỷ niệm 40 năm ngày Hoàng Sa bị Trung Cộng đưa quân đánh chiếm (ngày 19 tháng 1 năm 1974).

Đáng kể nhất là các bài viết của Trần Công Trục, cựu Trưởng Ban Biên Giới của Hà Nội, trong đó, lần đầu tiên Việt Nam Cộng Hòa đã được đề cập đến bằng danh xưng chính thức là Việt Nam Cộng Hòa, không phải là nhà cầm quyền Sài Gòn, và nhất là không bằng cách gọi xách mé đầy hỗn hào và hận thù là chính phủ Ngụy, Ngụy quyền, lính Ngụy...

Các ông Nguyễn Văn Thiệu , Vương Văn Bắc đều được nhắc đến bằng danh xưng tổng thống Việt Nam Cộng Hòa và tổng trưởng Ngoại Giao Vương Văn Bắc thay vì tổng thống Ngụy, bộ trưởng Ngoại Giao Ngụy. Các sĩ quan hải quân được gọi bằng các chức vụ đầy đủ. Việt Nam Cộng Hòa được viết tắt bằng các chữ VNCH. Trong một bài viết, tác giả Trần Công Trục đã dùng chữ "ta" để nói về lực lượng hải quân của Việt Nam Cộng Hòa trong trận đối đầu với lực lượng của Trung quốc. Việc Trung quốc chiếm Hoàng Sa lần đầu tiên được gọi một cách công khai trên báo là một hành động "phi nghĩa" và hành động chống trả lại Trung quốc của các quân nhân hải quân Việt Nam Cộng Hòa được mô tả là "kiên cường nổ súng vào kẻ xâm lăng" như trong bài của Đỗ Hùng trên tờ Thanh Niên số đề ngày 5 tháng 1 năm 2014.

Tất cả các tờ báo kể trên đều đăng lại hình chụp của các chiến hạm Việt Nam Cộng Hòa tham chiến tại Hoàng Sa như tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ-16, khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4, tuần dương hạm Trần Bình Trọng HQ 5 và hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10. Ngoài ra, bài viết của Trần Công Trục còn sử dụng di ảnh của thiếu tá Ngụy Văn Thà và 5 sĩ quan, binh sĩ tuẫn tiết theo chiến hạm Nhật Tảo.

Các bài báo đều dựa trên các tài liệu của Việt Nam Cộng Hòa như tuyên cáo số 015/BNG của bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa và các bài viết của các sĩ quan hải quân Việt Nam Cộng Hòa Vũ Hữu San, Trần Đỗ Cẩm, Hồ Văn Kỳ Thoại thay vì những thứ tài liệu một chiều ngụy tạo để mạ lỵ phía Việt Nam Cộng Hòa như từ trước tới nay.

Rõ nhất là đoạn cuối của bài Quyết Liệt vì Hoàng Sa nguyên văn:

"Sau trận chiến ngắn ngủi nhưng ác liệt, Trung quốc đã chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Dù thế, trận hải chiến 1974 một lần nữa khẳng định ý chi bất khuất của người Việt trong sứ mệnh bảo vệ chủ quyền. Trước một kẻ thù mạnh hơn và một tình hình chính trị chung có nhiều diễn biến bất lợi, các quân nhân đã kiên cường nổ súng vào kẻ xâm lăng".

Kẻ thù rõ ràng "kẻ thù" trong đoạn viết vừa dẫn là Trung quốc và các "quân nhân kiên cường" là các binh sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa.

Như thế, sau suốt mấy chục năm không dám hé môi nói bất cứ gì về trận Hoàng Sa vì há miệng mắc quai, thò ra cái đuôi nô dịch bán nước, hèn nhát sợ nhắc đến hành động xâm lăng của Trung quốc và chính nghĩa bảo vệ tổ quốc của phía Việt Nam Cộng Hòa, những bài viết trên mấy tờ báo trong nước đã lần đầu tiên nói lên sự thực về trận Hoàng Sa.

Chỉ mấy tháng trước, nói đến trận Hoàng Sa là bị đàn áp, bắt dẹp ngay như ở nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn, mặc cái áo thun có hình lưỡi bò bị xóa , hay hàng chữ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam cũng đủ để bị bắt như trường hợp Điếu Cầy và nhiều người khác. Nhưng nay, với mấy bài viết như đã kể trên, người đọc có thể hiểu là lập trường của Hà Nội đang đổi khác để hòa hợp, hòa giải chăng?

Chắc là không. Sau khi quyết liệt bênh vực Trung quốc, đàn áp những người yêu nưôc chống lại Tầu Cộng từ bao lâu nay mà thấy chẳng ăn thua gì, có thể bọn Hà Nội định quay ra ve vuốt người dân bằng những bài báo sặc mùi ... Việt Nam Cộng Hòa trong trận Hoàng Sa để mong có được sự ủng hộ của người dân trong việc đối phó với Bắc kinh trong những ngày tới chăng?

Nguồn: LittleSaigonRadio & Hồn Việt TV

tgbt@yahoo.com

khieman
01-20-2014, 03:39 AM
.

Ngày 3 tháng 1 năm 2014,
Bạn ta,

Tục ngữ Việt Nam có câu "Ăn đã vậy, múa gậy làm sao". ( Được cho) ăn no cái bụng rồi thì phải múa chứ. Không múa may quay cuồng gì thì chướng lắm. Mà phải múa cho ra trò mới được. Chứ múa cho có lệ là không được.
Người Mỹ cũng có một câu tương tự "Bang for the buck", đáng đồng tiền bát gạo. Mất tiền (buck) mua pháo thì pháo phải nổ cho to (bang) mới bõ tiền bỏ ra mua pháo.

Theo báo trong nước thì chiếc tiềm thủy đĩnh đầu tiên mà Việt Nam mua của Nga đã về tới Việt Nam. Tầu do một hãng đóng tầu của Nga đóng xong từ tháng trước sau đó, tầu được đưa lên một tầu hải vận tên là Rolldock Sea của Hà Lan chở từ Nga về Việt Nam. Tầu ngầm mang tên là Hà Nội đã được đem về tận Cam Ranh trên tầu vận tải và đã được cho cập bến Cam Ranh.

Mặc dù tầu không dính nước biển Đông một chút nào trên đường đi Cam Ranh, báo chí trong nước, theo lối tường thuật huênh hoang cố hữu, đã viết nhắng lên rằng tầu ngầm Hà Nội đã xẻ ngang biển Đông về Việt Nam. Xẻ đâu mà xẻ, nếu có xẻ biển Đông là cái Rolldock Sea làm chứ tiềm thủy đĩnh Hà Nội nằm an toàn trong lòng chiếc tầu vận tải chứ có "rửa chân" ở biển Đông lúc nào đâu mà phét lác.

Trước đó, mấy tờ báo trong nước cũng hô hoán ầm lên rằng tầu Kilo của Việt Nam là hay nhất, mạnh nhất, hơn cả những tầu Kilo mà hải quân Ấn mua của Nga, và vượt luôn cả các tiềm thủy đĩnh của Tầu Cộng.

Thôi nghe vậy thì cũng mừng cho nước ta mua được đồ tốt.

Chi mấy tỉ mà có được tầu ngầm tốt hơn những chiếc tầu cùng kiểu, cùng do Nga sản xuất thì đáng mừng lắm.

Tầu mang về an toàn tới tận quân cảng Cam Ranh rồi thì nay nên mang ra chạy ngay đi chứ còn mắc cở gì nữa?

Nhưng có vài ba chuyện nên nói ra ở đây. Quân cảng Cam Ranh có một số nơi nằm sát các khu vực đậu tầu chiến đã bị đem cho mấy anh Tầu thuê để nuôi cá từ mấy năm nay. Từ những nơi nuôi cá này, mấy anh Tầu nuôi cá có thể quan sát rất kỹ lối vào lối ra, các cầu tầu nơi các chiến hạm thả neo rồi thì liệu các chiến hạm Việt Nam có còn giữ được bí mật để hoạt động hữu hiệu không? Câu hỏi này không cần trả lời.

Theo các tài liệu về loại tầu ngầm Kilo thì tầu ngầm Hà Nội có thể trang bị các loại võ khí tấn công và phòng thủ với ngư lôi, phi đạn chống tầu và phi đạn phòng không.

Nhưng người ta có dám dùng các chiến hạm võ trang hùng mạnh như thế vào việc bảo vệ các đảo và hải phận của Việt Nam không? Có nhiều lý do để tin là không.

Cho mãi tới tận gần đây, nói tới Hoàng Sa, Trường Sa vẫn là những điều cấm kỵ. Người ta vẫn còn sợ làm phật lòng đàn anh lắm. Ngay việc đặt tên cho các chiến hạm mới mua của Nga cho hải quân Việt Nam cũng được làm một cách rất dè dặt. Dè dặt đến mức độ hèn nhát. Sợ phạm húy, phải kiêng không dám đặt cho các chiến hạm mày tên của các nhân vật lịch sử từng đánh Tầu và các địa điểm từng diễn ra những trận đánh tan quân xâm lược miền Bắc.

Thí dụ hai chiến hạm mang tên Đinh Tiên Hoàng HQ-011 và Lý Thái Tổ HQ-012 chẳng hạn. Hai ông vua anh hùng này của Việt Nam có rất nhiều công lao với đất nước. Nhưng cả hai đều không đánh Tầu một trận nào. Không dám đặt những tên như Trần Khánh Dư, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo... chỉ vì mấy ông này đã từng đánh Tầu tơi tả.

Còn sáu chiếc tầu ngầm mới mua thì đặt tên là Hà Nội HQ-182, Thành phố Hồ Chí Minh HQ-183, Hải Phòng HQ-184, Đà Nẵng HQ-185, Khánh Hòa HQ-186, và Bà Rịa Vũng Tầu HQ-187...

Tất cả những địa danh kể trên đều chưa bao giờ diễn ra một trận hải chiến nào với Tầu. Nếu lẫn vào những cái tên chiến hạm là 1 hay 2 cái tên húy kỵ thì cũng có thể tạm hiểu được. Nhưng khi tất cả 6 chiếc tầu ngầm đều được đặt cho những cái tên sợ phạm húy như thế thì ... hèn thấy rõ.

Rồi đây, sau khi có được những chiếc tầu ngầm mới này, có dám đem chúng ra húc bỏ mẹ mấy cái tầu thường xuyên bắt nạt ngư dân Việt Nam không?

Hèn từ cách đặt tên hèn đi thì làm sao có chuyện đánh mấy cái tầu của ba Tầu được.

Bùi Bảo Trúc
Nguồn: LittleSaigonRadio & Hồn Việt TV
.

khieman
01-20-2014, 03:06 PM
.



http://farm3.static.flickr.com/2602/3952040604_4a6fc8717d_o.jpg (http://farm3.static.flickr.com/2602/3952040604_4a6fc8717d_o.jpg)



Ngày 14 tháng 1 năm 2014
Bạn ta,


Thời gian là khoảng giữa những năm 60 đến đầu thập niên 70. Cuộc chiến Việt Nam khởi đi từ những ngày đầu đến giai đoan khốc liệt nhất. Ở Sài Gòn người ta có thể thỉnh thoảng nghe pháo đài bay B-52 đào bới những vùng chung quanh, hỏa tiễn 122 ly lâu lâu rơi vào thành phố, xuống đường biểu tình chống đủ thứ. Nhưng trong cái ốc đảo có những lúc bình yên, có lúc xao động ở mức địa chấn ấy, người ta vẫn sống. Và đời sống của những người sống trong cái ốc đảo ấy, có những ngõ ngách mà nhiều khi người ta ít thấy ngay cả khi đứng ngay bên cạnh nó.

Không gian là khu vực đóng khung giữa bốn con đường Gia Long, Nguyễn Trung Trực, Lê Thánh Tôn và Công Lý. Khu đất trước là khám lớn của Sài Gòn thời còn người Pháp. Khám lớn được phá bỏ, một kiến trúc mới được xây lên để trở thành trường đại học Văn Khoa. Rồi trường Văn Khoa được chuyển tới một trại binh cũ trên đường Cường Để và đại lộ Thống Nhất. Trụ sở cũ của trường Văn Khoa bị phá, lấy chỗ xây thư viện quốc gia.

Đó là khung cảnh và thời gian của cuốn sách nhan đề Cũng Cần Có Nhaucủa Hoàng Xuân Sơn, một người làm cái gì cũng part time. Sinh viên part time. Chơi cũng part time. Ngồi cà phê part time, la cà ngoài đường phố cũng part time, làm business part time, đàn hát part time. .. nhân vật đó, người ghi lại một đoạn đời sống của những năm ấy là người quen rất nhiều người, biết rất nhiều chuyện.



http://tranthinguyetmai.files.wordpress.com/2013/10/bc3acacccn.jpg?w=193&h=300 (http://tranthinguyetmai.files.wordpress.com/2013/10/bc3acacccn.jpg?w=193&h=300)



Cuốn sách của Hòang Xuân Sơn được chính tác giả gọi là một tập phóng bút. Ông không coi nó là một hồi ký mặc dù nó rất thấp thoáng những nét của một tập hồi ký. Ông kể cho người đọc, mà rất nhiều người đã sống qua thời gian và không gian của cuốn sách những chuyện, những chi tiết không ít người biết.

Hoàng Xuân Sơn viết về người và vật của những năm ông có măt ở trường đại học Văn Khoa, luôn cả những chuyện ở bên ngoài của ngôi trường này, khu vực chung quanh trường, những lề đường, những quán xá, những thời gian la cà ở những nơi đó. Thế nên có lầm đó là một đoạn hồi ký của những năm ấy, những năm tháng của một thời cũng chẳng sao. Tác giả cũng như người đọc đều đã có một thời còn trẻ, những năm của tuổi hai mươi vừa ra khỏi bậc trung học, đang còn áo trắng thư sinh trước khi vào đời.

Đoạn đời ấy vẫn còn ở lại trong trí nhớ của người viết chút lãng mạn như những dòng thơ này:

Ta vẫn chờ em dưới mái Tây
Trong đêm còn vọng bước sen gầy
Dù nay trăng đã xa lầu cũ
Em đã xa rồi chim cũng bay
Tương kiến thời nan biệt diệc nan (*)
Em bây giờ đã quá quan san
Đêm đêm ngâm khúc Đường thi cũ
Tiếc áo văn khoa với tuổi vàng
Ta nhớ ngày xưa cuối giảng đường
Mắt đầy sao và áo đầy hương
Em đem trời đẹp vào trong lớp
Ta thấy đang hè bỗng đã xuân
Ta nhớ chiều rơi trên hành lang
Nắng loang vệt nhỏ dưới sân trường
Chiều đi, trời bỗng vàng trên mái
Thành phố bâng khuâng lá ngập đường
Ta nhớ con đường em vẫn đi
Con đường xanh cỏ dấu chim di
Chiều nay ngâm khúc Đường thi cũ
Yên thảo có còn như bích ti? (**)
(* thơ Lý Thương Ẩn)
(** thơ Lý Bạch)
(thơ BBT)

Hoàng Xuân Sơn mượn mấy chữ trong bài Diễm Xưa để làm tựa cho cuốn sách. Câu hát của Trịnh Công Sơn, người mà Hoàng Xuân Sơn rất thân thiết, một hôm đánh thức tác giả rằng những tảng đá không hoàn toàn vô tri vô giác.. Nó cũng có hoài niệm như những điều người ta khắc lên nó, như rong rêu bám hoài vào nó và một ngày nào đó, ngay cả những chuyện tạp nhạp, nhỏ bé của đời sống cũng sẽ trở thành những chuyện cần thiết cho đời sống của chúng ta. Đôi khi, những giây phút đáng quý nhất trong đời lại chỉ là những phút giây chẳng đáng kể là bao nhiêu. Một buổi sáng bình an. Một chiều ngồi nhìn dòng nước trôi trên sông một buổi tối về khuya. Hãy để ra một chút thì giờ để nghĩ lại những giây phút kỳ diệu đó. Chúng ta không bao giờ muốn mất chúng, luôn cả những ngày, những tháng rất buồn:

Sài Gòn có những ngày rất buồn
Sáng tinh sương một loạt nổ vang
Lối xóm xôn xao tin pháo kích
Lại một xóm nào vài mạng chết oan
Sài Gòn có những sáng rất buồn
Chuông reo còn ngoài cửa phân vân
Bước vào lớp giảng qua bài mới
Dậy chúng gì rồi cũng tới quân trường?
Sài Gòn có những trưa rất buồn
Ciné thường trực tối như bưng
Chán đời xem hết hai phim chưởng
Phim hết dường như vẫn rất buồn
Sài Gòn có những chiều rất buồn
Báo mới trăm người tử trận cao nguyên
Trang cáo phó nhạt nhòa tên người bạn
Bỗng dưng bỏ Sài Gòn, bỏ vợ, bỏ con
Sài Gòn trong Pagode rất buồn
Bạn bè ta ngồi đấu hót lung tung
Hết chuyện nắng mưa, sang hòa bình, hiệp định
Chuyện da beo và chuyện Tống Lê Chân
Sài Gòn có những tối rất buồn
Chạy khắp nơi mà không hết chồn chân
Khi trở về hỏa châu soi đầu ngõ
Đại bác nổ dồn, thành phố giới nghiêm
(thơ BBT)

Đọc Cũng Cần Có Nhau người đọc sẽ thấy thấp thoáng trong những chuyện tạp nhạp đó có chính mình, mình của một thời mà thoắt một cái, đã nửa thế kỷ...

Hôm nay chủ nhật em đi đâu
Ngày treo trên một chiếc ly sầu
Hàng cây lá mục nghiêng mình ngóng
Mây cũng chờ em, em ở đâu?
Hôm nay Chủ nhật em đi đâu
Chiều loang một chút nắng không mầu
Gió ơi , giữ hộ mùi hương cũ
Thuở những bàn tay chưa xa nhau
Chiều đã đi cùng những chuyến xe
Tan theo dạ khúc đổ sau hè
Vẫn nghe từ đám mù sương ấy
Giọng hát em trên khắp lối về
Ngày đã ra đi với ngại ngần
Con đường toàn những ngả phân vân
Đêm ơi hãy đến bằng đôi cánh
Chở hết đi xa Chủ nhật buồn
(thơ BBT)

Tôi gặp Hoàng Xuân Sơn ở trường Văn Khoa Sài Gòn khoảng gần cuối những năm 60. Một ông Huế rất chịu chơi nhưng lại cũng rất hiền lành trong cái đám Bắc kỳ, Nam kỳ lê lết ở trường hồi ấy . Sơn hát rất hay. Ôm lấy chiếc ghi ta là có thể ngồi bên nhau hát theo đàn suốt đêm trong những buổi tối ngồi chơi với bạn bè ở sân sau trường Văn Khoa Nguyễn Trung Trực. Người thanh niên lúc nào quần áo cũng tươm tất học ban Triết nhưng ngồi ngoài hành lang nhiều hơn ở trong giảng đường, lêu bêu trên những con đường của quán xá, cà phê lại vẫn đỗ đạt đều đều để hoàn tất chương trình cử nhân Triết rồi cao học chính trị kinh doanh để trở thành một công chức nhưng không bao giờ bỏ hẳn trò chơi lêu bêu của chàng cho nên làm công chức tuy là full time nhưng rất part time để chàng tiếp tục những trò chơi khác của chàng. Triết học dậy cho chàng những việc làm dấn thân khác của cái thế hệ của chàng. Chàng đi cứu trợ, sinh hoạt với các tổ chức thanh niên và sinh viên thời đó.

Một nửa cuốn sách được dành cho những năm Sơn ở trường Văn Khoa và phần sau của cuốn sách được dành cho mấy người bạn rất đặc biệt của tác giả, trong đó có Trịnh Công Sơn.

Thật khó mà nói về cuốn sách của Hoàng Xuân Sơn. Chỉ xin mời bạn đọc nó. Trong những trang của cuốn sách này, người ta có thể thấy phần nào đời sống của mình, một hai người bạn, có người vẫn quanh đây, có người đã vĩnh viễn rời bỏ chúng ta. Xin hãy đọc để tìm lại một thời gian đã mất, một đoạn của đời sống đã có lúc rất đẹp nhưng cũng rất bất hạnh, những loay hoay của những bước đi của một thế hệ ra đời, lớn lên trong chiến tranh, trong Mậu Thân khói lửa, trong hạnh phúc lận đận khi thảm họa vẫn rình rập ngay trên đầu, những kỷ niệm rất cũ trùng điệp về những ngày cũ trong cái thành phố vẫn còn đó mà không sao tìm lại được, những người bạn người còn, người mất vĩnh viễn không còn nữa.

Kể ra đây làm sao hết được. Thôi thì mời bạn đọc cuốn sách mà cứ mỗi trang sách là lại vài ba hình ảnh cũ hiện về, vài ba cái tên với chân dung rõ nét trở lại.

Đây là cuốn sách rất nên đọc. Đọc, và thỉnh thoảng đọc lại. Cám ơn quí vị và cám ơn Hoàng Xuân Sơn và những kỷ niệm còn lưu giữ được và viết xuống trong những trang của cuốn Cũng Cần Có Nhau.



Bùi Bảo Trúc
Nguồn: Little Saigon Radio & Hồn Việt TV

khieman
01-21-2014, 09:41 PM
.
Ngày 9 tháng 12 năm 2013
Bạn ta,

Trong số những câu ca dao đang mất đi ý nghĩa, đang chìm dần trong quên lãng phải kể hai câu:

Ta về ta tắm ao ta
Dù trong, dù đục,ao nhà vẫn hơn

Tác giả hai câu lục bát này đã rất khiêm tốn nhận rằng "ao nhà" có thể cũng có cái đục chứ không phải lúc nào cũng trong vắt như cái ao của cụ Yên Đổ:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo...

Trong một chiếc ao như thế, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đã từng tìm được cái thú:

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao...

Nhưng bây giờ hình như "ao nhà" không cho "ta" tắm nữa thì phải. Định "ùm" một cái xuống tắm cái "ao nhà" thì cái "ao nhà" đã bỏ đi mất đất rồi có chán không cơ chứ.

Người viết không còn ở lớp tuổi có thể tắm ao như Nguyễn Bỉnh Khiêm hay ngồi thuyền "thu điếu" như cụ Tam Nguyên nữa nhưng vẫn thấy sót sa cho những người còn trong tuổi đi kiếm cái ao để ... tắm.

Hai câu lục bát về cái ao ta đó tôi nghe lần đầu khi Hà Nội phát động phong trào dùng hàng nội hóa, khoảng hơn nửa thế kỷ trước. Hồi ấy, đi đâu cũng thấy những biểu ngữ kêu gọi người người kiếm cái ao ta mà tắm. Nhưng ngày nay, chẳng còn được mấy ai làm công việc đó nữa ngoài vài ba người trẻ vừa lên tiếng hô hào tắm ao ta, tẩy chay hàng Trung quốc thì liền bị còng tay, đổ cho tội chống phá nhà nước.

Trong khi đó, những cái "ao nhà", cái thì bị bán cho người khác, lừa cho những người khác xứ tắm táp, và cũng có khi cũng chẳng phải là bị lừa đảo gì, những cái ao cứ mời người khác ... làng đến tắm cho vui.

Cách đây vài tháng có một bài báo trong nước viết về chuyện một số thanh niên đã phải tìm cách "bảo vệ mùa màng", không để mặc cho mùa màng bị xuất cảng bừa bãi bằng cách hễ trông thấy những kẻ tình nghi là đến dụ những cái ao làng ... đi nơi khác cho người lạ tắm thì liền đuổi đi. Nhưng một số những cái ao vẫn bị dụ bỏ làng xóm ra đi.

Đó là trường hợp mấy cái ao không tối tân cho mấy, lại cũng vì dại dột nghe theo những lời dụ dỗ của bọn Mã Giám Sinh, Tú Bà... bỏ đi theo những cuộc phiêu lưu 9 phần chết 1 phần sống, lựa toàn những lối đoạn trường mà đi qua hết Trung quốc, Đài Loan, lại tới Singapore, Hàn quốc...


http://4.bp.blogspot.com/-SegJxMY9xUk/UgjA5TXLOEI/AAAAAAAADZE/qVcsHpGaB_c/s640/DXK4a.jpg (http://4.bp.blogspot.com/-SegJxMY9xUk/UgjA5TXLOEI/AAAAAAAADZE/qVcsHpGaB_c/s640/DXK4a.jpg)

Nhưng cũng có một số trường hợp ao chọn những người tắm mà xem ra cũng chẳng khá gì hơn những người tắm cùng làng, cùng xóm.

Những người đàn ông cùng làng cùng xóm đâu hết cả rồi mà cứ để mặc "ao nhà" cho nhưng người khác làng khác xóm nhẩy xuống tắm rửa ... kỳ cọ quá mạng như vậy?

Những chuyện như thế đã khiến cho không ít người nghĩ là ở những nơi khác, cứ có cái ... chứng minh nhân dân của nước khác, chỉ cần qua Việt Nam là kiếm ngay được những cái ao coi rất được. Nhiều khi cũng chẳng hề là những cái ao nữa, mà có khi lại là những cái hồ bán nguyệt xây dọc, xây ngang bằng gạch Bát Tràng nữa mới là tiếc cho... dân làng chứ.

Tờ Dân Trí tuần qua có một bài viết nhan đề "Những "sao" Việt hạnh phúc bên chồng ngoại" trong đó, tác giả liệt kê ra 12 phụ nữ Việt cho người nước ngoài tắm ... lia chia rồi còn khoe nhắng lên là đời sống với những người đàn ông ... tắm ao ta đó vui lắm.

Trong số 12 người mà tờ Dân Trí gọi là "sao" đó có 6 ca sĩ, 3 người mẫu, 1 diễn viên, 2 hoa hậu. Toàn là những hồ bán nguyệt xây bằng gạch Bát Tràng cả. Còn những người nhẩy ùm xuống ao tắm rửa kỳ cọ thì có 1 Pháp, 1 Mỹ ,1 Hà Lan, 1 Thụy Điển, 2 Úc ,1 Ấn độ, 1 Pakistan, 1 Miên, 1 Trung quốc, 1 Hàn quốc, 1 Đức...

Thế thì còn ao nhà đâu cho dân làng tắm nữa.

Mà rồi cho tắm miễn phí thì cũng chọn người cho đáng chứ cứ Tây ba lô gọi vào cho tắm thì có hay ho gì đâu.

Phải như được thứ danh giá, tài giỏi đến tắm thì cũng được đi. Rước cái thứ mà chính một cái ao đánh giá là nghèo như ca sĩ A.T. thì cho tắm làm gì?

Hay là lại nghĩ là làm như thế là trả thù dân tộc đây?

Không biết ai trả thù ai đây? Người Việt có gây thù oán gì với vài ba nước kia mà lại để cho người ta vô cớ trả thù vậy?


Bùi Bảo Trúc
Nguồn: LittleSaigonRadio & Hồn Việt TV