PDA

View Full Version : "Tủ rượu" của người Việt và "tủ sách" của người Do Thái



khieman
01-30-2014, 03:10 PM
.

"Tủ rượu" của người Việt
và "tủ sách" của người Do Thái


Để đất nước và con người Việt Nam phát triển về mọi mặt, bền vững, việc đầu tiên là phải làm sao để "văn hóa đọc" của người Việt lan tỏa và thăng hoa, tạo được thói quen đọc sách và yêu sách.




http://tapchi.shoptretho.com.vn/wp-content/uploads/2014/01/tu-ruou-160114.png (http://tapchi.shoptretho.com.vn/wp-content/uploads/2014/01/tu-ruou-160114.png)



Hai câu chuyện về
cái “tủ sách” và cái “tủ rượu”

Hôm rồi tôi có dịp ghé nhà một ông tá hải quân cùng quê chơi. Ông hiện phụ trách quân lực của cả một vùng. Ông vừa cất xong ngôi nhà (biệt thự thì đúng hơn) và sắm xe hơi mới. Bước vào phòng khách ngôi nhà, ập vào mắt tôi chính là chiếc tủ rượu hoành tráng được gắn sát chiếm diện tích gần nửa bức tường chính diện. Thôi thì đủ thương hiệu rượu danh tiếng: từ Chivas, Hennessy, Napoleon, Johnnie Walker cho tới Vodka xịn tận bên Nga… được gia chủ bày khá ngay ngắn trên kệ. Ông đi giới thiệu cho chúng tôi xuất xứ từng chai rượu: chai này thằng bạn đi nước ngoài về tặng, chai kia đồng nghiệp cho, chai nọ do cấp dưới biếu với giọng khá hào hứng cũng như thể hiện sự am hiểu về rượu ngoại.




http://tapchi.shoptretho.com.vn/wp-content/uploads/2014/01/tu-sach-nguoi-do-thai-4-160114.png (http://tapchi.shoptretho.com.vn/wp-content/uploads/2014/01/tu-sach-nguoi-do-thai-4-160114.png)



Sau khi dẫn chúng tôi đi tham quan quanh khuôn viên nhà, cùng với mấy câu chuyện hỏi thăm nhạt thếch, ông tá nhanh chóng nhập sòng oánh “phỏm” với mấy “thằng đệ”. Trong lúc mấy vị đang say sưa sát phạt, chúng tôi cũng đang ngó nghiêng thứ này thứ kia của căn nhà thì xảy ra một chuyện. Thằng con đầu (con vợ hai, ông đã ly dị vợ cả, hiện đang sống với cô vợ hai kém mình cỡ vài chục tuổi) của ông, tầm 8 tuổi, tranh thủ lúc mọi người trong nhà đang tập trung chuyên môn, lén vào phòng lục túi bố nó lấy mấy tờ 500 ngàn và bị bà nội tóm cổ xách ra báo với phụ huynh.

Một điều khiến chúng tôi khá bất ngờ, đó là lòng “vị tha” của quý phụ huynh. Ông chỉ đánh nó mấy cái nhè nhẹ (chắc sợ thằng bé đau) và mắng nó mấy câu quen thuộc rồi lại tiếp tục lao vào sòng, cách xử lý của ông khiến tôi có lý do để tin thằng bé thực hiện hành động này không phải lần đầu và chắc chắn không bao giờ là lần cuối.


Câu chuyện thứ hai tôi muốn đề cập với các bạn thói quen đọc sách của người Do Thái.

“Trong mỗi gia đình Do Thái luôn luôn có 1 tủ sách được truyền từ đời này sang đời khác. Tủ sách phải được đặt ở vị trí đầu giường để trẻ nhỏ dễ nhìn, dễ thấy từ khi còn nằm nôi. Để sách hấp dẫn trẻ, phụ huynh Do Thái thường nhỏ nước hoa lên sách để tạo mùi hương cho các em chú ý.”

Tác giả Nguyễn Hương trong bài “Người Việt ít đọc sách: Cần những chính sách để thay đổi toàn diện” (đăng trên trang tin điện tử Cinet.com của Bộ VH-TT-DL) kể với chúng ta như vậy.





http://tapchi.shoptretho.com.vn/wp-content/uploads/2014/01/tu-sach-nguoi-do-thai-160114.png (http://tapchi.shoptretho.com.vn/wp-content/uploads/2014/01/tu-sach-nguoi-do-thai-160114.png)




“Mặc dù chỉ có 8 triệu dân nhưng ở Israel có tới hơn 1.000 thư viện công cộng với nhiều sách quý. Bên cạnh việc hình thành, xây dựng thói quen đọc sách từ khi nằm nôi cho trẻ nhỏ, người Do Thái hiện vẫn sử dụng hình ảnh con lừa thồ sách để dạy các con mình: nếu chỉ dừng ở việc đọc mà không biết ứng dụng thì trí tuệ đó cũng chỉ là trí tuệ chết. Và để có thể ứng dụng, trẻ em Do Thái không ngừng đọc sách và tích lũy kiến thức từ nhiều ngành, lãnh vực khác nhau.”


Đó là hai câu chuyện về “tủ rượu” của người Việt và “tủ sách” của người Do Thái, hay nói khác hơn là câu chuyện về “văn hóa đọc” của hai dân tộc cách xa nhau cả về địa lý lẫn khoảng cách văn minh.


Mối tương quan giữa “văn hóa đọc”
và sự phát triển

Trong một lần nói chuyện với Giáo sư Chu Hảo, một học giả gạo cội của Việt Nam và đang là Giám đốc Nhà Xuất bản Tri Thức, tôi đưa ra câu hỏi:

“Trên cương vị một học giả và một người làm sách, ông có cảm nhận như thế nào khi người Việt hiện đang chuộng chưng ‘tủ rượu” hơn là ‘tủ sách’ cũng như xin ông cho nhận xét về văn hóa đọc của người Việt hiện nay?”

Giáo sư trả lời:

“Đó là tư duy của ‘trọc phú’ – ham chuộng vật chất, khoe mẽ hơn là hiểu biết, tri thức,” - về văn hóa đọc của người Việt, ông nhấn mạnh hai chữ “đau lòng”.


Ông và nhà xuất bản Tri Thức hiện đang dịch và phát hành các đầu sách tinh hoa (Tủ sách tinh hoa) của nhân loại như: “Tâm lý học đám đông” (Gustave Le Bon), “Bàn về tự do” (John Stuart Mill)… nhằm giới thiệu và lan tỏa các giá trị, tư tưởng tiến bộ của nhân loại đến với người Việt.

Thế nhưng, vị học giả cho biết, một đất nước 90 triệu dân như Việt Nam lại tiêu thụ chưa đầy 1000 cuốn sách dạng trên, trong khi đó tại Nhật Bản thời cải cách Minh Trị – Thiên Hoàng (1866-1869), 30 triệu dân Nhật lại tiêu thụ tới hàng trăm ngàn cuốn sách tinh hoa đó!!!

Ông nói thêm, thế nhưng các loại sách tình cảm hời hợt, thậm chí kích dục lại có số lượng tiêu thụ 5000 – 10000 cuốn ở Việt Nam. “Văn hóa đọc của người Việt hiện nay quá kém.” – giáo sư kết luận.





http://tapchi.shoptretho.com.vn/wp-content/uploads/2014/01/tu-sach-Do-Thai-16014.png (http://tapchi.shoptretho.com.vn/wp-content/uploads/2014/01/tu-sach-Do-Thai-16014.png)



Ở các nước Âu – Mỹ, lấy ví dụ ở Pháp hiện nay, trung bình một người dân Pháp đọc tới 20 cuốn sách mỗi năm, đối với người dân sống ở thành phố, tầng lớp tri thức, con số đó lên tới 30-50 cuốn mỗi năm (Nguyễn Hương, bài “Người Việt ít đọc sách: Cần những chính sách để thay đổi toàn diện”).

Ở Nhật, như đã nói ở trên, ngay từ thời Cải cách Minh Trị, chỉ với 30 triệu dân mà tiêu thụ tới hàng trăm ngàn cuốn sách dạng tinh hoa, “khó nhằn”.

Ở một quốc gia gần hơn trong cộng đồng ASEAN, đó là Malaysia, số lượng sách được đọc trên đầu người là 10-20 cuốn/người/năm (2012, số liệu từ ông Trần Trọng Thành, công ty sách điện tử Aleeza).

Và ở Việt Nam, theo con số do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công bố ngày 12/04/2013 ngay trước thềm sự kiện “Ngày hội Sách và Văn hóa Đọc”, số lượng sách một người Việt đọc trong một năm là… 0,8 cuốn, nghĩa là người Việt Nam đọc chưa đầy 1 cuốn sách trong 1 năm!!!


“Đọc sách là quá trình làm cho con người hòa hợp về mặt tinh thần với những khối óc vĩ đại của tất cả mọi thời đại, mọi dân tộc.”(M. Gorki) Sách là phương tiện chuyên chở những giá trị tiến bộ, tri thức, những luồng tư tưởng của nhân loại từ ngàn đời nay. Đọc sách giúp chúng ta hiểu biết về thế giới, về bản thân cũng như trang bị cho chúng ta công cụ quan trọng nhất để phát triển – tri thức.

Đối với cá nhân, nó trang bị cho ta hiểu biết về mọi mặt: kinh tế, xã hội, văn hóa… và nhất là trang bị nền tảng kiến thức cho mỗi cá nhân, trang bị những kĩ năng, lập luận chặt chẽ, thuyết phục, giúp chúng ta có được tư duy độc lập, biết phản biện. Sách giúp chúng ta có thể nhận ra các giá trị, phân biệt chân-giả, cũng như biết nhận định độc lập về một vấn đề, ý kiến nào đó.



http://tapchi.shoptretho.com.vn/wp-content/uploads/2014/01/tu-sach-do-thai-3-160114.png (http://tapchi.shoptretho.com.vn/wp-content/uploads/2014/01/tu-sach-do-thai-3-160114.png)


Đối với một quốc gia, sách cung cấp nền tảng để phát triển mọi mặt: kinh tế, xã hội, bảo tồn văn hóa cũng như các giá trị tiến bộ và giúp đào tạo nên những con người có đầy đủ kỹ năng để cống hiến cho tổ quốc và xã hội. Bước vào nền kinh tế tri thức, với sự bùng nổ của công nghệ và “đám mây kiến thức”, khi kiến thức, tri thức là nguồn lực chính cho mọi sự phát triển, thì nâng cao và lan tỏa “văn hóa đọc” trong cộng đồng là nhiệm vụ mấu chốt trong chính sách của mọi quốc gia.

Có sự tương quan rõ ràng giữa văn hóa đọc và sự phát triển của một quốc gia. Với những con số ở trên, dễ hiểu vì sao nước Pháp lại có một nền kinh tế, văn hóa và nghệ thuật rạng rỡ như vậy.

Và nước Nhật có thể đứng dậy thần kỳ sau Thế chiến 2 cũng như vươn lên quật khởi sau bao thiên tai liên miên, hiện đang là nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới với nền khoa học-công nghệ tiên tiến bậc nhất.

Malaysia đang là ngôi sao mới ở khu vực ASEAN với những chính sách đổi mới và mở cửa đột phá gần đây. Và người Do Thái với câu chuyện ở đầu bài,

“Một dân tộc 13 triệu dân nhưng sinh ra gần 40% chủ nhân của các giải Nobel;
- 1/3 trên tống số các nhà triệu phú đang sống và làm việc tại Mỹ là người Do Thái;
- 20% giáo sư tại các trường đại học hàng đầu hiện nay;
- 3 nhân vật sau Công nguyên cho đến hiện tại có tác động lớn nhất đến lịch sử nhân loại là Chúa Jesus, Karl Marx và Alber Einstein…là người Do Thái.”


Mỗi người Việt chưa đọc nổi 1 cuốn sách/năm, ai có thể khẳng định không liên quan đến tình trạng suy thoái toàn diện từ kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội cũng như nhân cách con người hiện nay ở Việt Nam?


Thái độ của người trẻ Việt
với “văn hóa đọc”

Thế hệ trẻ chính là những người kế thừa và phát triển, là tương lai của đất nước. Tuổi trẻ cũng là khoảng đời mà con người có tinh thần học hỏi và sáng tạo nhất, là thời kì hoàn thiện về chất, vì vậy là thời kì đòi hỏi con người phải đọc sách nhiều nhất.

Với số liệu Bộ VH-TT-DL đưa ra ở trên, người trẻ Việt hiện đang làm gì? Xin thưa, phần lớn họ đang ngồi đồng suốt ngày nơi quán game, chém gió tại quán cà phê, để bình phẩm mông, ngực của hot girl này, người mẫu nọ, dành thời gian và “tâm huyết” quan tâm đến mấy vụ kiểu như “Kiều nữ Hải Dương”…


Tiến sĩ Alan Phan, người có hơn 25 năm làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới, người Việt đầu tiên đưa một công ty lên sàn chứng khoán, nhận xét:

“Ở các nước Âu – Mỹ, thời gian rảnh sinh viên họ thường ngồi trước computer đọc tin tức, tìm thông tin hay đọc sách. Còn sinh viên Việt Nam, họ đang bận “ngồi đồng” chém gió tại các quán cà phê, trà đá.” Tại các nước phương Tây hoặc Nhật Bản, hình ảnh chúng ta thường thấy trên xe buýt, tàu điện ngầm hay ngay cả trên đường phố là hình ảnh các bạn học sinh, sinh viên say sưa với cuốn sách trên tay.


Mỗi lần theo dõi các cuộc tranh luận của giới trẻ Việt Nam về các vấn đề “hot” trên các diễn đàn, mạng xã hội, chúng ta sẽ thấy rõ sự thiếu hiểu biết, thiếu văn hóa cũng như trình độ… ngụy biện bậc thầy của các bạn trẻ.

Các bạn không tự trang bị được cho mình một nền tảng kiến thức, tư duy độc lập, lập luận thuyết phục cũng như kĩ năng, văn hóa tranh biện. Tâm lý bầy đàn luôn thể hiện rõ nhất ở những sự kiện như vậy. Sự kiện cô bạn trẻ Huyền Chip và cuốn “Xách ba-lô lên và đi”, một trong những sự kiện nóng và được giới trẻ tranh luận nhiều nhất trong năm 2013, là một ví dụ điển hình.

Có hai luồng tranh luận chính trong sự kiện Huyền Chip, một luồng ủng hộ và một luồng phản đối. Tuy nhiên, với cả hai luồng, để tìm được những tranh luận văn minh, thuyết phục, dẫn chứng rõ ràng là vô cùng hiếm hoi. Chỉ toàn thấy comment (bình luận) mang tính “ném đá”, mạt sát, hạ nhục cá nhân.

Ngay cả những trí thức như Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng bị các bạn trẻ chúng ta dọa “vả vỡ mồm”!!! Đâu đó cũng có những người học hành bài bản, như một chàng Fulbrighter nọ, tham gia cuộc tranh luận và lôi kéo đám đông mù quáng bằng những luận điệu rẻ tiền và vô văn hóa, nghe đâu đó là một chiêu PR trước khi anh ta ra cuốn sách mới của mình.


Trước mỗi sự kiện truyền thông đưa ra, các bạn trẻ không thể phân biệt được đâu là tin thật, đâu là tin giả, đâu là chiêu PR. Một bộ phận như những con cừu ngoan ngoãn, họ chỉ biết bám đuôi nhau và gật đầu. Bộ phận còn lại nghe cái gì cũng kêu “bậy” dù chẳng có dẫn chứng, cơ sở nào để phản biện lại.


Họ đang bị cuốn theo “cơn lốc thông tin” cũng như sự dắt mũi của một bộ phận giới truyền thông thiếu đạo đức và liêm sỉ, đang “nhồi sọ” người đọc với những tin tức dạng “sốc, hiếp, giết”, kiếm tiền dựa trên sự ngu muội của người khác.


Ai có thể phủ nhận đó không phải là hậu quả của việc lười đọc sách và học hỏi?


Kết

Câu chuyện về cái “tủ rượu” của ông tá hải quân trong câu chuyện đầu bài và cái “tủ sách” của người Do Thái, hay câu chuyện “văn hóa đọc” của người Việt Nam có mối liên hệ chặt chẽ với khoảng cách phát triển hiện tại giữa chúng ta với thế giới.

Để đất nước và con người Việt Nam phát triển về mọi mặt, bền vững, việc đầu tiên là phải làm sao để “văn hóa đọc” của người Việt lan tỏa và thăng hoa, tạo thói quen đọc sách và yêu sách. Muốn phát triển như Âu-Mỹ, Nhật hay người Do Thái, trước hết phải học hỏi văn hóa đọc từ họ. Phải làm sao nhà nhà đều có “tủ sách” để tự hào và gieo hạt, chứ không phải là “tủ rượu” để khoe mẽ vật chất và phô trương cái tư duy trọc phú. Mọi thay đổi phải bắt đầu từ thế hệ trẻ.


Theo "Triết Học Đường Phố"
(Xin cảm ơn bạn Vương Nghiêm chuyển tới)

khieman
01-30-2014, 05:44 PM
.

Thú Chơi Sách
Vương Hồng Sển


..."...Nhiều người, thiên tư phú tánh, biết làm thi phú từ bé thơ. Người thì vừa tu oa đã là ông hoàng bà chúa! Người chơi sách không đẻ bọc điều như vậy. Cũng có người tốt phước hưởng của phụ ấm hoặc có sẵn tủ sách của cô bác cha mẹ lưu truyền lại. Nhưng phần đông, tự tạo lấy mình và phải trọng tuổi mới hiểu thấu đáo thú chơi sách và biết giá trị bộ nào hay, bộ nào dở. Có khi khác vì một dịp may nhờ một cơ hội thuận tiện, khi nghe đồn trong một buổi dạ hội hay tiếp tân. Khi thấy trong mục quảng cáo trong tờ báo hoặc nhơn khi đi xem một cuộc triển lãm, viếng viện bảo tàng hay vào thư viện công cộng rồi nảy ra ý sưu tầm và chơi sách.

Từ thưở nhỏ, tôi đã là một con sâu đọc sách. Tôi đọc bất luận sách, truyện, thơ, tuồng, đọc để mà đọc. Lúc ấy tôi như con tằm ăn lá dâu, ăn để mà ăn, ăn thật nhiều, thật no chứ chưa biết kén lá ngon lá tệ. Sách đẹp, sách đóng bìa khéo tôi chưa biết thưởng thức, vì khi đọc, tôi đọc bất cứ nơi nào, trên giường, trên võng, kẹt sân. Đi đâu tôi cũng có thủ sẵn một xấp giấy, một cuốn sách để đọc và đọc như thế, sách đóng bìa đẹp chỉ là bề bộn. Mình sợ hư, sợ rách đã bớt hứng thú không ít vậy. Năm ra trường, lập gia đình, trước tiên tôi mua sách nhưng cốt ý để khỏi mượn nhờ chớ cũng chưa có lập tâm sắm sách như tiền nuôi heo bỏ ống.




http://vodanhbc.files.wordpress.com/2013/05/p1110587.jpg?w=773 (http://vodanhbc.files.wordpress.com/2013/05/p1110587.jpg?w=773)



Năm 1926, gia đình tan rã lần đầu mà cũng lần đầu tiên tôi nhìn thấy cuốn sách là một bạn tốt, tốt hơn vợ và bạn trai nhiều. Nhơ trả phố, bán đồ thập vật để theo ở đậu ăn cơm tháng cho thêm tự do, tôi có một số tiền lưng khá gọi là lớn vào thời ấy: một ngàn bạc năm 1926. Vừa đúng lúc báo “L’Impartical rao bán một tủ sách của một học giả Pháp vừa từ trần. Tôi làm gan tìm nhà hỏi mua. Tôi gặp một bà đầm già, chồng vừa mất, nay định về Tây an hưởng tuổi nhàn nên muốn bán đi bớt phân nửa số sách của chồng để lại. Tủ sách gồm lối hai ba trăm quyển, chia ra làm hai bộ y như nhau:

Một bộ bìa da đỏ, mạ vàng, bà chỉ cho xem nhưng nói trước nhứt định không bán vì bà muốn giữ lại làm kỷ niệm của chồng. Tôi nhìn kỹ, quyển nào cũng còn mới, không lem luốc, thêm có phần đẹp đẽ, sắc sảo nữa là khác. Tôi tiếc quá, trong bụng thầm muốn nài trả giá cao để mua sách như vầy cho khỏi sợ vi trùng truyền nhiễm. Nhưng bà lắc đầu, chỉ cho tôi bộ thứ hai, độ non một trăm quyển, y hệt như bộ trước, duy khác là lớp đóng bìa da đen, lớp đóng bìa vải đen. Xem có phần xấu xí, hư tệ hơn bộ kia. Bà nói đây là bộ sách của chồng thường dùng trong khi nghiên cứu và viết lách. Như cần dùng, bà sẵn lòng để rẻ.

Tôi lật thử xem thì sách không vừa bụng, phần nhiều có gạch bút chì xanh đỏ lăng nhăng và thêm bớt nhiều chỗ nhiều đoạn bằng chữ viết tay quằn quèo. Bìa sách cũng đã đúng tuổi, lùi xùi tơi tả, không ưng ý chút nào. Tôi giả đò chê sách hư, sách rách và nói chỉ thích bộ trước bao nhiêu tôi cũng sẵn lòng mua. Bà nghe tôi chê, có ý sợ tôi bỏ đi thì không còn ai xử giùm bà mớ sách dư xài ấy, nên bà hạ giọng thiết tha:

- Sách nầy không đâu có. Mua không phí tiền đâu mà sợ! Chồng tôi xưa trọng dụng nó và quý vô ngần. Thầy không mua, tôi đem về Pháp sẽ hiến cho thư viện quốc gia. Chỉ vì thân già, một bộ mang đi cũng đủ nhọc, hai bộ thì nó bận chân vướng cẳng thêm cho gì. Như thầy ưng mua, tôi tính nới, dứt giá một trăm sáu chục đồng (160$) tám mươi bốn cuốn sách.

Ối là rẻ, Chúa ơi là Chúa!! Tôi mừng quá, lật đật chi tiền và không quên ép bà biên cho ba chữ nay còn để dành trong hồ sơ:

Saigon le 30 Aout 1926
Recu de Monsieur Vuong Hong Sen
La somme de Deux cent soixante piasters pour la vente de 84 livers provenant de la bibliothèque de mon mari – y compris le grand Dictionnaire chinois de Mr de Guignes, édition de 1913, don’t le prix est de Cent piastres
Je dis 84 livres. Signé: Vve J.C.BOSCQ
(Timbre de quittance de 0$12)

Đọc tờ biên nhận, nay đã biết chồng bà tên J.C Boscq. Nếu đã hài danh, hài tánh mà các bạn vẫn không quan tâm đến nhơn vật này thì việc cũng nên tha thứ, tha thứ cho tuổi trẻ trung của các bạn mà tôi thèm thuồng. Tha thứ cho lối hành văn lẩn thẩn quên nói lão chết đã ba mươi ngoài năm ai tài nào nhớ nổi!

Kỳ trung ông Boscq nhà ở một con đường với anh Nguyễn Hiến Lê trên Tân Định (nay là đường Huỳnh Tịnh Của) là môn đệ của cụ Trương Vĩnh Ký, lão thông Nho học, nói giỏi tiếng Việt từng cộng sự với ông Diệp Văn Cường và Nguyễn Văn Mai. Ông vốn là thông dịch quan của Tòa tư pháp, tác giả quyền “Méthode de lecture Boscq”, lại là một nhà chơi sách khét tiếng thời ấy.

Không dè với hai trăm sáu chục bạc, tôi nghiễm nhiên trở nên người nối nghiệp cho ông để cất giữ những sách hư rách và bụi bặm nhưng quý vô giá đối với thời buổi hiện tại. Và nhờ có duyên kiếp trước, rõ lại những sách bà đầm mang về Pháp tuy còn mới nhưng tên tuổi không nhiều như những sách tôi mua được. Gồm những bộ có chữ ký và chữ viết của các soạn giả đồng thời với ông Boscq như các cụ Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký… Tôi dạn thêm và hỏi bà con những gì muốn bán cho gọn nữa chăng?

Khi ấy bà đưa tôi vào văn phòng của chồng bà, tôi thấy sách mà ngốt nhưng toàn những bộ dễ kiếm, có tiền là mua được ngay từ bên Pháp chuyển sang. Tôi để ý và hỏi nài được quyển tự điển Hoa – Pháp – Latinh (Dictionnaire chinois – francais – latinh) của de Guignes, tôi mua một trăm bạc về sau bán ra được hai ngàn năm trăm đồng (sau 1954). Tự điển de Guignes in năm 1813, cho ta biết nếu hoàng đề Napoleon không thất trận Waterloo, có thể dám đánh luôn để thâu đoạt Trung Hoa và Việt Nam cũng chưa biết chừng. Vì chưa chi mà Napoleon đã sai sứ thần tại Bắc Kinh, de Guignes, dọn cho người biết văn hóa và tiếng nói Trung Quốc: hoặc Napoleon toàn thắng sẽ làm bá chủ hoàn cầu hoặc ông bại trận vì tay kiệt xuất Anh quốc rồi các thuộc địa Pháp sang qua tay Hồng mao và cuộc thế miền Đông Nam Á tế Á đổi khác sớm hơn bây giờ.

Nhưng không giỏi gì xây dựng trái đất bằng chữ “nếu”, trở lại thực tế, khi ra về, tôi thấy bỏ xó kẹt một gói giấy nhựt trình, tuy chưa biết trong ấy gói những sách gì, tôi cứ hỏi mua. Bà đưa nghiêng mắt liếc sơ gói giấy rồi lên giọng đài các:

“Ối! Đó là sách chữ Tàu, không biết nói gì ở trỏng! Tôi không định bán, nhưng cũng không biết bao nhiêu mà định. Thầy mua sách tôi đã nhiều, cứ lấy về chơi. Tôi cho thầy đó”

Cám ơn, từ giã, ôm về, chải bụi, o bế và xem kỹ: Mẹ ôi! Đó là bộ “Hoàng Việt luật lệ đời Gia Long”, mỗi quyển có ấn chữ son “Khâm sai đại thần”. Sau tôi tra cứu và hỏi thăm, gặp ông Cao Văn Sự Đốc phủ, từng biết ông Boscq, ông Sự cho tôi rõ, ông Boscq lãnh của thầy là Trương Vĩnh Ký bộ sách có chữ ấn son “Khâm Sai Đại Thần” nầy vốn là sách quý do binh Pháp lấy được nơi đồn Khải Tường của đại tướng Nguyễn Tri Phương, như vậy bà Boscq đã biếu tôi một bộ sách vô giá (1-2-1989)

Nói chí đáng, những sách tôi mua thì tôi cho rằng quý; đến ngày nay sau trận loạn 1945-1946, sách vở trở nên khan hiếm, chớ trước năm 1945, những nhà chơi sách lo sắm sách Pháp, Montaigne, Anatole France, Jules Romains chớ ít để ý đến sách khảo về văn minh Trung Hoa. Trước nhà ga Sài Gòn, có nguyên một dãy phố lầu của các chú bán lạc son những sách nữa sạc mà đâu có ai ngó ngàng đếm xỉa?

Chính tôi mua tại đó nhiều bộ rẻ mạt: bộ sử Việt của Trương Vĩnh Ký, ba quyển ba hào (0$30), bộ Abrégé de l’histoire d’Annam của Alfred Schreiner, còn mới, năm cắc (0$50), quyển sử Việt de Launay, một cắc (0$10)

Mấy năm binh Nhật tràn lan đất Việt có nhà Tín Mỹ dọn một căn phố lớn Gia Long, bán kính với Huê kiều, toàn những sách cũ mua nới đem về o bế lại. Làm ăn đương xân xẩn, kế bị bom nổ, mạnh ai về xứ nấy, khi trở lên, nhà Tín Mỹ dẹp hồi nào không ai hay biết. Lão Tín Mỹ mê cá ngựa bị ngựa đá, tiêu tùng, mất tích luôn từ đó.

Đường Gia Long, ngang bộ kinh tế ngày nay có nhà tầm tầm thỉnh thoảng bán sách của người Pháp phát mãi. Cả đông sách của trường Viễn Đông Bác Cổ (Bulletin de L’École Francaise d’Extreme-Orient) một xe bò chở không hết, bán ra không đến năm chục bạc (50$). Không như ngày nay, một bộ môn đầy đủ của tập san nầy, từ năm 1901 trở lại đây, nếu có, bán không dưới hai trăm ngàn bạc! Năm ni 1989 có bạc triệu cũng không mua được (1-2-1989)

Tôi còn nhớ một năm nọ, giáo sư Neumann từ trần, ông là nhà chơi sách khét tiếng Sài Gòn, sách đem pháp mãi, nhiều bộ tròm trèm một ngàn bạc, buổi ấy (lối 1940) ai cũng cho rằng bán được tiền.

Ngoài ra còn nhiều nhà Pháp chơi sách cẩn thận, nhưng khi thôi ở bên nầy thì chuyển chở về xứ… Có nhiều ông như quan năm Seé, mỗi tuần mỗi nhận từ Pháp sách mới, rọc coi rồi bày bán đường Tự Do không để dành. Trái lại cựu thống đốc Nam Kỳ, Pagès, mua sách loại đắt tiền, sai thơ ký rọc bằng dao tre, sách càng lùi xùi thơ ký càng mau thăng chức. Sách ông Pagès nhà đóng sách Nguyễn Văn Châu ăn tiền bộn nhưng sau không biết ra sao.

Trong giới người Việt biết yêu sách, tôi có quen một ông, tánh tình hiền lành nhưng rất khó đối với sách: quyển nào anh em mượn, trả về có chút hư hao, ông không nói gì, sai đem bán lấy tiền đắp thêm mua cuốn mới. Đó là ông Đoàn Quan Tấn.

Một ông cưng sách như trứng mỏng, cắp nắp ôm đồm từ những quyển học trường lớn bên Pháp đến những tập hai ba xu Việt văn. Việt Minh bùng dậy, phá làng đốt xóm. Tủ sách ông ra tro. Từ ấy, tóc ông càng bạc thêm, ông chuyên về tu hành, nghiên cứu Phật giáo, những ai dở chuyện sách ra nói, mí mắt ông ướt hồi nào không hay. Đó là ông Phạm Văn Còn.

Một ông nữa cắp ca cắp củm, sưu tập nhiều bộ nếu nay còn là một kho tàng quý giá vô cùng, vì ông là nhà khảo cứu chuyên về sử học Việt Nam. Không bộ sách nào ông không có, nào Khâm Định, nào Thật lục, đủ cả, luôn những bộ môn sách Pháp như bộ Đô thành hiếu cổ, bộ Viễn Đông bác cổ, kịp năm loạn lạc, lớp bị đốt, lớp Tây lấy, lớp người ta dọn. Ông chỉ còn một cái cười hồn nhiên của nhà học giả chơn chánh, không buồn sắm nữa, cũng không hít hà! Đó là ông Lê Thọ Xuân.

Tháng 5 năm 1960, báo Văn Hữu phá chơi kể ra những tủ sách quý nay không còn: thư viện Phạm Quỳnh, thư viện Phạm Liệu, thư viện Đào Duy Anh, thư viện Dương Tấn Tươi, có cả tủ sách anh bạn thân Lê Ngọc Trụ. Còn nhiều thư viên đầy đủ hơn nữa, nhưng vì chưa biết nên tác giả trong báo Văn Hữu chịu làm thinh. Kể ra tác giả cũng khéo tọc mạch chuyện người và khéo giấu tên mình, nhưng giấu làm sao được vì khi tả chân “buổi trời nước bình bồng” của lão già họ Vương thì lão ấy biết rõ ai kia được rồi! Ma mà bắt tác giả thọc mạch thóc mách!...."...


http://vodanhbc.wordpress.com/2013/05/12/thu-choi-sach-vuong-hong-sen/

khieman
01-30-2014, 10:06 PM
.


Lại nói về đọc sách


Hôm qua mình ngồi lướt sách, thấy thật tuyệt vời vì biết rằng một số bản dịch của một số tác phẩm vĩ đại ở một số lĩnh vực như văn học, thơ ca, triết học,... đã được dịch ra Tiếng Việt với nỗ lực trong nhiều năm của các học giả Việt Nam. Tỉ như các bộ:

- "Thần khúc trọn bộ" của Dante Alighieri do dịch giả Nguyễn Văn Hoàn đã phải mất mấy chục năm tâm huyết

- "Mahabharata Và Chí Tôn Ca" được dịch bởi 3 dịch giả Cao Huy Đỉnh. Nguyễn Quế Dương. Phạm Thuỷ Ba

- Bộ tác phẩm kinh điển của Kant (Phê phán lý tính thuần túy, Phê phán lý tính thực hành, Hiện tượng học Tinh thần,...) do nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn dịch.

- "Martin Heidegger & Tư tưởng hiện đại" dịch bởi Bùi Giáng

- "Chàng ngây thơ" của Voltaire.

- "Chàng thiếu niên", "Tội ác và sự trừng phạt" của Dostoevsky...

Những tác phẩm văn học trong vòng 1 thế kỷ gần đây là được ưu tiên dịch nhiều nhất (Chiến tranh hòa bình, trăm năm cô đơn, Đại gia Gastby,...?!), còn xa hơn có lẽ do nhiều nguyên nhân: sự thay đổi về văn hóa thưởng thức, và sự lỗi thời về nội dung do các lý thuyết về sau được phát triển tối ưu, rộng rãi hơn...nên ngoại trừ những người nghiên cứu, sinh viên thì xã hội không còn quan tâm tới thể loại sách này.

Một số bộ khác mình chưa thấy có đó là Sử thi của Homer, Trường ca Odyssey, hàng trăm kịch bản của Shakespeare hay tập thơ của Voltaire và còn cả trăm ngàn các tác phẩm, tiểu luận, sách để đời của các đại danh hào từ cổ đại tới giờ.

Việc mong ước tất cả những tác phẩm vĩ đại đều có bản tiếng Việt để mình đọc đúng là mộng tưởng và phí lý hoàn toàn tại thời điểm hiện tại. Trong điều kiện nguồn lực và nhu cầu xã hội có hạn thì các dịch giả (nhà trí thức) tập trung dịch những tác phẩm mà họ hiểu nhất, có ý nghĩa cho lâu dài và ý nghĩa xã hội cho hiện tại lớn nhất. Nhưng đó cũng chỉ chiếm một phần rất rất nhỏ trong cái "kho tàng tri thức" của nhân loại. Phần còn lại vẫn nằm đó trong các thư viện quốc tế, trong các trường đại học lớn chờ những người ham học hỏi đến khám phá.

Trong khoảng chục năm gần đây các sách về quản trị, về tư duy "doanh trí" của Mỹ là được dịch và xuất bản nhiều nhất, kế đến là các cuốn sách về kỹ năng sống, kỹ năng công việc,...một số sách lý thuyết, một số thực hành, một số vừa lý thuyết vừa thực hành (cũng đa phần là của các tác giả Mỹ). Đây là một điều rất đáng mừng, song chưa đủ. Đáng mừng vì cuối cùng nó cũng cho ta biết được "phải làm thế nào" để đi được tới đích mà mình mong muốn. Nó cho ta một giải pháp ở hiện tại và tương lai.

Nhưng nó cũng chỉ đáp ứng được một chức năng nào đó của cuộc sống, một phần cần thiết gấp gáp nhưng vẫn là rất nhỏ trong cái kho tàng trí tuệ vô biên kia. Chúng ta vẫn còn đó kho tàng triết học đồ sộ của Châu Âu, kho tàng văn hóa, trí tuệ hàng ngàn năm của Châu Á, những tác phẩm khoa học kinh điển giúp thay đổi thế giới của các nước phát triển.

Phần rất lớn trong kho tàng đó mà ngay cả người được học hành không cần phải xuất chúng cũng có thể lĩnh hội được. Nếu như có thể hấp thu và chuyển hóa được một phần đó cũng đủ để đưa một dân tộc lên tầm văn minh, trí tuệ.

Một đất nước cũng như một con người nếu không yêu mến tri thức, chỉ chăm chăm vào kiếm tiền, tích lũy của cải cuối cùng may mắn ra thì thành được một trọc phú (trọc quốc?), phần lớn thì không may mắn như vậy trong công cuộc lao vào kiếm tiền điên cuồng rồi cuối cùng cũng chỉ trở thành một con cờ, một nô lệ (một dạng làm thuê và phụ thuộc) vào người khác, nước khác.

Hãy nhìn xem:

Thư viện quốc gia Anh (London): 25 triệu (British Museum)

Thư viện quốc gia Pháp: 13 triệu

Thư viện quốc gia Hoa Kỳ (Library of Congress, Washington): 29 triệu

Thư viện Đại học Harvard: 15 triệu

Thư viện Nhà nước Berlin: 10 triệu
(Chưa tính thư viện quốc gia kết hợp Leipzig và Frankfurt, khoảng 20 triệu)

Thư viện quốc gia Nga St Petersburg: 20 triệu

Thư viện Đại học Tokyo: 8 triệu

Thư viện Đại học Shanghai: 3 triệu

Thư viện Đại học Waseda: 4.5 triệu

Thư viện quốc gia Singapore 16 triệu

Thư viện quốc gia Hà Nội: 2 triệu

(chỉ tính riêng đầu sách - nguồn Sachhay.com)

Vậy vấn đề là ở đâu? Ai? Có thể làm gì?


https://www.facebook.com/notes/coco-xinhxan/l%E1%BA%A1i-n%C3%B3i-v%E1%BB%81-%C4%91%E1%BB%8Dc-s%C3%A1ch/10150317012277426

khieman
01-31-2014, 06:09 PM
.


Những Cuốn Sách Làm Thay Đổi Thế Giới
Túp Lều của Bác Tom
Harriet Beecher Stowe

http://daminhtamhiep.net/wp-content/uploads/2013/07/scan00012-189x300.jpg (http://daminhtamhiep.net/wp-content/uploads/2013/07/scan00012-189x300.jpg)


Những nhà phê bình "Túp lều bác Tom", dù khen hay chê cũng đều đồng ý về một điểm duy nhất là : tập truyện này khi xuất bản đã gây được một xúc động mãnh liệt và đã ảnh hưởng sâu rộng trong việc thúc đẩy cuộc nội chiến ở Mỹ. Một nhà bình luận đương thời đã viết một cách cực đoan rằng : Cuốn truyện "Túp lều bác Tom" chịu ảnh hưởng của bọn chủ trương phế nô cuồng tín, đã trắng trợn xuyên tạc sự thật để gây nên những sự chia rẽ". Một nhà trí thức có tiếng hồi đầu thế kỷ này đã nhận định rằng :"Chưa có tập sách nào tai hại cho thế giới bằng cuốn truyện Túp lều bác Tom".

Ngược lại, Longfellow đã nói lên được tâm trạng chung của những người ngưỡng mộ Harriet Beecher Stowe. Trong một bức thư, thi sĩ Longfellow viết :

"Túp lều bác Tom "là một thành công vĩ đại nhất trong lịch sử văn học, ấy là chưa kể đến ảnh hưởng luân lý của tác phẩm". Lại có những nhà phê bình gọi tập truyện là một "thành công của sự thật", là "bất hủ" và gọi tác giả "là một nữ thiên tài" không ai phủ nhận được."

Chưa hề có cuốn sách nào lúc ra đời lại hợp tình hợp cảnh bằng cuốn truyện Túp lều bác Tom. Cuộc tranh đấu về vấn đề nô lệ da đen ngày một thêm gay gắt. Đạo luật về nô lệ đào tẩu được quốc hội chấp thuận như đổ đầu thêm vào lửa. Trong hai mươi năm liền, hàng ngũ chủ trương phế nô vẫn không ngớt hoạt động. Quốc hội chia rẽ về vấn đề nô lệ da đen. Ở giáo đường, các mục sư cả hai miền Nam, Bắc đã dẫn lời trong Kinh thánh để bênh vực, hay để đả đảo chế độ nô lệ. Không khí chung chẳng khác gì nồi thuốc súng chỉ đợi một tia lửa để nổ tung, và chính cuốn truyện Túp lều bác Tom là tia lửa đó.

Không những tập sách ra đời đúng lúc mà người ta còn có thể nói được rằng : truyền thống gia đình và hoàn cảnh đã tạo ra tác giả đúng là con người để thúc đẩy cuộc thánh chiến chống lại chế độ nô lệ.

Harriet Beecher Stowe là con gái của Lyman Beecher, một nhà thần học trứ danh thế kỷ XIX, em gái của Henry Ward Beecher, một mục sư nổi tiếng không kém, vợ cũng của một mục sư, chị và là mẹ của nhiều mục sư khác nữa. Suốt cả đời Harriet Beecher Stowe sống trong một bầu không khí sùng đạo. Nền giáo dục tôn giáo của bà chịu ảnh hưởng Calvin, Jonathan Edwards, Samuel Hopkins và những nhà Thanh giáo khác ở New England. Sống trong truyền thống đạo giáo nồng nhiệt đó, Harriet rất dễ dàng trở nên một nhà truyền giáo thì dầu không ở giáo đường cũng bằng ngòi bút. Trong những tác phẩm của Harriet kể cả truyện "Túp lều bác Tom", người ta đều nhận thấy rõ cái tinh thần và giọng văn nồng nhiệt của nhà truyền giáo.

Harriet Beecher Stowe sinh năm 1811 ở Litchfield, thuộc tiểu bang Connecticut. So sánh với những thiếu nữ đồng thời thì Harriet được hưởng một nền giáo dục khá cao, tuy rằng hai phần ba nền giáo dục đó có tính cách tôn giáo. Harriet rất ham đọc sách, ngoài những sách về giáo lý, bà rất say mê Byron và Scott, là hai văn hào ảnh hướng lớn đến bút pháp của bà sau này.

Năm bà mười bốn, thân phụ của bà, ông Lyman Beecher, vị giáo sĩ đầy hăng say hoạt động, đến ở Boston, rồi mấy năm sau lại về ở Cincinnati để giữ chức Giám đốc Viện Thần học Lane. Harriet ở Cincinnati cho đến năm 1850, bà dạy học, thành hôn với Calvin Stowe, một nhân viên của Viện Thần học, sinh hạ được sáu người con, thỉnh thoảng bà viết kịch ngắn và truyện đăng báo.

Những năm ở Cincinnati đã giúp bà trên nhiều khía cạnh. Thành phố Cincinnati nằm ngang sông Ohio, gồm nhiều đồn điền rộng lớn còn đặc kịt nô lệ thuộc tiểu bang Kentucky. Cincinnati là trung tâm của cuộc tranh đấu quyết liệt về vấn đề nô lệ. Những đám quần chúng chống bãi bỏ chế độ nô lệ thường biểu dương lực lượng ngoài đường phố, đập phá báo chí đối lập, và đánh đập những người da đen tự do. Dư luận sôi nổi vì những bài diễn văn hoặc chống hoặc bỏ chế độ nô lệ.

Ngoài ra Cincinnati nằm trên con đường lên phương Bắc, còn là nơi trú ẩn của những nô lệ trốn thoát khỏi các đồn điền bằng đường bí mật dọc theo đường xe lửa để qua Canada tìm tự do. Viện thần học của Lyman Beecher chính là nơi hun đúc tinh thần chống chế độ nô lệ. Sở dĩ viện này tránh được sự đập phá của quần chúng đối thủ là vì viện ở cách thành phố tới hai dặm và muốn tới nơi phải vượt qua một con đường gồ ghề lầy lội. Lyman Beecher nhiều lần đã chứa chấp tại nhà những nô lệ da đen đào tẩu. Trong những dịp này, Harriet đã nghe chính những người nô lệ kể chuyện lại những cảnh gia đình tan nát, sự ác độc của cai đồn điền, những chuyện ghê tởm về chợ buôn người, về sự sợ hãi bị săn đuổi trong lúc đào tẩu.

Ngoài những chuyện nghe kể lại, chính bà Stowe còn được chứng kiến tận mắt tổ chức duy trì nô lệ hành động. Vào năm 1833, bà cùng với bè bạn đi thăm Maysville ở Kentucky, và thấy nhiều đồn điền có những dinh thự to lớn và những khu nhà dành cho nô lệ da đen. Chính trong chuyến đi này bà đã tìm thấy "nguyên mẫu" cho nông trại Shelby tưởng tượng trong truyện Túp lều bác Tom, và thâu thập được nhiều chi tiết khác về lao công trong chế độ nô lệ. Em của bà là Charles, một nhà kinh doanh thường hoạt động ở New Orleans, và miền Red River kể cho bà nghe nhiều chuyện thê thảm về tình trạng nô lệ ở tận miền Nam xa xôi. Chính Charles đã hiến cho bà mẫu nhân vật Simon Legrel trong truyện Túp lều bác Tom, khi kể lại chuyện tên đốc công hung bạo gặp trên chuyến tàu xuôi sông Mississippi.

Trong những năm ở Cincinnati, Harriet Stowe vẫn chưa thực sự hoàn toàn là người chống chế độ nô lệ da đen, có thể bà đồng ý với ông thân sinh là những người chủ trương phế bỏ chế độ nô lệ là "chất a xít, chất nổ, chất đốt, rồi một ngày kia sẽ nổ tung và đốt cháy tứ phía". Sự thật thì trước khi trở về New England, bà Stowe vẫn chỉ là kẻ bàng quan. Năm 1850 bà theo chồng là Calvin Stowe, được bổ làm giáo sư tại trường Bowdoin ở Maine.

Giữa khi đó nhân dân ở New England đã công phẫn về đạo luật nô lệ đào tẩu. Họ còn công phẫn trước những sự tàn bạo khi đạo luật đó đem ra thi hành ở Boston. Theo đạo luật này những người chủ nô lệ ở Nam Mỹ có quyền truy tầm những nô lệ đào tẩu ở các tiểu bang tự do, nghĩa là không có nô lệ; và những viên chức ở đây có bổn phận giúp đỡ họ thâu hồi "sản nghiệp". Những nô lệ được tự do từ lâu, đều bị bắt trả về chủ cũ, và gia đình họ vì đó mà bị phân tán mỗi người một nơi.

Harriet Stowe nhận được một bức thư của em dâu là bà Edward Beecher, yêu cầu bà "hãy viết một cái gì để cho cả miền thấy rõ chế độ nô lệ thảm khốc tới mức nào". Bà Harriet Stowe, theo truyền thống của gia đình Stowe, liền quyết định "sẽ viết một cái gì, nếu Thượng đế cho chị tuổi sống và giúp đỡ chị". Trong thời gian đó em của bà Edward vẫn không ngớt lời đả kích chế độ nô lệ tại nhà thờ ở Boston, và một người em khác là Henry Ward đã tổ chức những cuộc mua bán đấu giá nô lệ ở nhà thờ Brooklyn để giải phóng cho họ.

Về chuyện Túp lều bác Tom, bà Harriet Stowe trước tiên viết đoạn gay cấn nhất, đó là đoạn bác Tom chết. Bà kể lại là một hôm đang dự lễ ở nhà thờ Drunswirk, bà chợt thấy tất cả cái cảnh tượng bác Tom chết. Ngay chiều hôm đó bà Stowe vào phòng riêng, khóa chặt cửa lại và viết ra những gì bà đã "nhìn thấy" ở nhà thờ. Hết giấy, bà phải dùng cả đến những mảnh giấy gói màu nâu để viết cho hết phần truyện, sau này là chương "Tử nạn" trong truyện Túp lều bác Tom. Viết xong bà đọc cho chồng, con nghe và ai nấy đều hết sức xúc động. Người ta kể lại là chồng bà, ông Calvin Stowe đã nói to lên :

"Harriet, đây phải là đoạn cuối cùng một truyện dài về chế độ nô lệ mà em đã hứa với Isabel. Hãy bắt đầu truyện bằng một đoạn khác rồi mới tới đoạn kết này. Sách của em chắc chắn sẽ hay".

Mấy tuần lễ sau, Harriet Stowe viết thư cho Gamaliel Bailey, chủ bút báo National Era, một tờ báo chủ trương phế nô ở Washington. Trước đây Bailey có quen thân với gia đình Beecher ở Cincinnati là nơi Bailey xuất bản tờ nhật báo Philanthropist, chống chế độ nô lệ và về sau bị quần chúng hành hung nên phải bỏ Cincinnati ra đi. Trong thư bà Stowe kể rõ ý định viết một tập truyện đề là Túp lều bác Tom hay là Chuyện người biến thành đồ vật (phụ đề này sau được đổi là Đời sống thấp hèn) để đăng báo làm ba hay bốn kỳ. Bailey trả bà ba trăm đô la tiền nhuận bút và báo National Era khởi đăng truyện Túp lều bác Tom vào tháng Sáu năm 185l.

Câu chuyện Harriet Stowe định đăng trong ba hay bốn kỳ thì hết, không ngờ lại kéo dài dường như bất tận. Bao nhiêu khung cảnh, biến cố, nhân vật, cùng những cuộc tiếp xúc bà ghi nhớ, lần lần hiện trở lại sôi sục trong óc tưởng tượng sáng tạo của bà. Truyện đăng gần một năm trời, Harriet Stowe mới kết thúc được, và sau này bà nói :

"Chính Thượng đế đã viết! Tôi chỉ là phương tiện trong tay Ngài".

Cốt truyện Túp lều bác Tom không có gì phức tạp trong đó gồm nhiều nhân vật. Một người chủ nô lệ tên là Shelby ở Kenntucky, đem bán một số nô lệ trong đó có Tom, cho Hailey, một tay buôn nô lệ ở New Orleans để lấy tiền trả nợ. Tình cờ nghe được câu chuyện mua bán giữa Shelby và Haley, một thiếu phụ lai da đen tên là Eliza được biết ông chủ của chị đem bán cả con của chị tên là Harry. Ngay đêm hôm đó chị đem con vượt qua sông Ohio đóng băng, tìm đường sang Canada tìm tự do. Chồng của chị tên là George Harris, nô lệ ở nông trại bên cạnh cũng bỏ trốn theo chị. Bị truy nã rất gắt, nhưng rồi được nhiều người da trắng giúp đỡ, gia đình người nô lệ tìm tự do này sang được Canada rồi trở về châu Phi.

Số phận của bác Tom hẩm hiu hơn nhiều. Để tránh làm phiền cho chủ, bác đành vĩnh biệt vợ con để ra đi theo chủ mới. Trong cuộc hành trình xuôi dòng sông Mississippi đi New Orleans, bác Tom cứu được mạng em bé Eva. Để trả ơn bác, cha em tên là St Clare mua lại bác ở tay Shelby. Hầu hạ chủ mới ở tòa nhà tráng lệ tại New Orleans, lại có em Eva ngoan ngoãn và em Topsy, đứa bạn quỷ rẫy da đen của Eva, làm bầu bạn nên bác Tom sống được dễ chịu trong hai năm.

Nhưng rồi em Eva chết và St.Clare vì nhớ đến con nên dự tính trả lại tự do cho Tom và những nô lệ khác. Chưa kịp thi hành ý định, St.Clare đã bị thiệt mạng khi ông xông vào ngăn cản một vụ đánh lộn. Bà St Clare liền đem bác Tom ra chợ bán cho Simon Legree, một nhà trồng trọt nghiện ngập, tàn bạo ở Red River. Tom rất có thiện chí chiều lòng ông chủ ác độc, và không có điều gì đáng chê trách, nhưng bác vẫn bị ông chủ thù hằn và thường hay bị đánh đập tàn nhẫn.
Hai chị nô lệ tên là Cassy và Emmeline bỏ trại đi trốn. Legree đổ tội cho Tom đã giúp họ trốn và nghi Tom biết chỗ họ ẩn náu. Tom nhất định khai không biết gì hết, Legree liền đem bác ra tra khảo cho đến khi bác ngất lịm mới thôi. Hai ngày sau George Shelby, con chủ cũ của Tom tới Red River để mua lại Tom. Nhưng đã muộn rồi vì Tom đã bị đánh chết. Nổi giận George Shelby đánh cho Legree một trận nên thân, sau chàng trở về Kentucky giải phóng hết các nô lệ của cha và quyết tâm tranh đấu cho chủ nghĩa phế nô .

Báo National Era in không nhiều, nhưng chỉ vài tháng sau truyện Túp lều bác Tom đã thu hút được một số độc giả đông đảo và nhiệt thành. Trước khi báo đăng chương kết cuộc. Harriet Stowe đã cho in thành sách. Phần vì truyện quá dài, phần vì tác giả lại là phụ nữ và phần vì chủ đề của câu chuyện, John P.Jewett ở Boston liều lắm mới dám in tác phẩm của Harriet Stowe.

Để đề phòng có thể bị lỗ vốn, Jewett đề nghị chia năm mươi phần trăm lời cho Harriet Stowe, ngược lại Harriet Stowe phải chịu nửa phí tổn trên in sách. Sợ thiệt thòi nên Harriet Stowe không nhận đề nghị đó và được hưởng 10 phần trăm tiền trên số sách bán được. Quyết định này khiến gia đình Stowe thiệt mất một món tiền lớn.

Cả tác giả và nhà xuất bản đều không mấy lạc quan về triển vọng thương mại truyện Túp lều bác Tom. Bà Stowe chỉ dám mong tiền bản quyền đủ để sắm một bộ áo lụa mới. Kỳ xuất bản đầu tiên, tác phẩm của bà in ra có 5.000 bộ, mỗi bộ hai tập, đầu sách có phụ bản in gỗ vẽ hình căn lều của một người nô lệ da đen.

Ngày phát hành sách bán được ba ngàn bộ, ngày thứ hai sách bán hết hơn. Đơn đặt mua nhiều không kể xiết. Trong vòng một tuần lễ sách bán được 10 ngàn bộ, và trong năm đầu tiên riêng Hoa Kỳ tiêu thụ 300 ngàn bộ.

Ba nhà máy giấy cung cấp giấy cho tám nhà in lớn, máy chạy đêm ngày mà vẫn thiếu sách bán. Nhà xuất bản phàn nàn "phải giao thiếu hàng ngàn bộ cho các đơn đặt mua". Theo số sách bán được, người ta có thể nói bất kỳ ai thường hay đọc sách báo, cũng đọc tác phẩm của Harriet Stowe.

Ở ngoại quốc, truyện Túp lều bác Tom cũng thành công không kém. Một công nhân của nhà Putnam chỉ gửi một bộ cho xuất bản ở London, anh liền được nhà xuất bản này thưởng 5 bảng Anh. Sách in lậu nhiều không kể xiết, vì khi đó bản quyền chưa được luật pháp quốc tế đảm bảo. Chẳng bao lâu đã có tới 18 nhà xuất bản Anh tung ra thị trường hơn bốn mươi ấn bản "Túp lều bác Tom" khác nhau. Trong vòng một năm, ước lượng có tới một triệu rưỡi bộ bán ra ở Anh và các thuộc địa. Bà Harriet Stowe không được hưởng một đồng quyền tác giả nào ở số sách bán khổng lồ này.

Trong khi đó những nhà xuất bản ở lục địa châu Âu cũng không bỏ qua cơ hội làm giàu. Truyện Túp lều bác Tom được dịch ít ra là hai mươi hai thứ tiếng và thành công ở Pháp, Đức, Thụy Điển, Hà Lan và ở nhiều nước khác, không kém ở các nước nói tiếng Anh.

Truyện Túp lều bác Tom còn được soạn thành kịch và là vở kịch thành công nhất ở trên sân khấu nước Mỹ. Không biết bao nhiêu là gánh hát đã soạn kịch theo tích truyện của Harriet Stowe, và những kịch đó được đem ra trình diễn ở nhiều nơi trên thế giới. Về kịch, vợ chồng Stowe cũng không thêm được đồng nào quyền tác giả vì luật bản quyền năm 1852 chưa đề cập đến trường hợp này. Bà Stowe không tán thành việc soạn kịch và nhiều lần từ chối không chính thức cho phép soạn thành kịch tác phẩm của bà.

Truyện Túp lều bác Tom phá kỷ lục trong lịch sử ngành xuất bản, và có lẽ chỉ bán kém có bộ Thánh Kinh. Dưới hình thức truyện, kịch, thơ và nhạc, truyện Túp lều bác Tom lan tràn khắp thế giới.

Truyện "Túp lều bác Tom" gây xúc động tương xứng với số sách khổng lồ bán ra. Chính con và cháu của bà Stowe sau này kể lại:

"Tập truyện chẳng khác nào một mồi lửa châm ngòi phát ra đám cháy vĩ đại. Ngọn lửa công phẫn bốc rực cả bầu trời, lấn át hết, và vượt cả đại dương. Rồi toàn thế giới không còn có người bàn tán gì khác ngoài vấn đề nô lệ da đen".

Miền Nam Mỹ uất hận không tiếc lời nguyền rủa tác giả và cải chính om sòm, người ta đã cột chung tên bà với tên Chúa Quỷ. Báo chí đăng nhiều bài phê bình tỉ mỉ nêu lên những sự sai lầm, và thiên kiến về tình trạng nô lệ da đen diễn tả trong tập truyện. Điển hình là bài phê bình của báo Southern Literary Messenger viết:

"Cuốn truyện của Harriet Stowe là "sự đánh đĩ tội lỗi của năng khiếu tưởng tượng" và "các nhà phê bình ở miền Nam nước Mỹ không thể dung thứ cho tác giả được".

Trong khi đó hàng ngàn bức thư với những lời lẽ thóa mạ được gửi tới Harriet Stowe. Khởi đầu, truyện Túp lều bác Tom được bán tự do ở miền Nam, nhưng về sau, có một cuốn trong nhà cũng có thể bị hành hung.

Chuyện mỉa mai là bà Harriet Stowe hy vọng và tin tưởng rằng tiểu thuyết của bà có thể là lối để giải quyết hòa bình cuộc tranh chấp về vấn đề nô lệ da đen vốn kéo dài từ lâu. Đọc xong cuốn truyện, một người bạn của bà ở miền Nam viết trong thư "Sách của bà sẽ mang lại sự hòa giải và thống nhất giữa Nam - Bắc Mỹ". Trong truyện Túp lều bác Tom, bà Stowe cố gắng diễn tả cả hai khía cạnh, một bên là những cái đẹp, cái thơ mộng của đời sống êm đềm ở điền giã và một bên là những cái tàn ác và ghê tởm ở đây. Shelby và St. Clare là hai người chủ nô lệ ở miền Nam có những đức tính cao quý. Eva, con gái của St. Clare thật là một em bé thơ ngây trong trắng điển hình nhất, trong lịch sử tiểu thuyết. Còn Simon Legree đúng là hiện thân của sự độc ác. Hai nhân vật New England khác là Miss Ophelia và Marky đã đem lại nhiều tính cách hài hước cho cuốn sách. Bà Stowe cho rằng:

"Ở Bắc Mỹ người ta chỉ biết chút ít về thực trạng của người nô lệ da đen, dù rằng đa số có thể thông cảm với dân nô lệ bằng trí óc".

Tuy nhiên những nhượng bộ của Túp lều bác Tom không đủ làm dịu bớt sự uất hận của dân miền Nam. Từ ở khắp miền Nam vẫn tiếp tục nói lên những lời đả kích và tố cáo Harriet Stowe đã bóp méo sự thật. Họ nêu ra bằng chứng thí dụ như luật lệ miền Nam vẫn nghiêm khắc đối đầu với kẻ sát nhân dù là giết nô lệ hoặc giết người da trắng - luật lệ vẫn cấm chia rẽ mẹ con khi đứa bé còn dưới mười tuổi, và nô lệ là thứ tư hữu có giá trị nên không thể hành hạ đánh đập tàn nhẫn.

Ở miền Bắc dư luận đối với truyện Túp lều bác Tom cũng không đồng nhất. Một số người dù không ưa gì chế độ nô lệ nhưng cũng lên án tiểu thuyết này vì sợ xảy ra nội chiến. Những nhà tư bản miền Bắc đầu tư vào nghề bông sợi ở miền Nam cũng đả kích vì sợ hiểm nguy cho quyền lợi của họ. Quan điểm của những người này đã được báo Journal of Commerce ở New York phát biểu trong một bài xã luận gay gắt, chất vấn về sự xác thực trong tiểu thuyết của bà.

Tuy nhiên đại đa số người Bắc Mỹ đều coi truyện Túp lều bác Tom là bản án đứng đắn về chế độ nô lệ da đen, và không gì khác hơn là sách này đã thức tỉnh lương tâm và tình nhân loại của nhân dân Mỹ. Với tinh thần sùng đạo, truyện Túp lều bác Tom còn cho người ta ý nghĩ rằng:

"Chế độ nô lệ là một vết dơ trong tâm hồn nhân loại''.

Truyện Túp lều bác Tom có một hậu quả ngay tức khắc, là làm cho đạo luật Nô lệ đào tẩu không thi hành được. Ngoài miền Nam nước Mỹ, hầu hết các tiểu bang đều không áp dụng đạo luật. Kỳ lạ hơn nữa là cuốn truyện còn phát động mãnh liệt cao trào chống chế độ nô lệ và có lẽ làm cho cuộc nội chiến khó tránh được.

Vào năm 1862 nhân dịp tiếp bà Stowe tại Nhà Trắng, Tổng thống Abraham Lincoln đã gọi bà là "người đã viết tập sách nguyên nhân của cuộc nội chiến giữa hai miền Nam, Bắc nước Mỹ".

Charles Summer cũng nhận định rằng :

"Nếu không có tiểu thuyết Túp lều bác Tom có thể Abraham Lincoln không được bầu làm Tổng thống Mỹ".

Mới đầu người ta không mấy chú ý đến giá trị văn chương tác phẩm của Harriet Stowe như các nhà phê bình lớp sau. Sử gia James Ford Rhodes viết:

"Truyện Túp lều bác Tom bút pháp giọng văn thường nhạt nhẽo và không được trau chuốt, đôi khi lại quê kệch, bình dân, và khôi hài gượng gạo".

Về ngôn ngữ của người da đen trong truyện, một nhà phê bình miền Nam Stark Young viết:

"Bà tiếp xúc với rất nhiều người da đen nhưng không thể làm cho họ nói chuyện. Tai của bà bất cập không nhận định được nhịp điệu hay vẻ linh hoạt trong ngôn ngữ của họ".

Van Wych Brooks nêu ra "những sơ hở về bố cục câu chuyện và tình cảm", dù sao ông cũng nhìn nhận rằng "đây là một tài liệu quí giá về con người".

Một nhà phê bình hiện đại Katherine Anthoni tin rằng tiểu thuyết Túp lều bác Tom "là một thi ca, là bức họa về đời sống ở Mỹ... Bộ sách xứng đáng có một địa vị rất cao. Bà Stowe có nhiều cảm tình với miền Nam, nhưng bà diễn tả cuộc sinh hoạt ở đấy với chứa chan nhiệt tình. Bà là nhà văn Mỹ đầu tiên đã coi trọng người Mỹ da đen và lấy người Mỹ da đen làm nhân vật chính trong tiểu thuyết. Sách viết ra nhằm một tác dụng luân lý, nhưng nhiều khi say sưa với câu chuyện, bà quên hẳn mục đích luân lý bà đã tự đặt ra cho mình".

Đứng về quan điểm lịch sử dĩ nhiên là tiểu thuyết của Harriet Stowe mang nhiều ý nghĩa xã hội hơn là giá trị văn chương nghệ thuật. Khỏi cần phải nói, người ta không thể coi Túp lều bác Tom chỉ là câu chuyện gồm có - theo lời một nhà phê bình ác ý - "những vụ sát nhân, dâm ô, ái tình bất chính, tự sát, tra tấn, phạm thánh, say sưa và những vụ phá phách ở tiệm rượu".

Tiểu thuyết Túp lều bác Tom đã khiến cho tác giả nổi danh toàn cầu ngay tức khắc. Một năm sau khi sách xuất bản, Harriet Stowe lần đầu tiên xuất ngoại, đi viếng thăm Anh và Scotland. Ở đây bà được hàng trăm các nhân vật Hoàng gia, quí tộc, các danh nhân tiếp đón nồng hậu, như Nữ hoàng Victoria, Hoàng tử Albert, Dickens, George Eliot, Kingsley, Ruskin, Macaulay và Gladstone. Trong chuyến đi đầy vinh dự đó, bà còn được quần chúng hoan hô nhiệt liệt coi bà như một chiến sỹ tranh đấu cho lớp người thấp hèn. Ở Edingburg bà được nước Anh trao tặng một số tiền lên tới 1000 đồng tiền vàng để bà xúc tiến công cuộc tranh đấu chống lại chế độ nô lệ. Xưa nay chưa hề có một nhà văn Mỹ nào gây sôi nổi và được hoan hô ở Anh bằng bà Harriet Stowe.

Sau này muốn chứng tỏ hình ảnh về thân phận người nô lệ diễn tả trong truyện không phải dối trá hay đã được phóng đại như đã có người tố cáo, bà Stowe viết cuốn "Chìa khóa của truyện Túp lều bác Tom". Theo lời bà cuốn sách này có tất cả những sự kiện, những mẩu chuyện, những tài liệu thật dùng làm nền tảng, ngoài ra còn có nhiều truyện khác rất ly kỳ và cảm động không kém trong "Túp lều bác Tom". Sách chia làm bốn phần, phần đầu giải thích các nhân vật để chứng tỏ những nhân vật đó có thực. Phần thứ hai nói về những luật lệ quy định cuộc sống của người nô lệ da đen để chứng tỏ rằng họ không được luật lệ hiện hành bảo vệ. Trong phần thứ ba, bà kể lại những kinh nghiệm bản thân của các nô lệ da đen, sự thất bại của dư luận trong việc bảo vệ và một khảo luận về chế độ nô lệ đã gây ảnh hưởng chán nản cho giới công nhân tự do ở miền Nam. Sau hết bà Stowe kịch liệt lên án thái độ chia rẽ và vô hiệu quả của các giáo hội, trong vấn đề nô lệ da đen.

Cuốn "Chìa khóa" có nhược điểm và nhiều sở đoản là những tài liệu của sách này được thâu thập sau khi chuyện Túp lều bác Tom đã viết xong. Không những vậy, những tài liệu này phần lớn đều chỉ căn cứ vào những chuyện nghe người ta kể lại. Vì những lẽ đó cuốn "Chìa khóa" không mấy thành công đối với quần chúng và không góp gì thêm cho truyện Túp lều bác Tom, trong công cuộc khích động tinh thần chống chế độ nô lệ. Một nhà xuất bản Anh từng in lậu truyện Túp lều bác Tom, tưởng lại gặp được cơ hội làm giàu liền in 50 ngàn cuốn "Chìa khóa", nhưng không ngờ bị phá sản.

Sau này Harriet Stowe còn viết một tiểu thuyết nữa về chế độ nô lệ da đen "Dred, chuyện đồng lầy buồn thảm" xuất bản năm 1856. Tuy không được như tác phẩm trước, truyện Dred cũng bán được tới 100 ngàn cuốn trong vòng một tháng. Trong truyện Dred, Harriet Stowe nêu rõ ảnh hưởng khốc hại của chế độ nô lệ đối với người da trắng - cả tầng lớp ông chủ lẫn tầng lớp công nhân. Tác giả bi thảm hóa sự thông dâm giữa hai giống người cùng những hậu quả ghê gớm của nó đối với các nhân vật. Truyện Dred còn có rất nhiều cảnh sinh hoạt của lớp người cùng khổ da trắng, các nhà truyền giáo muốn gây xúc động mạnh trong quần chúng và nhiều cảnh sinh hoạt ở các đồn điền, nhưng không có nhân vật chính nào chiếm được cảm tình của độc giả như bác Tom.

Sau này, cho mãi đến khi tạ thế vào năm 85 tuổi, Harriet Stowe vẫn không ngưng viết tiểu thuyết, truyện, tiểu sử, bài đăng báo, tiểu luận về các vấn đề tôn giáo. Trong gần ba mươi năm trường, trung bình bà viết mỗi năm một tập sách, và thường chỉ lướt qua vấn đề nô lệ da đen.

Trong trận nội chiến Nam - Bắc Mỹ, đóng góp chính của bà là một bức thư ngỏ gửi cho phụ nữ Anh. Trong thư bà nhắc lại rằng tám hay chín năm trước đây phụ nữ Anh đã đáp lại truyện Túp lều bác Tom nhiệt liệt tán thưởng lý tưởng phế nô. Và bà trách cứ phụ nữ Anh đã tỏ cảm tình và ủng hộ miền Nam nước Mỹ, sau khi trận nội chiến Nam - Bắc Mỹ xảy ra. Kết quả, nhiều cuộc biểu tình đã được tổ chức ở khắp nước Anh, gây áp lực khiến cho dư luận chính giới Anh ngả về phía chính phủ Liên bang Mỹ. Như vậy, bức thư của bà Stowe có thể nói là đã ngăn cản được sự can thiệp của Anh vào cuộc nội chiến Mỹ vào đúng lúc mà sự can thiệp đó có thể tai hại cho phe Bắc Mỹ.

Định địa vị của Harriet Beecher Stowe trong lịch sử, Kirk Monroe viết :

"Bà là một trong số những phụ nữ có tên tuổi của thế giới. Hơn nữa, bà đã nhào nặn nên vận mạng của nhân dân Mỹ trong một giai đoạn cực kỳ nghiêm trọng của lịch sử. Có lẽ ảnh hưởng của bà lớn lao hơn bất cứ một nhân vật nào khác...".

Sau khi duyệt những yếu tố đã đem lại sự thành công cho chính phủ liên bang Mỹ, Monroe viết tiếp:

"Dĩ nhiên hủy bỏ chế độ nô lệ không phải và không thể là công cuộc của một người..." nhưng phải nhìn nhận truyện Túp lều bác Tom đã đóng góp một phần vô cùng trọng đại".

Định giá trị truyện Túp lều bác Tom xác đáng hơn cả có lẽ là nữ văn sĩ Constance Rourke. Hơn một thế kỷ sau, bà Constance Rourke viết :

"Mặc dù bị tung lên, dìm xuống vì những tình cảm nhất thời, mặc dù có nhiều sơ hở quan trọng, Túp lều bác Tom vẫn còn có nhiều đặc tính khiến cho cuốn truyện vượt lên trên những sách báo có tính truyền đơn đương thời, và dễ dàng gạt bỏ được những lời buộc tội là truyện có tính cách thêu dệt. Túp lều bác Tom hiển nhiên thiếu nghệ thuật tả thực, nhưng có lẽ ở đây không nên nói đến tả thực. Tập truyện còn thiếu tia nhìn mạnh dạn và tinh khiết của một tác phẩm lớn. Ngoài ra xúc động trong truyện không phải là thứ xúc động tự do, mà là thứ xúc động dữ dội, dễ cảm, không kiểm soát được như do bệnh loạn thần kinh gây ra. Tuy nhiên chính thứ xúc động mạnh mẽ đó đã khiến cho truyện có quy mô rộng lớn. Nó tràn lan, cuốn hút, chằng chịt những số kiếp, những hành động, khiến cho tập truyện có cái phong vị một bản anh hùng ca".

Van Wyck Brooks cũng viết :

"Không kể đến hoàn cảnh sáng tác, truyện Túp lều bác Tom vẫn còn là bức họa vĩ đại về một thời đại và một dân tộc".


http://m.truyengi.com/truyen/Nhung-Cuon-Sach-Lam-Thay-doi-The-Gioi-Phan/5-daN-Su-BaT-PHuC-TuNG-765297/ (http://m.truyengi.com/truyen/Nhung-Cuon-Sach-Lam-Thay-doi-The-Gioi-Phan/5-daN-Su-BaT-PHuC-TuNG-765297/)