PDA

View Full Version : Đặng Thùy Trâm: Con Tim chân chính



khieman
02-14-2014, 01:34 AM
.


Đặng Thùy Trâm: Con Tim chân chính
Tác giả: Nguyễn-Khoa Thái Anh



Hơn hai mùa Thu trước đây, nhân một buổi họp mặt Đàn Chim Việt hằng năm với tác giả và thân hữu tại Montréal tôi có dịp nói chuyện với ông Bùi Tín về bác sĩ Đặng Thùy Trâm, về bài viết của mình về cô vừa đăng trên mạng. Lúc đó vừa trở lại Bắc Mỹ sau một cuộc hành trình Việt Nam từ Nam chí Bắc, có lẽ do một ngẫu nhiên về tâm linh, tôi tình cờ đọc Nhật Ký Đặng Thùy Trâm trong khi đi qua các địa danh mà cô đã sống qua.

Cảm thông sâu xa được với người thiếu nữ trẻ (ra trường thuốc năm 24 tuổi và bỏ mình cho quê hương năm cô vừa chớm 27 cái xuân xanh) phải chăng là một nỗi niềm tâm sự chung nối liền người trong và ngoài nước, những tâm hồn Việt tuy sống chia cách về thời gian và không gian, vẫn chùng một mối tơ lòng khắc khoải về đất nước, bất kể những chủ nghĩa quái ác mà họ phải theo?

Hè năm nay, tháng 8, 2008, tôi lại có dịp gặp ông Bùi Tín nhân dịp ông ghé San José thăm người nhà. Tình cờ vừa đọc xong ấn bản Anh ngữ Last Night I Dreamed of Peace: The Diary of Đặng Thùy Trâm khi tâm tư lại dấy động về con người đa cảm này, tôi lại bày tỏ và chia xẻ với ông nỗi xúc động mãnh liệt của mình về một con người nhân hậu như cô, suốt tuổi thanh xuân đã sống cho tình người (nếu không nói là tình yêu) chẳng may lại bị nhà nước Cộng sản bóp méo mối tình cảm chân chính của mình bằng cách thêu dệt thêm những dữ kiện bất cập.

“Ôi, người ta còn lạ gì chuyện vẽ râu của đảng, lúc ấy cô Thùy Trâm bị địch bao vây trong một trận đánh càn, phải bỏ bệnh xá tìm đường tẩu thoát, bị đói lả, cô chỉ lo sao bảo vệ được sinh mạng của các bệnh nhân trong lúc họ bị thương nặng, còn hơi sức đâu mà ‘bắn chết hơn một trăm tên lính Mỹ, lại còn hô to khẩu hiệu : Bác Hồ Muôn Năm!’ trước khi lãnh một phát đạn vào giữa trán! Đấy là theo lời của tay bí thư của huyện ủy Đức Phổ. Hai tập nhật ký đầy ắp những tâm tư trăn trở rất người của cô đã quá rõ… một người không yêu vũ khí và chiến tranh. Nhưng họ cần phải tuyên dương những gương anh hùng. Ngày trước miền Bắc vẫn có những ‘Đại hội toàn quân: anh hùng và chiến sĩ thi đua trong các lực lượng vũ trang nhân dân và quân đội. Đại hội toàn dân thì có: Anh hùng và các chiến lao động toàn quốc để tán dương và cổ vũ, nếu cần thì thêu dệt thêm gương anh hùng…” (1) Xin mời đọc giả đọc tâm tình của tác giả dưới đây.

Hè sắp đi qua mang lại những nhớ nhung nuối tiếc của những tháng ngày ngao du tưởng như bất tận. Tâm tư còn âm ỉ một chút gì xót xa. Có phải nó còn vương vấn những ráng chiều vàng võ trên làn nước xanh mờ nhạt ở chân trời? Hay là khi vẻ đẹp quê hương chưa nguôi ngoai trong tâm hồn người lữ thứ vì những ngày xa quê không đong đầy trong ký ức bằng những buổi hoàng hôn trên vùng bể mà mình vừa đi qua?

Hối tiếc gì? Hay đó chỉ là tâm trạng cố hữu của một Việt kiều xa xứ một lần về thăm quê hương là một lần ray rứt khôn nguôi? Đã bao nhiêu năm rồi, bao nhiêu chuyến đi nhưng bản thân khó đoạn tuyệt được với cảm tưởng của một con người thuộc hai thế giới, nuôi hai tâm trạng, biết hai xứ sở, sống trong hai đất nước riêng biệt, giao du với một số người thân quen khác nhau .

Có những đêm về sáng, giật mình tỉnh giấc, chập chờn nửa tỉnh nửa mê không biết mình đang ở đâu. Trạng thái bàng hoàng này kéo dài trong khoảng không mù mờ tranh tối tranh sáng cho đến khi tôi định thần được cảnh vật chung quanh và xua đuổi được bóng tối ma mãnh đang toa rập với tâm thức bất an của mình. Đất nước qua mấy năm háo hức, náo nhiệt đổi mới trong kinh tế thị trường nay đã giật mình bàng hoàng tỉnh giấc trong cuộc lạm phát kinh hoàng khiến nhiều người còn chìm đắm trong u mê tăm tối! Oan khiên đâu, nghiệp chướng đâu mà quấy mãi đây. Sao lại đón tiếp đứa con xa xứ đến dường vậy? Trạng huống này thường đeo đuổi ám ảnh tôi từ lúc ở cho đến lúc đi và sau khi về Mỹ.

Năm nay cũng không khác. Da tôi còn sạm nắng, tim tôi còn nung nấu, tiềm thức tôi vẫn ấp ủ hình ảnh vùng biển khơi, những cái nóng oi ả của chiều Hè miền Bắc. Từ Bắc vô Nam, từ Nam ra Bắc, có lẽ cái nóng vùng Trung-Bắc là khắc nghiệt nhất. Cho nên tôi vẫn nhớ rõ những địa danh trên quốc lộ 1, nhất là những làng quê như Mỹ Lai, Phổ Cường, Phổ Hiệp, hoặc huyện Đức Phổ và bãi Sa Huỳnh thuộc tỉnh Quảng Ngãi mà tôi đã đi qua. Bởi trong suốt thời gian bắt đầu từ Cam Ranh, đến Qui Nhơn đến Quảng Ngãi tôi đã say mê theo dõi tâm sự của nàng. Điều huyền diệu là khi sắp rời địa phận Phổ Hiệp thì cơn giông cũng đi qua, để lại cầu vồng trên bãi Sa Huỳnh mời mọc chúng tôi dừng chân. Khi uống ngụm nước dừa, vị mặn xuôi vào cổ họng, hòa lẫn với dòng nước mắt mà tôi nuốt ngược vào trong, trùng cảm với ngoại cảnh, ghi nhớ những địa danh nơi nàng đã sống, chiến đấu và hy sinh.

Nàng là tấm gương chiếu sáng cho đời sau. Nàng là gương anh linh, liệt nữ, tuổi đời còn trẻ nhưng phải sớm ra đi khi đất nước còn tối tăm vì hận thù và lửa đạn chồng chéo. Nàng mang lại cho tôi những dằn vặt, suy tư vì nỗi đau thời cuộc đất nước, khóc thương cho số phận một nữ nhi thân gái đặm trường sớm gặp nhiều ngang trái. Đặng thùy Trâm ơi, oái oăm thay tình yêu chưa trọn mà cô đã hóa ra người thiên cổ. Thân phận tình yêu đã buồn, đến chuyện đất nước khi cô nhắm mắt hẳn đã buồn hơn. Từ mối tình cô đeo đuổi tận chiến trường B, cho đến mối tình đất nước, mối tình nào dang dở hơn? Ngày nay đất nước đã thống nhất, thanh bình đã bao nhiêu năm rồi, sao cô vẫn là động cơ thúc đẩy tôi âu lo đi tìm? Nhưng đầu óc tôi thanh tịnh, không si mê, ám chướng như những năm trước. Họa chăng khi ánh tà dương đã dịu, hoặc bắt đầu dãy chết trên bầu trời đỏ ối của buổi chiều tà thì hình ảnh nàng cũng bắt đầu ẩn hiện trong tâm trí tôi. Nàng chính là hiện thân của những thanh cao của đất nước. Nàng là vẻ đẹp của một tâm hồn trong sáng, lỡ cưu mang hận thù vì lý tưởng giải phóng quê hương, khi tuổi đời còn thơ mộng, khi tình yêu vừa kết nhụy thì đã cắn vào trái đắng. Khi tình người vừa chớm nở đã phải tắt lịm vì cuộc sống bấp bênh và xấu số của đồng đội và dân làng sống quanh mình. Đời nàng mang nhiều ngang trái. Nàng chính là nỗi đau của thân phận Việt-Nam, sự hy sinh của nàng dù có thiết thực trong cuộc chiến, nhưng cộng với hàng triệu số phận Việt-Nam khác đã xả thân trong suốt cuộc gió tanh mưa máu đó quả là quá đắt và vô nghĩa. Biết nói gì với những người đã nằm xuống suốt dải đất tang tóc của quê hương?

Hè năm nay, chúng tôi thuê bao một chiếc xe, rong ruổi từ Sàigòn đến Huế, và nơi dừng chân cuối cùng trước khi đến Đức Phổ là bãi bể Qui Nhơn, tại khách sạn Hoàng Anh, một khu du lịch sang trọng bậc nhất nhì của miền Trung nằm ngay trên bãi Qui Nhơn, kề bên nơi an nghỉ của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Phải nói rằng Hoàng Anh là một công trình xây cất rất đẹp và quy mô, tốn kém ít ra cũng hàng triệu Mỹ Kim, hủy hoại cả ngàn thước khối thước vuông gỗ quý. Một công trình tư bản trong một đất nước xã hội chủ nghĩa.

Cho nên nằm trong cái mát mẻ và xa xỉ của kinh tế thị trường, của thời hậu Cộng sản để đọc Nhật Ký Đặng Thùy Trâm đã dấy lên trong tôi một cái gì khó ở, một ý nghĩa thắm thía về một cuộc đổi đời: Có phải nữ bác sĩ trẻ Đặng thùy Trâm và những người cộng sản chân chính như cô, vừa tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội đã xung phong vào vùng máu lửa, bỏ lại một cuộc sống ở Hà thành với gia đình, tương đối ấm êm, ít phức tạp hơn, dùng phẫu thuật cứu độ đồng bào để mang lại cho chúng ta buổi hôm nay lộng lẫy? Thôi thì cứ như người Cộng sản ta cứ tạm tin như thế đi!

Câu chuyện của Đặng thùy Trâm không trọn vẹn nếu không có lòng ưu ái của thượng sĩ Nguyễn trung Hiếu thuộc quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã cứu quyển nhật ký khỏi đống lửa vô tình như chiến tranh đang bừng bừng sự thiêu đốt, hừng hực sự hủy hoại của nó bất chấp những tâm hồn còn đam mê lý tưởng giải phóng của mình. Sự hiện hữu của những dòng tâm tư đầy nhân bản kia không thể có nếu không có tấm lòng cao cả, tử tế của Frederick Whitehurst, một sĩ quan quân báo Mỹ — kẻ tử thù của cô Thùy (Trâm) (2) vào thời đó — đã không tuân thủ lệnh trên lại nghe lời anh Hiếu đã ôm ấp, cưu mang hai tập nhật ký này suốt 35 năm trời. Đã nhiều đêm anh Hiếu giúp thông dịch những trang nhật ký cho Fred nghe. Sau đó vài tháng lại chính tay anh mang quyển thứ hai của cô Thùy cho Fred.

Chính nhật ký này đã nung cháy lòng cả hai anh em Frederick và Robert Whitehurst như mẹ hai anh đã một lần khuyến cáo Robert. Robert Whitehurst là người anh của Frederick, không cùng đơn vị với em, chiến đấu trong chiến trường miền Tây Nam Bộ. Sau này anh kết hôn với một người vợ ở Long Xuyên và năm 1972 cùng về Mỹ chung sống. Qua bao năm, quả thực trái tim anh đã bị quyển nhật ký cô Thùy nung nấu, và hơn ai hết chính anh là người đọc đi đọc lại nhật ký của Thùy Trâm với sự trợ giúp của vợ anh. Có lẽ sự thông thạo tiếng Việt của anh một phần do theo học trường ngoại ngữ quân sự ở Monterey (3) một phần do lòng yêu thương Việt-Nam và sự thôi thúc của những dòng tâm tư cô Thùy. Anh Andrew Pham (tac gia Catfish and Mandala)đã dịch và Harmony Books, một phân bộ của nhà xuất bản Random House Hoa Kỳ sẽ cho ra mắt Nhật Ký Đặng thùy Trâm mùa Thu hay Hè năm 2007.

Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26 tháng 11 năm 1942, trong một gia đình tiểu tư sản, bố là bác sĩ giải phẩu, Đặng ngọc Khuê; mẹ là dược sĩ Doãn ngọc Trâm, nguyên giảng viên trường Đại học Dược Khoa Hà Nội. Gia đình có 4 chị em, Đặng Thùy Trâm là chị cả, kế đến là Đặng Phương Trâm, Đặng Hiền Trâm, và Đặng Kim Trâm. Cho nên tên gọi cô còn là Thùy.

Tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Hà Nội năm 1966, cô Thùy xung phong ngay vào chiến trường miền Nam và bắt đầu nhận lãnh nhiệm vụ coi sóc bệnh viện Đức Phổ vào tháng 3 năm 67, sau ba tháng hành quân từ miền Bắc. Cô đã hy sinh ngày 22 tháng Sáu, năm 1970 sau một trận đột kích của đơn vị anh Fred.

Có lẽ một động cơ thôi thúc cô vào chiến trường B. ở Quảng Ngãi là M., một người sĩ quan tuyên huấn cũng đang phục vụ ở đó. Theo lời nhà xuất bản Vương trí Nhàn thì người tình không chân dung này là người bà con xa bên mẹ của cô, anh đã từ trần trước khi bản sao quyển nhật ký được ủy thác cho nhiếp ảnh gia Ted Engelmann, một cựu chiến binh Mỹ, mang trả lại cho gia đình cô Thùy vào trước dịp ngày 30 tháng 4, 2005.

Ngày nay, sự xuất hiện của Nhật Ký Đặng Thùy Trâm phải được kể là một điều kỳ diệu. Ngày nay, sự tìm đến nhau của những tâm hồn xa lạ sau ba lăm (35) năm ngăn cách để nhỏ những giọt nước mắt thương tâm, hối cãi là một điều huyền diệu. Phải chi tất cả những chuyện đau buồn đều được vun xới, nâng niu bằng những tấm lòng nhân ái, bằng những con tim biết rung động tình người, bằng những khối óc không cố chấp, vị kỷ, và nhỏ nhen.

Phải chi sự tìm đến của những tâm hồn cao thượng, vị tha, những con tim thông cảm, nhân ái, những đầu óc hòa giải, hòa hợp là chuyện xảy ra giữa những người Việt và người Việt với nhau. Giữa nhà nước và dân chúng, giữa chế độ trong nước và người ngoài nước. Giữa khúc ruột ngàn dặm và nhà nước đảng trị và chuyên chính. Tại sao những người không cùng một huyết thống, như người Mỹ, lại có thể bắt một nhịp cầu tri âm, trong khi người Việt không thể chấp nhận nhau?

Và cũng vì những tâm hồn cao thượng ấy và tấm lòng đầy nhân hậu kia đã gây một tiếng vang trên dư luận hôm nay và nó sẽ còn tiếp tục gây tiếng vang xa hơn nữa khi ấn bản tiếng Anh được ra đời vào mùa Thu năm 2007.

Sự hiện hữu của Nhật ký Đặng thùy Trâm vào thời nay, ba mươi lăm năm sau khi cô ngã xuống, âu cũng là duyên tiền định, âu cũng là tác động linh thiêng của hương hồn cô và một ơn trên nào đó. Bởi nếu nó được đồng đội của cô tìm ra thì chắc gì nó còn được lưu giữ đến đời nay. Và cho dù được bảo quản thì hẳn nó đã không mang được một ý nghĩa sâu đậm và tầm vóc như hiện giờ. Bởi có phải chính những tình cảm ủy mị, riêng tư, tình yêu trai gái chính là điều cấm kỵ với đảng Cộng sản thời đó?

Bởi của nàng là những dòng tuôn chảy của nội tâm, của nàng là cảm tình chân thật của cá nhân, của nàng là tình yêu không được bù đắp. Của nàng là phần số của đất nước còn lầm than. Nàng thuộc về mệnh bạc, thuộc về số vắn của một con người mang nhiều thương cảm. Nhưng nàng có phải là tiếng chuông báo thức cho người đời nay sống cho xứng đáng với công trạng và hy sinh của tiền nhân?

Riêng bản thân đã lỡ mang số kiếp Việt-Nam, tôi vẫn khắc khoải một điều: a) sống hưởng thụ trong một thế giới tư bản của hôm nay và quên đi hết mọi chuyện khốn nạn của đất nước hay b) hãy nhỏ lệ thương tâm cho cố nhân mà tìm về thông điệp của nàng?
———————————————— —————————–
(1) Bùi Tín

(2) Gia đình Trâm mẹ là Doãn ngọc Trâm. Đặng thuỳ Trâm là chị cả, tiếp theo là Đặng kim Trâm, Đặng phương Trâm, cho nên tên thường gọi của Trâm là Thuỳ vì mẹ và cả ba chị em đều tên Trâm cả.

(3) Monterey và Carmel là hai thành phố sát nhau cách San José khoảng 1 tiếng đồng hồ lái xe. Trên đường xuôi Nam hoặc Bắc Cali dọc theo quốc lộ 1, du khách có thể viếng thăm Carmel 17 dặm đường tình cùng sân cù/golf Pebble Beach nổi tiếng thế giới xây dựng trong vùng đất tư nhân ở Carmel mà ngày trước tài tử màn bạc Mỹ Clint Eastwood đã một thời làm thị trưởng. Đây là vùng bồng lai tiên cảnh, non nước hữu tình với biển xanh biếc, nhấp nhô nhiều con sóng bạc đầu rất nên thơ của bang California.

22/08/08
© 2008 www.danchimviet.com