PDA

View Full Version : Một người công chính đã ra đi !



khieman
03-16-2014, 04:03 PM
.


Nhân nhà báo Vũ Ánh đi về nơi vĩnh hằng...

Nhật Tuấn




http://pppre.s3.amazonaws.com/2a1a7c8b271371fd/78407396eff842139d3e3f4bfc35d3f9.jpg (http://pppre.s3.amazonaws.com/2a1a7c8b271371fd/78407396eff842139d3e3f4bfc35d3f9.jpg)



Nhà báo Huy Đức viết:


" Ông là nhà báo Vũ Ánh, sinh năm 1941 tại Hải Phòng. Sau khi đến Mỹ (1992), ông là chủ bút tờ báo Người Việt ở California trong nhiều năm. Nói chuyện với ông, không ai nghĩ, con người canh cánh nỗi nhớ nước ấy lại có thể dùng những ngôn từ rất điềm đạm để nói về Chế độ đã từng “cải tạo” mình 13 năm, trong đó riêng thời gian biệt giam tổng cộng lên đến sáu năm. Trưa qua, thứ Sáu, 14-3-2014, sau khi viết bài báo cuối cùng, gửi đi, ông đã có một giấc ngủ dài, vĩnh viễn. Vĩnh biệt "Chú Ánh", một nhà báo mà tôi vô cùng kính mến."

Nhân ông đi về nơi vĩnh hằng , xin mời đọc lại bài ông viết :


Về Nhật Tuấn,
tác giả tiểu thuyết "Đi Về Nơi Hoang Dã”


(Bài viết của VŨ ÁNH trên Nhật Báo Viễn Đông,
xuất bản ở Nam California, số ra ngày 14-4-2001)

"Trên một website của Hoinghi.yahoogroups.com, ông Nguyễn Hữu Nghĩa đã viết như thế này:

"Bà Bút Vàng là aỉ Theo cuộc điều tra riêng của Làng Văn , bà Bút Vàng là Đỗ Thị Thuấn em ruột của bà Đỗ Phương Khanh, em vợ của Nhật Tiến. Công an Nhật Tuấn là em ruột của Nhật Tiến. Nhật Tiến là "tư lệnh tiền phương" chỉ đạo Giao Lưu Văn Hóa (Hoa Hồng Đỏ) tại hảí ngoại qua sự móc nối công tác. . "

Đọc đoạn ngắn như trên, tôi đã thấy không muốn đọc nữa, dù rằng tôi biết ít ra ông Nguyễn Hữu Nghĩa cũng là một nhà báo, sinh sống ở nước ngoài cũng đã khá lâu. Tôi biết ông là do đọc trên báo, chứ chưa bao giờ được hân hạnh gặp mặt ông. Nhưng trong đoạn văn của ông nó gợi lại cho tôi hình ảnh cũ đã ăn sâu vào tâm khảm tôi trong suốt thời gian ngồi tù Cộng Sản và 4 năm sống với chế độ đó ở ngoài đời.

Cái lối dùng liên hệ bố mẹ, anh em, bà con của một người để qui kết người đó là một thủ thuật để đàn áp hèn mạt không thể tưởng tượng nổi của những người Cộng sản. Người quốc gia chân chính là những người thường lên án hành động nàỵ .
Từ chỗ "công an Nhật Tuấn" là em ruột của Nhật Tiến đến chuyện "Nhật Tiến là tư lệnh tiền phương chiến dịch Giao Lưu Văn Hóa ở hải ngoại, qua sự móc nối công tác" cái kết luận chỉ phải đi một con đường ngắn hời hợt, bằng phẳng một cách đáng sợ. Nó giống một mảnh giấy học trò, viết mực tím nguệch ngoạc vài dòng thô sơ lên án bà nội tôi và hàng chục ngàn người khác trong cuộc đấu tố ruộng đất ở Miền Bắc Việt Nam năm 1953. Thế rồi, lại thêm chữ Hoa Hồng Đỏ, rồi "tư lệnh tiền phương của chiến dịch giao lưu văn hóa " toàn là những từ ngữ gợi lên cho người đọc một cái gì vừa kín, vừa hở lại vừa nông cạn. Thế nhưng "kinh" nhất là nhóm từ "theo cuộc điều tra riêng" trong giác thư của ông Nghĩa.

Trong thời gian 4 năm sau khi được thả ra khỏi tù, anh chàng công an khu vực nơi tôi cư ngụ đã hàng trăm lần nói với bà mẹ tôi: "Ở trên (tức thượng cấp của anh ta) vừa cho tôi hay là anh Ánh hồi này linh tinh lắm (thời gian mới đi tù về tôi đi làm lò gạch và sau đi chở gỗ bằng xe ba bánh cho mấy lán gỗ) và theo chỗ điều tra riêng của cháu, thì anh ấy hay tiếp xúc với thành phần không tốt mới ở trại cải tạo ra.."

Bà mẹ tôi hiểu ý "theo chỗ điều tra riêng" của anh ta tức là cái giá bằng hai góc thuốc lá ba số 5 thì mới dập tắt được kết luận của những "cuộc điều tra riêng ấy”, một cái kết luận dễ dàng, vô luật pháp (vì là điều tra riêng) có thể khiến cho tôi lại phải khăn gói quả mướp vào " hấp" lại ở lâm trường Sao Vàng (Pleiku) ít ra cũng là 3 năm. Như vậy vị chi là 17 năm tù trong cuộc đời của thằng con trai của bà. Vì thế bà cụ tôi sợ lắm và phải xì thuốc lá ra cho yên chuyện.

Tôi nêu ra những sự kiện thực tế mà tôi trải qua chỉ để giải thích lý do tại sao tôi không tin bất cứ một sự kết luận dễ dãi nào không mất công trưng ra bằng chứng, nhất là những kết luận có thể làm thương tổn đến danh dự của người khác. Nếu tôi không thích ông Nhật Tiến, thì liệu tôi có thể " vẽ " ông Nhật Tuấn bằng những hình ảnh còn kinh hãi hơn hình ảnh người công an hay không? Được chứ, ai lại không có khả năng đó vì nó dễ dàng lắm, nhưng tôi nghĩ nếu làm như vậy tức là tôi đã phản bội tất cả những dậy dỗ của gia đình và học đường về sự cần thiết của ngay thẳng và chính trực ở đời.
Những đồng hương tỵ nạn ở đây đã từng là nạn nhân của chế độ Cộng sản tất không thích bất cứ một ai cáo buộc và lên án người khác mà không cần bằng chứng.

Có lẽ là nhà báo, nhà văn, lại có điều tra riêng, chắc ông Nghĩa cũng không gặp khó khăn lắm khi chứng minh và bằng tài liệu cũng như hình ảnh khả tín về những sự việc ông cáo giác ông Nhật Tuấn và ông Nhật Tiến chứ?

Đề cập đến giác thư mà ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho phổ biến trên website, tôi chẳng có ý gì khác hơn là chỉ muốn mọi việc được sáng tỏ để làm giảm bầu không khí ô nhiễm do cái cách chống cộng bằng những phương pháp giống như phương pháp mà Cộng Sản đã áp dụng đối với các đồng hương tị nạn Cộng Sản ở đây thời gian họ còn ở trong nuớc, kéo dài hơn hai thập niên qua rồi.

Điều thứ hai mà tôi muốn đề cập với ông Nguyễn Hữu Nghĩa là ông đã đọc tác phẩm "Đi Về Nơi Hoang Dã " của tác giả Nhật Tuấn chưa ? Nếu đọc rồi thì xin ông cho biết đoạn nào trong cuốn tiểu thuyết tuyệt vời này là ca tụng chế độ Cộng Sản. Bởi vì theo tôi, nếu nói cuốn " Đi về nơi hoang dã" là một cuốn tiểu thuyết chống Cộng sâu sắc thì cũng là chỉ mới nói tới một phần. Nó còn hơn thế nữa. Nó chống cái ác, cái xấu, cái đê tiện, hèn mọn, lòng ganh tị nhỏ nhen, sự hoang tưởng của những bộ óc trì độn dùng chính sự trì độn đó để bịt mắt mọi người, và những điều này có thể xảy ra ở dưới bất cứ chế độ nào trên thế giới chứ không chỉ dưới chế độ Cộng Sản.

Nhưng Nhật Tuấn, con người can đảm ấy đã dám lấy mạng sống của mình để viết lên những sự thật mà ông trải qua trong suốt thời gian làm một anh công nhân địa chất để viết cuốn "Đi Về Nơi Hoang Dã".

Cứ giả thử tác giả Nhật Tuấn là một công an đi nữa thì đây chính là một anh công an có nhân cách. Bởi vì có nhân cách, thì mới có đủ can đảm và lòng nhân ái để viết bản cáo trạng đối với một chế độ bằng tác phẩm Đi Về Nơi Hoang Dã. Một người ở hải ngoại nhất là ở Mỹ, một đất nước tự do viết một ngàn tờ cáo buộc chế độ ở Việt Nam thì là một điều dễ dàng. Chẳng ai bắt bớ, cho đi tù, ăn đói, làm việc nặng, có khi là cái chết. Nhưng nhà văn Nhật Tuấn còn ở trong nước. Mặc dù đang thời kỳ cởi trói văn nghệ, nhưng cái thòng lọng vẫn còn. Nó có thể xiết lại bất cứ lúc nào. Nỗi đau này nếu xẩy ra nữa thì cũng chỉ có Nhật Tuấn và gia đình ông cũng như gia đình ông Nhật Tiến gánh vác.

Cho nên, họ có tội gì mà phải lãnh những cáo giác không cần nêu bằng chứng như vậy ??. Thế còn " Đi Về Nơi Hoang Dã" thì sao ? Xin hãy đọc một đoạn dưói đây trong lời giới thiệu tác phẩm:

"Vậy nhưng rồi tới cái ngày ngay cả ông toán trưởng là người lãnh đạo cái đoàn người đi trên núi này rồi cũng đã trắng mắt, cay đắng nhận ra rằng Ban chỉ huy đã sai trong chỉ đường vạch lối, vậy nhưng ông vẫn phải nhắm mắt tuân theo. "Mệnh lệnh là mệnh lệnh, tuyệt đối phải chấp hành, nhiệm vụ chính trị cao nhất của chúng ta trong lúc này là đi tới, đi tớị...", nhưng mà đi tới ... đâu, đi tới cái đỉnh Hua Ca chỉ có trong tưởng tượng bằng bất cứ giá nào.

Vậy là đã thành một chân lý "Ban chỉ huy không bao giờ sai", đừng có tranh cãi, triết luận, hội thảo hội thiếc gì với cấp trên hết, nếu không thì sẽ thành thằng "phản động" ... "Anh dám nói cấp trên là mù quáng hả? Anh quên mất phải tin tưởng tuyệt đối ở ban chỉ huy hả? Anh đứng trên lập trường giai cấp nào mà phát biểu vô tổ chức, vô kỷ luật vậy?". Cả 5 ngưòi trong đoàn địa chất đành im lặng sống giữa một xã hội hà khắc, lạnh lùng, không chấp nhận bất cứ một lý luận nào chứng minh cái sai của ngưòi chỉ huy toán địa chất này. Nhưng họ không buông xuôi, họ triết luận với các lý thuyết gia của con đuờng hoang tưỏng ..bằng "chính cuộc đời thê lương của họ".

Thảm kịch ấy phải chăng đã là một niềm tin sắt đá rằng Cái Xấu, Cái Ác không còn lý do để tồn tạị . Cứ như thế cái khẩu khí của Nhật Tuấn như tiếng nói sang sảng của một công tố viên nhân danh con nguời cáo buộc một lãnh tụ, một tập đoàn, một thế lực trong một chế độ dù là Công sản hay quốc gia nhưng độc tài.

Cái khéo và sự tuyệt vời của Nhật Tuấn chính là việc ông dựng lên các nhân vật "không tên" như là một sự tự nhiên: ông toán trưởng, thằng cấp dưỡng, thằng hộ pháp, thằng học giả và "tôi", nhưng ngưòi đọc đều biết rõ danh tánh của những con ngưòi như thế. Họ có mặt khắp nơi, ở Việt Nam, ở Trung Cộng, ở Cộng sản Bắc Hàn, ở Cuba, ở Á châu, ở Trung Đông, ở Âu Châu ...đâu đâu cũng có thể có những con người này.

Và một điều cần nhấn mạnh ở đây, trong cuốn tiểu thuyết Đi Về Nơi Hoang Dã của Nhật Tuấn , không bao giờ thấy bóng dáng của sự giận dữ của nhân vật "tôi", không bao giờ có những nhóm từ chúng ta thường đọc thấy trong những tờ truyền đơn, những nhóm từ vô nghĩa và kệch cỡm. Nhật Tuấn đã đem tất cả tấm lòng để viết những lời cáo buộc cái Xấu, cái Ác, cái Đơn Điệu, Sự Bưng Bít va Sự Hành Hạ Con Người Bằng Chính Cái Ngu Dốt Một Cách Bệnh Hoạn Của Những Kẻ Có Quyền.

Không gì tuyệt vời hơn là người ta được đọc một bản cáo trạng đối với chế độ độc tài , hà khắc bằng một tác phẩm như "Đi Về Nơi Hoang Dã". Nhưng quan trọng nhất, theo nhận định của nhà văn Hoàng Khởi Phong, đây là một tác phẩm văn chuơng thật hay của văn học hiện đại. Nhật Tuấn đã "đứng dậy cùng với nỗi đau của chính ông hoà tan trong nỗi đau của mọi người - HKP " để viết bản thông điệp về Con Người này.



VŨ ÁNH

Nguồn: http://nhattuan2011.blogspot.com/

khieman
03-16-2014, 10:19 PM
.


Anh Vũ Ánh và Tôi
Nguyễn Khanh






http://www.rfa.org/vietnamese/ReadersOpinions/brother-nk-03162014082109.html/vu-anh-305.jpg/image (http://www.rfa.org/vietnamese/ReadersOpinions/brother-nk-03162014082109.html/vu-anh-305.jpg/image)

Nhà báo Vũ Ánh

“Lính mới”

Tôi gặp anh lần đầu cách đây cũng hơn chục năm. Lúc đó tôi còn là thông tín viên ở Washington D.C. của Nhật Báo Người Việt, vài tháng lại được anh Đỗ Ngọc Yến hay anh Lê Đình Điều gọi về California họp hành, bàn chuyện. Trong một lần về tòa soạn, một trong hai anh giới thiệu tôi với anh Vũ Ánh, bảo “đây là người mới nhất của mình”, ý muốn bảo anh là “lính mới” của tờ báo.

Tôi nhớ như in anh cười rất tươi, vừa bắt tay tôi vừa bảo “mới từ DC xuống hả”, nói thêm “tôi có nhiều người bạn thân trên đó lắm”, nói xong anh kể một dọc những tên tuổi của làng báo Việt Nam ngày xưa, trong số đó có ông vẫn theo nghề cũ như anh Phạm Trần làm việc ở Đài VOA, cũng có những ông buông bút từ ngày lên đường vượt biển. Anh cũng bảo với tôi là từng có lúc sống ở Virginia, “bên đó lạnh quá, tôi chạy sang bên này thời tiết ấm hơn”.

Là “lính mới” nhưng tay nghề anh thì quá siêu. Từng làm việc với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa lúc mới hơn 20 tuổi, từng làm tới trưởng phòng bình luận của Đài Phát Thanh Sải Gòn, từng được Phủ Đầu Rồng gọi vào xem lại, thêm thắt cho một số bài diễn văn Tổng Thổng Nguyễn Văn Thiệu đọc… là những gì tôi được nghe về anh. Một trong những người hết lòng ca ngợi anh là anh Lê Thiệp, bằng chứng có lần anh Thiệp bảo tôi khi tôi chập chững vào nghề:

“Làm phát thanh mà sắc nước được như thằng Ánh không phải là dễ”.

Sau đó, cũng vẫn anh Lê Thiệp bảo tôi khi tôi vừa bắt đầu làm việc với Đài Á Châu Tự Do (RFA):

“Nếu chú giỏi thì kéo thằng Ánh về D.C. Kéo nó về chú học hỏi được nhiều lắm, mà tôi lại có thằng bạn ở gần”.

Những gì anh Lê Thiệp nói cộng với những lời giới thiệu của anh Yến, anh Điểu, của cả anh Nguyễn Đức Quang khiến tôi phải chú ý đến ông “lính mới” của tờ báo Người Việt. Điều khiến tôi chú ý nhất là hình ảnh một ông nhà báo trung niên không lúc nào rời khỏi bàn viết, ăn cơm xong bao giờ miệng cũng ngậm cây tăm, tay cầm ly nước trà còn bốc khói. Phải kể thêm ở đây là thời đó anh Yến, anh Điểu chiều tôi lắm, mười lần như một, lần nào tôi xuống California hai anh cũng gọi tất cả mọi người trong tòa soạn cùng đi uống cà phê, ăn sáng chung với nhau. Cả tòa soạn lũ lượt dẫn nhau đến một quán nào đó ngồi tán gẫu, chỉ một người từ chối không đi, lấy cớ “các ông đi đi, tôi ở nhà trông chừng cho”. Người đó là anh Vũ Ánh.

Phải mất ít nhất gần một năm sau khi hai anh em bắt đầu thân nhau, anh mới bảo với tôi “cậu xuống đây bao nhiêu lần mà tôi không bỏ việc đi uống cà phê với cậu được, thôi hôm nay cậu làm hộ tôi 2 cái tin để tôi về sớm, tôi với cậu đi kiếm cái gì ăn”. Trong bữa ăn đầu tiên và khá vội vàng đó -vì anh còn phải về nhà- tôi mới biết một điều: mỗi ngày anh được tòa soạn giao viết 5 cái tin, viết chưa xong anh không rời chỗ đi đâu cả. Chuyện này tôi có kể cho một số đàn anh nghe, còn nhớ anh Phạm Trần bảo “thằng đó xưa nay vẫn thế”, anh Thiệp thì cười thật to bảo “chú phải biết bạn tôi toàn những người làm việc chăm chỉ như ông Vũ Ánh thôi”, ngay cả anh Thiên Ân của đài VOA cũng cười, hãnh diện nói đùa “thằng Ánh nó lòe chú mày đấy, đừng có tin nó”.

Thân với anh, nhưng chưa bao giờ tôi nghe anh kể về thời còn quyền còn chức, chỉ thấy anh nói về chuyện sau 1975, từ chuyện lần mò tìm đường kháng chiến đến chuyện ngồi tù “tưởng mọt gông” chỉ vì ở trong trại giam vẫn tính những chuyện lấp bể vá trời. Nếu có hỏi thêm nữa, anh chỉ trả lời “vận nước mình nổi trôi nên tôi với cậu cũng nổi trôi”, chưa hề nghe anh chỉ trích, than phiền một ai.

Đã có lần tôi hỏi anh điều này, thắc mắc tại sao không nghe anh phê bình những người đã để cho mất nước, cũng chẳng bao giờ thấy anh kể lại những phút cuối cùng khi anh gặp ông Dương Văn Minh hôm 30 tháng Tư 1975, anh trả lời:

“Con người ai cũng có chỗ hay, chỗ xấu. Mình là nhà báo, mình phải nhìn ra cả cái hay của họ, chứ không phải chỉ nhìn thấy cái xấu”.

Anh bảo tiếp:

“Nếu cậu muốn tôi phê bình họ thì tôi sẵn sàng phê bình: họ đã cố gắng lắm, đã chịu đựng nhiều lắm, tôi gần họ nên tôi biết rõ điều đó. Chỉ tiếc là cố gắng, chịu đựng đến mấy vẫn không làm được điều họ muốn làm”.

Nghe anh nói như vậy, tôi biết mình nên chấm dứt câu chuyện ở đó, dù đến giờ tôi vẫn còn ấm ức với câu trả lời của anh.

“Ông bụt”



http://www.rfa.org/vietnamese/ReadersOpinions/brother-nk-03162014082109.html/vu-anh-vu-dinh-trong-250.jpg/image (http://www.rfa.org/vietnamese/ReadersOpinions/brother-nk-03162014082109.html/vu-anh-vu-dinh-trong-250.jpg/image)


Nhà báo Vũ Ánh (trái) và Nhà báo Vũ Đình Trọng,
ảnh chụp năm 2013. Courtesy Việt Báo.

Nhưng cũng qua câu trả lời đó, tôi mới thấy hình ảnh của một “ông bụt” trong con người của anh. Tất cả những bài anh viết đều không chứa đựng sự chua chát, đều không có nét căm hờn, mà chỉ là những con chữ biểu hiện của sự thật, của con người tôn trọng sự thật và lúc nào cũng ước mơ sẽ nói được sự thật. Điều đó được anh thể hiện rất rõ trong bài nói chuyện anh đọc tháng Sáu năm ngoái nhân dịp kỷ niệm sinh nhật Tuần Báo Sống, trong đó anh nói ở tuổi đã trên 70, ước mơ của anh vẫn là ước mơ của một nhà báo với cái nhìn trong sáng, mong mỏi đóng góp điều đó cho cộng đồng, “xin quý vị giúp chúng tôi làm tròn công việc của một người cầm bút chỉ mong được nói sự thật”.

Nói rõ hơn: anh luôn luôn xem mình là một thành viên của cộng đồng và là một thành viên có trách nhiệm phải xây dựng một cộng đồng biết lắng nghe tiếng nói của nhau hơn, như có lần anh bảo với tôi “cộng đồng này đâu phải chỉ có đời mình rồi hết”, nhắc lại cho tôi nghe lời một nhà báo đàn anh của anh đã bảo từ lúc chưa mất nước “làm gì thì làm, đừng để thế hệ sau này trách mình đã không làm hoặc làm sai”.

Chính vì anh yêu cộng đồng mà tôi không có cơ hội học hỏi trực tiếp ở anh. Mười sáu (16) năm trước đây khi Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do bắt đầu phát triển, anh Giám Đốc Nguyễn Ngọc Bích gọi tôi vào văn phòng bàn chuyện “kiếm thêm người”. Không ai bảo ai cả anh Bích lẫn tôi đều nghĩ đến anh Vũ Ánh, đặc biệt anh Bích còn nghĩ đến cả vai trò tổng biên tập mà anh Vũ Ánh sẽ nắm giữ nếu anh nhận lời về lại Washington D.C. Tôi 2 lần xuống tận Orange County thưa chuyện với anh, và cả 2 lần anh đều từ chối bằng câu “cậu cứ về đi, tôi sẽ trả lời sau”. Tôi còn nhớ khi về báo tin cho sếp Bích biết, sếp bảo ngay “như thế là anh em mình hỏng rồi”. Sau này có một lần tôi hỏi thẳng anh sau không lên D.C. để có anh có em, anh trả lời “tôi mê cái cộng đồng ở đây quá nên không đi được”, ngay cả lúc có những người nặng lời chỉ trích anh, anh cũng vẫn bảo với tôi “đi nhiều nơi rồi, chẳng có cộng đồng nào hay cho bằng cộng đồng Nam California”.

Tối thứ Sáu, bè bạn ở California đua nhau gọi điện thoại báo cho tôi tin anh Vũ Ánh mất. Bạn bè kể lại khi gọi điện thoại nhắc anh đến giờ gặp nhau ăn cơm trưa thứ Sáu hàng tuần, anh còn bảo “cứ ăn trước đi, tôi bận việc phải đến trễ”, sau đó tôi dự đoán anh ngồi cắm cúi gõ những chữ cuối cùng gửi cho tờ Người Việt. Gửi xong anh nằm gục ngay trên bàn viết và ra đi thật thanh thản. Anh sống với tấm lòng thanh thản và cho đến lúc phải chia tay với mọi người anh cũng thanh thản như thế. Anh vẫn không rời khỏi được cộng đồng mà anh yêu, bài viết cuối cùng cũng là bài viết cho cộng đồng đọc, và tôi tin rằng anh hãnh diện vì đã làm được điều anh mơ ước: kể cả khi phải chết, anh cũng chẳng từ bỏ cộng đồng, nhất định chọn vùng đất Nam California là nơi anh gửi nắm tro tàn.

Tôi không quên lần cuối cùng làm tài xế cho anh lúc anh lên D.C. dự đám tang anh Lê Thiệp. Hôm đó, nghe anh Phạm Trần hỏi “sức khỏe mày thế nào?” và nghe anh trả lời “tim tiếc tao hơi lủng củng nhưng chắc không sao đâu, chẳng có gì phải lo cả”.

Tôi cũng nhớ đến người đàn ông trung niên tôi gặp lần đầu ở tòa soạn Người Việt cách đây đã bao nhiêu năm, nhớ đến người ăn cơm xong miệng ngậm cái tăm tay cầm ly nước trà nóng. Nhớ đến lần duy nhất anh gọi điện thoại cho tôi lúc tờ Người Việt gặp “biến cố báo Xuân” chỉ để hỏi câu “nếu là tôi thì cậu sẽ làm gì?” Nhớ trưa hôm đó tôi bảo với anh “nếu là em, em sẽ xin từ chức và nhận lãnh mọi trách nhiệm”. Không bao giờ tôi quên câu trả lời của anh “tôi cũng nghĩ như thế, gọi hỏi cậu để biết mình làm đúng”. Chiều hôm đó anh em đồng nghiệp báo tin cho tôi biết anh từ chức, chỉ xách chiếc túi nhỏ rời khỏi tòa soạn.

Tôi cũng không bao giờ quên bài học duy nhất trong nghề anh dạy tôi:

“Mình là nhà báo, mình phải nhìn ra cả cái hay chứ không phải chỉ nhìn thấy cái xấu”.

Tôi biết mình không có đủ cả tâm lẫn sức để trở thành một “ông bụt cầm bút” như anh, nhưng ít nhất ngay trong giờ phút này tôi học được một điều: biết đâu chừng trong cái mất mát không còn anh Vũ Ánh ở với mình, lại có điều hay hơn mà mình không biết.

Điều hay hơn đó là gì?

Thử tưởng tượng ở một nơi chốn nào đó, anh Yến, anh Điểu, anh Nguyễn Đức Quang và anh Lê Thiệp đang ngồi nói chuyện với nhau thì bỗng dưng anh Vũ Ánh lù lù bước đến. Các anh gặp nhau tay bắt mặt mừng, sau đó thế nào anh Yến cũng bảo “mình có nhau ở đây phải làm một cái gì đi chứ”. Lúc đó, tôi tin anh Lê Thiệp sẽ la toáng lên “bây giờ có thêm thằng Vũ Ánh, mình làm báo lại đi các ông ạ”. Chỉ như thế thôi, một tờ báo mới sẽ ra đời, và tôi tin chắc tờ báo đó sẽ mang tên “Tờ Báo Cộng Đồng” vì đó là ước mơ của anh Vũ Ánh.

Và với tôi, người xứng đáng nhất để giữ vai trò chủ bút vẫn phải là anh Vũ Ánh.


Nguyễn Khanh, GĐ Ban Việt ngữ RFA
http://www.rfa.org/vietnamese/ReadersOpinions/brother-nk-03162014082109.html

khieman
03-17-2014, 12:48 AM
.

Thời điểm 1996

Sinh hoạt Văn hóa ở Nam Cali
Phát biểu trong buổi ra mắt cuốn
Việt Nam qua lăng kính 24 nhân vật thời đại
của Nguyễn Vạn Hùng
Ngày 29-6-1996 Tại Trung Tâm Công Giáo VN
Orange County – California.

* Nhật Tiến

Trước hết, tôi xin được ngỏ lời cám ơn ban tổ chức đã có nhã ý dành cho tôi cái cơ hội được tham dự và phát biểu trong buổi ra mắt tuyển tập ngày hôm nay.

Tôi cũng nhân dịp này xin bầy tỏ lời đặc biệt cám ơn nhà báo Nguyễn Vạn Hùng, một ký giả chuyên nghiệp đã liên tục trong nhiều năm tìm đến những nhân vật có liên quan đến các vấn đề thời sự để phỏng vấn và tường trình cùng độc giả, và đến nay lại san định và chọn lựa để in chung vào một tuyển tập như chúng ta thấy trong buổi ra mắt ngày hôm nay.

Chính nhờ cuốn sách này mà tôi có dịp ôn lại những điều do chính mình đã nghĩ, đã phát biểu từ hơn sáu năm qua, tất cả tưởng đã vùi sâu trong dĩ vãng không ai còn nhớ đến nữa. Nay nhờ thế mà đôi điều có thể được ôn lại thì đối với tôi quả là một điều lý thú. Và cũng chính nhờ tuyển tập này mà tôi cũng lại có cơ hội được đọc một cách tổng hợp hơn những vấn đề mà hơn hai mươi vị khác đã phát biểu, qua đó tôi cũng đã có dịp thu nhận được nhiều điều bổ ích, bởi vì mỗi vị với một vị trí riêng, một hoàn cảnh riêng, một kinh nghiệm sống riêng đã soi sáng được nhiều phía, nhiều mặt xoay quanh nhiều vấn đề liên quan đến tình hình đất nước. Chỉ riêng với một ưu điểm này, nhà báo Nguyễn Vạn Hùng cũng đã thành công trong việc ấn hành tuyển tập để chúng ta có được buổi gặp gỡ ngày hôm nay.

Thưa quý vị, riêng về phần tôi, khi nhìn lại hoàn cảnh và thời điểm mà cuộc phỏng vấn được thực hiện khoảng cuối năm 1990, tôi nhận thấy cũng nhân cơ hội này, nên phát biểu một vài cảm nghĩ, một phần là để làm sáng tỏ thêm những nhận định của mình từ sáu năm về trước, và một phần khác cũng là để bổ túc thêm cho thích hợp với hoàn cảnh thực tế vốn cũng đã thay đổi rất nhiều trong mấy năm vừa qua.

Có một điều tuy đương nhiên nhưng cũng nên khẳng định lại, đó là ở đâu, bao giờ và trong bất cứ thời điểm nào thì nhận định sau đây bao giờ cũng đúng:

“ Đó là chế độ Cộng Sản không bao giờ đem lại tự do, hạnh phúc cho con người và tạo dựng được một xã hội công bằng, phát triển và thịnh vượng. ”

Sáu năm về trước, cái tạm gọi là chân lý này hầu như chỉ phổ biến đối với người thuộc chế độ Miền Nam cũ, nhưng nay thì càng ngày thực tế càng cho thấy, ngay cả những người được tôi luyện trong xã hội Cộng Sản cũng đã nhận ra và đã có nhiều người công khai phát biểu.

Nhìn lại 10 năm trở về trước, những tên tuổi như Dương Thu Hương, Tiêu Dao Bảo Cự, Hà Sĩ Phu, Hoàng Minh Chính, Lữ Phương, Nguyễn Kiến Giang, Nguyễn văn Trấn..v..v ...dù tên tuổi của họ vẫn tồn tại trước đó nhưng họ đã không xuất hiện ồn ào, phong phú và đa dạng như thời gian gần đây. Liên tục trong vài năm qua, họ cũng như nhiều trí thức khác trong nước đã cất lên tiếng nói tuy còn trong mức độ tuỳ thuộc vào hoàn cảnh và vị trí mà họ đang sống, nhưng nội dung đã không chỉ bộc lộ sự thay đổi nhận thức riêng tư mà họ đã hướng rất nhiều về những nguyện vọng chung của dân tộc.

Sự kiện xẩy ra như thế đã phù hợp với hoàn cảnh thực tế trong đó hàng loạt chế độ C.S. đã sụp đổ ở các nước Đông Âu và ngay cả Liên Xô nữa. Như thế, theo tôi nghĩ, nhất thiết con đường chống Cộng của người Việt ở hải ngoại phải được đặt trước một hoàn cảnh mới, đòi hỏi phải có một nhãn quan mới qua đó có thể đề ra được những sách lược mới thích nghi được với tình thế hiện nay.

Vào thời điểm mà cuộc phỏng vấn của nhà báo Nguyễn Vạn Hùng được thực hiện, tôi đã góp phần cùng với nhiều anh chị em văn nghệ sĩ khác đi tìm một phương thức đấu tranh trong chiều hướng này, và đó là lý do cuốn Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương đã được xuất bản vào cuối năm 1990 sau gần 2 năm chuẩn bị cùng với sự ra mắt của một vài tờ tạp chí có cùng một khuynh hướng như tờ Hợp Lưu, tờ Đối Thoại, hay những cuộc trao đổi, thảo luận cùng các sinh hoạt khác.

Cũng chính từ những hoạt động này mà đã có nhiều người cho rằng chúng tôi chủ trương giao lưu văn hóa, một từ ngữ tức cười thay, không do chúng tôi đặt ra, và ngay cả cho tới nay, chúng tôi cũng chưa hề thảo một bản văn nào đem công bố để vận động cho một trào lưu mang cái danh nghĩa đó !

Tôi còn nhớ họa sĩ Khánh Trường cách đây 5 năm khi làm bản maquette cho tờ tạp chí của mình, anh dự định lấy tên tờ báo là Giao Lưu, nhưng chính tôi đã góp ý nên đổi là Hợp Lưu để tránh ngộ nhận. Anh Khánh Trường đã chấp nhận ý kiến đó và tờ báo của anh vẫn còn mang cái tên Hợp Lưu cho đến tận ngày hôm nay.

Nhưng ta hãy gạt qua chuyện từ ngữ để đi vào thực chất của vấn đề. Đối với chúng tôi, dù trong bất cứ một sinh hoạt văn hoá nào, chuyện giao lưu văn hoá một chiều chỉ là chuyện thơ ngây, phi lý, không cần phải có người dạy dỗ cho thì mới biết. Bởi nếu có sự giao lưu đúng nghĩa thì sách báo của người Việt ở hải ngoại đã tràn ngập thị trường ở trong nước rồi.

Ở đây, tôi thấy cần phải nhắc lại rằng khi đề cao phong trào văn chương phản kháng vào thời điểm đó, chúng tôi chỉ mong mỏi nối được vòng tay với những ngòi bút phản kháng ở trong nước, cổ võ họ, nâng đỡ tinh thần họ, và nếu có thể, yểm trợ được họ trong công cuộc phổ biến những tác phẩm do họ đã viết để khơi dậy một cao trào văn chương phản kháng, nói lên được tâm tư và nguyện vọng của toàn thể dân tộc ngõ hầu góp phần vào công cuộc đấu tranh cho Tự do và Dân chủ trên quê hương.

Trong một vài lần phát biểu ở đây đó rải rác trong mấy năm vừa qua, tôi cũng đã từng nhấn mạnh rằng:

“ Chúng tôi không chủ trương thỏa hiệp với cường quyền hay bạo lực. Bởi khi người cầm bút thỏa hiệp với bất cứ một bạo quyền nào thì anh ta cũng sẽ chỉ là một thứ công cụ và tự biến vai trò độc lập của mình trở thành một thứ văn nô vốn là điều mà không một người cầm bút chân chính nào chấp nhận.”

Nhưng để tiến tới việc chấp nhận những con người phản kháng ở trong nước, nhìn lại điểm khởi đầu từ sáu bẩy năm về trước, tôi nhận thấy đó không phải là một tiến trình suông sẻ bởi vì đã có một thành kiến khá phổ biến cho rằng hễ đã là người của Cộng sản rồi thì dù có thay đổi thế nào cũng không còn gì để đối thoại nữa. Đây là một thành kiến dễ giải thích vì nó xuất phát từ những kinh nghiệm thực tế, nhiều khi bao gồm cả những sự mất mát, đau thương, đổ vỡ với những vết thương rất khó hàn gắn, bởi vì - như tất cả mọi người đều thấy, - kể từ khi chiến tranh chấm dứt, nhân dân miền Nam đã bị xô đẩy vào một cuộc trầm luân mới với biết bao sinh mạng bị hy sinh một cách phí uổng trong rừng sâu, nơi biển cả, trong các trại tù trại cải tạo hay trong những vùng gọi là kinh tế mới. Biết bao nhiêu đau thương, mất mát, chia lìa trong các hoàn cảnh đó, đã ghi thành những dấu ấn hết sức nặng nề về cả mặt tinh thần cũng như thể xác đã khiến cho lòng căm thù có môi trường để nẩy nở lên một cách hết sức chính đáng, khiến cho nhiều người hầu như không muốn thay đổi nhận thức của mình.

Hậu quả là cho tới nay vẫn còn những khuynh hướng khoanh vùng, vạch vòng phấn, loại cả ra ngoài những nhân sự vốn trước đây tuy không đứng chung trong cùng một hàng ngũ nhưng nay cũng đã chia xẻ với mình một ước mơ về một tương lai tốt đẹp của quê hương, dân tộc. Tôi cho rằng sự chấp nhận một cuộc thay đổi nhận thức trong thực trạng đó quả là một điều hết sức khó khăn, đòi hỏi nhiều sự thao thức, trăn trở.

Nhưng vấn đề đặt ra là thời gian càng trôi qua, cuộc diện thế giới và thực trạng ở quê hương đã có nhiều thay đổi, vì thế vấn đề Việt Nam bây giờ không còn chỉ là vấn đề riêng của người dân miền Nam như trước đây nữa mà đã trở thành vấn đề chung của cả dân tộc, mọi chiều hướng giải quyết nhất thiết đều phải đặt trước một nhu cầu không thể chối bỏ đó là sự thống nhất đất nước và thống nhất dân tộc .

Trong hơn 20 năm qua, lòng hận thù chính đáng kể trên đã có nhiều cơ hội để thử lửa, nhưng chưa bao giờ nó cho thấy sự nuôi dưỡng hận thù trong một nhãn quan khô cứng lại là một giải pháp tốt đẹp nhất, không bị lãng phí thời gian nhất trong công cuộc phục hồi và xây dựng quê hương.

Cho nên tôi vẫn tha thiết khẳng định là chúng ta cần phải mở rộng hàng ngũ dân tộc để tạo dựng sức mạnh cho chính mình, đó là hàng ngũ của những con người không phân biệt quá khứ chính trị hay điều kiện địa dư, miễn là cùng chia sẻ với nhau một mơ ước là xây dựng một quê hương tôn trọng giá trị nhân phẩm và quyền làm người trong một xã hội tự do, dân chủ, hòa bình và thịnh vượng.

Muốn tạo dựng một hàng ngũ như thế, tôi thiết nghĩ chúng ta phải mạnh dạn bước qua những ý tưởng hận thù, như chính ông Nguyễn đình Huy cũng đã phát biểu trong cuộc phỏng vấn in trong tuyển tập được ra mắt ngày hôm nay. Tôi xin phép được nhắc lại nguyên văn lời phát biểu ấy như sau:

" Nói đến hận thù thì có lẽ chúng tôi là những người hận thù nhiều hơn ai hết vì gần 17 năm nằm trong các trại tù. Thế nhưng chúng tôi phải lấy súng tự bắn vào trái tim thù hận của chính mình và bắn cây súng khác vào sự chia rẽ và nghèo khổ của dân tộc.”

Chủ trương của ông Nguyễn đình Huy hoàn toàn phù hợp với quan điểm của tôi khi vận dụng công tác văn hóa vào công cuộc vận động chung của dân tộc.

Thưa quý vị, dù thế nào thì những điều tôi vừa phát biểu cũng chỉ là những cảm nghĩ riêng tư, có thể có người chấp nhận, cũng có thể có người sẽ nêu ra nhiều vấn đề để bàn cãi. Tuy nhiên, đó không phải là mục tiêu của một buổi ra mắt tác phẩm. Trong phạm vi của buổi tổ chức hạn hẹp ngày hôm nay, tôi rất tiếc là đã làm mất thì giờ của quý vị. Tôi xin chân thành cám ơn toàn thể qúy vị đã lắng nghe và một lần nữa, xin cám ơn nhà báo Nguyễn Vạn Hùng cùng ban tổ chức đã cho tôi cơ hội phát biểu ngày hôm nay.

NHẬT-TIẾN
26-6-1996

khieman
03-17-2014, 02:54 AM
.


Vĩnh biệt nhà báo Vũ Ánh !



http://2.bp.blogspot.com/--M6SXkZo8aw/UyVdcnMv4-I/AAAAAAAAcDg/-KWFwWuBQVE/s1600/10001458_680594478653899_339392136_n.jpg (http://2.bp.blogspot.com/--M6SXkZo8aw/UyVdcnMv4-I/AAAAAAAAcDg/-KWFwWuBQVE/s1600/10001458_680594478653899_339392136_n.jpg)

Nhà báo Vũ Ánh ( 1941-2014)


Nhà báo Vũ Ánh vừa đột ngột qua đời tại tư gia ở quận Cam, California, vào chiều ngày Thứ Sáu, 14 tháng Ba, 2014, thọ 73 tuổi.

Nhà báo Vũ Ánh tên thật Vũ Văn Ánh sinh ngày 5 tháng Năm, 1941 tại Hải Phòng. Ông là nhà báo kỳ cựu của làng báo Việt Nam trước 1975 cũng như tại Quận Cam từ khi ông sang Mỹ theo diện H.O.

Nhà báo Huy Đức viết:

"Ông làm báo năm 23 tuổi, từng là một phóng viên chiến trường, thời Việt Nam Cộng Hòa. Trong ngày 30-4-1975, tuy đang là Chánh Sở Thời Sự (Truyền thanh Quốc gia), từng chấp bút nhiều bài diễn văn cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, nhưng ông vẫn ở lại để chứng kiến những giây phút cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa... Ông là nhà báo Vũ Ánh, sinh năm 1941 tại Hải Phòng. Sau khi đến Mỹ (1992), ông là chủ bút tờ báo Người Việt ở California trong nhiều năm. Nói chuyện với ông, không ai nghĩ, con người canh cánh nỗi nhớ Nước ấy lại có thể dùng những ngôn từ rất điềm đạm để nói về Chế độ đã từng “cải tạo” mình 13 năm, trong đó riêng thời gian biệt giam tổng cộng lên đến sáu năm. Trưa qua, thứ Sáu, 14-3-2014, sau khi viết bài báo cuối cùng, gửi đi, ông đã có một giấc ngủ dài, vĩnh viễn. Vĩnh biệt "Chú Ánh", một nhà báo mà tôi vô cùng kính mến."

Vâng, vĩnh biệt chú Ánh, cầu cho chú bình an nơi cõi Phật.

Dưới đây là bài báo cuối cùng của nhà báo Vũ Ánh, ông mất sau khi gửi bài báo đi chưa đầy 5 tiếng.




Hà Nội vẫn chưa đủ niềm tin cởi trói báo chí

Vũ Ánh




http://2.bp.blogspot.com/-ObVyXpsi_FA/UyVdJPwTa_I/AAAAAAAAcDY/RPKDq5UiTnQ/s1600/World-press-freedom-day-index-cover.jpg (http://2.bp.blogspot.com/-ObVyXpsi_FA/UyVdJPwTa_I/AAAAAAAAcDY/RPKDq5UiTnQ/s1600/World-press-freedom-day-index-cover.jpg)


LTS. Nhà báo Vũ Ánh đã đột ngột từ trần vào trưa ngày thứ Sáu 14 tháng Ba, 2014 tại nhà riêng. Vào lúc 11 giờ 37 phút trưa hôm ấy, ông đã gửi qua email bài viết "Hà Nội vẫn chưa đủ niềm tin cởi trói báo chí" đến báo Người Việt để đi vào ngày hôm sau (thứ Bảy) như thường lệ.

Có thể coi đây là bài viết cuối cùng của nhà báo Vũ Ánh. Và cũng là một "tình cờ định mệnh", chủ đề của bài là tự do báo chí, một vấn đề ông quan tâm hầu như suốt cuộc đời làm truyền thông của ông. Chúng tôi xin đăng lại bài này như một nén hương kính viếng ông, đồng thời bày tỏ, qua ngòi bút của ông, niềm ao ước sớm có tự do báo chí trên đất nước Việt Nam.
Diễn Đàn Thế Kỷ (http://www.diendantheky.net/2014/03/vu-anh-ha-noi-van-chua-u-niem-tin-coi.html)

Nếu mà ngày nay có người nào có đủ kiên nhẫn ngồi điểm lại những tác phẩm và các giáo trình chính yếu về tự do báo chí tại những trường đại học báo chí ở nước Pháp và ở Mỹ không thôi và bắt đầu từ một giai đoạn nhất định, chẳng hạn như kể từ khi Tổng Thống Thomas Jefferson (1743-1826) viết một lá thư cho James Curie vào ngày 28 tháng 1 năm 1786 cho đến nay, tôi nghĩ rằng ông ta sẽ bị dẫn vào một mê hồn trận và sẽ có thể không tìm được lối ra.

Từ hàng trăm năm tranh đấu của nhiều tác giả trên khắp thế giới cho đến ngày Tổng Thống Thomas Jefferson phải nhìn nhận “Nền tự do của chúng ta (Mỹ) tùy thuộc vào tự do báo chí và điều này không thể bị giới hạn mà không gây tổn thất,” con người đã phải đổ ra biết bao xương máu, chất xám, các cuộc vận động, phản đối, thậm chí phải trả những cái giá của tù đầy mới có được sự nhìn nhận tự do báo chí như một đệ tứ quyền sau tam quyền phân lập ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, người Mỹ cũng đã phải mất ít nhất gần 200 năm để tìm ra một định nghĩa thế nào là quyền tự do báo chí tương đối phù hợp với hoàn cảnh của Hoa Kỳ ngày nay. Có rất nhiều chuyện để nói về định nghĩa này, nhưng dù quyền tự do báo chí được nhìn dưới nhãn quan nào đi nữa thì cũng không thể vứt bỏ đi được nền móng của nó. Ðó là quyền được phổ biến ý kiến, tư tưởng bằng ấn bản mà không bị nhà nước kiểm duyệt. Riêng đối với dân chúng Hoa Kỳ, họ được hưởng quyền này dưới sự bảo vệ của Ðệ Nhất Tu Chính Hiến Pháp.

Còn tại Việt Nam, trước ngày 30 tháng 4, 1975 cũng như sau này, giới báo chí và truyền thông chưa được hưởng quyền tự do lẽ ra họ đã phải có từ lâu rồi. Trước thời điểm này, Việt Nam vẫn còn trong tình trạng bị chia đôi, miền Bắc theo khối Cộng Sản thì dĩ nhiên báo chí và truyền thông là độc quyền của nhà nước. Miền Nam Việt Nam theo chế độ Cộng Hòa và được Hoa Kỳ liệt vào vị trí là “tiền đồn của thế giới tự do.” Ở tiền đồn này, có cả báo tư nhân lẫn báo của chính phủ hoặc do chính phủ tài trợ, nhưng tư nhân không được phép có đài phát thanh hay đài truyền hình. Ngoài tình hình vừa kể, từ thời Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, cho tới giai đoạn chính phủ quân nhân rồi đến giai đoạn có một chính phủ do cuộc bầu cử năm 1967, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu vẫn duy trì một cơ quan kiểm duyệt báo chí và sách. Cơ quan kiểm duyệt báo chí và văn hóa phẩm sau đó được mang một cái tên trá hình là Sở Phối Hợp Nghệ Thuật thuộc Bộ Dân Vận và Chiêu Hồi để bị chỉ trích từ nước ngoài. Dĩ nhiên là so với báo chí và truyền thông của miền Bắc lúc đó thì sinh hoạt của báo chí truyền thông tại miền Nam Việt Nam dễ thở hơn. Nhưng người Tây phương, nhất là giới báo chí truyền thông Mỹ hoạt động ở Saigon không chấp nhận lối giải thích cũng như so sánh này và cũng chẳng có một trường đại học báo chí nào trên thế giới gọi một nền báo chí truyền thông tại một nước có cơ quan kiểm duyệt sách báo là một nền báo chí tự do cả!

Tôi đưa ra một vài điển hình về sinh hoạt báo chí ở miền Nam Việt Nam trước 30 tháng 4, 1975 mà tôi đã có hơn 11 năm làm việc và sinh hoạt trong ngành để độc giả dễ dàng đối chiếu với sinh hoạt báo chí truyền thông hiện nay tại Việt Nam sau 39 năm cuộc chiến Việt Nam chấm dứt và Hà Nội đã điều hành toàn bộ đất nước. Ngày 10 tháng 3 vừa qua, bộ trưởng Thông Tin và Truyền Thông Việt Nam, ông Nguyễn Bắc Sơn đã cho biết theo thống kê, Việt Nam hiện đang có 838 cơ quan báo chí in với 1,111 ấn phẩm, trong đó có 89 ấn phẩm điện tử và 265 trang thông tin tổng hợp. Nhưng cho tới nay, ở Việt Nam tư nhân không được phép xuất bản và các tác giả có tác phẩm thuộc bất cứ thể loại nào cũng phải xin phép nhà nước, nếu không có phép thì không thể in tác phẩm của mình được. Trong số các cơ quan báo chí vừa kể, không có một tờ báo nào của tư nhân. Mới đây nhất là vào ngày 11 tháng 3, xuất hiện trong một cuộc hội thảo về tự do báo chí ở Hà Nội, Bộ Trưởng Thông Tin và Truyền Thông Nguyễn Bắc Sơn loan báo quyết định của bộ là tạm ngưng cấp giấy phép thành lập cơ quan báo chí và nói thẳng là chính phủ sẽ giảm bớt số lượng báo đang hoạt động. Trang chủ của Bộ Thông Tin và Truyền Thông trích lời Bộ Trưởng Nguyễn Bắc Sơn cho biết, quyết định trên được đưa ra để chính phủ có thời gian chuẩn bị báo cáo “Quy hoạch báo chí đến năm 2020” trình Bộ Chính Trị. Ông nhấn mạnh đây cũng là dịp để “rà soát, giảm bớt những tờ báo hoạt động không đúng tôn chỉ và mục đích.” Nói về bản quy hoạch báo chí đến năm 2020, Bộ Trưởng Nguyễn Bắc Sơn nhấn mạnh đây sẽ là một cuộc cách mạng trong hoạt động báo chí và nếu được phê duyệt sẽ giúp hướng tới việc định “số lượng báo chí hợp lý, chất lượng cao hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu xã hội.”

Dĩ nhiên, giới làm báo, làm truyền thông kể cả những blogger không dễ gì tin vào những lời của ông Sơn. Sinh ra, lớn lên, học hành và vào nghề ở Việt Nam, những nhà báo thuộc thế hệ “bao cấp” hay thế hệ “mở cửa” ở Việt Nam ngày nay đều đã hiểu rất rõ thế nào là một tờ báo hoạt động không đúng tôn chỉ và mục đích. Từ bao lâu nhóm từ này đã được nhà cầm quyền sử dụng để nâng quan điểm, để chụp mũ cho những quan điểm ngược chiều với quan điểm của đảng, nhà nước và chính phủ. Bởi vì không lẽ các tờ báo như Thanh Niên, Tuổi Trẻ chỉ phục vụ và nói về thanh niên và tuổi trẻ chứ không đề cập đến vấn đề chống tham nhũng hay cửa quyền? Không lẽ tờ báo với cái tên chẳng hạn như Người Cao Tuổi thì lại chỉ nói tới những vấn đề của người già chứ không được thắc mắc về số tài sản kếch xù của những ông Phó Tổng Thanh Tra Nhà Nước như vừa rồi họ đã làm? Và câu hỏi được đặt ra: Liệu tờ Người Cao Tuổi có làm đúng mục đích và tôn chỉ của tờ báo không? Thực ra, ông Nguyễn Bắc Sơn đã có một kết luận rất rõ cho công tác mà ông gọi là công tác quản lý báo chí của bộ, đó là báo chí “cần tập trung tuyên truyền hiệu quả đường lối của đảng và nhà nước” và “vào cuộc tuyên truyền đấu tranh với các đối tượng sai trái và thù địch.” Ðấy, nói dông nói dài thì cuối cùng Hà Nội chỉ muốn nếu tờ báo nào có sai tôn chỉ mục đích nhưng cùng một lề phải với nhà nước và chính phủ thì cũng không bị rút giấy phép, ngược lại tờ báo nào dù có làm đúng tôn chỉ mục đích mà cứ lâu lại nhập bọn với bên lề trái thì cũng vẫn có thể bị trừng phạt như thường.

Tuy nhiên, Tiến Sĩ Huỳnh Văn Thông, khoa trưởng khoa Báo Chí thuộc Ðại Học Quốc Gia ở Saigon dường như không đồng ý lắm với nội dung những lời tuyên bố của Bộ Trưởng Nguyễn Bắc Sơn khi ông cho rằng trên thực tế quốc gia nào cũng có những khó khăn về mặt an ninh và chính trị nên không có vấn đề tự do báo chí tuyệt đối và phải có những “vùng cấm thông tin” và “vùng nhạy cảm” phải định nghĩa rõ ràng và nhận diện được vùng cấm đó. Lên tiếng với đài BBC Việt ngữ vào ngày 11 tháng 3, ông Sơn nhấn mạnh rằng nếu các nội dung, chủ đề không được phân chia rõ ràng bằng một “ranh giới được định nghĩa về phương diện pháp lý thì chuyện nhạy cảm hay không nhạy cảm về thông tin là vấn đề khá khó xử trong nhiều trường hợp.” Chủ trương vùng cấm thông tin thực ra chỉ là một quan điểm đã xưa cũ về thiết quân luật và tuyên bố tình trạng khẩn trương trước Ðệ Nhất và Ðệ Nhị Thế Chiến tại Âu Châu. Nhưng ngay cả khi có thiết quân luật và kiểm duyệt báo chí, nhà cầm quyền cũng không thể chi tiết hóa thế nào là những nguồn tin vi phạm an ninh quốc gia.

Cho nên, khi truy tố một nhà báo ra trước tòa về tội xâm phạm an ninh quốc gia thì vấn đề giải thích luật pháp bằng những án lệ được ra. Chính việc giải thích luật pháp này đã khuyến khích những nhà lãnh đạo chủ trương độc tài đưa ra những cấm đoán khắt khe để bảo vệ quyền lực của mình. Ngoài ra, trong cuộc sống hàng ngày, quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận trong nhiều trường hợp bị giới hạn bởi luật hình sự qui định các tội danh như phỉ báng, vu khống, hành động tục tĩu, kích động nổi loạn, ghét người thiểu số, vi phạm bản quyền và tiết lộ những tin tức được xếp vào loại mật sẽ không được quyền tự do ngôn luận bảo vệ (ở Mỹ những tội danh này không được Ðệ Nhất Tu Chính Án Hiến Pháp về quyền tự do ngôn luận bảo vệ).

Vừa rồi, một nhà báo gốc Việt ở Luân Ðôn, ông Nguyễn Giang, trưởng Ban Việt Ngữ của đài BBC đã viết một bài báo khá súc tích đề cập tới tinh thần cởi mở, nghiệp vụ được đánh giá là cao của khối phóng viên Việt Nam khi săn tin về việc tìm kiếm chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia mất tích mà cho tới nay vẫn chưa tìm ra tung tích. Theo lời tác giả, chính giới báo chí Việt Nam là những nguồn tin đầu tiên cung cấp cho cả thế giới để họ ào ào kéo tới Việt Nam và Malaysia để săn tin. Họ khơi mào cho một công tác cứu hộ quốc tế mà Hà Nội giữ vai trò tiên phong và rất cởi mở trong việc giúp đỡ báo chí quốc tế tham dự vào việc tường thuật công tác này y như một đất nước mà báo giới không hề bị trói chân, bịt miệng. Tác giả cho rằng chính vụ cứu nạn này mà Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng khá tốt với dư luận quốc tế. Báo giới Việt Nam lần đầu tiên đã chứng tỏ cho thấy là họ xứng đáng được hưởng một nền tự do báo chí. Tác giả Nguyễn Giang đã viết như vậy và ông nhấn mạnh:

“Như tôi đã có lần viết, trong ngoại giao, gồm cả đối ngoại bằng truyền thông, hệ thống ở Việt Nam luôn có tiềm năng làm được nhiều điều tốt vì ra bên ngoài là có cạnh tranh và phải bám theo các chuẩn (định) quốc tế. Ở trong nước, như một số blogger đã nêu, nếu chính quyền cũng chú ý ở mức độ tương tự tới các vụ tai nạn của công dân Việt Nam thì sẽ được tiếng là không nhất bên trọng, nhất bên khinh bởi nạn nhân MH370 toàn người nước ngoài. Về quản lý báo chí, nếu sự cởi mở, nhạy bén và thẳng thắn như vậy được áp dụng đều đặn thì chắc chắn nhiều vấn đề khác, từ ngư dân gặp nạn trên biển tới các án chống tham nhũng hay nhân quyền... đều hoàn toàn có thể được dư luận trong và ngoài nước nghi nhận công bằng và chính xác. Vì về lâu dài, bản chất của dư luận là không thiên vị với bất cứ ai. Vấn đề trong quản lý báo chí là nhà chức trách có dám tin hẳn vào điều đó hay không.”

Nói tóm lại, từ những loan báo của Bộ Trưởng Thông Tin và Truyền Thông Nguyễn Bắc Sơn và một số phản ứng của những giới chức đang làm công việc đào tạo người làm báo, truyền thông cho Việt Nam và của nhiều tác giả trên những mạng xã hội ở trong cũng như ngoài nước, người ta vẫn thấy sự giằng co giữa những người làm công tác quản lý báo chí và giới làm báo về quyền tự do báo chí trong đó một câu hỏi lớn được đặt ra. Liệu việc cởi trói cho báo chí và truyền thông Việt Nam có đe dọa vị trí của đảng CSVN, đảng đang độc quyền điều hành nhà nước và chính phủ không? Hay là chỉ bớt xen hoặc chặt đứt hẳn số lượng các tờ báo có thể tạo ra dư luận đe dọa đến thượng tầng lãnh đạo của Việt Nam rồi vạch ra một đường biên nhất định nào đó? Hoặc phải trở lại tình hình khắt khe như thời chưa mở cửa? Ðúng như lời tác giả Nguyễn Giang, về lâu về dài bản chất của dư luận là không thiên vị ai, nhưng vẫn còn một hoài nghi mà trong tiểu sử của mình, Joseph Pulitzer, một nhà báo đã được lấy tên cho giải thưởng báo chí cao quí nhất của Hoa Kỳ đã có lần viết ra:

"Liệu người ta định đến mức nào của trình độ hiểu biết và giáo dục trong khối quần chúng để dư luận có thể loại bỏ sự thiên vị?"

Nhưng không may, Hà Nội hiện nay vẫn giữ tập quán cũ nhìn đâu cũng thấy kẻ thù của mình nên họ không thể hiểu được rằng tự do báo chí sẽ củng cố quyền lực của họ mạnh mẽ hơn. Nhìn vào tình trạng không có tự do báo chí của Việt Nam, nhìn lại mạng lưới báo chí, truyền thông Việt ngữ, các mạng xã hội ở hải ngoại, nhất là Hoa Kỳ, người ta không thể phủ nhận được rằng việc chấp nhận một luồng dư luận, hay tư duy hoặc những phương thức khác nhau để cùng tiến tới một mục tiêu chung vẫn còn là một thử thách lớn trong cộng đồng người Việt Nam chỉ vì một thiểu số không tin rằng việc chấp nhận thảo luận hòa bình hay một luồng dư luận đối nghịch để cân bằng (balance) sẽ giúp chúng ta xứng đáng được gọi là người tự do và từ đó cộng đồng có thể sẽ mạnh hơn.




http://bolapquechoa.blogspot.com/2014/03/vinh-biet-nha-bao-vu-anh.html