PDA

View Full Version : Nơi những sư cô làm mẹ, làm thầy



duyanh
04-28-2014, 01:33 PM
Mái chùa ấy là nơi để tình yêu thương lan tỏa, hơn hai trăm cuộc đời nắm níu lấy nhau. Nơi ấy, có những vị sư cô vừa làm cha, vừa làm mẹ…


http://www.vietfreefun.com/extras/upload/images/1398691963_5535e4be1a3348.img.jpg
Sư cô Thích Nữ Liên An bên những đứa con của mình.

Men theo con đường nhỏ thuộc địa phận xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng tôi tìm đến chùa Đức Sơn, một địa chỉ từ thiện hiện đang nuôi dạy 200 trẻ em nghèo, mồ côi, tuổi từ sơ sinh đến trưởng thành (có 10 em sơ sinh, 10 em khuyết tật, 18 em tuổi mẫu giáo, số còn lại đang theo học các lớp trung học, cao đẳng, đại học).
Một buổi sớm mùa Đông cách đây 28 năm (1986), khi tiếng chuông chùa vừa điểm giữa canh trong sự tĩnh lặng của chốn cửa phật, sư cô trụ trì Thích Nữ Minh Tú bỗng giật mình nghe tiếng khóc của trẻ sơ sinh. Linh tính mách bảo đó là một sinh linh bị bỏ rơi, lập tức nhà sư chạy ra cổng, bế đứa trẻ bé nhỏ ấy vào chùa chăm sóc. Những ngày đầu tập “làm mẹ” của người muốn trút hết “hỉ nộ ái ố” thật vất vả… Bằng tình thương vô lượng, ngày ngày nhà sư nấu cháo, lấy nước hồ cho bé ăn. Cũng từ đó, mái ấm tình thương chùa Đức Sơn ra đời với bao câu chuyện cổ tích về tình người.
Kể với chúng tôi về nghiệp duyên ấy, sư cô trụ trì Thích Nữ Minh Tú không khỏi bùi ngùi. Mái ấm tình thường khi mới thành lập khó khăn đủ bề, các sư cô phải ăn sắn trộn cơm và chằm nón để có tiền mua sữa cho các em nhỏ. Dần dần, với sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm và sự nỗ lực không ngừng của các sư cô, hiện chùa Đức Sơn trở thành địa chỉ đáng tin cậy nuôi dạy trẻ mồ côi.
Chúng tôi tới khu dành cho những đứa trẻ dưới 5 tuổi. Chúng tôi có cảm giác như vào khoa nhi của một bệnh viện vì rất nhiều em nhỏ bị bệnh tật hành hạ thiêm thiếp trên giường. Chỉ vào mấy đứa trẻ đang tíu tít nô đùa, sư cô nói: “Đứa trẻ áo vàng hay cười ấy là Cù Thiện Hoa, bởi nhà chùa nhặt được cháu trong vườn hoa rồi đem cháu về nuôi khi chỉ còn mong manh hơi thở nên đặt tên là Hoa. Còn cháu gái mặc quần áo trắng nằm trên giường kia là Kiều Thiện Ngọc, tên thường gọi là Bầu. Cháu bị bệnh nặng lắm nhưng vẫn cố gắng điều trị!”. Cúi xuống bế bé Bầu đang nằm trên giường, sư cô mắt rưng rưng cho biết: “Cháu bị bệnh nặng lắm!”.
http://nguoicaotuoi.org.vn/wp-content/uploads/2014/04/noi-20-su-co-1.jpg
Các cháu nhỏ trong mái ấm tình thương chùa Đức Sơn.
Các bé ở đây đa phần bị bỏ rơi nên khi nhận vào chùa nếu là bé trai thì mang họ Cù Thiện, bé gái thì mang họ Kiều Thiện. Sư cô Minh Tú tự hào: “28 năm qua có 144 cháu rời khỏi chùa, nhiều cháu đã có gia đình, có việc làm ổn định, có một số cháu vượt qua nghịch cảnh hiện trở thành bác sĩ, kĩ sư… Dù trưởng thành, đã rời xa mái ấm tình thương để tự lập nhưng các em vẫn cung kính khắc ghi công lao nuôi dạy của các sư cô ở đây…
Sư cô Minh Tú kể: “Trong một lần đi làm từ thiện, tình cờ bắt gặp cháu đỏ hỏn chỉ nặng hơn 900 gam bị bỏ rơi. Tôi đưa cháu về chùa nuôi dưỡng và đặt tên là Cù Thiện Sanh. Để nuôi cháu, các sư nữ chắt chiu từng đồng mua sữa, mua thuốc. Đến nay, Cù Thiện Sanh rất khỏe mạnh và học giỏi như các bạn cùng trang lứa”. Trường hợp đặc biệt nữa mà các sư cô hay kể để làm gương cho các em noi theo là Đào Duy Long, 24 tuổi, sinh ra trong một gia đình khó khăn ở huyện A Lưới, bố mất sớm, một mình mẹ bệnh tật nuôi 3 anh em. Quá cực khổ nên mẹ gửi Long vào chùa Đức Sơn khi em 10 tuổi. Được các sư cô chăm sóc, dạy bảo nên Long học rất giỏi. Năm 2006, Long đỗ vào Trường Đại học Kinh tế Huế với số điểm khá cao. Ra trường được nhận vào làm việc tại một ngân hàng có trụ sở ở thành phố Huế. Dù bận rộn, Long dành nhiều thời gian, công sức trực tiếp vận động ủng hộ để nhà chùa có điều kiện chăm lo cho các cháu bé.
Sư cô Minh Tú cùng với 23 sư cô trong chùa vừa là mẹ, cũng vừa là cha chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy bảo các em. Đảm nhiệm cả lớp mẫu giáo 29 em và 40 em đang học cấp 1 nhưng sư cô Thích Nữ Liên An luôn nở nụ cười thân thiện. Trước đây, gia đình sư cô rất nghèo khó. Từ nhỏ, sư cô Liên An thích đi tunhưng gia đình không cho phép. Sau này, khi ba mẹ mất, sư cô Liên An xin vào chùa đi tu theo ý nguyện. Hỏi về nỗi vất vả, sư cô Liên An chia sẻ: “Khi thấy sư cô Minh Tú bồng bé bị bỏ rơi đầu tiên vào chùa, ai cũng lo lắng, nhưng sau đó đều nghĩ là người xuất gia không quay lưng với nỗi đau thế thái nhân tình mà phải san sẻ tình thương cho những ai thiếu thốn tình cảm, vật chất”.
Hằng ngày, sư cô dậy từ 4 giờ sáng để lo việc phật sự. Sau đó vào bếp cùng mọi người làm bữa ăn sáng rồi tắm rửa, thay tã, cho các bé ăn, chơi, ngủ… Đối với các bậc cha mẹ, việc chăm sóc, nuôi dưỡng một đứa trẻ đã khó, thế mà các sư cô ở chùa Đức Sơn chăm sóc hàng trăm đứa trẻ thì nỗi vất vả nhân gấp nhường nào.
Sư cô Minh Tú tâm sự: “Tôi chỉ mong các cháu trưởng thành, khỏe mạnh. Muốn những bậc sinh thành hãy nghĩ tới để các cháu đỡ thiệt thòi trong cuộc sống, để chúng lớn lên có ích cho xã hội và không cảm thấy mặc cảm về thân phận của mình!”. Chia tay các sư cô ở chùa Đức Sơn, khi cái nắng chiều oi bức tháng 4 ở Huế dịu hẳn mà câu nói của trụ trì khiến chúng tôi day dứt mãi: “Mai này, dù có thế nào, chúng tôi cũng nguyện đem hết sức mình chăm lo cho cuộc sống của các cháu để bù đắp những mất mát, thiệt thòi mà các cháu đã phải chịu!”.


theo org