PDA

View Full Version : Chuyện của người đàn bà bị đưa sang Trung Quốc làm vợ để chữa bệnh tâm thần



duyanh
05-07-2014, 12:07 PM
Chuyện của người đàn bà bị đưa sang Trung Quốc làm vợ để chữa bệnh tâm thần


Đó là một câu chuyện đầy nước mắt của những năm đầu 1980, khởi đầu từ mối tình của một người con gái xinh đẹp nơi thôn dã. Hồng nhan bạc phận, má hồng truân chuyên cũng bởi tình yêu nồng nàn bị lỡ dở và trở thành bi kịch.


http://www.vietfreefun.com/extras/upload/images/1399464358_7536a06216c2f2.img.jpg
Bà Quang Thị Vân bật khóc khi nhớ đến con. Ảnh nhỏ: Người phụ nữ tên Tâm cũng mất liên lạc suốt chục năm nay

Cô gái đẹp hóa tâm thần sau khi bị người chồng mình hết mực yêu thương phụ bạc. Người phụ nữ sau những năm tháng sống trong vô thức được gia đình đưa sang Trung Quốc lấy chồng với ý nghĩ sẽ khỏi được bệnh tâm thần. Và cuộc ra đi đã không hẹn ngày về…
Gió lạnh buồng đào Ở tuổi đôi mươi, Quang Thị Liên ở Tốt Động (huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội) là bông hoa xinh đẹp. Nước da trắng, dáng dong dỏng cao và đôi mắt ướt hút hồn vía trai làng. Liên yêu người đàn ông ngay cạnh làng bên, đó cũng là người đàn ông lý tưởng, so với Liên rất xứng đôi, vừa lứa. Yêu nhau chưa đầy năm thì Liên về nhà chồng khi mới tròn 18 tuổi. Cuộc hôn nhân vội vã của bông hoa đẹp nhất làng như một bi kịch được dự báo trước. Chuyện kể lại rằng, đêm trước cô về nhà chồng thì sáng hôm sau chàng trai lên đường nhập ngũ.
Cuộc sống vợ chồng hương chưa kịp nồng, lửa chưa kịp đượm thì phải chia ly. Gái xa chồng ngày đêm nhớ nhung sầu muộn đến héo hon. Riêng với Liên còn hờn tủi hơn khi bố mẹ chồng cứ xem cô như cái gai trong mắt. Họ đối xử tệ bạc. Họ coi cô chỉ như người ở trong nhà. Vì yêu chồng nên cô cắn răng chịu đựng sống được tám năm trời trong cảnh gối đơn, chăn lạnh. Tám năm, Liên chờ chồng từ chiến trận trở về nhưng suốt bằng ấy thời gian cô không nhận được một dòng tin tức, không có lấy một lời an ủi động viên. Tám năm thui thủi, mong nhớ, hờn giận trôi qua, chồng cô không trở về. Đối với Liên đó là cái tin chấn động. Anh ta không phải hy sinh trên chiến trường mà là say trong men danh vọng mà quên nghĩa phu thê. Nghe nói, chồng cô được giữ lại làm cán bộ quản lý trại giam và lấy con gái của một người quyền thế. Liên không tin đó là sự thật. Lời chồng nói với cô trước lúc lên đường vẫn còn văng vẳng đâu đây.

Rằng, đợi anh về chúng mình sẽ sống hạnh phúc. Liên khóc cả ngày lẫn đêm, khóc tháng này qua tháng khác, đó là sự thật. Đau đớn hơn trong đúng thời điểm đó, bố mẹ chồng phũ phàng hắt hủi, đuổi cô về nhà. Họ bảo, giờ con trai họ đã có vợ, có gia đình trong miền Nam rồi, Liên hãy trở về nhà mà tính chuyện tương lai. Xã hội khi đó còn nhiều khó khăn, Liên thì hoa tàn nhụy héo còn tính gì đến chuyện trăm năm. Cô quỳ lạy, van xin được ở lại làm con dâu cho dù chồng phụ tình, bạc nghĩa. Thế nhưng, họ vẫn kiên quyết đuổi cô ra khỏi nhà. Những tháng ngày hờn tủi Liên về nhà mẹ đẻ, năm đó là cuối những năm 1980. Vì quá buồn tủi, nhớ mong người đàn ông bạc tình mà cô mắc chứng tâm thần. Sáng tối, Liên chỉ gọi tên người bội bạc trong nước mắt và sự tuyệt vọng. Gặp ai, Liên cũng hỏi, anh Sáu (tên chồng cô) đã về chưa. Không ai trả lời, cô lại lên nhà bố mẹ chồng để tìm. Nhưng mỗi lần lên tới cổng, cô bị mẹ chồng vác chổi đánh đến thâm tím mặt mày. Càng nhớ chồng, càng đau đớn vì bị phản bội, bệnh tâm thần của Liên ngày càng trầm trọng. Gia đình đưa cô đi hết viện này đến viện khác nhưng không khỏi. Nhà Liên nghèo, bố mất sớm, chỉ có mẹ già và người anh trai. Khi Liên trở về thì người anh lấy vợ ra riêng.Cô và người mẹ già hơn 70 tuổi sống bấu víu vào nhau bằng công việc mò cua, bắt ốc kiếm sống qua ngày. Cũng vì bệnh tâm thần nên Liên không còn ý thức được gì. Cô bị hai cha con nhà hàng xóm giở trò đồi bại. Chuyện đau đớn đó cứ bị giữ kín mãi, bởi chính Liên khi đó cũng chẳng biết cái việc họ lột quần, lột áo mình đè xuống bụi chuối ấy là cái chuyện gì. Ngay cả trong cái thời điểm bi kịch này diễn ra, Liên vẫn nhớ về chồng cũ. Liên vẫn bảo, chờ một hai năm nữa anh ấy về. Chuyện của người đàn bà đẹp ấy dài quá. Chi chít những chi tiết; chi chít những éo le và đục mờ nước mắt. Thời điểm bị đuổi khỏi nhà chồng cũng có đôi lần một chàng trai khác tơ tưởng vẻ đẹp của Liên đến ướm hỏi. Nhưng cô nằng nặc chối từ tình cảm ấy vì chưa quên được người cũ.
Cô tự nhận mình là gái đã có chồng. Phải thủ tiết đợi chờ đến chết mới thôi. Liên cứ đợi. Đợi mãi. Cho đến một đêm mà đêm ấy giờ chẳng ai còn nhớ đó là cái đêm nào. Nước mắt mẹ già Khi chúng tôi đến, căn nhà trống hoác chỉ còn lại người mẹ già chống gậy liêu xiêu. Cây chuối khô lá, thân dặt dẹo giữa khoảnh vườn khô cằn đá sỏi. Nhắc đến chuyện người con gái, bà Quang Thị Vân nước mắt phủ kín khuôn mặt hàng trăm vết nhăn nheo. Bà Vân kể lại: “Sau cuộc tình đổ vỡ cái Liên nó khổ lắm. Suốt ngày nó khóc, nó dằn vặt rồi hóa điên.

Lúc bình thường nó vẫn cùng tôi đi mò cua, bắt ốc. Khi lên cơn thì nó đánh tôi như đấm bao cát. Khổ ơi là khổ”. Liên sống trong cơn điên dại hơn 20 năm trời đằng đẵng. Chưa một giây phút nào trong cơn điên ấy Liên quên được tên của người chồng, mặc dù cô quên tất cả. Bà Vân vẫn còn nhớ như in ngày con gái về nhà chồng, không cỗ bàn, không tiếng pháo, lặng lẽ đến thê thiết. Ngày con gái khăn áo trở về, bà cũng muối mặt lên nhà thông gia để van xin nhưng không làm họ đổi ý. Bước ngoặt cuộc đời người phụ nữ điên dại ấy bắt đầu vào năm 2005. Năm ấy phong trào phụ nữ quá lứa lỡ thì lên đường sang Trung Quốc lấy chồng đông như hội. Chị chị, em em hào hứng đi theo một đầu mối chuyên cung cấp vợ cho những người đàn ông Trung Quốc. Chẳng biết từ đâu mà những kẻ chuyên dẫn dắt này biết trường hợp của Liên. Họ đến nhà đề cập thẳng với bà Vân rằng, để cho họ đưa con gái bà sang Trung Quốc lấy chồng. Ban đầu bà Vân còn đắn đo. Nhà có hai mẹ con, bà tuổi gần đất xa trời cũng cần có con cái bên cạnh. Dù Liên có điên dại thì sớm tối mẹ con có nhau cũng an ủi phần nào. Nhưng miệng lưỡi của những kẻ buôn người đội lốt từ thiện này thật chuyên nghiệp. Chúng bảo bà:“Cái Liên nó bị điên là do thất tình, thiếu hơi đàn ông. Giờ cho nó sang Trung Quốc lấy chồng, nó quên được chồng cũ thì ắt nó khỏi bệnh. Không những thế, lấy được thằng chồng giàu bà còn được nhờ. Giờ Trung Quốc với Việt Nam đi đi về về dễ ợt chứ khó khăn gì đâu”. Người con trai thấy mẹ vất vả nuôi em, nhiều lúc lại dính những trận đòn thừa sống thiếu chết nên cũng đồng ý cách làm đó. Bà Vân không còn cách nào hơn là gật đầu để những kẻ buôn người đưa con gái mình đi. Bà nhớ đêm ấy là một đêm đông rét căm căm. Gần 1h sáng chiếc xe ô tô 16 chỗ nhét nhung nhúc những người phụ nữ đậu trước cửa ngõ. Những kẻ buôn người đường đường chính chính dắt tay Liên lên xe. Thấy Liên sợ hãi, bà Vân còn bảo: “Lên xe đi con. Các cô chú ấy đưa đi gặp chồng của con đấy”. Bà nói với con rồi nước mắt cứ thế chảy không cầm được. Liên đi lấy chồng. Suốt gần chục năm không một dòng tin tức. Thiên hạ đồn rằng, Liên đã chết. Liên bị bán vào động mại dâm và bị hành hạ đến chết. Bà Vân không tin. Bà đi dò hỏi khắp nơi. Hỏi người đưa đi, hỏi những cô gái đã cùng đi chuyến xe trong đêm ấy về Liên. Có một số cô đi cùng chuyến xe đó đã yên bề gia thất, họ đem chồng con về giới thiệu. Còn Liên, Liên ở đâu không một ai biết. Kẻ đưa Liên đi khi bà Vân đến tận nơi hỏi thì họ bảo, Liên đã khỏi bệnh tâm thần và đang sống rất hạnh phúc. Thế nhưng, khi bà bảo cho địa chỉ hoặc số điện thoại để bà liên lạc thì họ đưa lý do này nọ để thoái thác. Trò chuyện với chúng tôi, bà Vân không ngừng khóc. Bà bảo, chắc Liên chết rồi. Chết mất xác ở đâu đó. Bà muốn lập ban thờ, thắp cho con một nén nhang nhưng cứ mãi đắn đo. Ngay cả một tấm ảnh của Liên bà cũng không có. Bà vẫn hy vọng trong đoạn đời ngắn ngủi còn lại bà sẽ biết thông tin về con gái.


theo congly.