PDA

View Full Version : Ngược Đường Trường Thi - Nguyễn Triệu Luật



khieman
05-15-2014, 09:54 PM
.



(http://www.nhasachkimdung.com/gallery/avatar_upload/service/detail/572_31655.jpg)http://www.nhasachkimdung.com/gallery/avatar_upload/service/detail/572_31655.jpg (http://www.nhasachkimdung.com/gallery/avatar_upload/service/detail/572_31655.jpg)


Một mảnh thành này lấp vết xưa.
NGUYỄN DU

Lời tựa


Sarcha Guitry, kịch sĩ trứ danh của Pháp bây giờ, có một lối riêng về nghệ thuật thứ bảy, tôi định nói nghệ thuật chớp bóng.

Lối của ông là lối phim độc hoại (film monologué), nghĩa là tất cả cuốn phim chỉ có một người nói, hoặc đôi khi có hai ba người thì từ người thứ hai trở đi, đã không quan trọng lắm rồi. Mà người thứ nhất và độc nhất bao giờ cũng là ông. Phim Pháp kém phim Đức, phim Mỹ ở những phim hoạt động thì nghệ thuật đặc sắc của ông đã cứu cho nền nghệ thuật thứ bảy Pháp nhiều, đã gỡ danh giá cho Pháp nhiều.

Người ta lại nghiệm rằng phim lịch sử của Pháp hay bao nhiêu thì phim lịch sử của Mỹ lố lăng khó chịu bấy nhiêu. Đó chỉ tại Mỹ không có lịch sử mà lịch sử Pháp thì đặm đà phiền phức, tế nhị quá. Trong phim lịch sử thì gần đây phim của Sacha Guitry là đặc sắc nhất. Cũng độc hoại hoặc hồ như độc hoại, chuyện lịch sử quay phim của Sacha lại còn có cái đặc sắc sau này trội hơn các chuyên lịch sử quay phim khác:

Chuyện lịch sử của ông là việc trộn lẫn chân sử với bông lông. Ai đã từng xem những phim “Hạt trai trên chiếc mũ miện” (Les perles de la Couronne), “Ngược đường Elysée” (En remontant le champs des Elysée) đều nhận rõ sự trộn lẫn ấy. Song sự trộn của ông là một hóa hợp chứ không phải một hỗn hợp. Nó như một cái tài kim (alliage) trong tiền tệ. Vàng với đồng, bạc với đồng, nhưng vẫn có giá. Có giá vì không lừa ai: trên mặt khắc hẳn thành số (titre) đó. Có giá vì không ai trông nổi chỗ hàn gắn: hai chất đã ăn sâu vào nhau rồi. Có giá vì tự vẫn chân giá: chín phần vàng vẫn không bị hạ giá bởi một phần đồng. Có giá vì biết lấy chất rẻ làm cho chất đắt cứng thêm: vàng thuần thì dễ mòn, mà đồng thuần thì tuy cứng nhưng rẻ quá không đủ thủ tín trong thị trường. Lối viết sử ấy thật cũng tự có một giá trị riêng, trừ ra khi nào người ta theo chính sách các nhà tài chính thuộc phái bội tăng ngân phiếu (inflation) mà phát tràn giấy bạc ra, không ngó tới kim quỹ nữa.

Triệu Luật phỏng theo lối ấy mà viết cuốn lịch sử tiểu thuyết này. Phần chân sử ở trong tự cũng như có giá mà phần bông lông thêm thắt may ra cũng có giá. Tưởng đó là một lối viết lịch sử tiểu thuyết nên cho nhập cảng vào địa hạt văn chương ta nên đem ra thử lần đầu.

Các bạn thử thưởng thức xem.


Viết ở Vinh ngày kỷ niệm bách bán niên
Pháp-Lan Đại Cách Mệnh
NGUYÊN TRIỆU LUẬT



I
Từ cái triết lý của con số
đến cái triết lý của lịch sử


Tiết đã qua đông chí, năm đã hồ tàn. Con đường Pierre Pasquier[3] (http://vanhoanghean.com.vn/thu-vien-van-hoc-nghe-thuat/nguoc-duong-truong-thitieu-thuyet-lich-su-cua-nguyen-trieu-luat#_ftn2) (tục gọi là Đường Đôi) lạnh lẽo phơi hai mặt đường ba hàng cây [4] (http://vanhoanghean.com.vn/thu-vien-van-hoc-nghe-thuat/nguoc-duong-truong-thitieu-thuyet-lich-su-cua-nguyen-trieu-luat#_ftn3)dưới ngọn gió bấc buổi mai. Ba hàng cây sắp hàng ở một phố tây, ít người qua lại, mùa hè cho bóng mát bao nhiêu thì mùa này như thổi ra lạnh, tuôn ra rét bấy nhiêu. Những biệt thự sắp hàng rộng rãi đôi bên như còn ngủ lịm dưới đám sương mù buổi sáng. Con đường ấy cắt ngang sân trường Sinh từ mà thông ra phố Sinh từ, dường như muốn mở lối ra cái phố An Nam đầy sinh khí để đỡ nỗi lạnh lẽo những phố đầy hơi tiền lạnh ngắt là những phố tây. Quãng ấy, một ngày được sáu buổi ồn ào. Trước giờ học sáng chiều, hai buổi chơi, lũ học trò làm sôi nổi không khí vùng ấy được mươi lăm phút. Trừ sáu buổi ấy tòa nhà hai từng đứng sừng sững với tất cả cái nghiêm trọng lạnh lẽo của nơi học hành.

Trống gọi học trò nổi đã hơi lâu, trống vào học cũng gần nổi. Hàng quà bánh kẹo đã soát lại tiền vừa thu hàng vừa bán được, để sắp sửa quẩy hàng đi chỗ khác cho đến giờ chơi. Trên hiên nhà trường, ông hiệu trưởng rút đồng hồ ra nhìn rồi bảo tên loong toong:

- Mày chạy ra hàng Đẫy ngó xem đã thấy ông giáo Viên đến chưa, rồi vào đánh trống vào đi.

Tên loong toong chạy ra ngã tư nhìn xuôi về mạn Cửa Nam. Không thấy gì cả, nó lại nhìn chơi về phía Giám thì thấy nhà giáo đương lững thững từ đằng ấy tiến đến. Nó lầm rầm:

“Đã đi chậm lại còn mua đường”!

Rồi nó vào, bẩm ông hiệu trưởng:

- Đã, ông giáo con đã đến kia.

Ông hiệu trưởng bảo tên loong toong đánh trống và nói với mấy ông giáo khác:

- Cái đồng hồ hôm nay sai mất vài phút rồi. Mọi ngày cứ tiếng giầy ông ta nện bực hè là đến giờ.
Ba tiếng trống xua cả đoàn học trò đến xếp thành hàng ở trước cửa mỗi lớp. Học trò vào các lớp. Lớp nhất đi vào lộn xộn hơn, phần nhiều vì lớp học gần tất niên, một chút vì thầy đến chậm.

Ông giáo Nguyễn Lý Viên vào lớp giữa lúc học trò mới bắt đầu sắp làm ồn ào. Chân ông vào lớp như giẫm lên một cái khuy bấm của bộ máy lò xo: đều răm rắp cả lớp đứng dậy.

Cũng như cái máy, ông lấy tay vẫy học trò ngồi xuống và khe khẽ nói qua khe môi:

- Assayez vous! (các anh ngồi xuống)

Lên bục, cởi pardessus, chật mũ treo trên mắc xong, ông quay lại hỏi học trò:

- Tính kỳ trước chữa trên bảng chưa?

Học trò đều nói:

- Bẩm đã!

Và chúng lại liếc nhau cười, có ý như muốn chế cái tính hay quên của thầy: và lác đác đã có tiếng nói chuyện, cái giọng nói chuyện thì thầm nửa như tỏ ý bất mãn vì thầy bắt học như quên cả rằng buổi chiều nay đã là buổi học trò đọc văn chúc tết, thày “tán rộng” với trò, mà buổi học sáng nay, theo lệ thường cũng chỉ là buổi học chơi, nửa như kinh ngạc rằng thầy có lẽ đã chăm chỉ quá đến nỗi mặc kệ cả cái “tết cả” chạy thúc đến sát gót chân.

Gõ cái thước trên bàn để gọi học trò về chỗ trật tự kỷ luật, ông thung dung tươi cười, cái tươi cười ít khi có của ông, cái tươi cười nó làm cho học trò cũng tươi ngay, cái tươi cười muốn nói rằng: “Có thế chứ! Thầy ta cũng vui kìa”, cái tươi hỉ hả như muốn là cái phần thưởng xứng đáng của lũ trẻ thơ đối với ông thầy cần cù chăm chỉ, tận tâm, nghiêm nhưng rộng lượng, đáng sợ mà cũng đáng yêu vô cùng. Để cho học trò một phút tươi tỉnh, ông nói:

- Hôm nay tôi muốn ra cho các anh một bài tính, một bài tính vui, một bài hài đàm bằng con số nếu tôi có thể nói được thế. Nào, các anh cầm bút viết đầu bài…Mười hai người đi ăn cỗ. Trước khi bưng cỗ ra, một người muốn giết thì giờ, định cùng nhau đổi chỗ, đổi thế nào cho đủ hết mọi cách ngồi đối với mình, đối với mười một người khác, tóm lại là mười hai người đều ngồi đủ các cách ngồi, đủ các vị trí ngồi có thể tưởng tượng được – nói là không thể tưởng tượng được lại như đúng hơn- Cho rằng mỗi lần đổi như thế mất một phút và cho rằng năm nào cũng đúng ba trăm sáu nhăm ngày, thì mười hai người ấy phải dùng mấy năm…

Học trò cười, có ý nghi ngờ. Ông nói tiếp:

- …Các anh ngờ chữ năm của tôi à? Ừ thì mất bao nhiêu phút vậy? Đó làm đi.

- Một phút sau, một anh đứng lên nói:

- Bẩm mất hai giờ hai mươi phút ạ.

- Sao anh biết?

- Bẩm con élever 12 au carré[5] (http://vanhoanghean.com.vn/thu-vien-van-hoc-nghe-thuat/nguoc-duong-truong-thitieu-thuyet-lich-su-cua-nguyen-trieu-luat#_ftn4) được 144 kiểu ngồi, chia cho 60 được hai giờ 20 phút ạ.

- Gần đúng đó. Có anh nào nghĩ khác không?

- Không ạ.

- Thế thì không đúng. Đây tôi vạch cho các anh nghe. Hai người thì có hai cách ngồi, nghĩa là một nhân với hai. Ba người thì có sáu cách ngồi, nghĩa là một nhân với hai rồi nhân với ba. Các anh không tin ư? Ví như ba ông A, B, C, thì có sáu kiểu ngồi: một là A B C hai là A C B, ba là B A C, bốn là B C A, năm là C A B, sáu là C B A, …có phải thế không?

- Bẩm phải ạ.

- Thế tôi lại nói: một người một kiểu ngồi, hai người hai kiểu ngồi nghĩa là một nhân hai, ba người thì có sáu cách ngồi, nghĩa là nhân một hai nhân ba, rồi cứ thế mãi theo như tôi viết trên bảng đây.

Đứng dậy cầm phấn, ông viết lên bảng đen:



1 người: 1 X 1
2 người: 1 X 2
3 người: 1 X 2 X 3
4 người: 1 X 2 X 3 X 4

= 1 kiểu
= 2 kiểu
= 6 kiểu
= 24 kiểu




Quay lại học trò ông nói tiếp:

- Cứ suy như thế thì 12 người có:

1 x 2 x 3 x 4 x 5 x 6 x 7 x 8 x 9 x10 x 11 x 12 kiểu ngồi. Các anh nhân đi rồi tìm thấy số kiểu ngồi. Thế rồi muốn tìm số giờ các anh đem chia thành số 60, lại muốn tìm số ngày, anh lại đem chia cho 24, lại muốn tìm số năm, anh đem chia thành số cho 365. Tóm lại anh phải đặt tính thế này:



1 x 2 x 3 x 4 x 5 x 6 x 7 x 8 x 9 x10 x 11 x 12



60 x 24 x 365




Lại có thể xóa số cho gọn được phép tính nữa. Đó các anh làm đi, xem họ phải chờ mấy năm.

Học trò cúi đầu nhân, nhân, nhân. Bảng cửu chương bằng tiếng ta, tiếng pháp, chữ nho, theo kiểu học đầu tiên của mỗi người, lại được đem ra tụng lại. Bảy bảy bốn chín xen với ngũ lục tam chi và cing sept trente cing, nghe vui vui như tiếng ong bên tổ. Ông giáo đi đi lại lại ở giữa lớp, cúi đầu ra dáng nghĩ ngợi.

Năm phút qua, mười phút qua. Chưa ai tìm thấy trả lời. Ông giáo đi đến cuối lớp. Ông nhìn vơ vẩn lên quyển lịch treo trên tường. Ông bỗng chú ý vào phần ngày ta và phần ghi việc trên lịch sử trước kia kháp vào ngày ấy “Năm Mậu Dần, tháng mười hai, ngày 28 – Nhà Hậu Lê bắt đầu mở khoa thi hội ở bãi Thảo tân, lấy hai người đỗ Nhị giáp Tiến sĩ là Nguyễn Thật, Nguyễn Nhật Tráng và bốn người đỗ Tam giáp Tiến sĩ là: Nguyễn Đức Mậu, Đặng Kính Chỉ, Nguyễn Danh Thế và Nguyễn Đức Trạch (Hậu Lê, Quang Hưng XVIII 1595). Ông lẩm bẩm:

“Bãi thảo tân…Một nghìn chín trăm ba mươi tám trừ một nghìn năm trăm chín mươi nhăm, vị chi là ba trăm bốn mươi ba năm…”

Học trò ông đã quen rồi: mỗi khi ông lầm bầm là có điều gì rắc rối lắm và khi ấy mà anh nào hơi lười, hơi ồn ào là bị ông mắng phạt dữ. Vì thế chúng im thin thít. Ông lên trên bàn thầy giáo, lấy thước gõ mạnh xuống bàn. Hơn năm chục cái đầu ngẩng cả lên. Trái với điều chúng dự đoán, thầy chúng lại tươi cười:

- Bài tính lúc nãy không cần làm nữa. Vô ích. Đây tôi cho các anh những câu trả lời: Có bốn trăm bẩy mươi chín triệu, một nghìn sáu trăm kiểu ngồi khác nhau và bọn mười hai thực khách phải dùng tới 479.001.600 phút, hay là bảy mươi chín triệu chín mươi tám vạn ba nghìn ba trăm sáu mươi giờ, hay là ba triệu ba mươi ba vạn hai nghìn sáu trăm bốn mươi ngày, hay là chín nghìn một trăm ba mươi năm.

Học trò tủm tỉm về cái số kỳ dị không ngờ kia. Giá ông giáo nói mấy tiếng sau mà cũng cười thì chắc là chúng sẽ phải cười rầm rộ, nhưng vì ông nói bằng một giọng nghiêm nghị lạnh lùng nên chúng dẫu buồn cười, cũng chỉ dám tủm tỉm nhếch môi vừa đủ để tiết ra gọi là một phần tâm hồn trí tuệ đương bị kích thích, nói cho đúng là bị cù – hết sức.

- Các anh lấy làm lạ lắm sao? Các anh lấy làm lạ, nhưng có ngờ rằng tính như thế là sai hay không?

- Bẩm tính đúng ạ.

- Phải, đúng lắm. Chỉ có điều rằng không ngờ rằng to đến thế. Tục ngữ rằng: “Nào ai học đến chữ ngờ”. Mười hai người thực khác kia, chắc cũng không ngờ. Mà giá cho họ đổi chỗ thật thì óc họ cũng không nhớ nổi nữa. Làm được việc đổi ấy, duy có ông trời. Ông trời mới xoay xỏa xếp đặt nổi cái chuyện hỗn độn lộn tùng phèo mà vẫn có phép tắc tiền định ấy. Phép tính ấy số học gọi là “chu toàn hoán cải” tiếng tây là permutation circulaire[6] (http://vanhoanghean.com.vn/thu-vien-van-hoc-nghe-thuat/nguoc-duong-truong-thitieu-thuyet-lich-su-cua-nguyen-trieu-luat#_ftn5) nghĩa là đổi quanh đổi quẩn, quanh quẩn nhưng vẫn có phép sẵn không ai ngờ rằng có.

Ở phép tính này, chúng ta có thể rút ra được hai cái triết lí ở đời. Một là: những việc lộn xộn, trông gần, trông ít, thì là lộn xộn, nhưng trông xa, nhìn cao, thì là trật tự, là phép tắc. Hai là: muốn lộn xộn, luẩn quẩn, nhiều nhặt bao nhiêu cũng chỉ có chừng, quá chừng quá mậc thì lại quay về chỗ cũ. Như ở cái tính mười hai người thực khách trên kia, nếu họ có thể đổi đến kiểu ngồi thứ bốn trăm bẩy mươi chín triệu một nghìn sáu trăm thì là họ đi đến cái lộn xộn cuối cùng, mà kiểu ngồi thứ bốn trăm bẩy mươi chín triệu một nghìn sáu trăm linh một là một kiểu trong bốn trăm bẩy mươi chín triệu một nghìn sáu trăm kiểu cũ.

Chuyện đời là cả một việc lộn xộn đảo điên ấy, kéo dài đến đâu cũng có ngày quay lại thế cũ. Người ta nói rằng lịch sử chỉ là một cuộc quay lại trò cũ không ngừng, câu ấy thật là chí lí. Những thế trên lịch sử không hiểu phải lấy số gì mà gẩy con toán cho ra cái luật vòng quanh lộn xộn, nhưng nếu các anh có muốn nghe một chuyện vòng quanh lộn xộn ở trên mặt đất thành Hà Nội này thì hôm nay nhân buổi học tất niên, tôi vui lòng kể cho các anh nghe, chắc rằng các anh sẽ vui tai được từ (ông rút đồng hồ xem giờ) tám giờ bốn mưới nhăm đến mười một giờ, nghĩa là trong hai giờ mười lăm phút, trừ mười lăm phút chơi, còn chẵn hai giờ. Các anh gác bút xuống, gấp vở lại mà nghe.

Ở hơn năm chục miệng cùng thốt ra: vâng ạ, vâng ạ.

- Nội đường thành phố, các anh có biết con đường nào dài nhất, thẳng nhất không? Đó là con đường Duvillier[7] (http://vanhoanghean.com.vn/thu-vien-van-hoc-nghe-thuat/nguoc-duong-truong-thitieu-thuyet-lich-su-cua-nguyen-trieu-luat#_ftn6) Borgnis Desbordes[8] (http://vanhoanghean.com.vn/thu-vien-van-hoc-nghe-thuat/nguoc-duong-truong-thitieu-thuyet-lich-su-cua-nguyen-trieu-luat#_ftn7), PaulBert[9] (http://vanhoanghean.com.vn/thu-vien-van-hoc-nghe-thuat/nguoc-duong-truong-thitieu-thuyet-lich-su-cua-nguyen-trieu-luat#_ftn8). Đường bắt đầu từ Nhà Hát tây, thẳng một mạch như sợi chỉ căng, đi qua ngã tư Gô Đa, Trung ương thư viện, Vườn hoa Cửa Nam, Hàng Đẫy cho tới chỗ gặp con đường đi Cầu Giấy. Tới Cầu Giấy mới là hết địa phận thành Đại La cổ.

Vậy kể từ Cầu Giấy đến cửa Nhà Hát tây, đường ấy dài đến sáu nghìn thước, tứ là sáu cây số. Kể riêng cái quãng thẳng như sợi chỉ căng cũng được linh ba nghìn thước tây. Con đường ấy có một cái số kiếp quẩn quanh cùng bút mực văn chương từ hơn tám trăm năm đến giờ.

Năm 1070 nhà Lý bắt đầu để tâm đến văn học trong nước, dựng đền Văn miếu ở Thăng Long. Cái đền Giám bây giờ tức là nền cũ của Văn Miếu nhà Lý. Đến năm 1075, vua Lý Nhân Tông mở khoa thi đầu tiên, trường thi ở ngay bên hữu Giám, tức là cái bãi cỏ, con đường Saint Antoine và khu nhà nuôi trẻ con mồ côi bên cạnh Giám. Đến năm sau, năm 1076, nhà vua lại mở Quốc Tử Giám, tức là một Cao đẳng Học hiệu trong nước. Sĩ tử đến tập bài ở Văn miếu, vì thế nên người ta gọi Văn miếu là Giám. Thế là vì có Văn miếu, có Giám có trường thi, một con đường được đắp đằng sau. Khúc đường ấy, nối cửa Nam thành Thăng Long với Giám và Trường thi, và là khúc đường đầu tiên của con đường dài sáu nghìn thước bây giờ.

Khi đó, cái La thành cũ của Cao Biền hãy còn hình. Con đường đi từ chỗ Cầu Giấy về đến nhà Tu Kín ở hàng Đẫy bây giờ là nền cũ của bức tường phía nam La thành. Đến đời Trần, La thành cũ bạt xuống làm đường thì con đường đằng sau Giám chạy liền đến Cầu Giấy. Đến đời nhà Lê, nhà Vua mới đắp nối con đường ấy, đi sát bờ nam hồ Hoàn Kiếm ra tận bờ sông. Nhân có con đường ấy, chỗ ấy mới thành bến, gọi là Bến Cỏ, chữ nho là Thảo Tân. Khi đó sông còn chạy ré về phía Nam hơn bây giờ. Cái bãi cỏ trước bến vào từ chỗ Nhà hát Tây đến hết con đường bờ sông cạnh viện bảo tàng Louis Finot.

Tới đây các anh chỉ mới thấy cái duyên nợ của con đường đối với nguồn học dân tộc ta thôi, còn cái lẽ lộn xộn quẩn quanh các anh chưa thấy. Muốn thấy lẽ ấy, tôi lại phải kể chuyện một họ to ở Bắc ninh từ đời Trịnh Tùng đến giờ. Cái vẻ : “đi lại trở về, về lại đi” của họ ấy nó cũng theo những cuộc biến thiên của con đường ấy.

Giữa lúc ấy thì ba tiếng trống ra chơi nổi lên.

- …Các anh hãy ra chơi đã, lát nữa tôi nói nốt.

Học trò cũng đứng dậy ra chơi. Như bầy ong vỡ tổ, hàng mấy trăm trẻ lại phá cái không khí yên lặng lạnh lẽo của một khúc đường…

***

[3] (http://vanhoanghean.com.vn/thu-vien-van-hoc-nghe-thuat/nguoc-duong-truong-thitieu-thuyet-lich-su-cua-nguyen-trieu-luat#_ftnref2) Đường Hoàng Diệu. Những chú thích về tên các đường phố là của biên tập

[5] (http://vanhoanghean.com.vn/thu-vien-van-hoc-nghe-thuat/nguoc-duong-truong-thitieu-thuyet-lich-su-cua-nguyen-trieu-luat#_ftnref4) Hai số bằng nhau đem nhân lẫn với nhau gọi là tự thừa, hoặc phương thừa, hoặc nhị thừa. Nhân một lần nữa là tam thừa, hoặc tập thừa.
[6] (http://vanhoanghean.com.vn/thu-vien-van-hoc-nghe-thuat/nguoc-duong-truong-thitieu-thuyet-lich-su-cua-nguyen-trieu-luat#_ftnref5) (…)
[7] (http://vanhoanghean.com.vn/thu-vien-van-hoc-nghe-thuat/nguoc-duong-truong-thitieu-thuyet-lich-su-cua-nguyen-trieu-luat#_ftnref6) Nguyễn Thái Học
[8] (http://vanhoanghean.com.vn/thu-vien-van-hoc-nghe-thuat/nguoc-duong-truong-thitieu-thuyet-lich-su-cua-nguyen-trieu-luat#_ftnref7) Tràng Thi
[9] (http://vanhoanghean.com.vn/thu-vien-van-hoc-nghe-thuat/nguoc-duong-truong-thitieu-thuyet-lich-su-cua-nguyen-trieu-luat#_ftnref8) Tràng Tiền, Hàng Khay

(còn tiếp)

khieman
05-15-2014, 10:25 PM
(tiếp theo)

II
Cái tiết tháo bình thường không cao không thấp
của một kẻ Sĩ hồi cuối Mạc

Hồi đầu nhà Trần, nước ta bị rợ Mông Cổ sang lấn đất, định biến giang san mình thành một hành tỉnh của đế quốc Mông Cổ. Khi ấy, nhờ lòng người cố kết, trên dưới một lòng, nên ta đuổi nổi kẻ thù ra ngoài cõi, giữ vững nền độc lập, mặc dầu quân Mông cổ là quân đã chinh phục được từ Đông Á đến Tây Á, từ đồng tuyết Tây bá lợi á đến bờ sông Hằng hà, mặc dầu quân ấy ba lần thiên binh vạn mã kéo sang ta, mặc dầu ở nước ta có nhiều kẻ phản.

Mặc dầu bên ta có nhiều kẻ đã cam tâm thờ giặc. Chỗ mặc dầu này quan hệ lắm, ta nên xét kỹ hơn. Lúc quân Mông cổ lấn cõi; chiếm hồ hết đất nước ta, từ Ninh Bình đến cửa Nam quan, từ đèo Hoàng mai vào đến Nghệ Tĩnh, lúc ấy ai còn tin rằng ta có thể đuổi được quân giặc. Thói thường vẫn thế, tin vào cái thế có thể có được chứ không ai tin vào cái thế nghìn mất một còn. Đại biểu cho cái tâm lý ấy là bọn Trần Ích Tắc, Trần Kiện, Lê Tắc. Trần Ích Tắc là chú ruột của vua Trần Nhân Tông, anh ruột Trần Nhật Duật. Trần Kiện là cháu vua Trần Thái Tông. Lê Tắc là gia thần Trần Kiện. Trần Kiện khi ấy trấn Nghệ An. Đáng lẽ y phải hợp sức với Trần Quang Khải chống với quân Toa Đô ở Chiêm thành ra, Y lại bàn với gia thần của Y là Lê Tắc rằng:

- Nước nhỏ không địch được nước lớn, kẻ yếu không đương nổi kẻ mạnh. Đời xưa, Vi Tử đầu nhà Chu là phải lắm. Ta đây là con cháu vua nước Nam, ta không thể để cho nước ta tiêu diệt.

Bằng cái giọng nói rửa mặt vô lí và phản quốc ấy, y đem cả gia quyến cùng ba vạn quân dưới quyền y ra hàng Toa Đô.
Câu ấy phát biểu một cách rõ rệt cái tâm lý của kẻ “chỉ trông mong ở sự mạnh yếu một thì mà không có lòng tin là sức mạnh muôn thuở”. Câu ấy, phản bội một cách rõ rệt và về đủ các phương diện đối với câu của Trần Thủ Độ và Trần Quốc Tuấn: Đầu tôi còn thì Bệ hạ đừng lo – Bệ hạ chặt đầu Tuấn trước rồi hãy nói chuyện hàng.

Các anh có xem thi kéo dây bao giờ không? Hễ mà đôi bên còn ngang sức nhau thì bên nào bên ấy còn cố sức cả, kẻ đứng xem cũng không thiên vị bên nào. Hễ một bên nghe chừng đuối thì lòng chán nản đã bắt đầu có ở người kéo dây bên đuối, lòng thiên vị đã bắt đầu nẩy nở ở kẻ đứng xem. Đuối lắm, thiên vị lắm, chán nản lắm, có khi người ta thấy kẻ kéo bên đuối bỏ phe mình mà sang kéo bên khỏe, kẻ đứng xem ồ vào giúp bên khỏe. Kẻ đương đầu thì cực là người kéo dây, dân chúng là lũ người xem kia.

Hồi nhà Trần chống rợ Nguyên, lũ Trần Ích Tắc, Trần Kiện là đứa kéo dây bỏ đầu dây bên này sang đầu dây bên kia. Còn ra, biết bao nhiêu kẻ đã hoặc ngấm ngầm hoặc công nhiên hàng giặc. Những tráp thư tín vãng lai với giặc, sau khi quân Mông cổ ra khỏi cõi, chính phủ đã bắt được cả. Giá truy nguyên ra thì triều đình nhà Trần có thể làm tội được mấy nghìn kẻ nữa. Nhưng vua Nhân tông, một là vì bụng khoan hồng nhân hậu, hai có vì hiểu thấu tâm lý của kẻ bình thường nên đã đem đốt hết, không thèm xem.

Thật thế, bọn tầm thường ấy chỉ có cái tâm lý của kẻ vỗ tay vào chỗ an vui, lảng xa những nơi hiểm trở. Giặc Nguyên lấn cõi thì phản bội, nhưng sau trận Bạch Đằng thì bụng họ lại cố kết với Trần ngay. Trong chục triệu con người mấy ai có cái gan quyết đánh, quyết thắng, quyết tin cả ở những lúc mà công việc trước mắt khiến gan nào cũng mềm, chí nào cũng núng, tin nào cũng lung lay? Hồi Đại cách mệnh ở Pháp, dân chúng đã hoảng sợ, muốn lùi rồi. Danton gào ở Viện:

“Hỡi đồng bào! Tiếng súng đồng bào nghe đó, chẳng phải tiếng súng cấp cứu đâu mà là tiếng súng quân ta bắn giặc. Phải quả cảm, phải quả cảm, rồi Tổ Quốc sẽ thoát khỏi hiểm nghèo!”.

Có lẽ sự thật là tiếng súng cấp cứu, nhưng Danton nói ra như thế để giữ lòng tin đã trùng, quả cảm đã lung lay!

À mà thôi, tôi kéo dài mãi thì lại sắp nói đến cả lịch sử thế giới bây giờ. Tôi quay lại chỗ đương nói, chỗ những người phản nhà Trần ra đón quân Nguyên. Về chỗ ấy Sử lại chép rằng: "Dân hai làng Bằng hà, Ba điểm, cả làng theo giặc". Cả hai làng theo giặc, cái đó có khiến các anh nghĩ ngợi gì không? Sự phản bội khi đó nhiều lắm, nhưng đều là hành động của cá nhân cả. Nhiều người phản, những ở mỗi người đều là cách cư xử riêng. Đây ta thấy cả hai làng phản, ta thấy một cái hành động nhất trí của một đoàn thể. Cả đoàn thể phản? Cái đó, chúng ta phải nghĩ ngợi lắm. Từng người phản, cái cớ phản chỉ là lợi riêng chứ không phải vì mối gì chung. Cả làng phản, cái đó khiến ta phải tìm một cái cớ chung. Tại làm sao mà cả làng lại phản.

Tôi nói một cách thí dụ gần hơn cho các anh nhận ra ý tôi muốn nói. Thí dụ như ở trường này. Ở lớp nào cũng có học trò hỗn, hay nói chuyện, nhưng đó là những việc cá nhân và rời rạc – des cas individuels et isolés, - cái đó ông hiệu trưởng cùng cả trường không đáng chú ý. Nhưng ví phỏng ở một lớp, lớp này chẳng hạn, hốt nhiên cả lớp cứ làm rầm rầm lên trước mặt tôi, không thèm nghe, không thèm học gì nữa, thì trước hết là tôi đây, sau đến ông hiệu trưởng phải lấy làm lạ, phải tự nghĩ hay tìm xem vì cớ gì mà cả lớp hơn năm chục người lại có cử chỉ nhất trí ấy…

Học trò nhao nhao vừa nói vừa cười:

- Bẩm không thể được ạ, bẩm không khi nào ạ…

- …Tôi biết rồi, không khi nào các anh lại thế. Nhưng ví phỏng có khi nào thì có phải là có một cái cớ chung hay không? Cái cớ nó đã khiến cả lớp cách mệnh ông thầy, các anh có hiểu không?

- …Bẩm vâng

- …Thế thì được rồi. Dân hai làng Bằng hà, Ba điểm phản nhà Trần, đón hàng quân Mông cổ ngay lúc đầu tiên, việc đó chẳng phải có một cớ gì to hơn tư lợi, to hơn sự yên vui riêng.

Chuyện đầu đuôi như thế này. Nhà Trần cướp ngôi nhà Lý, những con cái nhà Lý, những thần bộc, những người đã chịu ơn nhà lý nhiều cố nhiên là thù ghét họ Trần. Việc thù ghét ấy bùng ra kịch liệt sau việc Trần Thủ Độ chôn sống hơn bẩy mươi người trong họ nhà Lý ở cái ngự uyển riêng của vua Lý tại làng Hoa lâm tỉnh Bắc Ninh. (Chỗ này rồi sau tôi sẽ nói lại). Thủ lĩnh việc chống lại nhà Trần là Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn và Lý Quang Bật. Trần Thủ Độ trước hết muốn dụ bằng lời. Thủ Độ lợi dụng lòng mê tín của dân gian đặt ra một câu sấm. Theo mê tín của người đời bấy giờ thì sấm là một lời tiên tri có tính cách thần bí mà hai ngôi sao Huỳnh, Hoặc đã xuống trần dạy dân gian để dân gian truyền đi như truyền một mệnh của trời. Bài văn Sấm Thủ Độ sai người đặt ra, trong có câu:

Trời Đông A soi đến bực hè,
Ba con đóm nọ lập lòe làm chi?

Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn và Lý Quang Bật, nhất là Lý Quang Bật, không phải là người có thể lừa dối dễ dàng như thế. Theo sau họ, bao nhiêu là tông thất nhà Lý, bao nhiêu là con cháu các cựu thần. Nhưng sau, vì cưỡng lai thì thế, vì tài của những người trong họ nhà Trần, sau một hồi binh đao kịch liệt, họ đều thua cả và ba người đành hi sinh tính mệnh cho chủ cũ Trần Thủ Độ bây giờ mới đứng trước một vấn đề khó giải quyết.

“Ba con đom đóm” không lập lòe tranh sáng cùng vừng thái dương họ Đông A (Họ Đông A (…) là họ Trần) chiếu bức đến bực hè Thái miếu họ Lý nữa, nhưng đối với bọn ngót vạn người đi theo ba con đom đóm ấy biết xử trí ra sao? Giết đi ư? Thì có lẽ lại nổi một phen phản kháng nữa, một phen gươm giáo nữa, vì bọn ấy chết đi sẽ hun lòng người cho nó nóng thêm, hăng hái thêm. Tha cả cho ư? Thì cũng ngại rằng họ sẽ tụ tập lần thứ hai để trả thù cho chủ cũ. Tóm lại, giết đi chẳng tiện mà thả lỏng thì chẳng đành, để thì buồn, cắt đi thì đau, theo câu tục ngữ của ta.

Nghĩ mãi, Thủ Độ mới tìm ra một cách giải quyết là đem bọn ấy lên chỗ giáp địa đầu, cho ở tụ vào hai làng. Hai làng ấy, một làng ở gần cửa ải Kỳ cấp, triều đình đặt tên là Bằng hà, một làng ở cửa đèo Lai thuộc châu Hữu Lũng, đặt tên là làng Ba Điểm. Bằng hà là chữ trong Luận Ngữ: Bao hổ bằng hà (…) nghĩa là bắt hổ tay không, lội qua sông rộng, nghĩa là những việc táo tợn một cách ngu dại và vô ích. Ý Thủ Độ cho việc của bọn kia là ngơ nghếch. Còn làng thứ hai tên là Ba Điểm, tên nôm là làng Ba Đóm là chỉ ba người hiệp sĩ Đoàn, Nguyễn, Lý kia. Đặt tốp người ấy lên chỗ địa đầu là chỗ xung phong đầu tiên một khi có giặc bắc lấn cõi là Thủ Độ có ý ấn họ vào chỗ chết nay mai và lại có ý bảo ngầm họ rằng:

“Đấy, chúng mày hay hung hăng sằng, thì đấy, rồi quân giặc Bắc sang, ta thử xem cái dũng khí của chúng mày!”

Thế rồi, quân Mông cổ kéo sang. Cả hai làng đều nhất loạt phản cả. Sau khi đuổi được quân Mông Cổ ra ngoài cõi, vua nhà Trần cho dẫu rằng nhân từ đến đâu cũng không thể dong thứ được dân hai làng ấy nữa. Cả hai làng đều phải đồ làm lính, không được thi cử hoặc làm quan làm tư gì cả. Số phận làng Bằng hà không biết sau ra làm sao, nhưng làng Ba Điểm thì thiên về Nam. Dân họ Nguyễn làng ấy (tôi quên chưa nói là nhà Trần lên làm vua bắt họ Lý đổi làm họ Nguyễn, một là vì tổ nhà Trần tên là Lý, hai là vì muốn lòng người không còn nhớ đến nhà Lý nữa), dân họ Nguyễn làng ấy đều là tông thất nhà Lý, đều là dân học được. Học được mà phải chung thân, phải truyền đời làm lính, thì ai mà không muốn tránh. Vì thế, họ ấy dời sang cánh đồng xa tỉnh thành, ở nhờ một miếng đất giữa cánh đồng làng Ông Mặc Kim Thiều.

Trước còn dời sang một hai nhà, sau dần dần dời sang hết. Trước còn là một xóm người ngụ cư, sau thành hẳn một làng riêng. Tuy dời chỗ đi chỗ khác, nhưng tên vẫn còn giữ đối với dân vùng ấy. Vùng ấy vẫn gọi là “xóm Kẻ Đóm”. Sau thành làng, lấy tên chữ là Vân điềm, nhưng tên nôm Kẻ đóm kia cũng vẫn còn.

Lẽ tự nhiên là người Kẻ Đóm cũng chưa thi cử ngay, chưa tìm cách tiến thân ngay, vì bước đầu chưa phải là bước tiến thân mà mới là bước ẩn thân. Hồi ấy, chỉ cần nhất là chôn tên giấu họ, chôn hẳn lai lịch của mình giữa triều nhà Trần, dân nhà Trần. Như thế trong hơn một trăm năm, nghĩa là phỏng độ từ năm 1300 đến năm một nghìn bốn trăm có lẻ. Trong một trăm năm cầy sâu cuốc bẫm, theo việc làm ruộng nhà quê thì bao nhiêu dấu vết ở trong và ở ngoài, ở cử chỉ và ở tâm tính thuộc tính cách vương gia đế thất cũng mất dần dần mãi đi, hay là, nói theo giọng lưỡi người đời nay, đều bình dân hóa (se démocratiser) mãi đi, cho đến thành một họ quê đặc, bình dân đặc như trăm nghìn họ bình dân khác trong nước. Cũng quần nâu áo vải, cũng cơm độn ngô khoai, cũng đi sớm về trưa, cũng cổ cầy vai bừa, cũng sống y như nhà nông dân khác. Câu chuyện nói cũng không ngoài chuyện trông ngô trồng cà, lúa chiêm lúa mùa, trời mưa trời nắng, như trăm nghìn câu chuyện chốn thôn quê. Nhưng mỗi người đều có một câu chuyện khác người phải nói là được nghe một lần ở đời. Trong họ ấy, người nào cũng thế, khi gần tắt nghỉ cũng dặn con cháu một lần cuối cùng:

“Họ ta là một cành vua Lý. Nhà Trần bắt ta đổi làm họ Nguyễn, nhưng chúng ta phải nhớ rằng ta vốn là dòng dõi Lý bát đế. Tổ ta, cụ trung liệt Lý Quang Bật là con thứ sáu Nghĩa Nam vương Lý Hùng Tích, con thứ ba Lý Thánh Tông Hoàng Đế, vì chống lại họ Trần mà thiệt mạng. Ngày kia, trời tựa, ta phải trừ nòi giống quân phường chài Hải Ấp”.

Quân phường chài Hải Ấp tức là họ Trần, vốn làm nghề đánh cá.

Câu ấy mấy đời sau, nó chỉ còn là một câu sáo vô nghĩa, mặc dầu nó còn giữ nguyên cả cái vể thần thánh của nó. Cha nói cùng con khi chết như là người đọc văn khấn một cách thuộc lòng, con nghe lời cha cũng như nghe một câu văn khấn chữ nho không hiểu nghĩa. Tóm lại câu ấy sau chỉ còn là một tập truyền thiêng liêng của một họ, tựa như những câu văn hèm của dân thổ mán đường ngược. Cung kính mà làm, nhưng chẳng hiểu rõ nghĩa lý của cái việc làm, đó là tính cách của hết thảy những nghi lễ lớn hoặc nhỏ. Câu nói kia, thoạt kỳ thủy là câu truyền một mệnh lệnh, tuyên một lời thề bằng máu, trải bốn năm đời thì thành một trò “hưng bái, bình thân”.

Cứ như thế, truyền được bảy đời. Rồi đến đời thứ tám là Nguyễn Bồn.

Đến Bồn, họ Nguyễn suy đã được hai đời. Một họ trước kia gồm trăm đinh mà cứ chết mòn, cứ thêm người vô hậu mãi mãi cho đến thành họ độc đinh. Ông của Bồn là con một, cha Bồn cũng là con một, đến Bồn cũng lại là con một nốt. Nguyễn là một họ có ruộng làm, từ đời ông Bồn, thành một họ đi ở cầy.

Sau khi chịu lời dặn cuối cùng của cha, Bồn lại đi ở cầy như cha. Bồn đi ở cầy với một nhà giầu trong làng, nhà một ông nội thị về hưu. Nội thị là chức quan không nhỏ không to đời Lê. Không to vì hàm có tam phẩm mà không nhỏ vì là tay hầu trong, gần gụi vua hơn. Nội thị là những kẻ được vua yêu nhưng không trọng. Người hầu khéo thì yêu, thì sai khiến chứ vua không trọng, không cho dự vào việc triều chính, trừ ra khi vua là một vị hôn quân. Lúc ông này làm Nội thị là lúc nhà Lê gần mất, lũ Nội thị được dùng ngoài việc nội thị. Ông Nội thị này biết tài mình chẳng tranh quyền cướp nước gì được, nên ông chỉ lợi dụng cơ hội mà làm giầu.

Khi lui về nghỉ ở quê, ông dùng tiền ấy làm nhà làm cửa tậu ruộng tậu vườn. Vốn là dân ngụ cư, bây giờ ông thành tiên chỉ làng Vân điềm. Ruộng nương nhà cửa của ông tức là ruộng nương nhà cửa của họ Bồn trước. Tòa nhà ông ở bây giờ, vốn là nhà thờ họ Bồn mà người trưởng họ đã gán nợ cho ông rồi thì tuyệt tự, truyền lại cả một tổ truyền, cả một huyết thống cho ông Bồn là người cành thứ. Chiếm hết ruộng nhà một họ rồi lại nuôi giọt máu còn lại của họ ấy làm đứa ở cày, trò bể dâu thật đã hoàn toàn triệt để.

Là người có học thức, có tâm huyết ra thì Bồn cũng lấy làm tủi nhục lắm. Song Bồn trời bẩm sinh tính người chất phác hồn hậu lại không được học hành gì nên cũng vui vẻ đi ở cầy, coi đó là việc trời muốn thế. Bồn rất chăm chỉ cần cù thật thà ngay thẳng, vui vẻ nên ông Nội thị rất mến rất thương. Một túp lều tranh, non sào vườn cỏ, một mụn con trai, đó là tất cả gia tài Bồn, tất cả cái sót lại của một họ đã dựng nên làng Vân điềm. Trong nhà, gian giữa kê một cái giường thờ bằng tre, trên để một bát hương, đó là nơi thờ phụng tổ tiên. Bài vị cũng không còn nữa, vì khi trao việc thờ phục tổ tiên và nối dõi tông đường cho ông Bồn, người trưởng họ đã đánh nát mất bài vị.

Ông Nội thị, ngoài việc làm ruộng lấy thóc, cho vay thóc lấy lãi ra, còn mê một nghề nữa là nghề địa lý. Suốt ngày suốt tháng ông chỉ bận việc đi tróc long tầm hổ.

Một dạo ông đón được ông thầy Tàu về. Hai người cả ngày chỉ đi lang thang ngoài đồng. Về tới nhà thì chỉ nói chuyện kiểu đất, con mộc, con kim, con thủy, con hỏa…

Một hôm hai sư chủ cùng ra đồng xem đất, khiến Bồn vác cuốc đi hầu. Ra đến Gò Cấm, hai sư chủ cùng lên gò, ngoảnh mặt về phía tây ngắm nghía. Ông thầy Tàu nói:

- Đấy ông xem. Thẳng mặt đây chừng bốn năm dặm, tuyệt nhiên không vướng một cái cây, một bụi tre, một mô đất nào. Lại xem từ đây trở đi, đất cứ thấp dần dần. Thủy đã rộng chưa: một vùng năm sáu dặm vòng tròn bắt cong vòng năm bắc…Con thủy này thì lộc hưởng đến vài trăm năm.

Ông Nội thị nói:

- Cái đó thì mắt phàm như tôi đây cũng phải trông ra. Tục ngữ an nam chúng tôi nói rằng: khum khum gọng vó, chẳng nó thì ai, thè lè lưỡi trai, chẳng ai thì nó. Kiểu đất này vừa khum gọng vó, vừa thè lưỡi trai, thủy to, mạch dài rộng là đất to lắm, nhưng còn một điều này nữa nếu ta không trông rõ thì cũng không dùng được. Chính huyệt ở đâu?

- Ở gò này chứ còn ở đâu!

- Tôi cũng biết thế nhưng đích ở chỗ nào?

- Phải rồi, sai một li đi một dặm, nhận huyệt cho thật đúng, đó là cái thần diệu ở kiểu đất này, cứ ý tôi thì chính huyệt ở kia, phía bên gò hữu kia.

Hai người cùng sang phía hữu. Ông thầy Tàu đứng lên một chỗ, ngắm nghía kỹ chung quanh, dịch đi nửa bước rồi chân giậm đất, miệng nói:

- Đây, huyệt đây! Huyệt đây!

- Ông Nội thị đứng lên chỗ ấy ngắm:

- Không phải! Cứ ý tôi, huyệt ở giữa gò kia.

- Giữa gò cũng có huyệt, song là huyệt thứ hai. Đây mới là huyệt chính kết.

Cả hai người lại sang giữa gò. Ông thầy Tàu đứng lên chỗ ông Nội thị chỉ, ngắm nghía một hồi thật lâu rồi nói:

- Đích thị như tôi sở kiến. Huyệt này là phó huyệt; huyệt bên mới là chính huyệt.

Đôi bên, bên nào giữ ý của bên ấy, không ai chịu ai. Sau cùng, ông thầy nói:

- Bây giờ làm thế này thì đỡ cãi nhau vô ích. Hai huyệt đều kết cả, cái đó tôi với ông xem đều đúng cả. Chỉ có huyệt nào là chính kết thì ta còn phân vân. Nay trời tà chiều rồi, ta bứt hai cành lá tươi cắm vào huyệt. Sáng mai, cành nào tươi là chính huyệt, cành nào khô là phó huyệt.

Rồi ông Nội thị sai Bồn đi cắt hai cành lá cắm vào hai huyệt. Bồn cười thầm, cho là chuyện láo. Đêm về Bồn cứ nghĩ một mình:

“Hòn đất mà biết nói năng, thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn! Khốn nhưng hòn đất nó không biết nói, nên thầy tha hồ mà ba hoa! Cành lá ngày mai thì chết rũ hết chứ tươi làm sao được!”

Tuy Bồn không tin – mà cái lẽ đầu để chàng không tin là chàng không để ý vì chàng chẳng bao giờ lại có ý tìm đất cho nhà mình, nhà mà giời đã bắt làm thân phận tôi đòi – nhưng Bồn cũng tự nhiên cứ để ý đến, rồi thì bỗng nẩy ý tò mò muốn xem. Canh tư Bồn dậy ra đồng xem, thì lạ quá quả nhiên cành ở giữa héo, cành ở bên tươi tuy thế Bồn vẫn không tin và tự nghĩ:

“Chà? Cành của thằng thầy cắm ở men gò, chỗ thấp nước tụ, sương tụ, khí ẩm thấp tụ nên tươi. Cành của chủ ta cắm ở giữa gò chỗ cao đất khô nên héo, chứ có ai thánh tướng gì! Nhưng sao ta lại để cho chủ ta thua cuộc!”

Rồi, do cái ý trung hậu ấy, Bồn nhổ cả hai cành lên, cắm đảo lại. Tang tảng sáng hôm sau, hai sư chủ lại cùng ra: Ông Nội thị được cuộc.

Đêm hôm ấy, ông thầy Tàu không ngủ được vì tức rằng mình thua cuộc. Trời đã khuya rồi mà ở dưới nhà ngang, ông còn chong ngọn hoàng lạp xem sách. Vừa xem ông vừa lẩm nhẩm:

“Quái lạ! Mình thua cuộc thì lạ quá! Rõ ràng huyệt mình ngắm tọa Trấn hướng Đoái hơi ré giáp canh ba li. Thế mà thua, tức thật. Phen này đập la bàn đi thôi! Lại thua đến An Nam nữa!”

Lúc đó Bồn ngồi vặn chổi ngoài hè vì Bồn phải thức để hầu ông thầy xem ông có sai bảo gì không. Nghe thấy ông nói thế và cũng thương tình ông bực rọc, Bồn vào nói:

- Thưa thầy, thầy được cuộc chứ không thua. Cái đó là tại con.

Rồi Bồn kể hết đầu đuôi câu chuyện.

Ông thấy nghe đến đâu mặt mày tươi tỉnh đến đó và cứ ngắm nghía Bồn thật kỹ. Bồn kể xong, ông nói:

- Thôi thế là phúc nhà chú. Ta vẫn ngờ ngợ về cái chỗ phúc đức nhà chủ này. Đất thì là đất to mà xem ra phúc đức nhà chủ không xứng. Thôi, thế cũng là việc trời. Ta cho chú ngôi chính kết đó. Nhưng chú phải kín, để rồi ta liệu cho. Nhưng ta nói cho chú biết cái thế đất ấy phát ra thế nào.

Trước hết đất này là đất “đắc địa rồi mới sinh nhân” vậy chú không được hưởng. Đất này phát khí chậm, vậy chú cũng không được trông thấy. Đời cháu chú mới phát, nghĩa là đời thứ tư của cái nắm xương dưới mả. Đại khái đất phát như thế này: đời đời có người đỗ đại khoa làm đến khanh tướng, nối nhau được hơn ba trăm năm, trong nhà, trong họ khoa hoạn không khi nào dứt. Đinh nhiều, thọ cũng nhiều nhưng tiền của thì chỉ phong lưu chứ không giầu vì thủy không tụ. Có giầu cũng chỉ được một đời rồi tan ngay mà sau khi tan thì người ấy, cành ấy kém đinh, kém quí hiển. Làm nên tể tướng cũng vẫn không tụ tiền, cũng vẫn thanh bạch. Tóm lại đất phát quí, phát đinh chứ không phát phú. Đó là những cái tốt của ngôi đất; còn những cái xấu ta cũng nói nốt: một là mỗi đời phải có một người chết đuối, hai là con trưởng, cành trưởng bất lợi trừ nhà con một. Đất này phát chậm là chậm những điều tốt, còn những điều xấu thì phát ngay, thí dụ như việc chết đuối thì ứng vào chú đầu tiên, rồi đến con chú.

Sáng hôm sau, nhà chủ bàn với thầy về việc cất mộ vào đất Gò Cấm. Thầy nói:

- Vâng, mai ngày lành tháng tốt ta làm ngay. Ông thế mà sành hơn tôi, vậy việc phân kim xin ông làm lấy. Tôi đã không bắt trúng huyệt thì việc phân kim tôi cũng chẳng dám làm. Nhưng tôi muốn xin ông cái phó huyệt cho tên Bồn. Huyệt ấy chỉ phát đến hương khoa huyện lệnh và cũng có đinh tài. Chủ huyệt chính thì đầy tớ huyệt phó.

- Vâng, tôi cũng định cho nó.

Thế là, hôm sau hai đám bốc mộ. Ông Nội thị và Bồn đều đưa hài cốt cha vào hai huyệt chính phó Gò Cấm.

Khi ông thầy về Tàu, Bồn tiễn chân ra đến quan lộ, ân cần hỏi tên họ và hiệu ông để ngày sau con cháu cúng tế. Ông gạt đi:

- Thôi! Bất tất! Cái đó là trời cho chú, chứ có công gì ở tôi. Tôi xem được đất còn cho đất là việc trời. Ông Thị ngắm huyệt tinh lắm. Phen này là trời không muốn cho mà làm mờ mắt ông đi đó. Trời cho chú cho nên xui chú tinh nghịch đổi cành lá.

Từ trước đến giờ không tin, bây giờ Bồn bỗng tin. Bồn nhẩm lại trong bụng câu cha truyền cho lúc lâm chung. Câu ấy lúc nghe lần đầu, Bồn không hiểu gì cả, nay bỗng nghĩ lại hơi ràng rạng trong lòng:

“Ngày kia trời tựa, ta phải trừ nòi giống quân phường chài Hải ấp? Hay là trời tựa từ nay? Nhưng trừ phường chài Hải ấp là trừ cái gì? Làm sao con cháu Lý Bát Đế lại phải trừ phường chài? Cái này lôi thôi lắm, phải có chữ nghĩa mới hiểu được. Ta luống tuổi rồi, không học được nữa. Nhưng sau này ta có con, quyết cho nó đi học”.

Hai năm sau, Bồn thôi đi ở cầy, về nhà lấy vợ. Vợ chồng nhờ trời làm ăn cũng khá. Mấy năm sau nữa, sinh được một đứa con trai, nhờ thầy đồ trong làng đặt tên cho là Vĩ. Chàng cùng vợ con mở một ngôi hàng nước ở đường cái quan, làm ăn ngày càng phát đạt. Vợ chồng lại cứ đến mùa viêm nhiệt nấu nước để ở ngã ba, cầu, quán để khách đi đường, thợ gặt, thợ cấy có nước uống không phải uống nước lã vì không mất tiền. Nấu cháo bố thí, cúng chúng sinh, săn sóc kẻ nghèo hơn, dễ dãi và tử tế với mọi người, bằng ấy nết ăn ở khiến người quanh vùng kính trọng. Họ kính trọng vì nhà bác cu Vĩ cũng gọi là đủ ăn, không lấy gì làm giầu có.

Cu Vĩ lớn lên bác cho đi học ông đồ trong làng. Học ngay ông đồ ở dạy học nhà cụ cố Thị. Bấy giờ con trai ông Thị đã đỗ cống sinh nên ông lên làm cụ cố. Thằng cu Vĩ học sáng dạ lắm, cả nhà cố Thị vẫn khen là đất sỏi có chạch vàng. Vĩ học hết tứ thư ngũ kinh thì tuổi vừa hai mươi mà bác Bồn tuổi ngoài bốn mươi. Cố Thị bây giờ, thấy con mình đỗ, mà nhà bố cu Vĩ vẫn thường thường, ngợ là mình đã để sai huyệt, nhưng không dám cải táng lại nữa vì lẽ hai huyệt đều là huyệt phát mà đào huyệt phát lên thì tú khí tiết hết, sau dẫu có để huyệt tốt hơn cũng vô hiệu. Vì vậy, người hàng xứ thì lấy làm mừng thay cho nhà cụ mà riêng cụ lại buồn rằng đã vồ chượt cái huyệt chính kết cho con cháu.

Cậu cống nhà cụ cố Thị đỗ được một năm thì bác Bồn một hôm đi chơi làng Thu hồng huyện Thiên phúc tắm sông rồi chết đuối, ứng với lời tiên tri của ông thầy khách. Khi đó Vĩ mới hai mươi hai tuổi. Vì bác Bồn mất một cách không ngờ và đột nhiên như thế, nên cái câu giối giăng truyền tám đời đến nay bỗng mất.

Lớn lên Vĩ vẫn theo nghiệp học vì nhà cũng khá giả một chút. Theo học được đến năm hai mươi thì Vĩ nghỉ học rồi lấy vợ. Vì là con nhà hiếm nên mẹ Vĩ không cho Vĩ đi thi cử vì sợ đỗ đạt thì lại phải đi làm quan xa, mẹ con lại xa nhau. Vả nhà cũng có bát ăn, cứ sống ở nhà quê, quan bất phiền nha bất nhiễu, có phải lại hơn không. Vì thế sau Vĩ làm nghề ông đồ, vừa dạy trẻ ở làng ở tổng vừa làm người thư kí chung cho hết thảy ai muốn xin bài văn câu đối. Đời ông đồ xứ quê, ai ai cũng nể vị kính trọng. Vĩ lại ưa hơn cái đời bôn tẩu lợi danh vì cũng như cha mẹ, Vĩ tính tình đạm bạc. Được mấy năm mẹ Vĩ cũng mất. Khi sắp thở hơi cuối cùng, mẹ Vĩ dặn vợ chồng Vĩ:

- Cả họ trông vào mình con, mà số con lại muộn mằn quá. Nhưng không lẽ trời đóng cửa nhà ta. Con cứ ăn ở cho phải đạo thì rồi trời cũng tựa.

Đến năm ba mươi tuổi Vĩ mới sinh con đầu lòng. Người con ấy sinh giữa năm Quang bảo thứ hai đời vua Mạc Tuyên tông (tên là Mạc Phúc Nguyên). Nhà Lê khi đó nhờ Nguyễn Kim và Trịnh Kiểm đã trung hưng lên ở Thanh Hóa. Năm ấy đương vào năm Thuận bình thứ bảy đời vua Lê Trung Tông (lịch tây vào năm 1555).

Đứa con ấy, đồ Vĩ đặt tên là Thật (…)[10]. Vì là người biết chữ, nên theo phép Tàu, ông đồ Vĩ lại đặt cả tự cho con là Phác Phủ . Thật sinh ra là đứa trẻ dĩnh ngộ khác thường, tính chất đoan hậu. Lên bốn tuổi, cha mẹ đã cho đi học. Lên bảy tuổi đã làm được bài đoạn, mười hai tuổi đã làm được thơ. Năm mười hai tuổi, Thật lại mồ côi cha: ông đồ Vĩ ứng với kiểu đất, lại chết đuối khi qua một chuyến đò ngang. Gia biến ấy đã làm cho cái gia tài thường thường kia phải lệch. Được mấy năm nữa thì nhà sa sút, ngày tháng phải kiếm ăn lần hồi, bữa tối lo bữa sáng, bữa sáng lo bữa chiều, nhưng còn là may mắn vì còn lo được, chưa đến nỗi sờ không ra, rà không thấy.

Khi ấy ở làng Ông Mặc, cùng huyện và giáp với làng Vân Điềm có ông Đàm Cư, đỗ nhị giáp tiến sĩ năm Đại chính nhà Mạc, làm quan với nhà Mạc đến Thượng Thư, tước phong Thế quận công. Đó là ông đầu văn thân hàng huyện là ấp thái phong của ông. Năm Sùng khang thứ bảy đời Mạc Mậu Hợp, Thế quận công làm phủ đệ riêng ở làng, bắt dân sung vào làm phu đổ đất, thợ mộc, thợ nề. Thật bấy giờ cũng phải bắt ra làm phu. Thật chỉ khóc chứ không biết làm gì cả nên người ta khiến đội đất đổ nền nhà. Một hôm Đàm công về quê thăm nhà , nhận thấy Thật hình dong tuấn tú, không phải là con nhà thợ thuyền mà phải đội đất, bèn gọi đến hỏi:

- Con bao nhiêu tuổi, người làng nào?

- Con người làng Vân điềm, năm nay 18 tuổi.

- Ta trông con ra dáng một người học trò chứ không phải thằng phu đội đất. Vậy chứ con con cái nhà ai và có học hành gì không?

- Con vốn là con nhà học trò. Con có được học và hiện vẫn đọc sách. Vì nhà con nghèo không có tiền chuộc nên phải đi đội đất vậy.

- Càng hay! Vậy con đối câu này ta nghe thử:

“Thập bát lực năng đảm thổ”[11].

Thật không nghĩ ngợi gì, ứng khẩu đối:

- Cửu ngũ long phi tại thiên

Đàm Công khen hay và lập tức tha cho không phải đội đất nữa. Lại thưởng cho mấy quan tiền và truyền lệnh cho huyện tuần miễn dịch hẳn cho. Đàm công nói với người quen thuộc rằng:

“Thằng ấy ngày sau sự nghiệp tất phi đằng, ta đây không thấm vào đâu đâu”.

Đàm công đã đỗ đến Nhị giáp tiến sĩ, quan đến Thượng thư bộ Lại, Chưởng lục bộ, Chưởng viện Hàn lâm, hàm Đông các đại học sĩ, cung hàm đến Thái phó, tước đến Quận công thì còn gì hơn nữa mà công nói: “Ta không thấm vào đâu”? Có lẽ trong trí Đàm công cho rằng sau đây Thật làm đến Thiên tử chăng? Có lẽ lắm, vì theo sự tin của nhà nho thì câu đối có khẩu khí thiên tử kia là cái triệu gần như chắc chắn. Cửu ngũ long phi tại thiên (…) là chữ liền trong kinh Dịch.

Trong kinh Dịch mỗi một quẻ có sáu hào, hào dương bắt đầu bằng chữ cửu vì chín là thiên số; hào âm bắt đầu bằng chữ lục vì sáu là địa số. Quẻ kiến gồm sáu hào dương, vì thế hào thứ năm gọi là cửu ngũ, hào từ là long phi tại thiên, lị kiến đại nhân (…). Theo nhà thuật số thì hào ấy là tượng vua, vì thế ngôi vua gọi là cửu ngũ. Nghĩa đen chữ một hào từ ấy là: chín năm, rồng bay trên trời, lợi thấy người kẻ cả.

Khi Thật đối câu đối, bản tâm chỉ là gò chữ cửu ngũ cho đối với chữ thập bát, chữ thổ đối với chữ thiên, có thế mà thôi chứ chẳng phải cố gò cho có khẩu khí thiên tứ, địa vị mà chẳng bao giờ đời một anh học trò đội đất dám nghĩ tới. Nhưng Đàm công thì cứ cho là ứng điềm thiên tử. Công tin như thế cũng có cớ vì gia thế và vì thời thế lúc bấy giờ nữa. Hỏi kỹ ra, Công rõ rằng Thật là con cháu Lý Bát Đế. Thế thì nhà Thật có mả làm vua là đích rồi. Vả chăng đất bát diệp làng Cổ pháp biết đâu đã là hết? biết đâu không có cơ trùng hưng? Vả lại, bây giờ nhà Mạc đã suy, nhà Lê đã trung hưng ở Thanh Hóa, họ Trịnh lại nắm cả quyền, họ Nguyễn thì lui về Nam, tóm lại bấy giờ là cái thế mà nhà nho gọi là “lũ anh hùng đuổi một con hươu” (quần hùng trục lộc) thì biết đâu con hươu chẳng về Thật, người có cái khẩu khí “cửu ngũ”, dòng dõi vua Lý cũ của nước nhà?

Vì thế nên, không những công tha cho không phải làm phu, mà công lại cấp tiền cho mà ăn học nữa. Thật học trường quan Nghè Nguyễn ở làng Kim Thiều. Khi đó chúa Mạc Mậu Hợp đương làm vua, giữ từ Ninh bình trở ra, vua Lê chúa Trịnh từ Thanh hóa trở vào. Quan Nghè Kim thiều nhiều lần khuyên Thật ra thi với nhà Mạc Thật trước còn kiếm cớ từ chối cho qua. Sau thầy học giục mãi, Thật mới phải nói thật tình:

- Đệ tử không muốn thi bây giờ. Bản triều tuy được quốc chính đã ngót sáu mươi năm, nhưng lòng người còn tưởng nhớ họ Lê nhiều lắm. Đệ tử có lẽ vào Thanh thi với nhà Lê thôi. Đệ tử vào Thanh mà đắc chí thì có ngày kia cùng thầy và các anh đây gặp nhau ở chốn cương trường. Đệ tử nghĩ đến lấy làm buồn lắm, nhưng cái nghĩa như thế…

Quan Nghè cười:

- Hay lắm, anh có chí ấy thì hay lắm. Nhưng sau đây anh có gặp thì gặp các em, chứ thầy già rồi, còn gặp anh được đâu. Đến lúc ấy, anh lấy gì giả nghĩa thầy?

- Dạ, sau đây con đắc chí, ngộ gặp các anh ở cương trường con cũng không dám tránh, đó là để báo nghĩa ông thầy đã dạy con phải tận trung tận hiếu, phải tận tâm vương sự.

(còn tiếp)

khieman
05-18-2014, 01:08 AM
(tiếp theo)

Nguyễn tiến sĩ trong bụng lấy làm khâm phục vô cùng. Nhưng, làm tôi nhà Mạc, lẽ tất nhiên ông cũng phải trung với nhà Mạc. Mà đã trung Mạc thì khi nào ông lại vui lòng cho một người có tài như Thật về với vua Lê để chống với chúa Mạc. Song ngăn một người có chí khí như Thật cũng là việc khó. Sau cùng ông bàn với Đàm công, quyết lấy sợi chỉ buộc chân voi, xui Đàm công đem cái dây thắm mà hãm chí tang bồng của người tráng sĩ.

- Quan lớn ạ, tôi muốn quan lớn cho anh ta một cô. Anh ta chịu ơn sâu của quan lớn, nay tình riêng lại là cha con nữa thì cái chí vào Nam của anh ta, lần là ta có thể ngăn từ từ lại được.

Đàm công liền theo kế của Nguyễn tiến sĩ và hỏi ướm ba con gái xem ai bằng lòng lấy Nguyễn Thật. Hỏi cô lớn nhất.

- Người ấy lưng dài, dùng làm thợ cưa thì được. Song vải bây giờ khí đắt.

Hỏi cô thứ hai.

- Người ấy vóc rộng, dùng làm phu đội đất được. Hiềm vì mùa này đất khô, việc thổ đấu không tiện.

Thế là hai người chê Thật và mỉa mai Thật vì Thật chỉ có một tội: Nhà nghèo phải nhờ Đàm công mới có tiền ăn học.

Hỏi đến người thứ ba.

- Phận làm con gái biết đâu mà lựa chọn, cha mẹ đặt đâu con xin ngồi đấy.

Thế là một tháng sau, Đàm thị Thành, con gái út quan Đông Các Đàm Cư về làm dâu bà đồ Vĩ làng Vân Điềm.

Song sợi chỉ chỉ buộc được chân voi chạy vào Thanh chứ không lôi nổi chân voi vào nhà Mạc. Từ ngày lấy vợ, qua bốn khoa thi Nhâm Ngọ (1582), Ất Dậu (1585), Mậu Tí (1588) và Tân Mão (1591). Thật đều không đi thi. Khoa Ngọ lấy cớ là vợ ốm, Khoa Dậu thì cáo là mình ốm, khoa Tử thì nói là mới đẻ con, khoa Mão thì cáo là mẹ đã già.

Thật ra thì ông có ý đợi nhà Lê ra Bắc. Một hôm ngồi tụ họp cùng năm sáu ông Cống sinh và Sinh đồ nhà Mạc, người ta gợi đến chuyện chờ Lê của Thật.

- Anh Thật cũng khéo cố chấp quá. Năm nay anh đã ngoài ba mươi rồi. Anh định đợi nhà Lê đến bao giờ nữa? Đến lúc xuống hố à?

- Nếu anh thật trung với họ Lê thì anh trèo đèo lội suối vào xứ Thanh mà thi, việc gì lại ở nhờ đất này? Mà đã quyến luyến đất này thì ra mà thi quách. Bản triều mở đã hơn hai mươi khoa thi rồi. Anh làm như thể mấy trăm ông trạng, ông thám, ông nghè, ông cống là người mất tiết tháo cả không bằng!

- Nước ta đổi họ làm vua bao lần. Đó cũng là sự thường. Cứ theo ý anh thì chẳng ai trung nữa trừ có anh. Mà anh nữa thì đã trung gì? Sao anh chẳng trung với nhà Lý?

- Vì anh ấy không chịu ơn gì nhà Lý.

- Thì anh ấy chịu ơn gì họ Lê? Anh ấy đẻ ra, mệnh giời đã về Mạc rồi, người gây dựng cho anh ấy cũng là người chịu ơn bản triều. Làm như thế có khi anh là người vong ân phụ nghĩa nữa cũng có.

Thật lúc bấy giờ mới lên tiếng.

- Các anh hiểu lầm tôi cả. Tôi chẳng có ý đợi họ nào cả. Tôi chỉ không thiết chuyện khoa danh mà thôi! Tội gì, nhờ giời cũng đủ bát ăn, cứ nằm tốt mà nay nhờ vợ, mai nhờ con có ổn hơn không?

Cả bọn phá lên cười:

- Hay đó! Bé thì nhờ mẹ nhờ cha, lớn lên nhờ vợ, về già nhờ con! Hay đó, hay đó! Chúng mình ra dại cả…

Thật ra thì ông vẫn tin nhà Lê trung hưng, nhà Mạc khí số sắp hết. Làm quan với một nhà khí số sắp hết thì nó dở dang mình và con cháu mình ra. Thi, may ra đỗ; đỗ thì làm quan; thế là danh nghĩa đã rõ. Đến khi vận nhà ấy hết thì phận mình ra sao? Chi bằng hãy cố đợi. Mình đợi chẳng kịp thì con mình kịp. Hoặc giả có kẻ cười ta là khôn quá, không dám theo Lê hẳn mà cũng chẳng theo Mạc. Ai cười mặc. Ta cứ giữ đạo thường. Đứng quân tử cứ ăn ở dễ dàng như thường để chờ mệnh trời.

Ông lại càng vững lòng đợi nữa là vì ba việc mà ông không ngỏ cùng ai.

Việc thứ nhất là việc nằm mộng ở đền núi Chân lại. Năm trước đây, ông cùng em vợ là Đàm Nhĩ (…) đến nằm ngủ ở đền Chân lại, để cầu mộng về sắp đến khoa thi. Ông nằm suốt sáng không thấy mộng mị gì cả. Đàm Nhĩ thấy thần đọc cho bốn câu thơ:

Ngôn đàm ngọc nhĩ mộng tường minh
(…)
Đệ nhất khai khoa đệ nhất danh
(…)
Phụ quí, tử quí, tôn hựu quí
(…)
Tử tôn thế thế xuất công khanh

Đàm Nhĩ thì tin rằng triệu ứng vào họ Đàm. Nhưng ông, ông chỉ để tâm đến bốn chữ “đệ nhất khai khoa”. Nếu nhà Mạc vẫn chủ xã tắc thì sao lại hợp bốn chữ “đệ nhất khai khoa”, là chữ dùng chỉ một khoa thi đầu của một nhà mới dấy nghiệp hoặc trung hưng lên.

Việc thứ hai là việc chính ông nằm mộng. Ông thường mộng thấy tên mình viết ở một cái bảng treo ở dưới gốc cây thông mà khi đó cầm quyền trong Nam là Trịnh Tùng. (Tùng là cây thông). Tên ông ở dưới gốc thông thì hoặc là Trịnh Tùng cất nhắc ông đỗ.

Việc thứ ba là việc ông thầy thuật số nói về ông. Có lần ông đi xem số ở một ông thầy giỏi có tiếng hồi đó ở huyện bên cạnh. Ông thầy bảo ông rằng:

- Số ông ngoài bốn mươi mới đỗ mà đõ cao đỗ to. Không những thế ông lại còn là ông tổ thủy phong cho một họ thật to, nối nhau đỗ, làm quan đến vài trăm năm. Bao giờ thi ở Bến Cỏ thì ông đỗ, lại bao giờ con cháu ông có người nổi danh ở Bến Cỏ thì họ ông tắt. Sau đây ra Kẻ chợ ông thử đi con đường từ Bến Cỏ, qua Giám, rồi theo bức tường nam thành Đại la cũ rồi đến chỗ bến sông Tô Lịch, chỗ giáp giới các phường Dịch Vọng mà xem. Đó, họ nhà ông, con cháu ông. Sau này thân thế chỉ ở tả hữu đầu đuôi con đường ấy mà thôi. Bắt đầu hiển hách ở Bến Cỏ rồi chạy theo con đường ấy cho tới Bến Dịch Vọng, rồi lại chạy về cho tới khi lại đến Bến Cỏ mà hiển hách lần cuối cùng. Từ đó về sau, thiên hạ đổ đồng, không có quí tộc nữa, không có thế tộc nữa”.

Thế rồi, luôn luôn quan Trịnh Tùng đánh vùng Sơn nam. Thế nhà Lê đã đổi thủ ra công, nhà Mạc đã phải đổi công ra thủ; Mạc chúa Mậu Hợp lại đắm say tửu sắc, khiến năm Tân Mão (1591) Trịnh Tùng nhân Mạc triều có chỗ không ra sao, đem quân ra đánh Thăng Long; năm Nhâm thìn (1592) Trịnh Tùng khôi phục Thăng Long; cuối năm ấy Mạc Mậu Hợp bị bắt ở Phượng nhãn. Cơ nghiệp nhà Mạc bắt đầu tan vỡ.

Năm Ất vị (1595) Trịnh Tùng vâng chỉ vua Lê Thế Tông mở khoa thi hội đầu tiên ở Thăng Long.


III
Bảng tùng để thơm

Hôm nào đi chơi Gô Đa, các anh thử đến đứng xem ở đầu phố Paul Bert[12], ở nhà đại lý các xe ô tô Peugeot rồi trông thẳng ra nhà Hát Tây. Anh lại tưởng tượng rằng trước mặt anh, theo chiều từ chỗ nhà thờ Đạo Dối (Eglise des Protestants) đến chỗ bán ét xăng của hãng ô tô Ford, chỗ góc hai đường Bobbillot và Rialan[13] có một con đê chạy dài. Đê ấy là đê Đỉnh nhĩ, Trần Thủ Độ khiến khắp từ tuần Bạch Hạc ra đến cửa Luộc. Đê ấy không cao, không to lắm như đê bây giờ đâu. Nó chỉ bằng cái be con chạch người ta đắp phụ hết mặt đê những năm nước to qua. Anh lại tưởng tượng rằng anh trèo lên đê đó rồi trông ra sông. Trước mặt anh, là một bãi cỏ phẳng lì. Hết bãi cỏ rộng ấy nước Hồng Hà đổ ngầu cuồn cuộn chảy. Ngoài bãi, một chiếc đò ngang cắm sào đợi khách. Đó là bến Bãi Cỏ, hoặc Bến Cỏ mà một lối mòn cỏ nối với mặt đê và đường cái. Lối mòn cỏ thật nhỏ, đôi bên mép cỏ mọc chờm ra che gần lấp vết chân đi, chứng rằng bến này họa hoằn mới có người qua lại.

Năm 1594, vua Lê Thế Tông dời hẳn ra đóng đô ở Thăng Long là đô cũ. Muốn trả lời nguyện vọng thiết tha của sĩ phu đất Bắc, nhà vua mở ngay khoa thi năm sau. Sau hai cuộc hạ Thăng Long, sau mấy trận binh hỏa, các nơi thi cũ bị tàn phá, chưa thể sửa sang ngay làm trường thi được. Vả, một là nhà chúa không muốn văn trường để ngay trên tàn phá của chiến trường hôm qua; hai là nhà vua muốn lấy cái bến xưa kia vua Lý Thái tổ mới dời đô ra Thăng Long, đỗ thuyền rồng ở đó muốn lấy cái dấu vết đầu tiên của đấng anh quân khi mới định nơi này làm quốc đô; muốn lấy nơi đó làm trường thi để mở một thì bình trị âu ca mới. Vì mấy lẽ đó, bãi cỏ ở Bến Cỏ được chịu một tên bằng chữ hán là Thảo Tân, được chọn làm nơi mở khoa thi hội đầu tiên ở Bắc của nhà Lê mới trung hưng.

Các anh đứng lên đê Đỉnh nhĩ mà xem, xem bằng tưởng tượng. Đó, chỗ bồn trồng hoa trước nhà hát ấy, đứng đấy mà nhìn thẳng vào rạp hát. Ngay bực hè lên, một cái cổng to mới dựng bằng gỗ lá, trên nóc kết rơm thành hai con rồng chầu mặt trời. Trước cổng, một bức gấm vàng đề ngang mấy chữ: (…) ''Thiên Hạ Văn Minh''. Hai cột đồng trụ giả hai bên dán đôi câu đối tán dương cái vẻ sáng sủa của một triều đại mới trung hưng và cái võ công văn trị của một họ mới phá thiên hoang trên lịch sử. Bốn chữ trên, chính tay vua Lê Thế Tông ngự thư, câu đối dưới chính của chúa Trịnh Tùng nghĩ và viết. Vì khoa ấy là khai khoa, nên cho phép tất cả học trò được thi, không cứ là có cống sinh hay không, theo như thường lệ.

Khoa ấy, tất cả hơn hai trăm danh sĩ đến thi xong ba kỳ thi hội, một kỳ đình lấy có sáu người đỗ tiến sĩ. Nhất Giáp tiến sĩ không lấy người nào, Nhị Giáp khoa ấy là đình nguyên mà người hưởng cái danh dự ấy là Nguyễn Thật. Cái nhà truyền lô, tức là nhà quan khâm mệnh vua ra đứng xướng tên các ông tân khoa, phỏng chừng đứng vào khu giữa nhà hát tây bây giờ. Lời thầy số, vậy là, đúng được đoạn đầu.

Bây giờ, tôi muốn nói các anh biết qua cái bước hiển hách của ông đình nguyên đầu tiên, cái ông ứng triệu “đệ nhất khai khoa đệ nhất danh”, triệu “tên trên bảng treo dưới gốc thông” kia.

Hiển hách nhất cho ông là ông vừa là tiến sĩ khai khoa, lại vừa là công thần khai quốc, vừa có sự nghiệp sĩ hoạn trường lại vừa có sự nghiệp một người bầy tôi bách chiến. Và hiển vinh hơn nữa, ông được đi Sứ Tầu. Thật là đúng với lời nguyện ước của kẻ sĩ thuở trước: đỗ Tiến sĩ, làm Thượng thư, đi Sứ. Nhưng để tôi nói cho có đầu đuôi thứ tự.

Năm Canh tí, niên hiệu Thân Đức năm đầu đời vua Lê Kính Tông (lịch tây vào năm 1600), nghĩa là năm năm sau khi ông đỗ, Mạc chúa Kính Cung đem quân phạm Thăng Long, ở Đại an, bọn Phan Ngạn, Ngô Đình Nga, Bùi Văn Khuê làm phản: Trịnh Tùng sợ bốn mặt giặc kéo đến thì cơ sợ khôn lường, liền rước vua lùi tạm về Thanh Hóa. Tháng tám, ông theo đạo quân ra khắc phục Thăng Long. Vì công ấy, được thăng Hồng Lô tư Khanh, phong tước Khánh Xuyên tử. Năm Hoằng Đinh thứ sáu (1606) được sung vào bộ Sứ sang cống nhà Minh bên Tàu. Ông làm Chánh sứ. Sang Yên Kinh, ông cùng Sĩ đại phu bên Trung Quốc xướng hoa. Rồi ông hưởng hồ hết cái thú làm tôi, làm cha. Con ông, Nguyễn Nghi, đỗ Tam Giáp tiến sĩ giữa lúc ông làm Hình bộ Thượng Thư. Ông Nguyễn Nghi thi ở trường thi mới, gần Giám bây giờ, tức là trường thi của nhà Lý cũ.

Tuy thế ông Nguyễn Thật vẫn nhũn nhặn, vẫn giữ được đức khiêm nhượng của anh học trò. Năm Vĩnh lộ thứ năm đời vua Lê Thần Tông, ông được thăng Lễ bộ Thượng thư, hàm Đông Các Học Sĩ, tước Phương Lan hầu. Khi đó, Hình bộ Thượng thư là Mỹ khê hầu. Theo lệ khi đó thì khi chầu vua, ông đứng đầu vì ông là đầu triều. Nhưng ông cố nhường Mỹ khê hầu là thầy học ông. Cũng năm ấy, chúa Trịnh Bình An vương Tùng đau, hội các quan lại, giao binh quyền cho con trưởng là Trịnh Tráng và cho con thứ là Trịnh Xuân làm phó. Trịnh Xuân không bằng lòng, đem binh làm loạn đốt phá kinh thành. Bình An Vương thấy biến, thảng thốt rước vua Lê chạy về xã Hoàng mai vào nhà Trịnh Đỗ. Phương Lan hầu (từ đây tôi dùng tước mà gọi cho đúng như cách gọi lúc bấy giờ) đương đêm đến yết kiến Bình An Vương:

- Xin vương thượng giả cho lệnh triệu Xuân đến trao bính quyền cho. Tôi xin đem quân phục bắt giết đi.

Bình An Vương dùng dằng không nỡ. Hầu nói:

- Vương thượng coi con hơn hay phép nước hơn?

Rồi hầu ra thẳng về thành gọi Xuân. Xuân vốn tin Phương Lan hầu là người đôn hậu, liền hớn hở đi ngay. Khi đến, Bình An Vương kể tội mắng một hồi rồi cho ra. Phương Lan hầu bảo Bùi Sĩ Lâm bắt lại, đem chặt một chân rồi vào tâu:

- Vượng thượng vì tình cốt nhục không nỡ, tôi vì xã tắc chặt chân đứa con bất hiếu, tôi bất trung rồi!

Được mấy hôm Bình An Vương mất ở chùa Thanh xuân. Khi bấy giờ Mạc Kính Khoan còn giữ đất Thái Nguyên Cao Bằng. Nghe thấy ở Thăng Long có biến, chúa Thanh Đô vương mới lập, đảng Trịnh Xuân có nhiều, còn làm loạn , mà Trịnh Tráng sợ điều bất trắc đã đưa vua về Tây đô (tức Thanh Hóa), Mạc Kinh Khoan liền đem quân xuống tụ ở Gia Lâm, Đông dư, Thổ khối, định lấy lại Đông đô (tức Thăng Long).

Trước đó, và ngay sau khi chặt chân Trịnh Xuân, Phương Lan hầu, cùng Mai quận công Phùng Khắc Khoan, vâng mệnh triều đình lên Nam quan đợi sắc mệnh của nhà Minh đưa sang. Khi về, gặp quân nhà Mạc ngăn lại. Phương Lan hầu muốn cho chánh sứ là Mai quận công thoát nạn để mang sắc dụ của vua Minh về, liền tự hứng lấy nạn mà bảo quân Mạc rằng:

- Ta là sứ Triều đình, chúng mày có bắt thì bắt ta. Còn lão này là thày lang, không can dự gì đến việc nước, để cho người ta về với vợ con người ta.

Bọn lính liền bắt Phương Lan hầu về nộp. Tướng Mạc biết hầu là người giỏi, dùng hết kế hết lời dụ hàng. Hầu không nghe, nên bị giam chặt chẽ. Hầu nhịn ăn luôn hai ngày rồi giả tảng mắc bệnh lị, mỗi đêm xin đi ra ngoài đến vài mươi bận. Ngục tốt tưởng là mắc bệnh thật, không để ý.

Khi đó, Hộ bộ thượng thư nhà Mạc là Trần Phi Chiếu ở nhà không theo Mạc chủ. Chính Trần phải coi sóc hầu. Trần vốn người cùng huyện với hầu, mà vẫn mộ tiếng là người có nghĩa khí, ý muốn cứu. Một đêm, đêm thứ mười lăm từ ngày bị giam, Trần đi qua chỗ giam, nói to một mình lên rằng:

“Trời sắp sáng rồi!”

Hầu biết ý liền giả đi ra ngoài rồi trốn biệt. Đến sáng, quân Mạc cho một đạo quân đuổi theo. Hầu đi gần đến tổng An thường, thấy quân đuổi gần tới, liền đi tắt lũy tre vào nhà một người quen. Người ấy vốn mộ hầu, liền đem giấu hầu ở một hố đất, trên để một cái cóng nước che khuất đi. Bọn quân Mạc, có người giỏi phép độn, độn một quẻ rồi bảo tướng đem quân đi đuổi theo rằng:

“Cứ quẻ độn thì người ở dưới nước, hiện còn sinh khí”.

Quân lính liền mò hết ao, ngòi, hào rãnh, nhưng không thấy, chúng đành bỏ ra về. Lúc hầu ngồi dưới hố, hầu nghe quân lính Mạc rao rằng:

“Ai bắt được hầu thì thưởng thật hậu”.

Khi quân Mạc đi rồi, hầu ra bàn với chủ nhà, thay quần áo, quẩy một gánh bấc đi bán để khỏi lộ tung tích. Hầu theo lối bờ sông đi về phương nam. Đến làng Bái giang (nay thuộc phủ Khoái châu tỉnh Hưng an; khi đó thuộc trấn Sơn nam) thì người đội trưởng giữ đồn cho chúa Mạc gọi về nhà mua bấc. Hầu nghi hoặc, nhưng không biết làm thế nào, đành phải theo về. Về đến nhà, hầu thấy tên đội trưởng đem vợ con ra lạy mừng và dâng cơm rượu. Hầu nửa mừng nửa sợ, hỏi cớ làm sao mà lại biệt đãi thế. Người kia nói:

- Tướng công quên con rồi ư? Hồi tướng công làm phủ lệnh ở đây, con có việc đi kiện. Khi đó lý con đuối, con lấy tiền hừa với tướng công để được kiện. Tướng công không nhận hối lộ mà cứ phép công. Khi đó, bụng con lấy làm tức lắm, nhưng sau con nghĩ kỹ ra vẫn phục vô cùng. Thế mà tướng công quên con rồi đó.

Hầu đem sự tình ra nói. Người kia tỏ ý muốn theo. Hầu liền nhờ người ấy mộ quân thêm và thông tin về nhà cho con hầu là Nguyễn Nghi biết. Hầu có quân, liền sang sông cùng quân Mạc đánh một trận thật to ở Châu cầu (nay là tỉnh lị Hà nam, tức Phủ lý; xưa là trấn lị trấn Sơn Nam). Xong trận ấy hầu họp cùng đạo quân của con, tiến quân lên họp cùng quân triều đình ở Gia Lâm. Hầu cùng quân triều đình, cùng con là Nghi và cháu đích tôn là Nguyễn Sủng tiến sang sông đánh quân Mạc, lại thu phục lại Đông đô.

Năm Ất sửu (1625), vì có công ấy, hầu được gia phong Dực Vân Tán Trị Công Thần, tước Lan quận công. Con cháu đều được làm quan to cả. Sung sướng nhất cho công là năm Canh ngọ niên hiệu Long Đức thứ hai đời vua Lê Thần Tông. Năm ấy, công đương làm quan đầu triều; con công thì Nguyễn Nghi làm Lễ khoa Đô Cấp sự trung, tước Thọ Lĩnh bá và đương sung sứ bộ sang Tàu; cháu đích tôn là Nguyễn Sủng đương là Tán Trị công thần, và mới đỗ Cống sinh, hai cháu thứ là Nguyễn Khuê, Nguyễn Sĩ cùng đỗ tiến sĩ một khoa.

Năm Quí dậu, niên hiệu Long đức thứ năm (1633), công đã 79 tuổi, xin về trí sĩ. Biểu dâng lên xin đến bốn lần, mãi đến năm sau mới được về. Nhà vua gia cho hàm Thái Phó, Thượng Trụ Quốc Thượng Trật, Quốc Lão và cho về trí sĩ nhưng vẫn cho dự việc triều chính, được bất thì triều kiến (nghĩa là lúc nào vào triều cũng được, không phải xin trước) vua Lê và chúa Trịnh.

Công làm to như thế mà ở quê không làm nhà cửa lộng lẫy. Chỗ gọi lịch sự là phủ đệ chỉ là vài cái nhà gạch rất thường và vài sào vườn trồng hoa. Lại tuyệt nhiên không có vợ lẽ con thêm, hầu trai hầu gái gì. Về quê công cư xử như một ông lão nhà quê. Được ba năm, công mất, thọ tám mươi ba tuổi. Đương thì người ta vẫn ca tụng nhà công là nhà “nhất cử đăng hoàng giáp, toàn gia vô bạch đinh” (Thi một lần đỗ hoàng giáp, cả nhà không ai chân trắng).

Từ nãy đến giờ mải kể chuyện Lan Quận công, tôi quên mất một người. Người ấy là Lan quận phu nhân Đàm thị, người bạn tóc tơ của công từ thuở hàn vi đến giờ. Quận phu nhân tính cần kiệm và chất phác. Tuy rằng là con ông quan to, vợ ông quan to, mẹ ông quan to, bà ông quan to, nhưng phu nhân vẫn nhũn nhặn hòa bình như một người thường. Lúc công đương hiển hách mà dân hàng huyện thường vẫn thấy phu nhân đi chợ, dệt vải, ươm to. Có người bảo phu nhân:

- Phu nhân – giá bây giờ thì phải nói: Bẩm Cụ Lớn, hai ba lần lớn – Phu nhân tội gì mà lại cứ khó nhọc mãi. Trời cho hưởng, cũng nên hưởng một chút cho nó sướng.

Phu nhân khẽ đặt ống ươm to xuống, cười:

- Trời cho hưởng, lại càng phải giữ gìn. Ngồi rỗi, ăn không làm hưởng lộc giời thì sớm chầy giời cất lộc đi. Tôi chịu khó nhọc là biết sợ mệnh giời và gây lộc lâu dài cho con cháu sau này.

Lời nói ấy bây giờ có lẽ các anh cho là gàn, nhưng nếu đời này mà có được người gàn như thế thì tôi đây xin đến lạy sống, thờ làm mẹ suốt đời. Dân hai hạt Đông ngàn, An phong vẫn truyền rằng khi còn ở nhà với bố mẹ, phu nhân một hôm đi coi thợ cấy, giữa lúc ấy Đàm công đi chầu về qua đường, phu nhân cứ việc coi thợ cấy như thường. Lại cái ngày Lan quận công đỗ. Khi tin mừng về tới làng tới phu nhân đương coi gặt lúa. Phu nhân cứ việc thường. Người nhà năm bảy lượt ra thúc gọi cô hoàng mời về nhà. Phu nhân cứ thung dung đợi cho xong việc đồng rồi mới về. Khi về người nhà trách:

- Gớm! làm cô hoàng mới, thì hãy nghỉ một buổi gặt, hay về sớm một buổi đã nào! Còn chán lúc làm.

Phu nhân chỉ cười:

- Nhà tôi có nghỉ buổi học nào đâu mà tôi dám nghỉ một buổi làm? Về chậm thì có mất chút nào cô hoàng đi đâu?

Tôi lai quên mất một điều nữa chưa nói. Điều ấy tức là cái duyên nợ nhà họ Nguyễn ở Vân điềm với con đường từ Bến Cỏ đến Cửa Ô Cầu Giấy.

Khoa đầu, tôi đã nói rồi, thi ở trường thi Bến Cỏ. Khoa thứ hai đối với họ ấy, tức là khoa Nguyễn Nghi, con Lan Quận công đỗ, thì ở trường thi cạnh Giám. Khoa thứ ba, thứ tư vẫn thi ở đấy. Đến khoa thứ năm là khoa cháu năm đời ông, thi ở đầu con đường Bến Cỏ Cầu Giấy. Nhưng trước khi nói đến khoa thi ấy, tôi cần phải nói cho các anh biết một điều đổi mới từ phủ Chúa Trịnh ban bố ra.

Nguyên ta vẫn phải dùng giấy, mực và sách in của Trung quốc, nên cho đến cả những cái khí cụ để phụng sự học thuật, mình cũng chỉ là một nước phiên thuộc của Tàu. Thành thử dân tộc mình hồ thành ra một hành tỉnh của Trung quốc mặc dầu vẫn có cái độc lập thật tế và chánh trị. Tôi nói cái độc lập thật tế (indépendance effective) vì, theo danh nghĩa, nước mình chỉ là một phiên thuộc quốc của cái đế quốc Trung hoa. Tôi sắp nói lẫn lộn bét be bây giờ đây. Yên, để tôi nói lại cho rõ vì cái quan hệ giữa mình và Trung quốc thật là một mối bòng bong. Để tôi nói tách bạch từng dẫn một cho nó rõ ràng.

Về danh nghĩa không bao giờ mình là nước độc lập cả, vì từ Đinh, Lê cho tới hết đời Tự Đức, vua chúa mình bao giờ cũng theo cái đạo nước nhỏ thờ nước lớn mà xưng thần nộp cống sang các triều vua bên Trung quốc. Hoàng đế mình chỉ là hoàng đế xó nhà chứ đối với Tàu chỉ là một tước Giao chỉ Quận vương, An Nam Quốc vương, hoặc An Nam Đô Thống Sứ. Hồi Tự Đức, khi sứ nhà Thanh là Lao Sùng Quang sang phong cho vua ta, khi tiếp “thiên sứ”, phải căng gấm che cả chữ điện đi hoặc phải cất cả những biển “Cần Chính điện”, “Thái Hòa điện”…đi. Vì sao, vì chữ “điện” chỉ thiên tử được dùng còn chư hầu thì đã có những chữ dưới một bực như cung, lâu, các. Ở các chiếu dụ thì vua mình vẫn đường hoàng xưng “trẫm”, nhưng ở các tờ biểu dâng sang “thiên triều”, vua mình vẫn nhũn nhặn đứng là “Việt Nam Quốc Vương, thần: Nguyễn Phúc Thì…và dùng “chính sóc” của Tàu, nghĩa là dùng ngày tháng và niên hiệu Tàu.

Nhưng đừng tưởng thế là mình không độc lập vì sự thật mình vẫn độc lập đối với Trung quốc. Người Tàu sang ở bên mình, vẫn phải theo đúng luật pháp nước mình. Đời chúa Trịnh, người ngoại quốc – trong đó có cả người Tàu – chỉ được ở từ bể đến Phố Hiến là cùng. Sau, vì nhà chúa cho phép, người Tàu mới được lên ở Thăng Long và phải theo đúng phép tắc của nước mình. Gần đây, hồi Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, người ta vẫn thấy người Trung Quốc ở Hà Nội vào hầu quân Hà Ninh Tổng Đốc phải trụt giầy đi chân không như tên dân ta. Người ta lại đã từng thấy một viên quan Hà Ninh Tổng Đốc nọc một tên khách ra đét đòn vì đã không giữ đúng lễ nghi của ta. Còn việc đi cống? Đó chỉ là một việc mà ở đó ta chỉ thiệt cái thể diện chứ không hại gì đến quốc chính hoặc tài chính cả. Bộ sứ của ta, vừa chính phó sứ vừa người phụ thuộc độ chục ông sang Tàu. Đi qua cửa Nam quan thì đến đâu quan tàu phải tiếp đãi tử tế. Khi đến mỗi tỉnh thì yến tiệc, khi đi thủy thì thuyền, bộ thì ngựa và một đoàn trường tống quan, đoản tống quan đi theo. Tới Yên kinh, mình đem cống được một đồng thì người ta tặng lại một chục, chẳng thiệt thòi gì cả. Của mình cống, người ta cũng không dùng. Ông Nguyễn Tư Giản, tức Cống sứ của ta năm Mậu thìn (1868) về thuật chuyện rằng: Một hôm ông vào chơi Nội phủ, - tức là kho trong nội điện của vua Tàu – thấy những thanh quế thật to, trên viết những chữ: Ngự dụng Việt nam thanh hóa quế..

Ông hỏi quan kho rằng:

- Đây hẳn là quế cống?

Viên quan kia cười:

- Không phải, đó là quế Nội phủ khiến người Trung quốc ở bên quí quốc mua gửi về. Quế cống vứt ở trong kia, mà cũng chẳng ai nhìn đến.

Cống phẩm coi vậy chỉ là vật tỏ lòng chịu phục, chứ không phải vật được để ý, được dùng.

Ở những lúc, những nơi người Tàu tiếp sứ thần mình một cách chính thức thì sứ thần mình phải ngồi trụt xuống, phải đãi như những vị quan rất nhỏ ở Trung quốc. Nhưng ở những lúc tiếp riêng thì vì tình đồng văn hóa, thượng quan Trung quốc cũng xử bình đẳng với quan sứ mình. Rồi cùng nhau ngâm vịnh, đùa chơi như người đồng bang, quên hẳn rằng mình là phiên thuộc quốc.

Vua mình, ở danh nghĩa, người ta chỉ đãi như một vị biên thần nhỏ, nhưng ở thật tế, lại nghiễm nhiên là một vị quân chủ hoàn toàn độc lập, cũng như vua Cao ly, Tiêm la.

Thế là, mình chịu thuộc bề ngoài mà vẫn độc lập bề trong. Vậy tuế cống sứ ta có thể coi như giao hảo sứ. Khi nào tuế cống sứ tuyệt thì là tình bang giao tuyệt, mà hai nước lại có trận giao phong. Ở những trận giao phong đó, khi mình được, khi Trung Quốc được, nhưng nếu ta nâng cao tầm mắt lên một chút thì đều có thể coi những cuộc binh đao giữa hai nước là cuộc cãi lộn của anh em một nhà (querelle entre frères), chém nhau đằng dọng chứ không chém nhau đằng lưỡi. Sau mỗi trận, ta lại thấy sứ Việt Nam sang Yên kinh, vua Việt Nam chịu phong. Dường như suốt cuộc lịch sử lúc nào dân tộc Việt Nam cũng bảo dân tộc Trung quốc:

“Anh cứ một vừa hai phải thì tôi vẫn chịu là đàn em, vẫn thờ anh là anh. Nếu anh vô lý thì anh coi chừng!”

Cố nhiên cái vô lý bao giờ cũng ở phương bắc. Âu cũng là một tình thế và một thái độ hay, tình thế và thái độ mà, tiếc thay! Ta không thể có một lần nữa!

Nhưng mặc dầu cái thế độc lập về chính trị và về kinh tế ấy, ta vẫn chỉ là một thuộc quốc của Trung hoa về mặt văn hóa tinh thần. Về văn hóa, mình chỉ là một cái tiểu gia đình của cái đại gia tộc Trung hoa. Mình phụng sự văn hóa Trung quốc từ thể chất đến tinh thần, từ hình thức đến đạo lý. Mình phụng sự cả những cái kỹ nghệ phụng sự văn hóa của Tàu, Giấy, dùng giấy Tương dương, Hồ nam; mực, dùng mực Tùng tư, Huy châu; bút, dùng bút Giang tô, Triết giang; sách học dùng sách in sẵn ở Tàu mang sang. Quan hệ nhất trong các thứ ấy là sách và giấy vì dùng nhiều nhất và cần thiết nhất. Xưa kia, đường giao thông ta với Tàu không tiện, thành ra chỉ một vài nhà có người sang sứ Tàu và mua được sách lạ sách quí về. Thành ra cái học cao chỉ con nhà thế gia vọng tộc được có.

Đến đời chúa Chiêu tổ Khang vương Trịnh Căn (1682-1709) ta mới bắt đầu in sách và làm giấy. Khang vương thấy con nhà dân ít người học được, nói rằng:

- Vương hóa là để phổ cập cả thiên hạ chứ không phải là phần riêng cho một vài cố gia thế gia trong nước đâu. Ta lấy điều ấy làm chẳng vừa lòng chút nào.

Nói là làm, Khang vương liền phái người sang Tàu học cách làm giấy, làm mực. Lại sai các quan các tỉnh phải xét xem ở nước ta, có thứ thực vật có thể làm giấy được thì khải lên và dâng lên. Khi đoàn đi học trở vè, chúa liền biến một phường trong ba mươi sáu phường của thành Thăng Long làm nơi chế giấy. Phường đó là phường An thái. Phường Liễu chàng thì biến làm xưởng khắc bản in và in các sách vở. Nguyên chúa định in hết sách vở Trung quốc, nhưng sau vì thói cầu an, chỉ cầu lấy được việc trước mắt, nghĩa là việc đi thi, người ta chỉ khắc bản in các sách cần dùng vào việc thi cử. Phường Liễu chàng xưa kia ở cạnh chỗ trường đua ngựa bây giờ, sát cạnh con đường đi từ phường An thái đến phường Dịch vọng.
Vì thế nhà chúa cho mở trường thi ở chỗ góc hai con đường từ Ô Cầu Giấy đi Hà Nội và cửa Ô Cầu Giấy đi Ngã tư Khâm Thiên. Từ đó, sĩ tử thi ở đó.

Thế là họ Nguyễn Vân điềm: lần thứ nhất hiển hách ở Bãi Cỏ, lần thứ hai thứ ba và thứ tư ở cạnh Giám, lần thứ năm ở đầu kia con đường. Đó là lối “khứ”. Còn có lối “hồi” nữa. Hồi từ khoa thứ sáu, khoa người cháu đời thứ sáu của Lan quận công thi đỗ, khoa sau khoa thứ nhất của họ ấy trăm năm mươi chín năm, sau khoa thứ năm của họ ấy bốn mươi tám năm. Nhưng chuyện phải có đầu đuôi, tôi lại phải quay lại chuyện họ đó đã.

Họ ấy, sau khoa thứ năm, khoa người cháu huyền tôn của Lan quận công và cháu tằng tôn của Dương quận công Nguyễn Nghi thi đỗ thì thôi không ai đỗ đại khoa nữa mà chỉ nối nhau đỗ trung khoa (nghĩa là cống sinh hoặc cử nhân) thôi. Các ông cống nhà ấy đều đỗ ở trường thi Dịch Vọng, nghĩa là gần trường thi Cầu Giấy. Tôi có cần nói về ông Nguyễn Nghi, tức Dương quận công, con Lan quận công không? Tôi tưởng không cần, vì nói ra thì như nhắc lại chuyện Lan quận công vì ông con cũng đủ chức tước, điện hàm, cung hàm và các hiệu khác như ông bố. Có lẽ tôi cần nói đến những người con của Dương quận công hơn, vì từ đó, nhà này mới thành một họ to về đinh sau khi đã to vì danh vọng.

Dương quận công sinh được năm con trai.

Con cả tên là Sủng, đỗ nho sinh trúng thức[14] làm Hộ bộ Đô cấp sư trung, tước Xuân trường bá;
Con thứ hai tên là Đậu, đỗ nho sinh trúng thức, làm Binh bộ Tư vụ lang;
Con thứ ba tên là Hoành, làm Thừa chính sứ Hữu Tham nghị xứ Hải Dương;
Con thứ tư tên là Tào, đỗ nho sinh trúng thức làm Thị nội, tước Đông Nham bá;
Con thứ năm tên là Thể, làm Thừa chinh sứ ở Sơn nam.

Trong năm cành thì chỉ có cành thứ nhất và cành thứ hai là phồn thịnh nhất. Bắt đầu phồn thịnh là cành thứ nhất. Những ông tiến sĩ thứ ba thứ tư và thứ năm, cùng hồ hết các ông nho sinh trúng thức, cống sinh là ở cành thứ nhất cả. Cành thứ nhất rực rỡ cho đến khoảng năm Cảnh trị[15] là bắt đầu thời kỳ phát đạt của cành thứ hai.

(còn tiếp)