Nhập Vào

View Full Version : Sài Gòn - Chuyện đời của phố - Phạm Công Luận



khieman
09-08-2014, 04:51 AM
.

Sài Gòn - Chuyện đời của phố
Phạm Công Luận



http://www.vinabook.com/images/thumbnails/135/260/Sai-Gon-chuyen-doi-cua-pho-8213-1389609473_kiep-rz.jpg (http://www.vinabook.com/images/thumbnails/135/260/Sai-Gon-chuyen-doi-cua-pho-8213-1389609473_kiep-rz.jpg)
http://www.vinabook.com/public/assets/img/xem_trich_doan2.png (http://www.vinabook.com/public/assets/img/xem_trich_doan2.png)


Là một cây bút quen thuộc của đông đảo độc giả Việt Nam, Phạm Công Luận được yêu thích bởi những tác phẩm sâu sắc, ý nghĩa và mang đậm hơi thở nhân sinh. Sau các quyển Những lối về ấu thơ, Chú bé Thất Sơn, Đường Phượng Bay..., nhà báo kiêm nhà văn lại tiếp tục trình làng một tâm huyết mới mang tên Sài Gòn - Chuyện đời của phố. Ngay từ tựa đề, người đọc cũng đã có thể phỏng đoán ít nhiều về nội dung của cuốn sách này. Đó chính là những câu chuyện chân thực, gần gũi về Sài Gòn, về con người và phong cách sống ở mảnh đất mà Phạm Công Luận yêu thương da diết. Không hoa mỹ cũng chẳng hào nhoáng, không có những gia vị ngọt ngào như câu nói quen thuộc "Sài Gòn chợt mưa chợt nắng" hay "những con đường có lá me bay", Sài Gòn trong lòng tác giả bình dị, đơn thuần và đời thường hơn bất cứ điều gì. Như chính vợ của anh, đồng thời cũng cây bút nổi tiếng - Đặng Nguyễn Đông Vy đã nhận xét:

“Những cảm xúc không được bày ra trên câu chữ mà chỉ lẩn khuất đâu đó giữa những câu chuyện kể. Đúng vậy, cuốn sách này đầy ắp những câu chuyện kể... Và có thể, bạn sẽ nhận ra rằng người Sài Gòn không chỉ là những người đã ra đi, hay trở về, mà còn là những người ở lại và chưa bao giờ rời xa.”


GIỚI THIỆU SẢN PHẨM
Tóm tắt nội dung


Sài Gòn - Chuyện đời của phố gồm 36 bài viết về những câu chuyện gợi nhớ một Sài Gòn xưa: Con đường ký ức, Hồn đô thị, Nhà cổ ven đường, Tìm lại giấc mơ xưa, Nhiếp ảnh gia của nghệ sĩ Sài Gòn, Bản hợp ca Thăng Long, Một cuộc thi hoa hậu, Giai nhân một thuở... Những góc phố nhỏ Sài Gòn lần đầu tiên được kể lại sau bao nhiêu năm tưởng chừng đã chìm sâu vào ký ức.

Cuốn sách không hẳn là một tập tản văn hay sách ảnh, nó càng không phải là một đề tài nghiên cứu hay khám phá, thế nhưng, nó lại chứa đứng vô vàn hình ảnh, cảm xúc và cả những tư liệu quý báu, mới lạ.Với sự tò mò cố hữu và kinh nghiệm 30 năm làm báo, Phạm Công Luận đã ghi lại được nhiều câu chuyện thú vị nhằm trả lời cho những câu hỏi mà chính bản thân anh, cũng như không ít người sinh sống ở Sài Gòn nhiều năm từng thắc mắc: Người được đặt tên cho Ngã ba Ông Tạ là ai? Họa sĩ ký tên Duy Liêm trên những bìa nhạc tờ được yêu thích trước đây đã sống và làm việc như thế nào? Lịch sử một gia tộc đã và đang sống ở Sài Gòn suốt nhiều đời nay?...

- Câu trả lời được ghi lại qua những cuộc gặp gỡ và trao đổi với các nhân chứng cụ thể chứ không chỉ nhờ tra cứu sách báo. Chính điều đó tạo nên giá trị về mặt tư liệu cho cuốn sách.

Thông qua Sài Gòn - Chuyện đời của phố, độc giả sẽ nhận ra ra rằng: Người Sài Gòn, không chỉ là giới thượng lưu thường xuất hiện quanh những đoạn đường sang trọng khu quận 1, mà còn là phần đông bình dân sống trong những con hẻm nhỏ ở Đa Kao, Thị Nghè, Phú Nhuận hay Chợ Lớn; người Sài Gòn, không chỉ là các nghệ sĩ nổi danh thong dong tụ tập trong quán cà phê thời thượng, bàn chuyện thi văn nhạc họa, hay những cô gái xinh đẹp dạo phố trong tà áo lụa, mà còn là những con người không xuất hiện trước đám đông, chỉ lặng lẽ âm thầm dâng tặng đời mình cho thành phố này qua mấy thế kỷ thăng trầm; người Sài Gòn không cống hiến tài năng hay công sức của mình cho thành phố như một lý tưởng, họ cống hiến một cách tình cờ vì đã làm việc tất phải làm đến nơi đến chốn; người Sài Gòn, họ không màng thổ lộ cho ai hay mình yêu sâu đậm ra sao và nhớ da diết thành phố của mình như thế nào; người Sài Gòn, không để ý đến việc bạn viết "Sài Gòn" hay "Saigon", cũng không quan tâm bạn nói giọng miền nào, miễn hiểu nhau là được; người Sài Gòn không nhất thiết bắt bạn phải gọi đường phố theo tên mới hay cũ, miễn sao tìm thấy nhà là được; tất cả là bởi với họ, chẳng có gì phải cực đoan...

Đặng Nguyễn Đông Vy chia sẻ:

“Chắc chắn có một chút dáng dấp của "chất Sài Gòn" ấy trong cuốn sách này. Sự phong phú của các chi tiết cũng như giọng kể có chút lan man đời thường đôi khi khiến ta lạc lối. Không trau chuốt về câu chữ, nhưng bù lại, chất liệu thực tế ngồn ngộn bên cạnh những tấm ảnh hay tranh minh họa cũ, mới được sưu tập công phu, khiến cho việc đọc sách giống như bạn đang ngồi trong quán cà phê đầu hẻm, vừa nhìn cuộc đời trôi qua vừa nghe một người già kể những câu chuyện xưa nay, dắt dây nhau theo một cách khó ngờ. Trong đó, có người lạ và có cả người quen, có chuyện hấp dẫn, có chuyện lê thê. Nhưng chắc là không hề nhàm chán.



Thông tin tác giả

Phạm Công Luận là tác giả quen thuộc với một số tác phẩm như: Những lối về ấu thơ; Chú bé Thất Sơn; Đường Phượng Bay; Những sắc màu Nhật Bản (viết chung với Asako Kato). Đồng thời, anh là chồng của cây bút Đặng Nguyễn Đông Vy và viết cùng cô một số bài dưới bút danh chung là Phạm Lữ Ân như: Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi; Nếu biết trăm năm là hữu hạn; Dư vị từ những tình bạn nhạt nhòa, Còn thời cưỡi ngựa bắn cung; Như chờ tình đến rồi hãy yêu...

http://www.lazada.vn

khieman
09-08-2014, 05:21 AM
.

Đọc sách Phạm Công Luận
Sài Gòn - Chuyện Đời Của Phố
TS Phạm Trọng Chánh


http://nguyentrongtao.info/wp-content/uploads/2014/07/PhamCongluan-220x300.jpg (http://nguyentrongtao.info/wp-content/uploads/2014/07/PhamCongluan-220x300.jpg)

Phạm Công Luận

Ngày xưa Phạm Đình Hổ, trong những ngày mưa đã ngồi khơi lại ký ức viết lan man những điều mắt thấy tai nghe thành Vũ Trung Tùy Bút. Ông đã mở đường cho một lối văn chương mới, một cõi riêng biệt khác với những nhà chép sử triều đình hay văn chương bách khoa bác học như Lê Quý Đôn. Những cái nhỏ, những cái vụn vặt trong cuộc sống lại gây xúc động cho người đến sau. Nay muốn tìm lại không gian cuộc sống thời đại Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương ta phải tìm lại trong từng trang tùy bút của Phạm Đình Hổ. Ngày nay khi viết sử một thời đại người ta không chỉ kể lại khô khan những biến cố trong cung đình, giới quý tộc, mà qua khảo cổ học, người ta đào xới, tìm kiếm dấu vết đời sống, cách ăn uống hàng ngày, nhà ở, vật dụng.. viết lại từng vụn vặt cuộc sống của xã hội đương thời.. Lối văn tùy bút đã được tiếp nối qua những tác phẩm của Nguyễn Tuân, Vũ Bằng thời tiền chiến.

Từ lúc Sơn Nam, Vương Hồng Sển, Lãng Nhân.. nối gót ra đi tưởng rằng Sài Gòn vắng đi những người « cà kê dê ngổng », Sơn Nam kể chuyện miền Nam những ngày khai hoang, lập ấp Hương rừng Cà Mau, Lịch sử khẩn hoang miền Nam.. Vương Hồng Sển kể chuyện Nửa đời hư, 60 năm mê hát cải lương, rồi Sài Gòn năm xưa.. Lãng Nhân Phùng Tất Đắc kể chuyện Trước Đèn, Chơi Chữ… Nay đọc Sài Gòn, Chuyện đời của phố của Phạm Công Luận do Hội Nhà Văn và Phương Nam xuất bản, sách in đẹp chẳng kém gì sách in tại Âu, Mỹ, hình ảnh phong phú, 36 bài viết ngắn gọn nhưng đầy xúc động, văn chương tùy bút vẫn được tiếp nối.

Cái hay của quyển sách là đọc xong, chúng ta vẫn chưa thấy đã thèm, còn muốn Phạm Công Luận viết thêm quyển 2, quyển 3.. về chuyện đời của Phố. Còn biết bao nhiêu chuyện để kể ví dụ chuyện ông thi sĩ Bùi Giáng, múa may đọc thơ giữa đường, yêu cô Kim Cương và làm thơ : «Cô Kim Cương ơi, nếu tôi chết đi, cô không nhỏ trên nấm mồ tôi, một giọt nước mắt, thì hãy nhỏ trên nấm mồ tôi một giọt nước tiểu, cũng đủ rồi ! ” chuyện những quán Thằng Bờm, quán Văn, quán Gió.. từng đêm Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn. Chuyện Phong trào Dân ca quốc nhạc Hoa Sim, chuyện phong trào Du Ca, Tâm Ca.. Chuyện những cậu học trò say mê trước quyển Nói Với tuổi hai mươi của Thiền sư Nhất Hạnh, hay quyển Ý Thức mới trong Văn Nghệ và Triết Học của Phạm Công Thiện. Chuyện những quán Phở Sài Gòn, chuyện Ngã Tư Quốc Tế, Đề Thám, Bùi Viện nơi các nhà báo tụ hội, chuyện những nhiếp ảnh gia đưa nhiếp ảnh Việt Nam lên tầm vóc quốc tế…một Sài Gòn muôn sắc muôn màu nằm ngoài tầm các sử gia chuyên nghiệp, nhưng người trong nước vẫn thương và người đi xa vẫn nhớ..

Tài liệu Phạm Công Luận quý giá từ sự liên lạc, gặp gỡ xin những tài liệu đầu tay chưa ai có. Ví dụ như viết về Duy Liêm, Họa sĩ của đại chúng, anh tìm kiếm từ nguồn tư liệu từ họa sĩ Phạm Cung, đệ tử họa sĩ Duy Liêm, tìm qua những tài liệu bài báo tại hải ngoại, Phạm Công Luận tiếp xúc với gia đình chúng tôi, tiếp xúc với từng người ở Việt Nam, ở Hoa Kỳ và ở Pháp. Chỉ một bài viết Phạm Công Luận đã bỏ công như thế, và sách in xong, anh chu đáo gửi tặng từng người trong gia đình, cảm động trước « nghề chơi cũng lắm công phu » của anh, tôi xin viết bài giới thiệu một quyển sách hay, đẹp và giá trị đến độc giả trong và ngoài nước.

Những quá khứ của Phạm Công Luận không xa, những năm 1960, 1970.. Những địa danh : Phú Nhuận, Lăng Ông Bà Chiểu, Gia Định, Gò Vấp, Thăm nhà Ông Tạ, Cầu Ông Lãnh.. Những tờ báo Thiếu Nhi.. những tờ nhạc rời minh họa của Duy Liêm,, những bìa báo xuân Lê Trung, Giai phẩm Xuân học trò, Ban Hợp Ca Thăng Long, các ca sĩ Sài Gòn năm xưa, Sơn Mài Thành Lễ.. Và những con người nhiều người tôi đã quen biết : nhà văn Sơn Nam, cụ Vương Hồng Sển, nhà văn Thiếu Sơn, ca sĩ Kim Loan, Thanh Thúy, họa sĩ Duy Liêm.. « Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ ». Mỗi một kỷ niệm Phạm Công Luận đi qua tôi đều tìm thấy những kỹ niệm của mình, dù anh nhỏ hơn tôi, tôi và anh đang ở cách xa nửa vòng trái đất, khác với ngày xưa viết thư cho cụ Vương Hồng Sển, hằng tháng mới nhận được thư cụ trả lời, ngày nay tôi viết Email cho anh Phạm Công Luận, chẳng mấy chốc lại nhận được điện thư anh trả lời. Mỗi người đọc "Sài Gòn chuyện đời của phố", đều có thể tìm thấy những kỷ niệm thân yêu của mình.

Phạm Công Luận dẫn chúng ta đi từ Con đường ký ức : đường Lê Công Kiều – Nguyễn Thái Bình, quận I, bán đồ cổ, nơi này Tổng Thống Clinton từng đi qua, một bức ảnh chụp ông vẫn còn cài trong tủ kính dì Tám tóc bạc.. Phạm Công Luận lướt qua những món đồ cổ từ Trung Quốc đến Việt Nam trên con đường độc đáo, mà anh theo dấu chân bậc thầy là cụ Vương Hồng Sển.. Anh còn nhắc cho ta những chi tiết thú vị nhà số 5 là toà soạn Đại Việt tập chí của cụ Hồ Biểu Chánh những năm 1940. Phạm Công Luận không dắt chúng ta đi qua khu Phú Mỹ Hưng như một góc Singapore hiện đại ngày nay, hay một góc Paris ở đâu đó quận Nhứt, hay một khu phố thương mại sáng choang không kém gì Âu Mỹ. Ta hãy nghe Phạm Công Luận tả trong Hồn Đô Thị.

« Đi ngang qua khu Đề Thám, khu ngã tư quốc tế đầy khách du lịch Tây ba lô mà xưa kia dày đặc Tòa soạn báo tư nhân, tôi còn nhớ bà bán hột vịt lộn to lớn vẫn vung tay qua lại khu vực này. Bà có chiều cao đáng nể, to lừng lững như một ông Tây với kích thước một mét chín, đã vậy trên đầu còn đội một cái thúng cao nghệu đựng hột vịt lộn và bì cuốn đã làm sẵn. Hai tay bà vung vẩy theo nhịp đi, miệng rao mà ai cũng cam đoan nghe đúng là « Ai.. vật lộn không !!!”. Bà đi trước ông bán bánh tráng kẹo với giọng khàn khàn : « Ai ! chén kiểu không !! “. Còn buổi chiều, một ông đẩy cái xe bán Chí mà phủ hay Lục tàu xá » .

Mỗi người làm báo ngày xưa đều có những kỷ niệm trong khu phố này, riêng tôi từng ở trên đường Đề Thám, từng qua đây, từng ra vào các toà soạn các báo Thời Nay, Văn, Tiếng Chuông, Tin Sáng, Khởi Hành.. nơi này, từ thời niên thiếu với giấc mơ thành thi sĩ, gặp gỡ các nhà văn Bình Nguyên Lộc, Lê Hương, Kiên Giang, Sơn Nam…Phạm Công Luận còn dẫn ta đi qua những ngôi nhà cổ, những biệt thự xưa nằm trên đường Nơ Trang Long quận Bình Thạnh. Vào nhà gặp chủ nhân, nghe kể chuyện xưa tích cũ từ mấy đời, ông cố làm nghề « chém sơn lâm », khai thác gỗ rừng, chuyện đi săn.. thật thú vị. Anh Luận lật vài trang báo xuân hình tranh vẽ họa sĩ Lê Trung, chao ôi là nhớ những cô gái miền quê trên sông nước có khuôn mặt người đẹp Bình Dương, Thẩm Thúy Hằng. Anh Luận dẫn ta đến chủ hiệu Photo Viễn Kính ông Đinh Tiến Mậu nơi chụp hình các nghệ sĩ Sài Gòn. Nói đến Nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam có lẽ chúng ta không quên những thành tựu rực rỡ của Hội Nhiếp Ảnh Việt Nam với những người xưa như Cao Đàm, Cao Lĩnh, Phạm Văn Mùi, Lại Hữu Đức, Khưu Tư Chấn, Ngô Đình Cường.. Hội Nhiếp Ảnh từng làm vẻ vang cho Việt Nam trong những kỳ thi nhiếp ảnh quốc tế.

Anh Luận gợi cho chúng ta những giai nhân ca sĩ, một thời thuở học trò say mê thơ Nguyên Sa, thầy Trần Bích Lan tốt nghiệp Cử nhân Triết từ Paris trở về, dạy Triết trường Văn Học và xuất bản các sách giáo khoa Triết Học : « Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát, Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông ». Những Cô Kiều Chinh, Minh Hiếu, Thanh Lan, Thẩm Thúy Hằng… Anh Luận lật cho ta từng trang sách đẹp Nghệ thuật Huế, Tập san đô thành Hiếu Cổ, Thú Chơi sách của cụ Vương Hồng Sển đưa ta đến các nhà đóng sách, rồi nhà sách Nguyễn Khánh Đàm, em nhà văn Nguyễn Tuân. Anh nhắc đến các truyện tàu cổ điển, Thủy Hử , Tam Quốc Chí.. nhưng anh còn thiếu những chuyện Kim Dung : Cô gái Đồ Long, Thần Điêu đại hiệp… một thời Sài Gòn, mọi người say mê, chờ đợi báo ra mỗi ngày để đọc chưởng. Đi đâu ai cũng bàn đến những nhân vật Vô Kỵ, Dương Qua, Quách Tỉnh, Hoàng Dung.. mắt thâm quần những đêm trắng mướn sách về luyện chưởng.

Bài Thơ thới nhìn núi Nam kể chuyện nhà văn Sơn Nam với Hương rừng Cà Mau, tôi nhớ từng gặp ông, trước khi đi du học, ở tòa soạn báo Tin Sáng, cùng nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà. Nhìn ông mỗi ngày viết các tiểu thuyết dài cho nhiều tờ báo khác nhau, tôi thán phục hỏi ông. Lời khuyên ông thật chí lý : « Muốn viết mỗi ngày phải đều đặn chỉnh tề ngồi vào bàn đúng giờ, đúng giấc thành một thói quen, văn chương tự nó sẽ tuôn ra ». Ông có biết đâu, tôi đã nghe lời khuyên ông mà học hành thành đạt hoàn thành Luận án Tiến sĩ Viện Đại Học Paris V Sorbonne. Mười năm tôi đã hoàn thành bản dịch và diễn ca ra thơ lục bát 30 ngàn câu thơ hai truyện thơ Odyssée và Iliade của thi hào Homère, nổi tiếng là khó dịch, một công trình dịch thuật thi ca mà ít có người đạt đến đích. Có lẽ ông Sơn Nam cũng không ngờ một câu nói của ông mà có tác động đến tôi như thế. Anh Luận ghi cảm giác khi mỗi lần gặp Sơn Nam :« Khi ông còn sống, mỗi lần đến thăm nhà ông về tôi luôn cảm thấy như mới chia tay một ông chú, ông bác rất thân thương của mình. Mối giao cảm đó như kết tinh từ những truyện ngắn, truyện dài và cả hồi ký của ông mà tôi say mê nhiều năm nay. Lúc nào cũng có cảm giác buồn man mác nhưng sâu thẳm trong từng trang viết của ông, như tâm trạng của một cậu bé trong buổi chiều ba mươi hay khi vừa hết Tết, phải cúng đưa ông bà. »

Tôi cho rằng thành công của anh Luận là mối giao cảm, với mọi người như người thân, như ông chú, ông bác của mình. Sự chân thành với mọi người chung quanh, tạo nên mối cảm thông tri âm tri kỷ. Những người đã có danh tiếng cũng cần một cậu học trò vô danh, và cũng vui thích được chỉ dẫn cho con cháu. Đời sẽ đẹp biết bao nhiêu khi ai cũng là chú, bác, anh em của mình, mọi người thành tri kỷ của nhau.

Bài Ông Tám ở phố Lê Công Kiều, một người vô danh thôi, nhưng đọc xong chúng ta thấy trân trọng với ông Tám một người say mê đồ cổ từng đọc và dịch cho ông Vương Hồng Sển các chữ Hán trên đồ cổ. Rời những khu phố bình dân, tác giả giới thiệu chúng ta những tác phẩm trong Dinh Độc Lập ít người biết đến như Tranh Bình Ngô Đại Cáo của họa sĩ Nguyễn Văn Minh tốt nghiệp Trường Mỹ Thuật Gia Định năm 1958. Anh từng được tu nghiệp tại Nhật Bản, năm 1975 anh ra nước ngoài. Anh Luận chỉ giới thiệu vài bức sơn mài, và bình phong của Họa sĩ Nguyễn Văn Minh ta đã thấy một tài năng bao la có kém gì các danh họa Nhật Bản hiện đại. Bài viết anh Luận gợi ý cho chúng ta : Có biết bao tài năng hội họa Việt Nam đã nổi danh nước ngoài nếu sưu tập giới thiệu với trong nước .

Đọc sách anh Phạm Công Luận, tôi chợt khám phá ra mỗi một con người Việt Nam là một kho tàng, từ những người vô danh, đến những người danh tiếng. Đề tài viết không đâu xa nằm trong sự tiếp xúc trong cảm thông, trong giao tiếp hằng ngày. Đọc sách anh tôi chợt thấy mình còn nợ với biết bao nhân vật trong thời đại mà tôi đã gặp thân thiết. Những người trong sách anh tôi đã gặp trong đời, và biết bao nhiêu người khác tôi đã gặp thật đáng viết. Sách của anh cho chúng ta những hình ảnh về Sàigon những ngày xưa thân yêu, xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả tại hải ngoại, thật là một món quà quý báu cho người Việt nước ngoài trở về quê hương, mang quyển « Sài Gòn chuyện đời của phố » của anh Phạm Công Luận, làm quà trao tặng nhau để cùng nhớ về quê hương những ngày tháng xa xưa, còn rưng rưng đầy kỷ niệm thân yêu.

Paris tháng 7-2014PTC.
Được đăng bởi nguyentrongtao

khieman
09-08-2014, 05:46 PM
.

Những lát cắt đa màu
trong "Sài Gòn - Chuyện đời của phố"


Cuốn sách như chiếc kính vạn hoa mà chỉ cần lắc nhẹ, bạn sẽ nhìn thấy một Sài Gòn vừa thân thương vừa lạ lẫm đang thay đổi từng ngày từng giờ.

Yêu người, yêu đời với 'Nếu biết trăm năm là hữu hạn'


Tên sách: Sài Gòn chuyện đời của phố
Tác giả: Phạm Công Luận

Tác giả Phạm Công Luận vừa giới thiệu đến bạn đọc cả nước ấn phẩm mới của anh - Sài Gòn chuyện đời của phố. Cuốn sách có 36 bài viết về con người, cảnh vật Sài Gòn. Tác giả, vốn sinh ra ở thành phố này, phác họa về nơi chôn nhau cắt rốn qua những trang viết đầy tâm huyết kèm những hình ảnh anh dày công sưu tầm. Phạm Công Luận xem đây là món quà đầu xuân cho những ai gửi gắm vào Sài Gòn những kỳ vọng, trăn trở và yêu thương.

Sách được in bằng giấy couché matt với 300 trang đầy hình ảnh và tranh. Trong đó có nhiều hình ảnh xưa chưa công bố. Lật giở từng trang sách, người đọc có thể nhớ về Sài Gòn của một thời, những bìa báo xuân và đĩa nhạc xưa cũ, cội nguồn những tấm ảnh về các diễn viên nổi tiếng nay đã lui vào hậu trường, những sinh hoạt lạ lẫm của "hòn ngọc Viễn Đông" đầu thế kỷ 20, những câu chuyện kiếm sống đầy xúc động trên đường phố Sài Gòn - Gia Định và hồi ức Tết đậm đà thân thương. Các bài viết như: Nhà cổ ven đường, Hồn đô thị, Con đường ký ức, Bìa báo xuân xưa, Nhiếp ảnh gia của nghệ sĩ Sài Gòn, Giai nhân một thuở, Nhà sách ở đường Sabourain, Phương Đông trên chiếc dĩa Tây, Tác giả bức tranh Bình Ngô Đại Cáo, Xe điện Sài Gòn, Bến xe thổ mộ, Xóm ngụ cư, Đẹp xưa… phác nên một Sài Gòn xưa với những gam màu trầm, sâu. Đó là những góc nhỏ, những lát cắt để ghép nên bức tranh thành phố đa dạng sắc màu.



(http://m.f9.img.vnexpress.net/2014/01/13/Sai-Gon-chuyen-doi-cua-pho-8213-1389609473.jpg)http://m.f9.img.vnexpress.net/2014/01/13/Sai-Gon-chuyen-doi-cua-pho-8213-1389609473.jpg (http://m.f9.img.vnexpress.net/2014/01/13/Sai-Gon-chuyen-doi-cua-pho-8213-1389609473.jpg)



Bìa "Sài Gòn - Chuyện đời của phố".


Sài Gòn chuyện đời của phố không chỉ có hoài niệm. Con đường đồ cổ Lê Công Kiều ngay gần chợ Bến Thành sầm uất. Khu phố Tây Đề Thám luôn tấp nập, nhộn nhịp. Hay hình ảnh những người lao động bình thường với những cuộc mưu sinh... đều được kể lại với nhịp sống đương đại. Phạm Công Luận không vẽ nên diện mạo từ vẻ hào nhoáng nằm trong ký ức của tầng lớp trung lưu và thượng lưu mà nằm ở hình ảnh về những người nghèo chăm chỉ kiếm sống lang thang trên hè phố, cày cục kiếm tiền mướt mồ hôi, sôi nước mắt. (đọc thêm: Lời ngỏ của tác giả)

Cuốn sách còn có các câu chuyện kể về những giai nhân một thuở, được ông Đinh Tiến Mậu - nhiếp ảnh gia của nghệ sĩ Sài Gòn - miêu tả bằng ảnh đen trắng đẹp và sắc sảo trên các trang:

"Nét đẹp rực rỡ của ca sĩ Minh Hiếu, người được mệnh danh là Liz Taylor của Việt Nam, vẻ đoan trang, dịu dàng của Thanh Nga, sang trọng của diễn viên Kiều Chinh, tươi tắn của ca sĩ Thanh Lan, nét bốc lửa của ca sĩ Diễm Thúy... Các ngôi sao xinh đẹp ngày xưa giờ đã luống tuổi, dấu ấn thời gian phủ trên nhan sắc. Nhiều người không còn nữa chỉ còn đọng lại ánh nhìn của họ trên những tấm ảnh đen trắng hay dăm tờ lịch cũ".

Hay câu chuyện về họa sĩ Duy Liêm, một trong hai họa sĩ trường phái lập thể của miền Nam trước đây. Với gia tài sáng tác đồ sộ ước tính hàng chục nghìn bức họa, ông có một thời tung hoành trên các bìa sách, bìa tờ nhạc, trên tranh gốm và tranh sơn mài và được đánh giá: "đã có công rất lớn trong việc nâng cao và hiện đại hóa cảm quan thẩm mỹ của đại chúng Việt Nam".

Hoặc câu chuyện về ngôi trường Nữ công Gia Định bây giờ không ai còn nhớ... Câu chuyện về nghề đóng sách cao cấp từ thời Pháp thuộc, vắt qua đến giai đoạn nhà sách Khai Trí đứng đầu thị trường sách đẹp.

Gấp cuốn sách lại, người đọc chia sẻ với suy nghĩ của tác giả Đặng Nguyễn Đông Vy, bạn đời của tác giả khi chị mạnh dạn bỏ qua sự e dè việc là người nhà với nhau để nhận xét ấn phẩm của chồng:

"Đây là một cuốn sách có giá trị về Sài Gòn và đáng đọc" (đọc thêm: cảm nhận của Đặng Nguyễn Đông Vy)

Bạch Tiên


***


Sài Gòn có nói gì đâu
Đặng Nguyễn Đông Vy




Yêu người, yêu đời với 'Nếu biết trăm năm là hữu hạn'

Đôi khi tôi vẫn tự hỏi, mối tơ duyên giữa tôi và Sài Gòn bắt đầu từ khi nào? Từ cái Tết đầu tiên tôi theo ba mẹ vô Sài Gòn ăn Tết với gia đình bên nội, hay từ thuở ba tôi còn là một thiếu niên thường xuyên trốn học đi xem phim ở rạp Văn Cầm, Phú Nhuận. Hay xa xăm hơn nữa, từ năm 1941, khi chàng trai trẻ - là ông nội tôi - lặn lội từ Quảng Bình vô Sài Gòn làm cậu chạy việc cho các bà phước ở dòng tu kín sau Nhà Bưu điện Thành phố, ít lâu sau lại trở thành anh bồi của một gia đình người Pháp trên đường Catinat với mức lương 40 đồng bạc Đông Dương?

Dù thế nào, tôi với Sài Gòn hẳn đã có duyên, trước khi tôi về làm dâu một gia đình miền Nam lâu đời.

Nhưng có một điều lạ lùng, đó là càng ngày tôi lại càng cảm thấy mình không phải là “người Sài Gòn”.

Đó là một cảm giác hơi khó lý giải, bởi đối với tôi, khái niệm “người Sài Gòn” không hề được đóng trong một cái khung nhỏ hẹp nào. Không cần bạn phải sinh ra ở Sài Gòn, chỉ cần bạn cảm thấy mình là người Sài Gòn thì bạn chính là người Sài Gòn. Thế thôi!

Vậy thì tại sao sau nhiều năm sống trong lòng thành phố mà tôi vẫn chưa cảm thấy Sài Gòn thuộc về mình, và ngược lại?

Đó là vì càng tiếp xúc với những thế hệ tiếp nối từng sinh ra, lớn lên và thậm chí chưa bao giờ bứt mình khỏi mảnh đất này trong suốt vài thế hệ thì tôi lại càng nhận ra rằng cái chất Sài Gòn của người Sài Gòn không dễ nắm bắt như những từ ngữ mà tôi thỉnh thoảng vẫn đọc đâu đó.

Có lẽ chính vì vậy mà nhiều năm qua tôi vẫn luôn tự hỏi: cuối cùng thì linh hồn Sài Gòn nằm ở đâu? Vẻ đẹp của vùng đất này? Cái tinh thần cốt lõi của người Sài Gòn nằm ở đâu? Ở lối sống đô thị phóng khoáng của những năm trước 1975 hay vẻ lịch lãm duyên dáng vẫn còn đọng lại trong những hồi tưởng về thời thuộc địa? Hay chính là lối sống vội vã náo nhiệt và luôn biến đổi của thời hiện tại?

Những câu hỏi đó, có thể nói là tôi đã tự trả lời được khi đọc xong bản thảo của tập sách này. Không hẳn là một tập tản văn hay sách ảnh, càng không mang tính nghiên cứu, nhưng "Sài Gòn - Chuyện Đời Của Phố" lại chứa đựng rất nhiều hình ảnh, cảm xúc, đồng thời đầy ắp những tư liệu mới lạ.

Bất kể sự e dè lẽ ra phải có khi nhận xét về tác phẩm của “người nhà”, tôi phải thừa nhận đây là một cuốn sách về Sài Gòn có giá trị và đáng đọc.

Tác giả không phải là nhà văn mà là một nhà báo. Vì vậy độc giả sẽ gặp phải đôi chút bất lợi, nhưng bù lại, được tận hưởng khá nhiều phần thưởng từ điều đó.

Bạn sẽ không tìm thấy những câu viết ngọt ngào về một “Sài Gòn chợt mưa chợt nắng” hay “những con đường có lá me bay”. Không có những quán cà phê sang trọng và lãng mạn. Những cảm xúc không được bày ra trên câu chữ mà chỉ lẩn khuất đâu đó giữa những câu chuyện kể.

Đúng vậy, cuốn sách này đầy ắp những câu chuyện kể.

Với sự tò mò cố hữu và kinh nghiệm 30 năm làm báo, tác giả đã ghi lại được nhiều câu chuyện thú vị nhằm trả lời cho những câu hỏi mà chính bản thân anh, cũng như không ít người sinh sống ở Sài Gòn nhiều năm từng thắc mắc: người được đặt tên cho Ngã ba Ông Tạ là ai? Họa sĩ ký tên Duy Liêm trên những bìa nhạc tờ được yêu thích trước đây đã sống và làm việc như thế nào? Lịch sử một gia tộc đã và đang sống ở Sài Gòn suốt nhiều đời nay?... Câu trả lời được ghi lại qua những cuộc gặp gỡ và trao đổi với các nhân chứng cụ thể chứ không chỉ nhờ tra cứu sách báo. Chính điều đó tạo nên giá trị về mặt tư liệu cho cuốn sách.

Và có thể, bạn sẽ nhận ra rằng người Sài Gòn không chỉ là những người đã ra đi, hay trở về, mà còn là những người ở lại và chưa bao giờ rời xa.

Người Sài Gòn, không chỉ là giới thượng lưu thường xuất hiện quanh những đoạn đường sang trọng khu quận Nhứt, mà còn là phần đông bình dân sống trong những con hẻm nhỏ ở Đa Kao, Thị Nghè, Phú Nhuận hay Chợ Lớn...

Người Sài Gòn, không chỉ là các nghệ sĩ nổi danh thong dong tụ tập trong quán cà phê thời thượng, bàn chuyện thi văn nhạc họa, hay những cô gái xinh đẹp dạo phố trong tà áo lụa, mà còn là những con người không xuất hiện trước đám đông, chỉ lặng lẽ âm thầm dâng tặng đời mình cho thành phố này qua mấy thế kỷ thăng trầm.

Người Sài Gòn không cống hiến tài năng hay công sức của mình cho thành phố như một lý tưởng. Họ cống hiến một cách tình cờ vì đã làm việc tất phải làm đến nơi đến chốn.

Người Sài Gòn, họ không màng thổ lộ cho ai hay mình yêu sâu đậm ra sao và nhớ da diết thành phố của mình như thế nào.

Người Sài Gòn, không để ý đến việc bạn viết “Sài Gòn” hay “Saigon”, cũng không quan tâm bạn nói giọng miền nào, miễn hiểu nhau là được.

Người Sài Gòn không nhất thiết bắt bạn phải gọi đường phố theo tên mới hay cũ, miễn sao tìm thấy nhà là được.

Bởi với họ, chẳng có gì phải cực đoan.

Với những người Sài Gòn mà tôi biết, nếu có điều gì cực đoan thì đó chính là nghĩa khí. Đất Sài Gòn ưa chuộng những con người đàng hoàng và có nghĩa khí. Có nghĩa khí là sống làm sao để những người mà mình xem trọng không coi thường mình. Có nghĩa khí là dám nói dám làm. Dám làm dám chịu.

Càng hiểu sâu về một Sài Gòn không nằm trên bề mặt của những bảng tên đường hay nhà hàng quán xá thì tôi càng thấy Sài Gòn giống một kim tự tháp, nếu đứng từ xa bạn chỉ nhìn thấy cái chóp nhọn, phần cao nhất nhưng có diện tích nhỏ nhất. Chỉ khi đến thật gần, thậm chí bước vào bên trong, bạn mới nhận ra phần chân đế của nó rộng lớn chừng nào. Nếu chúng ta nhìn Sài Gòn và chỉ thấy đỉnh cao lấp lánh ở ngay trước mắt, nghĩa là ta còn chưa đến đủ gần.

Giống như phần chìm của một tảng băng, chính cuộc sống lặng lẽ trong dân gian lại chứa đựng cái chất Sài Gòn đậm đặc nhất. Bắt nguồn từ tấm linh hồn của đất Gia Định thuở xa xưa, nó vẫn đang âm thầm chảy như một mạch nguồn mạnh mẽ của đời sống Sài Gòn hôm nay, dù không dễ vẽ nên hình hài và cũng không mấy ai nhận thấy.

Chắc chắn có một chút dáng dấp của “chất Sài Gòn” ấy trong cuốn sách này. Sự phong phú của các chi tiết cũng như giọng kể có chút lan man đời thường đôi khi khiến ta lạc lối. Không trau chuốt về câu chữ, nhưng bù lại, chất liệu thực tế ngồn ngộn bên cạnh những tấm ảnh hay tranh minh họa cũ, mới được sưu tập công phu, khiến cho việc đọc sách giống như bạn đang ngồi trong quán cà phê đầu hẻm, vừa nhìn cuộc đời trôi qua vừa nghe một người già kể những câu chuyện xưa nay, dắt dây nhau theo một cách khó ngờ. Trong đó, có người lạ và có cả người quen, có chuyện hấp dẫn, có chuyện lê thê. Nhưng chắc là không hề nhàm chán.

Ít nhất, nếu bạn cũng giống tôi.

Tôi không phải là người Sài Gòn. Dù giữa tôi và Sài Gòn có một mối tơ duyên.

Tôi không hiểu hết Sài Gòn. Dù tôi đã sống với Sài Gòn rất nhiều năm tháng.

Chính vì lẽ đó mà tôi luôn muốn lắng nghe, lắng nghe, những câu chuyện đời thường của phố. Kể cả khi tôi biết rằng, thực ra thì Sài Gòn có nói gì đâu, chỉ có tôi - một người từ nơi khác đến - mới thường gán cho Sài Gòn những cái nhãn “thế này” hay “thế nọ”.

Sài Gòn có nói gì đâu.

Vài thế kỷ đã trôi qua trên mảnh đất này, và Sài Gòn chỉ âm thầm sống.

Đặng Nguyễn Đông Vy
vnexpress online