khieman
11-05-2014, 07:11 AM
.
Pháp môn Tịnh Độ
Có một bài kệ tóm tắt con đường tu hành của người Phật tử, như sau:
“Không làm những điều ác
Siêng làm những việc lành
Tự thanh tịnh tâm ý
Lời chư Phật dạy rành”
… trong đó, “Tự thanh tịnh tâm ý” thì mới chính là mục tiêu cốt tủy của đạo Phật.
Kinh Phật dạy rằng: “Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu”, câu đó có nghĩa là khi tâm đã tịnh là đã bạch hóa được nghiệp chướng tích lũy từ vô lượng kiếp. Tội là những nghiệp ác. Tâm đã tịnh rồi thì cũng có nghĩa là tất cả nghiệp thiện và ác đều đã tiêu dung, không còn nghiệp nhân để tái sinh, là chấm dứt được dòng sinh tử, ra khỏi vòng luân hồi. Tóm lại, là hoàn tất được bước thứ tư trong bốn Chân Lý Thâm Diệu, là Diệt Khổ.
- Vậy thì, làm thế nào để có thể “tự thanh tịnh tâm ý?
Về phương diện này, nhà Phật có những pháp môn phương tiện để hành giả, là những người thực hành các pháp tu, đạt được kết quả cụ thể, thí dụ các môn phái Thiền, Tịnh hoặc Mật tông. Kỳ này, chúng tôi xin trình bày pháp môn Tịnh Độ.
Đạo Phật là con đường chuyển hóa Tâm, không nhờ vào thần quyền, cho nên người Phật tử bước trên đường tu tập phải thông suốt hai phần là lý thuyết và thực hành, nhà Phật gọi là Lý và Sự, xong việc là “sự lý viên dung”. Toàn bộ giai đoạn tu tập này được gói trọn trong công thức Văn, Tư và Tu. Văn là nghe lời dạy từ kinh sách của Phật và chư Tổ là bước thứ nhất, Tư là suy nghĩ để hiểu cho rõ là bước thứ 2, rồi tới bước thứ 3 là thực hành các phương pháp Tu.
Lại có câu “Tín Giải Hành Chứng”. “Tín” là tin rằng đạo Phật là con đường giải thoát, “Giải” là hiểu rõ phần lý thuyết của đạo Phật, “Hành” là hành trì các bước tu tập thì sẽ tới giai đoạn thứ tư là “Chứng Đạo”
Cổ đức dạy rằng ”Tu mà không học là tu mù. Học mà không tu là túi đựng sách”. Tuy thế, hiểu được phần Lý thì chóng, gọi là giải ngộ. Nhưng tu tới Chứng Đạo thì phải tốn nhiều công phu hành trì, nên có câu “Lý tuy đốn ngộ nhưng Sự thì phải tiệm tu”, có nghĩa là phần lý thuyết thì hiểu nhanh, nhưng phần thanh lọc tâm ý thì phải mất nhiều công phu.
Nếu chỉ qua đọc kinh sách mà hiểu được phần lý thuyết, nhưng không thực Tu thực Chứng thì tâm thức không chuyển hóa, đôi khi lại tăng trưởng lòng kiêu ngạo, chư Tổ gọi là “chưa tới tưởng đã tới”, trở thành tăng thượng mạn, uổng phí một đời được sinh ra trong nhà Phật.
Như vậy, chúng ta sẽ tìm hiểu pháp môn Tịnh Độ về cả hai mặt lý thuyết và thực hành, trước nhất là phần lý thuyết.
A Di Đà Phật hoặc Pháp Giới Tạng Thân A Di Đà Phật còn gọi là Vô Lượng Quang Thọ Phật, có nghĩa là vị Phật chiếu sáng khắp không gian vô biên và thọ mạng dài vô tận. Phật là Giác. Cho nên A Di Đà Phật cũng chính là Phật Tánh, hoặc Giác Tánh của chúng sinh, vốn mênh mông cùng khắp không gian và thường hằng từ vô thủy tới vô chung, không có ngằn mé. Tánh Giác đó vốn sáng suốt mênh mông, nhưng vì một niệm bất giác vọng động, tâm ý thức trùng trùng duyên khởi chuyển thành chúng sinh, tạo nghiệp trả quả báo, trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi.
Pháp môn Tịnh Độ là một trong những con đường mà đức Phật đã dạy cho chúng sinh biết cách thanh lọc ô nhiễm để Ngộ lại Giác Tánh.
Để có thêm tài liệu về pháp môn Tịnh Độ và về Pháp Giới Tạng Thân A Di Đà Phật, chúng tôi xin kính gửi tới quý vị bài pháp của thiền sư Thiên Như Duy Tắc, trích từ Ngữ Lục của ngài:
“Ngày nay, có một số người, tăng cũng như tục, mong nhờ Niệm Phật để được thác sinh cõi Tịnh độ và tự hỏi Niệm Phật có khác Thiền chăng. Theo ý tôi, họ không hề nhận ra Thiền và Niệm Phật không phải đồng mà là đồng; vì đích của Thiền là thấu hiểu ý nghĩa của sự sống, đích của Niệm Phật thì cũng vậy. Thiền chỉ thẳng lòng người, thấy tánh thành Phật; trong khi đó, Niệm Phật nhắm đi tới cõi Tịnh Độ vốn dĩ không chi khác hơn chính là tự tâm, và nhắm thấy rõ tự tính vốn dĩ chính là đức A-Di-Đà (Amitabha).
“Nếu thế, làm sao phân biệt Niệm Phật và Thiền?
Kinh nói, như đi vào một thành lớn mà khắp bốn phía đều có cửa; từ những nẻo khác nhau, người ta tìm thấy lối vào riêng biệt của mình vì cửa không chỉ có một. Nhưng, một khi vào rồi, họ cùng ở trong một thành như nhau. Thiền và Niệm Phật mỗi bên có một căn khí riêng; đấy là tất cả.
“Ở Niệm Phật, các người có thể phân biệt đằng nào linh nghiệm đằng nào không. Tại sao? Nếu việc tụng niệm của tín giả chỉ ở ngoài môi miệng còn tâm thì chẳng nghĩ tưởng chút gì đến Phật, thứ tụng niệm ấy không linh nghiệm. Trái lại, nếu miệng và tâm cùng chung hướng về Phật trong khi tụng đọc danh hiệu Ngài, khiến cho tâm với Phật không rời nhau từng bước một, Niệm Phật chắc chắn sẽ có kết quả. Giả dụ đây là một người tay cầm tràng hạt, miệng niệm danh hiệu Phật; nhưng nếu cứ vọng tưởng cuồng tâm, chạy xuôi chạy ngược, thì là một người chỉ tụng ở miệng chứ không ở tâm, luống công vô ích, nhọc mà chẳng được gì. Tốt hơn là nghĩ tưởng đến Phật trong tâm hồn dù môi không mấp máy, vì như thế mới là đồ đệ chân chính của Niệm Phật.
“Há không thấy Kinh nói rằng mười phương Như Lai thương nhớ chúng sinh như mẹ thương con; chúng sinh chìm đắm trong biển sinh tử như con trẻ lưu lạc nơi xứ lạ quê người. Phật như một bà mẹ từ ái thương nhớ chúng, và dù ngài không nói đến từ tâm của mình, tấm lòng của ngài vẫn luôn luôn nhớ tưởng những đứa con lạc mất không thôi. Nếu con cũng nhớ tưởng mẹ như thế, tại sao mẹ con không có ngày hội diện?
“Bởi vậy kinh nói nếu tấm lòng của chúng sinh nhớ tưởng đức Phật, chắc chắn sẽ thấy ngài trong hiện tại hay tương lai. Hiện tại là đời sống này, tương lai là đời sống sẽ đến. Nếu thế, kẻ nào hết sức mong mỏi Phật và nhớ tưởng ngài kẻ ấy nhất định sẽ đến trước mặt ngài. Vậy thì “thấy Phật” và “tham Thiền kiến tánh” khác nhau ở chỗ nào đâu? “
Kinh căn bản của pháp môn Tịnh Độ đã được dịch ra Việt ngữ là các kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ, kinh Niệm Phật Ba La Mật. Tuy nhiên, nơi kinh Lăng Nghiêm cũng có một chương nói về pháp Niệm Phật Tam Muội như sau:
“Đại Thế Chí Pháp Vương Tử cùng với 52 vị Bồ Tát đồng tu, liền đứng dậy, đảnh lễ bạch Phật rằng:
- Con nhớ hằng sa kiếp trước, có Phật Vô Lượng Quang ra đời, thuở đó, mười hai vị Như Lai kế nhau thành Phật trong một kiếp. Vị Phật sau cùng hiệu là Siêu Nhựt Nguyệt Quang, dạy con tu “Niệm Phật Tam Muội”, ví như có người thì chuyên nhớ, người thì chuyên quên, nếu hai người ấy nhớ nhau, không kể gặp hay chẳng gặp, thấy mặt hay chẳng thấy; cứ nhớ mãi sâu vào tâm niệm, cho đến đời này, đời khác, thì như hình với bóng, chẳng cách xa nhau.
Mười phương Như Lai tưởng nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con, nếu con trốn tránh thì dù nhớ cũng chẳng làm gì được; nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con, thì đời đời mẹ con chẳng xa cách. Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật, thì hiện nay hay về sau nhất định thấy Phật, cách Phật không xa, chẳng nhờ phương tiện, tâm tự khai ngộ, như người ướp hương thì thân có mùi thơm, ấy gọi là Hương Quang Trang Nghiêm.
Bản nhân của con là dùng tâm niệm Phật, đắc vô sanh nhẫn, nay ở cõi này tiếp dẫn người niệm Phật về cõi Tịnh Độ. Phật hỏi con về viên thông, con do “nhiếp cả lục căn, tịnh niệm tương tục” vào tam-ma-địa là hơn cả.”
“Nhiếp cả lục căn tịnh niệm tương tục” có nghĩa là chuyên tâm niệm Phật liên tục, trong lúc niệm không quan tâm đến bất cứ chuyện gì khác.
Pháp môn Niệm Phật bị một số người nông cạn coi thường, cho là pháp môn của mấy bà già trầu hoặc người không đủ trình độ tu Thiền mới theo pháp dễ là Niệm Phật. Đó là một sai lầm rất đáng tiếc. Thực tế, con đường giải thoát của đức Phật chỉ dạy cho chúng sinh gồm nhiều lối đi, miễn là tới được mục tiêu phá trừ mê vọng là cứu cánh giải thoát.
Tham Thiền tới Kiến Tánh là mê vọng tan rã. Niệm Phật tới Ngộ được Pháp Giới Tạng Thân A Di Đà Phật mà đức Phật dùng phương tiện thiện xảo gọi là cõi Tây Phương Tịnh Độ thì cũng như Kiến Tánh vậy.
Để quý thính giả thấu triệt quan điểm này, chúng tôi xin kính gửi tới quý vị bài pháp của thiền sư Hám Sơn, một vị thiền sư Kiến Tánh ở thế kỷ thứ 16. Ngài được tôn xưng là một vị thánh tăng. Ngài để lại rất nhiều bài pháp cho nhiều tầng lớp Phật tử. Sau khi qua đời, nhục thân ngài không bị hư hoại, hiện còn thờ trong tháp bằng kính tại tổ đình Tào Khê chùa Nam Hoa tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, cùng với 2 nhục thân bất hoại của Lục Tổ Huệ Năng và thiền sư Đan Điền.
Sau đây là bài giảng của thiền sư Hám Sơn, lược trích trong cuốn Mộng Du Tập do sư cô Hạnh Huệ dịch:
“Cội gốc sanh tử tức là các thứ vọng tưởng hàng ngày của chúng ta, các thứ nghiệp phiền não thương ghét, tham lam, giận hờn của chúng ta, nếu còn một mảy may không dứt thì tức là còn gốc rễ sanh tử. Nay muốn tham thiền đốn ngộ liễu thoát sanh tử, hãy tự suy nghĩ xem có thể một niệm dứt ngay phiền não của nhiều kiếp như chặt đứt một cuộn chỉ hay chăng ? Nếu chẳng thể dứt sạch phiền não thì dẫu cho đốn ngộ, cũng thành nghiệp ma, đâu nên xem thường ? Các vị tổ xưa kia đốn ngộ, cũng nhiều đời tích lũy công phu tu tập dần dần (tiệm tu) mà được, cho nên “đốn ngộ” này nói thì dễ mà thật ra rất khó. Nếu không có hai, ba mươi năm hạ thủ công phu, thì làm sao có thể ở trong chốn phiền não lẫy lừng mà được một niệm đốn ngộ.
Điều thiết yếu là phải tự biết căn khí mình như thế nào ? Đến như một môn niệm Phật, người đời không biết sự nhiệm mầu của nó, xem là thiển cận, kỳ thật mỗi bước thực hành cho đúng thì như thế nào ? Chúng ta từ khi có sanh tử đến nay, niệm niệm vọng tưởng phan duyên tạo nghiệp sanh tử, đâu từng có một niệm quay trở về soi lại tự tâm, đâu từng một niệm chịu đoạn dứt phiền não. Nay nếu có thể đem tâm vọng tưởng chuyển làm niệm Phật thì niệm niệm dứt phiền não. Nếu niệm niệm dứt được phiền não thì niệm niệm ra khỏi sanh tử.
Nếu một niệm niệm vững chắc không đổi dời nhất tâm bất loạn, so với tham thiền còn có kết quả hơn. Tóm lại, chỉ do một niệm thiết tha chân thực mà thôi. Nhưng tham thiền nhất định cần phải chết đi hết tâm thế tục không còn một niệm vọng tưởng, còn niệm Phật là lấy tưởng tịnh chuyển tưởng nhiễm, dùng tưởng trừ tưởng, là Pháp Hoán Chuyển, cho nên đối với căn khí của chúng ta ngày nay dễ thực hành hơn.
Phật là Giác, nếu niệm Phật không quên Phật, tức là niệm niệm minh giác. Tâm nếu quên Phật liền là Bất Giác. Nếu niệm đến trong mộng cũng niệm được tức là thường giác không mê muội ! Hiện tại nếu tâm này không mê muội thì lúc lâm chung tâm này không mê muội, ngay chỗ tâm này không mê muội tức là kết quả. Nay công việc bận rộn không thể tham thiền, duy có niệm Phật là tốt nhất, bất kể rỗi rảnh, bận rộn, chỗ nào cũng niệm được, chỉ cần một lòng không quên, không còn có pháp nào hay hơn !.
Niệm Phật tức là tham thiền, không phải hai pháp. Ngay lúc niệm Phật, trước tiên phải buông bỏ hết thảy các thứ vọng niệm, tạp loạn phiền não, tham, sân, si, buông bỏ đến chỗ không còn gì để buông bỏ, chỉ đề khởi một câu “A DI ĐÀ PHẬT”, rõ rành phân minh trong tâm không gián đoạn như sợi chỉ xỏ xâu chuỗi.
Nếu tâm tha thiết vì việc sanh tử niệm niệm như cứu lửa cháy đầu, chỉ e một phen mất thân người muôn kiếp khó được lại, cần phải cắn chặt lấy một câu danh hiệu Phật này, nhất định phải chiến thắng vọng tưởng, bất cứ chỗ nào cũng niệm niệm hiện tiền, chẳng vì vọng tưởng ngăn che. Hạ thủ công phu thiết tha như thế lâu ngày thuần thục tự nhiên tương ưng, chẳng cầu thành khối mà tự thành khối.
Nếu gặp lúc tâm bất an do các cảnh giới nghịch thuận phiền não buồn vui quấy nhiễu, chỉ cần đề khởi một câu niệm Phật này lập tức thấy phiền não tiêu diệt. Vì niệm niệm phiền não là gốc khổ sanh tử, nay dùng niệm Phật tiêu diệt phiền não, ấy là Phật độ chỗ khổ sanh tử. Nếu niệm Phật tan được phiền não thì có thể thoát sanh tử. Nếu niệm Phật đến trình độ làm chủ được trên phiền não thì ở trong mộng làm được chủ. Nếu ở trong mộng làm được chủ thì ở trong lúc bệnh khổ làm được chủ, thì lúc lâm chung rõ ràng biết được chỗ đi. Việc này không khó làm, chỉ cần một niệm tâm tha thiết vì sanh tử, nắm chặt một câu Phật hiệu, không còn nghĩ ngợi gì khác, lâu ngày thuần thục, tự nhiên được đại an lạc, cái vui ngũ dục thế gian không thể sánh được. Ngoài pháp môn Tịnh Độ nầy, không còn có pháp môn nào thẳng tắt giản dị hơn.”
Trên đây là lời căn dặn của thiền sư Hám Sơn. Ngài là một thiền sư Kiến Tánh, từ Trí Tuệ Bát Nhã nói lên những lời tha thiết khuyên tu pháp Niệm Phật, chúng ta rất nên tôn trọng lời dạy vàng ngọc này.
Có một câu hỏi rằng nên niệm sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật hay 4 chữ A Di Đà Phật?
Xin thưa rằng, niệm Phật cần nhuần nhuyễn, sao cho tiếng niệm Phật luôn luôn âm thầm hiện lên trong tâm thức. Phật hiệu hiện lên thì phiền não vọng tưởng không quấy nhiễu được, gọi là “niệm Phật thì không niệm chúng sinh”. Tổ Tịnh Độ thứ 13 là đại sư Ấn Quang chỉ dùng 4 chữ là A Di Đà Phật để âm thầm niệm, gọi là “mặc trì”, tức là niệm không thành tiếng. Ngài kinh nghiệm rằng niệm như vậy mau thành khối. Chúng tôi cũng được một số đạo hữu cho biết rằng do âm thầm niệm 4 tiếng mà Phật hiệu luôn trôi chảy hiện lên trong tâm thức, thay thế cho những suy nghĩ vọng động.
Tuy nhiên, nếu quý vị muốn, hoặc đã quen với cách niệm 6 chữ là Nam mô A Di Đà Phật, thì cứ tiếp tục niệm như thế, cả hai cách niệm đều có kết quả. Điều cần thiết là phải chí thành khi niệm, không để tâm rong ruổi theo vọng tưởng phiền não thế gian.
Liên Hương
Trích "Chương trình phát thanh Tìm hiểu Phật pháp Tuệ Đăng"
Pháp môn Tịnh Độ
Có một bài kệ tóm tắt con đường tu hành của người Phật tử, như sau:
“Không làm những điều ác
Siêng làm những việc lành
Tự thanh tịnh tâm ý
Lời chư Phật dạy rành”
… trong đó, “Tự thanh tịnh tâm ý” thì mới chính là mục tiêu cốt tủy của đạo Phật.
Kinh Phật dạy rằng: “Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu”, câu đó có nghĩa là khi tâm đã tịnh là đã bạch hóa được nghiệp chướng tích lũy từ vô lượng kiếp. Tội là những nghiệp ác. Tâm đã tịnh rồi thì cũng có nghĩa là tất cả nghiệp thiện và ác đều đã tiêu dung, không còn nghiệp nhân để tái sinh, là chấm dứt được dòng sinh tử, ra khỏi vòng luân hồi. Tóm lại, là hoàn tất được bước thứ tư trong bốn Chân Lý Thâm Diệu, là Diệt Khổ.
- Vậy thì, làm thế nào để có thể “tự thanh tịnh tâm ý?
Về phương diện này, nhà Phật có những pháp môn phương tiện để hành giả, là những người thực hành các pháp tu, đạt được kết quả cụ thể, thí dụ các môn phái Thiền, Tịnh hoặc Mật tông. Kỳ này, chúng tôi xin trình bày pháp môn Tịnh Độ.
Đạo Phật là con đường chuyển hóa Tâm, không nhờ vào thần quyền, cho nên người Phật tử bước trên đường tu tập phải thông suốt hai phần là lý thuyết và thực hành, nhà Phật gọi là Lý và Sự, xong việc là “sự lý viên dung”. Toàn bộ giai đoạn tu tập này được gói trọn trong công thức Văn, Tư và Tu. Văn là nghe lời dạy từ kinh sách của Phật và chư Tổ là bước thứ nhất, Tư là suy nghĩ để hiểu cho rõ là bước thứ 2, rồi tới bước thứ 3 là thực hành các phương pháp Tu.
Lại có câu “Tín Giải Hành Chứng”. “Tín” là tin rằng đạo Phật là con đường giải thoát, “Giải” là hiểu rõ phần lý thuyết của đạo Phật, “Hành” là hành trì các bước tu tập thì sẽ tới giai đoạn thứ tư là “Chứng Đạo”
Cổ đức dạy rằng ”Tu mà không học là tu mù. Học mà không tu là túi đựng sách”. Tuy thế, hiểu được phần Lý thì chóng, gọi là giải ngộ. Nhưng tu tới Chứng Đạo thì phải tốn nhiều công phu hành trì, nên có câu “Lý tuy đốn ngộ nhưng Sự thì phải tiệm tu”, có nghĩa là phần lý thuyết thì hiểu nhanh, nhưng phần thanh lọc tâm ý thì phải mất nhiều công phu.
Nếu chỉ qua đọc kinh sách mà hiểu được phần lý thuyết, nhưng không thực Tu thực Chứng thì tâm thức không chuyển hóa, đôi khi lại tăng trưởng lòng kiêu ngạo, chư Tổ gọi là “chưa tới tưởng đã tới”, trở thành tăng thượng mạn, uổng phí một đời được sinh ra trong nhà Phật.
Như vậy, chúng ta sẽ tìm hiểu pháp môn Tịnh Độ về cả hai mặt lý thuyết và thực hành, trước nhất là phần lý thuyết.
A Di Đà Phật hoặc Pháp Giới Tạng Thân A Di Đà Phật còn gọi là Vô Lượng Quang Thọ Phật, có nghĩa là vị Phật chiếu sáng khắp không gian vô biên và thọ mạng dài vô tận. Phật là Giác. Cho nên A Di Đà Phật cũng chính là Phật Tánh, hoặc Giác Tánh của chúng sinh, vốn mênh mông cùng khắp không gian và thường hằng từ vô thủy tới vô chung, không có ngằn mé. Tánh Giác đó vốn sáng suốt mênh mông, nhưng vì một niệm bất giác vọng động, tâm ý thức trùng trùng duyên khởi chuyển thành chúng sinh, tạo nghiệp trả quả báo, trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi.
Pháp môn Tịnh Độ là một trong những con đường mà đức Phật đã dạy cho chúng sinh biết cách thanh lọc ô nhiễm để Ngộ lại Giác Tánh.
Để có thêm tài liệu về pháp môn Tịnh Độ và về Pháp Giới Tạng Thân A Di Đà Phật, chúng tôi xin kính gửi tới quý vị bài pháp của thiền sư Thiên Như Duy Tắc, trích từ Ngữ Lục của ngài:
“Ngày nay, có một số người, tăng cũng như tục, mong nhờ Niệm Phật để được thác sinh cõi Tịnh độ và tự hỏi Niệm Phật có khác Thiền chăng. Theo ý tôi, họ không hề nhận ra Thiền và Niệm Phật không phải đồng mà là đồng; vì đích của Thiền là thấu hiểu ý nghĩa của sự sống, đích của Niệm Phật thì cũng vậy. Thiền chỉ thẳng lòng người, thấy tánh thành Phật; trong khi đó, Niệm Phật nhắm đi tới cõi Tịnh Độ vốn dĩ không chi khác hơn chính là tự tâm, và nhắm thấy rõ tự tính vốn dĩ chính là đức A-Di-Đà (Amitabha).
“Nếu thế, làm sao phân biệt Niệm Phật và Thiền?
Kinh nói, như đi vào một thành lớn mà khắp bốn phía đều có cửa; từ những nẻo khác nhau, người ta tìm thấy lối vào riêng biệt của mình vì cửa không chỉ có một. Nhưng, một khi vào rồi, họ cùng ở trong một thành như nhau. Thiền và Niệm Phật mỗi bên có một căn khí riêng; đấy là tất cả.
“Ở Niệm Phật, các người có thể phân biệt đằng nào linh nghiệm đằng nào không. Tại sao? Nếu việc tụng niệm của tín giả chỉ ở ngoài môi miệng còn tâm thì chẳng nghĩ tưởng chút gì đến Phật, thứ tụng niệm ấy không linh nghiệm. Trái lại, nếu miệng và tâm cùng chung hướng về Phật trong khi tụng đọc danh hiệu Ngài, khiến cho tâm với Phật không rời nhau từng bước một, Niệm Phật chắc chắn sẽ có kết quả. Giả dụ đây là một người tay cầm tràng hạt, miệng niệm danh hiệu Phật; nhưng nếu cứ vọng tưởng cuồng tâm, chạy xuôi chạy ngược, thì là một người chỉ tụng ở miệng chứ không ở tâm, luống công vô ích, nhọc mà chẳng được gì. Tốt hơn là nghĩ tưởng đến Phật trong tâm hồn dù môi không mấp máy, vì như thế mới là đồ đệ chân chính của Niệm Phật.
“Há không thấy Kinh nói rằng mười phương Như Lai thương nhớ chúng sinh như mẹ thương con; chúng sinh chìm đắm trong biển sinh tử như con trẻ lưu lạc nơi xứ lạ quê người. Phật như một bà mẹ từ ái thương nhớ chúng, và dù ngài không nói đến từ tâm của mình, tấm lòng của ngài vẫn luôn luôn nhớ tưởng những đứa con lạc mất không thôi. Nếu con cũng nhớ tưởng mẹ như thế, tại sao mẹ con không có ngày hội diện?
“Bởi vậy kinh nói nếu tấm lòng của chúng sinh nhớ tưởng đức Phật, chắc chắn sẽ thấy ngài trong hiện tại hay tương lai. Hiện tại là đời sống này, tương lai là đời sống sẽ đến. Nếu thế, kẻ nào hết sức mong mỏi Phật và nhớ tưởng ngài kẻ ấy nhất định sẽ đến trước mặt ngài. Vậy thì “thấy Phật” và “tham Thiền kiến tánh” khác nhau ở chỗ nào đâu? “
Kinh căn bản của pháp môn Tịnh Độ đã được dịch ra Việt ngữ là các kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ, kinh Niệm Phật Ba La Mật. Tuy nhiên, nơi kinh Lăng Nghiêm cũng có một chương nói về pháp Niệm Phật Tam Muội như sau:
“Đại Thế Chí Pháp Vương Tử cùng với 52 vị Bồ Tát đồng tu, liền đứng dậy, đảnh lễ bạch Phật rằng:
- Con nhớ hằng sa kiếp trước, có Phật Vô Lượng Quang ra đời, thuở đó, mười hai vị Như Lai kế nhau thành Phật trong một kiếp. Vị Phật sau cùng hiệu là Siêu Nhựt Nguyệt Quang, dạy con tu “Niệm Phật Tam Muội”, ví như có người thì chuyên nhớ, người thì chuyên quên, nếu hai người ấy nhớ nhau, không kể gặp hay chẳng gặp, thấy mặt hay chẳng thấy; cứ nhớ mãi sâu vào tâm niệm, cho đến đời này, đời khác, thì như hình với bóng, chẳng cách xa nhau.
Mười phương Như Lai tưởng nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con, nếu con trốn tránh thì dù nhớ cũng chẳng làm gì được; nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con, thì đời đời mẹ con chẳng xa cách. Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật, thì hiện nay hay về sau nhất định thấy Phật, cách Phật không xa, chẳng nhờ phương tiện, tâm tự khai ngộ, như người ướp hương thì thân có mùi thơm, ấy gọi là Hương Quang Trang Nghiêm.
Bản nhân của con là dùng tâm niệm Phật, đắc vô sanh nhẫn, nay ở cõi này tiếp dẫn người niệm Phật về cõi Tịnh Độ. Phật hỏi con về viên thông, con do “nhiếp cả lục căn, tịnh niệm tương tục” vào tam-ma-địa là hơn cả.”
“Nhiếp cả lục căn tịnh niệm tương tục” có nghĩa là chuyên tâm niệm Phật liên tục, trong lúc niệm không quan tâm đến bất cứ chuyện gì khác.
Pháp môn Niệm Phật bị một số người nông cạn coi thường, cho là pháp môn của mấy bà già trầu hoặc người không đủ trình độ tu Thiền mới theo pháp dễ là Niệm Phật. Đó là một sai lầm rất đáng tiếc. Thực tế, con đường giải thoát của đức Phật chỉ dạy cho chúng sinh gồm nhiều lối đi, miễn là tới được mục tiêu phá trừ mê vọng là cứu cánh giải thoát.
Tham Thiền tới Kiến Tánh là mê vọng tan rã. Niệm Phật tới Ngộ được Pháp Giới Tạng Thân A Di Đà Phật mà đức Phật dùng phương tiện thiện xảo gọi là cõi Tây Phương Tịnh Độ thì cũng như Kiến Tánh vậy.
Để quý thính giả thấu triệt quan điểm này, chúng tôi xin kính gửi tới quý vị bài pháp của thiền sư Hám Sơn, một vị thiền sư Kiến Tánh ở thế kỷ thứ 16. Ngài được tôn xưng là một vị thánh tăng. Ngài để lại rất nhiều bài pháp cho nhiều tầng lớp Phật tử. Sau khi qua đời, nhục thân ngài không bị hư hoại, hiện còn thờ trong tháp bằng kính tại tổ đình Tào Khê chùa Nam Hoa tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, cùng với 2 nhục thân bất hoại của Lục Tổ Huệ Năng và thiền sư Đan Điền.
Sau đây là bài giảng của thiền sư Hám Sơn, lược trích trong cuốn Mộng Du Tập do sư cô Hạnh Huệ dịch:
“Cội gốc sanh tử tức là các thứ vọng tưởng hàng ngày của chúng ta, các thứ nghiệp phiền não thương ghét, tham lam, giận hờn của chúng ta, nếu còn một mảy may không dứt thì tức là còn gốc rễ sanh tử. Nay muốn tham thiền đốn ngộ liễu thoát sanh tử, hãy tự suy nghĩ xem có thể một niệm dứt ngay phiền não của nhiều kiếp như chặt đứt một cuộn chỉ hay chăng ? Nếu chẳng thể dứt sạch phiền não thì dẫu cho đốn ngộ, cũng thành nghiệp ma, đâu nên xem thường ? Các vị tổ xưa kia đốn ngộ, cũng nhiều đời tích lũy công phu tu tập dần dần (tiệm tu) mà được, cho nên “đốn ngộ” này nói thì dễ mà thật ra rất khó. Nếu không có hai, ba mươi năm hạ thủ công phu, thì làm sao có thể ở trong chốn phiền não lẫy lừng mà được một niệm đốn ngộ.
Điều thiết yếu là phải tự biết căn khí mình như thế nào ? Đến như một môn niệm Phật, người đời không biết sự nhiệm mầu của nó, xem là thiển cận, kỳ thật mỗi bước thực hành cho đúng thì như thế nào ? Chúng ta từ khi có sanh tử đến nay, niệm niệm vọng tưởng phan duyên tạo nghiệp sanh tử, đâu từng có một niệm quay trở về soi lại tự tâm, đâu từng một niệm chịu đoạn dứt phiền não. Nay nếu có thể đem tâm vọng tưởng chuyển làm niệm Phật thì niệm niệm dứt phiền não. Nếu niệm niệm dứt được phiền não thì niệm niệm ra khỏi sanh tử.
Nếu một niệm niệm vững chắc không đổi dời nhất tâm bất loạn, so với tham thiền còn có kết quả hơn. Tóm lại, chỉ do một niệm thiết tha chân thực mà thôi. Nhưng tham thiền nhất định cần phải chết đi hết tâm thế tục không còn một niệm vọng tưởng, còn niệm Phật là lấy tưởng tịnh chuyển tưởng nhiễm, dùng tưởng trừ tưởng, là Pháp Hoán Chuyển, cho nên đối với căn khí của chúng ta ngày nay dễ thực hành hơn.
Phật là Giác, nếu niệm Phật không quên Phật, tức là niệm niệm minh giác. Tâm nếu quên Phật liền là Bất Giác. Nếu niệm đến trong mộng cũng niệm được tức là thường giác không mê muội ! Hiện tại nếu tâm này không mê muội thì lúc lâm chung tâm này không mê muội, ngay chỗ tâm này không mê muội tức là kết quả. Nay công việc bận rộn không thể tham thiền, duy có niệm Phật là tốt nhất, bất kể rỗi rảnh, bận rộn, chỗ nào cũng niệm được, chỉ cần một lòng không quên, không còn có pháp nào hay hơn !.
Niệm Phật tức là tham thiền, không phải hai pháp. Ngay lúc niệm Phật, trước tiên phải buông bỏ hết thảy các thứ vọng niệm, tạp loạn phiền não, tham, sân, si, buông bỏ đến chỗ không còn gì để buông bỏ, chỉ đề khởi một câu “A DI ĐÀ PHẬT”, rõ rành phân minh trong tâm không gián đoạn như sợi chỉ xỏ xâu chuỗi.
Nếu tâm tha thiết vì việc sanh tử niệm niệm như cứu lửa cháy đầu, chỉ e một phen mất thân người muôn kiếp khó được lại, cần phải cắn chặt lấy một câu danh hiệu Phật này, nhất định phải chiến thắng vọng tưởng, bất cứ chỗ nào cũng niệm niệm hiện tiền, chẳng vì vọng tưởng ngăn che. Hạ thủ công phu thiết tha như thế lâu ngày thuần thục tự nhiên tương ưng, chẳng cầu thành khối mà tự thành khối.
Nếu gặp lúc tâm bất an do các cảnh giới nghịch thuận phiền não buồn vui quấy nhiễu, chỉ cần đề khởi một câu niệm Phật này lập tức thấy phiền não tiêu diệt. Vì niệm niệm phiền não là gốc khổ sanh tử, nay dùng niệm Phật tiêu diệt phiền não, ấy là Phật độ chỗ khổ sanh tử. Nếu niệm Phật tan được phiền não thì có thể thoát sanh tử. Nếu niệm Phật đến trình độ làm chủ được trên phiền não thì ở trong mộng làm được chủ. Nếu ở trong mộng làm được chủ thì ở trong lúc bệnh khổ làm được chủ, thì lúc lâm chung rõ ràng biết được chỗ đi. Việc này không khó làm, chỉ cần một niệm tâm tha thiết vì sanh tử, nắm chặt một câu Phật hiệu, không còn nghĩ ngợi gì khác, lâu ngày thuần thục, tự nhiên được đại an lạc, cái vui ngũ dục thế gian không thể sánh được. Ngoài pháp môn Tịnh Độ nầy, không còn có pháp môn nào thẳng tắt giản dị hơn.”
Trên đây là lời căn dặn của thiền sư Hám Sơn. Ngài là một thiền sư Kiến Tánh, từ Trí Tuệ Bát Nhã nói lên những lời tha thiết khuyên tu pháp Niệm Phật, chúng ta rất nên tôn trọng lời dạy vàng ngọc này.
Có một câu hỏi rằng nên niệm sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật hay 4 chữ A Di Đà Phật?
Xin thưa rằng, niệm Phật cần nhuần nhuyễn, sao cho tiếng niệm Phật luôn luôn âm thầm hiện lên trong tâm thức. Phật hiệu hiện lên thì phiền não vọng tưởng không quấy nhiễu được, gọi là “niệm Phật thì không niệm chúng sinh”. Tổ Tịnh Độ thứ 13 là đại sư Ấn Quang chỉ dùng 4 chữ là A Di Đà Phật để âm thầm niệm, gọi là “mặc trì”, tức là niệm không thành tiếng. Ngài kinh nghiệm rằng niệm như vậy mau thành khối. Chúng tôi cũng được một số đạo hữu cho biết rằng do âm thầm niệm 4 tiếng mà Phật hiệu luôn trôi chảy hiện lên trong tâm thức, thay thế cho những suy nghĩ vọng động.
Tuy nhiên, nếu quý vị muốn, hoặc đã quen với cách niệm 6 chữ là Nam mô A Di Đà Phật, thì cứ tiếp tục niệm như thế, cả hai cách niệm đều có kết quả. Điều cần thiết là phải chí thành khi niệm, không để tâm rong ruổi theo vọng tưởng phiền não thế gian.
Liên Hương
Trích "Chương trình phát thanh Tìm hiểu Phật pháp Tuệ Đăng"