PDA

View Full Version : Nhân lễ Tạ Ơn



sophienguyen
11-28-2014, 03:10 AM
Nhân lễ Tạ Ơn


Bài HOÀI MỸVăn hóa nào, luân lý nào của bất cứ dân tộc nào thì cũng dạy bảo con người về đức biết ơn. Con vật còn biết ơn không chỉ đối với chủ nó mà bất cứ ai cứu giúp nó. Trong văn chương truyền khẩu Việt Nam có nhiều truyện cổ tích kể về loài vật nhớ ơn người. Điển hình hơn cả, theo thiển ý, là câu chuyện dưới đây:


http://www.doanhnhancuoituan.com.vn/wp-content/uploads/2014/11/DN584-Nha-hang-211114-6.jpg


Con hổ có nghĩa

Ngày xửa ngày xưa, một bà lão đã “già khú đế” nhưng chẳng có con cái hay người thân thuộc để có nơi nương tựa. Bà lão vì thế phải “tự lực cánh sinh,” tuy nhiên vì tuổi đời không còn cho phép cầy sâu cuốc bẫm hay buôn thúng bán mẹt, lại “tay yếu chân mềm” (thời nay gọi là... rỗng xương!), nên cụ còn sức đâu mà “lao động là vinh quang” cho thỏa chí tang bồng, nhưng vì “đói đầu gối phải bò,” thành thử ngày ngày bà vẫn phải mò mẫm lên rừng kiếm củi rồi mang xuống chợ bán hầu lấy vài xu mua gạo. Nhưng rồi ven rừng mỗi ngày một cạn phúc lợi; cành cây khô đa số chẳng còn chịu tự nguyện... gẫy xuống đất để cụ có thể “thơ thới hân hoan” mà lượm; còn trèo lên cây để bẻ cành thì cụ chẳng dám “uống thuốc liều.” Một hôm bà cụ đánh bạo (ngôn ngữ quân sự gọi là “liều mạng sa trường”) vào sâu trong rừng để mong kiếm được tối thiểu một bó củi lớn hay bất cứ thứ gì có thể xơi được tại chỗ cho dù tối về “vỗ bụng... hơi bình bịch.”

Đang còn lang thang bà lão bỗng nghe một tiếng gầm lở đất long trời. Cụ biết chắc đó là “Ông” rồi nhưng vì run quá cụ không còn có thể vắt giò lên cổ mà... chạy. Cụ đành ngồi bệt xuống cỏ, thầm nghĩ, “thôi đành thí... mạng cùi, âu cũng đã tới lúc trời gọi về trình diện.” Thế nhưng, sau đó cụ chỉ còn nghe văng vẳng âm thanh... thở dài của “Ông” chứ không còn tiếng gầm nữa. Rồi, không hiểu sao cụ lại cảm thấy bình tĩnh trở lại một cách khác thường. Thế là trong ngọc thể còn bao nhiêu sinh lực, cụ bèn lấy ra xài hết, y hệt một tay đỏ đen dồn sạch vốn liếng vào canh bạc cuối cùng. Nhờ vậy cụ có đủ lực để cứ theo hướng âm thanh thở dài mà bò tới.

Một lúc sau, cụ dừng lại ngay trên bờ một hố sâu. Lại tiếng thở dài, lần này vô cùng thảm thương, văng vẳng khiến da dẻ của cụ mặc dù từ khuya đã khô hơn đất cát thời hạn hán, tự nhiên nổi lên những gai ốc đồng thời toát ra những giọt mồ hôi muối. Nhưng giờ đã hết đường quay lui, cụ bèn he hé mở mắt nhìn xuống dưới hố. Trời! Đúng, đúng “Ông” rồi! Thì ra đó một con cọp to hơn con bò bị sa bẫy, rơi xuống hố sâu mà không thể phóng lên nổi. Nếu có cánh, chắc chắn bà cụ đã bay đi liền, trong khi cụ lại không thể nâng nổi đôi chân vốn như thể đã bị xích lại.

Thế nhưng từ dưới hố sâu, con cọp cứ giương cặp mắt sáng y chang hai đèn ô tô mà nhìn bà lão như thể van xin, cầu cứu. Cụ hiểu vấn đề nhưng lại sợ, ngộ nhỡ cứu nó - à quên, không được vô phép gọi là “nó” mà phải kính trọng gọi bằng “Ông,” như “Ông Ba Mươi,” “Ông Hùm,” “Ông Hổ”- cứu “Ông” lên rồi, đói bụng “Ông” lại xơi mình luôn cho “tiện và lợi” thì sao?

Tuy vậy, bà lão vẫn cảm thấy “bỏ thì thương, vương thì tội.” Rồi bỗng một minh kiến phụt lên trong đầu óc tăm tối của cụ giống như một tia sáng lóe ở cuối đường hầm. Cụ lập tức đi thu nhặt mọi thứ cành khô, củi mục rồi tuôn xuống hố. Cụ làm việc mệt không nghỉ đến độ tưởng chừng mồ hôi mồ kê đã cạn từ thời sau mãn kinh, vậy mà chẳng hiểu từ đâu chúng cứ “vô tư” mà tuôn ra khả dĩ nếu lúc ấy có ai vô tình nhìn trộm thấy, ắt tin ngay là cụ vừa tắm suối lên. Ấy cũng nhờ thế mà “Ông Hổ” đã như có cầu thang mà leo lên bờ được. Đứng trước một con thú khổng lồ, oai vệ hơn vạn bức tượng các lãnh tụ vĩ đại, bà lão tính... xỉu nhưng thấy nó, à vẫn quên hoài!

Thấy “Ông” không có vẻ gì đang thèm thịt, trái lại chỉ tỏ dấu thân thiện bằng hành động thè lưỡi liếm hai bàn tay cụ khiến cụ buồn, nghĩa là nhột mà định nhe hàm răng nhuộm đen ra cười đáp lễ. Nhưng bà chưa kịp hé môi thì “Ông” đã quay đuôi, rống lên một tiếng như sấm sét như muốn tỏ ý “chào tạm biệt” rồi phóng mình biến mất vào rừng sâu.

Sáng hôm sau, mặt trời đã lên quá ngọn cây mà bà lão vẫn còn ngủ nướng. Thật sự thì bởi hôm qua hoạt động “vượt chỉ tiêu” mà mình mẩy đau nhức như vừa trải qua một trận bị tra tấn khiến bao nhiêu xương xẩu đã rỗng lại càng như muốn ròn tan. Cụ chợt nhớ từ sáng qua chưa có hạt cơm nào bỏ bụng trong khi lo cứu “Ông” mà bỏ việc kiếm củi, thành ra túi không dính đồng xu nào để mua gạo. Biết không thể nằm mãi tới chiều với cái bụng rỗng, cụ bèn uể oải bò dậy. Vừa chui ra khỏi lều, bà giật bắn mình - rầm! - và không tin nổi cặp mắt vốn đã không còn lò xo để nhìn tinh tường nữa. Nhưng kìa, xác một con lợn rừng to tổ chảng nằm sẵn trước lều từ bao giờ, chẳng khác gì “sè sè nấm đất bên đường” (Kiều). Đầu óc cụ cố gắng tìm câu trả lời: Ai đã đem con vật này để ở đây, một nơi đúng nghĩa “khỉ ho cò gáy”? Chịu! Cuối cùng vì đói, cụ đã xẻo cái đùi lợn rừng, đốt lửa lên thui rồi nướng cho chín vàng. Cụ cắn từng miệng thịt mà thưởng thức, “sướng mé đìu hiu” đến độ “can không nổi,” chỉ biết tự hỏi “miền cực lạc chính là đây” chăng? Những phần thịt còn lại cụ đem xuống chợ bán giá rẻ. Dân làng “thi đua” mà vừa mua vừa chụp giật.

Từ ngày đó, cụ chẳng cần vào rừng kiếm củi cực nhọc nữa, nhờ sáng nào cũng đã có sẵn xác một con thú rừng đặt trước lều cỏ của cụ. Chẳng cần suy đoán lôi thôi, bà lão đã dư biết các tặng phẩm từ đâu tới, chỉ lạ là cụ nhiều lần rình xem “Ông” đến cho “quà” vào lúc nào, nhưng không lần nào bắt gặp. Bà lão chỉ còn biết âm thầm nhớ ơn. Hơn nữa cụ còn quyết tâm còn sống thì vẫn cứ chọn ngày Rằm tháng 11 hàng năm làm ngày lễ Tạ Ơn.

Cũng nhờ có thịt để, thịt bán mà tiền vào như nước, nhưng bà lão chỉ giữ lại chút đỉnh để chi tiêu, còn bao nhiêu thì bố thí hết cho những người vô gia cư và các gia đình vốn “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi.”
Thế nhưng, cuối cùng thì bà cũng qua đời, tuy nhiên không do bệnh tật gì cả mà chỉ bởi cụ không thể đại thọ hơn được nữa. Căn lều của cụ được những người nghèo sửa thành một cái am thờ để tỏ lòng biết ơn. Mộ của cụ, rất đơn giản, chỉ là “một nấm cỏ khâu xanh rì” (Cung Oán Ngâm Khúc). Một điều rất lạ mà dân làng nhận ra: Cũng từ thời gian ấy, một con cọp già tìm đến phủ phục triền miên bên cạnh mồ bà cụ, khiến ai cũng sợ, không dám đến gần am... mãi cho tới một ngày nọ, người ta khám phá ra con hổ chỉ còn là bộ xương khô.
Cái am nhỏ đã nhanh chóng biến thành một ngôi đền với tượng mãnh hổ chầu bàn thờ. Thiện nam tín nữ lui tới rất đông nên nhang khói nghi ngút ngày đêm. Tin đồn vang rộng là những nghèo, vô gia cư đến đây cầu điều gì cũng ứng nghiệm, nhất là xin có phương tiện và cơ hội để tạ ơn ân nhân mình thì bao giờ cũng được như ý. Linh lắm!

Nhớ ơn và tạ ơn

Ơn trong tiếng Việt còn gọi là Ân, ý chỉ công đức giúp người. Kẻ được giúp, được hưởng công đức này gọi là chịu ơn. Nếu được giúp rồi mà quên cả công đức ấy lẫn “tác giả,” đáng bị kết án và “vô ơn” hay “vong ân.” Mà đã “vô” hay “vong” thì kể như “hết thuốc chữa” về mặt đạo lý và nhân bản. Ngược lại thì gọi là “biết ơn.” Việc làm này được tôn vinh thành một đức hạnh tốt đẹp thuần túy. Đó là chỉ mới “biết” thôi đấy - còn nếu bước thêm bước nữa, ta gọi là “nhớ ơn” - tuy nhiên cả “biết” lẫn “nhớ” vẫn chỉ nặng nhiều về khía cạnh lý thuyết. Quan trọng hơn nữa, nghĩa là cụ thể hóa sự “biết,” sự “nhớ” của mình phải là nấc hành động thượng đỉnh: Tạ ơn! Mạn phép nêu câu thơ trong truyện Kiều sau đây làm thì dụ ý nghĩa diễn tả đầy đủ các bước cần thiết: “Công cha, nghĩa mẹ, kiếp nào trả xong.”
Động từ “trả ơn” hoặc “đền ơn” tuy đồng nghĩa với “tạ ơn” nhưng âm từ nghe không mấy êm ái lỗ tai. “Trả” và “đền” có tính bắt buộc và sòng phẳng, kiểu “ăn miếng trả miếng” hoặc kiểu trả lại số tiền đã vay hoặc đền bù những sự thiệt hại mà ta đã lỡ tay hay dại dột gây ra. Trả rồi, đền rồi nhé - Xong! Nhưng “tạ ơn” nghe vừa thân thiết, vừa đậm đà, sâu đậm và lêu bền. Không tin cứ dịch chữ “Thanksgiving” là “lễ Trả ơn” hay “lễ Đền ơn” rồi so sánh với “lễ Tạ Ơn,” ắt nhận ra ngay hiệu quả, sau đó để “rộng đường dư luận” đem ra “trưng cầu dân ý,” bảo đảm tuyệt đại đa số người Việt mình sẽ tuyển chọn danh từ “lễ Tạ Ơn”! Chẳng thế mà hiện nay danh từ “Lễ Tạ Ơn” đã trở nên thông dụng.
“Tạ Ơn” không những có ý nhắc nhở đến bổn phận nhớ mãi mãi những phúc lợi, những bổng lộc, những tặng phẩm vật chất hay tinh thần... mà còn nhấn mạnh tới ước muốn và quyết chí sống xứng đáng với những thứ mình đã được ân nhân ban cho, làm cho. Luân lý và văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa đặt rất nặng về các trách nhiệm vừa kể. Chẳng thế mà hàng năm vẫn có tục tế Trời Đất, tế Thành Hoàng, tế các vị Anh Hùng và tế Tổ Tiên... để tạ ơn. Trong đạo Hiếu, để tạ ơn công đức sinh thành của Cha Mẹ, không chỉ tuân giữ việc cúng giỗ mà còn phải sống sao để không làm hoen ố thanh danh của các đấng sinh thành...
Trong tiếng Việt, Ơn hay Ân còn song hành với Nghĩa. “Công cha như núi Thái Sơn; Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra....” Những gì ta được hưởng ấy là “nghĩa” và do đó phải “tạ ơn.” Như trên đã nhắc đến câu thơ trong truyện Kiều: “Công cha, nghĩa mẹ, kiếp nào trả xong,” bởi vì “Càng sâu nghĩa bể, càng dài tình sông” (Kiều).
Thổ ngữ miền Nam Việt Nam còn gọi “nghĩa là “ngãi”: “Trai mà chi, gái mà chi - Sinh ra có ngãi, có nghì thì hơn” (ca dao). “Nghì” nói về tình nghĩa thủy chung với nhau.
Vâng, nhân ngày “Thanksgiving,” dĩ nhiên chẳng thể không nhắc lại “sự cố” đoàn người Pilgrims gốc Anh di cư trên con thuyền Mayflower từ Âu Châu tới Massachusetts vào thế kỷ 16-17... giữa một mùa đông khắc nghiệt. Họ đã can đảm tranh đấu, kiên gan chịu đựng... và sống sót... để rồi tới năm 1621 họ đã có thể tổ chức lần đầu tiên Lễ Tạ Ơn Chúa Trời. Thế nhưng nay ta mừng lễ này, không chỉ “ôn cố tri tân” đồng thời đánh chén gà tây nướng lò, ăn bánh Pumpkin pie... nhưng thêm tí nữa thì “tuyệt vời hơn cả mức tuyệt vời” là mình hãy theo chân tổ tiên Hiệp Chúng Quốc mà tiếp tục xây dưng đất nước này cho tốt đẹp hơn, phồn thịnh hơn và tự do-dân chủ hơn nữa.Ở Mỹ mà sống kiểu “xìu xìu ển ển” hoặc chỉ biết “tối rượu sâm banh, sáng sữa bò” thì, xin lỗi chứ, “đi chỗ khác chơi” có lẽ hay hơn. (hm)

VienDongDaily