PDA

View Full Version : Thay cây xanh ở Hà Nội: đình chỉ cán bộ



duyanh
03-22-2015, 01:36 PM
http://ichef.bbci.co.uk/news/ws/660/amz/worldservice/live/assets/images/2015/03/22/150322111701_cay_640x360_fb_nocredit.jpg

Đông đảo người dân đã tuần hành vì cây xanh hôm 22/3 ở Hà Nội


Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã lệnh kiểm điểm lãnh đạo Sở Xây dựng và đình chỉ công tác một số cán bộ liên quan tới dự án thay cây xanh gây tranh cãi ở Hà Nội.
Trang web (http://www.vietnamplus.vn/dinh-chi-cong-tac-hang-loat-can-bo-lien-quan-vu-chat-cay-xanh-o-ha-noi/313406.vnp) của Thông tấn xã Việt Nam nói "Trưởng phòng, Phó trưởng phòng, cán bộ công chức liên quan trực tiếp trong việc thực hiện" dự án bị tạm đình chỉ để phục vụ cho công tác thanh tra.
Còn trang tin VnExpress nói giám đốc và phó giám đốc trực tiếp phụ trách việc thay cây xanh ở Sở Xây dựng cũng sẽ phải "kiểm điểm trách nhiệm cá nhân".
Hai trang này nói thông tin liên quan tới kiểm điểm và đình chỉ cán bộ được đưa ra sau khi Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo có cuộc họp về đề án thay thế cây xanh đô thị hôm 22/3.
Cũng ngày 22/3 đã diễn ra cuộc tuần hành vì cây xanh quanh hồ Thiền Quang với sự tham gia của nhiều người dân.
Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng được Thông tấn xã dẫn lời nói trong một cuộc họp trước đó ở Nam Từ Liêm rằng "phương pháp, cách thức thực hiện việc thay cây vừa qua còn nóng vội và giản đơn."
Ông Nghị nói thêm: "Nếu xác định cây xà cừ không phù hợp để trồng trên các tuyến đường đô thị, thì từ nay, chúng ta không trồng cây xà cừ nữa. Nếu cần phải loại bỏ thì chỉ loại bỏ những cây nguy cơ gẫy, đổ, nguy hiểm chứ không phải bỏ tất các cây xà cừ đang tươi tốt trên mọi tuyến phố."
Những câu hỏi

Mặc dù chính quyền Hà Nội đã tạm dừng dự án thay thế cây xanh nhưng nhiều câu hỏi hiện vẫn chưa có câu trả lời dù Phó chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng đã có họp báo hôm 20/3.
Hiện chưa rõ ai là người ký duyệt dự án, kinh phí của các công đoạn khảo sát, chặt và thay thế cây là bao nhiêu và ai thực hiện các công đoạn này.
[C]ác doanh nghiệp tham gia đề án này chỉ ở vai trò tài trợ kinh phí, chứ không tham gia vào quá trình thực thi dự án.Phó chủ tịch Vingroup Lê Khắc Hiệp

Tại họp báo hôm 20/3, ông Hùng nói (http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/lanh-dao-ha-noi-nha-tai-tro-non-nong-chat-cay-3160160.html) các nhà tài trợ đã "nôn nóng" trong việc chặt cây và góp phần khiến dư luận bất bình.
Câu hỏi đặt ra là chính quyền phụ trách chặt cây hay các nhà tài trợ.
Một trong các nhà tài trợ, Vingroup, đã được dẫn lời nói (http://vneconomy.vn/thoi-su/vingroup-len-tieng-ve-de-an-thay-the-cay-xanh-20150321054311232.htm) "[t]heo chủ trương, các doanh nghiệp tham gia đề án này chỉ ở vai trò tài trợ kinh phí, chứ không tham gia vào quá trình thực thi dự án."
Phó chủ tịch Vingroup, ông Lê Khắc Hiệp, nói với Thời báo Kinh tế Việt Nam: "Tổng kinh phí chúng tôi tài trợ là 841 triệu đồng, để thay thế lại cây trên tuyến phố Huế và phố Hàng Bài."
"... [T]heo chúng tôi được biết, đề án sẽ tiến hành thay thế những cây trồng tự phát, không phù hợp, đặc biệt là những cây to bị sâu bệnh hoặc mục ruỗng, có nguy cơ gẫy, đổ, bật rễ… gây nguy hiểm cho người dân.
"Chính vì muốn góp phần đem lại sự an toàn cho cộng đồng và hưởng ứng sự kêu gọi của thành phố nên các doanh nghiệp, trong đó có Vingroup, đã hưởng ứng chủ trương của thành phố."
Trước đó cũng có thông tin các nhà tài trợ phụ trách công đoạn chặt cây và kinh phí thay cây là từ ngân sách nhà nước. Nhưng Chủ tịch Hà Nội nói kinh phí thay cây hoàn toàn do các nhà tài trợ đóng góp.
Hiện chưa rõ số gỗ từ các cây bị đốn sẽ do ai xử lý và xử lý như thế nào.
Tuần hành vì cây


Đông đảo người dân đã tập trung quanh khu vực hồ Thiền Quang hôm 22/3 để phản đối việc chặt hạ hàng loạt cây mà có nguồn nói đã lên tới 2.000 cây xanh.

http://ichef.bbci.co.uk/news/ws/625/amz/worldservice/live/assets/images/2015/03/22/150322115605_tree_640x360_fb_nocredit.jpg
Tuần hành ở hồ Thiền Quang hôm 22/3 Những người tuần hành mang theo các biểu ngữ 'chặt hạ cây xanh là hủy hoại môi trường', 'tôi là cây, mình ôm nhau đi'...
Mặc dù những người tuần hành tập trung trên vỉa hè quanh hồ, chính quyền vẫn cho xe mang theo loa kêu gọi họ giải tán.
Trong một video được tải lên YouTube (https://www.youtube.com/watch?v=VWvznY-tpco), người ta có thể nghe thấy tiếng kêu gọi:
"Những người đã tụ tập trái phép trên hồ Thiền Quang, mời các anh chị di chuyển, các anh các chị đang gây cản trở giao thông.
"Các đồng chí tự quản nào, mời các đồng chí tự quản làm việc đi, các đồng chí tuyên truyền giải thích cho người dân hiểu tất cả những vấn đề các anh chị đang quan tâm đã được Đảng, Nhà nước quan tâm giải quyết."

BBC

duyanh
03-22-2015, 01:38 PM
Số phận những cây gỗ sưa giá hàng chục tỷ?


http://ichef.bbci.co.uk/news/ws/660/amz/worldservice/live/assets/images/2015/03/20/150320093848_phan_doi_chat_cay_ha_noi_640x360_gett y_nocredit.jpg

Hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội theo số liệu của cơ quan chức năng có khoảng 120.000 cây xanh bóng mát được trồng trên gần 3000km đường đô thị, tỉnh lộ, quốc lộ.

Hiện trạng cây xanh đa dạng với khoảng 70 loài, trong đó có các cây cổ thụ được trồng từ thời Pháp, có những cây có khả năng lên tới hàng trăm năm tuổi.

Đặc biệt trên hè phố Hà Nội có nhiều tuyến phố có những cây gỗ sưa cổ thụ có giá từ hàng chục tới hàng trăm tỷ đồng đang là mục tiêu nhóm ngó của bọn “tặc sưa”.

UBND Hà Nội cho biết, trên địa bàn có 3.781 cây sưa được trồng chủ yếu trên các hè phố và nằm rải rác tại 24 quận, huyện. Những cây sưa lớn có giá trị kinh tế cao.

Từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra 19 vụ đối tượng cưa trộm cây gỗ sưa đỏ, trong đó quận Đống Đa 4 vụ, Cầu Giấy 4 vụ, Ba Đình 2 vụ, Hoàng Mai 2 vụ, Hoàn Kiếm 1 vụ, Hai Bà Trưng 1 vụ, Tây Hồ 1 vụ, Quốc Oai 4 vụ.

Gỗ sưa đột nhiên có giá từ vài chục năm nay do nhu cầu của người Trung Quốc tăng; giá của gỗ sưa được mua bằng kg, thậm chí những đồ đạc giường ghế đã đóng bằng gỗ sưa đều được người Trung Quốc thu mua tính bằng kg.

Trong thời gian bị tù vừa qua, tôi có dịp sống chung cùng buồng giam với một bạn tù là thợ mộc, quê ở Chàng Sơn, Hà Tây cũ; anh này làm nghề thợ mộc và buôn lậu gỗ sang Trung Quốc.

Anh ta bị tù vì tội đánh bạc nên được xếp ở chung buồng giam với tôi. Anh cho biết: Sỡ dĩ gỗ sưa có giá do nhu cầu của người Trung Quốc tăng đột biến.

Nếu đám sưa này nằm trong “quy hoạch” của đám gian thương Trung Quốc thì rất dễ trong chiến dịch “cắt tỉa 6700 cây”, nhân thể “ đắm đò giặt mẹt”, trong số cây đã cỗi, đã già, sâu mọt, cong nghiêng, không đúng chủng loại sẽ có nhiều cây sưa sẽ bị cưa để xuất sang Trung Quốc.

Người Trung Quốc bắt đầu chú ý tới gỗ sưa từ những năm 90 thế kỷ trước khi Bắc Kinh cho tu bổ Di Hoà Viên, một công trình văn hoá tiêu biểu tại Bắc Kinh phần lớn được kiến trúc bằng gỗ theo ý chỉ của Từ Hy Thái Hậu.

Khi những người thợ Bắc Kinh dỡ những dãy trường lang dài thì phát hiện loại gỗ sử dụng để xây dựng Phật Hương Các, một toà kiến trúc trong Di Hoà Viên và trường lang đều được lắp dựng bằng gỗ sưa. Đặc điểm gỗ sưa là tuy đã trải hàng trăm năm nhưng màu sắc, chất lượng, hương thơm của nó không thay đổi.

Sau phát hiện này, cây gỗ sưa lên đời tại Trung Quốc và lan sang đến Việt Nam.

Anh bạn tù đã chỉ cho tôi biết những góc đường nào của Hà Nội có những cây gỗ sưa có giá mà anh ta đã từng đến ngắm nghía để chờ cơ hội. Có một số cây rất có giá theo anh cho biết nằm ở góc đường Hoàng Hoa Thám, trong công viên Bách Thảo gần Phủ Thủ tướng. Mấy cây sưa này theo tính toán của đám sưa tặc thì có giá mỗi cây phải trên 300 tỷ VNĐ.

Nếu đám sưa này nằm trong “quy hoạch” của đám gian thương Trung Quốc thì rất dễ trong chiến dịch “cắt tỉa 6700 cây”, nhân thể “đắm đò giặt mẹt”, trong số cây đã cỗi, đã già, sâu mọt, cong nghiêng, không đúng chủng loại sẽ có nhiều cây sưa sẽ bị cưa để xuất sang Trung Quốc.

Chính quyền Hà Nội cần tìm biện pháp bảo vệ những cây sưa quý hiếm, cổ thụ trên đường phố Hà Nội không bị triệt hạ trong chiến dịch thảm sát cây xanh vô tiền khoáng hậu này.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, blogger và nhà văn đang sống ở Hà Nội.