khieman
07-05-2015, 03:41 PM
.
Tác hại của rượu và men say, ma túy
Có một bài kệ tóm tắt con đường tu hành của người Phật tử, như sau:
“Không làm những điều ác
Siêng làm những việc lành
Tự thanh tịnh tâm ý
Lời chư Phật dạy rành”
Trong ba lời dạy cốt tủy đó thì lời dạy thứ ba, “Tự thanh tịnh tâm ý”, mới chính là điều tối quan trọng, chỉ khi nào thực hiện điều đó, hành giả đạo Phật mới hoàn tất con đường tu chứng của mình, bởi vì nội dung của “tự thanh tịnh tâm ý” có nghĩa là chấm dứt những lôi cuốn của Tham, Sân và Si, vốn là nguyên nhân của tất cả mọi vướng mắc dây dưa trong vòng luân hồi sinh tử.
Tuy vậy, hai điều trước đó, “không làm những điều ác” và “siêng làm những việc lành” cũng rất quan trọng. Vì đó là phần đạo đức học của Phật giáo, mục đích đào luyện những phần tử tốt lành, những người hiền thiện trong xã hội, đồng thời chuyển dòng nghiệp của họ từ xấu sang tốt, làm nhân tố tốt cho giai đoạn “Tự thanh tịnh tâm ý”.
Để thực hiện điều này, nhà Phật có Ngũ Giới, là năm điều ngăn ngừa, mà mỗi Phật tử đều có phát lời nguyện sẽ tuân thủ, hoặc cả 5 Giới, hoặc nếu cảm thấy chưa đủ khả năng giữ được trọn vẹn cả 5, thì có thể thọ tùy theo nhiều hay ít giới, để tập cho quen từ từ, cuối cùng đạt được mục đích tuân thủ cả Năm Giới.
Về câu hỏi “Thế nào là Ngũ Giới của cư sĩ tại gia?”, được hòa thượng Thích Duy Lực giải đáp như sau:
– Giới thứ nhất là cấm sát sanh. Đã muốn thọ giới của Phật thì trước tiên là cấm sát sanh, bất sứ sinh vật gì thuộc hữu tình đều cấm giết hại.
– Giới thứ nhì là cấm trộm cắp. Đồ vật của người khác, nếu muốn lấy sử dụng phải được sự đồng ý của chủ nó, nếu không được sự đồng ý mà lén lấy thì gọi là trộm cắp. Dĩ nhiên các đồ vật trong gia đình giữa cha mẹ anh chị em thường dùng qua lại lẫn nhau là không phạm, nhưng cái nào cũng có sự giới hạn, ví như con cái ăn cắp tiền của cha mẹ cũng phạm giới trộm cắp.
– Giới thứ ba là cấm tà dâm. Thế nào là tà dâm? Người tại gia thường có gia đình, quan hệ vợ chồng chính thức là chánh, ngoài vợ chồng chính thức ra đều thuộc tà dâm, phải cấm, còn người xuất gia thì bất cứ hành động dâm dục nào cũng đều bị cấm.
– Giới thứ tư là cấm vọng ngữ, gồm bốn thứ: Vọng ngôn, ỷ ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt.
Vọng ngôn là nói dối, tức nói có thành không, nói không thành có;
Ỷ ngữ là lời nói thêu dệt;
Ác khẩu là chửi mắng người khác;
Lưỡng thiệt là thị phi hai đầu, làm cho hai bên bất hòa, khiến thù oán nhau.
– Giới thứ năm là cấm uống rượu, vì uống rượu rồi có thể phạm phải bốn giới trước nên cấm.
Giới nhà Phật có khai, giá, trì, phạm, ví như mình có bệnh, y sĩ nói phải dùng thuốc có pha rượu, tự mình công khai nói ra thì có thể uống. Lại nữa, có trường hợp vì không biết đó là rượu mà uống phải thì chẳng phạm; hoặc trong lúc nấu nướng cần bỏ rượu vào để chế biến cũng chẳng phạm. Ngoài ra, một số thực phẩm có men rượu nhưng ăn vào không bị say như cơm rượu, vân vân, cũng dùng được.
Ngũ Giới này là của cư sĩ tại gia, đã thọ rồi thì phải suốt đời giữ theo giới, nếu sơ ý phạm phải thì sám hối với một người cư sĩ đã thọ Ngũ Giới rằng: “Xin ông hãy chứng minh cho tôi đã lỡ phạm Giới này, từ nay về sau tôi sẽ không phạm nữa”. Vậy là hết tội phá giới, còn tội nhân quả thì chẳng thể sám hối được, giết một mạng phải trả một mạng.
Có người nói:
“Thế thì chẳng thà không thọ giới, không phải mắc đến hai tội, vừa tội nhân quả vừa tội phá giới; nếu không thọ giới thì chỉ mắc một tội nhân quả mà thôi”.
Sự thật là nếu không thọ giới thì dễ phạm nhiều tội nhân quả, mắc nợ nhiều; còn thọ giới rồi sẽ cẩn thận hơn, ít phạm tội nhân quả, ít mắc nợ, cho nên có thọ giới vẫn tốt hơn”.
Trên đây là bài giảng về Ngũ Giới của hòa thượng Thích Duy Lực.
Trong các Giới Cấm kể trên, Giới Cấm uống rượu là gây nhiều thắc mắc nhất. Có người nói rằng “Uống rượu thì có gì là hại, còn bổ máu, dễ tiêu hóa nữa kìa, các cụ dạy thế và cả bác sĩ cũng bảo vậy, sao Phật lại cấm?”
Do đó, xin kính gửi tới quý vị một đoạn trong bài pháp của hòa thượng Thích Thiện Hoa, phần nói về Giới Cấm uống rượu.
Hòa thượng dạy rằng :
“Phật cấm uống rượu vì muốn ngăn ngừa những nguyên nhân sanh ra tội lỗi.
Uống rượu chính nó không phải là một tội lỗi như sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nhưng nó có thể làm nhân cho những tội lỗi kia sanh ra. Khi đã uống rượu say sưa, thì tội nào cũng có thể phạm được. Dưới đây là một câu chuyện để chứng minh điều đó:
Có câu chuyện ẩn dụ rằng "Một anh nông phu kia đang cày ruộng giữa đồng, bỗng thấy hiện ra sừng sững trước mặt mình một hung thần to lớn, kỳ dị, hăm giết anh. Anh kinh sợ, khóc lóc xin tha mạng. Vị hung thần bảo:
– Nếu ngươi làm được một trong ba việc này thì ta tha chết cho: hoặc là giết cha ngươi, hoặc là đánh mẹ ngươi hay uống hết lít rượu để trên bàn nhà ngươi.
Anh nông phu suy nghĩ một hồi rồi trả lời:
– Xin Ngài cho con được uống lít rượu.
Ác thần nghe xong, có vẻ hài lòng, rồi biến mất.
Trưa hôm ấy, anh nông phu về nhà, thấy lít rượu mà ông thân sinh mua để đãi khách, vì nhà sắp có giỗ, anh ta vội vàng chụp lấy, nốc cạn một hơi. Cha anh thấy đứa con hỗn láo, nắm gậy xông lại đánh mắng con. Ma men đã thấm, anh ta không còn biết phải trái, giựt gậy của cha, đánh ông một cây chết tốt ! Bà mẹ chạy đến ôm con la làng. Anh ta chưa hả cơn giận, đánh mẹ túi bụi. Làng xóm chạy lại bắt anh dẫn lên quan vì tội giết cha đánh mẹ. Tỉnh lại anh mới biết uống rượu là tội nặng nhất trong 3 điều mà hung thần đã bắt anh làm”.
Trên đây là lời Hòa thượng Thích Thiện Hoa kể câu chuyện ẩn dụ trên để gây ấn tượng về sự nguy hiểm sẽ phát sinh ra do rượu. Vì uống rượu thì sẽ say sưa, lý trí bị lu mờ, hành động trở thành mê muội, mất sáng suốt.
Vào thời đức Phật chế Giới Cấm, chỉ mới có rượu là chất làm cho tinh thần bị mê mụ, mất sáng suốt. Cho nên để giữ cho tinh thần minh mẫn, mới có Giới Cấm uống rượu.
Nhưng ngày nay nhân loại còn có những chất say độc hại, làm mê mụ tinh thần con người ta hơn cả rượu, thí dụ cần sa, ma túy. Các chất này vốn cũng được dùng trong y dược khoa để điều chế các loại thuốc giảm đau, gây mê, vân vân, với liều lượng rất nhỏ và do sự tinh luyện của những nhà chuyên môn để tránh độc hại.
Nhưng nó lại trở nên vô cùng độc hại khi bị lạm dụng với những liều lượng lớn và cơ thể có thói quen phải dùng liên tục vì tính chất các loại thuốc này là làm cho người ta trở thành nghiện.
Hiện tượng lạm dụng các loại cần sa ma túy phổ biến ở Tây Phương vào khoảng đầu thập niên 60, khi phong trào hippie lan tràn, gây ảnh hưởng sâu xa vào nền văn hóa của nhân loại. Điển hình của một hippie là quần áo xốc xếch mầu sắc sặc sỡ, tóc dài dù là con trai, biểu dương quan niệm sống tự do buông thả trong nếp suy tư tình cảm và bác bỏ những giá trị văn hóa truyền thống. Họ tìm cảm giác bằng cách hút cần sa, ma túy.
Phong trào lan nhanh trên thế giới do nếp sống đồi trụy buông thả dễ lôi cuốn con người vào con đường sa ngã, và từ thời gian đó, nhân loại rơi vào một hiểm họa là nạn nghiện cần sa, ma túy.
Sự nguy hiểm của nghiện ma túy là khi đã lậm, liều lượng sẽ phải tăng dần để thỏa mãn nhu cầu đạt được sảng khoái của kẻ nghiện. Đồng thời, đã nghiện ma túy rồi thì sự từ bỏ rất là khó khăn, trừ trường hợp nạn nhân có ý chí thật là mãnh liệt.
Nhưng chuyện có ý chí từ bỏ này rất hiếm xảy ra vì bản chất của ma túy là nó tác hại vào tinh thần kẻ nghiện, khiến cho nạn nhân trở thành trì trệ, lười biếng, lừ đừ. Và người nghiện trở nên hung dữ khi cơn ghiền đến mà không có thuốc. Khi đó, họ có thể làm những hành động vô cùng tàn nhẫn ngay cả đối với người thân như cha mẹ anh chị em hoặc bạn bè để có tiền mua thuốc, thậm chí trở thành kẻ bất lương, cướp bóc nữa.
Kết quả tai hại của nạn nghiện ma túy này rất là tàn khốc, cho chính người lạm dụng, cho những người thân của đương sự và cho xã hội nữa.
Từ đó suy ra, chúng ta thấy Giới Cấm uống rượu này bao gồm tất cả “các chất làm say sưa, mất sáng suốt”. Như thế, các loại cần sa, ma túy, vân vân …, cũng phải được cho vào danh sách những chất bị Giới Cấm uống rượu chi phối.
Nhân nói về Giới Cấm uống rượu, xin kính gửi tới quý vị câu chuyện thương tâm, hậu quả của một tai nạn do say rượu lái xe, được đăng trên Internet, do bà V.A. Bailey kể lại, đạo hữu Vy Khanh dịch ra Việt ngữ, như sau:
“Tôi vội vã chạy tới một cửa hàng bách hóa để quơ đại vài món quà Giáng Sinh vào giờ cửa tiệm sắp đóng. Nhìn đám người ùn lên phía trước, tôi vừa bực bội với sự trễ nải của mình vừa cố gắng xấn xổ vượt qua được đám đông chen chúc trong cái gian hàng đồ chơi trẻ con này. Giá mà tôi lăn kềnh được ra đây, ngủ thiếp đi, tỉnh dậy để phát hiện ra rằng ngày Lễ Giáng Sinh đã qua rồi thì hay biết mấy!
Bỗng nhiên, tôi nhận ra tiếng của chính tôi đang lẩm bẩm đọc giá tiền những món đồ chơi bày trên kệ và tưởng tượng cảnh mấy đứa cháu được ôm những món đồ chơi đó trong lòng. Thuận chân, tôi tiến về khu bán búp bê. Phía xéo với tầm mắt, tôi thấy một em bé trai trạc 5 tuổi đang ôm một con búp bê xinh xắn. Đứa bé nâng niu món đồ chơi trong vòng tay, còn tay kia thì cứ vuốt mãi lên mái tóc mềm như tơ của con búp bê. Tôi không thể dời mắt khỏi quang cảnh đó mà cứ chăm chú nhìn cậu bé, trong lòng thắc mắc không biết cậu ta giữ con búp bê đó cho ai vậy. Rồi tôi thấy cậu ta quay qua phía một phụ nữ đứng bên cạnh mà hỏi:
– Cô có chắc là số tiền của cháu không đủ để mua con búp bê này không?
Người cô trả lời, giọng có vẻ sốt ruột:
– Cháu biết là cháu không đủ tiền mua nó mà.
Rồi cô ta dặn cháu đừng đi đâu cả, phải đứng tại đó chờ cô ta đi mua mấy món đồ, sẽ trở lại trong vòng vài phút. Nói rồi cô đi khuất khỏi tầm mắt chúng tôi.
Cậu bé vẫn đứng đó tay ôm con búp bê. Ngập ngừng một chút, tôi cất tiếng hỏi cậu bé rằng cậu định mua con búp bê cho ai. Cậu bé trả lời:
– Đây là con búp bê mà em cháu thích được tặng vào dịp Giáng Sinh này lắm. Em cháu biết chắc là Santa Claus sẽ mang tới cho em.
Tôi bảo cậu bé:
– Có lẽ Santa Claus sẽ mang tới cho em cháu thật đấy.
Cậu bé lắc đầu:
– Không, Santa sẽ không thể tới được nơi mà em cháu hiện nay đang ở. Cháu phải đưa con búp bê cho mẹ cháu để mẹ mang tới cho em.
Tôi hỏi:
– Vậy em cháu ở đâu?
Cậu bé nhìn tôi bằng cặp mắt thê thảm nhất, trả lời:
– Em cháu đã về với Chúa. Bố cháu nói rằng mẹ cháu cũng sắp phải đi với em rồi.
Tim tôi thót lại. Cậu bé nói tiếp:
– Cháu dặn bố cháu nói với mẹ là mẹ đừng đi vội. Cháu dặn bố cháu nói với mẹ là hãy chờ cháu từ tiệm trở về.
Rồi cậu bé hỏi tôi có muốn coi hình của cậu ta không. Tôi nói rằng tôi rất muốn. Cậu ta lôi ra mấy tấm hình mà cậu mới chụp ở ngoài cửa tiệm, nói:
– Cháu muốn mẹ cháu đem theo mấy tấm hình này để mẹ không bao giờ quên cháu. Cháu yêu mẹ cháu lắm. Cháu ước gì mẹ cháu sẽ không phải rời bỏ cháu. Nhưng bố cháu nói rằng mẹ cháu cần phải đi với em cháu.
Tới đây, cậu bé lặng lẽ cúi gục đầu xuống. Trong khi cậu ấy không nhìn thấy, tôi thò tay vào ví lôi ra một nắm tiền giấy cuộn trong lòng bàn tay rồi đề nghị:
– Này, hay là chúng mình đếm lại tiền của cháu một lần nữa coi sao?
Cậu bé có vẻ phấn khởi:
– Dạ, cháu biết chắc là phải đủ mà.
Thế là tôi nhẹ nhàng tuồn nắm tiền trong lòng bàn tay tôi nhập vào với tiền của cậu bé và bắt đầu đếm. Dĩ nhiên là bây giờ thì số tiền dư sức để mua con búp bê. Cậu bé nhìn lên cao, cất tiếng tha thiết:
– Xin cảm ơn Chúa đã cho con đủ tiền mua búp bê.
Rồi cậu nói với tôi:
– Cháu vừa mới cầu xin Chúa cho cháu đủ tiền mua con búp bê này để mẹ cháu có thể đem theo cho em cháu. Chúa đã nghe thấy lời cầu xin của cháu. Cháu đã muốn xin đủ tiền để mua được hoa hồng bạch cho mẹ cháu nữa mà cháu lại không hỏi. Vậy mà Chúa lại cũng cho cháu đủ tiền để mua được cả búp bê cho em cháu và hoa hồng cho mẹ cháu nè. Mẹ cháu thích hoa hồng bạch lắm, cô à.
Người cô của cậu ta đã trở lại. Tôi cũng đẩy xe đồ của tôi đi luôn. Đầu óc tôi cứ bận bịu với hình ảnh cậu bé trong khi tôi tiếp tục mua sắm, nhưng tinh thần tôi bây giờ không giống như trước khi tôi gặp cậu ta.
Tôi bỗng nhớ tới một câu chuyện đăng trên báo mấy ngày trước đây, câu chuyện về một người say rượu lái xe, tông vào xe kia làm cho một cô bé chết ngay và mẹ cô ta bị thương nặng. Gia đình người bị nạn đang bối rối trước quyết định có nên tháo bộ máy trợ sinh ra khỏi cơ thể bà ta chăng. Nhưng dĩ nhiên là cậu bé này chẳng liên quan gì đến câu chuyện đó cả, tôi tự nhủ thế.
Hai ngày sau tôi đọc báo thì biết được rằng gia đình người đàn bà trong tai nạn xe hơi đã quyết định tháo máy trợ sinh và bà ta đã chết. Tôi vẫn chưa quên câu chuyện cậu bé và cứ thắc mắc không biết hai chuyện có liên quan gì đến nhau không.
Chiều hôm đó, không nhịn được nữa, tôi đi mua mấy bông hoa hồng trắng và đến nơi quàn xác người đàn bà.
Thì ô kìa, nằm lặng lẽ trong bộ áo cuối cùng của cuộc đời, người đàn bà trẻ ôm trong tay một bông hoa hồng bạch cạnh con búp bê xinh xắn và trên ngực là tấm hình cậu bé chụp trước cửa tiệm bách hóa.
Tôi ra về với đôi mắt đẫm lệ, cuộc đời tôi thay đổi từ lúc đó. Tình yêu mà cậu bé thơ ngây dành cho em nhỏ và mẹ cậu ta mới thiêng liêng sâu sắc làm sao! Một tình yêu bao la như thế, đằm thắm như thế, mà chỉ trong thoáng chốc, một người say rượu, lái xe trong tình trạng tâm trí không sáng suốt, đã xé tan nát trái tim cậu bé ra thành từng mảnh.
Liên Hương (ĐPK)
Trích "Chương trình tìm hiểu Phật pháp Tuệ Đăng"
Tác hại của rượu và men say, ma túy
Có một bài kệ tóm tắt con đường tu hành của người Phật tử, như sau:
“Không làm những điều ác
Siêng làm những việc lành
Tự thanh tịnh tâm ý
Lời chư Phật dạy rành”
Trong ba lời dạy cốt tủy đó thì lời dạy thứ ba, “Tự thanh tịnh tâm ý”, mới chính là điều tối quan trọng, chỉ khi nào thực hiện điều đó, hành giả đạo Phật mới hoàn tất con đường tu chứng của mình, bởi vì nội dung của “tự thanh tịnh tâm ý” có nghĩa là chấm dứt những lôi cuốn của Tham, Sân và Si, vốn là nguyên nhân của tất cả mọi vướng mắc dây dưa trong vòng luân hồi sinh tử.
Tuy vậy, hai điều trước đó, “không làm những điều ác” và “siêng làm những việc lành” cũng rất quan trọng. Vì đó là phần đạo đức học của Phật giáo, mục đích đào luyện những phần tử tốt lành, những người hiền thiện trong xã hội, đồng thời chuyển dòng nghiệp của họ từ xấu sang tốt, làm nhân tố tốt cho giai đoạn “Tự thanh tịnh tâm ý”.
Để thực hiện điều này, nhà Phật có Ngũ Giới, là năm điều ngăn ngừa, mà mỗi Phật tử đều có phát lời nguyện sẽ tuân thủ, hoặc cả 5 Giới, hoặc nếu cảm thấy chưa đủ khả năng giữ được trọn vẹn cả 5, thì có thể thọ tùy theo nhiều hay ít giới, để tập cho quen từ từ, cuối cùng đạt được mục đích tuân thủ cả Năm Giới.
Về câu hỏi “Thế nào là Ngũ Giới của cư sĩ tại gia?”, được hòa thượng Thích Duy Lực giải đáp như sau:
– Giới thứ nhất là cấm sát sanh. Đã muốn thọ giới của Phật thì trước tiên là cấm sát sanh, bất sứ sinh vật gì thuộc hữu tình đều cấm giết hại.
– Giới thứ nhì là cấm trộm cắp. Đồ vật của người khác, nếu muốn lấy sử dụng phải được sự đồng ý của chủ nó, nếu không được sự đồng ý mà lén lấy thì gọi là trộm cắp. Dĩ nhiên các đồ vật trong gia đình giữa cha mẹ anh chị em thường dùng qua lại lẫn nhau là không phạm, nhưng cái nào cũng có sự giới hạn, ví như con cái ăn cắp tiền của cha mẹ cũng phạm giới trộm cắp.
– Giới thứ ba là cấm tà dâm. Thế nào là tà dâm? Người tại gia thường có gia đình, quan hệ vợ chồng chính thức là chánh, ngoài vợ chồng chính thức ra đều thuộc tà dâm, phải cấm, còn người xuất gia thì bất cứ hành động dâm dục nào cũng đều bị cấm.
– Giới thứ tư là cấm vọng ngữ, gồm bốn thứ: Vọng ngôn, ỷ ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt.
Vọng ngôn là nói dối, tức nói có thành không, nói không thành có;
Ỷ ngữ là lời nói thêu dệt;
Ác khẩu là chửi mắng người khác;
Lưỡng thiệt là thị phi hai đầu, làm cho hai bên bất hòa, khiến thù oán nhau.
– Giới thứ năm là cấm uống rượu, vì uống rượu rồi có thể phạm phải bốn giới trước nên cấm.
Giới nhà Phật có khai, giá, trì, phạm, ví như mình có bệnh, y sĩ nói phải dùng thuốc có pha rượu, tự mình công khai nói ra thì có thể uống. Lại nữa, có trường hợp vì không biết đó là rượu mà uống phải thì chẳng phạm; hoặc trong lúc nấu nướng cần bỏ rượu vào để chế biến cũng chẳng phạm. Ngoài ra, một số thực phẩm có men rượu nhưng ăn vào không bị say như cơm rượu, vân vân, cũng dùng được.
Ngũ Giới này là của cư sĩ tại gia, đã thọ rồi thì phải suốt đời giữ theo giới, nếu sơ ý phạm phải thì sám hối với một người cư sĩ đã thọ Ngũ Giới rằng: “Xin ông hãy chứng minh cho tôi đã lỡ phạm Giới này, từ nay về sau tôi sẽ không phạm nữa”. Vậy là hết tội phá giới, còn tội nhân quả thì chẳng thể sám hối được, giết một mạng phải trả một mạng.
Có người nói:
“Thế thì chẳng thà không thọ giới, không phải mắc đến hai tội, vừa tội nhân quả vừa tội phá giới; nếu không thọ giới thì chỉ mắc một tội nhân quả mà thôi”.
Sự thật là nếu không thọ giới thì dễ phạm nhiều tội nhân quả, mắc nợ nhiều; còn thọ giới rồi sẽ cẩn thận hơn, ít phạm tội nhân quả, ít mắc nợ, cho nên có thọ giới vẫn tốt hơn”.
Trên đây là bài giảng về Ngũ Giới của hòa thượng Thích Duy Lực.
Trong các Giới Cấm kể trên, Giới Cấm uống rượu là gây nhiều thắc mắc nhất. Có người nói rằng “Uống rượu thì có gì là hại, còn bổ máu, dễ tiêu hóa nữa kìa, các cụ dạy thế và cả bác sĩ cũng bảo vậy, sao Phật lại cấm?”
Do đó, xin kính gửi tới quý vị một đoạn trong bài pháp của hòa thượng Thích Thiện Hoa, phần nói về Giới Cấm uống rượu.
Hòa thượng dạy rằng :
“Phật cấm uống rượu vì muốn ngăn ngừa những nguyên nhân sanh ra tội lỗi.
Uống rượu chính nó không phải là một tội lỗi như sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nhưng nó có thể làm nhân cho những tội lỗi kia sanh ra. Khi đã uống rượu say sưa, thì tội nào cũng có thể phạm được. Dưới đây là một câu chuyện để chứng minh điều đó:
Có câu chuyện ẩn dụ rằng "Một anh nông phu kia đang cày ruộng giữa đồng, bỗng thấy hiện ra sừng sững trước mặt mình một hung thần to lớn, kỳ dị, hăm giết anh. Anh kinh sợ, khóc lóc xin tha mạng. Vị hung thần bảo:
– Nếu ngươi làm được một trong ba việc này thì ta tha chết cho: hoặc là giết cha ngươi, hoặc là đánh mẹ ngươi hay uống hết lít rượu để trên bàn nhà ngươi.
Anh nông phu suy nghĩ một hồi rồi trả lời:
– Xin Ngài cho con được uống lít rượu.
Ác thần nghe xong, có vẻ hài lòng, rồi biến mất.
Trưa hôm ấy, anh nông phu về nhà, thấy lít rượu mà ông thân sinh mua để đãi khách, vì nhà sắp có giỗ, anh ta vội vàng chụp lấy, nốc cạn một hơi. Cha anh thấy đứa con hỗn láo, nắm gậy xông lại đánh mắng con. Ma men đã thấm, anh ta không còn biết phải trái, giựt gậy của cha, đánh ông một cây chết tốt ! Bà mẹ chạy đến ôm con la làng. Anh ta chưa hả cơn giận, đánh mẹ túi bụi. Làng xóm chạy lại bắt anh dẫn lên quan vì tội giết cha đánh mẹ. Tỉnh lại anh mới biết uống rượu là tội nặng nhất trong 3 điều mà hung thần đã bắt anh làm”.
Trên đây là lời Hòa thượng Thích Thiện Hoa kể câu chuyện ẩn dụ trên để gây ấn tượng về sự nguy hiểm sẽ phát sinh ra do rượu. Vì uống rượu thì sẽ say sưa, lý trí bị lu mờ, hành động trở thành mê muội, mất sáng suốt.
Vào thời đức Phật chế Giới Cấm, chỉ mới có rượu là chất làm cho tinh thần bị mê mụ, mất sáng suốt. Cho nên để giữ cho tinh thần minh mẫn, mới có Giới Cấm uống rượu.
Nhưng ngày nay nhân loại còn có những chất say độc hại, làm mê mụ tinh thần con người ta hơn cả rượu, thí dụ cần sa, ma túy. Các chất này vốn cũng được dùng trong y dược khoa để điều chế các loại thuốc giảm đau, gây mê, vân vân, với liều lượng rất nhỏ và do sự tinh luyện của những nhà chuyên môn để tránh độc hại.
Nhưng nó lại trở nên vô cùng độc hại khi bị lạm dụng với những liều lượng lớn và cơ thể có thói quen phải dùng liên tục vì tính chất các loại thuốc này là làm cho người ta trở thành nghiện.
Hiện tượng lạm dụng các loại cần sa ma túy phổ biến ở Tây Phương vào khoảng đầu thập niên 60, khi phong trào hippie lan tràn, gây ảnh hưởng sâu xa vào nền văn hóa của nhân loại. Điển hình của một hippie là quần áo xốc xếch mầu sắc sặc sỡ, tóc dài dù là con trai, biểu dương quan niệm sống tự do buông thả trong nếp suy tư tình cảm và bác bỏ những giá trị văn hóa truyền thống. Họ tìm cảm giác bằng cách hút cần sa, ma túy.
Phong trào lan nhanh trên thế giới do nếp sống đồi trụy buông thả dễ lôi cuốn con người vào con đường sa ngã, và từ thời gian đó, nhân loại rơi vào một hiểm họa là nạn nghiện cần sa, ma túy.
Sự nguy hiểm của nghiện ma túy là khi đã lậm, liều lượng sẽ phải tăng dần để thỏa mãn nhu cầu đạt được sảng khoái của kẻ nghiện. Đồng thời, đã nghiện ma túy rồi thì sự từ bỏ rất là khó khăn, trừ trường hợp nạn nhân có ý chí thật là mãnh liệt.
Nhưng chuyện có ý chí từ bỏ này rất hiếm xảy ra vì bản chất của ma túy là nó tác hại vào tinh thần kẻ nghiện, khiến cho nạn nhân trở thành trì trệ, lười biếng, lừ đừ. Và người nghiện trở nên hung dữ khi cơn ghiền đến mà không có thuốc. Khi đó, họ có thể làm những hành động vô cùng tàn nhẫn ngay cả đối với người thân như cha mẹ anh chị em hoặc bạn bè để có tiền mua thuốc, thậm chí trở thành kẻ bất lương, cướp bóc nữa.
Kết quả tai hại của nạn nghiện ma túy này rất là tàn khốc, cho chính người lạm dụng, cho những người thân của đương sự và cho xã hội nữa.
Từ đó suy ra, chúng ta thấy Giới Cấm uống rượu này bao gồm tất cả “các chất làm say sưa, mất sáng suốt”. Như thế, các loại cần sa, ma túy, vân vân …, cũng phải được cho vào danh sách những chất bị Giới Cấm uống rượu chi phối.
Nhân nói về Giới Cấm uống rượu, xin kính gửi tới quý vị câu chuyện thương tâm, hậu quả của một tai nạn do say rượu lái xe, được đăng trên Internet, do bà V.A. Bailey kể lại, đạo hữu Vy Khanh dịch ra Việt ngữ, như sau:
“Tôi vội vã chạy tới một cửa hàng bách hóa để quơ đại vài món quà Giáng Sinh vào giờ cửa tiệm sắp đóng. Nhìn đám người ùn lên phía trước, tôi vừa bực bội với sự trễ nải của mình vừa cố gắng xấn xổ vượt qua được đám đông chen chúc trong cái gian hàng đồ chơi trẻ con này. Giá mà tôi lăn kềnh được ra đây, ngủ thiếp đi, tỉnh dậy để phát hiện ra rằng ngày Lễ Giáng Sinh đã qua rồi thì hay biết mấy!
Bỗng nhiên, tôi nhận ra tiếng của chính tôi đang lẩm bẩm đọc giá tiền những món đồ chơi bày trên kệ và tưởng tượng cảnh mấy đứa cháu được ôm những món đồ chơi đó trong lòng. Thuận chân, tôi tiến về khu bán búp bê. Phía xéo với tầm mắt, tôi thấy một em bé trai trạc 5 tuổi đang ôm một con búp bê xinh xắn. Đứa bé nâng niu món đồ chơi trong vòng tay, còn tay kia thì cứ vuốt mãi lên mái tóc mềm như tơ của con búp bê. Tôi không thể dời mắt khỏi quang cảnh đó mà cứ chăm chú nhìn cậu bé, trong lòng thắc mắc không biết cậu ta giữ con búp bê đó cho ai vậy. Rồi tôi thấy cậu ta quay qua phía một phụ nữ đứng bên cạnh mà hỏi:
– Cô có chắc là số tiền của cháu không đủ để mua con búp bê này không?
Người cô trả lời, giọng có vẻ sốt ruột:
– Cháu biết là cháu không đủ tiền mua nó mà.
Rồi cô ta dặn cháu đừng đi đâu cả, phải đứng tại đó chờ cô ta đi mua mấy món đồ, sẽ trở lại trong vòng vài phút. Nói rồi cô đi khuất khỏi tầm mắt chúng tôi.
Cậu bé vẫn đứng đó tay ôm con búp bê. Ngập ngừng một chút, tôi cất tiếng hỏi cậu bé rằng cậu định mua con búp bê cho ai. Cậu bé trả lời:
– Đây là con búp bê mà em cháu thích được tặng vào dịp Giáng Sinh này lắm. Em cháu biết chắc là Santa Claus sẽ mang tới cho em.
Tôi bảo cậu bé:
– Có lẽ Santa Claus sẽ mang tới cho em cháu thật đấy.
Cậu bé lắc đầu:
– Không, Santa sẽ không thể tới được nơi mà em cháu hiện nay đang ở. Cháu phải đưa con búp bê cho mẹ cháu để mẹ mang tới cho em.
Tôi hỏi:
– Vậy em cháu ở đâu?
Cậu bé nhìn tôi bằng cặp mắt thê thảm nhất, trả lời:
– Em cháu đã về với Chúa. Bố cháu nói rằng mẹ cháu cũng sắp phải đi với em rồi.
Tim tôi thót lại. Cậu bé nói tiếp:
– Cháu dặn bố cháu nói với mẹ là mẹ đừng đi vội. Cháu dặn bố cháu nói với mẹ là hãy chờ cháu từ tiệm trở về.
Rồi cậu bé hỏi tôi có muốn coi hình của cậu ta không. Tôi nói rằng tôi rất muốn. Cậu ta lôi ra mấy tấm hình mà cậu mới chụp ở ngoài cửa tiệm, nói:
– Cháu muốn mẹ cháu đem theo mấy tấm hình này để mẹ không bao giờ quên cháu. Cháu yêu mẹ cháu lắm. Cháu ước gì mẹ cháu sẽ không phải rời bỏ cháu. Nhưng bố cháu nói rằng mẹ cháu cần phải đi với em cháu.
Tới đây, cậu bé lặng lẽ cúi gục đầu xuống. Trong khi cậu ấy không nhìn thấy, tôi thò tay vào ví lôi ra một nắm tiền giấy cuộn trong lòng bàn tay rồi đề nghị:
– Này, hay là chúng mình đếm lại tiền của cháu một lần nữa coi sao?
Cậu bé có vẻ phấn khởi:
– Dạ, cháu biết chắc là phải đủ mà.
Thế là tôi nhẹ nhàng tuồn nắm tiền trong lòng bàn tay tôi nhập vào với tiền của cậu bé và bắt đầu đếm. Dĩ nhiên là bây giờ thì số tiền dư sức để mua con búp bê. Cậu bé nhìn lên cao, cất tiếng tha thiết:
– Xin cảm ơn Chúa đã cho con đủ tiền mua búp bê.
Rồi cậu nói với tôi:
– Cháu vừa mới cầu xin Chúa cho cháu đủ tiền mua con búp bê này để mẹ cháu có thể đem theo cho em cháu. Chúa đã nghe thấy lời cầu xin của cháu. Cháu đã muốn xin đủ tiền để mua được hoa hồng bạch cho mẹ cháu nữa mà cháu lại không hỏi. Vậy mà Chúa lại cũng cho cháu đủ tiền để mua được cả búp bê cho em cháu và hoa hồng cho mẹ cháu nè. Mẹ cháu thích hoa hồng bạch lắm, cô à.
Người cô của cậu ta đã trở lại. Tôi cũng đẩy xe đồ của tôi đi luôn. Đầu óc tôi cứ bận bịu với hình ảnh cậu bé trong khi tôi tiếp tục mua sắm, nhưng tinh thần tôi bây giờ không giống như trước khi tôi gặp cậu ta.
Tôi bỗng nhớ tới một câu chuyện đăng trên báo mấy ngày trước đây, câu chuyện về một người say rượu lái xe, tông vào xe kia làm cho một cô bé chết ngay và mẹ cô ta bị thương nặng. Gia đình người bị nạn đang bối rối trước quyết định có nên tháo bộ máy trợ sinh ra khỏi cơ thể bà ta chăng. Nhưng dĩ nhiên là cậu bé này chẳng liên quan gì đến câu chuyện đó cả, tôi tự nhủ thế.
Hai ngày sau tôi đọc báo thì biết được rằng gia đình người đàn bà trong tai nạn xe hơi đã quyết định tháo máy trợ sinh và bà ta đã chết. Tôi vẫn chưa quên câu chuyện cậu bé và cứ thắc mắc không biết hai chuyện có liên quan gì đến nhau không.
Chiều hôm đó, không nhịn được nữa, tôi đi mua mấy bông hoa hồng trắng và đến nơi quàn xác người đàn bà.
Thì ô kìa, nằm lặng lẽ trong bộ áo cuối cùng của cuộc đời, người đàn bà trẻ ôm trong tay một bông hoa hồng bạch cạnh con búp bê xinh xắn và trên ngực là tấm hình cậu bé chụp trước cửa tiệm bách hóa.
Tôi ra về với đôi mắt đẫm lệ, cuộc đời tôi thay đổi từ lúc đó. Tình yêu mà cậu bé thơ ngây dành cho em nhỏ và mẹ cậu ta mới thiêng liêng sâu sắc làm sao! Một tình yêu bao la như thế, đằm thắm như thế, mà chỉ trong thoáng chốc, một người say rượu, lái xe trong tình trạng tâm trí không sáng suốt, đã xé tan nát trái tim cậu bé ra thành từng mảnh.
Liên Hương (ĐPK)
Trích "Chương trình tìm hiểu Phật pháp Tuệ Đăng"