PDA

View Full Version : Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương



khieman
07-27-2015, 05:45 AM
.



http://i907.photobucket.com/albums/ac276/minhduynamphuong/tai%20lieu%20suu%20tam/Tram%20Hoa%203_zpsn501tb5o.png (http://i907.photobucket.com/albums/ac276/minhduynamphuong/tai%20lieu%20suu%20tam/Tram%20Hoa%203_zpsn501tb5o.png)

http://i907.photobucket.com/albums/ac276/minhduynamphuong/tai%20lieu%20suu%20tam/Tram%20Hoa%204_zps2edeufl9.png (http://i907.photobucket.com/albums/ac276/minhduynamphuong/tai%20lieu%20suu%20tam/Tram%20Hoa%204_zps2edeufl9.png)

Bìa trước và sau của tác phẩm
Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương.


Lời nói đầu của nhà xuất bản

Đặt tựa đề " Trăm Hoa Vẫn Nở..." cho tuyển tập này, chúng tôi có ý làm một việc tương tự công trình sưu tập văn liệu mà cụ Hoàng Văn Chí đã làm vào thập niên '50 với cuốn: " Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc ". Chúng tôi cũng muốn ghi lại những chứng tích của một cuộc đấu tranh cho Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền khởi đi từ những người trong nước hiện nay. Trước đây cụ Hoàng đã viết:

" Bốn mươi năm một thuở " (nhân dịp hạ bệ Stalin), họ (nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm) đều đứng dậy đấu tranh chống đảng, đòi phục hồi quyền tự do tư tưởng... Trí thức ở miền Bắc đã sản xuất được trên một trăm bản văn có giá trị. Cộng Sản coi những bản văn ấy là những "cỏ độc", nhưng chúng tôicoi những tác phẩm của họ như một " trăm hoa thực sự ".

Hôm nay, lại có những người cầm bút nổi dậy đòi phục hồi quyền tự do bất tử ấy:

" Hoa Vẫn Nở..."

Ở chủ đề này, chúng tôi nhận định rằng:

" Hiện có cao trào phản kháng ở trong nước ".

Đây không chỉ là một " phong trào văn nghệ " mà còn xuất hiện đồng thời một cao trào quần chúng đón nhận, thôi thúc và cổ võ dòng văn chương thịnh nộ trong nước. Đây cũng chính là một trong những điểm khác biệt giữa " trăm hoa " bây giờ với " trăm hoa... trên đất Bắc ". Nhân Văn-Giai Phẩm trước kia chưa ai có thể đặt thẳng các câu hỏi như bây giờ:

- " Có hay không một khuynh hướng phủ nhận 40 năm văn học Xã hội Chủ nghĩa ".

- Có hay không " cái tâm lý muốn phủ nhận, xóa sạch ".

Hồi đó cũng chưa có ai dám nói toạc ra trước mặt giới lãnh đạo Đảng và lãnh đạo văn nghệ rằng đời Lê, đời Trần đánh thắng ngoại xâm đâu cần đến sự hổ trợ của phe Xã hội Chủ nghĩa; họ chưa dám công khai phán xét công tội của giới lãnh đạo, của đảng! " Trăm Hoa Trên Đất Bắc " là một thiểu số văn nghệ sĩ làm một hành động bất khuất. Thiểu số ấy đã sớm phản tỉnh vì thấy cái tệ hại của chế độ chuyên chính, trong khi hầu hết dân miền Bắc lúc ấy chưa " mở mắt " hoặc còn sợ sệt. Bây giờ, thế giới ai cũng đã " sáng mắt " cả rồi.

Chúng tôi tin rằng các văn bản xuất hiện ở Việt Nam trong giai đoạn 1986-1989 sẽ là những " sử liệu quý báu cho các sử gia mai sau viết về một thời đại đen tối của dân tộc mang tên Thời đại Xã hội Chủ nghĩa ".

Đi vào việc hình thành Tuyển Tập, chúng tôi đã không tránh khỏi một vài điểm chưa thỏa đáng:

Vấn đề tuyển chọn tác giả, tác phẩm, văn liệu và dữ kiện thông tin trong nước: Số lượng tài liệu chúng tôi thu lượm được so với khối lượng sáng tác trong giai đoạn phản kháng vẫn còn quá ít ỏi. Có tác giả được nhận định là tiêu biểu cho dòng văn chương phản kháng thì chúng tôi lại không tìm được tác phẩm của họ. Lại có những tác phẩm rất căn bản đã được nhiều tác giả khác trích dẫn như rường cột tư tưởng phản kháng nhưng không chuyển được ra nước ngoài. Dẫu sao tài liệu hiện có ở đây cũng đã thể hiện rõ nét đa diện và đa nguyên bởi sự khác biệt về động lực phản kháng, đối tượng phản kháng và cường độ phản kháng.

Chúng tôi cũng tin rằng các văn bản (tài liệu báo chí, các tác phẩm văn, thơ, ký, kịch, điện ảnh...) trong Tuyển Tập này sẽ đóng góp một số dữ kiện cần thiết cho các cuộc thảo luận giữa những người Việt trong khuôn khổ đấu tranh cho Tự do-Dân chủ và Nhân quyền tại Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi đã gom góp và lựa chọn một số sáng tác, tham luận có hệ thống cũng như cảm nghĩ tản mạn của những người đang thao thức vì vận mệnh tổ quốc trong thập niên giao thừa này.

Về số lượng các bài viết xuất hiện trên nhiều tạp chí hải ngoại, chúng tôi chỉ xin trích đăng một ít vì sách đã quá dầy.

Lời cuối, xin để tỏ lòng thành thật cám ơn bằng hữu gần xa đã trực tiếp hoặc gián tiếp giúp chúng tôi từ bước khởi đầu cho đến ngày ra mắt Tuyển Tập này.

Kính chào
Nhà Xuất Bản Lê Trần
California, USA
Tháng Bảy năm 1990

khieman
07-27-2015, 06:04 AM
(tiếp theo)



Phần Một


Bối cảnh và diễn tiến


Từ Nhân Văn-Giai Phẩm đến cao trào văn nghệ phản kháng 1986-1989


Bài viết của tác giả Thân Trọng Mẫn (từ trang 15 đến trang 48)

"Sau đại hội lần thứ 20 của đảng Cộng Sản Liên Xô phê bình tệ sùng bái cá nhân, các đảng cộng sản trong phe xã hội chủ nghĩa đều tiến hành phê bình và đã phát hiện ra một số khuyết điểm và sai lầm trong công tác lãnh đạo của mình bên cạnh những ưu điểm và thành công to lớn và là căn bản. Bọn đế quốc đã nhân cơ hội đó gây ra được vụ lộn xộn ở Po-dơ-nan.

Trong nước, Trung ương đảng Lao động Việt Nam cũng tự phê bình và phát hiện được những sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức.

Nhân cơ hội đó tất cả các lực lượng... đối lập với chủ nghĩa xã hội đều ngóc đầu dậy chống lại sự lãnh đạo của đảng và chính phủ. Bọn phản động trong Công giáo hành động phá rối trật tự ở Nghệ An, Nam Định. Bọn phản động trong các dân tộc thiểu số " xưng vua " ở một vài miền rẻo cao... Một số địa chủ vừa bị đánh đổ liền ngóc đầu dậy, cấu kết với bọn phản động trong tôn giáo và bọn lưu manh, bọn tề ngụy cũ, đánh chửi nông dân để báo thù. Những phần tử khiêu khích phá hoại xúi dục một số thương binh làm mất trật tự ở một vài địa phương...

Từ Nhân Văn số 4 trở đi, tức là sau khi bọn phản cách mạng ở Hung-Ga-Ri được bọn đế quốc giúp đỡ, đã thực hiện được vụ bạo động phản cách mạng ở Bu-đa-pét, thì chúng đã chuyển hẳn sang chống đối về chính trị, kích động quần chúng biểu tình chống lại đảng và chính phủ ta nhân lúc Quốc hội ta đang họp..."...

Đoạn văn chúng tôi vừa trích dẫn hơi dài dòng, nhưng đó chỉ là phần dẫn nhập cho một bản cáo trạng dài gần 400 trang, mang tựa đề " Bọn Nhân Văn-Giai Phẩm trước tòa án dư luận " do nhà xuất bản Sự Thật Hà Nội phát hành gồm bài Viết của 84 tác giả, trong đó đủ các khuôn mặt " lãnh đạo văn nghệ " đương thời như Trường Chinh, Tố Hữu, Trần Độ, Hà Xuân Trường, Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi, Như Phong, Chính Hữu, Bùi Hiển... Đối chiếu với hoàn cảnh hiện tại, cả trên mặt trận quốc tế lẫn quốc nội, những điều vừa trích dẫn từ bản cáo trạng xem ra khá tương đồng với những gì đang xẩy ra trong nước hiện nay, chỉ khác chút ít về mức độ và tầm ảnh hưởng. Nếu trước đây bước chuyển động bắt đầu từ bản báo cáo chính trị của Kroustchev tại đại hội đảng Cộng Sản Liên Xô lần 20, tố cáo tội ác của Stalin và khởi đầu chính sách " xét lại " thì nay cũng từ Mạc Tư Khoa, ảnh hưởng của chính sách Glasnost (cởi mở) và Perestroika (tái cấu trúc) do Gorbachev chủ trương đã đánh động một sự chuyển hóa trọn khối xã hội chủ nghĩa; nếu trước đây cuộc phản kháng bắt đầu từ công nhân và nghiệp đoàn Đông Đức (ở Podzan) và làm rung chuyển toàn khối Đông Âu trong cuộc cách mạng của Hungary thì nay cũng chính giai cấp công nhân (đội ngũ tiên tiến và cách mạng nhất của xã hội chủ nghĩa!) đã bắn phát súng lệnh tại Ba Lan và đưa đến cuộc cách mạng vĩ đại 1989 trên toàn khối cộng sản thế giới, giải thể chế độ Cộng Sản tại bảy nước Đông Âu, Nicaragua và Mông Cổ.

Tại Việt Nam, nếu trước đây là cuộc nổi dậy của giáo dân tại Nghệ An, Nam Định, cuộc chiến du kích của các dân tộc thiểu số miền " rẻo cao ", cuộc đề kháng âm ỉ tại nông thôn sau cải cách ruộng đất, sự bất mãn của thương binh và cựu kháng chiến... thì nay là một phong trào quần chúng rộng lớn và liên tục của các lực lượng tôn giáo, các lực lượng dân tộc thiểu số tại cao nguyên, các phong trào kháng chiến toàn dân, cuộc đấu tranh trực diện của thương bệnh binh, bộ đội phục viên và hàng ngũ cựu kháng chiến... Nếu trước đây là cuộc phản kháng của văn nghệ sĩ và trí thức của phong trào " Trăm hoa đua nở " mà cao điểm đã thu hút được 304 người tham dự, thì nay là một cuộc bừng nở của một cao trào văn nghệ phản kháng trên quy mô toàn quốc với sự dính dự của bốn thế hệ văn nghệ sĩ và trí thức trong cả nước.

Sau 30 năm, lịch sử lại tái diễn gần như trùng hợp, nhưng xét về kích thước, những vận động đang xảy ra trong nước, và nói riêng cao trào văn nghệ phản kháng của văn nghệ sĩ và trí thức, đã có những bước tiến rất căn bản về số lượng lẫn chất lượng. Về phía nhà cầm quyền, những người lãnh đạo chính trị cũng như những người lãnh đạo văn nghệ của chế độ Cộng Sản tại Việt Nam hiện nay, xét về mặt lý luận văn học cũng như về ngôn ngữ phê phán, ta thấy " một sợi chỉ đỏ xuyên suốt " trong lập trường và phản ứng của họ. So sánh những bài phát biểu của Trường Chinh, Tố Hữu... của thời Nhân Văn-Giai Phẩm với bài nói chuyện của Nguyễn Văn Linh tại hội nghị Trung Ương đảng kỳ 7 (khóa VI) và kết luận của bộ chính trị BCH đảng CS Việt Nam " về công tác văn hóa và tư tưởng ", cũng như các bài diễn văn của Đỗ Mười tại đại hội nhà báo, đại hội nhà văn lần IV năm 1989, rõ ràng lập luận và từ ngữ vẫn y khuôn, cũng " cuộc đảo chính phản cách mạng ", " âm mưu xảo quyệt của bọn đế quốc và các loại phản động ", " dân chủ xã hội chủ nghĩa, về bản chất, như Lenin nói, gấp triệu lần dân chủ tư sản... ", sự sáo mòn về từ ngữ, sự hóa thạch của tư duy, và sự lão suy về tư tưởng của các nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam càng khiến họ trở thành thù địch với nhân dân, cô với toàn thế đang sôi sục chuyển mình.

Và hiện nay, dù các biện pháp công an tư tưởng và trấn áp văn hóa được đảng thi hành dưới những hình thức " quy chụp chính trị ", " chỉ điểm văn nghệ ", " uốn nắn những lệch lạc ", " báo động giả "... thậm chí cả sự đích thân hiện diện nhằm hăm dọa của Cố vấn đảng Lê Đức Thọ, và Trung tướng Cục An ninh Dương Thông tại đại hội nhà văn lần IV, phong trào văn nghệ đối kháng của giới văn nghệ sĩ và trí thức trong nước cũng không bị dập tắt, điều này chứng tỏ, vào đầu thập niên 90, do xu thế thời đại, do sự liên đới của giới cầm bút và do sự hổ trợ của đại khối dân tộc, công cuộc vận động tự do dân chủ và thịnh vượng cho đất nước, mà cao trào văn nghệ phản kháng là một bộ phận, đang dành được ưu thế, có đủ tiềm năng và khả năng vượt thắng guồng máy kềm kẹp của đảng.

Để nhìn rõ các kết quả đấu tranh của giới văn nghệ sĩ và trí thức, bài này sẽ phác lược diễn tiến của trọn phong trào phản kháng kể từ thời kỳ Nhân Văn-Giai Phẩm đến nay, mà trong đó giai đoạn 1986-1989 chỉ là một cao điểm, một thành quả vận động khi công khai khi âm thầm, mà giới cầm bút, giới làm văn hóa đã thực hiện suốt 35 năm dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.

Do sự nghèo nàn về tài liệu cũng như khả năng vô cùng giới hạn của người viết, bài viết này không có tham vọng phân tích và tổng kết cả một thời kỳ văn học mà chỉ nhấn mạnh những khuynh hướng phản kháng trong giai đoạn đó.

I. Từ Trăm Hoa Đua Nở:

Đúng như lời cụ Nguyễn Mạnh Tường trả lời ông Phạm Trần trên báo Độc Lập (Tây Đức) tháng 11 năm 1989, phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm: " không hề chống đối đảng ".

Thực vậy, căn cứ trên nội dung ghi lại trong tuyển tập " Trăm hoa đua nở trên đất Bắc " do cụ Hoàng Văn Chí giới thiệu, nhóm văn nghệ sĩ tập họp trên các tạp chí Giai Phẩm, Nhân Văn và Văn (1956-1958), có đòi quyền tự do sáng tác trong một giới hạn nào đó nhưng không hề phủ nhận quyền lãnh đạo của đảng, những bài thơ " chống tham ô lãng phí " hay " cùng những thằng nịnh hót " quả có quyết liệt, nhưng cũng chỉ trong khuôn khổ chống tiêu cực mà trên hình thức, đảng vẫn cho phép phát biểu trong những buổi phê bình và tự phê nội bộ, " Ông Bình vôi " của Phan Khôi hay " Con ngựa già của chúa Trịnh " của Phùng Cung có " phạm thượng " thật nhưng đâu có phạm thượng bằng Trạng Quỳnh hay Cao Bá Quát thời phong kiến!. Có vấn đề nhất là những bài thơ " Hãy đi mãi " hay " Nhất định thắng " quả thật có thể làm người ta hiểu " bóng gió ", nhưng tác giả vẫn kêu gọi " hãy đi mãi như những người cộng sản ", hoặc sát thời cuộc như bài tham luận của cụ Nguyễn Mạnh Tường đề cập trực tiếp đến những sai lầm trong cải cách ruộng đất, thì lập luận của cụ nào khác gì lập trường đảng trong việc tự phê bình về những sai lầm do chính Hồ Chí Minh nhận lỗi trước nhân dân.

Thơ văn của nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm chỉ nhằm vào những một mục đích khá giới hạn: kêu gọi một sự độc lập tương đối trong sáng tạo, phản ứng những mặt tiêu cực của chính quyền, họ chưa dám (hay vì bước đầu dọ dẫm nên chưa muốn) đề cập đến những vấn đề CĂN NGUYÊN của chế độ như bản chất của chủ nghĩa xã hội, sự hình thành giai cấp mới, tính lão suy của bộ máy nhà nước và đảng, quan hệ giữa chính trị và văn nghệ, quan điểm về nhân bản và tự do... là những vấn đề được trực tiếp nêu lên 30 năm sau (1986-1989).

Dù với mục đích hạn chế như vậy, phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm đã chịu những hậu quả thảm khốc, bằng thủ đoạn vu khống chính trị, đảng đã thổi phồng vụ án Nhân Văn-Giai Phẩm như một âm mưu khuynh đảo quốc tế với sự tham dự trực tiếp của Mỹ và miền Nam, tất cả những từ ngữ thô bỉ nhất, hằn học nhất đều được sử dụng nhằm bôi nhọ các nhà văn của phong trào: Thụy An bị gọi là " con phù thủy xảo quyệt", Nguyễn Hữu Đang bị coi là " quân sư quạt mo ", Trần Đức Thảo bị mỉa mai là " triết gia phản bội chân lý ", Trần Dần là " một tâm hồn đồi trụy ", Hoàng Cầm là một " tên bội bạc "... (Bọn Nhân Văn-Giai Phẩm trước tòa án dư luận , từ trang 42-104).

Cả một phong trào quần chúng, mít tinh, biểu tình, học tập... được bộ máy đảng huy động để áp đảo nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm, tất cả những ngôn ngữ bôi bẩn đầu đường xó chợ nhất đả được sử dụng trong suốt gần hai năm (1958-1959) để đấu tranh chống Nhân Văn-Giai Phẩm, điểm làm cho hậu sinh chúng ta tê tái (chữ của Hoàng Ngọc Hiến khi phê bình truyện Nguyễn Huy Thiệp) là những lời chửi rủa độc ác xách mé nhât lại là do những nhà văn, nhà thơ mà chúng ta vẫn kính trọng tài năng từ thời tiền chiến và kháng chiến như Tế Hanh, Hoài Thanh, Phạm Huy Thông, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu...

Tại sao cả guồng máy đảng, chánh quyền phải huy động toàn lực để chỉ đối với 34 văn nghệ sĩ của phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải nhìn lại bối cảnh chính trị của chế độ CS vào thời điểm 1956-1958... Vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp, để huy động toàn lực quốc dân, đảng cộng sản phải dương lá cờ dân tộc làm bình phong vận động quần chúng, đảng phải tự giải tán và lui vào bóng tối để củng cố lực lượng và đào tạo đội ngũ cán bộ trung kiên (mà tên gọi phổ cập là Việt Minh: chính phủ Việt Minh, mặt trận Việt Minh, bộ đội Việt Minh) nếu đại đa số là nông dân thì thành phần lãnh đạo trung cao (cả trong bỗ đội lẫn ủy ban kháng chiến) đa số là tiểu tư sản (trí thức, tiểu thương, tiểu chủ, phú nông...), số lượng cán bộ cộng sản, dù nắm những chức vụ quyết định, vẫn còn là thiểu số.

Khi tiếp thu miền Bắc, guồng máy kháng chiến trở về thành cũng với cơ cấu nhân sự như vậy. Trong mục tiêu " dọn sân để xây dựng chủ nghĩa xã hội ", đảng đã vội vã phát động chiến dịch " cải cách ruộng đất " nhằm triệt tiêu thành phần tiểu nông, trung nông, phú nông và địa chủ tại nông thôn, mặc dù các thành phần này, tự thân họ, hoặc con em họ, lại là thành phần lãnh đạo hoặc tham gia tích cự kháng chiến. Nhằm đánh gục các thành phần này, đảng đã huy động một thiểu số đảng viên và thổi phồng một số vô lại tại địa phương được mệnh danh là " bần cố nông cốt cán " để thành lập những đội cải cách với toàn quyền sinh sát trên nông thôn. Hậu quả là, do cuồng tín, vô học và thù hận, chính sách này đã gây những bất mãn, căm phẫn của đại khối nhân dân, và đặc biệt, của chính các thành phần cán bộ có công với kháng chiến, chính họ đã chống đối đảng mãnh liệt nhất, họ đã cầm đầu các cuộc nổi loạn vũ lực khắp miền Bắc mà đảng không thể bưng bít và đành thú nhận qua phần trích dẫn đầu bài.

Sự thất bại của chính sách cải cách ruộng đất khiến đảng phải thay đổi chiến lược, lùi một bước tại nông thôn và nắm vững lại hệ thống đảng bằng một cuộc tổng thanh lọc các tầng lớp tiểu tư sản trong guồng máy đảng và chính quyền, mà đặc biệt hai thành phần trí thức tiều tư sản và văn nghệ sĩ đã được ưu tiên chiếu cố. Cuộc đàn áp phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm nằm trong chiều hướng đó.

Trong màn cuối của cuộc đàn áp, hai hội nghị của văn nghệ sĩ, thực chất là hai phiên tòa án nhân dân đã được tổ chức để chứng kiến 34 thành viên của phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm, sau khi làm việc với công an văn hóa, phải ra trình diện nhận tội - họ và những người liên hệ " đã tự giác, tự phê bình " trước đại hội.

Ngoài 34 nhân vật được nêu tên, bản cáo trạng còn dành một án treo cho tất cả giới văn nghệ sĩ bằng một câu thòng: " nhưng đó không phải là tất cả (còn những tên chưa ra mặt) ". (Bọn Nhân Văn-Giai Phẩm trước tòa án dư luận, trang 309-310, nhấn mạnh của người viết).

Bản án treo này mới thực sự tàn nhẫn, tất cả những nhà văn nhà thơ nào tỏ ra còn chút bất khuất, không tự nép mình trong khuôn khổ đảng, đều bị ghép vào tội " liên hệ với Nhân Văn-Giai Phẩm " hoặc " ủng hộ bọn Nhân Văn-Giai Phẩm ", như nhà thơ, kịch tác gia Đoàn Phú Tứ bị đấu tố đến mắc bệnh tâm thần, như nhà thơ Nguyễn Bính bị bao vây kinh tế đến nỗi chết lạnh giữa đêm giao thừa, miệng còn chóp chép thèm cơm (thơ Trần Mạnh Hảo), hoặc suốt đời sẽ là kẻ " có vấn đề " như Trương Chính tự thuật trong bài " Mấy ý kiến chung quanh việc đảng lãnh đạo văn nghệ ".

Hiển nhiên tất cả các biện pháp trấn áp không phải chỉ nhằm vào cá nhân các thành viên trong phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm, bản án 15 năm tù đối với Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Trần Thiếu Bảo (chúng ta tự hỏi bây giờ đã 32 năm sau, không biết các vị này đã được phóng thích chưa?), hoặc là truất hết quyền cầm bút, quyền công dân, bao vây kinh tế và cô lập về tinh thần khiến tất cả các nạn nhân đều trở nên các công dân mạt hạng trong đáy tầng xã hội. Biện pháp trấn áp này nhằm khủng bố tinh thần đối với mọi văn nghệ sĩ khác, gây cho họ một tình trạng lo âu thường trực, sợ hãi thường xuyên, để biến họ thành một đám cừu non dễ bảo.

Sợ hãi trở thành một bản tính thứ hai của văn nghệ sĩ dưới chế độ cộng sản. Ta hãy nghe Nguyễn Minh Châu mô tả một hoạt cảnh về nhà văn Nguyễn Tuân: " một nhà văn đàn anh nâng chén rượu lên giữa đám đàn em: Tao còn sống đến bây giờ là nhờ biết sợ! ". Nói rồi ngửa mặt lên trời cười rung giường, nước mắt tuôn lả chả, giọt đổ xuống đất, giọt đổ vào lòng ". (Hãy đọc "Lời ai điếu cho một thời văn học minh họa ").

Nỗi sợ hãi một cách bi phẫn như vậy là số phận chung của cả một thế hệ nhà văn cuối thập niên 50 và kéo dài cho mãi tới gần đây. Nguyễn Tuân dù sao cũng còn được xưng tụng là cương trực, thẳng thắn, và khi mất đi còn được hậu thế " ca tụng cái đức " không chịu hèn " của một người cầm bút trung thành với chính mình " (Phạm Xuân Nguyên - Cái hèn của người cầm bút, Sông Hương số 31), còn những nhà văn khác, không có tài năng và thành tích như ông, tình trạng còn bi thảm đến chừng nào.

Như vậy xét về măt Văn học sử, qua vụ án Nhân Văn-Giai Phẩm, không phải đảng chỉ triệt tiêu sự cống hiến cho văn học của 34 nhà văn thành viên của phong trào và chừng 70 nhà văn nhà thơ bị quy kết là liên hệ với họ, mà đảng đã hủy hoại một thế hệ văn nghệ sĩ đã thành danh từ thời tiền chiến. Giờ đây (1990) nhắc đến các nhà văn tiền chiến, ta vẫn nghĩ đến một thế hệ vang bóng một thời, nhưng vào cuối thập niên 50, tất cả họ chỉ mới trên dưới 40, cái tuổi sung sức nhất của sáng tạo. Quả thật, dù khe khắt đến đâu, chúng ta cũng phải xác nhận những Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyên Hồng, Chế Lan Viên, Thế Lữ, Thanh Tịnh... là những tài năng xuất chúng, ở lứa tuổi 20, họ đã có những tác phẩm rực rỡ trên văn đàn như Thơ Thơ, Lửa Thiêng, Bỉ Vỏ, Điêu Tàn, Mấy Vần Thơ, Quê Ngoại...

Vậy mà kể từ khi họ chịu khuất phục, gậm nhấm " cái hèn " trong thân phận cầm bút, văn phong họ cũng trở thành " hèn " luôn, họ chỉ có thể sáng tác được những bài vè tuyên truyền, những bài văn nhạt nhẽo, phần nhiều họ kéo dài kiếp sống thêm 30 năm nữa, nhưng sự nghiệp văn học của họ coi như chấm dứt từ ngày đầu của chế độ cộng sản.

(còn tiếp)