PDA

View Full Version : 'Tinh chất' biến nước lã thành cà phê



khieman
01-22-2016, 05:13 PM
.


'Tinh chất' biến nước lã thành cà phê


Không cần công thức pha chế bột bắp + bột đậu nành cháy + hương liệu để làm nên những ly cà phê bẩn, giờ chỉ cần vài giọt "tinh chất cà phê", người ta có thể biến nước lã thành ly "cà phê" thơm lừng.



http://congly.com.vn/resize.550x-/data/news/2015/12/22/120/5b3440585dchokimbienanhdiepducminh2GGHRw665.jpg

Hóa chất cà phê đậm đặc được bày bán tại chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM)
Ảnh: Diệp Đức Minh


“1 lít pha được dăm chục lít cà phê nước”

Một tài khoản Facebook có tên “cửa hàng hóa chất Kim Biên” đăng công khai bán cà phê pha sẵn với giá 150.000 đồng/5 lít với lời quảng cáo:

“Thơm ngon nức mũi. Siêu lợi nhuận. Có 3 mùi: robusta, moka và Brazil. Phù hợp cho căn tin trường học, bệnh viện, quán. Có thể đổ ra bán liền. Mua 10 bình trở lên có chiết khấu. Tìm đại lý ở tỉnh”.

Theo nội dung quảng cáo này, mỗi ly cà phê bán vỉa hè với giá 10.000 - 12.000 đồng, chưa tính tiền đá và đường thì giá “đầu vào từ nhà cung cấp” này khoảng 1.300 đồng/ly. Sau đó không lâu, tài khoản Facebook này lại có thông báo ngưng sản xuất loại 5 lít do vận chuyển hơi cồng kềnh. Thay vào đó là loại bình 2 lít cà phê đậm đặc với công thức 8X. Tức là 1 lít sẽ pha thành 8 lít cà phê nước để bán.

Thực tế, “đại dịch” cà phê từ hóa chất vẫn đang hoạt động công khai tại chợ hóa chất Kim Biên (Q.5, TP.HCM).

Trên đường Vạn Tượng, bên hông chợ Kim Biên, khi nghe khách hỏi cà phê pha sẵn, thanh niên mặc áo thun đỏ ngồi trước sạp hóa chất X nói không có pha sẵn nhưng có đủ hương liệu để tự pha. Nói đoạn, thanh niên này nhanh nhẹn ra dẫn xe và hướng dẫn khách vào hẳn bên trong sạp để chọn. Bà Xuân chủ sạp giới thiệu loại bình nhựa 1 lít, gọi là “cà phê chấm”.

Nhìn kỹ, đây là chai nước đen đậm đặc mùi cà phê, mà theo bà Xuân hướng dẫn, chỉ cần “chấm vài giọt” vào ly nước lã, đã có ngay ly cà phê không khác gì cà phê thật.

Bên ngoài chai nhựa này có in nhãn “tinh chất cà phê” với đủ mùi: robusta, moka, Brazil… Bà Xuân cho biết mua nguyên lít giá 380.000 đồng, còn mua lẻ 50.000 đồng/chai 100 gr. Bà nói:

“Ở đây toàn bán loại nguyên chất, 1 lít pha được dăm chục lít cà phê nước. Em lấy nguyên lít cho lợi, bán từ đây đến Noel gì mà không hết. Người ta toàn mua chị thùng 12 lít, chứ vài lít nhằm nhò gì. Chỉ cần vài “chấm” (giọt) là có ly cà phê thơm lừng rồi. Mấy quán cà phê văn phòng toàn lấy loại này, hương cà phê "thật" mà lời nhiều”.

Nằm cuối đường Vạn Tượng, tại một sạp hàng lớn hơn cũng chuyên kinh doanh hóa chất công nghiệp, hóa chất thực phẩm, hương liệu, bột màu, cà phê, bơ sữa…, người bán tỏ ra thận trọng hơn khi được hỏi về nguyên liệu cà phê. Người này cho biết chỉ bán hương liệu cà phê bột của ngoại giá 1,2 triệu đồng/kg và loại giả cà phê moka là 300.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, khi chúng tôi trở lại lần sau với bộ dạng của một người bán cà phê cóc cho giới văn phòng tại Q.3, có nhu cầu mua số lượng lớn và thường xuyên, người bán đưa ra thùng nhựa trắng loại 5 lít, không nhãn mác, đựng nước hương liệu cà phê bán với giá 180.000 đồng/lít, mua lẻ 20.000 đồng/chai 100 gr.

“Bán cà phê mang đi loại 10.000 - 12.000 đồng/ly thì lấy loại này là hợp nhất. Nó có mùi y như cà phê rang xay. Còn loại đậm tuy chỉ nhỏ vài giọt nhưng mùi đậm, giống cà phê bột bắp, đậu nành, nhiều khách hàng không thích”, người bán phân tích và cho biết, với loại 180.000 đồng/lít này, có thể pha được hơn 200 ly cà phê. Với giá này, tính ra mỗi ly cà phê kiểu “chấm vài giọt” này chỉ khoảng 900 đồng/ly. Theo người bán, nếu mua số lượng từ 5 lít, giá sẽ giảm hơn nữa.

Gần ngay đó, khi chúng tôi ghé qua tìm cà phê bỏ mối cho quán cóc, một chủ sạp nhanh nhẩu đưa ra một chai "tinh chất cà phê" giống như chai ở sạp hóa chất X với giá "làm quen" 400.000 đồng/lít. Nhưng đây chưa phải giá rẻ nhất bởi chỉ cách đó 2 sạp, người bán cho biết có loại còn rẻ hơn, chỉ bằng một nửa giá nhưng nếu "mua chắc chắn mới vào kho lấy".



http://congly.com.vn/resize.550x-/data/news/2015/12/22/120/5b3440585dhinh1yorswidth500ampencoderwicampsubsamp ling444.jpghttp://congly.com.vn/resize.550x-/data/news/2015/12/22/120/5b3440585dhinh22cufwwidth500ampencoderwicampsubsam pling444.jpg


“Không độc thì báo chí đâu có rảnh tốn giấy mực nói hoài vậy ?”

Cơ sở cung cấp “tinh chất cà phê” loại đậm đặc này được in ngoài chai là tại một địa chỉ ở đường Minh Phụng, Q.6, TP.HCM. Tuy nhiên, theo bà Xuân, tất cả chỉ được đóng gói tại VN, còn lại là hàng nhập từ nước ngoài về.

“Ba cái hóa chất này đều có công thức từ lâu đời của “tụi” Trung Quốc, làm gì đến lượt mình. Mấy cơ sở ở VN chỉ là nhập về đóng gói thôi. Cái này là tôi nói thật”, bà Xuân tiết lộ.

Còn người bán hàng cuối đường Vạn Tượng đặt câu hỏi ngược lại khi được hỏi hóa chất làm từ hương liệu này có độc không.

“Không độc thì báo chí đâu có rảnh tốn giấy mực nói hoài vậy?”, người bán nói thẳng thừng.

Trên tài khoản Facebook “cửa hàng hóa chất Kim Biên”, trả lời thắc mắc của nhiều người, chủ trang này cũng công khai:

“30.000 đồng/lít không hóa chất công nghiệp thì là cái gì? Hàng của tôi tiện lợi, về đổ ra bán liền cho khách lại rẻ nữa”.

Chủ trang Facebook này cũng cho rằng, loại cà phê hóa chất pha sẵn này giúp người bán không cần suy nghĩ công thức pha chế thế nào cho có vị đặc trưng. Cứ tính toán pha lẫn 3 hương vị thế nào cho có vị đặc trưng là được.

Ông Hải, chủ quán cà phê cóc trên đường Lạc Long Quân (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết cà phê rang xay thật, người bán mua với giá từ 150.000 đồng/kg là đã có lời.

“Một ly cà phê bán tại quán có giá nguyên liệu cà phê thật từ 4.000 đồng/ly, tính thêm đường và đá 1.000 đồng nữa, tổng cộng là 5.000 đồng. Nếu bán giá từ 10.000 - 12.000 đồng/ly ở quán cóc này, đã một lời một rồi. Những người muốn một lời mười mới mua ba cái thứ hóa chất giết người để bán như vậy”, ông Hải khẳng định.

Với lọ "tinh chất cà phê" chúng tôi mua trên đường Vạn Tượng, ông Hải pha thử vài giọt với nước. Ngay lập tức, ly nước chuyển sang màu nâu cánh gián và có mùi cà phê. Sau khi ngửi ly nước, ông Hải nhận xét:

“Tôi hoàn toàn có thể nhận biết được cà phê đểu vì mùi hắc hơn. Nếm thử thì thấy vị đắng chát nóng đầu lưỡi chứ không giữ vị ngọt hậu như cà phê nguyên chất. Tuy nhiên, với người uống bình thường, rất khó nhận ra khác biệt này. Đặc biệt, nhiều người bán còn phù phép thêm dăm hóa chất khác như phẩm nhuộm vải sợi màu đen, chất tạo bọt sodium lauryl, caramel… thì người tiêu dùng “mù” hoàn toàn. Cứ thế mà nghiện”.


Tích tụ dần và phá hủy một số chức năng gan, dạ dày
Theo Hội Hóa học TP.HCM, “tinh chất cà phê” chế biến sẵn chủ yếu làm từ hóa chất công nghiệp, chứa nhiều tạp chất, kim loại nặng độc hại như chì, thủy ngân... rất hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Nếu sử dụng thường xuyên, sẽ tích tụ dần và phá hủy một số chức năng gan, dạ dày, tiền căn của bệnh ung thư.

BS Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Phó khoa Dinh dưỡng an toàn thực phẩm cho biết, những tinh chất tạo bọt làm hấp dẫn cho ly cà phê là sodimum, lauryl sunfate, nghiêm cấm dùng trong thực phẩm. Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới, đây là chất độc không được ăn, uống, hút vào cơ thể người. Nếu sử dụng sẽ gây tổn hại cho đường ruột và gan.


22/12/2015


***


Một giọt tinh chất pha thành một ly cà phê?



Gần đây có nhiều nhân viên tiếp thị đến các quán cà phê chào mời mua “tinh chất” cà phê. Chỉ cần một giọt là có thể pha thành một ly cà phê với mùi vị như cà phê 
thứ thiệt.

Thời gian gần đây, một số chủ quán cà phê ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) phản ảnh nhiều nhân viên tiếp thị đến quán chào mời mua “tinh chất” cà phê, 
chỉ cần một giọt là có thể pha thành một ly cà phê với mùi vị như cà phê 
thứ thiệt.

Theo tìm hiểu, loại “tinh chất” này đang được bán khá phổ biến tại chợ Kim Biên 
(TP.HCM), sản phẩm được để lẫn lộn với các loại hóa chất và không có nguồn gốc rõ ràng. Đủ loại “tinh chất” 
cà phê“Anh chỉ cần lấy que tăm bông nhúng vào tinh chất này, sau đó khuấy đều vô ly nước (có màu đen quánh) sẽ có một ly đậm đà hương vị cà phê” - Hoa (đã đổi tên), nhân viên một quán tạp phẩm tại TP Buôn Ma Thuột quảng cáo như thế khi chúng tôi dò hỏi mua “tinh chất” cà phê.

“Anh mua loại nào?”

Hoa hỏi rồi dẫn chúng tôi ra phía sau, nơi để la liệt can nhựa đựng các dung dịch màu đen để tạo màu, mùi cà phê. Khi nghe chúng tôi nhờ hướng dẫn vì mới mua lần đầu, nhân viên này đưa từng chai “tinh chất” cà phê lên giới thiệu:

“Có đủ mùi hương cà phê như robusta, moka, brazil... tùy anh lựa chọn”.

Chúng tôi mở các chai ra ngửi, chai nào cũng đậm đặc mùi... cà phê đủ loại.

“Chỉ cần khuấy tinh chất này là thành cà phê hả?” - chúng tôi thắc mắc, Hoa giải thích:

“Cái này chỉ tạo mùi và vị, màu rất nhạt nên phải pha với ly nước có màu như cà phê hoặc là cà phê pha loãng rồi cho thêm "tinh chất" vào cho tiết kiệm”.

Tiếp tục chỉ tay lên kệ có nhiều can nhựa không nhãn mác, Hoa nói: “Đây là những phụ gia để trộn rang với cà phê, còn những chai “hương cà phê”, “tinh chất cà phê” này để hòa trực tiếp làm cà phê luôn.



http://congly.com.vn/resize.550x-/data/news/2015/10/24/67/tinh20chat20ca20phejpg1445661131.jpg

Bán “tinh chất” cà phê cho khách hàng tại một tiệm tạp hóa ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk)



Giá mỗi chai này (khoảng 1,2 kg/chai) là 400.000 đồng nhưng chỉ cần một giọt ở đầu tăm là anh đã có ly cà phê thơm phức, tính ra rất lợi. Nhưng anh mới mở quán nên mua mỗi thứ một ít về thử trước, thích loại nào mới mua nhiều. Ở đây nhiều người cũng mua như vậy khi mới mở quán”.

“Anh cũng có thể dùng bột tinh chất để hòa làm cà phê” - Hoa tranh thủ quảng cáo rồi với tay lấy một túi nhựa (toàn chữ Trung Quốc), bên trong đựng thứ bột mịn màu trắng, giới thiệu chúng tôi mua 50g về dùng thử. “Anh cũng dùng cây tăm bông nhúng bột này hòa vào nước làm cà phê, hoặc bỏ một thìa vào cốc lớn hòa cho nhanh” - Hoa hướng dẫn.

Tại một tiệm tạp phẩm khác trên đường Phan Bội Châu 
(TP Buôn Ma Thuột), bà chủ quán dè dặt khi nghe chúng tôi hỏi mua “tinh chất” cà phê. “Ở đây không còn bán mấy thứ này nữa, nguy hiểm lắm. Nếu bị bắt thì bị phạt 
rất nặng”.Chỉ là hóa chất tạo mùi?

Để tìm hiểu về loại “tinh chất” cà phê này, trong vai sinh viên lần đầu mở quán cà phê, chúng tôi tìm đến chợ Kim Biên (Q.5), địa chỉ được nhiều người giới thiệu là nơi cung cấp hàng.

Tại khu vực bán hương liệu, đập vào mắt chúng tôi là hàng chục tiệm diện tích 5 - 10m2 với đủ loại hương liệu được xếp đầy trong những can, chai nhựa đến bịch nilông, thậm chí thùng lớn hay bao tải lớn cũng chứa đầy hóa chất sực nức mùi với đủ loại nguồn gốc, nhiều nhất vẫn là hàng Trung Quốc.

Tại sạp CT, sau khi ngỏ ý muốn mua “tinh chất” cà phê, bà chủ sạp hỏi: “Muốn mua loại gì, có nhiều loại lắm?”. Thấy chúng tôi lúng túng, bà này giới thiệu: “Hương chồn, moka, hương Đông Đức, hạt dẻ... giá chừng mấy trăm à”.

Sau khi chúng tôi chọn loại hương chồn với giá 350.000 đồng/kg, nhân viên sạp đưa ra một chai nhựa màu trắng xám toàn chữ Trung Quốc, phía sau dán một miếng giấy ghi tên loại hương, ngoài ra không có bất kỳ thông tin nào về nguồn gốc hay hạn sử dụng.

Theo giải thích của bà chủ sạp, đây là loại hương liệu tạo mùi chứ không phải nhỏ vài giọt vào nước là thành ly cà phê.

“Không phải bỏ vô nước lọc là thành cà phê được, em phải có cà phê trước, pha sẵn rồi nhỏ giọt vô đó làm cho mùi thơm hơn, ngon hơn chứ không có tự nhiên làm thành ly cà phê được”.

Tại một quầy ngay lối vào chợ chính, ông chủ quầy khuyến khích chúng tôi: “Cứ lấy vài ký về pha thử, nếu được quay lại, khách quen anh bán giá sỉ cho, yên tâm”, đồng thời cho biết hương chồn có giá 350.000 đồng, robusta 320.000 đồng/kg...

Tuy nhiên, vị này từ chối tiết lộ nguồn gốc các loại hóa chất này dù hầu hết các chai lọ, bịch nilông đều có chữ Trung Quốc.

Còn tại sạp hóa chất T - nơi bày la liệt can nhựa màu trắng, bên ngoài ghi tên các loại hóa chất như hương vani, hương cam, hương dâu... Chỉ cho chúng tôi một loại hương để pha cà phê, bà chủ cho biết can loại 5 lít có giá 250.000 đồng.

Bên trong chai này là một loại nước màu xám đục, mùi cà phê rất đậm và khét, ngửi hồi lâu có cảm giác rất khó chịu. Khi chúng tôi thắc mắc về nguồn gốc loại hương này, bà chủ sạp gắt gỏng: “Mua lẹ giùm đi, thắc mắc hoài sao tui bán được hàng”.

Ông Trần Ngọc Thanh (chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản 
và thủy sản Sở NN&PTNT 
Đắk Lắk):

Khó bắt quả tang

Để bắt tận tay các chủ quán pha hóa chất tạo cà phê rất khó khăn, gần như không thể mà chỉ trông đợi vào đạo đức kinh doanh. Hơn nữa, việc quản lý thức ăn, đồ uống thuộc thẩm quyền của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Đắk Lắk).

Đối với các cơ sở sản xuất đậu nành, bột bắp thành “cà phê nguyên chất” cũng rất khó kiểm tra, bắt quả tang vì các xưởng này thường không đăng ký kinh doanh, hoạt động lén lút. Khi cơ quan chức năng kiểm tra thì họ không hoạt động. Chỉ khi có thông tin thật sự chính xác, bất ngờ kiểm tra mới có thể bắt quả tang, thu giữ vật chứng để xử lý...

Cà phê không có... caffeine

Trong những ngày đi thực tế, chúng tôi đã đưa một mẫu “tinh chất” cà phê (mùi robusta) mua được tại các quán tạp phẩm đến Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên (TP Buôn Ma Thuột) để kiểm tra, tìm xem “tinh chất” này có hàm lượng caffeine nào không.

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy hàm lượng trong mẫu này không có. Tức “tinh chất” này chỉ có mùi cà phê, hoàn toàn không phải là cà phê.

Một cán bộ tại Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên cho biết để phân tích xem trong mẫu sản phẩm bán trôi nổi này có độc tố, gây hại cho con người hay không cần một quá trình thí nghiệm, thử nghiệm lâu dài trên động vật.

“Tuy nhiên, với mẫu “tinh chất” cà phê mà không có chút caffeine thì rõ ràng là hóa chất. Khi hóa chất hòa tan cho người uống, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe” - cán bộ này nhận định.


24/10/2015
Theo TNO
_congly.com.