PDA

View Full Version : Hồi ký : tôi đi học phổ thông



khieman
02-10-2016, 06:39 PM
.


Hồi ký : tôi đi học phổ thông
(phụ lục 5 & 6)

Phần phụ lục 5:
Bài viết của chị Đỗ Phương Khanh, mục “Vườn Hồng”, trong báo Thiếu nhi số 99 ra ngày 22-7-1973.

Thư của em Q. Saigon.

“…Nhà của em có ba chị em. Chị gái lớn đã đi lấy chồng. Còn anh của em đang học Đại Học. Ba má em giao anh ấy nhiệm vụ dạy em học. mà ảnh độc tài quá chị ơi ! Ảnh bắt em phải học tối ngày và cho những bài khó quá sức. Dường như ảnh muốn nhồi sọ em thật gấp rút để ba má em thấy em tiến bộ vượt mức mà vui lòng. Có hôm ảnh cho em làm tóan nhưng vì khó quá, em không làm được, ảnh bèn lục lọi lấy báo Thiếu Nhi của em ra xé nát hết. Ảnh còn mách ba má rằng em học dốt vì mải đọc Thiếu Nhi. Chị nghĩ coi, tờ Thiếu Nhi có là bao. Em đọc có chừng một giờ là hết ráo. Mà dù cho em có đọc hết cả ngày chủ nhật mới xong tờ báo thì ảnh cũng phải cho em em nghỉ ngơi chứ. Không phải em lười, nhưng có nhiều hôm học nhiều quá khiến em mụ cả người đi. Em thường thấy chi khuyên đọc những sách báo lành mạnh, giáo dục. Thế sao anh em lại cấm. Mà chính ảnh lại là người mua báo Thiếu Nhi đầu tiên, lại còn gửi bài để đăng trong Thiếu Nhi nữa. Em nghĩ là ảnh ghét Thiếu Nhi vì Thiếu Nhi không đăng bài của ảnh. Như thế có phải là ảnh đố kỵ không hả chị ?”

Trả lời:

Quan niệm về sự giáo dục con người để trở thành người xứng đáng làm người thì dù thởi cổ hay thời nay cũng đều giống nhau ở chỗ các nhà giáo dục chân chính luôn luôn tìm mọi cơ hội, mọi phương tiện để giáo dục con người vể đủ mọi khía cạnh. Bởi vì một người xứng đáng là một người không phải chỉ là một bác sĩ, một kỹ sư, một luật sư, một văn sĩ, một thi sĩ… mà vấn đề chính là cái tư cách của người đó. Nếu một lực sĩ chỉ luyện có thân thể, trong khi tâm hồn đen tối thì với cái sức mạnh đó, anh ta có thể trở thành kẻ cướp của giết người. Nhà khoa học mà tâm hồn không đẹp thì sẽ có thể phản quốc bán những bí mật quốc gia cho nước khác… Cho nên ngay trong các võ đường mà nhiệm vụ chính là dạy võ, các bậc thầy chân chính vẫn phải dạy các môn sinh về phương diện đạo lý, để người võ sinh biết chế ngự bản thân, biết dùng sức mạnh để giúp đời. Và cái tinh thần võ sĩ đạo sở dĩ đáng tán dương chính là vì đã dung hòa đạo đức với võ thuật. Nếu chỉ học có mỗi phần kiến thức trong chương trình học để thi, mà không trau dồi thêm về các phương diện khác, thì sự học sẽ chỉ đem lại cho chúng ta những kiến thức đủ cho ta thi đậu, chứ không phải là kiến thức để vào đời, để giữ gìn nhân cách sao cho xứng đáng làm người.

Các cụ xưa giáo dục con từ trong bào thai (gọi là thai giáo) tất nhiên không phải là để dạy cho thai nhi thuộc lòng các sách Tứ Thư, Ngũ Kinh, mà chính là mong mỏi cho con sau này khi ra đời, tâm hồn sẽ được trong sáng. Nữ Hòang Anh Quốc hiện nay, để dạy con, không phải bà mời tất cả các giáo sư giỏi nhất nước về để nhồi sọ cho hòang tử Charles (con lớn của bà) thành khoa học gia .. mà bà gửi con vào một trường nổi tiếng là học trò phải chịu nhiều cực nhọc, chỉ là vì trường đó dạy con người vể đủ mọi mặt, có khả năng chống chọi với tất cả mọi khó khăn trong cuộc đời. Bà chỉ muốn con bà thànhmột người chứng không phải thành một kỷ sư hay một luật sư không có tim óc.

Trong tinh thần giáo dục tòan diện, sách báo lành mạnh rất cần thiết. Nhu cầu đọc của con người muốn tiến bộ cũng quan trọng vô cùng. Điều đó đã được nhiều nhà giáo dục công nhận. Và cũng vì thế, để đào tạo cho quốc gia có những công dân tốt trong tương lai, nhiều chính phụ trên thế giới đã phải tài trợ cho những chương trình văn hóa giáo dục.

Cũng vì tầm ảnh hưởng quan trọng của tờ báo giáo dục đối với các em mà Thiếu Nhi được miễn ký quỹ 10 triệu đồng, đỡ gây thêm khó khăn cho những người thiện chí làm tờ Thiếu Nhi không nản lòng mà bỏ cuộc. Ngòai ra bộ Giáo Dục còn đặc biệt yêu cầu nhóm chủ trương Thiếu Nhi hãy đem Thiếu Nhi vào các trường trong tòan quốc giới thiệu với các em, để các em biết Thiếu Nhi mà tìm đọc, và nhờ đó các em sẽ xa lánh các báo ma quỷ, rắn rết, chú Thòong .. đang tác hại tuổi thơ.

Thiếu Nhi đã được nhiều vị Linh mục, quý Soeur, quý vị giáo chức gửi thư về nồng nhiệt khích lệ. Có những trường hợp cảm động như một vị hiệu trưởng, giáo sư Nguyễn Ngọc Chương ở ngòai Phan Rang về thăm tòa sọan, đem theo 20.000 đồng nhất định đòi tặng để gánh đỡ cho Thiếu Nhi một phần lổ lã, vì giáo sư biết rằng tờ báo Thiếu Nhi với nội dung hình thức như thế, bán với giá đó, lại sống trong thời buổi khó khăn này hẳn là vô cùng chật vật. nhưng tòa sọan không thể nhận tiền tặng như vậy. Dù sao, đó cũng là một hy sinh lớn đối với nhà giáo giàu thiện chí, thương tuổi thơ.

Trong tòa sọan cũng có những vị giáo sư thật là hết lòng với Thiếu Nhi. Các bá Vịt Mò, Văn Trung, Đặng Hòang, Huy Yên mà các em vẫn thường thấy xuất hiện trong Thiếu Nhi đó, khi Thiếu Nhi mới ra đời, thì các bác chưa quen với tòa sọan. Các bác chỉ tìm mua báo lành mạnh, giáo dục vể để con các bác đọc mà thôi. Thế rồi “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầ”, các bác thấy Thiếu Nhi hợp với quan niệm về giáo dục con người của các bác, các bác bèn tìm tới thăm để khích lệ nhóm chủ trương. Rồi các bác sốt sắng viết bài, rồi lao vào để cổ động, để đem đi từng nhà, để vào từng lớp bán Thiếu Nhi. Các bác thu nhặt từ mấy chục đem về trả tòa sọan. Thật là những hy sinh cao quý. Và chính sự thiết tha của các bác chủ nhiệm và chú Nhật Tiến càng thấy rằng công cuộc mình đang theo đuổi quả là xứng đáng.

Quan niệm về sự học của anh em hơi hẹp hòi và một chiều. Chị hy vọng anh em hiểu rằng sự nẩy nở của trí óc một em nhỏ cần phải điều hòa, mà biết phân phối bài vở cho em. Và anh em sẽ hiểu rằng giáo một một người để trở thành người không phải là chỉ giúp cho người ấy theo vào đời một mớ hành trang đơn thuần phiến diện, chỉ gồm có những kiến thức về khoa học hay toán học. Đó chỉ là một phần của sự giáo dục mà thôi.

Chị không nghĩ rằng anh của em lại nhỏ nhen đến nỗi thù hận sự Thiếu Nhi không đăng bài của anh ấy, mà hằn học với em khi em coi Thiếu Nhi. Có lẽ chỉ vì anh ấy quá chú trọng vào sự nẩy nở theo một chiều khoa học, tóan học, nên trở thành gay gắt khi thấy em chưa học được tới mức mà anh ấy mong muốn.

Tấm lòng của quý vị giáo chức và các bác thân hữu của Thiếu Nhi mà chị vừa nêu trên là những thí dụ điển hình về sự cần thiết của tờ báo giáo dục Thiếu Nhi trong lúc này em ạ.

Chị Đỗ Phương Khanh.


Phần phụ lục 6:
Bài viết của chị Đỗ Phương Khanh, mục “Vườn Hồng”, trong báo Thiếu nhi số 103 ra ngày 17-8-1973.

Tôi thấy bài này rất giá trị cho hòan cảnh hiện nay. Trong này có câu đáng suy gẫm mà tôi tâm đắc:

“Chỉ vì cứ nín lặng khi phải phản đối mà ta trở thành những kẻ hèn nhát”
(A.Lincoln).

Và bài viết nhấn mạnh bằng câu:

“Nếu một dân tộc chỉ gồm tòan hạng này thì tất nhiên là bị nô lệ ngàn đời…”
(Có thể click vào hình để xem bản gốc)

Tôi xin viết lại nguyên văn để mọi người cùng đọc rõ hơn:

Thư của em L.T, Gia Định:

“… Bá má em đã mất, em ở với cô chú. Cô chú cũng thương em, duy chỉ có mỗi một điều làm em thắc mắc quá chị ơi. Là ở nhà em, không ai được tranh luận hay phát biểu ý kiến gì hết chị ạ. Không có chuyện phải đối hay đề nghị gì hết. Cô chú em bảo rằng nên trừ cái thói xấu phát biểu ý kiến, phản đối, phê bình này nọ đi. Ổ đời cứ “ngậm miệng ăn tiến” là chắc nhất, ai cũng thương mà cũng chẳng mất phần, ai sao mình vậy. Đứng nên có ý kiến là hơn nhất. Cô em lấy thí dụ thế này:

“Giả tỉ có ai phàn nàn khổ sở, nếu mình tỏ lòng thương, thì mình phải cho họ tiền bạc gì đó. Còn mình cứ im lặng coi như không nghe thấy gì là ổn nhất, chẳng ai trách vào đâu được, mà chẳng mất gì”.

Có lần nhân viên trong sở chú em muốn xin ông chủ cho tăng lương. Chú em bảo thành ra ông chủ khen chú là biết điều, mà lương chú em vẫn được tăng, chẳng kém ai. Đó là cái thí dụ cụ thể. Còn nhiều thí dụ khác cho thấy cứ im lặng, ai chửi cũng thây kệ, cho họ chửi chán mỏi miệng, không có ý kiến gì hết, thì bao giờ cũng lợi á chị.

Thế sao trong Thiếu Nhi số 90, em lại thấy câu danh ngôn của Tổng Thống Abraham Lincoln, nước Hoa Kỳ là: “Chỉ vì cứ nín lặng khi phải phản đối mà ta trở thành những kẻ hèn nhát”.

Thế hành động của chú em có hèn nhát không hả chị?…”

Trả lời:

“Chị nghĩ rằng chú và cô em đã ờ trong một hòan cảnh đặc biệt, thí dụ gánh nặng già đình quá nặng, chú cô em sợ phát biểu ý kiến, rủi mất việc, các em lâm vào cảnh đói khổ, nên chú em đành phải hy sinh tự ái, chỉ biết nhẫn nhịn sống qua ngày để mong không làm bể nồi cơm của con cháu. Nếu sự thật như vậy thì quả là sự hy sinh lớn lao, hy sinh cả nhân phẩm, mặc cho người chê bai khinh ghét, hy sinh đổi lấy cơm áo. Trường hợp đó, em đừng nên phán đóan, hãy coi như trường hợp đặc biệt vì sinh kế.

Tuy nhiên, chúng ta nên bàn về quan niệm “ngậm miệng ăn tiền” ở những hòan cảnh bình thường, và nhân đấy, có thể giúp em tự mình rút tỉa lấy những điều hay để làm căn bản cho quan niệm sống của em sau này.

Câu “ngậm miệng ăn tiền”là một câu của các cụ xưa dùng để tỏ lòng khinh ghét cái thái độ hèn nhát của một sốngười. Ngậm miệng, không bao giờ phản đối, dù phạm vào danh dự của mình cũng thây kệ thì chỉ hai hạng người có thể dùng thái độ đó.. Hạng thứ nhất là những nhà hiền triết, đức sáng như gương, muốn rủ bỏ hết mọi phiền tóai trong đời, mũ ni che tai. Các vị này không cần danh lợi nữa, cho nên các vị ấy chỉ ngậm miệng mà thôi. Không bao giờ tính lợi hại trong sự ngậm miệng cho nên vấn đề “tiền” không đặt ra nữa vì các vị này coi như thóat tực rồi.

Còn hạng thứ hai là hạng người hèn nhất, ngậm miệng để cầu lợi, không có ý kiến gì thì không ai trách được mình, để được thương hại, may ra kiến chác chút gì. Hạng người này là phường giá áo túi cơm, không biết giữ liêm sỉ, không thể coi như gương mẫu để theo. Nếu một dân tộc gồm tòan hạng này, thì tất nhiên là bị nô lệ ngàn đời, vì không có ý chí phấn đấu mà xây dựng quốc gia, không có ngọn lửa nhiệt thành để biến phản kháng khi có ngọai xâm, và tất nhiên không có chổ xứng đáng dưới bóng mặt trời cho những hạng người này.

Phải biết chấp nhận và tuân theo lẽ phải, nhưng đồng thời phải biết phản đối sự sai lầm, đó là can đảm.

Câu của Tổng Thống Lincoln: “Chỉ vì cứ nín lặng khi phải phản đối, mà ta trở thành những kẻ hèn nhát” là một câu đáng khắc bằng vàng trong sự rèn luyện nhân cách.

Riêng trường hợp của em, mong em hãy cảm thông với chú cô em. “Có thực mới vực được đạo” khi mà người ta đói, thì cũng khó giữ được sỉ khí, phải biết khoan hồng với những hòan cảnh khó khăn, đặc biệt, nhưng đồng thời vẫn sáng suốt nhận định phải trái, để mà đào luyện nhân cách, ngõ hầu khi vào đời, biết sống cho xứng đáng là người, em ạ.”

Chị Đỗ Phương Khanh.



https://tamcominh.files.wordpress.com/2011/03/7-bao-dophuongkhanh.jpg?w=873 (https://tamcominh.files.wordpress.com/2011/03/7-bao-dophuongkhanh.jpg)



Posted on Tháng Ba 15, 2011
_https://tamcominh.wordpress.com