PDA

View Full Version : Nhà báo và vấn đề sự thật



duyanh
08-05-2016, 12:20 PM
Nhà báo và vấn đề sự thật




http://ichef-1.bbci.co.uk/news/ws/660/amz/worldservice/live/assets/images/2016/08/03/160803075733_vtv_reportage_640x360_other_nocredit. jpg

Phóng sự chặt rừng Đắk Lắk đang gây tranh luận

Một nhà báo gốc Việt hoạt động tại Pháp cho rằng, báo chí Việt Nam không cần có thêm cơ quan giám sát, mà người dân, cộng đồng là cách 'giám sát' nhà báo hiệu quả nhất.

Nhà báo Võ Trung Dung nói trong Bàn tròn thứ Năm hôm 04/08 của BBC Tiếng Việt rằng những phản ứng về Ký sự Syria [của VTV] là “điều tích cực vì nó cho thấy cộng đồng đã có cái nhìn và tư duy phản biện và nó sẽ làm cho sản phẩm báo chí tốt lên sau đó."

Thảo luận trực tuyến của BBC Tiếng Việt về đạo đức nghề báo được thực hiện sau khi có cáo buộc một số phóng sự của VTV là "dàn dựng", hay "kịch quá mức".

Cô Đỗ Minh Thùy, làm việc trong lĩnh vực truyền thông, cũng cho rằng, thách thức đối với báo hình hay báo viết ở Việt Nam hiện nay, là "khi thông tin ra thì sẽ có phản hồi. Bạn làm đúng hay không đúng đều được chỉ ra".

"Trên cộng đồng mạng mọi người có quyền bày tỏ ý kiến của mình và có rất nhiều người thông minh, họ có kiến thức để chỉ ra những cái được, chưa được, và những người liên quan tới những bài viết, phóng sự, bị đặt nghi vấn thì nên lắng nghe.

"Vì nếu chúng ta luôn khăng khăng là tôi đúng, tôi làm thế này các anh không hiểu v.v. thì nó lại càng phản tác dụng," người từng có thời gian làm việc tại Đài Truyền hình Việt Nam nhận xét.


http://ichef-1.bbci.co.uk/news/ws/624/amz/worldservice/live/assets/images/2016/08/05/160805103333_phan_loi_640x360_bbc_nocredit.jpg
Ông Phan Lợi trong Bàn tròn thứ Năm của BBC Tiếng Việt hôm 04/08

Tuy nhiên, ông Phan Lợi, quản trị viên Diễn đàn Nhà báo Trẻ trên Facebook, cho rằng cách giám sát nhà báo tốt nhất là từ đồng nghiệp.

Ông lấy dẫn chứng từ một khảo sát do Diễn đàn Nhà báo Trẻ thực hiện năm 2015, cho thấy độc giả có "vai trò quan trọng trong việc tai mắt đối với các tác phẩm khi xuất bản, nhưng về mặt năng lực thì tôi cũng không đánh giá cao những ý kiến phản hồi ngay lập tức trên mạng, vì xu hướng của đám đông hay đặt mục tiêu hay hiệu quả lên trên vấn đề nghiệp vụ."

"Chúng tôi thấy rằng sự giám sát của đồng nghiệp là chính xác nhất."

Xem thảo luận tại: http://bit.ly/2aNmW3h

'Nguyên tắc trung thực'


http://ichef-1.bbci.co.uk/news/ws/624/amz/worldservice/live/assets/images/2016/08/04/160804101450_ky_su_syria_le_binh_vtv_640x360_vtv_n ocredit.jpg
Chương trình Ký sự Syria được Đài truyền hình Việt Nam khen thưởng tuy có một số ý kiến cho là đã bị 'kịch tính hóa'

Một số phóng sự của Đài Truyền hình Việt Nam bị đặt câu hỏi về độ trung thực, chính xác, như phóng sự về quy trình làm patê, xúc xích mà kênh này miêu tả là 'bẩn'.

Cách đây vài tháng, phóng sự "chổi quét rau" cũng của VTV, theo đó nói một số người trồng rau ở Thanh Hóa lừa người tiêu dùng, đã gây phẫn nộ ở địa phương. Trong vụ này, VTV thừa nhận phóng viên "vi phạm quy trình tác nghiệp, phản ánh không trung thực sự việc và có dàn dựng một số cảnh quay".

Hay Ký sự Syria bị một số ý kiến cho là kịch tính hóa, và gần đây nhất là những tranh cãi xung quanh phóng sự về chặt cây rừng ở Đắk Lắk.

Trả lời BBC Tiếng Việt về việc nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng việc thực hiện phóng sự dựng lại, hay tạo dựng là chấp nhận được, miễn sao để phản ánh sự thật, anh Lê Ngọc Sơn, nghiên cứu sinh và là thành viên nhóm Nghiên cứu về Truyền thông Khủng hoảng từ Đức nói: "Nửa sự thật không còn là sự thật.

"Làm báo là những người truyền tải sự thật. Do vậy bất cứ cách sửa, thêm nếm thông tin hay làm câu chuyện thêm quan trọng hơn đều không đúng với bộ quy tắc ứng xử của người làm báo."


http://ichef.bbci.co.uk/news/ws/624/amz/worldservice/live/assets/images/2016/08/05/160805101526_do_minh_thuy_640x360_bbc_nocredit.jpg
Cô Đỗ Minh Thùy cho rằng các cơ quan báo chí ở Việt Nam cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử nghề báo

Hai khách mời Đỗ Minh Thùy và Phan Lợi cũng cho rằng các cơ quan báo chí Việt Nam cần có bộ quy tắc ứng xử trong nghề nghiệp.
Điều này không phải để ngăn phóng viên "thực hiện nhiệm vụ báo chí của mình, mà nó giúp phóng viên biết được làm thế nào để chuẩn nhất, đúng nhất, và tránh được tai nạn, rủi ro nghề nghiệp."

Đối với phóng sự về cuộc chiến Syria của Trung tâm Tin tức VTV24 bị cho là "kịch quá mức", ông Phan Lợi giải thích, điều này có thể do format của chương trình, "mà không phải lỗi phóng viên".

Cách làm tăng cường kịch tính có thể phù hợp với các chương trình thể thao, giải trí, "nhưng khi áp dụng vào báo chí điều tra thì thủ pháp tăng cường kịch tính sẽ vi phạm nguyên tắc trung thực và khách quan của nghề báo".

"Ngay luật báo chí và quy định chung của Hội Nhà báo Việt Nam cũng đề cao hai chữ Trung thực và Khách quan, và cũng gần như 100% biểu quyết trên Diễn đàn nhà báo tr
ẻ cho rằng việc tạo dựng, phục dựng mà không công bố cho khán giả biết thì đều là vi phạm nguyên tắc trung thực," ông Phan Lợi nói.

Phục dựng thế nào?


http://ichef-1.bbci.co.uk/news/ws/624/amz/worldservice/live/assets/images/2015/09/07/150907135425_najiba_fekar_lari_640x360_bbc_nocredi t.jpg
Biên tập viên từ Học viện BBC nói chỉ có thể dựng lại phóng sự dựa trên chứng cứ và thông tin đã được kiểm chứng, không thể dựa trên cáo buộc

Tham gia chương trình Bàn tròn Thứ Năm, Biên tập viên phụ trách trang quốc tế của Học viện BBC, Najiba Kasraee, giải thích, có thể thực hiện phóng sự phục dựng khi muốn bảo vệ danh tính một tai đó, hay dựng lại sự kiện theo diễn biến thời gian cụ thể.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất và tiên quyết, là khán giả phải được thông báo đang xem đoạn phim dựng lại, không phải phim thật, và cũng không thể trộn những hình ảnh phục dựng với hình ảnh thật.

Đối với phóng viên, "không thể thêm thắt để câu chuyện thêm quan trọng," chỉ được dựng lại dựa trên "các chứng cứ và thông tin đã được kiểm chứng", mà không thể dựa trên "các cáo buộc mà ai đó nói với tôi."


http://ichef-1.bbci.co.uk/news/ws/624/amz/worldservice/live/assets/images/2016/05/11/160511132617_vtv_clip_640x360_vtv3_nocredit.jpg
Phóng viên VTV đã chính thức xin lỗi người dân sau phóng sự dùng chổi quét rau giả làm rau sạch

Với các phóng sự chiến sự, cô Kasraee cho rằng, điều khó nhất là làm sao cân bằng được câu chuyện, duy trì tính độc lập và bất thiên vị, do đa số phóng viên chỉ có thể đi theo phe đối lập hoặc phe chính quyền và "họ sẽ chỉ cho bạn xem những gì họ muốn bạn thấy".

"Đôi khi phóng viên từ hiện trường không thể làm được việc đó thì biên tập ở London [trụ sở] phải làm," cô nói thêm, "phóng viên không nên phản ánh ý kiến, quan điểm," và chỉ tường thuật thực tế, những gì bạn nhìn thấy, chứng kiến. Nhiệm vụ của bạn ở đó là tường thuật thực tế."

Tham khảo thêm những quy tắc nghề báo của Học viện BBC tại: http://www.bbc.co.uk/academy/vietnamese
Nhà báo Lê Ngọc Sơn cũng nhấn mạnh thêm, dù là báo viết hay báo hình, thêm từ ngữ, tính từ vào tường thuật là đã đưa cảm quan riêng của nhà báo vào câu chuyện.

"Khi có cảm xúc của nhà báo rồi thì bản chất của sự việc nó không còn như thế. Hãy để sự thật nói lên vấn đề. Như ở dưới hầm thì không thể hét lên ôi tôi kinh hoàng quá, tôi sợ quá được, phải để hình ảnh nói lên vấn đề."


Trách nhiệm quan trọng nhất


http://ichef-1.bbci.co.uk/news/ws/624/amz/worldservice/live/assets/images/2016/08/05/160805101100_vo_trung_dung_640x360_votrungdung_noc redit.jpg
Nhà báo người Pháp gốc Việt, Võ Trung Dung

Nhà báo Võ Trung Dung, người đã có nhiều năm thực hiện phóng sự chiến sự, cho rằng trách nhiệm quan trọng nhất của một nhà báo là "một cách khiêm tốn làm sao kể những câu chuyện gần sự thật nhất có thể".

Với chuyên gia truyền thông Đỗ Minh Thùy, điều quan trọng là nhà báo tôn trọng sự thật khách quan. "Báo chí chính là đưa sự thật, phản ánh những hiện tượng hàng ngày tới cho bạn đọc," cô nói.


http://ichef-1.bbci.co.uk/news/ws/624/amz/worldservice/live/assets/images/2016/08/05/160805102740_le_ngoc_son_640x360_bbc_nocredit.jpg
Nhà báo Lê Ngọc Sơn, nghiên cứu sinh và thành viên nhóm Nghiên cứu Truyền thông Khủng hoảng, Đại học Ilmenau, Đức

Tương tự, ông Phan Lợi cho trung thực là giá trị quan trọng nhất, nhưng làm báo ở Việt Nam "khó khăn hơn ở các nền báo chí khác do phải cân đối giữa các lợi ích".

"Báo chí Việt Nam có ràng buộc về luật, là đưa tin trung thực nhưng phải phù hợp với một số lợi ích như đất nước, nhân dân và cũng phải tham gia vào việc ổn định chính trị, phát triển kinh tế.

"Ở một nước đang phát triển, khi một sự kiện xảy ra thì lợi ích không đồng thuận với nhau, người này thiệt thì người kia được lợi, nên báo chí đứng giữa những nhóm xung đột lợi ích như vậy thì biết thông tin trung thực như thế nào để phù hợp với các lợi ích ở đây."

Ông Lê Ngọc Sơn, nghiên cứu sinh về Truyền thông Khủng hoảng từ Đại học Ilmenau, Đức cho rằng, cách khả thi hiện nay đối với các nhà báo ở Việt Nam, là "cân nhắc trước khi viết", xem những thông tin sắp được đưa ra có "làm hại xã hội hay không, trách nhiệm xã hội của mình là gì."

Xem Bàn tròn thứ Năm của BBC Tiếng Việt tại: http://bit.ly/2aNmW3h