PDA

View Full Version : Vài điều căn bản về giao tế của người Phật tử



khieman
09-18-2016, 02:47 PM
.


Vài điều căn bản về giao tế
của người Phật tử


http://profilepicturequotes.com/wp-content/uploads/15001sd20000/19725/38m_buddha_quotes__beau.jpg (http://profilepicturequotes.com/wp-content/uploads/15001sd20000/19725/38m_buddha_quotes__beau.jpg)


Có một số câu hỏi liên quan đến những vấn đề rất thực tế, đồng thời cũng rất nhậy cảm, xảy ra trong đời sống hằng ngày. Đó là những câu hỏi như:

- “Tôi thấy đạo Phật hay quá nên muốn rủ bà con và bạn hữu đang theo đạo khác đổi sang đạo Phật”,

hoặc :

- “Phải làm gì khi những người trong gia đình không theo đạo Phật chống đối lại ta?”.

Những câu hỏi này thuộc về những vấn đề rất tế nhị, cũng như vấn đề tình yêu, chính trị, vân vân, để trong lòng thì thắc mắc, mà nói ra thì dễ đụng chạm vào niềm tin của nhau. Nhưng đó chính là những chuyện xảy ra trong đời sống hằng ngày, nên chúng ta cũng nên đem ra thảo luận hơn là tránh né.

Bình thường, mọi người đều thích làm việc phước thiện, nhất là làm việc phước thiện mà lại không tốn kém gì, chỉ mất công nói, nghĩ rằng có thể giúp người khác, mình lại được phước, thì rất nên nói. Cho nên đã có nhận xét rằng: “Trong mỗi người Việt Nam có 2 thày thuốc, một bác sĩ Tây y và một Đông y sĩ”. Điều này quả có đúng phần nào, vì mỗi khi thấy ai có vẻ gầy yếu, xanh xao, là lập tức có lời mách giúp về các loại thuốc nào đó, có khi cả Đông và Tây y.

Mách thuốc một cách thoải mái như thế, là vì người nói không biết tình trạng thực tế về sức khỏe của người nghe. Người nói có những kinh nghiệm về cơ thể của riêng họ và thuốc đó giúp cho họ khỏe. Nhưng khi mách cho người khác, họ không hề biết cơ thể người khác cần những chất gì. Cho nên, điều mình cho là tốt, chưa chắc đã phù hợp với người khác. Chuyện tôn giáo cũng vậy, những tôn giáo khác cũng có những điều phù hợp với tâm hồn tín đồ của họ. Nếu mình không thâm hiểu sâu xa tôn giáo của người khác, mà tích cực rủ rê họ đổi qua tôn giáo của mình, thì đó là điều thiếu sáng suốt.

Nay xin trở lại câu hỏi:

“Tôi thấy đạo Phật hay quá nên muốn rủ bà con và bạn hữu đang theo đạo khác đổi sang đạo Phật”.

Về câu hỏi này, chúng tôi xin trích dịch lời dạy của đức Đạt Lai Lạt Ma trong cuốn Beyond Dogma, khi được hỏi về vấn đề có nên khuyến khích người khác đổi từ đạo này qua đạo khác, Ngài đã trả lời như sau:

- Trong lúc chúng tôi trò truyện riêng, một tín hữu Thiên Chúa Giáo đã nêu lên lời khắc trên trụ đá của vua A Dục là “sự không khoan dung đối với các tôn giáo khác đã tàn phá chính tôn giáo của mình và lòng kính trọng các tôn giáo khác có liên quan đến sự phong phú của một tôn giáo”.

Câu nói của vua A Dục đã biểu lộ sâu xa tinh thần bình đẳng, hiếu hòa, đức khiêm tốn và sự tôn trọng người khác của Phật giáo, vốn rất cần thiết trong đời sống đa chủng tộc, đa văn hóa trên thế giới. Sự kiện có nhiều tôn giáo khác nhau trên một thế giới đa dạng gồm 5 tỷ người, nó cũng phong phú và hữu ích như trong một dược phòng có nhiều loại thuốc khác nhau. Người bị đau bụng không thể dùng thuốc trị nhức đầu mà khỏi bệnh được.

Có người cho là đạo Phật không tích cực truyền bá, khiến cho Phật tử rơi rụng dần trước làn sóng hăm hở của một số nhà truyền giáo của đạo khác. Điều đó không hẳn là đúng. Đạo Phật không chủ trương bành trướng, mà đặt trọng tâm vào sự chuyển hóa con người về phương diện tinh thần để loại trừ Tham Lam, Sân Hận và Si Mê. Người Phật tử rất ca ngợi bất cứ ai theo bất cứ tôn giáo nào mà là người tốt, siêng làm việc thiện, không làm việc ác, không làm nô lệ cho ba điều độc hại kể trên. Đạo Phật không đòi hỏi tất cả mọi người đều phải là Phật tử.

Đức Phật đã dạy: “Mọi người đều có Phật tánh” và “ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”, chúng sinh đây gồm tất cả mọi loài sinh vật có giác tánh, không ngoại trừ bất cứ ai.

Do tin sâu nhân quả, người Phật tử tin rằng những người tốt lành, dù theo tôn giáo nào, hoặc không theo tôn giáo, mà không làm điều xấu ác, siêng làm việc lành thiện, gây nghiệp nhân thiện, thì sẽ được hưởng quả thiện trong đời sống. Thiện quả đó sẽ là nhân tốt, tạo thành duyên lành trên con đường thành Phật trong tương lai của họ.

Chúng ta thấy trong đời sống, có những nhà chính trị cho rằng lý thuyết về cải tạo xã hội của họ là đúng, đã dùng bạo lực để cưỡng bách nhiều dân tộc phải đi theo đường lối của họ, khiến cho cả triệu người tan nát gia đình, nước mất nhà tan. Không kính trọng và tìm hiểu tôn giáo khác, mà chỉ biết tự tôn về tôn giáo của mình, về những cái gì thuộc về mình, là mù quáng, sản phẩm của vô minh, có thể gây nên những va chạm, thù ghét lẫn nhau.

Để có thêm ý kiến của đạo sư Phật giáo, chúng tôi xin kính gửi tới quý thính giả một bài pháp của ni sư Thubten Chodron, trích dịch trong cuốn Buddhism for Beginners, liên quan đến đề tài này.


http://btnworld.org/images/09_links_39.jpg (http://btnworld.org/images/09_links_39.jpg)



Ni Sư Thubten Chodron sinh năm 1950, là người Hoa Kỳ, trưởng thành tại miền Nam tiểu bang California, tốt nghiệp trường University of California at Los Angeles về bộ môn Lịch Sử và từng là một cô giáo dạy tại học khu Los Angeles.

Vào năm 1975, ni sư Thobten Chodron, lúc đó còn đang là cô giáo, có dịp tham dự một khóa thiền do hai vị sư Tây Tạng hướng dẫn. Do cơ duyên này, khi hai vị thày rời Hoa Kỳ, cô giáo cũng lên đường tới tu viện của hai vị tại Nepal để tiếp tục hành thiền. Tại đó, cô giáo được thọ giới Sa Di, và tới năm 1986 thì cô Sa Di được thọ giới Tỳ Kheo Ni tại Đài Loan.

Ni sư Thubten Chodron tu học Phật pháp theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng một thời gian dài tại Ấn Độ và Nepal dưới sự dạy bảo của đức Đạt Lai Lạt Ma và các bậc cao tăng Tây Tạng.

Sau thời gian tu học, ni sư đã từng đi nhiều nơi để giảng dạy Phật pháp như tại Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Do Thái, Ý, Pháp, Tân Gia Ba, Mã Lai Á và viết nhiều sách như Open Heart & Clear Mind, How to Free Your Mind, Taming the Monkey Mind, Cultivating a Compassionate Heart, Blossoms of the Dharma, vân vân....

Nhận thấy sự cần thiết phải có một nơi để người Tây Phương thường trú tu tập Phật pháp, ni sư đã thiết lập tu viện Sravasti, tọa lạc tại một vùng rừng gần tỉnh Newport, tiểu bang Washington. Tu viện rộng 240 acres. Nếu quý thính giả muốn tìm nơi để tu học hoặc tĩnh tâm một thời gian thì có thể vào website:

_www.sravasti.org

để tìm hiểu chi tiết. Chủ trương của tu viện là cung cấp cho mọi người một nơi để tu tập, hành thiền, không chú trọng tới lợi nhuận, cho nên ai đến tu chỉ cần tôn trọng kỷ luật, chuyên cần tu hành. Tu viện không đòi hỏi tiền bạc, nhưng theo truyền thống Phật giáo, chúng ta có thể thực hành bố thí bằng cách cúng dường vào quỹ chung một số tiền tùy tâm, tùy theo sức mình, để chi tiêu điện nước và các thứ linh tinh, duy trì mức sống thanh đạm cần thiết. Tu viện không đặt trọng tâm vào lợi nhuận, chỉ quan tâm đến vấn đề tu học.

Xin trích dịch mấy câu hỏi được ni sư Thubten Chodron trả lời trong cuốn Buddhism for Beginners. Cuốn này đã được đức Đạt Lai Lạt Ma giới thiệu như sau:

“Cuốn Buddhism for Beginners được viết cho người muốn tìm hiểu những điều căn bản nhất của đạo Phật, và cách ứng dụng những điều căn bản đó vào đời sống hằng ngày. Nó sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho độc giả”.



https://images-na.ssl-images-amazon.com/images/I/41VfsQiox3L._SX327_BO1,204,203,200_.jpg (https://images-na.ssl-images-amazon.com/images/I/41VfsQiox3L._SX327_BO1,204,203,200_.jpg)


Câu hỏi:

- Làm thế nào để nói chuyện với thân nhân bè bạn thuộc các tôn giáo khác về đạo Phật?

Ni sư Thubten Chodron trả lời:

- Vào thời gian đầu mới tiếp cận, chúng ta chưa có niềm tự tin về khả năng nhận xét và sự hiểu biết đủ để thẩm định giá trị của đạo Phật, đồng thời cũng chưa cảm thấy có niềm tin vào giáo pháp, cho nên chúng ta rất nhậy cảm với những ý kiến của mọi người về con đường tâm linh mà chúng ta mới bước vào.

Theo với thời gian, khi chúng ta thâm nhập sâu sắc hơn, cảm thấy thoải mái và gần gũi với Phật pháp hơn, thì lúc đó chúng ta cảm thấy dễ dàng hơn khi nói về đạo Phật với gia đình, bè bạn và thân thuộc. Dĩ nhiên là chúng ta không nên trở thành kẻ truyền giáo, không nên dùng những thuật ngữ khó hiểu để gây ấn tượng với mọi người.

Tốt hơn, chúng ta nên dùng cách đơn giản để trả lời những câu hỏi sao cho dễ hiểu và hợp lý đối với họ. Có nhiều cách để nói về đạo Phật mà không cần phải dùng tới những thuật ngữ nhà Phật. Tóm lại về căn bản, đạo Phật là một đường lối sống hợp lý trong cuộc đời bình thường.

Khi bạn bè tâm sự với chúng ta về những vấn đề khó khăn trong đời sống của họ, chúng ta thảo luận với họ những cách hóa giải giận dữ, ghen tuông, níu kéo, ràng buộc, quyến luyến, vốn làm khổ mình, mà không nên dùng ngay cả đến chỉ một từ thôi, là từ “Phật giáo”. Nói nhiều quá sự người khác muốn nghe là thiếu khôn khéo. Cho nên chúng ta cần chú ý nghe câu hỏi, rồi trả lời chính xác, tránh lạc đề, hoặc nói lan man sang những đề tài, có thể là mình thích nhưng chưa chắc mọi người đều thích.

Khi thảo luận với những người khác tôn giáo, chúng ta có thể nói về những đặc điểm chung mà đạo Phật và các tôn giáo khác cũng có giống nhau, thí dụ tất cả các tôn giáo đều tôn trọng đạo đức, tình thương yêu, lòng trắc ẩn, vân vân, trước khi đi sâu và những điểm thâm áo của đạo Phật. Đừng bắt đầu câu chuyện bằng những vấn đề như tái sinh, nghiệp quả, đức Phật, giáo pháp, tăng đoàn, hoặc những từ ngữ và quan điểm xa lạ. Đồng thời, chúng ta cũng nhấn mạnh với họ rằng, theo quan điểm của nhà Phật, sự đa dạng trong tôn giáo trên thế giới là điều tốt, vì như thế, mọi người có thể tùy theo khuynh hướng của mình mà chọn lựa đường lối tư tưởng và phương pháp hành trì thích hợp. Đạo Phật không đòi mọi người đều phải là Phật tử.

Phát biểu tư tưởng theo lối này sẽ khiến cho những người khác tôn giáo đang đối thoại với mình cảm thấy thoải mái, vì họ thấy rằng mình tôn trọng đức tin của họ và không tìm cách cố gắng đòi họ bỏ đạo của họ để theo mình.

Những người có bạn đời khác tôn giáo có thể mời họ đến thăm đạo sư hoặc bạn đạo của mình, nếu họ thích.

Có một số người bỏ bê gia đình vì họ cảm thấy say sưa trong mục đích lớn lao là cứu giúp tất cả chúng sinh và trở thành một vị Phật. Họ thực tập nhẫn nhục với tất cả chúng sinh nhưng lại bỏ rơi gia đình, hy vọng mọi người trong nhà phải làm tất cả những việc linh tinh trong khi họ lặng lẽ tọa thiền. Như thế là không thích hợp.

Trong khi thực tập Phật pháp, hành giả muốn giảm thiểu những dính mắc, vướng víu của gia đình, nhưng họ không nên bỏ rơi gia đình. Phật pháp gồm có sự phát triển tình thương yêu và lòng trắc ẩn đối với tất cả mọi người mà chúng ta tiếp cận hằng ngày, chứ không phải chỉ đối với tất cả mọi chúng sinh trên khắp hành tinh xa xôi mà chúng ta chẳng bao giờ nhìn thấy.

Hỏi:

- Chúng ta phải làm gì nếu thân nhân và bạn bè không ủng hộ, thậm chí còn chống đối sự hâm mộ đạo Phật của chúng ta?

Ni sư Thobten Chodron đáp:

- Trước nhất, chúng ta hãy chấp nhận sự khác biệt giữa mọi người mà đừng nổi giận. Nếu tỏ thái độ khó chịu với họ thì chỉ làm cho tình thế thêm căng thẳng mà thôi. Tuy vậy, chúng ta cũng không vì áp lực của gia đình mà phải từ bỏ niềm tin hoặc chấm dứt tu tập. Tỏ thái độ chống đối bằng cách bầy biện nghênh ngang chuyện tu tập của mình là một thái độ thiếu tế nhị, nhưng cũng không vì sợ hãi mà phải giấu giếm.

Chúng ta phải tùy thuận với ngoại cảnh trong khi vẫn giữ được tính cách liên tục và sống động của sự thực tập giáo pháp và an tịnh nội tâm. Thí dụ, nếu gia đình không cảm thấy thoải mái với bàn thờ và tượng ảnh đức Phật thì chúng ta hãy để những hình ảnh đó trong kinh sách và chỉ khi nào tọa thiền hãy mang ra.

Trong nhiều trường hợp, chính nhân cách và hành động của mình nói lên giá trị của tôn giáo mình. Khi nào những người thân của mình nhận ra rằng chúng ta kiên nhẫn, khoan dung hơn, họ sẽ tò mò tìm hiểu coi chúng ta đã làm gì để có những sự đổi thay ấy.

Nếu khi đến thăm cha mẹ, chúng ta giúp dọn dẹp nhà cửa, liệng bỏ rác rưởi, có thể khiến cho cha mẹ cảm thấy hoan hỉ mà nghĩ : ”Ui da, đã bốn chục năm rồi, hôm nay tôi mới thấy con trai tôi giúp đỡ công việc trong nhà. Đạo Phật chuyển hóa con người hay thật!”

Đã lâu lắm rồi, người vợ không theo Phật giáo của một học trò tôi đã giúp đỡ và khuyến khích chồng cô ta tham dự khóa thiền 9 ngày hằng năm. Tại sao vậy? Bởi vì sau mỗi kỳ tham dự khóa thiền tĩnh tâm trở về, chồng cô ta ôn hòa hơn, trò chuyện thân mật, cảm thông và thương yêu mọi người trong gia đình hơn.

Dự đoán người nào trong gia đình hoặc bằng hữu của mình sẽ thích thú với đạo Phật thì khó lắm. Có thể chúng ta cho rằng người bạn rất thân sẽ hâm mộ, nhưng không phải vậy. Cũng thế, chúng ta có thể cho là một người thân của ta không thích thảo luận về đạo nhưng rồi lại phát hiện ra rằng cô ta là người dễ tiếp thu.

Cho nên, nếu cứ chỉ muốn nói về những đề tài mà mình thích thì sẽ khiến cho mọi người xa cách, chi bằng nói với họ những đề tài phù hợp với khả năng thưởng ngoạn của họ, như thế sẽ dễ dàng cảm thông và gần gũi nhau hơn.”

Trên đây là những ý kiến của ni sư Thobten Chodron, đã trình bày cho chúng ta thấy quan điểm của nhà Phật trong vấn đề giao tế giữa mọi tôn giáo với nhau, đó là, nên kính trọng tôn giáo của nhau mà đừng làm cho bằng hữu hoặc thân nhân khác tôn giáo cảm thấy xa lạ với mình.


Liên Hương (ĐPK)
Trích "Chương trình tìm hiểu Phật pháp Tuệ Đăng"