PDA

View Full Version : Facebook và làn sóng bất mãn trên không gian ảo ở việt nam .



duyanh
07-05-2018, 12:00 PM
Facebook và làn sóng bất mãn trên không gian ảo ở việt nam .



“…Làn sóng bất mãn chỉ khiến người ta mạnh hơn và khơi sức thách thức mọi sự man rợ mà họ đã chứng kiến từ nhà cầm quyền, kể cả sự man rợ đó được gọi bằng cái tên mỹ miều là "luật"…”


https://farm1.staticflickr.com/923/42268049035_2253675d58.jpg

Câu chuyện của nữ sinh Trương Thị Hà có lẽ là một trong những cột mốc đáng nhớ nhất về những ngày tháng mà Facebook trở nên bất thường với những người bất đồng chính kiến hay với những người chỉ muốn chân thành bày tỏ quan điểm của mình.

Hà là sinh viên Luật. Cô tham gia cuộc biểu tình ngày 17/6/2018 với một tấm biểu ngữ và niềm tin trong trắng rằng chính quyền là những người biết lắng nghe. Thế nhưng cô bị bắt lôi vào khu tập trung thẩm vấn và tra tấn ở Tao Đàn, quận 1. Nơi đó cô liên tục bị đánh đập dã man, sỉ nhục và ép nhận một tội trạng mơ hồ bởi những nhân viên khoác áo nhà nước lẫn thường phục nhưng côn đồ. Sau đó, khi ông Phạm Tấn Hạ, phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hồ Chí Minh xuất hiện, Hà khóc và lên tiếng cầu cứu, thế nhưng nhân vật này đã từ chối. Câu chuyện bất nhẫn và chứa đựng nhiều khía cạnh về giá trị của tính người và bộ dạng chung của giới trí thức xã hội chủ nghĩa, đã được Hà kể lại trên Facebook của mình với một nỗi buồn về ý nghĩa thầy trò, nhận được rất nhiều sự chia sẻ.
Nhưng bất ngờ sau một thời gian ngắn, bài viết này đã bị ban quản trị Facebook xóa bỏ mà không có một lời giải thích rõ ràng nào. Đây không phải là lần đầu tiên. Kể từ sau cuộc gặp của bà Monika Bickert, Giám đốc chính sách quản lý toàn cầu của Facebook và Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn vào ngày 26-4-2017 tại Hà Nội, các trường hợp xóa bài, khóa trang, không hiển thị... trên hệ thống Facebook ở Việt Nam dựa trên "vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng" ngày càng nhiều và càng đậm màu sắc chính trị theo kiểu con buôn thỏa hiệp với Đảng cộng sản Việt Nam.

Nhiều nhà hoạt động hay giới ủng hộ tự do ngôn luận nói rằng dù họ phát biểu ôn hòa, và thường chỉ là khuấy động về việc đòi sự minh bạch trong chính sách xã hội, nhưng họ luôn là nạn nhân của các cuộc trừng phạt không lời từ Facebook. Có ý kiến cho rằng sai lầm đó là do các lực lượng cực đoan được nhà nước nuôi dưỡng trên không gian mạng như Hội cờ đỏ, Lực lượng 47, Hội chống phản động... đã tổ chức report đánh phá. Nhưng có vẻ cách giải thích này cũng là một loại bình phong khá thuận tiện cho phía quản trị Facebook, bất chấp bà Monika Bickert hay chính Mark Zuckerberg từng khẳng định công ty Facebook đủ sức hiểu biết và kiểm soát được mọi thứ từ các thuật toán thông minh thể hiện khả năng trí tuệ nhân tạo.

Thế nhưng, ở cột mốc của câu chuyện nữ sinh Trương Thị Hà lại có những tình tiết rất thú vị. Chỉ vài mươi phút sau khi bài viết của cô sinh viên bị hệ thống Facebook im lặng xóa đi, người ta thấy trên các blog của mạng xã hội Minds, bài viết này nhanh chóng được nhân ra và dẫn ngược về các trang Facebook. Lần đầu tiên, sự cấm đoán nội tại của Facebook đã vấp phải một phản ứng mới mẻ của người dùng: Họ không gửi thư xin xỏ việc có lại bài hay thôi khóa trang, mà tức thì lên tiếng đáp trả thái độ độc tài bằng công cụ mới.

Trong vài ngày qua, những người quản lý Minds chắc cũng bất ngờ khi thấy một lượng lớn người dùng từ Việt Nam tràn sang, khiến nơi này trở nên rộn rịp với nhiều câu hỏi. Nhiều nhất là những câu hỏi và đề nghị phiên bản tiếng Việt cho đoàn người exodus từ Facebook. Có một người nước ngoài khi thấy sự bất thường này đã hỏi rằng có chuyện gì ở Việt Nam, một cư dân mới đến đã giải thích rằng Facebook ở Việt Nam trở nên không còn an toàn nữa, và mọi người muốn tìm một nơi cư trú hay diễn đàn mới. Lúc này, một làn sóng khác thì đang kêu gọi mọi người đừng rời bỏ và hãy tiếp tục dùng Facebook như một công cụ để thể hiện hoạt động bất tuân dân sự với luật an ninh mạng, vốn được coi là thủ thuật vươn xa bộ máy kiểm duyệt hà khắc và độc đoán của những người cộng sản.

Với 50 triệu tài khoản, Facebook đang là một hiện tượng phục sinh của quyền lực thứ tư tại Việt Nam từ khoảng năm 2010. Nó là cuộc cách mạng nhận thức của hàng triệu người Việt từ thành thị đến nông thôn, nhưng đồng thời cũng là nỗi hãi hùng của nhà cầm quyền trong thói quen bịt mắt hay bóp méo những vấn đề mà họ cần thao túng.

Những người rời bỏ Facebook nói rằng họ muốn bày tỏ một thái độ bất mãn với mạng xã hội này, đang mỗi lúc càng chuyên chính tư sản hơn. Có người nói trên trang nhà mới tại Minds rằng họ không muốn bị bán đứng hay bị động trước những âm mưu ập vào mình. Chưa có con số thống kê cụ thể nào về lượng người từ bỏ Facebook sang Minds, nhưng dự đoán rằng sang tháng 1/2019, tức vào thời điểm an ninh mạng được thi hành, sẽ còn nhiều nguời nữa nhập vào dòng exodus thời @ này.

Nhưng bên cạnh đó, nhiều người vẫn khẳng định rằng mình quyết chọn Facebook để làm mặt trận thông tin với nhà cầm quyền, bất chấp những hiểm nguy từ luật an ninh mạng. Thậm chí với những người đã có thêm tài khoản mới ở Minds, vẫn tuyên bố rằng họ mượn công cụ yểm trợ, để tiếp tục thể hiện sự bất mãn của mình với chính quyền, thậm chí với cả sự thỏa hiệp của Facebook ngay trên không gian quen thuộc mà họ đang mỗi lúc có nhiều chứng cứ hơn về sự bất tín.

Nhà cầm quyền Việt Nam có thể chưa tính đến điều này: Luật an ninh mạng nhằm để đe dọa người dùng mạng xã hội Việt Nam, nay đã không làm cho quá nhiều người lo sợ - thậm chí luật này đang được nhiều người gọi nhại đi là luật thú vật - mà ngược lại còn làm khiến làn sóng bất mãn cao hơn cùng với quyết tâm đối đầu với các sai lầm từ nhà cầm quyền bằng tự do ngôn luận. Cũng giống như cách mà nữ sinh Trương Thị Hà bị công an tra tấn và đe dọa, rồi bị từ chối cứu giúp từ người đại diện giới trí thức nhân văn xã hội chủ nghĩa, cô rất buồn nhưng không tuyệt vọng. Bị Facebook khóa bài nhưng Hà nhanh chóng phát lại quan điểm của mình trên Minds một cách mạnh mẽ và cả quyết. Làn sóng bất mãn chỉ khiến người ta mạnh hơn và khơi sức thách thức mọi sự man rợ mà họ đã chứng kiến từ nhà cầm quyền, kể cả sự man rợ đó được gọi bằng cái tên mỹ miều là "luật".

Tuấn Khanh
Nguồn: nhacsituankhanh.wordpress.com/2018/07/01/facebook-va-lan-song-bat-man-tren-khong-gian

duyanh
07-05-2018, 12:02 PM
NHỮNG CUỘC DI TẢN.


Dân tộc Việt Nam gắn liền với những cuộc bỏ chạy, di tản từ nơi này sang nơi khác để trốn tránh thế lực nào đó. Phải chăng chính vì thế mới có tên là “Việt Nam”- tức là chạy về phía Nam. (Ngô Thanh Tú)

N ăm 1954, sau khi những người Cộng sản đã cướp được chính quyền, hàng triệu người miền Bắc đã phải bỏ quê hương, gia đình, hàng xóm để bỏ trốn vào Nam với hy vọng tìm được một cuộc sống tự do, được thoải mái bày tỏ, thể hiện đức tin của mình. Vậy nhưng, số phận nghiệt ngã của dân tộc đã vẫn không buông tha cho họ. Trong cuộc nội chiến những người Cộng sản Bắc Việt cấu kết với Việt Cộng trong Nam đã chiến thắng. Lại thêm một lần nữa hàng triệu người lại phải trốn chạy Cộng Sản.

Lần này, không còn chỗ nào để chạy, hàng triệu người miền Nam đã đâm liều, giong thuyền lao ra biển với hy vọng tìm kiếm được một vùng đất tự do, nơi không có sự khát máu, con người yêu thương con người. Hàng trăm ngàn người đã bỏ mạng trên biển, làm mồi cho cá mập hoặc trở thành nạn nhân cho hải tặc Thái Lan. Những quốc gia, như: Phi Luật Tân, Nam Dương (Indonesia), Mã Lai, Thái Lan…trở thành ân nhân khi đã đón nhận những con người ly hương tội nghiệp. Hàng triệu người thà đánh đố với số phận còn hơn sống chung với “đồng bào” nhưng đã bị chủ thuyết vô thần, vô quốc gia, vô dân tộc tẩy não.

Những người không đủ can đảm, hoặc vì lý do nào đó họ ở lại phải chịu sự đày đọa của chính quyền mới. Con người lúc này trở thành những con chuột bạch cho các cuộc thí nghiệm, từ kinh tế đến chính trị.

Sống trong một chế độ không có tự do, cuộc di tản của người Việt còn diễn ra ngay trên không gian mạng. Trước năm 2009, hàng trăm ngàn người Việt sử dụng Yahoo 360 blog để tương tác, kết nối với nhau. Nhiều người trong số họ sử dụng không gian ảo này để thể hiện quyền bày tỏ, thái độ chính trị của mình. Nhờ có Yahoo 360, nhờ có sự tương tác, kết nối qua lại mà người Việt trong nước đã tổ chức được một cuộc xuống đường để phản đối Trung Cộng vào những ngày cuối năm 2007.

Nhận thấy mối hiểm họa từ Yahoo 360, chính quyền tìm cách ngăn chặn. Yahoo rồi cũng bán mình cho quỷ dữ. Hàng trăm ngàn tài khoản (account) phải làm một cuộc di tản như cha ông họ đã làm trong đời thực trước đây. Người thì chuyển sang sử dụng Multiply, người thì chơi WordPress, kẻ khác nghĩ blog của mình chỉ nói linh tinh nên xài Yahoo Blog của Việt Nam, một số khác dùng những trang mạng xã hội do nhà cầm quyền Việt Nam lập ra… Số ít trong đó chuyển sang sử dụng Facebook.

Phong trào sử dụng blog để viết nhật ký rồi cũng giảm dần. Lúc này người ta nhận ra Facebook mới là tiện ích. Với con số 5000 người được nhà cung cấp cho phép kết bạn và lượng follows vô hạn. Hàng triệu người đã tham gia Facebook để tương tác, kết nối với nhau. Với số lượng hàng chục triệu tài khoản trên Facebook là người Việt, chính quyền độc tài lại thấy đây chính là mối nguy hại tiềm ẩn và như thường lệ, họ tìm cách ngăn chặn, hoặc chí ít là phải kiểm soát.

Luật an an ninh mạng do Công an lập ra được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Một bộ luật được lập ra mà theo chính miệng Nguyễn Phú Trọng- Tổng bí thư đảng CSVN là “để bảo vệ chế độ”. Luật lập ra không phải bảo vệ quyền lợi cho người dân, mà chỉ nhằm làm sao duy trì sự độc tài cai trị cho chế độ Cộng sản.

Lại thêm, khi số lượng người dùng Facebook để đả kích chính quyền, thể hiện thái độ chính trị, bày tỏ quyền được tham gia các vấn đề quốc gia, như cách mà người dân đã làm trong các cuộc biểu tình vào ngày 10/6/2018, chính quyền lo ngại mạng xã hội này sẽ là trung tâm cho những cuộc biểu tình chống chế độ, nên họ tìm cách siết chặt quản lý. Hàng chục tài khoản của những người cất lên tiếng nói phản đối bị khóa, những bài viết đả kích chính quyền bị biến mất một cách kỳ lạ, những hình ảnh về người biểu tình bị công an đánh đập, tra tấn bỗng dưng bị xóa khỏi Facebook mà không biết lý do…Lúc này, người dùng biết rằng, để bảo đảm quyền lợi cho mình, Facebook đã bán mình cho quỷ dữ, như cách mà Yahoo đã làm trước đây khi bán mình cho Trung cộng.

Để phản ứng lại, nhiều người rầm rộ chuyển qua mạng xã hội khác, đó là Minds. Với nhiều người, Minds như phương án dự phòng, với những người khác thì việc “chuyển nhà” như để phản đối Facebook, còn có người chuyển sang Minds nhằm hy vọng có một không gian bày tỏ an toàn, thoải mái, không bị bàn tay lông lá của chính quyền thọc sâu vào.

Các cuộc di tản hay nói khác hơn là những cuộc trốn chạy từ đời thực cho đến không gian ảo từ năm 1954 cho đến nay đều nhằm mục đích thoát khỏi vòng kiểm tỏa, sự cai trị hà khắc của nhà cầm quyền CSVN. Nhưng trốn chạy đi đâu cũng không thoát khỏi sự kiểm soát của chính quyền. Trên Facebook hay trên Minds đều như vậy. Chỉ trừ khi các bạn không phải là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì mới không lo bị nhà cầm quyền trả thù vì bày tỏ thái độ chính trị.

Dường như cái tên nó ám đến cuộc đời. Chúng ta là dân tộc Việt nên phải trốn chạy. Chúng ta giỏi trốn chạy, mà không giỏi đương đầu. Gặp khó khăn là bỏ chạy, như cách mà ông cha ta đã bỏ miền Bắc vô Nam, rồi vượt biên thay vì ở lại để đương đầu với quỷ dữ. Nay, thay vì chúng ta vẫn sử dụng Facebook với lượng tương tác, kết nối và lan tỏa hơn thì nhiều người đang tìm cách bỏ chạy sang Minds. Tôi chưa dùng Minds nên không biết, nhưng tôi đoán, nếu chuyển sang nơi ấy, chắc cũng chỉ toàn những người kháng Cộng chơi với nhau, hát với nhau và phụ họa cho nhau. Nếu vậy thì còn gì là vui nữa. Chẳng phải rất nhiều người dùng Facebook với hy vọng lan tỏa những giá trị thời đại cho nhiều người sao?

Đương nhiên, tôi hoàn toàn đồng ý rằng việc chuyển sang Minds như là một phương cách phản đối trước việc Facebook đang bán mình cho quỷ dữ. Nhưng, nếu được hãy ở lại Facebook này, với lượng tương tác, kết nối chúng ta sẽ cùng nhau bày tỏ, chống lại sự cai trị hà khắc của chế độ độc tài.

Ngô Thanh Tú