PDA

View Full Version : Đài Loan chống lại làn sóng tấn công mạng từ Trung Quốc



duyanh
09-21-2018, 12:26 PM
Đài Loan chống lại làn sóng tấn công mạng từ Trung Quốc


Đài Loan đang ứng phó với các cuộc tấn công mạng dữ dội từ Trung Quốc, nhằm làm suy yếu Tổng thống Đài Loan trước cuộc bầu cử địa phương vào tháng 11, theo tờ SCMP.



https://video2.dkn.tv/uploads/videos/e5253f02a6.mp4

Chính phủ Đài Loan cho biết Bắc Kinh, cùng với Nga và Triều Tiên, có thể đang ngày càng thử nghiệm các kỹ thuật tấn công mạng tại Đài Loan, trước khi sử dụng chúng để chống lại Mỹ và các cường quốc nước ngoài khác.

Các cuộc thử nghiệm bao gồm các công cụ phần mềm độc hại mới, phần lớn được sử dụng để nhắm mục tiêu vào các bộ kinh tế và ngoại giao của Đài Loan, theo ông Howard Jyan, Tổng giám đốc Cơ quan an ninh mạng của Đài Loan.

Phát biểu trước tờ tin tức Bloomberg, ông Jyan thông báo: “Dựa trên các mẫu được so khớp, sự tinh vi và các tính năng khác, có khả năng hầu hết các cuộc tấn công mạng đến từ các nhóm được Trung Quốc hỗ trợ”.

“Chúng tôi tin rằng số lượng các cuộc tấn công mạng sẽ tăng lên trước cuộc bầu cử. Tin tặc và các tổ chức sẽ tìm cách can thiệp”, ông Jyan khẳng định.

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 5/2016, Tổng thống Thái Anh Văn và Đảng Dân chủ Tiến bộ của bà đã từ chối công nhận yêu sách của chính phủ Bắc Kinh đối với hòn đảo tự trị này. Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, và nếu cần thiết sẽ được thống nhất bằng vũ lực.

Bắc Kinh đã phản ứng với một nỗ lực đa hướng nhằm ngăn cản chính quyền của bà Thái Anh Văn, như phá hoại quan hệ ngoại giao của Đài Loan với một số nước; đẩy mạnh các hoạt động tập trận quân sự trên eo biển Đài Loan; và gây áp lực với các hãng hàng không nước ngoài và khách sạn, yêu cầu họ phải đề cập Đài Loan như là một phần của Trung Quốc.

Để có được ảnh hưởng toàn cầu, Bắc Kinh cũng thúc đẩy một cuộc đấu tranh ngày càng gia tăng với Mỹ, nước vẫn duy trì quan hệ không chính thức với Đài Loan, mặc dù Washing ton đã di dời đại sứ quán đến Bắc Kinh 40 năm trước.

“Ở một mức độ nào đó, việc Đài Loan chống lại Trung Quốc giống như [cậu bé] David chống lại [gã khổng lồ] Goliath”, ông Ben Read, người đứng đầu bộ phận phân tích gián điệp mạng tại công ty an ninh mạng FireEye của Mỹ, nhận xét.

Ông Jyan thông báo chính phủ Đài Loan đã chịu đựng 360 cuộc tấn công mạng thành công trong năm 2017, có thể ảnh hưởng đến những dữ liệu nhạy cảm và bí mật. Nhưng số lượng các toan tính thâm nhập mạng là lớn hơn rất nhiều, với khoảng 20 triệu đến 40 triệu thử nghiệm, đã được các tin tặc Trung Quốc thực hiện mỗi tháng vào năm ngoái, ông Jyan ước tính.

Các máy chủ trong các tổ chức dân sự và quân đội đều bị nhắm làm mục tiêu, bao gồm các hệ thống bệnh viện bị các tin tặc Đại lục tấn công, đánh cắp thông tin sức khỏe cá nhân và các dữ liệu cá nhân khác.


https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2018/09/tong-thong-dai-loan-thai-anh-van.jpg

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã khiến Bắc Kinh tức giận khi từ chối chấp nhận rằng hòn đảo này là một phần của Trung Quốc.

Về phần mình, Bắc Kinh đã quay sang chỉ trích các cơ quan tình báo của Đài Loan. Hôm 16/9, Trung Quốc yêu cầu Đài Loan “ngừng ngay các hoạt động xâm nhập và phá hoại chống lại Đại lục, để tránh làm tổn hại thêm các mối quan hệ ngày càng phức tạp và nghiêm trọng”, Tân Hoa Xã đưa tin, trích dẫn lời của ông An Phong Sơn (An Fengshan), phát ngôn viên Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Đại lục.

Tuy nhiên, văn phòng này đã không trả lời câu hỏi của Bloomberg về những cáo buộc của Đài Loan.

Ông Alex Huang, phát ngôn viên của văn phòng Tổng thống Thái Anh Văn, cho rằng báo cáo của Tân Hoa Xã là “thông tin giả mạo, phá hoại các mối quan hệ qua eo biển”.

Đài Loan tháng này có kế hoạch tổ chức một chương trình đào tạo an ninh không gian mạng của chính phủ, trong đó miễn phí cho các nhân viên công nghệ thông tin của các công ty và tổ chức phi chính phủ, với số lượng lên tới 150 học viên mỗi năm.

Năm ngoái, Đài Loan đã thành lập Bộ tư lệnh Mạng trong quân đội. Đài Loan cũng dành hơn 1,6 tỷ Đài tệ (52 triệu USD) trong ngân sách năm tới, để bảo vệ các trang web và cơ sở dữ liệu bị nhắm mục tiêu nhiều nhất bởi các gián điệp mạng đại lục, Thời báo Đài Bắc đưa tin hồi đầu tháng 9 này.

Hôm 18/9, Ủy ban truyền thông Quốc gia Đài Loan thông báo các hãng truyền thông Đài Loan có thể bị phạt tới 2 triệu Đài tệ, nếu bị phát hiện phổ biến nội dung chưa xác minh, hoặc giả mạo, gây tổn hại cho công chúng.

Động thái này xảy ra sau khi các quan chức Đài Loan đổ lỗi cho tin tức giả mạo được chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội về cái chết gần đây của ông Tô Khải Thành (Su Chii-cherng), một nhà ngoại giao Đài Loan cấp cao ở Nhật Bản, trong một vụ tự tử rõ ràng. Các tin tức được xác định là bắt nguồn từ Đại lục, tuyên bố giả dối rằng các quan chức lãnh sự Trung Quốc đã buộc phải giải cứu các công dân Đài Loan bị mắc kẹt tại sân bay Osaka trong cơn bão Jebi, sau khi các đại diện của Đài Loan không hành động gì cả.

Trong năm qua, công ty FireEye đã phát hiện các tin tặc Trung Quốc nhắm vào các cơ quan chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức giáo dục và viễn thông của Đài Loan. Ông Read, người đứng đầu bộ phận phân tích gián điệp của công ty, cho biết: “Họ cho rằng xã hội Đài Loan là một phần của xã hội Trung Quốc, nên họ thực sự bao quát tất cả các lĩnh vực”.

Theo thông báo của công ty FireEye trong năm 2016, 60% các tổ chức bị theo dõi ở Đài Loan là bị nhắm mục tiêu, với các cuộc tấn công mạng tiên tiến, trong nửa sau của năm ngoái, nhiều hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Các tổ chức bị theo dõi có khả năng bị tấn công mạng cao gấp 4 lần mức trung bình toàn cầu là 15%.

Theo các nhà phân tích mạng, việc bảo vệ an ninh mạng của Đài Loan được thực hiện mạnh mẽ hơn hầu hết các nước ở Đông Nam Á, nhờ vào chuyên môn, kỹ thuật công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất máy tính. Nhưng họ không thể vượt qua được nỗ lực của Trung Quốc đại lục cô lập Đài Loan về ngoại giao, vốn đã cản trở nghiêm trọng khả năng của Đài Loan trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ của các đồng minh, nhằm chống lại các cuộc tấn công mạng.

Ông Thái Thương Bá (Tsai Tsang-po), người đứng đầu Cục điều tra hình sự của Đài Loan, cho biết: “Chúng tôi cần sự giúp đỡ từ các quốc gia khác, nhưng việc các quan hệ xuyên eo biển xấu đi, đang gây nhiều khó khăn hơn cho chúng tôi, để có được sự tham gia của Interpol.

Được biết, Chủ tịch của Interpol hiện nay, ông Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei), cũng là một Thứ trưởng Bộ công an Trung Quốc. Đài Loan đã bị buộc phải rời khỏi cơ quan cảnh sát toàn cầu – Interpol, vào năm 1984, khi Trung Quốc gia nhập tổ chức này, và từ đó đã không được phép tham dự đại hội đồng của tổ chức này, thậm chí như một quan sát viên. Điều này hạn chế thêm nữa khả năng của Đài Loan có được sự hợp tác của các nhà điều tra mạng ở các nước khác.


Phạm Duy
21-9-2018