PDA

View Full Version : Hạ hỏa với nước mát, nước sâm Sài Gòn-Chợ Lớn



duyanh
04-25-2019, 12:34 PM
Hạ hỏa với nước mát, nước sâm Sài Gòn-Chợ Lớn





https://i1.wp.com/www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2019/04/AmThuc-Nuoc-mat-Cho-Lon-1.jpg?resize=696%2C653&ssl=1

Mùa nóng, không gì bằng ghé góc đường Trần Quý-Tạ Uyên, quận 11, uống ly nước mát mía lau, rễ tranh... (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Ai ở Chợ Lớn và hầu hết các khu phố có người Hoa sinh sống đều biết khi vào mùa nóng, các xe bán nước mát còn gọi là nước sâm luôn bán đắt như tôm tươi.

Mỗi năm, vào cuối Tháng Tư đầu Tháng Năm là Sài Gòn và các tỉnh miền Nam vào đỉnh điểm mùa nóng. Người có tuổi nhớ lại thời của họ chưa bao giờ nhiệt độ vượt qua 39 độ C, nhưng hiện nay, chuyện giữa trung tâm Sài Gòn nhiệt độ lên đến 40 độ C hay cao hơn nữa đã trở thành ám ảnh.


Người Sài Gòn vốn dân xứ nhiệt đới quen chịu cái nóng như lò lửa; và cùng với việc trùm kín y phục và phụ kiện chống nắng nóng khi ra đường, họ vẫn còn giữ thói quen trong sinh hoạt và ăn uống để chống chịu cho qua mùa nắng nóng trong một đô thị với thực trạng hủy hoại cây xanh, đào lấp kênh rạch, giảm đất công viên…

Thiên nhiên có cái kỳ diệu riêng khi ban phát cho xứ nhiệt đới vô số các loài dược thảo để giúp người nông dân, người nghèo thành thị giữ bình ổn thân nhiệt trong mùa nóng.


https://i2.wp.com/www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2019/04/AmThuc-Nuoc-mat-Cho-Lon-2a.jpg?resize=696%2C492&ssl=1

Sài Gòn-Chợ Lớn luôn có xe nước mát giúp giải khát hạ hỏa. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Ngày nay, làn sóng nhập cư ồ ạt áp đảo, các loại nước giải khát công nghiệp đầy hóa chất, nhưng người ta vẫn còn tìm thấy ở các chợ truyền thống như chợ Bình Tây, chợ Thiếc, chợ Bà Chiểu… những bà cụ ngồi bán các loại cây cỏ dược thảo cho các bà nội trợ đem về nhà tự nấu nước mát giải khát.

Từ xa xưa, người miền Nam hay các bà nội trợ Sài Gòn ai cũng biết nấu nước mát với mía lau, râu bắp, rễ tranh, lá thuốc dòi… nhưng đâu có ai nghĩ đến góc độ thương mại đem kinh doanh loại nước thanh nhiệt. Trái lại, người Hoa đã hình thành việc kinh doanh nước mát, nước sâm và các thảo mộc, dược thảo thanh nhiệt từ lúc đặt chân đến xứ Đàng Trong.

Xe nước mát của người Hoa cũng có phong cách trang trí riêng để thể hiện văn hóa kinh doanh của họ. Từ những năm của thế kỷ trước, xe nước mát của người Hoa với dụng cụ hành nghề như thùng đựng nước mát hình trái bầu bự bằng đồng thau sáng bóng, trên xe còn trang trí cắm vài lá thuốc dòi, rễ cây tranh, vài lá cây lẻ bạn đã trở nên quen thuộc với cả cộng đồng.

Nước mát từ các xe bán bên lề đường của người Hoa từ lâu đời gồm hai loại nước, một là nước mát ngọt, hai là nước mát đắng; và thật thú vị khi mỗi xe bán đều có bí quyết nấu riêng.

Có người tìm hiểu cho là nước đắng vị chính được họ nấu bằng hột trái khổ qua (mướp đắng) nhưng cũng chưa chắc đúng. Cái loại nước đắng được quảng bá qua truyền miệng là mát gan, lợi tiểu, thanh nhiệt… này đặc sắc ở chỗ dù y học có kiểm chứng hay không có, miễn sao người Hoa, người Việt qua nhiều thế hệ công nhận có công hiệu hạ hỏa là được.


https://i0.wp.com/www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2019/04/AmThuc-Nuoc-mat-Cho-Lon-3a.jpg?resize=696%2C842&ssl=1

Một tiệm bán nước mát đậm phong cách Hoa Kiều Chợ Lớn. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Chúng tôi được rủ rê đi uống nước mát ở góc đường Tạ Uyên-Trần Quý. Được biết xe nước mát này đã chuyên doanh nước mát mía lau, nước đắng theo phong cách chính hiệu người Hoa đã hơn 50 năm.

Dù có tánh cẩn thận ngại uống thứ nước mát, nước sâm không biết, không ghi rõ công thức và an toàn vệ sinh, nhưng người bạn cùng đi cho biết: “Thay vì vô quán kêu chọn uống nước hóa chất Dr Thanh của Tân Hiệp Phát, tui tấp vô xe nước mát đông khách làm một ly nước mát chắc ăn hạ nhiệt an toàn hơn.”

Chúng tôi uống một ly nước đắng cỡ ly ngắn hơn một gang tay, vậy mà giá bán gần bằng một chai Coca Cola vô chai ở Việt Nam.


https://i1.wp.com/www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2019/04/AmThuc-Nuoc-mat-Cho-Lon-4.jpg?resize=696%2C780&ssl=1

Giải khát bằng nước mát, nước sâm vốn là thói quen lâu đời của người Sài Gòn-Chợ Lớn. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Ở các điểm bán nước mát Nguyễn Trãi-Lê Hồng Phong, cảnh người uống phải xếp hàng chờ phục vụ các loại nước mát vị bông cúc, atiso, rong biển… Có nơi bán chỉ chuyên bán nước sâm, nước mát mà mở quán bày bàn ghế hẳn hoi để khách giải khát, giải nhiệt như quán Cô Ba ở góc đường Đinh Tiên Hoàng-Điện Biên Phủ.

Rồi chừng như để đáp ứng nhu cầu hạ hỏa giải nhiệt của hàng triệu người nhập cư, ở trọ, không tiện tự nấu nước mát, nước sâm nên đã có trào lưu “khởi nghiệp” vô chai các loại nước mát, nước rong biển, nước nha đam… đem đi bỏ mối khắp các tiệm ăn bình dân mà không cần thông qua hệ thống kiểm định vệ sinh nào.

Nhìn lại cái nghề nấu và bán nước mát của người Hoa, người Việt ở Chợ Lớn từ xưa đến nay chưa bao giờ bị mang tiếng. Nước mát, nước sâm ngày xưa được nấu chín từ thảo dược tự nhiên; mà ngay cả cách uống cũng là uống nóng, uống nguội, chớ không theo thói quen xấu uống lạnh thậm chí là phải bỏ nước đá cho thiệt lạnh, để phòng chuyện thân nhiệt đang nóng trong mà “giải khát” quá lạnh gây hậu quả khó lường cho sức khỏe.

Nhưng suy cho cùng, nghệ thuật sử dụng thảo dược để giải khát thanh nhiệt cũng là tinh hoa của ẩm thực Việt Nam. Và từ khi được di dân, người Hoa khai sinh ở xứ này nghề bán nước mát, nước sâm, vào mỗi mùa Sài Gòn-Chợ Lớn nắng nóng cứ theo độ tăng của nhiệt kế mà trúng mùa hốt bạc vậy.



(Trần Tiến Dũng)Người Việt
25-4-2019