PDA

View Full Version : Khi một thuyền trưởng thách thức chính phủ Ý



khieman
07-16-2019, 10:53 PM
.


Khi một thuyền trưởng
thách thức chính phủ Ý
Lê Phan


https://editorial01.shutterstock.com/wm-preview-450/10324198c/0cc2d538/sea-watch-enters-port-in-lampedusa-italy-shutterstock-editorial-10324198c.jpg


Con thuyền phao chật ních người đang trôi dạt, không có ai lái, với 53 di dân trên tàu. Bờ biển Libya, nơi con tàu xuất phát, nằm 47 miles về phía nam và phần gần nhất của Âu Châu ngoài tầm của con tàu, ở khoảng 140miles về phía bắc.

Con tàu được thấy vào khoảng 10 giờ sáng hôm 12 tháng 6 bởi một phi cơ của các toán thiện nguyện người Pháp. Chiếc phi cơ của các thiện nguyện viên đã rà soát Địa Trung Hải để tìm người lâm nạn. Và họ báo động cho một toán cấp cứu khác trên con tàu Sea-Watch 3. Ngay lập tức con tàu tìm đến để giải cứu những người trên ghe. Ở giai đoạn này, thủy thủ đoàn có thể trao di dân cho lực lượng tuần duyên Libya, nhưng thuyền trưởng của Sea-Watch 3, một phụ nữ 31 tuổi người Đức tên là Carola Rackete, không tính đến giải pháp đó.

Libya trong những năm gần đây đã rơi vào tình trạng một quốc gia vô luật pháp, rối loạn và lực lượng an ninh chỉ là những nhóm dân quân vũ trang, và Sea Watch, một tổ chức thiện nguyện của Đức, đã thề không đưa di dân trở lại Libya. Trong một thông cáo hôm tháng rồi, tổ chức viết:

“Cưỡng bách đưa những người được giải cứu trở về một quốc gia đang tan nát vì nội chiến, rồi để họ bị bỏ tù và tra tấn, là một tội ác mà chúng tôi sẽ không bao giờ làm.”

Hải cảng gần nhất cho chiếc Sea-Watch 3 là ở hòn đảo Lampedusa của Ý nhưng chính phủ Ý đã cấm các tàu cứu nạn mang theo di dân đến cập bến ở các hải cảng của họ. Bà Rackete trải qua hai tuần lễ trong lãnh hải quốc tế, trước khi vào hôm 29 tháng 6 quyết định là vì nguy cơ cho sức khỏe của những người trên tàu họ phải cập bến. Nước Ý, nơi mà người tỵ nạn không được chào đón, là lựa chọn duy nhất.

Nước Ý mà bà Rackete tiến đến trên con tàu Sea-Watch 3 không phải là nước Ý của giai đoạn giữa thập năm 2015 khi cuộc khủng hoảng di dân ở Âu Châu lên đến tột đỉnh.

Trong số hơn một triệu di dân bỏ trốn sang Âu châu vào năm đó, 154,000 người đến Ý và người lúc đó là Thủ tướng Matteo Renzi năn nỉ với các quốc gia Âu châu khác giúp đỡ. Số di dân đến bờ biển Ý đã giảm thiểu –chỉ có 2,800 người cho đến nay trong năm- và đất nước này nay cầm đầu bởi một liên minh cánh hữu mỵ dân được bầu lên một phần với nghị trình chống di dân.

Bộ trưởng nội vụ Matteo Salvini của Ý hiện nay, người mà những ủng hộ viên đặt cho cái nickname là Il Capitano (ông thuyền trưởng), đã thường xuyên lên Facebook với những video truyền trực tiếp trong đó ông xỉ vả và bất chấp Âu Châu. Thủ tướng Angela Merkel của Đức và Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp, hai lãnh tụ mà ông đổ tội cho là làm hại liên minh, là mục tiêu thường xuyên của ông. Chỉ hai tháng sau khi nhậm chức, hôm tháng 8 năm 2018, ông tweet “Ý không còn cúi đầu tuân lệnh nữa”, và ra lệnh cho các hải cảng của Ý cản trở những tàu chở di dân không cho đậu. Ông tweet “Đây là thời gian cho những người dám nói KHÔNG.”

Lập trường của chính phủ Ý là những tàu tuần duyên của Libya phải nhận những di dân này trở lại và những con tàu cấp cứu chỉ đóng vai dịch vụ taxi giúp cho những kẻ buôn người. Nhiều người Ý có vẻ đồng ý với họ. Một cuộc nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Pew thấy là 52% dân Ý nói di dân là một gánh nặng lên nước họ, và con số những người Ý tin là di dân giúp đất nước của họ mạnh hơn đã giảm đáng kể trong bốn năm qua.

Con số di dân đến Ý nay “chỉ còn tí tẹo”, ông Christian Dustman, giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích Di Dân ở Luân Đôn, giải thích với đài BBC:

“Nhưng cách mà chính phủ Y phản ứng làm cho di dân trở thành con hề trong bộ bài, với ông Salvini tìm cách tạo ra hình ảnh mình là một người giải quyết được một vấn đề mà ông đã làm cho nó lớn hơn thực sự.”

Một con tàu nhân đạo nổi tiếng, chiếc Aquarius, đã phải kết thúc việc giải cứu năm ngoái, sau khi họ bị mắc kẹt vơi hơn 600 di dân trên tàu mà không có bến đậu, giấy phép bị thu hồi.

Hôm 11 tháng 6, nội các Ý thông qua một nghị định khẩn cấp nói là bất cứ một con tàu nào vào hải phận của Ý không có giấy phép sẽ bị phạt lên đến 50,000 euro (tức 56,000 đô la). Ngay ngày hôm sau Thuyền trưởng Rackete nhận được cầu cứu cho con tàu di dân đang trôi giạt trên biển. Trong vòng hai tuần sau đó, 13 di dân được chở ra khỏi con tàu Sea-Watch 3 để chữa bệnh. Nhưng vẫn còn 40 người nữa trên tàu cộng với thủy thủ đoàn 22 người trong một điều kiện ngày càng tệ hại trong cái nóng của mùa hè năm nay ở Âu châu.

Khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn hôm 28 tháng 6 trên tàu là:

“Ông Matteo Salvini nay nói bà là kẻ thù chính của ông vào lúc này, bà nghĩ sao?"

Bà thuyền trưởng, nheo mắt trước ánh nắng gắt của Đỉa Trung Hải trả lời:

“Thú thật tôi chưa đọc những lời ông ta nói. Tôi không có thì giờ. Với hơn 60 người cần được lo liệu, ông Salvini phải tuân thủ thôi.”

Nếu có ai có thể bất chấp ông Salvini, bà Carole Rackete thật thích hợp. Sinh ra ở một ngôi làng kế bên biên giới với Đan Mạch, bà Rackete đã đi khắp thế giới khi còn nhỏ với bố mẹ trước khi định cư ở miền bắc nước Đức. Từ đó bà tham gia một viện nghiên cứu Bắc Cực, nơi mà bà học làm thuyền trưởng, tài năng bà đã sử dụng ở Địa Trung Hải.

Cựu đồng nghiệp tả lại với đài BBC bà là một người thành tâm với một quan niệm về một vai trò rõ rệt trong xã hội toàn cầu. Một cố vấn của Greenpeace nhận xét:

“Bà ta có ý thức toàn cầu và quyết tâm theo đuổi lập trường và trách nhiệm của mình trong cộng đồng quốc tế. Rất khiêm nhường. Vui vẻ, chịu khó làm việc.”

Trong sự nghiệp cho đến nay, bà đã tham gia giải cứu ngoài khơi bờ biển Hy Lạp trong giai đoạn tột đỉnh của cuộc khủng hoảng di dân, nghiên cứu các nơi chim albatross làm tổ ở miền nam Đại Tây Dương, làm việc với Greenpeace dọn plastic ở bờ biển phía tây của Tô Cách lan, và cầm đầu một phái đoàn đến quần đảo Svalbard ở Bắc Cực để dạy cho du khách về cách biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến hệ sinh thái của vùng này.

Đài truyền hình Deustche-Welle (Đoi-tchơ Vell) tường thuật là lần đầu tiên bà làm việc cho Sea-Watch, bà giúp vớt thi thể của 45 di dân đã chết đuối vì chìm tàu ở Địa Trung Hải.

Giáo sư Christopher Hein, giáo sư về di dân ở Viện đại học Luiss ở Rome giải thích:

“Trong trường hợp này chúng ta có một nhân vật biểu tượng qua Carola. Bà ta trẻ tuổi, can đảm, một người đàn bà –và môt người Đức. Mọi người ở Ý nay nói về bà ta, hoặc là một người bạn tốt hay một người bạn xấu. Một bên chúng ta có người đại diện cho đa số lớn của Quốc hội Ý. Mặt kia, chúng ta có một phụ nữ trẻ tận tụy cho các hoạt động nhân đạo.”

Những ai biết bà thuyền trưởng và theo dõi hoạt động của con tàu Sea-Watch 3 nói là họ không nghi ngờ gì là bà sẽ hành động như thế nào. Bà sẽ phản ứng theo niềm tin, sau khi suy nghĩ cẩn thận về những gì bà nghĩ là đúng, hợp pháp và công bằng.

Sau ba tuần lễ lênh đênh, bà thuyền trưởng nói điều kiện trên tàu đã bắt đầu suy sụp và một số di dân bắt đầu tính đến chuyện tự tử. Đêm 29 tháng 6 bà quyết định đưa tầu cặp bến. Qua hành động đó, bà chèn con tàu tuần của cảnh sát Ý vào cầu tầu. Ông Salvini gọi hành động đó là “một hành động chiến tranh”, và cáo buộc bà Rackete là một hải tặc, phi pháp và một “phụ nữ giàu có, da trắng và người Đức.” Ông cáo buộc:

“Bà ta tìm cách nhận chìm tàu tuần của cảnh sát với cảnh sát viên trên tàu vào lúc đêm hôm. Họ nói họ ‘cứu mạng người’ nhưng họ có nguy cơ giết những người đang thi hành nhiệm vụ, rõ ràng trong những video.”



https://static01.nyt.com/images/2019/06/30/world/30italy1/29italy1-articleLarge.jpg?quality=90&auto=webp



Cảnh sát Ý áp giải bà thuyền trưởng ra khỏi tầu
(hình internet)

Ngay sau khi con tàu đến Lampedusa, di dân bị đưa đi và bà Rackete bị bắt và khuyến cáo bà có thể bị án đến 10 năm tù. Bà xin lỗi và bác bỏ là bà cố tình tông vào con tàu cảnh sát, đổ tội cho một sai lầm khi định vị vào đêm tối. Cuối cùng, thẩm phán đồng ý với bà hôm thứ ba tuần rồi, và diễn dịch của bà về Luật Hàng hải: Là thuyền trưởng, bà có nhiệm vụ bảo vệ sinh mạng của những người trên tàu. Thẩm phán Alessandra Vella nói bà đã thực hiện nhiệm vụ đó và không gây nguy hiểm cho ai khác.

Vụ này đã làm dư luận ở Ý chia đôi. Chính phủ Ý nói việc xảy ra là một sự tấn công vào chủ quyền của nước Ý. Bà Rackete, vẫn còn ở Ý, đã phải lánh mặt vì đe dọa đến tính mạng. Trong khi đó, ông Salvini đã chống trả lại thuyền trưởng, thẩm phán và những người chỉ trích ông. Tổ chức Sea Watch tuy vậy được hưởng lợi vì đóng góp từ Ý và từ khắp thế giới với số tiền quyên góp nay lên đến 1.4 triệu euro chỉ trong tuần qua.

Phán quyết của tòa, một phát ngôn nhân của Sea-Watch nói “tái lập uy tín” của nước Ý. Bà thuyền trưởng vẫn còn lưu lại ở Ý, chờ sứ vụ mới.


https://www.bbc.co.uk/news/world-europe-48853050





https://www.telesurtv.net/__export/1562096564723/sites/telesur/img/2019/07/02/italy_judge_release_of_sea-watch_carola_rackete.jpg_1689854195.jpg

Quan tòa Ý ra lệnh tha bổng bà thuyền trưởng
(hình internet)