PDA

View Full Version : Asanzo kiện báo Tuổi Trẻ vì 'làm những gì pháp luật không cấm'



duyanh
07-28-2019, 11:42 AM
Asanzo kiện báo Tuổi Trẻ vì 'làm những gì pháp luật không cấm'




https://ichef.bbci.co.uk/news/660/cpsprodpb/2EF6/production/_108022021_002475cc-22b2-4f7b-904e-1abd6bc424e6.jpg

Ông Phạm Văn Tam, CEO Asanzo xác nhận với BBC hôm 25/7 rằng đã khởi kiện báo Tuổi Trẻ và "là một doanh nghiệp, chúng tôi làm những gì pháp luật không cấm".

Trong khi đó, một luật sư nói với BBC rằng nếu công ty Asanzo tự tin mình trung thực trong kinh doanh và tuân thủ đúng pháp luật "thì nên kiện báo Tuổi Trẻ đến cùng".

Sau loạt bài nói công ty cổ phần điện tử Asanzo Việt Nam "nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam" gây xôn xao công luận hồi tháng 6/2019, báo Tuổi Trẻ nay tiếp tục đăng tiếp loạt bài khác về việc hải quan "có đủ cơ sở pháp lý vụ công ty con của Asanzo giả mạo xuất xứ hàng hóa".

Báo Tuổi Trẻ hôm 25/7 dẫn lời ông Nguyễn Văn Cẩn, tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan: "Đối với nhãn hiệu Asanzo, chúng tôi đã khởi tố vụ án và chuyển cho cơ quan công an, về các hành vi thuộc công ty con, nhập khẩu, giả mạo xuất xứ Việt Nam để mà đưa hàng vào tiêu thụ, giả mạo nhãn mác. Và tiếp tục xác minh, điều tra sâu."

Nếu doanh nghiệp sử dụng nguồn gốc linh kiện Trung Quốc và lắp ráp thủ công nhưng pháp luật Việt Nam vẫn cho phép ghi xuất xứ Việt Nam thì pháp luật cần phải thay đổi để bảo vệ người tiêu dùng được tốt hơn.

luật sư Phùng Thanh Sơn

'Văn minh và cần khuyến khích'

Hôm 25/7, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói với BBC:

"Trước giờ, người dân đặc biệt là doanh nghiệp rất ngại đụng chạm với cơ quan báo chí. Việc một doanh nghiệp khởi kiện một tờ báo yêu cầu đính chính và bồi thường thiệt hại vì đăng tải thông tin không đúng sự thật là việc làm văn minh và cần khuyến khích. Việc này sẽ góp phần thay đổi suy nghĩ và hành vi ứng xử của người dân và doanh nghiệp khi đối diện với hành vi sai trái của cơ quan báo chí."

"Theo tôi, Asanzo yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp này cũng không phải đơn giản, trừ khi toàn bộ nội dung mà báo Tuổi Trẻ đăng là bịa đặt. Rất khó xác định thiệt hại đó đến từ chi tiết bị đăng tải sai sự thật hay đến từ các thông tin chính xác khác. Bởi nếu người tiêu dùng, nhà phân phối trước giờ họ mua, nhận phân phối sản phẩm của Asanzo vì họ nghĩ rằng sản phẩm được dán logo hàng Việt Nam chất lượng cao và ghi xuất xứ Việt Nam thì hàng hóa đó phải được sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam."

"Nay sự thật không phải vậy. Asanzo mua linh kiện có nguồn gốc từ Trung Quốc về và lắp ráp thủ công lại thành một sản phẩm hoàn chỉnh bán ra thị trường. Chính sự thật này làm người tiêu dùng, nhà phân phối quay lưng với sản phẩm của Asanzo chứ không phải vì lý do sản phẩm của Asanzo có được ghi xuất xứ Việt Nam hay không. Nếu doanh nghiệp sử dụng nguồn gốc linh kiện Trung Quốc và lắp ráp thủ công nhưng pháp luật Việt Nam vẫn cho phép ghi xuất xứ Việt Nam thì pháp luật cần phải thay đổi để bảo vệ người tiêu dùng được tốt hơn. Pháp luật về ghi nhãn hàng hóa phải có sự phân biệt giữa một sản phẩm sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam với sản phẩm nhập các bộ phận rời về lắp ráp thủ công."

"Não trạng của đại đa số người tiêu dùng hiện nay là thấy logo "Hàng Việt Nam Chất lượng cao" và ghi xuất xứ Việt Nam thì họ mặc nhiên hàng đó phải được sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam. Do đó, việc báo giật tít "Hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt" để chỉ những trường hợp nhập khẩu các bộ phận về Việt Nam lắp ráp thủ công thành một sản phẩm hoàn chỉnh bán ra thị trường và ghi xuất xứ Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với thực tế xã hội."

"Nếu báo Tuổi Trẻ đã phản ánh đúng thực trạng, không đưa ra nhận định hay kết luận gì, thì khó mà quy trách nhiệm cho báo Tuổi Trẻ. Tôi nghĩ cần phải phân biệt ngôn ngữ báo chí với ngôn ngữ pháp lý. Nếu báo Tuổi Trẻ kết luận rằng Asanzo sản xuất, buôn bán hàng giả thì lúc đó mới thực sự là vấn đề tranh cãi vì nó không còn là hiện tượng xã hội nữa mà là một vấn đề pháp lý."

Luật sư Sơn phân tích thêm:

"Tôi nghĩ vấn đề của Asanzo hiện nay không nằm ở chỗ hàng hóa của Asanzo có được ghi xuất xứ Việt Nam hay không mà là ở nguồn gốc linh kiện và quy trình để sản xuất ra sản phẩm có thuyết phục được người tiêu dùng hay không. Muốn chứng minh hàng Trung Quốc có đội lốt hàng Việt hay không theo tôi thì không quá khó. Cơ quan chức năng cứ truy dòng tiền; đường đi của hàng hóa, phụ tùng, linh kiện; dây chuyền sản xuất; chất lượng lao động; mối liên hệ giữa Asanzo với các công ty "ma"… là có thể biết được."

"Nếu Asanzo kiện báo Tuổi Trẻ thì báo Tuổi Trẻ đương nhiên phải đưa ra các chứng cứ, lập luận, căn cứ pháp lý để bảo vệ quan điểm của mình. Trong trường hợp cần thiết, báo Tuổi Trẻ có thể đề nghị cơ quan chức năng cung cấp chứng cứ hoặc đề nghị tòa thu thập chứng cứ. Lúc đó các "góc khuất" của Asanzo có thể bị càng phơi bày."

"Việc này sẽ gây bất lợi hơn cho Asanzo trong mắt của người tiêu dùng dù Asanzo có thắng kiện báo Tuổi Trẻ, trừ khi Bởi bản án phản bác lại toàn bộ thực trạng về nguồn gốc linh kiện và quy trình lắp ráp thủ công mà báo đã đăng tải. Theo tôi, Asanzo không nên chỉ có "bẻ chữ" các quy định pháp luật để cho rằng mình không vi phạm pháp luật và đi kiện báo Tuổi Trẻ mà phải nhìn thẳng vào bản chất và tính trung thực trong kinh doanh của mình rồi từ đó quyết định có nên kiện báo Tuổi Trẻ hay không."

"Nếu Asanzo tự tin mình hoàn toàn trung thực trong kinh doanh và tuân thủ đúng quy định pháp luật và tinh thần của pháp luật thì nên kiện báo Tuổi Trẻ đến cùng."


https://ichef.bbci.co.uk/news/624/cpsprodpb/CB36/production/_108022025_20ce91f9-1283-4b1f-a553-e445f771ea6f.jpg

Ông Phạm Văn Tam, CEO Asanzo (áo đen) nói với BBC: "Là một doanh nghiệp, chúng tôi làm những gì pháp luật không cấm"
'Làm những gì pháp luật không cấm'

Hôm 25/7, trả lời BBC, ông Phạm Văn Tam, CEO Asanzo, nói:

"Chúng tôi đã nộp đơn kiện báo Tuổi Trẻ theo luật Báo chí vào hôm 25/7/2019 tại Tòa án Nhân dân quận 11, TP.Hồ Chí Minh, với yêu cầu giải quyết tranh chấp bồi thường ngoài hợp đồng."

"Về loạt bài của báo Tuổi Trẻ xoay quanh vụ việc này, tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi không làm giả xuất xứ hàng hóa. Chúng tôi làm chủ thiết kế TV, từ tính năng sản phẩm đến thiết kế bảng mạch và đặt hàng về lắp ráp chứ không phải chỉ ráp bốn mảnh linh kiện như mô tả của báo Tuổi Trẻ."

"Chúng tôi cũng chưa hề sử dụng logo "Hàng Việt Nam Chất lượng cao" trên sản phẩm điện tử của mình, do đó, mô tả Asanzo sử dụng logo này để củng cố cáo buộc giả xuất xứ là mang tính ác ý."

Ông Tam nói thêm: "Là một doanh nghiệp, chúng tôi làm những gì pháp luật không cấm. Sự trung thực trong kinh doanh phải căn cứ vào một tiêu chuẩn duy nhất là thượng tôn pháp luật."

"Chúng tôi không "bật" lại Tuổi Trẻ, mà chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Chúng tôi chờ đợi sự công tâm của các cơ quan chức năng và sự công bằng của hệ thống tư pháp."

"Asanzo là một doanh nghiệp nhỏ đang lớn, bắt đầu chuyển đổi mô hình sản xuất từ lắp ráp sang đầu tư sản xuất linh kiện; nhà máy mới đã lắp đặt máy móc phục vụ việc này."

Trước đó, bà Vũ Kim Hạnh, người khởi xướng chương trình Hàng Việt Nam Chất lượng cao, viết trên trang cá nhân:

"Huyền thoại" Asanzo lợi dụng danh hiệu Hàng Việt Nam Chất lượng cao lừa đảo người tiêu dùng, hay nâng lên một mức nữa , logo "Hàng Việt Nam Chất lượng cao" tiếp tay cho hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt và giúp chiếm thị phần khủng cho Asanzo trong vụ này là một sự tưởng tượng, bịa đặt đến trắng trợn. Dẫn đến hàng loạt bài với những cái tựa lấp lửng hỏi: Asanzo có phải là Hàng Việt Nam Chất lượng cao? Nhận danh hiệu Hàng Việt Nam Chất lượng cao thì phải trả bao nhiêu tiền?... kèm với bức tranh truyền đi một kết luận quá mạnh mẽ đã là "cảm hứng" cho bao nhiêu bài và tút buộc tội tàn độc khác... Tôi đồng tình với lập luận là nếu dựa trên pháp luật hiện nay thì Asanzo không vi phạm về xuất xứ hàng hóa."



BBC
28-7-2019