PDA

View Full Version : Nhiều hộ nghèo bị ‘xin’ tiền ‘uống nước’ từ tiền hỗ trợ COVID-19



duyanh
06-12-2020, 11:17 AM
Nhiều hộ nghèo bị ‘xin’ tiền ‘uống nước’ từ tiền hỗ trợ COVID-19



Nhiều hộ nghèo ở xã Ba Nang (huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị) sau khi nhận tiền từ gói hỗ trợ dịch COVID-19, bị cán bộ thôn “xin” 50.000 đồng/khẩu tiền uống nước và chia cho hộ khá hơn không được nhận.


https://trithucvn.net/wp-content/uploads/2020/06/nop-tien-can-bo-uong-nuoc.jpg

Hộ nghèo 9 nhân khẩu của anh Hồ Văn Lập và chị Hồ Thị Liên phải nộp lại 450.000 đồng cho công an thôn. (Ảnh: sggp.org.vn)

Báo Dân Việt ngày 12/6 đưa tin cho hay chi trả đợt một tiền hỗ trợ tại xã Ba Nang (ngày 28-29/5), 3 thôn Sa Trầm đã thu tiền 50.000 đồng/khẩu của 48 hộ dân, thôn Ra Poong thu tiền 47 hộ, thôn Ra Lây đã thu tiền của 6 hộ. Đây đều là các hộ nghèo nhận tiền hỗ trợ dịch COVID-19.

Thôn Sa Trầm đã trả lại 13,7 triệu đồng, thôn Ra Poong trả 2,35 triệu đồng, thôn Ra Lây trả lại 1,2 triệu đồng cho người dân, ông Hồ Văn My, Chủ tịch UBND xã Ba Nang cho biết.

Ngoài trả lại tiền, các trưởng thôn bị yêu cầu giải trình, kiểm điểm trước lãnh đạo xã. Ngày 11/6, huyện Đăkrông đã yêu cầu xã Ba Nang làm rõ sự việc, báo cáo với UBND huyện.

Theo bài đăng trên Dân Việt ngày 11/6, ông Hồ Văn Bảy, Trưởng thôn Sa Trầm thừa nhận mỗi nhân khẩu được nhận 750.000 đồng, sau đó, thu lại 50.000 đồng/khẩu. Lúc chi trả có cán bộ xã, thôn, công an…

Biên bản họp và danh sách hộ nghèo thôn Sa Trầm nộp tiền lại cho thôn ghi các hộ nghèo “đồng tình và tự nguyện” nộp tiền “cho ban quản lý thôn uống nước và các hộ không được tiền hỗ trợ”.

Một trong các hộ nghèo – gia đình ông Hồ Văn Lập (SN 1972, trú thôn Sa Trầm) cho hay trước hôm nhận tiền, thôn Sa Trầm họp dân rồi nói các hộ đóng 50.000 đồng/người để bồi dưỡng cán bộ thôn uống nước và chia cho các hộ khá giả hơn không được nhận tiền hỗ trợ.

“Thôn xin thì mình phải cho, phải đồng ý”, ông Lập nói. Ông Lập nhận 6,75 triệu đồng tiền hỗ trợ, rồi sang bàn bên cạnh nộp 450.000 đồng cho công an viên thôn.

Còn bà Hồ Thị Mèn (53 tuổi, trú thôn Ra Lây) nói chỉ muốn đưa 50.000 đồng cho cả gia đình 6 người, nhưng cán bộ thôn nói 50.000 đồng/khẩu nên phải đóng 300.000 đồng.

Dân “tự nguyện” hay cán bộ nhũng nhiễu?

Ông Hồ Văn My, Chủ tịch UBND xã Ba Nang cho biết: “Xã Ba Nang đã chi trả đợt 1 tiền hỗ trợ dịch Covid-19 cho 292 hộ nghèo, 1.685 người với số tiền gần 1,2 tỷ đồng. Trước khi cấp phát, xã yêu cầu cán bộ xã không nhũng nhiễu của dân…”

ĐBQH Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng giải thích dân “tự nguyện” trích lại 50.000 đồng/người khi nhận hỗ trợ là rất phi lý. “Theo tôi là có sự gợi ý trích lại để “uống nước” chứ làm gì có chuyện tự nguyện”, theo ông Hòa.

Ông Hòa cho rằng những người này rất khó khăn mới được hỗ trợ, cán bộ thôn lại thu tiền như thế thì không thể chấp nhận được. “Cho dù người dân có “tự nguyện” trích lại cũng không nên nhận”, ông Hòa nói.

Nguyễn Sơn (T/h)

duyanh
06-12-2020, 11:20 AM
Trâng tráo đòi “tiền uống nước” từ gói 62 nghìn tỷ là thách thức lương tâm, đạo đức con người và xã hội



Một nhà 8 miệng ăn được nhà nước hỗ trợ 6 triệu và “đóng góp” lại thôn 400.000 đồng. Lý do được các cán bộ thôn lý giải: “Bồi dưỡng cán bộ thôn uống nước và chia lại cho các hộ khá giả hơn không được nhận tiền hỗ trợ”.

Theo VnExpress, đến ngày 28/5, xã Ba Nang (Quảng Trị) chi trả tiền hỗ trợ Covid-19 đợt một tại nhà trưởng thôn Sa Trầm. Sau khi người dân nhận tiền từ cán bộ xã, thôn thu lại của 48/50 hộ nghèo, gồm 324 khẩu với số tiền 13,7 triệu (hiện do Trưởng thôn cầm tiền); hai hộ không đồng ý nộp tiền.

13,7 triệu đồng mà Trưởng thôn thu lại kia được thu lại từ mỗi nhân khẩu 50.000 đồng (trên tổng 750.000 đồng mỗi nhân khẩu nhận được hỗ trợ). Một nhà 8 miệng ăn được nhà nước hỗ trợ 6 triệu và “đóng góp” lại thôn 400.000 đồng. Lý do được các cán bộ thôn lý giải: “Bồi dưỡng cán bộ thôn uống nước và chia lại cho các hộ khá giả hơn không được nhận tiền hỗ trợ”.


https://tambao.net/wp-content/uploads/2020/06/d5e78e104c629fc81f62f0b3eb384151.jpg

Đa số hộ dân đều gật đầu chi cho xong vì cán bộ đã xin thì ai dám chống. Những hộ nghèo còn phải sống ở đó, phải làm đủ các loại giấy tờ thủ tục khi có việc. Và, họ còn đang là hộ nghèo dưới sự duyệt hay không của những người đang xin họ từng cắc lẻ tiền “uống nước” giữa cái nghèo bủa vây.

50.000 đồng thoạt nghe có vẻ không phải số tiền to tát. Nhưng hãy nhớ, đó là số tiền gia đình chị Kiều – nhân vật được Cuocsongantoan.vn phản ánh – có thể chi trả cho cả gia đình ăn trong 1 ngày. Và lúc này, khi dịch tạm qua, kinh tế chưa hồi phục hoàn toàn, số tiền này có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Mà hơn tất thảy, dù 1 xu, việc chi trả tiền trợ cấp của Chính phủ mà xin tiền “uống nước” là điều không thể chấp nhận được. Cán bộ thôn ở Ba Nang “khát nước” đến vậy sao? Không có một logic nào có thể giải thích được cái cụm từ tiền “uống nước” lấy lại từ đồng bào giữa những ngày khó khăn này.

Nó là trâng tráo, thách thức lương tâm con người và dư luận xã hội! Chưa hết, bí thư thôn giải thích vì thôn nghèo quá! Hộ nghèo và hộ không nghèo không khác biệt nhau nhiều. Nhiều hộ cũng nghèo nhưng phải rút để “đạt chỉ tiêu”. Và thôn chờ tiếp tiền từ đợt 2, hộ cận nghèo để thu thêm, rồi trang trải một thể.

Ông bí thư thôn giải thích rất nhiều về việc tương thân tương ái một cách bắt buộc của người dân. Song, cái vế thu tiền để cán bộ “uống nước” ông không nói.

Nhìn rộng ra, gói 62 nghìn tỷ đồng mà Chính phủ chủ trương là rất kịp thời, hợp bối cảnh, hợp lòng dân. Song, liên tiếp các biện pháp áp dụng đang có những kẽ hở hoặc bị cố tình bóp méo khiến tiền không đến tay người dân một cách đầy đủ. Cán bộ địa phương thì đang có nhiều quyền lực hơn lúc nào hết.

Còn nhớ “bổ đề” toán học: 27 hộ nghèo + 27 hộ nghèo của thôn Thành Thượng, xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Ở đây cán bộ đã gộp các hộ nghèo lại để đạt mục tiêu nông thôn mới. Đến lúc đi nhận tiền hỗ trợ Covid-19 dân mới ngã ngửa là không thể nhận được. Còn danh sách hộ cận nghèo lại “vô tình” lọt vào nhà “quan xã”.

Vẫn biết, những hiện tượng này chỉ mang tính đơn lẻ. Song, nếu không triệt tận gốc, xử mạnh tay các trường hợp xin tiền hỗ trợ hộ nghèo để “uống nước” thì sẽ khiến người dân khốn cùng và bức xúc hơn lúc nào hết.

Vì suy cho cùng, hỗ trợ tiền nhiều tiền ít chỉ là một phần. Cái phần quan trọng nhất là minh bạch, công bằng và liêm chính – những thứ Chính phủ đã thể hiện mạnh mẽ trong đại dịch – mới là điều cần tiếp tục gìn giữ khi dịch qua đi.



Bão Lửa