View Full Version : Hưng Mập Phiêu Lưu
giavui
06-20-2020, 04:23 PM
Hưng Mập Phiêu Lưu
Tác giả :Duyên Anh
https://metaisach.com/wp-content/uploads/2019/08/hung-map-phieu-luu.jpg
MỤC LỤC [−]
1. Nghĩ thua con dế mèn Hưng mập kiếm cớ phiêu lưu
2. Nhờ kẹt xe Hưng Mập kết bạn giang hồ học ca vọng cổ
3. Trổ võ bụng hát à gâu gâu Hưng mập chạy có cờ
4. Giữa đường gió bụi kết bạn với Bờm láu
5. Bờm láu hồi hương bỏ cuộc phiêu lưu, Tư đờn sợ biến thành con ve sầu
6. Đêm nằm ngủ gốc cây bên đường mới thấy thương những kẻ không một mái nhà
7. Đánh nhau với con ma trọc đầu và kết nghĩa giang hồ với các ông tướng chăn vịt
8. Dự tiệc cá lóc nướng trui với ngũ tướng chăn vịt, Tư đờn sợ háy biệt ly nhớ nhung từ đây
9. Bóng ma trên quốc lộ, ma đào lỗ chôn người, Sáu móm Tám lé sợ xỉu đi
10. Giã từ bụi đời trong cuộc chia ly đầy nước mắt
11. BẠT MẠNG
Cho các cháu Nguyễn Anh Hoàng,
Bùi Duy Linh, Bùi Duy Thiện
và cá Bống họ Hoàng
Chú
DUYÊN ANH
TỰA CỘT ĐÈN
Cách ngôn ta có câu Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Lại có câu Đi cho biết đó biết đây, Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn. Trong một bài tập đọc, khuyên nhủ học trò nên phiêu lưu, mạo hiểm, ông "tác giả" Nguyễn Bá Học cho rằng Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà chỉ khó vì lòng người ngại núi e sông. Người bạn của tôi, Hưng mập, dũng sĩ Phú Nhuận, nhất định, đã không khăn gói quả mướp lên đường để học một sàng khôn hay du sơn, du thủy như cái nhà ông ở bài "Chỗ quê hương là đẹp hơn cả" của cuốn Quốc văn Giáo khoa thư lớp dự bị do Trần Trọng Kim và Đỗ Thận soạn. Tôi cũng chả tin bạn Hưng mập của tôi chở cái thùng nước lèo trước bụng vì lời khuyên của Nguyễn Bá Học. Vậy cớ gì bạn tôi đáp lời sông núi, tang bồng hồ hải lấy trăng gió làm nhà, nước mây làm bạn?
Ấy là bởi bạn tôi rất phục con dế mèn và cuộc phiêu lưu bất hủ của nó. Dế mèn kia còn dám bỏ hang, phớt tỉnh những giọt nước mắt của mẹ già, khinh thường chú dế trủi an phận thủ thường, dấn thân trên đường đời gió bụi, học được một nghìn điều khôn ngoan. Há Hưng mập thua con dế mèn! Tôi xin nói rõ: bạn tội vừa phục con dế mèn vừa không tin những chuyện dế mèn ghi chép trong thiên bút ký của chú ta. Thói đời, đi xa về nhà nói khoá, dế mèn dám khoác lác những gian truân để khi về hang cũ, gục đầu trên đôi càng gầy của mẹ già mà nức nở: Má ơi, má, con thành người lớn rồi, con hết nóng nẩy, tự kiêu, phách lối và coi mình là nhất rồi, má ạ! Tin chi "cái con dế mèn suốt đểm trăng thu, hát sẩm không tiền nên nghèo xác xơ ... " Do đấy, Hưng mập đã phiêu lưu. Và khi bụi đường bám đầy đầu tóc, mặt mũi Hưng mập, bạn tôi bèn hồi hương, đóng cửa hai tháng viết thiên bút ký này. Tôi xem xong khen nhặng xì ngầu, khuyên bạn tôi nên gửi dự thi văn chương Nô-ben Ma-ní. Hưng mập lắc đầu. Bạn tôi chỉ muốn viết cho nhóc con đọc và yêu cầu tôi viết bài tựa... cột đèn. Tôi đã tựa vào cột đèn viết "áng" văn tựa này.
Nay tựa,
DZŨNG ĐAKAO
1. Nghĩ thua con dế mèn Hưng mập kiếm cớ phiêu lưu
Nếu ai đã đọc những cuốn Chương Còm, Bồn Lừa, Mơ thành người Quang Trung, Mặt trời nhỏ, Giặc Ô Kê hẳn đều biết tôi, tên nhóc con trở thành dũng sĩ Phú Nhuận nhờ cái bụng rắn chắc mà bạn bè nói đùa là thùng nước lèo. Chúng tôi chơi thân với cây tăm tre Việt Nam . Bạn chưa rõ cây tăm tre à? Me xừ Duyên Anh đí! Cây tăm tre đã đưa tôi ra khỏi cư xá Chu Mạnh Trinh dẫn tôi đến những vùng trời xa lạ hơn vùng trời Phú Nhuận. Nhờ đó tôi có tí ti ông cụ tên tuổi. Nhưng tôi hơi buồn khi nghĩ đến Dzũng ĐaKao, Chương còm, Bồn lừa. Với ba ông nhãi này Hưng mập tôi chỉ là tài tử khi chủ tướng hô "ba quân" thì "dạ dạ" rối rít!
Dzũng ĐaKao lên rừng đồi Ban Mê Thuột làm Gấu Rừng chiến thắng giặc khỉ, tiếng tăm vang dội buôn bản người Ra-đê. Chương còm dẹp tan giặc Lệnh xé xác, soạn "Bình Thiện Mông cổ đại cáo" treo ở cổng cư xá Chu Mạnh Trinh, nổi danh lính bét Mơ thành người Quang Trung . Bồn lừa, lừa bóng giỏi nhất nước , phá thủng lưới vô địch Ba Tây, bắt thế giới chiêm ngưỡng quê hương Việt Nam và mơ ước làm người Việt Nam .
Còn tôi, tôi chưa mấy rực rỡ trong ý nghĩ của me xừ Duyên Anh. Tôi không giận lão... tăm tre. Chỉ trách mình phì lũ! Đôi khi, cởi trần, gồng cái bụng tường đồng, đấm binh binh, tôi cũng hơi hơi hãnh diện chứ bộ! Bụng mình, trừ cái mẹo của con nhà Chương còm, đừng hòng anh nào dám thử trái đấm. Ông anh tôi thường khích lệ tôi rằng: "Nếu mơ ước trúng số, hãy mơ ước trúng số độc đắc. Nếu thấy một người tài ba, chớ mong mỏi bằng họ , mà đinh ninh mình sẽ tài ba hơn họ." Tôi khoái câu này lắm. Vào mùa mưa, bọn nhóc ưa xé giấy xếp thuyền thả xuống dòng nước cống rãnh. Tôi đã ba hoa con chích choè :"Ông sẽ chế cái tàu bự chạy bằng dầu hôi thả trên sông Sàigòn". Bọn nhóc nói tôi nói dóc. Tôi rất ghét nói dóc. Khổ nổi, mình mơ ước điều gì không giống điều ước mơ của người khác là mình mắc tội nói dóc. Tôi chưa hề chê ai nói dóc cả. Muốn được người tin mình, mình phải tin người . Cách ngôn dạy: Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân , thầy tôi giải nghĩa là, điều gì mình không thích thì đừng làm cho người khác. Mình không thích bị chê nói dóc, vậy chẳng nở chê ai nói dóc... .
Tôi chỉ chê ... . con dế mèn của ông Tô Hoài thôi. Nó đã bắt má nó chống gậy tựa cổng hang, khóc ròng rã, mỏi mòn con mắt nhìn về phía trời xa, trông đợi ngày hồi hương của chuyến phiêu lưu vô định. Dế mèn đã về. Các chị dế trũi, các em dế cơm, các võ sĩ dế than đón tiếp nó rất nồng nhiệt. Một em dế cơm hoa hậu ỏn ẻn hỏi dế mèn:
- Anh dế mèn ơi, anh du sơn du thủy đã nhiều. Làm ơn cho em biết nơi nào đẹp nhất?
Dế mèn cảm khái:
- Em cơm thân mến, cảnh đẹp anh ngắm đã no mắt nhưng anh biết có một nơi đẹp hơn tất cả...
Hoa hậu dế cơm nũng nịu:
- Nơi nào?
Khách giang hồ dế mèn đáp:
- Nơi nầy, quê hương ta đây, cái hang của anh, cái hang của em và những cái hang dế của loại dế nhạc sĩ chúng ta. Muốn biết cảnh đẹp anh đã ngắm nó đẹp ra sao, đón coi thiên bút ký của anh sẽ xuất bản.
Và dế mèn sau khi gục đầu trên đôi càng gầy của thân mẫu, xin má tha lỗi cái tôi đã bỏ má hiu quạnh nơi quê nhà, thì đóng cửa hang , nhịn ăn bốn tháng, sáu ngày, bẩy giờ, hai mươi phút , mười giây, viết một mạch xong thiên bút ký bất hủ nhan đề Dế Mèn Phiêu Lưu Ký. Ôi, mường tượng một buổi nắng vàng mơ chín, gã lãng tư dế mèn, ba lô trên vai, đứng giữa cái lá trang, xuôi dòng nước phiêu lưu, tôi thèm nhỏ rãi, thèm đến không ăn được cơn. Như anh thổi kèn đám ma không thổi được kèn nếu anh ta đang thổi kèn mà trông thấy ai ăn khế chua, xí muội! Tôi ngưỡng mộ dế mèn. Nó dám bỏ nhà ra đi, hai bàn tay trắng, và trở về với một túi khôn đáng giá mười năm đèn sách. Dế mèn còn có thể quay cổ lại nhìn rõ cái túi dại lũng lẵng sau lưng mình 1. Nhưng như tôi đã nói , tôi nghi ngờ Dế mèn nói dóc tổ. Chẳng lẽ ngoài ngưỡng cửa nhà mình , toàn những chuyện bất hạnh cả hay sao? Có lẽ tôi cần làm một chuyến phiêu lưu. Cứ nay Phú Nhuận, mai Đakao, bạn bè quanh quẩn chỉ Dzũng Đakao, Chương còm, Bồn lừa, Tiến gầy, Báu tổ, Ngân quăn, Phong lùn, Long cải lương, mãi cũng chán.
Dế mèn phiêu lưu mới biết trời đất rộng bao la. Trời đất còn có xén tóc, bói cá, bọ ngựa lạ lùng và ghê gớm và nếu dế trũi bắt gặp , cu cậu còn ớn gấp ngàn lần. Tôi muốn gặp những ông nhóc ở những chân trời xa lạ. Như Dzũng Đakao đã gặp Dũng sĩ Ban Mê Thuột Y kut, Y Pàm. Tôi cần phiêu lưu. Ở nhà với mẹ nào khác chi con nít bỏ sữa mà vẫn ngậm núm vú nút chùn chụt. Bây giờ đang nghỉ hè. Nghỉ hè rất sung sướng. Tôi đã học bài Học Thuộc Lòng của Xuân Tâm:
Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết
Đàn chim non hớn hở rủ nhau về
Chín mươi ngày nhẩy nhót ở đồng quê
Ôi, tất cả mùa xuân trong mùa hạ
Mùa Xuân không có trong mùa Hạ của nhiều học trò Sàigòn. Tôi thí dụ ngôi trường tư của tôi. Hôm trước uống xá-xị con cọp, ăn bánh bông lan hát bản "Giờ đây anh em chúng ta cùng nhau ra về lòng buồn man mác. Cách xa nhưng ta hằng mong rồi đây có ngày, mình còn gặp nhau... .". Ối giời ơi, mấy đứa bạn tôi sắm cuốn vở dày cộm, vẽ bướm, vẽ hoa, dán ảnh, bắt tôi viết đôi dòng lưu niệm mùa hè. Tưởng mình đi xa tít tắp bên Tây, bên Tàu. Hoặc ba tháng sau mới gặp gỡ... Buồn cười thấy mồ đi ấy... .Hôm sau đã gặp đủ mặt, ngay tại gian lớp cũ, ngôi trường quen thuộc. Chúng tôi học hè. Trường tư nghỉ hè chừng tuần lễ là lâu nhất. Nghỉ hè, đối với học trò trường tư, chẳng còn ý nghĩa gì hết. Vậy mà nếu thầy ra bài luận "Kỳ nghỉ hè vừa qua trò đã nghỉ mát ở miền biển hay miền núi, hãy kể lại và cho cảm tưởng." chắc chắn tôi sẽ gắng sức làm được!
Tôi nhớ như in, bài tập đọc Nghỉ Hè trong cuốn Quốc văn giáo khoa thư lớp Dự bị . Nhìn bức tranh vẽ ngôi trường cửa đóng kín mít, buồn ghê ghê là. Bài tập đọc nói rằng sau chín tháng học tập mệt mỏi, ba tháng hè giúp người học trò nghĩ ngơi, tĩnh dưỡng. Nhưng người học trò chăm chỉ vẫn cần ôn bài vở để năm học tới khỏi thua kém bạn bè. Cũng trong cuốn Quốc văn giáo khoa thư lớp Dự bị, còn có bài Chơi đùa không phải là vô ích . Cậu Tí siêng học vô cùng. Giờ ra chơi, bạn bè đánh vòng, đánh bi, nhảy dây, chơi bịt mắt bắt dê, tươi cười hồn nhiên, thì Tí ta lại kiếm gốc cây, lôi sách ra học. Thầy gọi Tí đến, khuyên Tí nên chơi đùa trong giờ ra chơi. Nếu học hoài, trí óc sẽ mệt mỏi, và sinh bệnh tật . Chơi đùa là thuốc bổ óc chứ không phải vô ích lợi. Ba tháng hè mà bắt học tư, tôi tưởng chừng tiếng ve rền rĩ và màu đỏ thắm của hoa phượng mất mát vô khối kỷ niệm.
Nhất định tôi không học hè. Vì tôi học đỡ đỡ, cuối năm ẵm phần thưởng hạng bình thôi! Mỗi ngày ôn bài độ một tiếng đồng hồ là đủ sức ganh đua với bạn bè năm học tới. Chơi đùa khác với chơi bời lêu lổng . Thằng Bính ở bài tập đọc đầu của cuốn Quốc văn giáo khoa thư lớp dự bị, trốn học đi đánh đáo, đánh vòng ở ngoài đường mới là thằng học trò lêu lổng. Tôi không chơi với những thằng bạn lêu lổng. Sách đã dạy:
Thói thường gần mực thì đen
Anh em bạn hữu phải nên chọn người
Những người lêu lổng chơi bời
Cùng là lười biếng ta thời tránh xa.
Bạn thân của tôi như Dzũng Đakao, Chương còm, Bồn lừa, Tiến gầy ... .đều giống như anh Cần ở bài tập đọc trong cuốn Quốc văn giáo khoa thư lớp đồng ấu:
"Anh Cần là người học trò dễ dạy. Anh đi học đúng giờ. Trong lớp anh không nói chuyện.Thầy dặn học thuộc bài nào, anh học thuộc bài đó. Thầy bào làm bài nào, anh làm đúng bài đó. Anh kính thầy, nhường bạn. Bạn bè thiếu cái gì, anh cho mượn cái ấy. Nên thầy và bạn đều thương mến anh... "
Tôi không được học mấy cuốn Quốc văn giáo khoa thư. Chương còm cho tôi mượn đọc. Tôi thích lắm . Nhiều bài học thuộc lòng ngắn ỉn, coi một lần là thuộc. Và thuộc là áp dụng ngay:
Gọi vâng bảo dạ con ơi
Vâng lời sau trước con thời chớ quên
Công cha nghĩa mẹ khôn đền
Vào thưa ra gửi mới nên con người
Tôi khoái bài ông Tử Lộ đội gạo nuôi mẹ. Tôi muốn bố mẹ tôi sống mãi. Thỉnh thoảng, nhổ tóc sâu dùm bố tôi, thấy mái tóc bố tôi bạc phơ như tuyết, tôi đã ước biến thành con kiến lửa, rủ cả họ hàng kiến lửa, đem lửa lên mái tóc của bố tôi, đốt cho tuyết trắng tan rã để mái tóc bố tôi lại đen thẫm.
À, tôi dông dài quá xá! Chỉ tại mùa hè này tôi thèm một chuyến phiêu lưu tuyệt cú mèo, y hệt chuyến phiêu lưu của con Dế mèn. Ai đã đọc cuốn Chương còm , cuốn sách viết từ khuya, mới xuất bản, cuốn sách giới thiệu tôi và cái bụng của tôi, cuốn sách phong tôi làm dũng sĩ Phú Nhuận, hẳn đã biết sơ qua gia đình tôi. Bố tôi buôn bán mãi tận Cái Dầu, gần Châu Đốc. Muốn đi tới đó, phải ra bến xe đò lục tỉnh đường Pétrus Ký, Sàigòn, kiếm xe Sàigòn - Châu Đốc mua vé mà đi. Xe đò sẽ chạy qua cầu Bến Lức, cầu Tân An, ngã ba Trung Lương, bắc Mỹ Thuận, tỉnh Sa Đéc , quận Lấp Vò, bắc Vàm Cống, tỉnh Long Xuyên, bến đò Lăng Gù. Đã nhiều lần tôi ngồi trên xe đò ngắm cảnh đẹp chạy ngược. Tôi thường đi với mẹ tôi hay anh tôi. Lần này tôi muốn đi một mình. Phiêu lưu mà! Tôi muốn bố tôi ngạc nhiên. Tôi cần kiếm một cái cớ ra đi. Thì có liền cái cớ.
Hôm ấy anh chị tôi vắng nhà. Mẹ tôi bận bán hàng ở chợ Tân Định. Tôi được giao công việc giữ nhà và trông một thằng cháu. Ông nhãi qua nhà nhóc con Hải, xin ổi xanh chấm muối ăn. Nó ăn hơi nhiều nên cái bụng chương phềnh . Chấm muối mặn, cu cậu uống cả chai nước lọc. Buổi trưa, cu cậu chê cơm, nằm ngữa tênh hênh, thở hổn hển và rên rỉ. Anh chị tôi hạch tội tôi. Bà chị dâu của tôi diếc móc tôi nặng lời. Mẹ tôi còn chả nỡ mắng tôi quá ba câu, nữa là. Tôi, Hưng mập, đứa con út ít đâm ra tủi thân. Và, một phút chợt nhớ hình ảnh con dế mèn, ba-lô trên vai, đứng giữa cái lá trang, xuôi dòng nước , tôi đã vào buồng lôi hết sách trong cặp ra, nhét vôi hai bộ quần áo, đội lên đầu cái mũ lưỡi trai, chạy sang nhà nhóc con Hải dặn dò:"Mẹ tao có hỏi, mày bảo tao xuống Cái Dầu ở với bố tao nhé! Chị tao hắt hủi tao mày ơi!" Lúc đó tôi rươm rướm nước mắt. Nhóc con Hải gật đầu. Tôi vội cười:
- Ông đi phiêu lưu!
Nhóc con Hải hỏi:
- Em đi với nhé!
Tôi lắc đầu, bĩu môi:
- Mày ở nhà bú tí mẹ!
Và tôi chia tay nhóc con Hải, băng ra ngõ tắt, đi ngược đường Võ Di Nguy lên Sàigòn. Tôi đi thật nhanh. Đến Cầu Kiệu, nghe tiếng "ấm ứ" quen thuộc. Ngoảnh lại mới hay, dũng sĩ Tô Tô đòi phiêu lưu với mình. Ngang chợ Tân Định, tôi tạt vào kiếm mẹ tôi, giả đò xin tiền coi chiếu bóng. Mẹ tôi không có tiền lẻ, đưa tấm giấy năm trăm, bảo tôi về trả lại.
Thế là hơn con Dế mèn, Hưng mập phiêu lưu có tiền đáp xe đò.
--------------------------------
1 Trong bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine, nhan đề La Besace, đại ý nói rằng, người ta thường chỉ nhìn rõ điều xấu của người khác mà không nhìn rõ điều xấu của mình.
giavui
06-20-2020, 04:23 PM
Nhờ kẹt xe Hưng mập kết bạn giang hồ học ca vọng cổ
Xe đò đến cầu Tân An thì dừng lại. Máy xe chạy xình xịch độ nửa tiếng. Rồi tắt ngóm. Người tài xế mở cửa, bước xuống, chửi thề tùm lum.
- Kẹt còn lâu.
- Sửa cầu. hả?
- Cầu ngon vậy sao hư?
- Bị nổ chi đó.
Anh lơ xe đứng dưới đường, chui đầu vô cửa xe:
- Cô bác xuống ăn quà, đi tiểu, dạo quanh quẩn một lát cho đỡ ê cẳng.
Hành khách trên xe xuống hết, trừ người nào bồng con nhỏ. Tôi vuốt ve Tô Tô:
- Tao muốn về quá, mày ơi!
Tô Tô vẫy đuôi lia lịa . Nó mon men ra cửa, nhảy xuống. Ý nó muốn rủ tôi. Và tôi đành theo nó. Buổi chiều, nắng cháy da thịt.Sắp sửa tối khi nắng dịu bớt . Hàng trăm chiếc xe nối đuôi nhau. Thỉnh thoảng có những phát súng chỉ thiên lẹt đẹt. Xe bên kia cầu chưa qua. Chắc bên ấy xe cũng nối đuôi nhau. Tôi và Tô Tô thả dài sang bên kia đường . Những người bán dứa, bán mận, bán bánh mì, bán nước đá tíu tít mời khách. Văng vẳng tiếng đàn vọng cổ và giọng hát con nít ca. Rồi bặt tiếng đàn. Và tôi nghe tiếng chửi lộn. Xoay lưng tôi gặp một thằng nhóc đang đánh một thằng nhóc lớn hơn nó. Thằng nhóc lớn cứ lùi. Miệng nó cười toe toét. Thằng nhóc bé tha hồ đấm gió, chửi láo. Đấm mãi không trúng, thằng nhóc bé lượm vỏ dứa ném thằng nhóc lớn .Ném trúng nó mới chịu thôi. Thấy lạ, tôi níu thằng nhóc lớn, hỏi:
- Em mày đấy à?
- Không!
- Không phải em mày sao nó đánh, nó chửi mày, mày chịu thua?
- À, nó nhỏ hơn tao.
- Mày sợ nó thì có!
- Rỡn mày. Tao đá một cái nó té nhào. Mà đá xong, nó đau, nó khóc, tao thấy thương nó. Lớn bắt nạt bé đâu có ngon!
- Mày thua?
- Ừa, thua hoài. Thằng nào nhỏ hơn tao là tao thua.
- Còn thằng lớn?
- Như mày chửi tao, tao đánh lại liền.
- Mày hay quá hé!
Thằng nhóc nhìn tôi trừng trừng. Nó chú ý cái bụng của tôi. Nó liếm mép:
- Phì lũ, mày ở đâu tới đây?
Tôi cười:
- Tao đi Cái Dầu, tới đây xe bị kẹt. Mày là thằng bé đại lượng. Tao khoái chơi với mày. Giá mày ở gần nhà tao, chúng mình là bạn. Tên tao là Hưng mập. Mày gọi là phì lũ, tao cũng không giận.
Thằng nhóc nháy mắt:
- Mày đi với ai?
Tôi chỉ dũng sĩ Tô Tô:
- Với bạn tao đây.
Thằng nhóc cười thích thú:
- Bạn mày là chó à?
Tôi gật đầu. Thằng nhóc nói:
- Xe dám kẹt cả đêm lắm à... Tao đờn dạo kiếm ăn, mày lại coi tao đờn không ?
Tôi hỏi:
- Tên mày kêu chi?
Thằng nhóc trả lời:
- Tư. Tao đờn nên tụi nó kêu tao là Tư đờn. Tên xấu ỉn.
Tôi đưa tay lên vai Tư đờn:
- Tên mày nghe mùi như Út Trà Ôn ca cải lương ấy!
Tư đờn tưởng đã thân tôi, nhéo tôi một cái. Tôi xách cặp áo quần, theo Tư đờn đến chỗ của nó. Tư đờn bảo tôi ngồi. Nó ôm cây đàn vọng cổ tức cây ghi-ta năm dây phím trũng . Tư đờn cầm miếng móng, khẩy một khúc vui đáo để. Nó nói:
- Thủ phong nguyệt đó, mày!
Tôi gạ:
- Mày có thể dạy tao đờn được không ?
Nó hãnh diện:
- Dư sức.
Đoạn đường phiêu lưu của tôi tính ra thì từ Phú Nhuận đến Cái Dầu. Đoạn đường sẽ êm ả nếu xe không kẹt ở cầu Tân An. Xe đổ tôi xuống Cái Dầu, tôi sẽ chạy nhanh vô tiệm của bố tôi, sụt sùi khóc. Bố tôi sẽ ôm tôi,vuốt ve, an ủi, hứa về Sàigòn mắng chị dâu tôi. Thế là hết. Và cuộc phiêu lưu tẻ nhạt như ăn bánh cuốn không chấm nước mắm. Có gặp trắc trở mình mới tìm được điều hay. Nhờ kẹt xe tôi mới gặp Tư đờn, mới biết nó là thằng bé đại lượng. Tôi học Tư đờn một điều: Với những đứa nhỏ bé hơn ta , ta nên nhường nhịn, coi như em ta. Tư đờn có tâm hồn cao thượng đấy. Những kẻ có tâm hồn cao thượng, dù giàu sang hay nghèo nàn, cũng đáng để ta học hỏi và kính phúc...
- Nè, phì lũ...
- Gì?
- Nếu kẹt xe cả đêm, mày về nhà tao ngủ nghe.
- Ba má mày rầy thì sao?
- Tao không còn ba má. Tao mồ côi mà, mày. Đờn ca kiếm cơm ăn. Nhà tao là túp lều. Hai thằng mình ngủ vừa. Ông bạn chó của mày nằm dưới chân. Tối nay tụi mình ăn bánh tét. Đêm đói, tao dậy nấu cháo trắng . Cháo trắng ăn với hột vịt muối, số dzách.
- Chắc kẹt xe cả đêm không ?
- Ông cầu kẹt luôn.
- Vậy là mày khoái tao ở lại với mày, hả?
- Cơm đâu nuôi tao?
- Đờn ca lại rai.
- Tao ăn nhiều lắm.
- Tao nhịn cho mày ăn.
Tôi vỗ vai Tư đờn:
- Mày thương tao hả?
Tư đờn chớp mắt:
- Phì lũ, mày dễ thương quá trời!
Nó nắm chặt cổ tay tôi:
- Về nhà tao nhé!
Tôi gật đầu không suy nghĩ. Tư đờn đứng dậy, máng sợi dây buộc cây đàn lên vai. Nó đi trước, vẫy tay bảo tôi theo nó. Dzũng sĩ Tô Tô đi sau rốt. Chúng tôi men theo bờ ruộng một thôi dài thì đến căn nhà của Tư đờn. Nó nói đúng. Đây là túp lều kín đáo. Tư đờn đẩy cái phên kết bằng lá làm cửa, chui vào. Bấy giờ nắng đã tắt . Gió đồng thổi mạnh khiến tôi lành lạnh. Trời xám dần tựa hô màu tro. Tôi đâm ra nhớ nhà kinh khủng. Tư đờn đã thò đầu khỏi tổ ấm của nó. Nó hỏi tôi:
- Phì lũ, chắc nhà mày giàu lắm hén?
Tôi kéo cổ áo trùm kín gáy cho bớt lạnh:
- Nhà tao nhỏ xíu à... .Mày đã về Sàigòn lần nào chưa?
Tư đờn bước hẳn ra ngoài:
- Chưa.
Nó kéo tôi vào trong túp lều. Tư đờn quẹt diêm châm cây đèn Hoa Kỳ. Nhờ ánh sáng, tôi có thẻ quan sát tường tận căn nhà của một thằng bé mồ côi. Bốn bức phên lá thay tường ván, Tư đờn dùng những thanh tre mỏng, dài nẹp đầy hình kép hát cải lương. Toàn hình Hùng Cường, Thanh Tú, Hữu Phước, Út Hiền...
- Mày mê kép hát ghê đi ta ơi!
- Hề hề... Sẽ có ngày tao hát ở Sàigòn. Mày biết chuyện Út Trà Ôn không ?
- Không.
- Hồi nhỏ bằng tao, Út Trà Ôn ca thua tao. Một hôm có ông bầu cải lương ghé quán uống nước, Út Trà Ôn mon men tới ca chơi. Ông bầu cải lương khen hay. Ổng đưa Út Trà Ôn theo gánh hát, rồi Út Trà Ôn nổi danh.
- Mày mong gặp một ông bầu hả?
- Ừa,. Gặp ông bầu giúp đỡ tao sẽ thành kép hát. Đêm nào tao cũng vái trời.
Tư đờn rút một nén hương, châm trên ngọn đèn. Nó cắm đại gần chân phên tường, vái lia lịa. Tôi không dám cười. Tư đờn nói:
- Tao ước hoài hủy mà mãi chẳng được cái gì.
Tôi an ủi nó:
- Ước nữa đi.
Tư đờn ngó tôi, buồn buồn:
- Mai mày xuống Cái Dầu, hết đứa nói chuyện với tao. Tụi nó ngạo tao không à...
Tôi không hỏi ba má Tư đờn chết bệnh hay nó từ viện mồ côi trốn ra. Tư đờn nói năng tử tế, không chửi thề . Chắc chắn nó thiếu bạn. Phải chi Tư đờn gần gũi Bồn lừa . Thằng này luôn luôn mơ ước lớn lên đá bóng giỏi, hạ tất cả các đội bóng tròn thế giới. Tư đờn mơ ước trở thành kép hát nổi tiếng để thoát cảnh sống hèn mọn của nó.
- Này, Tư đờn...
- Chi vậy?
- Tao có hỏi tầm bậy, mày đừng có buồn nhé!
- Hơi đâu buồn, phì lũ!
- Ba má mày chết bệnh hả?
- Hai bên bắn nhau, ba má tao bị đạn lạc. Nhà tao ở tít tắp trong kia. Giờ cháy rụi rồi, tao mò ra đây.
- Mày có nhớ ba má mày không ?
- Tao khóc hoài.
Tôi chợt nhớ Tư giải phóng, Năm xà lỏn, Ba AK và những giọt nước mắt của mấy ông nhãi này trong xóm nhà Bồn lừa đạn nổ dạo nào...
- Tư đờn!
- Chi ?
- Mày sẽ nổi tiếng hơn Hùng Cường.
Đôi mắt Tư đờn sáng rực. Nó ôm chặt lấy tôi:
- Phì lũ, tao muốn mày ở đây với tao.
Một lát nó buông tôi ra:
- Tao chiên lạp xưởng, ăn bánh tét nhé!
Tôi xua tay:
- Tao không đói.
Tư đờn trỏ dũng sĩ Tô Tô:
- Bạn mày chắc đói.
Nó lấy miếng lạp xưởng đưa tận miệng Tô Tô. Và nằm ngữa, duỗi chân dài trên manh chiếu trải trên lớp lá dầy.
- Phì lũ... .
- Gì?
- Trước tao ăn xin hành khách xe đò mày ạ! Ăn xin mắc cở quá, tao xoay qua nghề bán nước đá xi-rô giùm mụ Bảy. Bán ế, mụ la tao, uýnh tao. Tao cuốn gói xuống Bến Lức theo ông già mù đờn dạo. Tao dắt ổng đến sát xe đò hát. Ổng dạy tao vài bài ca, vài bản đờn. Rồi ổng chết , tao xài cây đờn của ổng, về đây đờn dạo. Nè, phì lũ...
- Gì?
- Chả ai nói tao sẽ nổi tiếng hơn Hùng Cường. Tụi nhỏ biểu tao ca như chó sủa. Có mỗi mày nói tao sẽ ca hay. Mày nói thiệt hay xạo?
- Thiệt.
- Ước gì mày ở với tao nhỉ!
Tư đờn đã ngồi dậy. Nghĩ sao nó chui khỏi lều . Rồi vô:
- Xe còn kẹt dữ. Mày ngủ đi, phì lũ. Lúc nào hết kẹt tao đánh thức.
Tôi cũng bước ra ngoài. Trời đã tối hẳn. Đèn trên cầu Tân An bật sáng. Và xe đò, xe du lịch, xe nhà binh, xe vận tải vẫn tắt máy nối đuôi nhau. Tư đờn vỗ vai tôi:
- Vô ngủ chứ, phì lũ!
Tôi nghe lời nó. Hai chúng tôi nằm bên nhau. Tôi nghĩ nhiều về Tư đờn. Nó bằng tuổi tôi và dám sống đời sống tự lập. Tư đờn biết chê bỏ nghề ăn xin. Làm gì có nghề ăn xin nhỉ? Như vậy Tư đờn chả bao giờ thèm ăn cắp . Nó là đứa lương thiện. Tôi thấy thua xa Tư đòn. Tôi mà mồ côi giống nó, chắc chỉ còn nước đi ở đợ.
- Phì lũ!
- Tên tao là Hưng mập.
- Biết rồi, phì lũ!
- Gì?
- Tại sao mày đi một mình?
Tôi lấy le với Tư đờn:
- Tao phiêu lưu mà, mày!
Tư đờn gác chân lên đùi tôi:
- Tự ý mày đi phiêu lưu à?
Tôi dốc bầu tâm sự:
- Bãi trường buồn quá, tao trốn nhà di đây, đi đó. Tính xuống Cái Dầu gặp bố tao. Nếu mày khoái, tao ở lại học vài câu... vọng cổ.
Tư đờn ngồi nhổm dậy. Nó níu tay tôi:
- Thật hả?
Tôi nói:
- Để tao ngủ. Hết kẹt xe mày đừng gọi tao. Tao muốn phiêu lưu với mày. Ông thích tay đờn miệng ca bài Thủ Phong Nguyệt.
Đêm ấy, đêm đầu tiên xa nhà, tôi ngủ một giấc ngon lành trong túp lều của Tư đờn. Gần sáng, thức giấc tôi ngạc nhiên tôi thấy tấm mền mỏng đắp kin mình tôi.Và Tư đờn đang lui cui nấu cháo. Tôi cựa quậy . Tư đờn ngoảnh lại:
- Mày lạnh không ?
- Ấm quá.
- Lát ăn cháo với hột vịt muối . Ngủ nữa đi, phì lũ.
Ngoài ngưỡng cửa nhà mình, không phải đầy dẫy gian truân. Con Dế mèn đã phịa. Quê hương tôi chan chứa tình người . Ai dám tin Tư đờn đã thương yêu một nhóc con xa lạ là tôi. Khi về Sàigòn, tôi kể chuyện Tư đờn, chắc bọn thằng Dzũng Đakao, Chương còm, Bồn lừa sẽ cảm động lắm đây.
- Ê, Tư đờn..Bữa nay mày dạy tao đánh đàn nhé!
Tư đờn toét miệng cười, tay cầm cái muỗng, ngoày nồi cháo lia lịa
giavui
06-20-2020, 04:24 PM
3. Trổ võ bụng và hát à gâu gâu Hưng mập chạy có cờ
Tôi đưa Tư đờn đi xa túp lều của nó, xa chân cầu Tân An như tôi đã được đi xa khỏi vùng trời Phú Nhuận. Chúng tôi trở thành đôi bạn giang hồ. Năm ngoái, đọc truyện Phiêu lưu trên sông 1, tôi thấy hai ông nhãi Tom Sawyer và Huckleberry Finn có vẻ khoái nhau lắm. Nhưng hai đứa không biết chơi những trò lừng lẫy như Bồn lừa, Chương còm, Dzũng Đakao... Vậy mà thế giới ca ngợi con nhà Tom Sawyer hết lời.Thế giới đâu hiểu rằng ở cư xá Chu Mạnh Trinh, chúng tôi coi Mỹ nhô John, Jack, Jimmy, Bill như mỡ tép, Câu cóc, bọn thằng Jack, Bill, John, Jimmy, chả biết câu thế nào. Bắt ruồi cho cóc ăn, nhô Mỹ còn phải học Chương còm nữa là... .Bị Chương còm doạ con cóc là "ăng cưn" của ông trời , các con ông cụ sợ hãi mới buồn cườì chứ.Ngay cả thằng Tom Sawyer sang Việt Nam , Dzũng Đakao cũng qua mặt nó. Tom Sawyer không thể hơn tôi. Vì tôi có cái bụng bọc sắt. Và thằng Jack đã đấm thử, đã sưng vù tay. Tom Sawyer nếu đấm thử , sẽ bắt dì nó xoa bóp bàn tay giùm nó bằng dầu chỗi Hoa Kỳ! Huckleberry Finn thì thua Tư đờn chắc quá rồi . Nó không thể tay đàn miệng ca vọng cổ. Và không thể sống một mình trong túp lều giữa đồng không mông quạnh. Nó sẽ chết vì sợ ma hay chết đói. Tôi nhất định chẳng phục nhô con Mỹ, Tây, Tàu... Nhô con nước tôi vô địch thế giới. Đấy, hãy tìm lịch sử nước Mỹ xem có nhô con nào anh hùng bằng một phần tư nhô con Trần Quốc Toản? Tôi rất hãnh diện làm người Việt Nam .
Thầy tôi dạy Việt sử, đến bài "Phá cường địch, báo hoàng ân" thuật chuyện nhô con Trần Quốc Toản bị người lớn đuổi ra chỗ khác chơi, không cho nghe bàn việc chống giặc xâm lăng, cáu sường, nghiến răng ken két. Mẹ cho trái cam cầm trong tay chưa kịp ăn , giận mình là... . nhô con bóp nát trái cam. Rồi về kiếm vải may cờ, thêu 6 chữ "Phá cường địch, báo hoàng ân" , mộ quân đi đuổi giặc. Đạo quân nhô con do chủ tướng Trần Quốc Toản đã chiến thắng giặc Nguyên. Tôi nhớ mãi bài quốc sử. Hễ nhớ là tôi mường tượng lá cờ "Phá cường địch, báo hoàng ân" bay theo gió cùng những tiếng reo hò. Lá cờ ấy vẫn phất phới bay trong hồn tôi. Và những tiếng reo hò văng vẳng đâu đây. Tôi hãnh diện làm người Việt Nam . Bởi nước Việt Nam tôi có Phù Đổng Thiên Vương, có Đinh Bộ Lĩnh, có Trần Quốc Toản... Nước Mỹ làm gì có nhô con biết chơi lịch sử? Nước Mỹ chỉ có nhô con chơi trò cao bồi bắt nạt mọi da đỏ, mọi da đen.
Tư đờn, tôi yêu nó quá đi thôi ! Vai đeo cái đàn ghi-ta năm dây phím trũng, đầu đội chiếc mũ lính Tân Tây Lan, chân mang đôi dép Nhật, nó bước những bước dài. Tôi đi cạnh nó. Dũng sĩ Tô Tô khi thì phóng nhanh phía trước, lúc lại thụt lùi phía sau. Chúng tôi qua cầu Tân An, vào thị xã. Thị xã Tân Anh nhỏ bé... Sự náo nhiệt của phố xá cộng lại , vẫn thua con đường Võ Di Nguy-Phú Nhuận. Tôi bàn với Tư Đờn là đến các cổng trường tiểu học đàn ca. Như thế vừa được phiêu lưu, vừa được biết nhiều nơi, vừa có hy vọng gặp một ông bầu cải lương. Tư đờn khoái trở thành kép hát . Nó bằng lòng liền tù tì.
Chúng tôi ăn lót dạ mỗi đứa khúc bánh mì dài. Tư đờn gạ tôi ăn hủ tíu. Nó bảo hủ tíu trộn thêm đĩa xíu mại, ngon tuyệt vời. Tôi lắc đầu. Rồi kể chuyện ngụ ngôn "Ve sầu và kiến" cho nó nghe. Tư đờn học hành "lai rai" như nó khoe tôi nên nó ham biết những gì tôi đã học ở trường thuật lại . Tự nhiên tôi thương những không được đi học. Không được đến trường học hành thì thiệt thòi đủ thứ. Lớn lên, chả có chút xíu kỷ niệm về ngôi trường , gian lớp , bạn bè, thầy cô. Và khó mà hãnh diện nước mình có Trần Quốc Toản . Tư đờn chỉ dám mơ ước nổi tiếng như kép hát Hùng Cường. Nó thiếu mơ ước cơ hồ nỗi ước mơ của Bồn lừa, Chương còm... Tội nghiệp nó!
- Nè, phì lũ!
- Đã nhắc hoài, cóc nghe gì cả. Tao là Hưng mập.
- Ừa, phì lũ.
- Hưng mập
- Phì lũ.
- Thì phì lũ, cái gì?
- Thiệt tình con ve sầu ca hát tối ngày, không lo làm ăn à?
- Ừ.
- Thiệt tình con kiến ngạo nó, không cho vay gạo à?
- Ừ.
- Tao thù loài kiến quá xá. Nó kẹo ghê hé, phì lũ.? Tao mà là con kiến, tao mời con ve sầu ăn cơm... .Ông bao ăn hoài hủy.
- Đừng nói mạnh, mày. Ăn bánh mì xong, uống ly nước mía là căng bụng. Chúng mình cần dành dụm, nhỡ hết tiền ăn xin xấu hổ chết. Biết dè sẻn cũng là tính tốt.
- Sách dạy hả?
- Ừ
- Vậy tao nghe mày. Mà ông cứ ghét con kiến
Tư đờn đúng là ông nhãi rộng lượng. Ăn uống xong, hai chúng tôi lần mò tới cổng ngôi trường tiểu học, chờ học trò ra chơi. Tư đờn trổ nghề. Học trò kéo nhau ra coi. Tư đờn hứng chí. Lần đầu tiên nó biểu diễn trước đám khán giả đông đảo. Tư đờn dạo khúc thủ phong nguyệt, ngâm vài câu thơ mà nó gọi là ngâm... "Tao đàn" rồi bắt sang vọng cổ. Những câu thơ và bài vọng cổ nó thuộc lòng chứ, cả nó lẫn tôi, đều không hiểu ý nghĩa ra sao. Tôi loáng thoáng nghe được mấy tiếng "Kinh Kha sang Tần" ... .. Ca nửa chừng, Tư đờn ngừng lại, lật mũ xin tiền. Nó quên rằng cổng trường khác với đầu cầu Tân An. Bọn học trò cười ồ. Một ông nhãi chế diễu:
- Nó ca mùi... cá mối!
Ông nhãi khác hỏi:
- Biết ca tân nhạc không ?
Tôi bèn đứng dậy, cởi phăng cái áo:
- Còn ca cả nhạc ngoại quốc nữa.
Ông nhãi chê Tư đờn ca mùi..cá mối nheo mắt:
- À gâu gâu chứ?
Tôi gật đầu:
- Gâu gâu xong rồi meo meo !
Bọn nhóc cười vui vẻ. Tư đờn níu chân tôi:
- Phì lũ, tao không biết ca tân nhạc.
Tôi tỉnh bơ:
- Các bạn muốn nghe bài gì?
- À gâu gâu đi!
Tôi gật đầu:
- Sẽ ca à gâu gâu. Các bạn nghe đây: Tôi là Hưng mập, bạn tôi là Tư đờn. Tôi từ Phú Nhuận tới đây. Đàn ca không ăn nhằm gì. Tôi có cái bụng rắn hơn tường đồng. Nếu các bạn thích, hãy đấm thử.
Bọn nhãi khoái lắm. Đứa nào cũng đòi đấm thử trước. Tôi giao hẹn:
- Mỗi trái đấm năm đồng. Hễ đấm mà tôi không nhăn mặt thì mất năm đồng.
- Nhăn mặt thì sao?
- Thì khỏi mất tiền mà còn được nghe à gâu gâu nữa.
- Ca hay không ?
- Hay chứ!
- Như ai?
- Như Tony Bệu. Các bạn biết Tony Bệu chưa?
- Biết. Coi đài truyền hình hoài.
- Vậy hả? Tôi là em Tony Bệu đây. Tôi là Hưng mập mờ lỵ. Tôi ghét tên Tây, tên Mỹ không thèm xưng mình là Tony Mập.
Một ông nhãi móc đồng năm đồng nhiều cạnh, thẩy thẩy trên tay. Tôi húyt sáo. Dũng sĩ Tô Tô đang ngồi há mõm chờ ngáp trúng một chú ruồi, vội chạy ra lăng xăng dưới chân tôi. Tô Tô được Chương còm phong làm dũng sĩ nhớ nó lập chiến công sủa ... đuổi giặc Thiện Mông Cổ. Chương còm đã tặng Tô Tô miếng thịt bò tươi. Tô Tô khôn kinh khủng. Chẳng thua gì con chó của Tintin trên màn bạc. Tôi lột cái mũ ném xuống đất. Tô Tô ngoạm lên. Nó biết lật cái mũ lưỡi trai, ngoạm chặt cái lưỡi trai. Và cái mũ lật ngữa có thể đựng được nhiều bạc cắc. Tôi chỉ Tô Tô chỗ ông nhãi đang thẩy tiền. Tô Tô ngoan ngoản bước tới. Tôi nói:
- Bạn hãy thẩy tiền vào mũ đi, rồi thử bụng tôi.
Ông nhãi thẩy năm đồng vào mũ. Tô Tô vẫy đuôi cám ơn. Ông nhãi xông vào, trái đấm thủ sẵn. Tôi giả đò xuống tấn, gồng bắp thịt và hét lớn. Ông nhãi giật mình. Tôi cười:
- Bạn đợi tôi đọc câu thần chú đã nhé!
Tôi chắp tay trước ngực, lẩm bẩm:
- Bốn phương trời, mười phương Phật, tri Phật mười phương. Xiêm La, Miến Điện, Lèo, Á Rập... Hấp! Nào, đấm đi!
Ông nhãi phóng tay đấm thật mạnh. Tôi né tránh. Bọn nhãi la ó:
- Ăn gian hả?
Tôi xoa tay:
- Quên chưa dặn.
Ông nhãi tức tối:
- Dặn chi?
Tôi nhún vai:
- Dặn bạn nếu ê tay, chớ có ăn vạ. Rán về mua dầu nóng Ấn Độ mà xoa bóp.
Tư đờn, từ nãy, ngồi há hốc miệng. Chắc nó lo ngại cái màn hát à gâu gâu. Bọn nhãi cười ầm. Tôi phưỡn bụng, giục khán giả:
- Đấm lẹ cho bạn khác còn đấm chứ!
Ông nhãi lấy hết sức bình sinh đấm. Tôi đã học cách chịu đòn. Nghĩa là hít đầy hơi vào phổi. Thế là các bắp thịt rắn như gỗ. Ông nhãi bấm bịch một cái. Tôi cười ré . Bọn nhãi vỗ tay hoan hô tôi. Ông nhãi giơ nắm đấm sát miệng, thổi phù phù:
- Bụng nó lót sắt !
Một ông nhãi vênh mặt:
- Cho rờ thử xem đằng í có lót sắt không , được chứ?
Tôi lắc đầu:
- Rờ thử cũng mất năm đồng. Tụi tớ kiếm ăn nhờ cái bụng. Đằng í đòi rờ thử, bụng đói thì sao?
Ông nhãi vất năm đồng cho Tô Tô:
- Giang hồ mãi võ... bụng, hả?
Tôi nheo mắt:
- Đúng vậy!
Ông nhãi rờ thử kỹ lưỡng. Nó xoa bụng tôi, thọc cả tay qua quần. Rồi nó cù tôi một cái trúng rốn, nhột chịu hết nổi. Tôi cười rống . Ông nhãi quảng cáo:
- Bụng nó như bụng mình ấy!
Thế là cái bụng của tôi biến thành cái bị cát. Các võ sĩ Tân An thay phiên nhau đấm. Cái mũ lưỡi trai ở miệng Tô Tô đã trĩu xuống . Và khi cái bụng tôi đỏ ửng, màn đấm bụng hết hấp dẫn. Một ông nhãi nhắc lời tôi trót hứa:
- Hát à gâu gâu.
Tôi huýt sáo trỏ Tô Tô về chỗ Tư đờn. Dũng sĩ Tô Tô nhả cái mũ ra. Tôi bảo Tư đờn lượm tiền bỏ túi. Và bắt chước danh tài Ngọc Phu, giới thiệu:
- Thưa quý vị, sau đây tôi xin trân trọng giới thiệu danh ca chuyên hát nhạc à gâu gâu , hát hay nhất nước. Và đây danh ca à gâu gâu Tony Tô Tô !
Tôi vỗ tay, xuỵt xuỵt như thợ săn xuỵt chó nhào vô bụi rậm. Dũng sĩ Tô Tô sủa gâu gâu, gâu gâu ầm ĩ. Tôi quát:
- A te!
Dũng sĩ Tô Tô lăn lộn dưới đất. Rồi giơ bốn cẳng lên trời, hát à gâu gâu. Bọn nhãi xăn tay áo , sửa sọan uýnh chúng tôi về tội xí gạt chúng... Chúng đâu ngờ ca sĩ hát à gâu gâu là ... Tô Tô . May ghê, giữa lúc tôi bối rối thì tiếng trống trường điểm vào học. Hú vía! Tôi giục Tư đờn:
- Cuốn gói, mày!
Chúng tôi rời thị xã Tân An. Bước đường phiêu lưu của tôi đã gập ghềnh rồi đó.
--------------------------------
1 The adventures of Huckleberry Finn của Mark Twain, bản dịch Việt ngữ của ông Hoàng Lan nhan đề Phiêu lưu trên sông.
giavui
06-20-2020, 04:24 PM
4. Giữa đường gió bụi kết bạn với Bờm láu
Chúng tôi leo lên xe lam ba bánh ra quốc lộ. Nhẩy xuống, tôi cắm cổ đi. Nhìn một ông nhãi mập thù lù, rảo bước, chắc ai cũng phải buồn cười. Ơ mà, sao lại buồn cười? Buồn thì cười thế nào được nhỉ? Hoạ chăng bị đè thẳng cẳng rồi bị cù. Ít ai nói bật cười. Có lẽ quen miệng. Như buồn ngủ , buồn ăn, buồn... phiêu lưu. Tư đờn theo tôi không kịp. Nó gây gổ
- Chạy giặc hả, phì lũ?
- Ừ, chạy giặc.
Tư đờn dỗi:
- Mỏi cẳng quá xá. Ông nghỉ chút xíu.
Tôi vẫn bước nhanh:
- Mày cứ việc nghỉ. Lát nữa tan học, bọn nhãi sẽ kiếm mày, đập bể đàn của mày.
Tư đờn lẩm bẩm:
- Ông có chọc chúng nó đâu?
Tôi đã đi chầm chậm:
- Rán bước thêm một quãng xa, tao cho mày hay chuyện chạy trốn.
Tư đờn nín thinh. Đến cỗng trường trung học Tân An, ở ngay bên đường xuôi lục tỉnh, chúng tôi cùng ngồi trên bở cỏ, thở hổn hển. Tư đờn hỏi:
- Đang "kiếm ăn" tốt, tự nhiên lại chạy trốn là cớ chi, phì lũ?
Tôi cười:
- Tao tập đóng vai "Đờ phiu di ty" .Tuần nào đài Mỹ cũng có tuồng này.
Tư đờn thộn mặt:
- Đài Mỹ?
Tôi xoa trán lấm tấm mồ hôi:
- Vô tuyến truyền hình, ti vi í mà...
Tư đờn tặc lưỡi:
- Cóc cộ! Ông hổng biết ti vi là cái con khỉ gì!
Tôi hơi hơi buồn. Cứ tưởng Tư đờn đang sống ở Sàigòn và nhà nó có vô tuyến truyền hình. Thầy tôi thường bảo quê hương Việt Nam nghèo lắm. Thầy tôi nói hễ đất nước thanh bình, dân ta sẽ hết nghèo đói. Và nếu nhiều thành phố của nước tôi có nhiều ống khói nhà máy cao ngất phun khói đen nghịt trời là nước tôi sẽ giàu. Tư đờn sẽ giàu. Nó chẳng còn phải đàn dạo kiếm ăn và chui rúc trong túp lều. Tư đờn sẽ được đến trường học.Nó sẽ có thầy, có bạn, có kỷ niệm mùa hè. Nó sẽ biết buồn khi cây phượng vĩ ở sân trường nó trổ bông đỏ chói. Và Tư đờn phải có một cái máy vô tuyến truyền hình để coi chương trình Lê Văn Khoa, coi phim hoạt hoạ, coi tuồng The Fugitive, coi Mỹ chơi "banh cà na" .Tư đờn khoái cải lương, nó sẽ hài lòng coi Hùng Cường diễn tuồng La Mã múa kiếm gỗ, mặc áo giáp... giấy.! Tôi tin rằng Tư đờn sẽ say mê coi chương trình Đố vui để học. Bây giờ Tư đờn chưa có những thứ đó. Vì nước tôi chưa thanh bình. Rồi Tư đờn sẽ có đủ. Tất cả nhô con Việt Nam bất hạnh như Tư đờn sẽ có đủ. Rồi người lớn sẽ lo săn sóc cho trẻ con. Tôi an ủi người bạn giang hồ của tôi:
- Ti vi không là con khỉ đâu. Nó giống cái ra-đi-ô bự, có khung kính mờ. Mày vừa nghe hát vừa ngắm ca sĩ. Mày biết ra đi ô chứ?
- Nghe cọp thôi.
- Yên chí đi Tư đờn . Mai mốt tao đưa mày về nhà tao, cho mày coi ti vi mỏi mắt luôn.
Tư đờn chớp mắt. Tôi nghĩ trong đôi mắt Tư đờn đang nhảy múa hình ảnh cái máy vô tuyến truyền hình. Trẻ con thế giới đã coi vô tuyến truyền hình như món đồ chơi. Ở Sàigòn, các tiệm lớn bán những cái máy vô tuyến truyền hình nhỏ xíu, xinh ghê ghê là! Nước ngoài, trẻ con leo lên phi thuyền Apollo II, đi xe điện dây, phóng xe hơi nguyên tử trong các công viên. Còn nước tôi, trẻ con vẫn cứ chơi "dzích" cắt nhỏ ra từ những tấm hình bố láo của Ba Tàu Chợ Lớn. Gần tỉnh Long An, nhanh nhẹn, khôn ngoan như Tư đờn mà còn chả biết vô tuyến truyền hình "là cái con khỉ gì " thì ở những miền quê heo hút , trẻ con tưởng cái xe xích-lô máy ghê gớm lắm đây. Tôi chợt thương nước tôi quá xá. Nước tôi nghèo. Tội nghiệp nước tôi . Nhất định nước tôi sẽ giầu. Vì Tư đờn còn biết xấu hổ. Thầy tôi dạy rằng, sau này, những công dân lương thiện sẽ xây dựng đất nước. Công dân lương thiện là người còn biết xấu hổ trước việc làm xấu xa. Đó là người có liêm sỉ. Tư đờn vừa là đứa trẻ đại lượng, vừa là đứa trẻ biết xấu hổ, thề không làm bậy. Chính nó sẽ xây dựng nước Việt Nam mai sau.
- Này, Tư đờn !
- Chi?
- Tao hối hận lắm.
- Làm lỗi gì đâu?
- Có chứ. Chúng mình mới phạm tội gian dối!
- Xạo mày!
- Vì gian dối, chúng ta phải chạy trốn khổ sở.
- Kể tao coi!
- Bọn nhãi muốn nghe tao hát à gâu gâu. Tao lỡ trớn, hứa ẩu. Tao đâu biết hát.
- Ừa, tao đã nói rồi.
- Mà lỡ trớn mày. Đáng lẽ xin lỗi bọn nhãi, tao lại cho Tô Tô ... sủa. Thế là phạm tội gian dối. Tội này nặng lắm. Ở lớp học, đứa nào gian dối, thầy giáo bắt quỳ gối, ăn hột vịt.
Tư đờn khoái tởn:
- Ăn hột vịt sướng thấy mồ! Hột vịt có lộn không ?
Tôi vỗ vai nó:
- Tội nghiệp, mày chưa từng đi học ở trường .Ăn hột vịt là ăn số không, là nhục, là bị phạt, trừ điểm hạnh kiểm. Mỗi lần giảng bài, thầy còn đem mình ra thí dụ về sự gian dối.
Tư đờng gật gù:
- Ừa nhục thiệt tình.
Tôi nói:
- Tao đã phạm tội gian dối. May trống trường vào học, chứ không hai đứa mình ốm đòn. Bây giờ mày hiểu tại sao phải chạy trốn chưa ?
Tư đờn liếm môi:
- Rồi.
Tôi xoa bụng:
- Bọn nhãi khoái tao nhờ cái bụng ... thành thật. Chúng nó ghét tao bởi thấy bị tao xí gạt. Muốn người ta đừng ghét mình, chớ có xí gạt người ta.
Tư đờn vênh mặt:
- Mày hãy dạy mày đi! Ông chưa xí gạt ai hết trơn.
Tôi xấu hổ, đánh trống lảng:
- Giá còn xe lửa mày nhỉ !
Tư đờn lại cười toe:
- Xe lửa ra sao, phì lũ?
- Mày chưa biết cái xe lửa?
- Ừa.
- Mấy năm trước có xe lửa chạy đường Sàigòn-Mỹ Tho.
- Ông mới ở gần cầu Tân An một năm.
- Hèn chi.
- Hèn chi sao?
- Hèn chi mày không biết xe lửa. Xe lửa như con rắn bò trên đường sắt ấy.
- Bỏ nó đi, phì lũ. Tao khát nước quá xá!
Hai chúng tôi đứng dậy, phủi quần. Trời nực nội, tôi cởi áo, buộc hai ống tay vào cổ y hệt Zorro. Chúng tôi tới cái xe nước ngọt. Không có người lớn. Một ông nhãi bằng tuổi tôi, đang dựa lưng vô gốc cây đọc cuốn "Con ma tóc dài" thuộc loại truyện tranh mà anh tôi cấm đọc. Tôi hắng giọng:
- Một ly xi-rô!
Ông nhãi buông sách khỏi tầm mắt nhìn tôi trừng trừng. Nó nhe răng cười chế nhạo:
- Mập vậy mà uống có một ly thôi à?
Tôi hất hàm:
- Uống hết cả xe, lấy nước đâu mày bán?
Ông nhãi bỉu môi:
- Cần gì bán.
Tư đờn nóng nảy:
- Tao ốm, uống một ly được chứ?
Ông nhãi nhấm nhẳn:
- Uống ba ly đi.
Tư đờn cáu:
- Cóc cộ! Ông muốn uống mấy ly kệ ông , mày bán hàng làm tàng quá trời... .
Ông nhãi dịu giọng:
- Thằng mập uống năm ly, thằng ốm uống ba ly. Tao chỉ lấy tiền hai ly thôi.
Nó rót chai xi-rô cam đỏ ửng vào ly lớn ngay, không cần đong bằng cái ly nhỏ xíu. Rồi nó bào đá, đổ nước lạnh đầy tràn ly. Đang khát, hai đứa tôi uống ừng ực. Tư đờn uống hai ly. Tôi cũng chỉ dám uống hai ly. Ông nhãi dục:
- Uống nữa nghe. Tao bao hai thằng mày.
Lạ lùng về ông nhãi, tôi bèn hỏi:
- Má mày úynh mày chết.
Ông nhãi huýt một tiếng sáo dài:
- Tao ở đợ. Ba má tao mãi tận Cà Mau, gửi tao lên đây ở đợ. Chủ la mắng tao hoài. Tao giận, hễ đứa nào tao khoái, chủ vắng là tao cho uống lu bù. Học sinh đang học. Chủ tao về nhà nấu cơm. Tao muốn học sinh học hoài, đừng ra chơi để tao coi truyện cho đã... .
Tôi gõ muỗng vào ly:
- Mày đọc chữ hay hé!
Ông nhãi lắc đầu:
- Coi hình không à... .Coi hình là tao đoán hết truyện
Y hệt tôi coi tuồng đài Mỹ. Tôi làm quen ông nhãi:
- Chắc mày khoái hai đứa tao dữ?
Ông nhãi vung tay:
- Không khoái ông đã không bán chứ đừng hòng uống thí.
Nó ngó hai đứa tôi:
- Trông ngộ ghê!
Và hỏi:
- Tụi mày đi đâu?
Tôi đáp:
- Phiêu lưu đó đây, đàn dạo kiếm ăn.
Ông nhãi reo lớn:
- Tao đi với. Tao biết ca tân nhạc! Muốn nghe thử không ? Hì hì "Anh là lính đa tình" là bài ruột của tao.
A, lại thêm một ông nhãi có máu dế mèn trong tâm hồn.Tư đờn hý hửng. Tôi nói:
- Mày mắc coi hàng cho chủ, theo tụi tao không được.
Ông nhãi xịu mặt năn nỉ:
- Ở đợ cực thấy mồ, mày ơi! Tao xin về, chủ không cho. Tiền công hổng trả. Tao có tiền là tao trốn về. Tụi mày giúp tao, tao mang ơn.
Tôi làm bộ khó khăn:
- Tụi tao phiêu lưu xa lắm.
Ông nhãi đã bước ra chỗ tôi:
- Xa tao đi nổi, miễn tao được về với ba má tao. Thú thiệt, tao trót dại nghe lời thằng lơ xe đò. Nó biểu đưa tao lên Sàigòn chơi rồi đưa về. Ai dè nó đưa tao đi ở đợ cho chị nó. Tao nhớ ba má tao hết sức.
Đôi mắt ông nhãi rươm rướm lệ. Đời này nhiều ông Tử Lộ ghê. Nó làm tôi nhớ mẹ tôi, nhớ anh chị tôi. Và tôi muốn bỏ rơi Tư đờn, trở về Sàigòn. Nhưng dế mèn đã không thèm bỏ ngang xương cuộc phiêu lưu thi vị. Thì Hưng mập này phải tiếp tục. Tôi hách dịch:
- Tao sẽ dẫn mày về Cà Mau.
Ông nhãi nắm chặt lấy tay tôi:
- Tên tao là Bờm... Dọt lẹ đi, mày!
Tôi rút cuốn sổ tay trong túi quần ra, viết vài hàng như sau:
Giữa đường phiêu lưu, không nhớ ngày tháng... .
Gửi chủ quán xi-rô, đá nhận,
Nay, ta là Dũng sĩ Phú Nhuận cùng bạn giang hồ là Tư đờn đi ngang qua đây, nhân lúc khát nước, ghé vô quán, nghe chuyện thằng Bờm bị em chủ quán là tên lơ xe đò bắt cóc từ Cà Mau đem lên đây sai vặt. Thằng Bờm nhớ nhà, khóc than xin ta dẫn nó về với ba má nó. Ta bèn giúp đỡ nó. Ta tốp xe, chở nó lên Sàigòn vài ngày vào Sở Thú coi cọp và khỉ rồi mướn người đưa nó về Cà Mau.
Báo cho chủ quán rõ
Dũng sĩ Phú Nhuận
HƯNG MẬP
TÁI BÚT: Ta uống bốn ly xi-rô, tiền ở trong cái ly.
Tôi bảo Tư đờn bỏ hai mươi đồng bạc cắc vào vô ly rồi dùng cái ly đó đè lên lá thư. Đọan, chúng tôi cùng Tô Tô rảo bước chạy. Chừng ba trăm thước, tôi vẫy xe đò đi Tân Hiệp. Ngồi trên xe, Bờm đắc chí:
- Con mẹ chủ sẽ tức phát điên... .
Tôi và Tư đờn đã giải phóng được gã nô lệ Bờm. Rồi sẽ đặt cho nó một cái tên mới.
giavui
06-20-2020, 04:24 PM
5. Bờm láu hồi hương bỏ cuộc phiêu lưu Tư đờn sợ biến thành con ve sầu
Xe đò dừng lại, và không thèm chạy thêm. Ba đứa chúng tôi ngồi ì. Hành khách thì đã xuống hết. Thằng nhóc lơ xe bằng tuổi tôi - hay hơn tôi môt hai tuổi là cùng - toét miệng cười, hất đầu:
- Hết tiền rồi.
Con nhà Bờm cũng cười:
- Thua bài cào à?
Nhóc lơ xe nheo mắt:
- Đừng rỡn mày. Trả tiền xe lẹ đi để xe tao còn quay về Long An.
Bờm ỡm ờ:
- Tụi tao muốn đi xa.
Nhóc lơ xe nói:
- Kiếm xe khác. Xe này chỉ chạy đến Tân Hiệp thôi.
Bờm vỗ đùi cái đét:
- Sao lúc này mày không biểu trước. Ông đi Mỹ Tho chứ ông đi Tân Hiệp làm quái gì.
Tôi và Tư đờn lặng thinh nghe hai ông nhãi lý sự . Người tài xế bỏ xe đi uống cà-phê. Nhóc lơ xe chắc là con của ông ta. Bờm thấy nhóc lơ xe không biết trả lời ra sao, cười thích thú:
- Đành lộn về Tân An với mày cho vui.
Nhóc lơ xe bối rối:
- Xuống lẹ, xuống lẹ... .Không ăn tiền tụi bây nữa.
Bờm nhẩy xuống ngay. Tư đờn nhìn tôi, tôi gật đầu. Và Tư đờn móc tiền ra:
- Ba đứa mày "ăn" bao nhiêu?
Nhóc lơ xe ngạc nhiên:
Trả tiền hả?
Tư đờn nói:
- Bạn tao rỡn mày chút chơi. Chúng tao có tiền đàng hoàng, không thích lừa gạt. Nếu không có tiền, chúng tao xin đáp xe nhờ.
Nhóc lơ xe chớp mắt:
- Lấy hai chục, rẻ rề.. Mà chúng mày xin thì tao cho. Xe này của ba tao.
Tôi lắc đầu:
- Chúng tao thiếu gì tiền.
Tư đờn đặt hai đồng một chục vô tay nhóc lơ xe rồi chúng tôi giã từ nó, giã từ một ông nhóc tốt bụng. Nó níu tay tôi:
- Tao không ưa thằng bạn mầy.
Nhóc lơ xe muốn nói về thằng Bờm.
- Lần sao gặp mầy, tao chở thí.
Tôi cám ơn nhóc lơ xe. Tư đờn có vẻ khó chịu thằng Bờm. Nó chưa nói nhưng tôi đoán rằng "anh kép hát lang thang" của tôi không thích có Bờm trong cuộc phiêu lưu của hai đứa tôi. Con nhà Bờm đứng chờ chúng tôi ở xa. Khi chúng tôi tới, nó khoe:
- Tao "ngon" chứ?
Tư đờn không dằn nổi tức giận, chỉ luôn vào mặt thằng Bờm:
- Đồ ba xạo!
Bờm lơ láo:
- Nhờ tao ba xạo, mày đỡ phải trả tiền xe đò. Lát nữa, tao trổ tài ba xạo, chúng mình ăn nem Tân Hiệp khỏi tốn một cắc.
Tư đờn nghiêm giọng:
- Như vậy là xí gạt, là gian dối.
Nó ngó tôi:
- Phì lũ, tao không chơi với thằng gian dối. Tao trở về túp lều của tao để mày phiêu lưu với đồ ba xạo.
Tôi đã chú ý khuôn mặt Tư đờn từ lúc ba đứa ngồi trên chiếc xe cà-rịch cà tàng. Nó thấy tôi nói chuyện vui vẻ với Bờm thì khó chịu nom rõ. Ý chừng nó sợ sự thân mật giữa tôi và nó bị chia sẻ cho Bờm. Khi ta chơi thân với một người bạn mới, ta không thích bạn ta thân với ai nữa. Tư đờn đã nghĩ lẩm cẩm như vậy. Tôi định sẽ giải nghĩa câu "tứ hải giai huynh đệ" cho Tư đờn nghe nếu nó nhất định ghét Bờm. Nhưng chưa có dịp thì Tư đờn đã tìm đúng lầm lỗi của Bờm. Con nhà Bờm thộn mặt nghe Tư đờn mắng mỏ. Tội nghiệp nó. Tôi vỗ vai Tư đờn :
- Tao cũng đã chơi trò gian dối.
Tư đờn gạt phăng tay tôi ra:
- Mày khác.
- Tao khác gì?
- Mày biết mày làm láo. Còn nó, nó chả hối hận gì cả. Tao sợ nó đía cả với hai đứa mình, mày ạ! Sức mấy nó đi ở đợ! Nó không quá "chời" !
Tư đờn vén chút bí mật về Bờm. Tôi giật mình. Con nhà Bờm lại toét miệng cười:
- Tao thề không đía nữa!
Tôi đưa trái đấm lên miệng hà hơi, doạ nạt:
- Mày nói dối tao, hả?
Con nhà Bờm chối bai bải:
- Đâu có,đâu có.
Tôi gồng cánh tay:
- Tao đấm mày một trái là mày vẹo quai hàm. Mày xí gạt tụi tao, hả?
Bờm sợ quá, lùi dần. Tư đờn giục:
- Nhận tội đi, Bờm!
Con nhà Bờm có vẻ buồn bã. Nó cúi mặt nhìn đôi chân không mang giầy dép, đôi chân nổi rõ đôi càng dế mèn, vua giang hồ vặt mà tôi rất phục:
- Ừa, tao đã xí gạt mày
Tư đờn vênh mặt nhìn tôi:
- Thấy chưa, phì lũ!
Tôi đâm ra lúng túng. Đột nhiên, tôi nhớ bài tập đọc trong cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư , lớp dự bị của Đỗ Thận và Trần Trọng Kim do Nha Học Chính Đông Dương xuất bản . Tôi quên cái đầu bài. Nó ở trang bên tay trái, cạnh bài Câu Cá mở đầu là "Những ngày nghỉ học , tôi thường theo anh tôi đi câu cá. Anh tôi vác cần câu đi trước, tôi xách giỏ theo sau... " Tranh của bài tập đọc vẽ hình con nhà Tô đang kiểng chân "cớp" một trái quýt. Đạì ý, bài tập đọc tả thằngTô, nhân lúc mẹ đi vắng, thò tay lên bàn thờ lấy trái quýt ăn. Khi mẹ về, thấy mất trái quýt mới hỏi thì Tô chối bai bải. Mẹ nó giảng giải về tội ăn vụng. Tô xấu hổ quá, khóc hu hu, thú nhận mình đã ăn vụng. Mẹ nó xoa đầu, an ủi :Con biết thú tội thì hết tội, lần sau chớ có phạm tội!
Vỗ vai Bờm, tôi nói:
- Từ nay mày đừng xí gạt nữa. Xí gạt là nói dối. Nói dối là không ngay thẳng. Nói dối rất nguy hiểm.
Tôi kể cho Bờm nghe câu chuyện trong cưốn Luân Lý Giáo Khoa Thư lớp dự bị. Một thằng nhãi lêu lổng hết cả trò nghịch ngợm, thấy làng xóm ra đồng làm việc, bèn chạy ra đồng tri hô "cháy nhà, cháy nhà" ầm ĩ. Người lớn bỏ cày bừa, tất cả chạy về cứu hoả. Ai ngờ bị thằng nhãi xí gạt. Ông nhãi trốn một chỗ, ôm bụng cười khoái chí. Ít lâu sau, chính căn nhà thằng nhãi bị cháy. Nó chạy ra đồng kêu cầu cứu. Người lớn tưởng nó lại dở trò xí gạt, chẳng ai thèm về. Thế là nhà nó cháy ra tro, cháy lây sang nhà hàng xóm.. Không tiền đền, bố mẹ nó phải vào tù. Thằng nhãi thì đi ăn mày khổ sở.
Tôi vừa kể dứt câu chuyện, chưa kịp "cách ngôn" , đã mủi lòng vì hai hàng nước mắt của Bờm. Nó nhìn tôi, mất hết vẻ láu lỉnh. Bờm nói:
- Tao trở về nhà tao đây... .
Tôi ngạc nhiên:
- Mày ngán phiêu lưu rồi à?
Bờm lắc đầu:
- Tao khoái phiêu lưu với hai đứa mày, nhưng mà...
- Sao?
- Mày viết giấy để lại tao đã đọc rồi. Tao giả đò không biết chữ. Tao phải về ngay kẻo má tao đáp xe lên Sàigòn kiếm tao.
Tôi sững sờ:
- Mày xí gạt tao nguy hiểm quá chừng. Vậy là tao can tội bắt cóc mày .
Bờm nắm chặt tay tôi nói một câu đầy cảm xúc:
- Chừng mày chán phiêu lưu, quay lại Tân An, nhớ ghé thăm tao để uống vài ly xi-rô nghe, phì lũ! Tao dọt gấp! Ông sợ chúng nó uống hết trơn xi-rô rồi.
Nó bước cạnh Tư đờn , dùng hai ngón tay nhón sợi giây đàn, kéo khẽ, buông ra:
- Rất tiếc chưa được "cổ kim hoà điệu" với mày.
Nó vù lẹ. Tôi và Tư đờn nhìn theo .Bờm kịp chuyến xe của nhóc lơ xe tốt bụng. Nó ngoài lại, vẫy tay và hét inh:
- Chắc tao bị ăn đòn quá!
Chiếc xe chuyển bánh. Tôi bỗng cảm như bị mất mát một cái gì. Và tôi buồn khi nghĩ tới mẹ tôi. Cả đêm hôm qua, mẹ tôi đã không ngủ. Chưa biết chừng, trên một chuyến xe đò đi Châu Đốc sáng nay, đã có cả mẹ tôi. Than ôi, chỉ vì câu cách ngôn "Đi cho biết đó biết đây. Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn" mà Hưng mập này cất bước giang hồ. đáp theo tiếng gáy của con dế mèn bất hủ. Tư đờn thấy tôi buồn bã, hỏi:
- Tao vô tích sự hả, phì lũ?
- Chi?
- Tại tao nên thằng Bờm phải về Tân An.
- Mày đã giúp nó trở thành đứa trẻ ngoan ngoãn. Nó sẽ hết gian dối. Nó về má nó sẽ mừng !
- Rồi nó có bị đòn không ?
- Không.
- Giá tao còn má, tao không sợ má tao uýnh tao. Mà này, phì lũ...
- Gì?
- Chuyện mày kể hay ghê.
- Trong sách đó.
- Tao thèm đọc sách.
- Về Sàigòn, tao xin thằng Chương Còm cho mày những cuốn sách đó.
Hai đứa tôi lang thang ở Tân Hiệp, nơi nổi tiếng bán nem chua ngon. Tân Hiệp giống như cái ngõ cư xá Chu Mạnh Trinh. Tôi sợ còn thua ấy chứ. Ngõ cư xá Chu Mạnh Trinh của tôi nổi tiếng ra phết. Bò vò viên trứ danh. Chè táo nhãn, sâm bửu lượng cũng đặc biệt. Phở thì ăn đứt phở 79 Võ Tánh, Sàigòn. Buổi sáng ngõ cư xá đông đúc từ 7 giờ đến 9 giờ. Buổi tối, xe gắn máy Nhật đậu ngăn cả lối vào.Người ta kéo nhau tới thưởng thức bún bò viên. Tôi rất sợ thịt bò viên. Tận mắt tôi, đã trông thấy bà Tầu viên bò viên. Đang viên, bà ta vắt mũi cho con rồi lại viên thịt. Eo ơi, bẩn quá xá! Ở Tân Hiệp không thể có hàng bò viên nổi tiếng. Vậy mà cũng vẫn hách. Vì gánh Giang Hồ đang đóng đô với vở tuồng "Quái khách trên sông" . Tư đờn đứng ngó cái bích chương viết xấu òm. Lòng nó đã gửi vào đó. Người bạn của tôi lại mơ ước múa kiếm gỗ trên sân khấu lưu diễn rồi.
- Ê, Tư đờn !
- Chi, phì lũ?
- Cảnh tượng ở đây không đẹp. Mình đáp xe xuống Trung Lương đi.
- Kiếm xem trường học ở chỗ nào, tao đờn ca lai rai.
- Còn đủ tiền mà.
- Tao muốn ăn nem thật đã đời.
Tư đờn không thích trở thành con ve sầu trong truyện ngụ ngôn mà tôi đã kể cho nó nghe. Nó là đứa thông minh tuyệt vời. Nước tôi có hàng triệu đứa bé vừa thông minh, vừa đại lượng, vừa giàu tình thương như Tư đờn . Tự nhiên, tôi thấm thía những bài học ở trường . Và tôi tin lời thầy tôi. Hễ nước tôi thanh bình, hàng triệu Tư đờn sẽ làm nổi một quê hương Việt Nam anh dũng. Niên học tới, nếu thầy ra bài luận "Tại sao em hãnh diễn làm người Việt Nam " , tôi chắc tôi làm không dở.
- Phì lũ, mày nghĩ chi đó?
- Tao nghĩ nem Tân Hiệp ngon. Ông Tô Tô sẽ khoái.
Dũng sĩ Tô Tô chừng hiểu, vẫy đuôi lia lịa.Và ba chúng tôi phiêu lưu Tân Hiệp, tìm một ngôi trường để Tư đờn ca vọng cổ, tôi biểu diễn bụng và Tô Tô ngậm mũ xin tiền.
giavui
06-20-2020, 04:26 PM
6. Đêm nằm ngủ gốc cây bên đường mới thấy thương những kẻ không một mái nhà
Cuộc phiêu lưu của tôi chưa lấy gì làm thơ mộng và rắc rối. Tôi vẫn thích cái hình ảnh tuyệt vời của lãng tử dế mèn trên chiếc lá trang xuôi theo dòng nước... giang hồ. Cách ngôn dạy “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Tôi đã đi một ngày rưỡi đàng mà chưa học nổi một hạt khôn nào. Điều tôi học được chỉ là lòng đại lượng của Tư đờn. Tâm hồn tôi xao xuyến thật sự thì tôi thấy rõ. Tôi tin tưởng trẻ con nước tôi hay nhất thế giới và tôi thương quê hương nghèo khổ của tôi. Ngoài Sàigòn không có Giặc Ô Kê. Nhưng tôi hơi buồn là chẳng gặp chuyện gì vui nhộn như Dzũng Đakao đã gặp ở Ban Mê Thuột. Hay con nhà Dzũng Đakao phịa? Tôi rất thèm tham dự một trận đánh ngoạn mục như trận đánh giặc khỉ xâm lăng nương ngô của Dzũng Đakao. Thú thật tôi hơi ngán biểu diễn võ bụng.
Chúng tôi rời Tân Hiệp sau khi ăn mỗi đứa năm chiếc nem. Nem Tân Hiệp ngon ghê ghê là. Nước Mỹ của thằng Bill sức mấy biết làm nem. Nước Mỹ chỉ có kẹo. Đủ thứ kẹo. Và kẹo Mỹ, tôi khuyên nhô con dưới tám tuổi đừng nên ăn, ăn sâu răng đó. Tôi thường tự hỏi tại sao người Mỹ lại đem kẹo sang nước tôi. Trẻ con nước tôi bị sâu răng hành hạ chính là vì kẹo Mỹ. Loài sâu đục khoét răng tuổi thơ Việt Nam đáng sợ quá.
Đến ngã ba Trung Lương, Tư đờn vòi vào thị xã Mỹ Tho. Nó bảo ở Trung Lương rặt quán cơm, quán cà phê và hàng bán mận. Mận Trung Lương nổi tiếng ngon nhất nước. Những trái mận hồng ửng giòn như táo và chứa đầy nước ở cùi. Tôi đã từng ngồi trên xe Châu Đốc - Sàigòn. Khát nước khô cổ. Chờ về tới Trung Lương mua gói mận. Bóp trái mận vỡ đôi. Ruột rỗng không có hột. Bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến rồi nuốt là đã nuốt cả Trung Lương tươi mát.
- Vô Mỹ Tho nghe, phì lũ!
- Mày khoái Mỹ Tho à?
- Mỹ Tho đẹp lắm. Mùa này thiếu gì xoài. Xoài Mỹ Tho số dzách. Thả cửa ăn. Mày sẽ thấy tao nói đúng.
- Mày đã đi Mỹ Tho đâu mà biết.
- Tao nghe nói.
- Ông đã tới Mỹ Tho rồi. Ông còn đi “bắc” sang Bến Tre nữa. Ở Mỹ Tho có cái tàu Nhật bị bom Mỹ đánh chìm. Ông đã đứng trên tàu “bông nhông” xuống sông. Còn ở Bến Tre có cả Sở Thú.
- Sang Bến Tre coi thú mày hé?
- Sở Thú Bến Tre chẳng còn con thú nào. Nữa, tao đưa mày về coi khỉ bắt rận. Sở Thú Sàigòn đông khỉ lắm.
- Thế mày không vô Mỹ Tho sao?
- Tao muốn đi luôn.
Chúng tôi lên xe Lam. Xe chở chúng tôi nuốt một chặng đường dài qua cây cầu đúc và dừng lại bên kia cầu. Đây là ngã ba. Lối rẽ vào Ba Bèo mịt mù bụi. Nắng đã yếu ớt. Buổi chiều xuống dần trông buồn hết sức. Những mái nhà lợp lá của đồng bào di cư ở hai bên quốc lộ đã nhuộm màu hoàng hôn. Tôi chợt nhớ câu cuối của bài chính tả nhan đề “Trên đường thiên lý”. Tôi, Hưng mập, cảm khái đọc lớn “Người lữ hành qua đó, tâm lữ hoài ngao ngán biết là bao!”. Thuộc một bài hát, tôi ti tỉ ca:
“Chiều chiều em ra đứng bên bờ ao,
Nhìn xem con cào cào núp vào khóm tre
Ai ơi bắt dùm em con cào cào
Em đem vào em chơi.
Chiều chiều em ra đứng bên bờ ao
Nhìn xem con cào cào nó cào má em...”
Tư đờn cười khanh khách :
- Ca tân nhạc hay ghê!
Tôi phưỡn bụng :
- Ông là danh ca Tony mập mờ lỵ!
Tư đờn bĩu môi :
- Danh ca... phì lũ!
Tôi cao hứng hát thêm một câu trong bài hát cũ kỹ mà anh tôi haynghêu ngao:
“Chiều nay biết về nơi nao?
Dừng chân ta ngắm cảnh bao la sầu...”
Tư đờn đập nhẹ lên vai tôi :
- Về nơi nao?
Tôi đáp :
- Mình cuốc bộ một khúc. Đi phiêu lưu mà mày cứ hỏi vớ vẩn. Bạ chỗ nào, mình nghỉ chân chỗ đó.
Dũng sĩ Tô Tô không hề biết mệt. Bộ lông của chàng đã nhuốm đầy bụi đường. Dọc đường gió bụi. Tên một cuốn sách tôi chưa đọc, nghe râm ran máu dế mèn trong cơ thể. Chúng tôi thong thả bước. Mùi khói nhà ai đốt rác, mùi rơm rạ, mùi phân trâu bò thoảng đưa vào mũi. Tôi không biết so sánh với mùi gì. Mà làm sao so sánh? Từ lâu, tôi đã đọc ở sách, thấy nói về mùi quê hương. Có lẽ, đây cũng là mùi quê hương chăng? Ở Sàigòn, chỉ bị ngửi mùi khói xe máy, mùi chuột chết, mùi rác thối, mùi tanh ương của chợ cá Trần Quốc Toản, tôi ức ghê lắm. Thần tượng của tuổi thơ muôn đời lại bị bêu nhục thế ư? Tại sao không đem Gia Long đặt tên một con đường và con đường ấy là nơi họp chợ cá, chợ tôm? Sương đã xuống. Mặt trời đắp chăn mây đi ngủ rồi. Ngủ ngon nhé, mặt trời. Giá chúng tôi cưỡi ngựa thì chúng tôi sẽ là hai kỵ mã trong sương chiều. Và tôi sẽ tỉ tỉ ca “Đường im vắng trong sương chiều. Nương theo gió ngựa chạy đều...” Rất tiếc, chúng tôi đang lê những bước chân dế mèn.
Lần đầu tiên, tôi được nhìn ngọn đèn dầu soi sáng căn nhà lá. Trong ấy chắc ấm cùng vô vàn. Tôi lại nhớ nhà. Mới xa nhà hai hôm đã nhớ nhà rồi. Nhưng tôi còn có nhà để trở về nhà mình. Chứ, những đứa trẻ không có nhà như Tư đờn, bạn giang hồ của tôi, nỗi nhớ nhung của chúng nó chắc phải to bằng dãy núi và rộng hơn cánh đồng trước mặt tôi. Tôi đâm ra thương xót những kẻ thiếu mái nhà. Không có nhà là không có tất cả. Tư đờn đã thiếu. Trong nhà mới có tình thương đằm thắm. Ngoài nhà chỉ là lưu lạc, buồn khổ. Tôi muốn ví những đứa trẻ giống miếng thịt bò tươi. Và căn nhà là cái tủ lạnh. Thịt bò tươi bỏ vào tủ lạnh mới tươi mãi. Để ngoài một ngày sẽ thối ngay. Khi nước tôi thanh bình, nhất định ai cũng có mái nhà. Để lưu lạc mỏi chân thì trở về nhà mình nghỉ ngơi.
- Ê, phì lũ!
- Ngán phiêu lưu chưa?
- Tao mỏi chân quá xá!
- Đằng kia có cây gì lớn lắm. Tụi mình ngủ gốc cây một đêm.
- Biểu vô Mỹ Tho mầy không chịu.
- Mày chưa biết chuyện con dế mèn. Đi phiêu lưu mà cứ cằn nhằn.
Chúng tôi rảo bước. Tới gốc cây bên đường, Tư đờn tháo cây đàn và nằm dựa lưng vào thân cây. Tôi kể chuyện Dế mèn phiêu lưu ký cho nó nghe. Con ông cụ ngủ một cách say sưa. Tôi định bụng sẽ mở căng mắt quan sát trời đất ban đêm. Khốn nỗi, vì biết tôi yêu con dế mèn, các nhạc sĩ dế đã kéo về tụ tập quanh đây, mở đại nhạc hội của loài dế trẻ. Nhạc dế tuyệt diệu. Tôi ngủ thiếp đi, tưởng chừng mình đang đứng trên chiếc lá trang, vai đeo khăn gói, xuôi dòng nước phiêu lưu cùng bạn giang hồ dế mèn bất hủ.
Khi nhạc dế ngừng chơi, luồn vô tai tôi một dòng âm nhạc vui tươi chứ không ru ngủ như nhạc dế. Tôi mở mắt ra. Trên cành cây, các bạn danh ca chim yêu đời đang véo von diễn tả nhạc của trời. Thấy tôi thức giấc, các bạn danh ca chim từ giã tôi. Tư đờn vẫn còn ngủ. Đêm qua nó đã lạc vào giấc mộng sân khấu. Tôi tin rằng nó đã thủ vai kép độc trong vở tuồng lịch sử. Vừa lúc đó, tiếng vịt kêu loạn xà ngầu. Tôi vươn vai đứng dậy. Một ông nhóc mặc quần xà lỏn đen, cởi trần, đầu quấn chiếc khăn bông kín tóc, tay cầm cây gậy dài trên đầu buộc vải tua y hệt gậy của ông thầy pháp. Ông nhóc dựng cột bên cạnh chân, ngó tôi chằm chằm. Tôi toét miệng cười cầu thân. Ông nhóc hất hàm :
- Đêm qua tụi mày ngủ ở đây, hả?
Tôi gật đầu. Ông nhóc lè lưỡi :
- Có gặp con ma trọc đầu không?
Tư đờn nghe tiếng nói, cựa quậy rồi ngồi nhỏm dậy. Tôi giả đò ngạc nhiên :
- Mày nói con ma trọc đầu?
Tư đờn mắt nhắm mắt mở :
- Ma à?
Tôi khẽ véo Tư đờn.
- Con ma trọc đầu, mầy quên sao? Con ma có bốn cái sẹo ở trán, ba cái sẹo ở cổ í mà! Tối qua đánh nhau với nó mệt phờ râu ông cụ.
Thằng nhóc hỏi :
- Thắng hay thua?
Tôi hít một hơi khí trời đầy phổi, thở nhẹ nhàng :
- Nếu thua, sức mấy còn sống mà kể chuyện cho mày nghe.
Thằng nhóc chịu chuyện ma lắm. Nó giơ cái gậy chỉ bầy vịt choai choai :
- Vịt của tao đó.
Tôi xoa tay :
- Của mày à?
Thằng nhóc đáp :
- Chăn mướn. Tao là vua chăn vịt.
Nó nhe hàm răng, khoe khoang :
- Tại tao bị té gãy ba cái răng nên tụi nó kêu tao là vua móm.
Vua chăn vịt tức vua móm chưa chịu xưng “quý danh”. Tôi bèn “phỏng vấn” :
- Chứ tên cúng cơm của vua là gì?
Nó cười :
- Tên chi ngộ vậy, mày?
Tôi vỗ bụng bình bịch :
- Ngộ chi? Như tao cha mẹ đặt tên là Hưng. Vì tao mập nên mang tên Hưng mập. Bạn tao đây tên Tư, chơi đàn vọng cổ nên mang tên Tư đờn.
Vua chăn vịt chợt hiểu :
- À, tao là Sáu.
Tôi nói :
- Sáu móm hay Sáu chăn vịt.
Vua móm cười tít mắt. Nó đã bước đến gần chỗ chúng tôi. Dũng sĩ Tô Tô không thấy được giới thiệu thì nổi giận “bông nhông” xuống ruộng đuổi vịt của Sáu móm chạy tán loạn. Sáu móm kinh hãi. Tôi huýt sáo gió. Tô Tô bỏ ngay cuộc chơi tai hại. Dũng sĩ chạy lên, quỳ mọp dưới chân tôi :
- Đây là dũng sĩ Tô Tô. Đêm qua nó cắn tét chân con ma trọc đầu.
Tô Tô vẫy đuôi, sủa vài tiếng chào mừng Sáu móm. Vua chăn vịt lần tay ra sau lưng, thò vô cái túi vải đựng lương thực, nó thộp ba trái bắp luộc mời chúng tôi :
- Ăn sáng đi.
Chúng tôi không từ chối. Trong lúc đàn vịt kiếm ăn quẩn quanh đó thì vua chăn vịt đứng nhìn chúng tôi ăn bắp luộc ngon lành.
- Chắc mày thổi “ác mô ni ca” hay hơn thằng bạn Chương còm của tao đấy, Sáu móm nhỉ?
- Thổi “ác mô ni ca”?
- Thổi kèn í mà!
Tôi giải thích cho Sáu móm hiểu. Nó cười thích thú.
- Mỗi ngày tao thổi năm cái “ác mô ni ca” lận!
Mặt trời đã phá tung chăn mây chui ra. Sáu móm nửa muốn xua vịt băng qua đường, nửa muốn ở lại chờ tôi kể chuyện đánh nhau với con ma trọc đầu. Nó hỏi một câu mà tôi đợi mãi :
- Hai đứa mày đi đâu?
Tôi vất cái lõi ngô, vênh mặt :
- Phiêu lưu! Chúng tao phiêu lưu! Đi khắp chỗ. Chỗ nào vui chúng tao ở lại đờn ca và biểu diễn võ bụng.
Sáu móm tròn xoe mắt :
- Mày có “nghề” à?
Tôi nói theo giọng của Tư đờn :
- Lai rai...
Sáu móm khoe :
- Trong kia vui lắm. Tụi tao tụ họp buổi trưa, uýnh lộn tưng bừng. Hai đứa mày vô đó phiêu lưu, kể chuyện đánh con ma trọc đầu, tụi nó sẽ tôn làm sư phụ.
Tôi đá khẽ Tư đờn :
- Đi tập chăn vịt hé, Tư đờn?
Tư đờn nhăn mặt :
- Rồi làm sao tao gặp ông bầu cải lương?
Tôi hứa với nó :
- Sẽ gặp. Cùng lắm tao dẫn mày đến nhà Hùng Cường.
Tư đờn hả hê. Thế là đoạn đường phiêu lưu của tôi rẽ xuống ruộng. Sáu móm phóng cái gậy. Tài phóng gậy của nó thật tài. Và quyền uy của cái gậy thật đáng sợ. Bầy vịt răm rắp vào hàng ngũ sửa soạn băng qua quốc lộ. Sáu móm toan lội xuống nhổ cái gậy. Tôi bảo nó đứng yên. Một cục gạch nhỏ ném kèm theo tiếng huýt sáo gió. Dũng sĩ Tô Tô nhào xuống, ngậm chặt cây gậy, nhổ lên và đem đưa cho Sáu móm. Vua chăn vịt tặc lưỡi lu bù :
- Số dzách! Số dzách!
Chúng tôi theo chân Sái móm đến vương quốc vịt. Không, đến vùng trời chăn vịt.
giavui
06-20-2020, 04:26 PM
7. Đánh nhau với con ma trọc đầu và kết nghĩa giang hồ với các ông tướng chăn vịt
Cuộc phiêu lưu của tôi chưa lấy gì làm thơ mộng và rắc rối. Tôi vẫn thích cái hình ảnh tuyệt vời của lãng tử dế mèn trên chiếc lá trang xuôi theo dòng nước... giang hồ. Cách ngôn dạy "Đi một ngày đàng học một sàng khôn" . Tôi đã đi một ngày rưỡi đàng mà chưa học nổi một hạt khôn nào. Điều tôi học được chỉ là lòng đại lượng của Tư đờn. Tâm hồn tôi xao xuyến thật sự thì tôi thấy rõ. Tôi tin tưởng trẻ con nước tôi hay nhất thế giới và tôi thương quê hương nghèo khổ của tôi. Ngoài Sàigòn không có Giặc Ô Kê. Nhưng tôi hơi buồn là chẳng gặp chuyện gì vui nhộn như Dzũng Đakao đã gặp ở Ban Mê Thuột . Hay con nhà Dzũng Đakao phịa? Tôi rất thèm tham dự một trận đánh ngoạn mục như trận đánh giặc khỉ xâm lăng nương ngô của Dzũng Đakao.Thú thật tôi hơi ngán biểu diễn võ bụng..
Chúng tôi rời Tân Hiệp sau khi ăn mỗi đứa năm chiếc nem. Nem Tân Hiệp ngon ghê ghê là..Nước Mỹ của thằng Bill sức mấy biết làm nem. Nước Mỹ chỉ có kẹo. Đủ thứ kẹo. Và kẹo Mỹ, tôi khuyên nhô con dưới tám tuổi đừng nên ăn, ăn sâu răng đó. Tôi thường tự hỏi tại sao người Mỹ lại đem kẹo sang nước tôi. Trẻ con nước tôi bị sâu răng hành hạ chính là vì kẹo Mỹ. Loài sâu đục khoét răng tuổi thơ Việt Nam đáng sợ quá.
Đến ngã ba Trung Lương, Tư đờn vòi vào thị xã Mỹ Tho. Nó bảo ở Trung Lương rặt quán cơm, quán cà phê và hàng bán mận. Mận Trung Lương nổi tiếng ngon nhất nước. Những trái mận hồng ửng giòn như táo và chứa đầy nước ở cùi. Tôi đã từng ngồi trên xe Châu Đốc - Sàigòn. Khát nước khô cổ. Chờ về tới Trung Lương mua gói mận. Bóp trái mận vỡ đôi. Ruột rỗng không có hột. Bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến rồi nuốt là đã nuốt cả Trung Lương tươi mát.
- Vô Mỹ Tho nghe, phì lũ!
- Mày khoái Mỹ Tho à?
- Mỹ Tho đẹp lắm. Mùa này thiếu gì xoài. Xoài Mỹ Tho số dzách. Thả cửa ăn. Mày sẽ thấy tao nói đúng.
- Mày đã đi Mỹ Tho đâu mà biết .
- Tao nghe nói.
- Ông đã tới Mỹ Tho rồi. Ông còn đi "bắc" sang Bến Tre nữa. Ở Mỹ Tho có cái tàu Nhật bị bom Mỹ đánh chìm. Ông đã đứng trên tàu "bông nhông" xuống sông. Còn ở Bến Tre có cả Sở Thú.
- Sang Bến Tre coi thú mày hé?
- Sở Thú Bến Tre chẳng còn con thú nào .Nữa, tao đưa mày về coi khỉ bắt rận. Sở Thú Sàigòn đông khỉ lắm.
- Thế mày không vô Mỹ Tho sao?
- Tao muốn đi luôn.
Chúng tôi lên xe Lam. Xe chở chúng tôi nuốt một chặng đường dài qua cây cầu đúc và dừng lại bên kia cầu. Đây là ngã ba. Lối rẽ vào Ba Bèo mịt mù bụi. Nắng đã yếu ớt. Buổi chiều xuống dần trông buồn hết sức. Những mái nhà lợp lá của đồng bào di cư ở hai bên quốc lộ đã nhuộm màu hoàng hôn. Tôi chợt nhớ câu cuối của bài chính tả nhan đề "Trên đường thiên lý" . Tôi, Hưng mập, cảm khái đọc lớn "Người lữ hành qua đó, tâm lữ hoài ngao ngán biết là bao" . Thuộc một bài hát, tôi ti tỉ ca:
"Chiều chiều em ra đứng bên bờ ao,
Nhìn xem con cào cào núp vào khóm tre
Ai ơi bắt dùm em con cào cào
Em đem vào em chơi.
Chiều chiều em ra đứng bên bờ ao
Nhìn xem con cào cào nó cào má em... "
Tư đờn cười khanh khách:
- Ca tân nhạc hay ghê!
Tôi phưỡn bụng:
- Ông là danh ca Tony mập mờ lỵ!
Tư đờn bĩu môi:
- Danh ca... phì lũ!
Tôi cao hứng hát thêm một câu trong bài hát cũ kỹ mà anh tôi haynghêu ngao:
"Chiều nay biết về nơi nao?
Dừng chân ta ngắm cảnh bao la sầu... "
Tư đờn đập nhẹ lên vai tôi:
- Về nơi nao?
Tôi đáp:
- Mình cuốc bộ một khúc. Đi phiêu lưu mà mày cứ hỏi vớ vẩn. Bạ chỗ nào, mình nghỉ chân chỗ đó.
Dũng sĩ Tô Tô không hề biết mệt. Bộ lông của chàng đã nhuốm đầy bụi đường. Dọc đường gió bụi . Tên một cuốn sách tôi chưa đọc , nghe râm ran máu dế mèn trong cơ thể. Chúng tôi thong thả bước .Mùi khói nhà ai đốt rác, mùi rơm rạ, mjùi phân trâu bò thoảng đưa vào mũi. Tôi không biết so sánh với mùi gì. Mà làm sao so sánh? Từ lâu, tôi đã đọc ở sách, thấy nói về mùi quê hương. Có lẽ, đây cũng là mùi quê hương chăng? Ở Sàigòn, chỉ bị ngửi mùi khói xe máy, mùi chuột chết, mùi rác thối, mùi tanh ương của chợ cá Trần Quốc Toản, tôi ức ghê lắm. Thần tượng của tuổi thơ muôn đời lại bị bêu nhục thế ư?. Tại sao không đem Gia Long đặt tên một con đường và con đường ấy là nơi họp chợ cá, chợ tôm?
Sương đã xuống . Mặt trời đắp chăn mây đi ngủ rồi. Ngủ ngon nhé, mặt trời. Giá chúng tôi cưỡi ngựa thì chúng tôi sẽ là hai kỵ mã trong sương chiều. Và tôi sẽ tỉ tỉ ca "Đường im vắng trong sương chiều. Nương theo gió ngựa chạy đều... " Rất tiếc, chúng tôi đang lê những bước chân dế mèn.
Lần đầu tiên, tôi được nhìn ngọn đèn dầu soi sáng căn nhà lá. Trong ấy chắc ấm cùng vô vàn. Tôi lại nhớ nhà. Mới xa nhà hai hôm đã nhớ nhà rồi. Nhưng tôi còn có nhà để trở về nhà mình. Chứ, những đứa trẻ không có nhà như Tư đờn, bạn giang hồ của tôi, nỗi nhớ nhung của chúng nó chắc phải to bằng dẫy núi và rộng hơn cánh đồng trước mặt tôi. Tôi đâm ra thương xót những kẻ thiếu mái nhà. Không có nhà là không có tất cả. Tư đờn đã thiếu. Trong nhà mới có tình thương đằm thắm. Ngoài nhà chỉ là lưu lạc, buồn khổ. Tôi muốn ví những đứa trẻ giống miếng thịt bò tươi. Và căn nhà là cái tủ lạnh. Thịt bò tươi bỏ vào tủ lạnh mới tươi mãi. Để ngoài một ngày sẽ thối ngay. Khi nước tôi thanh bình, nhất định ai cũng có mái nhà. Để lưu lạc mỏi chân thì trở về nhà mình nghỉ ngơi.
- Ê, phì lũ!
- Ngán phiêu lưu chưa?
- Tao mỏi chân quá xá!
- Đằng kia có cây gì lớn lắm. Tụi mình ngủ gốc cây một đêm.
- Biểu vô Mỹ Tho mầy không chịu.
- Mày chưa biết chuyện con dế mèn. Đi phiêu lưu mà cứ cằn nhằn.
Chúng tôi rảo bước. Tới gốc cây bên đường, Tư đờn tháo cây đàn và nằm dựa lưng vào thân cây. Tôi kể chuyện Dế mèn phiêu lưu ký cho nó nghe. Con ông cụ ngủ một cách say sưa. Tôi định bụng sẽ mở căng mắt quan sát trời đất ban đêm. Khốn nỗi, vì biết tôi yêu con dế mèn, các nhạc sĩ dế đã kéo về tụ tập quanh đây, mở đại nhạc hội của loài dế trẻ. Nhạc dế tuyệt diệu. Tôi ngủ thiếp đi, tưởng chừng mình đang đứng trên chiếc lá trang, vai đeo khăn gói, xuôi dòng nước phiêu lưu cùng bạn giang hồ dế mèn bất hủ.
Khi nhạc dế ngừng chơi, luồn vô tai tôi một dòng âm nhạc vui tươi chứ không ru ngủ như nhạc dế. Tôi mở mắt ra. Trên cành cây, các bạn danh ca chim yêu đời đang véo von diễn tả nhạc của trời. Thấy tôi thức giấc, các bạn danh ca chim từ giã tôi. Tư đờn vẫn còn ngủ. Đêm qua nó đã lạc vào giấc mộng sân khấu. Tôi tin rằng nó đã thủ vai kép độc trong vở tuồng lịch sử. Vừa lúc đó, tiếng vịt kêu loạn xà ngầu. Tôi vươn vai đứng dậy. Một ông nhóc mặc quần xà lỏn đen, cởi trần, đầu quấn chiếc khăn bông kín tóc, tay cầm cây gậy dài trên đầu buộc vải tua y hệt gậy của ông thầy pháp. Ông nhóc dựng cột bên cạnh chân, ngó tôi chằm chằm. Tôi toét miệng cười cầu thân. Ông nhóc hất hàm:
- Đêm qua tụi mày ngủ ở đây, hả?
Tôi gật đầu. Ông nhóc lè lưỡi:
- Có gặp con ma trọc đầu không ?
Tư đờn nghe tiếng nói, cựa quậy rồi ngồi nhỏm dậy. Tôi giả đò ngạc nhiên:
- Mày nói con ma trọc đầu?
Tư đờn mắt nhắm mắt mở:
- Ma à?
Tôi khẽ véo Tư đờn .
- Con ma trọc đầu, mầy quên sao? Con ma có bốn cái sẹo ở trán, ba cái sẹo ở cổ í mà! Tối qua đánh nhau với nó mệt phờ râu ông cụ.
Thằng nhóc hỏi:
- Thắng hay thua?
Tôi hít một hơi khí trời đầy phổi, thở nhẹ nhàng:
- Nếu thua, sức mấy còn sống mà kể chuyện cho mày nghe.
Thằng nhóc chịu chuyện ma lắm. Nó giơ cái gậy chỉ bầy vịt choai choai:
- Vịt của tao đó.
Tôi xoa tay:
- Của mày à?
Thằng nhóc đáp:
- Chăn mướn. Tao là vua chăn vịt.
Nó nhe hàm răng, khoe khoang:
- Tại tao bị té gẫy ba cái răng nên tụi nó kêu tao là vua móm.
Vua chăn vịt tức vua móm chưa chịu xưng "quý danh". Tôi bèn "phỏng vấn":
- Chứ tên cúng cơm của vua là gì?
Nó cười:
- Tên chi ngộ vậy, mày?
Tôi vỗ bụng bình bịch:
- Ngộ chi? Như tao cha mẹ đặt tên là Hưng.Vì tao mập nên mang tên Hưng mập. Bạn tao đây tên Tư, chơi đàn vọng cổ nên mang tên Tư đờn .
Vua chăn vịt chợt hiểu:
- À, tao là Sáu.
Tôi nói:
- Sáu móm hay Sáu chăn vịt.
Vua móm cười tít mắt. Nó đã bước đến gần chỗ chúng tôi. Dũng sĩ Tô Tô không thấy được giới thiệu thì nổi giận "bông nhông" xuống ruộng đuổi vịt của Sáu móm chạy tán loạn. Sáu móm kinh hãi. Tôi huýt sáo gió. Tô Tô bỏ ngay cuộc chơi tai hại .Dũng sĩ chạy lên, quỳ mọp dưới chân tôi:
- Đây là dũng sĩ Tô Tô .Đêm qua nó cắn tét chân con ma trọc đầu.
Tô Tô vẫy đuôi, sủa vài tiếng chào mừng Sáu móm. Vua chăn vịt lần tay ra sau lưng, thò vô cái túi vải đựng lương thực, nó thộp ba trái bắp luôc mời chúng tôi:
- Ăn sáng đi.
Chúng tôi không từ chối. Trong lúc đàn vịt kiếm ăn quẩn quanh đó thì vua chăn vịt đứng nhìn chúng tôi ăn bắp luộc ngon lành.
- Chắc mày thổi "ác mô ni ca" hay hơn thằng bạn Chương còm của tao đấy, Sáu móm nhỉ?
- Thổi "ác mô ni ca"?
- Thổi kèn í mà!
Tôi giải thích cho Sáu móm hiểu. Nó cưòi thích thú.
- Mỗi ngày tao thổi năm cái "ác mô ni ca" lận!
Mặt trời đã phá tung chăn mây chui ra . Sáu móm nửa muốn xua vịt băng qua đường, nửa muốn ở lại chờ tôi kể chuyện đánh nhau với con ma trọc đầu. Nó hỏi một câu mà tôi đợi mãi:
- Hai đứa mày đi đâu?
Tôi vất cái lõi ngô, vênh mặt:
- Phiêu lưu! Chúng tao phiêu lưu ! Đi khắp chỗ. Chỗ nào vui chúng tao ở lại đờn ca và biểu diễn võ bụng.
Sáu móm tròn xoe mắt:
- Mày có "nghề" à?
Tôi nói theo giọng của Tư đờn :
- Lai rai..
Sáu móm khoe:
- Trong kia vui lắm. Tụi tao tụ họp buổi trưa, uýnh lộn tưng bừng . Hai đứa mày vô đó phiêu lưu, kể chuyện đánh con ma trọc đầu, tụi nó sẽ tôn làm sư phụ.
Tôi đá khẽ Tư đờn :
- Đi tập chăn vịt hé, Tư đờn ?
Tư đờn nhăn mặt:
- Rồi làm sao tao gặp ông bầu cải lương?
Tôi hứa với nó:
- Sẽ gặp. Cùng lắm tao dẫn mày đến nhà Hùng Cường.
Tư đờn hả hê. Thế là đoạn đường phiêu lưu của tôi rẽ xuống ruộng. Sáu móm phóng cái gậy .Tài phóng gậy của nó thật tài. Và quyền uy của cái gậy thật đáng sợ. Bầy vịt răm rắp vào hàng ngũ sửa soạn băng qua quốc lộ. Sáu móm toan lội xuống nhổ cái gậy. Tôi bảo nó đứng yên . Một cục gạch nhỏ ném kèm theo tiếng huýt sáo gió. Dũng sĩ Tô Tô nhào xuống, ngậm chặt cây gậy, nhổ lên và đem đưa cho Sáu móm. Vua chăn vịt tặc lưỡi lu bù:
- Số dzách! Số dzách!
Chúng tôi theo chân Sái móm đến vương quốc vịt. Không, đến vùng trời chăn vịt.
giavui
06-20-2020, 04:27 PM
8. Dự tiệc cá lóc nướng trui với ngũ tướng chăn vịt Tư đờn sợ hát biệt ly nhớ nhung từ đây
Tôi lại được dịp khoe cái bụng, thùng nước lèo của Dzũng ĐaKao. Năm ông tướng thay phiên nhau đấm. Da thịt bụng tôi đỏ ửng và tay ngũ tướng chăn vịt nhức nhối.Tám lé đã lé thêm con-mắt-cách-mạng-bị-đàn-áp, tặc lưỡi khen rằng:
- Hèn chi con ma trọc đầu thua mày.
Bẩy đen cắn môi suy nghĩ:
- Tao ngờ mày đánh nhau với "nó", mày muốn tụi tao hết sợ ma nên mày bày đặt chuyện bóp nát con đom đóm.
Tư đờn nói:
- Nhất định không có ma. Tao ngủ một giấc dài. Đứa nào không sợ ma thì ma không dám đến. Phì lũ biểu thằng nào muốn biết có ma hay không , đêm nay ngủ với tụi tao dưới gốc cây.
Chàng nghệ sĩ lang thang của tôi cười khẩy:
- Sợ ma thì phiêu lưu đây đó sao được. Thì suốt đời chỉ làm tướng chăn vịt.
Ngũ tướng chăn vịt có vẻ thấm thía với "lời hay ý đẹp" của Tư đờn . Sáu móm đánh trống lảng:
- Đờn ca cho vui, tụi mày..
Tư đờn trổ tài, tay đàn miệng hát. Ngũ tướng quên đám quân vịt, quên con ma trọc đầu, thử giọng một cách hồn nhiên. Qúy vị ấy ưa ca vọng cổ. Nghe con nít rền rĩ buồn thấy mồ. Quê hương tôi ở chỗ nào cũng có thể văng vẳng điệu buồn vọng cổ. Từ thành phố đến nông thôn. Con nít chẳng nên buồn. Con nít phải vui tươi, trong sáng. Mà vọng cổ thì, dù lời vui, lời giễu, hát lên , khuôn mặt người hát nó vẫn thê lương thế nào ấy. Tôi nhìn Sáu móm, Năm rỗ, Bẩy đen, Đạt sún, Tám lé hát, vừa bật cười vừa tội nghiệp. Những ngày ở nhà (cứ làm như mình phiêu bạt vài năm đằng đẵng), mở vô tuyến truyền hình coi. Thấy người lớn đẩy con nít ra ca vọng cổ, tôi ức quá xá. Bướm không bay, chim không lượn, hoa không nở, sương không trong, gió không mát trong điệu vọng cổ. Vì buồn não nuột. Tôi ước mong, ở khắp chốn trên quê hương tôi, con nít được hát ca ngợi tuổi thơ. Tôi ước mong những đoàn du ca của bác Phạm Duy, chú Trịnh Công Sơn, đặt chân trên những lối mòn thôn ổ, dạy nhi đồng hát nhạc thương yêu cha mẹ, ông bà, họ hàng, trường lớp, thầy cô, bạn bè, quê hương. Bác Phạm Duy ơi, tuyển tập Nhạc Nhi Đồng của bác hay lắm, in đẹp lắm.Nhưng cháu muốn chính bác dùng bút viết khuông nhạc, nốt nhạc và lời ca trên lá, trên cây, ở khắp hang cùng, ngõ hẽm, khắp đường mòn, lối cụt, bằng cách bác mang cây đàn trên vai, áo nâu, giày vải, bác đến với chúng cháu, dạy chúng cháu hát nhạc ngợi ca tuổi thơ của bác. Và, lúc đó, bác mới bất diệt.
Bỗng tôi thấy mình ích kỷ, Tôi tự hỏi tại sao Tư đờn không biết chơi đàn Alto. Giá có Chương còm nhỉ? Nó sẽ thổi "ác-mô-ni-ca" và sẽ dạy ngũ tướng chăn vịt hát bài :"Đời ta bao vui tươi như hoa hồng thắm" . Rồi nếu thêm Dzũng ĐaKao bày những trò chơi lịch sử để Chương còm gạ gẫm những người bạn mới của tôi tập mơ thành người Hoa Lư, người Trần Quốc Toản, người Quang Trung. Tôi dở quá, chả có tài gì cả ngoài cái thân hình phì lũ và cái bụng rắn chắc.
Đàn hát chán chê, ngũ tướng chăn vịt hỏi hai đứa tôi có muốn ăn thịt vịt không thì ngũ tướng giết vịt khao... thượng khách. Tôi sợ mất vịt, một tướng quân chăn vịt lại phải nói dối với ba má hay chủ vịt. Tôi lắc đầu. Ngũ tướng bảo chúng tôi nằm nghỉ. Và ngũ tướng ra đi. Một tiếng đồng hồ sau, ngũ tướng xách về bốn con cá lóc thật bự . Sáu móm khoe ầm ĩ:
- Nếu hai đứa mày còn thèm cá , tụi tao lại vô đìa . Cá lúc nhúc à... .Cá lóc nướng trui ngon khỏi chê.
Tôi buột miệng:
- Tuyệt cú mèo!
Ngũ tướng kiếm cỏ khô, cành mục và rạ gom thành đống. Đã mang sẵn ống quẹt, Sáu móm châm lửa. Lửa cháy phừng phừng. Tám lé đập chết bốn con nhà cá. Bảy đen bọc mỗi bạn cá một lớp áo bằng đất rồi vất vào lửa . Chúng tôi lượm thêm cỏ khô, cành mục liệng vô đống lửa.
Đạt sún cao hứng:
- Thiếu xị đế!
Ngũ tướng trải tấm ni-lông đen ra dọn tiệc. Tôi thấy có muối, tiêu, chanh, ớt. Qúy vị ấy đãi khách ăn theo lối Ấn Độ. Nghĩa là bốc. Vì không có đũa, bát, muỗng. Chúng tôi ngồi nói với nhau nhiều chuyện. Tôi kể đội bóng tròn của Bồn lừa sẽ đá bại những đội bóng tròn trứ danh nhất thế giới; chuyện Chương còm tập làm lính Quang Trung bắt sống nhô con Mỹ là Bill, Jack, John, Jimmy; chuyện Dzũng ĐaKao dẹp tan giặc khỉ, giặc Ôkê. Năm người bạn mới của tôi sáng rực mắt theo dõi. Bảy đen vỗ đùi cái đét:
- Ừa, phải vậy chứ. Trẻ con Việt Nam phải ngon nhất thế giới.
Đạt sún bẽ bão tay răng rắc:
- Tao sẽ mua vé xe đò lên Sàigòn coi thằng Bồn lừa đá tung lưới bọn mũi lõ.
Năm rỗ hãnh diện:
- Sức mấy một thằng Mỹ chăn nổi cả ngàn con vịt như tao.
Sáu móm vung tay:
- Tụi nhóc Mỹ sợ ma thấy mẹ!
Tám lé lớn tiếng:
- Bắt cả ở đìa,ông chấp tụi Mỹ mười tay.
Tôi không quên kể giấc mơ của Tư đờn . Ngũ tướng rất hả hê. Sáu móm vỗ vai Tư đờn :
- Nếu thành "nghệ sĩ" , nhớ gởi tặng tao tấm hình làm kỷ niệm nghe, mày.
Năm rỗ dặn dò:
- Nếu có lưu diễn vùng này, đừng quên mời tụi tao coi, hén. Coi cọp mất khúc đầu, chán "chớt"!
Khi đống than đã tàn, ngũ tướng chăn vịt dùng gậy chăn vịt bươi cá ra. Đợi nguội lớp đất khô nứt , ngũ tướng bê đặt lên tấm ni-lông .Sáu móm bóc lớp đất. Vẩy cá và da cá dính vào đất . Còn lại là thịt cá trắng hổi, thơm phức, bốc khói nghi ngút. Chúng tôi bốc, gỡ xương chấm với muối-tiêu-chanh, bỏ vô miệng, vừa xuýt-xoa, vừa nhai, nuốt. Cá lóc nướng kiểu này ngon tuyệt vời. Phải được ăn giữa trời mới biết đời người chỉ có một lần ăn cá lóc nướng trui ngon. Tôi đã coi nhiều phim cao-bồi . Vào xuất năm giờ hay mười một giờ , bụng đói ngấu nghiến, gặp cảnh chàng cao bồi hạ con hoẵng, treo trên hai khúc cây nướng rồi xẻo thịt ăn, tôi đã nuốt nước miếng ừng ực. Cảnh bắt cá lóc, nướng trui rồi bốc ăn của chúng tôi mà được quay phim , khán giả ngoại quốc sẽ thèm đến chết . Ờ, lạ quá, phim Việt Nam chỉ quay đấm đá , hút thuốc phiện và hồ tắm. Dở ẹc! Tôi rất hãnh diện vì năm người bạn của tôi. Các bạn tôi không biết tổ sư Hướng Đạo Barden là ai mà vẫn là những người Hướng Đạo cừ nhất thế giới. Tôi càng tin trẻ con nước tôi nhiều tài ba, sáng kiến. Chắc chắn, mai này, Việt Nam yêu dấu của tôi sẽ hùng mạnh như thời Đinh, Lê, Lý , Trần.
Nhưng tôi hơi buồn, tự hỏi, đi chăn vịt suốt ngày các bạn tôi đâu có thì giờ đến trường học. Phải chi, mỗi làng quê Việt Nam có một ngôi trường đẹp giống trường Đakao thì nước tôi sẽ tràn ngập nhân tài xây dựng quê hương. Hỡi ánh sáng của đèn điện, hỡi ánh sáng của khoa học, hỡi ánh sáng của kiến thức, đến bao giờ soi sáng đồng quê u tối?
Ăn no cá lóc nướng trui, ngũ tướng mời hai đứa tôi uống nước lạnh! Dũng sĩ Tô Tô bằng lòng bữa tiệc thịnh soạn này. Bụng đã căn, Sáu móm khơi chuyện cũ:
- Nè, Hưng mập, thật không có ma chứ?
- Không có ma. Sách dạy đàng hoàng mà.
Tôi kể bài tập đọc trong cuốn Quốc-văn Giáo-khoa thư , lớp dự bị:"Thằng Ba lên gường ngủ. Đèn đóm tắt cả rồi... .". Con nhà Ba vốn nhút nhát. Nó sợ từ con kiến đến con dế. Ba đắp chăn trùm kín mặt. Một lát, sợ quá, con ông cụ la hoảng: "Có người đứng rình trên tường". Ba toát mồ hôi. Tri hô ầm ĩ: ma, ma, ma! Nghe tiếng em kêu, chị nó thắp đèn vào phòng nó. Ba ú ớ:"Có người đứng rình trên tường". Chị nó cười, nhin vào cái áo treo trên tường, mắng nó: "Người đâu, đâu nào , chỉ nói nhảm!" . Rồi chị nó bảo người đứng rình nó là cái áo. Đó, con ma đó. Ba xấu hổ. Từ đó, nó hết sợ ma. Vì không làm gì có ma cả.
Sáu móm hỏi:
- Sách nào vậy cà?
Tôi đáp:
- Sách dạy ở trường học.
Năm người bạn của tôi thộn mặt ra. Sáu móm thú nhận:
- Tại tụi tao không đi học... .
Câu nói nghe buồn chi lạ. Không đi học thì sẽ sợ ma và sợ đủ thứ. Người mù chữ, ma nó cũng bắt nạt. Và hễ bị ai doạ nạt là sợ ngay. Sáu móm gật gù:
- Sách đã dạy thì đúng phóc. Tối nay tao ngủ với mày xem sao.
Tám lé giơ tay:
- Tao nữa.
Chúng tôi ngủ trưa giữa đồng không mông quạnh. Tôi lại biết thêm nhạc gió, biết thêm hương đồng gió nội. Nhạc gió không ngừng điệu rì rào muôn thuở. Tôi ngủ lịm đi .Có thứ máy lạnh không nước nào chế được là gió đồng quê hương tôi. Và, như thế, tôi chả sợ bom nguyên tử.
Tôi tỉnh giấc khi chiều xuống dần. Tiếng vịt kêu nghe nhớ nhà thấy mồ. Ngũ tướng đã dồn quân thành năm cánh. Đến giờ lùa vịt về. Cao-bồi Mỹ lùa bò về chuồng dễ ẹt. Một đàn bò phải dùng một bầy cao-bồi. Lùa vịt mới khó. Vịt đàn này không lẫn sang đàn khác lại càng khó. Mà chỉ cần một nhóc con với cây gậy. Sáu móm dẫn đầu đàn vịt của nó. Đàn vịt no căng diều, chạy chậm hơn buổi sáng. Sáu móm hỏi tôi:
- Nếu về nhà tao ăn cơm rồi ra lộ thì lâu lắm. Tao về lẹ, đem cơm cho tụi mày.
Nó nhìn tôi thương mến:
- Mai vô nhà tao ngủ. Tao muốn mày ở lại dạy cho tao đọc sách. Nhưng tao biết mày khoái phiêu lưu.
Tôi nắm tay Sáu móm:
- Nội đêm nay tao sẽ dạy mày thuộc lòng hai mươi bốn chữ cái, năm dấu và mày sẽ biết viết tên mày.
Sáu móm hớn hở:
- Nhớ nghe.
Khi đàn vịt cuối cùng của Đạt sún băng qua lộ, tôi và Tư đờn dừng ở gốc cây đêm qua. Tiếng vịt kêu nhỏ dần. Rồi bóng của ngũ tướng cũng nhỏ dần. Hoàng hôn nhuộm cảnh vật một màu vàng chết. Nỗi buồn trong hồn tôi đùn lên. Tôi cảm xúc, hát ti tỉ:"Chiều ơi, lúc chiều về gặp những nương khoai, trâu bò về giục mõ xa xôi, hỡi chiều. Chiều ơi, áo chàm về thả gió lên khơi, in hình vào sườn núi chơi vơi, hỡi chiều... "
Tư đờn véo tôi:
- Mày biết ca tân nhạc thiệt à?
Tôi vuốt tóc:
- Lai rai.
Rồi nói:
- Giá tao lớn, lúc này tao được phép hút thuốc lá, và tao nhả khói lên trời.
Tư đờn chưa hiểu gì. Nó đập lưng tôi:
- Hút thuốc à? Nghiền chết.
Tôi lắc đầu:
- Hút thuốc lá và hát.
Tôi lại ti tỉ: "Tôi là người lữ khách .Màu chiều gió làm say. Ngỡ lòng mình là rừng. Ngỡ hồn mình là mây. Nhớ nhà châm điếu thuốc. Khói huyền bay lên cây... ."
Tư đờn vỗ tay. Dũng sĩ Tô Tô sủa nhặng xì ngầu. Tự nhiên, giọng nói Tư đờn buồn buồn:
- Mày nhớ nhà hả?
- Ừa!
- Mày muốn về rồi à?
- Tao phải xuống Cái Dầu.
- Rồi mày cũng phải về nhà mày.
- Ừa!
- Còn tao một mình!
- Mày về với tao.
- Không, tao không về với mày đâu.
- Tính về túp lều cũ ư?
- Không.
- Thế đi đâu?
- Phiêu lưu.
Tôi chợt cảm thấy tim mình đau nhói. Tư đờn đã nằm dài, đầu gối lên một cái rễ cây lớn.
- Hưng mập ơi!
Tôi ngạc nhiên:
- Hết ham kêu tao là phì-lũ rồi à?
Nó không trả lời câu hỏi của tôi. Mà thong thả nói:
- Hôm nọ, chưa gặp mày, tao nghĩ tao sẽ hát dạo ở chân cầu Tân An, chờ ngày lớn tuổi thì đăng lính. Gặp mày, tao nghĩ khác, vì mày biểu tao sẽ nổi tiếng hơn Hùng Cường, Thành Được.
- Chứ sao!
- Tao không thèm về túp lều cũ nữa. Tao sẽ phiêu lưu một mình. Tao thèm trở thành kép hát sân khấu, thèm mời bọn thằng Sáu móm, Năm rỗ, Tám lé, Bảy đen , Đạt sún tới coi tao diễn tuồng.Tao phải gặp một ông bầu.
Chết tôi rồi. Tôi đã thổi vào tâm hồn Tư đờn một làn khói mơ mộng.
- Nhất định mày nổi tiếng hơn Hùng Cường . Hình mày sẽ được đăng báo và mày sẽ gởi tặng Sáu móm một tấm làm kỷ niệm. Nhận được ảnh của mày, Sáu móm sẽ mừng phát khóc.
- Tao cũng khóc.
Tôi chớp mắt . Rồi nước mắt ứa ra. Tư đờn thì đưa cánh tay quệt mắt. Tưởng tượng, hôm nào đó mở vô tuyến truyền hình, gặp Tư đờn diễn tuồng, chắc tôi phải khóc nức nở.
- Chúng mình còn đi với nhau đến Cái Dầu cơ mà. Tao sợ đến "bắc" mày đã chia tay tao. Vì mày gặp ông bầu.
Tư đờn nhỏm dậy ôm lấy tôi:
- Tao sẽ không bao giờ quên mày đâu, Hưng mập ạ!
Tôi vuốt ve Tư đờn :
- Tao cũng vậy. Tao mong mày nổi tiếng.
- Còn mày?
- Tao ấy à... .Tao được khoe là bạn thân của mày là hãnh diện quá trời rồi.
Hai chúng tôi nắm chặt tay nhau. Trời đã xám xịt. Vào lúc đó tiếng Sáu móm và Tám lé văng vẳng từ đằng xa. Chúng nó không biết xí gạt.
giavui
06-20-2020, 04:27 PM
9. Bóng ma trên quốc lộ, ma đào lỗ chôn người,Sáu móm, Tám lé sợ xỉu đi
- Mờ om mom sắc móm. ... Sờ au sau sắc sáu. Sáu móm uốn lưỡi chữ sờ.
- Sờ au sau sắc sáu... Mờ om mom sắc móm... Sáu móm.
- Nờ á ná em năm... Rờ ô rô ngã rỗ... .Năm rỗ. Nhớ đánh vần dấu ngã. Đây nè, dấu ngã nó nằm té dài. Mày đánh dấu hỏi là tên thằng Năm rỗ biến thành Năm rổ, năm cái rổ đựng cá.
- Rờ ô rô ngả rổ..
- Ngã rỗ...
- Ngã rổ...
- Rỗ.
- Ngả rỗ...
- Ngã.
- Ngả rỗ.
- Ngã.
- Ngả rổ.
- Ngã rỗ.
- Ngả rỗ.
- Ngã rỗ.
- Ngã rỗ. Năm rỗ.
- Đờ a đa tê đát nặng đạt..
- Đờ a đa tê đác nặng đạc.
- Đát nặng đạt
- Đác nặng đạc...
- Sờ u su en sun sắc sún..
- Sờ u su en sung sắc súng...
- Sun sắc sún...
- Sung sắc súng... .
Khi Sáu móm có thể ghép chữ đánh vần tên nó và tên bốn thằng bạn thì đã quá nửa đêm.. Tư đờn ngủ ngon giấc rồi. Cái thằng lạ ghê. Đặt lưng xuống là nhắm tít mắt. Tám lé còn nửa tin nửa ngờ nên vẫn còn sợ không dám ngủ. Riêng Sáu móm nhất định chữa bệnh mù chữ, thành thử, con ông cụ mê chữ quên béng con ma trọc đầu. Ông tướng chăn vịt của tôi nghiễm nhiên hoá ra ông tướng... .trí thức! Bốn "chiến hữu" của ông sẽ nhờ ông mà hết i-tờ-rít. Tôi hy vọng thế.
- Khoái quá, Hưng mập ạ!
- Đọc thông viết thạo, mày sẽ khóai hơn. Khỏi cần đi Sàigòn, ngồi đây đọc sách báo là mày biết hết chuyện Sàigòn.Mày sẽ thấy Dzũng Đakao bắn ná vô địch thế giới. Mày sẽ biết tại sao tao bỏ nhà đi phiêu lưu khi mày đọc nổi truyện Con Dế Mèn và thiên phiêu lưu ký bất hủ của nó.
- Thiệt hả?
- Bộ tao nói dối mày ư? Sớm mai , trước khi chia tay mày, tao sẽ dậy mày viết câu "Ông cóc sợ con ma trọc đầu. Ký tên: Sáu móm, tướng chăn vịt" để mày dán lên cây này lấy le với tụi nhãi.
- Ừa, số dzách. Ma trọc đầu phải ngán tao.
- Làm gì có ma.
- Ấy là tao giả dụ vậy.
- Thì cho mày giả dụ chút xíu. Tao hỏi mày chứ nếu con ma trọc đầu nó ngán mày là cớ chi?
- Vì mày biểu phải can đảm, mày biểu người ta là chúa tể muôn loài há lại sợ loài ma quỷ.
- Không phải.
- Vậy tại sao?
- Tại mày biết chữ...
- Lộn xộn hoài mày. Bộ ma cũng biết chữ sao?
Tôi kí khẽ lên đầu Sáu móm, khen nó thông minh hơn... .con ma trọc đầu của nó. Bỗng Tám lé lăn nhanh đến chỗ tôi và ôm chặt lấy tôi. Lưỡi nó dường như ngắn đi hai tấc Nó ú a ú ớ:
- Nó... .nó... .nó. Kìa... nó!... .
Sáu móm run cầm cập. Hai hàm răng ông tướng chăn vịt của tôi đánh nhịp lấp cấp, lập cập dù tướng quân chưa nhìn thấy "nó". Tôi căng mắt quan sát. Tám lé trỏ tay về phía đường xuôi về Mỹ Thuận:
- Nó... nó... đấy!...
Đó là hai bóng đen, một đi trước , một theo sau từ dưới bờ ruộng sắp lên lộ. Đêm nay không có trăng.. Sương xuống nhiều ướt cả tóc tôi nên sao khuya chỉ lọc qua sương một làn ánh sáng yếu ớt, chập chờn.. Hai bóng đen đã lên lộ. Đứng lại. Tôi khó biết "nó" trọc đầu hay tóc dài.
- Tao... tao... chết ... .mất...
Tám lé ôm dính tôi. Rồi Sáu móm cũng ôm dính.
- Mày ... hại... ông ... rồi... phì lũ ơi!
Thú thật, tim tôi đang đập thình thình. Tôi cố bình tĩnh. Tôi không tin có ma, nhưng rất tin hai bóng đen là quân cướp, đón đường dở cái trò đòi tiến "mãi lộ " khách bộ hành. Tôi đã coi vài phim chưởng Ba Tàu nên phỏng chừng thế. Tôi căng mắt to nữa. Căng muốn rách đuôi con mắt. Hai bóng đen cùng đeo cái gì dài dài trên vai. Có thể là súng. Cướp xe đò phải có súng chớ. Một bóng đen còn bê trên tay một cái bọc. Tôi nói đủ cho Sáu móm và Tám lé nghe:
- Nằm hết xuống rồi trườn lùi xuống nấp dưới bờ ruộng.
Sáu móm và Tám lé sợ quá, không dám trốn ... .hai mình. Tôi đánh thức Tư đờn, bịt miệng nó và ghé sát tai nó, thì thầm:
- Bọn cướp mày, dậy lủi lẹ đi!
Tôi không quên nắm chặt mõm dũng sĩ Tô Tô, xùy xùy thật nhỏ ra hiệu cấm sủa. Rồi chúng tôi trườn lùi xuống ruộng . Hành lý của tôi, cây đàn của Tư đờn cũng... . phiêu lưu trốn chạy theo. Chúng tôi trườn thật nhẹ nhàng, y hệt những con rắn bò trên cỏ. Cách gốc cây khá xa, chúng tôi nằm ôm lấy bờ ruộng. Như thế, chẳng ai nhìn thấy, kể cả đèn pha quét nhanh .
Sáu móm và Tám lé tưởng gặp ma trọc đầu thật, nằm úp mặt trên cánh tay. Hai tai của mỗi thằng bị cánh tay bịt kín. Nhị vị tướng quân sẽ không được gì. Và chúng nó, cho ăn kẹo, cũng chả dám nghe ma nói. Cảnh tượng vắng lặng. Các nhạc sĩ dế, đêm nay mệt mỏi, chẳng chịu tổ chức đại nhạc hội Híp-pi à gâu gâu dế. Đêm qua, giờ này, vẫn còn vài chiếc xe chạy qua . Đêm nay thì tịch liêu. Tịch liêu ghê sợ.
- Có thuốc mà quên mang quẹt, cô bác nào ngủ gần đây có quẹt cho mồi điếu thuốc đi!
Tiếng nói vọng tới, nghe rõ mồn một. Im lặng.
- Không có ai cả.
- Bạn đến gốc cây coi có thằng chăn vịt nào ngủ không ?
Tôi phục tôi quá. Tư đờn cấu khẽ chân tôi rồi xoay thế nằm để đầu nó sát đầu tôi:
- Sao mày biết nó đến mà trốn trước?
Giá lúc ấy là lúc ba hoa với bọn Dzũng Đakao ở Sàigòn, tôi sẽ vênh mặt trả lời:
- Phiêu lưu phải biết trước hết mọi việc.
Nhưng đang tràn ngập lo hãi, tôi khẽ đáp:
- Tao sợ nó bắt tụi mình.
Bóng đen sắp đến gốc cây. Tôi phải vất vả bò tới bò lui doạ nhị vị tướng quân chăn vịt:
- Đứa nào ho hay khóc hay nhúc nhích sẽ chết.
Bóng đen đến gốc cây rồi. Đúng, không phải là ma. Người rõ ràng. Người đeo súng. Người mặc quần xà-lỏn và áo bà ba đen.
- Hí hí hí... .Tao là con ma trọc đầu đây. Đứa nào ẩn nấp ra tao cho tiền. Không ra, tao kiếm được, tao bóp cổ chết... .
Sáu móm và Tám lé đã nghe rõ. Vì trời mưa lai rai, ruộng chỉ xấp xỉ chút nước, tôi nghe tiếng lạch bạch cơ hồ tiếng vịt chạy. Nhị vị tướng quân chăn vịt run ghê quá. May mà "con ma trọc đầu" ở xa không nghe rõ. Doạ dẫm vài câu, bóng đen chạy nhanh về phía bạn của hắn:
- Đào đường đi!
Tiếng búa chim bổ xuống .Lục cục, lào cào.
- Coi lại cái đồng hồ tự động. Bẩy giờ là nổ tung. Lần này phải giết vài chục mạng.
A, tôi hiểu rồi. Có con ma trọc đầu. Vùng này ai cũng sợ ma trọc đầu. Ma trọc đầu gài chất nổ đánh bẫy xe đò.
- Xong chưa?
- Rồi.
- Lấp cho khéo. Tưới nước lên. Tao mang miếng vỏ xe hơi đây. Miết kỹ rồi in vỏ xe, tụi nó sẽ tưởng có xe qua.
- Tụi nó sẽ chết hết.
- Thôi, dọt!
Hai bóng đen lại xuống bờ ruộng. Bây giờ họ chạy. Chờ họ khuất xa, tôi vùng dậy, ngồi trên bờ ruộng, thở cái phào:
- Nó cút rồi.
Tư đờn đã ngồi dậy bên tôi:
- Mình chuồn lẹ.
Tôi xua tay:
- Mình sắp sửa phiêu lưu. Sướng quá, tao cứ sợ không có chuyện phiêu lưu thật hách làm quà cho các bạn tao ở Sàigòn.
Sáu móm và Tám lé vẫn run lạch bạch. Tôi cười lớn. Sáu móm nhỏm đầu:
- "Nó" hả mày?
- Tao đã bảo không có ma.
- Thế...
- À, mày sẽ biết .
Sáu móm và Tám lé vụt đứng lên, toan chạy. Tôi "bông nhông" nắm chặt chân Sáu móm. Tư đờn chẳng hiểu gì, đuổi theo Tám lé, giữ nó lại. Tôi nghĩ rằng để Sáu móm và Tám lé chạy về nhà, hai thằng sẽ bù lu bà loa cả xóm. Nhỡ hai con ma biết chúng tôi ẩn núp chỗ chôn chất nổ, họ nhào ra bắt hai đứa tôi thì mẹ tôi sẽ khóc cạn nước mắt. Điều đó không đáng kể. Tôi cần tính kế cứu mấy chục người sắp chết tan xác!
Sáu móm giẫy nẩy:
- Buông ông ra!
Tám lé khóc nức nở:
- Lạy chúng mày, cho tao về nhà.
Tôi nói:
- Đợi sáng hãy về.
Tôi doạ:
- Tao nghe rõ "nó" bảo nó đón hai đứa mày ở dọc đường.
Quả nhiên, nhị vị tướng quân tắt máy chân , dù tôi đã buông Sáu móm. Tư đờn giục Tám lé:
- Về đi!
Tám lé lắc đầu. Tôi ra lệnh (bây giờ tôi là tướng):
- Tới gốc cây.
Chúng tôi đến chỗ cũ. Tư đờn hất đầu:
- Mày nói mình sắp phiêu lưu?
- Ừa.
- Chờ gì?
- "Nó" nói bẩy giờ nổ tung . Mày biết cái gì sẽ nổ không ?
- Không!
- Một chiếc xe đò sẽ nổ.
- Trời.
- Tao coi phim gián điệp chiến tranh, tao biết hết. Mỹ gài mình, xe tăng Đức cháy tung, người đen thui, tan xác.
- Trời.
- Chúng mình sẽ cứu xe đò.
Sáu móm và Tám lé thộn mặt nghe hai đứa tôi bàn chuyện. Tôi vỗ vai Tư đờn thật mạnh:
- Tao sẽ hách hơn thằng Dzũng Đakao.
Sương bỗng xuống thật nhanh và thật lạnh. Con đường chỉ còn là vạch đen chạy dài. Tôi và các bạn tôi không còn buồn ngủ nữa. Tư đờn hỏi:
- Tao có hách không ?
- Hách chứ. Chúng mình đều sẽ hách!
Tôi ôm đầu suy nghĩ. Và, cuộc phiêu lưu của Hưng mập bắt đầu
giavui
06-20-2020, 04:27 PM
10. Giã từ bụi đời trong cuộc chia ly đầy nước mắt
- Tư đờn và Tám lé ở đây. Hai đứa ngồi giữa lộ. Tư đờn đánh đờn cho Tám lé ca. Có chuyện gì , cứ xụyt xuỵt Tô Tô sủa là tao tới liền.
- Còn mày?
- Tao và Sáu móm lại đầu đằng kia.
Tôi kều Tư đờn ra một chỗ:
- Mày đủ sức hạ Tám lé chứ?
Tư đờn liếm môi:
- Dư ăn. Nhưng tại sao lại úynh nó.
Tôi nháy mắt:
- Nếu nó chạy về, mày phải giữ nó lại.
Sáu móm và tôi men theo mép đường bước thật nhanh. Chúng tôi qua nơi trái mìn chôn một khúc mới dừng lại. Hai đứa tôi cũng ngồi giữa lộ. Tôi đã dặn dò Tư đờn . Chàng nghệ sĩ đàn dạo của tôi chắc thừa thông minh thực hiện ý muốn của tôi. Chúng tôi ngồi chờ chuyến xe đò hay xe vận tải đầu tiên từ Mỹ Thuận lên. Tư đờn và Tám lé chờ chuyến xe đầu tiên từ Sàigòn xuống. Mình cứ đề phòng, chắc nhất. Nhỡ trái mìn nổ sớm. Ấy, ở đời cần tính trước tính sau. Tôi sửa soạn phá hủy trái mìn như thế này:Chúng tôi chận hai đầu đường. Xe đò chạy sớm sẽ chiếu đèn. Chúng tôi giơ tay vẫy ra hiệu dừng lại. Không một ông tài xế nào dám chạy luôn cán chết chúng tôi. Và chúng tôi sẽ nói có trái mìn chôn sắp nổ.
Hẳn mọi người sẽ ngạc nhiên. Và sẽ có người không tin chúng tôi, tưởng chúng tôi xí gạt. Thì chúng tôi sẽ liều mạng. Sẽ khóc đòi xe cán chết chúng tôi rồi hãy chạy. Tôi cam đoan hết ai dám nghi ngờ chúng tôi. Tôi hơi lạ lùng là từ lúc hai bóng đen chôn mìn tới giờ, chưa hề có chiếc xe nào chạy qua. Chúng tôi chờ khá lâu rồi. Sương ướt nhễ nhãi. Tôi được tắm sương. Tiếng gà gáy te te nhọn ở xóm làng bên tay phải tôi đã nghe nhộn nhịp. Mặt trời sắp dậy. Ông cụ đánh răng, rửa mặt, ăn điểm tâm xong mới chịu mở cửa sổ nhìn xuống trần gian.
Sáu móm hỏi tôi:
- Thật "nó" đợi tao hả mày?
- Ai?
- Con ma trọc đầu.
- Tao đã bảo không có ma trọc đầu, húi cua hay chải tóc gì hết trọi. Lúc nãy là người .
- Ai?
- Người giả đò ma.
- Ngồi đây làm chi?
- Rồi mày sẽ biết. Mày cù lần lửa quá. Đừng sợ ma nữa.
Sáu móm thôi hỏi vớ vẩn. Con ông cụ đang thắc mắc lắm đây. Tôi biết, ở phiá trên, Tám lé sẽ hỏi vớ vẩn Tư đờn .Cuộc "phiêu lưu quốc lộ" của tôi, ngoài Tư đờn, không đứa nào biết.
- Ê, Hưng mập, có xe tới!
Tôi vội đứng dậy. Đèn xe, trông từ xa giống hệt đôi mắt quái vật. Thỉnh thoảng, nó nhấp nháy. Thoạt tiên, tôi chỉ nhìn thấy đèn. Rồi xe lừng lững tiến. Tôi trông rõ thân xe. Đèn sáng quá. Nó tung ra một khoảng ánh sáng khiến tôi nom rõ cảnh vật trước nó. Nó đến gần. Cách chừng hai trăm thước. Tôi vẫy tay lia lịa. Sáu móm làm y như tôi. Xe nhấp nháy đèn làm tôi chói mắt. Nhưng tôi cứ đứng giữa đường vẫy tay lia lịa. Chiếc xe phải từ từ rồi dừng lại cách tôi mấy chục thước.
Anh lơ xe nhảy xuống, chạy nhanh lên, chửi thề um sùm:
- Nhãi con, muốn chết hả?
Sáu móm sợ co rúm người :
- Dang ra cho xe chạy.
Tôi nói:
- Có mìn chôn gần đây.
Anh lơ xe nhéo tai tôi:
- Nhãi con, mầy toan xí gạt ông nội mầy à?
- Có mìn.
- Câm miệng.
Tôi la lớn:
- Có mìn chôn gần đây.
Bây giờ tôi mới nhận ra chiếc xe đầu tiên lên Sàigòn là xe đò. Nghe tôi la lối, tài xế và vài hành khách mở cửa xe đổ xô tới gặp tôi. Một người hỏi tôi:
- Em nói có mìn à?
- Dạ.
- Sao em biết?
- Tôi trông thấy họ chôn mìn. Bạn tôi đang ngăn xe phía trên. Nếu tôi nói sai, tôi xin vào tù.
Tất cả tin tôi hết. Ai cũng sợ chết. Xe đò tắt máy đậu sát bên đường . Đây là chiếc xe thư Vĩnh Long-Sàigòn chạy hồi bốn giờ.
- Tôi chờ xe nhà binh dò mìn. Tôi không nói láo.
Không ai hỏi tôi ở đâu, đi đâu, tại sao biết có mìn. Tôi lại gần xe. Nhiều ông làm dấu. Nhiều bà xuýt xoa.. Tôi hơi tủi thân vì thấychẳng ai cám ơn mình. Tin đường có mìn do chính anh lơ xe báo cho xe đến sau. Trời đất, lúc này xe lên đông quá! Độ nửa giờ sau, xe nối đuôi dài và trời đã sáng tỏ. Tôi quay lại nhìn Tư đờn. Phía nó, xe cũng nối đuôi nhau. Tôi có thể men theo mép đường cùng Sáu móm trở về chỗ bạn Tư đờn thân mến của tôi. Chiếc xe đầu tiên xuống lục tỉnh là chiếc xe của một đoàn hát cải lương. Tư đờn đã bắt nó dừng lại.
Thấy tôi, Tư đờn khoe:
- Tao khóc sướt mướt họ mới đậu đó mày. Nếu không có mìn, tao bị ăn đòn.
Tôi cười:
- Có mìn thì được ăn gì?
Tư đờn nín thinh. Xe nối đuôi nhau mỗi lúc một dài. Bỗng tôi nghe tiếng còi xe cấp cứu. Một chiếc xe jeep phóng nhanh tới. Bốn người quân cảnh ngồi trên xe. Xe thắng cái "rét" trước xe ca của đoàn Sông Hồ . Một người quân cảnh nhẩy xuống:
- Chuyện gì đó?
Một người lớn đáp:
- Mấy thằng con nít này nói chúng nó trông thấy có đứa chôn mìn.
Tôi nhanh miệng:
- Dạ đúng thế. Giữa khúc hai bên xe kẹt có một trái mìn. Tôi nói láo, sẽ bắt tôi.
Người quân cảnh bắt tôi thuật từ đầu đến cuối. Tôi nói vanh vách. Ông lại xe , gọi máy truyền tin. Mười phút sau, xe dò mìn tới. Hai chiếc máy rà rà, không bỏ sót chỗ nào trên mặt đường. Máy ra kiên nhẫn làm việc. Và, cánh tay người dò mình giơ lên. Nhiều trái tim nhảy mạnh.
- Đây rồi!
Những người tò mò đứng coi, sợ hãi, nằm rạp hết. Tôi không được đứng gần nơi trái mìn nên không biết sự hồi hộp của anh lính gỡ mìn. Tôi đoán chừng anh ta sẽ toát vài lít mồ hôi. Hai người lính can đảm, hì hục, loay hoay trong nỗi e dè, thận trọng độ mười lăm phút thì bê được trái mìn lên.
- Xong rồi!
Mọi người thở phào , hú vía. Đường hết mìn song kẹt người. Tin đồn loan đi là nhờ có mấy đứa bé nên thoát nạn, hành khách đổ xô tới "chiêm ngưỡng" bốn đứa tôi. Tôi vắn tắt kể cuộc phiêu lưu của tôi. Tất cả cám ơn tôi và Tư đờn . Rất nhiều người cho tiền tôi . Tôi bảo họ đừng cho tôi mà cho Sáu móm và Tám lé. Người ta công kênh chúng tôi , hoan hô ầm ỹ. Tôi chảy nước mắt. Tư đờn khóc rống. Sáu móm và Tám lé mếu máo.
Một ông ở đoàn hát Sông Hồ tặng Tư đờn năm ngàn.Tư đờn lắc đầu. Ông hỏi :
- Em muốn gì?
Tư đờn mở to mắt ngắm cái cái bảng Sông Hồ. Hiểu ý nó, tôi lễ phép:
- Thưa ông , chắc ông là ông bầu?
- Đúng.
- Bạn cháu là Tư đờn, đàn ca hay lắm. Nó đã mơ uớc có ngày gặp ông bầu thương nó, luyện nó thành kép hát. Nó mồ côi... .
Ông bầu Sông Hồ ôm chặt Tư đờn :
- Em sẽ thành kép hát, sẽ nổi tiếng hơn Hùng Cường. Ta dắt em theo đoàn Sông Hồ của ta.
Tư đờn khóc nức nở. Nó sung sướng tột độ. Giấc mơ của nó đã nở hoa. Tôi túm tóc nó, kéo ra, rút khăn thấm nước mắt giàn giụa khuôn mặt ngàn đời dễ thương của nó, nhoẻn miệng:
- Tin tao chưa?
Tư đờn gật đầu. Ông bầu hỏi tôi:
- Còn em nữa, em muốn gì?
Tôi phưỡn bụng, nói một câu sặc mùi dế mèn:
- Cháu còn mải phiêu lưu , thưa ông. Trời đất đẹp tuyệt vời.
Ông bầu khen tôi:
- Thằng này giễu đâu chịu thua Thanh Việt. Ta muốn tặng em một vật kỷ niệm.
Tôi xua tay:
- Thưa ông , đi phiêu lưu không nên mang vật kỷ niệm. Nếu ông thương cháu, cháu xin ông một ân huệ.
- Chi ta cũng thuận hết. Không có em, xe ta đã nổ tung, ta chết tan xác rồi.
- Ông đợi xe chạy hết rồi hẵng chạy.
- Sợ mìn ư?
- Không. Cháu muốn giã từ bạn cháu.
Tôi đang ba hoa tới đây thì có tiếng réo:
- Hưng, Hưng!
Tôi quay lại. Trời ơi, bố tôi! Bố tôi lắc đầu:
- Tao định lên xem mặt thằng bé anh hùng nào, không ngờ đi xem mặt mày.
Tôi trợn mắt, há hốc miệng, chôn chân xuống đường. Bố tôi lách vô, bẹo tai tôi:
- Mẹ mày đánh điện tín cho hay mày trốn nhà xuống Cái Dầu.Tao chờ không thấy mày, sốt ruột quá phải đáp xe sớm về Sàigòn.
Nhiều người "bênh" tôi:
- Thưa ông , cậu ấy cứu mạng chúng tôi.. Cậu ấy là anh hùng.
Bố tôi cười vui vẻ:
- Mới tí tuổi mà học đòi phiêu lưu.
Mắng yêu tôi, song bố tôi cũng hãnh diện vì tôi, chứ bộ. Đường đã mở quang đãng. Xe bắt đầu chạy. Chúng tôi đứng một bên đường. Xe lên, xuống qua mặt chúng tôi đều vẫy tay, hoan hô, từ biệt chúng tôi. Nước mắt chúng tôi ứa ra. Đến nỗi, có một con bé vất cho trái ổi gọi là quà nhớ ơn anh hùng Hưng mập mà tại mắt tôi mờ đi vì cảm động, tôi chẳng thể ngắm rõ con bé có gắn chiếc răng vàng nào không. Hoặc mặt nó có rỗ huê, mắt nó có toét? Xe của bố tôi đã qua. Bố tôi chìu tôi, cho xe qua luôn. Lát nữa, bố con tôi sẽ đón xe khác.
Bây giờ đến lúc xe Sông Hồ chuyển bánh. Tư đờn nắm chặt tay tôi:
- Hưng mập, suốt đời tao không quên mày.
- Tao cũng vậy, Tư đờn ạ!
Nước mắt hai đứa tôi lại ứa ra. Sao chúng tôi nhiều nước mắt thế. Tư đờn đưa cho tôi cây đàn của nó:
- Tặng mày.
Tôi liệng cho Tư đờn cái cạc-táp "giang hồ" của tôi:
- Tặng mày.
Xe chuyển bánh. Tư đờn vẫy tay giã từ Sáu móm, Tám lé và tôi. Tám lé dặn dò:
- Nổi tiếng nhớ gởi tặng tao tấm hình, nhe!
Sáu móm mếu máo:
- Có "dzìa" hát quanh đây, nhớ mời tụi tao nhé!
Tôi nhắm mắt chờ xe chạy xa .Hình ảnh Tư đờn đã in vào trái tim tôi. Tôi khẽ nói thầm:
- Mày phải nổi tiếng, Tư đờn !
Sáu móm giật tay tôi:
- Vô nhà tao ăn cháo vịt.
Tám lé mời mọc:
- Rồi qua nhà tao ăn cá lóc nướng trui.
Tôi khoác tay lên vai hai người bạn:
- Rất tiếc tao phải về với bố tao. Sẽ còn dịp chúng ta gặp gỡ. Tao muốn lần sau gặp tụi mày, đứa nào cũng đọc được sách. Nhớ viết câu tao dạy mày, dán lên thân cây nghe, Sáu móm!
- Tao nhớ. Chúng tao có nhiều tiền quá xá. Mai khỏi đi chăn vịt mướn. Tao sẽ đi học.
Sáu móm cười hóm hỉnh:
- Tao sẽ viết những câu chửi ma, dán cùng xóm.
Bố tôi đã đón được chiếc xe đò thưa khách. Tôi lên xe, giã từ hai ông tướng chăn vịt. Giã từ cuộc phiêu lưu ngắn ngủi của tôi, cuộc phiêu lưu nhiều cảm động, lắm chia ly. Tư đờn vài năm nữa sẽ nổi danh. Sáu móm, Tám lé, Năm rỗ, Bảy đen, Đạt sún sẽ hết mù chữ. Tôi ước ao ngũ tướng chăn vịt sẽ nhóm lên một chút ánh sáng ở quê hương chúng nó. Điều chắc chắn là chúng nó hết sợ ma , hết tin có ma. Tôi còn món nợ với Bờm láu. Tới Tân An tôi phải ghé thăm nó. Bố tôi nói đúng. Tôi chưa thể phiêu lưu. Dế mèn, xưa tốt nghiệp Đại Học Văn Khoa Dế, mới rời vú mẹ ra đi. Tôi cần học hỏi cả chục năm . Kiến thức vững, phiêu lưu mới bỏ vào túi điều hay ý đẹp được. Mới học nổi cả sàng khôn trong nửa ngày đàng.
Dù sao, cái sự trốn nhà ra đi của tôi cũng vẫn là cuộc phiêu lưu. Và những trang sách vụng về, ngớ ngẩn do chính tay tôi viết mà các bạn đã đọc phải là thiên bút ký dở nhất nước. Thôi thì, "Lời quê góp nhặt dông dài. Tẻ, vui may được một vài trống canh".
28-2-71
(Viết xong tại quận III, Sàigòn)
giavui
06-20-2020, 04:28 PM
BẠT MẠNG
Thùng nước lèo Hưng mập, mới phiêu lưu có ba ngày, đã thêm hỗn danh phì-lũ. Bạn Hưng mập của tôi rất thích hỗn danh này. Chả thế mà, trong thiên bút ký của bạn, bạn đã say sưa nhắc đi nhắc lại hai tiếng phì-lũ. Hưng mập muốn, khi nào thật yêu nó , bạn bè hãy gọi nó là Phì Lũ. Để nó được tương tư người bạn giang hồ Tư đờn . Khó quá! Nhưng khó nhất vẫn là cái vụ "tác giả" Hưng mập bắt Dzũng Đakao viết "tựa" và tôi viết "bạt" . Dzũng Đakao đã tựa cột đèn mấy tối, thổi mòn nhiều cây ác-mô-ni-ca ngô luộc để giới thiệu "pho" bút ký của Hưng mập. Còn tôi, tôi biết tài mình chỉ dùng vào việc câu cóc trộ bọn cu John, Bill, Jack, Jimmy và biểu diễn bắt ruồi chứ không thể viết "bạt" dù viết ... .bạt mạng. Khổ nỗi, con nhà "tác giả" Hưng mập doạ trước rằng , hễ từ chối thì nó nghỉ chơi với tôi. Thành thử, tôi đành phải uống bảy mươi tư viên thuốc liều, cầm bút đánh vật mí chữ nghĩa mà ... bạt. Đọc "bạt" của tôi, mong hải nội chư quân tử đừng nổi nóng đòi bạt tai tôi đấy nhé!
"Tác giả" Hưng mập đã kể cho chúng ta nghe cuộc phiêu lưu ngắn ngủi của nó. Theo nó, phải học hết tú tài hãy tính chuyện khăn gói quả mướp ra đi. Tôi thấy đúng. Song điều đáng bạt ở đây là ... bạt tai ý nghĩa của hai tiếng "bụi đời". Lâu nay, thiên hạ khoái xài hai tiếng bụi đời lắm.
Cậy tủ của mẹ, cưỗm khoản tiền, rủ vài thằng bạn mất dạy, bỏ nhà, bỏ trường đi lêu lổng, rồi kết bè lập đảng cướp giật, "bắt địa" con nít , thế là nổi tiếng bụi đời! Thậm chí quỵt tiền bạc, đánh giám thị, cũng vỗ ngực xưng là dân bụi đời! Sai, Láo! Bụi đời, theo tôi hiểu, phải là lớp bụi từng trải trên bộ quần áo của Tư đờn , của Hưng mập, của ông bạn dế mèn bất hủ và của bất cứ ai tạm biệt gia đình , lê đôi chân giang hồ rày đây mai đó để học hỏi những điều khôn ngoan, để tìm bạn tốt, để biết quê hương mình đẹp nhất thế giới và cấy mộng mơ xuống những cánh đồng tâm hồn thiếu mơ mộng. Quý vị đã làm quen với Tư đờn .Đấy, một dân bụi đời chính thống. Bụi đời bám đầy trên tóc, trên mặt chàng nghệ sĩ đàn dạo. Chỉ làm tâm hồn Tư đờn cao thượng. Và tôi yêu Tư đờn quá đi thôi.
Tôi khoái chí ngợi ca Tư đờn , làm bàn hai tiếng bụi đời gọi là đền đáp cái vinh hạnh đề bạt mà "tác giả" Hưng mập đã cho tôi. Bắt chước bạn Dzũng Đakao, tôi đã bạt mạng viết "áng" văn bạt đáng bạt tai nầy.
Nay bạt,
Chương còm
HƯNG MẬP PHIÊU LƯU
Truyện dài của Duyên Anh Vũ Mộng Long
Bìa của Duy Thanh
do Tuổi Ngọc xuất bản lần thứ nhất 6000 cuốn
in xong ngày 15-3-1971 tại nhà in riêng của Nhà Xuất Bản
Giấy phép kiểm duyệt số 835/BTT/PHNT ngày 6-3-1971
Powered by vBulletin® Version 4.2.2 Copyright © 2025 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.