PDA

View Full Version : Anh Thưởng, anh làm gì đi chứ!



giavui
08-09-2023, 01:47 AM
Anh Thưởng, anh làm gì đi chứ!





https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/please-brother-thuong-you-need-to-take-action-08082023153949.html/@@images/e30d6842-e9b4-48a6-a8e8-dc52777568fd.jpeg (https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/please-brother-thuong-you-need-to-take-action-08082023153949.html/@@images/e30d6842-e9b4-48a6-a8e8-dc52777568fd.jpeg)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội hôm 2/3/2023

Cải cách tư pháp Việt Nam bắt đầu từ năm 2005, với điểm mới nhất và gây động lòng người nhất là cơ quan làm sai phải xin lỗi và bồi thường người bị oan sai.

Các năm sau đó, liên tục có các vụ tòa án các địa phương phải về tận nơi cư trú của người bị oan sai, tổ chức buổi xin lỗi công khai tại địa điểm công cộng (thường là trụ sở UBND phường, xã). Báo chí chụp ảnh, tường thuật cặn kẽ từng chi tiết. Người dân kéo nhau đi xem như xem hội. Kích thích, tò mò và lạ lẫm quá mà. Trước nay dân gian ai chẳng thuộc lòng câu “Vô phúc đáo tụng đình”. Xưa nay chỉ thấy quan tòa uy nghiêm ngồi xét xử người dân, chẳng bao giờ thấy cảnh quan tòa phải thừa nhận mình cũng xử sai, làm oan, rồi khiêm tốn đi xin lỗi người bị thiệt hại.

Có thể không phải tất cả những vụ được xin lỗi đều là những người bị oan khiên thật sự. Dù vậy, quy định nói trên chính là bước nhảy vọt trong lịch sử tố tụng Việt Nam.

Từng có vụ được xác định là oan sai hết sức ly kỳ

Đó là một vụ giết người.

Sơ thẩm (lần 1) tuyên tử hình bị cáo. Viện kiểm sát kháng nghị, bị cáo kêu oan, chuyển lên xử phúc thẩm (lần 1); bị kháng nghị tiếp, lên đến giám đốc thẩm. Kết quả giám đốc thẩm hủy toàn bộ các bản án trước, trả về điều tra xét xử sơ thẩm lại từ đầu.

Vòng xét xử lần thứ hai diễn ra y hệt lần đầu. Viện kiểm sát cương quyết không bằng lòng với những chứng cứ mà bên điều tra nêu ra để kết tội. Viện nói chứng cứ không đầy đủ, hung khí bị thất lạc, bị cáo kêu oan, trả hồ sơ điều tra lại vẫn không đủ bằng chứng buộc tội. Vậy thì không thể kết tội bị cáo.

Tòa nói tuy không đủ bằng chứng thật nhưng chính bị cáo đã nhận tội trong quá trình điều tra, và vân vân B, C, tóm lại tòa khẳng định bị cáo chính là thủ phạm.

Vào mấy chục năm trước, lại ở một địa phương nhỏ miền Trung xa xôi, báo chí truyền thông cũng không sâu sát và mạnh mẽ như bây giờ, nên vụ án lạ lùng như vậy nhưng ngoài người trong ngành ra thì không có nhiều người biết và bàn về nó. Có lẽ khi có nhiều người phân tích và tranh luận thì chân tướng sự thật sẽ lộ ra sớm hơn.

Giằng co mãi, Viện kiểm sát và Tòa án ai cũng giữ chặt cái lý của mình. Sơ thẩm lần thứ hai kết quả y như phiên sơ thẩm đầu tiên, tòa vẫn tuyên bị cáo chính là thủ phạm. Viện kiểm sát tiếp tục kháng nghị. Lại xử phúc thẩm lần hai. Tuyên y như cũ. Bị kháng nghị tiếp, và cuối cùng: tái thẩm.

Kết quả tái thẩm của tòa án tối cao hủy toàn bộ các bản án đã có do có quá nhiều vi phạm tố tụng, chứng cứ không đầy đủ, tuyên trả tự do cho bị cáo sau nhiều năm ngồi tù.

Thời điểm đó, cải cách tư pháp vừa bắt đầu. Các vụ án oan được lật lại. Trong xã hội như có luồng gió cực mạnh tràn tới.

Bị cáo trong vụ án kể trên được trả tự do khi tuổi còn trẻ. Anh ta trở về nhà, tiếp tục sống với cha mẹ và làm ăn bình thường.

Tất cả những thẩm phán và hội thẩm nhân dân (bồi thẩm) từng xét xử anh ta trong các phiên tòa kết tội đều khẳng định như đinh đóng cột rằng họ có niềm tin nội tâm vững chắc chính bị cáo là thủ phạm. Căn cứ vào trực giác của người thẩm phán nhiều năm, vào quan sát các thái độ, biểu cảm của bị cáo, vào sự hiểu biết và làm việc lâu dài với bên điều tra, vào các nguồn tin không chính thống trong dân …v.v. Họ tin chắc. Nhưng cuối cùng, tòa án chấp nhận đi bồi thường và xin lỗi, vì có những chi tiết tối quan trọng mà cơ quan điều tra không thể chứng minh được.

Cơ quan điều tra không xuất trình được con dao giết người trong vụ án. Những người điều tra ban đầu đã thu thập con dao, nhưng rồi chính họ làm lạc đâu mất. Các dấu vết khác tại hiện trường cũng chỉ được lấy rất qua loa. Lý do, theo họ là những gì tại hiện trường vụ án đã hoàn toàn chứng minh bị cáo chính là hung thủ, nên họ không nghĩ đến kết quả điều tra sẽ bị nghi ngờ và chất vấn.

Một chi tiết nữa: chiều hôm đó khi làm rẫy về, bị cáo gom áo quần ra sau vườn đốt. Bị cáo khai nhận điều này. Công an cũng tìm được đống tro, trong đó còn các mảnh vụn bộ quần áo mà nhiều người đã thấy bị cáo mặc khi đi làm rẫy hôm đó-cũng là ngày vụ án xảy ra. Công an nghi ngờ bị cáo đốt bộ quần áo dính máu để phi tang sau khi giết người. Nhưng trước tòa, bị cáo khai đốt quần áo là do quần áo cũ quá, ở rẫy vẫn thường đốt như vậy để dọn dẹp.

Công an gần như không có bằng chứng nào chứng minh bị cáo nói dối. Do vậy khi ra tòa, bị cáo kêu oan thay đổi toàn bộ lời khai thì họ ngớ người. Con dao hung khí đã mất, hiện trường vụ án chỉ được khám nghiệm qua loa. Và dù bị hủy án để điều tra lại, nhưng sau thời gian rất dài thì có khôi phục điều tra cũng không còn tìm được bằng chứng vật lý nào nữa.

Sau cùng, các vị thẩm phán nói trên đành chịu. Tuy cực kỳ ấm ức, nhưng do không đủ chứng cứ, họ phải đồng tình với kết luận cuối cùng của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và đi xin lỗi bị cáo.

Và đó chính là tính công minh của pháp luật: trách nhiệm chứng minh tội phạm là của các cơ quan tố tụng. Nếu không chứng minh được (vì tắc trách, vì trình độ không đủ…) thì các anh ôm về mà làm bài học kinh nghiệm, đồng thời chấp nhận đi xin lỗi và bồi thường.

Vụ án của tử tù Nguyễn Văn Chưởng kinh động dư luận mấy ngày nay chính là thuộc loại cơ quan tố tụng không đủ chứng cứ kết tội bị cáo. Theo những gì các bài báo suốt 17 năm nay đã mô tả, chứng cứ quan trọng nhất của vụ án được thu thập một cách hời hợt đến kỳ lạ.

Vụ tử tù Nguyễn Văn Chưởng: chín điểm thiếu sót

Tướng Đỗ Hữu Ka từng là Phó giám đốc, Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng thời điểm xảy ra vụ án Nguyễn Văn Chưởng.

Thời điểm đó, ông Ka cho biết tại hiện trường, công an chỉ thu được duy nhất một cái bao bằng giấy xi măng, ngoài ra “không có bất kỳ manh mối nào về hung thủ” (sic).

Và sau đó, mấu chốt phá án được ông Ka kể với nhiều tờ báo Việt Nam như sau: “Khi đang gấp rút điều tra, ban chuyên án được đồng chí Phạm Đình Hưng, Trưởng Công an huyện Kiến Thụy báo tin có hai đối tượng bán một con dao tại địa bàn với giá 200.000 đồng. Ngay lập tức, tôi chỉ đạo thu con dao đó và bắt hai đối tượng.

Khi hai đối tượng được đưa về trụ sở, tôi sang ngay. Mở cửa bước vào tôi hỏi lớn: "Mày dùng cái gì chém?". Đối tượng khai: "Cháu dùng dao". Tôi hỏi tiếp: "Mày dùng bao gì bọc dao?". Trả lời: "Giấy xi măng". Lúc đó thì mọi lo lắng trong lòng đã được giải tỏa, đây chính là chìa khóa để "mở" vụ trọng án. Lời khai của đối tượng trùng khớp với tang vật thu được tại hiện trường".

Ối trời đất ơi!

Chỉ trùng khớp duy nhất lời khai về một cái bao xi măng mà ông Thủ trưởng cơ quan điều tra của Công an có thể quyết định đây chính là kẻ giết người thì thật đáng sợ.

Ông Ka cũng chỉ căn cứ duy nhất vào một lời khai của nghi can để kết luận, trong khi thừa biết về vấn nạn nhục hình bức cung trong trại tạm giam của Công an.

Trước tòa, các bị cáo này đã phản cung. Họ khai bị đánh đập, nhục hình và bức cung quá nhiều nên họ mới nhận tội.

Nguyễn Văn Chưởng cũng tường thuật chi tiết việc bị nhục hình và bức cung trong các bức thư gửi gia đình. Đặc biệt, dưới các bản cung, Chưởng luôn ghi thêm hai chữ cái EC. Tức là (bị) ép cung.

Mà, có kẻ giết người nào ngu ngốc đến nỗi sát hại nạn nhân xong nhưng không thủ tiêu hung khí, tìm cách chôn, vứt, giấu con dao đi, mà lại nhơn nhơn mang ra chợ rao bán? Nhất là khi họ biết nạn nhân là một thiếu tá công an, công an đang quyết liệt phá án và chắc chắn phải có tâm lý rửa hận cho đồng nghiệp?

Một điều cực kỳ gây bất bình nữa là trong khi em trai của Chưởng đang đi thu thập chứng cứ ngoại phạm cho anh mình thì cũng bị bắt về tội che giấu tội phạm. Các nhân chứng khác thì khai họ bị đánh đập, hăm dọa và ép phải khai đúng với lời mớm cung của công an.

Cách đây 16 năm, nhóm phóng viên báo Tiền Phong khi đưa tin về Nguyễn Văn Chưởng đã nhận được nhiều thông tin từ những người làm chứng, xác nhận họ đã gặp Chưởng ở một địa điểm cách hiện trường 40 km vào đêm xảy ra vụ án. Nếu những lời chứng này là thật thì Chưởng không thể là người trực tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân như kết quả điều tra của cơ quan công an kết luận.

Nhóm phóng viên tiếp tục tự điều tra và kiên trì đeo bám vụ việc cho đến khi Nguyễn Văn Chưởng được đem ra xử sơ thẩm (năm 2008) và kết án tử hình.

Tại phiên tòa này, tất cả những lời làm chứng về bằng chứng ngoại phạm của Nguyễn Văn Chưởng đều không được chấp nhận.

Ông Lê Văn Hòa, luật sư của Nguyễn Văn Chưởng sau này, nhận xét về những dấu hiệu vi phạm tố tụng trong vụ án, cụ thể là quá trình thu thập chứng cứ có nhiều dấu hiệu sai sót:

1.Vụ án xảy ra vào 9h tối ngày 14/7/2007 nhưng đến 15h 30 hôm sau mới tổ chức khám nghiệm hiện trường. Trong khi đó tối ấy trời mưa nên dấu vết tại hiện trường đều có nguy cơ bị mưa xóa sạch.

2. Công an không tổ chức bảo vệ giữ nguyên hiện trường vụ án.

3. Việc thu giữ, quản lý vật chứng của vụ án không đảm bảo chặt chẽ theo quy định, như việc đem áo mưa, áo cảnh sát, dép… của nạn nhân gửi ở phòng bảo vệ một công ty, còn điện thoại di động và khẩu súng cùng với băng đạn thì mang đi đâu không rõ. Đến tận trưa hôm sau mới được lập biên bản thu giữ, đến tận chiều mới làm thủ tục niêm phong.

4. Có các dấu vết bị thương trên cơ thể nạn nhân là do vật tày gây ra. Trong khi cơ quan điều tra kết luận hung khí mà nhóm Chưởng sử dụng là dao và kiếm, đều có mũi nhọn chứ không có hung khí nào là vật tày. Nhưng điểm sai lệch này không được thực nghiệm điều tra làm rõ.

5. Một nhân chứng là công an khai ngay sau khi nạn nhân bị chém, người này nhìn thấy có một người lạ đi cùng một chiến sĩ công an phường đến chỗ nạn nhân đang nằm hôn mê tại hiện trường. Nhưng cơ quan điều tra không làm rõ người lạ đó là ai, đến với mục đích gì.

6. Một số vật chứng tại hiện trường, gồm một đôi dép cỡ 42, một khẩu trang trắng kẻ xanh… không được làm rõ là của ai.

7. Lời khai của một số nhân chứng về việc nạn nhân đi giày hay đi dép không khớp nhau, nhưng cũng không được làm rõ.

8. Đặc biệt, Chưởng khai đã cung cấp bản kê các cuộc gọi đi, gọi đến điện thoại của Chưởng trong thời điểm xảy ra vụ án và đề nghị được xác minh các cuộc gọi đó để xác định tọa độ cuộc gọi, nhằm làm rõ việc Chưởng có mặt hay không có mặt tại Hải Phòng khi xảy ra vụ án, nhưng không được cơ quan điều tra thực hiện.

9. Kháng nghị của Viện kiểm sát tối cao không được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao chấp nhận.

Cụ thể, Viện này nhận định không có tài liệu thể hiện các bị cáo bàn bạc trước về việc giết người, cũng không có tài liệu thể hiện việc Chưởng bàn bạc hay chỉ đạo chém nạn nhân, vì vậy phải căn cứ vào hành vi cụ thể khi thực hiện tội phạm để định tội. Nhưng quá trình điều tra công khai tại phiên tòa không đầy đủ. Các bị cáo kêu oan nhưng Hội đồng xét xử không triệu tập một nhân chứng nào đến phiên tòa để làm rõ hành vi phạm tội của từng bị cáo.

Có rất nhiều bài báo viết về bài thơ kêu oan do Chưởng dùng que tăm thêu trên chiếc áo thun trắng. Về những con hươu, nai do Chưởng thắt tỉ mỉ trong suốt 13 năm, bằng dây ni lon cắt và se lại từ các túi quà do người thân gửi vào, trong cái bụng nhỏ xíu vẫn giấu một tờ thư kêu oan. Đặc biệt có ba con trong đó mang những chữ cái trên ngực, nếu ghép lại thì thành từ OAN.

Theo tâm lý tội phạm học thông thường, một kẻ giết người thực sự khó có thể có lòng kiên nhẫn phi thường để ngày đêm đau đáu kêu oan cho mình như thế, kêu oan bằng đủ mọi cách đặc biệt, bằng mọi tâm tư, trí óc.


https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/please-brother-thuong-you-need-to-take-action-08082023153949.html/conthucuanguyenvanchuongfbchuyencuathinh.jpeg/@@images/8c53b92b-3412-4cb2-9829-19edb4129aa4.jpeg

Tủ tù Nguyễn Văn Chưởng làm các con thú kêu oan bằng túi nilon phế thải. Facebook/Chuyện của Thịnh

Chờ một động thái từ tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng

Luật sư Hòa cũng cho biết Nguyễn Văn Chưởng có thể được xem xét lại bản án, nếu Chủ tịch nước có chỉ đạo tạm dừng thi hành và có yêu cầu, kháng nghị, kiến nghị từ một số cơ quan của Quốc hội hay lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao.

Tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chắc chắn đã nhận được báo cáo về sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong, ngoài nước với tử tù này. Nếu có quyết định gì, động thái đó chắc chắn cũng không phải của duy nhất cá nhân ông Thưởng mà sẽ là kết quả của sự bàn bạc, xin ý kiến, cân nhắc… với các cấp lãnh đạo cao hơn cả ông. Với thông báo cho gia đình Nguyễn Văn Chưởng đi nhận xác con, vài ngày nay, dư luận đều đang sốt ruột chờ xem động thái của ông Thưởng.

Trả tự do, xin lỗi, bồi thường cho một tử tù có thể bị án oan sẽ là việc làm rất bất đắc dĩ, rất cực chẳng đã, thậm chí rất mất mặt với những người từng ra phán quyết tử hình. Thế nhưng không thể vì mất mặt hay vì bất cứ lý do nào khác mà cố tặc lưỡi thi hành vụ án cho xong, cho dứt tồn đọng, theo kiểu đâm lao phải theo lao.

Vì sự công minh và sức mạnh của luật pháp không phải chỉ ở chỗ răn đe và trừng phạt người phạm tội. Gốc rễ văn minh sâu sắc của nó và động lực tiến bộ của nó còn ở chỗ dù có niềm tin nội tâm vững chắc bao nhiêu đi nữa nhưng khi không thể tìm ra đầy đủ chứng cứ buộc tội một người thì pháp luật chấp nhận việc tuyên bố người đó trắng án.

Nguyễn Văn Chưởng có thực sự bị oan uổng hay không, niềm tin còn một chút này của người dân vào hệ thống luật pháp Việt Nam có thể được bồi đắp hay không, hết sức cần một phiên tòa công khai xét xử lại. Điều kiện tiên quyết là trước đó cơ quan điều tra phải làm rõ tất cả các nghi ngờ mà luật sư Lê Văn Hòa đã chỉ ra.

________________

Tham khảo:

https://danviet.vn/vu-tu-tu-nguyen-van-chuong-keu-oan-luat-su-noi-gi-20230808091046495.htm

https://tienphong.vn/nhung-uan-khuc-can-lam-ro-trong-vu-sat-hai-thieu-ta-ca-post100688.tpo

https://tienphong.vn/ban-an-tu-hinh-va-loi-keu-oan-cua-hai-anh-em-bi-cao-post127312.tpo

https://tuoitre.vn/se-ra-soat-lai-vu-an-trong-thang-12015-689667.htm

https://www.doisongphapluat.com/tuong-do-huu-ka-ke-chuyen-pha-an-va-ngay-an-1-goi-mi-a67594.html

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do