duyanh
01-29-2025, 12:21 PM
Tết Dành Cho Ai…
SAN JOSE, California (NV) – Cũng như mọi năm, tôi thấy Tết rập rình đến bên khung cửa khi ngôi chùa đầu đường bắt đầu giăng đầy lồng đèn đỏ, các khu thương xá, siêu thị của người Việt, nhất là ở California rộn ràng chưng bày hoa mai, hoa đào giả rực rỡ, người quen chỉ nhau chỗ đặt bánh chưng, bánh tét, củ kiệu dưa hành…
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/01/VHNT-Tet-danh-cho-ai-1-scaled.jpg
Chuẩn bị đón Tết. (Hình: Linh Pham/Getty Images)
Thời buổi này đón Tết, ăn Tết đối với thế hệ bây giờ trở nên nhanh gọn, tiện lợi và công nghiệp không ngờ. Cái gì cũng có, đêm 30, sáng Mùng Một, trong nhà không thiếu món nào, vẫn hoa quả, trang trí, mâm cỗ đủ đầy, mà sao tôi vẫn thấy cái gì trống vắng, chông chênh. Thấy thiếu sự nôn nao, sự bồi hồi, cả lo lắng… Thiếu cái sự thiếu!
Phải rồi, đó là hoài niệm về những tháng ngày xưa cũ, khi mà người ta lo Tết, chạy Tết nhiều hơn và lâu hơn là ăn Tết. Và cái Tết mà tôi nhớ nhất là cái Tết trong nhà không có một miếng thịt kho trứng, món ăn xa xỉ thời bao cấp, món ăn chỉ có vào ngày Tết nhờ người phụ nữ trong gia đình dành dụm chắt chiu…
Lúc đó là thập niên 1980, cả nước Việt Nam đang rất nghèo, cuộc sống trông chờ vào sổ gạo. Phải có sổ mới được mua gạo, đồ ăn, đồ dùng theo biên chế. Ăn mày, ăn xin vất vưởng khắp nơi. Gia đình tôi may mắn cũng không đến nỗi, nhưng cũng phải thắt lưng buộc bụng. Khi đó chúng tôi ở Cà Mau.
Một hôm, giữa trưa nắng ngày giáp Tết, một người đàn bà bụng chửa vượt mặt, một tay xách chiếc giỏ đệm sờn rách thò ra chiếc bình thủy móp méo, một tay dắt đứa bé gái có lẽ khoảng 6, 7 tuổi, bằng tuổi con tôi, ống quần vải đen xoắn lên đến nỗi thành nếp như lò xo, đến đập cửa nhà tôi. Người mẹ ấy khẩn khoản nhìn tôi với ánh mắt lo âu, mà sau một hồi ngập ngừng và qua câu chuyện chắp vá tôi mới hiểu được cô ở quê ra để chuẩn bị sinh nở. Chồng cô đi biển chưa về, ở nhà linh tính sắp chuyển dạ nên mẹ con cắp nhau lên nhà hộ sinh thị xã. Tiền bạc gom góp chỉ đủ tiền xe và viện phí, không biết phải lo ăn uống làm sao!
Tôi nghe mà muốn trào nước mắt. Ôi đàn ông đi biển có đôi! Tôi tất tả vào bếp, trút hết nồi thịt kho nhỏ nhoi vào chiếc gà mên mòn vẹt, vét hết gạo trong hũ sành, gom ít tiền còn lại trong nhà trao hết cho người đàn bà còn đáng thương hơn mình. Hàng xóm có vài người tò mò vây quanh, thậm chí có người còn bóng gió coi chừng lừa đảo, nhưng tôi thà bị lừa còn hơn mang cảm giác dằn vặt và hối hận vì biết đâu mình đã ngoảnh mặt làm ngơ trước một hoàn cảnh mà không phải mình không thể giúp được.
Nhìn con tôi tiu nghỉu với cái Tết không có món thịt kho nó mong đợi, tôi xót lắm, nhưng trong trí óc non nớt của nó, tôi biết cháu đã hiểu và mầm mống của tình thương người đã tự đâm chồi…
Bẵng hơn ba tháng sau, một hôm nhà tôi lại có tiếng gõ cửa dè dặt ấy. Người đàn bà hôm giáp Tết trở lại, lần này ẵm thêm một bé trai kháu khỉnh quấn trong khăn. Chị nó vẫn bé xíu gầy nhom, nhưng đôi mắt tròn xoe tinh anh ánh lên vẻ già dặn hơn. Cô bé khệ nệ trao cho tôi một chiếc giỏ lác đựng bao nhiêu thứ, nào là dừa khô, bầu, bí, bó rau lang, kể cả một con cá còn đang giãy giụa. Những món quà quê chan chứa bao tình. Tôi lại một lần nữa rưng rưng nước mắt. Lần này là nước mắt mừng vui. Hôm ấy gia đình tôi mới thật sự ăn Tết!
Thời gian trôi qua, cuộc sống như con tạo xoay vần, cả gia đình tôi sang Mỹ định cư. Cũng như bao người khác, thời gian lúc mới qua là quãng chật vật nhất. Hội nhập không phải là chuyện ngày một ngày hai. Khi còn ở Việt Nam tôi là dược sĩ làm việc trong phòng thí nghiệm. Thời của tôi con gái ít ai học cao, nhưng tôi may mắn có cha là thầy giáo. Thấy tôi ham học nên ông cố gắng cổ vũ, khuyến khích, lo cho tôi ăn học thành tài.
Trong cái hay có cái dở, khi mới qua Mỹ tôi không thể nào tìm được việc làm thích hợp. Người lớn tuổi mà trí thức thì lâm cảnh dở dở ương ương như thế đấy. Đi học lại là không thể, mà làm việc lao động chân tay thì không quen. Bao nhiêu nhà hàng, quán cà phê, siêu thị đều lịch sự từ chối sau giai đoạn thử việc vì lý do tôi không đủ nhanh nhẹn.
Thịt kho hột vịt. (Hình: Nguyễn Lập Hậu)
Cho đến một hôm, tình cờ tôi đọc được mẩu rao vặt cần tìm người chăm sóc bà cụ. Điều tôi lấy làm lạ là cụ đang nằm trong nursing home (viện dưỡng lão). Đã ở trong đây rồi thì có nhân viên y tế chăm sóc túc trực thường xuyên, vì sao gia đình bà lại cần thuê người vào chăm sóc? Nhưng đến khi bắt đầu vào làm công việc tôi mới hiểu.
Một cái nursing home dù hiện đại hay đắt tiền đến cỡ nào thì vẫn thiếu. Thiếu cái tình! Tình là nguồn sống, nguồn an ủi cuối cùng của những người già. Vào đây thì phần xác được chăm lo đầy đủ, nhưng phần hồn sẽ chết dần chết mòn, tôi đã nhận ra điều ấy.
Con cái của bà cụ này có lẽ quá bận rộn hay sao mà không ai có thì giờ vào thăm cụ, nhưng họ vẫn còn lòng hiếu thảo để nghĩ đến việc bỏ tiền thuê người vào thay.
Công việc của tôi khá đơn giản, thậm chí có thể nói là nhàn hạ. Mỗi sáng tôi ghé khu Việt Nam mua thức ăn nấu sẵn, xin thêm tờ báo mang vào. Rồi cả ngày tôi chỉ việc ngồi bên cụ, đọc sách báo cho bà nghe, khi thì nghe bà kể chuyện, những câu chuyện không đầu không đuôi, khi thì kể chuyện thiên hạ, chuyện của mình, thủ thỉ cho đến khi bà chợp mắt thiếp đi.
Đồ ăn Mỹ được phục vụ trong đó bà không bao giờ đụng tới. Tôi không trách các nhân viên điều dưỡng, y tá, họ làm việc rất chuyên nghiệp và đúng trách nhiệm. Đến giờ là bưng mâm thức ăn tới, rồi dọn bưng đi, vệ sinh cá nhân, tập thể dục, uống thuốc, mọi sinh hoạt đều có giờ giấc nhất định.
Khi con cái phải gửi cha mẹ vào nursing home thì có lẽ trong lòng ai cũng yên tâm là cha mẹ mình sẽ được chăm sóc đầy đủ. Đúng vậy, nhưng có một thứ mà ở đây không ai làm được. Đó là chia sẻ tình yêu thương gia đình.
Cụ nào bỏ ăn, họ không thể ngồi kiên nhẫn dỗ dành. Cụ nào ngồi nói bâng quơ, không ai bỏ thì giờ ngồi cạnh lắng nghe. Rồi dần dần các ông bà trở nên câm lặng, ánh mắt vô hồn nhìn vào khoảng không, sống mà như không sống, dường như vô tri vô giác vậy. Đối với người già, sống mà thiếu tình gia đình nó khủng khiếp lắm.
Bà cụ mà tôi chăm sóc thời trẻ trong hình thật đẹp, bà mặc áo dài chít eo, cổ quấn khăn lụa, đeo kính mát to bản, đứng cạnh chiếc xe hơi, đúng kiểu Cô Ba Sài Gòn.
Nằm cùng phòng là một bà cụ người Hoa, trên tường cạnh giường bà có treo một bức ảnh phóng lớn bà ngồi ở giữa, con cháu vây xung quanh khá đông, ai cũng ăn mặc sang trọng. Ảnh chụp trong một ngôi nhà rất khang trang rộng rãi. Vậy mà cả năm trời ở đó, tôi chưa bao giờ thấy một người nào trong ảnh vào thăm bà. Cả ngày bà chỉ nằm đó, vò võ, tivi bật suốt mà bà không bao giờ nhìn. Thỉnh thoảng bà lẩm bẩm vài câu tiếng Quảng Đông, không biết có phải bà đang nói chuyện với quá khứ hay nói với một người thân tưởng tượng.
Hằng ngày, khi đẩy bà cụ của tôi vào phòng sinh hoạt chung để thay đổi không khí, tôi thường bắt gặp một cụ ông, tuy ngồi xe lăn nhưng tay chân khá dài. Có lẽ khi còn trẻ ông cao to phong độ lắm. Ông huơ tay múa chân nói tiếng Anh huyên thuyên một mình, bất kể có ai chú ý hay không. Tôi nghe một cô điều dưỡng kể rằng ngày xưa ông từng là sĩ quan quân lực, trong phòng ông có treo hình ông mặc quân phục phi công rất oai phong.
Thời gian đó, mỗi ngày vào nursing home là tôi thấy bao nhiêu lo toan vì cuộc sống, những ưu phiền, lo lắng mưu sinh ngoài kia dường như phai nhạt hết. Vì tôi thấy cõi đời này quá vô thường. Giận dữ, bon chen, sân si… chả có nghĩa lý gì cả. Rồi ai cũng đến một ngày tuổi già ập tới, nằm bất động trên giường như một đứa trẻ. Bao nhiêu tài sản, thành tích, hình ảnh về tuổi trẻ oanh liệt cũng trở thành phù du mà thôi…
Tết này chúng ta đi du Xuân, ngắm cảnh đẹp, xúng xính áo quần, rộn rã chúc nhau, có ai nghĩ đến một nơi mà thời gian dường như đã dừng lại, chỉ còn trầm mặc và hoài niệm như trong viện dưỡng lão hay không? Đối với những ông bà vì tuổi già mà phải rời gia đình sống trong đó đến cuối đời, thì ngày Tết nếu được ai đó ghé thăm, chúc Tết, một việc nhỏ nhoi như vậy thôi nhưng là một niềm vui không tưởng, một hạnh phúc vô biên giúp họ bừng sáng quãng đời còn lại…
Tết không phải chỉ dành cho ta, mà Tết còn dành cho những ai…
Hà Tăng ( Người Việt )
SAN JOSE, California (NV) – Cũng như mọi năm, tôi thấy Tết rập rình đến bên khung cửa khi ngôi chùa đầu đường bắt đầu giăng đầy lồng đèn đỏ, các khu thương xá, siêu thị của người Việt, nhất là ở California rộn ràng chưng bày hoa mai, hoa đào giả rực rỡ, người quen chỉ nhau chỗ đặt bánh chưng, bánh tét, củ kiệu dưa hành…
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/01/VHNT-Tet-danh-cho-ai-1-scaled.jpg
Chuẩn bị đón Tết. (Hình: Linh Pham/Getty Images)
Thời buổi này đón Tết, ăn Tết đối với thế hệ bây giờ trở nên nhanh gọn, tiện lợi và công nghiệp không ngờ. Cái gì cũng có, đêm 30, sáng Mùng Một, trong nhà không thiếu món nào, vẫn hoa quả, trang trí, mâm cỗ đủ đầy, mà sao tôi vẫn thấy cái gì trống vắng, chông chênh. Thấy thiếu sự nôn nao, sự bồi hồi, cả lo lắng… Thiếu cái sự thiếu!
Phải rồi, đó là hoài niệm về những tháng ngày xưa cũ, khi mà người ta lo Tết, chạy Tết nhiều hơn và lâu hơn là ăn Tết. Và cái Tết mà tôi nhớ nhất là cái Tết trong nhà không có một miếng thịt kho trứng, món ăn xa xỉ thời bao cấp, món ăn chỉ có vào ngày Tết nhờ người phụ nữ trong gia đình dành dụm chắt chiu…
Lúc đó là thập niên 1980, cả nước Việt Nam đang rất nghèo, cuộc sống trông chờ vào sổ gạo. Phải có sổ mới được mua gạo, đồ ăn, đồ dùng theo biên chế. Ăn mày, ăn xin vất vưởng khắp nơi. Gia đình tôi may mắn cũng không đến nỗi, nhưng cũng phải thắt lưng buộc bụng. Khi đó chúng tôi ở Cà Mau.
Một hôm, giữa trưa nắng ngày giáp Tết, một người đàn bà bụng chửa vượt mặt, một tay xách chiếc giỏ đệm sờn rách thò ra chiếc bình thủy móp méo, một tay dắt đứa bé gái có lẽ khoảng 6, 7 tuổi, bằng tuổi con tôi, ống quần vải đen xoắn lên đến nỗi thành nếp như lò xo, đến đập cửa nhà tôi. Người mẹ ấy khẩn khoản nhìn tôi với ánh mắt lo âu, mà sau một hồi ngập ngừng và qua câu chuyện chắp vá tôi mới hiểu được cô ở quê ra để chuẩn bị sinh nở. Chồng cô đi biển chưa về, ở nhà linh tính sắp chuyển dạ nên mẹ con cắp nhau lên nhà hộ sinh thị xã. Tiền bạc gom góp chỉ đủ tiền xe và viện phí, không biết phải lo ăn uống làm sao!
Tôi nghe mà muốn trào nước mắt. Ôi đàn ông đi biển có đôi! Tôi tất tả vào bếp, trút hết nồi thịt kho nhỏ nhoi vào chiếc gà mên mòn vẹt, vét hết gạo trong hũ sành, gom ít tiền còn lại trong nhà trao hết cho người đàn bà còn đáng thương hơn mình. Hàng xóm có vài người tò mò vây quanh, thậm chí có người còn bóng gió coi chừng lừa đảo, nhưng tôi thà bị lừa còn hơn mang cảm giác dằn vặt và hối hận vì biết đâu mình đã ngoảnh mặt làm ngơ trước một hoàn cảnh mà không phải mình không thể giúp được.
Nhìn con tôi tiu nghỉu với cái Tết không có món thịt kho nó mong đợi, tôi xót lắm, nhưng trong trí óc non nớt của nó, tôi biết cháu đã hiểu và mầm mống của tình thương người đã tự đâm chồi…
Bẵng hơn ba tháng sau, một hôm nhà tôi lại có tiếng gõ cửa dè dặt ấy. Người đàn bà hôm giáp Tết trở lại, lần này ẵm thêm một bé trai kháu khỉnh quấn trong khăn. Chị nó vẫn bé xíu gầy nhom, nhưng đôi mắt tròn xoe tinh anh ánh lên vẻ già dặn hơn. Cô bé khệ nệ trao cho tôi một chiếc giỏ lác đựng bao nhiêu thứ, nào là dừa khô, bầu, bí, bó rau lang, kể cả một con cá còn đang giãy giụa. Những món quà quê chan chứa bao tình. Tôi lại một lần nữa rưng rưng nước mắt. Lần này là nước mắt mừng vui. Hôm ấy gia đình tôi mới thật sự ăn Tết!
Thời gian trôi qua, cuộc sống như con tạo xoay vần, cả gia đình tôi sang Mỹ định cư. Cũng như bao người khác, thời gian lúc mới qua là quãng chật vật nhất. Hội nhập không phải là chuyện ngày một ngày hai. Khi còn ở Việt Nam tôi là dược sĩ làm việc trong phòng thí nghiệm. Thời của tôi con gái ít ai học cao, nhưng tôi may mắn có cha là thầy giáo. Thấy tôi ham học nên ông cố gắng cổ vũ, khuyến khích, lo cho tôi ăn học thành tài.
Trong cái hay có cái dở, khi mới qua Mỹ tôi không thể nào tìm được việc làm thích hợp. Người lớn tuổi mà trí thức thì lâm cảnh dở dở ương ương như thế đấy. Đi học lại là không thể, mà làm việc lao động chân tay thì không quen. Bao nhiêu nhà hàng, quán cà phê, siêu thị đều lịch sự từ chối sau giai đoạn thử việc vì lý do tôi không đủ nhanh nhẹn.
Thịt kho hột vịt. (Hình: Nguyễn Lập Hậu)
Cho đến một hôm, tình cờ tôi đọc được mẩu rao vặt cần tìm người chăm sóc bà cụ. Điều tôi lấy làm lạ là cụ đang nằm trong nursing home (viện dưỡng lão). Đã ở trong đây rồi thì có nhân viên y tế chăm sóc túc trực thường xuyên, vì sao gia đình bà lại cần thuê người vào chăm sóc? Nhưng đến khi bắt đầu vào làm công việc tôi mới hiểu.
Một cái nursing home dù hiện đại hay đắt tiền đến cỡ nào thì vẫn thiếu. Thiếu cái tình! Tình là nguồn sống, nguồn an ủi cuối cùng của những người già. Vào đây thì phần xác được chăm lo đầy đủ, nhưng phần hồn sẽ chết dần chết mòn, tôi đã nhận ra điều ấy.
Con cái của bà cụ này có lẽ quá bận rộn hay sao mà không ai có thì giờ vào thăm cụ, nhưng họ vẫn còn lòng hiếu thảo để nghĩ đến việc bỏ tiền thuê người vào thay.
Công việc của tôi khá đơn giản, thậm chí có thể nói là nhàn hạ. Mỗi sáng tôi ghé khu Việt Nam mua thức ăn nấu sẵn, xin thêm tờ báo mang vào. Rồi cả ngày tôi chỉ việc ngồi bên cụ, đọc sách báo cho bà nghe, khi thì nghe bà kể chuyện, những câu chuyện không đầu không đuôi, khi thì kể chuyện thiên hạ, chuyện của mình, thủ thỉ cho đến khi bà chợp mắt thiếp đi.
Đồ ăn Mỹ được phục vụ trong đó bà không bao giờ đụng tới. Tôi không trách các nhân viên điều dưỡng, y tá, họ làm việc rất chuyên nghiệp và đúng trách nhiệm. Đến giờ là bưng mâm thức ăn tới, rồi dọn bưng đi, vệ sinh cá nhân, tập thể dục, uống thuốc, mọi sinh hoạt đều có giờ giấc nhất định.
Khi con cái phải gửi cha mẹ vào nursing home thì có lẽ trong lòng ai cũng yên tâm là cha mẹ mình sẽ được chăm sóc đầy đủ. Đúng vậy, nhưng có một thứ mà ở đây không ai làm được. Đó là chia sẻ tình yêu thương gia đình.
Cụ nào bỏ ăn, họ không thể ngồi kiên nhẫn dỗ dành. Cụ nào ngồi nói bâng quơ, không ai bỏ thì giờ ngồi cạnh lắng nghe. Rồi dần dần các ông bà trở nên câm lặng, ánh mắt vô hồn nhìn vào khoảng không, sống mà như không sống, dường như vô tri vô giác vậy. Đối với người già, sống mà thiếu tình gia đình nó khủng khiếp lắm.
Bà cụ mà tôi chăm sóc thời trẻ trong hình thật đẹp, bà mặc áo dài chít eo, cổ quấn khăn lụa, đeo kính mát to bản, đứng cạnh chiếc xe hơi, đúng kiểu Cô Ba Sài Gòn.
Nằm cùng phòng là một bà cụ người Hoa, trên tường cạnh giường bà có treo một bức ảnh phóng lớn bà ngồi ở giữa, con cháu vây xung quanh khá đông, ai cũng ăn mặc sang trọng. Ảnh chụp trong một ngôi nhà rất khang trang rộng rãi. Vậy mà cả năm trời ở đó, tôi chưa bao giờ thấy một người nào trong ảnh vào thăm bà. Cả ngày bà chỉ nằm đó, vò võ, tivi bật suốt mà bà không bao giờ nhìn. Thỉnh thoảng bà lẩm bẩm vài câu tiếng Quảng Đông, không biết có phải bà đang nói chuyện với quá khứ hay nói với một người thân tưởng tượng.
Hằng ngày, khi đẩy bà cụ của tôi vào phòng sinh hoạt chung để thay đổi không khí, tôi thường bắt gặp một cụ ông, tuy ngồi xe lăn nhưng tay chân khá dài. Có lẽ khi còn trẻ ông cao to phong độ lắm. Ông huơ tay múa chân nói tiếng Anh huyên thuyên một mình, bất kể có ai chú ý hay không. Tôi nghe một cô điều dưỡng kể rằng ngày xưa ông từng là sĩ quan quân lực, trong phòng ông có treo hình ông mặc quân phục phi công rất oai phong.
Thời gian đó, mỗi ngày vào nursing home là tôi thấy bao nhiêu lo toan vì cuộc sống, những ưu phiền, lo lắng mưu sinh ngoài kia dường như phai nhạt hết. Vì tôi thấy cõi đời này quá vô thường. Giận dữ, bon chen, sân si… chả có nghĩa lý gì cả. Rồi ai cũng đến một ngày tuổi già ập tới, nằm bất động trên giường như một đứa trẻ. Bao nhiêu tài sản, thành tích, hình ảnh về tuổi trẻ oanh liệt cũng trở thành phù du mà thôi…
Tết này chúng ta đi du Xuân, ngắm cảnh đẹp, xúng xính áo quần, rộn rã chúc nhau, có ai nghĩ đến một nơi mà thời gian dường như đã dừng lại, chỉ còn trầm mặc và hoài niệm như trong viện dưỡng lão hay không? Đối với những ông bà vì tuổi già mà phải rời gia đình sống trong đó đến cuối đời, thì ngày Tết nếu được ai đó ghé thăm, chúc Tết, một việc nhỏ nhoi như vậy thôi nhưng là một niềm vui không tưởng, một hạnh phúc vô biên giúp họ bừng sáng quãng đời còn lại…
Tết không phải chỉ dành cho ta, mà Tết còn dành cho những ai…
Hà Tăng ( Người Việt )