PDA

View Full Version : ‘Chú Sáu’ ba xạo về ‘địa đạo’



giahamdzui
04-21-2025, 01:35 AM
‘Chú Sáu’ ba xạo về ‘địa đạo’




Bộ máy truyền thông tuyên truyền CSVN đang thổi phồng hết mức về phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” của đạo diễn Bùi Thạch Chuyên, ra mắt nhân dịp 50 năm ngày 30 Tháng Tư. Nhà báo Nguyễn Hồng Lam, cũng là thượng tá an ninh, khen “địa đạo” là một “siêu phẩm” và nhà văn Nguyễn Quang Lập đề nghị đưa “địa đạo” tranh giải Oscar!


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/04/BL-Dia-Dao-Cu-Chi-scaled.jpg

Khách du lịch chứng kiến một lối xuống địa đạo Củ Chi ở ngoại ô Sài Gòn hồi Tháng Sáu, 2002. (Hình minh họa: David Greedy/Getty Images)

Địa đạo Củ Chi từ lâu là một trong những “hạng mục” nằm đầu bảng cho truyền thông tuyên truyền. Trên trang web Cục Di Sản Văn Hóa, địa đạo Củ Chi được miêu tả như sau:

…“Quân và dân Củ Chi đã kiến tạo được một hệ thống đường hầm dọc ngang, nhiều tầng, dài hơn 200km xuyên trong lòng đất, kết hợp với khoảng 500 km chiến hào, công sự trên mặt đất…


…Hệ thống đường hầm có khả năng chống được đạn pháo và sức nặng của xe tăng, xe bọc thép, những đoạn hầm sâu chống được bom cỡ nhỏ. Có những đoạn cấu trúc từ hai đến ba tầng (tầng trên gọi là “thượng,” tầng dưới gọi là “trầm”)… Liên hoàn với địa đạo có các hầm rộng có thể mắc võng để nghỉ ngơi. Trong hầm có nơi dự trữ vũ khí, lương thực, thực phẩm, có giếng nước, bếp ‘Hoàng Cầm,’ hầm làm việc của lãnh đạo, hầm giải phẫu, nuôi dưỡng thương binh, hầm chữ A vững chắc cho phụ nữ, người già, trẻ em trú ẩn. Có những hầm lớn, mái lợp thoáng mát, bên trên ngụy trang khéo léo để hội họp, biểu diễn văn nghệ…” (Hết trích)

Đọc tất cả con số hoặc những chi tiết liên quan đến địa đạo Củ Chi đều thấy phi lý đến nực cười, từ việc “có thể mắc võng,” có “những hầm lớn, mái lợp thoáng mát,” đến cả chi tiết địa đạo “dài hơn 200 km xuyên trong lòng đất!” Cần biết, quãng đường từ Sài Gòn ra Phan Thiết chỉ có 177km!

Trong hồi ký “2000 Ngày Đêm Trấn Thủ Củ Chi” của Dương Đình Lôi-Xuân Vũ, vô số chi tiết xạo láo về địa đạo Củ Chi đã được vạch trần. Tác giả Dương Đình Lôi – vốn là cán binh Việt Cộng, từng lăn lộn nhiều năm ở địa đạo Củ Chi trước khi hồi chánh – viết:


“Ví dụ họ viết rằng anh Tám Lê và vợ là Thị Thắm mổ xẻ thương binh dưới địa đạo. Xin hỏi: ‘Làm cách nào để đem thương binh xuống đó?’ Nên biết rằng miệng địa đạo chỉ hẹp bằng cái khay trầu thôi. Người thường tuột xuống đó còn phải lách chứ không dễ dàng. Thương binh, nếu nặng thì nằm trên cáng, còn nhẹ thì băng bó đầy mình làm sao tụt xuống được?

Và nếu có tụt xuống được thì nằm ở đâu, dụng cụ gì, đèn đóm nào dùng cho cuộc giải phẫu. Đó là chưa nói đến cái không khí ác độc ở dưới địa đạo. Người khỏe mạnh bất đắc dĩ phải xuống địa đạo thì chỉ trong vài tiếng đồng hồ là đã mệt ngất ngư rồi: Vì không đủ dưỡng khí! Nếu bị kẹt vài giờ dưới đó thì con người đã trở thành miếng giẻ rách, còn khi bò lên được thì đã quên hết tên họ mình. Vậy sau khi được giải phẫu, thương binh phải sống dưới đó làm sao?

Đó là chưa kể những việc lặt vặt khác như thương binh phóng uế hoặc thủ tiêu những băng đầy máu me. Những người chưa từng ở địa đạo nghe mấy vị này mô tả chắc sẽ nghĩ rằng cuộc sống dưới địa đạo khỏe khoắn như ở trong nhà lầu có máy điều hòa không khí. Xin thưa câu chuyện không đẹp tai cho lắm: Một lần nọ khi chui xuống địa đạo chúng tôi bị quân VNCH chốt trên đầu không lên được. Rủi thay một nữ cán bộ có đường kinh. Nếu ở trên mặt đất thì dù không kịp dùng băng vệ sinh người đàn bà vẫn không toát ra mùi gì (xin lỗi) nhưng ở dưới địa đạo gặp trường hợp này mọi người đều ngặt mình như sắp chết vì cái mùi uế tạp kia. Người chưa từng ở địa đạo không thể biết rằng đánh một cái rắm dưới đó chẳng khác nào bỏ một trái bom nguyên tử.

Vậy ông anh hùng Tám Lê có lẽ là một Tề Thiên Đại Thánh mới có thể biến thương binh nhỏ lại bằng cái tăm để đem xuống địa đạo và nhổ lông khỉ của mình biến thành dụng cụ đèn đóm để giải phẫu chăng?…

Những người chưa hề đào một tấc địa đạo nào cứ tưởng rằng đào địa đạo dễ như đào hang bắt chuột vậy. Đào một chốc là có cả chục thước ngay. Than ôi! Nào phải như vậy. Những vùng đất có thể đào địa đạo được phải là vùng đất cao để không bị ngập nước và đất phải cứng để không bị sụp lở cho nên đào một thước địa đạo phải hộc ra máu cục, phải mờ cả con mắt chứ đâu có dễ… Củ Chi có 15 xã, nhưng chỉ có năm xã đào được địa đạo mà thôi. Đó là các xã: Phú Mỹ Hưng, Anh Phú, An Nhơn, Nhuận Đức, và Phú Hoà. Năm xã này nằm dọc theo bờ sông Sài Gòn, có lớp đất cao có thể trồng cây cao su mới đào được địa đạo. Ngoài ra 10 xã kia là đồng ruộng làm hầm bí mật đã khó rồi.

…Mười thanh niên khoẻ mạnh đào trong một đêm chỉ được chừng vài thước là cùng. Vậy muốn hoàn thành 200 dặm địa đạo phải mất bao nhiêu công? Và họ đào ở đâu, lúc nào mà được 200 dặm?… Còn phịa ra những chuyện ly kỳ là: địa đạo hai tầng (như nhà lầu) và dưới đáy địa đạo lại có giếng để múc nước (nấu nước trà uống chắc!). Chưa hết,… còn bịa thêm rằng dưới địa đạo có kho chứa hàng, có nơi nghỉ ngơi, có chỗ chứa thương binh, và còn tài ba hơn nữa, tài nói láo, lại còn có bếp Hoàng Cầm theo kiểu Điện Biên Phủ (có đường dẫn khói luồng trong đất) và nào là đường địa đạo thông ra bờ sông Sài Gòn…?

Đây là một chuyện phản khoa học tại sao họ có thể viết được. Muốn cho một làn địa đạo có thể chui ra chui vào được và không sợ xe tăng cán sập thì nóc địa đạo phải cách mặt đất ít nhất chín tấc tây nghĩa là khỏi rễ cây ăn luồng, lòng địa đạo phải cao chín tấc và hình chóp nón nghĩa là đáy rộng chín tấc, nóc chỉ bảy, tám tấc, nếu địa đạo rộng hơn sẽ bị lở, sụp.

Đôi khi rễ cây làm trở ngại rất nhiều, chặt đứt một cái rễ cây bằng cườm tay phải mất cả giờ đồng hồ. Như vậy muốn đào tầng địa đạo thứ hai ở dưới địa đạo thứ nhất phải theo công thức trên, nghĩa là phải đào sâu xuống một mét tám tấc nữa rồi mới trổ ngang đào lòng địa đạo cao chín tấc. Như vậy từ mặt đất xuống tới đáy địa đạo thứ hai phải là chín tấc cho nóc địa đạo I, chín tấc cho lòng địa đạo I, chín tấc cho nóc địa đạo II, chín tấc cho lòng địa đạo II, tổng cộng là ba mét sáu tấc. Tôi nói chi li ra như vậy để thấy rằng sự đào địa đạo không có dễ dàng…”(Hết trích)

Trở lại với bộ phim tuyên truyền “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” của Bùi Thạch Chuyên, trên mạng xã hội có khá nhiều ý kiến phản bác. Ở đây xin trích lại vài ý kiến đáng ghi nhận.

Kiến trúc sư Dương Quốc Chính viết:

“Thứ nhất là chiều dài hơn 200 km, không ai kiểm chứng được cả, vì đa số địa đạo đã bị chặn không cho vào. Thậm chí vào dạng khám phá như Sơn Đoòng cũng không thấy nói. Nên bảo 500 km chiều dài cũng không sao cả. Nhưng thử tưởng tượng từ Hà Nội đi Thái Nguyên mới có 80 km thôi! Đây đào tay dưới lòng đất. Mình mạnh dạn đoán mò tầm 20 km là max! Hiện cũng chưa thấy có bản đồ địa đạo công khai nên đây là thông tin huyền thoại.

Thứ hai là độ sâu địa đạo, nó quyết định bởi khả năng thông gió và xử lý nước ngầm. Cái này nói chung đều phải dùng hệ thống cơ khí mới đảm bảo. Nhưng thời đó không thấy có. Cứ cho là đất khô, nhưng về nguyên tắc thì nước ngầm luôn có. Không thì cây trên mặt đất sống sao nổi. Tùy khu vực thì nước ngầm nhiều hay ít, cao hay thấp, nhưng tầng cao nhất đã âm 3m, thấp nhất cỡ 12m. Độ sâu này ngang cái (chung cư) Royal City. Mọi người xuống thử tầng gara rộng mênh mông vậy đã cảm thấy ngộp thở và quạt thông gió thổi ù tai luôn. Hay cái hầm ngầm ở Dinh Độc Lập, phải bật quạt thông gió ầm ầm, mà nó khá rộng và nông.


Mấy cái lỗ thông gió giấu trong bụi cây to bằng ống tre sao mà thổi oxy xuống 12m được, nếu nó không có đối lưu (có lỗ hở đầu kia), thì gió mới tự xuống được. Còn kín thì giống gió thổi qua cái miệng cổ chai, đâu vào được mấy. Thần thánh hóa cũng phải hợp logic thì mới có độ tin cậy khoa học…

Thời chiến, Mỹ không rảnh đâu đi khám phá xem địa đạo sâu dài đến đâu. Nó chỉ cần dùng xe ủi đi cày xới đất bề mặt để lấp miệng hầm và lỗ thông hơi là đủ biến địa đạo thành cái hầm mộ. Miệng hầm và lỗ thông gió đều nhỏ, chỉ cần xe ủi chạy qua là bị lấp kín hết, thì đâu còn lối ra và oxy xuống nữa. Nên nhớ rằng Mỹ chỉ khoanh vùng ô đất mỗi chiều 5km để ủi thôi thì cũng sẽ hủy diệt hết người trốn bên dưới trong diện tích đó, vì bị mất oxy. Đừng có nói là có thể dẫn oxy đi mấy kilomet từ chỗ khác về nhé. Vì việc đó cần quạt công nghiệp mới làm được.” (Hết trích)

Nhà báo Hà Phương – cựu tổng biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM (vợ của nhà văn nổi tiếng Nguyễn Mạnh Tuấn) – viết:

“Đọc nhiều status quảng bá về phim địa đạo, sáng nay (7/4/2025 ) hai vợ chồng Tuấn-
Phương ra Lotte Gò Vấp xem ngay. Rạp vắng ngắt, tớ vừa xem vừa gà gật. Phim
không ra phim truyện cũng chẳng ra phim tài liệu. Tôi từng nhiều năm ở địa đạo Củ
Chi, câu chuyện và hình ảnh địa đạo trong phim địa đạo khá rời rạc, chẳng thu hút,
không liên kết, không xuyên suốt, chỉ là những nhân vật hư cấu trong phim truyện Việt Nam. Ai muốn hình dung ra sao thì hình dung… Chỉ có vài cảnh bom rơi đạn nổ
được dựng lại như cảnh trong phim làm về chiến tranh… Không tiếc tiền mua vé mà
tiếc thời gian, tiếc sức…”(Hết trích)


Nhà quay phim Trần Chí Kông (người từng quay phim cho Cộng Quân trước 1975) viết:

“Trong ảnh này (chụp lại từ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”), thấy rõ phía sau có hai lá cờ: Đỏ sao vàng (của VNDCCH) và Sao vàng trên nền nửa xanh nửa đỏ (của MTDTGPMN). Suốt cuộc chiến tranh, phía miền Bắc không bao giờ thừa nhận có quân đội tham chiến tại miền Nam nên tuyệt đối không có lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện. Cả cánh quân chánh hiệu miền Bắc vào Dinh Độc lập cũng cắm cờ nửa đỏ nửa xanh. Vậy nên, lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện nhiều lần trong phim là trật lất!

Trong ảnh có các du kích xoay quanh nhân vật chú Sáu, hiểu là cấp trên đáng kính. Nhưng nhân vật này có một trường đoạn mà đạo diễn nâng tầm nhân vật này lên nhưng tôi cho là cho giả. Xin kể: Chú Sáu bị thương, nói vọng từ trong địa đạo ra “tôi xin đầu hàng” nhằm “câu giờ” cho đội du kích rút đi. Chú Sáu nằm tỉnh bơ, bị tra hỏi chú chẳng những không khai báo mà còn dõng dạc nói chuyện “ta đánh bại thực dân Pháp, ta chính nghĩa…” – y như chú đang đứng giảng dạy trong trường chính trị. Bất ngờ, chú Sáu tung quả lựu đạn trong người làm đám lính Mỹ lộn nhào…

Theo tôi, chú Sáu trong “địa đạo” là nhân vật hỏng, như nhiều bộ phim khác khi diễn tả về “cấp trên”… Khi bắt tù binh thì việc đầu tiên là phải khám xét toàn bộ thân thể, nên không thể có trái lựu đạn trong người chú Sáu mà lính Mỹ không biết. Khi khảo tra tù binh thì chỉ những người có phận sự mới có mặt, nên không thể có hơn chục lính Mỹ vây quanh để rồi lựu đạn nổ là chết chùm. Rồi tên lính Mỹ quay phim cảnh khảo tra dùng máy quay phim Paillard Bolex là của bên dân sự. Quân đội Mỹ dùng máy quay phim Bell Howell do Mỹ sản xuất.” (Hết trích)

***

Trong một status khen hết lời phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” rằng Bùi Thạc Chuyên là “đạo diễn số một nước nhà,” ông Nguyễn Quang Lập nói thêm:

“Tui không sao nuốt nổi cảnh này: Mỹ tháo nước sông làm ngập địa đạo, nước lên tận cổ cô du kích, cô hát… Ở thế kỷ trước đây là một xen cực hay, nhưng thế kỷ này thì khác rồi, vì nó vừa kịch vừa có tính tạo tác… Tui biết chắc Thạc Chuyên thừa tài để không dựng nhân vật ‘chú Sáu’ như các bản hùng ca về nhân vật lãnh đạo cách mạng trong các phim và văn nước ta ở thế kỷ trước. Giữa những khốc liệt máu và nước mắt… lại có cảnh ông Sáu bị thương nặng nằm khoan thai giảng giải cho lính Mỹ đứng bao quanh vì sao người Việt thắng cả Pháp lẫn Mỹ…”



Trúc Phương


Bất kỳ ai sống với Cộng Sản cũng hiểu rằng, trong một tác phẩm điện ảnh hoặc văn học về chiến tranh, nhất định phải có… “chú Sáu.” Lịch sử Chiến Tranh Việt Nam trong bộ máy tuyên truyền Cộng Sản có vô số “huyền thoại chú Sáu” được đẻ ra từ trí tưởng tượng. Từ thời Điện Biên Phủ, đã có “chú Sáu” Phan Đình Giót “lấy thân mình lấp lỗ châu mai.” Sang thời chống Mỹ, có “chú Sáu” Bùi Minh Kiểm với sức mạnh siêu nhân dùng tay không ghì được cả một chiếc trực thăng Mỹ… Tóm lại, nói đến cuộc chiến “giải phóng dân tộc,” phải có “chú Sáu” (và cả “chị Sáu”). “Chú Sáu” không chỉ là… “chú Sáu.” “Chú Sáu” là hiện thân của tất cả dối trá và xạo láo mà bộ máy tuyên truyền Cộng Sản xây dựng về Cuộc Chiến Việt Nam. Thiếu “chú Sáu,” cuộc chiến “giải phóng” chẳng còn “chính nghĩa” gì bởi thực chất nó là một cuộc xâm lược miền Nam. [đ.d.]