PDA

View Full Version : Hai Cựu Đại Biểu Quốc Hội và Vụ Án Chấn Động: Kẻ Giảm Án, Người Y Án



duyanh
05-17-2025, 01:18 PM
Hai Cựu Đại Biểu Quốc Hội và Vụ Án Chấn Động: Kẻ Giảm Án, Người Y Án





https://eadn-wc04-9642573.nxedge.io/wp-content/uploads/2025/05/luu-binh-nhuong-696x460.jpg

Một cựu phó Ban Dân Nguyện Quốc Hội bị kết tội cưỡng đoạt tài sản, một người khác – từng là đại biểu Quốc Hội chuyên chất vấn các quan chức cấp cao – kháng cáo bất thành. Cả hai đều từng xuất hiện trước công chúng với hình ảnh đại diện cho tiếng nói cử tri, nhưng nay lại ngồi ghế bị cáo trong một phiên tòa đầy tai tiếng, phơi bày những góc khuất quyền lực trong guồng máy Cộng Sản Việt Nam.

Ngày 16 Tháng Năm, truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin: bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, 62 tuổi, cựu đại biểu Quốc Hội, bị giảm án từ 13 năm xuống còn 12 năm tù, sau khi được ghi nhận “đã nộp toàn bộ số tiền khắc phục hậu quả.” Trong khi đó, bị cáo Lê Thanh Vân, một gương mặt quen thuộc với các phiên chất vấn trực tiếp trên truyền hình, bị tuyên y án sơ thẩm vì tòa cho rằng “tố tụng có sai sót nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án.”

Theo báo VNExpress, ông Nhưỡng bị kết tội với hai hành vi: “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi” và “cưỡng đoạt tài sản.” Trước tòa, ông nói lời hối lỗi, xin “tha thứ” từ đảng và nhà nước, đồng thời khẳng định mình “đã ăn năn cải tạo trong trại giam,” dù đang mang bệnh nặng.

Nhưng những gì báo chí nhà nước mô tả về ông lại không nhẹ nhàng. Ông bị cáo buộc đã nhận hối lộ lên đến hàng trăm ngàn đô la Mỹ, cùng với nhà đất và quyền lợi từ các dự án, để “chống lưng” cho một tay giang hồ có biệt danh Cường ‘quắt’ – một nhân vật có tiếng trong giới khai thác cát lậu tại Thái Bình. Thậm chí, ông Nhưỡng từng trực tiếp điện thoại cho phó giám đốc công an tỉnh để “ra mặt” bảo lãnh cho nhân vật này, còn dẫn Cường đến gặp chính quyền địa phương nhằm “dằn mặt” những ai cản trở hoạt động phi pháp.


Tuy nhiên, việc bị cáo đã nộp hơn 300,000 đô la để “khắc phục hậu quả” được cho là yếu tố giúp giảm án. Một hành động vừa phơi bày “cơ chế bồi hoàn để giảm tội,” vừa cho thấy sự bất bình đẳng trong đối xử giữa quan chức cao cấp và người dân bình thường.

Trái ngược, bị cáo Lê Thanh Vân – từng là đại biểu nổi bật của Ủy Ban Tài Chính – Ngân Sách – không được tòa chấp nhận kháng cáo. Dù ông ra sức tự bào chữa rằng mình “chỉ chuyển đơn, gọi điện với tư cách đại biểu Quốc Hội,” và rằng “10 triệu đồng được dúi vào túi đã được trả lại,” nhưng tòa vẫn giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Ông Vân khẳng định mình vô tư, không hề hưởng lợi, và cáo buộc cơ quan điều tra đã “gán ghép hoạt động nghị trường thành tội hình sự.” Tuy nhiên, trong hệ thống tư pháp dưới sự kiểm soát của Đảng, việc phân biệt giữa hành động đại diện cử tri và hành vi trục lợi dường như không rõ ràng – nhất là khi người bị tố cáo là những “người từng ở trong hệ thống.”


Hai phiên tòa – một giảm, một y án – đặt ra nhiều câu hỏi về cách thức mà hệ thống pháp luật của Cộng Sản Việt Nam xử lý các vụ án liên quan đến chính người của họ. Phải chăng “hối cải đúng lúc và nộp tiền kịp thời” có thể đổi lấy sự khoan dung, trong khi những ai giữ quan điểm phản biện, dù còn trong giới hạn nghị trường, lại bị xem là tội phạm không thể tha?

Với công luận, vụ án này không chỉ là sự sa ngã cá nhân, mà còn là lời nhắc nhở rằng: sự tha hóa quyền lực trong nội bộ chế độ hiện nay là điều có thật – và không phải đại biểu Quốc Hội nào cũng “vì dân” như họ từng tuyên bố.



Đất Việt