Nhập Vào

View Full Version : Phía sau hương khói là chiếc áo cà sa chính trị



duyanh
05-19-2025, 12:39 PM
Phía sau hương khói là chiếc áo cà sa chính trị





Khi tôn giáo bị thương mại hóa, chính trị hóa và kiểm soát một chiều, nó không còn là tôn giáo mà chỉ là tàn dư của quyền lực khoác áo thiêng liêng. Trong một xã hội lý tưởng, tôn giáo có thể là liều thuốc chữa lành. Nhưng trong xã hội bị thao túng, nó lại là thuốc mê liều cao, giúp duy trì sự phục tùng và im lặng.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/05/Vesak-2025-BL-scaled.jpg

Đại lễ như Vesak 2025 vừa được tổ chức rình rang tại Việt Nam vào đầu Tháng Năm, 2025. (Hình minh họa: Nhac Nguyen/AFP via Getty Images)

Tôn giáo như một công cụ cai trị tinh thần

Lễ Phật Đản năm nay (ngày 12 Tháng Năm), hàng vạn người vẫn chen chúc tại các ngôi chùa lộng lẫy. Cảnh tượng ấy không hề xa lạ. Nó lặp đi lặp lại hàng năm ở hàng trăm ngôi chùa, đền, điện trên khắp Việt Nam. Điều khiến người ta giật mình không chỉ là sự mê tín lan rộng, mà là cách nó được khuyến khích một cách ngầm định, nếu không muốn nói là tổ chức bài bản, bởi chính quyền.

Xét về “luật,” Việt Nam cấm mê tín dị đoan, nhưng thực tế xã hội đang dung dưỡng nó. Điều trớ trêu là xã hội càng hiện đại, càng đô thị hóa, càng nhiều người có học thức… thì nhu cầu tìm đến “tâm linh” càng cao. Giữa thời đại kỹ trị và công nghệ, người Việt vẫn đổ xô đi “xin lộc,” “giải nghiệp,” “hầu đồng,” đánh nhau đổ máu để giành “lộc”…


Đằng sau những tượng Phật dát vàng và chuỗi lễ hội tôn giáo rình rang là một sự thật không người dân nào dám nói thẳng: Chính quyền đang tích cực sử dụng tôn giáo như công cụ cai trị tinh thần. Khi pháp luật không còn đáng tin, khi công lý bị bóp méo, khi giáo dục biến thành công cụ tuyên truyền, thì tôn giáo – đặc biệt là thứ “tâm linh dân gian hóa, thần quyền hóa” – trở thành lựa chọn lý tưởng để giữ dân chúng trong vòng kiểm soát bằng niềm tin siêu hình.

Ở đây không còn là vấn đề tôn giáo đúng nghĩa. Nó là một hệ thống thần quyền lai tạp, được chính trị hóa và thương mại hóa, nơi thần thánh không còn là biểu tượng của từ bi mà trở thành công cụ điều khiển đám đông. Cỗ máy đó vận hành trơn tru vì nó được chính quyền bảo kê, được giới thương lái tâm linh đầu tư, và được xã hội vô thức tiếp nhận.


Báo Tuổi Trẻ ngày 12 Tháng Năm viết: “Trưởng Ban Dân Vận và Tuyên Giáo Thành Ủy TP.HCM cho biết ‘TP.HCM được giáo hội chọn đăng cai và tổ chức thành công của Đại Lễ Phật Đản Vesak Liên Hợp Quốc 2025 khẳng định vị thế, uy tín của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.’ Tuy nhiên, trong thực tế, chẳng có “cộng đồng quốc tế” nào “khẳng định vị thế, uy tín của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.”

Chẳng có “cộng đồng quốc tế” nào có thể “khẳng định vị thế, uy tín của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam” trong khi tôn giáo chưa bao giờ được tự do. Một linh mục Công Giáo (giấu tên) chia sẻ: “Nếu anh rao giảng đạo đức, anh được ủng hộ. Nhưng nếu anh nói về công bằng, nhân quyền, hoặc giáo lý về phản kháng bất công – lập tức anh bị ‘nhắc nhở.’ Nhà thờ bị theo dõi. Giáo dân bị gọi làm việc.”


Tình trạng tương tự diễn ra đối với các hội thánh Tin Lành độc lập, Phật Giáo Hòa Hảo chân truyền, Cao Đài không theo “nhà nước.” Họ bị coi là “tà đạo,” bị ngăn cản sinh hoạt tôn giáo, thậm chí bị bắt giam hoặc truy tố. Trong khi đó, các “giáo hội quốc doanh” như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam lại được hậu thuẫn, rình rang thực hiện những đại lễ, như Vesak 2025 vừa được tổ chức.

Những chiếc cà sa màu đỏ

Một cách tổng quát, chính quyền sử dụng tôn giáo như một công cụ để trấn an xã hội, đặc biệt trong bối cảnh niềm tin vào thể chế suy giảm, các kênh phản biện chính thức bị thu hẹp và đời sống tinh thần người dân ngày càng bất định.

Thực tế cho thấy có một sự phân định rõ rệt giữa các tôn giáo và dòng tu được “ưu ái” – thường là những tổ chức thân thiện với chính quyền, không có yếu tố phản kháng – và những tôn giáo bị giám sát chặt chẽ, thậm chí bị cấm hoạt động. Cơ chế kiểm soát tôn giáo không hề lỏng lẻo: Mọi tổ chức tôn giáo phải đăng ký với Ban Tôn Giáo Chính Phủ, chịu sự giám sát của Mặt Trận Tổ quốc. Nhân sự cấp cao trong các giáo hội thường có quan hệ với chính quyền, thậm chí là đảng viên.


Điều đáng lưu tâm là, cùng với sự mở rộng của những cơ sở tôn giáo “thuận quy trình,” là sự trỗi dậy của các thực hành tín ngưỡng mang tính bản địa, dân gian – và không ít trong số đó là mê tín. Từ lễ hội khai ấn Đền Trần, chùa Tam Chúc, đến các khóa “lễ căn,” “hầu đồng,” “giải nghiệp” công khai thu tiền hàng triệu đồng, tất cả đều diễn ra rầm rộ – mà không bị coi là vi phạm pháp luật.

Trong khi các đền phủ, điện thờ, chùa lớn phát triển không khác gì những dự án du lịch tâm linh có doanh thu khổng lồ, thì nhiều cá nhân tôn giáo mang tinh thần khai sáng – những vị tu sĩ dấn thân, những nhóm thờ phượng độc lập – lại bị xếp vào diện “phức tạp,” “tiềm ẩn nguy cơ.” Thậm chí một nhà tu vô hại như Thích Minh Tuệ cũng được đẩy ra khỏi Việt Nam để giảm sức ảnh hưởng.

Mối quan hệ giữa chính trị và tôn giáo tại Việt Nam từ lâu đã được điều tiết theo hướng kiểm soát. Nhưng điều đang diễn ra gần đây là sự chuyển hóa vai trò của tôn giáo – từ một không gian thiêng liêng, tự trị, sang một công cụ trấn an xã hội về mặt tinh thần. Ở đó, người dân không được khuyến khích chất vấn thực tại, mà được dẫn dắt để tìm kiếm sự “an bài” thông qua các lễ nghi siêu hình. Đó là lý do vì sao, trong khi người dân bị siết chặt về quyền biểu đạt, thì các “trung tâm tâm linh” vẫn được mở rộng không ngừng.

Trái ngược với sự ưu ái dành cho các tổ chức tôn giáo chính thức, những tổ chức độc lập thường gặp rất nhiều khó khăn. Linh Mục Nguyễn Văn Lý – người từng tổ chức phong trào Khối 8406 đấu tranh cho dân chủ – nhiều lần bị bắt giữ, quản chế, đánh đập. Mục Sư Nguyễn Công Chính (Tin Lành độc lập) bị kết án 11 năm tù vì “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” (ông được 27 dân biểu liên bang Hoa Kỳ bảo trợ sang Mỹ tị nạn năm 2011).

Đó là vài trường hợp điển hình trong quá khứ. Cập nhật mới hơn: Ngày 25 Tháng Ba, 2025, Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã công bố bản phúc trình hàng năm, chỉ định 16 quốc gia phải quan tâm đặc biệt vì đàn áp tôn giáo cách nghiêm trọng, có hệ thống và lâu dài. Việt Nam là một trong số đó.

Trong phần báo cáo về Việt Nam, bản phúc trình USCIRF cho biết, trong năm 2024, chính quyền Việt Nam tiếp tục gia tăng kiểm soát mọi hoạt động tôn giáo thông qua các tổ chức tôn giáo bị nhà nước điều khiển; cùng với đó là họ vẫn bắt bớ, giam giữ, bỏ tù và tra tấn những tín hữu quyết tâm hoạt động độc lập. Những tín đồ Hòa Hảo truyền thống ở An Giang liên tục phản ánh việc bị ngăn cản hành lễ, bị đe dọa, thậm chí đánh đập. Sự kiểm soát này không chỉ diễn ra về mặt hành chính mà còn len lỏi vào đời sống tín ngưỡng thường nhật.

Kỹ thuật cai trị bằng lớp áo tôn giáo

Tôn giáo là một thế lực mềm có khả năng ảnh hưởng mạnh đến xã hội. Một nhà thờ, một ngôi chùa, một vị tu sĩ có thể gây ảnh hưởng mạnh mẽ thậm chí hơn cán bộ tuyên giáo. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nhà nước độc đảng, nơi chính quyền luôn muốn kiểm soát toàn bộ không gian tư tưởng.

Chính vì thế, thay vì đối đầu, nhà nước Cộng Sản Việt Nam chọn cách thỏa hiệp có kiểm soát. Họ tìm cách thiết lập một hệ thống tôn giáo chính thống, được nhà nước hậu thuẫn, và loại bỏ các mầm mống phản kháng. Những ai hợp tác sẽ được tạo điều kiện phát triển, kể cả xây chùa hàng ngàn tỷ, tổ chức đại lễ quốc tế. Những ai bất hợp tác, dù chỉ đơn thuần giữ lập trường trung lập, sẽ bị gạt khỏi đời sống tôn giáo chính thức.

Việc chính trị hóa tôn giáo mang đến nhiều hậu quả lâu dài. Trước hết, nó làm mất đi tinh thần đạo đức và phản tỉnh vốn là cốt lõi của tôn giáo. Khi một nhà sư trở thành công cụ tuyên truyền, khi một ngôi chùa biến thành doanh nghiệp, khi lễ hội tâm linh trở thành lễ hội đầu tư, thì tôn giáo không còn là nơi thanh lọc tâm hồn, mà chỉ là hình thức.

Chính sách này tạo ra một lớp tu sĩ cơ hội – những người khoác áo cà sa nhưng sống bằng quyền lực, tiền bạc và quan hệ chính trị. Từ đó, đạo đức giả và mê tín dị đoan nảy sinh, khiến người dân mất phương hướng. Những hiện tượng như “vong báo oán,” “cúng sao giải hạn,” “xem bói online”… không ngừng phát triển trong một xã hội mà niềm tin chân chính bị thao túng.

Còn nữa, chính trị hóa tôn giáo làm nghèo đi đời sống tinh thần của cả xã hội. Người dân không còn nơi để đối thoại về đạo đức, không còn không gian để nuôi dưỡng các giá trị siêu hình vượt lên trên đời sống vật chất. Tôn giáo, thay vì soi sáng lương tri, lại trở thành chiếc bóng khổng lồ che mờ hiện thực, khi nó bị buộc phải mặc chiếc áo chính trị. Xã hội không thể tiến bộ nếu mỗi khi gặp bất công, con người chỉ biết đi chùa. Một đất nước không thể trưởng thành nếu người dân tìm kiếm vận may từ lễ cúng, thay vì đòi hỏi trách nhiệm từ nhà nước. Và dân chủ không thể tồn tại nếu chính quyền tiếp tục dùng tôn giáo như vũ khí để trì hoãn thức tỉnh xã hội.



Người Việt