PDA

View Full Version : Nước Đức chưa hết nỗi lo Mỹ không bảo đảm an ninh



giavui
05-21-2025, 01:30 AM
Nước Đức chưa hết nỗi lo Mỹ không bảo đảm an ninh




Chính phủ Đức mới đây tuyên bố sẵn sàng tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% của GDP, đáp ứng đòi hỏi của tổng thống Mỹ Donald Trump đối với các đồng minh NATO. Động thái này phản ánh một sự thay đổi chiến lược quan trọng, nhưng đồng thời cũng cho thấy rõ nỗi lo sâu sắc của Berlin trước khả năng Mỹ rút lui khỏi cam kết an ninh với châu Âu.



https://th.bing.com/th?id=OVFT.mZr6F_IcTOkFdGIYJ33BLy&pid=News&w=300&h=186&c=14&rs=2&qlt=90

Từ trái sang phải: Bộ trưởng Quốc Phòng Ukraine Rustem Umerov, bộ trưởng Quốc Phòng Đức Boris Pistorius, và tổng thanh tra Lực lượng vũ trang Đức Carsten Breuer, trong cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraina tại trụ sở NATO ở Bruxelles, Bỉ, ngày 11/04/2025. 2025. AP - Geert Vanden Wijngaert

Trong chiến dịch tranh cử, ông Friedrich Merz tỏ ra là người cứng rắn, chủ trương đường lối tự chủ, độc lập hơn với Mỹ về quốc phòng. Nhưng ngay sau khi lên cầm quyền, chính phủ của ông đã không thể tránh được lối cũ truyền thống của các lãnh đạo Đức trước đây như Angela Merkel hay Olaf Scholz, tiếp tục đặt trọng tâm vào mối quan hệ an ninh với Washington. Ông Merz duy trì sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ trong các vấn đề quốc phòng và viện trợ cho Ukraina.

Lo ngại Mỹ sẽ ngày càng đẩy mạnh chủ trương biệt lập, bỏ rơi các đồng minh châu Âu, Berlin đang tìm cách trấn an Washington. Ngoại trưởng Đức thuộc đảng CDU, Johann Wadephul, mới đây trong một cuộc họp của NATO đã cam kết chi 5% GDP cho quốc phòng, đúng như yêu cầu của Donald Trump – nhằm chứng minh Đức làm gương là một đối tác đáng tin cậy để được Mỹ tiếp tục bảo đảm an ninh.

Đức sợ rằng nếu tỏ ra tự chủ thì Mỹ sẽ hiểu là Đức không cần Mỹ nữa và sẽ thật sự rút đi như trút bớt gánh nặng của Hoa Kỳ. Điều này hoàn toàn đúng và có thể xảy ra đối với nước Mỹ dưới thời Donald Trump.

Thủ tướng Đức Friedrich Merz, trước khi nhậm chức có đề cập đến việc sẵn sàng thảo luận với Paris về "lá chắn hạt nhân". Đó vẫn chỉ là một ý tưởng mơ hồ, còn lâu mới đạt được đồng thuận. Quân đội chung châu Âu ? Vẫn là kế hoạch dài hạn, bị cản trở bởi mâu thuẫn quốc gia, khác biệt chính sách và ngân sách.

Hiện tại, chưa có gì có thể thay thế được sức mạnh quân sự và răn đe hạt nhân của Mỹ trong NATO, dù đây là một liên minh quân sự gồm tới 32 nước.

Mối lo ngại về rạn nứt quan hệ Liên minh xuyên Đại Tây Dương cũng ảnh hưởng đến kinh tế. Dù bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại do Trump phát động, Đức vẫn tỏ ra thận trọng hơn Liên Hiệp Châu Âu (EU) trong việc đáp trả Mỹ. Bộ trưởng Kinh tế, Katherina Reiche (đảng CDU – Liên minh Dân Chủ Thiên Chúa Giáo), nhấn mạnh Mỹ là đối tác thương mại quan trọng nhất đồng thời cảnh báo không nên để leo thang cuộc chiến thuế quan.

Tuy nhiên, một thử thách lớn đang ở ngay phía trước nếu Mỹ ngừng hỗ trợ Ukraina. Dù cố gắng xây dựng một mặt trận châu Âu thống nhất với Pháp, Anh, Ba Lan và Ý để tiếp tục hậu thuẫn Ukraina, ông Merz thừa nhận nếu Mỹ rút lui, sẽ khó có thể thay thế vai trò của Mỹ trong cuộc chiến tranh Ukraina. Cách đây 2 tuần, trước mặt tổng thống Pháp Emmanuel Macron ông Merz đã thừa nhận : « Nếu Mỹ bỏ chúng ta, tôi không thấy chúng ta sẽ có thể thay thế họ ».

Mối lo của Đức trước khả năng Mỹ thoái lui khỏi cam kết an ninh không chỉ là của riêng Berlin, mà là mối lo của cả châu Âu. Thực chất, Đức chỉ là tấm gương phản chiếu rõ nét nhất về một khủng hoảng chiến lược sâu rộng trong toàn bộ EU, đặc biệt sau những khủng hoảng địa chính trị lớn gần đây.

Mối lo của Đức là biểu hiện rõ ràng nhất cho nỗi bất an tập thể của châu Âu. Trong khi Mỹ có nguy cơ rút khỏi vai trò “người bảo vệ châu Âu”, thì EU vẫn đang loay hoay chưa có phương án thay thế. Nhìn chung châu Âu đang trong tình trạng muốn độc lập tự chủ nhưng chưa sẵn sàng do thiếu đồng bộ và chia rẽ, khác biệt về chính sách cũng như ngân sách giữa các nước.

Đức không chỉ là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, mà còn là nước có tiềm lực lớn để đầu tư vào quốc phòng. Nếu ngay cả Đức cảm thấy không đủ khả năng tự vệ, các nước nhỏ hơn lại càng không có lựa chọn nào khác ngoài lệ thuộc vào Washington.

Chính vì vậy, động thái của Đức tăng mạnh ngân sách quốc phòng không chỉ nhằm “giữ chân Mỹ”, mà còn là lời cảnh báo ngầm rằng nếu châu Âu không hành động sớm, khoảng trống chiến lược sẽ ngày càng lớn và sẽ là quá muộn.




RFI