PDA

View Full Version : Xung đột Iran – Israel : Vladimir Putin có sẽ bỏ rơi đối tác Teheran ?



duyanh
06-23-2025, 01:04 PM
Xung đột Iran – Israel : Vladimir Putin có sẽ bỏ rơi đối tác Teheran ?




Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi, hôm nay, 23/06/2025, đến Matxcơva gặp tổng thống Nga Vladimir Putin để « tham vấn » sau màn can thiệp quân sự ngoạn mục của Mỹ nhắm vào ba địa điểm hạt nhân của Iran. Nước Nga có sẽ bảo vệ Iran hay không ? Điều gì là quan trọng nhất với Nga : Mong muốn kiếm lợi nhuận từ dầu mỏ đắt đỏ và đánh lạc hướng thế giới về Ukraina, hay là lo sợ mất ảnh hưởng tại Trung Đông ?


https://th.bing.com/th?id=OVFT.mFPfVT-_lQVTRRDGsBrO2i&pid=News&w=300&h=186&c=14&rs=2&qlt=90

Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi tại điện Kremlin, Matxcơva, Nga, ngày 23/06/2025. AP - Alexander Kazakov

Theo hãng thông tấn TASS của Nga, ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi tuyên bố Nga và Iran « phối hợp lập trường của hai nước về tình hình leo thang hiện nay ». Về phía Nga, điện Kremlin lên án một « quyết định vô trách nhiệm khi đặt lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền vào tầm ngắm của tên lửa và bom đạn, cho dù với những lập luận nào ».

Bộ Ngoại Giao Nga trong thông cáo còn chỉ trích « điều đặc biệt đáng báo động là các cuộc oanh kích này được tiến hành bởi một nước thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ». Trang Europe 1 lưu ý rằng bản thân nước Nga, cũng là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An, đang tiến hành cuộc chiến xâm lược Ukraina từ ba năm qua.

Vào lúc xung đột Iran – Israel chuyển sang bước ngoặt mới khi có sự can dự về mặt quân sự của Mỹ, câu hỏi được nêu lên lúc này là « Nga có sẵn sàng bảo vệ Iran hay không ? » Trả lời RFI Tiếng Việt, nhà báo Vahid Shamsodine, ban tiếng Ba Tư đài RFI, trước hết nhắc lại Iran và Nga có mối quan hệ tốt đẹp từ nhiều năm qua và là đồng minh của nhau trên chiến trường Syria để bảo vệ tổng thống Bachar Al Assad nắm quyền cho đến khi bị lật đổ vào tháng 12/2024.

Vahid Shamsodine : « Cả hai nước Iran và Nga còn là bên tham gia ký kết thỏa thuận về hạt nhân năm 2015, văn bản mà sau đó Hoa Kỳ đã rút khỏi vào năm 2018. Nhưng thỏa thuận và khuôn khổ pháp lý vẫn tồn tại, và do vậy, Nga vẫn là một đối tác trong khuôn khổ này. Hơn nữa, Nga với tư cách là thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc luôn được Iran tham vấn và ý kiến của Nga có giá trị đối với Teheran, bởi vì hai nước đã gia tăng hợp tác quân sự ngay từ đầu cuộc chiến xâm lược Ukraina của Nga và Iran đã cung cấp drone và tên lửa cho Matxcơva ».

Tuy nhiên, các phát biểu của tổng thống Nga tại diễn đàn Kinh tế Saint-Petersbourg trước khi Washington can thiệp quân sự làm dấy lên nghi vấn về khả năng Nga bỏ rơi Iran như đối với Syria thời tổng thống Bachar Al Assad.

Vahid Shamsodine : « Iran và Nga từng ký kết một thỏa thuận đối tác chiến lược và gần đây đối tác này đã được triển hạn thêm hơn mười năm. Nhưng đó là một thỏa thuận hợp tác, chứ không phải là một liên minh quân sự. Điều đó có nghĩa là trên thực tế Nga sẽ không đến ứng cứu Iran nếu nước này bị tấn công như hiện nay. Thậm chí tổng thống Putin gần đây còn nói rằng Iran không hề yêu cầu giúp đỡ kể từ khi chiến dịch không kích của Israel bắt đầu. Ông tiếp tục khẳng định rằng Hiệp ước Đối tác Toàn diện giữa Matxcơva và Teheran không bao gồm bất kỳ điều khoản nào liên quan đến lĩnh vực quân sự, điều này thật trớ trêu khi Nga lại sản xuất drone Shahed do Iran phát triển. »

Theo giải thích từ nhà nghiên cứu về phương Đông học và ngành Iran học, Nikita Smagin, với trang Europe 1, việc Iran cho đến hiện tại vẫn chưa đề nghị Nga hỗ trợ quân sự một phần cũng vì nỗi lo mất một phần chủ quyền lãnh thổ như những gì đã diễn ra đối với tổng thống Syria Bachar Al Assad, người đã chấp nhận nhượng một phần lãnh thổ cho Matxcơva để đổi lấy sự bảo vệ của Nga.

Với chuyến thăm Matxcơva lần này của ngoại trưởng Abbas Araghchi, Iran có thể trông đợi được điều gì từ Nga ? Nhà báo Vahid Shamsodine nhận định tiếp :

Vahid Shamsodine : « Xét theo tình hình trên thực địa hiện nay, tôi nghĩ rằng thứ mà Iran thực sự thiếu chính là hệ thống phòng không. Tôi tin rằng hôm nay ngoại trưởng Iran đến Matxcơva để yêu cầu hỗ trợ quân sự nhằm tăng cường khả năng phòng không của nước này ở mức cao nhất, có thể để đối phó với lực lượng không quân Israel, hiện đang kiểm soát không phận Iran.

Ngoài ra, chuyến đi này còn nhằm đề nghị Nga làm trung gian hòa giải trong cuộc chiến thông qua Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Chắc chắn là Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu phủ quyết đối với bất kỳ nghị quyết nào, nhưng có thể bằng cách nào đó trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.

Iran sẽ cần sự ủng hộ của Nga dù chỉ là về mặt chính trị nếu như nước này muốn tiếp tục chiến đấu chống lại các cuộc tấn công của Israel và giờ là phải đối mặt với một trong những đợt không kích của Mỹ. »

Liệu Matxcơva có sẽ đáp ứng những yêu cầu này của Teheran? Theo đánh giá từ nhà báo Vahid Shamsodine, tổng thống Nga có thể chỉ sẽ đáp ứng một phần yêu cầu của Iran.

Vahid Shamsodine : « Bởi vì, trên thực tế, tổng thống Putin đã tuyên bố hợp tác giữa Teheran và Matxcơva về thực chất không bao gồm hỗ trợ quân sự từ phía Nga trước một cuộc gây hấn nhắm vào Iran. Điều này là rất rõ ràng, Nga sẽ không can thiệp vào mặt trận quân sự. Nhưng hiện tại, người ta cũng không biết được là Nga có sẽ chấp nhận cung cấp vũ khí cho Iran trong bối cảnh xung đột hiện nay hay không, bởi vì Nga, như chúng ta đã biết, có mối quan hệ tốt với Israel. Vì vậy, cần thận trọng khi phân tích rằng đây là hai nước đồng minh và Nga sẽ cung cấp cho Iran những gì nước này muốn. Không, điều đó không chắc chắn, chưa thực sự rõ ràng. »

Như ông giải thích là sẽ không có can thiệp quân sự, vậy Nga có sẽ hỗ trợ về mặt công nghệ giúp Iran cải tiến hơn nữa về kỹ nghệ sản xuất tên lửa như trường hợp của Bắc Triều Tiên?

Vahid Shamsodine : « Thực tế là Nga đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan vì ngay lúc này họ đang tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina. Có lẽ họ thực sự thích cuộc chiến chống Iran hơn để chuyển hướng chú ý của phương Tây và cộng đồng quốc tế sang cuộc xung đột ở Trung Đông thay vì tập trung vào Ukraina. Thứ hai, có thể họ thực sự muốn tình hình này tiếp tục và căng thẳng gia tăng đến đỉnh điểm, vì giá dầu đắt hơn trên thực tế là có lợi cho Nga. Nếu muốn hỗ trợ hoặc cung cấp bất cứ gì cho Iran, Nga sẽ phải cân nhắc tất cả những yếu tố đó. »

Xin chân thành cảm ơn nhà báo Vahid Shamsodine, ban tiếng Ba Tư đài RFI.