Nhập Vào

View Full Version : Xe điện VinFast cháy trơ khung trên cao tốc, truyền thông trong nước “né” tên hãng



duyanh
07-08-2025, 12:52 PM
Xe điện VinFast cháy trơ khung trên cao tốc, truyền thông trong nước “né” tên hãng





https://eadn-wc04-9642573.nxedge.io/wp-content/uploads/2025/07/vinfast-696x470.jpg

Một vụ cháy xe nghiêm trọng xảy ra chiều ngày 6/7 trên cao tốc Sài Gòn–Trung Lương, đoạn qua địa phận tỉnh Long An, đã thu hút sự chú ý đặc biệt từ cộng đồng mạng — không chỉ vì ngọn lửa thiêu rụi hoàn toàn chiếc xe mà còn bởi cách truyền thông trong nước đồng loạt né tránh nhắc đến thương hiệu VinFast, dù hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy rõ đây là một chiếc xe điện của hãng.

Theo báo Lao Động, chiếc xe năm chỗ bốc cháy dữ dội sau khi tài xế phát hiện có khói bốc ra trong khoang cabin. Người này đã lập tức tấp vào làn dừng khẩn cấp và sử dụng bình chữa cháy mini để xử lý, tuy nhiên do gió lớn và chất liệu dễ bén lửa, đám cháy lan cực nhanh, khiến toàn bộ thân xe bị thiêu rụi, trơ khung. Chiếc xe mang bảng “xe tập lái,” cho thấy đây là phương tiện thuộc sở hữu của một trung tâm dạy lái xe. May mắn, không có thương vong về người.

Tuy vậy, điều đáng chú ý hơn cả là trong khi các đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy rõ đây là một chiếc VF5 màu trắng — mẫu xe điện cỡ nhỏ do hãng VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sản xuất — thì gần như toàn bộ các báo “lề phải” trong nước đều tránh né đề cập đến tên thương hiệu. Không nhắc đến đây là xe điện, không nói rõ dòng xe, thậm chí hình ảnh đăng tải cũng được chọn lựa ở góc khuất hoặc mờ, tránh nhận diện.

Sự im lặng này không có gì lạ. Trong các vụ việc trước liên quan đến cháy nổ hoặc tai nạn của xe VinFast — từ xe cá nhân đến taxi điện Xanh SM — truyền thông nhà nước thường xuyên áp dụng “nguyên tắc ngầm”: không nêu tên hãng, làm mờ logo trong ảnh, thậm chí chuyển sang hình đen trắng để độc giả khó nhận ra màu xanh đặc trưng của hãng taxi điện thuộc cùng tập đoàn.

Việc né tránh nhắc tên thương hiệu gây bức xúc trong cộng đồng mạng. Một số bình luận trên các diễn đàn xe hơi châm biếm: “Cứ tưởng xe vô danh nào cháy, ai ngờ VF5.” Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao một công ty xe điện mang danh “niềm tự hào quốc gia” lại cần được bao che truyền thông mỗi khi có sự cố?

Trên Facebook, clip ghi lại cảnh các công an viên cố gắng dập lửa bằng bình chữa cháy mini cũng trở thành đề tài bị chỉ trích. “Cảnh sát dập lửa kiểu như đang vờn với nó hay sao ấy. Phải cho về học lại một khóa căn bản về cứu hỏa,” một tài khoản tên Thanh Lê bình luận. Trong khi đó, nhiều người nhấn mạnh: “Xe điện mà cháy pin thì bình chữa cháy xách tay chỉ như muối bỏ biển.”

Câu chuyện cũng làm dấy lên những lo ngại nghiêm túc về an toàn xe điện tại Việt Nam – đặc biệt là với các phương tiện phục vụ công cộng như xe tập lái hoặc taxi. Nếu những vụ việc như thế này tiếp tục bị truyền thông nhà nước làm ngơ, người dân sẽ còn tiếp tục thiếu thông tin chính xác để đưa ra lựa chọn an toàn khi sử dụng phương tiện.

Trong khi thế giới ngày càng khắt khe về chuẩn an toàn pin xe điện, việc VinFast liên tục gặp sự cố cháy nổ – mà lại được “bảo vệ hình ảnh” bằng cách bịt kín thông tin – đang tạo nên một hình ảnh trái ngược với khẩu hiệu “vì môi trường” mà hãng này thường sử dụng trong các chiến dịch quảng bá. Câu hỏi đặt ra: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi có hậu quả nghiêm trọng hơn xảy ra? Và tại sao một tập đoàn kinh doanh lại cần sự che chắn tuyệt đối như vậy từ hệ thống truyền thông nhà nước?

Vụ việc ngày 6/7 là lời cảnh báo rõ ràng: không thể xây dựng “niềm tự hào quốc gia” bằng cách bưng bít sự thật. Khi xe điện bốc cháy giữa đường cao tốc, người dân có quyền được biết — chứ không phải chỉ xem một bản tin đã được “gọt giũa” đến mức vô hại.



Đất Việt