PDA

View Full Version : Việt Nam yêu cầu Trung Quốc thả ngư dân ngay lập tức



Nhan
10-06-2010, 05:40 AM
Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu Trung Quốc thả ngay lập tức và vô điều kiện các ngư dân và tàu cá mà họ bắt vào ngày 11/9 tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.


Các tàu cá của ngư dân Việt Nam. Ảnh: Trí Tín.

Ngày 11/9/2010, Trung Quốc bắt giữ tàu cá số hiệu QNg 66478TS cùng 9 ngư dân Việt Nam tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa. Sau khi nhận được thông tin nêu trên, các cơ quan chức năng Việt Nam đã tiến hành xác minh và được biết tàu cá và 9 ngư dân nêu trên sống tại tỉnh Quảng Ngãi, đang hoạt động nghề cá bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Khi đi đánh bắt, tàu cá nêu trên chỉ mang theo các ngư cụ đánh bắt thông thường như lưới, đèn soi cá v.v

Từ đó đến nay, đại diện Bộ Ngoại giao ta đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc về vấn đề này ở nhiều cấp khác nhau tại Hà Nội và Bắc Kinh. Trong đó, ngày 21/9/2010, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chính thức gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, nhấn mạnh việc lực lượng ngư chính Trung Quốc bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam trong khi họ đang hoạt động nghề cá bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam; yêu cầu phía Trung Quốc nhanh chóng thả vô điều kiện tàu cá và toàn bộ ngư dân nói trên.

Ngày 5/10/2010, đại diện Đại sứ quán Trung Quốc gặp đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam và nói: Do tàu cá QNg 66478TS sử dụng thuốc nổ để đánh bắt cá nên các cơ quan chức năng của phía Trung Quốc quyết định xử phạt chủ tàu và đã thông báo cho gia đình những người bị bắt về quyết định nêu trên; sau khi nộp phạt, phía Trung Quốc sẽ thả tàu và ngư dân.

Tại cuộc gặp trên, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phản đối quyết định xử lý của phía Trung Quốc đối với chủ tàu QNg 66478TS, nhấn mạnh lý do bắt giữ và xử phạt của phía Trung Quốc đối với chủ tàu nêu trên là phi lý, khẳng định rõ tàu cá QNg 66478TS hoạt động bình thường tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trên tàu cá QNg 66478TS không có chất nổ, ngay trong thông báo ngày 15/9/2010 của Trung tâm chỉ huy ngư chính Trung Quốc gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cũng không đề cập đến việc tàu cá nêu trên mang theo chất nổ.

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam một lần nữa yêu cầu phía Trung Quốc, xuất phát từ quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước và nhận thức chung của Lãnh đạo hai nước về việc xử lý vấn đề ngư dân, thả ngay và vô điều kiện các ngư dân và tàu cá QNg 66478TS.

(TTXVN)
Nguon: VNEXPRESS

Nhan
10-06-2010, 05:46 AM
Đúng là những con người ỷ mạnh hiếp yếu. Việt Nam cần phải mạnh dạn lên tiếng cảnh báo với chính quyền Trung Quốc
phải ngưng ngay những thái độ côn đồ mới xứng đáng là một nước đang tiến lên với thế giới văn minh.

Nhan

NBNTB
10-06-2010, 05:57 AM
Trung Quốc lại "nói một đường, làm một nẻo"
Tác giả: Greg Torode


Trong khi Trung Quốc tăng cường áp lực ngoại giao và bày tỏ sự phẫn nộ đối với việc Nhật Bản giam giữ thuyền trưởng đánh cá nước này thì họ lại bắt giữ và đòi tiền chuộc đối với hàng trăm ngư dân Việt đánh cá ở khu vực tranh chấp quần đảo Hoàng Sa.


Hãy tưởng tượng rằng thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc hiện đang bị giam giữ ở Nhật Bản không phải là một cá nhân đơn lẻ mà là một trong vài trăm người bị bắt và giam giữ trong 18 tháng qua. Hãy tưởng tượng rằng một số tàu thuyền của họ bị đâm và đánh chìm; trong khi họ bị bắt giữ.

Giả sử họ bị giam giữ có khi đã nhiều tháng và Nhật Bản chỉ thả người sau khi mỗi người phải trả hàng nghìn đôla. Chính phủ của họ từ chối việc chi trả để chuộc người nhưng một số gia đình vì quá mong mỏi gặp cha, con trai và chồng nên đã lặng lẽ thanh toán hết. Nhiều tin đồn lan truyền đi rằng một số người đã bị bắn.

Tôi đã đặt kịch bản này với một người bạn là sinh viên đại lục. Anh ta bị sốc. "Tôi thậm chí không thể tưởng tượng được kết quả", anh nói. "Sẽ nảy sinh sự phẫn nộ nhằm vào chính phủ Nhật Bản và tôi tin rằng một người Nhật bình thường không thể an toàn khi ở Trung Quốc".

Chắc chắn Trung Quốc không chịu nổi khi nghĩ về kịch bản này. Hiện giờ đã có "cơn sốt" áp lực ngoại giao và xã hội ở Tokyo do việc giam giữ thuyền trưởng còn tiếp tục.

Tuy nhiên, kịch bản này đã xảy ra, nhưng không liên quan đến việc lực lượng bảo vệ biển Nhật Bản chống lại các tàu đánh cá Trung Quốc gần khu vực các đảo đang tranh chấp ở biển Hoa Đông. Thay vào đó, nó đại diện cho hành động của các tàu Trung Quốc đối với các ngư dân Việt Nam trong khu vực tranh chấp biển Đông. Thay vì quần đảo Điếu Ngư, hầu hết các vụ bắt giữ xảy ra ở vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa - nơi hai nước cùng tuyên bố chủ quyền và Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1974.

Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã đệ đơn kháng cáo chính thức trong khi báo chí khơi ra những câu chuyện về nỗi đau của thân nhân khi chờ đợi tin tức. Dưới áp lực của các nhà ngoại giao Trung Quốc, các quan chức chính phủ Việt Nam đã cố gắng giữ để những căng thẳng quốc gia không lan ra thành các cuộc biểu tình trên đường phố.

Tình huống này có thể làm mất uy tín Trung Quốc, bất kể là đúng hay sai trong vấn đề Điếu Ngư hoặc việc bồi thường cho ngư dân Việt Nam - những người cũng đã bị giam giữ ở Indonesia và Malaysia trong những năm gần đây.

Đối với các quan chức trong khu vực, các hành động cưỡng chế theo kiểu "nói một đường làm một nẻo" của Trung Quốc xuất hiện như là dự cảm về kỉ nguyên thống trị của Bắc Kinh.

Những vụ bắt giữ người Việt Nam chắc chắn gây tiếng vang trong các kênh ngoại giao khắp khu vực nhạy cảm này và tạo cho Mỹ một cơ hội nhảy vào.

Như mục này đã đề cập từ trước, không ai trong khu vực muốn kiềm chế Trung Quốc, nhưng họ chắc chắn không muốn bị ức hiếp hoặc thấy bản thân mình rút cục phụ thuộc vào một siêu cường duy nhất. Do đó, cân bằng trở thành mục tiêu.

Tâm trạng này đã gây tiếng vang đến Washington, quân đội Mỹ rất sợ hãi sẽ rơi vào cảnh ngộ như ngư dân Việt Nam, các quan chức Mỹ tìm cách quay lại khu vực Đông Á tưởng như đã bị lãng quên.

Kết quả là gì? Mỹ chính thức được mời đóng một vai trò quan trọng trong một tổ chức ở Đông Á là ASEAN. Đồng thời, Mỹ đã củng cố thêm ảnh hưởng của ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp biển Đông với Trung Quốc khi nói rằng tìm kiếm một giải pháp hòa bình và đa phương là ưu tiên ngoại giao của Mỹ - một động thái làm Bắc Kinh tức giận.

Các vấn đề này được thiết lập để tạo đà cho tháng 10 tới khi Việt Nam sẽ chủ trì cuộc họp lần đầu tiên trong lịch sử của 10 Bộ trưởng quốc phòng ASEAN với các đồng nhiệm đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như Mỹ và Nga tại Hà Nội.

Những thay đổi mang tính bước ngoặt này đối với sân khấu ngoại giao và chiến lược khu vực đã đến khi Việt Nam là chủ tịch luân phiên của ASEAN. Vai trò này sẽ được chuyển giao cho Indonesia - nước ngày càng quả quyết trong vấn đề riêng với Trung Quốc ở biển Đông - nằm trong tầm ảnh hưởng của tuyên bố chủ quyền mang tính lịch sử của Bắc Kinh.

Việc Trung Quốc tăng cường thái độ ngoại giao xung quanh việc bắt giữ thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc ở Nhật Bản đang khuấy động tinh thần dân tộc trên khắp Trung Quốc và khuấy động nỗi sợ hãi ở các khu vực đang nỗ lực dũng cảm đương đầu với Bắc Kinh.

Ngọc Tú dịch từ South China Morning Post

NBNTB
10-06-2010, 07:52 PM
Nhật được Việt Nam thông cảm

Thủ tướng Naoto Kan nói sau cuộc tiếp xúc với ông Nguyễn Tấn Dũng rằng Việt Nam "thông cảm" về cách thức xử lý của Nhật trong vụ căng thẳng với Trung Quốc.


Hai vị lãnh đạo đã có tiếp xúc bên lề hội nghị Á-Âu (Asem) tại Brussels, Bỉ.

Hãng thông tấn Nhật Kyodo nói ông Kan tuyên bố đã giành được thông cảm của không những ông thủ tướng Việt Nam, mà cả của lãnh đạo Hàn Quốc và Australia quanh vụ bất đồng Trung-Nhật sau khi tàu cá Trung Quốc đâm vào tàu tuần tra của Nhật hồi đầu tháng Chín.

Quan hệ giữa hai nước sau đó đã xấu đi nghiêm trọng cho tới khi Nhật Bản trả tự do cho thuyền trưởng tàu Trung Quốc.

Kyodo dẫn lời thủ tướng Nhật Bản nói tại Brussels: "Quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc vô cùng quan trọng đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới, bởi vậy chúng tôi đã xử lý vấn đề một cách bình tĩnh trên phương diện rộng."

Tuy nhiên, quan chức Nhật khước từ không cho biết chi tiết cuộc gặp giữa hai ông Nguyễn Tấn Dũng và Naoto Kan.

Báo chí Việt Nam khi đề cập tới cuộc gặp giữa hai ông chỉ viết rằng "hai bên đánh giá cao sự phát triển tốt đẹp và sâu rộng" của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản và cam kết tiếp tục hợp tác.

Trước đó, khi xung đột Nhật-Trung lên cao trào, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói Việt Nam mong muốn hai nước này nhanh chóng giải quyết bất đồng một cách hòa bình.

Theo BBC Vietnamese

NBNTB
10-10-2010, 03:59 AM
Biển Đông căng thẳng do đâu?


Gần đây, việc Hoa Kỳ ngỏ ý quan tâm giải quyết tranh chấp Biển Đông đã làm dư luận chú ý. Có ý kiến cho rằng sự tham gia này có thể giúp khai thông quá trình, nhưng cũng lại có quan điểm cho rằng tình hình có thể còn phức tạp hơn.


BBC đã nói chuyện với Tiến sỹ Richard Cronin, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Viện Chiến lược Stimson của Hoa Kỳ về chủ đề Biển Đông.

BBC: Thưa ông, câu hỏi đầu tiên là theo ông nguyên nhân nào gây căng thẳng Biển Đông hiện nay?

TS Richard Cronin: Tôi cho rằng động lực của tranh chấp tại Biển Đông không phải là kỳ vọng vào nguồn lợi thiên nhiên tại nơi đây, mà là các yếu tố khác như chủ quyền, tham vọng, lòng tự hào dân tộc vv.. Bên cạnh đó, là yếu tố vô cùng quan trọng về an ninh nữa.

Chúng ta nhớ lại sự kiện xảy ra với tàu Impeccable của Hoa Kỳ, khi tàu này đang khảo sát vùng đáy biển tại Biển Đông. Theo như tôi được biết thì có lẽ việc này được cho là có liên quan tới hoạt động tàu ngầm trong tương lai và vụ Impeccable xảy ra là như vậy.

Rõ ràng là những gì đang xảy ra tại Biển Đông không liên quan gì nhiều tới nguồn tài nguyên, cho dù khu vực này có thể có trữ lượng khoáng sản hay dầu khí lớn. Vấn đề là ở chỗ, một nước Trung Quốc đang lớn dậy coi Biển Đông là ao nhà của mình.

Cũng còn những yếu tố về địa chính trị, về lịch sử và ý đồ của các quốc gia.

Thí dụ đường chín đoạn mà Trung Quốc đưa ra như một di sản của lịch sử. Trung Quốc muốn giành đặc quyền khai thác khu vực bên trong ranh giới đó.

Thế nhưng điều chắc chắn là Trung Quốc sẽ không đạt được ý định này vì cách thức mà Trung Quốc đưa ra không phải là cách phù hợp để giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ.

BBC: Khả năng xảy ra xung đột tại Biển Đông có cao không, thưa ông?

TS Richard Cronin: Bắc Kinh đang muốn dùng sức mạnh để ép các công ty dầu khí quốc tế không hợp tác với các nước tham gia tranh chấp trong khu vực, và đã thành công trong một vài trường hợp. Nhưng Trung Quốc sẽ không thành công mãi được trong việc hù dọa các tập đoàn.

Với việc giá dầu ngày càng tăng và nhu cầu ngày càng lớn, sẽ không có gì ngăn cản được các công ty lao vào khai thác những gì khai thác được. Hiện tình hình thăm dò khai thác tại Biển Đông đang bị ngưng trệ vì tranh chấp lãnh thổ nhưng tôi nghĩ cuối cùng thì tiền vẫn sẽ có tiếng nói cuối cùng.

Kịch bản như thế nào thì còn là điều phải suy nghĩ: có thể sẽ có đối đầu, nhưng cũng có thể sẽ có nhượng bộ. Bản thân tôi thì không cho rằng sẽ xảy ra đụng độ vũ lực lớn tại Biển Đông vì lý do năng lượng.

Việc sử dụng quân sự nếu có sẽ liên quan nhiều hơn tới an ninh, xung đột lợi ích giữa các quốc gia.

BBC: Nay người ta thấy hiện diện của Hoa Kỳ tại Biển Đông ngày càng lớn. Xin ông cho biết đánh giá của mình về sự tham gia của Mỹ trong giải quyết xung đột tại đây?

TS Richard Cronin: Động lực lớn nhất cho sự tham gia của Hoa Kỳ là tiếp cận quân sự và hàng hải trong khu vực.

Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông dựa trên các lý lẽ về lịch sử và cả các nguyên tắc của luật quốc tế về chủ quyền biển, ngăn cản tiếp cận của hải quân các nước và Hoa Kỳ, ngược lại, làm mọi cách để bảo vệ quyền tự do đi lại của mình.

Thế nhưng theo tôi, căng thẳng Mỹ-Trung bắt nguồn từ những vấn đề rộng lớn hơn là Biển Đông.

Đó là các vấn đề địa chính trị, ai sẽ giành phần quyết định trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư...

Quan hệ Trung-Mỹ cũng còn có những ràng buộc khác nữa về kinh tế, đối ngoại và nhiều mặt khác nên tôi cho là Biển Đông không phải là yếu tố chính gây quan hệ xấu giữa hai bên.

BBC Vietnamese

NBNTB
10-11-2010, 01:56 AM
Ngoại trưởng Mỹ phản đối sử dụng vũ lực ở Biển Đông


Tái khẳng định lợi ích quốc gia của Mỹ ở Biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phản đối bất kỳ quốc gia nào sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực ở vùng biển quan trọng này.


Tại cuộc gặp gỡ báo chí kết thúc chuyến thăm và làm việc hai ngày tại Hà Nội, Ngoại trưởng Hillary Clinton cho hay, có 12 Ngoại trưởng các nước ASEAN và đối tác đối thoại đã nêu vấn đề Biển Đông và an ninh biển nói chung tại Diễn đàn An ninh khu vực (ARF).

Về phía Mỹ, bà Hillary Clinton cũng đã tận dụng Diễn đàn để khẳng định rõ quan điểm của Mỹ về vấn đề Biển Đông mà theo bà là sẽ ảnh hưởng tới sự thịnh vượng và ổn định của khu vực.

Nếu nhìn vào bản đồ của khu vực, có nhiều nước tăng thương mại, giao thông biển. Đây là nơi có tuyến đường biển bận rộn nhất trên thế giới. Các nước phải tôn trọng nguyên tắc quốc tế để đảm bảo các hoạt động trên biển được tiếp tục.

Mỹ phản đối bất kỳ sự sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực của bất kỳ bên nào, bà nói.

Mỹ cũng như các quốc gia khác có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo tự do thông thương hàng hải, quyền tự do tiếp cận các vùng biển chung của châu Á và sự tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định. Tất cả các nước trong khu vực đều có thể chia sẻ lợi ích ở vùng biển chung này.

Mỹ ủng hộ một tiến trình ngoại giao chung của tất cả các bên liên quan trong việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền mà không có sự ép buộc nào, bà nói.

Nhắc lại việc không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, bà cũng mong các bên tham gia tranh chấp theo đuổi các tuyên bố chủ quyền và các quyền kèm theo đối với vùng biển phải phù hợp với công ước LHQ về luật Biển.

Theo Ngoại trưởng Mỹ, các tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển trên Biển Đông phải được tách bạch khỏi các tuyên bố chủ quyền đối với các đảo, quần đảo.

Ủng hộ Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông

Khẳng định sự ủng hộ với Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông được ký giữa ASEAN - Trung Quốc năm 2002, bà Clinton kêu gọi các bên nỗ lực tiến tới một thỏa thuận về Bộ Quy tắc ứng xử đầy đủ (COC).

Mỹ sẵn sàng hỗ trợ các sáng kiến và biện pháp xây dựng lòng tin phù hợp với DOC, bà cam kết.

Theo Ngoại trưởng Mỹ, đó là lợi ích của tất cả các bên liên quan và cộng đồng quốc tế nói chung nhằm tiếp tục giao thương mà không bị cản trở dưới các điều kiện phù hợp về pháp lý.

Sự tôn trọng lợi ích của cộng đồng quốc tế và các nỗ lực mang tính trách nhiệm nhằm giải quyết các tranh chấp có thể giúp tạo ra các nền tảng hướng tới giải pháp cho tranh chấp và xoa dịu các căng thẳng trong khu vực.

Bà cũng cho hay, chính quyền Obama đã đệ trình để Thượng viện thông qua Công ước về Luật biển LHQ. Dự luật này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cả hai đảng ở Hoa Kỳ.

Đảm bảo Công ước này được Nghị viện Mỹ thông qua, theo bà Clinton là một trong những ưu tiên ngoại giao của Mỹ trong năm tới.


Phương Loan (VietnamNet)

NBNTB
10-12-2010, 01:27 AM
Trung Quốc đã thả vô điều kiện 9 ngư dân Việt Nam


Trao đổi với báo chí bên lề ADMM Retreat, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết hôm 10.10, phía Trung Quốc đã thả 9 ngư dân Quảng Ngãi bị họ bắt giữ hôm 11.9. VN đã bày tỏ sự hoan nghênh trước thiện chí của phía Trung Quốc, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết.

Trả lời câu hỏi về việc hai nước sẽ có biện pháp xử lý như thế nào về vấn đề này trong bối cảnh thời gian qua phía TQ liên tục có những hành vi cản trở, bắt giữ trái pháp luật ngư dân VN đang hoạt động hợp pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền của VN, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết VN và TQ là 2 nước láng giềng có chung biên giới trên bộ và trên biển, trong đó quan hệ làm ăn ngư dân hai bên không tránh khỏi những vụ việc, trường hợp xâm phạm vào vùng biển của nhau. Vì lý do này, hai nước đã có cơ chế tuần tra chung giữa hải quân VN và TQ. Theo Bộ trưởng Phùng Quang Thanh việc này góp phần giữ an ninh trật tự trên biển đồng thời tạo điều kiện cho ngư dân làm ăn thuận lợi hơn.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng cho biết hai bên cũng đã trao đổi về việc cần phải có hợp tác ở mức độ cao hơn là hợp tác trên lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn trên biển. Trong 3 năm qua, VN đã cứu được 45 ngư dân của TQ gặp nạn trên biển, bộ đội VN đã rất khó khăn, nhiều khi phải mạo hiểm tính mạng để cứu ngư dân TQ. Theo Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, phía TQ rất hoan nghênh những hành động này.

Nguyên Phong (Thanh Niên Online)

NBNTB
10-12-2010, 11:32 PM
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc thăm Việt Nam

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tướng Lương Quang Liệt, sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam và đến Hà Nội chiều 10/10.


Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã hội đàm với Bộ trưởng Lương Quang Liệt.

Hai bên thông báo cho nhau tình hình phát triển kinh tế-xã hội, kinh nghiệm xây dựng lực lượng vũ trang của mỗi nước; trao đổi, thống nhất các biện pháp thúc đẩy phát triển hơn nữa các mối quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực trao đổi đoàn, đào tạo, tuần tra chung trên biển, vì mục tiêu hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.

Chiều cùng ngày, Thượng tướng Lương Quang Liệt cùng các thành viên đoàn đến chào Tổng bí thư Nông Đức Mạnh.

Thượng tướng Lương Quang Liệt sẽ tham gia hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng khai mạc vào ngày mai. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cũng sẽ có cuộc hội đàm với người đồng nhiệm Mỹ Robert Gates bên lề hội nghị. Cuộc gặp này sẽ được cho là dấu mốc chấm dứt thời gian đóng băng trao đổi quân sự giữa hai cường quốc trong hơn 9 tháng qua.

VnExpress (TTXVN)

NBNTB
10-12-2010, 11:38 PM
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Việt hội đàm ở Hà Nội


Chiều 11/10, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã hội đàm với Bộ trưởng Robert Gates, đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam và tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng.

Tại cuộc hội đàm, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đánh giá cao sự tham gia của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates tại Hội nghị mở rộng (ADMM+) lần này, đồng thời bày tỏ tin tưởng hai bên sẽ cùng nhau trao đổi để tăng cường hợp tác song phương giữa hai nước trong lĩnh vực quốc phòng.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng khẳng định, với vai trò và vị thế của mình, Mỹ sẽ có những đóng góp tích cực để ADMM + lần đầu tiên này thành công tốt đẹp. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng thông báo cho Bộ trưởng Gates kết quả Hội nghị hẹp Bộ trưởng quốc phòng ASEAN sáng nay, theo đó các Bộ trưởng quốc phòng ASEAN đã thống nhất nội dung của Hội nghị ADMM +.

Phát biểu sau cuộc hội đàm, Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết: "Chúng tôi đã có cuộc trao đổi thắng thắn hữu nghị và đạt được những kết quả tích cực. Đó là hợp tác song phương giữa hai bộ quốc phòng và trao đổi về những hậu quả còn tồn đọng sau chiến tranh, tìm kiếm người Mỹ mất tích. Tôi nhận thấy quan hệ quốc phòng giữa hai nước đã có những bước phát triển mới, đặc biệt trong vấn đề đào tạo, quân y, tìm kiếm cứu nạn, hải quân Chúng tôi đang kiến nghị sắp tới hai Học viện quốc phòng của hai nước sẽ có những bước hợp tác mới trao đổi học viên, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu, lý luận quốc phòng".

Bộ trưởng Robert Gates đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong vai trò chủ tịch ASEAN và chủ tịch của ADMM +. Ông Gates nhấn mạnh, Việt Nam sẽ hoàn thành tốt trọng trách của mình và Hội nghị ADMM + lần này là cơ hội để Mỹ tăng cường hợp tác về quốc phòng với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.

"Chúng tôi rất mong muốn ADMM + sẽ mở ra những cơ hội lớn về hợp tác quốc phòng giữa Mỹ cũng như các đối tác khác với ASEAN. Chúng tôi tin tưởng Hội nghị sẽ đưa ra được những phương thức hợp tác mới, từ đó tăng cường hơn nữa quá trình hợp tác, giải quyết các xung đột ở khu vực và thế giới bằng biện pháp hoà bình, tạo môi trường ổn định cho khu vực châu Á Thái Bình Dương".

Bộ trưởng Gates cũng đã gửi lời chia buồn của Chính phủ và nhân dân Mỹ đến những gia đình nạn nhân đang bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở miền Trung Việt Nam. Ông Gates cam kết sẽ làm hết sức mình để giúp đỡ Việt Nam khắc phục hậu quả lũ lụt.

Trước đó, sáng nay ông Gates tới chào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nói chuyện với sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội và Học viện Kỹ thuật quân sự.

(Theo TTXVN, VOV) - VnExpress

NBNTB
10-12-2010, 11:49 PM
Kiên trì đàm phán hòa bình về vấn đề biển Đông


Chiều 11/10, tiếp Bộ trưởng Lương Quang Liệt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn Việt Nam - Trung Quốc sẽ kiên trì đàm phán hòa bình về vấn đề biển Đông, trên tinh thần láng giềng, hữu nghị và luật pháp quốc tế.


Ngày 11/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp các Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản đang thăm Việt Nam và dự Hội nghị ADMM+.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ nhất là diễn đàn quan trọng để xây dựng lòng tin, sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa các nước trong ASEAN và các đối tác, thúc đẩy quan hệ hợp tác vì hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực.

Tại buổi tiếp ông Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Thủ tướng nhấn mạnh giữa Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng và còn nhiều tiềm năng hợp tác. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên cùng nhau bàn bạc và thiết thực triển khai các thỏa thuận đã đạt được trong hội đàm.

Về vấn đề Biển Đông, cho rằng giữa hai nước vẫn còn có sự nhận thức khác biệt và có những tranh chấp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn và tin tưởng hai bên sẽ kiên trì đàm phán hòa bình, trên tinh thần láng giềng, hữu nghị và trên tinh thần của luật pháp quốc tế để giải quyết thỏa đáng bằng những giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên đều chấp nhận được.

Theo ông Lương Quang Liệt, chuyến thăm Việt Nam lần này của Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Trung Quốc nhằm 3 mục đích là thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam Trung Quốc, trao đổi kinh nghiệm giữa hai nước trong lĩnh vực quốc phòng và tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng.

Ông Lương Quang Liệt cho rằng những ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc giải quyết vấn đề Biển Đông bằng những giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên đều chấp nhận được cũng là lập trường và chủ trương của phía Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Trung Quốc sẽ nỗ lực cùng với Bộ Quốc phòng Việt Nam triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương nói trên nhằm xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định, hợp tác, đoàn kết, hữu nghị, cùng phát triển


Tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói, trong thời gian tới hai bên cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hợp tác trong các hoạt động hợp tác hai bên cùng quan tâm.

Về phía Việt Nam, với tinh thần nhân đạo, khép lại quá khứ, Việt Nam sẽ làm hết mình để tìm kiếm các quân nhân Hoa Kỳ bị mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam, đây là việc Việt Nam đã làm và sẽ tiếp tục làm, Thủ tướng nói.

Bộ trưởng Robert Gates đề xuất một số lĩnh vực hợp tác hai bên cần đẩy mạnh, như đối thoại về chính sách quốc phòng, gìn giữ hòa bình chung, khắc phục hậu quả chiến tranh, tìm kiếm cứu nạn Mỹ sẽ luôn hỗ trợ Việt Nam các thiết bị công nghệ mới, hiện đại trong tìm kiếm, rà phá bom mìn; tẩy rửa chất độc màu da cam

Đánh giá cao kết quả hội đàm chiều 11/10 giữa Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Toshimi Kitazawa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn hai bên sẽ tích cực triển khai những kết quả đạt được trong hội đàm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ, song song với việc tăng cường các hoạt động hợp tác về kinh tế, Việt Nam luôn mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác về quốc phòng, an ninh với Nhật Bản.

Bộ trưởng Toshimi Kitazawa tin tưởng sâu sắc vào sự thành công của ADMM+ và cho rằng sự thành công của hội nghị sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu tăng cường quan hệ hợp tác giữa các nước trong ASEAN và các đối tác vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.


Theo Chinhphu.vn - VnExpress

NBNTB
10-19-2010, 12:44 PM
Việt Nam quốc tế hóa Biển Đông
Trần Đông Đức
Ký giả tự do từ Hoa Kỳ

Lần đầu tiên, một hội thảo về Biển Đông bao gồm quan chức Việt Nam cùng giới học giả tại Mỹ được tổ chức tại Đại học Temple, thành phố Philadelphia vào hôm 25/3/2010.


Tuy cuộc hội thảo diễn ra trong phạm vi học thuật nhưng được phái đoàn Việt Nam đánh giá thành công về mặt dư luận.

Theo lời một diễn giả trong phái đoàn Việt Nam, cuộc hội thảo về Biển Đông như thế này dự định diễn ra tại Pháp vào tháng trước nhưng phải huỷ bỏ vào phút cuối do sức ép của tòa đại sứ Trung Quốc.

Ngoài những chủ đề nóng về việc tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa với Trung Quốc, diễn giả Việt Nam còn mang theo những thông điệp gợi ý sự hợp tác vào tuyến hàng hải trên Biển Đông như là vấn đề lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.

Chương trình được khởi xướng bởi một số chuyên gia Mỹ nghiên cứu về Việt Nam lấy vị trí chiến lược Biển Đông làm cơ sở với sự hợp tác của học viện bộ ngoại giao Việt Nam.

Đứng trước những ý đồ và tham vọng của Trung Quốc, Việt Nam nay hầu như đã chọn con đường quốc tế hoá Biển Đông bằng cách vận động các nước Tây Phương, đặc biệt là Hoa Kỳ làm bạn chiến lược.

Hoa Kỳ cũng có trách nhiệm lịch sử

Một vị tiến sĩ sử học đến từ Việt Nam, ông Nguyễn Nhã cho biết ông từng khóc khi làm về công tác bản đồ sau năm 1975. Ông đã cảm thấy xót xa khi Mỹ đã không can thiệp giúp Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc hải chiến Hoàng Sa năm 1974.

Việt Nam còn nêu lên những trường hợp Trung Quốc đã không tôn trọng vành đai đánh cá, bắn giết ngư dân Việt Nam quanh ngư trường Hoàng Sa như là những bằng chứng vi phạm nhân quyền, tiêu diệt môi trường sống của hàng triệu người Việt Nam bên bờ Biển Đông.

Trung Quốc còn sử dụng những luận điệu hàm hồ về lịch sử để phủ nhận những tranh chấp về các hải đảo và vùng biển trong vùng Đông Nam Á.

Biển Đông vốn là tuyến hàng hải quan trọng tới Nhật Bản và Đại Hàn cho nên Hoa Kỳ không thể bỏ mặc cho Trung Quốc độc quyền thao túng.

Giáo sư Philip Alperson, giám đốc trung tâm Triết-học, Văn-hóa, và Xã-hội Việt Nam của Temple University cho biết theo quan điểm về mặt chính trị của người Mỹ - không dễ gì chọn bên giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng về mặt tình cảm, ông thiên vị cho Việt Nam vì nhìn thấy những thiệt thòi khách quan về hiện trạng và lịch sử mà nước Mỹ có phần. Ông hy vọng những cuộc hội thảo như thế này được diễn ra thường xuyên, gây ảnh hưởng và có hiệu quả ở cấp độ cao hơn.

Thảo Luận Nóng

Trong suốt một ngày sôi nổi đánh dấu lần đầu quan chức Việt Nam thảo luận với học giả Hoa Kỳ công khai về vấn đề Trung Quốc. Thậm chí nhiều người có cảm tưởng đây là diễn đàn tố cáo Trung Quốc trước Hoa Kỳ với sự có mặt của quan chức Việt Nam.

Tuy vậy, phái đoàn Việt Nam cũng đã đụng phải sự chất vấn nảy lửa của một số nhân vật trong cộng đồng người Việt tại Mỹ.

Cô Nguyễn Ngọc Giao, thuộc cộng đồng Việt Nam tại thủ đô Washington dùng thời lượng của mình để kêu gọi tự do dân chủ nhân quyền, giải thể đảng cộng sản Việt Nam, và chất vấn về công hàm Phạm Văn Đồng 1958.

Học giả Việt Nam giải thích với cô Ngọc Giao rằng công hàm đó chỉ là đối sách chính trị không có giá trị về mặt chủ quyền vì miền Bắc thời đó không quản lý lãnh thổ phía Nam. Phía Việt Nam cũng cố gắng trình bày vấn đề chủ quyền và chính quyền vốn là hai khái niệm.

Một vài ý kiến khác nêu lên những vấn đề tàn phá môi trường, buôn bán phụ nữ, Trung Quốc xâm lăng làm không khí có lúc như nghẹt thở.

Người Mỹ điều hợp chương trình, giáo sư Andrew Scobell nói rằng ông hiểu rõ tâm trạng chia cắt về chính trị của người Việt hải ngoại. Nhưng như Hoa Kỳ, cho dù thích hay không thì cũng phải thừa nhận sự hiển nhiên của chính quyền hiện nay của Việt Nam.

Tuy nhiên, sau mọi căng thẳng không khi cũng trở lại hòa nhã nghiêm túc. Phía Việt Nam có người tỏ ra không chịu được nhưng cũng có người ghi nhận đây là những chất vấn bình thường và có phần thú vị.

Người Mỹ năng động

Chương trình còn có cuộc thảo luận bàn tròn do giáo sư Ken MacClean của Clark University chủ trì. Với sự hiểu biết tinh tế về Việt Nam, vị giáo sư này làm cho không khí hòa bình và những ý kiến đóng góp càng trở nên thiết thực.

Người Mỹ vốn không có những thái độ áp đặt và những định kiến cực đoan lịch sử, về lòng yêu nước cho nên đề đạt ra những đường hướng ứng xử với Trung Quốc bao gồm vấn đề môi trường, bảo vệ tài nguyên (như san hô) trên biển rất dễ nghe, có sức thuyết phục lớn trên diễn đàn quốc tế.

Cho dù học giả Mỹ không muốn biểu lộ nhiều định kiến về quan hệ Trung Việt, nhưng thái độ ứng xử và sự nhiệt thành góp ý tưởng làm người Việt Nam nói chung rất yên tâm là họ sẽ có những tiếng nói bênh vực.

Các giáo sư người Mỹ cũng đề nghị bước tiếp theo là đánh động lương tâm về Biển Đông tới những cơ quan hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc ban lịch sử Á Châu của đại học Maine cho rằng vai trò của người Mỹ gốc Việt là rất quan trọng việc tố cáo dã tâm của Trung Quốc trước dư luận quốc tế.


BBC Vietnamese