PDA

View Full Version : Người Quét Chợ



giavui
09-14-2014, 08:19 PM
Người Quét Chợ

Lê Xuân Khoa
http://www.vietfreefun.com/extras/upload/images/1410725940_NguoiQuetCho_LeXuanKhoa.jpg

Ông già ấy tuổi tám mươi nhưng lưng chưa kịp cong vành thúng, chưa chịu chống gậy, và đôi mắt, tuy đã ngả màu long nhãn, vẫn còn luồn mũi chỉ qua lỗ chân kim ngon lành... Từ ngày xuất hiện ở chợ Đường Mương này, chẳng một ai bận tâm đến lai lịch của lão nhưng người nào cũng yêu thương và có phần trọng nể.

Ít người biết chợ Đường Mương có tự bao giờ. Chỉ để ý người này ra đi, người khác cầm chổi, canh chợ, chưa một hình hài nào chăm chỉ, chu tất và sạch sẽ như lão Quân đây. Lão chưa một ngày bước ra khỏi đất huyện, trừ một lần và chỉ một lần mà thôi, và đời nối đời chỉ một nghề độc nhất vô nhị cày sâu cuốc bẫm là kế sinh nhai. Tạo hóa cho lão làm người để làm và suy nghĩ, chân tay không biết mệt mỏi, đầu óc luôn đón trước lường sau. Đã một thời lão là người có máu mặt của làng, ra đường cũng lắm kẻ chào người hỏi. Bảy mặt con, năm trai hai gái, đứa nào cũng háu ăn, lớn nhanh như thổi, lập gia đình là có nhà riêng, ruộng vườn trâu bò tử tế. Đó là điều lão thấy hài lòng khi nuôi con đã đến tuổi trường thành. Hiềm nỗi, bà Quân bỏ lão ra đi sớm quá, mới ở tuổi năm lăm. Đã thế, ba đứa con cả trai lẫn gái, hai đứa hi sinh trong chiến tranh chống Mỹ, đứa bị bom khi đi cày. Lão buồn, buồn đến không thiết sống. Nhưng còn bốn đứa, lão phải thay vợ chăm sóc nuôi dạy chúng, gà sống nuôi con thế gian cũng nhiều.

Rồi thời gian tuổi tác xô đẩy lão. Cũng may, lão thầm mừng, khi đầu gối đã giở trò bướng bỉnh không theo ý chí của lão, đàn con đã kịp lớn. Đứa học hành được cho thoát ly, đứa ít chữ cũng đủ trâu cày ruộng cấy. Cho đến một ngày, lão hoàn toàn bất lực trước thời tiết, trước luống cày, nhát cuốc. Lão tặc lưỡi, thây kệ, quy luật cả. Trẻ cậy cha, già cậy con, lo chi. Tuy vậy, lão đâu chịu đầu hàng tuổi tác một cách trắng tay như vậy. Trong bụng, lão vẫn ăm ắp còn những hai mươi năm theo đòi chữ nho cơ mà. Tướng số, đọc quẻ, nhìn chân gà luộc hạ từ bàn thờ xuống, xem phong thủy, tính tử vi, lĩnh vực nào lão cũng sành. Cuối cùng, để làm phúc, lão chỉ cầm cái la kinh (địa bàn) đi đặt hướng nhà và chỉ bảo địa thế phong thủy để người đời có cơ tai qua nạn khỏi, làm ăn tấn tới.

Dù hết sức mình, tận tâm tận lực với chữ thánh hiền, nhưng thời gian, cái hình hài bạc như vôi và lạnh như băng ấy, nó vẫn ngang nhiên cướp giật không thương tiếc những gì mà lão đã có. Thế rồi, lão trở nên trắng tay, bơ vơ, trở lại thời kì sơ sinh, cái thời chỉ biết bú mớm, chỉ có mồm nhưng chân tay nhão nhoét. Từ đó, người đời coi lão tựa cái gánh nặng vô tích sự, như rác rưởi phải nhanh chóng đào sâu lấp kỹ, như thứ thừa càng để lâu càng có mùi. Những đứa con yêu dấu của lão cũng đã cảm thấy có cái gì đó bất ổn nếu lão cứ còm cõi, ngồi chán rồi nằm, khẩu khí chẳng đầu chẳng đũa, vướng lắm, tốn lắm, chẳng có tích sự gì hết. Quả thật những lời lẽ, cử chỉ và sự lãng quên vô trách nhiệm của chúng, lão rất biết. Vậy cho nên, lão tặc lưỡi, đã đến lúc cũng nên quy tiên được rồi.

Không xong, quy hay không là ở ông trời, ở cái số làm người của lão kia. Đàn con lão cũng thính biết như vậy. Cuối cùng, chúng cũng nghĩ ra được một kế hay. Bọn nó, cả trai lẫn gái, con trưởng – người được thừa hưởng nhà cửa vườn tược của cha mẹ, góp nhiều, con trai thứ ít hơn, con gái gọi là có đóng góp, dựng cho lão cái lều sáu thước vuông lợp rạ ở góc vườn trồng dâu. Lão sống tại đó, nằm ngồi tại đó, nóng lạnh no đói cũng tại đó. Được vậy lão lại thấy dễ chịu hơn nhiều. Thường ngày, khi công việc đã vơi vãn, chúng thay nhau đưa mồi đến cho lão. Muộn thì lão nhai nuốt ngay, sớm để dành sợ về đêm bụng dạ cồn cào. Không ít ngày, chắc là lắm công nhiều việc, lão nghĩ thế, không một đứa nào nhớ đến lão. Đợi chờ, ngóng trông, đói và khát, nước mắt lão lại tràn mi. ồ, lão sờ lên hai gò má bây giờ đã nhọn hoắt như hai cái mỏ. Thì ra mình vẫn còn nước mắt, giọt nước còn nóng lắm, mặn lắm. Biết đích xác là vậy, lão tự an ủi, mình vẫn còn có ích cho đời đây. Vậy là, lão tra chiếc áo nâu sòng chưa kịp sờn, quần xanh mới xỏ mươi lần, thập thững đến cửa ủy ban gặp ông chủ tịch xã, người được lão xem đất làm nhà khi ông ta còn là hội viên Hội nông dân tập thể, xin làm một việc gì đó, canh nhà quét chợ chẳng hạn, trước nữa có miếng bỏ mồm, sau để khỏi nhìn thấy mặt những đứa con, đúng, những đứa con của chính lão sinh ra.

Cây đa chợ Đường Mương đã bảy tuổi. Đất tốt, giống cứng, lại được người không ngơi tay ngơi mắt, cứ trồi lên như có phép lạ. Nó chẳng có tên, mà người đời cũng chẳng bận tâm cha sinh bố dưỡng ra nó. Dọc theo hàng rào bao chợ, những hàng cây phi lao, bạch đàn, cũng đã cao quá đầu người, xanh tươi mơn mởn. Giữa chợ, rải rác có một vài cây bàng lá đỏ và bằng lăng điểm xuyết, đang được vài ba cái cọc tre bảo vệ. Chợ Đường Mương bây giờ đã xanh sạch đẹp như công viên, ít năm nữa tha hồ cây cao bóng cả. Thì ra, người đời thầm nghĩ, lão già này vẫn còn được việc lắm. Và rồi, vẫn là người đời, người ta đặt cho cây đa một cái tên: Cây đa lão Quân.

Lẳng lặng quét tước, lẳng lặng đi tìm cây, đào hố, chưa một lần lão ngửa tay xin xỏ ai. Nói gì đi nữa lão cũng có học hành, đang ăm ắp một bụng chữ nho, cũng đã một thời bước đi trong thế ngẩng mặt. Duy một lần, một lần duy nhất trong kiếp làm người của lão, hai ngày không miếng bỏ mồm, đói quá, đói run rẩy đi ấy, từ góc vườn dâu, trong đêm mưa gió đầy trời, như một con mèo già vô chủ, lão lom khom lén qua hàng rào, sang vườn nhà người móc trộm mấy củ khoai lang đầu vồng. Khi khoai lang đang cháy vỏ, mùi khoai nướng tỏa ra, xộc vào tâm can lão, bất thần tiếng nức nở bật to, đôi môi khô nẻ run run, lão khóc như một đứa trẻ, đứa trẻ bơ vơ cả cha lẫn mẹ. Và lão rống lên, đêm đen vội truyền tải lập tức tiếng ai oán đó vào khoảng không vô cùng vô tận: Mẹ ơi!

Chẳng một ai trong chủng loài nghe được lời gọi kêu cháy lòng ấy của lão, chẳng một ai. Hình như đêm đen cũng lập tức quên khuấy đi cái công việc mà nó vừa giúp lão. Yên tĩnh, hư vô, không tưởng, huyền hoặc. Lão chợt thấy lạc lõng, bơ vơ, một con người vô thừa nhận. Nếu có chăng, phải, có thể lắm, chỉ một mẹ lão, từ một cõi thế nào đó, bà cụ vừa nhận ra văng vẳng đâu đó tiếng thằng con khốn khổ của mình.

Cái bị cói còn chưa kịp sờn của lão Quân vẫn treo ở đó, ở thân cây cạnh túp lều chợ. Giấy bạc hai trăm, năm trăm, thi thoảng mới có một tờ một ngàn, hai ngàn đồng. Tuy vậy mỗi tháng, kẻ ít người nhiều, lão cũng gom góp được hai ba trăm ngàn đồng. Số tiền ấy, cộng với món tiền hai đứa con là liệt sỹ, trừ ăn uống, việc đầu tiên mà lão nghĩ đến là mua cho mình một cỗ áo quan dày dặn, gỗ de hay gỗ vàng tâm gì đó, nghĩa là phải thứ gỗ tốt, nặng, để cả xác lão, chí ít cũng phải bốn năm người khiêng và không thể vừa đi vừa chạy như tống khứ một thứ rác rưởi lúc nhúc vi trùng.

Sớm muộn cũng nhờ người tốt bụng mua giúp, mà người tốt bụng thì thời nào cũng có. Trước mắt, bụng bảo dạ, phải bằng mọi cách, cố hết sức tàn còn lại, lão quét tước sạch sẽ, rác rưởi không để sót một mẩu, mùi hôi thối không có, để rồi lại một ngày họp chợ nữa, người đời vẫn yên tâm rằng lão Quân đang còn đây, còn lâu lão mới trút bỏ cái áo làm người, và những đồng bạc lẻ còn tiếp tục tự nguyện chui vào cái bị cói treo lủng lẳng ở gốc cây kia.

Một hôm, hình như số lão đã thật sự không chịu xa lão nửa bước, mấy thằng học trò lớp ba lớp bốn gì đó, sau giờ tan chợ, nhè lúc lão đang thiu thiu trong giấc ngủ chiều, chúng ngang nhiên trèo lên ngọn cây đa, ra sức nhún nhẩy, vít cong, nhảy xuống trèo lên, lá vo tròn làm kèn, cành bẻ ngang để đánh nhau. Chợt tỉnh, tay lăm lăm chiếc gậy, thong thả bước, lão rống lên như xiên từng lời vào bụng chúng.

- Mấy thằng nhãi kia!

Nghe tiếng lão, chúng chạy tán loạn như đàn sáo rời cành. Duy có một, từ ngọn cây ngã sấp mặt xuống đất, cánh tay non gãy ngang. Đó là thằng Hải con ông chủ tịch xã.

Thôi thì cái số làm người của mình chỉ có vậy. Lão nghĩ và vui lòng chấp nhận – không khác được. Thế rồi lão lăn đùng ra ốm, một trận ốm sau chót của một kiếp làm người.

*

Những ngày nằm co quắp trong lều canh chợ, lão Quân suy nghĩ đủ điều. Không muốn thì những gì trong quá khứ, trong tám mươi năm tồn tại và lập nghiệp cứ theo tâm tưởng mà trào ra, ứa ra, cứ lung linh trước mặt. Đó là những năm tháng sức dài vai rộng, những năm tháng đẹp nhất, có ý nghĩa nhất trong một đời người. Rồi khi hình dung con trâu cày bướng bỉnh nhất làng phải thuần phục trước sức vóc và ý chí của lão, những ngày chiếc đòn xóc nhọn hoắt và cứng như thép xiên vào mỗi bên hai bó lúa to sũng nước hất nhẹ tênh như trò đùa, đặt lên vai người làm thuê, những tháng ngày xa đất làng thồ bốn tạ hàng trên chiếc xe đạp, xăm xăm đẩy ngược dốc ngược đèo trong chiến dịch tiếp tế cho Điện Biên Phủ không biết mệt mỏi là gì. Tất cả những kỷ niệm của một thời sung mãn, gom góp cho lão một sức bật mới, ý chí mới, một tàn lực cuối cùng. Lão chống gậy ngồi dậy, bước ra cửa.

Thì ra, lão chợt nhớ, còn một đống rác sau khi quét dọn đang dồn lại đó, chưa kịp lấp nó đi. Lão cũng còn khá tỉnh táo để biết rằng những đồng bạc lẻ có cả mồ hôi lẫn tính toán không phải ngẫu nhiên hiện ra như có phép lạ trong chiếc bị cói. Vậy cho nên, mỗi khi còn bước được, cầm nổi chổi, lão phải tận mắt nhận thấy công việc đã đâu vào đấy trước lúc từ gĩa cõi thế này. Thế là, lão gắng gượng để cái chổi tre không tuột khỏi tay, đôi chân đừng vội quỵ xuống. Rồi vừa quét, vừa quan sát và ngắm nhìn. Chao, ngọn gió nhà hôm nay có màu xanh, nhẹ và mát mẻ làm sao. Khuôn viên chợ sạch sẽ và quang trang, những chiếc lá non ánh lên màu sức sống, xanh nhạt, nghiêng ngó đùa với thời gian. Tiếng con chào mào trong bụi tre ngà còn chưa kịp ăn đạn nghe sao mà líu lo vậy, cứ như tiếng thời gian lả lướt, dạt trôi, khiến lão đê mê, say đắm, không thiết chết nữa.

Đúng, thà sống còn hơn, dù có làm sao đi nữa, chết chưa đáng chết thì chết mà làm gì!

Dù vất vả thì cuối cùng lão Quân cũng đào được một cái hố và dồn hết đống rác chợ xuống đó. Lấp xong, lão lại ngắm nhìn, gật gù. Thế là tốt rồi, cho một mầm cây lên đó sẽ lớn nhanh như thổi. Yên tâm, lão chậm rãi bước về cái nơi đã ra đi. Nhưng thật lạ, chính lão cũng chẳng ngờ, đó không phải lần sau chót của đời mình. Cho đến một hôm, chính cái hôm có vài hạt mưa trái mùa đó, tất cả những cố gắng cuối cùng của lão lập tức bị tuổi tác đè bẹp xuống, dí vào góc giường, nằm co như con tôm luộc trong cái ruột chăn tái chế đen xỉn, hôi hám và đã cựa quậy vài ba con rận, thứ kí sinh trùng tưởng chừng đã ra đi trước lão từ rất lâu rồi. Lão thở khò khè ở đó, nhũn nhão như một mảnh giẻ nửa khô nửa ướt. May mà mệnh hệ của lão mới lần tới ngang bụng và cái đêm hôm đó cũng thật ngắn, tựa như vũ trụ và thần chết còn rủ lòng cho lão một cơ hội, ưu ái cho lão một lần cuối bởi công tích không nhỏ của lão đã chăm chút con cái và đóng góp cho trần thế trong tám mươi năm qua. Thế là, khi sân chợ đã có tiếng người, khi đêm đen thật sự đã bị ánh dương đẩy vào thế giới tối tăm của nó, tiếng chim khuyên đã lại ríu ran trên cành đa. Lão cố gắng ho khục khặc vài tiếng để báo hiệu cho chủng loài.

Một người, một người nữa, những gương mặt khó hiểu, thậm chí không thể hiểu, lần lượt vây lấy cái giường tre ọp ẹp của lão già quét chợ này.

Tiếng lão yếu ớt, chậm rãi, tựa như tiếng phì phò của cục đờm chặn ngang họng.

- Có ai là con cháu tôi đấy không?

- Thưa cụ, có ạ. Con trai, con gái và những hơn chục cháu nội ngọai của cụ đang đứng ở đây ạ.

- Bà con, họ hàng?

- Đông lắm, cụ yên tâm đi.

- Thế còn ủy ban?

- Có đồng chí chủ tịch xã đang bên cụ đây, từ nửa đêm cụ ạ. Nào, cụ dặn dò gì con cháu, làng xóm, chính quyền không?

- Có, tôi muốn...

- Vâng, cụ muốn, rõ rồi, nào, cụ muốn gì nào?

- Thằng Huynh đâu?

- Đây, anh con trưởng của cụ đây.

- Thế còn thằng Dũng?

- Cũng kịp về rồi cụ ạ. Xe ông ấy từ Hà Nội về chiều hôm qua.

- Thế thì được. Cho tôi được sờ vào bàn tay chúng nó, những đứa con máu thịt của tôi.

Ông Huynh đang chần chừ thì ông Dũng, ngài thứ trưởng kiêm chủ tịch Hội đồng quản trị một tập đoàn lớn Nhà nước ở Hà Nội đáp xe về từ chiều tối hôm qua, người may mắn được ăn học đến nơi đến chốn, lại do công tích thồ hàng lên Điện Biên Phủ của ông bố nên được đi du học nước ngoài, đã nghỉ hưu, liền bước tới, nắm bàn tay nhỏ bé, teo tóp, nhũn nhão và lạnh gía của người cha. Thực lòng ông lấy làm tiếc giá bố mình về với tổ tiên sớm hơn có phải đẹp hơn không. Được vậy thì hôm nay không nhiều chí ít cũng có vài chục chiếc xe con về dự tang lễ là cái chắc.

- Mày đấy ư – tiếng lão Quân đã rất yếu ớt nhưng chưa đến nỗi quá bé và rất rõ ràng, rành mạch. Anh em chúng mày quét giúp cha cái chợ, nhớ là thật sạch sẽ nghe không. Tang lễ cũng làm tại đây thôi, tao muốn thế. Nghe cha nói đây, chúng mày có nghe được gì không đấy.

- Cụ nói đi, tất cả bà con đang lắng nghe cụ đây, rõ lắm, cụ tiếp tục đi nào.

- Ờ, thế thì tốt. Anh em chúng mày sẵn tiền sẵn gạo làm cho tao đám tang to to vào. Trống chiêng, kèn nhạc, đèn nến, hương vàng, tế lễ, cho thật chu tất nghe không.

Ông thứ trưởng gật ngay:

- Dạ, chúng con đã sẵn sàng rồi ạ. Nhất định chúng con sẽ tổ chức cho bố một đám tang quy củ, trọng thể, cả làng cả huyện chưa từng có. Bố yên tâm cố gắng thanh thản nhắm mắt đi.

Lọt tai lời sau chót của thằng con, cụ Quân từ từ khép đôi mắt cuối đời mà không phải chờ đến cái vuốt mặt, thanh thản đi về cõi vĩnh hằng của thế giới phía bên kia chợ Đường Mương.

*

Thỉnh theo lời trăng trối của người cha, đứa ít đứa nhiều, xăng xái góp tiền gạo để làm tang lễ. Ông Dũng nhận chịu phí tổn một phần ba, ông Huynh, ông Mạ cáng đáng một nửa số tiền còn lại. Bà Phong, con gái thứ, đang chủ một sập vải lớn ở chợ thị xã, cũng vui vẻ đảm nhận số cần phải chi thêm. Ông út Trang, tuy chỉ cày sâu cuốc bẫm, ăn sáng lo chiều, dứt khoát không kém những ông anh bà chị. Kém sao được, kém người ta khinh. Cuối cùng năm anh chị em không ai chịu ai, mọi người thống nhất lấy thu bù chi là hợp lý hơn cả. Nếu tiền điếu phúng thừa, khỏi phải chia chắc, cứ để người anh trưởng chịu hương khói cho cha về lâu về dài là ổn tất. Tuy vậy, cũng chưa hẳn đã ổn. Cuộc họp sau chót, mọi người lại thống nhất cứ chia đều để khỏi mếch lòng mất bề, kém miếng khó chịu.

Hội họp xong, tang lễ chóng vánh vào cuộc. Ba ngày ba đêm ròng rã, tiếng trống to và rền như tiếng sấm len lỏi trong lá trong cây, râm ran trên từng luống cày, thửa ruộng, vang vọng sang mãi làng bên. Tiếng kèn tang thê lương không lúc nào ngớt. Tiếng khóc mới não nề làm sao. Chốc chốc lại lại có giọng điếu văn ai oán do thợ kèn nhạc soạn để phòng khi gia chủ yêu cầu, chỉ cần thay tên đổi họ. Con trai mắt lơ láo, hai bàn tay úp lên đầu gậy tre, nghe ngóng. Con gái vải sô trùm kín mặt, gào rống liên hồi. Đám tang thật sự là to, cờ quạt, hương khói, kèn trống, tế lễ, thâu đêm suốt ngày. Những mâm xôi thơm phức đầy ụ, những con gà phao câu hum húp bóng nhoáng. Thịt, cá, giò chả, món xào, nem nộm, không thiếu thứ gì, thứ gì cũng nhiều. Hai vòng hoa tang to như cái nong, sắc màu lộng lẫy đưa từ Hà Nội về. Hiềm nỗi, thật lấy làm tiếc, dân làng chẳng mấy ai lại qua, điếu phúng thưa thớt, tẻ nhạt. Thành thử hết ngày sang đêm, trở đi trở lại chỉ thấy đám kèn nhạc tò te, tò te với lũ người nhà ít đi lại. Đông nhất, hăng hái nhất, vẫn là lũ trẻ cứ sấn vào hôi thuốc lá và nhìn ngó chiếc quan tài màu đỏ bôi hoa văn lòe loẹt đến vui mắt.

Chưa ai biết đám tang của lão Quân quét chợ Đường Mương có hoàn tất được kế hoạch lấy thu bù chi hay không, nhưng chắc chắn rằng chợ Đường Mương ngày nay đẹp và sạch chẳng khác nào một công viên. Những hàng cây có ngang có dọc, xum xuê và xanh mướt để lũ vành khuyên ríu ran trong lá, chào mào líu lo trên chót vót ngọn đa. Rồi vào những ngày hè nắng nồng, chiếc nón phả gió vào mặt, dưới bóng cây dân chợ Đường Mương lại nhớ đến lão Quân, con người cao gầy có ánh mắt đăm xa với đôi tay răn reo và cần mẫn ấy.