PDA

View Full Version : Khéo léo trong tranh chấp Biển Đông



NBNTB
10-13-2010, 12:26 PM
Khéo léo trong tranh chấp Biển Đông
Ailien Tran, Nghiên cứu sinh Fulbright 2009
Gửi cho BBCVietnamese.com từ Sài Gòn


http://www.bbc.co.uk/worldservice/assets/images/2009/03/090319112625__45552694_south_china-sea_466.gif


Vấn đề Biển Đông mang tính chiến lược quốc gia vì nó là một trong những bước đầu trong công cuộc lấn chiếm thành hệ thống của Trung Quốc. Đây là một vấn nạn về quốc phòng nhưng cũng là cơ hội để củng cố quốc nội. Nó có thể trở thành chất xúc tác để đưa đến đoàn kết và bình ổn.


Sự sát cánh này sẽ giúp cho hai bên hiểu nhau hơn, đến gần nhau hơn trong công tác nghiên cứu và bàn thảo kế hoạch, và từ đó sẽ dễ dàng hơn trong những công trình hợp tác phát triển kinh tế, giáo dục và hiện đại hóa đất nước.

Nhưng ngược lại, vấn đề Biển Đông, ngoài bản chất là hiểm họa quốc phòng, còn thể là chất nổ dẫn đến sự chia rẽ và biến động trong nước. Các phe đối nghịch sẽ lợi dụng cơ hội này để cáo buộc chế độ là yếu hèn và "bán nước". Những luận điệu này sẽ trỡ nên trơ trẽn nếu chính phủ biết xử trí vấn đề Biển Đông một cách khéo léo và thích đáng. Ngược lại, chúng sẽ rất thuyết phục nếu như chính quyền cứ mãi im lìm và không có hành động rõ ràng.

Trung Quốc đương nhiên không bỏ qua cơ hội này để tiến sâu hơn và hành động mạnh mẽ hơn trong quá trình "gậm nhấm" hoặc lấn áp chúng ta. Như vậy, cùng một lúc, phải đương đầu với giặc trong lẫn giặc ngoài, chính quyền có giữ nổi không?


Vấn đề quốc tế


Biển Đông, về bản chất, là một vấn đề không của riêng Việt Nam hay của riêng các nước trong vùng mà là một vấn đề quốc tế liên quan đến nhiều cường quốc trên thế giới. Đây là điều đáng mừng cho Việt Nam vì "ngao cò tranh nhau ngư ông hưởng lợi." Thế nhưng nếu chúng ta không khéo léo tình thế sẽ trở thành "trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết." Sự khéo léo này là chiến lược sống còn của Việt Nam.

Quan hệ quốc tế rất quan trọng. Để có được đồng minh chúng ta phải có được uy tín. Cường quốc chỉ liên minh với chúng ta khi đôi bên cùng có lợi và đôi bên tin tưởng lẫn nhau. Và khi ký kết hiệp định, chúng ta phải nghĩ đến những hoàn cảnh và điều kiện để hiệp định này có "khuynh hướng tuân thủ" ngay trong bản chất. Dĩ nhiên, đây không phải là việc dễ dàng, và việc này càng trở nên khó khăn khi quyền lợi và tự hào dân tộc bị tổn thương, hoặc thù nghịch dân tộc lên đến cực độ.

Khi trường quốc tế là hệ thống "mạnh được yếu thua" và địa chính trị được khẳng định bằng quyền lực, mỗi quốc gia phải tự bảo vệ chính mình trước những đe doạ thôn tính xung quanh. Khái niệm "cân bằng quyền lực" cần phải được nhấn mạnh vì đây là chỗ bám víu của các nước yếu khi phải đối phó với sự đe dọa của nước lớn. "Cân bằng quyền lực" cũng quan trọng đối với các nước mạnh khi họ muốn bảo toàn thế lực khi đối mặt với những thế lực xung quanh, hoặc khi quốc gia này muốn giành thế mạnh để vươn lên qua mặt thế lực hiện thời. Theo lập luận này thì Trung Quốc đang muốn vươn lên thành một sức mạnh mới và Hoa Kỳ thì muốn bảo vệ quyền lực hiện có của mình. Vì vậy Hoa Kỳ sẽ phản ứng hành động của Trung Quốc. Gần đây, tàu thăm dò Impeccable chạm trán với tàu chiến của Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy sự căng thẳng tiềm ẩn trong quan hệ Mỹ - Trung. Tàu thăm dò của Mỹ đã chạm trán hải quân TQ trong quá khứ, và gần nhất là năm 2008, nhưng tại sao Mỹ không lên tiếng. Rõ ràng, sự thay đổi nhân sự trong Nhà Trắng cũng dẫn đến sự thay đổi về phương hướng hành động của quốc gia này.

Hành động của Bắc Kinh còn tùy thuộc vào công luận trong và ngoài nước. Dù Trung Quốc không phải là một nước dân chủ để người dân có thể lên tiếng một cách tự do, nhưng đất nước này cũng không thể làm ngơ công luận. Bằng chứng là nhà cầm quyền Bắc Kinh đã tìm mọi cách để phát triển kinh tế nhằm xoa dịu công luận về những bất đồng trong xã hội. Trước khi hành động đàn áp Tây Tạng, Bắc Kinh cũng tuyên truyền trên truyền hình và báo chí để được sự ủng hộ của công luận. Nhưng không chỉ có công luận trong nước là quan trọng, công luận thế giới càng quan trọng hơn vì nó gắn liền với uy tín và tiếng tăm của mỗi quốc gia. Nhất là trong khuynh hướng kinh tế toàn cầu như hiện nay, uy tín không đơn thuần là uy tín mà lợi nhuận kinh tế.

Một quốc gia thiếu uy tín hoặc mang tiếng hung hăng sẽ mất đi sự tin tưởng cần thiết trong việc hợp tác kinh tế và mất đi những sự giúp đỡ của thế giới trong trường hợp bất ngờ như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, hay suy sụp kinh tế. "Trả giá bằng uy tín" là điều mà các quốc gia phải cân nhắc trước khi hành động. Đương nhiên, Trung Quốc không thể làm ngơ cái giá phải trả một khi nước này, vì tranh chấp Biển Đông, phải mất đi nhiều mối quan hệ quốc tế, cũng như "mối làm ăn" và "tình bạn khi hoạn nạn" này. Nếu Bắc Kinh không quan tâm đến "giá cả của uy tín" thì chính họ tự cô lập mình và làm nhẹ đi cán cân quyền lực và ảnh hưởng của mình trên trường thế giới.

Quan hệ quốc tế tạo ra rất nhiều sự ràng buộc cho các quốc gia từ nhiều hướng và nhiều lý do khác nhau, và đây là điều ảnh hưởng rất lớn đến sự phân tích tình hình và phương hướng hành động của họ. Các quốc gia sẽ không biết phải làm gì khi đứng trước "ma trận" với nhiều bất trắc khó lường này, vì vậy cách tốt nhất là họ đi theo bước chân người đi trước, và "bắt chước" cách giải quyết của người đi trước trong trường hợp tương tự. Khi các quốc gia "đi chơi với nhau," họ học hỏi lẫn nhau, hay nói một cách khác, quan hệ quốc tế "dạy" các quốc gia cách giao tiếp và "ảnh hưởng" cách hành xử và quyết định hành động. Lập luận này giúp chúng ta hiểu rằng sức mạnh và họng súng không phải là cách duy nhất để giải quyết vấn đề và chúng ta có thể hy vọng có được một giải pháp hòa bình trong vấn đề Biển Đông.


Đề nghị giải pháp

1 - Định nghĩa lại và đóng khung lại vấn đề

Chúng ta thường nêu lên khẩu hiệu "Hoàng Sa và Trường Sa là của chúng ta." Khẩu hiệu này ngầm ý Hoàng Sa và Trường Sa là một vấn đề và Biển Đông không là vấn đề.

Nhưng đã đến lúc chúng ta cần hiểu rằng Hoàng Sa và Trường Sa là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau, và Biển Đông không những là vấn đề mà còn rất quan trọng. Vì vậy, chúng ta phải định nghĩa lại và đóng khung lại vấn đề. Từ một vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa trở thành ba vấn đề: (1) Biển Đông, (2) Hoàng Sa và (3) Trường Sa vì Biển Đông là vấn đề quốc tế và TQ, Hoàng Sa là giữa VN và TQ, và Trường Sa là giữa TQ và năm nước trong khu vực (VN, Mã Lai, Brunei, Phi Luật Tân và ĐL).

2- Phối hợp nhiều sách lược khác nhau

Để có được quan hệ quốc tế tốt, chúng phải có đoàn kết nội bộ tốt, cộng vào sự hỗ trợ của cơ quan công quyền quốc tế, dựa trên cơ sở công pháp quốc tế sẽ dẫn đến hy vọng của Việt Nam

3- Gìn giữ hòa bình, quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và Việt Nam

Chúng ta cần phát triển trao đổi văn hóa và hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Việt Nam và Trung Quốc. Từ ngàn năm nay, văn hóa Việt bị ảnh hưởng rất nhiều từ văn hóa Trung Quốc, nhưng chiều ảnh hưởng ngược lại thì dường như không có. Điều này rất bất lợi cho Việt Nam vì theo lập luận của chủ nghĩa tự do, công luận trong và ngoài nước có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định và hành động của các quốc gia. Khi hai dân tộc không hiểu nhau, sự thù nghịch càng trở nên gay gắt. Và sự lấn áp về quân sự của Bắc Kinh càng được công luận ủng hộ.

Bất cứ một hành động quân sự nào, thắng hay bại, cũng đều tạo ra mất mát về con người và của cải, nên người dân thường không ủng hộ chiến tranh. Nhưng nếu sự thù nghịch dân tộc lên đến đỉnh điểm, người ta sẽ không ngại mất mát và ủng hộ đến cùng. Vì vậy chúng ta phải cố gắng tạo ra sự thông cảm về văn hóa để tạo một công luận thân thiện với Việt Nam và giảm thiểu sự thù nghịch giữa Hán tộc và Việt tộc.

Việc trao đổi văn hóa theo chiều Việt Nam sang Trung Quốc khó xảy ra trong thời phong kiến vì Trung Quốc coi thường Việt Nam là nhược tiểu. Nhưng ngày nay, khoa học hiện đại không phân biệt nước lớn hay nhỏ mà là sở học của mỗi học giả tham gia hội thảo. Tinh thần nghiên cứu khoa học không còn phụ thuộc vào dân tộc mà tính trung thực và chất lượng nghiên cứu. Vẫn có nhiều khoa học gia Trung Quốc tôn trọng sự trung thực, và đây chính là đối tượng chúng ta cần tìm và cùng tham khảo khoa học một cách chân thành. Tinh thần khoa học sẽ là chiếc cầu nối cho học giả hai bên cùng nhau trao đổi, học hỏi, và kết tình thân hữu. Đây là chất xúc tác cho một mối quan hệ thật sự tốt đẹp và lành mạnh giữa hai dân tộc Việt và Hán.

4- Gìn giữ hòa bình và quan hệ tốt đẹp với quốc tế

Chúng ta phải gìn giữ hòa bình và quan hệ tốt đẹp với bốn nước tranh chấp để không đơn thân độc mã đối diện với Trung Quốc. Khi chúng ta nói "Trường Sa là của Việt Nam," lập tức chúng ta tự cô lập mình và đẩy Malaysia, Philippines, Brunei, và Đài Loan về phía Trung Quốc vì chắc chắn bốn nước này không đồng ý tất cả Trường Sa là của Việt Nam.

Tương tự như vậy, ASEAN cũng sẽ không ủng hộ Việt Nam, nếu chúng ta cứ khư khư dành tất cả Trường Sa về phần mình. Khối ASEAN rất quan ngại việc Biển Đông lọt vào tay Trung Quốc vì đây là "ao nhà" và "bến đò" của họ để đi lại và buôn bán. Thế nên chúng ta phải dựa vào sự quan ngại này để sát cánh cùng ASEAN.

Thêm vào đó Biển Đông cũng là nơi mà quyền lợi của Mỹ, Nhật và Nam Hàn bị ảnh hưởng trực tiếp, do đó chúng ta phải có quan hệ tốt đẹp với những cường quốc này. Khi họ phản ứng hành động của Trung Quốc để bảo vệ cho quyền lợi của họ, chúng ta cũng được phần lợi trong đó.

Cuối cùng, sự gắn bó không thể thiếu giữa Campuchia, Lào và Việt Nam cần phải luôn luôn giữ gìn. Trung Quốc luôn tranh giành ảnh hưởng với hai nước này nên chúng ta không thể sao lãng. Campuchia và Lào là "hàng xóm mà cũng như vườn nhà", nếu không xanh tươi thì nhà của chúng ta sẽ không thoáng mát. Bắc Kinh mà khống chế hai nước này hoặc Biển Đông thì chúng ta không thể nào giữ yên bờ cõi được nữa. Mở rộng quan hệ với Campuchia và Lào để phát triển về kinh tế vì đây là thị trường cho Việt Nam. Bên cạnh đó, hai quốc gia này có nền văn hóa rất lâu đời và phong phú, nên sự giao thoa văn hóa với họ sẽ giúp làm giảm ảnh hưởng nặng nề từ sự xâm nhập của văn hóa Hán vào Việt Nam.

Để kết luận, tôi xin nhắc đến câu đồng giao của ông bà ta truyền lại "Nực cười châu chấu đá xe, tưởng rằng chấu ngã ai ngờ xe nghiêng" và người Hán cũng có câu "Mãnh hổ nan địch quần hồ".

Và xin nhớ rằng sức mạnh công phá dữ dội nhất của vủ khí hiện đại nằm trong phần tử bé nhỏ nhất, đó là hạt nguyên tử. Việt Nam sẽ dựa được sức mạnh của "quần hồ" và sẽ tìm được sức mạnh "nguyên tử" này. Vấn đề là Việt Nam có quyết chí hay không?


Tác giả xin cảm ơn Tiến sỹ Nguyễn Nhã, Hoàng Việt, và Tôny Lê đã góp ý cho bài này.

Về tác giả:Cô Ailien Tran tốt nghiệp đại học ngành Chính trị học của Đại học California, Berkeley, và hiện là Nghiên cứu sinh chương trình Fulbright niên khóa 2008-09.


BBC - Vietnamese

NBNTB
10-13-2010, 12:48 PM
Khi chúng ta nói "Trường Sa là của Việt Nam," ta tự cô lập mình và đẩy Malaysia, Philippines, Brunei, và Đài Loan về phía Trung Quốc.

Tinh thần ái quốc mù quáng của một số người VN hải ngoại thiển cận dành ăn một mình cả chiếc bánh Biển Đông đã vô tình phá hoại cái thế liên minh của nước nhỏ để chống lại sự tham lam ngu xuẩn của nước lớn.

China càng muốn biến Biển Đông thành cái ao cá của riêng họ thì VN lại càng phải nêu cao cái chính nghĩa Biển Đông là tài sản chung của tất cả các nước liên hệ có chủ quyền về cái phần bánh của mình.

Với cái chính trị khôn ngoan như vậy thì China có mạnh và hùng hổ đến đâu chăng nữa cũng phải chịu thua cái trí thông minh siêu việt của dòng giống VN chúng ta mà thôi.

:hello::bigbaby:

NBNTB
10-17-2010, 02:25 PM
Xung đột và hợp tác Việt - Trung trên biển
GS. Châu Khắc Uyên
Viết riêng cho BBCVietnamese.com từ ĐH Central Lancashire


Vấn đề biên giới rất nhạy cảm trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc và ngay chính cuộc chiến 1979 đã bắt đầu bằng nhiều va chạm vũ trang dọc đường biên giới.


Vì thế hai phía xem biên giới là ưu tiên hàng đầu trong nghị trình giải quyết tranh chấp sau khi bình thường hóa quan hệ đầu thập niên 1990.

Hợp tác

Trung Quốc và Việt Nam cuối cùng cũng đạt được thỏa thuận về quy định phạm vi biên giới trên bộ năm 1999 và vào cuối năm 2008, hai phía hoàn tất việc phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền.

Các vấn đề liên quan biên giới biển khó giải quyết hơn. Một mặt, hai nước đã ký thỏa thuận quy định biên giới biển, đặc khu kinh tế và thềm lục địa ở Vịnh Bắc Bộ năm 2000. Hai bên cũng ký hiệp định hợp tác nghề cá ở vịnh này.

Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ là thỏa thuận đầu tiên dạng này mà Trung Quốc đồng ý với một nước láng giềng và có thể là hình mẫu tốt cho Trung Quốc để giải quyết vấn đề biên giới biển với các nước. Đối với Việt Nam, hiệp định cũng được xem là mang tính chi tiết nhất từ trước tới nay, cho dù nó là hiệp định thứ hai trong số ba thỏa thuận Việt Nam đã ký với các nước láng giềng.

Bằng các thỏa thuận trên, Trung Quốc và Việt Nam đã mở ra thời đại mới về hợp tác trên biển trong mối quan hệ song phương. Hai nước cũng ký thỏa thuận khung về hợp tác khai thác dầu và khí đốt ở Vịnh Bắc Bộ trong tương lai.

Mặt khác, tranh chấp biển nổi bật nhất là tại Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), quanh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hai nước dự tính phân định ranh giới ở ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, nhưng do tranh chấp về Hoàng Sa, đã không có tiến bộ nào.

Tranh chấp

Tranh chấp về quần đảo Trường Sa còn phức tạp hơn, không chỉ dính líu Trung Quốc, Việt Nam, mà cả các nước Đông Nam Á như Brunei, Malaysia và Philippines. Một Tuyên bố chung về Ứng xử giữa các bên được ký bởi Trung Quốc và 10 thành viên ASEAN năm 2002. Theo tuyên bố này, các bên đồng ý giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hay sử dụng vũ lực, thông qua đàm phán theo các nguyên tắc được luật quốc tế công nhận.


http://www.bbc.co.uk/worldservice/assets/images/2009/03/090318103450_spratlys.jpg
Sáu nước cùng đang tranh chấp chủ quyền ở Trường Sa

Theo sau Tuyên bố 2002, Trung Quốc, Philippines và Việt Nam, thông qua các công ty dầu khí nhà nước, ký thỏa thuận ba bên về hoạt động khai thác địa chấn ở Biển Đông tháng Ba 2005.

Nhưng thỏa thuận chỉ hạn chế ở việc thu thập dữ liệu địa chấn và có những trở ngại khi thực hiện do các quyền lợi riêng của các bên và sự nghi ngờ lẫn nhau.

Các bên đòi chủ quyền Trường Sa cũng vẫn tiến hành các hoạt động đơn phương, làm các phe khác phản đối. Tháng 12.2007, các vụ biểu tình chống Trung Quốc diễn ra ở Hà Nội và TP. HCM dò hoạt động đơn phương của Trung Quốc.

Quan hệ Việt - Trung thường được nói là mang tính chất "vừa yêu vừa ghét", nhưng lịch sử cho thấy nền tảng sâu sắc của sự hợp tác song phương khi xét về sự tương đồng trong văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống, cơ cấu xã hội...

Vì lẽ đó, hai bên sẽ không dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Hai nước đã đạt đồng thuận để giải tỏa tranh chấp theo nguyên tắc quốc tế bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển.

Trung Quốc và Việt Nam đã thiết lập cơ chế hợp tác về biển nhằm tìm giải pháp lâu dài mà cả hai có thể chấp nhận. Hai nước đã đồng ý duy trì ổn định ở Biển Đông và thảo luận một mô hình cùng khai thác tại đó.

Có thể nói hai phía sẽ tiếp tục nhiều hoạt động hợp tác ở những khu vực ít nhạy cảm hơn như tài nguyên đánh cá, khai thác dầu và khí đốt, bảo vệ môi trường biển, vân vân.

Nhưng còn trong tranh chấp về Hoàng Sa, Trường Sa, không có dấu hiệu nào chứng tỏ Trung Quốc và Việt Nam có thể đạt giải pháp trong những năm tới.

Như vậy, mặc dù hợp tác biển có thể củng cố tình hữu nghị giữa hai nước, nhưng xung đột về quyền lợi biển, đặc biệt về chủ quyền các đảo, sẽ thỉnh thoảng lại làm rạn nứt sự phát triển của quan hệ song phương Việt - Trung.


BBC Vietnamese

Về tác giả: Tiến sĩ Châu Khắc Uyên (Keyuan Zou) là giáo sư Luật Quốc tế tại Trường Luật Lancashire, Đại học Central Lancashire, Anh quốc. Trong số các sách gần đây của ông có Chinas Legal Reform: Towards the Rule of Law (Leiden/Boston: Martinus Nijhoff, 2006) và Chinas Marine Legal System and the Law of the Sea (Leiden/Boston: Martinus Nijhoff, 2005).