PDA

View Full Version : Những nét trữ tình trong ca dao



giavui
01-25-2014, 08:25 PM
Những nét trữ tình trong ca dao

Tác Giả: Võ Thị Điềm Đạm


Đây là phần phong phú nhất trong nền thi ca nhân gian Việt Nam. Chính những bài hát ca dao trữ tình này đã làm tài liệu cho những cuộc hát trống quân, hát quan họ


Tình cảm trong ca dao là những đóa hoa hương sắc muôn màu, tô điểm cho đời sống dẫu cho nỗi lòng mang đầy những giọt nước mắt sót xa, những nhớ nhung giận hờn, những háo hức vui mừng… nhưng đôi khi cũng làm dịu bớt cái khắc khe đen tối trong đời sống người dân dã.

Như nhà biên khảo văn học Minh Hương đã viết trong bộ sách Tìm Về Nguồn Cội: ”Trên địa hạt ca dao, nếu đi sâu vào việc nghiên cứu, chúng ta có thể gặt hái được nhiều thỏa mãn kỳ thú bất ngờ vì tình cảm thể hiện trong tục ngữ ca dao không quá đơn giản, thô kệch như xưa nay có người lầm tưởng mà thực ra thì rất sinh động về hình thức và rất ý nhị bổ ích về nội dung.”


http://www.vietfreefun.com/extras/upload/images/1390681465_canhdep3g.jpg

Qua ca dao, ta ta khám phá được những kỳ thú bất ngờ, ý nhị, lãng mạng… đôi khi khá táo bạo. Những nếp tình, những nét cảm của người dân dã không chỉ thu hẹp trong phạm vi thất tình (mừng, giận, thương, ghét, buồn, sợ, muốn), mà những nếp tình nét cảm ấy được thể hiện qua:
- Hương thơm dìu dịu thoang thoảng, đủ các hương vị để diễn tả sự trong trắng trinh nguyên, lòng chung tình chung thủy và nếp tình thâm trầm sâu sắc cũng như phong tư đạo đức.
- Tình cảm cũng thường được lồng trong không gian và thời gian, gắn bó với thời thế.
- Cái ngộ nghĩnh của ca dao là tình cảm cũng được cụ thể hóa qua loài vật, cây cỏ và cả những vật vô tri vô giác.

Những luống tình, những gợi cảm ấy nẩy nở một cách phong phú, đa dạng:
- Đôi lúc thật đơn sơ, ngây ngô bình dị, thật hơn thành.
- Đôi lúc diễn tả thật sâu sắc nổi ước mơ của người nam, của người nữ.
- Để rồi mang lòng nhớ mong, phải ôm niềm đau sót sầu khổ
- Để rồi canh cánh lo âu vì gia cảnh không tương xứng, vì tương lai mờ mịt, vì cái phong kiến bất công…
- Để rồi đành than thở thương thân trách phận hay trách móc, giận hờn, và cũng không thiếu lòng ghen ghét thường tình.

Anh nói em cũng nghe anh,
Bát cơm đã trót chan canh mất rồi.
Nuốt đi đắng lắm anh ơi,
Bỏ ra thì để tội trời ai mang.

Anh về, em nắm cổ tay,
Em dặn câu này, anh chớ có quên.
Đôi ta đã trót thề nguyền,
Chớ xa xôi mặt mà quên tấm lòng.

Ăn chanh, ngồi gốc cây chanh
Khuyên cội, khuyên cành, khuyên lá, khuyên lung.
Khuyên cho đấy vợ, đây chồng,
Đấy bế con gái, đây bồng con trai.

Ắy ai đắt mối tơ mành,
Cho thuyền quen bến, cho anh quen nàng.

Tơ tằm đã vấn thì vương,
Đã trót dan díu thì thương nhau cùng.

Bươm bướm mà đậu cành hồng,
Đã bế con chị, lại bồng con em.

Bây giờ mận mới hỏi đào:
Vườn hồng, đã có ai vào hay chưa?
Mận hỏi thì đào xin thưa:
Vườn hồng có lối, nhưng chưa ai vào.

Bướm già thì bướm có râu,
Thấy bông hoa nọ, cuối đầu bướm châm.
Bướm châm nhưng bướm lại nhầm,
Có bông hoa nọ, ong châm mất rồi!

Bạc sao bạc, chẳng vừa thôi,
Để cho nước chảy, hoa trôi lở làng.

Tin sang, chẳng thấy người sang,
Hẹn ba, bốn hẹn, lòng càng xót xa
Đoạn tràng phải bước chân ra,
Gió xuân hiu hắc, sương sa lạnh lùng.

Cách nhau một bức rào thưa,
Tay chùi nước mắt, tay đưa miếng trầu.

Cây đa lá rụng sân đình,
Bao nhiêu lá rụng, thương mình bấy nhiêu.

Có chồng, em nói rằng chưa
Tội riêng em chịu, chẳng lừa nổi anh.

Có trầu, có vỏ, có vôi
Có chăn, có chiếu, không người nằm chung!

Con đò đậu gốc cây đa,
Cây đa bến cũ chẳng xa con đò!

Còn duyên, đóng cửa kén tằm,
Hết duyên, ngồi dưới gốc hồng, nhặt hoa.

Còn duyên kẻ dón, người đua
Hết duyên, đi sớm, về trưa mặc lòng.

Con chim nho nhỏ,
Cái lông nó đỏ,
Cái mỏ nó vàng,
Nó kêu người ở trong làng,
Đừng tham là lụa, phụ phàng vải thưa.

Cầu này, cầu ái, cầu ân
Một trăm con gái rửa chân cầu này!
Có rửa thì rửa chân tay,
Chớ rửa lông mày, chết cá ao anh.

Có yêu thì nói rằng yêu,
Chẳng yêu thì nói một điều cho xong!
Làm chi dở đụ, dở trong
Lờ lờ bến nước cho lòng tương tư.

Còn đêm nay nữa, anh đi,
Lượng vàng không tiếc, tiếc khi ngồi kề.
Còn đêm nay nữa, mai về
Lạng vàng không tiếc, tiếc kề môi son.

Cô kia cắt cỏ bên sông,
Có muốn ăn nhãn, thì lồng sang đây.
Sang đây, anh nắm cổ tay,
Anh hỏi câu này: có lấy anh không?

Cô kia cắt cỏ một mình,
Cho anh cắt với, chung tình làm đôi.
Cô còn cắt nữa hay thôi?
Cho anh vắt với, làm đôi vợ chồng.

Cô kia khăn trắng tang ai?
Nhất tang cha mẹ, thứ hai tang chồng.
Tang chồng thì vứt khăn đi,
Tang cha, tang mẹ, ta thì tang chung.

Có thương thì thuơng cho chắc,
Còn trục trặc thì trục trặc cho luôn!
Đừng như con thỏ đầu truông,
Khi vui giỡn bóg, khi buồn giỡn trăng.

Cầu Tràng Tiền, sáu vầy mười hai nhịp,
Anh qua không kịp, tội lắm em ơi!
Bấy lâu ni, chịu tiếng, mang lời
Dẫu có xa nhau đi nữa, cũng bởi ông trời mà ra.

Cô thương nhớ ai, ngơ ngẩn đầu cầu?
Lược thưa biếng chải, gương tàu biếng soi.
Sập đá hoa, bỏ vắng chẳng ai ngồi!
Buồng hương lạnh lẽo để cho người quay tơ!
Cô thương nhớ ai ra ngẩn, vào ngơ?
Đêm quên giấc ngủ, ngày mơ trận cười.
Đêm năm canh, ngày sáu khắc chàng ơi!
Chàng cười nửa miệng, thiếp tôi nửa lòng.

Cái quạt mười tám cái nan,
Ở giữa phất giấy, hai nan hai đầu
Quạt này anh để che đầu,
Đêm đi ngủ, chung nhau quạt này.
Ước gì chung mẹ chung thầy,
Để em giữ lấy quạt này làm thân.
Rồi ta chung gối chung chăn,
Chung quần, chung áo, chung khăn đội đầu.
Nằm thời chung cái giường tàu,
Dậy thời chung cái hộp trầu, ống vôi.
Ăn cơm chung cả một nồi,
Gội đầu, chung cả dầu hồi, nước hoa.
Chải đầu chung cái lược ngà,
Soi gương, chung cả ngành hoa dắt đầu.

Canh một thơ thẩn vào ra,
Chờ trăng, trăng xế, chờ hoa, hoa tàn.
Canh hai thắp ngọn đèn loan,
Chờ người quân tử, thở than đôi lời.
Canh ba, đang nói đang cười,
Còn hai canh nữa, mỗi người mỗi phương.
Canh tư ghi chép lời nguyền,
Khứ lai minh bạch cho truyền thủy chung.
Canh năm, cờ phất, trống rung,
Tiếng gà giục giã, ta cùng chia tay

Cầm lược thì nhớ đến gương,
Nằm chăn nhớ chiếu, nằm giường nhớ nhau.

Con chim buồn, con chim bay về cội,
Con cá buồn, con cá lội trong sông.
Em buồn, em đứng em trông,
Ngõ thì thấy ngõ, người không thấy người!

Chàng về để áo lại đây,
Phòng khi em nhớ, cầm tay đỡ buồn.

Chàng về để thiếp xin đưa,
Xin trời lại nắng, đừng mưa trơn đường.

Chẳng chè, chẳng chén , sao say?
Chẳng thương, chẳng nhớ, sao hay đi tìm.

Chẳng nên tình trước nghĩa sau,
Có con ta gả cho nhau thiệt gì.

Chim quyên ăn trái nhãn lồng,
Thia lia quen chậu, vợ vhồng quen hơi.
Chim quyên xuống núi tha mồi,
Thấy em lao khổ, anh ngồi sao yên.

Chiều nay có kẻ thất tình,
Tựa mai, mai ngã, tựa đình, đình xiêu.

Chớ chê em xấu, em đen,
Em như nước đục, đánh phèn lại trong.

Chim buồn, chim bay về núi,
Cá buồn, cá chúi xuống sông.
Người buồn, ra ngõ đứng trông.
Ngõ thì thấy ngõ, người không thấy người.

Chim xa bầy, thương cây nhớ cội,
Người xa người, tội lắm! người ơi!

Chẳng thà không biết thì thôi,
Biết nhau rồi mỗi đứa một nơi sao đành.

Chim xanh ăn trái xoài xanh,
Ăn no tắm mát, đậu cành cây đa.

Cực lòng em phải nói ra,
Chờ trăng xế, chờ hoa, hoa tàn.

Chiều nay trước bến Vân Lâu,
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm?
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông?
Thuyền ai thấp thoáng bên sông,
Đưa câu mái đẩy, chạch lòng núi non!

Chén tình là chén say sưa,
Nón tình em đội nắng mưa trên đầu.
Lược tình em chải trên đầu,
Gương tìng soi mặt là làu sáng trong.

Ngồi buồn nghĩ đến hình dong,
Con dao lá trúc cắt lòng đôi ta.

Duyên đôi ta, thề nguyền từ trước,
Biết bao giờ ta được cùng nhau?

Tương tư mắc phải mối sầu,
Em đây vẫn giữ một màu đợi anh.

Dao vàng, dọc lá trầu vàng,
Mắt anh, anh liếc, mắt nàng, nàng đưa.

Dế kêu cho giải cơn sầu,
Mấy lời em nói, bạc đầu không quên.

Duyên kia ai đợi mà chờ,
Tình kia ai tưởng mà tơ tưởng tình.

Dù ai cho bạc cho vàng,
Chẳng bằng trông thấy mặt chàng hôm nay.
Dù ai cho nhẫn đeo tay,
Chẳng bằng trông thấy mặt ngay bây giờ.

Đêm qua, nằm dưới bóng trăng,
Thương cha, nhớ mẹ, không bằng nhớ em.

Đêm nằm lưng chảng tới giường
Mong cho mau sáng , ra đường gặp em.

Đêm qua ra đứng bờ ao,
Trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờ.
Buồn trông con nhện giăng tơ,
Nhện ơi! Nhện Hỡi! Nhện chờ mối ai?
Buồn trông chênh chếch sao mai,
Sao ơi! Sao hỡi! Nhớ ai sao mờ?

Đêm đêm tưởng dải Ngân Hà,
Mối sầu tính đã đâu ba năm tròn.
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn,
Tào khê nước chảy vẫn còn trơ trơ.

Đi đâu để nhện giăng mùng,
Để đôi chiếu lạnh, để phòng quạnh hiu.

Đi qua thấy búp hoa đào,
Muốn vào mà bẻ, sợ rào lắm gai.

Đi ngang thấy ngọn đèn chong,
Thấy em nho nhỏ, muốn bồng mà ru…

Đi ngang nhà má,
Cái tay tôi xá,
Cái cẳng tôi quỳ,
Lòng thương con má, xá gì thân tôi!

Đôi ta như rắn liu điu
Nước hảy mặc nước, ta dìu lấy nhau.

Đôi ta như vợ với chồng,
Chỉ hiềm một nỗi tơ hồng chưa se!

Đôi ta thương mãi nhớ lâu,
Như sông nhớ nuớc, như dâu nhớ tằm.

Đường dài, ngựa chạy biệt tăm,
Người thương có nghĩa, trăm năm cũng về.

Đấy vàng đây cũng đồng đen,
Đấy hoa thiên lý, đây sen nhị hồ.
Đấy em như tượng mới tô,
Đây anh như người ngọc họa đồ trong tranh.

Đêm qua anh nằm nhà ngoài,
Thấy em thờ ngắn than dài nhà trong.
Ước gì anh được vô phòng,
Loan ôm lấy phượng, phượng bồng lấy loan.

Đôi ta là nợ là tình,
Là duyên, là kiếp, đôi mình kết giao.

Em như hoa mận, hoa đào,
Cái gì là nghĩa tương giao hởi nàng?

Đôi ta như thể con tằm,
Cùng ăn một lá, cùng nằm một nong.
Đôi ta như thể con ong,
Con quấn, con quít, con trong, con ngoài.

Đèn nào cao cho bằng đèn ông Chánh,
Bánh nào trắng cho bằng bánh bò bông
Anh thương em từ thủa má hồng
Bây giờ khôn lớn, em lây chồng, em bỏ anh.

Đêm đêm khêu ngọn đèn loan,
Nhớ chàng nên đã thở than mấy lời!
Mong chàng, chẳng thấy , chàng ơi!
Thiếp tôi trằn trọc, vội dời chân ra.

Nhác trông lên , trăng đã xế tà,
Đêm hôm khuya khoắt, con gà đã gáy sang canh!
Mong anh mà chảng thấy anh,
Thiếp tôi buồn bả, khêu quanh ngọn đèn mờ…

Đêm qua, đêm lạnh,đêm lùng,
Đêm đắp áo ngắn, đêm chung áo dài
Bây giờ chàng đã nghe ai,
Áo ngắn chẳng đắp, áo dài không chung!

Đêm sao đêm lạnh, đêm lùng,
Giấm thanh đở biển, mấy thùng cho chua?

Cá lên mặt nước, cá khô,
Vì chàng em phải giang hồ tiếng tăm!

Đồng tiền Vạn Lịch, thích bốn chữ vàng.
Anh tiếc công anh gắn bó với nàng bấy lâu!
Bây giờ nàng lấy chồng đâu
Để anh giúp đỡ trăm cau, nghìn vàng.

Trăm cau, anh để cúng nàng,
Nghìn vàng, anh đốt giải oan lời thề.

Xưa kia, nói nói, thề thề,
Bây giờ bẻ khóa, trao chìa cho ai?
Bây giờ nàng đã nghe ai,
Gặp anh, ghé nón, chạm vai chẳng chào!

Đêm qua trời sáng trăng rằm,
Anh đi qua cử, em nằm không yên.

Mê anh chẳng phải mê tiền,
Thấy anh lịch sự, có duyên dịu dàng.
Thấy anh, em những mơ màng,
Tưởng rằng đây đấy, phượng hoàng kết đôi.
Thấy anh, chưa kịp ngỏ lời,
Ai ngờ anh đã vội dời gót loan.

Thiếp tôi mê mẫn canh tàn,
Chiêm bao như thấy anh chàng ngồi bên…
Tỉnh ra, lẳng lặng, yên nhiên,
Tương tư, phát bệnh, liên miên cả ngày.
Rõ ràng duyên nợ đó đây,
Xin chàng hãy lại chơi đây chút nào!

Đêm khuya gió lọt thấu xương,
Chàng về để thiếp những thương những sầu!

Đứt tay một chút chẳng đau,
Xa em một chút như dao cắt lòng.

Em ơi! Anh bảo em này,
Sông sau chớ lội, đò đầy chớ đi…

Em về, anh mượn khăn tay,
Gói câu tình nghĩa, lâu ngày sợ quên!

Em thương nhớ ai vơ vẩn bên đầu cầu?
Lược thưa biếng chải, gương tàu biếng soi.

Cái xập đá hoa bỏ vắng em không ngồi,
Vườn hoa cũng bỏ vắng, mặc cho người quay tơ.

Em thương nhớ ai, ra ngẩn vào ngơ,
Đêm đêm giấc ngủ, ngày mơ trận cười…

Bấy lâu nay gắn bó xa vời!
Gần chùa chả được ăn xôi,
Gần nàng, chả được sánh đôi cùng nàng!
Gần thì chả hợp duyên cho,
Xa xôi, cách mấy lần đò cũng theo!

Gió đâu thổi mát sau lưng,
Dạ sao lại nhớ người dưng vô cùng.

Gió bấc lạng lùng, mưa tung lá hẹ,
Cảm thương nàng, có mẹ không cha.

Gió đưa cây cải về trời,
Rau răm ở lại, chịu lời đắng cay!

Gió sao gió mát sau lưng?
Bụng sao bụng nhớ người dưng thế này?

Gió đánh đò đưa, gió đập đò đưa,
Sao cô mình lơ lửng, lửng lơ mà chưa có chồng?
Gió đánh cành hồng, gió đập cành hồng,
Hỏi cô mình, nay đã muốn lấy chồng hay chưa?

Gió đánh cành tre, gió đập cành tre,
Chiếc thuyền anh vẫn le le đợi nàng.
Gió đánh cành bàng, gió đập cành bàng,
Dừng chèo anh hát, cô nàng hãy nghe!

Hoa tàn bướm chẳng vãng lai,
Tình thương đã phụ, trúc mai kể gì?

Hoa thơm, ai nỡ nặng lời,
Người khôn, ai nỡ nặng lời với ai?

Hoa thơm, thơm nức cả rừng,
Ong chưa dám đậu, bướm đừng xôn xao!

Hai ta đang nối dây dài,
Ai cầm dao sắc, cắt hai dây lìa?

Hỡi anh đi đường cái quan,
Dừng chân đứng lại, em than vài lời:
Đi đâu vội mấy anh ơi!
Công việc đã có chị tôi ở nhà!

Hỡi anh đi đường cái quan,
Dừng chân đứng lại, em than vài lời:
Đi đâu vội mấy anh ơi!
Cái quần, cái áo, như người nhà ta.
Cái ô, em để trong nhà,
Khen ai mở khóa, đua ra cho chàng.

Hỡi cô thắt dãi lưng xanh,
Ngày ngày, thấp thoáng bên mành đợi ai?

Ngoài đường, xe ngựa ngược, xuôi,
Bụi hồng mờ mịt, ai người mắt xanh?

Hỡi cô áo trắng loà lòa,
Sao cô không bảo mẹ già nhuộm thâm?
Ước gì anh được ở gần,
Để anh nhuộm hộ, thấm nhuần công anh!

Hôm xưa, anh đến chơi nhà,
Thấy mẹ nằm võng, thấy cha nằm giường,
Thấy em nằm đất, anh thương,
Vội ra kẻ chợ, đóng giường tám thang.
Bốn góc thì anh thếp vàng,
Bốn chân thếp bạc, tám chân chạm rồng.
Bây giờ phải bỏ giường không,
Em đi lấy chồng, phí cả công anh.

Hỡi cô gánh nước quang mây!
Cho anh một gáo, tưới dây tơ hồng.
Dây tơ hồng không trồng mà mọc,
Rễ tơ hồng, rễ dọc, rễ ngang.

Từ ngày anh gặp mặt nàng,
Lòng càng ngao ngán, dạ càng ngẩn ngơ.

Hôm qua, tát nước đầu đình,
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen,
Em được thì cho anh xin,
Hay là em để làm tin trong nhà.
Áo anh sứt chỉ đường tà,
Vợ anh chưa cưới, mẹ già chưa khâu,
Áo anh sứt chỉ đã lâu,
Mai mượn cô ấy vào khâu cho cùng.
Khâu rồi, anh sẽ trả công,
Đến khi lấy chồng, anh sẽ giúp cho.
Giúp em một thúng xôi vò,
Một con lợn béo, một vò rượu tăm,
Giúp em đôi chiếu em nằm,
Đôi chăn, em đắp, đôi trằm em đeo.
Giúp em quan tám tiền cheo,
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau.

Khi say một chén cũng say,
Khi nên tình nghĩa, một ngày cũng nên.

Khi xưa ai biết ai đâu,
Chỉ vì điếu thuốc, miếng trầu, nên quen.

Khoan khoan, buông áo em ra!
Để em đi bán , kẻo hoa em tàn…
Hoa tàn thì mặc hoa tàn,
Mấy thuở gặp nàng, mà bảo buông ra!

Khăn thương nhớ ai, khăn rơi xuống đất?
Khăn thương nhớ ai, khăn vắt trên vai?
Khăn thương nhớ ai, khăn chùi nước mắt?
Đèn thương nhớ ai, mà đèn không tắt?
Mắt thương nhớ ai, mắt ngủ không yên?

Đêm qua, em những lo phiền,
Lo vì một nổi chưa yên bề nào.

Lạ lùng, anh mới tới đây,
Thấy hoa liền hái, biết cây ai trồng?

Lạy trời! Mưa thuận gió đều,
Cho đồng tốt lúa, cho chiều lòng em.

Lênh đênh một chiếc thuyền tình,
Mười hai bến nước, gửi mình vào đâu?

Lá này gọi lá soan đào,
Tương tư, gọi nó thế nào, hở em?

Lá khoai, anh ngỡ lá sen,
Bóng trăng, anh ngỡ bóng đén, anh khêu.

Một ngày hai bữa cơm đèn,
Còn gì má phấn, răng đen hở chàng?

Một ngày mấy lượt trèo non,
Lấy gì làm đẹp, làm giòn hỡi anh?

Một cành dâu, năm bảy cành dâu,
Bên tài, bên sắc lấy nhau cũng vừa.
Một chờ, hai đợi, ba trông,
Bốn thương, năm nhớ, bảy, tám, chín mong, mười tìm!

Mình về, ta nhớ mình chăng?
Ta về, ta nhớ hàm răng mình cười.

Một vũng nước trong, mười giòng nước đục,
Một trăm người tục, một chục người thanh,

Biết ai gan ruột như mình?
Mua tơ thêu lấy tương Bình Nguyên Quân?

Mình về ta chẳng cho về,
Ta nắm lấy áo, ta đề bài thơ,
Bài thơ ba chữ rành rành,
Chữ “trung”, chữ “hiếu”, chữ “tình” là ba.

Một đàn cò trắng bay quanh,
Cho loan nhớ phượng, cho mình nhớ ta.

Mình nhớ ta như cà nhớ muối,
Ta nhớ mình như cuội nhớ trăng.
Mình về, mình nhớ ta chăng?
Một lo đứng cửa trông ra,
Hai lo đi lấy chồng xa, nước người.
Ba lo sợ chị em cười,
Bốn lo đi ngược, về xuôi, sao đành!
Năm lo lúc tử,lúc sinh,
Sáu lo thân gái một mình đường xa!
Bảy lo nhớ cửa nhớ nhà,
Tám lo còn chút mẹ già, ai nuôi?
Chín lo thua kém mọi người,
Mười lo kiếm mối, tìm nơi đi về…

Một thương tóc bỏ đuôi gà,
Hai thương ăn nói mặn mà, có duyên.
Ba thương má lún đồng tiền,
Bốn thương răng nhánh, hạt huyền kém thua.
Năm thương cổ yếm đeo bùa,
Sáu thương nón Nghệ, quai tua dịu dàng.
Bảy thương nết ở khôn ngoan,
Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh.
Chín thương cô ở một mình,
Mười thương con mắt có tình với ai?

Nửa về, nửa muốn ở đây,
Về thì nhớ bạn, ở đây nhớ nhà.

Nước trong, ai chẳng rửa chân?
Cái má trắng ngần, ai chẳng muốn hôn?
Nước trong, múc lấy một xanh,
Hoa thơm, bẻ lấy một cành cầm tay.

Non non, nước nước khơi chừng,
Ái ân đôi chữ, xin đừng có quên!
Tình sâu, mong trả, nghĩa đền,
Đừng vui chốn khác mà quên chốn này!

Nước vơi rồi nước lại đầy,
Tình kia chưa trả, nghĩa này chớ quên!

Ngày nào em nói em thương,
Như trầm mà để trong gương, chắc rồi.
Bây giờ khóa rớt, chìa rơi,
Rương long, nấp vỡ, bay hơi mùi trầm.

Ngó lên mây bạc trời hồng,
Thương em, hỏi thiệt, có chồng hay chưa?

Ngọn gió đâm ngang nên chàng xa thiếp,
Duyên nợ tự trời, ai quyết xa ai?

Ngồi trong cửa sổ trạm rồng,
Chăn loan, gối phượng, không chồng cũng hư!

Có chồng, kẻ đón, người đưa,
Không chồng, đi sớm, về trưa, mặc lòng!

Ngỡ rằng nước chảy đá mòn,
Nào hay: Nước chảy, đá còn trơ trơ.
Chờ cho nước cạn phơi bờ,
Xem con người ấy nương nhờ vào đâu?

Người về, tôi đứng tôi trông,
Ước gì tôi được khăn hồng trao tay.
Ước gì người ở dưới này,
Tôi về trên ấy như cây có cành.

Nhớ ai, nhớ mãi thế này,
Nhớ đêm quên ngủ, nhớ ngày quên ăn.
Nhớ khi gánh nặng, anh chờ,
Qua cầu, anh đợi, bây giờ em quên!

Nhớ ai con mắt lim nhim,
Chân đi thất thểu như chim tha nồi,
Nhớ ai hết đứng lại ngồi,
Ngày đêm tơ tưởng một người tình nhân.

Nhớ chàng như nhớ bút nghiên,
Như chim nhớ tổ, như thuyền nhớ sông.

Nhớ chàng như vợ nhớ chồng,
Như mực nhớ giấy, như rồng nhớ mây…

Nhớ ai, em những khóc thầm,
Hai hàng nước mắt đầm đầm như mưa.

Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ,
Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai?

Phải chi miếu ở gần sông,
Em thề một tiếng, kẻo lòng anh nghi!

Phụ đây, đây chẳng có lo,
Cầu gẫy còn đò, giếng cạn còn sông.

Qua cầu, ghé nón trông cầu,
Cầu bao nhiêu nhịp, dạ sầu bấy nhiêu!

Qua đình, ngả nón trông đình,
Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu!

Quí hồ anh có lòng thương,
Em sẽ quyết đợi như rương khóa rồi!

Quả dưa trong héo ngoài tươi,
Thương chàng như thể thương người lầu tây.

Ai về đằng ấy, đằng này,
Để đêm em nhớ để ngày em thương.

Yêu nhau đi nhớ về thương,
Em về cái chốn buồng hương anh nằm.

Thấy chiếu mà chẳng thấy chăn,
Thấy chỗ anh nằm, chẳng thấy anh đâu!

Ra về gởi bốn câu thơ:
Câu thương, câu nhớ, câu chờ, câu mong!

Ra về, tay nắm lấy tay,
Mặt nhìn lấy mặt, lòng say lấy lòng.

Rào ngăn, cửa đóng làm chi?
Yêu nhau, sao bít đường đi lối về?

Ruộng ai thì nấy đắp bờ,
Duyên ai nấy gặp, đợi chờ uổng công!

Rủ nhau xuống biển, mò cua,
Đem về nấu quả mơ chua trên rừng.
Em ơi! Chua ngọt đã từng,
Non xanh, nước bạc, ta đừng quên nhau!

Sầu riêng, cơm chẳng muốn ăn,
Đã bưng lấy bát, lại dằng xuống mâm!

Sông sâu, cá lặn vào bờ,
Lấy ai thì lấy, đợi chờ nhau chi?

Sông sâu, cá lặn mất tăm,
Chín tháng cũng đợi, mười năm cũng chờ!

Chờ anh, chờ ngẩn, chờ ngơ,
Chờ hết mùa mận, mùa mơ, mùa đào!
Chờ anh cho tuổi em cao,
Cho duyên em muộn, má đào em phai!

Sông sâu, cá lội ngù ngờ,
Biết em có đợi, mà chờ uổng công!

Sông sâu, nước chẩy làm vầy,
Ai xui em đến chốn này, gặp anh.
Đào tơ, sen ngó xanh xanh,
Ngọc lành phải giá, gái lành phải duyên.

Hay cho rồng lại gặp tiên,
Phượng hoàng há dễ đứng bên đàn gà!

Sáng ngày tôi đi hái dâu,
Gặp hai anh ấy ngồi câu thạch bàn.
Hai anh đứng dạy hỏi han,
Hỏi rằng: Cô ấy vội vàng đi đâu?
Thưa rằng: Tôi đi hái dâu.
Hai anh mở túi, đưa trầu mời ăn.
Thưa rằng: Bác mẹ tôi răn,
Làm thân con gái, chớ ăn trầu người!

Tang bồng tích hỡi vân vi,
Bé nghe cha mẹ, lớn thì nghe anh!

Tay nâng chén muối, đĩa gừng,
Gừng cay, muối mặn xin đừng quên nhau!

Tình anh như nước dâng cao,
Tình em như dãi lục đào tẩm hương!

Tóc em dài, em cài hoa lý,
Miệng em cười, có ý em thương.

Tiếc thay cái tấm lụa đào,
Áo rách chẳng vá, vá vào áo tơi.
Trời kia có thấu chăng trời?
Lụa đào mà vá áo tơi sao đành!

Từ ngày gặo gỡ giữa đường,
Những lời em nói nhớ thương vô cùng!
Tưởng nên cơm cháo đã mừng,
Hay đâu cá biển, chim rừng biệt tăm!

Tay tiên rót chén rượu đào,
Đổ đi thì tiếc, uống vào thì say.

Chẳng chè, chẳng chén, sao say?
Chẳng thương, chẳng nhớ, sao hay đi tìm?

Tìm em như thể tìm chim,
Chim ăn biển bắc, đi tìm biển đông.

Từ ngày ăn phải miếng trầu,
Miệng ăn môi đỏ, dạ sầu đăm chiêu.
Biết là thuốc dấu hay là bùa yêu?
Làm cho ăn phải nhiều điều xót xa.
Làm cho quên mẹ, quên cha, quên cử, quên nhà.
Làm cho quên cả đường ra, lối vào.
Làm cho quên cá dưới ao,
Quên sông tắm mát, quên sao trên trời.

Thân en như đóa hoa rơi,
Phải chăng chàng thật là người yêu hoa?

Thân em như giấy nửa tờ,
Chớ nghi mà tội, chớ ngờ mà oan!

Thân em như ớt chín cây,
Càng tươi ngoài vỏ, càng cay trong lòng!

Thân em như tấm lụa đào,
Phất phơ giữa chợ, biết vào tay ai?

Thật là một thương, hai nhớ, ba sầu,
Cơm ăn chẳng được, ăn trầu ngậm hơi.

Thủy chung em giữ trọn lời,
Chết thì chịu chết, lìa đôi không lìa!

Thương anh không biết để đâu?
Để quán, quán đổ, để cầu, cầu xiêu!

Thương em, chẳng biết để đâu?
Để trong tay áo, lâu lâu lại dòm!

Thương em vô giá, quá chừng!
Trèo non quên mệt, ngậm gừng quên cay.

Thân em như củ ấu gai,
Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen.

Ai ơi! Nếm thử mà xem,
Nếm xong mới biết rằng em ngọt bùi!

Thò tay mà ngắt ngọn ngò,
Thương em đứt ruột, giả đò ngó ra!

Tình thương, quán cũng như nhà,
Lều tranh có nghĩa hơn tòa ngói cao!

Thương cha thương mẹ có khi,
Thương em lúc đứng, lúc đi, lúc ngồi,
Thương cha thương mẹ có hồi,
Thương em khi đứng, khi ngồi, cũng thương!

Thương em, anh cũng muốn thương,
Nước thì muốn chảy nhưng mương chẳng đào,
Em về lo liệu thế nào,
Để cho nước chảy lọt vào trong mương.

Thương sao thương quá bất nhơn!
Bữa nay gặp mặt, thương hơn bữa nào!

Thương thương, nhớ nhớ, sầu sầu,
Một ngày ba bận ra cầu đứng trông.

Thấy người nam, bắc, tây, đông,
Thấy toàn thiên hạ mà không thấy chàng!

Thương nhau cởi áo cho nhau,
Về nhà mẹ hỏi, qua cầu gió bay.
Tại mẹ may áo rộng tay,
Con quen gió mát, gió bay mất rồi!

Trăm năm đành lỗi hẹn hò,
Cây đa bến cũ, con đò khác đưa.

Trăng khuya, trăng khóc trên đồi,
Khóc cho chiếc bóng hết ngồi lại đi.

Nhớ chàng lắm, chàng ơi!
Sao chàng không tới để em ngồi lẻ loi.

Trên thiên, dưới thủy,
Lòng em tu bỉ ở vậy chờ anh.
Chờ chừng nào cho bông thọ trắng trổ xanh,
Em đây mới lấy chồng.

Trời sinh con mắt là gương,
Người ghét ít ngó, người thương ngó hoài.

Trúc xinh, trúc mọc bờ ao,
Em xinh, em đứng chỗ nào cũng xinh!
Trúc xinh, trúc mọc đầu đình,
Em xinh, em đứng một mình cũng xinh!

Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà, hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em có chồng anh tiếc lắm thay!
”Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ?
Chim vào lồng, biết thuở nào ra?”

Trên trời có đám mây xanh,
Ở giữa mây trắng, chung quanh mây vàng.
Ước gì anh lấy được nàng,
Để anh mua gạch Bát tràng về xây.
Xây dọc rồi lại xây ngang,
xây hồ bán nguyện cho nàng rửa chân.
Có rửa thì rửa chân tay,
Chớ rửa lông mày chết cá ao anh!

Nhà anh có một cây chanh,
Nó chửa ra cành, nó đã ra hoa.
Nhà anh có một mẹ già,
Thổi cơm chẳng chín, quét nhà chẳng nên!
Ăn cổ lại đòi ngồi trên,
Mâm son, bát sứ đem lên hầu bà…

Ước gì có cánh như chim,
Bay cao lượn thấp đi tìm người thương.

Ước gì anh hóa ra hoa,
Để em nâng lấy rồi mà cài khăn!

Ước gì em hóa ra chăn,
Để cho em đắp, em lăn cùng giường.

Ước gì anh hóa ra gương,
Để cho em cứ ngày thường em soi.

Ước gì anh hóa ra cơi,
Để cho em đựng cau tươi, trầu vàng…

Vì tình, anh phải đi đêm,
Vấp năm bảy cái, đất vẫn êm hơn giường!

Vì sàng nên gạo xuống nia,
Vì anh, em phải đi khuya, về thầm!

Vầng trăng ai xẻ làm đôi?
Đường trần, ai vẽ ngược xuôi, hỡi chàng?
Đưa nhau một bước lên đàng,
Cỏ xanh hai dãy, mấy hàng châu sa…

Vào vườn trẩy quả cau non,
Anh thấy em dòn, muốn kết nhân duyên.

Hai má em có lún đồng tiền,
Càng trông càng đẹp, càng nhìn càng ưa!
- Anh đã có vợ con chưa?
Mà anh ăn nói gió đưa ngọt ngào.

Mẹ già, anh để nơi nao?
Để em tìm vào, hầu hạ thay anh!

Xa xôi, cách núi lỡ vời,
Gửi thư e chậm, gửi lời sợ quên!

Xa xôi, em nhớ ngại ngùng,
Xa người, xa tiếng, nhưng lòng không xa!

Xin trời cho ngược gió đông,
Thuyền quay mũi lại, thiếp trông thấy chàng!

Xưa kia nói nói thề thề,
Bây giờ bẻ khóa, trao chìa cho ai?

Yêu nhau cởi áo cho nhau,
Về nhà mẹ hỏi, qua cầu gió bay.

Yêu nhau cởi nhẫn cho nhau,
Về nhà mẹ hỏi, qua cầu đánh rơi.

Yêu nhau, ruột héo , gan mòn,
Yêu nhau đến thác vẫn còn yêu nhau.

Yêu nhau, xé lụa may quần,
Ghét nhau kể nợ, kể nần nhau ra.

Yêu nhau yêu cả đường đi,
Ghét nhau, ghét cả tông chi họ hàng.

Tài liệu tham khảo:
-Việt nam Văn Học Sử yếu – Dương Quảng Hàm – Bộ Giáo Dục Trung Tâm Học Liệu
- Tục ngữ, cao dao và dân ca – Bảo Vân – Nhà xuất bản Quê Hương
- Hoa Đồng Cỏ Nội – Minh Hương – Nhà xuất bản Xuân Thu
- Ca Dao Trử Tình Việt Nam – Vũ Dung, Vũ Thế Anh, Vũ Quang Hào – Nhà xuất bản Giáo Dục

Đây là bài sưu tầm rất đơn sơ mà người soạn chỉ tìm lại được trong khả năng hạn hẹp của mình, mong chia sẻ cùng bạn đọc . Trong vườn hoa thi ca truyền miệng Việt Nam còn vô số, muôn hình vạn trạng những cành hoa đơn sơ, thơm dịu… mãi mãi làm ngát lòng nguời.