PDA

View Full Version : Liễu Phàm Tứ Huấn



gioidinhhue
10-14-2010, 11:14 AM
Liễu Phàm Tứ Huấn Viên Liễu Phàm

了凡四訓 袁了凡居士著

Nguyên bản: 了凡四訓精解- 黃智海 先生演述 http://book.bfnn.org/books/0113.htm

Ban Việt Dịch Vạn Phật Thánh Thành dịch và chú thích



Ghi chú của Ban Việt Dịch: Quyển Liễu Phàm Tứ Huấn là sách khuyến dạy tu thiện, giúp xây dựng lại và củng cố nền tảng căn bản làm người: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí ,Tín. Tuy mang nhiều quan điểm Khổng giáo, chú trọng công danh, khoa cử, cầu phước thế gian ... nhưng qua đó thấy được con người không bị trói buôc bởi vận mạng, và có thể sửa đổi vận mạng tốt đẹp hơn bằng cách làm thiện, tu đức khiêm nhường, gây tạo âm đức .... Hy vọng người đọc dùng tinh thần giải thoát vô ngã của Phật giáo để hành thiện, giúp mình và người cùng tu phước huệ, vựợt qua vận mạng, đồng lên bờ giải thoát.


Mục lục



Chương một : Thay đổi số mạng

Khổng tiên sinh bói số mạng

Thuyết đổi mạng của thiền sư Vân-Cốc

Phàm phu động niệm theo nghiệp không hay, thánh nhân vô tâm nghiệp lôi liền biết

Phải tìm cầu mọi việc trong tâm không gì mà không được

Sâu tìm nguyên nhân vô phước

Phước ai nấy hưởng

Định mạng do trời, sửa mạng do ta

Quyết tâm sửa đổi

Trì chú vô niệm

Vô niệm nhìn không hai

Tu thân là cảnh giác niệm trong lòng

Phương pháp trì chú

Tu hành suốt ngày đề cao cảnh giác

Số mạng bắt đầu đổi

Tự kiểm ưu khuyết điểm

Nghiêm chỉnh thi hành sổ thiện ác

Lời dạy con

Đo lường tiến bộ



Chương hai : Phương pháp sửa đổi

Cử chỉ lời nói, trưng bày thành bại

Yếu tố sửa đổi

1. Biết xấu hổ

2. Biết lo sợ

3. Có cương quyết

Hình thức sửa đổi

a. Sửa theo viêc; ngăn chặn tạo lỗi lầm

b. Sửa trên lý; thấy lý nhờ bình tĩnh

c. Sửa trong tâm; cảnh giác niệm trong lòng

Kết quả sửa đổi



Chương ba : Phương pháp làm thiện

Những câu chuyện làm thiện dư phước cho con cháu

Cứu người chết đuối

Xin toà bớt nóng

Nhịn ăn cứu tù

Tránh giết dân lành

Bố thí chân thành

Cứu người rét cứng

Giúp đỡ ngấm ngầm

Giúp nghèo xây công

Làm thiện sau lưng không ai biết

Chân thành cúng dường xây mái chùa

Giúp tù không cần đền đáp

Tiêu chuẩn làm thiện

Lợi người, dù chữi đập đều là thiện. Lợi mình, dù kính chìu vẫn là ác

Giúp, thương, tôn kính đời là thiện. Nịnh, ghét, bỡn cợt đời là ác

Dương thiện hưởng tiếng, âm đức hưởng phước

Việc thiện phải nghỉ đến hậu quả lâu dài

Gặp ác không can thiệp là làm ác

Làm ác với động cơ thiện là làm thiện

Thiện ác tích trữ như đồ vật, nhanh chậm nhiều ít tuỳ theo mình

Chân thành cúng dường hai xu hơn công đức ngàn lượng vàng

Làm thiện vì mình, công đức chỉ phân nữa. Không vì mình, được trọn vẹn

Lòng khởi động niệm, dù thân chưa làm, thiện ác đã tạo

Khó nhưng làm được mới là quý

Mười điều làm thiện

1. Khiến người làm thiện không cần lời

2. Thánh phàm khác chổ lòng kính yêu

3. Nâng đỡ người thiện đến nơi chốn

4. Khuyên người mê lầm phải khéo léo

5. Giúp đỡ nhiều ít không cần biết, ra tay giúp ngay mới là quý

6. Xây dựng lợi chung, kêu gọi góp sức

7. Tập làm thiện, trước tiên tập bố thí

8. Hộ trì chánh pháp

9. Tôn kính trưởng lão như tôn kính trời

10. Yêu quý mạng sống, nhớ ơn cơm áo



Chương bốn : Đức hạnh khiêm tốn

Thật thà chất phát, cung kính vâng chìu, thận trọng dè dặt, bị nhục không cãi

Khiêm hạ nghiêm nghị, thản nhiên nhận lỗi

Phước sắp đến, trí tuệ mở : lông bông sẽ chửng chạc, láo xược sẽ nghiêm nghị

Tạo công đức không cần tốn tiền, giữ niệm thiện trong lòng là đủ

Khiêm tốn đi đến đâu đều được hoan hỷ chỉ dạy, ích lợi vô cùng

Chí nguyện như gốc rễ, có rễ mới có trái

Chương một : Thay đổi số mạng.



Khổng tiên sinh bói số mạng

Lúc ta (1) còn nhỏ, thân phụ mất sớm. Thân mẫu bảo ta Nên bỏ con đường thi cử (2) làm quan mà nên chọn nghề thầy thuốc, vì nghề này vừa có thể sinh sống, vừa có thể giúp người. Hơn nữa, nếu hành nghề giỏi sẽ có tiếng tăm. Đó cũng là ước muốn của cha con vậy.

Sau ta gặp một cụ già tại chùa Từ Vân, cụ râu dài oai nghi, phơi phới như tiên. Ta do đó cung kính chào hỏi. Cụ thấy ta bèn nói: Tướng ngươi có mạng làm quan, năm tới sẽ đậu Tú Tài, sao giờ này còn lang thang ở đây không lo học ? Ta trình bày nguyên do và đồng thời xin cụ cho biết tên họ và quê quán. Cụ nói: Ta họ Khổng, người Vân Nam . Ta được chân truyền quyển Hoàng-Cực-Số (3) của ông Thiệu. Ta biết môn này sau này sẽ truyền lại cho ngươi. Ta mời cụ về nhà và kể lại cho mẹ. Mẹ dặn phải tiếp đãi tử tế và xem cụ đoán số ra sao. Cụ bói cho ta từ việc lớn đến việc nhỏ đều chính xác vô cùng. Làm ta ước mơ trở lại học văn và bàn với ông anh họ Thẩm Xứng. Ông anh nói : Thầy Úc Hải Cốc đang mở lớp học tại nhà ông Thẩm Hữu Phu, anh sẽ gởi em đến đó học không thành vấn đề. Ta bèn bái lạy thầy Úc làm thầy.

Cụ Khổng lấy số cho ta như sau : Lúc còn là đồng sinh (4), sẽ thi ở Huyện đậu hạng 14, thi ở Phủ hạng 71 và thi ở Đề Đốc (5) hạng 9. Năm tới đi thi, quả thật cả ba nơi đều đậu hạng đúng y như tiên đoán của cụ.

Cụ Khổng lấy thêm số tốt xấu suốt cuộc đời cho ta. Tiên đoán rằng, năm nào sẽ thi đậu hạng mấy, năm nào sẽ thi vào dự bị lẫm sinh (6), năm nào sẽ lên cống sinh. Sau khi lên cống sinh, đến năm nào sẽ được bổ nhiệm làm huyện trưởng trong tỉnh Tứ-Xuyên, nhưng chỉ làm được ba năm rưỡi rồi sẽ xin về hưu. Năm 53 tuổi, ngày 14 tháng 8, giờ Sửu, sẽ mất tại nhà. Tiếc rằng không con nối dõi. Ta cẩn thận ghi lại tất cả.

Từ đó về sau, mỗi lần thi cử đều đậu hạng không ngoài sự tiên đoán của cụ Khổng. Chỉ có một lần, cụ tiên đoán chừng nào phụ cấp lẫm sinh ta lên đến 91,5 thạch (7) gạo mới được lên cống sinh. Nhưng đến khi phụ cấp ta lên đến 70 thạch, quan Tông-Sư họ Đồ trong Đề-đốc-học-viện đã xin cho ta lên dự bị cống sinh. Ta thầm nghi trong bụng rằng cách bói của cụ Khổng chưa chắc chính xác hoàn toàn.

Nhưng sau đó quả thật vì cấp trên vắng mặt, quan thay thế tạm thời lúc đó là ông Dương, bác bỏ đơn xin này. Mãi cho đến năm Đinh Mão (1627), quan Tông-Sư Ân Thu Minh tình cờ xem lại những bài thi tuyển (8) còn xót lai nơi trường thi, thấy bài thi của ta xuất sắc mà tiếc rằng : Năm bài thi vấn đáp này đâu có thua những bài tấu nghị (9) trong triều đình. Ta nỡ nào để những học trò tài giỏi như thế mà chôn vùi mãi trong phòng học. Bèn chiếu theo đơn xin cũ, phê chuẩn cho ta lên dự bị cống sinh. Nếu tính luôn những trợ cấp từ trước đến giờ, vừa đúng 91,5 thạch.

Kể từ đó ta càng tin theo số mạng an bài; mọi việc thăng quan tiến chức, giàu sang phú quý đều có thời có lúc của nó. Vì vậy ta an phận mặc đời đẩy đưa, chẳng mong cầu gì cả.

http://chuavanphat.org/

gioidinhhue
10-14-2010, 11:15 AM
Thuyết đổi mạng của thiền sư Vân-Cốc

Sau khi xuất cống, ta lên Yến-Đô (1) học tiếp. Ở đó một năm, suốt ngày ngồi yên không học chữ nào. Đến năm sau Kỷ Tỵ (1629), ta trở về Nam-Ung (2). Nhân dịp Quốc-Tử-Giám(3) còn chưa khai giảng, ta lên núi Thê Hà thăm thiền sư Vân-Cốc Pháp-Hội (4). Ngồi trong phong đối diện với thiền sư suốt ba ngày đêm không chợp mắt.

Sau sư hỏi : Sở dĩ con người không thể trở thành thánh nhân chỉ vì bị những vọng niệm lăng xăng trong lòng không ngừng trồi sụt quấy rầy mà thôi. Ngươi ngồi ba ngày mà không thấy khởi lên một vọng niệm nào, làm sao mà làm được như vậy ? Ta trả lời rằng : Vì sau khi Khổng tiên sinh bói số mạng con, con đã thấy cuộc đời sống chết vinh nhục đều do trời đã sắp đặt sẵn. Dù muốn dù không cũng chẳng thay đổi được gì. Suy nghĩ thêm cũng vậy thôi!



(1) Yến Đô : Nay tên là Bắc Kinh.

(2) Nam Ung = Nam Kinh Bích Ung, nay gọi là Nam Kinh.

(3) Quốc Tử Giám : Trường đại học công lập. Đặc biệt trong thời Minh, vì Nam kinh từng là kinh đô nhà Minh, nhưng sau đó dời lên Bắc kinh cho nên thời đó có 2 kinh đô và 2 Quốc Tử Giám.

(4) Thiền sứ Pháp Hội : biệt hiệu Vân Cốc. Người Triết Giang. Người ta xưng ngài là tổ thiền tông Trung Hưng. Năm đó thiền sư 69 tuổi, Liễu Phàm 35 tuổi.

 

Phải có sự chuyển biến mạnh mẽ



Sư cười rằng : Ta tưởng ngươi là người xuất chúng, nào ngờ chỉ là phàm phu . Ta không hiểu và hỏi tại sao ? Thiền sư trả lời rằng : Lòng người còn lăng xăng không yên, thì còn bị bị âm dương khí số (1) trói buộc, làm sao có thể bảo là không số mạng được ? Nhưng số mạng chỉ chi phối cho người thường, là những người suốt đời sống xuôi chiều theo tánh mình, không biết thay đổi mà thôi. Còn đối với những người có sự chuyển biến mạnh mẽ thì số mạng không thể chi phối. Như người trở nên quá tốt, sẽ thấy đời đi lên. Ngược lại, người trở nên quá xấu sẽ thấy đời đi xuống. Hai mươi năm nay Khổng tiên sinh cho ngươi thấy được số mạng mà ngươi không thể thay đổi chút nào, vậy không phải phàm phu là gì ?

 

(1) Âm dương khí số : Tức là số mạng. Vì mỗi lý luận trong bói số đều suy diễn trên quan niệm âm dương của Kinh Dịch.

 

Phải tìm cầu mọi việc trong tâm

Ta hỏi thêm : Không lẽ người ta có thể thoát khỏi sự chi phối của số mạng hay sao ? Sư rằng : "Mạng do ta tạo, phước do mình tìm". Kinh-thư và Kinh-Thi đã dạy rõ ràng như thế. Còn kinh Phật cũng dạy : "Mong cầu giàu sang sẽ giàu sang, mong cầu sanh gái trai sẽ sanh gái trai, mong cầu sống lâu sẽ sống lâu". Này, vọng ngữ là đại giới của đức Thích Ca, chẳng lẽ chư Phật, Bồ tát cũng nói dối lừa gạt người sao ?

Ta không đồng ý rằng : Mạnh tử dạy (1) : "Không tìm thì thôi, tìm sẽ được. Tìm như vậy có ích lợi vì tìm được, đó là tìm bên trong ta. Còn tìm không đúng cách mà kết quả tuỳ thuộc số mạng. Tìm như thế vô ích vì tìm chẳng được, đó là tìm bên ngoài ta". Như nhân nghĩa đạo đức, đó là những gì trong ta, ta có thể đạt được bằng sức mình. Nhưng đi tìm công danh phú quý ngoài ta, tìm như vậy làm sao tìm được ?

Sư trả lơi : Mạnh Tử nói rất đúng, chỉ vì ngươi hiểu sai mà thôi. Ngươi không nghe Lục Tổ nói sao ? "Tâm ta như miếng ruộng, phước hoạ do mình trồng". Phải tìm trong lòng mà gieo, không gì mà không được cả. Tìm do ta, không riêng nhân nghĩa đạo đức, mà công danh phú quý cũng sẽ được hết. Trong và ngoài đều được, tìm như vậy mới có ích lợi vì tìm được. Ngược lại, nếu không biết xem xét trong lòng mà tìm cầu bên ngoài, thì tìm có vẽ đúng cách nhưng được hay không lại tuỳ thuộc số mạng. Cuối cùng trong và ngoài đều mất. Vì vậy Mạnh Tử nói "vô ích" là vậy .

 

(1) Mạnh Tử, chương Tận Tâm : Cầu tắc đắc chi, xá tắc thất chi, thị cầu hữu ích ư đắc dã,cầu tại ngã giả dã 。Cầu chi hữu đạo,đắc chi hữu mệnh,thị cầu vô ích ư đắc dã,cầu tại ngoại giả dã 。


Sâu tìm nguyên nhân vô phuớc

Thiền sư hỏi tiếp: Khổng tiên sinh lấy số mạng suốt đời cho nhà ngươi thế nào ? Ta trình bày hết từ đầu đến cuối cho thiền sư. Rồi thiền sư hỏi: Ngươi tự xét lại xem ngươi xứng đáng đậu tiến sĩ hay không ? Có xứng đáng có con nối dõi hay không?

Ta tự kiểm lại khá lâu rồi đáp : Dạ, con không xứng. Vi những người thi đậu làm quan là những người có phước. Con không phước. Hơn nữa, con không lo xây dựng đức hạnh để tạo nền tảng tiếp nhận phước lớn. Tánh con thường bực bội bồn chồn, chịu không nổi những sự phiền toái vụn vặt xẩy đến trong đời sống. Lòng hẹp hòi không thể bao dung người khác. Thường lấy tài mình chèn ép người khác. Lại thích sao làm vậy, không suy nghĩ cặn kẽ. Lời không thận trọng thường nói bậy. Những điều như thế đều là tướng vô phước, làm sao xứng đáng con đường khoa cử ?

Con cũng không đáng có con. Vi chỗ nào càng dơ càng nhiều sinh vật, nước trong thì ít tôm cá. Con có tật thích sống sạch cho riêng mình, đó là nguyên nhân thứ nhất không con. Bầu không khí hòa thuận sẽ làm cho mọi loài sanh sôi, mà tánh con lại hay nóng giận bực bội, đó là nguyên nhân thứ hai không con. Yêu thương là nền tảng của sự sanh sôi, còn khắc khe ích kỷ là nguồn góc của sự không sanh dục. Con chỉ biết yêu quý danh vọng tiết tháo của mình, thường không thể hy sinh giúp đở người khác, đó là nguyên nhân thứ ba không con. Sức khoẻ con người là nhờ tinh, khí, thần. Con thích nói nhiều hao khí, đó là nguyên nhân thứ tư không con. Con thích uống rượu mà hao tinh, đó là nguyên nhân thứ năm không con. Thường thích ngồi suốt đêm không ngủ mà hao thần đó là nguyên nhân thứ sáu không con. Ngoài ra còn nhiều lỗi lầm, không sao nói hết .

gioidinhhue
10-14-2010, 11:16 AM
Phước ai nấy hưởng

Thiền sư Vân Cốc nghe xong rồi bảo : Đâu phải chỉ có vấn đề thi cử mới như vây đâu. Có người hưởng được gia tài hàng tỷ bạc, có người hưởng được gia tài hàng triệu bạc, cũng có người nghèo đến chết đói. Người thấy lý lẽ, biết đó là phước báo mỗi người. Còn người không thấy thì sẽ giải thích bằng định mệnh, là trời kêu ai nấy dạ. Thật ra trời chẳng qua xử lý trên những gì con người có, chứ có bao giờ thêm bớt chút nào theo ý riêng của mình đâu ?

Vấn đề sinh con nối dõi cũng vậy, có người tích trữ được trăm đời công đức sẽ dư lại cho trăm đời con cháu hưởng. Người có tích trữ được mười đời công đức sẽ dư lại cho mười đời con cháu hưởng. Người chỉ tích trữ được hai ba đời công đức thì chỉ dư lại cho hai ba đời con cháu hưởng. Còn những người vô hậu thì thấy rõ phước họ không còn gì nữa .

Nay ngươi đã thấy vấn đề ở đâu thì phải hết lòng sửa lại những nguyên nhân làm cho không đậu tiến sĩ cũng như không con nối dõi. Phải tích trữ công đức, phải bao dung lỗi lầm người khác, phải hoà thuận yêu thương mọi người và phải giữ gìn sức khoẻ. Những gì từ trước đến nay coi như đã chết đi, từ nay về sau phải sống lại như một người hoàn toàn đổi mới, một người sống bằng nghĩa và lý chứ không phải một người tầm thường bằng xương thịt nữa .



Định mạng do trời, sửa mạng do ta

Phàm phu sống bằng xương thịt lẽ di nhiên bị lệ thuộc vào số mạng. Nhưng con người sống bằng nghĩa và lý không lẽ không cảm động được trời để thay đổi số mạng hay sao ? Trang Thái Giáp trong Kinh Thư có nói : "Chúng ta có thể tránh khỏi tai hoạ do trời đã đặt. Nhưng chúng ta không thể chạy thoát hậu quả do chính mình làm". Kinh Thi cũng có nói : "Việc làm mình phải phù hợp với ý trời mới tạo được nhiều phước cho mình". Khổng tiên sinh đoán ngươi không đậu tiến sĩ, không con nối dõi, tuy đó là số trời đã định nhưng vẫn có thể không tuân theo. Nhưng từ nay về sau ngươi phải trau dồi thật nhiều tánh hạnh đạo đức, hết lòng làm thiện, tích trữ âm đức. Phước này do mình tạo, không hưởng sao được ?

Mục đích của Kinh Dịch là giúp cho con người biết tìm phước tránh hoạ. Nếu nói số mạng không đổi thì làm sao mà tìm phước tránh hoạ được ? Ngay chương đầu của Kinh Dịch đã nói : "Gia đình làm thiện, ắt dư phước cho con cháu". Ngươi có tin những điều đó không ?



Quyết tâm sửa đổi

Ta hoàn toàn tin phục những lời dạy của thiền sư và quỳ sụp xuống xin thọ giáo. Trước bàn thờ Phật, ta viết hết tất cả tội trạng từ trước đến nay để xin sám hối. Sau đó ta xin cầu được đậu cử nhân và hứa sẽ làm ba ngàn điều thiện để đền đáp ân đức nuôi dưỡng của trời đất và tổ tiên.



Trì chú vô niệm

Vân Cốc thiền sư đưa cho ta cuốn sổ thiện ác (1), bảo ta phải ghi hết những điều thiện ác đã làm trong ngày; thiện thì được điểm, ác thì trừ điểm. Ngoài ra còn dạy ta trì chú Chuẩn-Đề và chờ ngày ứng nghiệm.

Thiền sư dạy ta rằng : Những người chuyên vẽ bùa chú cho rằng : "Vẽ bùa không đúng cách sẽ bị quỷ thần chê". Bí quyết vẽ bùa là vẽ trong lúc niệm không động mà thôi. Khi tay cầm viết vẽ bùa, trước hết phải buông hết mọi duyên (2) xuống, không nổi lên một trần (3) nào. Rồi từ chỗ niệm chưa động chấm xuống, chấm đó gọi là "hỗn độn khai cơ". Rồi vẽ một hơi liên tục đến hết. Trong lúc vẽ, lòng không suy nghĩ thì bùa mới linh. Cầu trời đổi mạng cũng vậy, phải cảm ứng trong lúc niệm không động .


(1) Sổ thiện ác : là cuốn sổ ghi hết những tiêu chuẩn thiện ác và số điểm tương đương để hành giả có thể dựa vào đó mà tự cho điểm thiện ác.

(2) Nhân duyên : Nhân là nguyên nhân trực tiếp trong lòng đưa đến hậu quả. Duyên là nguyên nhân gián tiếp ngoại lai đưa đến hậu quả. Đây ý chì phải buông hết mọi vấn đề buồn vui lo sầu trong đời sống.

(3) Trần : Đây ý chỉ đứng trước ngoại cảnh mà lòng không động. Sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Là đối tượng của tâm qua 6 giác quan là mắt tai, mũi, lưỡi, thân và ý.



Vô niệm nhìn không hai

Mạnh tử nói về số mạng (1) rằng : "Yểu thọ không hai, lấy cảnh giác để tu thân, rồi mới an trụ trong bất cứ hoàn cảnh nào". Về vấn đề "yểu và thọ", nếu ai cho là hai việc khác nhau, thì xin quan sát hai việc này trong lúc niệm không động, trong tâm trạng đó, thế nào là yểu? Thế nào là thọ? Suy diễn ra, nhìn giàu nghèo không hai rồi mới sống an vui trong giàu nghèo. Nhìn may rủi xui không hai rồi mới không bận tâm trong thân phận quý hèn. Nhìn yểu thọ không hai rồi mới sống chết tự tại. Con người đều cho sống chết là việc quan trọng. Cho nên Mạnh Tử ở đây chỉ đề cập đến vấn đề yểu thọ mà thôi. Hiểu được yểu thọ không hai thì sẽ hiểu hết mọi việc thuận nghịch trên đời đều như vậy cả .

 

(1) Mạnh Tử, chương Tận Tâm : "Yểu thọ bất nhị, tu thân dĩ sĩ chi, sở dĩ lập mạng dã"



Tu thân là cảnh giác niệm trong lòng

Còn vấn đề " Lấy cảnh giác để tu thân" là về việc tích trữ đức hạnh và cầu trời đổi mạng. Chữ "tu" có nghĩa là tu sửa hành vi. Khi lời nói, hành động hay ý nghĩ có gì không tốt đều phải sửa ngay. Còn chữ "cảnh giác" là công phu theo dõi niệm trong lòng. Khi trong lòng vừa khởi lên một chút ước mong thầm kín không chánh đáng hay một chút ý nghĩ vẩn vơ không cần thiết đều phải phát giác liền và không theo. Khi làm được như vậy thì mới có thể đi thẳng vào cảnh giới tiên thiên (1), học được như vậy mới thật sự là học .

 

(1) Cảnh tiên thiên : Tấm lòng ban sơ trong sáng chưa bị ô nhiệm bởi tư tưởng trần tục.


Phương pháp trì chú

Hiện giờ ngươi còn chưa đạt đến trình độ vô tâm, cho nên phải trì chú Chuẩn Đề (1). Trì liên tục không ngừng, không cần đếm số, cũng không cần nhớ. Trì đến thuần thục sẽ đến trạng thái trì như không trì, không trì mà trì. Trì đến lúc niệm không khởi sẽ thấy linh nghiệm.

 

(1) Bồ tát Chuẩn Đề : là bồ tát Quan Thế Âm ứng hiện trong mật tông


xem day du tai day :

http://khongtu.com/forum/showthread.php?t=1561