PDA

View Full Version : Bố Thí Vô Úy



hienchanh
10-17-2010, 03:16 PM
:smile:

Bố Thí Vô Úy


Do thấu triệt Tứ Diệu Đế, đức Phật cũng phát hiện ra rằng Tham Lam và Ái Nhiễm là nguyên nhân của Khổ, là lý do chính đã nhận chìm con người trong vòng sanh tử luân hồi.

Tham lam và ái nhiễm đưa tới thói gom góp, tích lũy từ vật chất tới tình cảm, chỉ muốn mọi thứ là của riêng mình, của thân nhân mình, của bè đảng mình, của đất nước mình, vân vân. Thói tật này phát sinh từ niệm vô minh đầu tiên, mà thuốc chữa là xả bỏ, hoặc còn gọi là bố thí.

Vì thế, người nào muốn đi trên con đường sáng dưới Ánh Đạo Vàng thì phải thực hiện hạnh tu xả bỏ, từ xả bỏ những điều tương đối dễ xả bỏ như của cải vật chất, danh vọng, rồi tới điều khó xả bỏ hơn như tình cảm tinh thần.

Chỉ có xả bỏ thì tâm mới không bị ràng buộc loanh quanh trong thói quen thu thập, cất giữ.

Chỉ có xả bỏ thì tâm hồn mới được giải thoát khỏi sự kìm kẹp của sở hữu, Tham Sân Si, thảnh thơi bước trên con đường tự do, khai phóng tâm linh.

Trong Lục Độ ba-la-mật, nghĩa là sáu nhánh thực hành để đưa chúng sinh sang bờ bên kia, tức là thoát khỏi bờ sinh tử, sang được bờ Niết Bàn, thì Bố Thí là pháp môn tu đầu tiên. Bố Thí là cách tu tập để thực hiện hạnh xả bỏ.


Bố thí có 3 loại là:

- Tài Thí tức là bố thí tài vật,

- Pháp Thí tức là bố thí Phật pháp, nghĩa đen là dạy giáo lý nhà Phật cho người ta biết đường tu hành để giác ngộ giải thoát,

- Vô Úy Thí tức là giúp cho tâm hồn người ta thoát khỏi sự sợ hãi.

Nếu chúng ta nghiên cứu kỹ ba loại bố thí này thì dường như Vô Úy Thí là loại chúng ta có nhiều cơ duyên để bố thí, dễ dàng thực hiện và nhiều hoàn cảnh để có thể bố thí nhất .

Về Tài Thí, thì trong những xã hội có hệ thống phúc lợi hoàn hảo, cũng không có nhiều dịp chúng ta phải mở túi tiền ra giúp, hoặc chia sẻ miếng cơm manh áo cho người khác. Cũng có những trường hợp thí dụ thiên tai, hỏa hoạn, chúng ta được kêu gọi giúp đỡ các nạn nhân đấy, nhưng không phải mỗi ngày chúng ta đều gặp. Hoặc ngay như trên thế giới hằng ngày đều có những nạn nhân cần trợ giúp, nhưng chính chúng ta cũng không thể luôn luôn móc túi lấy tiền làm chuyện cứu trợ được, dù trong lòng chúng ta rất muốn. Đó là lực bất tòng tâm.

Về Pháp Thí, ngày nay ngành truyền thông phát triển rất rộng rãi, sách báo truyền thanh truyền hình, các hệ thống điện tử toàn cầu với những thư viện điện tử, diễn đàn điện tử, lan rộng từ thành thị tới thôn quê, nên rất nhiều người đã tham dự được vào các loại tiện nghi này để đọc kinh sách, thảo luận, nghe giảng pháp. Nhờ thế, có một số người, nhất là giới trẻ, do tham cứu từ internet mà trình độ Phật học của họ khá thâm sâu, cho nên cơ hội để chúng ta thực hiện Pháp Thí cũng hiếm.

Trái lại, Vô Úy Thí là một hạnh bố thí rất cần thiết mà lại rất dễ thực hiện, không cần phải có nhiều tiền, thậm chí không tốn một xu, thì chúng ta lại ít lưu tâm tới.

Có câu chuyện Thiền nói về ưu điểm của "sự không sợ hãi", lưu truyền tại Nhật như sau:

Trong một trận chiến đấu sinh tử mà quân lính của phe nhà đông hơn phe địch gấp bội. Tuy nhiên, tinh thần binh sĩ lại rất nao núng, chưa đánh mà chỉ muốn rút lui, vì họ nghe nói bên địch là đạo quân bách chiến bách thắng, rất tinh nhuệ trong kinh nghiệm chiến trường.

Tướng chỉ huy bèn tập họp ba quân trước một ngôi đền thờ Thần có tiếng là linh thiêng, rút trong túi ra đồng tiền giơ lên, dõng dạc tuyên bố:

- Chúng ta cầu nguyện rồi tôi sẽ tung đồng tiền này lên xin Thần cho biết số phận chúng ta trong trận quyết tử này. Nếu khi rớt xuống mà mặt ngửa lên có hình đầu người tức là chúng ta sẽ thắng. Nếu mặt không có đầu người ngửa lên thì chúng ta sẽ vâng theo số mệnh mà rút lui.

Quân sĩ nhắm mắt cầu nguyện, rồi vị tướng tung lên đồng tiền, khi rớt xuống, mặt ngửa lên có hình đầu người. Toàn quân reo hò, khí thế bốc lên ngùn ngụt, sự sợ hãi tan biến.

Khi đoàn quấn chiến thắng ca khúc khải hoàn trở về, viên phó tướng tâm tình với đại tướng:

- Thế mới biết không gì có thể thay đổi được số mệnh.

Đại tướng cười, móc túi lấy ra đồng tiền, thì ra cả hai mặt của đồng tiền đều là hình đầu người.


Câu chuyện cho thấy rằng chúng ta có thể chế ngự được sự sợ hãi. Thí dụ sự sợ ma.

Nếu hỏi những người rất sợ ma rằng họ gặp ma chưa thì phần đông đều trả lời rằng bản thân họ chưa gặp ma nhưng họ nghe nói.

Mà những ngưởi kể chuyện ma cho người khác nghe thì cũng chưa chắc đã gặp ma, hay là cũng lại chỉ nghe người ta kể lại. Chuyện ma thì hấp dẫn, vì làm cho tâm tư‎ người nghe bị kích động.


Hồi trước tại Saigon, trong mục truyện dài của một tờ nhật báo có viết về chuyện con ma vú dài tại nhà tù Chí Hòa.

Câu chuyện hoang đường nhưng rất hấp dẫn người đương thời, sau này dính liền với tên vị chủ nhiệm báo, họ gọi ông là chủ nhiệm vú dài.

Những tù nhân có đầu óc bình thường đã từng tạm trú tại nhà tù Chí Hòa, không ai gặp con ma vú dài nào cả.

Đã thấy rõ sự sợ hãi đem lại thống khổ cho con người, vậy chúng ta nên tận dụng mọi cơ hội để có thể Bố Thí Vô Úy. An ủi khi người có những mối lo hoặc tránh kể chuyện ma cho các cụ già sống cô đơn cũng là những cách Vô Úy Thí rất thực tế vậy.


Tuệ Đăng

:smile: