PDA

View Full Version : Đối diện với sự yên lặng



gioidinhhue
10-19-2010, 10:09 AM
Thái tử Tất Đạt Đa quyết định rời những bậc Thầy của mình để tự thân khám phá con đường giác ngộ, tách rời những người bạn đồng tu qua nhiều năm cùng nhau đeo đuổi pháp tu khổ hạnh, một mình thẳng tiến trong rừng sâu, an tọa dưới cội Bồ đề, để chứng nghiệm chân lý, cho đến khi thành đạo là một hình ảnh tiêu biểu trong cuộc đời tầm đạo của Ngài nói lên sự dấn thân tuyệt đối của một con người trong thế cách viễn ly.

Con đường chứng nghiệm chân lý, hay sự thành đạo quả, thật khó có thể thực hiện được trong một thế giới ồn ào, tạp nhiễm, nơi một con người có quá nhiều sự việc, nhiều lo lắng và tâm trí của họ luôn bị chi phối, thôi thúc của sanh tưởng và dục tưởng. Con đường đi đến giải thoát giác ngộ điều kiện cần và đủ là hành giả phải thoát ly mọi sự náo động, để có được đời sống đơn độc và thư thái, an nhiên tỉnh lặng của thân và tâm.

Hình ảnh Thành đạo của đức Phật dưới cây Bồ đề không cùng một bóng người, đồ chúng và bạn đồng học, đối diện với sự yên lặng, tịch tĩnh để soi rọi tâm tướng của mình đã thể hiện pháp hạnh viễn ly tuyệt đối, là một bài pháp sống động mà chúng ta cần phải học và chiêm nghiệm. Thật vậy, đời sống của người xuất gia lấy lý tưởng giải thoát làm mục đích là đời sống bước ra khỏi gia đình, một nếp sống phải hạn chế các ràng buộc thế sự và dành nhiều thời gian để tu tập quán chiếu tự tâm, thấu suốt bản chất của cuộc sống đang diễn bày trước mắt. Vì vậy, sự yên tỉnh của núi rừng, cách ly xóm làng, thanh vắng nơi đô thị là hoàn cảnh thích hợp nhất cho người xuất gia. Nếu người xuất gia luôn bị quá nhiều ngoại duyên chi phối thì thật sự khó có được nội tâm vững chắc và yên tĩnh, tâm thức luôn lăng xăng thì khó có thể định tâm để làm nền tảng để hội chúng nương tựa tu tập. Do đó, qua kinh nghiệm tự chứng của mình, trong sự cần cầu giải thoát đức Phật đã dạy: Này các thầy Tỳ Kheo hãy thoát ly đồ chúng của mình và đồ chúng của người, ở đơn độc, thư thái và thanh vắng dùng tư duy tu mà cắt đứt gốc rễ của đau khổ.

Chúng ta lại biết rằng, với tâm định tĩnh sâu xa, thiền định kiên cố đức Phật đã đoạn tận vô minh, phiền não, gốc rễ sanh tử khổ đau, vượt qua bến luân hồi trong nhiều kiếp sống để thành đạo quả giác ngộ. Cũng thế, chúng ta biết được sự nghiệp và lý tưởng của người xuất gia hiện tướng bên ngoài với vô số hạnh nguyện hóa duyên cứu độ chúng sanh, cốt tủy bên trong không gì khác chính là tâm lực yên tĩnh, tâm giải thoát hay phải có sự tự chứng nội tại. Nếu người xuất gia không học được tâm thái này, chắc chắn sự tùy duyên hóa độ trở nên khó khăn, nhiều cạm bẫy, nhiều chướng duyên, bởi vì không hội đủ năng lực để độ mình thì rất khó có thể độ người cho hữu hiệu. Tâm lực và đạo lực còn yếu kém thì làm sao có thể đối diện và giải hóa được sự chiêu cảm nghiệp lực của chúng sanh, gần nhất là đồ chúng. Hơn nữa, với sức mạnh của nghiệp lực nhiều đời của chúng sanh, người tu tập nếu không cố gắng dụng công thì khả năng yên tĩnh rất khó thực hiện khi đối diện và sống chung. Cho nên, sống và thực hành pháp hạnh viễn ly trong một thế giới hiện nay là một giải pháp tốt, khả dĩ có thể thực hiện được trên con đường giác ngộ trong một thế giới đầy ồn ào và nhiều chướng nhiễm. Do đó, Đức Phật luôn khích lệ và ca ngợi người biết sống viễn ly trong mọi tình huống của đời sống:

Vui thay chúng ta sống

Không rộn giữa rộn ràng

Giữa những người rộn ràng

Ta sống không rộn ràng.

( PC, Kệ 199)

Hơn nữa, trong thế giới và xã hội hiện đại, dù là xuất gia hay tại gia, ở đâu trong lòng quần chúng, giữa xã hội, con người cũng không thể không bị chi phối bởi lực cuốn của đời sống. Thế giới phát triển từng ngày, các phương tiện hỗ trợ cho đời sống dần được số hóa, lại càng không cho phép con người hoạt động và vận hành một cách chậm chạp, thụ động, chính vì thế nếu không để tâm kiểm soát con người cũng dễ dàng đánh mất lấy mình mà chính bản thân của họ cũng không hề hay biết. Do vậy, chủ tâm để kiểm soát nghiêm túc thân và tâm hành trở nên cần thiết hơn lúc nào hết cho tất cả mọi giới, vì có kiểm soát hành động với tâm ý tỉnh táo thì chúng ta có khả năng tránh được những phiền toái do ngoại duyên mang vào.

Thời đại hiện nay người nào thiên về lối sống khép kín hay đóng khung trong một gia đình nhỏ, thu hẹp tầm nhìn của mình với thế giới bên ngoài và môi trường xung quanh thì thật khó thích hợp, nếu không muốn nói tự trói buộc bước tiến và tự làm khó chính mình. Điều quan trọng của người biết sống là phải sống như thế nào cho cùng với sự vận hành của nhịp sống, mà không bị đẩy lùi, dẫn đến cách sống tiêu cực, ích kỷ, khép kín và cố chấp. Chính vì thế, người có tâm lý buông thả, hướng ngoại để vượt quá tầm cho phép, thì hương vị an ổn và hạnh phúc ở thế gian cũng khó đạt được, do đó sự cân bằng trong cách sống là điều cần phải suy nghĩ. Người xuất gia cũng thế, trong thế giới hiện đại không thể sống trong rừng sâu, hoặc đóng cửa sống một mình, không liên hệ với xã hội, điều này trái với nguyên tắc và không hội đủ điều kiện để gánh vác vai trò một sứ giả Như Lai mang đạo vào đời. Cũng thế, nếu người xuất gia không có một đạo lực và sự nhiệt tâm tinh cần đoạn trừ ác nghiệp vững mạnh thì chắc chắn lối sống độc cư, viễn ly là bước đường dẫn đến biếng nhác và sa đọa, vì thiếu sự kiểm soát, khích lệ của quyến thuộc Bồ đề làm tác duyên để tăng trưởng đạo nghiệp. Điều đáng nói là tâm lý ham thích đồ chúng, môn đồ đệ tử, người xuất gia luôn cần phải có tâm thái và pháp hạnh viễn ly dù đang sống trong một hội chúng đông hay ít người. Bởi vì trong một hội chúng nào, cũng luôn bao hàm những nhân tố tốt đẹp và xấu xa, người đồng tình và không đồng tình. Người sống gần gũi với quần chúng thì có nhiều cơ hội để làm lợi lạc cho số đông, nhưng cũng khó tránh khỏi những vướng mắc và phiền toái do đồ chúng mang đến. Do đó, trong Tăng Chi Bộ kinh đức Phật đã dạy: Này các Tỳ kheo, có những hội chúng nông nổi, hội chúng đấu tranh, hội chúng không thù thắng, hội chúng cặn bã nhưng cũng có những hội chúng thâm sâu, hội chúng hòa hợp, hội chúng thù thắng và hội chúng tinh hoa.

Và hơn thế nữa, sự nhận thức để chuyển hóa các phiền não và chướng nghiệp do đồ chúng mang lại cũng là một yếu tố rất cần thiết luôn phải học để tạo dựng một hội chúng an lạc và hòa hợp. Một hội chúng mà không có được vị ngọt của chánh pháp tồn tại, đời sống xuất gia mà thiếu niềm vui trong chánh pháp thì thật là oan uổng, khó có thể thành tựu được mục đích ban đầu. Hình tướng xuất gia mà tâm trống rỗng, lý tưởng yếu đuối, nhiều phiền trược thì không khác gì thế tục, đó cũng chỉ là hình tướng, mà hình tướng thì không thể vượt qua được ác pháp, công đức cao cả của người xuất gia bị đánh mất.

Thế nên, đời sống viễn ly và tu tập pháp hạnh viễn ly là một bước cần có để hạn chế những chướng duyên, giới hạn những đường ác và hỗ trợ cần thiết cho việc tu tập đoạn trừ phiền não, hoàn thành chí nguyện xuất gia. Pháp hạnh viễn ly là pháp hạnh làm viên mãn thân tâm chánh định, dù trong bất cứ môi trường nào đang sống chúng ta cũng cần có và tạo điều kiện để có thế cách viễn ly cho phù hợp hoàn cảnh để đoạn trừ ác pháp, và làm viên mãn Bồ đề.

http://kyvientrungnghia.com/vi/thuvien/tusachtamthi/noisantamthiso6/suthanhdaocuaducphatvabaihocvienly.htm