PDA

View Full Version : Thế giới còn 1 tỉ người đang đói



NBNTB
10-19-2010, 01:23 PM
Năm 2010, thế giới có thể có nhiều nước giàu lên, dân chúng ở những nước ấy sống khá lên. Nhưng hãy nhớ cho rằng, vẫn còn hơn 1 tỉ con người đang vật lộn với cái ăn hàng ngày, vì đang đói. Đây là con số do Viện nghiên cứu quốc tế về chính sách lương thực công bố. Theo tài liệu này, sở dĩ có con số cao như vậy, vì phải tính cả hàng trăm triệu trẻ em đang đói. Mức độ đói nguy hiểm nhất là các nước châu Phi nằm ở phía Nam sa mạc Sahara và khu vực Nam Á.

http://a8.vietbao.vn/images/vn888/hot/201007/1735138661-1-934-1243400ok.jpeg

Trên thế giới vẫn còn nhiều người đói nghèo

Tổ chức lương nông của Liên Hiệp Quốc (FAO) xác tín rằng, nhu cầu tối thiểu của một người một ngày cần 1.800 calorie, đó là mức năng lượng tối thiểu cần thiết cho cuộc sống khỏe mạnh và tích cực. Theo báo cáo của Viện nghiên cứu trên đây, số lượng người đói trên thế giới giảm trong thời gian từ năm 1990 đến 2006. Nhưng thời gian gần đây lại tăng lên, năm 2009 có hơn 1 tỉ người đói. Chỉ số về nạn đói toàn cầu được điều tra ở 122 nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế đang chuyển đổi, trong đó 29 nước nằm ở phía Nam sa mạc Sahara và Nam Á được mô tả là rất nguy hiểm. Số đông các nước nằm trong Liên bang Xô Viết cũ chỉ số người thiếu đói là rất thấp, nhưng ởUzbekistan, Turmenia, Gruzia, Armenia, Azerbaijan, nạn thiếu ăn ở mức trung bình. Nghiên cứu trên đây cho biết tình hình tệ nhất là Cộng hòa Dân chủCongo, tỷ lệ người đói tăng 65% trong 10 năm gần đây.

Những nước giàu theo công bố mới nhất của hãng bảo hiểm Đức Allianz tính theo tổng tài sản tài chính gồm 11 nước. Đứng đầu là Mỹ, có 41.590 tỉ USD tài sản, thị phần tài chính chiếm 38,94% của thế giới (số liệu năm 2009). Tiếp theo là Nhật Bản với tài sản tài chính 14.642 tỉ USD, có thị phần tài chính là 13,7%. Lần lượt sau đó là Đức, Anh, Pháp, Italia, Trung Quốc, Canada, Tây Ban Nha, Australia, Hà Lan... Tính ra tổng tài sản tài chính các quốc gia giàu nhất thế giới so với các nước nghèo cách nhau 45 lần. Thế mà các nước châu Âu chỉ cam kết tài trợ 1,3 tỉ USD cho mục tiêu loại trừ tình trạng bần cùng và thiếu ăn (!?).

Trở lại báo cáo của Viện nghiên cứu quốc tế về chính sách lương thực, ta thấy rất đáng chú ý ở số người thiếu dinh dưỡng và số trẻ em dưới 5 tuổi thiếu cân và có tỷ lệ tử vong cao. Về nguyên nhân hiện tượng tiêu cực này, nổi bật là do giá lương thực - thực phẩm tăng nhanh đi liền với khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Báo cáo ghi nhận ở Burundi và Madagascar, hơn phân nửa số trẻ em không lúc nào được no. Tình hình đó đòi hỏi các nước giàu phải đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc xóa đói giảm nghèo trên khắp thế giới.

Viết lên bài này, người viết muốn lưu ý một điều là, mặc dù thời gian qua, chúng ta đã bảo đảm an ninh lương thực tốt, công tác xóa đói giảm nghèo đạt nhiều thành tựu, nhưng sự biến đổi khí hậu là bất thường và khó lường trước, dễ phát sinh hiện tượng thiếu đói cục bộ, như một số tỉnh miền Trung bị bão lụt vừa qua. Đồng bằng sông Cửu Long năm nay không thấy có nước lũ về, và như vậy không làm vệ sinh đồng ruộng được, phù sa cũng ít đi, các loại côn trùng có hại không bị lũ cuốn đi dễ phát sinh dịch bệnh, điều đó báo trước một vụ Đông xuân có thể gặp khó khăn. Vì thế việc giữ vững và bảo vệ diện tích trồng lúa và cây lương thực khác là rất quan trọng. Bên cạnh các biện pháp kỹ thuật như thủy lợi, làm đất, cơ giới hóa khâu thu hoạch..., cũng cần có chính sách lâu dài về kềm giữ giá các loại vật tư nông nghiệp để người làm ra hột lúa có lãi 30%.


Việt Báo (Theo Báo Hậu Giang)